Bóng mây chiều 2
III. Đang lúc mọi người đều sống vui vẻ như những người vô tư lự thì bỗng một hôm có khách ở Hà Nội về chơi.
Hôm ấy, một buổi chiều giữa thu...
Trước khi vào nhà, khách còn dạo quanh vườn để ngắm những cây
xanh tốt. Đứng bên gốc nhãn già, khách dang tay hút gió, bỗng chợt nom thấy Chi
ngồi thêu bên cửa sổ.
Trong buồng tối, bên ngoài bóng râm, ở giữa khoảng tranh tối,
tranh sáng ấy, khách thấy hình ảnh Chi như in trên một bức tranh lụa mầu đen cực
mỏng. Mà bàn tay trắng nõn của nàng đưa lên đưa xuống, làm cho bức tranh mỹ
nhân ngồi thêu đó thêm phần hoạt động.
Người thiếu niên đang đăm đăm ngắm nghía, cố thu vào trong cặp
mắt bức tranh tuyệt xảo, thì nàng bỗng chợt ngẩng lên. Bàng hoàng vì cái nhan sắc
diễm lệ của người thiếu phụ, khách bẽn lẽn ngả mũ chào rồi đến gần cửa sổ:
- Thưa cô, anh Tuấn tôi có nhà không ạ?
- Dạ (Chi khẽ đáp) anh ấy đi chơi chưa về.
- Cô Yến?
- Chị tôi đi chợ.
Rồi lặng yên một lát, Chi dịu dàng hỏi:
- Có phải ông là ông đốc Lương ở Hà Nội không ạ.
Khách mỉm cười đáp:
- Vâng, sao cô biết?
Chi cúi mặt xuống khung thêu se sẽ trả lời:
- Anh Tuấn thường nhắc đến ông luôn!
Lương cười:
- Còn tôi, tôi cũng biết cô là cô Chi vì anh Tuấn cũng có viết
thư nói chuyện.
Nhưng lạnh lùng Chi nói lảng:
- Mời ông vào trong nhà.
Sau một tiếng vâng, Lương vờ dạo quanh vườn, kỳ thực hai mắt
vẫn không rời cái cửa sổ Chi ngồi thêu. Cái nhan sắc diễm lệ của nàng gợn nét
buồn thương làm cho Lương say sưa như ngắm cảnh u sầu, thanh tĩnh.
Chàng nghĩ thầm: "Đáng thương! Con người đẹp như thế mà
bị quân độc ác nó lừa. Trời! Giá như ta... Sao ta chẳng được ở địa vị anh chàng
họ Sở ấy mà nâng niu chiều chuộng đóa hoa này!"
Lời tự nhủ văn hoa ấy, Lương nghe thấm thía đến tận đáy lòng.
Nhưng không biết tại sao chàng lại lắc đầu như chán nản?
- Đây là cấm phòng, không được ngó vào, quan Đốc ạ!
Tiếng ai nói làm cho chàng thiếu niên tỉnh giấc mơ. Lương
quay lại thấy Yến nhìn mình mà cười thì cũng gượng cười theo:
- Cô đi chợ về?
- Vâng, anh mới sang chơi? Anh ở đây ăn cơm với chúng em nhé.
Anh vào trong nhà đi.
Lương lặng lẽ theo Yến vào phòng khách rồi táy máy đến chỗ
Chi thêu thì, không biết cố ý hay vô tình, nàng bỗng vùng đứng dậy đi xuống bếp.
Cái cử chỉ khiếm nhã ấy làm cho Lương ngượng quá. Chàng thở
dài nằm lăn xuống ghế xích đu nét mặt ngao ngán.
Một giờ sau, Tuấn đi chơi về. Đôi bạn thiết chào nhau bằng một
nụ cười. Tuấn hỏi:
- Anh mới sang?
- ừ, sang thăm bệnh một bà cụ ở bên này. Mấy tháng nay bận
quá chẳng lúc nào sang thăm anh được, buồn quá!
Nghe giọng nói dịu dàng của bạn, Tuấn hơi lấy làm lạ, vì ít
khi Lương lại đứng đắn như vậy. Chàng mỉm cười bảo bạn:
- Có một việc quan hệ phải nhờ đến tay quan đốc mới xong đây!
Lương chừng mắt nhìn, sẽ hỏi:
- Việc gì mà bí mật thế?
- Thôi chả nói nữa!
Lương bĩu môi chế nhạo:
- Ê! Hay không.
Tuấn ngần ngừ một lúc rồi ấp úng:
- Việc... Chi ấy mà.
Lương bỗng vỗ tay cười rộ, nhưng lại im bặt, nhớn nhác nhìn
ra sân như sợ có người nghe thấy tiếng cười mỉa mai của mình đối với người con
gái khốn nạn.
Làm thày thuốc, Lương còn lạ gì việc hộ sinh, nhưng không hiểu
tại sao lúc này chàng thấy ngập ngừng e lệ.
- Thế nào? Quan Đốc có thuận không?
- Khỉ, đùa mãi, ở bên này cũng được chứ sao?
Lúc ấy, thằng nhỏ đã bưng cơm lên buồng ăn. Yến mời:
- Nào mời các anh các chị ra chén đi cho.
Lương cau mặt nói đùa:
- Ai khiến cô mời đấy? Thực rõ khéo vô duyên!
- Đã đành! Nhưng chị Chi em hẳn là người có duyên!
Nói xong nàng cười rộ khiến Lương lo lắng tưởng cô em ranh
mãnh đã nghi ngờ rồi, sợ Yến tưởng mình mỉa mai, chàng nói chữa:
- Yến có duyên ngầm thôi.
Chàng lại toan pha trò nữa, nhưng đưa mắt nhìn Chi thấy nàng
có ý lạnh lùng với những câu bông lơn nên bỗng sinh ngượng, ngồi im thin thít,
Tuấn nói:
- Nào ăn đi! Trong khi ăn, cấm nói chuyện.
Khi đã rót rượu xong, Yến đứng dậy mời:
- Em xin nâng cốc uống mừng anh.
- Không dám.
Tiếc thay những lời bỡn cợt, chào mời kia lại chẳng ở miệng
con người nhan sắc; Lương nghe thấy nhạt nhẽo vô cùng. Cho hay cái nết tốt của
người đàn bà chỉ khiến ta kính nể mà thôi.
Tuy đồ ăn thanh đạm, nhưng Lương ăn rất ngon miệng. Ngồi bên
Chi, chàng cảm thấy một mối vui nhẹ nhàng, man mác. Nhất là lúc nàng sới cơm
đưa cho, chàng cảm động bẽn lẽn, thẹn thùng.
Món ăn tráng miệng là một đĩa đào mới hái ở trước sân. Táy
máy nhìn hai cô chủ gọt vỏ, Lương mỉm cười: chàng so sánh má hồng hồng với má
Chi, má xanh với má Yến: gương mặt hồng hào bên cạnh mầu da tai tái lại càng
thêm tươi.
Nhưng đang cười nói vui vẻ, Chi bỗng đứng dậy sang buồng bên
cạnh khiến Lương buồn thiu. Hồi lâu chợt nghĩ ra một kế để gần nàng, chàng đứng
dậy ấp úng:
- Nóng quá! Ra ngồi gốc nhãn cho mát đi.
Rồi không đợi để bạn bằng lòng hay không, chàng đã hai tay
xách hai cái ghế mang ra vườn.
Cây cối về chiều ủ rũ... Không một hơi gió mát. Không một tiếng
chim kêu. Duy, trên mặt đất xám, mấy tia nắng vàng nhạt in hình lốm đốm.
Sự yên tĩnh trong vườn bỗng nhiên gieo vào tâm trí Lương những
mối buồn u uất. Chàng lim dim cặp mắt nhìn theo khói thuốc nhè nhẹ bay trên
không, rồi thở dài bảo bạn:
- Sống an nhàn ở một nơi tĩnh mịch như anh thế này thực là
sung sướng.
Thấy bạn không đáp lời, chàng lại tiếp:
- Giá những đêm trăng trong gió mát mà được ngồi dưới gốc
nhãn này mà tình tự thì sung sướng biết chừng nào!
Câu sau, chàng nói to lên cốt để Chi nghe tiếng. Nhưng - ôi
mai mỉa. Lúc quay lại nhìn vào cửa sổ thì chàng nào thấy bóng ai đâu. Nàng, vì
chếnh choáng hơi men, đã bỏ đi nằm từ lâu.
Tình cảnh ấy làm cho Lương chán nản tuyệt vọng. Chàng ngồi tựa
lưng vào ghế, ngửa mặt lên trời mà ngáp dài, ngáp ngắn. Tính bỡn cợt của Yến, vẻ
mặt lạnh lùng của Chi và thái độ mô phạm của bạn lúc nào cũng như trêu cợt
chàng. Nghĩ đến, Lương càng thêm ngao ngán. Chàng ngậm ngùi:
- Tôi như anh, tôi chẳng để Chi phải làmg lụng vất vả như thế.
Tuấn so vai đáp:
- Mình có lòng tốt với người ta dễ người ta không tự cao với
mình! Phải chiều tính tự ái của người ta mới được chứ.
Một lúc sau, Tuấn vì mỏi mệt đã cáo đi nằm, mà Lương vẫn thẫn
thờ trong vườn vắng. Chàng đi qua đi lại trước cửa sổ, Chi vẫn ngồi thêu, nhưng
hai cánh sơn nâu vẫn khép chặt chẳng cho chàng nhìn giai nhân trong chốc lát.
Trời đã sâm sẩm tối...
Lương thấy mọi người đều như hững hờ lãnh đạm với mình thì tưởng
như bị họ coi khinh. Tiếng còi xe hơi văng vẳng bỗng nhắc chàng nhớ đến giờ về
Hà Nội. Ngậm ngùi, chàng thở ra một hơi thực mạnh rồi lẳng lặng đi ra ngoài
ngõ.
Nhưng mười phút sau, không biết tại sao chàng lại quay về.
Thì, lạ sao, ánh đèn ở trong nhà đã chiếu ra ngoài cửa sổ trước sân. Hồi hộp,
Lương rón rén đến gần cửa sổ để ngó vào trong thì một cảnh xum họp dịu dàng bày
ra trước mắt.
Trên cái giá đóng vào tường, chiếc đèn măng sông phủ rua xanh
tỏa làn ánh sáng trong phơn phớt. Một bên Tuấn ngồi đăm đăm đọc sách, một bên,
Chi lúi húi thêu. Còn Yến đang đứng vót tăm cạnh bàn.
Cảnh tầm thường ấy, Lương ngắm mãi không thôi... Chàng lại lắng
tai nghe tiếng giun, tiếng dế rì rì dưới cỏ. Tiếng côn trung như than vãn bỗng
reo vào lòng người cô độc những cảm giác tê mê...
IV
Buổi chiều hôm ấy, không khí nặng nề như ngâm hơi nước. Trời
tối sầm. Những đám mây đen trông gần ta hơn. Gió trước còn hiu hiu mát mẻ; sau
bỗng ào ào kéo đến như tiếng thác chảy nghe tận đằng xa.
Đến nửa đêm, thì bốn phương trời đều như có gió nổi lên, họp
thành những luồng mạnh gớm ghê. Thỉnh thoảng luồng đông nam gặp luồng đông bắc,
rập nhau, rồi quay cuồng vật lộn, như giận dữ, như hò reo. Một lúc lại bẵng đi
như trời đang mưa to bỗng tạnh.
Gió lại im như trốn đâu mất. Rồi đột nhiên lại ầm ầm kéo đến
rất mau, chốc chốc lại rít lên những tiếng ghê sợ trên các ngọn cây. Nhờ cơ hội,
những hạt mưa nặng trĩu cũng rào rào đạp vào mái ngói vào lá cây như sóng vỗ. Vạn
vật đều như sụp đổ dưới cơn bão loạn cuồng.
Bỗng một luồng gió giật bóc mấy viên ngói ném xuống sân kêu
loảng xoảng. Chi rùng mình ngồi nép vào cạnh Yến:
- Bão to lắm! Không khéo đổ nhà mất.
Yến cũng nơm nớp lo sợ, nhớn nhác nhìn anh. Nhưng lạnh lùng,
Tuấn vẫn ngồi, lặng im hút thuốc lá hình như không thèm để ý đến cơn bão kinh
thiên động địa. Khi điếu thuốc đã tàn, chàng mới sẽ bảo em:
- Trong lúc mưa gió thế này chẳng biết những người không nhà,
không cửa họ trú ẩn vào đâu? Ta thử tưởng tượng xem cái cảnh người lỡ bước, tay
bế con thơ đang lầm lội ở dọc đường tìm chỗ trú chân. Nước mắt lẫn nước mưa,
khóc than đói rét.
Nhưng, cơn giông tố phũ phàng nào có nghĩ chi đến cảnh khổ của
loài người. Gió vẫn ào ào thổi mạnh, mưa vẫn đập vào mái nhà như sóng vỗ. Nghe
tiếng gió rít mưa rào mà rùng mình sởn óc, tưởng như trăm nghìn oan hồn đang
thi nhau kêu khóc.
Mãi đến sáng hôm sau bão mới ngớt. Chi mở cửa trông ra sân
thì một cảnh tang thương bầy ra trước mắt. Cây nào cây nấy, cành lá xác xơ; lá
rụng đầy vườn. Gốc bưởi đào bên bể nước bật rễ lên nằm ngang trên mặt đất, quả
lăn lóc khắp sân. Cây nhãn ở đầu hồi cũng bị tước làm hai mảnh.
Nhìn cảnh vườn tan nát, Chi ngậm ngùi:
- Đấy, mới có một đêm mưa bão.
Phải, chỉ có một đêm mưa bão mà thân Chi phải ngả nghiêng.
Ngày nay mưa tạnh bão tan, đứng trước cảnh hoang tàn như thân thế, nàng thấy
mình không khác gì những cây kia gẫy nát rồi đến khi hồi phục lại phải chống với
cơn giông tố phũ phàng.
Là vì, ngày nay lại có người yêu Chi!
Sau hôm ở chơi với bạn, Lương thường luôn luôn sang Bắc, mà lần
nào chàng cũng chỉ đứng sau bờ rậu để nhìn Chi ngồi thêu bên cửa sổ một lúc, rồi
lại vui vẻ trở về.
Hôm nay, theo lệ thường, chàng cũng chịu khó sang thăm, nhưng
lần này ra mặt chứ không thầm vụng như những hôm xưa.
Chi và Yến đang lúi húi nhặt bưởi rụng, thấy Lương vào thì đều
quay lại, ngạc nhiên nói:
- Kìa quan Đốc!
Rồi dịu dàng, Chi tiếp:
- Mưa gió thế này mà ông cũng chịu khó sang.
Lương cười:
- ấy chỉ vì có bão tôi mới sang xem bên này có việc gì không.
ở Hà Nội có mấy nhà đổ chết người, tôi sợ quá!
Yến reo lên:
- May mà nhà ta không đổ. Nếu bây giờ chị em mình chết bẹp
thì anh Lương lại khóc chán.
Nói xong nàng cười rộ khiến Chi cũng cười theo. Lương nghĩ thầm:
"ừ mà nếu em bị nạn thì ta đau đớn biết chừng nào. Em! anh đã vì em mà phải
lặn lội, chẳng quản gió mưa, chẳng hay em có hiểu cho nỗi khổ tâm này không,
em? "
Ngẫm nghĩ, chàng tủm tỉm cười rồi lững thững đi vào phòng
khách. Yến theo sau tò mò hỏi:
- Anh đắc trí gì mà cười thế?
- Tôi cười cô nhìn trộm tôi đấy! Xấu lắm.
- Sao anh biết là em nhìn anh?
- Hình như thế thì phải.
Thấy hai người đùa bỡn với nhau như trẻ con, Chi ngoảnh ra
sân cắn môi nhịn cười. Nhưng nàng cũng như lây cái tính vui vẻ của Lương nên bỗng
quay lại cười nụ, bảo chàng:
- Cái gì ông biết hẳn hãy nói có được không?
Nghe lời trách âu yếm, Lương sung sướng nhủ thầm: "Cứ mỗi
ngày được nghe một lời của em, ta cũng đủ nghị lực mà làm việc rồi."
Nghĩ vậy, chàng lại đưa mắt nhìn Chi. Thấy nàng đang ghé vào
tai bạn mà thì thầm có vẻ kín đáo lắm, chàng đỏ mặt, tưởng chế riễu mình. Nhưng
không, hai chị em chỉ bàn nhau đãi khách một quả bưởi chua.
Chi nói:
- Chị xuống bếp lấy muối ớt để em bổ cho.
Ngồi tựa cằm vào lưng ghế, Lương táy máy nhìn bàn tay trắng
muốt của nàng in trên vỏ bưởi xanh, trong lòng vui thích.
Chàng âu yếm nói:
- ăn bưởi chua chấm muối ớt với các cô có lẽ thú hơn ăn tiệc.
Vừa nói buông miệng, Chi bỗng kêu lên vì con dao vấp phải
tay. Nàng nhăn mặt bóp ngón tay bị đứt ra chiều đau đớn lắm. Lương vội vàng rút
cuốn băng trong túi ra buộc cho nàng. Xưa nay mó vào da thịt đàn bà, Lương cũng
dửng dưng như cầm một côn trùng để mổ xẻ. Thế mà không, lúc đụng vào tay Chi,
toàn thân chàng rờn rợn, hình như cái hơi mát mẻ của mỹ nhân đã truyền vào cái
giây thần kinh, mạch máu. Hơn nữa, thấy nàng để im cho buộc, chàng lại yên trí
rằng nàng cũng một lòng, có biết đâu chỉ vì lâu nay sống trong cảnh đời lặng lẽ,
nàng vẫn khao khát sự an ủi, vỗ về nên mới... Nhưng sực nhớ ra, nàng rụt tay lại
rồi bẽn lẽn trách:
- Tại ông đấy nhé!
Lương cũng sượng sùng đáp:
- Vâng, thôi tôi xin lỗi.
Khi Yến đã mang muối ớt lên, Lương ăn luôn ba, bốn múi rất
ngon lành. Còn thừa bao nhiêu chàng nhặt bỏ cả vào túi, nói khôi hài:
- Thày lang đi ăn cỗ chẳng lẽ lại không lấy phần! Thôi hai cô
bằng lòng vậy, tôi về đây.
Yến nài:
- Anh hãy ngồi chơi thong thả, đi đâu mà vội!
- Khốn nhưng người ta còn chờ mình ở bệnh viện kia. Nếu ở
chơi lâu được thì còn nói gì.
Chi cũng trông ra ngoài, tỏ ý thương hại:
- Trời mưa gió thế này mà phải về Hà Nội!
Lương cười:
- Nếu hôm nào sang chơi mà cũng được ăn bưởi như hôm nay thì
đến bão đổ đình cũng chẳng ngại.
Chiều hôm sau giời đã quang, gió đã ngớt, Chi, Yến giúp thằng
nhỏ, dọn vườn xong thì Tuấn cũng ở trường về. Nhưng khác hẳn với ngày thường,
chàng có vẻ âu sầu mệt nhọc. Cất sách và cởi áo xong, chàng nằm lăn ngay xuống
giường, chẳng tươi cười nói chuyện với hai em...
Từ ngày ở nhà bạn đến nay, lần này là lần đầu, Chi thấy Tuấn
buồn. Vì đâu? Nàng nào có thể biết được. Nhưng tối hôm ấy, khi đã lên đèn, Tuấn
bỗng lại vui vẻ như thường. Chi ngồi thêu được một lúc, thì chàng rút ở trong
túi ra một tờ giấy gập tư rồi để lên trên bức lụa:
- Đây cô xem.
Chi hơi ngạc nhiên, lặng lẽ mở ra đọc:
Anh Tuấn,
Khổ lắm bạn ạ! Tôi thực không ngờ rằng ngày nay tôi lại phải
sa chân vào vòng tình ái, tôi ngồi viết bức thư này cho anh mà trong lòng chứa
chan hoài cảm. Đêm đã khuya rồi.
Từ ngày Lan chết đi tới nay thấm thoát đã năm năm. Trong năm
năm bị sự hối hận dày vò, tôi đã hồ quên, nào ngờ đâu ngày nay Lan lại trở về
dương thế, Lan tức là Chi đó bạn ạ.
Ôi! ở đời sao lại có sự khắt khe nhường ấy. Không biết ai
khéo nặn Chi mà giống Lan của tôi như thế! cũng cặp mắt mơ màng, cũng đôi môi vạch
thẳng.
Anh Tuấn ơi, chắc anh cũng biết rằng ngày xưa Lan đã vì tôi
mà chết! Tôi đau đớn vì Lan bao nhiêu thì lại muốn chóng quên đi bấy nhiêu. Vì
kẻ âm, người dương tôi làm thế nào mà chuộc được sự lỗi lầm.
Mà có lẽ cũng bởi quá thương người vợ khuất, nên lần đầu tôi
trông thấy Chi tôi mới bàng hoàng ngây ngất, tưởng như cuộc đời mình đang sống
đều là mộng cả, phải chăng là Lan lại hồi dương để người chồng khốn khổ này được
chuộc những tội lỗi xưa!
Vẫn biết rằng ông trời éo le sinh ra tôi chẳng phải để được
may mắn về ái tình, cho đến gái giang hồ cũng vậy vì cái lẽ rất đau đớn: tôi xấu.
Nhưng anh ơi! Người tôi xấu nhưng nết tôi tốt, tưởng một người như Chi cũng chẳng
còn câu nệ. Nếu nàng ưng, tôi thề sẽ không nghĩ đến dĩ vãng của nàng...
Tiếng gọi của sự thương yêu đầy vẻ nồng nàn tha thiết ấy đã
chẳng làm cho Chi mảy may cảm động, thẹn thùng mà lại khiến nàng căm tức. Xưa
kia Tú chả từng nói với nàng những lời tha thiết như vậy đó ư? Nào ngờ...
Hồi tưởng lại cuộc ân ái chua cay, Chi nhếch mép cười, tự nhủ:
"Tôi còn lạ gì các ông nữa. Miệng thì nói toàn những câu
đường mật, tưởng chân thật, sâu sa lắm, kỳ thực chẳng có mục đích gì hơn là sự
ích kỷ: hưởng độc quyền trong chốc lát hoặc năm ba tháng rồi thôi. "
Tuấn thấy nàng có vẻ suy nghĩ, vội hỏi:
- Thế nào, cô có...
Thì như căm tức nàng cười gằn:
- Được, để em nghĩ xem.
Rồi nàng cúi gầm mặt xuống lẩm bẩm một mình: "Hỡi bọn
đàn ông bạc ác, ta thề sẽ làm cho mi điêu đứng mới trả được thù này!"
V
Hai hôm sau, khi đã tiếp được thơ phúc đáp, - vì trong bức
thư gửi cho Tuấn, chàng có dặn bạn trả lời ngay cho biết thái độ của Chi, -
Lương lại đến "túp lều tranh".
Vì năng qua lại nên chàng đã nhớ được những giờ mà Yến đi vắng.
Chàng chủ ý muốn được gặp Chi trong trường hợp ấy vì muốn nói chuyện riêng với
nàng.
Vào đến sân, thoáng thấy bóng nàng ngồi sau cửa sổ, lòng người
thiếu niên bỗng rộn rã lạ thường. Chàng sượng sùng đứng nấp vào gốc cau để toan
tránh mặt, nhưng thấy Chi đã ngẩng lên trông, chàng đành thờ thẫn bước vào như
một cái máy.
Nhưng, chỉ qua cái giây phút hồi hộp đầu tiên là Lương lại trấn
tĩnh được ngay. Chàng lặng lẽ đến chỗ Chi ngồi, cố lấy giọng tự nhiên hỏi:
- Thưa cô ngồi chơi!
Chi mỉm cười sẽ nhắc:
- Ngồi thêu chứ ạ!
Rồi, không để cho Lương nói khơi mào nàng thong thả đáp:
- Thưa ông, chắc hôm nay ông sang bên này là định hỏi tôi về
bức thư hôm nọ. Nếu thế, tôi xin vui lòng trả lời ông.
Câu nói đột ngột, sống sượng bỗng làm cho Lương phải bồi hồi.
Chàng thực không ngờ rằng Chi lại tự nhiên như thế.
Mà giọng nói khô khan, lưu loát của Chi đủ tỏ là nàng đã rắp
tâm làm cho Lương phải đày đọa để trả thù xưa. Nhưng khách ái tình nào biết được
lòng nham hiểm của bạn nữ lưu. Chàng thấy Chi nói trúng ý thì cảm động, im thin
thít.
Chi lại hỏi:
- Thưa ông, có phải như thế không ạ?
Lương gượng cười:
- Vâng quả thế! Cô thực là người cao đoán.
Rồi chàng bẽn lẽn tiếp:
- Lòng anh, em đã rõ, còn em, em nghĩ sao?
Chi dừng kim thêu, thỏ thẻ đáp:
- Thưa ông, em thực khó nghĩ qua. Hẳn ông cũng đã biết là em
bị người ta lừa dối một cách đáng thương. ấy cũng vì thế mà en sinh bụng nghi
ngờ...
Thưa ông, như vậy em không thể nào tin lời ông được: khẩu
thuyết vô bằng!
Lương sẽ cất tiếng dịu dàng:
- Thì cô thử thí nghiệm xem sao.
- Vâng, tôi cũng định... (Chi ngước mặt nhìn Lương, miệng tủm
tỉm cười). Nhưng thử lòng nhau có nhiều cách, biết ông có ưng để em thí nghiệm
như ý em không?
Lương đã hết thẹn nên quả quyết đáp:
- Anh rất vui lòng, mà dù em có thử bằng cách nào anh cũng
thuận.
Chi cười:
- Vâng nếu thế thì... Xin lỗi ông, người ta đối với nhau mà lấy
tình chân thật thì bao giờ vẫn hơn. Em nghi ngờ cho lòng tốt của ông thực cũng
là sự bất đắc dĩ, xin ông lượng thứ cho. Người ta bao giờ cũng chỉ nhẹ dạ một lần
thôi.
Nếu quả ông thực lòng, thì trước hết phải hứa với em. Điều thứ
nhất: Sau ba năm thí nghiệm, nếu em hết nghi ngờ em sẽ vui lòng!... Điều thứ
hai: Ông phải đem cả gia tài ra bảo đảm cho lời hứa đó!...
Nói đến đây Chi bỗng im bặt, vì nàng nhận thấy lời mình vừa
thốt ra có vẻ tuồng. Nàng tưởng Lương sẽ cho mình là dở hơi, lố lỉnh, nhưng
không, trái lại, chàng vẫn vui vẻ như thường.
- Có thế thôi, em? Nếu vậy, anh xin đem danh dự ra hứa với em
như thế... dù phải xông pha vào chỗ hiểm nghèo để được lòng em, anh cũng chẳng
ngại chút nào.
Nghe lời thiết tha, Chi mỉm cười chế riễu. Nàng cố lấy giọng
âu yếm:
- Cám ơn ông, nếu được như vậy thì ông thực đáng cho em kính
phục. Em sẽ vui lòng về ở...
Lương cảm động se sẽ nói:
- Thế bao giờ em sang?
Chi đứng dậy ngẫm nghĩ một lúc:
- Sáng mai, cũng giờ này anh mang xe hơi sang đón em. Bây giờ
em còn phải làm xong bức thêu dở này và thu xếp công việc.
Đêm hôm ấy, khi mọi người đã ngủ yên, nàng rón rén trỗi dậy,
đến bàn học của Tuấn viết vội cho chàng mấy lời từ biệt:
Thưa anh,
"Nhờ anh giúp đỡ cho trong mấy tháng giời, em đội ơn anh
nhiều lắm. Em thực phục lòng anh cư xử.
"Nhưng nay em tự nghĩ nếu đời em cứ như thế này mãi thì
vô nghĩa quá. Lẽ tất nhiên là em phải tìm lấy con đường có nghĩa hơn để mà đi,
"Em xin nói ngay rằng em đã bằng lòng về làm bạn với anh
Lương, vì anh ấy quả thực là người quân tử.
"Như vậy có lẽ anh đã khinh em rồi. Nhưng anh ơi, anh
khinh em cũng xin chịu, nếu anh rộng lòng tha thứ cho em, em rất cảm ơn."
Em anh
CHI
Viết xong mấy câu đó. Chi thở dài tự nhủ: "Chẳng biết
anh có thấu cho nỗi khổ lòng của em không? Hay anh lại tin lời em là thật?"
Sáng hôm sau, Yến vừa đi chợ khỏi thì Lương đã vào đón tình
nhân. Thấy nàng như có ý chờ đợi, chàng mỉm cười bẽn lẽn. Nhưng không do dự,
Chi gọi thằng nhỏ lên coi nhà rồi tức khắc đi ngay. Lương tuy ngượng vì sự sỗ
sàng ấy nhưng cũng lặng lẽ theo sau như một cái máy.
Mấy bác thợ thêu đứng nói chuyện với nhau trong sân đình thấy
hai người đi qua thì chỉ trỏ, bàn tán, khiến Lương xấu hổ mặt đỏ bừng mà Chi vẫn
điềm nhiên đi bên cạnh chàng như đối với người chồng chính thức.
Từ ngày vào ở trong làng Niềm đến nay, nàng ít ra khỏi ngõ
nên họ giương mắt nhìn "vợ theo ông giáo". Lại thấy đi với người bạn
vẫn năng qua lại nhà Tuấn, họ thì thào:
- ấy chết! Họ dắt nhau đi đâu thế này! Kìa họ cùng ngồi ở đằng
sau ô tô mày ạ!
Rồi họ vỗ tay cười vang.
Nhưng tiếng xe mở máy rầm rầm át hẳn tiếng cười chế riễu.
Một lúc sau, Chi đã đi xa "túp lều tranh", nơi nàng
trú ẩn bấy nay, nàng đưa mắt nhìn Lương thấy chàng có dáng buồn bã thì mỉm cười
sẽ hỏi:
- Anh sao thế?
Lương thở dài:
- Phiền quá em ạ, anh chưa kịp nói gì với anh Tuấn.
- Em đã nói với anh ấy rồi.
- Thực không? Em chỉ được cái hay chế riễu.
- Lại chẳng thực! Ai đời, mình bỏ nhà người ta để đi chỗ khác
lại không có thư từ biệt bao giờ; anh cứ yên tâm.
Nghe Chi nói, Lương mới hết lo. Nhưng từ đó hai người ngồi lặng
thinh bên cạnh nhau, trong lòng vẩn vương những nỗi lo buồn.
Một lúc sau chiếc xe hòm lịch sự của Lương đã đỗ ở trước nhà
lầu. Chi giật mình nhớn nhác:
- Nhà anh đây à?
Bây giờ Lương mới thấy trong lòng vững chãi. Chàng vội vã bước
xuống xe rồi tười cười đưa tay cho người bạn gái. Không e lệ, nàng cầm tay
Lương nhảy xuống xe một cách nhẹ nhàng. Vừa đi vừa ngắm tòa nhà đồ sộ, cây cối
hoa cỏ tốt tươi, Chi tự lấy làm vui thích vì tưởng mình sẽ được phá phách hả
lòng. Tươi cười nàng hỏi:
- Anh giầu lắm nhỉ? Người nào tốt phúc mới được làm vợ anh.
Lương cảm động nhìn nàng, âu yếm đáp:
- Đã đành rằng thế nhưng đem cả gia tài, tính mệnh ra đổi lấy
em, anh cũng còn e không đủ...
Câu nói thiết tha chẳng làm cho Chi mảy may cảm động. Nàng cảm
thấy một sự nịnh hót đáng khinh. Nhưng nàng cũng vờ hớn hở, cùng Lương dạo
quanh nhà. Gặp vật gì đẹp nàng cũng lau chau hỏi, khiến Lương thích chí luôn
luôn mỉm cười. Khi vào buồng khách, thấy hai chiếc ảnh lớn treo trên tường. Chi
đoán là thầy me Lương nên dịu dàng hỏi:
- Thầy me đấy à?
Cảm động, Lương đáp:
- Vâng, thầy me đấy.
- Các cụ bây giờ ở đâu?
- Mất rồi.
Biết vậy Chi lại mừng thầm: hẳn không ai ngăn trở công việc của
mình nữa.
Suốt ngày hôm ấy Lương không lên bệnh viện chỉ ở nhà soắn
suýt bên nàng. Tối đến. Lương lại dắt nàng lên thăm bệnh viện rồi vào hiệu vải
mua mấy thức hàng tơ lụa và phấn sáp, nước hoa. Muốn Lương phải tiêu một số tiền
lớn nàng chọn những thứ thượng hạng.
Về nhà, Chi mới đem những đồ trang sức ra đeo và thoa phấn.
Xong nàng quay lại nhìn Lương nũng nịu:
- Em có đẹp không anh?
Thì Lương thở dài như mê man:
- Em đẹp lắm!
Chi lại tươi cười:
- à ra em đẹp lắm kia đấy! Nhưng anh có thật lòng đối với lời
hứa hôm qua không?
Lương không bối rối chút nào, bình tĩnh đáp:
- Anh đã bảo: em muốn thế nào anh cũng xin ưng theo, em còn
phải hỏi gì nữa!
- Anh thực là người quân tử. Bây giờ em ra cái chương trình
như thế này: ban ngày anh được tự do ở bên em, nhưng tối đến anh phải nghỉ ở bệnh
viện, anh bằng lòng vậy nhé!
- Xin vâng.
Nói đoạn, Lương gọi hai tên đầy tớ lên trình diện và căn dặn
chúng phải hầu hạ nàng cho tử tế. Xong chàng từ biệt Chi.
Lặng lẽ lên buồng ngủ, Chi bỗng cảm thấy hết nỗi hiu quạnh
canh trường. Trong tâm trí nàng phảng phất bao sự lo ngại, hồ nghi không đầu mối...
VI
Nàng nào phải là người đã trải việc đời mà biết nghĩ đến sự
khó khăn của một việc dự định mà biết đắn đo, nghĩ chín rồi mới thực hành.
Người còn trong tuổi mơ mộng đối với việc đời bao giờ cũng vậy,
họ chỉ nghĩ đến cái kết quả hay của việc sắp làm.
Song cũng vì tiêm nhiễm những sự hành động "nên
thơ" của nhân vật trong tiểu thuyết nên nàng mới sinh ra nghĩ quẩn, thấy một
người thiếu phụ trẻ trung đóng vai tình nhân giả dối để đầy đọa kẻ thù, sự báo
oán thực là khéo léo gớm ghê, nàng cũng muốn theo gương đó để trả thù xưa!
Nhưng đến lúc lâm trong cảnh ấy, nàng mới biết là nguy hiểm. Chỉ được hôm đầu,
bỗng nhiên nàng sinh ra lo sợ, vẩn vơ và chán nản. Nàng biết đâu là người thẳng
thắn như nàng mà có ý làm những việc éo le, trái với lương tâm thì không bao giờ
thành được, rồi nàng luôn luôn tự hỏi: Lương làm gì nên tội?
Nàng đã nhận thấy sự vô lý của nàng, nhưng cố tìm lời chống
chế để che đậy "nhược điểm" của mình: "Dẫu sao đàn ông cũng là
giống bạc tình". Tuy Lương không làm cho ta khổ sở nhưng biết đâu chàng lại
không lừa dối một người khác!
Vì không biết xử trí ra sao nên Chi sinh ra bối rối lo ngại.
Lắm lúc nàng đối với Lương rất nhã nhặn, nhưng lắm lúc lại tàn tệ đến điều.
Một hôm, đang khi buồn bực, nàng lững thững đi chơi phố. Đến
một ngã ba nọ thấy một đám đông người đứng xúm xít trên bờ hè, nàng tò mò ngó
vào xem, thấy một người đàn ông mặt hốc hác, quần áo tả tơi, ngồi bệt xuống hè.
Ngước mắt lên nhìn người thiếu phụ, anh ta nhớn nhác một lúc, rồi bỗng nhiên cất
tiếng cười khanh khách.
Ngay lúc ấy một người cảnh sát đến đuổi những người đứng xem
và bắt thằng điên đi chỗ khác.
Một bà lão đi gần Chi nhân dịp ấy kể cho nàng nghe cái lai lịch
mập mờ của hắn:
- Anh ta trước là một phú ông ở tỉnh nọ, gia tài có đến vài vạn,
chỉ vì mê một con ả đầu rồi bị nó lừa hết cả cơ nghiệp nên mới tiếc mà hóa rồ.
Nghĩ thực đáng thương!
Chi hỏi:
- Sao người ta không bắt nó vào nhà điên?
Bà lão đáp:
- ấy tuy ngày nào cũng đi lang thang khắp phố, nhưng anh ta
nói rất khôn, cho nên đã bị bắt mấy lần lại được thả ra.
Rồi bà kết luận giọng nói có vẻ thương đời:
- ở đời sao lại có lắm người độc ác thế nhỉ! Thực là loài rắn
độc hại người.
Câu nói xót xa của bà cụ bỗng làm cho Chi tỉnh ngộ. Nàng vừa
lững thững về nhà vừa tự nhủ: "Phải, ta cũng là một thứ rắn độc hại người!"
Hôm ấy Lương ở bệnh viện về, thấy nàng ngồi thừ người nghĩ ngợi
thì đến gần âu yếm hỏi:
- Em sao thế? Độ này em xanh lắm. Chắc em có điều gì dấu anh?
Chi lặng thinh không đáp nghĩ thầm: "Trời! Sao ta không
gặp những thằng bạc ác! Lương đối với ta tử tế như vậy; ta biết xử trí làm sao
bây giờ."
Rồi thấy Lương rầu rầu nét mặt, nàng động lòng thương hại, muốn
đứng lên mà cầm tay xin lỗi. Nhưng chợt nghĩ đến nông nỗi đắng cay, nàng lại đổi
tình thương ra lòng oán ghét. Vì đâu mà thân nàng lại phải điêu đứng nhường
này? Phải chăng là bởi Lương luyến ái nàng. Mà ai lại, đường đường một ông bác
sĩ mà lại để cho người đàn bà sai khiến như một tên nô lệ như thế. Hơn nữa,
thân nàng nào có trong sạch gì cho cam; cái kết quả của tấm ái tình ô uế, nàng
còn mang trong bụng, hàng ngày Lương vẫn trông thấy mà sao lại không khinh bỉ
chán chường?
Chi đã mang lụy vì tình, nhưng nàng nào có thể hiểu được những
nguyên nhân khe khắt của tình yêu cao thượng. Lương yêu nàng mà nàng lại không
yêu Lương. Mà lòng thù hằn vô lý cũng dần dần phai nhạt khiến nàng lúc nào cũng
băn khoăn khắc khoải.
Nàng đã bắt đầu hối hận...
Chi luôn luôn tự mắng là lố lăng ngu dại, bỗng dưng đem thân
vào hang hổ để ngày nay phải khổ sở một đời. Chi lại nhớ tiếc những ngày êm đẹp
ở "túp lều tranh".
Đã lâu nay Lương không nhắc đến Tuấn, vì hễ nghĩ đến sự đường
đột lúc dắt nhau đi chàng lại hổ thẹn. Nhưng hôm nay thấy Chi có vẻ suy nghĩ,
chàng mới sực nhớ ra nên sẽ hỏi:
- Sao ở bên Bắc Ninh lúc nào em cũng vui vẻ mà ở bên này em lại
cứ buồn hoài như vậy, hả em?
Câu nói âu yếm, lơ lớ giọng Sài Gòn làm cho Chi thêm chán
ghét vì nàng bỗng đem so sánh Lương với Tuấn; một người thì mềm nhũn, u mê trước
sắc đẹp, một người thì gân guốc như đá, hình như cái miệng khô khan của Tuấn chẳng
tình tứ với gái bao giờ. Rồi quay lại nhìn Lương thấy chàng thờ thẫn, Chi so
vai tỏ ý khinh bỉ và muốn xử tàn tệ cho bõ lòng căm tức. Khốn thay, vừa nghĩ đến
cái dáng điệu lúng túng, đến vẻ mặt ảo não thảm thê của chàng, mỗi khi mình gắt
gỏng, nàng lại động lòng thương.
- Có phải là vì anh mà em buồn không em? Sao em lại dấu anh,
anh khổ tâm lắm.
Câu hỏi tha thiết bỗng làm cho Chi cảm động. Nàng không thể
giữ được vẻ lạnh lùng:
- Em có buồn gì đâu! Có lẽ tại em ngồi không, chẳng có việc
gì làm nên hay nghĩ vơ nghĩ vẩn, chứ như ở Bắc Ninh suốt ngày cậm cụi với kim
chỉ thì còn lúc nào buồn được nữa.
Nhắc đến việc thêu thùa, nàng vụt có ý muốn sang thăm bạn nên
vội nhắc Lương:
- Anh không lên bệnh viện à?
Lương thở dài:
- Có, anh phải lên ngay bây giờ.
Rồi chàng se sẽ cầm lấy tay Chi âu yếm:
- Anh thấy lúc nào em cũng buồn! Nếu em muốn khuây thì chi bằng
em lại mua vải, chỉ về thêu để trang điểm cửa nhà thì có phải là lợi cả đôi đường
không?
Chi tươi cười:
- Vâng, nhưng bây giờ anh hãy lên bệnh viện đi đã. Em bứt rứt
quá, chỉ muốn ngồi một mình. à, anh có thể cho em mượn xe hơi để sang Bắc được
không?
Lương âu yếm đáp:
- Gớm! Lại còn vay với mượn. Của anh cũng như của em chứ sao!
Em còn phải hỏi cho phiền.
Nói xong, chàng cười nụ lặng lẽ đi xuống nhà. Chi cũng vội
vàng mặc quần áo và trang điểm qua loa để sang Bắc Ninh. Nàng định gặp Tuấn để
thú tội và mong chàng cứu giúp cho. Nhưng sang tới nơi, nàng lại do dự không muốn
giáp mặt ân nhân. Chi bắt xe đỗ ở tận ngoài đường cái lớn rồi đi bộ vào trong
làng, theo quãng đường xa hơn để tránh con mắt tò mò của bọn thợ thêu sống sượng.
Đứng sau hàng dậu tre, nàng hồi hộp nhìn vào trong vườn.
Không một bóng ai. Trước sân những cành đào nâu sẫm đã rụng hết lá. Trên cây đu
đủ có một quả chín vàng. Cây nhãn ở đầu hồi cũng chi chít những quả non.
Chi trông qua một lượt rồi tự nhủ: "Giá ta còn ở đây thì
bây giờ ta đã sắp được ăn đu đủ, ăn nhãn lồng. Sung sướng biết bao nhiêu!"
Từ ngày Chi đột ngột bỏ ra đi đến nay, "túp lều
tranh" lại lặng lẽ hơn ngày nàng chưa đến. Vì tuy người không ở đó. Nhưng
hình ảnh nàng còn in dấu trong cảnh nên thơ để người ở lại phải nhớ nhung vơ vẩn.
Mà anh em Tuấn cũng không quan tâm tới sự sỗ sàng của Chi. Cái tính tình lạ
lùng của nàng chỉ làm cho hai anh em động lòng thương cảm chứ không khinh ghét.
Nhưng Chi lại không nghĩ thế. Nàng tưởng tượng như khi đọc mấy
lời từ biệt của mình, Tuấn thế nào cũng cười nhạt hay bình phẩm lôi thôi. Như vậy
nàng không còn hy vọng gì trở lại với cuộc đời "lãng mạn" như xưa được
nữa.
Mặt trời đã xế... Trên ngọn bưởi đào chỉ còn chút ánh sáng
vàng nhạt - trước kia, lúc này chi Chi thường cùng Yến đi lảng vảng ở ngoài sân
để chờ Tuấn ở trường về nên cảnh vườn có vẻ xao xác. Nay chỉ vì nàng vắng bóng
nên mới lạnh ngắt tiêu điều.
Đang mơ màng với mẩu đời ký vãng, Chi bỗng thoáng trông thấy
Tuấn xách chiếc ghế mây ở trong nhà đi ra gốc nhãn. Thì, như đứa ăn trộm bị chủ
nhà bắt gặp, nàng vùng chạy trốn.
- Cô Chi!
Tuấn đã trông thấy nên cất tiếng gọi. Nhưng Chi cứ cắm cổ bước
mau không dám ngoảnh lại. Ra đến đường cái lớn nàng hấp tấp trèo lên xe giục:
- Về mau!
Xe chạy đến Lũng Giang, Chi mới như tỉnh mộng. Nàng đưa mắt
nhìn ra ngoài. Một đoàn gái quê đi bên vệ đường làm cho nàng phải chú ý. Các
cô, vai đeo tay nải trắng, lưng thắt bao xanh, bao đỏ, gió đưa phấp phới như
cánh bướm tươi mầu, vừa đi vừa cười nói huyên thiên, chẳng như Chi lúc nào cũng
ủ dột lo phiền...
VII
Trong lúc lo phiền, nàng lại nghĩ đến em Quý thân yêu, nên
sáng hôm sau, Chi xin phép Lương về Hưng Yên thăm cậu. Lúc sắp đi, Lương nói một
câu làm cho nàng bâng khuâng nghĩ ngợi:
- Nếu em xem có thể được thì đem nó lên trên này mà chị em hú
hí với nhau cho vui. Em nên nhớ rằng lúc nào anh cũng sẵn lòng coi em nó như em
ruột anh mà đứa con của em sau này anh cũng sẽ coi như con đẻ.
Vì thế cho nên từ lúc xe hơi quay bánh đến lúc xe đỗ ở trường
học, nàng luôn luôn nhắc lại lời Lương nói. Nhưng khi bước chân xuống xe, nàng
mới chợt hiểu là một sự viển vông nên lắc đầu lẩm bẩm nói: "Không! không
thể được... ta nào có thể làm bạn trăm năm với chàng!"
Trời mới về chiều nhưng mây đen u ám, rặng cây me trơ cành trụi
lá đứng chơ chơ như đã chết khô. Trên đường vắng, một cái xe bò đi chậm chạp;
bánh xe lắc kêu lạch cạch vang đường.
Cảnh chiều đông tiêu điều buồn bã lại gieo vào lòng Chi biết
bao cảm giác buồn rầu. Nàng nhớ đến những lúc cùng ai tình tự, đến những giây
phút say sưa, khi gối tựa vai kề, đến cảnh em bị hành hạ, không ai che chở.
Nàng cảm thương thân phận, rưng rưng nước mắt.
Bỗng tiếng chiêng đổ hồi. Nàng giật mình tỉnh mộng. Chi cúi
xuống ngó cái bụng đã to vượt mặt, nàng tự lấy làm thẹn nên vội vã bước lên xe
để tránh con mắt tò mò của các cậu học sinh.
Khi đã trông thấy cậu Quý đi trong đám trò nhỏ, nàng cất tiếng
gọi em đến hai, ba lần mà cậu không nghe tiếng. Sau, thấy chiếc ô tô bóng
loáng, cậu bỗng động tính tò mò đứng lại xem. Nhân cơ hội, Chi ngó đầu ra ngoài
cửa cất tiếng gọi:
- Em Quý ơi, lại đây chị bảo!
Cậu Quý nhìn chị trong giây lát rồi bỗng reo lên:
- ồ kìa, chị!
Chi mở cửa xe ra bảo:
- Em lên trên này đi xe với chị!
Không để bảo đến hai lần, cậu Quý vội vàng nhảy tót lên xe,
nét mặt hớn hở. Chi ôm em vào lòng và cúi xuống hôn trên trán rồi mới bảo tài xế
lái xe đi.
Lần này là lần đầu mà cậu Quý được đi xe hơi nên cậu có vẻ
khoái trí lắm. Cậu lần lượt nhìn những đệm da bóng lộn và những bộ phận máy móc
ở đằng trên; nét mặt lộ vẻ vui tươi vô hạn.
Một lúc sau, như đã thỏa được tính tò mò, cậu buông một tiếng
thở dài sung sướng rồi thỏ thẻ bảo chị:
- Thích quá nhỉ!
Rồi cậu nhìn ra ngoài mà reo lên:
- Ô vườn hoa, sắp đến nhà rồi chị ạ.
Chi đang mê mải ngắm sự sung sướng của em, nghe nói bỗng giật
mình lo sợ. Nàng như người vừa vượt ngục mà thấy kẻ khác nói đến nhà tù, vì, phải
chăng xưa kia chốn gia đình vẫn là nơi nàng bị giam hãm. Nàng cất tiếng bảo sốp
phơ:
- Bác Năm! Cho xe chạy mau lên. Đi thẳng ra đường lên Hà Nội.
Cậu Quý reo lên:
- Phải đấy, cho xe chạy nhanh mới thích.
Rồi cậu nép mình vào ngực chị mà thỏ thẻ:
- Chị này! Chị lên Hà Nội chứ? Cho em đi với nhé?
Chi thong thả đáp:
- Em không sợ thày đánh cho à?
- Sợ gì! Em chả cần. Được đi chơi với chị sung sướng thế này
thì có chết cũng cam tâm.
Câu nói ngây thơ của em làm cho Chi cảm động rơm rớm nước mắt.
Nàng chợt nghĩ đến những kẻ cô thân, chỉ ao ước được một ngày mai tốt đẹp mà
không bao giờ được hưởng. Nàng cảm thấy như một người mà trời đã ban cho cái chức
vụ thiêng liêng làm chị. Chi thực cũng không ngờ rằng Quý lại nói được một câu
người lớn như thế; mấy tiếng "em cũng cam tâm" nàng nghe có vẻ đạo mạo
vô cùng. Tình yêu em lai láng, nàng ôm chặt lấy em se sẽ nhủ thầm:
- Chị thương em quá!
Quý cũng vuốt ve áo chị tươi cười:
- Em sung sướng quá chị ạ.
Lúc ấy, một cái xe hơi ở Hà Nội chạy về, bóp còi inh ỏi. Cậu
Quý đang như say sưa với lòng yêu của chị, bỗng giật mình nhổm lên và ló đầu ra
ngoài cửa. Khi cái xe đã đi khỏi, cậu mới ngồi xuống chỗ cũ mà tủm tỉm cười một
cách đáng yêu:
- Ô tô tây chị ạ. Số T.3246. Gớm ở trong xe có một bà đầm to
quá!
Rồi cậu ưỡn ngực ra để hưởng cái thú rập rình trên đệm.
Muốn được tự do hỏi chuyện em, Chi bảo tài xế hãm xe lại rồi
cùng em xuống đường. Nhưng vừa bước chân xuống cửa xe, Quý đã kêu lên:
- Gió rét lắm chị ạ.
Thấy em run bần bật trước gió lạnh, Chi cúi xuống trông quần
áo em mặc, bất giác thở dài:
- áo len của em đâu? Sao không lấy mà mặc.
- Em làm gì có nữa. Dì lấy cho con dì mặc rồi.
- Sao em không đòi?
- Đòi làm gì, chị? Lại sinh lôi thôi ra. Thày...
Quý không nói hết câu nhưng Chi cũng chợt hiểu. Thì ra đối với
sự độc ác của người vợ kế, ông đã chẳng bất bình lại còn dung túng nữa.
- Chị ơi! Lên ô tô đi, đứng dưới này rét lắm.
- ừ, em lên trước đi.
Theo sau em, Chi thẫn thờ nghĩ đến cảnh đời mình khe khắt.
- Từ ngày chị đi, ở nhà em thế nào? Thầy có hỏi gì chị không?
- Vẫn như thường, chỉ khác một tí là thầy hay mắng mà dì cũng
ác hơn. Còn đối với chị thì thày coi như đã chết. Thày bảo: nó đã hư, đi theo
trai thì tiếc nó làm gì!
Thấy nét mặt em thản nhiên khi nói câu đó, nàng hơi lấy làm lạ,
tưởng em như một người có tính khôi hài, hay khinh bỉ những sự nhỏ nhen từ thuở
nhỏ. Nàng có biết đâu là Quý đã quen thân với khổ não, và nhân lúc vui mừng được
gặp chị nên Quý mới giữ được vẻ thản nhiên như thế.
Cậu dịu dàng hỏi chị:
- Thế từ ngày ấy đến nay chị đi đâu? Để em ở nhà một mình
chán quá.
Chi vuốt ve tóc em và lặng lẽ nhìn mặt cậu, cái nhìn ngụ biết
bao tình âu yếm. Thì ra, Quý chung sống với những người thân yêu mà vẫn như trơ
trọi một thân trên đời.
Quý thấy chị không đáp, hỏi lại:
- Chị đi đâu thế chị?
Chi lúng túng trả lời:
- Chị đi làm ở Hà Nội, em cố học đi, bao giờ đỗ bằng sơ học,
thầy cho em ra Hà Nội học ban thành chung. Lúc ấy chị em ta lại được xum họp một
nhà.
Rồi không muốn cho em hỏi vặn nữa, nàng hỏi lảng:
- Em năm nay mười mấy rồi nhỉ?
- Mười hai. Nhưng này chị ạ, chị bảo em sẽ được xum họp một
nhà với chị..., thế ngay bây giờ có được không?.., em ở nhà khổ lắm.
Chi rơm rớm nước mắt, đáp:
- Không thể được, vì nếu chị mang em đi trốn thì thầy sẽ
trình cẩm bắt em về.
Nói xong, hai chị em nhìn nhau có dáng buồn bã.
Trời đã sẩm tổi. Sương mù đã lan ra khắp cánh đồng. Khí lạnh
cũng tăng hơn trước. Chi chợt nhớ đến sự hành hạ của cha nên vội bảo tài xế
quay xe đưa em về nhà. Đến đầu phố Hữu Môn, nàng hôn em rồi bảo em xuống và âu
yếm dặn:
- Em về nhé; mà đừng nói với ai biết là chị về chơi với em
nhé!
Đoạn nàng bỏ vào túi em một nắm hào con rồi tiếp:
- Đây chị cho em mấy hào ăn quà. Em phải vui đi nhé, em đừng
nói là chị về chơi thì chủ nhật sau chị lại về.
Quý thổn thức nói:
- Xa chị, em lấy ai là...
Phải! xa chị Chi yêu quý, cậu lấy ai là người che chở cho cậu.
VIII
Một buổi chiều tháng giêng u ám... Đứng tỳ tay vào bạo cửa,
Chi trông đăm đăm ra ngoài đường, cặp mắt buồn rầu, mơ mộng.
Cũng như xuân năm ngoái, xuân này nàng cũng ủ rũ buồn rầu...
Một năm qua!... Cuộc đời vô định vẫn hoàn vô định.
Cảnh sao cũng tiêu điều. Mây sầu u ám, mưa bụi bay nghiêng
làm cho lòng người đau khổ càng vẩn vương những nỗi buồn tê tái.
Ngoài đường, một người đàn bà còn trẻ, tay phải cầm ô, tay
trái dắt con, thong thả đi như không để ý đến mưa. Thằng bé, tuy con đường trơn
mà cũng nhảy nhót vui cười.
Ngắm người thiếu phụ, Chi cặp mắt long lanh ngấn lệ: nàng chợt
nhớ đến em Quý thân yêu.., đến cậu em kháu khỉnh mà đã lâu, lâu lắm, nàng thường
dắt đi rong chơi trong các phố.
Những khi đêm khuya, canh vắng, nằm trên chiếc giường tây êm ấm,
nàng lại nhớ đến chiếc phản mọt cứng nhắc mà trên đó hai chị em thường ôm nhau
mà ngủ... Nàng nhớ em... Nhớ từ dáng đi cho đến những cử chỉ thơ ngây và cảm động.
Câu em nói, tiếng em cười như còn rủ rỉ bên tai.
Nàng lại nghĩ đến Lương... Trên cặp môi tươi thắm, bỗng nở một
nụ cười khô héo, khô héo như trái tim nàng.
Là vì từ bấy nhẫn nay, Lương vẫn kính trọng nàng như một người
tiên nữ, vẫn yêu nàng như một đóa hoa tươi mà than ôi! Nàng nào có thể đáp lại
lòng quân tử: trông con người như Lương thực không có vẻ gì là đáng yêu: cái
mũi gồ, cặp môi dày và bộ lông mày rậm của chàng đều là những vật thù địch đối
với con mắt ưa "mỹ thuật" của bạn má hồng.
Nghĩ đến Lương, trong óc Chi quay cuồng biết bao ý tưởng:
thương cảm, nhớ nhung, hối hận...
Tiếng con khóc bỗng làm cho Chi tỉnh giấc mơ màng. Chạnh nghĩ
đến sự đau đớn gớm ghê trong khi sinh nở, nàng lại nhớ đến ơn cứu mệnh của
Lương.
Trong mấy tháng nay lúc nào Lương cũng săn sóc đến mẹ con
nàng như đối với vợ hiền con thảo. Xem ra chàng đã không ghét thằng Ân mà lại
có phần yêu mến như con mình. Nhưng lòng đại lượng của Lương càng rõ rệt bao
nhiêu thì nàng lại đau đớn bấy nhiêu... Nàng biết lấy gì báo đáp?
Tiếng Ân khóc càng to... Chi thở dài quay gót đi vào buồng ngủ
rồi bế nó ra. Tuy miệng "ợi ơi ơi" nhưng tâm trí nàng thì để cả vào kẻ
bạc tình.
Nghĩ đến người xưa, nàng hơi có ý ghét đứa con nó đã làm cho
mình khổ sở, nhưng nào có thể được... Lòng ích kỷ tự nhiên khi xô xát với tình
mẫu tử chỉ như hòn sỏi ném xuống ao, cái sóng giận dữ chỉ thoáng một cái lại
tan ngay... Bế con vào lòng, nàng vẫn cảm thấy một sự khoan khoái nhẹ nhàng.
Có tiếng giầy lên thang gác. Quay lại thấy Lương đi lên, Chi
bẽn lẽn vờ rỡn với con cho đỡ ngượng. Lương cũng đứng thẳng người trên cầu
thang mà nhìn nàng, cười nụ:
- Trông em có vẻ một bà mẹ lắm.
Nói xong, chàng đến gần cúi xuống rỡn với thằng bé trên tay
người yêu, nhưng vì không quen nên chỉ lắp đi lắp lại mãi câu:
- Ê bé con! Ê bé con!
Rồi ngượng nghịu chàng nói lảng:
- Trông em bé kháu quá, ở nhà có trẻ con thực cũng vui, em nhỉ!
Chi e lệ:
- Cái giống bạc như vôi này thì đến nhớn lại cũng chỉ giỏi
nghề đi lừa gái chứ làm gì!
Bao giờ cũng vậy, hễ Lương động khen thằng bé là Chi lại thốt
ra những lời chua xót. Chàng ái ngại thương Chi quá, tình yêu vì thế càng thêm
sâu nặng. Chàng chưa kịp an ủi, Chi đã buồn rầu tiếp:
- Nó thực là một vết nhơ trong đời em, trông thấy nó em chỉ
thêm đau lòng. Sau này nó lại chỉ là tuồng vô ích cho xã hội mà thôi.
Chi cũng chợt nhớ đến những đứa con đẻ hoang và sự di truyền
của cha mẹ nên thở dài:
- Thực đáng thương cho em quá. Nhưng sau này dù có thế nào
thì đã có bố vờ nó đây chịu trách nhiệm chứ em làm gì phải lo.
Rồi chàng tươi cười nói bông lơn:
- Ê Ân! Ngày sau lớn lên mày đừng bạc với cậu nhé vì cậu đã
là cha em đối với mọi người (đến đấy chàng đứng thẳng lên nhìn Chi). Anh chắc
thế nào sau nó cũng giống em!
Chi bẽn lẽn hỏi:
- Giống thế nào?
Lương cười nụ:
- Nghĩa là cũng gan, cũng bướng như em.
Cho là chàng gián tiếp trách mình, Chi buồn rầu bảo bạn:
- Không gan thì có lẽ bây giờ đã nằm dưới đất đen rồi. Em buồn
bực lắm nên đối với anh cũng dở dói đều không phải, xin anh tha thứ cho.
Lương mỉm cười, nện giầy xuống sàn se sẽ đáp:
- Có gì đâu! Chi nên nhớ rằng Lương đối với Chi lúc nào cũng
như thường. ở đời phải thế mới sống được chứ!
Rồi nghiêm trang, chàng tiếp:
- Có lẽ tại em yếu trong mình nên sinh tư lự. Người em xanh
thế kia, em chẳng nên nghĩ nhiều. Sang hè này em nên đi nghỉ mát ở Đồ Sơn ít
lâu cho mạnh; hễ trong người khỏe thì khắc hết buồn.
Thì, như đã dự định một việc xa xôi, Chi vơ vẩn đáp:
- Có lẽ em không được cái hân hạnh đi Đồ Sơn với anh đâu!
Lương không hiểu, trách:
- Em cứ dùng những câu khách sáo, anh rất phiền.
Chi mỉm cười:
- Em nói thực đấy mà!
Không có bao giờ hai người nói chuyện với nhau một các thân mật
như vậy. Mà, thấy Chi dịu dàng hơn trước, Lương cũng mừng thầm: chàng tưởng như
Chi đã cảm động vì tấm lòng chung thủy. Say sưa, chàng đặt tay lên vai tình
nhân, âu yếm hỏi:
- Em, em đáng thương lắm!
Chi thở dài:
- Anh còn đáng thương hơn!
- Chính thế, hai chúng ta đều đáng thương cả... Em coi, tuy
em chưa bằng lòng lấy anh... Anh mong rằng một ngày kia...
- Ngày ấy xa lắm.
- Xa, điều đó anh không ngại, nhưng anh vẫn vui lòng chờ...
Anh mong rằng một ngày kia... Mà càng mong mỏi bao nhiêu thì cái ngày ấy càng
giá trị bấy nhiêu. Một tia hy vọng cũng đủ an ủi anh trong những lúc anh nghĩ đến
em rồi. Nghe lời nói thiết tha, Chi cảm động quay mặt trông ra ngoài cửa sổ để
che giọt lệ ngập ngừng trong mí mắt. Khốn nạn! Nàng muốn cho Lương phải chán nản
nên mới nói dối quanh thì chàng lại cam tâm chịu thiệt thòi? Ngờ đâu chàng lại
nặng lòng yêu đến thế!
Mà Chi quả thật cũng đã siêu lòng! Nhưng nàng không dám tin
vì hình như tâm linh lúc nào cũng bảo nàng: nếu cùng Lương thành chồng vợ thì sẽ
có sự chẳng lành.
Hai người yên lặng... Trong cái phút nặng nề ấy hai trái tim
cùng tê tái: đau đớn vì hối hận, tê tái vì tình.
Thốt nhiên Chi vui vẻ:
- Em hết buồn rồi! Từ nay em vui, vui mãi.
Chi đã quả quyết bỏ Lương mà đi nên muốn trả ơn chàng. Và biết
Lương chỉ muốn cho mình vui, nàng mới chiều lòng mà gượng cười, gượng nói.
Lương cũng thừa biết sự giả dối, nhưng nghĩ đến cái "lịch
sử" đau đớn của tình nhân, chàng lại động lòng thương không nỡ trách.
Là vì, bản tính đa cảm, chàng cứ bụng mình suy ra tính tình kẻ
khác: Nếu phải khổ sở như Chi, có lẽ chàng không sao chịu được. Có biết đâu,
tuy là thân gái mà Chi lại gân guốc hơn chàng!
Vậy, ái tình của Lương trở nên bền chặt phải chăng là nhờ ở sự
đau đớn của người chàng yêu, ái tình kèm theo lòng nhân đạo?
Lương cũng không hề nghĩ tới điều đó? Đứng lặng giờ lâu,
chàng thở ra sẽ nói:
- Đáng thương cho em! Anh yêu em quá!
Thấy bạn nói đến tiếng "yêu", thốt nhiên Chi rờn rợn...
Ngày phải bỏ chàng mà đi thực đã đến nơi rồi!
Gượng cười, nàng bảo bạn:
- Anh chưa lên bệnh viện à?
Nghe lời nhắc, Lương buồn rầu đứng dậy, vì đã lâu nay, hễ gặp
tình thế khó khăn nàng lại đuổi khéo mình đi để được ngồi một mình mà tư lự. Thủng
thỉnh xuống đến chân thang, chàng sực nhớ là quên mũ nên rón rén quay lên. Vừa
tới bực thang đầu, chàng bỗng sửng sốt vì thấy Chi gục đầu xuống giường treo của
con mà khóc sụt sùi... Động lòng, chàng lại trở xuống để đầu trần đi lên bệnh
viện.
Không biết cảm tưởng của chàng lúc bấy giờ ra sao? Mà giá Chi
trông thấy chàng bắt gặp mình khóc thì sẽ ngượng nghịu biết chừng nào!
Nhưng khóc một lúc lâu, nàng thấy trong lòng bớt đau bớt khổ.
Thằng Ân lại ngủ yên. Muốn được khuây khỏa nàng bỏ con nằm đó rồi rón rén xuống
nhà.
Từ hôm về ở với Lương đến nay, có lẽ lần này là lần đầu nàng
để ý đến cửa nhà: trước cửa ra vào có trồng hai cây thiên tuế mà hôm nay nàng mới
nhìn thấy rõ. Chi lại dạo quanh lầu thì những luồng hoa ngũ sắc, những mái cỏ
xanh non như mới hiện ra với màu tươi thắm.
Tần ngần nhìn mấy bông cúc vàng rực rỡ, Chi thở dài:
"Người ta ví người đàn bà đẹp với bông hoa thực cũng không ngoa. Bông cúc
kia nếu không có nhị thơm ngào ngạt thì bướm ong nào bén mảng tới? Mà giá ta là
đứa vô duyên, xấu xí thì đời nào Lương lại yêu ta như thế?"
Rồi nàng lại se sẽ nói một mình:
- Chỉ có một cách là trốn đi, đến ở một nơi xa lạ, họa chăng
mới được yên thân.
Bỗng tiếng ai thổn thức văng vẳng lọt vào tai người thiếu phụ.
Nàng ngửng lên thì thấy ở cửa bếp, con sen ngồi gục mặt xuống đầu gối mà khóc sụt
sùi. Ngạc nhiên, Chi rón rén đến gần sẽ hỏi:
- Sao chị khóc?
Con sen giật mình đứng dậy, đưa tay lên lau nước mắt rồi ấp
úng đáp, mặt vẫn cúi gầm:
- Da, thưa bà không?
- Kìa! Sao chị khóc? Tôi làm gì mà chị phải chối quanh?
Con sen nức nở:
- Hôm nay là ngày giỗ thày con... con xin phép ông cho con về
nhưng ông không cho phép.
Nói xong nó lại nấc lên mấy tiếng nghe thực thiểu não. Động
lòng, Chi hỏi:
- Chị muốn về phải không?
Con sen vừa lau nước mắt vừa kể lể:
- Chim có tổ, người có tông. Người ta đi xa, ai chả nhớ ngày
giỗ ông bà cha mẹ. Con không được về, con cực lắm.
- Nếu thế tôi cho phép chị về.
- Nhưng con còn phải thổi cơm.
- Thằng bồi nó đâu?
- Dạ, ông con đã cho phép anh ấy về quê hôm qua.
Chi ngẫm nghĩ một lúc rồi thở dài:
- Được, chị cứ về, sau ông có hỏi tôi nói giúp cho.
Nghe lời nói dịu dàng của bà chủ, con sen đang ủ rũ bỗng mừng
rú lên, luýnh quýnh đi xếp áo quần. Chi thấy tình cảnh đáng thương của con bé lại
càng động lòng trắc ẩn nên căn dặn:
- Chị cứ yên lòng mà về, không sợ gì cả! Tôi sẽ nói giúp cho.
- Vâng. Nhưng bà đã cho phép thì con chả sợ gì nữa vì ông dặn
con: "mợ bảo gì mày cũng phải nghe, dù trái ý tao cũng không được cưỡng."
Chi không ngờ Lương lại cẩn thận chu đáo đến thế, một sượng
sùng thoáng qua trong tâm hồn nàng tiếp theo một mối buồn ngây ngất. Nàng thẫn
thờ như nhớ nhung thương tiếc.
Lúc ấy con sen đã thu xếp áo quần xong, nó rón rén đi qua mặt
bà chủ, khép nép chào:
- Con xin phép bà con về à!
- Vâng, mai chị ra ngay nhé!
Chi dịu dàng đến nỗi giữ lễ phép với cả con sen mà không biết
là quá đáng. Khi nó đã ra đến ngoài đường, nàng gọi giật lại mà cho nó một đồng
bạc. Thấy cái dáng điệu hí hửng của một cô gái quê lúc đón tiền, nàng sung sướng
như đã làm một việc nghĩa.
- Giá ta cũng chất phác ngây thơ như nó.
Lòng ích kỷ tự nhiên len vào tâm trí nàng, cũng như những người
đa cảm trí thức, Chi coi người quê mùa là hạng người ngây thơ sung sướng; có biết
đâu rằng họ ít cái khổ về tinh thần thì phần xác phải chịu thay. Tạo hóa bao giờ
cũng công bình.
Nhưng chợt mơ tưởng đến cuộc đời tư do khoáng đạt mai sau,
Chi bỗng quên hết nỗi ưu phiền. ẻo lả nàng đi lẩn vào những luống cây, trong
lòng hồi hộp, linh hồn cũng trong sạch lâng lâng. Đến một cây ngọc lan cành lá
rườm rà, nàng kiễng chân lên ngắt lấy một bông trắng muốt mà gài lên mái tóc.
Cái hương thơm ngát của đóa ngọc lan bỗng như gieo vào tâm hồn nàng một cảm
giác say sưa, se sẽ nàng cất tiếng liên miên hát:
"Thân em như giải lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?"
Nàng nào có thể biết cái thân mình sẽ trao gửi cho ai được?
Còn đang thơ thẩn với câu hỏi khắt khe, Chi bỗng nghe tiếng con khóc nên vội
vàng chạy lên gác như để khỏi băn khoăn với những ý tưởng viển vông.
Lúc ấy Lương vẫn đứng ở ngoài đường, lặng ngắm người yêu.
Chàng mơ mộng cho Chi là một tiên nữ hái hoa, nàng tiên vận áo mầu lam đi trong
khóm cây xanh ngắt. Mà khi bóng nàng đã khuất, Lương cũng hớn hở bước vào gọi
con sen.
Chi thưa:
- Sen nó trên này anh ạ.
Nhưng lên đến cầu thang, Lương không thấy nó đâu, chàng chưa
kịp hỏi thì Chi đã vồn vã:
- Kìa anh! Anh về sớm thế?
Lương dịu dàng đáp:
- Năm giờ rồi mà em còn bảo sớm! Bây giờ anh có một ông bạn
giúp việc nên cũng được thư thả hơn.
- Thế à? Phải đấy, anh nên tĩnh dưỡng cho khỏe vì độ này anh
xanh lắm.
Lần này là lần thứ nhất Chi để ý đến sức khỏe của tình nhân.
Lần này là lần đầu nàng nghĩ đến công việc của chàng. Mà nghe lời nói dịu dàng,
âu yếm của nàng, Lương cũng thấy trong lòng khoan khoái.
Lương sung sướng quá nên nóng bừng hai má, muốn che sự sượng
sùng chàng hỏi lại:
- Con sen nó đâu?
- Em cho nó về quê rồi. Anh nhẫn tâm quá. Ai lại nhà nó có kỵ
mà không cho nó về!
Lương nhìn Chi, âu yếm:
- Nếu nó về thì ai hầu hạ em? Nhưng thôi, anh chỉ định bắt nó
ẵm thằng Ân để chúng mình đi ăn cơm trên hiệu đấy thôi. Mà nguy quá! Làm thế
nào mà đi ăn cơm được? Chả nhẽ lại mang cả thằng Ân đi?
Chi cười thân mật đáp:
- Thôi được, để em thay con sen thổi cơm ăn ở nhà cho. Anh tưởng
em không biết nấu nướng đấy hẳn! Đi tập sự con sen mãi đây!
Lương cười vang nói đùa:
- Lương dễ chịu kém Chi đấy hẳn: tay kiện tướng trong nghề bồi
bếp đây.
Rồi chàng lại bàn thêm:
- ừ phải đấy, chúng ta làm lấy mà ăn mới sướng...
IX
Từ trước đến nay, công việc bếp nước, Lương đều giao cả cho
người nhà, chẳng bao giờ để ý tới, mà Chi, tuy đến đã ở non nửa năm trời cũng
không lúc nào ngó đến bếp. Thế mà nay nàng lại làm việc nội trợ, lẽ nào nàng lại
không hồi hộp, hồi hộp như cậu học trò sắp đi thi. Còn Lương, tuy đứng bên người
bạn gái dịu dàng, trong lòng cũng chứa chan hạnh phúc, tưởng như Chi đã là vợ
chàng.
Lúc củi đã bùng bùng cháy. Lương đứng lùi lại mấy bước để ngắm
ngọn lửa mà chính tay chàng nhóm lên, trong lòng vui sướng như cậu bé chơi đèn
trung thu.
- Đấy em coi, anh cũng thạo lắm chứ! Nào, bây giờ ta đi lấy gạo.
Đứng tựa lưng vào chiếc bàn gần bếp lửa, Chi nghe nói, mỉm cười,
rồi nghe Lương lẩm bẩm: "không biết gạo chúng nó để ở đâu nữa", nàng
lại nói đùa:
- Chết thật! Việc gì cũng bỏ phóng sinh phóng địa cho người
nhà, nó moi mất mề cũng chẳng biết!
Lương tủm tỉm cười:
- Kệ, chả làm gì cái vặt ấy. Mới lại, em cũng tệ lắm kia, chẳng
đoái hoài gì đến việc nhà cửa. Chả nhẽ anh lại đóng vai ông nội trợ hay sao?
Một lúc sau, chàng bưng cả rá gạo ở buồng ra đến chỗ máy nước
để vo. Chi thương hại bảo:
- Thôi để đấy em làm cho!
Lương vui vẻ đáp:
- Được! Dân si cút thế này là thường!
Chi ngớ ngẩn hỏi:
- Si cút là thế nào?
- Là hướng đạo sinh. Em không thấy người hướng đạo sinh bao
giờ ư?
- Hình như có một lần; có phải những người ăn mặc lối nhà
binh, quần đùi, áo sơ mi trơn, mũ lối nhà đoan không anh?
- Chính thế.
Chi cười, chế nhạo:
- Họ đeo túi, mang gậy, trông như những anh đi chọc ếch, đến
buồn cười. Vai thì đeo những miếng vải xanh đỏ lòe loẹt trông lạ mắt quá!
Lương cũng phì cười:
- Thoạt trông thì tưởng họ là những người nghịch ngợm, trơ trẽn;
nhưng thực ra trong đoàn, luật lệ rất nghiêm. Chủ nghĩa hướng đạo rất cao xa,
anh rất mến.
Nói xong, Lương đọc 10 điều luật hướng đạo cho Chi nghe; rồi
lại nói đén cách tổ chức đoàn, cách chào, cách nhận nhau và việc thủ công
v.v... Chàng cũng không quên ca tụng thú vui chơi khoáng đạt của anh em hướng đạo.
Sau hết chàng kết luận: nói tóm lại chủ nghĩa hướng đạo cốt để luyện cho anh em
thiếu niên thành người hào hiệp, quân tử, có trí phấn đấu và, dù lâm trong cảnh
nghèo cũng vẫn vui vẻ mà sống, sống để làm việc nghĩa, vì vậy, ai đã được đeo dấu
hiệu hướng đạo cũng đều phải tuyên thệ. Lúc tuyên thệ là lúc long trọng nhất
trong đời người hướng đạo.
Này, em thử tưởng tượng xem: đứng trước hương trầm nghi ngút,
dưới bóng quốc kỳ, anh em đứng im phăng phắc, một hướng đạo sinh thề: "Tôi
xin một lòng đem danh dự ra hứa rằng: phải trung thành với tổ quốc, giúp đỡ mọi
người và tuân theo luật Hướng đạo", cảnh ấy, ai là không cảm động. Một lời
đã hứa là ghi ngay vào óc không bao giờ quên...
Nói đến đây, Lương rim rim cặp mắt mơ mộng như sống trong cuộc
đời ký vãng. Hồi lâu chàng lại ngậm ngùi:
- Tiếc rằng ngày nay anh không được dãi nắng, dầu sương như
trước vì công việc bề bộn quá. Nhưng anh vẫn thờ chủ nghĩa cao thâm ấy trong
tâm trí. Bây giờ nghĩ đến những lúc năm bảy anh em đóng trại trên đồi, dưới ánh
trăng, thỉnh thoảng lại cùng nhau cất tiếng hát bài ca vui vẻ mà tiếc, mà
thèm...
Giọng chàng nói êm ái, nhẹ nhàng quá, khiến Chi cũng phải cảm
động và sực tỉnh giấc mơ. Cái thái độ khiêm nhường, quân tử của Lương mà bấy
nay nàng cho là nịnh nọt giả dối ngờ đâu lại là bản tính của người Hướng đạo!
Bâng khuâng, nàng sẽ hỏi:
- Anh Tuấn cũng vậy phải không?
- Chính thế! Hai anh em cùng yêu chủ nghĩa ấy cả. Nhưng sao
em biết?
- Vì em thấy anh Tuấn cũng quân tử như anh.
Lương nghe Chi nói, trong lòng hớn hở như cậu học trò được thầy
giáo ban khen, chàng mỉm cười để cảm ơn bạn rồi vui vẻ cúi xuống rá gạo lúi húi
vo. Một lúc sau chàng đã bưng vào trong bếp mà hỏi bạn thứ giọng khôi hài:
- Giỏi không?
Chi nhách mép cười, sẽ đáp:
- Khá lắm, nhưng anh chỉ là một nhà tài tử.
Thấy Lương không hiểu, nhớn nhác trông mình, nàng lại nói
thêm:
- Nghĩa là anh chưa phải là tay thiện nghệ. Cứ xem cái ống
tay sơ mi đẫm những nước như thế kia cũng đủ biết anh còn vụng lắm. Mà sao anh
lại đong nhiều gạo thế? Mấy bơ?
- Ba
- Khổ! Có hai người ăn mà đong những ba bơ gạo!
Lương bẽn lẽn:
- Bỏ bớt ra vậy.
Tra gạo vào nồi xong, Lương đứng dựa lưng vào cửa bếp, vẻ mặt
đăm đăm như có ý tự phụ. Còn Chi, đứng bên bếp lửa cũng lặng thinh như suy
nghĩ, mơ màng. Nàng tự nhủ: "Người ta gặp, đều là những nhân vật kỳ khôi,
đáng kính. Nhưng sao ta lại không yêu được? Có phải vì...
Nàng lại nghĩ đến Tú nên nghẹn ngào, rưng rưng muốn khóc. Phải,
chỉ vì nàng đã yêu Tú nên không thể nào yêu Lương được. Tiếng củi lách tách reo
vui, lại như rủ nàng vào cõi mộng tàn. Chi như sống trong cuộc đời lạ lùng mới
mẻ.
- Em nghĩ gì vậy?
- Không...
Hai má Chi lúc ấy đỏ hồng hồng. Lương mê mải nhìn không chớp
mắt. Làm cho nàng phải ngượng nghịu quay đi, nói lảng:
- Anh gọt khoai đi.
Lương không biết là Chi giữ gìn ý tứ và nàng chỉ coi mình như
bạn nên càng thêm vì nể. Chàng nghĩ thầm: người có lương tâm, có giáo dục mới
biết giữ ý tứ như thế, ta cũng chẳng nên oán trách làm gì.
Nhưng không chịu được sự yên lặng, chàng vừa gọt khoai vừa
nói:
- Độ anh đi học, những ngày nghỉ thường đi hạ trại ở trên đồi,
núi ở bên Bắc Ninh thực là sung sướng. Đi nắng lắm, người đen như thui, có đêm
ngủ giữa trời, sợ kẻ cướp phải lần nhau thức như lính canh thành.
Ngừng một lát, chàng lại mơ mộng tiếp:
- Những khi đêm khuya thanh vắng mà được ngồi trên đỉnh núi
ngắm trăng và nghe tiếng thông reo... trời! Còn gì thú hơn. Lúc ấy thực anh đã
biến thành một nhà thi sĩ, dan díu với gió trăng như tình nhân.
Chi cười:
- Anh là tình nhân của gió trăng thì có lẽ không yêu ai nữa
nhỉ?
- Chính thế, ngày ấy anh con biết ái tình là cái gì? Hai tiếng
ái tình mà người ta thường nhắc đi nhắc lại, anh nghe nó nhạt nhẽo, vô vị quá
chừng. Xin thú thực với em: anh trước vốn là người ác cảm với đàn bà... anh chỉ
yêu sự sống tự do khoáng đãng, nào ngờ...
- Nào ngờ anh đã khổ sở vì Lan, lại đau đớn vì... em...
Lương nghe Chi đọc đến tên người vợ khuất, bỗng bồi hồi cảm động.
Nhưng thấy tình nhân vui vẻ, chàng cố mỉm cười sung sướng:
- Phải, mộng tưởng bao giờ cũng xa sự thực. Độ ấy anh nhiều
hy vọng lắm, anh định khi đã đỗ docteur anh sẽ vận y phục hướng đạo mà đi phiêu
lưu... đi đến đâu chữa bệnh cho người đến đấy. Khốn thay! Trời nào có cho ta được
toại nguyện; ý mình thì thế, nhưng còn gánh nặng gia đình...
Vì thế, anh đành coi sự phiêu lưu là cái lý tưởng... cũng như
nhà văn sĩ B. de Saint Pierre muốn sống cùng vợ hiền con thơ ở một nơi xa nhân
loại...
Giọng Lương nói dịu dàng, cảm động, khiến Chi như sống trong
cảnh mơ màng. Ngậm ngùi, nàng nói:
- Em thì em có thực tế hơn. Em chỉ muốn lấy một người chồng xứng
đáng để gây dựng cho đứa em thơ. Nếu em gặp anh trong mấy năm về trước thì...
- Bây giờ đã muộn quá rồi hay sao? Anh với Chi lại không lập
được gia đình như ý muốn ư?
Chi đáp, giọng đầy nước mắt:
- Muộn rồi!
- Sao vậy em? Vì lẽ gì?
- Em cũng không hiểu.
Tình thế của hai người đã đến chỗ khó khăn. May sao lúc ấy nồi
cơm sủi làm cho cái vung bật lên, nước nóng bắn vào tay Chi khiến nàng giật
mình quay lại. Trong khi nàng ghế cơm, Lương cũng muốn đánh trống lảng, nên vội
vàng chạy lên nhà lấy vài thứ đồ ăn mang xuống.
Cơm sắp xong, trời vừa tối.
Lẽ tất nhiên là bữa cơm ấy Lương ăn rất ngon vì tay làm lấy
mà ăn thì dù nhạt, mặn, cũng phải khen là ngon.
Lương vui vẻ quá, chàng luôn luôn nâng cốc mời Chi. Nể lòng,
Chi cũng uống hết gần một cốc.
Cũng vì cốc rượu ấy mà nhân cách của Lương càng thêm rõ rệt.
Chi ăn xong bỗng thấy mắt hoa, đầu váng, nên gục đầu xuống bàn như ngủ thiếp
đi. Lương phải bế nàng lên giường trên gác.
Lúc chàng ôm người bạn gái trên tay thì hình như có cái mãnh
lực gì nó cám dỗ chàng. Toàn thân chàng lúc ấy rờn rợn hình như cái hơi mát mẻ
của tình nhân đã truyền vào các giây thần kinh, mạch máu. Như say sưa lạc thú,
Lương nâng niu nàng như hòn ngọc quý và muốn ẵm nàng mãi trên tay.
Đặt nàng xuống đệm, chàng tiếc thương, như đánh mất vật gì
yêu quí.
Rồi ngó tình nhân... (1) chàng ham muốn say
sưa............................... (2)
Nhưng... (3) chàng bỗng nghe thấy tiếng gọi của lương
tâm: "Không! Mi không nên thế. Mi phải nghĩ đến danh dự người hướng đạo..."
Như đứa trẻ ăn vụng nghe tiếng người quát mắng, Lương vùng chạy
xuống dưới nhà mở cửa ra sân. Làn gió đêm mát mẻ phút chốc dập tắt ngọn lửa
lòng, chàng thở dài, ngước mắt nhìn mảnh trăng đang bị bóng mây che...
Thế mà Chi vẫn ngủ mê, không biết lòng cao thượng của chàng
sao? Không! Chi vẫn biết. Chi có say rượu đâu. Chi định thử lòng bạn: nếu Lương
mắc mưu, nàng sẽ mắng cho một trận rồi mẹ con mang nhau đi...
Lúc chàng bồng, lòng Chi thực như nung như nấu, mà lúc chàng
bỏ xuống, Chi tưởng như đời mình đến đây là hết, các giây thần kinh cũng như tê
liệt khiến nàng không sao cử động được.
Nghĩ lan man, Chi tự cho là dại dột, vì nếu Lương dùng cường
lực thì sẽ ra sao?...
Một giờ sau, không biết nghĩ thế nào, Chi lại tung chăn trở dậy
rón rén xuống dưới nhà. Đèn vẫn chưa tắt. Nàng sẽ mở cửa sau sang phòng khách
thì một cảnh thương tâm bỗng khiến nàng cảm động: trên ghế xích đu, Lương đắp
áo phủ ngoài nằm ngủ, hai chân gác lên một cái ghế mây, trông có vẻ đau đớn khổ
sở như một người ăn năn tội lỗi.
Chi cảm động quá, nàng không thể đành lòng đứng ngắm cảnh
thương tâm.
Ra đứng trên bao lơn nhìn ra ngoài, Chi thở dài tự nhủ:
"Trời ơi! Anh đối với em như vậy, em còn thể nào lãnh đạm được với
anh!"
Đáp lại lời than thở, trong bầu không khí tĩnh mịch lúc đêm
khuya như có tiếng văng vẳng gọi nàng: ‘"Đi! Ta phải đi".
--------------------------------
Bỏ 7 chữ. |
|
Bỏ 10 giòng./td> |
|
Bỏ 6 chữ. |
Lương thơ thẩn một mình trong buồng Chi...
Chàng nhớ thương Chi đến nỗi tính vốn vui cười hoạt động mà cũng buồn một cách sâu xa, lặng lẽ, tâm hồn hình như đượm những ý tưởng chán đời. Chàng có ngờ đâu vừa mới đêm qua Chi yêu mình một cách nồng nàn, tha thiết thế mà nay lại nỡ bỏ ra đi.
Trong ba giờ gần gụi tình nhân, chàng như sống trong một cảnh gia đình đầy lạc thú, trong cảnh thần tiên... Chàng sung sướng đến nỗi suốt đêm không ngủ. Nay chàng tìm đâu cho thấy bóng người yêu dấu? Có họa chăng còn chút hương vị mơ màng.
Bức thư từ biệt cầm tay, chàng đọc không biết bao nhiêu bận mà chẳng nhớ được rõ rệt những dòng Chi viết, ngậm ngùi, chàng lại dừng chân, giơ lên đọc lại:
Anh Lương
Em phải cùng anh ly biệt thực cũng là một sự đau đớn cho em. Anh ơi! Chỉ vì anh có lòng quân tử, đại lượng, nên em không thể nào ở lại được nữa, anh có biết không?
Em phải vội vàng ra đi là vì nếu rốn lại hai ba ngày nữa thì em sẽ khổ sở vì anh, em không thể nào vương vít với chữ tình được nữa.
Lời em nói với anh: "Sự hôn nhân đối với em bây giờ là một đám tang sầu thảm" đã ghi vào lòng em bằng thứ mực không bao giờ phai. Khổ quá anh ạ! Em thù, em ghét anh mà rút cục em phải thương, phải sợ, phải... yêu anh thì anh thử tưởng tượng xem anh tốt là chừng nào!
Nhưng em chỉ yêu anh được đến thế thôi, nếu em bước quá một bước nữa thì em sẽ sa vào vực thẳm. Sao vậy? Em cũng không thể trả lời được. Duy tâm linh em hình như lúc nào cũng như thầm "Nếu thế thì mày sẽ khổ sở, ân hận suốt đời!"
Em đi đâu? Anh cũng chẳng nên dò xét làm gì. Từ nay chúng ta mỗi người một ngả không bao giờ còn gặp nhau.
Bao nhiêu quần áo và đồ nữ trang anh sắm cho em xin trả lại. Số tiền ba trăm đồng anh cho, em lấy mang đi và để lại cho anh đôi hoa kim cương với các đồ nữ trang lặt vặt, những di tích của me em, anh bán đi cũng được ngang số tiền em lấy.
Thôi anh quên em đi nhé! Quên đi mà tha thứ cho tính trẻ con của đứa em khốn khổ nó đã trêu cợt anh trong bấy nhiêu lâu. Xưa kia anh đã tha thứ cho em thì bây giờ chắc anh cũng không nỡ khinh em. Anh nên coi sự chung đụng của hai ta là một thiên tiểu thuyết khôi hài vô lý và mỉm cười mỗi khi anh nghĩ tới em.
Người bạn khốn khổ của anh
Chi
Đọc xong bức thư chàng cũng chỉ nhớ được mang máng nên thẫn thờ tự nhủ: "Vì sao em lại bỏ đi? Vô lý quá, vì ta tốt mà không dám ở với ta nữa! Vô lý thực!".
Rồi chàng cười nụ lẩm bẩm nói một mình: "Chi nói phải! Ta nên coi ái tình của ta với nàng là thiên tiểu thuyết khôi hài đau đớn. ừ mà nếu cô em đã chẳng ân tình gì nữa thì ta còn lưu luyến làm gì!".
Nhưng nào có thế được! Câu nói ngộ nghĩnh của người bạn gái kỳ khôi chỉ làm cho chàng vui trong chốc lát rồi bỗng đâu một mối buồn tê tái kéo đến chiếm đoạt tâm hồn...
Suốt buổi sáng hôm ấy Lương chỉ quanh quẩn trong buồng, lục soát hết hòm rương lại đến quần áo như để tìm lấy chút dư hương của người bạn gái...
Đến bữa cơm chàng lại nhớ thương Chi hơn nữa. Cái dáng điệu uể oải, dịu dàng của nàng lúc sới cơm và lấy đồ ăn lại hiện ra trong tư tưởng, khiến chàng lại nhớ tới những giây phút êm ái mà lặng nhìn chiếc ghế mây trơ trọi.
Ăn xong, chàng lại quanh quẩn ở trên gác với sự nhớ thương. Rồi chạnh tưởng đến buổi gặp gỡ đầu tiên, chàng bỗng nghĩ đến Tuấn, người bạn thân yêu mà đã mấy tháng nay vì mê mải với Chi, chàng không hề giáp mặt. Buồn rầu, chàng xuống nhà bảo tài Năm đánh xe sang Bắc.
Sang đến nơi, Tuấn đã đi dạy học, buổi chiều. Yến đang phơi quần áo ở sân thấy Lương vào, cất tiếng vui vẻ:
- Kìa anh Lương! Lâu nay anh bận gì mà không thèm bén mảng đến nhà em?
Lời Yến hỏi, lại nhắc Lương nghĩ đến câu nói dịu dàng của người yêu: "Trời mưa gió thế này mà ông cũng chịu khó sang".
Bực mình, chàng lặng lẽ đi vòng ra sau nhà. Đây là cái cửa sổ trước Chi vẫn ngồi thêu, chiếc khung không vải, lụa vẫn còn nguyên chỗ cũ. Nhưng vắng bóng người xưa.
Ngậm ngùi, chàng thong thả vào trong nhà, uể oải nằm xuống ghế xích đu, nhắm nghiền hai mắt lại. Một lúc sau chàng thiu thiu ngủ...
Tiếng ai nói xao xác bỗng đánh thức chàng. Mở mắt ra trông thấy anh em Tuấn đứng bên, chàng thở mạnh một cái rồi vùng trỗi dậy đưa tay ra bắt tay bạn. Tuấn mỉm cười:
- Anh mới sang chơi?
Lương vừa bóp đầu vừa nói:
- Mệt quá! Mới về đấy à?
- Vâng, vừa về xong. Nhưng sao anh không cho chị sang chơi?
Cho là bạn định mỉa mai, Lương chỉ tủm tỉm cười không đáp.
Tuấn trách:
- Tệ quá! Ba bốn tháng nay không thèm sang chơi.
Lương cau có gắt:
- ừ thì tệ, nhưng sao anh cũng chẳng thèm bén mảng đến nhà người ta?
Thấy hai người cáu kỉnh với nhau, Yến chế nhạo:
- Các anh làm như những người thù địch. Bạn bè gặp nhau có lẽ như thế mới gọi là tay bắt mặt mừng.
Tuấn cắn môi nhịn cười:
- Chi đâu?
Lương thở ra đáp:
- Đi rồi!
Tuấn quay nhìn ra cửa sổ ngơ ngẩn tiếc thương và lẩm bẩm nói một mình: "Đi! sao lại đi?".
Chàng hỏi duyên cớ thì Lương móc túi lấy bức thư từ biệt ra đưa mà phàn nàn:
- Tôi cũng mong rằng một ngày kia Chi sẽ yêu tôi, ai ngờ lại gan góc thế!
Tuấn đọc xong cũng thẫn thờ hỏi:
- Thế ra từ ngày ấy... (1)
Lương cố lấy giọng bông đùa:
... (2) Bề ngoài tuy đã... mà bề trong vẫn chăn đơn gối chiếc như thường!
Nói xong, Lương bưng mặt vờ khóc làm cho Yến phải lăn ra cười ngặt nghẽo. Nhưng không để ý đến sự pha trò của bạn, Tuấn thở ra, nói một mình: "Sự đời thực
khó hiểu. Việc xảy ra bao giờ cũng khác ý định của ta nhiều!". Rồi chàng chép miệng nói với Lương:
- Thôi, chúng ta cũng nên theo lời Chi mà coi ái tình là một thiên tiểu thuyết khôi hài đau đớn. Phải đấy! ta nên mỉm cười khi ta nghĩ đến người yêu tuyệt vọng. Quên đi! Phải quên!
Lương ngậm ngùi:
- ừ! Quên! Anh an ủi tôi làm gì cho thêm phiền. Anh còn nhớ năm xưa anh đã tốn bao nhiêu nước mắt...?
- Thôi xin, đừng nhắc lại chuyện xưa làm gì nữa? Bây giờ mình đã lớn têu đầu chứ còn bé bỏng gì. Tôi thì khác, tôi đã thề không lấy vợ, cam sống không cảm không tình. Còn anh vẫn hy vọng, một ngày kia, dù ngày đó chỉ là mộng tưởng - anh sẽ tìm thấy Chi, Chi sẽ yêu anh. Đối với tôi cái hy vọng ấy cũng đủ an ủi tôi suốt đời...
- Phải đấy! Phải đấy! Đệ xin nghe lời huynh.
Lấy nụ cười để che sự đau đớn vẫn là tính thông thường của Lương. Chàng nói bông lơn vui vẻ như không chút bận lòng đến việc chia phôi, nhưng kỳ thực vẫn ngấm ngầm đau khổ.
Nửa đêm hôm ấy, chàng nằm dài trong đống chăn gối của tình nhân, trằn trọc không sao ngủ được. Hình ảnh Chi cứ luôn hiện ra trước mặt, khi buồn bã, lúc mơ màng - mà cái tiếng ru con "ợi ơi ơi" êm ái hình như văng vẳng bên tai.
Chú thích:
(1) |
Bỏ 4 chữ. |
(2) |
Bỏ 4 chữ. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét