Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Cỏ non 1

Cỏ non 1

CÁI DIỀU

Mai nằm sấp trên chõng tre, say mê dở từng trang cuốn Quốc văn Giáo khao Thư lớp dự bị. Hữu đang ngồi trông hàng. Bây giờ là mùa hạ. Nhạc ve ran ran sầu và ở giàn thiên lý, hoa đã trĩu xuống từng chùm thơm dìu dịu. Dưới nước, họ hàng nhà gọng vó thi nhau bơi ngược giòng. Cây sung ngả mình ra gần nửa khúc sông, quả chín đỏ ối, rơi lõm bõm như như muốn dụ dỗ những con cá đói mồi. Tiếng sáo vi vu, lơ lửng trong bầu trời xanh, làm tăng thêm nỗi buồn thôn dã.

Dạo này, Mai lớn vượt lên như mấy cây đu đủ ngoài bến đò. Tóc con bé xanh mướt, đôi mắt tròn đen lay láy. Nó thuộc lòng nhiều bài tập đọc, đã làm hết phần câu hỏi, ứng dụng... Thỉnh thoảng, nó còn vẽ lại từng bức tranh nho nhỏ trên đầu trang sách như bức Chỗ quê hương là đẹp hơn cả, họa hình người đeo tay nải đội khăn xếp mặc áo dài, đứng cạnh bờ tường đất nứt lở với bụi tre thưa, với mảnh vườn còm cõi, với bạn bè thăm hỏi chuyện du sơn du thủy; bức Bệnh chó dại hoạ hình thằng Canh chăn bò, bị chó cắn, bố nó phải chở nó đến bệnh viện Pasteur...

Nghĩ tới lúc Mai đứng ngắm bọn mục đồng cho trâu về chuồng rồi cảm hứng đọc bài Chăn trâu, Hữu bật cười. Em nó ngạc nhiên:

- Anh cười em đấy hở, anh ?

- Đâu nào.

- Anh nói dối, anh cười em. Trông em buồn cười, hở ?

- Thật mà, anh chả cười em đâu.

- Thế anh cười cái gì ?

- Anh cười cái ông tác giả.

- Sao lại cười << ông >> tác giả ?

- Vì ông ấy đặt bài Chăn trâu.

- Hễ ai đặt bài học thì người ấy là tác giả hở, anh ?

- Ừ.

- Ai dạy anh vậy ?

- Chú Nghị.

Mai nheo mắt cười, đôi má con bé lúm đồng tiền, xinh xinh đáo để.

- Thích nhỉ, em cũng là tác giả anh Hữu nhỉ ?

Hữu bỡn cợt :

- Em ấy à ?

- Chứ còn ai nữa !

- Em đã làm được bài nào, kể anh nghe đi !

Mai ngồi nhỏm dậy, con bé xòe bàn tay ra, đặt ngón cái vào đốt dưới ngón út, tính toán :

- Ê, anh quên rồi à ? Này nhé, em tả con trâu là một, con chó là hai, cây đa là...

Hữu xích lại gần em, đặt đôi tay nham nhở mạt tre với lên mái tóc mà gió bến đò thổi rối tung của Mai. Cử chỉ thân ái bất chợt ấy khiến em nó ngơ ngác. Con bé hỏi :

- Em nói sai hở, em không là tác giả hở, anh ?

- Em mới tập làm văn, trả lời câu hỏi. Chú Nghị nói giỏi lắm mới thành tác giả.

Mai thè lưỡi thán phục. Giây lát, nó tỏ vẻ nghi ngờ :

- Tác giả giỏi sao anh dám cười ông ấy ?

- À... à... tại ông ấy bảo chăn trâu sướng.

- Ừ nhỉ, chăn trâu khổ thì có anh nhỉ ? Thế tác giả không giỏi nữa hở anh ?

- Giỏi chứ.

- Ông ấy nói sai mà anh ?

- Ừ, sai vì ông ấy chưa phải chăn trâu.

Im lặng, một lúc sau, Mai nói :

- Quyển này có bài em ghét nhất, đố anh biết bài nào ?

- Bài Mấy lời khuyên về vệ sinh.

- Sai.

- Bài Chơi đùa không phải là vô ích

- Sai nốt, anh chịu chưa ?

- Anh chịu.

- Em đọc anh nghe nhé !

- Đọc khe khẽ thôi, kẻo mẹ thức giấc.

Mai nâng quyển sách vừa tầm mắt, đoạn nó đọc :

<< Ông tôi.

Ông tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Đầu râu tóc bạc, da đã nhăn, má đã lõm, lưng đã còng, đi đâu phải chống gậy. Ông tôi không làm việc nặng nhọc nữa. Thường ông tôi ở nhà coi sóc cha mẹ tôi và dạy bảo chúng tôi. Thỉnh thoảng, ông tôi kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe... Chúng tôi lấy làm thích thú lắm. Những khi đi học về, tôi hay đem chuyện nhà trường nói cho ông tôi nghe. Ông tôi lại nhân đấy mà giảng giải cho anh em tôi học được nhiều điều khác nữa.

Tôi yêu ông tôi lắm >>.

Dứt bài, Mai buông quyển sách rơi xuống đất. Giọng nó buồn buồn :

- Ông chúng nó tốt quá anh nhỉ ?

- Ừ.

- Tại sao ông chúng mình không kể chuyện cổ tích hở, anh ?

- Chắc ông ghét anh em mình.

- Tại sao ông ghét ?

- Chắc mẹ con mình nghèo.

- Tại sao qua nhà ông, chúng mình run cuống cuồng ?

- Chắc anh em mình mồ côi.

Mai nín thinh. Đôi mắt con bé hoe đỏ và đôi mắt Hữu, những giọt nước mắt cũng sắp sửa tuôn trào.

Hữu bỗng hối hận vì trót khơi nỗi buồn cố hữu của gia đình với em. Rồi chẳng muốn ôm lấy nhau mà khóc như mỗi bận, nó cố gắng khôi hài:

- Em có biết tại sao đầu ông ngoại trọc tếu như cái bình vôi không ?

- Chắc ông ác ?

- Đúng.

- Ông không có râu anh ạ ! Ông còn sống lâu lắm, em ghét ông ghê.

Hữu phá ra cười. Mai cười theo, thích thú. Nhưng sau đó, Hữu thấy má nó ươn ướt. Nó sợ em nó hay nên vội lảng sang chuyện cái diều.

- Anh định làm diều cánh thoi Mai ạ !

- Diều cánh thoi là gì ?

- Là hình nó giống hình con thoi ở khung cửi ấy.

- Thế diều cánh cốc ?

- Diều cánh cốc giống hình con cốc bay.

- Thế diều cánh phản, diều bì ?

- Diều bì to bằng ba gian nhà, trẻ con chơi sao được.

- Thật hở, anh ?

- Em mó vào dây thì nó lôi em lên giời.

- Anh chỉ dọa em.

- Chả tin, chiều nay ông xã Thản thả diều bì em ra bãi mà xem. Nó bổ xuống cứ gọi là vỡ sọ.

- Eo ơi, em thèm vào chơi diều bì.

- Vậy ngủ đi, chút nữa vót xong khung, anh gọi dậy.

Mai lại ngoan ngoãn nằm xuống chõng. Đôi mắt con bé khép kín và hơi thở đều đều nương giấc nó ngủ.

Buổi trưa nhà quê vắng vẻ. Sự tĩnh mịch này đã quá quen thuộc đới với Hữu. Dường như, nó đã lớn, đã biết chịu đựng. Nó nhìn Mai ngủ, bất giác thấy nghẹn ngào.

Ba bốn hôm liền, Hữu để tâm vào việc làm diều. Thoạt đầu, nó vác dao rựa ra bụi, chặt khúc tre cộc. Tre cộc thì già và dẻo, dễ uốn. Thằng Vọng bảo nó thế. Nó ngồi chẻ tre thành những thanh nhỏ rồi lấy dao vót. Chẻ chán, vót chán cũng vẫn chưa được. Hai bàn tay nó xước xác nhiều vết dao xuýt đứt. Mấy ngón bên phải, dao cứa sâu máu chảy đỏ lòe. Lòng bàn tay, ở dưới ngón, nhiều chỗ mọng nước. Mẹ nó mắng nó. Mẹ nó xé vải áo cũ, rịt thuốc lào vào vết thương, buộc lại. Mẹ nó cấm nó nghịch. Nhưng mỗi buổi chiều, tiếng sáo diều nổi lên vang lừng cả bầu trời thôn dã và từng bọn người, lớn thì thả diều lớn, nhỏ thì thả diều nhỏ ở bãi trống khiến lòng Hữu xốn xang khó tả. Nó quên cả lời mẹ dặn, cả những ngón tay rịt thuốc lào, hý hoáy chặt tre, vót khung diều. Đến nỗi, bữa ăn không nhớ, Mai phải gọi.

Hữu thường trốn Mai, tìm nơi nào thật kín, cặm cụi làm. Vì em nó hay hỏi vớ vẩn nên nó hay bị hỏng. Hôm qua, vừa vót nhẵn xong bộ khung, Mai tới phá đám.

- Sao anh lại vót bằng mảnh chai ?

- Mảnh chai dễ vót mà có lỡ tay cũng không bị lẹm nhiều.

- Anh nói dối, tay anh đứt, anh sợ dao thì có. Nếu anh sợ, để em vót hộ nhé ?

- Em làm hỏng mất.

- Không, em vót tài lắm mà, cho em vót anh nhé ?

Hữu ngần ngừ. Em nó vội lấy dao, giằng cái nan trong tay nó. Con Mai giằng mạnh quá. Cái nan gẫy. Hữu định trách em song thấy mặt em buồn thiu ra dáng hối hận, nên nó gượng cười, an ủi em :

- Tre này xấu quá em ạ ! Vừa đụng đã gẫy thì chịu sao nổi gió to. Anh phải kiếm khúc tre khác mới được.

Vậy là mất thêm nửa buổi. Hôm nay khung diều đã hoàn thành. Mai ngồi im xem anh lấy dây buộc vào giữa mỗi chiếc nan, cân nặng nhẹ. Hễ bên nào nặng, Hữu lại cầm miếng thủy tinh vót bớt đi cho tới khi hai bên bằng nhau. Xong, nó buộc cái khung ở giữa hai nan. Rồi mới gò thành hình cái diều con thoi. Anh em thằng Hữu tin chắc nó sẽ lên cao ghê lắm. Mai vẫn ngồi im thin thít. Con bé muốn hỏi nhưng sợ tội hôm qua nên đành bấm bụng. Mắt nó long lanh nỗi vui. Hữu đưa cái khung, tác phẩm vĩ đại của nó lên, ngắm nghía.

- Đẹp không ?

- Đẹp.

- Diều cánh thoi đấy.

- Diều của anh có đuôi không ?

- Không.

- Em thấy thằng Vọng thả diều có đuôi cơ mà ?

- À, diều của nó là diều cánh cốc.

- Sao anh không làm diều cánh cốc ?

- Tại anh không biết làm.

- Sao anh không biết làm ?

- Tại thằng Vọng chỉ dạy anh làm diều cánh thoi.

- Thế hở, nó tồi nhỉ, anh nhỉ ?

- Ừ.

- Diều anh có sáo không ?

- Không.

- Sao không có sáo ?

- Tại diều của anh bé. Nếu nó nhẹ đầu thì anh buộc cái vè cho nó kêu ve ve...

- Sao biết nó nhẹ đầu ?

- Thằng Vọng bảo lúc thả diều nó buộc lèo, nặng đầu hay nhẹ đầu nó chữa hộ. Sang năm anh làm diều bo.

- Diều bo hình thế nào hở, anh ?

- Diều bo kêu bo bo, diều bì kêu bì bì...

Hữu nghe tiếng sáo mà đặt tên diều, em nó hỏi nó cứ trả lời bừa. Mai ngớ ngẳn tin là thật. Con bé giục anh làm nhanh để chiều chiều khi mặt trời chui dưới bụi tre thì đem diều ra bãi thả. Cái diều, tự nhiên, hứa hẹn với anh em thằng Hữu bao nỗi vui mừng sau chuỗi ngày tẻ nhạt ở bến đò quê ngoại.

Khung diều tươm tất, thằng Vọng gật đầu khen đẹp. Như thế, Hữu có thể yên tâm phất giấy. Mẹ Hữu mắng nó lấy lệ rồi cũng mở hòm cho nó quyển sách thuốc của cha nó để nó phất diều. Hữu đem bún phết vào khung diều, xé giấy thành từng mảnh phất. Song cuốn sách thuốc của cha nó cũ quá, giấy lại mỏng, sợ không chịu được sức gió nến thằng Vọng xúi Hữu xin tiền mẹ mua giấy bản mới. Nó mắng Hữu ngu, phất diều phải phất bằng nhựa sung. Mẹ Hữu đi chợ mua giấy ngay. Me kiếm vỏ trai cho anh đựng nhựa.

Những scây sung gần Hữu cao lắm, nó sợ không dám trèo. Mai bàn tới ông ngoại xin vì cây sung ở nhà ông thấp lè tè. Anh em thằng Hữu vác dao, vác vỏ trai vào nhà ông. Ông nó đi vắng, các cậu mợ đều đi làm cả. Hữu ngại ngần toan bỏ về, rồi nghĩ ông có biết cũng chả sao. Mai đứng trên cầu ao. Hữu lội xuống nước chặt mấy nhát vô thân cây. Xong, hứng vỏ trai đợi cho nhựa chảy đầy. Anh em nó mang nhựa ra ngõ, đang vui vẻ cười nói thì cậu chúng nó ngoài ngõ xăm xăm bước tới. Cậu hỏi chúng nó vào nhà làm gì. Hữu trả lời xin nhựa sung về nhà phất diều. Cậu nó cấm chỉ từ nay không được lai vãng gần khu nhà cậu. Ngay lúc đó, bọn trẻ con ở đầu ồ ra. Anh em thằng Hữu sợ bị bắt nạn như mọi bận, cắm cổ chạy. Nhựa sung rớt bẩn cả quần áo. Chỉ có tí nhựa sung mà suýt nữa anh em thằng Hữu bị sỉ nhục. Nó thấy mối thù của nó đối với bên ngoại càng ngày càng to lớn. Sự nghẹn ngào dâng lên cổ họng, vướng vít cả nỗi niềm. Hữu nhìn em, em nó nhìn nó, bốn con mắt một ý nghĩ. Nhưng nghĩ tới cái diều nhiều hơn, thành thử quên ngay họ ngoại.

Giấy bản, nhựa sung sẵn rồi, thằng Vọng ngồi dạy Hữu phất diều. Nó bắt Hữu vò nhầu giấy xong hãy dán. Hữu làm y lời của nó. Chẳng mấy chốc, anh em thằng Hữu có cái diều cánh thoi nho nhỏ. Bấy giờ, đúng dịp mẹ Hữu nhuộm vải. Thằng Vọng giục nó quét nước nâu lên giấy. Phơi khô rồi lại quét. Làm vài lần thì giấy cứng, gió bão cũng không thủng được. Quả nhiên, cái diều của Hữu cứng cáp, mầu nâu non đẹp ghê. Hữu còn thiếu dây. Nhưng dây khỏi lo. Mẹ nó hứa cho nó cuộn dây gai. Hữu chả phải tước dây chuối. Dây chuối luộc mới dai, bền, phiền phức lắm. Vậy thì Hữu chỉ sợ diều không lên. Thằng Vọng cứ luôn cái mồm :

- Không lên cứ đem cái đầu tao ra mà chặt.

Nó cầm cái diều, sửa nắn cái lèo ra chiều đắc ý. Anh em thằng Hữu tin tưởng vào nó. Tâm hồn lâng lâng cơ hồ cái diều nuốt dây lên cao, cao mãi...

2.

Buổi chiều, trời chưa tắt nắng. Thế mà ngoài bãi đã đông trẻ thả diều. Đứa diều cánh cốc, đứa diều cánh phản, đứa diều tàu bay, chạy chạy, đâm đâm rối rít. Những chiếc diều như muốn làm đỏm thêm cho bầu trời xanh. Anh em thằng Hữu cũng có mặt nơi đây. Mẹ Hữu dặn đi dặn lại rằng hết nắng hãy thả diều vì mùa này là mùa viêm nhiệt, cảm thì chết. Chờ mãi vẫn còn nắng. Gió đã nổi lên rì rào. Diều của thiên hạ lên phơi phới. Sáo kêu vi vu, vi vu...

Anh em thằng Hữu cầm lòng chẳng được bèn chạy ùa ra. Hữu dặn em :

- Em cầm chỗ này. Hễ anh hô << đâm >> thì << đâm >> nhé ?

- << Đâm >> xuống đất hở, anh ?

Hữu phì cười :

- << Đâm >> lên trời chứ.

Mai cãi :

- Sao anh không bảo em tung diều ?

- Tại chúng nó gọi là << đâm >>. Em nhớ nhé ?

Mai gật đầu. Hữu vất cuộn dây xuống bãi cỏ, thả ra một quãng khá dài. Em nó nhìn nó, toét miệng cười :

- << Đâm >> chưa anh ?

- Chưa.

- Còn đợi gì hở, anh ?

- Đợi gió.

- Bao giờ mới có gió ?

- Có gió rồi đấy, << đâm >> đi!

Mai cuống quýt tung bừa khiến cái diều xoay tròn mấy vòng rổi bổ xuống bãi. Hữu thất vọng rồi bắt đầu tiếc chiếc kẹo vừng cho thằng Vọng.

- Em << đâm >> lại đi đừng sợ, cứ thong thả đưa lên thì mới được, << đâm >> đi!

Mai lại << đâm >>. Lần này Hữu cầm dây chạy, chả hiểu cái diều xoay cách nào. Bọn trẻ con cười ầm ỹ. Ngoái cổ, nó thấy cái diều nằm ở dưới bãi lúc nào, mà cứ chạy. Thằng Vọng trong làng ra vừa tới nơi. Nó sửa cái lèo ngay ngắn. Rồi nó bảo Hữu ra << đâm >>. Nó dử dử, nghiêng người bên trái, chạy bên phải, mắt theo rõi diều, tay nó giựt giựt. Chỉ một lát sau, cái diều ăn gió, lên vun vút.

Hữu thả hết dây. Cuộn dây dài hơn của những đứa khác nên diều bay cao nhất. Dây thẳng chứ không võng. Bao nhiêu đứa xúm lại khen ngợi. Thằng Vọng được phen khoe tài. Anh em Hữu dẫn diều về khu vắng, buộc vào cành cây trên nấm mộ rồi cùng nhau nằm ngắm cái diều nhỏ bé đang lơ lửng giữa bầu trời.

- Thằng Vọng nói đúng thật.

- Nó tài anh nhỉ ?

- Ừ, diều của mọi đứa nặng đầu, nhẹ đuôi. Cánh phải nặng, cánh trái nhẹ cứ lung tung. Thế mà diều của anh em mình thả là lên liền. Rồi anh làm cái diều cánh cốc cho em.

- Thật hở, anh ?

- Ừ.

- Con gái cũng thả diều à?

- Ừ.

- Em có thấy đứa nào ngoài bãi đâu ?

- À, à... tại chúng nó... nhà quê.

- Thế anh em mình cũng nhà quê ?

- Nhưng trước mình ở tỉnh.

- Ờ nhỉ! Anh em Hữu đang nói chuyện vớ vẩn thì thằng Vinh tới. Nó đòi Hữu cho nó cầm một tí. Hữu cười. Vinh nằm cạnh Hữu ngắm diều cánh thoi của Hữu rồi thò vào rút quyển sách nó dắt trong cạp quần, khoe Hữu :

- Mày có quyển này không ?

- Quyển gì ?

- Xem thì biết, hay lắm. Em mày chắc thích.

Hữu cầm quyển sách. Đó là quyển Quốc-văn Giáo-khoa Thư lớp sơ đẳng. Quyển này hay thật. Nhiều truyện nhiều tranh. Hồi xưa, Hữu cũng có, nhưng dọn nhà mấy bận, rơi đâu mất. Hữu đưa cho Mai đọc. Em nó dở ra lẩm nhẩm ngay : "Xuân đi học coi người hớn hở, gặp cậu Thu đi ở giữa đường..." Thế là Mai quên diều, nằm ngửa trên bãi cỏ say mê dở hết trang này sang trang khác. Thằng Vinh đợi Mai đọc xong bài Con bò và con gà trống, đòi lại. Mai năn nỉ :

- Cho tao mượn tí nữa, làm bộ thế ?

- Nhưng tao về đây.

- Về làm gì, ở đây chơi diều.

Mai đập nhẹ vai anh :

- Anh cho nó chơi điều với anh nhé !

- Ừ.

Thằng Vinh nằng nặc đòi quyển sách khiến Hữu phải bảo nó :

- Cho em tao mượn rồi ít bữa tao làm hộ mày cái diều.

Vinh ngồi nhỏm dậy. Hữu tưởng nó giằng sách chạy về, không ngờ nó sát gần Hữu, nói khẽ :

- Tao không nhờ mày, tao muốn hỏi nhưng sợ mày chửi.

- Tao không chửi bậy, mẹ tao nghe thấy, đánh chết.

- Mày thề đi.

- Tao không biết thề.

Vinh nghiêm nét mặt, chỉ trỏ ngón tay :

- Đứa nào chửi tao, trời đánh thánh vật nhé ?

- Ừ.

Rồi vẫn như chưa tin hẳn, Vinh gặng hỏi :

- Thật nhé ?

- Ừ, mày muốn hỏi gì ?

Vinh thầm thì :

- Mày muốn đổi diều lấy quyển sách không ?

Hữu ngạc nhiên :

- Đổi diều tao lấy quyển sách của mày ?

Hữu nói to làm Mai đang say mê bài Chuyện anh em họ Điền vùng dậy hỏi :

- Gì thế anh ?

- Thằng Vinh nó đòi đổi sách lấy diều của anh em mình.

Em nó nín thinh. Con bé gấp sách lại. Vinh khoe khoang :

- Thằng Bảo muốn đổi diều của tao cho nó nhưng tao thích diều của mày.

- Tao vừa làm xong, mới thả hôm nay, tao không đổi.

Mai lẳng lặng ném trả sách thằng Vinh, nó nói :

- Mày không đổi thì tao đổi cho thằng Bảo.

- Kệ mày.

Vinh xấu hổ nhét sách vào cạp quần rồi bỏ đi. Mai trông theo bóng nó rồi nhìn cái diều nghiêng bên này, ghé bên kia cơ hồ muốn bỡn cợt với gió mùa hạ. Bất chợt, Mai hỏi :

- Sách của thằng Vinh hay hơn sách của em. Không có bài Ông tôi anh ạ ! Lại lớp sơ đẳng nữa. Nhiều bài hay ghê...

Giọng em nó buồn buồn. Hữu cảm thấy điệu buồn ấy đang len lỏi trong tâm hồn nó. Mai đứng dậy, ra bứt cỏ may. Hữu muốn hỏi em nhưng lại thôi. Tự nhiên, lòng nó băn khoăn. Nó chẳng thiết ngắm con diều đang õng ẹo chao đi chao lại trên nền trời chiều hạ. Hữu gọi Mai :

- Em ơi...

Con bé ngoái cổ, nhếch mép cười gượng gạo :

- Anh hỏi em gì ?

- Em không thích diều à ?

- Thích chứ.

- Em có thích quyển sách của thằng Vinh không ?

- Có. Nhưng đổi diều thì em không thích. Diều của anh làm mà.

Phải, diều của Hữu làm. Nó đã cặm cụi bao mhiêu ngày. Tay nó còn vết dao cứa. Da non chưa làm già trên những chỗ mọng nước. Nó đã cùng em lặn lội dưới ao chặt nhựa sung bên nhà ông ngoại, hai anh em bị hất hủi, xua đuổi. Nó đã lấy cả sách thuốc của cha đem phất diều, cả cuộn dây gai mà cha mua ngày xưa để khâu lốp xe, nay mẹ cho anh em nó thả diều. Nó còn mắc tội lấy trộm kẹo vừng cho thằng Vọng nữa. Cái diều của nó đã bay bổng. Nó sung sướng lắm rồi. Thế mà thằng Vinh đòi đổi sách. Em nó thích sách của Vinh. Em nó không nói thích sách hơn diều. Hữu biết em nó. Con bé mồ coi cha, mẹ thì nghèo khổ, lại ham học. Ham học nhưng thiếu sách. Nó đã thấy em nó thuộc lòng cả quyển Quốc-văn Giáo-khoa Thư lớp dự bị. Nó đã thấy mắt em ánh lên những tia thèm thuồng cuốn sách của thằng Vinh. Dáng điệu em nó lúc này sầu não làm sao ! Tuy sự sầu não chưa đến nổi rơi nước mắt như mùa xuân năm ngoái, khi em nó ôm chiếc lồng và bộ lông sáo sũng nước.

Hữu chợt nhớ rằng nó còn nợ em nó một nỗi buồn. Nỗi buồn ấy nó chưa trả và chẳng thể nào trả được. Nó chỉ có thể thay vào đấy bằng một niềm vui nhè nhẹ. Hữu nhìn chiếc diều cánh thoi. Nó chỉ chơi được trọn mùa hạ. Hữu nghĩ đến quyển sách sẽ chơi với em nó trọn quãng đời thơ ấu. Và nó bỏ mặc em đứng ngơ ngác, cắm cổ vừa chạy vừa đuổi theo thằng Vinh vừa gọi. Hữu nói đổi diều cho Vinh. Nó hả hê chạy theo Hữu về phía con Mai đứng chờ.

Vinh trao quyển sách tận tay Mai. Nó nói :

-Anh mày bằng lòng đổi cho tao rồi.

Mai ngập ngừng, mắt con bé chớp mau. Nó cầm quyển sách, xích lại gần anh, thỏ thẻ hỏi :

- Anh đổi rồi à ?

- Ừ.

- Dại lắm anh ạ ! Diều làm tốn công phu.

Hữu hiểu em nó thương nó, em nó không muốn vì quyển sách mà mất diều. Mai chăm chú ngắm bìa quyển sách. Phân vân. Hữu cúi xuống nói thầm với em :

- Diều của anh sắp hỏng, thằng Vọng vừa bảo anh rằng chỉ chơi được vài hôm thôi.

Hữu nói dối em. Mai tưởng thật, đang ủ rũ, vụt tươi tỉnh.

- Thật hở, anh ?

- Thật, nói khẽ chứ kẻo thằng Vinh nghe thấy nó không đổi nữa.

- Rồi anh có làm diều nữa không ?

- Có, anh làm diều to bằng hai chiếc này.

- Thật hở, anh ? Có phải cho thằng Vọng kẹo nữa không ?

- Không, bây giờ anh làm một mình được.

Anh em thằng Hữu nhìn nhau cười khúc khích. Mai nhẩy nhót sung sướng. Con bé đem sách ra một chỗ xa ngồi đọc. Vinh và Hữu nằm dài trên bãi cỏ ngắm diều. Hữu bảo Vinh :

- Mày cho tao mượn chơi nốt ngày mai nhé ?

- Nhỡ mày làm hỏng của tao thì sao ?

- Thì em tao trả mày sách.

- Chịu thôi, đã khoéo tay rồi, đổi cấm trả lại, "con sông cạn ngòi mới đòi được nhau".

- Hễ hỏng tao làm cho mày chiếc khác.

- Chiếc khác tao không thích.

Hữu nuốt nước bọt tiêng tiếc. Gió chiều thổi mạnh. Con diều ăn no gió, còn thèm mây. Nó chao mãi như thể nó chào vĩnh biệt Hữu. Hữu theo rõi hình dáng bé nhỏ của chiếc diều cao tít. Đột nhiên, nó nghe tiếng << bực >>. Dây diều võng xuống từ từ. Và trên nền trời trong xanh, chiếc diều cánh thoi của Hữu mặc sức nghiêng ngửa. Nó lộn vài vòng cơ hồ người mất hồn và bị gió cuốn đi.

Hữu chết lặng nhìn theo. Vinh đứng phắt dậy, chạy ngay về phía con Mai, giằng mạnh quyển sách rồi cắm cổ chạy biến. Mai chưa hay gì. Con bé ngạc nhiên, đôi mắt tròn xoe trông theo thằng Vinh vừa chạy vừa reo âm ỹ :

- Diều thằng Hữu đứt dây rồi !

Hữu đứng cạnh em, lắp bắp một câu trống không :

- Diều... đứt... dây... rồi..

Mai nhìn dáng điệu thiểu não của anh mà thương hại. Con bé thản nhiên nói :

- Đứt dây thì thôi anh ạ !

- Nhưng em mất sách.

- Sách nào cơ anh ?

- Sách của thằng Vinh.

- Quyển ấy không hay, có mỗi bài hay nhất thì em thuộc rồi.

- Thật hở, em ? Bài nào ?

- Bài ông Lý Tích sắc thuốc cho chị, vô ý để cháy mất bộ râu...

Mai trả lời xong cười khúc khích. Hữu cũng cười. Anh em Hữu quên ngay nỗi buồn trong khoảnh khắc, nằm lăn ra bãi cỏ, cười rũ rượi. Nhưng giây lát sau anh em nó mới rõ mình cười vờ. Đứa này nhìn đứa nọ, bốn con mắt non nớt gặp nhau. Và những giọt nước mắt bắt đầu rơi rụng.

(1962)

ĐẠI DƯƠNG TRONG LÒNG
CON ỐC NHỎ

BẾN ĐÒ ĐÔNG ĐỨC CÀNG NGÀY CÀNG NHIỀU khách tới lui. Bây giờ không còn mùa đông mưa phùn rây mờ sông nước, không còn họ hàng lũ ruồi nhặng sợ rét, lười biếng đâu trên sợi dây lòng thòng để treo chuối, treo ngãn bám vào liếp, vào tường tròn ba tháng rét mướt đìu hiu. Dân thành phố tản cư về đồng ruộng. Họ mang theo niềm vui và cuộc sống mới mẻ khiến quê ngoại nhà tôi tấp nập, ồn ào. Nằm nghe tiếng chim cu gáy buổi trưa, tôi cảm thấy bớt buồn tẻ. Kỷ niệm tràn lụt đầu óc tôi bằng những bộ mặt sáng sủa, những điệu cười hồn nhiên của đám trẻ nhỏ thành thị trạc tuổi em Mai. Tôi nghĩ, giá anh em tôi không phải sống hẩm hiu ở quê ngoại thì lúc này đây, chúng tôi cũng biết tung tăng dắt tay nhau chuyện trò dưới ánh trăng đồng nội. Chứ đâu chịu lạc lõng trong đêm tối, nhìn bóng mẹ gầy yếu run rẩy cơ hồ chiếc lá sắp lìa cành. Bất giác, tôi nhớ cha tôi và nước mắt phủ mờ...

Mẹ tôi bảo thoạt tiên cha tôi đánh đàn thập lục cho ban hát cải lương lưu động. Dạo ấy danh từ nghệ sĩ còn xa lạ nên ông bầu coi cha tôi ngang chức anh lao công. Làm việc từ tám giờ tối tới hai giờ khuya. Tiền thù lao dè xẻng mới đủ nuôi một vợ, một con. Trong gánh hát, cha bị bạn đồng nghiệp chê bai tài đàn non nớt hay tâu hót với ông bầu vài điều lầm lẫn của cha tôi. Thì cha tôi hậm hực nguyền rủa thói đời đen bạc. Chán rồi, cha tôi trách ông phó Nhị. Giá ông phó truyền đủ ngón trứ danh, chắn chắn sự nghiệp cha tôi đỡ méo mó. Tôi cố mường tượng cái cảnh hậu trường sân khấu giữa mùa hè nóng nực, cha tôi cởi trần biểu diễn tài nghệ, dìu điệu ca cho đào kép ngọt giọng. Mồ hôi, có khi cả nước mắt, rơi rụng trên mười sáu sợi tơ đồng đổi miếng cơm hẩm manh áo thô. Về sau có lần giận đời, cha tôi đập đàn giải nghệ.

Khi tôi hiểu biết, thấy đời cha tôi lẩn quẩn trong hai câu thơ của bài hát nói cha tôi khai bút nhân dịp năm mới: "Ông Lái thuốc bắt đầu, ông Phó, ông Ký, ông Chủ, ông Thầu, ông Lang..." Mỗi chuỗi nghề nghiệp quàng vào cổ cha tôi. Lên voi xuống chó, xuống chó lên voi... Tội nghiệp cha tôi, người còn chút tâm hồn để không nỡ gọi tài đánh đàn là nghề kiếm cơm.

Từ ông lái thuốc bắc đến ông lang băm chế thuốc cao đan hoàn tán. Chao ôi, tôi phải viết thế nào đây cho thật linh động từng cảnh cha tôi ngồi chế thuốc cam bằng thuyền gang, ngồi thái thuốc sống bằng dao cầu, ngồi xao thuốc bổ bằng nồi rang đất và hoàn và viên thuốc tễ? Làm sao ai chứa chất được trọn vẹn ngần kia mẫu đời. Thế mà cha tôi, trời ơi! Tôi muốn làm một khán giả vô tư nhỏ lệ tiếc thương gã nghệ sĩ sinh nhầm xứ sở.

Có bận túng bấn quá, cha mẹ tôi phải chia nhau mỗi người một chợ đem thuốc hoàn, thuốc tán trị các bệnh cam sài thai đẹn, ho hen, giun sán ra bày ngổn ngang trên manh chiếu hẹp dưới quán chợ. Mẹ tôi bán quanh quẩn mấy chợ gần miền bể như chợ Tiểu Hoàng... Sáng sớm mẹ đi, xế chiều mẹ về săn sóc anh em tôi. Còn cha tôi xách chiếc va ly lớn lễ mễ sang mãi tận Thần đầu, Thần huống. Cha tôi đi hàng tuần mới trở lại, nói là vừa bán thuốc vừa thăm dò xem bên sông Trà Lý có dễ kiếm ăn thì cho gia đình sang.

Những chuyến cha tôi vắng nhà, mẹ tôi xuôi ngược tần tảo, anh em tôi nương bóng nhau cầu nguyện. Nghe mẹ tôi bảo sóng sông Trà dữ tợn. "Sóng cửa Trà, mà cửa Hộ", em Mai chỉ sợ phà đắm.Tôi dỗ dành em tôi rằng cha tôi sống tới tám mươi tuổi để xem anh em tôi khôn lớn. Em Mai thường khóc tỏ vẻ lo ngại. Khốn nạn, cha mẹ tôi nghèo nàn, còn tình thương mến nhưng tình thương mến không nuôi sống được con nên muốn con no lành đã phải xa con, cực nhọc. Tôi cứ nghĩ đến lúc cha mẹ tôi ngồi dọn hàng khi chợ chiều tan vắng. Ánh nắng vàng vọt quê mùa chiếu vào khuôn mặt thê thảm vì nhớ con, vì ế hàng của cha tôi chắc đau thương lắm.

Ít tháng sau cha tôi bỏ nghề lang thuốc. Cha tôi sắm ít dụng cụ chữa xe đạp. Người ta đặt tên mới cho cha tôi: ông Phó. Cha tôi sửa chữa, lau dầu, vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay. Nếu ai cần tô điểm xe mình thì cha tôi cũng biết sơn xì, sơn hấp, mạ kền bằng... ngân nhũ. Nhiều lần nhìn cha tôi nghiến răng vặn cái ốc lâu ngày thiếu dầu mỡ, lòng tôi thắt lại. Tay cha tôi mạch máu nổi bật, chằng chịt. Có khi "lắc lê" nhờn, tuột mạnh bật tay ra. Cha tôi mất đà, chúi về một bên. Thường thường, tay cha tôi bị xước da, máu chảy ri rỉ. Cha tôi mải mê công việc không để ý, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán. Máu ở vết thương được dịp hòa với mồ hôi... Nhưng cha tôi nín lặng không kêu ca, không than vãn, không kể lể với vợ con. Sự nín lặng đó tôi đã khổ tâm học hỏi song tôi thấy tôi thất vọng. Vì, cho tới ngày nay, hễ gặp bất cứ con rắn độc cuộc đời nào, dù lớn dù nhỏ, cắn đau hay cắn hụt, tôi vẫn thích tìm người băng bó hộ.

Tò mò, tôi hỏi cha tôi học nghề sửa xe bao giờ, cha tôi mỉm cười: "Cái khó sinh ra cái không con ạ!". Tôi nghi ngờ rồi phỏng chừng cha tôi học lỏm hay cha đã từng làm thợ phụ cơm nhà việc người. Lại thêm hình ảnh thui chột của chú "học nghề" nữa!

Hồi gia đình tôi ở Hà Nội về Thái Bình rồi dọn xuống miền bể, em Mai bé bỏng nên em chưa cảm được nỗi buồn biển động cuối mùa đông. Dường như, bể giận dữ tận ngoài khơi bãi Đồng Châu. Tiếng gầm gừ vọng tới nghe ghê rợn. Cha tôi khởi nghiệp chữa xe tại đây, tại ngã ba chợ huyện Tiền Hải, dưới gốc cây gạo to lớn, sù sì, gai góc. Những buổi chiều rét mướt, cha tôi ngồi co ro khâu mép lốp đứt "tanh" hay phồng mang trợn mắt thổi than hồng trong lò máy vá chín. Cha tôi nhặt nhạnh từ năm hào bơm thuê cho anh phu xe tay, chẳng nề hà việc dầu mỡ. Bởi vậy, cả sau lúc ngưng làm để vuốt ve anh em tôi, tay cha tôi, dẫu rửa sà phòng, vẫn còn đầy vết dầu lem luốc. Em Mai hay kéo đôi tay cha tôi đùa bỡn:

- Tay cha tôi đen như nhọ nồi.

Cha tôi cười:

- Trắng như bông mà con dám bảo đen. À, đố con biết tại sao tay phải cha dài hơn tay trái?

- Con chịu.

- Tại tay phải cha vặn "lắc lê". Cha vặn mạnh quá nên xương nó giãn ra.

Em Mai ngớ ngẩn:

- Con không thích tay phải cha dài đâu, cha làm cho nó ngắn bằng tay trái đi cha. Có được không hở, cha?

Cha tôi suy nghĩ giây lát, đoạn vỗ về em:

- Khó gì, rồi cha bỏ vặn "lắc lê" thì nó hết dài.

Tôi thương cha tôi, dĩ nhiên, nhưng thương bao nhiêu mới vừa? Cha tôi ít nói. Chắc chắn nỗi ray rứt vì mẹ con nheo nhóc ám ảnh cha tôi, làm cha tôi uất nghẹn: sự uất nghẹn của người không câm song không nói được. Dạo ấy, gạo kém, mẹ tôi phải chạy vay đong từng bữa một. Thoạt đầu, sáng ăn cầm dạ, chiều ăn no. Sau, sáng cha mẹ tôi nhịn chỉ thổi niêu nhỏ cho anh em tôi. Em Mai ăn xong còn thòm thèm. Cha tôi nhìn em, mắt đỏ ngầu. Mẹ tôi chạy vội xuống bếp. Tôi thương hại em, tập nhịn để em được ăn nhiều. Hôm thứ nhất, em bảo tôi:

- Sao anh không ăn?

Tôi nói dối:

- Tại anh đau bụng.

Em tôi tưởng thật:

- Thế em để phần anh vậy nhé?

Tôi cười xua tay:

- Đau bụng ăn cơm nguội thế nào được. Em ăn đi, ăn nhiều chóng lớn.

Hôm thứ hai, tôi cũng bỏ bữa sáng ân huệ của con nhà nghèo. Em tôi hỏi han vớ vẩn. Tôi phải trả lời tôi ăn sáng với em thì trưa ăn mất ngon. Nghĩ sao, em tôi giận tôi, em chẳng thèm ăn nữa. Em bắt chước nhịn đến trưa. Mẹ tôi mắng em. Em khóc, em kêu đau bụng. Như thế, em tôi hiểu chuyện rồi. Em tôi rủ tôi ra đường cái, ghé sát vào tai tôi thì thầm:

- Thật anh nhỉ, ăn bữa sáng, trưa ăn mất ngon.

Chúng tôi nhìn nhau. Chua xót. May mắn là tình cảnh ăn đong thiếu thốn rất ngắn ngủi. Gạo dần dần hơn. Nhà tôi lại tiếp tục hai bữa no nê. Đấy là những câu chuyện buồn của gia đình tôi. Nhưng chuyện khiến tôi nhớ mãi là chuyện sau đây:

Hôm cha tôi đang đánh nháp miếng lốp nổ thì một bà sang trọng tới gần. Bà ta nhìn cha tôi lúc lâu rồi mới ngại ngần hỏi:

- Bác làm ơn chỉ giùm tôi ông lang...

Bà ta quên tên ông lang. Cha tôi ngừng tay, lễ phép nói:

- Thưa bà, bà cho biết tên ông lang là gì ạ?

Móc trong túi mảnh giấy nhỏ ghi bút chì lờ mờ, bà ta lẩm nhẩm đọc:

- Ông Mai Viên bác phó ạ! Bà bạn tôi mách rằng ông Mai Viên chữa bệnh giỏi. Tôi từ phủ Kiến Xương xuống xin ông cái đơn. Bà bạn tôi trước là chỗ quen thân ông Mai Viên.

Như cái lò xo, cha tôi đứng thẳng dậy, trịnh trọng giới thiệu tựa hồ anh hề trên sân khấu giây phút sắp mở màn.

- Thưa bà... tôi là Mai Viên...

Bà khách lạ tròn xoe mắt. Bây giờ, cha tôi mới kịp để ý cái hình hài tiều tụy của lão phó chữa xe đạp dưới gốc cây gạo ngã ba chợ huyện Tiền Hải. Quần đùi đen, áo sơ mi ngắn tay nham nhở dầu mỡ mồ hôi. Chân tay sần sùi, thô lỗ... Còn giữ được đôi mắt, vầng trán rộng. Nhưng xấu hổ quá, tê tái quá, đôi mắt vội mờ đi và vầng trán lâm râm những giọt mồ hôi, những giọt mồ hôi tình cờ toát ra một buổi trời lạnh nhất. Cha tôi cúi xuống, nói rất nhỏ:

- Thưa bà tôi giải nghệ... lang thuốc rồi. Song nếu bà...

Cha tôi muốn nói thêm "nếu bà bỏ qua hình ảnh bác thợ chữa xe thì tôi sẵn lòng tiếp bà". Khốn nỗi, dù đã từng phen trầy trụa với cuộc đời, cha tôi vẫn tự ái để cứu vãn chút liêm sĩ tuy chẳng cần cứu vãn. Bà khách hình như cảm thông sự lên bổng xuống trầm của kiếp người, bà ta ngượng ngùng mãi mới thốt gọn ba tiếng "xin lỗi ông". Cha tôi mời bà ta vào nhà.

- Bà ở phủ Kiến chắc quen gia đình ông Phán Lâm?

- Thưa ông, bà Phán chỉ đường tôi mới rõ, chứ dễ chi.

- Trước kia...

- Vâng ạ! Bà Phán đã nói nhiều về ông. Tôi xin lỗi ông lần nữa vì cử chỉ vô lễ ban nãy.

- Thưa bà không hề gì ạ! Bà đừng bận tâm.

Cha tôi kê tặng bà khách ấy đơn thuốc bổ theo đúng lời viết quảng dán tường ngày xưa "xem mạch kê đơn không lấy tiền". Khi về, bà khách rút tiền cho tôi. Tôi từ chối, bỏ chạy mất. Đêm ấy, dưới ánh đèn dầu lạc tẩm bấc thắp đĩa, đêm dầy đặc, suy tư. Tôi nghe từng hơi thở dài sầu hận của cha tôi. Bất giác, tôi òa lên khóc khiến em Mai cũng khóc. Cha tôi xoa đầu anh em tôi an ủi:

- Nín ngay con, rồi các con sẽ sung sướng.

Tôi gục đầu xuống đùi cha tôi, ôm chầm lấy thân thể gầy yếu, ôm chầm lấy tấm lòng thương mến bao la mà rên xiết.

- Cha ơi! Con thương cha.

Giọng cha tôi tha thiết, bao giờ cha tôi cũng tha thiết với vợ con:

- Thương cha thì ngủ đi, sau này đừng giống cha nhé con, giống cha khổ lắm. Nhất nghệ tinh con ạ!

Nhưng anh em tôi không ngủ. Ngọn đèn gió thổi tắt rồi. Căn nhà tối om. Anh em tôi ngồi sát nhau hơn. Chúng tôi cùng im lặng nhìn ngày mai bằng bốn con mắt mờ lệ trong đêm vắng. Khổ thân em tôi, lớn dần để xem cuộc đời cha xuống dốc thảm hại. Em tôi nắm chặt lấy tay tôi như thầm nhủ, như trao gửi niềm tin. Tôi nghe rõ tiếng nước nhỏ giọt xuống chiếu.

Một sớm tháng hai, hoa gạo nở đỏ ối và bắt đầu rụng. Cha tôi vẫn co ro ngồi dưới gốc cây. Trên đầu cha tôi đủ các loài chim thi nhau ca inh ỏi. Chợt một con bậy bạ trúng giữa mái tóc cha tôi trắng xóa. Cha tôi nhìn lên xem có phải phân quạ. Vì nếu phân quạ sẽ gặp niềm rủi ro. Khốn nạn, cha tôi vừa ngẩng mặt nhìn lên thì chiếc hoa gạo to hơn nắm tay rơi giữa mặt. May mắn, cuống hoa ngược chiều nên những cánh hoa nát bét trên khuôn mặt của cha tôi như thể cha tôi bị đạn bắn vỡ mặt. Anh em tôi chạy lại quỳ xuống, cuống quít:

- Cha có đau không hở, cha?

- Cha có mở được mắt không?

Cha tôi nói:

- Đau gì mà đau, cái hoa đó mà...

Giọng em Mai run run:

- Con thấy nó kêu đánh "bốp". Chắc cha đau, cha nói dối. Con thì con khóc rồi. Cha đau thật hở, cha?

- Cái hoa nhẹ như bấc thì đau nỗi gì. Cha chỉ đau vì...

Tôi hỏi gặng:

- Vì sao cơ ạ?

- Vì... các con khổ sở!

Cha tôi rươm rướm nước mắt. Anh em tôi cúi đầu.

Mặc dù bé bỏng, anh em tôi cũng nhận ra hình ảnh cuộc đời cha tôi. Một hình ảnh bằng bao nhiêu hình ảnh nham nhở khắc khoải, què quặt. Tôi cầm tay cha tôi, nói nhỏ:

- Con sung sướng chứ có khổ đâu?

Em Mai cũng hối hả:

- Con chả khổ gì cha ạ!

Cha tôi mỉm cười gượng gạo:


- Các con nói dối.

Tôi nắm chặt tay cha tôi hơn:

- Lúc nào gần cha mẹ là các con sung sướng rồi.

Em Mai ôm đầu cha thủ thỉ:

- Con yêu cha.

- Yêu cha thì phải chăm học các con nhé, Hữu nhé! Nhất nghệ tinh...

Luôn luôn cha tôi nói "nhất nghệ tinh"... Tôi nhìn cha tôi, thấy má bên trái con dính chút máu hoa gạo. Đưa vạt áo lau sạch vết nhơ ấy, tôi giục:

- Cha vào gội đầu kẻo bẩn.

- Điềm may đấy con ạ! Hoa rơi là sang năm cha con mình giàu. Cha sẽ tậu nhà ngói trên tỉnh, con có cái xe đạp nhỏ đi học.

- Thế mẹ con?

- Mẹ con thì.. Ờ, ờ, khó nghĩ quá. Con chọn quà biếu mẹ xem nào.

- Mẹ con thôi bán xôi chè này, mẹ ở nhà khâu vá quần áo với lại kể chuyện ma này. Cha cho tiền con mua cái tráp đựng trầu biếu mẹ con nhá! Em Mai muốn mua biếu mẹ xâu tràng hạt để mẹ niệm Phật cha ạ!

- Ừ, ừ con muốn gì cũng được.

- Em Mai có búp bê, có ô tô, có tàu thủy, có nhiều thứ lắm. Em Mai không phải chơi đồ chơi bằng vỏ hến, nút chai...

Em tôi thích chí cười hớn hở. Đôi má núm đồng tiền xinh xinh tệ. Em làm nũng:

- Áo con rách rồi, cha mua áo cho con trước nhất cha nhé.

Cha tôi bỗng giật mình. Đôi mắt đang sáng rực mộng ước, phút chốc mờ đi, buồn. Cha tôi ngắm anh em tôi rồi khẽ gật đầu nói nhỏ:

- Ừ, mai cha mua áo cho con.

Hôm sau, nhằm ngày phiên chợ, cha tôi bỏ việc dẫn anh em tôi đi mua áo. Chợ phiên đông đúc, cha con dắt díu nhau chỉ sợ lạc. Qua hàng nước dừa, cha tôi cho mỗi đứa uống một cốc nhỏ năm hào. Hết quán này, quán khác mà chẳng thấy cha tôi nhắc chuyện áo làm em Mai thấp thỏm. Mãi cha tôi mới kéo anh em tôi đến hàng quần áo may sẵn có vô số người xúm lại mặc cả. Anh em tôi len lọt được vào. Em Mai nhìn những chiếc áo cánh trắng rồi nhặt vài chiếc để ướm thử. Mắt em long lanh nhưng cha tôi thì nét mặt tự nhiên tái chợt, đôi tay run run cơ hồ như sốt rét. Cha tôi hỏi giá, người bán trả lời. Thêm thêm bớt bớt chán chê, rốt cuộc, cha tôi không dám nhất định vì sợ hớ. Em tôi trống ngực đánh thình thịch, nửa mừng nửa lo. Tôi biết giá có manh áo kia, em tôi hả hê vô vàn. "Già được bát canh, trẻ manh áo mới" mà. Cha tôi cũng biết thế, song người bán hàng chẳng thèm biết. Cha tôi đứng tần ngần. Tôi phỏng chừng cha tôi thiếu tiền.

Vuốt mái tóc em Mai, cha tôi an ủi:

- Hai anh em ra kia chờ cha nhé! Ra kia kẻo nó bắt bí. Thế nào cha cũng mua cho con.

Em tôi nuốt nước bọt ừng ực. Cha tôi đưa chúng tôi khuất khỏi hàng quần áo. Dặn dò xong, cha vội vàng đi. Trông theo cha, lòng tôi bâng khuâng tê tái. Anh em tôi đợi hàng nửa giờ mà cha tôi vẫn chưa trở lại. Chợ càng đông, tiếng ồn ào huyên náo. Anh em tôi không nghe rõ nữa. Tâm hồn em Mai hướng về manh áo, còn tâm hồn tôi thì không hiểu vì sao bối rối vô cùng. Em Mai cứ luôn miệng hỏi khiến tôi nóng ruột quá. Nắng mùa xuân hừng hực trên đầu chúng tôi. Nắm chặt tay em, tôi dìu em về phía hàng áo.

Bỗng anh em tôi thấy từ các hàng áo ban nãy người ta xô nhau giãn lối. Người bán hàng tức giận đỏ mặt lên, hét lớn:

- Ăn cắp, ăn cắp! Gớm nhanh như chớp, vừa mới quay đi mà nó đã thó mất rồi.

Tôi hoảng hồn, mắt lơ láo tìm cha. Song cha tôi không có trong đám đông trước mặt. Em Mai khóc bù lu bù loa, dỗ mãi em mới nín. Trong khi đó, người bán hàng quai mồm ra chửi bới hết lời. Hắn dọa nếu tóm được cổ kẻ cắp, sẽ đánh róc xương. Tôi chờ, chờ gần xế trưa thì ngờ rằng cha tôi lo kiếm anh em tôi và chắc chắn, đợi anh em tôi ở nhà. Tôi lớn không sợ lạc nữa nên cha tôi cũng có thể về trước. Nghĩ vậy, Tôi trở lại nhà. Anh em tôi buồn thiu, thẫn thờ bước như hai đứa trẻ ăn mày.

Về nhà, mẹ tôi bảo cha tôi bị cảm đang nằm đắp chăn rên hừ hừ. Anh em tôi xúm tới hỏi han. Cha tôi nín thinh không đáp. Em Mai sợ cha phật ý nên không hỏi đến chuyện áo mới nữa. Cả buổi chiều hôm ấy, không khí gia đình tôi nặng nề, khó thở. Đến tối, cha tôi bớt sốt, cha gọi anh em tôi tới gần xoa đầu, nắm tay như thường lệ. Cha tôi nói mua áo xong thì cha tôi cảm thấy choáng váng mặt mày, quên mất chỗ anh em tôi chờ đợi. Rồi cha tôi cắm cổ chạy về. Nghe cha kể chuyện anh em tôi vui mừng, sung sướng. Em Mai tôi hỏi:

- Cha mua áo cho con rồi hở cha?

- Ừ, đây này.

Cha tôi lật chiếu đầu giường nhấc chiếc áo ra. Em Mai vồ lấy ướm thử. Em thay áo cũ mặc áo mới vào. Em khoe tôi:

- Đẹp không anh Hữu?

- Đẹp lắm.

- Đẹp không cha?

Em Mai chợt nhớ điều gì, khuôn mặt ngây thơ nhí nhảnh phút chốc thoáng buồn. Em nói:

- Áo anh Hữu rách lưng cha ạ!

- Để phiên sau cha mua.

Tôi vội nói:

- Áo con vá được, cha đừng mua tốn tiền.

Giữa lúc ấy, mẹ tôi ở dưới bếp bước lên, em Mai níu mẹ, nũng nịu:

- Cha mua áo cho con mẹ ạ!

Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi cha tôi:

- Tiền đâu mà cha mua áo cho con?

Cha tôi thản nhiên:

- Vay của bác Cẩm sáng sớm nay.

- Bác Cẩm đi Thái Ninh từ hôm kia cơ mà!

Cha tôi lặng thinh. Mẹ tôi không hiểu gì cũng lặng thinh. Tôi nhìn cha tôi. Cha tôi nhìn mẹ con tôi. Mắt cha tôi long lanh. Bóng cha tôi gầy gò in hình trên bức tường vôi loang lở. Có ai ngờ cái thân thể gầy gò kia lại bọc nổi tình thương yêu rộng lớn như con ốc nhỏ thu gọn cả đại dương trong lòng mà vẫn câm nín. Câm nín suốt đời. Tôi muốn ôm cha tôi, muốn xé rách làn da ngực để được nói vào trái tim cao cả của cha tôi rằng "Cha ơi! Cha vì anh em con mà phải như thế... Con sẽ làm gì cho xứng đáng sự hy sinh đó của cha!" Nhưng làm sao mà nói? Cảm xúc đã nghẹn cả lời. Tôi òa lên khóc. Cha tôi giật mình hỏi:

- Sao con khóc?

- Con thương cha.

- Nín đi... để dành nước mắt chứ chú bé. Khóc nhiều hết thì sao?

Tôi chưa nín. Vì nghĩ tới suối sầu bắt nguồn từ túp lều tranh bên gốc chuối tiêu chảy róc rách, róc rách qua hồn anh em tôi. Suối sầu này còn chảy mãi. Và còn chảy, nước mắt còn rơi, không lo khô cạn.

Sau đấy, cha tôi bị ám ảnh bởi chiếc áo ăn cắp ngoài chợ, trừ tôi, không ai rõ, cha tôi đau ốm liên miên. Tuy nhiên, cha tôi vẫn vẽ bao ước mộng. Anh em tôi mong ngày tháng lụn dần, sang năm chóng đến. Song sang năm chưa kịp đến với nhà ngói ở tỉnh, với búp bê, với tàu thủy, với xe đạp thì cha tôi nhuốm bệnh thương hàn. Tôi cố nghiến răng giữ kín chuyện nên khi cha tôi chết cha tôi vẫn tưởng sự bí mật theo cha xuống lòng mộ.

Cha tôi chết, mẹ con tôi nheo nhóc bơ vơ. Mẹ tôi năm tháng ngồi đan nỗi buồn ở bến đò Đồng Đức. Anh em tôi nhìn đám trẻ thành thị rồi vội vàng cúi gầm mặt qua sân nhà ông ngoại, làm rơi mất tuổi thơ.

(1962)

NẮNG CHIỀU QUÊ NỘI

MÙA THU RẮC LẤM TẤM HOA VÀNG LÊN BÈ rau muống già lềnh bềnh bên bờ sông hẹp. Từng cơn gió heo may mang từ cánh đồng lúa sữa về bến đò hương thơm dìu dịu và lướt nhẹ trên mặt nước làm lạc hướng lũ gọng vó. Những cánh rau rút, sợ gió hôn, thẹn thùng cúp cả lại. Giàn mướp trước cửa xơ xác mấy cái lá già, trơ trọi vài quả giống sạm nắng hè, đong đưa theo gió. Bây giờ, vắng bóng những con ong tệ bạc, những con bướm lả lơi, những con cánh cam đỏm dáng. Cảnh đìu hiu đã xào xạc trong bụi tre sau nhà. Thỉnh thoảng, có đêm im vắng, tiếng súng từ mạn Nam-định vọng sang, nghe rõ mồn một. Nỗi lo âu bắt đầu hiện lên khuôn mặt hiền lành của dân đồng nội tỉnh Thái-bình.

Mẹ tôi tỏ vẻ sợ sệt. Mẹ chắt bóp từng đồng để ngộ nhỡ tản cư. Giữa lúc đó, cô tôi từ làng bên mò sang báo tin cho mẹ tôi hay là ông nội tôi ốm nặng. Ông tôi muốn gặp mẹ con tôi trước khi vĩnh biệt cõi đời.

Hôm cô tôi bước chân vào quán hàng, anh em tôi đang nằm dài trên chõng tre, thương nhớ vu vơ. Chúng tôi hững hờ nhìn cô, chẳng khác gì nhìn khách lạ. Mẹ tôi bối rối giây lát rồi mẹ gượng cười đon đả chào cô. Mẹ tôi chỉ anh em tôi, nói với cô:

- Hai cháu đấy cô ạ ! Cháu Hữu, à đáng lẽ tên cháu…

Mẹ tôi ngừng lại. Mẹ thấy hình phạt tinh thần tê tái lắm vì mẹ tôi đã trải qua tháng ngày sống nhờ túp lều sau vườn nhà ông ngoại. Cô tôi chừng hiểu thế. Cô cúi gầm mặt, vân vê tà áo. Mẹ tôi, một phút lỡ lời vì mối sầu dĩ vãng, đã trở về ngay bản tính cố hữu của người đàn bà Việt Nam quê mùa, người mẹ suốt đời chịu đựng và sẵn sàng tha thứ. Mẹ tôi tiếp lời bỏ dở:

- Cháu Hữu, cháu Mai cô ạ ! Hai con lạy cô đi.

Cô tôi xua tay dễ dãi:

- Các cháu còn lạ, chị ạ ! Thôi đừng bắt tội chúng.

Tự nhiên tôi sững sờ. Em tôi run run làm tuột cuốn sách khỏi tay. Chúng tôi hỏi nhau bằng mắt, bằng sự im lặng, xem có phải người đàn bà đứng kia là em ruột của cha tôi, là em ruột chú Nghị? Cô tôi nhỏ bé xinh xắn. Cô chưa lấy chồng. Tôi thoáng cảm thấy cô có đôi nét giống em Mai. Nhưng nỗi buồn quê nội mơ hồ đột khởi, vẻ hiền dịu của cô tôi, khoảnh khắc, biến mất. Tôi không hiểu tại sao mẹ tôi niềm nở, thay vì mẹ tôi cúi mặt làm ngơ.

Cô tôi nhẹ nhàng đến gần anh em tôi. Cô nắm tay tôi khen ngoan ngoãn, giống cha như đúc. Tôi gỡ vội tay ra khiến cô tôi ngỡ ngàng xấu hổ. Trong tâm tưởng, tôi vẫn thường mường tượng những người bên nội, trừ chú Nghị, phải ác nghiệt, hung bạo. Những người ấy thu lượm sao nổi cảm tình thừa thãi của anh em tôi. Cô tôi bẽn lẽn quay lại đưa gói cùi dừa và năm sáu tấm bánh đa nướng cho em Mai, âu yếm vuốt ve em. Điều đó chẳng làm em Mai cảm động. Em vùng vằng chạy về phía mẹ tôi, vất trả cô tôi quà bánh.

Anh em tôi đã trả thù giùm mẹ tôi. Lòng tôi hả hê khôn xiết. Tôi nghĩ mẹ tôi sung sướng, mẹ tôi sẽ khen ngợi chúng tôi. Tôi đợi nụ cười trìu mến, thiết tha của mẹ tôi. Nào ngờ, mẹ tôi tức giận nghiêm giọng mắng:

- Đồ hư thân mất nết, lạy cô đi.

Cô tôi lại xua tay:

- Thôi chị ạ ! Các cháu còn dại, với lại các cháu còn lạ.

Mẹ tôi lấy ngón tay dí vào trán tôi, đe dọa:

- Chốc nữa thì chúng mày biết tao. Đồ mất dạy.

Tôi sững sờ hơn. từ xưa có bao giờ mẹ tôi mắng mỏ anh em tôi tàn tệ đến thế đâu. Lại gọi anh em tôi là "chúng mày" và xưng "tao." Tôi len lén nhìn mẹ và thấy mắt mẹ tôi đỏ ngầu, đôi dòng lệ lăn tăn trên gò má, mà nhìn rõ, tôi mới hay má mẹ tôi đã có vết nhăn. Tôi biết mẹ tôi đau đớn khi bắt đứa con thân yêu xưng cháu với người cô xưa kia đọa đầy mẹ nó hồi nó còn nằm trong bụng mẹ, chịu đựng chung khối tủi nhục cùng mẹ nó. Cô tôi cũng khóc. Những giọt nước mắt của cô chưa rửa sạch ngay mọi ý nghĩ oán hờn của anh em tôi. Nên anh em tôi miễn cưỡng vâng lời mẹ, cúi đầu chắp tay chào cô tôi, chào người đàn bà mười mấy năm về trước đã hắt hủi, xua đuổi mẹ tôi như xua đuổi con chó dại.

Cô tôi xoa đầu anh em tôi. Xoa đầu em tôi còn được, chứ xoa đầu tôi thì tôi ức lắm. Tôi mười lăm tuổi rồi mà. Tôi ngắm nghía cô tôi, hai hàm răng nghiến mạnh muốn nát tan niềm uất ức. Mẹ tôi yếu đuối quá. Tâm hồn mẹ trĩu nặng tình cảm, dễ xúc động, giàu lòng vị tha. Tôi nhớ hồi cha tôi chết, họ hàng bên nội có ai thèm tìm đến quấn giúp anh em tôi mảnh khăn tang đâu. Mẹ con tôi đói rách, khổ sở, có ai thèm ngó ngàng săn sóc đâu. Trời ơi, vẫn chỉ một mình chú Nghị. Thế mà hôm nay, bỗng dưng, cô tôi cất công sang mời mẹ tôi về chịu tang ông nội. Cha tôi đã bị từ bỏ rồi, anh em tôi còn nghĩa lý gì nữa. Đáng lẽ, mẹ tôi từ chối, mẹ tôi lại nhận lời. Cô tôi không dám hỏi chuyện anh em tôi, dặn dò mẹ tôi rồi xin phép về ngay. Mẹ tôi cố mời cô tôi bớt chút thì giờ dùng bữa cơm đạm bạc. Cô tôi từ chối, nại cớ bên nhà bận rộn. Trước khi con đò nhổ sào đưa cô qua sông Đồng-đức, cô tôi còn nhẹ nhàng vẫy đôi tay thon nhỏ, nhắn nhủ anh em tôi:

- Ông bà mong các cháu đấy, cả các cô các chú nữa, sang nhé Hữu, Mai nhé!

2

Tối hôm ấy, mẹ con tôi thức khuya sửa soạn mọi việc. Mẹ tôi đem mấy bộ quần áo mới nhất của anh em tôi, vuốt ve phẳng phiu rồi bắt anh em tôi mặc thử. May mắn cho tôi là bộ quần áo cắt năm ngoái mẹ tôi đã cẩn thận dặn bác phó may đo dài rộng để hòng lớn. Bởi vậy tôi mặc vừa vặn. Còn em Mai, bác Kỳ quên cắt phòng xa, thành thử, cái áo mỡ gà co lại. Em tôi lớn mau như thổi, mặc vào như bó lấy thân hình. Cái quần nái thâm thì ngắn cũn cỡn. Đã thế, mấy con dán khốn nạn lại cắn thêm vài lỗ nhỏ. Mẹ tôi bảo chả hề chi, đẹp chán. Em Mai buồn thiu, em biết mẹ nói dối. Tội nghiệp em tôi, thiệt thòi đủ thứ. Em phụng phịu hỏi mẹ:

- Mặc quần áo đẹp làm gì hở, mẹ?

- Về quê cha phải khăn áo chỉnh tề, ai cũng vậy.

- Nhưng quần áo của con chật thì sao?

- Chật đâu, hỏi anh con xem nào, vừa vặn ghê…

Bỗng nhiên, em tôi nói:

- Sao lúc trưa mẹ mắng anh em con là "chúng mày," mẹ xưng "tao" hở, mẹ?

Mẹ tôi à à rồi quay mặt đi. Lát sau, tôi thấy mẹ tôi đưa vạt áo lên thấm mắt. Tôi sợ em Mai khơi nỗi buồn khiến mẹ tôi đau khổ, nên nhanh miệng khen em:

- Áo của em vừa lắm, quần hơi ngắn một tí thôi. Ngắn đỡ mất công xăn, dài chỉ tổ vấp ngã chứ ăn thua gì.

Mẹ tôi nhân dịp đó nói thêm:

- Đấy, con xem, anh con nói có đúng không?

Em Mai cười toe toét:

- Thật hở, mẹ?

- Ừ.

Mai nhảy vào lòng mẹ tôi, nũng nịu. mẹ tôi ôm ấp em tôi, mắng yêu:

- Bố mày, khéo vòi vĩnh là…

Mai vờ mếu máo, lải nhải:

- Bắt đền mẹ đấy, gọi con là "mày" nữa.

Mẹ tôi cười dỗ dành em:

- Thôi đứng dậy rồi mẹ đền. Mẹ đền cái tát nhé!

- Ứ, ừ.

Em tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Và, trong khi mẹ tôi gấp quần áo của anh em tôi xong gối đầu giường thì tôi ngồi nghĩ đến chú Nghiêm. Tôi hằng ấp ủ ý định mai mốt học giỏi, tôi sẽ cho chú Nghiêm biết tay. Song tôi vẫn ngại mình còn bé, mai tôi về quê nội gặp chú. Tôi đã đọc mấy nhà văn tả quê nội. Sao mà tha thiết thơ mộng thế! Tôi sợ quê nội nhà tôi chẳng được như vậy, vì có túp lều bên khóm chuối tiêu, nơi ấy, mọi người đều rõ, một đêm vắng vẻ, tôi cất tiếng khóc chào đời.

Không, tôi không oán hận cái hình ảnh ấy. Chú Nghị an ủi tôi rằng: "Cháu sẽ nên người nhờ khóm chuối tiêu quê nội…" Nên cái hình ảnh tôi oán hận nhất là chú Nghiêm. Chú là đàn ông mà tâm hồn hẹp hòi hơn cả đàn bà. Mẹ tôi kể chú Nghiêm đỗ tú tài, lấy vợ thành thị. Chú Nghiêm làm việc ở Hà-nội, thiên hạ gọi chú là ông Phán. Chú khinh người ra mặt nhưng sợ vợ đến nỗi phải giấu giếm tiền nong mua quà bánh gửi về quê biếu cha mẹ. Chú chưa có con trai. Vợ chú đồng bóng, lễ bái, đàn chay, tốn khối công của mà trời vẫn làm ngơ. Tôi đoán chừng thế ông tôi mới cần đến mẹ con tôi. Giá chú Nghiêm có con trai thì dễ gì ông tôi đoái thương tới đứa cháu đích tôn bị ruồng bỏ. Tôi thấy tủi thân quá. Tôi hỏi mẹ tôi:

- Chú Nghiêm ác lắm hở, mẹ?

- Chắc chú đổi tính rồi. Có vợ con, phải khác chứ.

- Con sợ!

- Sợ gì?

- Sợ chú ấy hất hủi mẹ con mình.

Mẹ tôi nín thinh. Tôi hỏi tiếp:

-Tại sao ông lại gọi sang?

- Ông ốm nặng mà.

- Trước kia ông không ốm nặng à?

- Không.

- Hay đừng sang mẹ ạ!

- Con sợ gì?

- Con sợ mình mồ côi cha, thiếu cha thì hay bị người bắt nạt.

Mẹ tôi nhìn tôi, thương hại. Rồi mẹ im lặng tưởng nhớ cha tôi. Tôi nghĩ thế. Giây lát, mẹ tôi nói nhỏ cơ hồ không muốn ai nghe thấy, ngoài mẹ con tôi, tuy ở bến đò vào những đêm trở gió lạnh, vắng tanh vắng ngắt. - Mẹ đợi dịp này mười lăm năm rồi con ạ! Cha con hồi còn sống giận ông ghê lắm nhưng nhiều lúc cha con cũng mong được ông đoái thương. Mẹ chả muốn sang làm gì. Sang thì ăn vàng ăn bạc gì. Khốn nỗi, mẹ sợ nhỡ Trời Phật không thương mẹ con mình mà bắt mẹ chết thì các con bơ vơ. Nên mẹ đưa các con về, dẫu thế nào chăng nữa thì "giọt máu đào còn hơn ao nước lã."

Mẹ ngừng lại, suy nghĩ một lát, rồi nói tiếp:

- Mẹ con ta cứ sang thăm ông bà. Hễ sao, mình lại về bến đò bán hàng, mẹ con đùm bọc nhau, lo gì.

Em Mai tự nãy vẫn ngồi yên chăm chú nghe chuyện. Em khêu bấc đèn cho sáng thêm, đoạn em hỏi mẹ bằng giọng nói đầy lo lắng:

- Nhỡ ông nội bắt anh em con rồi đuổi mẹ đi, thì sao?

Mẹ tôi đưa tay níu em Mai, vuốt tóc em, âu yếm:

- Thì con ở với ông bà.

Mai ngúng nguẩy:

- Ứ ừ, con thèm vào.

- Hỗn con, ở với ông bà sung sướng hơn ở với mẹ.

- Nhưng con thích mẹ, con không thích sung sướng.

Mẹ tôi trêu em:

- Không thích, ông cũng bắt sang. Mẹ nghèo, hết gạo nuôi con rồi.

Em Mai tưởng thật, òa lên khóc. Mẹ tôi lại vỗ về em:

- Nín đi con ngoan của mẹ, mẹ nói đùa mà, ai dám bắt con của mẹ. Mất con thì mẹ chết.

Mẹ tôi lau mắt cho Mai. Em ghì chặt thân hình mẹ như sợ người ta cướp mất mẹ. Em thỏ thẻ:

- Mẹ đừng để ông bắt con nhé, mẹ nhé!

- Ừ, vậy đi ngủ đi.

- Vâng ạ …

Mẹ tôi dặn tôi:

- Mai sang ông, nhỡ chú Nghiêm mắng mỏ, con phải nín lặng nhá!

- Sao phải nín lặng hở, mẹ?

- Để chú nghĩ rằng con mồ côi không mất dậy.

Tôi chưa kịp trả lời. Mẹ tôi đứng dậy đi về phía bàn thờ cha tôi. Mẹ thắp hương, khấn vái thì thầm. Anh em tôi, phần cảm động, phần nhớ cha, ôm lấy nhau. Những con mắt non nớt rươm rướm lệ.

3

Con đường đất nhỏ nhô lên, thụt xuống, từng khúc ngắn như những bậc thang. Hai bên, cỏ dại mọc xanh um, hoa hèn đua nhau nở. Sương mùa thu vương mắc long lanh khiến hoa đã hèn càng hèn, cỏ đã dại lại càng dại chẳng khác chi mấy cô gái xấu son phấn tô điểm dung nhan. Mặt trời chắc đêm qua thức khuya, hôm nay dậy muộn. Gió thổi mát rượi mang theo hương lúa thơm ngon.

Em Mai chừng đã mỏi chân, bước đi uể oải. Một tay giữ chặt quai nón cho gió khỏi tung, một tay em xách đôi guốc. Anh em tôi nói chuyện huyên thuyên để quên đường dài. Thọat đầu là truyện Quốc-văn Giáo-khoa Thư. Mai hỏi tôi:

- Anh có nhớ những bài trong sách Quốc-văn không?

- Nhớ như in.

- Anh nói khoác.

- Chả tin em đố anh mà xem.

- Thật hở?

- Ừ.

- Em đọc một câu, anh phải trả lời ở quyển nào tên bài là gì nhé?

- Đọc đi.

Không cần ngẫm nghĩ, Mai đọc:

- "Một đêm, nằm mãi không ngủ được, tôi lắng tai nghe."

- Bài Tiếng động ban đêm, lớp dự bị, vẽ hình người đàn ông nằm ngủ, tay vắt ngang trán, chân phải gác lên gối chân trái.

- Đúng. "Cơm nước xong xuôi, trời vừa tối…"

- "…Ngọn đèn treo ở giữa nhà." Bài Tối ở nhà, lớp dự bị, vẽ hình…

- Thôi đừng nói hình nữa. "Thằng Sửu thấy ở trên cành cây có một tổ chim chích chòe…"

- Bài Không nên phá tổ chim, lớp sơ đẳng.

Mai lè lưỡi ngạc nhiên:

- Anh giỏi ghê.

- Bây giờ anh đố em nhé?

- Vâng.

- Anh chắc em thua.

- Thì anh cứ đọc xem nào.

- "Ba, ra ngoài sân cầm cái rổ vào đây cho tao. – Con sợ lắm. – Sợ cái gì? - Trời tối lắm, con sợ ma!"

Tôi đọc xong, nhìn em, mỉm cười. Em tôi có vẻ suy nghĩ. Rồi em tôi nói bừa:

- Bài Phải bạo dạn, lớp sơ đẳng.

- Sai.

- Thế lớp dự bị.

- Cũng sai. Em thua mà.

- Chắc anh lấy ở sách khác.

- Ừ.

- Thảo nào, chứ hai lớp sơ đẳng với lớp dự bị, em thuộc lòng.

- Anh biết thế nên anh đố em bài trong quyển Luân lý Giáo khoa Thư.

Anh em tôi cười vang. Quãng đường ngắn dần lại. Mẹ tôi bảo, hết quãng đường này, qua nhịp cầu mong manh vắt vẻo ngang con ngòi là vào tới đất làng Trường-an. Tôi nóng lòng muốn biết quê hương, quên cả mỏi mệt. tâm hồn tôi mỗi lúc một trải rộng. Mẹ tôi cũng thế. Tôi thấy nét mặt mẹ hớn hở vui tươi.

Rồi qua nhịp cầu tre, mẹ con tôi không ai bảo ai mà tim đánh thình thịch, bước chân run rẩy. Mối cảm xúc dần lên cùng với nỗi lo âu hồi hộp. Em Mai đã xỏ guốc vào chân. Em ngây thơ hỏi vớ vẩn khiến tôi bớt sợ hãi.

- Anh ơi, ông nội mình có râu không nhỉ?

- Chắc có.

- Có, thì ông hiền.

- Sao em biết.

- Em thấy sách vẽ "Ông tôi" râu dài, tóc bạc, ông ngoại mình không có râu, lại đầu trọc, nên ông ác, anh ạ!

Câu nói ngộ nghĩnh ấy, lúc khác thì tôi đã ôm bụng cười. Nhưng, bây giờ, chân tôi đang in vết trên lối ngõ quê cha, tâm hồn tôi đang xao xuyến, tôi không thể cười được. Mẹ tôi bước nhanh, mẹ bỏ rơi anh em tôi một khúc đường. Rồi mẹ đợi chúng tôi tới. Mẹ tôi chỉ tay về phía túp lều trống không bên bờ ngói, nói rằng đây là nơi cha mẹ tôi đã gặp nhau. Đi thêm vài chục thước nữa, thì rẽ sang tay phải. Mẹ tôi bảo: ông ngoại bắt mẹ đánh đập và gọt đầu bôi vôi ở khúc rẽ này. Mẹ tôi nhắc từng mẩu dĩ vãng đau buồn. Từ căn nhà lụp sụp mà cha tôi gửi gấm mẹ tôi hồi mẹ tôi bụng mang dạ chửa đến cái ao tù mà mẹ tôi đã phải ngoi ngóp dưới nước vớt bèo, kiếm rong nuôi lợn suốt cả mùa đông lạnh lẽo. Mắt mẹ tôi chớp mau rươm rướm lệ.

Kỷ niệm xa xưa không còn mơ hồ nữa. Quê nhà tôi, ai biết đâu lại chở chất bao nhiêu tình thương yêu, bao nhiêu niềm mong nhớ, bao nhiêu nỗi u sầu. Tôi tưởng tượng mỗi khóm cây, mỗi lối mòn đều để dành cho anh em tôi những cảm tình thắm thiết. Và, hôm nay, tôi trở về thu lượm dần những mối tình thắm thiết rơi rụng sau mười lăm năm xa vắng. Anh em tôi rón rén nép sau mẹ, nghĩ ngợi mông lung. Mẹ tôi dặn dò:

- Nhớ lời mẹ dạy chưa, các con?

- Thưa mẹ nhớ rồi ạ!

- Sắp đến nhà ông, Hữu sửa lại quần áo đi.

- Vâng.

4

Bây giờ anh em tôi bớt lo sợ. Nhưng sự uất ức đang nhóm lửa. Chú Nghiêm nhìn tôi chằm chằm. Chú hất hàm hỏi tôi:

- Mày học lớp mấy?

Mẹ tôi đưa mắt nhìn tôi, ngầm ý khuyên nhủ "hãy lễ phép." Tôi đưa mắt nhìn mẹ tôi, nhìn em tôi, nhìn tất cả đám người họ nội đang quây lấy mẹ con tôi như thử thách, như bắt nạt. Nước mắt tôi muốn tuôn ra. Tôi chợt nhớ lời chú Nghị khuyên tôi phải luôn luôn can đảm, nên tôi dằn lòng, nghiến răng chịu nhục. Thím Nghiêm hằn học nói:

- Nó câm à?

Cô tôi (ba bốn cô song tôi chỉ biết mặt cô sang nhà tôi hôm trước) đỡ lời:

- Cháu nó nhát.

Cô tới gần tôi vỗ về:

- Cháu trả lời chú đi, cháu học lớp mấy?

Tôi ức quá, nói với cô tôi:

- Cháu không nhát. Mẹ cháu nghèo, cháu không đi học, nhưng mẹ cháu không gọi cháu là mày. Ai gọi cháu là mày, cháu không trả lời.

Chú Nghiêm ghét tôi, chẳng thèm hỏi nữa. Còn thím Nghiêm bĩu môi, mỉa mai:

- Mẹ con mày tưởng giỏi lắm đấy.

Tôi cãi lại:

- Cháu không giỏi nhưng cháu không mất dạy. Cháu mất dạy đã có mẹ cháu, cháu không thèm nhờ ai.

Mẹ tôi chắc giận tôi. Mẹ ngồi im lặng. Bà tôi kéo mẹ tôi xuống bếp nói chuyện gì không biết mà bà tôi và mẹ tôi khóc nức nở. Các cô tôi săn đón em Mai. Cô nào cũng nhận em tôi giống mình. Tôi bỏ rơi hiện tại để thăm quá khứ, bỗng tôi nghi ngờ tất cả. Giả dối hết. Mẹ con tôi chưa được thăm ông tôi. Điều đó tôi nghĩ chả cần vì, sự thực, cho tới lúc này, tôi đã thương ai ở bên nội đâu, trừ chú Nghị.

Tôi lén ra vườn sau nhưng không thấy túp lều mà chỉ thấy dăm bảy khóm chuối tiêu, trái đang chờ chín. Một nỗi buồn thoáng lọt trong tâm tưởng tôi. Tôi trở vào đúng lúc các cô tôi tìm tôi bảo là ông tôi vừa tỉnh giấc.

Các cô đưa tôi lên nhà trên. Ở đây đã tụ họp nhiều người. Mẹ tôi ngồi bên bà tôi. Em Mai chạy sang phía tôi. Bao nhiêu con mắt cùng đổ dồn vào một ông già đang thiêm thiếp ngủ trên giường nệm trải vải trắng toát. Ông tôi đấy. Qua bức màn lan tiêu, anh em tôi thấy ông tôi tóc bạc râu dài. Em Mai bấm tay tôi đưa mắt hỏi han. Tôi cúi thấp xuống. Em ghé miệng gần tai tôi thì thầm:

- Ông có râu dài.

Tôi nhăn mặt, bấm tay em, ra hiệu im mồm. Nhưng em tưởng tôi ăn ý nên kiểng chân lên nói tiếp:

- Tóc ông bạc, anh ạ!

Ngay lúc đó, ông tôi cựa mình và đôi mắt chơm chớp rồi mở to dần dần. Bà tôi đi lại chỗ ông nằm, chỉ tay về phía anh em tôi. Bà nói thong thả từng tiếng một:

- Hai cháu ông kia kìa…

Anh em tôi đứng ngây. Tôi nhớ rằng tôi có ông bà, song dường như hai tiếng thiêng liêng ấy đã bỏ anh em tôi chuỗi thời gian xa xôi quá nên giờ đây tôi chưa cảm thấy gì. Ông tôi khó nhọc nghiêng mình, nhìn anh em tôi. Ông tôi vừa thở vừa nói đứt khúc, mỏi mệt:

- Mẹ… chúng… nó… đâu…

Mẹ tôi không dám đứng dậy, mẹ lết người tới. Ông tôi đặt tay lên đầu mẹ tôi, ông nói:

- Con… dâu… tôi…

Mẹ tôi chỉ kịp nghe tới đấy đã vội òa khóc. Mười mấy năm rồi, mẹ tôi chờ đợi ngày hôm nay, ngày đứa con gái bỏ nhà theo giai được công nhận làm dâu họ Nguyễn.

Ông tôi bắt vén màn lên. Bà tôi đỡ mẹ tôi lui xa. Mẹ tôi khóc sướt mướt. Ông tôi nhìn anh em tôi bằng đôi mắt yếu đuối. Ông nâng cánh tay gầy đét, khẳng khiu một cách khó nhọc vẫy vẫy anh em tôi. Cô tôi giục tôi tới ông. Anh em tôi cứ đứng nhìn ông mãi, đến khi thấy hai dòng lệ ngắn ứa ra từ đôi mắt già nua của ông tôi thì tim tôi tự nhiên đập mạnh. Chỉ hai dòng lệ ngắn ấy cũng đủ rửa sạch mọi ý nghĩ hờn oán của anh em tôi suốt thời thơ ấu tối tăm dài đằng đẵng. Ông tôi bị bịnh xuyễn, ông muốn nói rất nhiều, rất nhiều với anh em tôi, nhưng đờm còn vướng ở cổ họng. Bộ mặt ông tôi lúc này thiểu não uất nghẹn. Cái thứ uất nghẹn của một người thèm nói mà không nói nên lời. Ông tôi cơ hồ cố thu góp hời thở thành tiếng, gọi anh em tôi:

- Cháu… cháu… đích tôn… của… ông…

Tiếng ông tôi thoang thoảng như một cung đàn gần đứt. Anh em tôi lắng nghe. Và nghe xong không đứa nào bảo đứa nào, nước mắt trào dâng, chạy xô lại ôm lấy ông tôi, nức nở. Tự nhiên, con đờm xuôi xuống, ông tôi khỏe mạnh lạ thường. Ông tôi vuốt ve anh em tôi. Ông tôi nhắc lại câu ban nãy:

- Cháu đích tôn của ông.

Tôi xoa ngực ông tôi, nói trong cơn thổn thức:

- Ông ơi…

Ông tôi khe khẽ gọi:

- Cháu ơi!

- Dạ.

Giọng ông tôi trở nên nghẹn ngào, trắc ẩn. Ông nắm chặt tay tôi:

- Cháu khổ sở nhiều, hả ?

- . . .

- Chẳng đứa nào ngó ngàng hai cháu của ông, hả ?

- . . .

- Không ai đền bù cho các cháu được đâu.

Nước mắt anh em tôi rơi rụng trên mình ông tôi thấm qua hai lần áo dầy, ươn ướt làn da nhăn nheo. Tôi nói:

- Ông đền bù chúng cháu rồi.

Em Mai vuốt râu ông, thủ thỉ:

- Ông khỏe ông kể chuyện cổ tích cho anh em cháu nghe, ông nhé?

Ông tôi nhếch miệng cười. Ông gọi chú Nghiêm dặn dò, rồi đuổi mọi người ra, trừ anh em tôi. Chúng tôi trèo lên giường, mỗi đứa nằm một bên ông, cố thu về hơi ấm mất mát từ lâu. Ông tôi ôm ấp anh em tôi. Chúng tôi nằm im, mặc cho tình thương len lỏi mạch máu, vào thớ thịt. Hơn nửa tiếng sau, tôi không nghe thấy hơi thở của ông tôi nữa. Chả biết khi con đờm vít kín cổ họng, ông tôi có đau đớn không. Chắc ông tôi chết trong nỗi niềm sung sướng. Tôi mới tin rằng ông tôi đã đền bù cho anh em tôi nụ cười cuối cùng trước khi sang bên kia thế giới.

5. Buổi chiều ở quê nội nhà tôi lung linh màu sắc. Anh em tôi tha thẩn ngoài ngõ nhìn nắng vàng rớt rơi trên nội cỏ ngàn cây. Nắng chiều mong manh thật. Bừng sáng rực rỡ rồi tắt đi vội vàng. Mẹ tôi thường hay nói:
- Nắng cứ sắp tắt thì lóe lên đẹp đẹp là…
Hôm nay trông rõ nắng sắp tắt, tôi chợt hiểu tại sao mẹ tôi mong đợi ngày về quê nội. Lòng tôi xốn xang, tôi cất tiếng hát đuổi theo bóng nắng đang lướt nhẹ bên bờ giậu: "Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca…" Em tôi hòa điệu: "Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò vui với nhau, đời sống thần tiên…"
Bài hát này tôi học năm tôi bảy tuổi. Bây giờ hát lên, tôi mới thấy thấm thía.
(1962)
Năm 1967 
Duyên Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...