Bóng chiều 2
Đạo câu
Hồi giờ người ta nghe nói đạo này, đạo nọ, gắn liền với tín
ngưỡng, tôn giáo nào đó. Không ai nói đến đạo câu. Chỉ có nghề câu. Nhưng hắn
nâng việc đi câu lên thành một thứ đạo, gọi là “đạo câu”. Hắn là “sư phụ” của
các “sư phụ” trong nghề đi câu. Tất tật ao đìa, sông suối một vùng rộng lớn, với
hắn chỉ trong bàn tay. Loại cá gì, ở đâu, ăn mồi gì, ở nước cạn sâu, hắn biết.
Hắn có tài. Người ta gọi hắn là tay sát cá. Trong đời đi câu, ai cũng có ít nhất
một lần về tay không. Nhưng hắn chưa bao giờ. Có lời đồn đại rằng hắn có bùa,
có thuốc. Điều đó chưa ai xác minh. Buổi sáng, hắn chắp tay sau đít, đứng nhìn
chằm chằm xuống dòng sông. Hỏi để làm gì? Hắn điềm nhiên nói: coi con nước. Coi
con nước là cách khảo sát thực địa của hắn. Khác gì nhà thầu khảo sát công
trình. Chỉ khác là hắn không lên phương án, ăn chia, không A, không B. Tóm lại
là không có tỷ lệ phần trăm. Một mình, một cõi đất trời bao la, không ai theo
dõi, không bị điều tra. Bởi hắn quá rõ ràng. Không đánh lận con đen theo kiểu
“bê-tông cọc tre”. Hắn muốn câu loại cá gì là được loại ấy. Dân câu trong xóm
kêu hắn là “sư phụ”. Có mấy đứa lau nhau xin làm đệ tử. Được mòi, lên nước, hắn
nói :
- Phàm làm nghề gì cũng có tổ. Đã có tổ thì phải bái tổ.
Không cần nhiều chỉ một xị rượu với cái đùi gà là được. - Hắn cao giọng - Câu
không khó nhưng không phải ai cũng làm được. - Hắn cười khà khà. Cái mặt vênh
vênh đầy vẻ chiêm nghiệm. Hắn tiếp - Người ta nói chăm cây để sửa tính, nuôi cá
để dưỡng tâm. Còn đi câu là để rèn luyện.
- Bịa, dóc, đi câu mà rèn luyện con mẹ gì?
Có người phản bác. Hắn khoác tay :
- Bình tĩnh nghe tui nói đã.
Mâm giỗ im lặng. Tất nhiên bây giờ mặt hắn đỏ lừ. Tật hắn uống
rượu vào ở chỗ người! đông là nói độc một chuyện đi câu.
Hắn nói: “Móc mồi lia xuống cả giờ không thấy động đậy mà vẫn
tiếp tục đợi chờ là kiên trì. Người qua đường dừng lại, không thấy cá ăn, nóng
ruột thốt ra: ‘Đến ngõ chợ là nhanh nhất’. Im lặng. Đó là chịu đựng. Thử hỏi
kiên trì và chịu đựng nếu không rèn luyện làm sao có được? Phải không các thầy?”
Thấy trong mâm rượu không ai phản bác hắn tiếp: “Đi câu đêm, nhìn lên trời thấy
các vì sao để học sự bao dung của trời đất. Đào mồi, nhìn đàn kiến đi để hiểu sự
nhẫn nại của loài kiến và ngồi câu nhìn dòng nước chảy để lòng thả trôi đi những
tỵ hiềm”.
Mọi người yên lặng. Tất nhiên là câu nói ấy hắn nghe lóm đâu
đó rồi độ lại. Nhưng cho dù của ai, thì hắn đã nói ra đúng lúc. Vâng lúc này mọi
người cùng mâm đã ngà ngà say. Họ gật gù nghe hắn nói :
- Khi ngồi nhìn cái phao bắt đầu động đậy là tâm lực, trí lực
tập trung vào đó. Mọi phiền toái ưu tư cuộc đời gần như tan theo gió. Thình
lình cái phao nhấp nháy chìm xuống mất hút dưới làn nước, “vút”, một động tác
kéo ngược. Người câu nghe rần rần qua sợi cước, hồi hộp đến kỳ lạ. Trong khoảnh
khắc, thấp thỏm giữa được và mất, giữa sung sướng và đau khổ, giữa hy vọng và
thất vọng giành giật nhau làm thần kinh căng lên tột độ. Và cái gì đã căng lên
tột độ, đến lúc cũng chùng xuống. Vâng, khi chùng xuống là lúc con cá đang giẫy
giụa, người câu bật ra hơi thở nhẹ nhàng. Nó giống như cầu thủ sút trái quyết định
găm vào lưới đối phương.
Hắn nói say sưa như đang rao giảng một bài chân kinh nào đó.
Đang lúc cao hứng thì từ ngoài sân, một người đàn bà xây xẩy đi vào. Thoạt nhìn
đã biết ai rồi. Còn ai vào đó nữa. Một phụ nữ đậm người, thấp, cái mặt câng
câng, bạnh ra. Hàm răng đang thít chặt, dậm chân xuống đất :
- Đúng ngay mà, tui đoán đâu có sai. Không đi nhong nhỏng
ngoài bờ sông, bờ suối thì dứt khoát là ngồi mâm rượu mà.
Hắn như trái bóng xì hơi. Im re, đứng dậy hắn xin phép mọi
người ra về. Mọi người tỏ vẻ cám ơn hắn rất nhiều vì hắn đã dắt họ đi vào thế
giới của “đạo câu”. Chiều đó, có anh chàng điển trai trong xóm đến nhà, xin hắn
làm đệ tử. Coi vậy mà tính hắn rộng lượng, hắn thu nhận không điều kiện gì.
Chàng điển trai nói :
- Vậy là chiều mai “sư phụ” qua nhà rủ tui đi với nghe. Bây
giờ tui về sắm ít dụng cụ.
Buổi hẹn diễn ra trọn vẹn. Hắn câu được nhiều cá, còn chàng
điển trai ngủ gà, ngủ gật bên bờ sông.
Buổi câu kết thúc, chàng điển trai về nhà nói với vợ :
- Hôm nay thất bại quá, nhưng được cái là tinh thần thanh thản,
thật thú vị.
Thêm một cuộc hẹn hò. “Sư phụ” cùng chàng điển trai ra đi.
Qua khỏi chỗ khúc quanh, đệ tử bỗng mất dạng. Đến sông hắn móc mồi lia xuống được
một lúc, máy có tin nhắn “xe xẹp đừng chờ.” Vậy là “sư phụ” ung dung ngồi câu,
còn đệ tử câu chỗ nào không biết! Chỉ biết rằng buổi tối hôm ây, bữa cơm nhà đệ
tử rất vui. Đệ tử vừa nói vừa gắp cá bỏ vào chén vợ :
- Cá này béo lắm, ăn đi em, nhưng cái nòi câu còn sướng hơn
ăn!
Chàng điển trai nhanh chóng là một đệ tử trung thành của “đạo
câu”. Vẫn những buổi chiều cuối tuần mồi mỡ, cần câu sẵn sàng một sự chuẩn bị
khá chu đáo. Cả buổi sáng thứ Bảy đầy bồn chồn háo hức. Chàng điển tra nhìn vợ
nói:
- Cái đạo này mê lắm. Hèn chi “sư phụ” đi miết. Hấp dẫn lắm
em ơi!
Vợ chàng điển trai liếc cười chia sẻ niềm vui với chồng.
Tình cờ trong một lần đi chợ, người vợ thấp thoáng thấy bóng
chồng trong buổi chiều nhá nhem. Ông này đi câu rồi mà, lại vào hàng cá làm gì?
Người vợ tự hỏi.
Vẫn những buổi đi câu cuối tuần đầy thú vị. Nhưng chàng điển
trai cứ qua khúc quanh thì mất dạng. Và những cái tin nhắn thật ngắn gọn: “hư
bu-gi”.
Thằng cha này đi câu không hư cần, hư lưỡi, cứ sao hư
“bu-gi”? Sư phụ nghĩ. Còn vợ người điển trai bắt đầu một cuộc theo dõi.
Vẫn chiều thứ Bảy, công việc đi câu đã sẵn sàng. Cách đó
không xa, ở bưu điện, có một phụ nữ chân dài bước vào phòng máy rồi trở ra. Người
phụ nữ cẩn thận bịt khẩu trang, đeo gương, đội mũ và mang găng tay tới nách trước
khi vội vàng đề xe.
“Ăn đi em, cá này béo lắm”. Chàng điển trai vui vẻ nói với vợ
trong lúc ăn cơm tối.
Người vợ nhanh nhảu trả lời :
- Ừ béo, nhưng nếu anh không câu được, nó cũng chết thôi.
- Là sao? - Người chồng ngạc nhiên hỏi.
- Thì cái nòi cá phải ở dưới nước đúng không? Đằng này cứ ở
trên cạn, ở trong những quán cà phê vườn tối om. - Người vợ cười cười nói.
Chàng điển trai mặt mày lấm lét, ỉu xìu, lỡ nuốt lỡ nhả miếng
cá trong miệng... Người vợ nghiêm mặt nói: “Từ nay, ưng ăn cá gì nói tui mua.
Tui mua ăn cho ngán, đừng bao giờ đi câu nữa!”
Không biết chuyện này tai vách mạch rừng thế nào tới tai “sư
phụ”. Buổi sáng “sư phụ” đến, vợ chàng điển trai hắng giọng :
- Lại rủ ổng đi câu chứ gì?
- Không. Tui đến có việc hệ trọng.
- Chuyện gì mà hệ trọng? Nói đi. - Người vợ giục.
“Sư phụ” thong thả chắp tay đưa lên ngang mặt cung kính theo
kiểu trong phim kiếm hiệp, nhìn anh chàng điển trai nói :
- Từ nay trở đi tui xin bái ông bạn câu của tui đây làm “Sư
phụ”!
- !!!???
Ngoài ngõ, có tiếng chó sủa và bóng một phụ nữ đậm người cũng
đi vào.
Thằng Đẩu
Gà gáy, thức dậy, lão vo gạo bắc lên bếp, quấn thuốc hút.
Ngoài trời đầy sương. Sương này chắc còn nắng dữ. Nắng thì đỡ hơn. Mưa quẩn lắm.
Lão không muốn mưa. Mưa không đi được xa với lại mưa lạnh, bụng mau đói. Mà nòi
ác nhơn, đã đói cái chân mỏi rã rời, đạp xe không nổi. Không phải bây giờ, hồi
trẻ cũng vậy. Nên trước khi đi, lão đểnh một ruột thiệt no, còn gói theo một mo
cơm. Gói cơm to như cây bánh tét, lão cột dưới đòn dông xe, đồ nghề cột sau ba
ga. Lão quấn thêm điếu thuốc nữa, ra khỏi ngõ trời vừa sáng. Nghề này làm đã
lâu, lão không nhớ bắt đầu từ bao giờ. Thời gian làm lão quên nhiều quá. Nhưng
cái ngày gặp bà Mầu lão không thể quên được...
Trưa nắng. Tiếng chó sủa dồn. Đám trẻ con trong ngõ im bặt,
nhìn theo người đàn ông lạ. Người đàn ông đội mũ lưỡi trai, đi xe đòn dông, có
giỏ phía trước, ba ga phía sau, chở những cái lỉnh kỉnh không biết để làm gì.
Hình như những thứ ấy được vớt lên ở mé sông, bờ ao nào đó. Hay từ đống rác thải
của ông thợ gò đầu chợ. Rất quý. Người đàn ông rất quý thứ mà cuộc đời bỏ đi.
Ông sắp cẩn thận trong giỏ. Như thể ông làm nghề đồng nát, thu mua sắt vụn.
Nhưng không. Ông làm nghề khác. Một con dao xếp, một cuộn chỉ đen và cái kim
làm bằng cây kèo dù để trong túi vải, treo lủng lẳng trên cái ghi đông nhôm chữ
U hiệu Pô-vít bóng nhẵn. Ông đi khắp làng nọ, xóm kia. Ông rao giọng nửa ngâm,
nửa hát.
“Ai!... Heo đực thiến dái, heo cái thiến hông
Mấy chị không chồng Mầu đây cũng thiến”
“A! cái ông này ngộ thật”. Có vài phụ nữ lên tiếng. Lời rao
nghe vừa châm chọc vừa khiêu khích. Chị em không chồng nghe hầm lắm. Hầm vì bị
coi thường, xúc phạm. Còn cánh đàn ông thấy vui tai, chỉ cười.
Bốn mùa, ông mặc độc bộ ka ki không phân biệt được màu tro
hay màu đen. Bên ngoài là cái áo rộng, không tay, rất nhiều túi giống như áo của
anh họa sĩ hay anh thổi kèn gì đó. Nó lỡ dài lỡ ngắn, không cần nút, cứ để cho
hai cánh tự thòng xuống hai bên giống như con gà bị điều gắp hụt. Có điều cả áo
trong và ngoài không thấy dấu hiệu của sự giặt. Cứ thế quanh năm, ông chào hàng
với hai câu lục bát tréo ngoe. Đi đêm hoài cũng gặp ma. Đận ấy ông rảo qua xóm
An Điền. Xóm An Điền vào mùa nhổ mạ, phụ nữ ra đồng hết trơn có ai ở nhà đâu mà
heo với gà. Ông lân la chỗ rìa làng, nơi chị em đang lúi cúi, khom lưng trên
đám mạ. Điệp khúc chào hàng cất lên. Liền có tiếng tằng hắng :
- Cha chả, có thiệt hông đó?
- Sao lại không, đây là nghề gia truyền mà! Không tin thử biết
liền hà.
Ông rút con dao xếp trong túi vải ra, xòe bàn tay liết xoèn
xoẹt rất điệu nghệ. Lại có tiếng hỏi :
- Là nói cái đoạn sau đó, dám không? Sao làm thinh vậy, nói
đi chớ?
Ông đánh bạo :
- Đó chịu thì đây cũng chơi luôn, đâu ngán hè hè.
Bỗng có một chị ngước dậy, lấy nước vuốt sơ mấy vết bùn trên
quần, bước lên bờ thẳng tới. Cả đám nhổ mạ vỡ ra sau tiếng cười. Ông đi giật
lùi một chút rồi nắm chặt hai tay vào ghi đông xe. Ông định vù. Không kịp. Người
phụ nữ đã giữ được cái ba ga. Ông đứng trơ ra như Từ Hải, chịu trận. Chị nói:
- Bây giờ ông đi với tui. Nhà tui ở đằng kia, thiến gì cũng
phải vào đó đã.
Nghe kinh quá, ông luýnh quýnh. Nhìn bộ tịch của ông, chị cười:
- Nói vậy mà không phải vậy. Tui có con heo chưa thiến.
Ông lấy lại bình tĩnh rất nhanh, mặt rạng ra. Ông dắt xe
theo. Người phụ nữ đang xây xẩy bước đi phía trước. Không biết chồng con thế
nào mà ngó còn ngọt quá. Quần chị xăn đến gối, trái chân tròn lẳn, trắng ngần...
Ông cười, cất giọng “Ai! Heo...”
Ông “tác nghiệp” thành thục, loáng cái con heo trói gọn, treo
ngược lên cột hiên nhà. Ông nói:
- Chị cạo cho tui chén lọ nghẹ, bứt nắm lá ớt và chút dầu
hôi.
Ông giã lọ nghẹ lá ớt bóp dầu trộn đều rồi liếc dao xoèn xoẹt.
Con vật bị đau kêu om sòm, điếc đầu điếc óc. Chó được dịp sủa vang. Ông xỏ chỉ,
may chỗ thiến lại bằng cái kim kèo dù và xoa lọ nghẹ vào đó. Xong xuôi ông nhìn
chị ỡm ờ:
- Sao, còn chị?
Chị ngó ông nguýt dài:
- Ông có điên không vậy? Trời cho cái đó để dùng, dại gì mà
thiến.
Ông nhìn trước sau thấy vắng, nói đại:
- Nhưng tui thấy hình như chị có dùng đâu, để làm chi mai mốt
già cũng không đập lấy hột được?
- Sao ông biết tui không dùng, chưa dùng chứ sao lại không?
Nhưng mà đồ nghề của ông tui e lụt quá coi bộ chẳng nhằm nhò gì đâu!
- Này! Đừng có coi thường địch thủ nhé. Đồ nghề này là thứ
thiệt, ác chiến lắm đó. Có điều là hồi giờ chưa mở hàng . “Ring” cứng.
- Thôi tiền đây, nói một chút cho vui. Nếu chưa vợ con gì,
trưa có ăn cơm ghé đây tôi nấu cho ăn. Chuyện đó tính sau.
Đấy, đơn giản vậy mà con heo xoa lọ nghẹ hôm đó, sáu tháng
sau được dùng vào buổi tiệc mừng họ.
Thằng Đẩu sinh ra, lớn xôi xổi nhưng hình như hơi đần. Đẩu được
tám tuổi bà Mầu mất. Ông Mầu buồn cả tháng trời không đi làm. Chiều nào cũng
cõng thằng Đẩu ra đồi Dông Mộ, ông ngồi đến khi tối xẩm mới về. Thằng Đẩu lang
thang trong khu mộ địa, ngơ ngẩn nhìn trời. Đồi Dông Mộ toàn gai tông tốc, cây
sằm. Bọn trẻ cột bò vào những bụi gai, xuống bàu mò ốc. Bây giờ hai câu lục bát
chào hàng của ông thành câu đồng dao của đám chăn trâu. Chẳng bao lâu nó lan đi
khắp làng khắp xóm. Và người ta biết ông, không chỉ nghề thiến heo mà còn kiêm
lang băm, bán thuốc thương thực, no hơi. Cứ theo đồn đại thì thuốc của ông hay
lắm, hiệu nghiệm như thần. Viên đen đen, mốc mốc giống như kiểu thuốc “ăn được
ngủ được” của bà Bèo. Ai ăn không tiêu, chỉ cần uống hai viên là mửa vọt ra
ngay. Ông tự đặt “thương hiệu” thuốc Kỳ Nam Nực. Có người thắc mắc không biết
ông bào chế từ loại thảo dược gì? Có thấy ông đi tìm thảo dược bao giờ đâu? Riết
rồi cũng có người phát hiện ông điều chế bằng nguyên liệu “tự có”. Ông không tắm
bao giờ. Những lúc nắng to, mồ hôi đổ ra, ông thò tay vào nách kỳ cọ cáu ghét rồi
viên lại nên mới có tên là “Kỳ Nam Nực”. Chuyện đó hư thực thế nào chưa rõ,
nhưng việc thiến heo và bán thuốc thì ai cũng biết. Những lúc ông đi, thằng Đẩu
ở nhà một mình tự kiếm củi nấu cơm. Bữa đó không biết thế nào Đẩu làm rơi tàn lửa,
khi bà con phát hiện nhà ông Mầu chỉ còn một đống tro. Thằng Đẩu chạy ra trước
sân dậm chân, há miệng, khóc không thành tiếng. Chiều về, ông ôm thằng Đẩu ngồi
thu lu dưới gốc xoài. Ông nhìn trời, trời cao rộng quá, sao phận người hẩm hiu
nhỏ bé thế này?
Thằng Đẩu làm nhà cùng lúc người ta san ủi khu đất rộng sáu
chục ha làm khu công nghiệp làng nghề. Nhà nó đổ một tấm, mặt tiền. Việc coi
ngó tính toán được giao cho thằng Lộc, anh con Dung bán cà phê. Quán cà phê con
Dung ở cạnh khu công nghiệp. Đẩu buổi sáng mặc quần lửng ngồi quán, gác chân
lên ghế hút thuốc nhìn con Dung cho sướng. Con Dung đẹp quá đi chớ. Nó thuộc loại
chân dài, da trắng, mắt lá răm và sắc. Sắc hơn dao xếp ông Mầu. Tội gì mà không
nhìn. Nhìn nó cười là tít mắt thôi. Có lẽ trời cho nó cái cười. Nó cười bằng mắt,
bằng môi, và bằng cái gì đó nữa, thằng Đẩu nghĩ miết không ra, nhưng mà... say,
say lắm. Con Dung khôn đáo để, nó biết khai thác “tiềm năng” và phát huy “nội lực”
của mình. Buổi sáng, anh buôn dừa, bẻ cau, chở heo... đến đó để nhìn con Dung
cười một cái cho đã. Cà phê ngon dở không cần, trà đậm hay nhạt chẳng sao, miễn
là anh nào cũng tự nghĩ rằng cái miệng có duyên đó đang cười riêng cho mình một
chút. Có anh mang cả nụ cười ấy lên tận ngọn dừa, buồng cau mà huýt gió. Nhưng
chắc không có anh nào dám mang về nhà. Nếu có thì cũng giấu như mèo giấu cứt. Dại
gì lộ ra cho bị cấm vận. Con Dung mở quán là thực hiện chiến lược “đón đầu”, nhằm
hốt khách khu công nghiệp. Nhưng khu công nghiệp xây chậm quá, ba năm mới xong
một con đường. Con đường cấp phối chạy thẳng từ tỉnh lộ lên tận đồi Dông Mộ.
Chưa có công nhân thì nông dân. Nông dân quanh đây nhiều anh đã tình nguyện làm
bạn hàng thường xuyên của Dung cả rồi. Nhưng đời hay cắc cớ. Đơm cá gặp cua.
Khách làng đông mà thiếu chịu nhiều quá. Cứ ghi sổ chờ hết bận dừa, bận cau mới
thanh toán một lượt. Chán lắm. Chỉ có thằng Đẩu là tội nghiệp. Ngày còn làm
khuân vác, nó ít vào quán. Có vào cũng ngồi ở một góc riêng với mấy ông bạn lấm
lem của nó. Nhưng tiền nong rất sòng phẳng. Thỉnh thoảng cũng ngước nhìn con Dung
cười một chút.
Chỉ tội là nó hơi tàng tàng. Đầu không đội mũ, chân không đi
dép. To con, trạy trạy như Tây đen. Hồi mới đi làm, nó vác một lần hai bao
xi-măng như chơi. Làm nhiều, ăn ít mau xuống sức. Chưa đầy ba năm mà nó gầy thấy
rõ, lại còn ho khằng khặc nữa. Mới đây, trong một lần bốc hàng xong, trời nhá
nhem. Nó được bà chủ hàng đưa tiền sau cùng. Không biết vô tình hay cố ý bà lận
vào tay nó một xấp. Nó toan trả lại thì bị đồng nghiệp kéo đi. Hôm đó nó uống
thật say. Sáng thấy nhức đầu quá trời. Nó buồn buồn bước vào quán cà phê. Con
Dung nhìn:
- Sao mà yểu xìu vậy ông Đẩu. - Đẩu chỉ lắc đầu, cười.
Nó kêu một ly cà phê và một điếu thuốc, đúng hai ngàn. Khi đứng
dậy móc tiền, trong túi chỉ vỏn vẹn năm tờ vé số. Nó hỏi con Dung hôm nay là
ngày mấy và nhìn vào tấm vé. Nó hồn nhiên cười:
- Cho tui trả bằng cái này nghen. Biết đâu chiều nay...
Con Dung muốn thử vận may, với lại thấy Đẩu cũng tội đành cầm.
Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Thằng Đẩu trúng độc đắc vé cặp
không ai tin. Người ta không tin, bởi có ai thấy nó mua vé bao giờ đâu. Không
mua mà trúng mới chuyện lạ. Có người nói như vậy. Trớ trêu quá nên có kẻ vò đầu
bức tóc. Thằng Đẩu làm nhà mà buồn. Buồn vì ông Mầu không còn để nhìn cánh cửa
thiên đường đang mở ra với nó. Ông đã nằm xuống trong một ngày mùa đông mà
trong mắt ông, trời còn cao và rộng quá! Ông chưa kịp truyền lại bài thuốc cho
đời. Mà đời đang còn nhiều, nhiều người bội thực.
Còn con Dung thì khác. Dung nằm ngửa sung rơi vô miệng. Tự
nhiên có năm chục triệu trong tay. Nó hí hửng quá chừng. Thằng chồng cũ đi
ngang ngó vào, nó không cười. Các bà vợ của mấy tay chở rọ, bẻ cau thì ca cẩm,
các bà oang oang ngoài chợ:
“Gái bỏ chồng như nứa trôi sông, Không dập đầu nọ cũng toác đầu
kia”. Toác thì chưa thấy toác nhưng lần này con Dung có cơ hội đổi đời.
Thằng Đẩu làm nhà được ba tháng thì ngã bịnh. Bác sĩ nói
trong phổi nó nhiễm quá nhiều bụi xi-măng. Nó ốm liệt giường, con Dung phải tận
tay chăm sóc. Mấy anh lái heo nổi ghen, hát “Vai mang túi bạc kè kè...”
Biết không qua được, trước phút lâm chung nó hỏi Dung xin cây
viết và tờ giấy. Xong, nó dặn khi nào chôn cất đâu vào đấy hãy lấy tờ giấy ra,
nó để trong góc tủ thờ. Con Dung hồi hộp quá.
Mưa. Cơn mưa làm sạch bụi bám trên những lá cây trên con đường
cấp phối đến đồi Dông Mộ. Đám tang đi trong mưa, buồn thê thiết. Theo sau chỉ
vài anh bốc vác và con Dung. Nước mưa hay nước mắt không biết, nhưng trên má
con Dung bị trôi đi gần hết lớp phấn kem. Đồi Dông Mộ có thêm một cái mả mới nằm
song song với hai cái mả cũ. Con Dung nhanh chân quay về, cánh cửa tủ đã mở
toang. Thằng Lộc móc trong túi ra tờ giấy đập mạnh xuống bàn:
- Thôi đem giao cho Ủy ban đi!
Con Dung như biết được sự việc vào nhà đánh lại lớp kem rồi bắt
đầu những nụ cười thu hoạch khác.
Theo ý người đã mất, Ủy ban giao lại căn nhà cho hội từ thiện.
Mấy năm sau, hội từ thiện đập căn nhà thằng Đẩu, xây lại cơ ngơi hoành tráng
hơn.
Có người nói: “Mười năm sau có thể người ta sẽ đập đi và xây
lại cái nhà mới nữa, nhưng hai câu lục bác của ông Mầu cho dù có bao lâu thì
cũng không ai có thể đập ra viết lại thành câu khác được, cho dẫu đó là một câu
hoành tráng!”
Minh Long hè 2006
Chuyện một bức thư
Qua khỏi dốc đường tàu, rẽ phải là con đường đang mở. Người
ta san ủi, bùn đất lung tung. Gặp đợt mưa cuối mùa, lầy lội quá chừng. Nước đọng
lòng đường, nước chực tràn vào chỗ bộ ván kê gần cửa nhà ông Phán. Ông lụi hụi
tìm gạch xếp chồng, trát đất sét ngăn nước. Ngôi nhà xấp xỉ tuổi ông, nó cũng
hao gầy, teo tóp. Ông lấy cây bạch đàn, cây keo, neo giữ. Bốn vách ngả nghiêng,
những viên gạch lùa thanh tre xâu lại. Dẫu sao cũng ngăn được gió. Ông nghĩ vậy.
Nhưng ánh sáng thì không ngăn được. Thứ ánh sáng ma mị hằng đêm của đoàn tàu đi
qua lia vào đánh thức những khắc khoải trong ông. Và ông ngồi đốt thuốc cho đến
khi ngoài đường có tiếng người đi chợ sớm. Ông nhớ rành rành, đó là một ngày
tháng Mười một...
Mưa. Người đàn bà thức dậy, tìm khạp gạo vo, bắc niêu cơm lên
bếp. Ngọn lửa bập bùng cháy hắt ánh sáng ra làm mặt người đàn bà như hồng lên.
Ông ngồi trên bộ ván, vấn thuốc hút, nhìn mưa. Mưa thế này không biết những cây
mạ cấy xuống có bị ông trời chụp nước không? Năm ngoái vừa cấy xong, nước trắng
lăng đồng, đến khi nước rọt, ruộng đám nào cũng trơ gốc mạ. Những tép mạ non
liêu xiêu bệu bã, xõa ra vàng khè như dưa muối. Sợ lắm, sợ mất mùa lắm. Nhưng
sao sáng nay, lòng ông thấy có gì âm âm. Niêu cơm bưng lên đặt trên cái rế tre,
dở nắp vung ra, mùi củ lang khô quyện mùi gạo thơm phức. Chén mắm cái, giã mấy
trái ớt tươi hái ngoài vườn, ngon miệng quá trời. Bưng chén cơm, ông nhìn người
đàn bà nói: “Ăn đi, đừng ngại”. Người đàn bà nhìn ông, một thoáng cười trên mắt,
ánh mắt của kẻ chịu ơn và hình như còn chứa đựng điều gì xa xăm. Chị bước vào
căn nhà này hôm qua, lúc chạng vạng tối. Lúc nhà ai cũng đã đốt đèn. Ông Phán
cũng vừa đốt đèn thì có bóng người thụt thò ngoài cửa. Cái bước chân ngập ngừng
đó làm ông bưng đèn soi tận tận mặt. Ồ một người đàn bà. Ông lạnh lùng: “Chị hỏi
gì?” Luồng gió lùa qua, ngọn đèn lung lay. Người đàn bà rùng mình, ấp úng: “Ông
làm ơn cho tui ở lại đây đêm nay được không? Tui lỡ đường!” Một khoảng yên lặng
trôi qua. Ông Phán nói: “Tui ở một mình nếu chị không ngại thì cứ tự nhiên. Nhà
tui chẳng có gì, bộ ván kia và cái võng đây. Chị muốn nghỉ đâu cũng được”. Treo
tay nải trên cột nhà, chị nói: “Mấy hôm trước tui nhảy tàu ở chỗ Cống Đôi. Chỗ
đó tàu qua chậm lắm. Họ đang sửa đường. Bữa nay, tàu chạy nhanh, tui không lên
được”. Ông Phán có vẻ cảm thông. Lạ gì, lúc trước cũng có vài người vứt hàng từ
trên tàu rồi nhảy xuống đây, và cũng có người gửi hàng đây, nửa đêm khuân lên
tàu. Chuyện mua bán nhì nhằng ấy mà, ông đâu để ý làm gì. Đôi khi người ta cũng
gửi ông ít hào trà lá, gọi là trả công. Ông hờ hững cầm không chê nhiều ít. Ông
chuyên chú làm ruộng và đôi khi sửa hộ ai đó cái máy may. Tất nhiên là nghiệp
dư thôi. Những cái máy may đâu thời Pháp thuộc còn lại, nó hay bị rối chỉ hỏng
kim, hoặc hư thuyền, hư suốt gì đó. Không biết ông học nghề này ở đâu. Ông gọi
tên từng bộ phận máy rành rọt. Nhưng tính khí ông bất thường. Cái bất thường
đó, làm đàn bà con gái ít ai muốn gần. Ông ít nói, hoặc nói như bổ củi. Nhưng lần
này không biết sao, ông lại dịu dàng đến thế. Ông nói: “Hôm nay tui nhổ mạ. Có
chút ruộng, không người, một mình làm mệt quá. Chị ăn cơm xong, có việc cứ đi”.
Bỗng dưng ông thấy lòng chùng xuống. Ông thấy hình như vô cớ mình quăng mất cái
rổ, cái rá còn dùng được ra sân. Nhưng cái rổ quăng ra còn lượm lại, đằng
này... Người đàn bà và hết miếng cơm trong chén, bỏ đũa đứng dậy đi xuống bếp.
Chị bưng lên cái mo đài đầy nước chè tươi, hôi hổi nóng. Chị nói: “Nước này”.
Ông bỏ dở điếu thuốc đang vấn, đỡ lấy, lơ đễnh nhìn ra sân. Chị thu vén chén
đũa. Tợp ngụm nước chè, bập hơi thuốc, lòng ông thấy nôn nao. Một cái gì, ừ một
cái gì không rõ, nó mơ hồ mong manh, khó nói. Người đàn bà ngồi rửa chén chỗ
ghè nước trước nhà. Ai đó làm đồng sớm, ngang qua liếc vào, nói lời gì bay
trong gió. Chị điềm nhiên ngồi rửa, thỉnh thoảng ngước nhìn ông. Ông nói: “Tui
ra đồng, chị ở nhà rồi đi nghen”. Nhưng không, chị đã theo ông ra đồng. Chị nói:
“Cho tui đi với, ngày mai mới có tàu vô, nằm nhà một mình buồn lắm”, “Ừ, đi thì
đi” - Ông nói. Đưa siêu nước cho chị xách, ông vác cuốc, cầm nắm lạt mạ đi trước,
chị theo sau. Vẫn cái bờ ruộng đã mòn chân ấy, mà ông bước đi hơi luýnh quýnh.
Trưa hôm đó, gió bay khắp xóm. Gió mang theo câu nói cửa miệng mọi người “Lão
Phán có vợ rồi”. Có người cải lại: “Bậy mà, có vợ sao không nói với ai một tiếng.
Ít ra cũng có con gà con vịt mời bà con ly rượu chớ. Cái ông coi mà tệ thiệt”.
Đây là nói vậy thôi, biết đâu mà lần, thằng cha hâm hấp đó. Lời bình phẩm bàn
đi tán lại, loan xa. Mặc kệ. Ông Phán bình chân như vại. Để lâu cứt trâu hóa
bùn. Bây giờ bà Thi là vợ ông Phán. Cuộc tình duyên trớ trêu, xuôi dầm mát mái
được mấy năm. Đến khi bà Thi đẻ đứa con trai. Theo người ta nói đứa con trai giống
hệt ông Phán từ cái mũi, con mắt đến cái miệng. Cái miệng nó cười dài nhằng hệt
như cha nó. Là theo cách nói của bà Năm xóm trên. Nhưng ông Phán thì khác. Ông
lằng ằng mãi. Cứ nửa đêm ông dựng bà Thi dậy. “Thằng Tùng con của ai, mầy nói
đi?” Con ai bây giờ bà làm sao nói được? Bà ở với ông, sống với ông thì con ông
chứ còn con ai vào đây? Đấy là sau lần đem hàng qua biên giới, bà trúng mánh đậm.
Mang về một mớ tiền, bà nói: “Ông coi có kíp thợ nào hay hay kêu xây lại cái
nhà. Mai tui nói đổ vật liệu”. Ông tỉnh queo: “Không nhà cửa gì cả, cứ để vậy,
tui ở từ hồi nào giờ có chết đâu?” Những cuộc cãi vã hàng đêm, những chuyến đi
về của bà thưa dần. Đống gạch bà mua đã lên rêu. Nó ngạo nghễ nằm ở hông nhà
như một thách thức đợi chờ. Nó đợi chờ cái ngày được thành tường, thành vách,
được ăm ắp hứng lấy tiếng cười, tiếng nói nói trẻ con. Nhưng không, nó đã thất
vọng. Nó nằm đây từ bao nhiêu đêm rồi, chỉ nghe toàn những tiếng cãi vã, tiếng
sụt sùi của người đàn bà. Còn đống cát lụi dần, mấy con chó hàng xóm, ác quá cứ
bươi ra làm xấu vào đó. Bà Thi nhìn mà ngao ngán. Tưởng rằng bến cuối này bà sẽ
được yên. Sóng gió gác lại bên kia đường tàu. Cái chơn chất, bùn đất của người
đàn ông này sẽ cho bà những tháng ngày êm ấm nhất. Bà cố quên một quá khứ cay đắng
đời mình. Đấy là lần bà rời khỏi quê nghèo miền biển lên thị thành kiếm sống.
Đêm đầu tiên nằm ở thành phố, bà nghe như có tiếng sóng dội mãi vào lòng. Tiếng
gió dặt dìu thổi qua rừng dương và cả tiếng chim bìm bịp kêu ngoài bãi bắp. Quê
hương là cái gì không biết. Sao nó cứ ăm ắp trong lòng. Rồi bà gặp gã thanh
niên điển trai nói lời đường mật. Bà nghe theo, bị gán nợ cho một người bên kia
biên giới. Phải mất đến mấy tháng trời, bà mới trốn khỏi. Bà không dám về quê.
Lầm lũi ở một thành phố đông người, cái nón mê với rổ vịt lộn trên tay, bà lặng
lẽ đi qua chặng đường gian nan đó. Theo những chuyến tàu xuyên suốt Bắc Nam, bà
quyết tâm làm lại cuộc đời. Rồi một đêm tình cờ bà ghé vào đây. Để bây giờ, đêm
qua không ngủ, bà trằn trọc mãi. Bà ôm thằng Tùng trong lòng. Nó ngủ ngon lành.
Giấc ngủ bình yên. Vài tiếng đồng hồ nữa, thức dậy nó không còn thấy bà. Nó mếu
máo khóc. Nó kêu mẹ ơi! Nghĩ đến đó, bà thương nó quá. Nhưng biết làm sao? Thật
tình bà không muốn xa ngôi nhà này. Nhưng ở lại thì... Bà đắn đo lắm. Vả lại
công việc xong bà quay lại tìm cách dẫn Tùng theo. Đây là buổi sáng cuối cùng
người đàn bà rời khỏi căn nhà. Căn nhà bà tình cờ đến và ... tình cờ đi. Nó giống
như cái ngẫu nhiên nào đó của cuộc đời. Chỉ tội thằng Tùng. Tùng lớn lên trong
đay nghiến của cha, và mỏi mòn chờ mẹ. Tám tuổi nó đi chăn trâu cho người hàng
xóm. Mười hai tuổi nó mê đánh bài. Ông Phán kêu về cho một trận. Nó bỏ nhà đi
luôn.
Đấy là chuyện của hai mươi mấy năm về trước. Hai mươi mấy
năm. Một khoảng thời gian khá dài đủ để làm đổi thay mọi cái. Nhưng cái tính
khí ông Phán vẫn không thay đổi. Ông đã già lắm rồi, bước đi chậm chạp. Căn nhà
ọp ẹp vẫn còn nguyên đó. Những đất đá ngổn ngang trước cửa. Con đường lầy lội
quá, mà ông cũng ít khi ra khỏi nhà. Thỉnh thoảng ông hé cửa, nhìn theo đoàn
tàu lao đi vun vút về phương Nam. Một đêm sau giấc ngủ, ông thấy mình không dậy
được. Miệng đắng chát. Có lẽ cái ngày ra đi của ông cũng gần kề. Một mình trong
quạnh quẽ, bỗng dưng ông thèm một bàn tay. Một lời hỏi han chia sẻ. Nhưng
không, đã ba hôm rồi, chỉ có những con chuột kiếm ăn đùa giỡn trên xà nhà cùng
tiếng thạch sùng chặc lưỡi. Và đêm qua ông đã hôn mê. Khi tỉnh dậy, ông thấy
mình nằm trong một căn phòng sáng trưng. Từng giọt nước theo ống dẫn chảy vào cổ
tay ông. Một người đàn ông ngồi cạnh lộ vẻ vui mừng. “Cha! Cha tỉnh rồi hả. Con
là Tùng đây. Thằng Tùng mấy chục năm trước mê đánh bài để trâu ăn mạ người ta
đây mà”. Ký ức mơ hồ trong ông lờn vờn những mảng sáng tối, những đan xen giữa
mất và còn, giữa có và không. Bỗng dưng ông nắm lấy bàn tay Tùng: “Con”. Một giọt
nước len ra từ khóe mắt khô cằn trên khuôn mặt hốc hác. Thằng Tùng lấy khăn tay
trong túi, mắt nó cũng ngấn nước. Nó run run đánh rơi tờ thư.
“Thành phố biển ngày... tháng... năm...
Tôi muốn lòng mình được thanh thản trước lúc đi xa nên viết mấy
dòng này mong ông tha thứ. Ông hãy tha thứ tội lỗi cho người đàn bà lỡ bước ghé
vào nhà ông, ghé vào cuộc đời ông. Thật tình tôi cố nén lòng giấu đi một quá khứ
đọa đày để cùng ông chung sống cho đến cuối cuộc đời. Nhưng lương tâm tôi không
cho phép. Lương tâm tôi cứ mãi xót xa. Mấy chục năm nay, tôi cố làm lụng nuôi
thằng Tùng ăn học. Bây giờ nó đã trưởng thành. Tôi muốn nói rõ điều mà ngày xưa
hằng đêm ông thường gạn hỏi. Thằng Tùng không phải là con ruột của ông. Chào
ông”.
Người đàn bà đã nương nhờ ông đêm lỡ bước.
Thi
Đây là bức thư được viết cách đây mấy tháng, trước lúc bà Thi
lâm bịnh nặng và qua đời.
Tùng vò vè mãi tờ thư, rồi xin phép ra ngoài. Một ngọn lửa
xanh chập chờn cháy. Và sợi khói mong manh bay lên trong sương sớm. Bệnh viện bắt
đầu một ngày làm việc. Nó cảm nhận được một cái gì đó. Hình như hạnh phúc không
ở đâu xa. Và Tết này, ông Phán đón xuân ở một thành phố biển.
Minh Long cuối đông 2006
Đêm ốc nổi
Con gái xóm Đồng Vinh như rổ trái cây. Rốt cuộc đều có người
lựa hết, cả trái sâu sia sứt sẹo. Cứ theo cách nói ấy, thì Phượng là trái hấp dẫn
nhất, tròn trĩnh, mướt mát, có vẻ thơm tho nữa. Phượng nổi trội trong đám với
dáng thon, tóc dài, da trắng. Phượng xinh tự nhiên. Tự nhiên như bông súng,
bông sen, mọc hoang trên đồng, như trái vú sữa chín mọng trong vườn. Anh nào thấy
cũng muốn cắn còn nói gì nữa - thanh niên cứ rập rình bờ rào, chọc chó sủa rân.
Không tối nào yên. “Mệt lắm, đứa nào ưng, tao gả quách”. Cha Phượng nói vậy. Ấy
là nói cho cái tai được im. Cho được rảnh mà nghe thời sự tối ở cái loa trên
cây gòn. Nhưng có yên đâu, bờ rào vẫn có đứa thụt thò, chó vẫn cứ sủa. Người ta
nói con gái lớn trong nhà như có trái mìn nổ chậm. Mìn nổ chậm thì chưa sợ mấy.
Chỉ sợ thằng cha căng chú kiết nào đó, lẻn vào gài ngòi rồi bỏ chạy, mới tai họa
chứ. Nghĩ đi, nghĩ lại, cha Phượng đốt hết điếu này, nối điếu kia. Tàn thuốc đầy
góc nhà. Mỗi lần quét, Phượng càu nhàu: “Bớt hút thuốc đi cha”. Bớt sao được,
khi mày chưa có đám nào thì trà thuốc là bạn tao trong đêm. Cha Phượng nghĩ vậy.
Đến hôm có người dạm hỏi, lòng ông khấp khởi. Chẳng ai đâu xa, thằng Dần xóm
trên. Ừ thằng Dần cũng được. Coi vậy mà nó chí thú. Ông mừng. Làm cha mẹ ai chẳng
mừng khi con cái nên gia, nên thất. Nhưng vợ chồng nó đang làm ăn xôi xổi, đùng
một cái, đưa nhau ra tòa. Chẳng ai hiểu. Cha Phượng cũng không hiểu. Nghĩ mãi,
ông đốt thuốc nhiều hơn. Và chiều nay mưa, ngồi trên bộ phảng kê trước hè, gió
hơi lạnh, nhìn phía bàu Đưng thấy toàn là nhà và nhà, ông nghe hình như vừa mất
cái gì. Cái gì mơ hồ, không rõ nhưng tiếc lắm...
Cơm tối xong, Phượng dọn rửa rồi học bài. Ông Nậm ngồi vân
thuốc hút. Bà Nậm tìm mấy cái rổ, bao tải và đèn pin. Mùa đông trời tối nhanh.
Mới hơn bảy giờ, ngoài đường ngửa bàn tay không thấy. Từ nhà đến đồng bàu Đưng
không xa, nhưng đường nhão nhớt quá. Mưa có đến vài tuần, cứ riu riu nhẹ, mà
ngày nào cũng mưa, mưa hoài không dứt. Cánh đồng bàu Đưng trắng nước. Nước lên
đến đầu gối, có chỗ sâu hơn. Đêm tối, đồng vắng. Chỉ có gió và gió. Gió lướt
trên mặt nước, gợn lao xao từng chùm ốc đánh đu vđi nhau. Ở đây toàn là ốc bưu.
Ban ngày, chúng nấp vào gốc rạ. Ban đêm, nổi lên bám vào nhau, chèo kéo nhau, gặp
gỡ nhau vừa kiếm ăn vừa vui chơi, thành ngày hội của chúng. Đây là mùa vợ chồng
ông Nậm làm ăn. Với cái đèn pin, dầm chân trong nước, từ đầu hôm đến nửa khuya,
ông kiếm có khi được cả bao tải. Vừa sáng, bao tải ốc được phân làm hai. Ông Nậm
bán chợ xa, bà Nậm lên chợ huyện. Rồi ốc đi đâu nữa không biết, có khi cũng vào
các quán đầu chợ. Một đêm, đang bì bõm trong nước, ông Nậm nghe hình như có tiếng
chân người, tiếng chân đi trong đêm trên đồng vắng, chuyện lạ? Ông Nậm dừng lại
nghe ngóng, quét đèn pin về phía bao ốc trên bờ, có bóng người đi qua, mất hút.
Chuyện ấy mình Ông Nậm biết. Sáng ra, ngoài chợ thấy bà Phi bán ốc, bà Nậm hỏi
mua.
- Ốc tui mới bắt đêm qua, ngon lắm, mua đi, nhưng mà ai chứ
bà mua làm gì?
- Ờ, tui mua về cho chúng khỏi lạc bầy. - Bà Phi mặt tái đi.
Đích thị rồi. Nhưng không bắt được tay làm sao day được cánh?
Với lại chắc túng quá làm liều, thôi kệ. Bà Nậm nghĩ. Thường bà Phi đến chợ với
cái rổ trống không. Cái rổ và miếng lá chuối vậy thôi. Nhưng hôm nay có cả mủng
ốc. Bà Phi mặc độc cái quần đen vải gì không rõ, cứ mỗi lần đứng dậy là hai ống
quần xoắn lại nhun nhún như hai cái lò xo. Hai cái lò xo về đến ngõ, có tiếng
người la trong sân. Thôi chết rồi. Bà hồi họp đợi chờ. Thực ra việc chẳng đặng
đừng. Ai mà không biết. Nhưng biết làm sao? “Bần cùng sinh đạo tặc”. Bà tự an ủi.
Hú vía không phải, ông Phi đang hòa giải chuyện con Phượng với thằng Đàn. Thằng
Đàn đánh nhau với con Phượng đâu lúc đi học về. Ông Phi lớn tiếng răn đe. Ông
cao lêu nghêu như cây sào lò. Suốt ngày, ông đội mũ rộng vành, cầm sào cời
than, đẩy củi. Ông xin được chân đốt lò cho hợp tác xã gạch ngói, sau ngày ở trại
cải tạo về.
Chuyện đã mười mấy năm. Mười mấy năm bay vèo như cơn gió. Mới
hồi tháng Chạp đây, vợ chồng ông Phi về nước. Xe đón, xe đưa. Xe chạy tới tận cổng.
Cái cổng to tổ bố, có chấn song xanh trắng, tay nắm mạ vàng. Ông Phi lêu nghêu
bước ra, mở cửa dìu bà Phi xuống. Bà Phi váy đầm củn cởn, thưởng thẹo. Ừ thì Việt
kiều mà. Đồng đô-la xanh dễ làm người ta mướt ra. Nhưng cũng dễ làm cho đời mọc
các thứ nhánh nhóc, các thứ đọt chồi. Thằng Đàn không làm hộ chiếu được, nên
đành ở nhà với vợ. Vợ chồng nó quẳng cây sào, không thèm chăn vịt, tập đánh
bài, hát karokê và uống bia. Thằng chồng uống bia ở nhà hoài chán, chuyển sang
uống ở quán. Quán bây giờ có mà đầy. Ở quán được rót, được mời. Được vuốt những
đuôi mắt dài, tình ngắn. Người ta lấp cánh đồng bàu Đưng, xây nhà, xây quán san
sát. Trong ký ức của ông Nậm thì con đường nhựa này, hồi xưa là đường đất gầy
nhom chạy về xóm Đồng Vinh. Bây giờ, đầu đường là quán café treo nhiều dây đèn
màu nhấp nháy. Buổi sáng, có mấy đứa con gái trẻ măng, đầu tóc ướt mem, (xả bớt
mưa vần, gió vũ đêm qua) đến quán bắt chéo chân khuấy café, hút thuốc. Mà mấy đứa
này kỳ lắm, ăn mặc sao chẳng giống ai. Áo váy mỏng tang, còn hở vai, hở đùi nữa...
Cứ mỗi bước ném hai làn mông sóng sánh phía sau. Thằng Đàn mãi nhìn theo. Con
kia ngoái lại, cả hai cười. Hình như chúng quen ở đâu rồi. Còn ở đâu nữa? Có
người nói thế. Chỉ tội thằng Dần. Dần lụi cụi suốt ngày. Con Phượng sai làm mù
mắt, tắt đèn. Việc gì nó cũng làm (mà làm giỏi nữa nghen). Bẻ cau, suốt lúa, cả
chích thuốc, chuyền tinh heo... Nhiều tối, Phượng rủ nó ra quán đầu làng hát
karaokê, Dần lấy tay che miệng ngáp dài. Trèo cau tối ngày nắng thấy mụ nội lấy
sức đâu mà hát? Vả lại tiền hát một giờ có khi bằng công chuyền tinh heo cả buổi.
Nghĩ thế nên nó lắc đầu. Nhưng hát đã thành phong trào rồi. Cả xóm, hầu như ai
cũng hát. Có người hát ở quán không đã, sắm máy hát ở nhà. Hát để giải phóng
sinh lực thừa. Ông Nậm nghĩ khác. Ông nói “Ăn no rỡn mỡ”. Mới đây thôi, mới hồi
ông đi bắt ốc, cầm được cái củ mì, mừng hơn cầm mi-cà-rô. Còn bây giờ khác xa,
ngày nào con Phượng không hát, thấy trong người sao sao ấy. Thứ ác nhơn, đi
hoài thành quen, nhịn chịu không được, ai rủ đi liền. Phượng có hai đứa con, đứa
nào cũng xinh như mẹ. Nhưng mẹ hát con không khen hay mà mấy thằng cha bợm nhậu
trên quán khen hay mới chết người ta chớ. Trong số đó tất nhiên có thằng Đàn. Từ
ngày ông Phi định cư ở Mỹ, thằng Đàn nổi tiếng vung tiền qua cửa sổ. Có lần ông
phải nói: “Mày tiêu vừa vừa chứ, bên đó tao đi hái bông vải gần chết đâu có sướng
ích gì”. Thằng Đàn ngược lại, nó thấy tiền đô tiêu sướng hơn tiền bán vịt. Cứ
vài đêm đi hát một lần. Mà lần nào nó cũng nhắn nhe con Phượng. Phượng có giọng
hát hay, phấn son suốt ngày, móng tay, móng chân đỏ chót, chảnh lắm. Phượng
nói: “Thỏi son môi này giá hơn tạ thóc đó nghe, à quên gần vài chục đô đó”. Mấy
bà đi chợ lè lưỡi, có bà cố nuốt cho trôi miếng nước bọt cứ lờn vờn trong cổ. Một
lần đi hát Đàn làm rớt mi-cà-rô, Phượng cúi xuống lượm, để mấy ngấn cổ trắng ngần,
Đàn ghé môi vào đó.
- Đừng anh. - Nhưng Phượng đã choàng tay vít cổ Đàn vào ngực.
Cái ngực lồ lồ hâm hấp nóng... Và thời gian trôi. Ánh đèn mờ ảo, hơi men và những
đồng giấy bạc lạnh lùng, đã kéo Phượng đi... Bàn chân Phượng bước khỏi những
đám ruộng bùn đi về miền ảo ảnh. Ở đó có thứ ánh sáng ma mị hoang hoải thắp lên
hàng đêm màu phỉnh dụ.
Cán cân công lý cân hai cuộc đời. Một bên tiền bạc, phấn son.
Bên kia mồ hôi, nắng gió. Hai cuộc đời không gắn kết vào nhau. Đồng bạc vô tri
lách vào ở giữa. Mỏng và sắc. Nó cắt đứt những gì thiêng liêng, cắt đứt dây neo
chồng vợ. Dần nghe tòa tuyên bố:
- Hai đứa con, một đứa theo cha, một theo mẹ...
- Không, con không chịu đâu!
Đứa lớn ôm đứa nhỏ khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi tinh
khôi. Những giọt nước mắt chưa hề vướng bụi không làm tươi lại được những số phận
con người. Dần thấy rã rời. Hai đứa nhỏ cứ ôm nhau. Chúng nhìn mẹ, nhìn cha.
Nhìn mọi người với ánh mắt van xin cầu cứu.
Bên kia bờ đại dương, tuyết lạnh lùng rơi, gió vẫn thổi và những
cánh đồng bông vải bát ngát. Thiên nhiên không có tội. Nhưng biết làm sao bây
giờ? Từ hôm bà Phi oang oang ngoài chợ: “Đây này, bà con xem đây”. Thoạt nhìn
thấy trắng hếu như con heo cạo. Nhìn kỹ đó là hình một phụ nữ truồng nhồng nhổng.
Ngực chảy xệ. Bà Phi lấy máy, chụp người bu lại coi hình. Kẻ hiếu kỳ ngày càng
đông. Họ xem hình hay xem người cho coi hình? Có lẽ cả hai. Người cho coi lạ
quá. Tóc có bao nhiêu cũng chòm vàng chòm đỏ. Áo pul đã chật còn màu mè quá cỡ.
Lại nữa, quần đùi jean ngắn ngủn, ống xé te tua (để khỏi thành lò xo), cẳng
chân có phần trắng hơn nhưng đã nhăn nheo. Bà Phi cười cười, hàm răng trắng muốt
đâu còn bợn cơm vàng khè như ngày xưa. Bà nói: “Thằng Đàn say, bỏ cái điện thoại
trên bàn, con vợ nó thấy, đem rọi lớn, tưởng ai té ra Phượng, con nhà Nậm”. Bà
Nậm bán trái cây gần đó nghe điếng hồn, tay chân bủn rủn. Mồ hôi chảy thành
dòng. Bà thấy mất đi một cái gì quá lớn. Lớn gấp trăm ngàn lần rổ ốc mất ngày
xưa. Ngày xưa vì khó mà đùm nhau. Còn bây giờ (...) ai đùm được miệng bà Phi?
Qua sông
Trời nóng. Nóng gần đến bốn mươi độ. Lại mất điện, Thắng điều
hành cuộc họp đến cuối buổi. “Này, anh đưa tôi ra bờ sông”. Thắng nói với người
lái xe. Ra bờ sông sẽ đỡ hơn. Đó là cách giải tỏa bức bối cả bên ngoài và bên
trong. Suốt bốn tiếng đồng hồ, căng quá, chưa có buổi họp thi đua nào căng đến
vậy. Thắng nghĩ, quyền lợi là cần thiết, nhưng đôi khi cũng làm người ta khó xử.
Ra bờ sông có gió, với lại có anh chủ quán tếu táo vui tính, Thắng thấy dễ chịu
hơn. Thắng nói: “Độ này trông bác có vẻ hơi gầy đó”. Anh ta cười cười, “A! gầy
hả, gầy thì tốt, người ta nói mình gầy mà...” Chủ quán vừa nói vừa ngó sang bà
vợ béo. Bà vợ ném cái lườm nóng hổi như trả than về phía gã. Gã cười xởi lởi.
“Hôm nay sao xếp ra muộn thế?” Chủ hỏi. Thắng nói: “À, cơ quan họp xét thi
đua”.
- Chà! Thi đua hả, thi đua có gì căng lắm đâu, tôi kể anh
nghe chuyện hội thi này nhé.
Anh ta bê thùng bia, lăng xăng với mấy cái ly và nắm giẻ lau
trên tay, anh kể: Có một cụ vào tuổi trung niên, bản tính thiệt thà, làm biếng
nghĩ xa, ưa nghĩ gần. Nghĩ gần khỏi mệt cái óc đó là lời cụ nói. Bù lại thằng
con trai cụ thông minh, nó làm công tác phong trào. Phong trào gì nó cũng tham
gia, nhất là các phong trào hội thi, mà nòi bất nhơn, hễ nó tham gia là đạt giải,
một lần người ta thi “tìm hiểu về giới và những vấn đề liên quan”. Sau buổi
thi, con cụ trở về ôm theo bó hoa.
Cụ nói :
- Kể tao nghe coi, sao hoa hòe nhiều thế? Thắng lợi hả con?
- Tất nhiên. - Thằng con trả lời kiêu hãnh.
- Nhưng mày hãy kể tao nghe thử coi. Thi cái gì vậy?
- Có gì đâu, dễ ẹc à. - Thằng con thản nhiên.
- Dễ là thế nào? - Ông già hỏi.
- Thì người ta hỏi ở giới phụ nữ, bộ phận cơ quan nào có vị
trí quan trọng nhất? Thí sinh dự thi có vẻ ậm ừ, điếc đặc, còn con trả lời ngon
ơ, người ta vỗ tay kịch liệt.
- Mày trả lời sao mới được chớ? - Ông già hỏi.
- Cơ quan có vị trí quan trọng nhất của giới phụ nữ là “Hội
Liên Hiệp Phụ nữ”.
- A thế, vậy mà tao tưởng... - Ông già chậm rãi.
Cuộc thi hôm sau lại tiếp tục và lần này thằng con trai ông
cũng ôm bó hoa trở về.
- Thắng lợi chứ con. - Ông già hỏi.
- Tất nhiên rồi!
- Lần này người ta hỏi sao?
- Phụ nữ thích cầm nắm cái gì nhất của người đàn ông?
- Câu hỏi này có vẻ căng đây. - Ông già lo lắng - Rồi mày trả
lời sao? - Ông già hỏi.
- Lần này người ta vỗ tay càng nhiều hơn.
- Trả lời sao nói lẹ nghe coi.
- Cái người phụ nữ thích cầm nắm nhất của người đàn ông là...
lương, lương tháng ấy mà.
- Hoan hô, trên cả tuyệt vời, vậy mà tao tưởng...
Đúng là ông già hay tưởng... - Chủ quán nhận xét trong tiếng
cười - Chủ quán tiếp:
- Ông già thích nghĩ gần theo cách ông nghĩ. Nhưng cuộc đời gần
xa quanh quẩn cũng bấy nhiêu thôi, phải không xếp?
Bà vợ bỏ mớ lá ngò xuống, chúm chím lườm: “Hỏi vậy mà cũng hỏi.
Vô duyên”. “Hôm nay xếp lai rai món gì để em làm?” - Bà vợ nhìn Thắng hỏi.
- Món gì cũng được, tôi vẫn thích các món chuyện thập cẩm của
ông nhà, chủ yếu là vui thôi mà.
Được trớn, anh chủ quán tiếp tục, những mẩu chuyện dây cà dây
muống, tào lao hết cỡ của chủ quán. Anh kể về chuyện một người qua sông bị cô
lái đò lấy tiền gấp đôi. Người khách tức giận hỏi tôi cũng như mấy người nầy,
có mang theo gì đâu sao cô lấy tiền tôi nhiều thế? Cô lái đò nói có đấy. Tôi chở
anh qua sông nhưng anh mang theo những núi đồi. Cô vừa nói vừa kéo cổ áo thun
hơi bị trễ xuống. Người khách hết giận liền, móc tiền và xin trả đến những gấp
ba. Cô lái đò ngạc nhiên nói tôi đòi hai sao anh lại trả ba? Người khách cười
cười nói núi đồi có nặng đây nhưng suối khe còn vất vả hơn! - Anh này thật thà
và dũng cảm quá. Sẵn sàng nhận “khuyết điểm” về mình, không chạy chối quanh co.
Trung thực, rất trung thực. Chủ quán cười khà khà, lấp cả lời cằn nhằn của vợ.
Nhưng lần này Thắng không cười. Qua đò. Thắng nhớ lại chuyện qua đò cách đây gần
ba mươi năm về trước. Cũng trong một lần sang sông, Thắng còn day dứt đến bây
giờ. Đó là vào khoảng năm bảy tám, bảy chín gì đó. Hồi ấy Thắng làm thủ kho. Thủ
kho lương thực...
Mưa. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Bầu trời xám như chì. Thắng
dắt xe đạp, lội bùn đi được một quãng. Bỗng dưng Thắng quay lại, quay lại đến bờ
sông thì trời tối. Mặt sông mờ mờ trong mưa. Thắng nghĩ nếu mình không trở lại
trong đêm nay, nhỡ khi lũ về, kho hàng có thể nhấn chìm trong nước. Chìa khóa
mình cầm, anh em biết làm sao. Nhưng giờ này, sông vắng ngắt. Con đò đã kéo lên
cột vào gốc tre. Làm sao có thể qua sông lúc này? Câu hỏi càng lúc càng thúc
bách. Người lái đò không phải là cô gái như trong chuyện kể. Vả lại nếu giờ này
có trả gấp ba, gấp bốn anh cũng bươn qua. Nhưng lái đò là một ông cụ già. Một cụ
già, với con nước này, không làm gì được. Hình như cụ đã tiên liệu cả rồi. Cụ cẩn
thận cột đò trên bãi. Chừng mươi lăm phút đắn đo, Thắng đi đến nhà cụ. Mưa ào
ào đổ. Thắng nhìn qua khe líp. Ánh đèn hột vịt còn yếu hơn sức cụ, vừa đủ soi
bóng ba người trên tấm vạt tre. Hai già một trẻ. Đứa trẻ chừng lên mười. Nó
liên tục hỏi ông về con nước. Ông cụ vừa và cơm vừa trả lời. Ông chậm rãi nói:
“Với lối mưa này nước có thể vào nhà trong đêm nay. Thôi ăn nhanh lên cháu, rồi
ta liệu”. Thở dài, Thắng không nói nửa lời lặng lẽ quay ra. Thôi được, mình sẽ
cố gắng tự chống sang bên kia rồi hãy hay. Thắng nghĩ. Nhưng cuộc đời vốn không
như người ta nghĩ. Thắng lầm lũi đẩy đò xuống sông, nước chảy mạnh. Mới ra chưa
được con sào, nước cuốn đò trôi về phía hạ lưu. Thắng nghiến răng cố ghìm giữ,
nhưng càng giữ càng bị đẩy trôi. Không buông xuôi số phận, hơn nửa giờ vật lộn
với nước, cuối cùng Thắng đã tấp được vào bờ bên kia. Bấy giờ nước đã lên đến
rìa những ruộng lang, ruộng bắp. Nơi này cách xa bến đậu có đến non cây số. Ở
đây toàn lau lách. Tìm mãi không có chỗ neo. Thắng cố lôi đò lên ruộng bắp, cắm
sào và neo vào đó, neo thật kỹ. Thắng nghĩ đến kho hàng, nghĩ đến ông cụ. Kho
hàng có thể giải quyết trong đêm nay, nhưng ông cụ? Ông cụ chèo đò trên bến đã
lâu. Đò thì có bến. Còn đời ông thì hết chỗ neo rồi. Cần câu cơm cho người vợ
già và đứa cháu mồ côi là mái chèo này. Tuổi trẻ ông từng làm sơn tràng, lên rừng
xuống bể. Sức lực gân cốt thời trai đã chia chát cho dòng sông cuộc đời. Cuối
cùng tại bến sông này, một ngày khi cuộc chiến sắp kết thúc. Ông đã vét hết nước
mắt, đem chôn đi hai đứa con trai cùng lúc. Đấy là lần bè tre ông ngang qua
đây. Bỗng có tiếng máy bay gầm rú, rồi những tiếng nổ kinh hoàng. Ông bị hất
tung trên bờ lau. Khi tỉnh dậy mới biết hai thằng con trai đã cùng số phận. Và
ông chọn bến này làm chỗ neo đậu cho cuộc đời mình. Nhiều khi Thắng ngồi trên bến
đợi khách hút thuốc với ông, nghe ông kể mà cám cảnh.
- Nhanh tay lên, mình khuân nốt những bao này nữa là xong. -
Đấy là giọng của người làm việc với Thắng.
- Nếu anh Thắng không trở lại, bọn mình bó tay thôi. - Một
người thêm vào.
- Không có anh Thắng chắc là phải phá cửa nhà kho, nhưng phá
thì rắc rối lắm.
- Đúng vậy, mình nghĩ anh Thắng không quay lại, mấy tấn thóc
chắc phải nấu mạch nha.
Cuối năm, Thắng và số anh em ấy được được biểu dương trong đại
hội thi đua, là những gương mặt tiêu biểu xuất sắc của ngành. Thắng được nhận
danh hiệu chiến sĩ thi đua. Có người bảo anh phải “thể hiện sự phấn khởi” chứ?
Mà phấn khởi thiệt, cầm bằng khen trên tay, Thắng sung sướng lắm. Sung sướng vì
đã cứu kho thóc, hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Nhưng Thắng đã từ chối. Thắng
nói: “Tôi cám ơn sự quan tâm của cấp trên đối với bản thân. Nhưng thành tích
này xin dành cho tập thể. Còn khoản tiền này tôi xin phép được gửi tặng cụ chống
đò ở bến sông ta”. Người ta không ngạc nhiên mấy khi nghe Thắng phát biểu như
thế. Bởi tính Thắng xưa nay vốn vậy. Tưởng thế là lòng nhẹ đi. Nhưng không,
hình như trong Thắng vẫn có điều gì day dứt cho đến một ngày khi Thắng đã chuyển
sang ngành khác và...
Đấy là một buổi sáng nhiều năm sau đó, một lần công tác lên
miền ngược, tình cờ Thắng gặp lại bà cụ, vợ người lái đò năm xưa trong một túp
lều bên đường. Bà cụ thều thào kể:
“Sau đêm lũ lớn ấy, con đò nhà tôi trôi mất. Không biết làm
sao tậu lại, cả nhà dắt díu nhau lên đây kiếm sống lần hồi. Được ít lâu ông cụ
bị bệnh mất. Thằng cháu nội được thêm ít tuổi, thì cũng bỏ tôi đi luôn. Nó theo
người ta đi đào vàng đâu xa lắm. Mấy tháng đầu còn có tin, sau đó biệt tăm
luôn. Nghe nói nó bị sốt rét, sập hầm gì đó bỏ xác trong rừng sâu. Có người nói
nó đi buôn đá quý trên biên giới. Tôi già yếu quá làm sao mà tìm hở cậu?” Câu
chuyện của bà cụ nghe buồn thê thiết. Buồn như bờ lau xơ xác ven đồi. Đành rằng
lũ lụt là chuyện tai trời ách nước. Nhưng ít nhiều Thắng thấy như có gì day dứt
trong lòng. Và sao mình không chịu nói ra sự thật. Tại sao mình không dũng cảm
đứng ra nhận sự bất cẩn về mình? Mà có thật là bất cẩn không? Mình đã làm được
việc chung. Việc chung thì tốt. Nhưng còn sơ xuất bất cẩn thì. Và ở đời, đôi
khi sự bất cẩn của ai đó sẽ đẩy những số phận con người về phía khác.
Trong cuộc họp chiều nay, người ta nói nhiều đến thành tích,
ai cũng muốn được cấp trên khen thưởng. Ai cũng muốn mình là người đổ mồ hôi
nhiều nhất cho xã hội. Điều đó đúng thôi. Nhưng liệu, ở tận sâu xa trong lương
tâm mỗi người chắc gì không có những điều trắc ẩn? Cũng như ngày xưa Thắng có
điều trắc ẩn mà không dám tỏ bày. Bây giờ tại bến sông xưa, người ta đã bắc qua
một cây cầu. Cây cầu hiên ngang vững chãi. Những bước chân qua đó cũng vững
chãi hiên ngang. Và hình như người ta quên đi dưới chân cầu có một con đò từng
gối bãi. Từng đưa biết bao người lên đò đi về phía lợi danh. Thắng cũng vậy. Có
điều đôi mắt mờ mờ của bà cụ năm xưa hình như cứ muốn nhìn thấu vào ruột gan
mình.
Minh Long, tháng 03 /2008
Ngộ
Ở đời ai chả có cái mặt. Có người mặt lanh, có người mặt đần.
Có người mặt chơi được và có người “không chơi được”. Còn tôi thuộc loại mặt bờm.
Tự dưng thành mặt bờm, tức không? Tức thì tức mà phải đành ngậm miệng. Thấy tôi
về lắc đầu, ném túi hồ sơ xuống bàn, vợ nhìn nói :
- Lần này thì chắc rồi.
- Chắc cái gì? - Tôi hỏi.
- Thì tại cái mặt bờm quá chứ cái gì?
Đã bực, giờ thêm một lần run, tôi bỏ ra quán. Ở quán, gặp
xui. Thằng hũ chìm ngồi đó. Thấy tôi nó hỏi: “Mày làm gì đây?”. Tôi trút bực
lên đầu nó: “Không uống vào đây làm con mẹ gì”. Nó không giận, mà còn sướng vì
có người sẻ chia. Nó kéo ghế, tôi ngồi. Thấy nó chưa đủ “đô”, tôi hỏi: “Tao hỏi
thiệt mày nghen, cái mặt tao ra sao? Có bờm lắm không?” Nó trố mắt ngạc nhiên:
“Sao hôm nay mày hỏi kỳ vậy? Hình như mày vừa bị...? Thôi uống đi. Đàn bà bao
giờ họ cũng có cái lý của họ. Trên đời này anh nào có vợ, mà không bị ‘sao bà’
chiếu mạng mới là tài! Thôi uống đi”. Tôi nói: “Không, không phải, là chuyện
khác. Còn xót hơn như thể...”
- Uống đi, ly tận cùng của khôn ngoan - Nó đẩy ly về phía tôi
- Tận cùng của khôn ngoan là lọc lừa. Uống đi. Khôn ngoan từ ngoài mà vào, lọc
lừa từ trong mà ra. Khôn ngoan và lọc lừa đôi lúc nháo nhào. Nhưng tất cả rồi sẽ
qua đi, kể cả đời mình.
Nó cười ngạo nghễ bất cần. Cái mặt thằng bất cần này thấy hay
hay. Ừ! Dại gì ôm cả nháo nhào cuộc đời vào cho nặng bụng. Tôi nói :
- Mày say rồi.
- Không, tao không đời nào say.
- Không say thì ngồi xuống.
Nó ngồi xuồng. Có anh nào uống rượu mà nhận mình say? Nó đưa
tay lên búng “trốc”: “Tuyệt, thơ mày hay tuyệt. Nhưng phải uống vào mới cảm nhận
hết cái hay”. Nghe nó khen mà sướng. Tôi đẩy vào một ly đầy khí thế. Làm thơ ai
chả sướng khi có người khác khen. Cho dẫu lời khen trong hơi rượu! Rượu say và
thơ hay. Bài thơ vượt qua bờ vùng, bờ thửa, bay lên tận đường bê-tông của xã rồi.
Cả xã ai cũng biết cái mặt tôi làm thơ. Cái mặt lúc nào cũng ngơ ngẩn đẩu đâu!
Được vài câu khen vặt, tôi càng bờm ra, gối đầu lên mây. Và thấy đời đáng yêu lắm
lắm. Nhưng không. Đời có cách nghĩ của đời. Vợ tôi nói: “Lạy ông, thứ đó không
ăn được, người ta hết gạo xách rá đi mượn gạo, không ai đi mượn thơ. Thơ không
nấu được, không độn được, ông viết để làm gì? Ai đọc? Ai nghe? Này để tôi đếm
cho ông thấy. Một là thằng xe cộc cạch đầu ngang, hai là thằng Hùng thợ mộc, ba
là thằng Chín xẻ heo. Ba thằng này nó nghe ông vì ngày xưa nó học ít. Giờ có
chút tiền rỏn rẻn, nó muốn mượn ông để làm sang mà! Còn những người khác...?”
Tôi la lên: “A! Mẹ mày công nhận thơ làm sang cho đời nhé! Vậy thì người làm ra
thơ tất phải sang chớ. Đúng không?”.
- Đúng thì đúng, nhưng tôi nói rồi. Cái sang ấy để qua một
bên vì không bỏ vô nồi được, suốt ngày ông hoang tưởng, lúc nào cũng hết mình
cho... cái gì? A! Nghệ thuật thi ca! Ông càng hết mình thì mấy đứa con ông càng
hết chỗ thở.
Tôi đuối lý và cay đắng nhận ra điều đó. Đã nhiều năm tôi vác
mặt đi khắp các cơ quan xí nghiệp (tất nhiên không cầm xấp vé số trên tay).
Nhưng người bán vé dạo còn được chia sẻ bằng cái lắc đầu hay nụ cười đáp lại.
Còn tôi, đáp lại là những câu nói nửa vời. Những câu nói cực kỳ thông minh. Cực
kỳ kinh điển. Cứng như đá, chặt như nêm và cũng ơ hờ lỏng lẻo. Đủ cho cái mặt
tôi phờ ra, ngây lên. Hồn nhiên mừng, hồn nhiên lo! Bữa đó tôi chạy hơn sáu
mươi cây số đến khu kinh tế mở, giữa đường gặp sếp :
- Ông đưa hồ sơ tôi xem nào. Ừ được, tốt quá. Tuần sau đến thử
việc.
Tôi về khoe với vợ. Vợ tôi mừng quýnh, mua cái đầu heo, trước
là tạ ơn trên, sau mời bà con chòm xóm uống ly rượu mừng. Ngày mai con bé đi
làm. “Đi làm phải có xe máy và điện thoại”, sếp nói. Cái đó tôi thấy mình lo được.
Đấy cũng là phương thuốc giảm “stress” cho con bé. Sáu năm rồi, nó ra trường chờ
đợi trong mỏi mòn, hồn nhiên vui tươi, hăm hở vào đời của nó đã héo hắt lụi
tàn. Khuôn mặt nó đọng đầy đắng cay, thất vọng, nhìn mà xót. Lần này gia hạn lại
ước mơ. Thấy nó phụng phịu vì mỗi bữa phải gói cơm theo, tôi nói: “Hữu khổ
thành thân, phải biết chịu khó, mình vui là vì làm được việc khó”. Tôi kể chuyện
ngày xưa cho nó nghe. Nó không tin. Tôi nói: “Thật đây, hồi học trường tỉnh, Ba
chỉ có một cái áo thôi. Gặp lúc ướt mưa, phải cởi ra vắt rồi mặc vào học tiếp.
Vậy mà còn học được, làm thơ được. Bây giờ sướng quá thành hư”. Nó cãi lại:
“Lúc nào Ba cũng nói hồi xưa, hồi xưa khác, bây giờ khác. Ai đời xài điện thoại
di động lại ăn cơm nắm”. Tôi nói: “Điện thoại là điện thoại mượn, khi nào có
lương sẽ tính. Đang thử việc không lương, sao đòi xài sang”.
Tháng sau sếp nó gọi tôi đến:
- Ông mua cho cháu cái vi tính. Ai đi làm cũng phải có một
cái để đây - Sếp chỉ vào góc phòng - Của ai nấy dùng.
Tôi run người. Run vì mừng ít lo nhiều. Lấy đâu ra? Tiền nhuận
bút năm khi mười họa mới có một bài. Mà lãnh một bài, rượu nợ đã mười bài! Phen
này chắc chết. Tôi chạy bay về nói với vợ. Vợ tôi chép miệng ngó ra sân. Sân vắng,
con gà không thèm đến. Tôi bấm bụng vác sổ đỏ lên ngân hàng. Anh ngân hàng nhìn
tôi từ đầu đên chân, thấy tóc tai bù xù, mặt mày hốc hác sinh nghi, cứ lật đi,
lật lại cái sổ hoài. Cho vay thì được nhưng lấy gì trả? Mà những thằng cờ gian
bạc lận này thì liều lắm. Anh ngân hàng nghĩ ngợi khá lâu. Bỗng dưng tôi thấy
buồn. Chỗ bạc tiền khó không phân biệt vàng thau. Lấy sổ, tôi về. Vợ xòe nắm tiền
mới cáu:
- Bốc nóng! Tôi biết tính ông, nên không đợi. Thôi mua cho nó
đi.
Kêu được xe chở tới cơ quan con bé, tôi khệ nệ bưng máy xuống,
thì sếp tới:
- Ông ôm cái gì đấy?
- Dạ cái máy cho cháu làm.
- Không được, chở về đi.
Đang ngày mùa đông, mồ hôi tôi cứ chảy thành dòng? Chảy tự
do, chảy cẩu thả như mưa rào... Có lẽ mệt quá, đoảng người, nghe nhầm. Tôi hỏi
lại cho chắc:
- Sếp nói sao? Đem... vào đâu?
- Đem về, chứ đem vào đâu. Nó không có năng lực, cho nghỉ, hồ
sơ đây.
Bây giờ thì tai ù thiệt. Mắt tôi nhòe ra. Vẫn con người ấy,
khuôn mặt ấy. Cách đây có hai ngày thôi mà. Hai ngày cách đây, năng lực nó vẫn
còn! Bây giờ bỗng dưng mất đi một cách khủng khiếp!? (bốn năm đại học chỉ hai
ngày là mất trắng) Mặt tôi phờ ra thảm hại. Muôn ngàn cái máy vi tính đang nhảy
múa, muôn ngàn nụ cười diễu cợt trong tôi. Những mặt người chao lượng. Những mặt
người biến dạng, đổi thay ngoa ngoắt đến kinh người. Những con mắt trắng dã bạc
tiền. Còn cái miệng sếp thì vẩu thêm ra. Sếp nhìn vào nơi nào đó. Một nơi khác
lạ. Một cái nhìn lưỡi dao, hiểm hóc, dứt điểm, lạnh lùng.
Ngồi ghi lại mấy dòng này mà nước mắt tôi cứ ứa ra. Bán đổ
bán tháo cái máy trả cho chủ nợ được một nửa, còn nửa kia biết chỉ vào đâu? Vợ
tôi bỏ cơm. Con bé vùi mặt vào gối. Tôi ngộ ra một điều. Cho dẫu những bài thơ
có hay đến đâu, có đắng đến đâu, có chua đến đâu, cũng đành bất lực, vì không vẽ
hết khuôn mặt người đời.
Thoại Văn
Thoại Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét