Áo tiểu thư 1
Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ
HUY CẬN
ngoài truyện
Bây giờ, Sài gòn chỉ còn những chiếc xe ô tô buýt già nua
trông thật tội nghiệp mà anh thường gặp, mỗi buổi chiều, đậu ở bên đây công trường
Nữ Vương Hòa Bình nhìnn sang bên kia Bưu Điện. Những chiếc xe hết thời xuân sắc,
được dùng riêng vào việc chuyên chở công chức, những người đã từ cuộc đời thơ mộng
và đang vất vả leo dốc vật chất. Tự nhiên, anh thương xe buýt như thương đời
mình. Bến xe xưa đã mất. Bến lòng xưa của anh cũng đã mất. Anh mơ hồ thấy một
chuyến buýt xanh vụt qua tâm tưởng. Mười sáu năm rồi đấy. Những người em gái
thuở " tuổi hai mươi đến " của anh đều đã lần lượt đi lấy chồng. Nói
theo Hàn mặc tử, họ đã " theo chồng bỏ cuộc chơi ". Và em, em là người
bỏ cuộc chơi muộn màng nhất.Anh vừa biết ngày cưới em trên một nhật báo. Em còn
nhớ bến xe ô tô buýt xanh ở đường Aviateur Garros? Em còn nhớ những chuyến xe
chiều về đường Eyriaud des Vezgnes? Xe buýt xanh đã chết. Những chiếc xe buýt
nhỏ bé chở chúng ta vào tình yêu chẳng bao giờ sống lại. Họa chăng nó sống lại ở
hồn anh.
Anh đứng đây, như kẻ lạc lõng trong chiến khu kỷ niệm. Nắng
vàng nhuộm giàn hoa leo trước cửa nhà em đương nhuộm vàng chín tương tư. Thương
nhớ muôn vàn. Anh thương những chiếc xe ô tô buýt già nua. Đến kiếp nào ô tô
buýt mới được vui nỗi vui đợi đón của những cô nữ sinh. Đến kiếp nào anh mới được
thập thò dưới gốc cây gần cổng trường con gái, chờ chuông reo tan học để nghe
trái tim mình rộn rã, bồi hồi
Em không quên chứ, những buổi chiều vàng niên thiếu? Em thường
ra sau hết. Anh ngơ ngác nhìn em. Rồi em e thẹn mỉm cười. Và thong thả bước ngược
con đường về học Đã yêu nhau nhưng vẫn ngượng. Anh đi sau em, cách cả mấy thước
đường. Tại sao, hồi đó, chúng mình dể xấu hổ thế, em nhỉ ? Anh theo em băng qua
vườn Bờ Rô tới bến xe buýt xanh. Hai đứa leo lên xe, ngồi cạnh nhau, mỗi đứa mua
một vé. Làm như xa lạ lắm. Xe buýt xanh chở mình xuôi con đường mình vừa đi ngược.
Gần đến nhà em, anh vội giúi vào tay em một phong thư và nhận lại của em một
phong thư. Chả nói câu nào. Nói hết bằng thư rồi. Và chiều nào cũng giống chiều
nào, không tẻ nhạt. Buổi sáng chưa hết anh đã mong buổi trưa. Buổi trưa sắp hết
anh đã tưởng chiều tới.
Những buổi chiều rực rỡ ấy đã xa rồi.
Xa như dĩ vãng. Anh đang đứng đây, đứng trước một cổng trường.
Không phải đứng chờ một tà áo Trưng Vương, nên anh không rụt rè xầu hổ. Dường
như, bây giờ, những cậu con trai đứng chờ người yêu ở trước cổng trường con gái
không còn rụt rè, xấu hổ giống anh và bạn bè anh thuở " tuổi hai mươi đến
". Mỗi thời đại có một cách tỏ tình. Cách tỏ tình của chúng mình, ngày
xưa, thơ mộng và lãng mạng tuyệt vời, em nhỉ ? Anh đứng trước một cổng trường
đón con trai anh học về. Như chiếc xe buýt già nua, anh không thể đưa một cô học
trò nào về nhà mà phải đưa con anh. Anh đã thật sự giã từ cuộc đời thơ mộng và
đang vất vả leo dốc vật chất. Mọi người đều có một lần biệt ly bùi ngùi đó. Chỉ
bất hạnh khi sợi khói tương tư vướng vào mắt, người ta không nhớ nổi kỷ niệm đầu
đời.
Khói của chiếc xe buýt già làm cay mắt anh.Anh mơ hồ nghe tiếng
gió êm đềm mười sáu năm qua luồn vào tâm tưởng. Anh đứng im lặng giữa chiến khu
kỷ niệm. Để ngơ ngẩn vời trông một tà áo tiểu thư.
1
Có những buổi chiều, một mình ngồi trên chiếc xích đu ngoài
sân, tôi đã say mê ngắm đàn gà tre của đứa con trai đầu lòng. Mấy chú gà trống
vừa biết gáy. Tiếng gáy cũn cỡn, hụt hơi nghe buồn cười và khó chịu. Như thể tiếng
nói cậu trai mười ba vỡ giọng. Mấy chú gà trống tre điệu bộ lắm. Nhảy lên cành
cây thấp nhất, vỗ cánh lia lịa, cố rướn cổ mình cao hơn, nhắm tít mắt rồi mới
chịu gáy. Mấy chú gáy liên miên, gáy biễu diễn cho những nàng gà mái cũng vừa tập
gại mỏ và bỏ rơi thời con nít " nhiếp nhiếp ". Bây giờ, mấy chú không
thèm ăn chung, ăn tranh với gà mái. Nịnh đầm ra phết. Mỗi khi kiếm được con
sâu, các chú mỗ lia lịa " tích tích tích " rối rít mời mọc gà mái. Và
chẳng biết phải làm gì sau những lần tán tỉnh vu vơ.
Những chú gà trống ấy trông thật ngô nghê, ngớ ngẩn và dể
thương. Đó là hình ảnh ngày mới lớn của bất cứ cậu trai nào thuở trước. Đứng nhất,
đó là hình ảnh của tôi, của Quỳnh, của Nhân, của Thủy, của Côn ngót hai mươi năm
qua ngày mà con đường Phan thanh Giản có ngôi trường con gái còn mang tên Le
Grand De La Liraye. Ngày đó thật tuyệt diệu. Nếu cho đổi cả đời lấy một đoạn đầu
đời thanh niên của tôi, tôi bằng lòng ngay. Bởi vì, đoạn đầu đời thanh niên của
tôi không bao giờ tôi trở về được dù trở về bằng chuyến xe chất đầy ký ức. Xuân
Diệu diễn tả không hề sai : Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn. Nếu tuổi trẻ
chẳng đôi lần thắm lại. Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi. Nên bâng khuâng
thương tiếc cả đất trời... Tuổi trẻ của tôi đã úa héo rồi. Cánh hoa nồng hương
đã kết thành quả sầu chát đắng. Tôi vẫn tưởng nhớ mùi hương tuổi trẻ. Mùi hương
dẫn đường cho tôi về tìm lại tên mình khắc trên nhiều thân cây trước cổng một
trường con gái cùng với tên người yêu dấu như những viên sỏi đánh dấu của thằng
bé Tí Hon.
Cuộc đời không giống truyện cổ tích. Cuộc đời tôi càng không
giống cổ tích. Những viên sỏi đánh dấu đường về của thằng bé Tí Hon còn nguyên.
Chẳng ai ngữa tay nhặt liệng đi. Ngay cả những mẫu bánh vo tròn thay đá sỏi, những
con chim đói nhất cũng không nỡ sà xuống nuốt mất. Những cơn gió độc của cuộc đời
đã hầm hè nhau thổi tan bao mộng ước của tôi. Chắc gió độc sẽ thổi loãng mùi
hương dẫn đường. Và tôi không tài nào đậu nỗi trên đất kỹ niệm một đời người.
Tôi chỉ còn có thể là đà bay. Bằng đôi cánh tưởng nhớ.
Bây giờ, Đặng trí Hoàn tập tành làm thơ, viết văn với bút hiệu
Hoài Hương. Bấy giờ, có hãng nước mắm Hoài Hương. Và cậu học trò nghèo, tóc rối
bồng bềnh nghệ sĩ đi cái xe đạp không chuông, không phanh, không đèn, mỗi lần dạo
phố phải vác xe lên vai xuống ba tầng Nhà Hát Tây, thường bị mỉa mai là thi sĩ
Nước Mắm Hoài Hương. Bấy giờ, Đỗ Tiến Đức chân chỉ hạt bột đã viết báo Ban Mai
lấy tiền tiêu vặt. Bấy giờ, Dương Kiền " đóng đô " tại sân khấu ; Bấy
giờ, em Hải, tóc cắt ngang vai, thổi cơm trọ cho học trò Chu văn An ở chân cầu
thang bé tí xíu, nhan sắc dưới điểm trung bình. Bấy giờ, Vũ Khắc Niệm giống con
sơn thử, ăn xong lại ngủ, ngủ quên ngày tháng... Bấy giờ Đặng Trí Hoàn đã thành
Hà Huyền Chi, thi sĩ, văn sĩ, tài tử điện ảnh. Bấy giờ, Đỗ Tiến Đức đã thành
Phó đốc sự hành chánh, giám đốc Trung Tâm quốc Gia Điện Ảnh tác giả Má Hồng được
giải thưởng văn chương tổng thống. Bấy giờ Dương Kiền đã thành luật sư, kịch
tác gia. Bấy giờ, em Hải đen đã thành ca sĩ Diệu Anh và đã tự tữ..Bấy giờ, Vũ
Khắc Niếm đã thành y sĩ và đã xuất bản sách y học... Còn Đỗ Quý Tường đã chết
cho quê hương. Còn Đỗ Quý Toàn đã thành nhà mô phạm lý tưởng, nhà thơ nổi danh,
nhà báo khét tiếng. Không thể kễ hết những nhân vật Nhà Hát Tây.
Tôi làm lấy đời tôi, bắt đầu, từ Nhà hát Tây; Cũng từ Nhà Hát
Tây, tôi biết yêu, biết xốn xang, rung động. Tôi thích cái xã hội Nhà Hát Tây
vô cùng. Này là Y Vân cặp bạn với Từ Lang, mỗi sáng sớm, xách cây lục huyền cầm
Y pha Nho đáp xe xích lô máy lên Phủ Đặc Ủy Di Cư đường Trần Hưng Đạo rồi, ở
đây hai danh tài leo lên chiếc xe Dodge số VN ra bến tàu Sài gòn. Công việc ca
hát giúp vui của đôi song ca Nhá Hát Tây là, mỗi đợt đồng bào di cư trên tàu Mỹ
lũ lượt kéo xuống nhận vài hộp sửa, vài thước vải, bảy trăm đồng bạc thì ghé miệng
sát micro ca bài ca duy nhất :
-Ngày trở về, anh bước lê trên quảng đường đê, đến bên lũy
tre, nắng vàng hoe Đồng bào di cư nghe Y Vân hát xong, bèn lên xe đi về Ba Bèo
mịt mù bụi, Cái Sắn xa lơ xa lắc. Tôi ở cạnh gia đình Y Vân trên lầu chót của
Nhà Hát Tây. Một lần, bà cụ thân sinh ra Y Vân giận Y Vân cái gì chẳng rõ, tôi
thấy cụ đập tan cái thùng bát đĩa cổ mang tự Bắc vô Nam. Vài năm sau, Y Vân xuất
bản nhạc phẩm Tình Mẹ, chắc là để đền tội. Tình Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt
dào...
Ai ngờ đâu, chàng ca sĩ Tổng Ủy Di Cư chuyên hát đón tiếp đồng
bào di cư ở bến tàu lại thành nhạc sĩ lừng danh. Còn bạn chàng đặc biệt hơn :
Tu tủ tù tu, đố mấy thằng tù... Này là nghệ sĩ bán sắn. Lúc này anh ở đâu ?Tôi
vẫn thiếu nợ anh ba đồng sắn và bốn cái trứng vịt luộc Nghệ sĩ bán sắn chiếm đất
cắm dùi tại chân cầu thang lầu nhì. Anh là Tàu lai.Nghề của anh không phải nghề
buôn thúng bán bưng. Người Tàu vốn thực tế và biết cách phớt tỉnh. Chưa kiếm được
hiệu kim hoàn nào cần thợ đạp bơm chân, vợ chồng anh " mở tiệm"bán sắn
luộc, trứng vịt luộc, chuối... ở ngay chân cầu thang. Anh có cây phong cầm. Những
hôm danh tài Y Vân nghỉ sở, Y Vân thường ngồi kéo đàn để nghệ sĩ bán sắn nhe
hàm răng dăm ba cái răng vàng cười tình và gật đầu bán thiếu sắn, trứng vịt luộc
cho tôi khi tôi bị bà cả đọi hành hạ chịu hết nổi. Này là Nhân, Quỳnh, Thủy,
Công. Bốn nhân vật gần gũi tôi nhất. Những ngày vui của tôi là những ngày vui của
họ. Và Ngọc, Tâm, Trinh, Hòa nữa chứ. Thiếu các nàng thì thiếu mất áo tiểu thư
để ngơ ngẩn vời trông.
Đêm đầu tiên tôi nhập xã hội Nhà Hát Tây y hệt một cụ cả quỷnh
dời lũy tre xanh lên thành phố. Xe tiếp cư đưa tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất về
Sài gòn. Đến cửa Nhà Hát Tây, người nhà nước đẩy tôi xuống, chỉ vô ngôi nhà đồ
sộ :
- Đó, cậu tạm cư ở đó. Chờ thời gian định cư xa hơn.
Tôi xách va ly bước lên những bậc cửa Nhà Hát Tây. Tại sao
tôi vào Sài gòn một mình? Phải viết một cuốn mới diễn tả đầy đủ lý do dế mèn
phiêu lưu ký của tôi. Bố tôi, ngày xưa đã từng là tay giang hồ. Ông vô Sài Gòn,
theo một gánh cải lương. Khi ông bố giang hồ của tôi biết mình không trở thành
Tư Chơi, Năm Châu, ông đành vĩnh biệt xứ Nam Kỳ hiền hậu. Ông trở về Bắc kỳ với
hai cái răng vàng mới toanh và bộ bà ba lụa Lèo. Tôi hiểu bố tôi thương Nam kỳ
lắm. Những buổi chiều hết nắng, ông thường ngồi trước bật cửa, ôm cây lục huyền
cầm, dạo vài khúc lấy hứng rồi ca Nàng thu đã về rồi...Ông bắt chước hệt giọng
miền Nam, Nàng thu đã dzề rồi. Đó là những lúc ông tương tư Nam kỳ. Tôi không
vô Sài gòn để tập ca vọng cổ. Cũng chẳng vô vì lý do chính trị, cách mạng. Cứ
hiểu tôi có nhiều máu " dế mèn "trong cơ thể. Nhưng xách va ly bước
lên những bậc cửa Nhà Hát Tây, máu giang hồ bỗng hết muốn chảy về tim.
Tâm sự tôi giống tâm sự anh chàng du tử của bài hát. Lời du tử.
Tôi lầm nhầm : Chiều nay biết về nơi đâu. Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu...
Mặc dù, cảnh Sài gòn chập tối thật ngoạn mụa, xích lô máy chạy vùng vít. Tắc xi
lái phom phom.Thú thật, Sàigòn quyến rũ tôi nhờ xích lô máy. Tôi bèn anh dũng
xách valy bước vào. Tầng dưới kín chỗ. Dân di cư chiếm đất Nhà Hát Tây như dân
di cư Âu châu chiếm đất miền Tây nước Mỹ. Màn giăng lu bù. Gia đình nọ cách gia
đình kia bằng cái ri đô vải. Ai đến sớm, Chiếm đất rộng, bầy biện bếp núc, lu
nước và kê cả giường ! Tầng một hết chỗ, tôi lên tầng hai.Rồi tầng ba, Và cũng
chỉ có quyền trải tờ báo, gối đầu lên va ly, nằm đỡ một đêm ở sát rìa, rất dể
rơi xuống tầng dưới nếu ngủ mê lăn một vòng. Tôi không có tài tả cảnh. Đại
khái, tôi đã cư ngụ tại chỗ quý vị ký giả ngồi dự thính các phiên hợp Hạ Viện.
Chỗ ấy, ngày xưa, người ta chê làm lan can. Nên đi qua đã ngại,
huống hồ nằm ngủ. Vậy mà tôi đã nằm ngủ bình yên, đầy mộng mị.
Sáng hôm sau, khi tôi đang say sưa ngáy pho pho thì một bàn
tay đập nhẹ lên người tôi. Và giọng nói nhẹ nhàng:
- Này cậu, này cậu, dậy đi !
Tôi mở mắt. Tôi chẳng còn nhớ mắt tôi nhiều ghèn hay ít và
hai bên mép có hai vệt ke trắng không. Phải thật thà chứ. Nam phương hoàng hậu
hay người đẹp Joséphine nằm ngủ, nếu ta nhìn thấy quý bà ấy chảy rãi, ta sẽ mất
hết sự ngưỡng mộ. Tôi có thể tin là khuôn mặt ban mai của tôi không đến nổi tệ.
Người gọi tôi, chết chửa, là con gái. Tôi bèn vùng dậy. Người con gái nắm chặt
cánh tay tôi:
- Kheo khéo kẻo cậu rơi xuống tầng dưới
Tôi kheo khéo liền. Người con gái hỏi tôi:
- Cậu mới di cư à ?
Tôi đáp:
- Vâng.
Người con gái ngó tôi một cách thương hại:
- Cậu phải mua cái ghế bố. Tối nay ngủ xích vô trong. Tôi dẹp
gọn đồ đạc của nhà tôi để cậu kê ghế. Đêm ngủ, sáng gấp ghế, tôi cất giùm cho.
Tôi nói một câu ngớ ngẩn:
- Rồi ban ngày nằm đâu ?
Tự nhiên, tôi đâm ra ngượng vì vừa chợt thấy một con bé nằm sấp
trên ghế bố, hai tay khuỷu tay chống, đầu ngẩng cao, đương mở to đôi mắt tròn,
đen lay láy nhìn tôi. Tôi đóan con bé là em người con gái vừa cứu tôi... thoát
chết. Tôi rút khăn, lau vội lớp mồ hôi nhờn trên mặt :
- Vâng, vâng...
Người con gái tưới nước vào cục than hồng bối rối của tôi :
- Hay là cậu ngủ với thằng em trai tôi nhé? Nó bằng tuổi cậu
;
Tôi lắc đầu :
- Thưa chị, em sẽ mua cái ghế bố.
Người con gái hỏi câu hỏi tôi đã hỏi nàng :
- Rồi ban ngày cậu ở đâu?
Tôi nhún vai rất điệu. Cho con bé đang theo dõi tôi biết tôi
là kẻ lãng tử.
- Dạ, thưa chị, em đi tìm nơi tuyển mộ cu ly đồn điền cao su.
Người con gái mỉm cười:
- Cậu vui vẻ quá.
Nàng tưởng tôi đùa bỡn. Ỡ nhà, tôi là thằng đoảng vị. Con
trai đầu lòng thường đoảng. Mẹ tôi hễ sai việc gì mà tôi làm không nên thân, bà
hay phàn nàn :
- Giá mày là con gái thì tao đỡ vất vả.
Còn bố tôi luôn luôn phán:
- Ra khỏi nhà, mày chỉ còn nước đi ăm mày.
Tôi không thể làm nghề " cốc " được. Nhưng rất có
thể làm cu ly đồn điền. Một cu ly đồn điền giàu tưởng tượng Mấy năm trọ học ở
Hà Nội, tôi chẳng học hành gì cả. Ngoài những giờ lêu lỏng trong vườn Bách Thú,
trên bờ hồ Trúc Bạch, bơi thuyền lướt mặt hồ Tây, lang thang con đường đền Láng
và nằm dài học thuộc lòng thơ Nguyễn Bính trên cỏ mướt Voi Phục, tôi còn Âm Nhạc
Học Xá của cụ Duyệt tập dương cầm. Không xoay đâu ra dương cầm, tôi đã vẽ phiếm
đàn trên mặt bàn và ngồi cả giờ đập tay xuống gỗ. Như thế nản lắm. Tôi bèn xoay
sang lục huyền cầm Y pha Nho và nhận ông nhạc sĩ xí trai với cái tên chả nghệ
sĩ tí ti ông cụ là Tạ Tấn làm sư phụ.Ông này ưa sáng tác nhạc chung với ông
Nguyển Túc. Nhạc hai ông cũng lẳng lơ, trữ tình ra phết. Nhưng Tạ Tấn và Nguyễn
túc nghe nó kém đi mất tám mươi phần trăm thơ mộng Ông Tạ Tấn dạy tôi lục huyền
cầm Y pha Nho theo phương pháp Carulli. Tôi mất bộn tiền và búng bài số 14
nhanh như gió. Nhờ đó, khi tôi về Thái Bình " mừng giải phóng " lên
sân khấu ngoài trời biểu diển tài nghệ, bộ đội và nhân dân vỗ tay hàng chục
phút. Ông văn công Trần Hoàn, tác giả bài Sơn nữ ca, giới thiệu tôi và bảo tôi
vừa trình bày một bản nhạc cách mạng Nga sô vĩ đại ! Bài tập số 14 đấy. Tôi nhắc
một kỷ niệm buồn cười để khoe rằng tôi biết chơi lục huyền cầm Y pha Nho. Khi
tôi trốn nhà đi phiêu lưu, tôi không nhớ mang hình ảnh của bố mẹ và các em tôi
mà chỉ nhớ mang cuốn sách của Carulli. Tôi nghĩ là, ngoài những giờ cạo mũ cao
su, tôi sẽ ngồi dưới gốc cây cao su, tập đàn.
Biết đâu đấy, con gái yêu của chủ đồn điền cao su chẳng mê tiếng
đàn tôi. Tôi sẽ, như một anh trai si tình Ý đại Lợi, ôm cây đàn mandoline, đứng
dưới cửa sổ nhà nàng nghêu ngao :
- <Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt, với bao tiếng tơ
xót thương... Vì cuộc tình đã chết một đêm nao.> Nàng sẽ yêu tôi, sẽ tương
tư phát ốm. Bố nàng gọi tôi, phát cho tôi chân thư ký. Rồi nàng gặp mặt, thấy
tôi không xí giai như anh Trương Chi, nàng đòi lấy tôi làm chồng thì sướng quá.
Tôi thường tự hào là đứa mơ mộng nhất thế giới. Có lần, bị xe hộ tống thổi tu
hít và bóp còi ấm ỹ đuổi tôi dạt sang một bên đường để xe V.ỊP chạy. Tôi liếc mắt
ngó trộm.Thấy phu nhân thủ tướng đang soi gương điểm phấn. Bèn mơ mộng làm tổng
thống. Tôi mơ mộng một ông nghị sĩ sáng giá của Hiệp chủng quốc giả đò là Mỹ kiều
lục lộ, ăn mặc lem nhem dạo phố thăm dân Việt Nam cho biết sự tình. Ông nghị sĩ
Mỹ bị tên đặc công Cộng sản chận đường, dí súng vào gáy. Tôi đi qua phố vắng vẻ
đó, nhào lại, hạ tên Cộng sản, đoạt súng nghiêng mình tặng khẩu K.54 cho ông
nghị sĩ Mỹ. Ông này ôm lấy tôi khóc, cám ơn và biếu tôi hai ngàn đô la. Mấy năm
sau, ông ta ứng cử tổng thống Mỹ và đắc cử, Ông tổng thống Mỹ nhớ ân nhân cũa
ông và ông sẽ đưa tôi lên làm tổng thống Việt Nam bầu cử đàng hoàng. Tôi sẽ ngồi
xe Mercedes sáu cửa, cắm cờ và trước xe tôi đi là hàng trăm mô tô hộ tống, sau
xe tôi đi là hàng trăm tu bin. Tôi cương quyết yêu cầu hãng xe Ford chế giùm
tôi hai loại kèn. Một loại bóp inh ỏi phát câu " Tổng thống rất thương đồng
bào ", một loại bóp nghe inh ỏi phát câu " Đồng bào xê ra cho tổng thống
đi " Và tôi mút cà rem cây một cách thơ thới hân hoan.
Đó là giấc mơ khi tôi đã thành thân. Còn giờ đây, trước mặt
người đẹp, tôi chỉ mơ làm cu ly đồn điền đẹp giai, đàn hay, hát ngọt và được
con gái ông chủ đồn điền mê mệt.
- Thưa chị, em nói thật.
Người con gái bĩu môi:
- Cậu mà làm cu ly đồn điền cao su thì cả nước này chết đói hết...
à, tên cậu là gì nhỉ ?
Tôi ngượng ngập đáp:
- Long. Vũ Mộng Long, bút hiệu Trương Chi !
Người con gái cười thành tiếng :
- Cậu khéo khôi hài. Chắccậu hát hay lắm phải không ?
Tôi đã ngồi dậy từ lúc nào chẳng hay, khẽ nhún vai kiểu cách:
- ở Hà Nội em đã dự thi tuyễn lựa ca sĩ do Đài phát Thanh tổ
chức. Nếu không có Duy Trác, em đã được vào chung kết. " Thằng " Duy
Trác nó át giọng em, nên em bị loại.
Người con gái long lanh đôi mắt ra cái điều tội nghiệp tôi.
Con bé nằm sấp trên ghế bố lắng tai nghe cuộc đối thoại làm quen.
- Tên tôi là Phượng. Cậu biết đánh đàn à ?
Tôi cố nói lớn :
- Em chơi guitare Espagnole ( Tây ban Nha), chơi classique (
cổ điển), chị ạ !
Sở dĩ tôi chêm vài tí tiếng Tây là cốt để con bé đang theo
dõi tôi phục tôi. Dân này cũng học sinh, chứ bộ. Tôi nói tiếp:
- Mai mốt, nếu ở Sài gòn có thi ca sĩ, em sẽ ghi tên và hy vọng
trở thành danh ca như Quách Đàm, Duy Trác, Anh Ngọc. Thưa chị, em anh dũng di cư
một mình, em là thứ " xeo mết men " của cuộc đời.
Lại sủa tí tiếng Anh. Phượng khen tôi:
- Trông cậu là tôi biết cậu có tâm hồn nghệ sĩ.
Tôi vội khoe nhặn:
- Vâng, thưa chị, em mang trong huyết quản dòng máu nghệ sĩ.
Bố em gắn mấy cái răng vàng, chơi đàn vọng cổ và từng vô Nam theo các gánh cải
lương. lên đồng ở các đền thờ đức thánh Trần. Bố em còn biết kéo nhị và gẩy đàn
bầu.
Chị Phượng che miệng cười. Con bé nằm sấp trên ghế bố cũng mỉm
cười. Tôi thấy " không khí " thân mật rất thuận lợi cho tôi. Bèn bạo
dạn hỏi:
- Thưa chị, em muốn rửa mặt, đánh răng.
Chị Phượng -- như vậy, trong bước đường lưu lạc của tôi, tự
nhiên, có người chị đỡ đầu, khỏi mất công đăng báo những giòng ai oán :
-Lãng tử, mười chín tuổi,cô đơn, yêu nhạc Hoàng thi Thơ, mến
mộ giọng hát Ngọc Cầm và Nguyễn Hữu Thiết, khoái coi phim Ấn độ, huyết quản đầy
máu
" dế mèn phiêu lưu ký " muốn tìm người chị để an ủi
những lúc bao tử lép xẹp, hứa trả lời mọi thư, ưu tiên cho thư nào gửi tem -
Bảo tôi xuống dưới nhà, trả người gác gian một đồng là tắm gội
thả cửa. Tôi gửi chị Phượng cái va ly, xuống dưới nhà.
Rồi tôi sung sướng gọi chiếc xe xích lô máy, sang Khánh Hội
tìm thằng bạn nối khố đã vào Nam trước tôi. Nó ở đường Hớc Tô. Tây về nước từ
khuya, tôi sợ viết sai, phiên âm tiếng Việt cho tiện. Thú thật, tôi khoan khoái
vô tả. Tôi sẽ không bao giờ làm cu ly đồn điền cao su. Tôi là một nghệ sĩ. Em
bé nằm sấp trên ghế bố yêu dấu, anh có tâm hồn nghệ sĩ, anh đã tập tới bài số
14 cuốc sách dạy chơi lục huyền cầm Y pha Nho củ
2
Buổi tối tôi trở về Nhà hát Tây. Tôi về hơi muộn. Nhiều gia
đình đã tắt đèn ngủ yên. Tôi tưởng sẽ phải kiếm hai tờ báo làm chiếu mà nghĩ
lưng. Chị Phượng đã tặng tôi một sự ngạc nhiên. Chiếc hghế bố buông màn kê sát
" khu đất " nhà chị không có người bên trong. Chỉ thấy một miếng giấy
gắn bằng kim gút. Tôi tò mò tới gần, coi xem giấy viết gì.
Cậu Trương Chi,
Cậu có thể ngũ đỡ trên ghế bố này, Sao cậu về trễ thế? Cậu ăn cơm chưa? Muỗi
Sàigòn khiếp lắm đó, cậu đừng để tay sát màn. Cái màn có chổ rách, mai tôi nhờ
con Ngọc nó vá lại. Chúc cậu ngủ ngon.
Chị Phượng chu đáo quá. Tôi vén màn, chiu vào nằm. Có gối. Gối
bọc vải trắng thơm ngát mùi nước hoa. Tôi nghĩ không phải mùi nước hoa. Mà là
mùi hương tóc của Ngọc, con bé nằm sấp trên ghế bố buổi sáng. Nàng đã gối đầu
chiếc gối này. Tôi vội nằm úp để hít hà mùi htuyệt diệu đó.Nàng đẹp chắc nàng sạch
sẽ. Nàng sạch sẽ chắc đầu nàng không có chấy. Tôi mong đầu nàng có chấy đực lạc
loài trên gối và phiêu lưu vào mái tóc tôi. Con chấy đực sẽ tương tư con chấy
cái. Ngày nào đó, khi đầu tôi kề sát đầu nàng, con chấy đực xa người yêu sẽ gặp
con chấy cái. Và hai con chấy kể chuyện thương nhờ nhau. Chúng nó sẽ khóc. Dĩ
nhiên, nước mắt hai con chấy sẽ làm xanh mướt tóc hai đứa chúng tôi. Nàng và
tôi. Chấy cũng có nước mắt, chớ bộ. Nhưng chìỉ là mơ ước. Chiếc gối trắng tinh,
thơm ngát mùi hương tóc của người con gái trinh trắng không thể là nơi lạc lõng
của loài chấy. Tôi vừa " chơi " điệp ngữ trắng.Nguyễn Bính dạy tôi
đó.
Sáng nay vô số lá vàng rơi
Người gái trinh kia đã chết rồi
Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắngbước hàng đôi
Đem theo một chiếc quan tài trắng
Và những bông hoa trắng lạnh người
Theo gót những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.
Đừng nhé, con bé nằm sấp trên ghế bố, con bé tên Ngọc, đừng
bao giờ em là người trinh nữ trong thơ Nguyễn Bính. Để sáng mai, Sài gòn bừng nắng
và Nhà Hát Tây ồn ào, tôi còn được nhìn cô em nằm sấp trên ghế bố, dù mắt cô em
dính hai cục ghèn to bằng con ruồi. Tôi sẽ " ôm giấc mơ anh lái đò "
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
Để tôi mơ mãi mơ nhiều
Trước đây xe võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan Trạng, vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cà hai chiếc võng cùng sang một đò
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền lại thôi.
Phải, tôi cũng là thứ lái đò. Kẻ lãng tữ anh dũng đi di cư một
mình thật đấy, xong di cư với ước vọng làm cu ly đồn điền cao su. Kẻ lãng tử được
chị Phượng ca ngợi " có tâm hồn nghệ sĩ "thật đấy song mới học đến
bài tập số 14 của cuốn phương pháp đánh đàn lục huyền cầm Y Pha Nho của
Carulli. Anh lái đò của Nguyễn Bính còn có cái thuyền để dạm bán. Chứ tôi, tôi
chả có quái gì. Em Ngọc, em gái nằm sấp trên ghế bố! Em là bến kho Năm, Em là
hoa khuê các lộng lẫy, anh là bướm giang hồ đói rách.
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau.
Tôi tự nhủ: Đừng tưởng bở, người ta thương hại mày đó, Vũ Văn
Long ạ! Con chấy đực trên đầu mày chỉ có thể gặp con chấy cái trên đầu con gái
ông cai cu ly đồn điền cao su là cùng. Và tôi vội nằm ngữa nhìn lên đình màn mờ
mờ trắng. Có điếu Ryby Queen, thứ tương tư thảo đặc biệt Sài gòn, đã bẹp dúm.
Tôi bèn vê tròn, bật que diêm, châm thuốc, bắt chân chữ ngũ, hút những hơi dài.
Ra cái điều" nhớ nhà châm điếu thuốc". Thuốc lá dể sinh mơ mộng. Tôi
lại mơ mộng, một trái mộng no tròn và huyền ảo như ca dao.
Ước gì em hóa dưa hồng
Để cho anh bế anh bồng anh mang
Ước gì em hoá dưa gang
Để cho anh bế anh mang anh bồng
Thôi, em cứ là dưa, anh là bù nhìn coi dưa đã thỏa mơ mộng.
Ngày mai anh "chuyển bến " rồi. Tôi khe khẽ hát : Còn đêm nay nữa, ta
nằm nhờ em, Ngước mắt trông màn, ngày mai đã xa rồi, gặp hên lắm thì anh đóng
cai.
Cai cu ly ! Xin phép nhạc sĩ Đoàn chuẫn tôi đặt lời cho hợp
tình cảnh thê lương của tôi. Hát xong tôi tủi thân quá. Ông cụ thân sinh ra tôi
vào Nam kỳ hách hơn tôi nhiều. Ông theo các gánh cải lương, chụp hình chung với
Năm Châu, Bảy Nhiêu, Phùng Há và dư tiền trồng những hai chiếc răng vàng. Ông cụ
thân sinh ra tôi mới là người tâm hồn nghệ sĩ; Còn tôi, bị hiểu lầm. Chị Phượng
tưởng tôi có tâm hồn nghệ sĩ nên đã cho tôi ngũ nhờ trên ghế bố. Và cô Ngọc thì
cho mượn gối vừa hứa vá lại chỗ rách ở màn. Tại sao người ta thèm " di cư
" cả cái màn rách? Thôi đúng quá, cái màn này dành riêng để quý vị con
sen, cậu nhỏ sử dụng. Người ta hạ tôi xuống hàng cậu nhỏ, dù cậu nhỏ đã vô Pháp
tịch : Philippe Nhỏ. Tôi hiểu, tại tôi nói thật là tôi sẽ ghi tên làm cu ly đồn
điền cao su. Với con gái, nhất là con gái đẹp, ta chớ dại nói thật, chui khỏi
màn. Và tôi hung hăng xuống lầu dưới, chi một đồng bạc Đông Dương xé đôi, vào cầu
tiêu...nghĩ kế. Ở đây, đèn điện sáng choang. Tôi rút sổ tay, lấy bút ghi vài
dòng như sau:
Chị Phượng kính mến.
Cám ơn chị đã cho chỗ ngũ tốt. Em nghĩ, người nghệ sĩ như em cần phải lấy sương
gió làm nhà, nước mây làm bạn thì tâm hồn nó mới thơ thới hân hoan. Người nghệ
sĩ như em cần phải làm mục tiêu tấn công của muỗi Sài gòn. Muỗi nó đốt em, em mới
chịu khó thức đuổi muỗi và làm thơ, viết văn. Nói để chị rõ em đã ghi tên làm
cu ly đồn điền ở Hớn Quản. Em muốn viết cuốn tiểu thuyết tranh đấu, xã hội. Em
là cu ly trá hình. Đêm nay chị biết em ngủ đâu chưa? Em ngủ dưới gầm cầu Mống
bên Khánh Hội.Người nghệ sĩ chân chính là người chê bỏ giường ấm đệm êm.
Em
Trương Chi.
Viết xong, tôi bằng lòng tôi quá. Em Ngọc sẽ mê mệt tôi. Em sẽ
nhờ tôi làm thơ đăng vào giai phẫm cuối năm ở trường em... Điều này hơi kẹt. Ta
sẽ xào xáo thơ Huy Cận, Nguyễn Bính, sợ gì. Tôi cút lên lầu, bước cách ba bậc
thang một bước. Rồi, len lén cơ hồ gió thu về sớm mơn man trên má cô gái dậy
thì, tôi gài bức thư " nghệ sĩ " của tôi vào màn. Nghĩ sao, tôi lại gỡ
ra, gài bức thư của chị Phượng và đặt bức thư của tôi trên chiếc gối thơm mùi
hương tóc. Và tôi phú lỉnh xuống lầu dưới, kiếm chổ ngủ. Sáng sau, tôi bỏ đi.
Sài gòn là thành phố lý tưởng của những kẻ dông dài. Bởi vì khá đông rạp chiếu
bóng thường trực. Tôi lang thang vỉa hè, đếm các thùng rác, các cột đèn, mua
khúc bánh mì ba tê dài ơi là dài để chờ đúng tám giờ chui vô Long Thuận. Hồi
đó, chưa có coca, cola hộp. Thành thử, mười hai giờ, tôi bò ra nốc ba ly nước
mía căng bụng, mất thêm năm đồng cái vé và... vô nữa để ngũ. Ngũ chán lại coi
Roy Rogers cưỡi ngựa, bắn súng hay Janey Powell nhí nhảnh hát. Đến mười một giờ
đêm mới chui ra, kiếm mì ăn vài tô và trở về Nhà Hát Tây. Trời ơi, tôi cảm động
ghê quá. Ghế bố đã kê sẵn, màn đã buông? Và chị Phượng, và cô Ngọc đang ngồi
thì thầm chuyện trò dưới ngọn đèn bóng nhỏ. Xã hội Nhà Hát Tây là xã hội thừa
điện. Điện nhà nước ủnh hộ, dân di cư thả ccửa xài. Thấy tôi, chị Phượng đứng dậy,
bước khẽ, tới gần tôi, vỗ vai tôi, trách móc:
- Cậu làm tôi lo quá. Con Ngọc cũng lo.
Tôi sung sướng không thể diển tả được. Chưa kịp nói gì, chị
Phượng đã nài nỉ:
- Cậu đừng đi đồn điền Hớn Quản, cậu Long nhé:
Tôi mỉm cười, giả vờ khinh bạc:
- Long, bút hiệu Trương Chi.
Chị Phượng đập nhẹ vào lưng tôi:
- Cậu Trương Chi
Tôi đáp:
- Vâng, thưa chị, em không đi đồn điền nữa. Và đêm nay em sẽ
ngũ trên ghế bố của chị.
Chị Phương hoan hỉ khoe :
- Con Ngọc nó vá lại những chỗ rách rồi.
Tôi làm bộ cay đắng:
- Đời em ví như xăm xe đạp, thủng be bét, vá sống, vá chín
nhiều lần.
Tôi không hiểu tại sao tôi có thể thở ra cái giọng chán chường
một cách nhanh chóng đến thế. Chắc là nhờ khúc bánh mì dài, nhờ những ly nước
mía, nhờ những giấc ngũ chập chờn trong rạp chiếu bóng Long Thuận. Sau hết, nhờ
rửa mặt bằng nước máy ở một ngã tư . Ngày xưa còn bé của tôi đã mất, thực sự mất
rồi. Tôi chưa lớn hơn, chưa khôn hơn sau một cuộc tình trên găn gác số 13 phố
Ngô Thời Nhiệm, Hà Nội. Tôi vẫn chỉ là con mèo mù. Mèo mù luôn luôn vớ cá rán.
Khúc cá rán mới nhất của con mèo mù Vũ Văn Long là em Ngọc, Như thuở nào, cá
rán của mèo mù là hai em gái Hà Nội. Không, tôi đã khôn ra chút xíu. Tôi biết
câu đào theo phương pháp câu cá của Nguyễn Thịnh, Trương Chi Vũ văn Long biết
dùng khổ nhục kế để lơn đào. Giá Nguyễn Thịnh có mặt ở miền Nam, nó sẽ bái phục
tôi.
- Cậu nói gì, tôi không hiểu cậu Long.
- Bút hiệu Trương Chi !
- Cậu Trương Chi.
- Xăm xe đạp, người Sài gòn gọi là cái ruột xe, vá chín là vá
ép đó chị.Em giống cái màn rách, cần vá lại.
Cảm khái, tôi nhại hai câu ca dao :
Áo anh rách chỉ đường tà.
Người yêu chưa có, mẹ già ở quê.
Bấy giờ, chưa xuất hiện cái " ạc gô " về quê. Chứ
không, tôi đã phết hai tiếng về quê. Và tôi giả vờ chớp mắt. Chó ngáp phải ruồi
mà có tí nước mắt ứa ra, em Ngọc sẻ cảm động rơi lệ. Thì thôi, tôi bèn nhận
mình là em của thi sĩ Nguyễn Bính, lưu lạc phương Nam. Mẹ già đã ra người thiên
cổ, cha già khuất núi từ khuya. Còn một mình tôi sống nhăn răng. Mình tôi, trời
bắt làm thi sĩ. Em Ngọc sẽ hỏi thăm cuộc đời thi sĩ của tôi. Tôi thề sẽ quên những
vần thơ bồng bế của Xuân Diệu. Tôi sẽ chỉ đọc thơ Vũ Hoàng Chương. Nào là
" Lũ chúng tôi lạc loài dăm bảy đứa. Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
". Nào là " Nhớ thuở chưa có ta đường đi thênh thang. Kịp tới khi có
ta chông gai mông mênh " Nào là " Gối vải mộng phong hầu, Vinh quang
đường lối khép. Thẹn trước thương về sau. Đời tàn trong ngõ hẹp." Nếu cần,
tôi sẽ làm vài câu thơ hễ nhớ thương thì đầy vơi mà thương nhớ thì vơi đầy. Sợ
gì nhỉ?
Chị Phượng nghe tôi đọc ca dao phóng tác, tưởng áo tôi rách
thật, thở dài:
- Cậu nghệ sĩ quá đấy mà. Để mai bảo con Ngọc khâu giùm cho.
- Sợ cô ấy chê ?
- Nó mến cậu lắm.
Vậy thì đêm nay, nhờ chị Phương và em Ngọc ngủ ngon, ngáy pho
pho, tôi sẽ lục hết áo, xé rách hết chỉ đường tà. Nhưng hơi kẹt ở chỗ cái va ly
quần áo của tôi gửi chị Phượng giữ. Tôi chợ nhớ trong valy còn có bàn chải, thuốc
đánh răng. Vội vàng móc điếu Ruby Queen mua lẻ, vuốt phẳng phiu rồi bật que
diêm mồi thuốc.
- Thưa chị...
- Gì đó cậu Trương Chi ?
- Những người hút thuốc lá miệng đều hôi.
- Đâu có, miệng cậu thơm mà...
Ôi, nếu người khen miệng tôi thơm là em Ngọc, con bé đang ngồi
ở kia, hóng chuyện, tôi sẽ anh dũng hỏi:
- Làm sao em biết miệng anh thơm ?
Em Ngọc sẽ đáp :
- Vì em đã hôn anh !
Tôi mới giả đò ngạc nhiên :
- Em hôn anh hôm nào ?
Em ngọc sẽ nũng nịu :
- Em hôn anh bây giờ...
Và em hôn phớt lên môi tôi như Jane Powwell mới lớn hôn lên
môi người yêu. Tôi chỉ thích những chiếc hôn nhẹ. Tiếc quá, người khen miệng
nghệ sĩ cả ngày không đánh răng chỉ là chị Phượng.
- Cậu Trương Chi.
- Dạ.
- Cậu không có bà con nào di cư à ?
- Không chị ạ ! Thi sĩ Nguyễn Bính rồi văn sĩ Thanh Nam, văn
sĩ Hoàng hải Thuỷ, ngày trước, vào Nam có một mình. Vào mà không muốn ra. Đời
người nghệ sĩ đã ra đi là kể như " Lỡ bước sang ngang ". Đấy, chị
coi, Nguyễn Bính tâm sự " Nhưng mà khăn gói gió đưa. Lại về Hà Nội thì
chưa muốn về "
Tôi hiên ngang nói về Nguyễn Bính, Thanh Nam, Hoàng hải Thuỷ.
Cứ làm như mình đang là nghệ sĩ thực thụ. Chị Phượng và em Ngọc đâu biết tôi chỉ
là nghệ sĩ giả định, đang hy vọng là nghệ sĩ nhiệm chức.
- Ít ra, cậu phải có một người bạn chứ?
- Dạ, có một thằng.
- Cũng nghệ sĩ?
- Thằng này cả quỷnh, nó thích làm thư ký, tên nó là Đặng
xuân Côn.
Tôi hạ ông bạn vàng Đặng xuân Côn đo ván ngay. Nhỡ nó xuất hiện
- nó sắp về Nhà Hát Tây sống với tôi - em Ngọc thấy nó sáng giá hơn tôi (điều
này chắc quá, nó chơi lục huyền cầm Hạ uy Di hay không chịu nổi, chép nhạc đẹp,
đã học lớp sáng tác với cụ Duyệt ở Âm nhạc Học Xá gần hồ Thuyền Cuông, Hà Nội
), nghệ sĩ hơn tôi, em mê nó thì tôi bị ra rìa. Nó đo ván rồi tôi còn dựng nó dậy
đấm một cú sái phép :
- Nước Việt Nam ta có bốn triệu thằng thư ký, một triệu tỷ
phú, năm triệu cu ly, hai triệu tiến sĩ, cử nhân nhưng chỉ có một trăm nghệ sĩ.
Và nghệ sĩ lang thang đói rách vì đời dệt những áng thơ lâm ly, viết những pho
sách ướt át lại chỉ có dăm ba anh.
- Cậu không nên đi lang thang, cậu Trương Chi.
Chị Phượng ngây thơ quá. Không đi lang thang kiếm việc thì sẽ
đói meo và sẽ lên đồn điền Hớn Quản để gặp con gái ông cai cu ly kết duyên Tấn
tần à ? Khoản tiền cuỗm của ông cụ thân sinh cộng với tiền phát mại chiếc xe đạp
ở chợ trời Hà Nội gần hết rồi. Trương Chi cổ tích chèo thuyền dài tay, tung lưới
cong lưng, đâu giống Trương Chi của ông Văn Cao :" Ngồi đây ta gõ ván thuyền
ta ca trái đất còn riêng ta " Trái đất của những kẻ thất nghiệp chỉ có
giun với dế. Tôi chợt hối hận là tôi đã ba hoa chích choè quá đà. Nói theo lời
dạy của ông thầy Việt văn lớp đệ tam Nguyễn Uyển Diễm, chồng nữ sĩ Mộng Sơ (
ông thi sĩ Nguyễn Vỹ nhận nhằng là người yêu của mình, người ta đã sang ngang,
ông vẫn viết văn diễn tả tình hờ và để tặng om sòm khiến giáo sư Nguyễn Uyễn Diễm
cáu sườn, lôi bài Sương rơi ra hài hước với học trò ) thì tôi đã nhập đề bài luận
rất hoa hoè hoa sói. Thầy Nguyễn Uyễn Diễm, chủ trương nhà xuất bản Vỡ Đất,
đã giới thiệu Trại Tân của Hoàng Công Khanh, thí dụ một câu
nhập đề hoa hoè hoa sói cho một bài luận có chủ đề " vay tiền " như
sau:
" Sáng sớm hôm nay tôi đi ra. Tôi đi trên con đê Yên Phụ,
hơi gió lạnh từ mặt sông thổi lên và bầu trời những vì sao còn lấp lánh. Tôi đi
dến nhà anh - Mấy câu này nói rất lớn và bay bướm, đến câu cuối, ghé sát tai
người bạn, nói khẽ -"Anh cho tôi vay vài trăm!"!
Thầy Uyển Diểm nói :
- Taị sao không nói ngay là vợ tôi đau nặng, con tôi đói sữa,
anh cho tôi vay tí tiền còm ?
- Tại saotôi không nói thật tôi sắp đói rách? Tại sao tôi bày
đặt chuyện nghệ sĩ, gừng sĩ,tỏi sĩ, hành sĩ để sửa soạn gặp rắc rối? Có lẽ, bỡi
lẽ, bởi tôi mơ mộng, Bởi tôi làm nghệ sĩ? Có lẽ, bỡi thằng bạn cũ Nguyễn Thịnh
đã tiếp máu nghệ sĩ của nó cho tôi, bỡi tôi học hành lem nhem, chả biết bấu víu
vào nghề ngỗng gì để có tí tiếng tăm, để các em gái văn nghệ cảm phục và để to
lời hô hoán " Tôi làm văn học nghệ thuật " ! Thỉnh thoảng, được một
vài tờ báo phỏng vấn, tôi sẽ huênh hoang : "Thưa bạn, sự nghiệp văn hoá của
tôi gốm có những bài thơ đã trên nhật báo Tiếng Chuông và dăm cuốn sách toán học
lớp tư sắp xuất bản " Hách chán. Hách hơn mấy chiếc răng vàng và vài câu vọng
cổ của ông cụ thân sinh ra tôi.
- Cậu Trương Chi !
- Dạ.
- Cậu nghe lời chị nói không?
Chị Phương đã xưng " chị " với tôi. Tôi đưa tay bóp
trán:
- Thưa chị, xin chị để em suy nghĩ.
- Cậu suy nghĩ gì nữa, Chị coi cậu như em chị. Chị sắp đi dạy
học rồi, có thể lo cho cậu. Cần gì lang thang, cậu cứ ở đây mà sáng tác văn nghệ.
Sáng tác văn nghệ à? Nguy quá. Tôi sẽ sáng tác cái gì?Biết
cái gì mà sáng tác. Tôi trót nói phét, bây giờ kẹt cứng. Muỗi Nhà Hát Tây xúm
vào đốt tôi. Tôi không thèm đuổi. Tôi đang bối rối. Chắc tôi phải cút khỏi xã hội
Nhà Hát Tây.
- Thưa chị...
- Cậu đừng nghĩ vẩn vơ.
- Người nghệ sĩ cần tự lập. Vả chăng, thưa chị, sáng tác văn
nghệ khó vô cùng. Người nghệ sĩ cầm bút viết văn mà không gặp cảm hứng, tức
" yên sĩ phi lý thuần " cứ hì hục viết thật chẳng khác chi ông già
khuân tảng đá trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị.
- Tìm cảm hứng lâu không?
- Hàng năm. Có khi hàng đời. Viết văn xuất bản bừa bải như
thiên hạ mới tí tuổi đầu đã là tác giã ba mươi mấy cuốn sách thì văn đó vất đi.
Em nghĩ, một là đi làm cu ly đồn điền, hai là cả đời chỉ cần một cái truyện ngắn.
- Chị sẽ lo cho cậu suốt đời.
- Không được.
- Tại sao?
- Chị phải đi lấy chồng chứ. Thôi,chị hãy để mặc em với giấc
mộng văn nghệ của em.
Tôi muốn hút thêm một điếu Ruby Queen nữa. Nhưng chả còn điếu
nào. Tôi giả vờ che miệng ngáp. Chị Phượng giục tôi đi ngũ.
- Mai chị sẽ nói chuyện tiếp với cậu. à, sáng mai cậu muốn ăn
gì ?
Tôi đáp:
- Người nghệ sĩ chỉ cần một tách cà phê đen.
Chị Phượng nói:
- Sớm mai con Ngọc sẽ pha cà phê cho cậu uống
Tôi dở trò " tác diệu ", cố làm cho " con Ngọc
" nghe rõ :
- Một tách cà phê đen, đặc, không đường.
Chị Phượng vỗ vai tôi:
- Thôi ngủ đi, Trương Chi !
Chị về " nhà chị ". Tôi thèm một điếu Ruby Queen.
Thèm một gói. Tôi có thể thức suốt đêm nay, đốt thuốc lá, ngồi đập muỗi và nghe
hơi thở của em Ngọc. Nếu nàng có tật nghiến răng ken két, ngáy pho pho thì càng
tốt. Nàng sẽ nghiến răng ken két, sẽ ngáy pho pho và tôi vẩn lạc vào con đường
tình sữ. Tôi đứng nhìn hai chị em Phượng thầm thì với nhau. Chắc hẳn chị Phượng
đang nói với cô Ngọc về tôi, về mẫu nghệ sĩ phi thường, một nhà văn dự định cả
đời chỉ viết một cái chuyện ngắn. Khi ngọn đèn nhà chị Phượng tắt và khi em Ngọc
chìm trong bóng đêm của gác ba Nhà Hát Tây là lúc tôi vén màn chui lên ghế bố.
Tôi chỉ tụt đôi giày. Bộ quần áo giang hồ của tôi đã nhuốm đầy nắng bụi Sài Gòn
; Và đôi bí tất thì thơm nồng mùi nghệ sĩ.
Tôi nằm duỗi chân thoải mái trên ghế bố. Lần đầu tiên tôi được
nằm ghế bố. Chiếc gối thơm mùi thơm hôm qua, mùi hương tóc của em Ngọc. Tôi lại
ước ao có con chấy cái phiêu lưu. Tôi muốn thức trắng đêm. Nhưng tội gì mà thức
? Vả chăng, " thức trắng đêm kể chuyện tâm tư " đã được các ông nhạc
sĩ trình toà và giữ độc quyền. Người nghệ sĩ phi thường như tôi, cần ngủ. Và
tôi đã ngủ say sưa,ngủ" không chiêm bao, ngủ quên cả chờ nghe em Ngọc ngáy
pho pho và nghiến răng ken két.
3
Tôi đã trở thành công dân thực thụ của xã hội Nhá Hát Tây, Chị
Phượng săn sóc tôi chí tình. Em bé Ngọc; thỉnh thỏang, hỏi tôi vài câu chuyện
bâng quơ. Tôi mê giọng nói cũa Ngọc, mê nụ cười của Ngọc, Tôi yêu Ngọc rồi.
Tình yêu làm con người thay đổi. Riêng tôi, tôi không ham làm cu ly đồn điền
cao su nữa. Dẫu đói rách, tôi vẫn cố bám lấy Sài Gòn. Tôi sẽ đạp xích lô vậy. Tại
sao tôi mơ mộng khiếp thế? Hồi còn là cậu học trò tỉnh lỵ lên Hà Nội trọ học,
tôi đã noi gương thi sĩ Đinh Hùng :
Làm học trò nhưng không sách cầm tay. Có tâm sự đi nói cùng
cây cỏ. Và tôi mơ mộng làm chú nhỏ sửa xe đạp trước cổng trường Trưng Vương.
Tôi sẽ leo cổng vào sân trường, tìm chiếc xe đạp của những em đẹp nhất, lấy kim
chọc thủng lốp. Vậy là các em phải dắt xe nhờ tôi vá sống, vá chín. Tôi sẽ vá
thật lâu để ngắm các em no mắt. Tôi thề không lấy tiền của các em đẹp. Chỉ nhận
thù lao của các em xấu thôi, tôi mong gặp sự may mắn như ông bạn Chử Đồng Tử. Hỡi
các em nữ sinh hoa mộng của trường Trưng Vương năm xưa, chẳng bao giờ các em là
Tiên Dung công chúa nên con đường vào tình sử của tôi toàn ổ gà bánh xe khấp khểnh,
vó câu gập ghềnh. Tôi thấy tôi gần gủi anh Trương Chi hơn. Mỵ Nương mê tiếng
hát Trương Chi, gặp chàng mắt toét, răng vồ nàng tuyệt vọng là đúng. Là rất người.
Rất tác phẩm.
Giấc mộng mở hiệu sửa xe đạp ở gốc cây trước cổng trường
Trưng Vương của tôi đã tàn úa. Tôi dệt liền giấc mộng bán ô mai, sầu dầm, mận dầm
cho các em nữ sinh áo hồ thủy. Không thành. Tôi bèn nằn nì ông Tàu già bán lạc
rang bên hồ Gươm, xin ông nhận làm môn đệ để ông truyền ngón rang lạc. Tôi hứa
chỉ bán cho các cô học Trưng Vương thôi, Người Tàu ưa giấu nghề, tôi đã không
toại nguyện. Do đó, những ngày vừa lớn của tôi, tôi chả tán được em gái Trưng
Vương nào. Chỉ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư. Nhưng giấc mộng đạp xích lô phải
thành nếu một mai, tôi rơi xuống cái hố đói rách. Em Ngọc hết mê tôi. Ai dại gì
yêu một nghệ sĩ xích lô đạp ? Tôi sẽ giả vờ thất tình nặng, sẽ bắt chước thi sĩ
thần tượng Nguyễn Bính cùa tôi, chua chát nói:
Một trăm con gái thời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung;
Và ra cái điều phẫn chí:
Rồi một ngày kia em lấy chồng
Anh về lấy vợ thế là xong
Vợ anh không đẹp bằng em mấy
Anh lấy cho anh bớt lạnh lùng
Rất có thể, tôi sẽ còn ghếch xích lô bên hè phố, nằm dài
nghêu ngao bài Tình nghệ sĩ của Đoàn Chuẫn. Khoan đã, chớ tuyệt vọng.Người nghệ
sĩ xích lô đạp sẽ có mối tháng. Tôi được hân hạnh chở một em nữ sinh tuyệt đẹp.
Sáng sáng, tôi neo xe đợi em. Trưa trưa, tôi neo xe chờ em. Cuộc đời chỉ cần đủ
thuế nộp chủ và hai dĩa cơm, vài ly cà phê với gói Ruby Queen. Đưa em đi học.
Đón em về học. Hôm nào đó, kiếm cuốn tiểu thuyết Tây, Les misérables chẳng hạn,
vất đại trên đệm. em sẽ hỏi : " Ê, anh phu xích lô, có khách bỏ quên cuốn
này? " Tôi anh dũng đáp : " Của tôi đó, thằng cha Victor Hugor viết
hay ghê ! " Em mà học đệ tứ chương trình Việt là em sẽ " chết "
với tôi. Tôi đã học " récitation " bài Après la bataille của Hugo,
tôi hạ giọng câu cuối : Donne - lui à boire, dit mon grand - père như thầy Lâm
Hữu Bàng của tôi, là em phải làm một cuộc xét lại ngay. Và em yêu tôi. Tôi sẽ
đưa em vào tình sử bằng xích lô.
Đấy là lối thoát cuối cùng của kẻ mơ mộng mà người làm chính
trị gọi là hạ sách. Tôi chưa thể đạp xích lô được. Trông dánh dấp của tôi,
khách sẽ tuỡng tôi giả dạng " cớm " và " cớm " thì tưởng
tôi giả dạng điệp viên. Thôi, ngày mai ra sao rồi hãy hay. Cứ biết mình còn tiền
ăn cơm đĩa ở hẻm Casino, một khoảng quê hương Bắc Kỳ. Mỗi ngày, chính phủ phát
trợ cấp mười mấy đồng bạc, khúc bánh mì, vài muỗng đường, hoặc hộp cá mòi. Tôi
chê bánh mì, đường, cá mòi. Chê luôn cả tiền trợ cấp. Cả ngày tôi nằm sắp trên
ghế bố - y hệt em Ngọc thân mến - chép những bài thơ tôi thuộc lòng vào cuốn vở
dầy, thỉnh thoảng , gạch xoá hay xoay thế nằm, ngửa, hút Ruby Queen nhả khói,
nhìn khói mộng mơ. Em Ngọc sẽ tưởng tôi sáng tác vất vả, lao tâm khổ trí lắm đấy.
Em đâu biết tôi chép thơ thiên hạ. Nếu em hỏi tôi về thơ, tôi sẽ lôi " tủ
" Nguyễn Bính của tôi, não nùng và kênh kiệu than vãn:
Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn
Làm thơ đem bán cho thiên hạ
Thiên hạ đem thơ đọ với tiền
Tôi chắc em không hỏi. Vì không ai hỏi người đạp xích lô cái
nghề đạp xích lô. Tôi yêu em Ngọc quá thể. Làm sao nói với em là tôi yêu em thì
tôi chịu. Khó lắm. Tình yêu, ở tuổi vừa lớn của tôi, nặng phần trình diễn ghê gớm.
Phần trình diễn kéo dài. Và đó là sự thơ mộng. Là vẻ thơ mộng. Là cõi thơ mộng.
Chỉ cách nhau cái giậu mồng tơi mà ngỡ cách nhau ngàn dặm. Nàng có nỗi buồn,
chàng Nguyễn Bính không biết rõ. Chàng chỉ lẫm nhẫm Hình như nàng có nỗi buồn
hơn tôi. Và ao ước Giá đừng có giậu mồng tơi, Thế nào tôi cũng sang chơi thăm
nàng. Em Ngọc của tôi cách tôi gang tấc.Không có giậu mồng tơi. Tôi thấy em buồn,
vui, ăn, uống; xỉa răng. Và phải ở xã hội Nhà Hát Tây mới tin lời tôi, tôi còn
thấy em dùng cái chiếu dựng đứng quây tròn, che kín thân thể em khi em thay quần
áo để xuống phố. Em ngậm chặt hai hàm ở chổ hai mép chiếu gặp nhau cho cái chiếu
khỏi tung ra. Mỗi lần em thu mình trong chiếu, tôi hồi hộp khôn tả. Chỉ sợ cái
chiếu tung ra. Nếu cái chiếu tung, tôi sẽ bưng mặt khóc. Tôi không yêu em Ngọc
nữa. Em đã chết rồi. Giấc mộng của tôi đã ứa máu. Tôi yêu em Ngọc, Em là giấc
chiêm bao.
Như một chiêm bao rất mộng thơ
Bâng khuâng tôi nghĩ chuyện tình cờ
Cả hai thuyền lạ phiêu trên biển
Bổng một lần kia đỗ một bờ.
Xuân Diệu đã chiêm bao thế đó. Tôi sẽ chiêm bao thuyền lạ chở
Ngọc và tôi bị trận gió tình yêu thổi dạt tới một bến bờ xa tắp. Tình yêu phải
thơ mộng và đẹp như chiêm bao. Tôi không có tài làm thơ tình hay như Xuân Diệu,
Huy Cận, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa... Trời sinh ra những thi sĩ tuyệt vời là để
làm thơ cho chúng ta tỏ tình. Cậu học trò nào mới lớn cũng phải thuộc ít nhất
hai chục bài thơ. Nhất định tôi sẽ chép bài Dâng của Xuân Diệu gởi em Ngọc. Tôi
mưọn thơ Xuân Diệu làm thông điệp gữi cho tình nhân. Con gái thông minh vô
cùng. Đọc xong những vần thơ bồng bế, ngỏ yêu :
Đây chùm thương nhớ, khóm yêu đương
Đây nụ mơ màng đợi ánh sương
Đây lá bâng khuâng rung trước gió
Đây em, cành thẹn lẫn cành thương
Tất cả vườn anh rất đợi chờ
Bời vì em có ngón tay thơ
Đến đây em hái giùm đôi lộc
Kẻo tội lòng anh tủi ước mơ
Bước đẹp em vừa ngự tới đây
Chim hòa ríu rít, liễu vui vầy
Hãy làm dáng điệu xuân ôm ấp
Ánh sáng ban từ một nét tay
Em Ngọc sẽ xốn xang tâm hồn. Và nếu em thuộc thơ T.T.Kh, em
trả lời tôi ngắn ngủi:
Thuở trước lòng tôi phơi phới quá
Hồn trinh nguyên vẹn một làn hương
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu tới
Êm ái trao cho một vết thương
Nhà nghệ sĩ là tôi. Chỉ là tôi. Tôi đã bắn vào trái tim em Ngọc
mũi tên tẫm hương yêu. Đó, thi sĩ đã làm tròn bổn phận cao quý của họ. Nhân
danh tình yêu, tôi ngợi ca thi sĩ, trừ thi sĩ làm thơ tự do ! Ôi, bằng cách nào
tôi có thể thuộc những bài thơ dài lê thê toàn công viên,ghế đá, cửa sổ, rong
rêu, con nước, đại lộ, phiến buồn, cục vui, đi chân trên tay, ngục tù, bóng tối,
khều mặt trời, chọc mặt trăng? Để tán gái. Những bài thơ tự do, siêu thực, siêu
hình hãy đi vào văn học sử và ở nguyên trong đó cùng quý vị Lục vân Tiên, Kim
Trọng, Từ Hải, An Tiêm...Và những bài thơ yêu hãy lan tỏa trong không gian thơ
mộng. Tôi là kẻ viễn mơ. Nếu tôi biết làm văn nghệ, tôi sẽ là nhà văn nghệ viễn
mơ. Tôi không dấn thân. Dấn thân mệt mỏi và đói rách. Mà văn nghệ dấn thân thì,
đi đến đâu, dấn thân vào chỗ nào? Âm nhạc và thi ca chỉ để ngợi ca tình yêu.
Tôi rất ghét những bản nhạc, những bài thơ... " chiến dịch ".
Thí dụ chiến tranh chiêu hồi hay chiến dịch tranh cử ! Tôi mà
có làm văn nghệ, anh nào bắt tôi phải dấn thân, tranh đấu, cách mạng, tôi gang
họng cãi tới cùng. Ông Mai thảo nói nhà văn là kẻ rong chơi. Tôi muốn nói nhà
văn nghệ là kẻ phiêu du trên mọi nỗi vui buồn. Thế Lữ đó, văn nghệ viễn mơ đó:
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi
Tìm cảm giác trong tiếng khóc câu cười
Trong phút gian lao trong giờ vui sướng
Khi phấn đấu cũng nhgư hồi mơ tưỡng
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than
Cảnh thương tâm đau đớn hay dịu dàng
Cảnh rực rỡ ái ân hay dữ dội
Anh dù bảo tính tình hay thay đổi
Không chuyên tâm không chũ nghĩa nhưng cần chi.
Phải, cần chi nhỉ. Phạm Duy cứ phiêu lãng trong tình yêu.
Nguyên Sa và Hoàng anh Tuấn cứ phiêu lãng trong tình yêu. Cần chi đếm xỉa bọn
kên kên văn nghệ, bọn kên kên bị ruồng rẫy, thờ ơ. Cần chi nhỉ, cần chi bọn cầm
dao cùn dọa giết tinh hoa của dân tộc. Hàng triệu tuổi trẻ đã nghe nhạc Phạm
Duy, đã thuộc thơ Hoàng anh Tuấn, Nguyên Sa. Và tôi, tôi cũng cần chi nhỉ, tôi
chỉ cần làm văn nghệ viễn mơ cho một người con gái. Cho em Ngọc yêu dấu. Em ơi,
em hãy tin đi, anh sẽ có một bài thơ viễn mơ hay hơn bài Còn lại của Hoàng Anh
Tuấn hay hơn bài Tuổi mười ba của Nguyên Sa. Và chắc chắn, anh sẽ viết nổi cái
truyện ngắn đăng trên nhật báo Tiếng Chuông.
Nhưng nền văn nghệ viễn mơ của tôi không được rong chơi trên
cái ghế bố để hì hục chép thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, không được nhìn
khói thuốc Ruby Queen để nhớ nhà; không được ngắm em Ngọc yêu dấu nhai thịt bò
xào dai xuýt gãy răng ; không được chiêm ngưỡng em xỉa răng và tuyệt diệu nhất
; không được hồi hộp đứng tim khi gặp em thay quần áo trong chiếc chiếu quay
tròn. Tôi phải dấn thân vào con đường cán bộ ăn lương chấm công mỗi ngày năm chục
bạc cho Phủ Đặc Ủy Di Cư ; Thế là tôi vừa văn nghệ viễn mơ, vừa văn nghệ dấn
thân. Viễn mơ trên ghế bố chênh vênh. Gác ba Nhà hát Tây và dấn thân dưới mái
nhà frib, thấp lè tè của Phủ Đặc Ủy Di Cư ở tận cuối đường Galliéni, đối diện
Nha Cảnh Sát Đô Thành. Tôi là Trương Chi, nghệ sĩ Trương Chi. Trương Chi thuở
xưa phải quăng lưới bắt cá, mới có cơm ăn, áo mặc rồi mới neo thuyền hát tình
ca làm nứt rạn trái tim Mỵ Nương. Ôi nếu thuở xưa đã có những đốc tờ chuyên
khoa thẩm mỹ như đốc tờ Hiếu, đốc tờ Viên và Trương Chi thừa tiền gửi nhà băng
chàng đã sửa sắc đẹp rồi. Và như thế, không có chuyện : Ngày xa có anh Trương
Chi, người thì thậm xấu, hát thì thậm hay. Trương Chi, nhà văn nghệ dấn thân...
quăng lưới. Hậu thân của chàng là tôi, nhà văn nghệ dấn thân... chấm công. Tôi
dấn thân cùng nhà văn nghệ Y Vân. Nhà văn nghệ dấn thân ở bến tàu Sài gòn đón
tiếp đồng bào di cư, làm cách mạng tranh đấu chống độc tài bằng cách tay đờn miệng
ca : Ngày trở về có trâu xanh... Còn tôi, nhà văn nghệ Trương Chi dấn thân bằng
cách ghi tên đồng bào di cư vào phiếu lý lịch. Tôi đã phục vụ cách mạng, phản
kháng, chiến đấu. Tôi dấn thân. Tôi hết viễn mơ rồi. Dấn thân cũng có nỗi buồn
của nó. Nỗi buồn dấn thân. Buổi trưa đáp xe buýt tới bùng binh chợ Bến Thành, tập
thể thao chân trên vỉa hè Bonard đúng lời dạy của con ông Alexandre Dumas :
" Marche deux heures tous les jours " Về Nhà Hát Tây, thấy mấy thằng
ngự ở ghế bố mình, say sưa ngắm em, ức hộc máu mồm. Và buổi chiều, sau khi dời
hẻm Casino với cái bụng căng đầy cơm sườn nướng, cà phê đá, tôi lủi thủi cuốc bộ
khắp vỉa hè, miệng phì phèo Ruby Queen như một kẻ thất tình nặng.
Tôi ghen rồi. Khói tình đã vướng vào mắt tôi làm tôi ứa lệ.
Giá tôi to con, có tí vỏ nghệ, tôi đã khiện mấy thằng tình địch của tôi. Bỗng
tôi hối hận đã tiếc tiền mua cuốn Bắp thịt trước đã của ông Phạm Văn Tươi. Muốn
độc quyền yêu một em nào, mình cần bắp thịt lớn, rắn chắc.Nếu tôi tập tạ, đánh
ba, tôi sẽ cởi áo, gồng mình, mấy thằng ngự ở ghế bố của tôi chắc là cút hết.
Văn nghệ đi liền với bắp thịt mới hoàn thành xứ mạng thiêng liêng của nó. Tôi
thường lang thang quá nữa đêm. Và, dù chưa gởi em Ngọc bài thơ Dâng cuả Xuân Diệu,
dù em chưa trả lời tôi bằng bốn câu thơ của T.T.Kh, tôi vẫn muốn chuyển tới em
những lời hờn nghen của Nguyễn Bính:
Cô nhân tình bé của tôi ơi
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
Nhìn tôi trong lúc tôi xa xôi
Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
Mà cô thường xức chẳng bay xa
Chẳng làm ngây ngất người qua lại
Dẩu chỉ qua đường khách lại qua
Tôi muốn cô đừng nghĩ tới ai
Đừng hôn dù thấy đoá hoa tươi
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
Đừng tắm chiều nay bể lắm ngừơi
Tôi không thể đoán nổi tâm trạng của em Ngọc. Mà chỉ mong ước
em cũng thuộc lòng cuốn Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính như tôi. Và em sẽ đọc
đoạn cuối bài Ghen :
Thế là ghen quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi
Để hiểu rằng tôi đã yêu em. tôi đoán chắc nếu em yêu tôi, em
sẽ nằm đắp chăn trùm kín cho mấy thằng tình địch của tôi chán chường, phú lỉnh
hết. Em cứ giả vờ cảm em nhé ! Em hãy uống viên aspérine tình yêu và mặc kệ mồ
hôi chảy tầm tã, mặc kệ nắng cháy miền Nam. Yêu em, anh đã dấn thân làm văn nghệ...
cán bộ chấm công. Yêu anh, chẳng lẽ em không dám giả vờ dấn thân cảm cúm. Đó là
một hình thức phản kháng, em yêu dấu. Tôi nghĩ ngợi thì anh dũng khôn tả nhưng
thực hiện ý nghĩ anh dũng đó, tôi đành thôi. Vào một buổi chiều buồn nhất quãng
đời vừa lớn, tôi lầm lũi bước lên ngót một trăm bậc thang, mặt mũi thật cô hồn.
Nghĩa là nghệ sĩ ghê lắm. Túi quần thủ sẳn bài Thôi nàng ở lại của thần tượng
Nguyễn Bính chép nghiêng ngã, vò nát. Gặp chị Phượng, tôi móc túi đưa bài thơ
cho chị và xoay lưng, chạy vội xuống dưới nhà. Bài thơ như sau:
Hoa đào từnh cánh rơi như tưới
Xuống mặt sân rêu những giọt buồn
Như những tâm tình tan vỡ ấy
Nhện già giăng mắc sợi tơ vương
Nàng đến thăm tôi một buổi chiều
Những mong chắp nối lại thương yêu
Nhưng tôi không dám, tôi không thể
Chắp nối bao nhiêu khổ bấy nhiêu
Nàng hãy cùng tôi đoan một lời
Từ nay nàng đã hết yêu tôi
Từ nay ta sẽ xa nhau mãi
Và sẽ quên nhau để trọn đời
Ai đi chắp lại cánh hoa rơi
Bắt bóng chim xa ở cuối trời
Có lẽ ngày mai đò ngược sớm
Thôi nàng ở lại để quên tôi
Đứng ngẩn ngơ dưới nhà một lát, tôi toát mồ hôi. Tôi nguyền rủa
tôi là một thằng khờ khạo, ngu ngơ. Tôi đã làm trò cười cho em Ngọc. Tôi đúng
là tên ăn mày đòi xôi gấc, đôi đũa rếch đòi chòi mâm son. Nuốt bẩy miếng nước bọt,
thu hết can đảm, tôi lên gác ba. Giá không vướng hành lý gửi chị Phượng, tôi đã
giả từ Nhá Hát Tây " hai bàn tay trắng, đi vào cuộc đời trắng hai bàn tay
" rồi. Chỉ vì cái va ly quần áo và cuốn sách dạy khẩy đàn lục huyền Y Pha
Nho của Carulli ! Tôi gặp liền chị Phượng. Chị đon đả tiếp tôi và vỗ vai tôi :
- Cậu Long.
- Bút hiệu Trương Chi.
- Cậu Trương Chi.
- Dạ.
- Cậu định đi đâu thế?
Tôi sắp sửa nói " Thưa chị, em đưa nhầm lá thư cho chị.
Em không dám hỏi, sợ ngượng, cuối tuần em mới lĩnh lương, em viết thư vây chị
vài trăm tiêu đỡ, ai dè thư vay tiềnlộn thành bài thư tình biệt.Tại em cuống
quýt, thì chị Phượng đã phân trần :
- Cậu đừng đi đâu nhé, cậu Trương Chi ! Cậu chưa hiểu lòng
con Ngọc.
Chị Phượng nhìn tôi cười hóm hỉnh:
- Nó đã yêu cậu rồi đó. Nó vừa khóc thút thít đấy. Trương Chi
ạ !
Nàng đã yêu tôi, Mỵ Nương đã yêu Trương Chi. Ngọc đã yêu
Long. Tôi muốn quỳ xuống hướng về phía nào đó Nguyễn Bính đang phiêu lãng, cám
ơn thi sĩ, bao nhiêu kẻ trên đời này không cần nói " Anh yêu em, em yêu
anh " mà đã yêu nhau. Nhờ Nguyễn Bính, tôi đã tán được em Ngọc. Cuộc tình
của tôi thơ mộng đến thế là cùng.
4
Tôi biết chắc nàng đã yêu tôi. Nàng chỉ mỉm cười những lúc có
tôi và nhìn tôi trong lúc tôi ghi tên đồng bào di cư vào phiếu lý lịch ở Phủ Đặc
Ủy Di Cư ! Mỗi buổi trưa, mỗi buổi chiều, tôi anh dũng trở về. Trên chiếc ghế bố
không còn bóng dáng những thằng ngồi cởi trần khoe bắp thịt tay và ngực Tôi chắc
tình địch cùa tôi nản chí. Và, vì chuyên lo bắp thịt, chúng nó không thể về yêu
hoa cúc khi thấy nàng mặc áo vàng. Tôi quả quyết chúng nó đã về yêu tạ tám mươi
ký, trăm ký. Để mình tôi nằm thơ thới suy nghĩ hai câu thơ Nguyễn Bính : Em
nghe họ nói mong manh, Hình như họ biết chúng mình với nhau. Không đâu chưa ai
biết nàng và tôi đã" với nhau " trừ chị phượng. Còn nàng, nàng cũng
không thể đoán nổi tôi đã yêu nàng chưa, dù nàng đã làm tôi tự đày đọa cái thân
tôi. Ngày mai không có đò ngược sớm và tôi trót hứa thêm với chị Phượng là tôi ở
lại, tôi chẳng nở bắt tội nàng khóc. Thì hẳn nàng phải hiểu tôi đã yêu nàng.
Con đường văn nghệ dấn thân của tôi rất nhiều chất viễn mơ.
Nói theo thi sĩ Đinh Hùng, tác giả Ngày đó có em, viết về những hình bóng đàn
bà quấn quít lấy sự nghiệp thi ca của thi sĩ Bích Khê, vô phúc, thiếu âm đức,
tôi mà dấn thân vào văn học sử, em Ngọc yêu dấu sẽ vào luôn. Em vào văn học sử
bằng chiếc xích lô đạp của tôi, tức là những " đại tác phẫm " do
chính tôi sáng tác và chép bản thảo. Em vào với huyền thoại người con gái đêm
ngáy pho pho, nghiến răng ken két; nhai thịt bò sái cả quai hàm và thay quần áo
xuống phố trong chiếc chiếu quây tròn. Văn học sử sẽ chú thích rõ ràng ngày
tháng ở Nhà Hát Tây. Nhưng một hôm, nhà văn nghệ vừa viễn mơ, vừa dấn thân
Trương Chi gặp trục trặc kỹ thuật...tình yêu ! Chàng lãnh lương cuối tuần được
sáu trăm đồng bạc, hí hửng viễn mơ tắc xi. Dấn thân là đói rách, đi xe nhân
dân, tục gọi xe ô tô buýt. Viễn mơ là no lành, ăn cơm tiệm và đáp tắc xi. Chàng
bảo tắc xi dừng lại bên đây đường, trả tiền cuốc xe, tặng thêm ông tài mười phần
trăm " puộc - boa " và hai tay thọc túi quần, Trương Chi thổi sáo điệu
nhạc Tô Vũ Mộc Dương. Tô Vũ chăn dê - mà lời ca như vậy.
Qua bến đò ngày năm xưa. Anh với em chung một con thuyền. Đôi
môi thắm tươi như một bông hồng. Đôi mắt mơ màng như ngất núi sông...
Điệu nhạc " tiền chiến " cổ lổ xỉ rất hợp với tâm hồn
viễn mơ của Trương Chi. Chàng cao hứng chuyển qua điệu " tăng gô si noa
" mà lời ca ' tiền chiến " như vầy :
Ngọn gió chiều lung lay khóm trúc
Gợi nhớ thương dào dạt trong lòng
Lại khiến lòng anh đây nhớ
Khi tựa bên nàng vai lại kề vai
Trông bướm bay theo làn gió thu
Mà khi nay còn đâu thấy chàng
Để chúng ta cùng say sưa dưới nắng chiều cùng trông
Bướm bay, bướm bay nô đùa với hoa...
Rồi chàng sang bên kia đường, ghé vô nhà sách Khai trí, mua
cuốn tiểu thuyết Tây, nhan đề Les Moustiques của một tác giả tên thật khó đọc
nên không thể viết ra đây. Sở dỉ, chàng chọn cuốn Les Moutiques vì chàng hiểu
nghĩa tên truyện. Chàng đoán tác giả đã diễn tả những con muỗi có vòi khủng khiếp
như muỗi Nhà Hát Tây Sàigòn. Muỗi truyền nhiều bệnh. Thí dụ bệnh sốt rét. Chàng
sẽ ba hoa về loài muỗi, so sánh muỗi Tây với nuỗi Mỹ, muỗi Ý Đại Lợi, muỗi Ấn Độ
? muỗi Ba Tư, muỗi tư bản, muỗi cộng sản. Và em Ngọc sẽ phục chàng "kền
" Pháp văn. Ôi, một nhà văn nghệ chứa trong lòng cả bồ tiếng Tây thì rất
nên kiêu hãnh ! Trương Chi hiểu chàng hơn ai hết. Chàng đã học Corneille,
Racine, Molière song chàng chĩ đủ khả năng đứng trên vỉa hè thành phố Paris vẫy
tay, hét loạn xạ " taxi, taxi " và tài xế hỏi bất cứ câu gì, chàng vẩn
khăng khăng " Victor Hugo " có nghĩa là " Bạn tài xế Tây thân mến,
bạn cứ đưa tôi về phố Victor Hugo cho được việc " Nếu một mai, chàng qua
Tây lãnh giải thưởng văn chương của Hàn Lâm Viện Pháp Quốc. Trương Chi đã hơn một
lần chỉ tay vào trái quít, thông ngôn giùm một anh lính Tây " C'est un
mandarin " Trái quít biến thành ông quan. Đó, thực chất tiếng tiếngTây của
nhà văn nghệ Trương Chi. Ai mà biết, em Ngọc nào biết ? Chàng sẽ viết về André
Gide, Albert Camus, Jean Paul Sartre, André Malraux mặc dù, đọc truyện thần
tiên của Perrault, của Grimm, chàng phải đánh vật với tự điển Pháp Việt Phổ
Thông của Đào văn Tập. Tội nghiệp Trương Chi ! Tại sao chàng cứ hì hục khuân tảng
đá ? Ấy là vì kỹ thuật tình yêu.
Yêu là giả dối, phù phiếm, màu mè, riêu cua, hoa hoè hoa sói.
Nhưng Trương Chi không luận bàn về tình yêu vì chàng đang được yêu, đang yêu.
Chàng hí hửng cầm cuốn Les Moustiques, anh dũng tháo giấy bao ngoài vất đi và
phăng phăng bước về phía Nhá hát Tây. Chàng hồi hả leo cầu thang. Chàng hy vọng
tràn trề là em Ngọc sẽ nhìn thấy cuốn tiểu thuyết Tây trên tay chàng. Không có
em Ngọc ở nhà. Em đi đâu? Mỵ nương đi đâu ? Trương Chi dấn thân quăng lưới suốt
ngày, về nhà mong gặp Mỵ nương để khoe... sự nghiệp chài lưới thì nàng lại bỏ
đi. Chị Phượng xuất hiện, khuôn mặt hầm hầm. Trương Chi cụt hứng. Chị Phượng bước
nhanh tới ghế bố :
- Cậu Long
- Bút hiệu...
Chị Phượng gạt phắt :
- Không bút hiệu bút tiệm gì cả. Cậu tệ quá. Cậu bội bạc, thiếu
chung tình.
Tôi ngẩn ngơ giây lát. Rồi ấp úng :
- Em đã làm gì ?
Chị Phượng hạch tội :
- Cậu đa tình, lông bông như con chuồn chuồn. Cậu đã bắt tội
con Ngọc khóc sưng mắt chiều nay.
Tôi thộn mặt ra, chẳng hiểu mình đã gây nên tội lỗi gì. Chị
Phượng nói tiếp :
- Nó bảo trưa nay nó gặp cậu đi với cô nào, hai người chia
nhau từng múi mít cười cười, nói nói say sưa lắm.
Chết tôi rồi. Tôi hàm oan rồi. Tôi là Thị Kính. Trên bước đường
văn nghệ dấn thân ghi tên đồng bào di cư vào phiếu lý lịch, thỉnh thoảng, có
hôm tôi sóng vai với đứa con gái đầy nam tính. Nàng tên Bảo, hơn tôi ba tuổi và
là người cùng quê hương tôi. Những buổi sáng đói rách, không tiền đi xe nhân
dân, tôi thường tập thể thao chân trên những vỉa hè từ Nhà Hát Tây tới Phủ Đặc Ủy
Di Cư. Một sớm mai, đen ngòm, có tiếng gọi ơi ới :
- Long, Long.
Người gọi tên tôi, tên cúng cơm của tôi là Bảo. Nàng cũng dấn
thân như tôi. Vì không có tâm hồn nghệ sĩ nên không thể cho nàng đứng chung
hàng ngũ văn nghệ dấn thân. Nàng hỏi :
-Đi đâu sớm thế ?
- Đi làm.
- Tôi đi vvới anh.
Và nàng đi cạnh tôi. Nàng thấp và dáng đi lạch bạch y hệt con
vịt bầu. Hể mở miệng là ngôn ngữ phóng ra oang oang phố xá. Ngày còn đi học một
lớp, ở trường xưa, tôi đã tưởng nàng là trai giả gái, Bởi vì, có lần nàng vật
nhau với một bạn trai, chiến thắng oanh liệt chỉ tại thằng bạn trai rắc hoa
ngâu lên mái tóc lơ thơ tơ liễu buông mành của nàng. Nàng nổi giận, cho thằng bạn
tỏ tình yêu bằng một keo vật. Nàng đấm, đá, và "đệm chân " khiến anh
trai vừa lớn ngã lăn cu chiên. Từ đó, nàng không được coi là con gái thuần túy
nữa. Tôi sợ nàng thoi vài trái nếu từ chối" đi với " nàng, thành thử,
đành im lặng chấp nhận. Nàng gạ leo xe buýt, tôi lắc đầu. Nàng gạ kêu tắc xi,
tôi xua tay. Hai đứa cuốc bộ. đang đi, gặp hàng ngô luộc, nàng kêu ầm ỷ:
- Bắp, bắp, bắp!
Nàng mua bắp, lột vỏ, mời tôi ăn. Tôi xấu hổ quá, vội nhét
cái ác mô ni ca vào túi. Để mình nàng độc tẩu khẩu cầm tức là thổi ác mô ni ca.
Nàng gặm lia lịa, nhai nhồm nhòam. Thiên hạ ngó nàng, cứ tưỡng nàng là nhân
tình của tôi ! Gặm ngô chán, nàng bắt tôi dừng lại uống nước rau má. Nàng bảo
"Tốt lắm, uống nước rau má hết táo bón"! Uống nước rau má xong, gặp
hàng mít, nàng lại mua mít. Nàng ăn quà vặt như con cò con trong ca dao:
Con cò là cái cò con
Chửa đi đến chợ đã lon ton ăn quà
Ăn từ bánh đúc, bánh đa
Bánh chưng, bánh cuốn, cháo hoa, bánh đề
Ăn xong vỗ đít ra về
Thấy hàng chả chó lại lê đít vào.
Tôi đã đau khổ vì nàng, người đi cạnh đời tôi đầy mùi hương
hôi nách. Chắc em Ngọc yêu dấu bắt gặp tôi đi với nàng. Và ghen quá, em tưởng
tôi sung sướng, say sưa. Tôi đã thề không yêu con gái nếu con gái trên đời này
giống Nguyễn thị Mộng Bảo. Tôi mỉm cười, nhìn chị Phượng :
- Để mai em mời chị đi với "cậu con trai" ấy
- Ai ?
- Cô con gái mà chị tưởng lầm em mê nàng.
- Chị đâu có tưởng. Con Ngọc đã tưởng thế. Vậy cậu không
"có gì" với cô ta à?
Tôi kể vài nét đan thanh về Mộng Bảo. Chị Phượng cười khúc
khích. Chị vỗ vai tôi:
- Long...
- Bút hiệu Trương Chi!
- Cậu Trương Chi, chị bảo với con Ngọc là chị không lầm. Cậu
chung tình mà!
Tôi hỏi - lần đầu tiên tôi hỏi câu này - về Ngọc :
- Thưa chị, Ngọc đi đâu?
Chị Phượng đáp:
- Con bé đi trốn nỗi buồn. Nó xuống nhà chú chị ở Tân Định. Để
chị đi kiếm nó gấp.
Chị Phượng ngó tôi :
- Cậu đi với chị không? Cậu phải xin lổi nó. Cậu phải thề từ
mai, không được ăn mít của cô Bảo gì đó nữa.
Tôi nói:
- Thưa chị, em...
Và thay đổi lập trường rất lẹ:
- Dạ, dạ... Vâng... Em sẽ xin lỗi Ngọc. Em có tội. Em sẽ mua
thuốc đau mắt nhờ chị nhỏ giùm vào đôi mắt sưng vù của Ngọc.
Chị Phượng vỗ vai tôi, thân yêu hơn cả bao giờ:
- Nói lời phải giữ lấy lời.
Tôi hứa:
- Em xin thề.
Và tôi hỏi:
- Thưa chị, Ngọc đau mắt thật à?
Chị Phượng bĩu môi:
- Khóc cả buổi không đau mắt sao? Cậu Long?
- Bút hiệu Trương Chi!
- Cậu Trương Chi...
- Dạ, đau mắt nặng, thưa chị, có thể có màng, sinh lông nheo
quặn và nếu không chửa, còn có thể viền vải tây điều.
Thuở đó, bầu trời văn nghệ Việt Nam chưa được thắp sáng bởi
thi tài Trần Đồng Vọng nên những kẽ nặng tâm hồn nghệ sĩ như tôi rất sợ người
yêu của mình bị toét mắt. Thứ thuốc trị đủ các bệnh đau mắt chỉ mới phát minh gần
đây. Tức là những bài thơ của thi sĩ Trần Đồng Vọng tác dụng ngang hàng kẹo
kéo.
Con mắt kẻm nhẻm kèm nhèm
Ăn đồng kẹo kéo sáng hơn đèn ô tô.
Mắt có màng hay mắt thông minh, mua thơ Trần Đồng Vọng về đọc
hoặc nhờ người đọc giùm sẽ khỏi ngay, không cần ăn kẹo kéo. Bởi vì thi sĩ Trần
Đồng Vọng là đông y sĩ chuyên trị bệnh con mắt. Người Apollinaire Giao Chỉ 1 đã hòa hợp thuốc đau mắt vào thi ca một
cách thần sầu. Văn nghệ phục vụ nhân sinh đó, dấn thân ra phết! Giá tuổi vừa lớn
của tôi đúng vào thời này, tôi nào sợ hãi người yêu của mình mắc bệnh đau mắt.
Nhưng thuở đó, cái thuở Thế Lữ diễn tả...nhiệm mầu sương gió lạnh, Trời mây huyền
ảo đắm hồn thơ, vì sao Trần Đồng Vọng còn núp trong mây u ám, thành thử, tôi vội
trình bày:
- Thưa chị, em nghĩ ra rồi, chả cần nhỏ thuốc đau mắt, chị ạ
! Mai em mua biếu Ngọc vài đồng kẹo kéo, Ngọc ăn xong, đôi mắt sẽ sáng rực,
long lanh tình yêu.
Chị Phương bẹo tai tôi :
- Trương Chi khéo khôi hài.
Thưa chị, thưa chị kính mến, người chị dắt em lên lầu gặp Mỵ
Nương, người chị đẩy cánh cửa cho em bước vào đường tình sử, em đâu dám khôi
hài. Tại em vui quá. Ở trái tim em, niềm vui đang mở hội, đang họp chợ. Em biết
chắc Ngọc đã yêu em, đã vì em khóc sưng mắt. Cám ơn con vịt bầu lạch bạch Nguyễn
thị Mộng Bảo. Cám ơn những múi mít, những ly rau má, những cây... ác mô ni ca
ngô luộc. Nhờ vịt bầu, tôi mới biết Ngọc đã ghen như tôi. Mỵ Nương ghen thì
khóc, Trương Chi ghen thì hận tuổi nhỏ không chịu mua tạ, mua sách Bắp thịt trước
đã của Phạm văn Tươi về tập phương pháp Thụy Điển. Trương Chi đã chiến thắng Mỵ
Nương. Chàng giấu biến cuốn tiểu thuyết Les Moustiques. Chị Phượng giục:
- Chị em mình xuống Tân Định nhé!
Tôi đáp rất khẽ:
- Dạ.
Chị Phượng nói :
- Trương Chi đợi chị về thay quần áo.
Chị cũng đứng trong chiếc chiếu quay tròn. Tôi không hồi hộp,
lo lắng. Rút điếu thuốc lá Ruby Queen, mấy hôm nọ viển mơ, hút thuốc lá lẽ ; dấn
thân hạ viển mơ một keo - Tôi quẹt diêm mồi thuốc. Nhả khói và nhìn khói bay, tôi
thấy Ngọc đang nhìn tôi mĩm cười. Nàng chưa bị toét mắt. Mắt nàng vẫn như dáng
thuyền soi nước. Thuyền nghe, em yêu dấu. Đừng là ghe. Ghe kỳ lắm. Mắt em như
dáng thuyền soi nước. Mắt em đẹp tuyệt vời.
Mắt em là một giòng sông
Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em.
Cảm khoái, tôi liệng cuốn Les Moustiques đi. Không nên để
loài muỗi đốt người yêu. Chị Phượng đã sửa soạn xong. Chị bảo tôi :
- Mình đi !
Đôi tai tôi nóng bừng. Tôi không thể khôi hài, không thể anh
dũng được nữa. Bây giờ, tôi thật là tôi, là Vũ Văn Long không bút hiệu, chẳng
bút tiệm. Là tôi khờ khạo, ngu ngơ, đần độn và... mơ mộng. Tôi lắc đầu :
- Thôi chị ạ, em ở nhà.
- Giận rồi, hả ?
- Không.
- Thế sao không đi đón Ngọc?
- Em... em... sẽ chả biết nói gì...
Chị Phượng cười. Nụ cười thật đôn hậu. Chị nói:
-Xấu hổ à? Đừng sợ, Trương Chi!
- Long, Vũ văn Long.
- Đừng sợ, Long! Con Ngọc thích cậu nói chuyện với nó. Cậu
phải tập nói rồi mới biết nói.
- Vâng, em sẽ tập.
Và tôi nhất định ở nhà. Chị Phượng không trách móc. Buổi tối
hôm ấy, tôi nằm sấp trên ghế bố hướng tầm mắt sang Ngọc. Nàng cũng nằm sấp trên
ghế bố hướng tầm mắt sang tôi. Chúng tôi nhìn nhau qua lớp vải màn. Nói với
nhau bằng những cái chớp mắt; Tôi tưởng tượng vải màn là lớp sương hồng tình
ái.
Tôi thức trong chiêm bao. Cuộc đời đấy, cuộc đời thần tiên và
mộng mị. Một giây trở giấc, tôi thấy phảng phất mùi da thịt người yêu trong
vùng mộng của cậu con trai vừa mới lớn. Tôi nhắm mắt. Ngủ ngoan.
Chú thích:
1 |
Ông Tam Tích đề tựa một pho thơ của thi sĩ Trần Đồng Vọng đã ví Vọng như thi sĩ Apollinaire. Tội nghiệp Alpollinaire!. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét