Bóng mây chiều 3
Phần Thứ Ba
I. Hai năm sau...
Trong một căn nhà gác nhỏ ở đường Huế, một người thiếu phụ độ
ngoài 20 tuổi, gương mặt còn trẻ măng, ngồi bên cạnh chiếc giường con, nét mặt
có vẻ mơ mộng, buồn rầu. Trên đệm một khuôn mặt trẻ con xanh muốt lộ ra ngoài tấm
chăn bông trắng.
Người thiếu phụ ấy là Chi mà thằng bé con ốm nặng nằm trong
chăn, độc giả cũng đoán biết là thằng Ân, con nàng.
Trời đang độ về giữa đông lại thêm có mưa phùn nên rất lạnh.
Trông ra ngoài cửa kính thấy làn mưa bụi thấp thoáng bay nghiêng trong bầu trời
u ám, Chi lại nhớ đến hôm nàng từ biệt bạn ra đi...
Đêm hôm ấy, nàng hết sức chiều chuộng Lương bằng tấm tình yêu
tha thiết để trả ơn chàng...
Lương vừa ở bệnh viện về, nàng đã tươi cười đón tiếp. Thấy mũ
áo bạn lấm tấm nước mưa, nàng bắt cởi ra để lau và thấy lưng áo sơ mi thủng một
chỗ, nàng cũng lấy chỉ kim ra mang hộ. Lúc Lương từ biệt mình lên bệnh viện,
nàng lại tiễn chân ra tận cửa rồi cầm tay chàng se sẽ nói:
- Anh đi nhé! Em xin từ biệt anh...
Nói xong, nàng ghé miệng hôn trên má Lương một cái hôn nồng
nàn khiến Lương cảm động quá tưởng là Chi đã bắt đầu yêu... Còn Chi, Chi cũng
ngậm ngùi nhìn theo hút bạn cho đến khi bóng chàng đã khuất mới lên buồng viết
thư từ biệt. Những lời chua xót ấy thực ở tận đáy lòng nàng mà ra; nàng không
yêu Lương nhưng Lương quân tử thế, lẽ nào nàng lại không ngậm ngùi trong lúc
phân ly...
Suốt đêm hôm ấy, Chi trằn trọc không sao ngủ được. Đến năm giờ
sáng hôm sau, một tay bế thằng Ân, một tay ôm bọc áo, người đàn bà khốn khổ mở
cửa lặng lẽ ra đi... Trời mưa bụi. Khi nàng đi đã xa, ngoảnh lại nhìn chiếc nhà
lầu thì chỉ thấy làn bụi nước bay nghiêng, lấm loáng ánh đèn...
Vì công việc đi trốn đã dự định sẵn sàng nên mẹ con chỉ việc
mang nhau đến ở nhà mới mà nàng đã thuê và sắm đồ đạc từ lúc ở nhà Lương.
Thế rồi từ đó bắt đầu cuộc đời vui sáng: một mẹ một con sống
trong gian buồng cô tịch với con sen; mẹ con, thày tớ yêu nhau, coi nhau như ruột
thịt. Ngày ngày, công việc nội trợ xong, Chi lại ra công học tập để đi thi lấy
bằng tiểu học vì nàng nghĩ: nếu xin đi dạy học ngay thì chỉ được vào ban trợ
giáo, lương bổng chẳng được là bao nhiêu. Như vậy, ngày sau thằng Ân lớn lên
nàng sẽ không lấy gì nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn được.
Kỳ dị thay là ý tưởng của nàng! Sao đang độ trẻ trung nàng lại
quả quyết đinh "ở góa" suốt đời. Nói là vì sự thất vọng mà màng quyết
tâm theo chủ nghĩa độc thân thì cũng có lẽ. Nhưng nếu không có thằng con đó và
không hờn giận Tú đến cực điểm thời Chi cũng khó lòng mà giữ được ý định.
Hay nói theo cách khác nàng vẫn còn yêu Tú yêu trong sự đắng
cay.
Mà thực vậy. Ai đời nào còn đang độ thanh xuân hơ hớ, sống
không tình, không cảm mà nàng vẫn thản nhiên cho được. Lúc học hành cũng như
khi nàng mang con đi dọc phố, bao giờ nàng cũng ung dung vui vẻ như một người
vô tư lự.
Nhưng cớ sao ngày này nàng lại ngồi bên giường ngủ của con mà
âu sầu lo lắng?
Là vì, đã ba bốn hôm nay thắng Ân ốm nặng mà tiền lưng thì đã
cạn từ lâu. Đơn xin đi dạy học nàng gửi đi đã được non một tháng mà vẫn chưa thấy
trả lời. Tiền hết, con sài còn cảnh nào đau đớn hơn cho người quả phụ?
Giá phải năm xưa thì nàng đã tưởng tượng đến sự hy sinh của
người mẹ bán thân để lấy tiền mua thuốc cho con vì lòng thương con quá nặng.
Nhưng nay ý nghĩ của nàng không dến nỗi thê thảm như vậy; nàng chỉ âm thầm nhớ
tới Lương, ân nhân nàng.
Hồi tưởng đến tình ân ái cũ, Chi bỗng thấy trong lòng dìu dịu.
Nàng mong một người đến chữa cho thằng Ân: người ấy là bác sĩ Nguyễn Lương...
Nàng lại nhớ đến hôm sinh nở, đến sự đau đớn lúc nó lọt lòng. Cảm động vì ơn
chàng cứu mệnh, nàng gục đầu xuống giường con, ứa hai hàng nước mắt.
Hai năm qua! Cảnh đau lòng đã hồ xóa nhòa trong tâm trí nay lại
bày ra rõ rệt trước mặt nàng: từ khi gặp gỡ đến lúc bỏ ra đi; cuộc tình duyên
khe khắt đầy hương vị đắng cay nàng quên sao được. Lương yêu nàng, Lương cứu
nàng khỏi chết mà nàng không chút tình yêu lại.
- Ta thực là đứa vô ơn, bất nghĩa!
Tự mắng như vậy, Chi lại thở dài...
Người ta, trong hồi khổ cực mới cảm thấu được hết ơn sâu của
người đã giúp mình khi trước. Chi cũng đang ở trường hợp đó. Nhưng than ôi!
nàng còn mặt mũi nào mà trở lại với Lương được! Biết Lương có còn giữ được lòng
chung thủy nữa chăng? Hay thời gian đã làm cho chàng quên hẳn Chi rôi. Biết đâu
bây giờ chàng đã có vợ con?
Nhưng, bao giờ tình mẫu tử cũng thắng được lòng vị kỷ. Đang
lúc băn khoăn, Chi bỗng nhếch mép như để ngăn nỗi đắng cay, rồi mạnh mẽ, nàng đứng
dậy, đến bàn học viết giấy mời Lương. Trong thư chỉ vắn tắt có một câu bằng tiếng
Pháp: "Xin mời ông lại ngay số nhà... phố Huế. Bệnh nặng," và ký tên
thực rõ: Nguyễn Thị Chi...
*
Nhận được thư Chi, Lương vội vã đến ngay. Chàng vui vẻ hồi hộp
như vừa tìm thấy một vật quý nhất mất đã từ lâu.
Là vì, tình yêu tuy có vì thời gian mà phai lạt nhưng chàng
cũng không thể nào quên được con người nhan sắc. Cái hôn nồng nàn Chi đã ban
cho chàng trong đêm hôm ấy, ngày nay chàng ngẫm nghĩ vẫn còn cảm thấy biết bao
tình âu yếm say sưa...
Cũng đã bao phen chàng toan lập gia đình, nhưng vì sợ một
ngày kia Chi trở lại nên chàng vẫn xếp việc đó lại. Đời chàng đã đổi ra êm đềm,
phẳng lặng, mà tình ái của chàng đối với Chi cũng chỉ là thứ tình mơ mộng:
Lương tưởng như ở nơi xa xăm kia Chi vẫn nghĩ tới mình luôn... Những khi chiều
tà bảng lảng hay trong lúc đêm hôm khuya khoắt, ngồi một mình mơ tưởng nhớ tới
người xưa, lòng chàng lại man mác nỗi buồn. Một đôi khi chàng muốn bỏ công việc
mà đi lăn lộn khắp bốn phương trời để tìm Chi. Khốn thay! Đời người ta lưu lạc
như con chim bạt gió, nay đó mai đây, biết đâu tìm!
Bức thư kia thực là mũi tên dẫn lối cho chàng đến chỗ ước
mong. Đột nhiên ái tình sống lại trong lòng chàng.
Xe vừa đỗ trên hè, Lương đã thấy con sen đứng chờ ở cửa. Theo
nó đi qua cái ngõ con, chàng mủm mỉm cười thầm: "Ngờ đâu Từ Thức lại lần
mò đến được tiên động với Giáng Hương". Rồi chàng se sẽ bảo con sen:
- Mày phải ở dưới này trông xe để tao lên một mình cũng được.
Kỳ thực chàng chỉ muốn được tự do trò chuyện với nàng.
Lương định dọa cho Chi giật mình nhưng vừa ló đầu lên khỏi cửa
gác, chàng bỗng tần ngần, cảm động vì cảnh thương tâm.
Gục đầu xuống tay thằng Ân, nó đang thở khò khè, Chi thổn thức,
thỉnh thoảng lại se sẽ gọi tên con, giọng nói xót xa vô hạn. Có lẽ thấy nó thở
mạnh, nàng tưởng đã đến lúc nguy nan nên mới lo sợ hoảng hốt thế chăng?
Lương không thể cầm lòng được nữa, bước mạnh đến chỗ Chi ngồi.
Nghe tiếng động, Chi giật mình ngoảnh lại. Thấy Lương, nàng
như nhẹ hẳn gánh sầu. Lau nước mắt, nàng cười gượng:
- Em vẫn mong anh.
Lương không đáp, lặng lẽ đến bên giường Ân ngủ. Bắt mạch
xong, chàng sẽ cất tiếng hỏi Chi, nét mặt lộ vẻ lo lắng:
- Nó sốt từ bao giờ? Sao em không gọi anh ngay?
Rồi không để Chi kịp đáp, chàng nói tiếp:
- Em ẵm nó lên nhà anh... lên bệnh viện ngay! Khổ! Chỉ chậm một
giờ nữa là nguy đến tính mệnh. Em sắp sửa đi.
Lạ sao! Từ lúc có Lương, Chi hết lo lắng về bệnh trạng của
con, hình như chàng là vị cứu tinh của mình vậy. Cả đến lời nói ngụ ý trách móc
của Lương nàng cũng không hay; nàng chỉ cảm thấy vẻ dịu dàng âu yếm.
Ngập ngừng nàng hỏi:
- Vậy ra anh lại đến bắt em về?
Lương nghĩ một lúc rồi vui vẻ đáp:
- Ta nên xếp những ý nghĩ riêng ra một bên em ạ! Bây giờ ta
hãy làm sao cho em nó qua khỏi nguy nan này đã.
Chi thở dài:
- Vâng, thôi được.
Câu nói cụt ngủn thoảng nghe thì tưởng là vô nghĩa, nhưng thực
ra ngụ một ý sâu xa: Chi đã đánh liều trở lại với cố nhân một phen nữa xem sao
vậy.
Thấy nàng còn dìu dắng, Lương lại nhắc:
- Mau lên, em!
Chi vội ẵm con lên rồi lặng lẽ theo xuống nhà, trong lòng
bâng khuâng lo ngại. Trèo lên xe, nàng bỗng nẩy ra một cảm giác lạ lùng: hình
như mình sắp đến một nơi ảo mộng.
Nhưng lúc xe đã chạy thì hai người đều mải nghĩ đến bệnh tình
thằng bé nên không chút bận lòng về sự lo buồn riêng nữa. Chi nhìn Lương, Lương
cũng nhìn Chi rồi cả hai cùng lặng lẽ vuốt ve nó, lặng thinh không nói một lời.
Về đến nhà, Lương vội vã bế Ân đặt lên giường; đoạn, chàng
sai lấy nước nóng tẩm vào khăn mặt và mảnh chăn bông để ủ xuống quanh người.
Chỉ nửa giờ sau nó đã đỡ sốt. Lương bỏ chăn đi rồi tiêm cho
nó mấy ống thuốc. Còn Chi, trong lúc chàng loay hoay chạy chữa cũng đứng loanh
quanh ở bên cạnh để lấy hộ những thứ cần dùng hay giúp Lương làm một việc gì
đó.
Khi đã chắc là thằng bé không việc gì nữa, Lương mới thong thả
nhìn Chi mà trách:
- Sao em gan thế? Chứng kinh phong của trẻ con có thể làm cho
nguy đến tính mệnh trong vài giờ, thế mà em chẳng tìm thày chạy chữa. Giá anh
không đến thì không biết em làm thế nào?
Nghe nói, Chi mới tự biết là mình vẫn có ý định: thể nào
Lương cũng đến chữa bệnh cho con. Nàng bồi hồi cảm động, nhưng không tìm được lời
từ tạ nên chỉ ngước mắt nhìn ân nhân mà lặng lẽ mỉm cười.
Ngay lúc ấy có người gọi dây nói mời Lương đi chữa bệnh.
Chàng phải vội vã đi ngay nên không kịp hỏi chuyện Chi về sự sống đã qua. Làm
cho nàng lại tần ngần ngơ ngác như người lạc vào một nơi kỳ quái.
May sao lúc ấy, lũ người nhà lại lên chào hỏi; họ cười nói rất
vui khiến Chi cũng phải tươi cười tiếp chuyện. Thấy điệu bộ long trọng của bác
Năm - người tài xế của Lương, nàng tò mò hỏi:
- Bác vẫn làm với ông Lương từ ngày ấy đến nay?
Bác ta e lệ đáp:
- Thưa bà, vâng.
Rồi bác lim dim cặp mắt ốc nhồi và chắp hai tay vào trước ngực
cho có vẻ long trọng.
- Thưa bà, tôi xin phép thưa với bà câu chuyện này: "Thực
ông tôi là người chung tình hiếm có. Trong hai năm trời nay, ông ấy vẫn một
lòng một dạ với bà!".
Nghe câu nói ngồ ngộ, Chi mỉm cười:
- Thế ra bác cũng biết?
- Dạ vâng. Những lúc ngồi buồn, ông tôi thường hỏi tôi những
câu rất lạ.
- Lạ thế nào?
- Dạ; độ như, những đêm khuya, thấy tôi lảng vảng ở bên cạnh,
ông thường bỗng nhiên quát hỏi: "Anh Năm! Anh có biết chỗ ở của bà ở đâu
không?" Rồi ông lại tủm tỉm cười một mình mà nói: "Thôi vậy"
Thưa bà, thực lắm lúc tôi sinh lo nghĩ, tưởng ông hóa điên!
Câu chuyện đã bông lơn, ở miệng một người chất phác thỏ thẻ
nói ra lại càng thấy ý vị, khiến Chi phải cười. Nhưng ngẫm nghĩ, nàng bỗng cảm
thấy hết tình yêu tha thiết của Lương trong câu nói vu vơ đùa bỡn. Phải! trong
lúc tương tư, nụ cười lắm khi ngụ nhiều nỗi đắng cay hơn là hàng nước mắt!
- Thôi tôi đã hiểu. Bây giờ bác làm ơn trông em nó hộ tôi để
tôi đi nằm một lúc.
Nói đoạn, nàng uể oải đi lên gác, hai mắt lim dim như suy
nghĩ, mơ màng.
Loay hoay lục soát các đồ dùng khi trước ở trên buồng, thấy
không suy xuyễn tý gì. Chi càng ngậm ngùi chan chứa. Đôi hoa, hộp phấn, chiếc
lược, cái gương thảy còn y nguyên trong ngăn kéo; chiếc giường treo của thằng
Ân cũng vẫn ở góc buồng. Nhìn những vật đó, Chi như sống lại cuộc đời đắng cay
năm nọ. Nàng rơm rớm nước mắt, thở ra, nói một mình: "Trời! anh còn thương
làm chi đứa con gái bội bạc này!".
Trời đã tối...
Người bếp lên mời nàng xuống ăn cơm trước, vì có lẽ đến 9, 10
giờ Lương mới về. Chiều lòng, Chi xuống ăn qua loa mấy bát rồi lại ẵm con lên
buồng mình ngay. Thấy trong người mỏi mệt nàng muốn ôm con ngủ quên đi, nhưng
trằn trọc mãi không sao chợp mắt.
Đêm đông giá lạnh, gian buồn im lặng như nín hơi. Nghĩ tới
Lương, Chi động lòng quá, thỉnh thoảng lại ôm chặt con vào lòng mà tự nhủ:
"Phải! trên đời này chỉ có anh là thương mẹ con em mà thôi!".
Mãi đến chín giờ Lương mới ở bệnh viện về, chàng vội vã lên
buồng thăm Chi. Nhưng Chi vờ ngủ để xem bạn làm gì.
Nàng thấy Lương rón rén đến bên giường rồi se sẽ thò tay vào
trong chăn sờ thằng Ân. Một lúc sau chàng lại lẳng lặng quay ra.
Lắng tai nghe tiếng giầy nện xuống thang sẽ sẽ và chậm chạp,
Chi đoán là Lương đang nghĩ tới mình. Rồi không biết tại sao lúc tiếng giầy đã
im hẳn nàng thấy trong lòng bứt rứt lạ thường.
Lần thứ hai, nàng muốn ngủ quên đi nhưng loay hoay đến một tiếng
đồng hồ vẫn không sao ngủ được. Bực mình nàng sẽ lừa con xuống gối rồi trỗi dậy,
rón rén xuống dưới nhà.
Đứng sau khung cửa kính ở chân thang, nhìn vào buồng khách,
thấy khuôn mặt Lương phản chiếu ánh lửa hồng lấp loáng, có vẻ trầm tư mặc tưởng,
Chi mỉm cười, đẩy cửa bước vào. Lúc ấy Lương đang ngồi gọn trong chiếc ghế
bành, hai chân gác lên một cái khác, một tay sỉa răng, hai mắt đăm đăm nhìn ngọn
lửa lom đom cháy trong lò như có vẻ thư thái lắm. Thấy Chi vào, chàng lặng lẽ
ngước mắt lên nhìn rồi điềm tĩnh hỏi:
- Em chưa ngủ à?
Chi không đáp, sẽ tựa lưng vào bệ lò sưởi, Lương vội vàng đứng
dậy nhường ghế, âu yếm nói:
- Em ngồi xuống đây cho ấm!
Rồi khi nàng đã yên chỗ, Lương cũng ghé ngồi xuống chếc ghế
bên kia, se sẽ trách:
- Tệ quá! Em bỏ nhà ra đi mà không nói cho anh biết làm anh
phải lo ngại trong mấy năm trời, chỉ sợ em lại gặp những cảnh chẳng ra gì. Mà
thực, anh cũng hết hy vọng được tái hợp cùng em. Ngờ đâu trời còn thương hại, bỗng
nhiên em lại cho đến gọi anh!
Ngừng một lát chàng nói tiếp:
- Thôi từ nay chắc em không nỡ lòng nào bỏ anh mà đi nữa!
Nhưng, như không để ý đến câu nói xót xa, Chi quay sang nhìn
ngọn lửa rồi thốt nhiên buông một tiếng thở dài:
- Đời chúng ta có lẽ là đời lý tưởng chăng?
Câu hỏi vẩn vơ làm cho Lương ngơ ngác không hiểu. Chàng ngẫm
nghĩ một lúc rồi gật gù đáp:
- Anh thực cũng không biết ra sao. Nếu cho đời chúng ta là lý
tưởng thì anh em ta có lẽ không phải là người nữa hay sao? ừ! Em thử ngẫm xem
hai ta đều vô lý cả. Có đời nhà ai lại yêu nhau một cách kỳ quặc...
Chi đang làm thinh bỗng cướp lời:
- Mà vô lý thực, anh ạ!
Rồi như để trút sạch nỗi băn khoăn trong trí, nàng thở dài se
sẽ hỏi:
- Chúng ta hiện có thể chung sống như xưa được nữa chăng? Hay
là...
Lương đáp:
- à! Ra từ nãy đến giờ em vẫn băn khoăn về sự sống của hai
ta? Nhưng nghĩ làm gì cho bận lòng vô ích hở em? Chính anh đây cũng không bao
giờ nghĩ đến điều đó: Không biết tại sao bây giờ anh bình tĩnh lạ, mà anh xin
thú thực: từ nãy đến giờ anh vẫn nghĩ những gì anh cũng không nhớ; có lẽ anh
đang sống trong cảnh mộng chăng?
Câu nói mơ hồ khó hiểu làm cho Chi ngơ ngác nhìn Lương. Lương
cũng ngơ ngác nhìn Chi hình như cũng không hiểu lời mình đã nói.
Trong lò, ngọn lửa sắp tàn rập rờn ru Lương vào cõi mộng. Hai
người ngồi lặng thinh như thế rất lâu, cùng có vẻ suy nghĩ mơ màng.
II
Chăn gối, giường màn ở căn nhà phố Huế, Chi đã mang lại nhà
Lương. Cả con sen cũng được Lương cho đến hầu hạ nàng.
Tuy không phải đó là mệnh lệnh của nàng, nhưng nàng cũng để lặng
yên cho người nhà khuân vác, không đả động một lời, hình như không lấy làm khó
chịu.
Quả thực, Chi đã siêu lòng vì tấm tình yêu bền chặt của Lương
và muốn cùng chàng phối hợp. Khốn thay! Xưa Lương đối với nàng thân mật, âu yếm
thì trái lại nay chàng lãnh đạm hững hờ, hình như có cái vực thẳm ngăn cách đôi
bên. Thái độ ấy làm cho Chi tưởng bạn đối với mình chỉ còn một tấm lòng thương.
Thì, nàng lại cho là cuộc kết giao không phải vì ái tình sẽ giam mình vào một cảnh
đời tẻ ngắt. Luôn luôn, nàng chua xót nghĩ thầm: "chả nhẽ ta cứ lẵng đẵng
với anh ấy mãi như thế này hay sao?".
Cứ mỗi lần tự hỏi như vậy là lòng tự ái của Chi lại một lần bị
xúc phạm. Tủi thân, Chi lại muống đi thực xa để tự tạo lấy cuộc đời độc lập,
không thân thích, không bạn bè.
Là vì, Chi đã nhận thấy hạnh phúc của tình yêu chỉ như một
áng hương vút qua đời mình rồi tan mất, tan đi không bao giờ trở lại. Chi đã nhận
ra rằng: những người bạn đáng kính, đáng yêu thường đạp xéo, rày vò lòng ta hơn
là làm cho sự sống của ta được thêm vui thú, êm đềm; muốn được sung sướng thì
chỉ có một cách là sống trơ trọi một thân trên đời, không yêu mà cũng không
ghét ai.
Nhưng than ôi! thằng Ân nào có phải là một đứa trẻ ngoan để
an ủi nàng trong sự sống cô đơn như những người quả phụ. Nó là đứa hay quấy,
hay vòi, hay hờn giận. Sự đời bao giờ cũng vẫn khắt khe như thế. Có bao giờ
hoàn cảnh lại được thực hợp với ý muốn của ta!
Ra đi còn e ngại, mà ở lại sao đành. Đang lúc phân vân thì bỗng
một hôm, trong bữa cơm chiều, Lương lại ngỏ ý muốn cùng nàng lập gia đình. Còn
sự yêu cầu nào hợp với lòng mong ước của Chi hơn nữa. Nhưng thấy vẻ mặt thản
nhiên và cử chỉ thờ ơ của chàng khi đó, Chi tưởng là Lương chỉ miễn cưỡng hỏi
nàng nên cũng mỉm cười đáp lại:
- Để em nghĩ xem đã.
Lương cũng lạnh lùng theo ý, không kêu nài gì nữa làm cho cho
Chi càng tin là tấm ái tình thắm thiết ngày xưa đã vì thời gian mà phai nhạt. Dẫu
sao câu trả lời ngộ nghĩnh ấy cũng đủ tỏ là Chi đã siêu lòng. Và giá từ đó trở
đi, nếu không xẩy ra sự gì lôi thôi nữa thì chẳng bao lâu đôi tình nhân kỳ quặc
ấy cũng đến cùng nhau kết nghĩa vợ chồng...
Nhưng một buổi sáng mai...
... Buổi sáng mùa đông ấm áp, Chi ngồi đan chiếc áo len cho
con ở trước nhà để sưởi nắng. Nàng phải bày ra công việc như thế để bận bịu cho
khuây vì chơi mãi, nàng sinh chán nản u sầu. Tuy vậy, những ý nghĩ não nùng vẫn
ngấm ngầm trong tâm trí. Thỉnh thoảng như xót xa, nàng lại dừng tay mà buông một
tiếng thở dài.
Nàng thở dài, lặng nhìn mấy thiên tuế cục mịch trồng ở giữa
những vòng tóc tiên... Không biết đã bao nhiêu năm mà thứ cây đó mới mọc được
chừng ba bốn tấc; biết bao ngày dãi dầu mưa nắng mà mấy tầu lá lưa thưa bám
quanh ngọn vẫn còn tươi, chưa héo. Chi lại chạnh tưởng đến cuộc đời cô độc, đắng
cay của Chi. Năm sáu năm qua, nàng đã phải chịu biết bao khổ cực, thế mà vẫn cứng
cỏi, tự phụ như xưa: tấm lòng ngay thẳng ấy vẫn vững bền trơ trơ như những cây
thiên tuế.
Gió lạnh đìu hiu... khóm cây ngọc lan bên tường sột sạt...
Loay hoay với những ý nghĩ buồn rầu, nghe tiếng động khô khan, Chi càng cảm thấy
đời mình lạnh lẽo.
Bỗng tiếng ai gọi ngoài đường làm cho nàng tỉnh mộng. Ngẩng
lên trông, thấy người phát thư gọi ra nhận giấy, nàng uể oải đứng dậy ra đón.
Ngoài mấy tờ báo và thư của Lương, Chi thấy một bức thư đề tên mình thì hơi ngạc
nhiên vì đã bao lâu nay nàng chưa từng nhận được một cái thư. Nhưng, đọc tên
người gửi, mặt Chi tái dần... Người ấy là Tú, cố nhân nàng.
- Sao anh ấy còn viết thư cho ta? Anh định hỏi ta gì?
Chi vừa lẩm bẩm, vừa xé phong bì ra đọc. Không biết tại sao
nàng bỗng run lên bần bật mà lòng thì rộn rã khác thường. Trên tờ giấy kẻ ô
vuông có những hàng này:
Em CHI,
"Em ơi! Em cho phép anh gọi là em như thế cho thêm rõ tội
ác của anh. Anh hối hận lắm...
"Ngày ấy, lúc cùng anh vĩnh biệt ở vườn bách thảo, chắc
em cũng biết cho nỗi đau đớn của anh, chắc em không ngờ rằng anh lại ngồi đó mà
trông theo hút em - phải, hôm ấy em giận anh quá lắm, em khóc như mưa; đến khi
bóng em đã khuất, anh xót xa quá, gục đầu xuống lưng ghế xi măng mà khóc...
"Nhưng khổ thay! Anh chỉ là một thằng ích kỷ, một đứa đê
hèn. Vì, lương tâm tuy bị cắn rứt mà anh chẳng biết nghĩ lại thương em: cảnh
gia đình em vừa phác họa đã làm cho anh ghê sợ, ghê sợ đến nỗi coi nó như một
chốn lao tù! Cái ý tưởng ghét gia đình ngày ấy đã ăn sâu vào óc thiếu niên nên
anh cũng bị tiêm nhiễm. Mà thực vậy! Còn gì đáng buồn hơn là mới ngoài hai mươi
tuổi đã phải cáng đáng vợ con.Anh em ai cũng coi gia đình là một ngục thất tối
tăm, để giam hãm linh hồn, thân thế. Họ thường nói: lấy vợ là hết, đừng mong gì
ngóc đầu lên được nữa.
"Hình như năm xưa, Tú đã nói với Chi như thế rồi, phải
không em? nhưng ngày nay hối lại mới biết là mình bất nghĩa: cái lý đã đành như
vậy, nhưng sao anh chẳng đoái thương em để em phải riêng chịu mọi phần đau khổ...
"Ôi, cay đắng! Viết ra lời thương xót ấy anh lại càng nhận
thấy rõ sự đê tiện của anh. Vì, em ơi! Người ngồi viết thư cho em bây giờ nào
phải là chàng thiếu niên trong sạch, tráng kiện như xưa. Tú ngày nay chỉ là một
đứa hư thân ốm yếu, đã làm điếm nhục gia đình!
"Một năm sau hôm cùng em ly biệt, anh đã quên hẳn em. Kịp
đến khi thôi học thì thầy me anh đều nối gót qua đời. Sinh buồn, từ đó anh thường
cùng bạn hữu miệt mài trong cuộc truy hoan ở dưới xóm hồng lâu. Rồi anh mê một
hoa khôi trong làng ca kỹ, được ít lâu, Tâm, vì nàng tên... là Tâm đã nghiễm
nhiên là bà Ngọc Tú.
"Vợ chồng ăn ở với nhau được non một năm thì gia cư điền
sản của ông cha để lại cho anh đều khánh tận. Than ôi! không biết các cụ đã tốn
bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới gây dựng được cơ đồ mà chẳng may gập phải đứa con
bội bạc để đến nỗi đổ xụp tan tành, đã thế, sau khi tiền hết Tâm lại cuốn gói
ra đi...
Đau đớn quá, anh chỉ muốn đâm đầu xuống hồ tự vẫn cho xong.
Song, sau một tháng trời thương nhớ, căm giận nó, ngày nào anh cũng lang thang
khắp phố để tìm; thì tình cờ hôm nọ qua phố Quan Thánh, anh lại gặp em. Lúc ấy
em đang đứng bẻ một đóa hoa hồng cho con chơi. Thằng bé nghịch quá, bóp vụn cả
cánh, đài rồi ném vào mặt em, làm cho anh ngẩn ngơ đứng ở bên ngoài ngắm mãi, rồi
không biết tại sao mắt anh bỗng ứa hai hàng lệ!
"Từ hôm ấy trở đi, anh bỗng sinh lòng tự thẹn. Nỗi đắng
cay hờn giận, người đã làm cho anh phải khánh tận gia tài cũng tự nhiên tiêu
tán hết. Vì anh nghĩ: Tâm thực đã báo thù cho em...
Thực đấy Chi ạ. Ngày nay Tú đau đớn thế nào thì ngày xưa Chi
cũng đau đớn thế. Tâm há chẳng làm cho sáng mắt thằng khốn nạn nó đã hủy hoại một
đời em, một đời giai nhân băng tuyết.
"May mà anh không đến nỗi phải ân hận vì tương lai em vì
em đã lấy được một người chồng xứng đáng là bác sĩ Nguyễn Lương. Anh thú tội
cùng em chẳng phải là để mong em tha thứ cho tội ác ngày xưa mà là để còn biết
rằng trời là đấng chí công, chí chính, trời đã trừng phạt quân bạc bội này và rủ
lòng thương người ngay thẳng.
"Nhưng nếu em còn chút tình thương anh thì xin cho anh gặp
mặt con lúc sắp từ giã cõi đời. Thôi anh xin ngừng bút vì anh mỏi mệt lắm rồi
không sao gượng được nữa.
Người bạn khốn khổ của em;
tú
T.B - Anh hiện ở phố sông Tô Lịch số nhà... Nếu em bằng lòng
cho con đến thì nên bảo người nhà mang lại chứ em đừng đến làm chi.
Đọc xong bức thư, Chi bồi hồi cảm động. Trái tim nàng hồi hộp
như người mới chạy một quãng đường dài. Cuộc đời kỹ vãng lại lộn xộn chạy qua
trí nhớ làm cho nàng thêm bối rối băn khoăn.
Mải loay hoay với những cảm giác tê mê, Chi không biết lúc đó
Lương vẫn đứng bên ngoài mà ngắm nàng. Thấy đọc xong thư, mặt nàng đổi khác thì
Lương đoán là người bạn gái vừa nhận được một tin đau đớn, một tin quan hệ.
Chàng nóng ruột quá, vội đẩy cửa vào.
- Em nghĩ gì mà ngẩn cả người ra thế?
Ngoảnh lại thấy Lương, Chi luống cuống giấu tờ thư vào trong
túi thì chàng lại hỏi:
- Thư của ai đó, em?
Chi cố gượng cười đáp:
- Của một người bạn. Anh cũng có bốn cái thư, hôm nay trời đi
vắng hay sao mà lắm bạn nhớ đến mình thế!
Câu nói khôi hài làm cho Lương nhách một nụ cười, chàng lạnh
lùng đón bọc báo, thư rồi thong thả đi vào trong nhà. Một lúc sau, chàng lại ra
đứng lảng vảng bên Chi như có điều gì lo lắng. Thấy bạn thở dài, chàng vỗ vai,
sẽ hỏi:
- Em có điều gì buồn?
- Không!
- Em nói dối. Em nên biết rằng nếu em đã coi anh là người bạn
trung thành thì không nên dấu diếm nhau điều gì mới phải.
Nghe lời trách âu yếm, Chi ngước mắt nhìn Lương, nét mặt lộ vẻ
chua xót vô cùng. Nàng nhớ ra, buồn rầu đáp:
- Không biết tại sao bây giờ em thấy chán nản lạ. Em chỉ muốn
chết thôi, còn sống ngày nào còn khổ ngày ấy.
Lương cười gượng:
- Em có những ý tưởng lạ quá, vẩn vơ, vơ vẩn thực buồn cười.
Thì ra bây giờ em đã sinh yếm thế.
Chàng không hiểu nỗi băn khoăn trong lòng ngưòi bạn gái nên mới
thốt ra nhời buộc tội ấy. Thực ra, Chi có chán đời, ủy mị đâu? Trong lúc đang bối
rối về một việc khó khăn, dầu người kiên nhẫn, yêu đời đến bực nào chăng nữa
cũng lắm khi thốt ra những lời tuyệt vọng như Chi. Mà thực vậy, lúc nhận được bức
thư của cố nhân, nàng xúc động lạ lùng, biết đâu lúc đó nàng lại chẳng tha thứ
cho người yêu mà muốn cùng nhau chắp lại tơ tình. Những lời dịu ngọt an ủi của
Lương chỉ làm cho nàng thêm đau khổ.
Có lẽ số phận nàng đến ngày hôm ấy là phải chịu đau đớn e chề.
Thần Tình ái hình như đã xếp đặt trước mọi sự hình phạt để kết liễu cuộc tình
duyên khe khắt. Đang lúc phân vân khó nghĩ, Chi chợt nghe tiếng con kêu khóc ở
sau nhà: Thằng Ân thực là con ma ám ảnh nàng trong những khi bối rối. Một lúc
sau, con sen đã bế nó lại mà phụng phịu với nàng.
- Thưa bà, cậu ấy cứ đòi bà, con dỗ thế nào cũng không nín.
Chi cau mày nói:
- Mang nó ra đàng sau kia, mặc nó!
Thì thằng Ân càng khóc to:
- Me ơi! me ẵm con.
- Mặc nó. ẵm cả ngày, ai ẵm được. Mày bỏ nó xuống đất kia.
Ân thấy mẹ hắt hủi thì lại chu chéo lên, đạp dẫy lung tung.
Nó đạp mạnh đến nỗi con sen không tài nào giữ nổi, phải bỏ xuống đất. Được thể
nó càng dẫy đành đạch như con cá nằm trên thớt, miệng hét lên khản cả tiếng.
Không cầm lòng được nữa, Chi ứa nước mắt, ôm xốc con lên nức
nở:
- Thực khổ tôi quá!
Rồi thấy thằng Ân còn hờn, khóc lai nhai mãi, nàng mới thốt
ra một lời đau đớn hơn tiếng khóc:
- Con với cái! Trời thực chẳng thương tôi.
Thằng Ân quả thực là đứa con tai ác đủ đường. Nghe mẹ nói nặng,
nó lại khóc chu chéo lên rất thiểu não. Trước kia, lúc còn chưa biết nói, nó lại
ngoan hơn. Nhất là mấy hôm nay nó bỗng sinh vòi vĩnh lạ thường, làm cho Chi vừa
tức giận, vừa đau đớn chỉ muốn oà lên khóc.
Nghẹn ngào, Chi ôm sốc con vào trong nhà, rồi vừa du nó xuống
đất vừa quát lên:
- Có im cái miệng đi không nào!
Thằng Ân lại quần quại trên sàn nhà. Giận quá, Chi vùng xuống
bếp lấy một thanh củi toan đánh đòn. Nhưng lúc chạy lên thì thấy Lương đang ôm
nó trên tay và vuốt ve dỗ dành một cách dịu dàng, âu yếm, nàng lại vứt roi đi, ứa
hai hàng nước mắt.
Hồi lâu, khi đã bớt nghẹn ngào, nàng lặng lẽ đến gần đón lấy
con rồi nức nở một mình:
- Con nên thương me chứ. Nín đi, chóng me yêu, chứ sao lại cứ
làm khổ me lắm thế, hở con!
Lời than thở đầy nước mắt văng vẳng bên tai Lương ảo não như
tiếng ca ai oán. Chàng động lòng quá, se sẽ cất tiếng gọi "Em Chi! Em
Chi!" rồi chợt nghĩ ra một kế, chàng vội vã chạy vào buồng ăn lấy hộp bánh
"bích quy" ra đưa cho nó vài cái. Nhưng thằng Ân đã thèm đón ngay
đâu, nó còn nguây nguẩy làm cao, mãi lúc Chi ngọt ngào dỗ, nó mới cầm và nín
khóc. Lương thở dài:
- Giá mà anh có tài chữa Ân thành một đứa trẻ ngoan ngoãn thì
sung sướng biết bao!
Rồi theo trào lưu tư tưởng, chàng nói lan man: Lại còn biết
bao nhiêu người tin anh, giao tính mệnh cho anh mà lắm khi anh phải phụ lòng:
như lắm bận, vì không thấu suốt được căn bệnh hay định bệnh không đích xác,
thành thử sau đành giương mắt nhìn người hấp hối...
Nghề làm thuốc đã chẳng chữa được hết những sự đau đớn của
loài người thì anh nào có thể thấu được hết khổ tâm của em. Vì thế, anh có dám
làm điều gì trái ý em đâu, anh cũng biết là em đã khổ nhiều vì anh rồi, em ạ!
Giọng nói thong thả, dịu dàng và nét mặt nghiêm trang mơ mộng
đủ tỏ là lúc ấy Lương cảm thương Chi vô hạn. Nhưng nghe lời chân chính ấy, Chi
vẫn hững hờ không mảy may thương xót. Nàng ôm chặt con vào lòng rồi âu yếm bảo:
- Mẹ yêu con quá! Con tôi ngoan quá!
Nàng khen con là vì lúc đó nàng nghĩ đến cha nó, chứ thực ra
thằng Ân có ngoan ngoãn bao giờ...
III
Ngay chiều hôm ấy, Chi mang con lại phố sông Tô Lịch, nơi Tú ở.
Bước chân xuống xe, Chi bàng hoàng như người mới chợt ngủ dậy trong hôm mưa dầm:
trời mới về chiều đã tưởng là sáng hôm sau. Nàng ôm chặt con vào lòng mà suýt
soa, tuy không lạnh.
Đứng lưỡng lự một lúc, Chi mới gõ cửa. Một cô bé xinh đẹp,
lách mình ra ngoài hai cánh khép, mỉm cười và hỏi nàng bằng thứ giọng rất ngây
thơ:
- Chị hỏi gì ạ?
- Anh... ông Tú có nhà không em?
- Có, mời chị vào trong nhà.
Chi vào khỏi thì cô bé cũng khép cửa lại, rồi tươi cười:
- Chị có phải là em anh Tú không?
- Phải! Sao em biết?
- Em đoán thế. Chị mới ở Hưng Yên lên phải không?
- Phải.
- Chị lên thăm anh Tú?
- Phải.
Đến đây, thì cô bé như đã thỏa tính tò mò, vui vẻ bảo Chi:
- Được, thế chị hẵng đứng đây nhé! Để em báo tin cho anh Tú
đã. Chắc anh ấy mong chị lắm đấy.
- ừ, em lên đi.
Cái thái độ ngây thơ, thân mật của cô bé làm cho Chi bỗng
nhiên như thư thái trong lòng. Nàng cảm thấy từ nay đời nàng cũng sẽ vui tươi.
Người ta, sau mấy năm xa cách nhau, bao giờ cũng có lòng tha
thứ đối với lỗi lầm khi trước. Thời gian thường làm cho ta quên sự khổ sở đã
qua. Ta có ghi nhớ họa chăng chỉ những khi sung sướng xum vầy. Vậy, Chi đến
thăm Tú không phải là để hỏi tội chàng mà để cùng nhau than thở vì nỗi đắng cay
trong mấy năm trời xa cách.
Còn đang bâng khuâng nghĩ ngợi thì cô bé đã chạy xuống, nói
khôi hài:
- Em đã bảo anh ấy rồi. Nhưng chị có phải là chị Chi thì mấy
được lên!
Chi mỉm cười, đặt tay lên vai cô bé, âu yếm hỏi:
- Sao em biết tên chị?
Thì cô ta đưa mắt nhìn nàng một cách rất "lẳng lơ"
mà thỏ thẻ:
- Em vừa hỏi anh Tú xong.
- Khá lắm! Còn em? Em tên là gì?
- Chị hỏi anh Tú thì sẽ biết.
Nói xong, cô bé vùng chạy xuống dưới nhà, có vẻ sung sướng
như nhà thi sĩ mới làm được bài thơ hay. Chi cũng sung sướng nhìn theo, chờ khi
bóng cô đã khuất mới thong thả trèo lên gác.
Đi trên cầu thang, nàng bỗng sinh lòng lo sợ vẩn vơ và rờn rợn.
Nàng hồi hộp hơn nữa khi đã trông thấy Tú ngồi trên giường mà nhìn về phía mình
đi.
Hai người lặng lẽ nhìn nhau, cùng mấp máy cặp môi chào. Rồi
sau những phút cảm động, Chi vội vã ẵm con tiến lên chỗ Tú ngồi. Nhưng, gần tới
giường không biết tại sao nàng đứng lại đăm đăm nhìn Tú...
Quả thật như lời nói trong thư: Tú bây giờ chẳng phải là
chàng thiếu niên trai tráng, vui tươi thuở nọ: dung nhan đã tiều tụy, thân thể
lại gầy gò như người ốm nặng đã lâu. Nhưng, khi đã yêu ai thì người ta thường
hay nghĩ đến tính hạnh, đến những cái đáng yêu của bạn tình hơn là dung mạo bề
ngoài. Cho nên trong lúc thấu suốt được sự biến đổi cả tinh thần lẫn thể chất của
người xưa, Chi không chán nản, nàng nghĩ đến sự ân ái đã qua... Xưa kia, trên hồ
bán nguyệt nàng đã tỏ cho Tú những giấc mộng ngày xuân... Xưa kia, nàng đã phải
bao phen vì chàng mà thổn thức! Sự ân ái ấy đã qua rồi mà Chi còn cảm thấy biết
bao hương vị nồng nàn. Thì, nửa vì thương hại Tú, nửa thương thân mình, nàng
nghẹn ngào:
- Đây, anh đón lấy con!
Tú cũng ứa lụy giơ tay run run ra đón thằng Ân nhưng nó lại
nhè mồm, nhất định không theo. Chi gượng cười, nói nựng:
- Thầy em đấy mà! Sao em lại không theo?
Khốn thay! Thằng Ân nào có biết ai là cha nó. Từ lúc lọt lòng
đến nay, nó mới nghe mẹ nói đến tiếng thầy là một thì nó hiểu sao được, nên ngẩn
mặt ra nhìn người lạ mặt, môi mím chặt vào nhau trông rất ngộ.
Lúc ấy, Chi nghiêm nghị như một người đang lo tính việc quan
trọng. Nàng lặng lẽ ngồi xuống, nét mặt đăm đăm có vẻ suy nghĩ mơ màng. Hồi lâu
nàng kể lể:
- Giá ngày ấy anh thương tôi một chút thì đâu đến nỗi phải khổ
sở như ngày nay... Nhưng thôi, anh ạ.
Nàng ứa nước mắt khóc. Rồi gạt nước mắt nàng gượng cười:
- Nhưng thôi! Nhắc lại làm chi những sự lỗi lầm khi trước.
Anh khổ đã nhiều mà em cũng gian nan vất vả. Ngày nay đời em vẫn lênh đênh như
thuyền không lái. (Chi gạch hai chữ lênh đênh bằng một tiếng thở dài não ruột.)
Thực em giận anh không để đâu cho hết, nhưng rồi đây nếu em vẫn... thì thằng Ân
sẽ...
Chi chưa nói được hết câu, giọt lệ đã ngập ngừng trong mắt.
Nàng bỗng nghĩ tới Lương, nên đau lòng quá, chỉ muốn khóc oà lên.
Vì nàng thương con, nên mới thương lây cả cha nó. Thằng Ân đẻ
chưa khai thì ngày sau lớn lên, lúc đã cắp sách đi học, biết làm thế nào cho nó
khỏi tủi thân. Cái tiếng con đẻ hoang chỉ có một mình cha nó là rửa sạch được
thì dẫu nàng oán giận đến đâu chăng nữa cũng không nỡ tận từ với Tú, huống chi
nàng vẫn còn yêu...
Nhưng còn Lương? Chi sao nỡ phụ chàng? Phụ chàng mà trở lại với
người xưa, Chi sẽ hóa ra một đứa vô ân, bất nghĩa?
Đang lúc phân vân, Chi bỗng tìm ra một cớ để tự tha thứ cho
mình! Nàng thầm nghĩ: "Ngày mới quen biết nhau, anh ấy còn không cần đến
tình yêu xác thịt, ngày nay chắc anh cũng chẳng hẹp lượng gì mà không vui lòng
cho ta tái hợp với Tú. Huống chi, độ này anh lại có ý hờ hững với ta. Biết đâu
Lương chẳng mong mình đi cho khuất mắt!"
Nghĩ vậy, nàng thở dài hỏi Tú:
- Chả hay bây giờ anh có thương đến đứa con gái khốn khổ này
không?
Tú nghẹn ngào:
- Tôi còn sống đến nay cũng chỉ vì mong được thấy tung tích
em... chứ nếu...
- Nếu em chết rồi thì có lẽ anh đã tự sát để theo em rồi đấy
nhỉ?
Nói xong, Chi thở ra thực mạnh, rồi lại tươi cười hỏi:
- Em đã xóa bỏ những lỗi lầm của anh khi xưa rồi đó, chẳng
hay anh có muốn cùng em xum họp như em đã nói với anh độ trước hay không?
Tú sửng sốt nhìn Chi:
- Thế ra em cũng chưa...? Ông Lương là thế nào với em?
Nàng thở ra, sẽ đáp:
- Bạn đó thôi.
Rồi gượng cười, cái cười ngụ ý cảm động sung sướng, nàng tiếp:
- Chuyện, em kể thì dài lắm, mà rất khác đời. Từ ngày chúng
ta từ biệt nhau, em đã gặp nhiều sự lạ lắm. Thực là một thiên tiểu thuyết ly kỳ!
Rồi Chi thuật lại chuyện mình cho Tú nghe. Nàng khen ngợi
tính quân tử của Lương nhiều lắm. Nhất là việc giả say rượu để thử lòng và lúc
mẹ con bị khốn quẫn phải mời Lương đến chữa bệnh. Xong, nàng kết luận:
- Đấy anh coi! Có bao giờ em quên được anh đâu. Em còn đau khổ
đến nay cũng chỉ vì... (Chi nức nở) Anh ơi! Anh có biết là em vẫn chung tình với
anh?...
Nghỉ một lúc cho bớt nghẹn ngào, nàng lại se sẽ tiếp như nói
một mình:
- Chung tình? Em mà lại chung tình với anh? Thực là khó tin
quá, anh đã là chồng em đâu? Nhưng thực ra em chịu sống cô độc cũng chỉ vì anh,
vì thằng con đó. Em cũng không hề nghĩ đến điều ấy, nhưng bây giờ ngồi trước mặt
anh, em mới chợt hiểu lòng em chỉ vì em vẫn yêu anh...
Nói đoạn, nàng đăm đăm nhìn Tú. Có lẽ lúc ấy, nàng nghĩ đến sự
xum họp mai sau vì hai má nàng hồng hào tươi tắn, cặp mắt đen trong sáng cũng lộ
vẻ say đắm lạ thường. Lòng Chi lúc ấy lai láng biết bao tình âu yếm nồng nàn!
Nàng vui sướng như người quả phụ thấy chồng sống lại, trong giấc mơ.
Rồi sau lúc quá say sưa, Chi âm thầm bảo Tú:
- Bây giờ em hãy viết thư từ biệt anh Lương đã. Chắc anh ấy
buồn vì em lắm nhưng mặc kệ, em chỉ biết có anh thôi.
Nói xong, nàng cười nụ, ôm thằng Ân đặt xuống gác và lấy con
dao dọc giấy trên bàn cho nó chơi, đoạn, nàng ngồi viết cho Lương mấy hàng này:
"Thưa anh,
Xin anh đại xá cho sự đường đột của em, vì ngày nay em đã phụ
anh để trở lại với người yêu năm trước. Bức thư hôm nọ em đọc ở trước nhà chính
là thư của Tú đó, anh ạ. Em thấy chàng hối hận vì đã làm cho em khổ sở một đời
thì, ôi! Cay đắng, em vội tha thứ cho bạn ngay và đã tính đường cùng anh ly biệt...
"Anh ơi, anh nên nghĩ đến nông nỗi đau lòng của mẹ con
em vì nếu em, không trở lại với Tú thì thằng Ân suốt dời sẽ mang tiếng con đẻ
hoang, mà tha thứ cho người bạn gái khốn khổ."
Viết xong, nàng gập lại bỏ vào túi rồi đến bên Tú mà nói với
chàng :
- Anh trông con hộ em một tí nhé. Để em về nhà thu xếp cho
chóng xong. Sau em lại đến; mà đêm nay anh cho em ngủ trọ ở đây nhé!
Nghe giọng nói và dáng điệu lẳng lơ, Tú chợt nghĩ đến Tâm,
người đã làm cho chàng khánh kiệt gia tài thì cảm động, chàng cầm lấy tay Chi
và thổn thức:
- Em tử tế quá. Anh thực không ngờ em lại... Trong lúc mê man
hạnh phúc, Tú quên bẵng là mình hiện đang mắc bệnh lao trầm trọng.
IV
Tối hôm ấy, Lương vừa về đến nhà thì bác tài Năm đã ở dưới bếp
chạy lên, hớt hải báo cho chàng cái tin đau đớn:
- Thưa ông, không biết tại sao lúc chiều bà ẵm cậu đi chơi đến
tận sẩm tối mới về; bà về một mình, không có cậu Ân; rồi được một lúc, lại cắp
gói ra đi nữa và bảo tôi đưa cho ông bức thư này.
Lương lạnh lùng đón tờ giấy gập tư của bác Năm đưa cho, hình
như có điều gì lo nghĩ. Quả vậy, đọc xong mấy hàng chữ Lương chưa kịp thở dài,
thì bỗng nghe tiếng chuông gọi cửa liên hồi. Một lúc sau, bác Năm trở vào, hốt
hoảng nói:
- Thưa ông, có bà nào cầm dao!
Lương cũng giật mình sợ hãi, nhớn nhác nhìn ra cửa. Chàng lắc
đầu, nét mặt có vẻ khổ sở, tuyệt vọng vô cùng. Rồi bỗng nhiên, chàng hầm hầm tức
giận, lẩm bẩm nói một mình:
- Tao lại phải cho mày một bài học nhã nhặn chứ chẳng không!
Nhưng chợt nghe tiếng hầm hè và nghiến răng ken két, chàng bỗng
mất hết can đảm và hấp tấp chạy lên gác vào buồng Chi mà đóng chặt cửa lại.
Dưới nhà, bà khách, một người thiếu phụ xõa tóc tơi bời, hai
mắt trợn trừng trông rất dữ dội, đang giơ dao sấn sổ với bác Năm:
- Ông ấy đâu? Ông ấy đâu?
Bác Năm vẫn lễ phép trả lời:
- Ông tôi đi chơi chưa về.
- à, mày nói dối
Nói đoạn, người thiếu phụ như điên cuồng, chạy bổ đi tìm
Lương khắp nhà dưới rồi lên gác, tay phải vẫn cầm con dao sáng loáng, miệng thì
hầm hè như con thú dữ mất con. Đến cửa buồng ngủ của Chi, người đàn bà khốn nạn
vặn quả đấm, đẩy ra không được thì hét lên những tiếng thảm thương ghê gớm:
- Nó ở đây rồi, ông đền mạng con tôi đi. Trời ơi là trời!
Lương ở bên trong, tuy tức giận nhưng cố gượng đứng im để mặc
cho nàng kêu gào phá phách. May sao lúc ấy có hai người đàn ông lên ngăn cản.
Người đứng tuổi, ăn mặc sang trọng, vừa dằng lấy con dao trong tay vợ vừa làu
nhàu:
- Mợ lạ quá! Bệnh nó chết thì ai làm thế nào cho khỏi được. Mợ
hung hăng như thế chỉ tổ cho hàng phố chê cười thôi. Thực vô lý quá! Cũng may
mà ông đốc đây là người nhã nhặn chứ mợ cầm dao vào nhà ông, ông ấy lại không
có quyền tống mình ra cửa hay sao?
Đoạn chàng lại quay mặt về mé cửa buồng:
- Xin ông tha lỗi cho sự vô lễ của nhà tôi. Khốn nạn, chỉ tại
đau đớn vì con nên mới hóa điên cuồng như thế.
Nhưng bà vợ vẫn dẫy rụa kêu gào:
- Chính nó giết con tôi. Khốn nạn, nào có bệnh tật gì cho
cam. Vừa mới sáng ngày nó hãy còn nguây nguẩy mà đến chiều đã... Trời ơi! Quân
giết người!
Mãi đến lúc tiếng rền rĩ của bà khách đã im hẳn, Lương mới
dám cử động. Chàng nằm vật xuống giường như một kẻ tuyệt vọng, chán đời rồi, tủi
thân, chàng ứa hai hàng nước mắt...
Ôi! Quanh mình Lương chỉ có những kẻ chực giết chàng. Người chàng
kính yêu đã tận từ ân nghĩa, mà kẻ kia được chàng săn sóc, chạy chữa cho có ngờ
đâu lại lăng mạ chàng là kẻ sát nhân và đòi đền mạng. Làm ân nên oán! Còn gì mỉa
mai chàng hơn nữa!
Hồi lâu, khi sự đau đớn đã dìu dịu, chàng mới ngồi dậy mà nghẹn
ngào tự nhủ:
- Ta giết người thực ư? Không có lẽ; ta đã án mạch cẩn thận rồi
mới kê đơn kia mà!
Nhưng sao thằng bé lại chết? Câu hỏi ấy lại làm cho Lương
thêm bối rối, chàng nào có biết sao; cái tiếng kêu thảm thiết: "Trời ơi,
quân giết người" vẫn còn văng vẳng bên tai như ở quãng xa xăm đưa đến... Rồi
chợt nghĩ đến những người chàng chữa mà chẳng may bị thiệt mạng, Lương bỗng như
nghe thấy tiếng rên rỉ đòi mạng của những oan hồn... Sợ hãi chàng vội quờ quạng
tìm cái khuy bấm đèn. Rồi khi ánh sáng đã bật lên, chàng thở dài, ngơ ngác nhìn
quanh như mới thoát khỏi một sự hiểm nghèo...
Mấy cái áo màu, Lương may cho từ mấy hôm trước, Chi không
mang theo nên trong lúc vội vàng, nàng bỏ ngổn ngang trên đệm. Nhìn đống áo,
Lương bỗng sực nhớ đến Chi nên vội rút bức thư trong túi ra đọc lại.
Lúc ấy chàng đã hơi bình tĩnh nên không đem lòng oán giận
tình nhân. "Biết đâu lúc cầm bút viết cho ta, Chi lại chẳng đau đớn vì tự
biết mình bội bạc. Phải, chỉ người thủy chung mới có tình yêu chuyên nhất.
Nàng, đã vì tình thủy chung đáng kính ấy mà phải phụ bạc ta, ta sao nỡ trách
nàng."
Tự nhủ vậy, Lương thở ra, nói một mình:
- Hừ, không biết anh chàng ấy khéo tu từ kiếp nào mà vớ được
người tình nhân hiếm có thế, chỉ đáng thương cho ta, ta thực là một đứa vô
duyên!
Rồi trầm ngâm một lát, chàng lại tiếp:
- Trời! đáng thương thay... Nhưng ta với em đã vô duyên làm vậy
thì, em Chi ạ, từ nay anh mong rằng đời ta không còn gặp nhau nữa, anh xin
thành tâm chúc cho em được sung sướng với chồng con!
Lời nói nửa ngụ ý thiết tha, nửa đá giọng khôi hài, đủ tỏ là
Lương chỉ muốn quên và tha thứ cho người bạn gái. Giá Chi cứ lặng lẽ ra đi, đừng
đả động gì đến sự tái hợp với cố nhân thì có lẽ chàng cũng coi là một sự dĩ
nhiên mà yêu Chi trong "mộng tưởng" như xưa được. Nhưng khốn thay!
Nàng đã vô tình nói rõ cho Lương biết, cái ý tưởng ghét ghen với người tốt số
hơn mình lại làm cho tấm tình hờ hững của Lương bỗng trở nên tha thiết...
...Chàng muốn quên nhưng tự biết là không thể dứt tình ngay
được thì chàng lại buồn rầu, rưng rưng muốn khóc. Rồi chợt trông thấy tấm ảnh
người mẹ yêu quý treo trên tường, chàng lại ngậm ngùi nhớ tiếc tuổi thơ ngây.
Ngày ấy chàng sung sướng biết bao nhiêu. Thuở bé, Lương vốn là một đứa trẻ
ngoan nên được cha mẹ rất đỗi thương yêu. Đời thiếu niên của chàng êm đềm trong
sạch như một buổi sáng hè hiu hiu gió. Mãi đến năm 23 tuổi, chàng mới phải thất
vọng lần đầu, thất vọng, vì cái chết bất ngờ, thê thảm của người vợ trong tối
tân hôn. Từ đó trở đi, chàng quyết ý gác bỏ chữ tình ra ngoài cuộc đời hoạt động.
Đã tưởng không bao giờ chàng còn khổ sở vì tình nào ngờ...
Nào ngờ đâu chàng bỗng gặp Chi! Con người tệ bạc ấy đã cợt
trêu chàng trong mấy năm nay lại nỡ tận từ ân nghĩa. Nào ngờ đâu đã bao nhiêu
năm vui cùng nghề nghiệp, chẳng có điều trở ngại nay bỗng có người buộc cho
chàng cái tiếng sát nhân. Trời! chàng nặng lòng thương người khốn khổ nào họ có
biết đến ơn chàng.
Rồi từ chuyện nọ nhảy sang chuyện kia, Lương lại nghĩ đến cái
mộng êm đềm cái "lý tưởng" mà chàng đã ôm ấp bao lâu trong tâm trí, với
nghề làm thuốc chàng đi phiêu lưu, để chữa bệnh cho mọi người, kẻ nghèo khó thì
cũng chữa cho không.
Chàng lại nhớ đến những đêm trong sáng cùng mấy anh em đóng
trại trên trái đồi u tĩnh... thì lòng yêu mến tạo vật bỗng làm cho chàng nhớ tiếc
sự sống tự do, đầy sinh thú...
- Đi! Phải đi!
Bao nỗi buồn rầu chất chứa trong lòng người thiếu niên bỗng
theo tiếng goi của núi sông mà tan đi mất. Lương như nhẹ hẳn người, buông một
tiếng thở dài khoan khoái.
Ngay lúc ấy, bác Năm ở dưới nhà chạy lên, cất tiếng sẽ hỏi:
- Bẩm, ông có sơi sữa để con pha?
Lương cau mặt đáp:
- Không, tôi không ăn!
Thì bác Năm có ý buồn rầu lo ngại...
- Bẩm, nếu ông nhịn đói, mai làm việc thế nào được?
Nghe giọng nói dịu dàng, Lương cảm động ngẩng lên đăm đăm
nhìn tên đầy tớ trung thành, tự nhủ: "Được lắm! anh thực là người có
nghĩa, biết thương chủ trong lúc lo buồn. Hừ! có lẽ ở trên đời này chỉ có anh
là biết ơn ta mà thôi!
Nghĩ vậy, chàng cất tiếng nhẹ nhàng sẽ gọi:
- Anh Năm!
- Dạ!
- Anh vẫn còn thức đấy à?
- Bẩm vâng, còn sớm lắm. Ông sơi sữa để con pha?
- ừ, mau lên nhé
Bác Năm quay đi, chàng gọi lại:
- Này anh Năm!
- Dạ.
- Tôi sắp đi đây... anh hãy ở đây nghe tôi dặn. Tôi bảo thế
nào anh cứ làm như thế, không được hỏi lôi thôi.
Trước hết, anh vào buồng thay áo soạn cho tôi những đồ dùng
Hướng Đạo cả quyển sách bìa đỏ anh cũng xếp vào trong "sắc" hộ. Cái
xe đạp của anh vẫn để ở nhà đấy chứ?
- Bẩm vâng.
- Thế anh cho tôi mượn và buộc cái gậy vào đấy để mai tôi đi
chơi; sáng mai anh bảo chúng nó nấu cơm thực sớm và nhớ đánh thức tôi dậy, nghe
không?
Đoạn, chàng rút chiếc ví ở trong bọc ra, lấy một tập giấy bạc
đưa cho Năm:
- Việc nhà, tôi nhờ anh trông nom giúp. Tôi đi những vài
tháng mới về.
- Bẩm ông, đi đâu ạ?
- Đi chơi! Thôi anh cứ theo đúng lời tôi dặn không được hỏi nữa.
Tảng sáng hôm sau, trên cầu sông Cái, một chàng thiếu niên vận
y phục Hướng đạo cỡi xe đạp vùn vụt đi! Ra đến giữa cầu, thấy gió hiu hiu mơn
man gò má và cảnh bình minh sán lạn, chàng cảm động cất tiếng hát bài "Lúc
đi lập trại".
Nhưng giọng hát của chàng chẳng phải là giọng hát vui cười
trong trẻo như xưa, nghe ra có vẻ đau đớn âm thầm...
V
ánh sáng phơn phớt của ngọn đèn điện phủ rua mầu hồ thủy tỏa
ra trong buồng như đồng hóa với bốn bức tường lơ nhạt.
Ngồi đối diện với người xưa, Chi sẽ vuốt ve con ngủ trong
lòng, hai mắt đăm đăm mơ mộng... khuôn mặt nàng tươi tắn phản chiếu ánh đèn lại
càng thêm tươi.
Hai người ngồi im như thế đã khá lâu. Bỗng Tú thở dài sẽ bảo:
- Em xử đại lượng với anh thực chỉ làm cho anh thêm tủi thẹn
vì anh không đáng làm chồng em. Một đứa bần tiện như anh nào có hay ho gì mà em
còn lưu luyến.
Chi ngắt lời:
- Sao lại bần tiện? Anh thực ít lòng tự ái!
Rồi, yên lặng một lúc nàng vừa cúi xuống hôn con, vừa âu yếm
tiếp:
- Mà dù anh có... chăng nữa em cũng chỉ biết là em yêu anh,
vì em đã có con với anh rồi...
Mấy tiếng "em đã có con" bỗng gieo vào lòng Tú một
cảm giác lạ lùng: nửa e thẹn nửa xót thương. Vì, chạnh tưởng đến sự bẩn thỉu
lúc nuôi con, chàng ghê tởm vô cùng, tưởng như nếu ở địa vị ấy, chàng không thể
nào chịu được.
Thế mà Chi vẫn vui, vẫn cam lòng chịu khổ...
- Trời! ta thực là một thằng khốn nạn.
Bao sự ghê sợ, cảm thương trong lòng, Tú bỗng nhiên thốt ra lời
tự mắng. Chi biết là chàng bị lương tâm cắn rứt nên ngọt ngào sẽ nhủ:
- Thôi! xin anh đừng nhắc lại chuyện xưa làm gì nữa. Chuyện
đã qua rồi thì hơi đâu mà nghĩ đến cho nhọc lòng. Ta có đau khổ nhiều mới biết
thương nhau...
Em khổ nhiều lắm rồi, nên bây giờ chỉ muốn vui, anh cứ nghĩ
quanh nghĩ quẩn mãi như thế thì em còn vui sao được, (Đến đây giọng nàng đổi ra
vẻ âu yếm nũng nịu.) Nay mai chúng ta đã được xum họp một nhà, sung sướng biết
bao nhiêu! Nếu anh cứ buồn, em giận cho đấy, đừng kêu.
Tú càng thêm chua xót, chàng nào có thể theo được ý người yêu
vì chàng đang mắc bệnh lao trầm trọng. Động lòng, chàng gục đầu xuống bàn mà sụt
sùi khóc.
Nhưng Chi nào hiểu thấu sự đau đớn của cố nhân! Nàng chỉ có một
định kiến là Tú bị lương tâm cắn rứt nên mới thảm thương như thế.
Vậy nên trong lúc Tú nước mắt đầm đìa thì trái lại Chi lặng lẽ
nhìn chàng hai mắt lộ vẻ nồng nàn vô hạn. Giá lúc ấy Tú ngẩng mặt trông lên thì
chắc phải cảm động vì cái nhan sắc đắm say của nàng. Hơn nữa nếu chàng đọc được
tư tưởng của người yêu thì có lẽ cũng say sưa hạnh phúc mà cùng nàng hoan hỉ
vì, Chi đương nghĩ đến sự ái ân "vô nghĩa" cũng như người quả phụ kia
ngồi mơ màng cái lúc hương đượm lửa nồng.
Mà sao nàng khác người quả phụ? Trong mấy năm xa cách, nàng
chẳng được biết thú mây mưa, chẳng hy vọng gì được tái hợp với người tình cũ
thì nào khác một người góa chồng ở vậy nuôi con?
Nhưng may sao! Tú lại trở về dương thế để cùng nàng chắp lại
tình xưa. Ôi hạnh phúc! Ngờ đâu người mà ta coi như đã chết, vẫn ở trên đời.
Tâm sự Chi lúc đó thực không khác gì người trinh phụ được tin chồng đã chết trận
mà một hôm, bỗng thấy trở về quê quán!
Nhưng chợt nhớ ra rằng Tú còn mỏi mệt vì nước da chàng xanh
xao quá đỗi, Chi lại thở dài tự nhủ: "Đời còn dài, hy vọng còn nhiều! Đi
đâu mà vội. Làm thế chả sợ con nó cười cho!" Rồi nàng ẵm con đứng dậy âu yếm
bảo tình lang:
- Em đi ngủ đây, mệt lắm rồi. Còn anh, anh nên bắt chước Quan
Công lúc bị giam trong trại quân Tào mà cầm đuốc chờ cho đến sáng để tránh sự
hiềm nghi, nếu không có đuốc thì cầm đèn cũng được.
Nói xong, nàng mỉm cười để lộ hai hàm răng trắng muốt như những
nụ ngọc lan rồi vui vẻ ôm con lên giường. Khi đã đặt thằng Ân xuống đệm, nàng
cũng nằm theo; một tay lồng xuống cổ con miệng thì xuýt xoa nói nựng ra chiều
âu yếm. Một lúc sau cả hai mẹ con đều ngủ say.
Ngồi tỳ tay vào gò má, Tú lặng ngắm người yêu trong lòng xiết
bao lo ngại. Mấy hôm nay vì trời ấm áp chàng không ho nên Chi vẫn chưa biết là
chàng mắc thứ bệnh hiểm nghèo. Ôi! nếu nàng hiểu rõ thì nào có thể vui sướng
như vậy được. Nghĩ lẩn thẩn, Tú lại tự trách mình sao chẳng nói ra từ trước để
cho nàng chán nản mà vui lòng làm bạn với Lương.
Chàng lại nghĩ đến cha mẹ, họ hàng, đến cái tội làm cửa nhà
tan nát.
Rồi từ đời ký vãng quay về đời hiện tại, Tú bỗng nghĩ đến
con.
Lúc nãy Chi đã nói với chàng: Chi không dám lấy chồng cũng một
phần vì thằng con đó. Như vậy có lẽ nàng đã miễn cưỡng gửi thân cho chàng vì
tình thương con quá nặng. Đối với lòng hy sinh cao quý ấy, chàng sao nỡ giữ
lòng ích kỷ để nàng phải vì mình mà bỏ phí ngày xanh!
Hơn nữa, cứ theo những sách nói về "sinh lý" thì những
đứa con đẻ hoang dù có trí thông minh đến đâu cũng chỉ là những phường gian ác;
thằng Ân sao tránh khỏi được cái lẽ đương nhiên ấy.
Trong lúc phân vân, người đa cảm thường hay để định kiến mê
hoặc, cái thuyết "di truyền tổ phụ" vừa nảy ra trong óc đã làm cho Tú
nhận thấy thằng Ân quả là một đứa con gian ác, từ tính hay vòi đến cặp mắt to
và sáng quắc, chàng đều cho là những nét đặc biệt của kẻ gian hùng.
- Trời ơi! Nếu thế Chi sẽ phải khổ sở suốt đời vì con, mà xã
hội sau này cũng thêm một con trùng độc. Ta biết làm thế nào mà cứu được nàng
ra khỏi vòng đau khổ? Ta biết làm thế nào mà trừ được cái vạ sau này?
Lời than thở thốt ra trong lúc lo buồn thương cảm đủ tỏ là Tú
muốn... trước khi nhắm mắt, cho xong đời thằng bé.
Giết nó đi chăng? Không, chàng không đủ can đảm làm cái thủ
đoạn gớm ghê ấy. Nhưng chả nhẽ chàng lại cam lòng để nó đầy đọa thân Chi?
May sao đang lúc băn khoăn lo sợ, Tú bỗng nghĩ đến cái tư tưởng
sâu sắc về đời người của một nhà triết học tây phương: người ta dù hư hỏng đến
đâu cũng có thể tu tâm cải quá được, chàng thở ra, nghĩ thầm: "Chính ta
đây, trước thế mà nay còn biết hối hận nữa là thằng bé con, nếu ta khéo dậy thì
may ra nó cũng thành người lương thiện."
Rồi chạnh tưởng đến bước đường mai hậu mà chàng đã phác họa
trong tâm trí, Tú cảm động lẩm bẩm nói một mình:
- Ta làm nên tội thì bây giờ phải mang cái trách nhiệm nặng nề
ấy chứ nào phải bỗng dưng đeo cái vạ vào mình.
Đêm đã khuya...
Tú càng ngẫm nghĩ càng xót xa vì nỗi niềm khe khắt. Sự xót xa
chứa trong tâm não lại như truyền vào gân cốt làm cho chàng mệt mỏi vô cùng.
Không gượng được nữa, chàng uể oải đứng dậy đến bên giường định nằm ngủ, nhưng,
không biết tại hữu ý hay vô tình, Chi lại nằm nghênh ngang ở giữa giường, thành
thử chàng lúng túng không dám đặt mình xuống. Mà hai mẹ con Chi đã thiêm thiếp
giấc nồng, chàng toan gọi bảo nàng nằm dịch vào trong nhưng lại không dám, đành
se sẽ nằm ghé bên mép giường.
Một lúc sau, vừa sắp thiu thiu ngủ thì bỗng nhiên Tú ngã lăn
từ trên giường xuống sàn gác. Chàng vừa đau đớn, vửa tủi thân, chỉ muốn khóc
òa. Nhưng chàng bỗng tỉnh táo không muốn ngủ nên nữa lặng lẽ đến bên bàn giấy
viết cho Chi bức thư từ biệt.
Bức thư ấy như sau này:
Mười hai giờ đêm, trong lúc em yên giấc;
Em CHI,
Dù anh có ích kỷ đến đâu chăng nữa, anh cũng không thể nào
cùng em chung sống được, vì, khổ tâm cho chúng ta quá, anh hiện đương mắc bệnh
lao, chỉ một vài năm nữa sẽ không còn ở trên đời này. Nếu lúc đó chúng ta đã
thành chồng vợ thì đời em sẽ ra sao?
Vì vậy anh phải trốn ra đi... Khốn nạn! Sao từ lúc đến thăm
anh, em vui thế. Nhưng thấy em vui, anh chỉ khóc ngấm, than ngầm, than cho cái
duyên kiếp tàn tệ của đôi ta...
Nhưng anh lại nghĩ rằng: trời không cho chúng ta được xum họp
là một sự chí công vì nếu cha con anh mang nhau đi, anh biết lắm, thì em sẽ được
hoàn toàn vui sướng. Mất thằng Ân, em sẽ không đau đớn, vì nó nào phải là một đứa
trẻ ngoan để những lúc vắng bạn thân yêu, em cùng nó tỉ tê trò truyện. Anh đã
quan sát diện mạo và cử chỉ của nó thì biết là nó sẽ trở nên một đứa gian hùng,
một thằng ăn cắp như anh.
Đọc đến đây chắc em cũng bồi hồi thương tiếc cha con anh.
Cũng đau đớn vì đứa bạc bội này mà có lẽ phải sa hai hàng lệ, nhưng anh tin rằng
rồi em sẽ hiểu lòng anh. Em ơi! Anh nỡ lòng nào để cho em phải vì một người vô
dụng mà bỏ phí ngày xanh. Em khổ sở đã bao lâu vì thằng con đó thì ngày nay xin
em trả lại nó cho anh mà an hưởng cuộc đời tự do trong sạch.
Hai cha con mang nhau đi đâu, em cũng chẳng nên nghĩ đến làm
gì. Nhưng anh xin nói để em an lòng: trong những ngày còn sống, anh sẽ tận tâm
dậy dỗ và truyền cho nó bệnh lao... Anh sẽ cho nó hít những trùng ghê tởm chứa
trong hơi thở anh vào phổi nó để trừ một đứa gian hùng tương lai cho xã hội.
Thôi, em quên đi nhé! Đừng nghĩ đến anh nữa. Anh đã làm hại một
đời em thì bây giờ anh xin trả lại em nhưng ngày xanh vui sáng.
Rồi một buổi chiều đông, trong một căn nhà lá ở thôn quê, một
người đàn ông còn trẻ, tay ôm đứa con hấp hối mà chính mình cũng hấp hối như
con, nhưng trước khi thở hơi cuối cùng, chàng ta còn cầu nguyện cho người bạn
gái thân yêu mọi sự sung sướng ở đời.
Người yêu em
Tú
Bức thư tuy vắn tắt song Tú viết lâu. Mà lúc đó chẳng biết
chàng có thương tiếc Chi không, nhưng nét mặt nghiêm trang và nghĩ ngợi đủ tỏ rằng
chàng tin là việc mình sắp làm có một ý nghĩa thiêng liêng, chàng cảm thấy đời
Chi sẽ vui tươi rực rỡ.
Mà cũng bởi thế nên khi buông bút, Tú động lòng quá, bưng mặt
khóc sụt sùi...
VI
Sáng hôm sau, lúc Chi sực tỉnh thì trời đã rạng đông. Người
mà nàng nghĩ đến trước tiên là Tú, chồng nàng, người chồng theo tâm tưởng. Rồi,
không thấy Tú nằm bên cạnh nàng lại mỉm cười, tung chăn trỗi dậy, nét mặt có vẻ
bẽn lẽn khôi hài.
Giấc ngủ ngon trong đêm ấy đã làm cho tinh thần người thiếu
phụ được tỉnh táo. Nàng tươi như đóa hoa nở về ban sáng.
Nàng vẫn nghĩ đến người yêu... Tần ngần nhìn góc giường bỏ trống,
trong óc Chi bỗng nảy ra một ý tưởng ngồ ngộ. Nàng thở ra, lẩm bẩm nói một
mình:
- Chả biết hôm qua anh chàng có ngủ hay không? Hay lại bắt
chước Quan Công thật?
Rồi thấy hơi lạnh như ngấm vào thịt da, nàng rùng mình một
cách sung sướng.
Phải, Chi sung sướng lắm... Nàng có vẻ cảm động, nũng nịu và
tình tứ như một cô dâu sắp đến tối tân phòng. Nhưng ngao ngán biết bao! Khi
nàng ngó ra ngoài màn xem Tú ở đâu thì một cảnh bỗng làm cho nàng cảm động:
Trên mặt bàn kê sát giường, Tú nằm ngủ, chân bỏ thõng, tay chắp
lên ngực, miệng há hốc như một cái thây người. Thốt nhiên Chi hối hận, lẩm bẩm
tự trách mình vô ý. Nàng cảm thương Tú quá nên vùng trỗi dậy đến bên bàn sẽ
nâng đầu Tú lên âu yếm gọi:
- Anh, anh dậy đi... trời sáng rồi!
Mở mắt ra trông thấy Chi, Tú thở dài như lo lắng rồi sẽ cầm
tay nàng mà nhìn châng châng... Chàng thực không ngờ rằng Chi lại tình tứ, ngây
thơ đến thế được.
"Giấc mộng ngày xuân" mà xưa kia chàng tỏ lời mơ ước
trước bạn hiền ngờ đâu nay lại thành sự thực... Đây, cũng một buổi sáng xuân,
cũng lúc vừa tỉnh dậy người yêu đã âu yếm nâng đầu. Nhưng than ôi! Lòng ai
riêng say sưa mà chàng thì chỉ thêm tê tái.
- Dậy đi anh!
Trời ơi! Có biết bao tình tứ nồng nàn trong lời nói tiếng cười,
trong cái hơi thở nhịp nhàng kia.
- Em!
- Dạ! thôi, dậy đi anh!
- Anh mệt lắm.
- Nhưng cũng phải dậy chứ, ai lại nằm ngủ như thế này không!
Rồi nàng thỏ thẻ trách:
- Chết thật! Hôm qua em ngủ quên đi lúc nào không biết, chẳng
để chỗ cho anh nữa. Chào! Thế mà không gọi!
Đoạn, nàng nâng mạnh đầu Tú lên, sẽ nói:
- Nào, dậy đi, dô ta!
Khi Tú đã ngồi dậy hẳn, nàng mới rụt tay ra rồi bẽn lẽn ngồi
xuống ghế, lấy hộp lược, gương ở trong ngăn kéo ra chải đầu và đánh phấn. Xong,
nàng ngẩng lên thấy Tú vẫn ngồi bó gối trên bàn mà ngẩn mặt ngắm mình thì bật
cười nói:
- Kìa! Anh làm sao mà ngẩn ngơ như chúa tàu nghe kèn ấy thế!
Như tỉnh mộng, Tú giật mình, thò chân xuống đất, luýnh quýnh
tìm giầy. Chi tụt đôi dép nan ra cho rồi vui vẻ đến giường con. Tú thấy bàn
chân trắng nõn của người yêu in vết lên sàn đày cát bụi thì ái ngại nói:
- Thôi, em cứ đi, không lại lấm chân. Anh xót ruột lắm.
Chi cười nụ, âu yếm đáp:
- Được, em đã có giầy. Mà, trong mấy năm nay "gót ái
tình" bùn pha sắc xạm còn được nữa là... vài hạt bụi cỏn con.
Câu nói khôi hài ý vị làm cho Tú cũng vui vui. Chàng mạnh mẽ
nhảy xuống đất rồi se sẽ bảo:
- Chi không rửa mặt à? ở bẩn thế!
Chi đáp:
- Thôi, có ở bẩn thế em mới được sống lâu mà hầu hạ anh.
Nàng vui sướng quá, nên lúc nào cũng bông đùa. Khi Tú đã đi
khỏi ra sân rồi, nàng lại muốn trêu ghẹo nên rón rén theo sau, định dọa cho Tú
giật mình. Nhưng kinh ngạc biết bao! Nấp sau bức tường, nàng vừa toan mở miệng
nói thì thấy Tú gục đầu xuống tường mà nức nở khóc... Thì vẻ vui tươi, bỡn cợt
trên khuôn mặt Chi cũng dần dần biến đi mà đổi ra vẻ ngơ ngác, bàng hoàng. Rồi
sợ Tú biết, nàng quay về chỗ cũ.
Một lúc sau Tú cũng trở vào. Đợi cho chàng mặc quần áo xong
và đến đứng bên mình, Chi mới thở dài, bảo bạn:
- Sao anh lại khóc?
Tú ấp úng trả lời:
- Không, anh khóc bao giờ? Em nói oan cho anh!
- Anh không nên nói dối em như thế. Chúng ta phải vui vẻ mà sống
chứ, khổ sở như vậy còn chưa chán hay sao? Lúc nãy thấy anh khóc, em thực lấy
làm buồn, chắc anh có điều gì bí mật muốn giấu em?
Tú gượng cười:
- Bí mật quái gì đâu! Tại thấy em tử tế quá, nên anh cảm động.
Thôi, từ giờ trở đi anh không dám thế nữa.
Nhưng như có tâm linh báo trước việc không hay, Chi còn hỏi vặn:
- Vì em tử tế mà anh cảm động thì.... sao anh lại phải ra đằng
sau mà khóc, không ở trước mặt em?
Tú nhanh trí đáp luôn:
- Ai lại khóc trước mặt người yêu một cách vô lý như thế bao
giờ. Vả lại, lúc ấy, nhân nghĩ đến việc đê tiện của anh mấy năm về trước, anh bỗng
tự thẹn...
- Mà anh khóc?
Tú thở dài:
- Chính thế. Mà thực em cũng khéo lôi thôi! Người giầu sang,
tốt bụng chẳng theo lại cam tâm theo đuổi một thằng vô gia cư, vô nghề nghiệp!
Chi đã hết nghi ngờ nên vẻ mặt lại tươi như cũ. Nàng thấy Tú
có ý tự khinh thì tỏ ý không bằng lòng:
- ấy đấy, em đã bảo là đừng lôi nó ra nữa thì lại cứ... Con
trai đâu mà chẳng có chút lòng tự ái! Việc đã qua rồi, anh nhắc lại làm gì cho
em phải nghĩ?
Rồi, muốn Tú không nghĩ quẩn nữa, nàng mỉm cười, thề độc:
- Từ giờ trở đi, đứa nào còn nói lôi thôi nữa đứa ấy chết!
Tú lại thở dài:
- Nếu thế, anh càng nên nói... lắm... Anh thực không đáng...
Chi ngắt lời:
- Thôi đi, không nói chuyện với người điên!
Đoạn, nàng đến bên giường vừa ẵm thằng Ân dậy, vừa bảo Tú:
- Anh cho mẹ con em ăn cái gì đi thôi. Đói lắm rồi.
Tú nghe lời, vội ra cửa thang cất tiếng gọi thằng nhỏ và bảo
nó mua thức ăn sáng mang lên. Một lúc sau, nó bưng lên một cái khay trên để hai
bát phở. Lúc quay ra, nó lần lượt nhìn "cậu, mợ" một cách ranh mãnh
như có ý nghi ngờ. Chi thấy vậy cũng biết là nó chế nhạo nên đưa mắt liếc tình
nhân rồi nũng nịu con:
- Ân hôn me đi nào!
Nhưng thằng Ân vốn không có lòng yêu mẹ như một đứa trẻ ngoan
và cũng chưa từng biết hôn mẹ bao giờ nên nghe mẹ nói, nó chỉ nhoẻn mép cười,
tát vào má Chi một cái nên thân. Rồi lúc Chi đặt nó xuống ghế toan và phở cho,
nó lại nguây nguẩy:
- Chả ăn cái này đâu! Ăn sữa cơ!
Chi dỗ ngọt:
- Hôm nay em hẵng ăn tạm cái này vậy, sau me sẽ mua sữa cho,
chóng ngoan!
Thằng Ân đã không nghe lại còn nhè mồm ra khóc và hất bát phở
đổ xuống khay, làm cho Tú phải lắc đầu ghê tởm. Nhưng vẫn điềm nhiên, Chi ngọt
ngào:
- Đấy, con anh có ngoan không! Gớm, em ngoan làm sao mà ngoan
quá! Tôi cũng đến chết về cậu mất thôi!
Nó lại giận dỗi hất nốt bát phở kia, khiến Chi không thể nén
được sự tức giận. Nhưng sợ mắng con thì phiền lòng bạn nên nàng chỉ thở dài nói
lảng:
- ừ thôi, để me bảo thầy mua sữa cho em vậy!
Lần thứ hai, Tú lặng lẽ theo lời Chi như một cái máy. Cái
tính vòi vĩnh của con đã làm cho chàng quyết tâm theo ý định nên không còn băn
khoăn như trước nữa. Cho đến lúc con đã ăn xong, Tú nghiêm nghị nói:
- Bây giờ thì em để con ở nhà mà đến tạ tội với ông Lương. Đã
đành rằng ông ta không tức giận vì sự tàn tệ của em nhưng làm như thế chắc ông
cũng được vui lòng mà anh đây mới không có điều ân hận.
Chi thẫn thờ đáp:
- Phiền quá nhỉ! Thôi em chả phải tội. Mà em biết thế nào cho
phải! Lố lắm anh ạ!
Tú lo lắng, thở dài:
- Em nên nghe anh!... Ông ta là người tốt bụng, vui tính, biết
đâu lại chẳng nghe lời em mà vui lòng...
Chàng không dám nói nốt câu vì chợt nhớ ra rằng lời mình vừa
thốt ra chỉ có những ý tưởng vu vơ.
Chi lại buồn rầu sẽ trách:
- Thực anh cũng khéo lôi thôi. Em đã vui lòng cùng anh thì
anh cứ vui lòng mà hưởng; can chi lại nghĩ đến chuyện không đâu. Tệ bạc với anh
Lương có họa chăng em phải chịu tiếng, chứ anh, anh ân hận nào có ích gì!
Câu nói như hờn giận, lọt vào tai Tú trong lúc tinh thần khủng
hoảng lại làm cho chàng thêm luống cuống. Mà lúc phải ra đi đã đến nơi rồi.
Chàng nóng ruột quá nhưng chẳng biết nói thế nào cho phải, nên đành lòng nhắc lại:
- Em nên nghe anh.. Anh khổ lắm.
Lúc ấy trong tâm hồn Chi chỉ có những ý tưởng tốt đẹp, nên thấy
nét mặt khổ sở, tuyệt vọng của tình nhân nàng bỗng động lòng thương hại và muốn
nghe lời. Nàng mơ mộng nói:
- Thì nào em đi! Nhưng nếu anh Lương anh ấy giữ chặt lại
không cho về thì cha con anh đừng thương khóc nhé!
Đoạn nàng uể oải đi về phía cầu thang. Tú cảm động đi theo
nghẹn ngào:
- Vắng mặt cha con anh, em đừng nghĩ gì nhé!
Rồi chàng lại vẩn vơ tiếp:
- Anh muốn em như thế lòng anh thực đau đớn lắm, nhưng...
Chi nũng nịu:
- Gớm! Anh quấy lắm, chỉ nói đến chuyện buồn... Lúc em sắp đi
anh phải chúc cho em được "thượng lộ bình an" chứ sao lại nhắc đến những
sự lo buồn!
Tú đáp:
- Vâng, anh xin chúc em được bình an!
Trong lúc say sưa hạnh phúc, Chi không biết là lời Tú nói chỉ
có ý tiễn biệt chia phôi.
Đoạn Kết
I
Giấc "mộng ngày xuân" thế là tan vỡ. Chi lại bơ vơ
trên đời. Trước nàng còn ngẩn ngơ thương tiếc, nhưng rồi nàng cũng cho Tú nói
là phải và nẩy ra ý tưởng trở lại với gia đình để đùm bọc đứa em côi cút. Ngay
sau lúc Tú bỏ ra đi, nàng cũng thu xếp áo quần để đi Hưng Hóa. (Ông Bình khi ấy
đã được bổ tri huyện Tam Nông)
Ai đã đi xe ô tô đường Hà Nội - Sơn Tây chắc cũng phải để ý đến
khoa tụng kinh của những đứa trẻ ăn mày, và nếu ngài nào lại có tính đa nghi nữa,
thì dù có coi chúng nó là bọn ranh con đi lừa người, cũng phải động lòng vì những
lời chúc tụng to tát của chúng mà cho mỗi đứa một trinh.
Thật vậy, tuy đã tưởng tượng đến cái cảnh vui mừng cảm động
khi hai chị em gặp nhau mà Chi cũng chưa quên được sự biệt ly đau đớn vừa qua.
Lúc xe đỗ ở phủ Thuận, thấy ba bốn đứa ăn mày xúm nhau vào xin, nàng tức tối đến
nỗi phát gắt lên.
Chúng nó hình như đã hiểu nghề lắm nên vội vàng xoay chiến lược.
Thằng nào thằng ấy hát ngay những câu chúc tụng:
- Lạy bà, bà sống như cây đa, già như cây quế, con cháu đầy
đàn, lên xe xuống ngựa!
- Khổ quá! Thôi, đây cho mỗi đứa một xu.
Chi vứt tiền cho chúng nó xong, mỉm cười quên hết nỗi buồn.
Có lẽ lần ấy là lần đầu nàng chú ý đến những kẻ lầm than đói rách và động lòng
thương hại những đứa trẻ khốn nạn, kiếm ăn ở dọc đường. Phải! Nếu khối óc ta chỉ
lo quanh lo quẩn về gia đình thì còn thì giờ đâu mà nghĩ đến kẻ khốn cùng trong
xã hội.
Cái chỗ ô tô dừng bánh kia phải chăng là nơi người đói khó gặp
khách cao sang? Mà lời trẻ lạy van bên đường phải chăng là tiếng kêu cầu thiết
tha của hạng người cơ cực?
Xe đỗ một lúc lại đi... Người bố thí cho những đứa ăn xin
cũng quên ngay lời van vỉ. Duy đứng bên đường, đứa trẻ vẫn ngóng trông, đợi cái
xe khác sắp qua, những cái xe có nhiều khách sang trọng.
Nhưng khách sang trọng nào đã dễ mấy khi gặp kẻ khốn cùng! Họ
nào phải chen chúc vào toa xe hàng chật chội. Một cái ô tô con sơn bóng lộn chạy
qua dù có chở ông Hoàng chúng nó cũng vô hy vọng, và không chạy ra, xao xác ngửa
tay xin. Vì thế cho nên ngày ấy sang ngày khác, năm ấy sang năm khác, thời gian
lạnh lùng trôi, người phú quý với đám dân nghèo vẫn cách nhau xa. Chỉ những người
chung cảnh ngộ mới năng giúp đỡ bạn nghèo.
Đồng xu Chi cho chúng tuy chẳng đáng là bao, nhưng nàng cũng
lấy làm khoan khoái. Là vì, nàng đã động lòng thương xót những đứa trẻ ăn xin
như người mới qua cơn bĩ cực động lòng thương xót kẻ còn lâm trong cảnh gian
nan của mình khi trước.
Lúc xe đỗ ở Sơn Tây, có một anh hàng kẹo đến mời mua. Thấy
hai lọ kẹo bạc hà để trong hòm kính, Chi lại sực nhớ đến ngày em còn bé tí. Quý
thường hay vòi tiền nàng để mua những lọ kẹo xinh xinh. Nàng tự nhủ lòng:
- Nếu ta mua cho nó hai lọ kẹo này thì lúc gặp ta nó sẽ sung
sướng biết bao!
Nhưng Chi lại cảm động rơm rớm nước mắt: cậu Quý bây giờ đã lớn
rồi chứ đâu còn bé tí, đầu húi móng lừa như xưa?
Một giờ sau, xe mới tới bến Trung Hà. Bóng mặt trời đã xế. Mấy
người lái đò ở trong hàng nước chạy ra đon đả mời:
- Ông đi Phủ Đoan? Bà đi Hưng à?
Chi luống cuống đáp:
- Không tôi qua ngang!
Bà hàng nước ngồi trong lều thấy nàng lóng ngóng bèn cất tiếng
mời:
- Nghỉ chân xơi nước đã bà ạ. Phà mới sang sông còn lâu mới đến
chuyến.
Chi nhìn xuống làn nước đỏ có ý nóng ruột:
- Mấy giờ lại có phà sang, thưa cụ?
Bà hàng nước tươi cười đáp:
- Dạ, nếu có xe còn đến thì họ phải chở ngay, không thì đến bốn
giờ!
Một cô lái đò, nước da mai mái, đứng bên cạnh, nhân cơ hội ấy,
cất tiếng cười:
- Bà vội tối thì đi nan.
Nghe giọng nói của cô lái đò kéo dài ra, Chi lấy làm lạ, mỉm
cười:
- Thế cô lấy tôi bao nhiêu?
- Hai hào bà ạ.
Cô lái ranh mãnh thừa biết khách là người khờ khạo nên bắt chẹt.
Nhưng nhìn làn nước mênh mông, Chi còn do dự vì từ thuở bé đến giờ nàng chưa từng
đi thuyền nan trên mặt sông lần nào.
Cô lái lại hỏi:
- Nào, bà có sang không?
- Chịu thôi, thuyền cô bé tí thế kia nhỡ đắm thì chết!
Chừng như không bằng lòng câu nói gở ấy cô lái nguýt dài
khách rồi càu nhàu:
- Làm như khổ thuyền giấy không bằng. Mỗi lúc mà đã chết thì
thiên hạ còn ai dám đi thuyền!... (1)
Thoáng thấy tiếng ai như tiếng ông Bình quát trong công đường,
nàng bỗng rợn người tưởng như hồn vía đều lên mây. Nàng rảo bước đi lên nhà,
trong lòng xiết bao lo lắng.
"Em Quý đâu? Em Quý đâu?" Chi lẩm bẩm gọi em rồi chạy
đi tìm, nhưng trong nhà vắng ngắt không có một ai. Ngơ ngẩn, nàng đứng lặng yên
trong buồng khách nét mặt lộ vẻ ảo não vô cùng? Ôi cảnh nhà ngày nay so với năm
xưa lại tiều tụy hơn nhiều, nàng có ngờ đâu? Bộ sa lông vẫn là mấy chiếc ghế
mây với cái bàn tròn nhưng sơn đã long nhiều chỗ. Trên lò sưởi, chiếc đồng hồ
cũ rích vẫn kì cạch chạy, nghe rời rạc như muốn ngừng. Bên cạnh, ngổn ngang nào
báo tây, nào tráp trầu, nào sách vở. Xung quanh tường mạng nhện trăng
đen nghịt và tịnh không có một tờ tranh. Nàng lại ngó sang
hai buồng bên thì chỉ thấy những phản, những giường và chiếu, chăn bề bộn.
Đang nghĩ ngợi lo phiền, bỗng Chi nghe tiếng chân người ở
đàng sau. Nàng giật mình quay lại thấy người vú già bèn vồ vập hỏi:
- Này, cậu Quý đâu, hả vú?
Vú già nhìn nàng từ đầu đến chân có ý kinh dị;
- Thưa cô, cháu hỏi thế này không phải: cô có phải là cô Chi
không ạ?
- Phải, nhưng cậu Quý đâu?
Người vú già đang vui vẻ bỗng đổi ra buồn rầu rồi thở dài một
cách thiểu não:
- Cô đi xa nên không biết... Tháng trước đây, cậu Quý đi tắm
sông bị... chết đuối rồi...
Trời ơi! Cậu Quý chết! Chi có ngờ đâu lại xảy ra sự ghê gớm ấy
trong đời nàng. Sự đau đớn đột dậy lên bởi cái tin thảm khốc, làm cho nàng chỉ
kịp gọi lên hai tiếng "em ơi" rồi nước mắt bỗng trào ra như suối
không sao ngăn được. Nàng phải gục đầu vào tường cho khỏi ngã và lấy cánh tay để
vào mi mắt như để ngăn hàng lệ thì những tiếng thổn thức ứ trong tâm can lại
làm cho nàng choáng váng, mỗi một lần Chi nấc lên là lồng ngực lại tức vô cùng,
tưởng phải vỡ ra làm đôi.
Cái tình của Chi đối với em thực không khác gì tình mẫu tử.
Nàng khóc một lúc lâu như thế mới thấy trong lòng dìu dịu.
Chợt nghe tiếng bát đữa chạm nhau, nàng hé mắt ra trông thì
thấy vợ kế ông Bình đang so đũa ở cạnh mâm cơm trên phản. Bà đã sắp cơm mà vẫn
không thèm ngó, thèm mời Chi, hình như chỉ có hai mẹ con bà trong phòng vậy.
"Đã mấy năm nay không gặp mặt mà người nỡ tận từ thế cho đành!". Tự
nghĩ như vậy, Chi không thể nén được sự tức giận nên cũng hầm hầm đi ra hiên
sau, chẳng thèm chào hỏi, tuy nàng cũng tự biết là vô lễ.
Khoảng hiên đó là phòng học của cậu Quý, bà huyện vẫn để
nguyên vì nhà rộng không cần phải dẹp đi. Cả mấy quyển vở con của cậu cũng còn
bừa bộn trên bàn.
Chi ngồi bên chiếc bàn đó, tần ngần nhìn ngọn đèn búp măng vặn
nhỏ với mấy quyển vở bìa xanh, nàng lại bồi hồi thương xót. Mỗi đêm trong giờ
này có lẽ cậu Quý đã ngồi đây mà làm bài hay đọc sách, thế mà nay cậu đã là người
thiên cổ... Cầm một quyển sách lật ra xem thấy bút tích của em, Chi lại như tìm
được hơi hướng của em bất hạnh. Nàng lần lượt mở hết tờ nọ đến tờ kia thì tình
cờ nàng gặp những dòng sau này viết trên một trang giấy trắng: "Me ơi, chị
ơi! Không có me, có chị thì em sống làm sao được. Mấy hôm nay dì đánh em mãi,
thầy lại không cho em ăn cơm! Em khổ lắm rồi!". Đọc xong mấy dòng chữ ố
hoen ngấn lệ, một ý nghĩ thảm thương bỗng thoáng qua óc người thiếu phụ:
"Có lẽ vì tủi cực quá mà cậu Quý tự tử chăng?" Thì, sự đau đớn đã gần
nguôi lại đùng đùng trở lại lòng nàng như một cơn giông tố. Mặc cho giòng lệ tầm
tã thấm ướt cánh tay, nàng rền rĩ khóc "Em ơi! chị có ngờ đâu vắng chị em
lại đến nỗi khổ sở như thế! Chẳng qua chỉ tại mẹ chết nên nhà ta mới tan nát
nhường này!"
Phải, một người mẹ thân yêu mất đi bao giờ cũng làm cho gia
đình siêu đổ. Bây giờ Chi mới cảm thấy hết sự thiêng liêng của chức vụ một người
mẹ đối với lũ con thơ, nàng lại tiếc thương bà giáo mà đầm đìa giọt lệ.
Một lúc sau, Chi bỗng nghe tiếng ai nói khẽ bên tai. Nàng nín
khóc ngẩng lên trông thì thấy người vú già đang đứng cạnh mà ngó nàng, nét mặt
đầy tình thương xót.
Vú nói:
- Cô chả nên phiền như thế nữa. Sự đã rồi, có lấy lại được
đâu. Cô phải lo ngay đến việc hiện tại. Bây giờ cô hãy đi ăn cơm đi rồi tôi sẽ
thưa chuyện với cô.
Chi sực nghĩ đến cha nên ngơ ngác hỏi:
- Thầy tôi đâu?
Vú già vui vẻ đáp:
- Quan lên tỉnh lĩnh lương; hôm nay là mồng một tây. Quan đi
vắng thực cũng hay vì nếu ở nhà thì phiền cho cô quá!
Chi như trút được gánh nặng, thở dài:
- Sao lại phiền? Vú nói tôi nghe!
- Nhưng cô hãy đi ăn cơm đi đã.
Bấy giờ Chi sực nghĩ đến dì ghẻ nên cười nhạt:
- Không, tôi không ăn cơm đâu - Ăn làm sao được. Vú nói cho
tôi rõ chuyện đi đừng hỏi lôi thôi gì nữa.
Vú già kính cẩn đáp:
- Vâng, cô để tôi dọn xong rồi hãy... Mà phải chờ đến lúc bà
đi ngủ đã chứ!
Nói xong, bà ta đến bên phản bưng mâm cơm xuống bếp một cách
vội vàng.
Ngồi một mình, Chi bỗng sinh lo lắng. Trông ra ngoài thì chỉ
thấy một mầu đen thẫm; chiếc dinh nhỏ như bị chôn vùi trong một cái hang vô
cùng to lớn. Thỉnh thoảng tiếng trống cầm canh đột ngột nổi lên, nghe có vẻ ghê
rợn, âm thầm.
Nửa giờ sau, vú già mới dọn dẹp xong và ở dưới bếp chạy lên
nhà trên. Sau khi đã sang buồng bên cạnh xem bà huyện còn thức không bà ta mới
trở vào chỗ Chi ngồi sẽ nói:
- Bà ngủ rồi; thằng xe nó đi theo quan. ở nhà chỉ còn có cô với
tôi, chẳng ai nghe trộm được nữa.
Rồi không để cho nàng kịp hỏi, bà ta vội hạ thấp giọng xuống
nói ngay vào chuyện:
- Tôi mới ở với quan được một năm nay nên không biết cô.
Nhưng vì quan và cậu Quý vẫn nhắc đến cô luôn nên tôi cũng biết là cô đi. Mà
xem như quan vẫn có ý ghét bỏ cô, vì mỗi khi nhắc đến, quan thường nói - xin
phép cô: "Hừ! con đĩ ấy lại mê thằng nào mà đi theo nó chứ gì! Nó đã khỏe
tân thời dởm thì tao cho nó biết thân!"
Quan đối với cô thì thế, nhưng cậu Quý thì khác hẳn. Lắm khi
tôi làm cơm dưới bếp, cậu ấy thường lân la hỏi chuyện; cậu ấy nói những câu đến
buồn cười. Nhắc đến cô, cậu hay nói: "Chị tôi yêu tôi lắm cơ. Tôi nhớ chị
tôi quá; không biết chị tôi ở đâu bây giờ?" Rồi cậu ứa nước mắt khóc...
Vú già thấy Chi cũng ứa hai hàng lệ thì lặng im một lát...
Khi nàng đã lau nước mắt bà ta lại tiếp:
- Lắm lúc ngồi nghĩ đến tình cảnh cậu mà tôi động lòng! Làm
con ông huyện mà sao khổ quá. Quan đánh, quan chửi, quan bắt nhịn cơm luôn. Quần
áo cũng chẳng có mà mặc; giá tôi không may cho thì đến ở trần.
Chi thở dài:
- Vú đã thương nó thế, sao không săn sóc nó hộ tôi?
- Săn sóc thế nào được. Cô không biết bà...
- Bà làm gì nó?
- Bà cấm! Tôi giặt quần áo hộ thì bà đem quẳng đi mà chửi tôi
tàn tệ. Hôm nào quan bắt cậu nhịn cơm thì bà đem khóa trái cửa bếp lại...
Đấy cô coi!
Chi bỗng thốt ra lời nguyền rủa:
- Ồ! Quân độc ác! Đồ nhỏ mọn!
Vú già nhăn nhó gượng cười:
- Trời! Như thế đã thấm vào đâu. Độ trước đây bà còn cầm cả
thanh củi mà bổ vào đầu cậu làm thủng một chỗ, đổ hàng chén máu. Khốn nạn, cậu ấy
tái cả mặt mũi đi mà không dám khóc.
- Thầy tôi muốn cho bà ấy hành hạ nó à?
- Tôi không hiểu. Nhưng có một điều là nếu quan biết thì quan
cứ làm ngơ đi chẳng thèm đả động đến.
Chi nghĩ thầm: "Cha đối với con, dù con có hư hỏng đến
đâu cũng không nỡ tận từ, huống chi nó, nó nào phải là đứa đốn mạt gì. Hay là
vì sợ tỏ lòng thương thì nó lờn nên các cụ mới cố làm ra tàn tệ như thế
chăng?" Nàng nào có thể biết được. Còn đang phân vân thì vú già lại nói:
- Ấy, chính sau cái hôm mà cậu phải bà đánh và ông bắt nhịn
cơm thì cậu Quý đi tắm sông rồi...
Chi chua chát ngắt lời:
- Nói là nó đi tự tử thì đúng hơn...
Rồi nàng gục đầu vào cánh tay mà thổn thức: "Khốn nạn
cho em! Đầu xanh tuổi trẻ, nào đã biết gì mà người ta nỡ giết em một cách thảm
thương như thế!".
Vú già cũng rơm rớm nước mắt:
- Phải đó cô ạ! Chỉ vì bà hành hạ cậu quá nên mới hóa nông nỗi
này, nhưng người ngoài thì biết đấy là đâu.
Chi lẩm bẩm một mình:
- Hừ! Con ác phụ!
Rồi sực nghĩ đến cha, nàng cười lạt:
- Tôi đã đoán ra cả... Nhưng này, vú xem thầy tôi có ý thương
nó không?
- Có! Mà hình như thương lắm. Lúc mới vớt lên, quan ra bờ
sông xem thì máu cậu trào ra cổ họng... (Vú già nhăn mặt) cô ạ! Không biết thấy
vậy quan nghĩ đến tình máu mủ hay sao mà quan rơm rớm nước mắt. Rồi quan sinh
buồn bực, gắt gỏng với bà đến nửa tháng vì nghe đâu cậu Quý có để lại cho quan
một bức thư kể tội bà!
"Phải rồi! - Chi tự nghĩ, - Thầy ta thương con nhưng
không dám lộ ra ngoài. Thực là một sự câu chấp đáng buồn!".
Từ lúc ấy, Chi không nói nữa. Hồi lâu thấy trong người mỏi mệt,
nàng bỏ đi nằm, nhưng nghĩ đến tình kia nỗi nọ, nàng không sao chợp mắt được.
Sáng hôm sau nàng dạy sớm, đốt mấy nén hương rồi bảo vú già
đưa ra bờ sông thăm mộ em, cắm hương lên nấm cỏ xanh, nàng đứng lặng yên và
khóc một hồi lâu rồi mới trở về nhà sắp sửa đi Hà Nội.
Ra đến cửa thấy bà mẹ kế đang đứng hóng gió trước hiên, nàng
đến trước mặt mà cười gằn:
- Bà thực là một người độc ác!
Đoạn, nàng nâng vạt áo lên lau khô nước mắt rồi rảo bước đi
ra ngoài đường không buồn ngảnh lại...
--------------------------------
Trang bản in của NXB Hương Sơn bị mất. |
Chi lững thững đi men qua một sườn đồi, trong lòng phân vân nghĩ ngợi. Biết bao sự thê thảm đã xảy ra trong đời nàng. Tủi thân, nàng ứa nước mắt khóc một mình.
Duyên cớ vì đâu mà nàng khổ?... Phải chăng chỉ vì mẹ nàng mất đi, phải chăng chỉ vì cảnh dì ghẻ con chồng nên em nàng mới chết oan mà nàng thì từ bấy nhẫn nay, chiếc thân đầy đọa...
Sự đó đã qua rồi nhưng nàng thực lấy làm ghê sợ cho những gia đình mẹ gà con vịt. Mà nàng ghê sợ bao nhiêu thì nàng lại cần phải tìm Tú, tìm Ân để lập lại cuộc đời bấy nhiêu.
Nàng đoán rằng Tú chỉ về quê nội, nên quyết tâm tìm đến. ở trên xe lửa xuống, nàng lủi thủi đi bộ về làng; nàng hơi yên dạ, tin rằng từ nay trở đi nàng sẽ được sung sướng vì hóa công chả nhẽ còn bắt nàng khổ đến đâu?
Gió chiều hây hẩy thổi phấp phơ tà áo, hơi gió mát như thấm thía vào cơ thể khiến nàng khoan khoái dễ chịu. Ngắm những cây xanh tốt trên ngọn đồi vắng, nàng tự nhủ một mình:
- Phong cảnh nên thơ thế này mà những đêm trăng sáng vợ chồng dắt nhau lên đây hóng mát thì còn gì thú hơn.
Nàng lại rảo bước đi như để mau gặp Tú, gặp Ân, lòng hồi hộp tưởng đến sự cảm động khi được họp mặt với chồng con.
Qua cổng làng, Chi hỏi thăm mãi mới tìm thấy nhà Tú. Đứng trước cái cổng gạch rêu phong cũ kỹ, Chi ghé nhìn vào trong sân thì một cảnh rất cảm động khiến nàng rưng rưng nước mắt: nàng thấy Tú ngồi trên chiếc chõng tre tỳ tay vào chân nét mặt rầu rầu. Bỗng thằng Ân mếu máo hỏi:
- Mợ em đâu?
Tú không nói gì chỉ ứa nước mắt khóc.
Chi không nén được cảm động vội xô cổng chạy vào ôm chầm lấy con rồi khóc, bảo Tú:
- Anh tệ lắm! Anh nghĩ nhầm. Anh thương em thế thì thà giết em đi còn hơn. Anh thử tưởng tượng xem cái cảnh thương tâm của con mèo bị người ta bắt mất con, con chim người ta bắt mất vợ. Chúng nó đau đớn thế nào, kêu là thảm thiết thế nào thì em cũng khổ sở như thế... Anh! Sao anh lại cứ làm khổ em mãi.
Tú vừa ngạc nhiên, vừa hoảng sợ mặt tái dần. Chàng nắm lấy tay Chi:
- Anh nào muốn thế, nhưng anh đê hèn lắm rồi không xứng đáng làm chồng nữa. Vả lại nếu em lấy anh thì em sẽ khổ, anh mong rằng em trở lại với Lương.
Chi nức nở:
- Anh không hiểu cho lòng em. Nếu em muốn sung sướng một mình thì em đã lấy chồng rồi còn đâu đến nay. Nhưng em đã chán hết cả, sau lúc xa anh, em có còn thiết gì nữa đâu. Trời ơi, em chỉ có thể yêu anh được mà thôi. Em không thể trao lòng em cho người khác. Bởi vậy em đang thù oán anh mà được tin anh, em thấy anh khổ và ăn năn hối hận, thì bao nhiêu lòng thù oán bỗng tiêu tan đi hết. Cái đêm hôm ấy thực là một đêm cay đắng nhục nhã cho đời em nhưng anh thử nhớ lại xem lòng chúng ta có thể hồi hộp mê đắm hơn được thế nữa không!
Tú thở dài:
- Nhưng anh đã ích kỷ... anh đã hèn nhát...
- Thôi sự đã qua, anh nhắc lại làm gì? Em.......
- ..................
Một đóa hoa sắp héo khô mà bóng mây chiều tưới cho một giọt sương trong mát.
Nàng nín lặng một lúc cho bớt cảm động rồi lại say sưa:
- Anh thương em đi! Yêu em đi! Đừng để em khổ nữa. Tình yêu... tình yêu thứ nhất. Ta chỉ yêu được một người mà ta đã trao cả tâm hồn cả cuộc đời...
Lúc ấy mảnh trăng đã lên đỉnh đầu. Bên vườn, lá tre xao xác theo làn gió đến nhẹ nhàng mát mẻ. Trời trong vắt, không một làn mây gợn. Vũ trụ bao la như một trái tim to rộng, trong đó bao nhiêu sinh vật đều như hồi hộp rung động làn ánh trăng trong. Nhưng hai người ngồi nép bên nhau, say đắm nhau, nín thở nhìn nhau như lãng quên hẳn tạo vật tuyệt vời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét