Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Cầu Mơ 1

Cầu Mơ 1

Tặng Bùi Duy Tâm

1. Xe lửa dừng ở ga Mỹ Tho vào lúc mặt trời lặn. Lần đầu tiên tôi xuống một tỉnh lỵ miền Tây. Chưa có cây cầu nào bắc ngang Cửu Long giang nên xe lửa chỉ mới chạy tới Mỹ Tho. Nhà ga nằm sát bờ sông. Tấp nập hơn ga Tân An nhưng, dường như, vẫn mang một nỗi buồn. Buồn ga nhỏ. Ngó qua cửa sổ toa xe bên phải tôi trông thấy những cù lao nổi trên mặt sông chi chít cây cối. Y hệt những hòn đảo nhỏ trên mặt biển. Bên Tre bên đó. Nghe nói dừa nhiều.

Tôi theo giàn nhạc Hạ-uy-di của Nguyễn xuống Mỹ Tho giúp vui một đêm văn nghệ tổ chức tại một trường trung học mà Điều, bạn chúng tôi, dạy tại đó. Giàn nhạc Hạ-uy-di mang tên Hương Duyên, được thành lập ở sân Cư Xá Hoả Xa đường Petrus Ký vào một đêm trăng. Nguyễn đã từng học nhạc Hạ-uy-di ông Williams Chấn từ ngày còn ở Hà Nội, mong ước của anh ta là, nổi tiếng ngang Đoàn Chuẩn, một tay chơi lục huyền cầm vang danh Hà Nội. Nguyễn luôn luôn nghĩ đến những chiếc áo chim cò bỏ ngoài quần, cổ đeo vòng hoa giấy màu, giàn nhạc trình bày những bản Hilo March, Blue Hawaii, Habor Light, Đàn chim Việt, Ngày về, Nỗi lòng. Những cây dừa và bãi biển sẽ là phông. Như giàn nhạc Hạ-uy-di của ông Willams Chấn đã trình bày tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Những Nguyễn chưa đủ tài phổ dàn nhạc Hạ-uy-di trước số khán giả sành điệu nghệ thuật. Nguyễn sợ sệt, dù ông Williams Chấn khuyến khích và tập dượt nhiều lần. Nhận dịp Điều mới, Nguyễn ben nhận lời ngay gọi là "thử lửa" một phen trước những người thưởng thức mà anh ta tin rằng sẽ dễ tính. Giàn nhạc rủ thêm hai em Quỳnh Hương và Vân Duyên, bạn gái của Ngạc, con hai ông kỹ sư hoả xa cùng ngụ tại Cư Xá Hoả Xa với gia đình Ngạc. Giàn nhạc, do đó, mang tên Hương Duyên. Tôi được cử đi hộ vệ giàn nhạc để trấn an tinh thần Nguyễn.

Một phần cũng vì Quỳnh Hương. Không hiểu tại sao Quỳnh Hương và Vân Duyên dám đi hát xa. Lại bằng lòng ngủ trọ ở Mỹ Tho, mấy đêm cũng được, Ngạc bảo gia đình hai nàng Tây lắm. Tôi không tin. Và tôi nghĩ hai nàng đều có máu nghệ sĩ trong tim. Quỳnh Hương giản dị, thành thật. Những người con gái miền Nam đều thành thật cả. Tôi mến Quỳnh Hương nhất, mỗi khi nàng tròn xoe mắt, ngây thơ hỏi những danh từ ăn chơi khó hiểu mà chúng tôi nói chuyện với nhau có nàng ngồi nghe. Không ai dám ngờ tôi có thể rủ rê hai cô con gái con hai ông kỹ sư đi lưu diễn văn nghệ. Ngay cả tôi, mãi tới lúc này, đứng tựa tay vào cửa sổ toa xe, nhìn sang sông tôi mới chắc rằng Quỳnh Hương và Vân Duyên đang ở sau lưng tôi.

- Thằng Điều kia rồi!

Nguyễn reo lên mừng. Anh ta gọi tôi:

- Hoài, Hoài, thằng Điều ra đón chúng mình.

Tôi quay lại, bỏ rơi ý nghĩ về Quỳnh Hương, Vân Duyên và rừng dừa Bến Tre. Một cơn gió lạ vừa thổi vào tâm hồn tôi. Gió miền Nam đây. Chúng tôi xuống tầu sau hết mọi người. Buổi chiều tỉnh lỵ thật đẹp và thật buồn. Một tà áo trắng từ đằng xa cũng đủ làm nổi bật đường chiều Mỹ Tho. Và tôi tưởng chừng hương khói không thể xoá mờ nhân ảnh ở đây. Hai năm trời xa quê hương, tôi mới vừa thấy tỉnh lỵ. Tôi vẫn để lòng tôi ở tỉnh lỵ miền Bắc, dù tôi đã lớn lên ở nhiều thành phố. Mỹ Tho sao mà giống cái tỉnh lỵ chôn rau cắt rốn của tôi thế. Tôi gặp tỉnh lỵ cũ kỹ mấy năm xưa của mình. Và cảm tình của tôi đã gửi trên những mái ngói rêu phong của những căn nhà một tầng xây không thẳng hàng. Tự nhiên, tôi không muốn người ta chỉnh trang tỉnh lỵ. Tôi ghét những căn nhà lầu mới xây ở tỉnh lỵ. Những căn nhà lầu, tôi nghi ngờ quá, sẽ là mầm mống của sự thay đổi lố lăng nếp sống êm đềm của người tỉnh lỵ. Mỹ Tho chưa có những căn nhà lầu mới xây cất. Ngay cả cây cầu bắc ngang con sông nhánh của sông Cửu Long ngăn cách hai bên tỉnh lỵ cũng hãy còn nguyên dáng dấp cổ xưa. Xuân Diệu ngày nào đã dừng trên cầu này, nhìn ra sông lớn tìm cảm hứng làm thơ ca ngợi tình yêu. Tôi mến Mỹ Tho hơn vì nơi ấy, đã chứa một thi sĩ tôi hằng yêu kính. Tôi ngẩn ngơ nhìn Mỹ Tho cơ hồ nỗi ngẩn ngơ của một cô gái vừa bước chân về nhà chồng.

Điều đưa chúng tôi đến một biệt thự đường Alexandre de Rhodes. Gọi là biệt thự, chứ thực ra chỉ là căn nhà có vườn trồng nhiều hoa và lối đi rải đá sỏi. Biệt thự Hương Lan. Điều trọ tại biệt thự này. Bà chủ có hai cô con gái. Một cô đã lấy chồng và hai vợ chồng qua Pháp học rồi. Còn một cô đang ở nội trú Gia Long Sài gòn. Ông chủ là một thẩm phán. Ông đã bỏ vợ con, bỏ tỉnh lỵ, lên Sài gòn xây dựng một hạnh phúc ồn ào hơn. Từ năm năm nay, ông không về Mỹ Tho nữa. Bà chủ đã quen nỗi buồn. Bà sống bình thản cùng những bông hoa nở rợp của vườn nhà. Nỗi buồn của bà ướp vào hoa sứ - hoa ngọc lan - phảng phất và mộng mị. Bà chủ còn trẻ. Bà yêu thơ. Điều bảo tôi rằng bà chủ thích sống trọn vẹn nghĩa của câu "Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên". Bà đã từng ra bờ sông, ngồi dưới gốc dừa, đợi trăng mọc vào những hôm trăng mọc muộn. Vườn hoa của bà chỉ thiếu giàn thiên lý, Mà tôi, tôi yêu hoa thiên lý vì tôi có một kỷ niệm đằm thắm về hoa thiên lý. Tôi yêu hoa thiên lý như yêu mẹ tôi. Mẹ tôi yêu hoa thiên lý như yêu bố tôi và anh em tôi. Tôi thoáng gặp vài nét thân yêu trên khuôn mặt bà chủ biệt thự Hương Lan. Tôi chẳng hiểu có phải vì đồng điệu không mà, khi cả bọn rủ nhau đi ăn về, giàn nhạc của Nguyễn tập dượt cho buổi trình diễn ngày mai, bà chủ chẳng thèm chú ý tới tiếng đàn ngọt ngào của Nguyễn. Bà đã ra vườn trước nhà, ngồi nói chuyện với tôi trên chiếc ghế đã có lưng dựa.

- Thầy không chơi nhạc à?

- Thưa bác, cháu không biết âm nhạc.

Tôi khen một câu xã giao đầu tiên:

- Vườn nhà nhiều hoa đẹp quá.

Bà chủ nhìn tôi:

- Vậy mà không giữ nổi một cánh bướm.

Cánh bướm mà bà chủ biệt thự Hương Lan vừa mới nói tới bằng giọng nửa như trách móc nửa như tủi thân khiến tôi phải nhìn bà với cặp mắt của hoạ sĩ truyền thần. Tôi xuống Mỹ Tho vào dịp trăng tròn. Và, dưới ánh trăng sáng, tôi thấy bà chủ biệt thự Hương Lan từa tựa nhân vật nữ của Ôn Như Hầu trong "Cung Oán Ngâm Khúc". Ánh trăng giấu giếm giùm người ta nhiều sự thật đau đớn. Nhất là đã giấu cái vẻ già nua của đàn bà. Nên tôi chưa thể nhìn rõ một vài nếp nhăn trên khuôn mặt bà chủ biệt thự Hương Lan. Mà chỉ thấy đôi mắt đen sâu thẳm ở khuôn mặt đẹp não nùng. Dưới ánh trăng tỉnh lỵ, dĩ nhiên là thế.

- Thưa bác, cháu nghĩ rằng con bướm chỗ vườn hoa nhà thật là dại dột.

Bà Hương Lan - bây giờ tôi muốn gọi vậy - suy nghĩ giây lát rồi hỏi tôi:

- Thầy bao nhiều tuổi?

- Cháu hai mươi ba.

- Trẻ quá nhỉ? Thấy còn trẻ mà sao biết nổi sự dại dột của con bướm?

- Có lẽ vì cháu vào đợi sớm.

- Đã dan díu với cô nào chưa?

- Thưa bác, nếu được ví như con bướm thì cháu đang bay trên những vườn hoa.

- Đợi chừng nào mới đậu?

- Ngày cháu làm nên một việc gì đó.

- Việc gì?

- Việc khác việc của người khác.

- Vậy thầy đang làm gì?

- Cháu đang... thất nghiệp!

- Tôi cứ nghĩ thầy cũng dạy học như thầy Điều.

- Không, cháu rất ghét cái nghề nhai lại. Nghề ấy cao quý lắm nhưng cháu chẳng dám theo đuổi.

- Cậu có vẻ... thi sĩ?

- Thi sĩ không biết làm thơ.

- Ồ, cần gì làm thơ! Có những người suốt đời làm thơ mà có ai nhận là thi sĩ đâu.

Bà Hương Lan, quả như Điều nhận xét, là người đàn bà tâm hồn nặng trĩu chất thơ. Tôi nghĩ trái tim bà được ướp bằng tinh tuý của thi ca. Bà chép miệng:

- Tỉnh lỵ nào cùng có đời sống bình thản. Không ai thích làm dậy sóng gió cả. Thầy biết không, một cây ngọc lan vườn nhà tôi, cả tỉnh đều ngửi được hương thơm. Tôi muốn như cây bông sứ dù tôi rất ghét thứ hương thơm giả tạo.

Tôi chợt hiểu vì nguyên do nào bà Hương Lan tự đầy mình trong lãnh cung của dục vọng từ năm năm trời nay. Cuộc đời ở tỉnh lỵ thật buồn. Đó là cái lồng không đóng cửa nhưng không con chim nào dám bay khỏi lồng để ca hót, bay lượn theo ý mình muốn. Nếu nó muốn bay, nó phải bay xa vùng trời của nó và đừng bao giờ hy vọng trở về. Tôi bắt tội nghiệp bà Hương Lan. Bà giống cô Nhung "Lạnh Lùng" của Nhất Linh. Khổ hơn cô Nhung, bà Hương Lan chỉ dám ngoại tình bằng tâm tưởng. Bà yêu trăng, yêu hoa, yêu thơ thay vì yêu một người đàn ông nào đó.

- Cháu thích tỉnh lỵ vì thế, thưa bác. Đời sống ấy bị giới hạn song sự giới hạn nó khiến tỉnh lỵ đẹp hơn thành phố.

Bà Hương Lan mỉm cười:

- Thầy an ủi tôi?

Tôi xoa tay:

- Cháu ích kỷ thì có. Giả dụ cây ngọc lan ở vườn nhà không còn mùi thơm của ngọc lan, làm sao cháu được ngồi đây, dưới ánh trăng này, nói chuyện cùng bác.

Bà Hương Lan cười thành tiếng. Tôi chưa biết diễn tả tiếng cười của bà ra sao. Bà dứng dậy, dời chiếc ghế đối diện tôi và sang ngồi gần tôi.

- Thầy không hút thuốc lá à?

- Dạ không ạ!

- Uổng hết sức. Với khung cảnh này, người ta cần hút thuốc. Tôi khuyên thầy nên tập hút thuốc lá đi. Khói thuốc hay bất cứ một thứ khói gì cùng đều gợi cảm.

- Thầy thuộc thơ Hồ Dếnh không?

- Cháu chỉ đọc "Chân trời cũ" của Hồ Dếnh thôi.

- À, tôi thích tâm hồn thơ Tầu lai Việt của Hồ Dzếnh lắm. Đọc bài "Cô gái Việt Nam" của ông ta, cảm xúc lạ lùng.

Chinh Hồ Dzếnh đã "Nhớ nhà châm điếu thuốc, Khói huyền bay lên mây" đó, thầy ạ!

- Bác đọc nhiều quá. Mà cháu hơi ngạc nhiên thấy bác nói tiếng Bắc thật hay.

- Thầy Điều dạy tôi đấy. Học hai năm rồi. Thuở còn là học trò, tôi mê đọc văn chương Tự Lực Văn Đoàn và Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Tôi là người Nam, tâm hồn ướp bằng văn chương Bắc.

Bà Hương Lan lại trở về chuyện hút thuốc lá:

- Thầy hút thuốc lá, sẽ thấy mình già thêm một chút. Và già thêm một chút, tự nhiên, thầy sẽ đi xa ý nghĩ của mình một chút.

Tôi nói:

- Để làm gì, thưa bác? Cháu trẻ mãi?

Bà mỉm cười. Nụ cười thật đẹp. Vì tôi đã nhìn rõ nụ cười ấy.

- Bộ thầy tưởng một mình thầy ích kỷ thôi ư? Tôi cũng biết ích kỷ.

Từ trong nhà, tiếng đàn Hạ-uy-di của Nguyễn vọng ra. Anh ta đang rượt bài "Ngày về" của Hoàng Giác. Tôi đã nghe Williams Chấn đàn bàn này. Ông Chấn là người Trung Hoa, quê ở Thượng Hải. Ông chạy giặc từ Tầu qua Việt Nam và lập nghiệp luôn tại Việt Nam. Nhưng tay danh cầm Hạ- uy-di người Hà Nội, phần đông, là học trò của ông. Ông mến nhất Đoàn Chuẩn. đã nghe ông Williams Chấn chơi đàn Hạ-uy-di, không thiết nghe tiếng đàn Hạ-uy-di nào khác. Ông diễn tả những bản nhạc Việt thật bất hủ. Bài "Đàn chim Việt" của Văn Cao, có câu "...Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế...", ông lướt "bloc" trên sợi dây trầm hai nốt "ngập ngừng" khiến người nghe tưởng chừng cánh chim đang vỗ mạnh yếu đi và... ngập ngừng không muốn bay nữa. Nhưng ông Chấn bất hủ nhất câu "Nhớ phút chia ly ngại ngùng bước chân đi, luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh... trong bản "Ngày về". Tiếng đàn của ông nức nở, xao xuyến, bồi hồi... không một nhạc sĩ Việt Nam nào lột hết được ý của tác giả những "Ngày về, Đàn chim Việt, Suối mơ, Trở về bến mơ..." bằng bất cứ thứ đàn gì, ngoài tiếng đàn Hạ-uy-di của ông Chấn.

Người thầy nhạc này, một cây lục huyền cầm Hạ-uy-di diễn, có thể, chơi được vĩ cầm mà tôi nghĩ dù người chơi vĩ cầm cả chục nam vẫn thua cái nút đàn điện của ông. Ông Williams Chấn chơi lục huyền cầm Ý-pha-nho cũng tuyệt vời. Ông đúng là thiên tài âm nhạc. Chỉ tiếc ông "giấu nghề" nên học ông có nghĩa là tốn công vô ích. Ông không truyền những ngón điêu luyện cho ai cả, dù phục dịch ông như một đệ tử trung thành nhất. Tôi đã từng đi mua cà phê cho ông Chấn, coi lớp đàn giùm ông ta lúc ông vắng mặt, đến nhà ông ta khuân đồ đạc, dọn dẹp để cố học một bài "Ngày về". Ông hứa dạy tôi. Một năm liền hầu hạ ông, tôi chẳng được ông truyền tí nghề nào. Tôi bèn bỏ mộng chơi đàn và ước ao, ngày nào đó, đầy uy quyền, tôi sẽ chặt hai ngón tay của ông Chấn để cảnh cáo sự giấu nghề nhỏ mọn của người Trung Hoa. Nói vậy, song tôi vẫn mê tiếng đàn Hạ-uy-di của Williams Henri Chấn. Mê đến nỗi, Nguyễn chơi đàn Hạ-uy-di, tôi cảm như anh ta vừa bắt đầu tập đàn, mặc dầu, anh ta đã khổ công tập luyện tự mười năm nay.

Nhưng, chẳng hiểu vì sao, tối nay và ở khung cảnh êm đềm này, tiếng đàn Hạ-uy-di của Nguyễn đã làm tôi bồi hồi, xao xuyến. "... Ta sống không một lời trìu mến. Như bóng con đò chiều lạc bến". Tôi chợt hỏi một câu, vu vơ:

- Bác không thích âm nhạc?

Câu hỏi của tôi không có ý lảng những ý nghĩ nào đó của bà Hương Lan. Chừng bà cũng hiểu thế. Bà nói:

- Đôi khi tôi thích âm nhạc, đôi khi tôi ghét. Âm nhạc không diễn tả nổi chiều sâu thẳm của tâm hồn. Tôi đã nghe Mozart, Beethoven, Chopin, Bach, Wagner... Xúc động thì có đấy, song tôi thấy âm nhạc chỉ nói được tâm sự quanh ta chứ không nói hết được tâm sự trong ta. Thơ cũng vậy. Chỉ có văn. Cái gì còn bị ràng buộc vào luật lệ, khó mà diễn tả thật.

Bà Hương Lan là người đàn bà, tôi nghĩ, tỉnh lỵ không ai hiểu nổi bà ta. Tôi đâm ra sợ sệt trước người đàn bà trí thức và trĩu nặng chất nghệ sĩ này.

- Còn thầy?

- Dạ.

- Thầy thích âm nhạc hay văn chương?

- Cháu chưa đủ kiến thức để biết yêu thích cả hai thứ đó.

- Gần đây, thầy đọc tác giả nào?

- Mai Thảo.

- À, "Đêm giã từ Hà Nội", tôi vừa đọc. Cây bút này tài hoa lắm. Thầy tin tôi đi, ông Mai Thảo đang để những dấu chân dò dẫm vào văn học của ông trên đường. Và, ít nhất, cùng có hai ba kẻ giẫm lên bước chân của ông.

- Bác thử đoán tương lai họ xem sao.

- Ai?

- Những kẻ bước theo vết chân ông Mai Thảo.

- Chỉ là...

Bà Hương Lan gõ ngón tay vào trán tìm chữ:

- Tôi sẽ nói quá đáng đấy.

Tôi cười:

- Cháu thích nghe sự quá đáng của bác.

Bà Hương Lan nhún vai:

- Chỉ là "xia ra" đánh bóng giày cho ông Mai Thảo! Tôi mến kiểu cách văn chương của Mai Thảo. Gọt giũa công phu đấy chứ. Tôi sợ người ta kiểu cách hơn Mai Thảo thì tôi nghiệp cả người ta lẫn Mai Thảo.

Tôi không dám đi sâu vào lãnh vực văn chương. Tôi đọc rất ít. Và đọc để giải trí. Để thay thuốc ngủ. Nói chuyện văn chương với bà Hương Lan là thòi cái đuôi dốt nát của mình. Bà Hương Lan đọc văn, phê bình văn và còn tìm hiểu tác giả nữa. Bản "Ngày về" của Hoàng Giác, Nguyễn chơi đi chơi lại. Và càng tăng thêm nỗi bồi hồi của tôi, dưới ánh trăng, trên ghế xi măng, cạnh bà Hương Lan.

- Bác thích bản "Ngày về" không?

- Thầy có vẻ thích?

- Vâng, vì cháu đang muốn về, đang mong ngày về. Xa nhà thế mà đã hơn hai năm. À, thưa bác, bản "Ngày về" nghe nói của một người lính lê dương.

- Ủa!

- Thưa bác, người ta bảo người lính lê dương này là một anh Đức trí thức. Anh ta, vì một cuộc tình, giết người rồi trốn sang Pháp đăng lính lê dương và nhập vào đoàn quân viễn chinh sang Việt Nam đánh mướn. Anh ta nhớ quê hương quá, làm bản "Ngày về". Nhạc sĩ Hoàng Giác, dạo đó, là lính tác động tinh thần. Trong một buổi ca hát giải trí, Hoàng Giác đã gặp anh lính lê dương nọ. Và anh ta tặng Hoàng Giác bản nhạc duy nhất của anh ta. Hai người tâm sự với nhau thật nhiều. Rồi anh lính lê dương chết trận.

Hoàng Giác thương tri kỷ, đặt lời thành "Ngày về" rồi cho sự mơ ước hồi hương của anh lính lê dương lan toả trong không gian.

Bà Hương Lan khen tôi:

- Thầy nhớ cả lai lịch của một bài ca. Nhưng mà có chắc đúng không? Tôi sợ người ta hay thêu dệt huyền sử quanh một bài thơ, một cuốn sách. Thấy biết vụ T.T.Kh. chứ? Thật là nhức đầu.

Bỗng bà trầm giọng:

- Thầy mong "Ngày về" quê hương miền Bắc lắm, hả?

Tôi đáp:

- Dạ, cháu mong mỏi ngày đêm. Những buổi chiều mưa thất nghiệp, trú chân ở mái hiên nhà thiên hạ, thoáng gặp bếp lửa, cháu thấy trái tim se lại. Và muốn khóc. Cháu nhớ nhà.

Bà Hương Lan ngước mắt nhìn đám mây vừa phủ vầng trăng:

- Mỗi người đều có lần mơ ước một lần trở về. Người bất hạnh nhất là người không bị sông núi cách trở, mà vẫn chẳng dám trở về.

Bà Hương Lan muốn hé cánh cửa tim cho tôi biết tâm sự của bà. Song cánh cửa vừa hé đã khép chặt. Và tôi chỉ thấy tâm sự của bà u ẩn cơ hồ đôi mắt đen của bà. Mùi hoa lan đã quyến rũ tôi. Hai năm nay tôi mới được những phút giây thoải mái ngồi trong vườn hoa nghe một người đàn bà nói chuyện vui buồn.

- Thầy thuộc thơ Nguyễn Bính không?

- Thưa bác, không ạ!

- Nguyễn Bính đã từng lưu lạc phương Nam như thầy. Ông ta cũng nhớ nhà giống thầy. Ông ấy viết nỗi nhớ ấy thành thơ: "Chiều chiều ra đứng trông về Bắc, Chỉ thấy mây thôi, chả thấy gì". Tôi muốn nơi tôi mong trở về xa vời vợi, nhìn về chỉ thấy mây. Có lẽ, như thế nó đẹp, thầy nhỉ? Người ta mơ ước điều chi, khi thực hiện được, điều mơ ước không đúng với niềm ước mơ của mình, chắc sẽ buồn hơn.

Tôi vừa nghe rõ từng giọt sầu đang đổ xuống tâm hồn bà Hương Lan. Giọng nói của bà mỗi lúc một cay đắng. Đám mây đã trôi qua vầng trăng. Bà Hương Lan quay mặt sang phía tôi:

- À, tôi vô ý quá, tên thầy kêu chi nhỉ?

- Hoài, thưa bác tên cháu là Hoài.

- Gì Hoài?

- Vũ Thương Hoài.

- Cái tên đẹp thật. Hèn chi thầy cứ thích thương nhớ hoài hoài. Thương hoài ngàn năm chăng? Này thầy Hoài...

- Dạ.

- Thầy nói muốn làm việc gì khác với người khác, vậy thầy tính sẽ làm gì?

Tôi đưa bàn tay lên xoa cằm lởm chởm râu ngắn:

- Ngày học lớp nhất, thấy giáo ra đề luận "Sau này lớn khôn, con chọn nghề gì", cháu đã chọn nghề dạy học. Bây giờ lớn khôn, cháu lại ghét nghề dạy học. Và chưa biết định cư đời mình ở cái nghề nào. Theo ý bác, cháu nên chọn gì?

Bà Hương Lan lắc đầu:

- Ý tôi đâu phải ý thầy.

Tôi nói:

- Thưa bác, bác cứ thử chọn xem sao.

Bà Hương Lan lại ngước mắt nhìn trăng:

- Nếu tôi là thầy, tôi sẽ với trái cây nào gần tầm tay mình nhất. Với trái cây đời cao quá, múa vu vơ chỉ tổ mỏi tay. Mà giả dụ với được, nhỡ trái cây nó xấu xí, nó bị chim mổ rữa rồi, mình sẽ thất vọng.

Tiếng đàn của Nguyễn đã lắng lại, nhường cho tiếng lục huyền cầm Y-pha-nho đệm lời ca của Quỳnh Hương. Nàng rượt bản "Nghìn phương còn lạnh", thơ của một thi sĩ chưa nổi danh và Nguyễn đã phổ nhạc. Giọng Quỳnh Hương, ở khung cảnh này, bỗng não nề, day dứt. Bà Hương Lan lắng nghe:

"Yêu nhau không nói năng.

Vì cửa đời còn khép, đường đi còn dài.

Tóc em buông xuống bờ vai.

Rồi tung tâm sự trâm cài lệch ngôi

Thơ anh nghiêng ngả thế thời

Tương tư non nước ngậm ngùi nước non

Mưa chiều nhỏ giọt hoàng hôn

Mắt em sao đẫm lệ buồn vương mi

Yêu nhau không nói năng.

Vì nghìn phương còn lạnh xuân thì còn xanh"

Tôi biết Bà Hương Lan đang để lòng mình rung động. Chợt bà hỏi tôi:

- Thầy nghĩ sao?

Tôi mỉm cười:

- Về bài thơ phổ nhạc, thưa bác?

- Không, về lời khuyên chọn nghề ấy mà.

- Thưa bác, bác đã khuyên cháu nên hút thuốc lá. Bác bảo hút thuốc lá sẽ thấy mình già thêm một chút. Và già thêm một chút, tự nhiên mình sẽ đi xa ý nghĩ của mình một chút.

Bà Hương Lan xoa tay:

- Thầy nhớ dai quá.

Tôi kéo cổ áo trùm kín gáy vì lành lạnh:

- Cháu muốn đi xa hơn một chút, muốn trái cây đời xa tầm tay với của mình một chút.

- Thầy không sợ đau khổ ư?

- Cháu đã là đàn ông rồi, thưa bác. Và cháu nghĩ rằng điều bất hạnh cho người đàn ông là hắn không biết đau khổ.

- Nhiều người tìm lạc thú trong dự đau khổ. Hàn Mạc Tử chẳng hạn. Thi sĩ này ca tụng cái "thú đau thương". Tôi sợ thầy không hưởng nỗi "thú đau thương" đâu.

- Bác khinh thường cháu?

- Không đâu. Tôi quý mến thầy. Sự đau khổ làm lớn con người nhưng cũng dễ làm cằn cỗi con người, Đau khổ quá đỗi mà không giải toả được, người ta dễ biến thành tàn ác. Rất ít người quá đau khổ trở thành hiền nhân. Cho nên, đời thường dành sự đau khổ cho nhà thơ, nhà văn. Những con tằm này càng ăn nhiều dâu đau khổ càng nhả ra tơ vàng óng ánh.

Tôi đứng dậy, bước tới cây ngọc lan, dựa lưng vào thân cây. Bà Hương Lan cũng ngã lưng vô thành ghế đá. Tự nhiên, tôi thèm một điếu thuốc lá. Điếu thuốc lá để già dặn thêm và dễ soi rõ tâm sự của bà Hương Lan bằng đốm lửa đỏ.

- Cháu sẽ cho bác xem nỗi đau khổ thứ nhất của cháu.

- Làm sao mà tôi biết?

- Thưa bác, cháu sẽ viết nó.

Bà Hương Lan vụt ngồi thẳng, khẽ reo:

- Thầy viết văn?

Tôi nói:

- Cháu chọn nghề viết văn. Bác ngạc nhiên không?

Bà Hương Lan duỗi chân thoải mái:

- Không, tôi không ngạc nhiên chút nào. Tôi đã đoán trước...

Tôi hỏi:

- Bác đoán trước cháu sẽ chọn nghề văn?

Bà đáp:

- Gần gần như thế. Thầy có cái phong cách của một nhà văn.

Tôi đùa:

- Nhà văn cỏ, thưa bác?

Bà Hương Lan cười theo:

- Nếu thầy muốn làm "xia-ra" Mà thầy khởi đầu bằng nỗi đau khổ nào?

Tôi vươn tay bám một cành cây thấp nhất.

- Bác đã đọc "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng chưa?

Bà Hương Lan gật đầu:

- Rồi.

Tôi buông tay khỏi cành cây, khoanh tay trước ngực:

- Cháu sẽ khởi đầu từ nỗi đau khổ ấy.

- Thầy mê Nguyên Hồng?

- Dạ, mê lắm.

- Và ai nữa?

- Nam Cao, Tô Hoài.

Bà Hương Lan chép miệng:

- Thầy còn quá trẻ.

Tôi hơi bất bình câu nói ấy. Nhưng bà Hương Lan đã tiếp:

- Quá trẻ, vì quá khứ tuổi thơ của thầy còn gần gũi thầy và tương lai thì lại thật xa. Tới một tuổi nào đó, sau khi đã chín mùi thất vọng, người ta hồi tưởng thời thơ ấu, tôi nghĩ rằng thời thơ ấu nó sẽ rực rỡ và tha thiết vô cùng. Thầy đồng ý rằng những nhà văn đứng tuổi viết về tuổi thơ mới đằm thắm, nồng nàn. Những nhà văn trẻ, viết về tuổi thơ, có thễ cũng hay đấy, nhưng chắc chắn thiếu thiết tha, thương nhớ.

Tôi gật gù:

- Bác biết quá nhiều!

Bà Hương Lan nói:

- Mỹ Tho không ồn ào, thầy lại thích sự trầm lặng của Mỹ Tho. Hay là...

- Hay là sao, thưa bác?

- Hay là thầy ở Mỹ Tho ít lâu.

- Cháu sẽ làm gì ở đây?

- Thầy dạy học.

- Thưa bác, cháu rất ghét dạy học như cháu đã thưa với bác.

Bà Hương Lan không nói thêm một lời nào nữa. Tiếng đàn, tiếng hát của bọn Nguyễn đã im bặt. Đêm đã khuya rồi chăng.

Tôi nghe như sương ướt tóc mình. Và sương ướt cả vai bà Hương Lan. Một cảm giác lạ lùng vừa thấm trái tim tôi. Tôi mơ hồ như đi trong sa mạc cát bỏng từ hai năm nay. Và chợt thấy một khóm dừa mát rượi. Khóm dừa ấy, chỉ khoảnh khắc làm tôi quên Quỳnh Hương.

- Thưa bác, khuya rồi, cháu xin phép bác vào nghỉ.

Bà Hương Lan thản nhiên:

- Thầy vô nghỉ đi. Tôi đợi một bông hoa sắp nở.

Tôi bước vào nhà. Tiếng đá sỏi lao xao. Bà Hương Lan ngồi yên trên ghế đá. Tôi không dám quay lại nhìn bà.

2

Nguyễn và dàn nhạc Hạ-uy-di của anh ta trở về Sài gòn. Tôi nằm lại Mỹ Tho... ăn xoài. Bà Hương Lan bảo, bây giờ đang mùa xoài. Bà khuyên tôi nên để chất ngọt của Mỹ Tho thấm vào máu mình nếu tôi đã thật lòng yêu Mỹ Tho. Và tôi ở lại. Không phải vì xoài mà vì tiếng lao xao của bước chân mình trên lối đi trải đá sỏi trong vườn biệt thự Hương Lan. Tôi quên mất con chim Quỳnh Hương. Con chim ấy mấy tháng trời thất nghiệp tôi đã mất công đan một cái lồng bẫy, kết thật nhỉều hoa, dụ dỗ nó. Nó sắp sửa bị sụp bẫy thì tôi buông trôi công lao của mình. Tôi gửi hồn tôi trong tiếng lạo xạo của đá sỏi.

Một tuần lễ ở Mỹ Tho, tôi bị quyến rũ vào cuộc sống đầy thơ, đầy mộng của người đàn bà sầu muộn. Tôi đã ra công viên bờ sông với bà Hương Lan từ chiều đến đêm khuya. Hoặc thuê một chiếc xuồng, cùng bà Hương Lan lênh đênh trên dòng Cửu Long, bơi vào sát những cù lao có cá sấu. Dòng sông thật hiền hoà ở mùa trăng đầu hạ. Tiếng chèo khua nước nghe vui tai. Tôi chợt nhớ hai câu ca dao lãng mạn tuyệt vời của miền Đồng Tháp Mười: "Trăng nằm dưới nước trong veo, Cầm chèo ta đập mấy chèo trăng tan". Trăng đang nằm trên mặt sông. Đẹp lạ lùng. Lý Bạch có nhảy xuống sông vồ trăng thì cũng chỉ ham vồ mảnh trăng đẹp như thế này thôi... Tôi đã năn nỉ bà Hương Lan dừng mái chèo.

Bà hỏi tôi:

- Thầy muốn làm thơ?

Tôi đáp:

- Không, thưa bác cháu muốn cầm chèo đập cho vỡ trăng.

Bà Hương Lan cười giòn giã. Tiếng cười vang vang trên mặt sông. Thuở nhỏ, tôi hay đứng ở bờ ao đình làng, cùng bọn trẻ con ném những mảnh ngói mảnh sành, gọi là ném thia lia. Những mảnh sành lướt trên mặt nước, đi xa rồi mới chìm nghỉm, Tiếng cười của bà Hương Lan giống những mảnh sành lướt trên mặt ao làng.

- Thầy không dám nhảy xuống sông bắt trăng?

- Cháu đâu phải là thi sĩ, lại chưa say rượu.

- Thầy muốn say không?

Chiếc xuồng nhỏ chỉ chở bà Hương Lan và tôi. Và bà Hương Lan đã bỏ chiếc bơi chèo vào giữa lòng xuồng. Tôi ngồi ở đầu xuồng, bà ngồi cuối. Chiếc xuồng không chịu đậu im. Nó xoay tròn và trôi từ từ theo chiều gió thổi.

- Ngày xưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu đã bơi thuyền vào một đêm trăng để nhập thiên thai. Ước gì chiếc xuồng này là chiếc thuyền của Lưu Nguyễn. Thầy thích nhập thiên thai không?

Tôi đã đọc một truyện ngắn của Vũ Khắc Khoan. Và tôi nói:

- Nơi ấy không có tình yêu. Lưu Nguyễn đã thất vọng.

Bà Hương Lan lặng im một lúc thật lâu, bà hỏi tôi:

- Nơi nào mới có tình yêu?

Tôi khẽ nghiêng mình, lấy tay vốc một vốc nước. Chiếc xuồng tròng trành.

- Thưa bác, nơi nào đó, cháu chưa biết vì cháu chưa yêu ai. Nhưng cháu nghĩ nơi có tình yêu phải là cuộc đời.

- Tại sao thầy biết tình yêu chỉ có ở cuộc đời?

- Vì Lưu Thần và Nguyễn Triệu đã trở về trần thế. Hai ông ấy không tìm được tình yêu với những nàng tiên. Tiên nó chỉ biết múa hát và chẳng bao giờ biết tỏ tình. Đến như cỏ cây mà cũng không biết đổi thay cùng thời tiết thì chốn thiên thai, cháu tưởng chán quá đỗi. Nơi ấy ta nên dành cho mấy ông già chê bỏ tục lụy bay lên đánh cờ, uống rượu với "mùa đào ròng ngày tháng chưa tàn qua một lần".

Bà Hương Lan mỉm cười:

- Như vậy, mình không thèm nhập thiên thai của Lưu Nguyễn.

Tôi nói:

- Lưu Nguyễn làm gì có "thiên thai" thưa bác.

Bà Hương Lan chữa câu nói lại:

-... Thiên thai mà Lưu Nguyễn đã một lần đặt chân tới. Và đã thất vọng. Nhưng tại sao mỗi người không nhập thiên thai của riêng mình? Con ốc biển còn tự hào chứa cả đại dương trong lòng, tôi nghĩ, con người nên bắt chước con ốc, tự tìm cho mình một chốn thiên thai khác với thiên thai mà mọi người hằng mơ tưởng, thiên thai mà người sống chúc người chết sớm lên tới đó. Cái thứ thiên thai của người chết, thầy không ham cũng phải.

Tôi nhìn bà Hương Lan, suy nghĩ giây lát, rồi hỏi:

- Tới một tuổi nào thì người ta chôn luôn cả thiên thai của riêng mình, bác nhỉ?

Bà Hương Lan không trả lời câu hỏi của tôi. Bà khẽ hất đầu:

- Thầy nhìn trăng trên mặt sông đi!

Tôi làm theo lại bà Hương Lan.

- Tại một tuổi nào trăng không sáng? Có lẽ là tuổi... tận thế. Tản Đà đã một lần thắc mắc: "Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non!"

Bà Hương Lan đặt một bàn tay vào ngực mình:

- Tôi cho rằng tôi khi nào trái tim mình hết đập, mình mới chán mơ ước chốn thiên thai của riêng mình.

Bà khẽ thở dài, giọng nói buồn bã:

- Không có tuổi cho thiên thai, thầy cứ nhập thiên thai đi, đừng thèm biết thiên thai bao nhiêu tuổi.

Bà Hương Lan bơi xuồng trở về bến. Bảy ngày ở lại Mỹ Tho thì ba đêm ngồi trên ghế công viên hay dưới gốc dừa bên bờ sông Cửu Long ngắm trời mây cùng bà Hương Lan, ba đêm bơi thuyền lênh đênh trên mặt nước không gợn sóng, nói chuyện một thiên thai nào đó. Bà Hương Lan như muốn gợi ý văn cho tôi. Xoài Mỹ Tho ngọt vô cùng. Ngọt và thơm. Trong máu tôi đã đượm chất thơm ngọt ấy. Nhưng tôi vẫn phải rời Mỹ Tho. Mùa trăng hết rồi. Tôi thèm sống bình yên ở tỉnh lỵ song bây giờ chưa thể bình yên được. Với tôi, tỉnh lỵ là chiếc võng bắc ngang trên hai cành cây trong vườn - vườn nhà bà Hương Lan, chẳng hạn - tôi sẽ nằm trên chiếc võng đong đưa, hồi tưởng dĩ vãng sầu đau hay rực rỡ của đời mình. Hiện tại, tôi chưa có dĩ vãng tính từ ngày mình bước xuống cuộc đời. Tôi cần có dĩ vãng. Có dĩ vãng mới mở mắt mà hồi tưởng được khi nằm trên võng. Bằng không, tôi sẽ nằm trên võng như một ông già bệnh hoạn, chờ chết.

Buổi sáng hôm tôi giã từ Mỹ Tho, bà Hương Lan dậy thật sớm. Bà pha sẵn cho tôi và Điều hai ly cà phê. Dưới ánh điện tỉnh lỵ, bà Hương Lan ngồi nhìn từng giọt cà phê rớt xuống. Tôi xoay mình, ngắm bà qua tấm màn lan tiêu. Tự nhiên, tôi muốn giả vờ chưa thức giấc để xem bà Hương Lan sửa soạn cuộc chia ly. Tôi biết bà Hương Lan quý mến tôi. Bà không có người tâm sự. Bà cần tôi để tâm sự. Phải chi bà có đứa con trai bằng tuổi tôi? Tôi lại thấy tội nghiệp bà Hương Lan. Và tôi vụt ngồi dậy, tung màn, chui ra. Bà Hương Lan tưởng tôi sợ trễ chuyến tàu sớm. Bà nói:

- Còn sớm lắm, thầy Hoài.

Tôi ngượng ngùng, nỗi ngượng ngùng mà đáng lẽ mình chẳng nên ngượng ngùng:

- Thưa bác, cháu có cái tật hễ sắp đến nơi nào là nôn nao.

- Muốn rời bỏ ngay?

- Vâng.

- Sao vậy?

- Vì không nôn nao rời bỏ ngay, mình sẽ hết muốn rời bỏ.

Bà Hương Lan giục tôi:

- Thầy đi rửa mặt, đánh răng và sửa soạn hành lý rồi dùng điểm tâm.

Tôi răm rắp nghe lời Bà Hương Lan như một đứa con trai nghe lời mẹ. Tôi chợt có cảm tưởng mình sắp đi trọ học xa và mẹ tôi thì đang lo chuyến xa nhà đầu tiên của tôi. Điều vẫn ngủ vùi. Chắc ly cà phê thứ hai không phải của Điều. Và, chắc hơn, bà Hương Lan chưa hề nói chuyện với Điều về một cõi thiên thai của riêng mình như bà đã nói với tôi. Một lát sau, tôi đã ngồi đối diện bà Hương Lan. Bà đưa cho tôi một gói thuốc lá Capstan.

- Thầy nên tập hút thuốc lá.

- Vâng cháu sẽ tập.

- Và nhớ hút Capstan. Tôi yêu sự trình bày gói thuốc này. Người đàn ông hút thuốc lá trông đẹp lắm. Dù chưa từng trải cùng thấy mình từng trải.

- Cháu sẽ chỉ hút thuốc Capstan. Và hút khi nào cháu nhớ Mỹ Tho, nhớ vườn hoa của bác.

Tôi bóc gói thuốc. Vụng về quá đỗi. Lần đầu tiên tôi bóc một gói thuốc lá. Bà Hương Lan cười tủm tỉm. Bà bật diêm cho tôi châm điếu thuốc thứ nhất trong đời. Khói thuốc thật đắng trong miệng nhưng thơm vô cùng trong mũi tôi. Thuốc lá Capstan. Lạ ghê? Tại sao bà Hương Lan thích thuốc lá Capstan? Tôi nâng ly cà phê. Uống một ngụm. Bà Hương Lan nói:

- Chưa có đường.

Tôi đặt ly cả phê xuống bàn:

- Thưa bác, cháu thích uống cà phê đắng.

Bà khen tôi:

- Thầy mới khám phá ra một điều mới lạ, hả?

Tôi hít một hơi thuốc, cố gắng để khỏi bị sặc sụa:

- Thưa bác, cháu học được ở bác.

Bà Hương Lan cười gượng:

- À, thầy đổ lỗi cho tôi, phải không?

Tôi lại nâng ly cà phê lên, uống cạn một hơi:

- Cháu ơn bác chứ. Bác đã dạy cháu nhiều thứ. Cháu biết hút thuốc lá để nghĩ xa hơn điều mình muốn nghĩ. Và có lẽ cháu sẽ dám uống chất đắng cay của cuộc đời, đắng hơn cà phê đen không đường.

Bà Hương Lan nhìn tôi đăm đăm. Giây lát, bà nói:

- Mặt nước ao tù đang lặng im. Bỗng có kẻ ném viên đá xuống. Mặt nước gợn chút sóng, cau mày rồi lặng im. Như vậy, ao tù buồn thêm.

Tôi cảm động:

- Có ngày cháu sẽ xuống thăm bác.

Bà Hương Lan chớp mắt:

- Trong những ngày chờ đợi tôi sẽ cô độc lắm. Thầy Điều không thích nói chuyện trăng hoa. Thầy ấy chỉ thích uống rượu và ngủ vùi.

Tôi thương bà Hương Lan vô cùng. Nhưng tôi không thể sống ở Mỹ Tho. Tôi phải rời cái nơi êm ái này. Tuổi tôi cần uống nhiều cay đắng. Mà ở đây chỉ có chất ngọt của trái cây và tình người. Bà Hương Lan đã tiễn chân tôi ra tận nhà ga. Chưa bao giờ tôi thấy bản "Biệt ly" của Dzoãn Mẫn bi ai như bây giờ.

Giữa lúc tranh tối tranh sáng, tôi không nhìn rõ đôi mắt bà Hương Lan. Nhưng đôi mắt tôi đã ứa lệ. Con tầu nặng nề chuyển bánh. Bà Hương Lan không vẫy tay. Bà quay lưng đi vào bóng tối mờ ảo của buổi sớm tinh mơ tỉnh lỵ. Tôi ngồi ở góc vắng của xe lửa, nghĩ tới bài thơ của Hoàng Công Khanh diễn tả tâm sự tráng sĩ Lê Liêm trong "Bến Nước Ngũ Bồ":

"Thuở ấy lên đường có một thân

Đường sang Hời đôi ngả phân vân

Nàng mê Đát Kỷ xô hang Trụ

Ta mộng Kinh Kha diệt bạo Tần

Nửa nụ cười xuân muôn tráng sĩ

Ba nghìn tân khách một giai nhân

Thiếu bao đưa đón lòng không thiếu

Chỉ thiếu một người đi tiễn chân".

Đời tôi thiếu thốn rất nhiều nhưng đã không thiếu một người tiễn chân. Bà Hương Lan đã tiễn chân tôi. Con tầu già nua đưa tôi về Sàigòn, tôi xách hành lý tới bến xe đò cao nguyên. Tôi đi Ban Mê Thuột ngay. Anh em trên đó đã hẹn tôi lâu rồi. Tôi cứ mải mê những chuyện đâu đâu, hôm nay mới dứt khoát bỏ Sàigòn mà đi lập nghiệp. Tôi ở Ban Mê Thuột ngày nghe vượn hót nhớ con trong rừng sâu, đêm nghe hổ gầm, thác đổ thấy nhớ khu vườn của bà Hương Lan ghê gớm. Nhớ nhưng không muốn xuôi miền Hậu Giang. Tôi thèm khát có nhiều, thật nhiều kỷ niệm để, ngày nào đó, trong vườn hoa của bà Hương Lan, tôi kể cho bà nghe. Tôi chắc bà Hương Lan sẽ ngậm ngùi nếu như tôi đã múa vu vơ rời rã đôi tay, để có những kỷ niệm. Tôi bỗng trách mình là đã nói dối bà Hương Lan. Có bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ trở thành nhà văn đâu. Sự đau khổ mà tôi muốn dấn thân vào không phải là con đường văn nghệ. Con đường ấy ai cùng có quyền, có thể bước vô. Song bước vô để làm thợ gặt hay để làm những kẻ đi mót những bông lúa lép, lúa thừa lại là chuyện khác. Tôi không thích làm kẻ đi mót lúa, kẻ đi hôi cá. Như nhà văn Hoàng Hải Thủy đã nghĩ, tôi nghĩ là tôi phải làm việc gì đó, việc gì cũng được, ngoài tôi ra, những người khác không làm được.

Với ý nghĩ ngông cuồng đó, trong hoàn cành thê lương này, giữa một hoàng hôn của tranh đấu, anh em tôi đã mơ thành người Lam Sơn, phá rãy làm nương để chống lại, một lúc, hai ba lực lượng đang chế ngự dân tộc và thế giới. Bằng tuổi tôi, ai cũng thích làm một việc khác những người khác. Những lại chóng chán. Chỉ một cái cớ vẩn vơ nào đó, người ta có thể chối bỏ công việc mình cho là lý tưởng. Cái cớ của tôi là người đàn bà sầu muộn ở tỉnh lỵ Mỹ Tho. Tôi đã thèm hương vị của thuốc lá Capstan. Nhìn khói thuốc, tôi nhớ Mỹ Tho, nhớ vườn hoa nhà bà Hương Lan, nhớ tiếng lạo xạo của đá sỏi và nhớ bà Hương Lan vô cùng. Ở rừng có nhiều trăng hơn. Tôi nằm trong vườn cam, nhìn ánh trăng xuyên qua lá cành không cảm thấy gì ngoài nỗi thương hoài. Bà Hương Lan đã suy từ tên tôi ra nỗi thương hoài ngàn năm. Tôi sinh ra đời, có lẽ, để hành động theo tình cảm hơn là theo lý trí. Và, một đêm tình cảm bật đèn xanh trong trái tim, tôi đã trỗi dậy xếp hành lý, sáng sớm hôm sau xuôi đồng bằng miền Nam. Giã từ chí lớn trong thiên hạ. "Chí lớn trong thiên hạ không vừa đôi mắt mỹ nhân" Tráng sĩ Phạm Thái đã bỏ công cuộc phục hưng Lê triều về câu cá uống rượu và thương hoài ngàn năm Trương Quỳnh Như. Bà Hương Lan không phải là mỹ nhân như mỹ nhân của Tiêu Sơn tráng sĩ. Nhưng bà đã làm cho tôi biết mộng mơ một cõi thiên thai của riêng mình.

Tôi về Sài gòn ngày thứ sáu thì chiều thứ bảy ra ga xe lửa mua vé Sàigòn - Mỹ Tho. Tôi đi chuyến tàu chót. Tự nhiên tôi thích giống Hàn Mạc Tử, phiêu bạt giang hồ chán chê rồi trở về gõ của nhà vào đêm trừ tịch, khiến thân mẫu vừa ngạc nhiên vừa mừng chảy nước mắt. Bà Hương Lan sẽ ngạc nhiên lắm. Ít ra, bà cũng ngạc nhiên vì tôi xuống thăm vườn hoa nhà bà vào lúc chín giờ tối. Tầu sẽ dừng ở ga Mỹ Tho trước chín giờ. Tôi ngồi trên toa xe, mong thời gian kéo dài ra. Ước gì nửa đêm tầu mới đến Mỹ Tho. Khi người ta mong thời gian đi chậm thì nó lại cứ đi nhanh vùn vụt như bóng câu qua cửa sổ.

Tôi tới Mỹ Tho đúng chín giờ. Tỉnh lỵ vẫn nguyên vẹn. Chưa có gì thay đổi. Tôi chỉ sợ có sự thay đổi ở biệt thự Hương Lan. Sự thay đổi ở lòng người chỉ cần một cái chớp mắt của thời gian. Bỗng dưng, tôi đâm ra ngài ngại. Chẳng biết bà Hương Lan còn đón tiếp tôi niềm nở không.

Tôi đứng trước cổng biệt thự ngần ngại ghê gớm. Biệt thự không có chó dữ. Tôi đẩy cổng bước vô. Cổng biệt thự Hương Lan không có then cài. Bước chân tôi lạo xạo trên lớp đá sỏi. Tôi chưa muốn vào nhà. Mà ngồi trên ghế đá suy nghĩ vẩn vơ. Mùi hoa ngọc lan thơm ngát. Tôi dựa lưng vô thành ghế. Một lát, có tiếng người nói:

- Thầy Điều lại uống rượu như tối qua, má à... Thầy đã về và đang ngồi ngoài vườn.

Tôi mỉm cười. Con gái của bà Hương Lan đây. Chắc chắn rồi. Bà Hương Lan theo con gái ra vườn. Tôi vội đừng dậy:

- Thưa bác, cháu đây, Hoài đây, không phải Điều đâu ạ!

Nhằm ngày cuối mùa trăng nên tôi đã không nhìn được rõ khuôn mặt bà Hương Lan. Tôi rút điếu thuốc, bật que diêm. Que diêm không đủ ánh sáng để soi rõ tình cảm của bà Hương Lan lúc đó. Bà Hương Lan chừng xúc động. Bà để tôi đứng ngơ ngẩn một lúc, mới lên tiếng:

- Thầy về thăm Mỹ Tho?

Bà giới thiệu tôi cô con gái:

- Đây là thầy Hoài, bạn của thầy Điều. Con cháu nhỏ tôi, Thùy Trang. Cháu được nghỉ lễ vài hôm về ở với má cho đỡ nhớ.

Chúng tôi cùng vào trong nhà. Ngọn đèn nê-ông đã bật sáng. Bà Hương Lan sai Trang đi pha trà. Sự bỡ ngỡ dần đã biến mất. Tôi có cảm tưởng như đứa con trai đi xa mới về. Bà Hương Lan hỏi tôi:

- Thầy Hoài nhớ Mỹ Tho?

- Vâng.

- Nhớ từ bao giờ?

- Từ hôm cháu hút điếu thuốc đầu tiên ở bên bờ suối Ban Mê Thuột.

- Thuốc Capstan chứ?

- Vâng.

Bà chép miệng:

- Thế mà đã hai tháng rồi. À, lên mãi núi rừng tìm sự đau khổ ư?

Tôi vuốt tóc, mai tóc nhiều bụi đường dài:

- Cháu lại thay đổi ý nghĩ, bác ạ.

- Sợ đau khổ?

- Vâng, cháu sợ đau khổ. Cháu chán rừng núi chán "mài gươm dưới nguyệt", chán trăng gió cao nguyên.

Bà Hương Lan nhìn tôi:

- Thầy.. già thêm một chút đó. Khi người ta bắt đầu chán nản điều gì là lúc người ta già đi.

Tôi nói:

- Cháu già đi, có lẽ, vì nhớ Mỹ Tho.

Trang đã bưng khay trà ra. Nàng giống mẹ như đúc. Tôi yêu đôi bàn tay của Trang. Đôi bàn tay đẹp hơn cả đôi bàn tay bày ở hiệu kim hoàn, Tôi nghĩ một người nặng nợ giang hồ, thèm những chuyến đi như Nguyễn Tuân, giá được đôi bàn tay Trang vuốt ve, chắc là không thèm khát ga bến nữa.

Trang đẩy tách nước gần phía tôi:

- Mời thầy dùng nước.

Tôi gợi chuyện nàng:

- Cô Trang định nghỉ ở nhà bao lâu?

Nàng trả lời:

- Thưa thầy, em được nghỉ lễ mười ngày.

Giọng nàng thật dễ thương. Đôi mắt Trang tròn, lớn và đen như hạt nhãn.

Tôi hỏi:

- Năm nay cô có thi cử không?

Nàng khép nép ngồi xuống ghế:

- Thưa thầy, năm nay em dọn thi tú tài đôi"

- Đậu xong, có định học gì?

- Má em biểu học văn khoa, em lại thích học sư phạm.

Bà Hương Lan cười:

- Con bé thích cuộc sống bình thường.

Tôi nhấp một ngụm trà mạn:

- Cháu cũng thích cuộc sống bình thường. Bác đã khuyên cháu rất đúng. Chỉ nên hái trái cây hạnh phúc sát tầm tay với của mình.

Bà Hương Lan ngó Trang:

- Thầy Hoài chọn Mỹ Tho rồi đó, con ạ!

Tôi đặt bao thuốc lá Capstan lên mặt bàn xa lông:

- Vâng, cháu muốn dạy học ở đây ít lâu. Trường công chắc xin dạy khó vì giữa niên học. Cháu sẽ nhờ Điều giới thiệu với một trường tư. Vừa dạy học vừa viết văn được chứ, thưa bác?

- Được mà.

- Vậy cuốn truyện đầu tiên của cháu sẽ viết về tỉnh lỵ.

- Mỹ Tho?

- Vâng.

- Thầy định viết về đề tài gì?

- Về dòng sông, ánh trăng, vườn hoa và tiếng lạo xạo của đá sỏi trên lối đi trong vườn biệt thự Hương Lan.

Trang tròn đôi mắt, hỏi mẹ:

- Thầy Hoài là nhà văn hả, má?

Bà Hương Lan gật đầu:

- Ừ, thầy ấy là nhà văn.

Nàng có vẻ sung sướng lắm, Và cảm phục tôi.

Trang chớp mắt:

- Thầy viết báo nào?

Bà Hương Lan trả lời giùm tôi:

- Thầy Hoài viết báo người Hà Nội. Vô đây, thầy chưa công tác với báo nào. Con đợi ít lâu nữa, thầy Hoài sẽ viết một cuốn truyện dài.

Trang len lén nhìn tôi. Mắt nàng ánh lên bao vẻ trìu mến, thiết tha. Nhà văn vẫn là một cái gì ghê gớm với những người bình thường. Tôi đã có thời phục nhà văn lắm. Phục cả Nguyễn Minh Lang, Hoàng Công Khanh... Sự cảm phục dần dần phai nhạt với kiến thức của mình. Tới một tuổi nào, xét lại, mình mới cảm thấy hố to là đã quá rộng rãi sự cảm phục. Bây giờ, tôi không thể nào chịu nổi sự cảm phục các nhà văn bừa bải của những cô câu mới lớn lên. Tôi hy vọng, họ sẽ có lần xét lại như tôi. Và lúc ấy giá trị của những Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Sơn Nam, Nguyễn Mạnh Côn... mới định cư ở tâm hồn người thưởng ngoạn nghệ thuật. Tôi không ưa con người Phạm Duy, nhưng trước Phạm Duy chỉ có Văn Cao, Đặng Thế Phong, Hoàng Quý và sau Phạm Duy ngoài Phạm Đình Chương, chắc không còn ai làm tôi yêu âm nhạc Việt Nam. Bạn tôi thường bảo tôi tự kiêu khi mình chưa là cái gì. Tại sao phải đợi đến lúc là cái gì mới tự kiêu. Người ta có quyền tự kiêu ngay ở trong bóng tối, ở cái sự chẳng ra gì của mình. Đợi đến thuở mình là cái gì mới dám tự kiêu thì hèn quá.

Tôi hơi bực bội bà Hương Lan. Và nói:

- Cô Trang có vẻ cảm phục nhà văn lắm, phải không?

Trang thành thật:

- Dạ, em phục nhà văn.

- Tại sao?

- Vì họ không giống mình. Mình chỉ sống với cuộc đời có sẵn. Nhà văn tạo ra nhiều cuộc sống cho nhiều người sống.

Tôi khen Trang:

- Hèn chi bác muốn Trang học văn khoa. Những theo ý tôi, nhà văn không có gì đáng phục cả.

Trang hỏi:

- Sao vậy thầy?

Tôi rút một diếu thuốc Capstan, bật lửa mồi thuốc:

- Vì họ đâu có khác gì chúng ta. Nhà văn chỉ đẹp khi họ ngồi viết văn một mình. Lúc ấy, họ sống thế giới riêng của họ...

Tôi thở một đám khói thuốc và ngó bà Hương Lan:

-... Cõi thiên thai của họ. Xong lúc đó, họ xấu xa nhất trên đời.

Trang ngây thơ:

- Họ xấu xí thật hả, thưa thầy?

Bà Hương Lan đỡ lời tôi:

- Không đâu, con ạ! Họ không xấu xí đâu. Nhà văn được chiêm ngưỡng quá, đâm ra khiêm tốn. Họ không thích độc giả thần thánh họ. Cho nên, họ tự mỉa mai họ. Vả lại con hãy đọc văn chương của họ và chẳng cần biết về đời sống của họ. Đời sống của họ làm văn chương của họ hay, quyến rũ độc giả, thế là đủ rồi.

Bà Hương Lan không muốn Trang hiểu rõ cuộc sống bừa bãi, phóng túng, buông trôi, bất cần thiên hạ của nhà văn. Tôi rõ ngay ý muốn của bà. Phải, hãy để Trang chiêm ngưỡng "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân và chớ bắt tội nàng thắc mắc tại sao Nguyễn Tuân hút thuốc phiện. Rồi lại nói về cái bàn đèn, sự thiếu thuốc hạ thấp nhân phẩm của nhà văn, chắc là Trang sẽ thất vọng, Nên đánh bóng chiếc mề đay, chớ dại dột lật mặt trái của nó.

Trang hỏi tôi:

- Má nói thật hả?

Tôi gật đầu:

- Ừ, má nói thật.

Trang trách móc:

- Vậy mà thầy cứ khiêm tốn.

Bà Hương Lan cắt ngang câu chuyện văn chương:

- Thầy Hoài dùng cơm chiều chưa?

Tôi dụi điếu thuốc vào đế giày:

- Thưa bác, cháu đã ăn ở Sài gòn và lai rai quà vặt thêm ở trên tầu.

Bà Hương Lan mỉm cười:

- Nói chuyện từ nãy, chắc thầy Hoài đói bụng?

Tôi cười theo:

- Cháu no hơn.

Trang nói:

- Hay mình ra chợ ăn hủ tiếu đi, má? Hủ tiếu Mỹ Tho ngon nổi tiếng, thầy Hoài biết không?

Tôi lại đốt điếu thuốc mới:

- Người tôi, từ đầu đến chân còn đầy bụi đường xa. Thôi để mai nhé, cô Trang.

Bà Hương Lan chợt nhớ ra. Bà xuýt xoa:

- Mãi vui, quên hết. Để thầy Hoài đi rũ bụi đường a. Thầy còn ở đây lâu mà.

Tôi bẻ ngón tay:

- Vâng, cháu còn ở đây lâu. Cháu hy vọng được gửi xác ở Mỹ Tho.

Hai mẹ con bà Hương Lan rủ nhau ra vườn. Tôi đã quen thuộc, quá quen thuộc gia đình này. Và tôi tự nhiên mở hành lý, lấy bộ quần áo ngủ, đi vào phòng tắm. Đêm ấy, dù rất mệt, trong giấc ngủ của tôi, vẫn nở một vài giấc mơ ngắn có nụ cười hồn nhiên của Trang, có giọng nói ngọt ngào của bà Hương Lan. Và, lạ lùng sao ấy, có tiếng lạo xạo của đá sỏi trên lối đi ngoài vườn biệt thự Hương Lan.

3

Chiếc xuồng lướt trên mặt con lạch. Nếu miền Bắc là của núi rừng thì miền Nam là miền của sông nước. Tôi yêu sông nước miền Nam. Sông nước miền Nam cùng hiền hoà như người miền Nam. Phải thấy một con rạch cắt đôi cánh đồng rộng bao la, khô cằn về mùa nắng, chạy dài tít tắp tới một làng thôn xa xôi mới yêu mến. Tôi tưởng, đôi tình nhân ngồi trong xuồng, bơi trên lạch vào một đêm trăng thì chẳng còn gì thơ mộng hơn. Những con lạch, hai chiếc xuống ngược chiều tránh nhau thật khó khăn, vì như những mạch máu. Những mạch máu ấy đã chở tôi về trái tim miền Nam.

- Nắng quá, thầy Hoài nhỉ?

- Không nắng đâu.

Trang mỉm cười. Nàng bơi mái chèo đều tay. Trang đưa tôi về bên ngoại của nàng. Bà Hương Lan không đi. Đêm qua, bà bị nhức đầu. Tôi muốn bà cùng đi cho vui nhưng bà bảo đi với Trang vui hơn. Và Trang đã đưa tôi về bên ngoại của nàng.

- Miền Bắc có lạch không hả, thầy Hoài?

- Chỉ có những con ngòi.

- Mùa nào người ta hay bơi xuồng?

- Lụt lội.

- Lụt lội chắc vui lắm nhỉ?

- Khổ sở vô cùng.

- Em muốn biết nhiều về miền Bắc, thầy ạ! Lớp em có mấy chị người Hà Nội. Hà Nội chắc đẹp, phải không thầy?

- Hà Nội nhỏ bé. Nó ồn ào hơn Mỹ Tho một chút.

Tôi ngắm bộ quần áo bà ba của Trang:

- Và không hề có quần áo bà ba.

Trang thẹn thùng:

- Em mặc ngộ quá hả, thầy?

Tôi nói:

- Mộc mạc lắm, Trang là cái gì đặc biệt nhất của miền Nam.

Nàng cắn môi dưới:

- Em quê thì có.

Nàng bơi chèo nhanh thêm, để cho bớt ngượng. Vì tôi thấy má Trang đã au đỏ. Tôi ngồi ở đầu xuồng, đối diện Trang. Tôi ngó chằm chằm. Trang xấu hổ. Nàng quay mặt:

- Thầy làm em mắc cỡ muốn chớt.

"Muốn chớt", hai tiếng nghe êm đềm lạ. Tôi trêu Trang:

- Tôi làm gì đâu?

- Thầy cứ nhìn em.

- Có Trang ghét đôi mắt của tôi à?

- Đâu có.

"Đâu có" Trang nói đến là dễ thương. Tiếng "đâu" lướt nhanh và như phảng phất dấu huyền. Tiếng "có" kéo dài ra. Văn chương không đủ khả năng diễn tả sự dễ thương của tiếng nói miền Nam, của Trang. Tôi nghĩ phải dùng tới băng nhựa. Chưa có người miền Nam nào nói tiếng miền Nam hay như bà Hương Lan, như Trang.

- Tôi móc mắt vứt đi nhé!

- Í đừng.

- Vậy tôi nhìn lên trời đây.

Trang lại quay mặt đối diện tôi:

- Thầy hờn em, hả?

Tôi lắc đầu:

- Không đâu.

Im lặng... Tiếng chèo rẽ nước của Trang nghe rõ mồn một. Nếu không có tiếng chèo rẽ nước, chắc là tôi nghe rõ cả tiếng trái tim Trang rộn rã. Nào ai biết vì sao trái tim nàng rộn rã. Tôi ngửa mặt nhìn trời. Trời trong xanh. Từng đám mây trắng lững lờ trôi. Tự nhiên lòng người cũng bao la như trời đất.

Tôi móc điếu thuốc lá, quẹt mồi thuốc.

- Trang đừng sợ tôi.

Nàng hồn nhiên:

- Em sợ gì đâu.

- Sợ tôi làm mắc cỡ.

- Em không sợ nữa,

- Tại sao đang sợ "muốn chớt" lại hết sợ?

- Tại vì đôi mắt của thầy.

Tôi nhả khói thuốc, gật gù:

- Trang giỏi lắm. Như thế sẽ không rơi vào sự đau khổ để oán hận cuộc đời.

Trang ngạc nhiên:

- Thầy Hoài nói gì, em không hiểu.

Tôi hỏi:

- Có phải Trang đã nhìn rõ tâm hồn tôi qua đôi mắt tôi?

Trang bối rối. Giây lát sau, nàng mới nói:

- Làm sao em nhìn rõ được tâm hồn nhà văn như thầy. Em chỉ thấy đôi mắt thầy hiền như mắt bồ câu.

Tôi ném điếu thuốc vừa cháy một chút xuống nước. Tiếng "xèo" khó chịu cơ hồ sự khó chịu của tôi:

- Tôi chưa...

Tôi định nói "tôi chưa là nhà văn và, có thể, chẳng bao giờ là nhà văn" Những chợt nhớ tới bà Hương Lan, tôi ghìm... sự thật lại. "Có những sự thật không tiện nói ra". Không nói ra thì khổ sở vô cùng. Tôi đang lừa gạt Trang. Nếu Trang biết tôi không viết báo ở Hà Nội như mẹ nàng nói dối, nàng còn có cảm tình với tôi không" Bà Hương Lan muốn "nhà văn" là cõi thiên thai của con gái mình chăng? Ồ vậy tôi không nên phá vỡ cõi thiên thai ấy. Vì có bao giờ người ta nhập nổi thiên thai mơ mộng của người ta.
- Thầy Hoài "chưa" điều chi đó?
- Tôi chưa từng được đi xuồng trên một con lạch nhỏ và dài như hôm nay.
- Thầy thích đi xuồng à?
- Thích lắm.
- Để có trăng em bơi xuồng chở thầy ban đêm, thầy còn thích hơn.
- Bao giờ mới có trăng? Mà cô Trang sắp lên Sài gòn rồi.
- Hè, bãi trường em sẽ về.
- Sợ lúc đó tôi rời Mỹ Tho.
- Thầy biểu thầy muốn gửi xác ở Mỹ Tho, thầy quên à?
- Tôi nhớ chứ. Nhưng tôi sợ vào một lúc nào đó cái lớp da giang hồ trên thân thể tôi nó nổi gai, tôi lại muốn phiêu bạt.
- Thầy sẽ bỏ Mỹ Tho?
- Có thể.
- Đừng bao giờ cả, thầy Hoài nhé! Thầy bỏ Mỹ Tho má em sẽ buồn chết. Và em cùng buồn luôn.
- Tôi không bao giờ muốn bỏ Mỹ Tho cả, cô Trang ạ!
Tôi muốn nói cho Trang hiểu nhiều. Song nàng chưa thể hiểu hay không muốn hiểu. Nàng đang buồn kia kìa. Đôi mắt chớp mau và mái chèo xem chừng uể oải. Tôi cười:
- Tôi sẽ chịu đau một chút. Trang biết tôi chịu đau để làm gì không?
- Thưa thầy, để làm gì ạ?
- Đề lột lớp da giang hồ đi.
Trang đã nhấc hẳn mái chèo khỏi mặt nước. Nàng hỏi tôi:
- Em nghỉ một chút, thầy nhé!
Mái chèo nằm gọn giữa xuồng. Và chiếc xuồng vẫn còn đà trôi từ từ. Nàng chắp hai tay tựa cằm, hai khuỷu tay dựa trên đầu gối:
- Mỗi nhà văn đều có một lớp da giang hổ hả, thầy?
- Hình như vậy.
- Khi lột lớp da giang hồ đi, nhà văn hết là nhà văn hả, thầy?
- Hình như vậy.
- Ồ, buồn quá nhỉ? Thầy đừng lột lớp da giang hồ đi, thầy Hoài nhé! Mà sao nhà văn không thích định cư ở một nơi nào?
- Với nhà văn, nơi nào cũng chật hẹp. Trang biết không, có người chết đi còn muốn đã mình được lột ra làm va-ly để mãi mãi phiêu bạt. Trang đọc Nguyễn Tuân chưa?
- Dạ, em mới đọc cuốn "Vang bóng một thời".
- Ông này thèm đi xa lắm. Ở với núi rừng Việt Bắc thì ông ấy kêu ầm lên là "Thiếu chân trời". Ông ấy bảo "Thiếu chân trời còn hại cho cơ thể hơn là thiếu chất Iốt, chất muối, chất đường". Về xuôi thì ông ấy lại nhớ rừng núi, đồi suối.
- Em thích những người luôn luôn khát vọng những chuyến đi;
- Vậy tôi sẽ đi xa Mỹ Tho.
- Đừng, thầy đừng rời Mỹ Tho. Thấy bỏ Mỹ Tho má em buồn, em buồn.
- Nhưng cô Trang không muốn tôi lột lớp da giang hồ mà,
- Có thể nào một nhà văn định cư ở một chỗ mà không cần lột da giang hố không?
- Có chứ! Khi nhà văn ấy định cư ở một tâm hồn người khác. Mà thôi, Trang bơi xuồng đi, nói chuyện nhiều quá tôi đói lả xuống xuồng đó.
Trang lại nhấc mái chèo, khua nước. Tôi không muốn nàng đi sâu vào cõi thiên thai của nàng. Bởi vì tôi chưa là nhà văn. Mà Trang thì nặng tình cảm với nhà văn. Tôi còn những mười bảy năm nữa để trở thành nhà văn. Bốn mươi tuổi mới viết được, mới đủ kinh duyệt mà làm nghệ thuật. Văn chương không có tuổi tác nhưng tôi sẽ buồn nản nếu viết sớm để được xếp vào loại những nhà văn trẻ tuổi. Tôi vẫn nghĩ rằng làm thơ dễ hơn viết văn. Chỉ cần một kiến thức phổ thông, có khiếu thi ca và có tâm hồn mơ mộng là người ta trở thành thì sĩ. Chứ để trở thành văn sĩ, người ta cần nhiều kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm cuộc đời là điều tối cần thiết. Nghĩ thế, tôi đâm ra ngại ngùng khi cầm bút. Sự nghiệp của một nhà văn đâu phải ở hàng chục cuốn tiểu thuyết ông ta viết ra. Một cuốn là quá đủ. Đôi khi, một cái truyện ngắn đã đưa ông ta vào văn học sử rồi. Tôi chưa muốn làm nhà văn, vì lẽ đó. Làm văn chương không dễ như tôi đã tưởng. Biết đâu, tôi chẳng bỏ mộng ước của mình. Tôi hay thay đổi lắm. Tôi hăng say mà chóng nản chí. Trái hạnh phúc lại không chịu đến tay những người thiếu kiên nhẫn.
- Sắp tới rồi, thầy ạ!
- Lẹ lên, tôi thèm uống nước dừa đây. Khát khô cô đây này.
- Thầy thích uống nước dừa à?
- Thích lắm.
- Có kỷ niệm nào về nước dừa không?
- Kỷ niệm thơ ấu.
Tôi kể cho Trang nghe thuở tôi lên bảy tuổi, thường theo mẹ đi chợ phiên. Món quà tôi ước ao nhất là nước dừa. Miền Bắc hiếm dừa nên dừa quý vô cùng. Trái dừa già mang từ Thanh Hoá ra, bán không vất đi một tí nào. Người bán dừa dùng cưa nhỏ cưa miếng sọ dừa. Nước dừa bán từng ly vơi. Cùi dừa nậy bán miếng lớn, miếng nhỏ. Trái dừa bán làm gáo múc nước, Miếng sọ nhỏ thì làm cái môi. "Lành làm gáo, vỡ làm môi". Tôi nhớ chưa lần nào trong quãng đời ấu thơ của tôi, được uống hết nước ở một trái dừa già, dù mẹ tôi thừa tiền mua. Tôi chỉ được uống tới hai ly. Mà trái dừa múc ngoài sáu ly nước đầy. Cho nên, tôi không thể nào quên kỳ uống nước dừa hồi nhỏ. Mỗi khi cầm cả trái dừa tươi miền Nam, uống thả cửa, tôi vẫn nhớ sự thèm khát ngày xưa. Và, nước dừa, bao giờ cùng ngon ngọt.
- Còn thuốc lá?
- Thuốc lá Capstan?
- Dạ, có kỷ niệm trong khói thuốc không hả, thầy?
- May ra nó sẽ thành kỷ niệm.
- Một nhà văn phải chứa chất nhiều kỷ niệm quá, thầy nhỉ?
- Hình như vậy.
- Bao giờ em mới được đọc những trang sách thầy Hoài viết về kỷ niệm thuốc lá và đi xuồng trên con lạch này?
- Tôi sẽ không viết đâu.
- Chắc chuyện không đáng viết?
- Có những kỷ niệm mình chỉ nên biết một mình. Phải bày cho nhiều người biết kỷ niệm của mình là xúc phạm kỷ niệm. Bởi vậy, tôi sẽ không chọn văn chương làm cái nghề mà sẽ chỉ viết tài tử. Nghe hai tiếng "nhà nghề", cô Trang có khó chịu không?
- Em chưa dám có ý kiến.
- Giết heo là một cái nghề. Chôn người cùng là một cái nghề. Chẳng lẽ, văn chương cũng là cái nghề luôn?
- Thầy khó tính?
- Hình như vậy. Nhưng cô Trang yên tâm, tôi không khó tính với cô đâu. Nếu mai này tôi viết truyện tôi sẽ viết riêng cho cô đọc kỷ niệm một lần đi xuồng.
Trang chớp mắt. Nàng chèo xuồng nhanh hơn và không chịu nhìn tôi nữa. Một lát sau, nàng nhấc bơi chèo để vào lòng xuồng. Tôi hỏi:
- Tới nơi rồi ạ?
Nàng đáp:
- Dạ, kể như đã tới nơi.
- Sao lại kể như...?
- Vì còn phải lội bộ một quãng.
Trang đứng dậy đưa tay nắm một đám có trên bờ. Chiếc xuồng ngừng lại:
- Thầy lên trước đi.
- Trang còn làm gì?
- Em buộc xuồng cho nó khỏi trôi.
- Không sợ mất xuồng ư?
- Thưa thầy ở quê nhà em ai cũng có vài chiếc xuồng là ít.
Nàng ngó tôi, mỉm cười:
- Mà nhỡ có ai thích giỡn, lấy mất xuồng, em sẽ đi bộ với thầy về tỉnh.
Tôi nói:
- Như thế sẽ có thêm kỷ niệm đi bộ... Và tôi mong bị mất xuồng.
Tôi bước lên bờ trước. Trang buộc xuồng lại rồi lên sau. Chúng tôi đi hết một thôi bờ ruộng, qua chiếc cầu gỗ không tay vịn là vào tới quê ngoại của Trang. Đây cùng là lần đầu tiên tôi biết một làng thôn miền Nam. Làng thôn miền Nam không giống làng thôn miền Bắc. Nhưng mùi rơm, mùi khói thì chẳng khác gì. Mùi thơm của quê hương Việt Nam, ở miền nào, cùng ngai ngái ca dao. Trang và tôi đang đi trên con đường thơm như con đường thơm trong thơ Huy Cận. Sự yên lặng khiến tôi mơ về dĩ vãng. Khi tôi lớn lên, chiến tranh lan tràn. Bom đạn đã cày nát những con đường thơm của quê hương. Cả những con đường mòn hai bên đầy cỏ dại cũng in đầy dấu giày tàn bạo. Tôi chưa kịp hưởng những đêm trăng đi chơi với người yêu trên đường làng. Nhất là, chưa ngồi bên người yêu dưới gốc cây bưởi chuyện trò đến đêm khuya, đợi hoa bưởi nở thơm ngát để biết rằng đêm đã khuya. Tôi thèm thuồng một quê hương thanh bình thơ ấu quá. Thuở bé, không biết hưởng thanh bình, lớn lên, thanh bình ngập chìm vào lửa đạn. Tôi nghĩ một nửa gia tài mộng mơ của những người bằng tuổi tôi đã tàn lụi vì khao khát đi giữa đường quê thanh bình.
Nhưng hôm nay, tôi đang đi giữa đường quê thanh bình. Chiến tranh đã ngủ dưỡng sức. Hãy ngủ yên, ngủ mệt, ngủ quên thức dậy, chiến tranh! Con đường tôi đang đi vừa kịp lành những vết nứt nẻ. Tôi van xin bom đạn đừng làm nứt nẻ thêm một lần để con đường này phải nghẹn ngào, rên xiết.
- Thầy Hoài đang nghĩ gì vậy?
- Về quê nhà tôi.
- Thầy nhớ nhà à?
- Nhớ mỗi giàn hoa thiên lý. Chắc giàn hoa thiên lý của mẹ tôi đã chết héo rồi. Vì mẹ tôi nhớ tôi, mẹ tôi bận khóc lóc, không có thì giờ chăm sóc giàn hoa nữa.
- Nhà ngoại em cũng trồng một giàn hoa lý.
- Thế thì tôi phải ngồi dưới giàn hoa kể cho Trang nghe chuyện quê nhà tôi mới được.
29-5-1969 
Duyên Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...