Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa 5

Giai thoại về các
tỷ phú Sài Gòn xưa 5

Tỷ phú ngành in
Chuyện kể về những công dân ngành in, sau khi trở thành tỷ phú, chắc ngày nay ít ai tin, nhưng cách đây gần một thế kỷ, đó là sự thật!
Trong giới nhà in ở Sài Gòn cho đến những năm của thập niên 60, nhiều người vẫn còn biết về các ông chủ của ngôi nhà số 157 đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) và một nơi nữa bên hông Bưu Điện hiện nay (phía đường Nguyễn Du). Đây là hai nơi mà một thời là hai ấn quán nổi tiếng. Nó gắn liền với ba tên tuổi được xem là tiền bối của ngành in ở Sài Gòn. Một người là Đinh Thái Sơn, kế đó là Nguyễn văn Viết và sau cùng là Nguyễn văn Của. Họ chính là ba tỷ phú xuất thân từ thợ nhà in!
Đinh Thái Son, người gốc Nghệ An, tha phương mưu sinh vào Sài Gòn từ tuổi thiếu niên. Nhờ theo đạo Thiên Chúa, nên ông xin được chân học việc ở nhà in thuộc nhà thờ Tân Định. Nghề dạy nghề, vài năm sau ông đã trở thành một tay thợ giỏi, và may mắn được ông Trương Vĩnh Ký, một học giả đang rất được nhiều người kính nể, nhất là các chức sắc tôn giáo quản ký nhà in, để "lọt mắt xanh" và được giới thiệu lãnh thầu một số công việc ngành in, trong đó có dịch vụ đóng sách. Dịch vụ này lúc đó thu khá cao, nên chỉ một thời gian làm ăn, ông Đinh Thái Sơn đã phất lên dần. Và còn may mắn hơn nữa, ông được ông chủ nhà in Câu Toán ở đường d’Ormay (Mạc thị Bưởi ngày nay) thương tình, gả con gái cho.
Bước tiếp theo sau đó, ông Sơn đứng ra tự thành lập một imprimerie (nhà in) lấy tên là Phát Toán và được ông bố vợ nhường hẳn cho cơ ngơi, biến nhà in cũ nhỏ hơn, thành một nhà in mới bề thế hơn. Từ đó việc làm ăn của ông Đinh Thái Sơn lên rất nhanh, bởi đó là buổi giao thời, việc in ấn sách báo Việt ngữ tỏ ra đắc địa. Rồi từ cơ ngơi đường d’Ormay, ông Sơn đã mua thêm căn nhà 157 đường Catinat, để khai trương ấn quán mới, lấy tên là l’Imprimerie de l’Union (Đồng Hiệp ấn thư cuộc). Lúc này có thêm một thân hữu lúc hàn vi của Sơn cùng tham gia, đó là ông Nguyễn văn Viết.
Hai người bạn đồng hướng, cùng có tay nghề khá và tài kinh doanh, nên chỉ một thời gian sau, nhóm nhà in Union của họ đã có uy tín tại Sài Gòn, hầu như không một công việc in ấn nào không qua tay họ. Lúc đó cũng là giai đoạn Sài Gòn chuyển sang văn minh hóa cao hơn...
Có thể nói, nếu ông Đinh Thái Sơn là người đặt viên đá đầu tiên cho ngành in ấn thương mãi tại Sài Gòn thì ông Nguyễn văn Viết lại là người phát triển cho nó mạnh lên. Lúc bấy giờ tên tuổi hai người này đã thường nhắc đến trong giới công thương kỹ nghệ gia. Nhà in Union ở 157 đường Catinat được chuyển về cùng trường Tabert (đối diện hông trái Buu điện Sài Gòn) và tiếp tục thế độc tôn của mình.
Tiếp bước hai vị trên, người thứ ba nổi lên từ đầu thập niên đầu thế kỷ 20, đó là ông Nguyễn văn Của. Ông này về sau còn được gọi là Huyện (hàm) Của. Ông Của thuở thiếu thời rất nghèo, sống cơ cực trong một xóm ổ chuột, phải làm lụng vất vả ban ngày, đêm đến lại phải xách đèn lồng theo người chị gái đi bán chè, rong rủi khắp thành phố. Mỗi khi đi qua trà đình tửu quán, nhìn thấy cảnh thiên hạ ăn chơi, cậu ta không hề ham muốn, mà chỉ có mỗi ham muốn cháy bỏng là làm sao để có tiền giúp đỡ gia đình... Có lẽ đó là động cơ mạnh mẽ, đã thúc đẩy ông quyết tâm học một cái nghề cho tương lai. Và nghề đó chính là nghề in ấn.
Tuy ý chí biến thành sự thực phải qua thời gian dài và gặp biết bao trở lực, nhưng cậu bé của đã kiên trì vượt qua... Đầu tiên, cậu ta xin vào làm thọ tại nhà in của ông Đinh Thái Sơn và Nguyễn văn Viết. Tại đây, Của được hai ông kia phát hiện khả năng, nên chẳng mấy chốc cậu bé đã được nâng đỡ và giao cho vai trò chính yếu trong nhà in. Cuối cùng, vào thập niên 10 của thế kỷ này, Nguyễn văn Của đã chính thức cùng với Đinh Thái Sơn và Nguyễn văn Viết trở thành là ba trong số mười nhà giàu có nhất tại Sài Gòn!
Qua câu chuyện làm giàu của họ như vừa kể, ta thấy tuy họ có được sự giúp đỡ cũng như có một số may mắn ban đầu, nhưng chủ yếu vẫn là do nỗ lực từ bản thân họ là chính. Họ đã nhẫn nại và biết nắm bắt cơ hội để đứng vững trên thương trường, về mặt này mặt nọ, những người này tuy chưa phải là các nhân tố tích cực của giới tư bản thời đó, nhưng dù sao chuyện "biết làm giàu bằng công sức lao động" của họ cũng rất đáng cho chúng ta trân trọng...
Dân nhà giàu Sài Gòn xưa chơi xe
Dân Sài Gòn từlâu đời vẫn được tiếng là chịu chơi. Tính chịu chơi này chẳng riêng gì người giàu, mà ngay giới bình dân cũng có máu đó... Bài này kể chuyện chịu chơi của một số triệu phú, nhưng cũng không thiếu những "dân đen"...
Sài Gòn ngót một thế kỷ trước, đó là thời của nhiều tên hảo hán, các phú hộ đắc thời, những người có những cách chơi ngông mà cho đến ngày nay vẫn còn được nhắc đến. Chỉ nói chuyện chơi xe thôi, thì phải nhắc tới các loại người sau đây: Một là các chàng công tử như Hắc, Bạch công tử, và một kia là loại như Bảy Viễn, Sáu Ngọ. Hồi đó, kỹ nghệ xe hơi còn phôi thai, nên chỉ có ít hiệu xe như Panhard, Delage. Traction. Citroen, Ford... Và sau đó là hai hiệu xe mới hơn, đó là Vedette và Rolls Royce. Vedette là loại xe bự tổ chảng, được liệt vào hàng "oai vệ" nhất thời ấy, nhưng dĩ nhiên là không thể bì được với hiệu xe Rolls Royce quý tộc. Nghe nói vào những năm đầu của thập niên 20, khi mà Sài Gòn mới bắt đầu làm quen với xe hơi, thì toàn vùng Sài Gòn Chợ Lớn, Gia Định có chứa tới 100 chiếc ô-tô. Người có chiếc Delage "chiến đấu" nhất lúc ấy là vị Thống đốc Nam Kỳ, xe của ông ta mang số lưu hành 100, mỗi khi chạy tới đâu thì có lính đi dẹp đường đến đó, chẳng phải sợ ai ám sát, mà chẳng qua ngại xe bị trầy!
Người thứ hai chơi xe hơi đó là vua cờ bạc Sáu Ngọ. "Thầy Sáu" nhờ tổ chức sòng bạc nên giàu nứt vách, dư tiền nên chơi sang, cũng mua một chiếc Delage và hai chiếc Panhard cáu chỉ. Chiều chiều, thầy Sáu ngồi xe đi dạo, tuy không có lính đi dẹp đường, nhưng đi đâu cũng rầm rộ tới đó, bởi thời ấy ai nhìn thấy một chiếc xe hơi thảy đều trầm trồ, nhìn không nháy mắt! Về sau, Sáu Ngọ còn sắm thêm vài chiếc Traction nữa...
Sau thế chiến thứ nhất, sắp bước vào nửa thập niên 30, là thời của các chàng công tử ở Nam Bộ. Hắc công tử Bạc Liêu, rồi Bạch công tử Mỹ Tho, là những người như chúng ta nghe nói, thuộc loại chơi ngông số một, cho nên khi họ muốn chơi xe, thì cũng rất khác đời. Thời đó các dân chơi rất khoái các loại xe mui trần (décapotable), đi cho mát, đồng thời cũng để cho thiên hạ dễ nhìn thấy mặt người ngồi trong xe! Có lẽ bởi lý do này, nên dù đã có hàng chục xe hơi riêng, vậy mà đi đâu các chàng công tử vẫn khoái ngồi xe kéo hơn, để còn được dịp xài sang, lấy tiếng với dân nghèo.
Có người kể lại rằng, khi nghe người ta nói đến loại xe Rolls Royce trứ danh, cả hai chàng công tử đã nhờ hãng Charner gởi "cồm-măng" mỗi người một chiếc, giá cả "bi thì bi", không thành vấn đề. Không ngờ, khi hãng sản xuất điều tra ra lai lịch của hai chàng, họ đã từ chối không bán. Hỏi ra mới biết, hãng Rolls Royce chỉ bán cho những loại khách có máu mặt như vua chúa, hay các tỷ phú nổi tiếng trên thế giới!
Có lẽ do bị ức vì chuyện đó, nên sau này, khi qua Pháp, dù có điều kiện đi xe Rolls Royce, nhưng Bạch công tử thề không bao giờ bước lên hiệu xe đó! Cũng may, chứ không thì gia sản của chàng ta sẽ hụt đi một số tiền khổng lồ cho khoảng chơi xe Rolls Royce.
Cỡ như Sáu Ngọ hay các chàng công tử kể trên chơi xe thì còn có lý, bởi họ vốn ngông cuồng. Còn như Bảy Viễn (thuộc Bình Xuyên) mà cũng đua đòi chơi xe. Nguyên là, khi đã hùng cứ một vùng đất bên kia cầu chữ Y, một hôm Bảy Viễn gọi một tay em tới hỏi: "Cỡ như tao, có quyền mua Rolls Royce không?". Tên đàn em thuật lại chuyện hai công tử bị bẽ mặt ngày trước và khuyên Bảy Viễn không nên "phiêu lưu", nhưng Bảy Viễn vẫn không nghe, cứ chuyển tiền sang Anh quốc xin mua. Kết quả là, một lần nữa hãng Rolls Royce đã tù chối với lý do: "Không nằm trong danh sách cung cấp".
Có lẽ bởi thế, cho nên sau đó Bảy Viễn chỉ thích dùng toàn xe của Pháp. Ông ta sắm một lúc 100 chiếc Peugeot 203 và 403 dùng chở khách từ Sài Gòn đi Vũng Tàu và Đà Lạt, lấy tên là đội xe "Nghĩa Hiệp".
Qua kiểu chơi xe của Bảy Viễn, sau này một số nghệ sĩ cải lương ở Sài Gòn (cũ) cũng có mode chơi xe rất ngông, thích phô trương hơn là làm, phương tiện đi lại. Ta còn nhớ, thời hoàng kim của cải lương miền Nam (thập niên 50-70), các chàng kép hát dù phải vay tiền nóng với lãi suất rất cao nơi các "mẹ mìn", nhưng họ vẫn vay, chỉ để mua cho được những chiếc xe đời mới. Mua rồi đổi, đổi rồi lại mua... Cứ thế, gần như suốt đời họ vẫn mang nợ một ai đó và cái thú chơi xe!
Dân Sài Gòn xưa chơi xe như thế đó. Rất ngông, nhưng họ lại rất khoái. Nhiều người cho rằng tại vì đó là... máu chịu chơi! Cũng qua những cách chơi như vậy, ta ngẫm lại những câu chuyện về cuộc đời các tỷ phú trong tập sách này, sẽ hiểu tại sao họ làm giàu quá dễ, nhưng giữ của được lâu dài thì họ (và con cháu họ sau này) lại tỏ ra không nổi trội bằng... Người rành chuyện cho rằng, giữa máu hảo hán và máu kinh doanh, làm giàu, luôn luôn đối nghịch nhau.
Dù sao, những gì vừa kể, dù thật hay huyền thoại, dù còn trong thực tế hay chỉ là dĩ vãng xa rồi, cũng đủ cho ta một chút gì đó để nhớ, để có đôi chút thú vị...
Phần phụ lục
Hảo hán Sài Gòn, Dân chơi Bến Nghé
Trong suốt 300 năm ra đời và phát triển, Sài Gòn đã sản sinh ra vô vàn sự việc, con người, từ điều tích cực đến tiêu cực... Sài Gòn muôn vẻ, muôn mặt. Trong số này không thể ghi lại hết những nét rất Sài Gòn, đó là những nhân vật đã có thời được gọi là hảo hán...
Những nhân vật được dân Sài Gòn nhắc tới nhiều nhất trong giới giang hồ, hảo hán, trước hết phải kể đến hai người, Phan Xích Long và Tư Mắt. Hai người này tuy có hai tính cách khác nhau, nhưng lại mang một đặc trưng rất Sài Gòn, nên được thiên hạ nhớ lâu.
Phan Xích Long tên thật là Phan Phát Sanh, con của Phan Núi, một viên chức cảnh sát vùng Chợ Lớn. Thời niên thiếu, Phan Xích Long ít học, chỉ thích tụ tập bạn bè vui chơi. Lớn lên, không làm được thầy thông, thầy ký như ý cha mẹ mong muốn, nên Xích Long phải đi làm sớm để mưu sinh. Việc làm đầu tiên của ông là làm bồi cho Tây. Thời đó dân bồi Tây thường thuộc thành phần "anh chị", dao búa, nhưng riêng Phan Xích Long thì không hẳn như vậy. Ông, ngoài thì giờ làm việc, còn tụ tập bạn bè lại để bàn chuyện... bí mật. Chuyện bí mật đó chỉ ít lâu sau đã lộ rõ, làm cho không ít người trong nhóm phải giật mình! Thì ra, tuy ít học, làm bồi Tây, nhưng Phan Xích Long lại mang một hoài bão rất lớn, đầy tính chất phiêu lưu, chẳng khác nào chuyện của các anh hùng Lương Sơn Bạc: Phan Xích Long "xung đế", tự nhận mình là Thái tử của vua Hàm Nghi. Đến lúc đó thiên hạ mới vỡ lẽ ra, từ lâu Phan Xích Long đã âm thầm liên kết với nhóm anh em trong giới giang hồ, để chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa.
Chẳng biết cuộc chuẩn bị đến đâu, chỉ khi có mật tin trong giới với nhau, người ta mới hay rằng "Hoàng đế" Phan Xích Long đã truyền hịch nổi dậy! Người trong nhóm tuân thủ đã đành, mà cả người ngoài, tức những người dân đen bị áp bức cũng ủng hộ vô điều kiện. Song, có lẽ do tổ chức quá gấp gáp, nhiều sơ hở, nên cuộc "khởi nghĩa" đã sớm tan rã, do sự đối phó, đàn áp dã man của chính quyền Pháp lúc ấy. Phan Xích Long và vài thân tín chạy thoát được, lánh nạn ra tận Phan Thiết, còn các đồng đảng của ông thì bị bắt rất đông, bị đưa ra xử ở tòa đại hình, về tội làm loạn. Phiên tòa gây xôn xao dư luận, kéo dài từ ngày 5 đến ngày 12-11-1913 (Quý Sửu). Phan Xích Long cũng bị bắt, bị đưa xử chung trong phiên tòa đó. Nhũng bản án quá nặng đã được tuyên, nhằm làm giảm nhuệ khí những ai còn có ý định làm loạn như vậy. Phan Xích Long và một số tay chủ chốt bị kêu án chung thân. Chuyện không kết thúc ở đó, mà còn bi thảm hơn và đầy hào khí, đầy tính Thủy Hử, khi sau đó các đồng đảng của họ Phan đã âm thầm tụ họp và dự tính một cuộc cướp ngục, hầu giải thoát cho thủ lĩnh của họ. Khám lớn thời ấy nằm ở khu vực Thư viện Thành phố ngày nay (trong tứ giác Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực - Lý Tự Trọng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Vào nửa đêm 12 tháng Giêng năm Bính Thìn (1916), nhóm cướp ngục đã từ nơi xuất phát ở chân cầu Móng (Quận 4 giáp ranh Quận Nhì - nay là Quận Nhất), nhóm người dưới ganh nghĩa Thiên Địa Hội, đã bất thần tràn lên, hướng về phía Khám lớn để mở cuộc tấn công, nhằm phá ngục cứu "hoàng đế". Tất cả các thành viên nổi dậy đã gây được sự chú ý của người dân Sài Gòn, bởi họ đều ăn vận quần đen, áo trắng, cổ đeo đầy những đạo bùa chú rất lạ (mà theo họ quan niệm là có thể chống được súng đạn). Họ chỉ võ trang giáo, mác, gậy gộc... Nhưng khí thế thì hừng hực! Tuy vậy, giáo mác và khí thế đâu làm sao chống lại được với súng đạn thật. Cho bên chỉ sau vài giờ nổi dậy, chưa phá được khám thì toàn bộ lực lượng đã bị đánh tan. Ba người bị bắn chết ngay tại cổng Khám lớn, bốn người nữa bị giết trên đường thoát thân, một số rất đông bị bắt giam vào đúng nơi họ định phá ngục cứu thủ lãnh!
Tòa đại hình Sài Gòn kết án tử hình 38 người, trong đó có Phan Xích Long. Cuộc xử bắn sau đó được thi hành tại Đồng Tập Trận vào ngày 20-2 và 16-3-1916. Tổng cộng trước sau có tất cả 57 người đã ngã xuống vì đại cuộc của Phan Xích Long. Tuy chưa làm được điều định làm, nhưng dù sao chính hành động này của họ Phan cũng đã gióng lên hồi chuông báo động cho các cuộc vùng dậy của nhân dân Sài Gòn sau này...
Tư Mắt
Đồng thời với Phan Xích Long là Tư Mắt. Người này không có được chí lớn và hành động chống Pháp giải thoát người nghèo như Phan Xích Long, tuy nhiên, anh ta vẫn được người Sài Gòn nhắc tới, bởi tính cách giang hồ vào thời ấy.
Tư Mắt tên thật là Nguyễn văn Trước, sinh ra và trưởng thành tại vùng Chợ Lớn. Lớn lên làm thợ hớt tóc, rồi sau đó làm chủ tiệm, mở cửa tiệm hớt tóc tại số 200 đường Marins (đường Thủy Binh, sau đổi là Đồng Khánh - nay là Trần Hưng Đạo B). Vào những ngày đầu thế kỷ XX, khắp vùng Sài Gòn-Chợ Lớn (và cả Nam Kỳ lục tỉnh) không ai không nghe danh "đại ca Tư Mắt", bởi ông ta là tay giang hồ hảo hán bạo gan, bạo phổi mà hành động nặng tính Lương Sơn Bạc nhất. Đã có nhiều "huyền thoại" chung quanh cuộc đời ngang dọc của con người này, đến nỗi, dù cho Tư Mắt hành động cướp bóc cũng được ngợi khen, bởi nhiều người cho rằng Tư Mắt lấy tiền của kẻ giàu đem chia cho ngươi nghèo.
Tương truyền, Tư Mắt có đến hàng ngàn đồng đảng ở khắp nơi. Ông ta cầm đầu những cuộc cướp của nhà giàu, chứa bạc và cả những dịch vụ làm ăn không rõ nguồn gốc... sở dĩ Tư Mắt được xưng tụng là hảo hán, có lẽ do những hành động đượm chất Tống Giang, Võ Tòng của Thủy Hử, hoặc hành động như Đơn Hùng Tín trong truyện Thuyết Đường. Ai đã quen biết với Tư Mắt, từng được "anh Tư" che chở, đều bái phục chất hảo hán rặt Nam Bộ của anh ta: đàn em bất kể là người nào, nếu lúc bình sinh chịu khuất phục Tư Mắt thì lúc hoạn nạn, dù ở hoàn cảnh nào, cũng được "anh Tư" ra tay cứu vót. Thậm chí có người khi bị sa cơ, ở tù, người nhà không thấy ai thăm viếng, chỉ thấy Tư Mắt hoặc đàn em của anh ta đến thăm tận khám đường, tiền bạc quà cáp đầy đủ và còn có thể được Tư Mất bỏ tiền ra lo cho tại ngoại.
Thời đó, chính quyền Pháp hình như ngại đụng chạm đến Tư Mắt, một phần vì lực lượng "đầu gấu" trong giang hồ của Tư Mắt quá đông, nhưng phần quan trọng là họ sợ chạm đến lòng ngưỡng mộ Tư Mắt của số đông dân nghèo. Có một câu chuyện được kể lại rằng, vào một ngày nọ, khi Tư Mắt cùng vài đồng bọn tới một ngôi chợ nhỏ, đang ngồi ăn uống thì bị lực lượng cảnh sát bao vây. So về tương quan lực lượng thì phía Tư Mắt thua chắc, dù đại ca có giỏi võ đến đâu... Nhưng, thật bất ngờ, một đám đông chẳng biết từ đâu, đã bất thần tấn công cảnh sát, giải thoát cho đại ca Tư Mắt! Sau hiểu ra mới hay những người đó là đám dân nghèo, chỉ vì mến mộ Tư Mắt nên đã liều thân!
Ngày 14-5-1915, Tư Mắt bị đưa ra trước Tòa Đại hình ở Sài Gòn, bị khép tội du côn, kèm theo tội tham gia hội kín ủng hệ Ông Cường Để. Tưởng chừng với tội danh đó người Pháp sẽ kêu một án rất nặng, nhưng thật bất ngờ, Tư Mắt chỉ phải lĩnh có mấy năm tù. Tư Mắt ở tù chẳng phải xảy ra vụ cướp pháp trường như vụ Phan Xích Long, có lẽ người Pháp đã dàn xếp sao đó... Khi ra tù, Tư Mắt có vẻ trầm tĩnh hơn, dù đám đàn em vẫn một mực tôn sùng, bái phục.
Ở tuổi 50, bỗng dưng Tư Mắt rũ áo giang hồ, có lẽ do hối lỗi những gì mình đã gây ra trong suốt một thời gian dài, nên xin vào làm công quả ở chùa Giác Lâm (Bình Thới-Phú Thọ). Nghe nói ông ta chết già trong âm thầm lặng lẽ ở ngôi chùa đó...
Dân chơi Bến Nghé
Ngoài hai tên tuổi nổi bật nêu trên, Sài Gòn còn khá nhiều các hảo hán, mỗi người một vẻ, người hùng cũng có, xỏ lá ba que cũng không thiếu. Tất cả họ, dù là hảo hán thứ thiệt, hay hảo hán nửa mùa, đều luôn hãnh diện tự cho mình là "chơi theo kiểu Nam Bộ" với phương châm "hành hiệp", lấy câu "hoạn nạn tương cứu, sinh tử bất ly" làm đầu. Nhưng cũng không thiếu những người như Bảy Viễn, lúc còn là dân giang hồ thì luôn miệng thề thốt trọng nghĩa khinh tài, nhưng khi đã có của (do người Pháp cung cấp) thì lại tỏ ra gian ác xỏ lá không ai bằng! Nhưng nói chung, đã là dân giang hồ chính hiệu, dân hảo hán Sài Gòn trăm phần trăm thì luôn "chơi đẹp", móc ruột gan ra chơi với bằng hữu, luôn tỏ ra "bảnh" khó bì!
Nói về vụ chơi bảnh, xin kể hai giai thoại sau đây, để cho thấy cách chơi đặc trưng Nam Bộ. Đầu tiên là của Sáu Ngọ, vua cờ bạc, đồng thời là tay hảo hán cỡ bự của Sài Gòn. Một hôm, đi chơi phố Catinat (Đồng Khởi ngày nay). Thầy Sáu (biệt danh do em út tặng cho Sáu Ngọ) ghé vào một hiệu bán nón (mũ) do người Pháp làm chủ. Thời đó,những chiếc nón nỉ (thường của Pháp, Ý) rất đắt tiền, chỉ dành cho dân Tây hoặc nhà giàu. Bởi vậy, khi nhìn thấy Sáu Ngọ với trang phục lôi thôi, tên chủ tiệm người Pháp đã có ý khinh khi. Đến khi thầy Sáu lên tiếng hỏi mua vài chiếc nón đội chơi, tên chủ trả lời mà có ý đuổi khéo: "Nón này mắc lắm, anh không mua nổi đâu!". Sáu Ngọ thông hiểu tiếng Pháp, nên nghe câu trả lời đã nổi điên, ông ta hất hàm bảo chủ tiệm: "Còn bao nhiêu cái nón, lấy hết cho tao!" Nói xong, ông ta móc ra một xấp tiền trả "cái rẹt"! Tên chủ người Pháp quá bất ngờ, nên sau đó riu ríu gói hơn một chục chiếc nón, kèm theo câu trịnh trọng: "Merci Monsieur" (Xin cảm ơn ngài).
Chuyện thứ hai thuộc về Hội đồng hàm, Trần Trinh Trạch, cha của Hắc công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Qui (Ba Qui). Ông này tuy đã già, nhưng lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình là "dân chơi" thuộc loại hảo hán, như muốn cho mọi người biết: "Tao như vầy, nên mới sinh ra thằng Hắc công tủ Ba Qui như thế...". Một hôm, Hội đồng Trạch lên chơi Sài Gòn, nhân đó muốn sắm xe hơi chạy về Bạc Liêu cho oai. Ông ta ghé lại hãng Charner (Trung tâm Bách Hóa TP.HCM ngày nay), là nơi duy nhất bày bán các loại ô-tô mới từ châu Âu đưa qua. Thời ấy, chỉ những quan Tây cỡ lớn, hay những nhân vật phú hộ người bản xứ thuộc loại tiếng tăm lững lẫy mới đủ khả năng sắm những chiếc xe hơi hiệu Peugeot, Delage, Panhard, Ford... đang được trưng bày một cách nghênh ngang trong cửa hàng. Bởi vậy, vào một buổi sáng Chủ nhật, khi thấy một cụ già búi tóc, mặc áo bành tô, quần lụa lèo, chân đi giầy hàm ếch bước vào, những vendeurs (người bán hàng) đã không thèm chào hỏi. Đến khi ông cụ lên tiếng hỏi giá cả từng loại xe thì bị ngay những cái trợn mắt khinh thị, một tên bán hàng còn hỏi trịch thượng: "Ông có bao nhiêu tiền mà dám hỏi chiếc xe đó?". Hội đồng Trạch tức khí, vừa vỗ vào hầu bao đeo ở thắt lưng vừa quát: "Tao mua hết cả nhà tụi bây cũng còn được nữa là!" Rồi ông ta leo lên xe, bảo thử hết chiếc này đến chiếc khác. Cuốì cùng, ông ta mua chiếc Delage loại "chiến" nhất, giá trên 2.000 đồng (nên nhớ rằng thời ấy chỉ vài chục đồng một lượng vàng). Đến khi ông mở gói tiền toàn giấy bộ lư (tiền 100 đồng, loại tiền giá trị lớn nhất lúc đó) ra, mọi người trố mắt nhìn, mấy tên vendeurs tẽn tò, dạ dạ vâng vâng rối rít!
Về sau, Hội đồng Trạch vẫn còn khoái chí chuyện đó. Ông ta luôn khoe: "Tao cho tụi nó biết thế nào là hảo hán đất Nam Bộ!"
Hồn ma con gái chú Hỏa
Do chú Hỏa (Hui Bon Hoa) quá giàu và được người Sài Gòn coi như một nhân vật huyền thoại, do đó những điều thêu dệt quanh ông và gia đình ông cũng không ít. Trong số này có câu chuyện mà mãi đến ngày nay vẫn còn là điều bí ẩn... Chúng tôi ghi lại đây qua một số truyền thuyết, chưa chắc đã chính xác, nhưng cũng xem như là một tư liệu để góp thêm vào sự hiểu biết về chú Hỏa...
Bóng ma trong lâu đài
Vì cuộc sống của một phú hộ như chú Hỏa quá biệt lập nên mọi chuyện riêng tư của gia đình này lọt được ra ngoài chỉ bằng những lời đồn đãi.
Thực hư ra sao chưa được kiểm chứng, nhưng hầu như người sống ở Sài Gòn lâu đời cũng đã từng nghe, tuy có nhiều cách bàn tán, nên có nhiều tình tiết không đồng nhất. Một trong những truyền thuyết đó là một bóng ma thường xuất hiện trong tòa dinh thự rộng lớn của gia đình chú Hỏa! Chuyện này do một số á-xẫm hầu hạ trong nhà tiết lộ ra.
Họ nói rằng cứ đêm đêm thường có những tiếng khóc tỉ tê trong một căn phòng trên lầu vắng. Và đã có lần họ nhìn thấy một người con gái mặc toàn trắng, tóc xõa dài chấm đất, đứng ở đầu cầu thang.
Những tôi tớ trong nhà báo chuyện này cho chủ, nhưng chủ gạt ngang và còn cấm nói ra ngoài. Một người hầu già sau này kể lại rằng bà được lệnh của bà chủ, hàng ngày phải mang một mâm cơm lên một phòng không người ở trên lầu, mà theo bà chủ giải thích thì đó là để cúng cho một người khuất mặt được thờ trong nhà.
Có điều lạ là cửa phòng không hề được mở, nên không biết được bên trong thờ ai. Người hầu già bưng mâm com mỗi bữa lên đặt vào một ô cửa nhỏ bằng một gang tay, rồi cứ để đó và đi xu ông.
Người ta đã dặn bà này thật kỹ, coi như một nghiêm lịnh: "Khi mang cơm lên phải đi lùi. Đặt xong mâm cơm xuống thì phải bước đi ngay, không được quay đầu lại, nếu trái lời sẽ bị bẻ cổ hộc máu chết liền!"
Với lời đe dọa đó thì đâu có người nào dám cãi. Những mâm cơm cứ thường xuyên mang lên cúng với toàn món ngon vật lạ. Nhưng có một điều hết sức kỳ lạ là hầu như mâm cơm cúng nào khi được dọn đi cũng đều hết sạch như có người vừa ăn!
Chính điều đó đã làm cho những người hầu hạ trong nhà sợ hãi thêm. Họ tin chắc lằ người "khuất mặt" trong căn phòng kia đã "hiển linh" hiện hồn về!
Vì quá sợ nên người hầu già xin nghỉ việc, nhưng bà đã được cho nhiều tiền cùng những lời động viên nên rồi cuối cùng đã ở lại tiếp tục công việc "lạnh xương sống" kia!
"Người đẹp" trong nhà mồ
Vẫn theo truyền thuyết thì sau đó ít lâu, bỗng có tin một cô con gái trong lâu đài đã mang "bệnh kín" và từ trần. Đám tang được tổ chức khá âm thầm, theo chủ gia thì bởi cô này chết nhằm giờ trùng, lại mang bệnh lạ nên không làm đám tang rình rang theo lệ con nhà giàu.
Người chết được an táng trong một ngôi nhà mồ ở vùng ngoại ô xa, nơi mà gia đình chú Hỏa có một ngôi biệt thự dùng để nghỉ mát cuối tuần. Người hầu già hồi trước cũng được điều tới để lo nhang khói trong ngôi nhà mồ này, đặc biệt là vẫn mỗi bữa một mâm cơm cúng và những điều kiện nghiêm ngặt như trước.
Chỉ một tháng sau lại có một tin giật gân được tung ra làm thót tim người chung quanh: ma hiện hồn trong nhà mồ!
Nhiều người đã rình và thấy được cứ vào nửa đêm thì có một bóng trắng của một cô gái xõa tóc đi ra từ trong nhà mồ...
Câu chuyện ma hiện hồn đã lan truyền rộng khắp vùng, nên hễ trời tối là ít có người dám bén mảng tới. Kể cả thân nhân người chết cũng ít tới lui...
Hai tên trộm
Trên đời này, có lẽ chỉ có những tay trộm đêm là không hề biết sợ ma! Bằng cớ là đã từng xảy ra những vụ đào mồ để lấy cắp vật quý chôn theo người chết.
Nhưng đó là đối với những ngôi mộ mới chôn, mộ bình thường, không có triệu chứng là có ma. Chứ còn như khu nhà mồ của dòng họ chú Hỏa thì câu chuyện ma hiện hồn đã làm cho thiên hạ khiếp vía đâu riêng gì lũ trộm?
Vậy mà có hai con người không sợ. Chỉ sau khi có tin ma hiện độ vài tuần là có hai bóng đen lẻn vào nhà mồ lúc trời sụp tối, trăng chưa lên. Mục tiêu của chúng là chiếc quan tài của cô gái mà chúng nghi là có chôn theo nhiều của quý giá. Vì theo tục lệ người Tàu, nếu là con gái cưng hay vợ yêu mà bị chết thì gia chủ cho liệm theo xác nhiều vật quý như vàng, ngọc. Đặc biệt họ tin rằng một cục vàng hay viên ngọc bỏ vào miệng cho xác chết ngậm sẽ giúp cho người chết được an hưởng chốn suôi vàng, đồng thời người sống trên dương thế cũng sẽ được phúc lộc theo, sẽ làm ăn phát đạt.
Hai tên trộm dùng xà ben nạy nắp áo quan dưới ánh đèn pin... Vậy mà khi nắp quan tài bật ra, bọn chúng phải sửng sốt kêu lên, vì quan tài trống không, chẳng có đồ đạc, cũng chẳng có xác chết!
Trong lúc hai tên còn đang ngơ ngác thì chợt xuất hiện sừng sững giữa nhà mồ một người con gái mặc toàn trắng, tóc dài quá gót, đang cất lên một tiếng rú kinh hoàng!
Hai kẻ bất lương bỏ cả đồ nghề, ù té chạy bán sống bán chết, chạy đến khi va đầu vào một gốc cây và nằm lăn ra...
Sự thật về hồn ma
Cũng như là lời truyền miệng sau này về hồn ma con gái chú Hỏa, theo người am hiểu thì chú Hỏa có một cô con gái (có người nói là cháu gái, cũng có tin nói là một cô hầu gái cưng yêu của ông chủ) chẳng may bị bệnh nan y lúc bấy giờ, đó là bệnh cùi. Bệnh phát nhanh nên dù có nhiều tiền cũng chữa không khỏi được.
Đến khi bệnh hành quá, gia chủ phải nhốt cô ta vào phòng riêng, không cho ai thấy, hằng ngày mang thức ăn nuôi dưỡng. Đến lúc bệnh quá nặng thì chuyển ra nhà mồ, giả như người chết, để tránh tai mắt của mọi người. Và cũng nhằm ngăn sự tò mò của kẻ hiếu kỳ, gia chủ đã tung tin ma hiện hồn về cho thiên hạ sợ.
Thời gian sau, nghe đâu cô gái đó chết thật, xác được chôn đúng nơi cô giả chết. Và lại có tin, lần này cô ta đã hiện hồn thật?
Hư thật ra sau, theo năm tháng qua đi rồi cũng chẳng ai kiểm chứng được gì, và câu chuyện chìm vào quên lãng. Ngày nay còn lại chăng là ngôi dinh cơ đồ sộ kia, cùng với cái danh tiếng chú Hỏa và câu chuyện gần như hoang đường được mỗi người thêu dệt đôi chút cho thêm phần hấp dẫn...
Giấc mơ Sài Gòn công nghiệp hóa
Những bài trong tập sách này hầu hết đều viết về những việc của Sài Gòn thuộc dĩ vãng, ngót một thế kỷ trước... Để thú vị hơn, trong phần phụ lục này, chúng tôi sẽ có riêng hai bài, một nói về một Sài Gòn của tương lai. Qua dạng một phóng sự viễn tưởng, tác giả đã phóng xa giấc mơ của mình, để mơ một giấc mơ thật kỳ thú về thành phố Sài Gòn thân thương. Do là giấc mơ, cho nên những gì bạn đọc được có thể không có, chưa có, nhưng cũng có thể những điều đó sắp thành sự thật...
Mồng một Tết
Tôi mở tung cửa sổ, cửa cái, đón ngọn gió xuân lùa về. Hương hoa từ vườn nhà tỏa nhanh, làm thơm nức cả gian phòng rộng. Nhà của tôi đang ở, thuộc khu đô thị mới, quận 2 (Thủ Thiêm trước đây), Thành phố Hồ Chí Minh, một khu biệt thự khá sang trọng, mà tôi là một trong hơn 10.000 công nhân nghèo, được nhà nước cho mua trả góp trong vòng 50 năm. Đây là cái Tết đầu tiên chúng tôi đón ông bà trong nhà mới, nên mọi người đều rất phấn khởi, náo nức chờ để được tận hưởng cái hương vị ngọt ngào mà cả đời chúng tôi mới có được.
Tờ lịch trên tường in đậm những con số 2005. Vâng! Chúng tôi đang sống trong năm năm đầu của thế kỷ 21. Đất nước Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đã bước những bước thần kỳ, nên chỉ trong vòng mười năm đã hoàn toàn khác với những gì có trước năm 1997. Một thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vượt lên đứng đầu ở Đông Nam Á.
Đứa con út của tôi, thuộc thế hệ trưởng thành vào đầu thế kỷ 21, đã lên tiếng, đưa ra lời đề nghị đầu năm:
- Con có vé đi xem vũ kịch ở nhà hát ca múa nhạc Sài Gòn, con mời cả nhà đi xem để lấy hên đầu năm.
Đứa con gái giữa của tôi được dịp khoe sự sành sỏi của mình:
Nhà hát vũ kịch Sài Gòn kể tù ngày khai trương năm năm trước đây, bây giờ mới có một chương trình hay đến như thế này. Cuộc phối hợp biểu diễn toàn châu Á lần này được đánh giá là hoành tráng và lộng lẫy nhất thế giới, trong đó đội ca múa nhạc của Việt Nam sẽ làm rung động hàng triệu con tim yêu nghệ thuật.
Đứa con gái đầu lòng của tôi thì đề nghị:
- Đi đâu cũng được, nhưng trước hết phải lên cầu mới Sài Gòn, chụp mấy kiểu ảnh đầu năm. Bố biết không, cây cầu mới được xây dựng xong vào năm 2000, được so sánh là đẹp ngang với cầu ở cảng Sydney bên Úc đó!
Bà xã tôi là người thích phong cảnh, đi sợ mất phần, nên vội lên tiếng:
- Đi xem hát, chụp ảnh xong, chúng ta sẽ ghé qua nhà cao nhất Đông Nam Á, mới xây ở Thủ Thiêm, lên tầng thứ 100 để ăn tôm càng nướng, ngồi nhìn phong cảnh tuyệt vời.
Cuộc xuất hành đầu năm đã được thống nhất, giờ tới phần phương tiện khởi hành. Đến tám người lớn, nên phải tính tới phương án đi bằng hai xe. Tôi bảo:
- Bố lái một xe, thằng út lái chiếc kia, chúng ta ra thẳng cầu mới.
Bà xã tôi đề nghị thiết thực:
- Chúng ta chỉ đi có mấy nơi, thì việc gì phải dùng xe riêng. Tất cả đi xe điện ngầm, vừa khánh thành hôm đầu tháng.
Ý kiến khá hợp thời, cả nhà đồng ý ngay. Đứa con lớn của tôi còn nói:
- Tàu điện ngầm của Việt Nam thuộc loại hiện đại nhất nhì của châu Á, giá rẻ hơn đi xe riêng, lại khỏi phải tìm chỗ đậu mất thì giờ. Nào, chúng ta chuẩn bị đi cho kịp giờ hoàng đạo, bố nhé!
Từ nhà của chúng ta cách trung tâm Thủ Thiêm 2 cây số, nhưng đường xe điện ngầm đi qua rất tiện lợi.
Chúng tôi lên tàu, chỉ vài phút sau đã vượt qua sông Sài Gòn. Xuống trạm, chúng tôi leo lên theo những bậc thang bóng loáng, 30 giây sau đã hiện diện ở dốc cầu phía đường Tôn Đức Thắng. Cây cầu vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm này được xây vào những năm cuối của thế kỷ 20, khánh thành vào đúng đầu thế kỷ 21. Cầu dài trên 1.000 mét, phía Sài Gòn bắt đầu ở giao lộ Lý Tự Trọng và Tôn Đức Thắng, ngay dưới đường cầu đi qua là đường xe điện ngầm. Cả hai công trình này được đầu tư rất lớn về tiền của lẫn kỹ thuật. Cây cầu sau khi hoàn thành đã nổi bật lên trước mặt thành phố, biến hẳn bộ mặt của con sông Sài Gòn. Giờ đây con sông không còn cảnh đen ngòm, rác rến trôi lềnh bềnh như xưa, mà thay vào đó là những tàu thuyền hiện đại, chạy qua chạy lại như mắc cửi, nhưng lúc nào cũng trật tự, đẹp mắt. Phía bên kia cầu là bờ sông Thủ Thiêm, đã không còn cảnh những dãy nhà lá lụp sụp của những năm cuối thế kỷ 20 . Bây giờ, dọc theo sông là những tòa cao ốc mọc lên vút trời. Còn bên này cầu, chỗ xưởng Ba Son cũ, ngay doi đất nhô ra, đã mọc lên một nhà hát hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, với mái vòm hình những chiếc nón lá, được xây dựng theo mẫu thiết kê của một kiến trúc sư người Việt Nam, tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.
Đứng ở đầu cầu bên này, nhìn suốt theo cầu sang bên kia, lòng tôi bồi hồi xúc động. Những gì mà những thế hệ trước tôi đã mơ ước, giờ đây đã trở thành hiện thực. Cây cầu vượt sông Sài Gòn sang Thủ Thiêm chẳng khác nào như một giấc mơ!
Con tôi đã chụp cả cuộn phim trên chiếc cầu "của thế kỷ 21" này. Sau đó, chúng tôi đi trở xuống đường hầm, theo lời đề nghị của tôi:
- Giờ này còn sớm, chúng ta hãy làm một vòng thành phố bằng xe điện ngầm, lúc quay về vẫn còn kịp để xem hát.
Tàu điện ngầm mà chúng tôi đang đi thuộc tuyến vòng quanh thành phố, chạy xuyên từ Thủ Thiêm, vượt qua sông sài Gòn, theo đường Đinh Tiên Hoàng lên thẳng Phan Đăng Lưu, dọc theo Phan Đăng Lưu xuyên suốt Hoàng văn Thụ, rồi Lý Thường Kiệt, sau đó thẳng đến cầu Phú Lâm; từ đó đánh một vòng vượt kinh Tàu Hũ, qua bên kia Quận 8 và vòng trở lại theo bến Hàm Tử về nhà ga chính đặt trước công viên Quách thị Trang. Một nhà ga tàu lớn nhất nhì châu Á! Ngoài ra, còn có những đường xe điện ngầm xuyên ngang dọc thành phố, ta muốn đi tuyến nào cứ theo bản đồ mà xuống và đón tàu khác để đến nơi. Theo tuyến xe này, cả nhà chúng tôi sẽ được đi một vòng thành phố, tuy ngầm dưới lòng đất, nhưng cũng hết sức thú vị, bởi ngồi trong toa xe có máy điều hòa nhiệt độ, ghê nệm êm ru, thì nội cái cảm giác đó thôi cũng đủ làm cho ta thích thú tuyệt vời.
Trên bản điện tử hiện ra dòng chữ mỗi lần xe chạy qua một trạm nào đó. Đứa con út của tôi thông báo:
- Mình đang đi ngang qua trường đua Phú Thọ.
Hai mươi phút sau, chúng tôi đã trở lại nhà ga chính trước cửa chợ Bến Thành. Xe chỉ dừng lại đúng 3 phút, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình. Năm phút sau đã có mặt tại chân cầu mới đường Tôn Đức Thắng. Từ đây chỉ cần đi bộ chưa đầy 1 phút đã tới nhà hát ca vũ kịch Sài Gòn. Đây là công trình đồ sộ nhất vào năm đầu của thế kỷ 21, tại thành phố Hồ Chí Minh. Rạp được xây dựng trên nền đất của xưởng sửa chữa tàu Ba Son cũ, nằm nhô ra sông trên một doi đất, thoạt trông chẳng khác nào nhà hát opera của thành phố Sydney (Úc). Lối kiến trúc của nhà hát được xem là độc đáo nhất thế giới: ba tòa nhà khổng lồ với mái vòm hình ba chiếc nón lá (biểu trưng của Việt Nam) chụp xuống, tạo một hình ảnh sinh động, toát lên nét đặc thù dân tộc, đẹp và hoành tráng làm sao!
Đứa con út của tôi bấm máy ảnh lia lịa, nó bảo:
- Mấy đứa bạn của con ở nước ngoài cứ đòi xin những tấm ảnh chụp nhà hát này. Một đứa bạn ở Mỹ còn sánh biểu tượng nhà hát này ngang với tượng Nữ Thần Tự Do ở New York!
Buổi diễn hôm đó, chúng tôi đã được xem một chương trình độc nhất vô nhị: những màn ca vũ nhạc đặc sắc nhất của các nước thành viên của ASEAN. Hai giọng ca hàng đầu của Việt Nam vừa mới đoạt giải "giọng ca vàng châu Á" là ngôi sao của buổi diễn.
Buổi diễn chấm dứt lúc 12 giờ trưa. Chúng tôi đi xe điện ngầm trở lại trung tâm Thủ Thiêm. Theo lời đề nghị của bà xã tôi, cả nhà đi thang máy lên tầng thứ 100 của tòa nhà cao nhất Việt Nam - đồng thời cũng cao nhất Đông Nam Á - mới xây dựng xong hồi đầu thế kỷ. Đây là trung tâm Thương mại và Dịch vụ của Thành phố, được xây dựng với sự hợp tác đầu tư của 12 nước trên thế giới, nhưng người vẽ thiết kế và đứng ra thực hiện việc xây dựng là một kiến trúc sư lừng danh của Việt Nam. Trên tầng thượng của tòa nhà là một nhà hàng ăn đẹp nhất, lộng lẫy nhất thành phố, chung quanh toàn bằng kính, do đó khách ngồi ăn có thể ngắm nhìn quang cảnh bốn bên, tầm mắt phóng xa hàng trăm dặm, thấy được cả thành phố Vũng Tàu.
Đứa con trai của tôi chợt đề nghị:
- Hay là đi Vũng Tàu chơi, chiều về?
Bà xã tôi hưởng ứng ngay:
- Phải đó, mình đi Vũng Tàu bằng tàu cao tốc, chỉ mất chưa đầy 20 phút. Ra đó tắm biển, ngoạn cảnh, đến 6 giờ chiều lên tàu về, 6 giờ rưỡi đã có mặt ở nhà! Đi nhé, bố nó!
Trong nhà, tôi là phe thiểu số, cho nên bất cử đề nghị nào có tính biểu quyết dân chủ thì y như rằng tôi thua. Do đó, cuộc đi chơi Vũng Tàu bằng tàu hỏa cao tốc coi như đã được thông qua. Mà nghĩ cũng phải, kể từ khi tuyến đường dành cho tàu hỏa siêu tốc Sài Gòn-Vũng Tàu xây dựng xong, xem như giữa hai thành phố đã được rút ngắn lại. Tốc độ tàu chạy đạt 475 km/giờ, nên một người có thể thoắt ở đây, thoắt ở kia, giống như từ Sài Gòn đi ga Bình Triệu!
Ăn xong, lúc ngồi uống trà, tôi chỉ tay về hướng xa lộ Hà Nội, bảo cả nhà:
- Đi Vũng Tàu, lúc về chúng ta sẽ ghé lại xem công trình xây dựng khu Vietnamland đã bắt đầu khởi công. Đây là một khu giải trí giống như Disneyland ở Mỹ, hợp tác giữa công ty Disney và Việt Nam, nó sẽ lớn và độc đáo hơn khu giải trí hiện có ở Singapore.
Một đứa con tôi hỏi:
- Chừng nào thì khu Vietnamland xây xong, bố? Và tại sao người ta không dựng nó ở gần trung tâm thành phố một chút, lại đưa ra tận Thủ Đức?
Tôi giải thích theo những gì đã biết qua tin tức báo chí:
- Nghe nói trong vòng năm năm thì xong. Như vậy có lẽ Vietnamland sẽ khánh thành vào năm 2020. Còn tại sao xây ở Thủ Đức? Con không nhớ là hiện nay thành phố chúng ta đang đô thị hóa rộng dần về hướng Đông đó sao? Đến năm 2015 thì trung tâm thành phố không còn ở chợ Bến Thành, quận 1 nữa, mà là Bắc Thủ Thiêm, hướng về xa lộ Hà Nội. Như vậy, khu Vietnamland trong tương lai sẽ ở gần sát nách trung tâm thôi.
Nhấp chén trà sen đầu xuân, hưởng ngọn gió xuân trong lành ở độ cao ngót 400 mét, lòng tôi càng rộn ràng hơn khi nhìn chung quanh.
Thành phố cuối thế kỷ 20 còn đầy những khu nhà ổ chuột, những khu nước đen lượn lờ... Vậy mà giờ đây đã công nghiệp hóa trăm phần trăm, đã hiện đại hóa vượt lên ngang tầm với những nước tiên tiến. Không thần kỳ sao được, khi chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thống nhất nước nhà (30 năm thì có là bao so với sự phát triển) mà đã diễn ra một điều ngoạn mục. Đất nước tôi, thành phố tôi vào xuân năm 2005 như ngày xưa (năm 1995) chúng tôi từng mơ, khi nghĩ về một Singapore hay Tokyo...
Tôi bảo các con mình:
- Thành phố này thuộc về thế hệ của các con. Hãy giữ lấy mọi điều tốt đẹp này, làm cho nó càng lúc càng kỳ diệu hơn...
Sài Gòn cuối thế kỷ XXI
Mùa Xuân năm 2091...
Có hai người khách trẻ, một nam một nữ có tuổi đời chưa quá hai mươi, ngỡ ngàng bước xuống sân bay quốc tế Long Bình... Hình như đây là lần đầu tiên họ đặt chân đến mảnh đất này. Chàng trai quay sang cô gái ngây ngô hỏi:
- Đây có phải là Việt Nam chưa?
Cô gái chừng như là chị, gật đầu đáp:
- Việt Nam là đây, chứ em nghĩ nó ở đâu nữa? Sân bay này gọi là... Tân... Sơn... gì đó?
Một vị khách đứng tuổi, đứng phía sau vội chen vào:
- Đây không phải là sân bay Tân Sơn Nhất, mà là Long Bình. Sân bay Tân Sơn Nhất là thời xa xưa, khoảng năm 2025 thì không còn nữa, thay thế nó là sân bay Long Bình này. Từ đây về Sài Gòn khoảng 35km.
Cô gái có vẻ ngạc nhiên:
- Trước khi về đây, cháu nghe nhắc tới, ở Sài Gòn có sân bay Tân Sơn Nhất, cháu tưởng...
- Đó là chuyện thời xưa, hồi thế kỷ trước. Thế ra từ nào tới giờ các cháu chưa trở về đây?

- Dạ, tụi cháu sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ. Ông cố cháu ngày xưa, nghe nói đã sống ở Sài Gòn, ông di cư sang Mỹ từ những thập niên cuối thế kỷ 20 và định cư ở đó luôn. Ông nội cháu có trở về Việt Nam vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 21, sau đó bố cháu cũng có đi lại vài lần vào những năm của thập niên 70...
Vị khách lớn tuổi nhìn kỹ hai người rất trẻ, ông gật đầu:
- Hai cháu đã hầu như chưa hề biết gì về Việt Nam, đã có cuộc sống hoàn toàn ở nước ngoài, vậy mà vẫn còn giữ được cái nét rất Việt Nam, đặc biệt là vẫn còn nhớ tiếng mẹ đẻ của mình. Giỏi, giỏi lắm!
Ông bắt tay hai người bạn trẻ, rồi lặng lẽ bước đi, hình như khá hài lòng... Chàng trai trách cô chị:
- Chị không nhờ ông ấy hướng dẫn giùm cách đi về thành phố?
Cô chị định chạy theo hỏi, bỗng có ai đó lên tiếng:
- Cô cậu định tới thành phố nào?
- Dạ, thành phố Hồ Chí Minh. Bà cũng ở đó?
Người phụ nữ trung niên giương mắt nhìn hai vị khách, mấy giây sau bà mới nhẹ giọng nói:
- Thành phố Hồ Chí Minh là ở đây rồi, còn tìm ở đâu nữa.
Chàng trai tò mò:
- Sao ông vừa rồi nói phi trường này cách Sài Gòn 35km?
- Đó là Sài Gòn cũ, Sài Gòn của thế kỷ 20. Còn bây giờ đã mở rộng ra tới đây. Hai chị em ở xa về?
- Dạ, tụi cháu mới tới lần đầu. Nhờ cô...
Người phụ nữ đưa tay chỉ về dãy xe đậu nối đuôi:
- Các em có thể lên bất cứ xe taxi nào và yêu cầu họ đưa đi, theo ý mình. Còn không thì tới chỗ kia, là nhà ga xe điện ngầm, các em chỉ cần leo lên tuyến nào mình muốn, có bảng chỉ dẫn, tức khắc xe sẽ đưa đến. TPHCM bây giờ có 20 tuyến xe điện ngầm, chạy hầu như khắp thành phố, để phục vụ cho 20 triệu dân sinh sống.
Phương và Nam (tên đôi thanh niên) theo lời chỉ dẫn, họ leo lên xe điện ngầm, đi về trung tâm thành phố. Nam hỏi chị:
- Mình ngụ ở khách sạn hay ở đâu?
Phương móc ra tờ giấy nhỏ, có ghi địa chỉ:
- Bố nói, ở Sài Gòn, bố có một người quen, đó là ông Tư Bến Nghé, nghe nói là bạn của ông nội mình. Tuy đã già, nhưng hy vọng ông vẫn còn sống. Bây giờ chúng ta tìm tới đó, nếu tiện thì mình nhờ ông chỉ dẫn cho...
Rời xe điện ngầm ở một trạm trung tâm, khi bước ra ngoài, hai chị em đón một chiếc taxi. Người tài xế lịch sự hỏi:
- Cô cậu đi về khu vục tên chữ hay tên số? Phương không hiểu:
- Tên chữ, tên số là sao?
Người tài xế giải thích:
- Thành phố Hồ Chí Minh hay quen gọi là Sài Gòn, bây giờ quá rộng, nên chia ra hai khu vực, khu cổ thành và khu mới phát triển. Bên khu cổ thì vẫn giữ nguyên tên đường theo tên các danh nhân, các địa danh, còn bên thành phố mới, thì vì quá nhiều đường, nên người ta đặt tên phố theo thứ tự, thí dụ như đại lộ số 1, đường số 2 v.v...
Phương thú thật:
- Nói thật với chú, tụi cháu sống ở nước ngoài, lần đầu tiên về đây chơi, nên không rành. Chú làm ơn xem giúp cho địa chỉ này thuộc khu vực nào?
Nhìn qua tờ giấy ghi địa chỉ, người tài xế cười nói:
- Cũng may tôi là tài xế, nhớ rõ mọi nơi, nên mới có thể chỉ cho cô địa chỉ này, chứ người trẻ bây giờ thì không thể nào nhớ nổi. Bởi, đây là tên cũ, đã cách đây hơn 50 năm rồi. Nó thuộc về khu phố cổ, nhưng giờ đây đã thay đổi hầu hết, với một tên mới.
Nhờ có người tài xế tốt bụng và rành đường, nên cuối cùng chị em Phương đã tìm được địa chỉ của ông Tư Bến Nghé. Ông già lúc đầu hơi ngỡ ngàng, nhưng sau một lúc lục lại trí nhớ, đã nhớ ra, ông reo lên:
- Tụi bây là cháu nội của Hai Cali. Bố tụi bay, để tao nhớ xem nào... phải rồi, thằng ấy năm nay cũng đã 60 tuổi, phải không?
Phương gật đầu:
- Dạ ba cháu 59 tuổi, sanh năm 2042.
- Đúng rồi, nó bằng tuổi với thằng con lớn của ông, thằng Phi Thuyền Không Gian.
Nam ngạc nhiên hỏi:
- Tên gì lạ vậy ông?
Ông lão cười, vỗ vai Nam:
- Cháu nghe lạ cũng phải. Nguyên do là vậy, năm đó, 2042 là năm đánh dấu lịch sử, ngày Việt Nam mình phóng chiếc phi thuyền đầu tiên lên sao Hỏa, cho nên ông lấy tên Phi Thuyền Không Gian đặt tên con, để kỷ niệm, 59 năm qua rồi... Ông chép miệng nói thêm:
- Giờ đây ông đã 91 tuổi rồi... Lẹ thật.
Nam tinh nghịch:
- Như vậy, ông sinh đúng vào năm đầu của thế kỷ 21?
- Đúng vậy. Mẹ ta có mang ta vào những tháng cuối của năm 1999, để rồi cho ta ra đời vào giữa năm 2000, bỏi vậy ta còn được gọi là ông Hai Thế Kỷ. Còn biệt danh Tư Bến Nghé là do ngày ta sinh ra được đánh dấu bằng lễ khánh thành cầu bắc ngang sông Sài Gòn nối với Thủ Thiêm, bố ta sợ từ đó cái địa danh Bến Nghé ở bến Bạch Đằng sẽ không còn nữa, nên mới đặt tên ta là Bến Nghé.
Nhìn hai đứa trẻ, ông gật gù:
- Tụi bây đã "lưu vong" từ hơn 100 năm trước. Lúc đó ông cố của tụi bây đi theo diện đoàn tụ gia đình, rồi sinh ông nội bây bên California, nên tao quen gọi là Hai Cali. Còn tao vẫn bám trụ quê hương mình, suốt từ đó đến nay, cả con cháu tao cũng thế, chúng chỉ đi du học, rồi lại về, và hiện giờ đang là chủ của thành phố này?
Phương ngạc nhiên:
- Các bác, các chú đó làm Thị trưởng hay Thống đốc?
Ông Tư Bến Nghé cười:
- Nó không làm những chức vụ đó. Ông nói chủ ở đây có nghĩa là, mỗi đứa con ông đều là "chủ" những công trình lớn nhất thành phố này. Thằng con lớn của ông, tức thằng Phi Thuyền Không Gian, thì hiện là Viện trưởng Viện Vật lý, trụ sở đặt tại phía Đông thành phố này, nó là tác giả của chiếc phi thuyền không gian đầu tiên của nước ta phóng lên sao Hỏa đó! Còn thằng cháu nội của ông, năm nay 39 tuổi, là kiến trúc sư trưởng, đứng ra xây dựng tòa cao ốc 141 tầng, ở phía Bắc thành phố. Đứa con gái kế thì làm Giám đốc công ty xe điện ngầm, đồng thời là người thiết kế toàn bộ công trình đường xe điện ngầm, đường xe lửa cao tốc cho thành phố. Thằng chồng nó thì làm Giám đốc Ngân hàng số 1 ở Sài Gon này...
- Con nghe nói thành phố Sài Gòn bây giờ đã có 20 triệu dân?
- Đó là thống kê hồi đầu năm trước, chứ bây giờ đã lên tới 22 hay 23 triệu rồi. Sài Gòn đã mở rộng ra tận Long Bình, phía tây xuống đến gần Long An, với 50 quận, huyện, vậy mà cũng sắp chật chội đến nơi rồi.
Hứng thú khi nhớ lại chuyện xưa, ông Tư lấy ra những hình ảnh cũ, giấy tờ cũ, đưa cho chị em Phương xem, vừa bảo:
- Sài Gòn cách đây hơn một thế kỷ còn đơn sơ lắm. Hồi đó, khi mới có một tòa cao ốc 30 tầng, đã làm cho nhiều người sững sờ. Chẳng bù với ngày nay, đã có đến hơn 40 tòa nhà cao 80 tầng, 3 tòa cao 100 tầng và tòa nhà 141 tầng vừa mới khánh thành với chiếc tháp antenne truyền hình dựng trên nóc. Còn xe cộ lưu thông, đây các cháu xem, ngày trước chủ yếu là xe Honda hai bánh, xe xích lô, xe đạp... Còn ngày nay, hầu như không còn thấy bóng các loại phương tiện đó nữa. Thay vào đó là xe hơi, xe điện ngầm, xe buýt chạy bằng điện không gây ô nhiễm môi trường. Thành phố mới phát triển với đường phố rộng gấp bốn lần ngày xưa, sạch đẹp thuộc hàng đầu châu Á. Người dân bây giờ không một ai ra đường mà không mang giầy, áo quần tề chỉnh. Cũng không còn hình ảnh các quán cóc, các quán nhậu vỉa hè, bởi người thành phố ngày nay sống theo nếp sống công nghiệp, ai cũng có việc làm ổn định, có đời sống cao, nên họ bỏ hẳn thói quen hay la cà, ăn nhậu như hồi thế kỷ 20.
Đặc biệt hơn hết là, Sài Gòn bây giờ không hề có các khu nhà ổ chuột như trước kia, và còn hơn nước Mỹ nữa. Người Việt Nam tự hào là nước duy nhất có một thành phố ngăn nắp, sạch đẹp và không còn tệ nạn xã hội. Những người ăn xin, vô gia cư hồi thế kỷ trước, không còn nữa, con cháu trong gia phả của họ giờ đã là ông kỹ sư, bà bác sĩ này nọ hết cả rồi...
Phương, Nam đều chép miệng:
- Không ngờ đất nước mình tiến bộ nhanh đến như vậy.
Ông Tư đáp:
- Cũng không dễ dàng đâu các cháu. Ông cha ta đã đổ nhiều xương máu mới giành được độc lập cho xứ sở hồi thế kỷ 20, sau đó các thế hệ tiếp nối đã ra sức học tập, xây dựng, để có thành quả ngày hôm nay.
- Trở thành một cường quốc nguyên tử, một trong 20 nước chinh phục được không gian, phải kể là chuyện thần kỳ! Trong lúc đó vẫn có nhiều nước hồi 100 trước ngang bằng với Việt Nam, vậy mà hiện giờ họ vẫn chưa có gì thay đổi mấy... Các cháu lâu nay ở nước ngoài, ít liên lạc với trong nước, nên không rõ lắm, nhưng cũng nghe người ta nói nhiều. Họ cho rằng Việt Nam mình bây giờ là "con rồng lớn" đứng đầu trong những con rồng châu Á, vượt qua cả Hàn Quốc, Đài Loan v.v... Thế hệ hậu bối tụi cháu thấy vô cùng hãnh diện về đất nước mình. Do đó mới làm chuyến về quê hương lần này. Ông nghĩ, tụi cháu có thể đóng góp gì được cho thành phố?
Ông Tư reo lên:
- Sao lại không! Lớn như nước Mỹ mà họ còn đi mua chất xám ở các nơi, huống gì mình đang trên đà phát triển, nên rất cần mọi nguồn nhân lực, trong mọi lãnh vực.
Bữa cơm chiều hôm đó hai chị em Phương, Nam hết sức thú vị, khi ăn một thứ gạo thơm mà họ cho là ngon nhất từ trước đến giờ. Phương hỏi:
- Gạo vẫn do miền Tây gì đó cung cấp phải không ông?
- Người ta gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua nhiều thế kỷ, nó vẫn là vựa lúa cả nước, nhưng ngày nay không còn làm thủ công như trước kia nữa, mà tất cả đều bằng cơ giới. Diện tích đất đai gieo trồng bớt đi nhiều, nhưng năng suất thì gấp mười lần hơn. Nông dân giờ đây ai cũng cất nhà lầu, nhà biệt thự, có máy cày, máy xới, xe hơi riêng, tàu thủy riêng. 100 phần trăm nông dân đều có điện thoại riêng trong nhà. Mỗi tỉnh đồng bằng bây giờ ít nhất cũng có một trường đại học, đường nhựa gần như phủ kín các vùng hẻo lánh ngày xưa, như Đồng Tháp Mười, U Minh...
Ông đưa cho chị em Phương một cuốn báo ảnh:
- Các cháu nhìn trong hình, sẽ thấy ảnh chuyến tàu cao tốc chạy từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây. Từ đây đi Cà Mau chỉ mất một giờ!
Qua ngày hôm sau, do đề nghị của chị em Phương, ông Tư đã ngồi xe hơi riêng, đưa họ đi thăm một vòng thành phố. Nam tò mò hỏi:
- Đọc trong sách báo cũ, cũng như ông nội con kể, thì ở Sài Gòn ngày xưa, có những khu giải trí như Sở Thú, Vườn Tao Đàn, Đầm Sen, Kỳ Hòa, bây giờ còn không ông?
- Sở thú thì dời ra Thủ Đức, mà rộng lớn hơn gấp 20 lần. Kỳ Hòa thì biến thành một công viên cây xanh, mở rộng cửa cho mọi người vào, khỏi mất tiền mua vé. Còn Đầm Sen thì được xây dựng thành một công viên treo năm tầng, độc nhất vô nhị trên thế giới!
- Công viên treo? Có phải như dạng vườn treo Babylone trong cổ tích.
- Hiện đại và đẹp hơn nhiều. Đây cũng là công trình của thằng cháu ngoại của ông. Họ phát minh ra được một cách trồng cây trên cao, không cần phân, không cần tưới nước, mà vẫn sống. Hoa nở kéo dài ba tháng mới tàn, hương thơm thì vẫn tỏa đi cả vài cây số.
Phương hỏi:
- Trung tâm thành phố bây giờ ở đâu vậy ông?
- Chắc các cháu đã từng nghe cha mẹ và ông bà kể về khu vực gọi là trung tâm của Sài Gòn ngày trước, gồm các đường phố của quận I, quận 3... Ngày nay, những nơi đó chỉ còn là dấu tích của một thành phố cổ, có tính cách lịch sử, du lịch. Còn trung tâm thì ở bên kia cầu Thủ Thiêm, chạy dài về phía sân bay quốc tế Long Bình. Thành phố mới rộng, sạch, đẹp và hiện đại, được xếp hàng thứ 5 trên thế giới, hơn hẳn ToKyo của Nhật Bản! Đấy, ngay trước mặt các cháu đó, có tòa nhà 100 tầng, là khu triển lãm các di tích Sài Gòn cổ, gọi là "di tích 400 năm của Sài Gòn". Tòa nhà này nguyên hồi thế kỷ 20 là nhà hát lớn thành phố, được cải tạo vào năm 2020.
- Con đường này đẹp quá, cổ kính quá, hở ông!
- Đây là đường mà hồi thế kỷ 20 có tên là Đồng Khởi, là con phố sang trọng nhất thời ấy. Bây giờ nó là phố dành riêng để buôn bán hàng tơ lụa, thổ cẩm và thủ công mỹ nghệ của Sài Gòn. Du khách khi tới thăm "cổ thành" của Sài Gòn đều thích tới đây để mua sắm.
Họ vượt qua cầu Thủ Thiêm, tới khu trung tâm mới của Sài Gòn. Nam kêu lên:
- Đẹp và hiện đại không thua gì New York!
Quả thật vậy, cả một thành phố hiện đại bậc nhất hiện ra trước mắt họ. Những tòa nhà chọc trời, những đường phố rộng thênh thang, xe cộ lưu thông như mắc cửi, mà vẫn luôn trật tự và yên tĩnh...
Khi chạy vòng qua hướng Bắc, đến một đại lộ rộng, tráng lệ, ông Tư hãnh diện nói:
- Đây là đại lộ Hồ Chí Minh, chạy xuyên qua thành phố, dài 60km, được xem như đại lộ dài và đẹp nhất trên thế giới. Các cháu xem có đúng như vậy không?
Phương gật đầu:
- Đẹp gấp mấy lần đại lộ Hoàng Hôn của Mỹ, đặc biệt là sạch như gương.
Xe đang chạy, chợt tài xế dừng lại bên một chiếc xách tay của ai đó rơi giữa đường. Anh ta xuống xe, nhặt nó lên và đem bỏ vào một thùng có nắp đậy. Ông Tư giải thích:
- Đồ là của rơi. Ở thành phố này có lệ, hễ có ai thấy của rơi đều phải nhặt và bỏ vào thùng "trữ của rơi" đặt hai bên đường. Người mất của sẽ tìm đến lấy, mà không sợ mất, bởi người dân thành phố này không hề lấy bất cứ vật gì không phải của mình.
Chị em Phương, Nam nghe mà tưởng chừng như đang sống ở một cõi thiên đường nào đó... Khi xe quay trở về nhà, ông Tư già bảo:
- Bữa nay bao nhiêu đó đủ rồi. Để ngày mai ông cháu mình sẽ đi tiếp, Sài Gòn còn nhiều sụ đổi thay kỳ diệu lắm, mà có tận mắt chứng kiến mới tin là thật...
Nam tỏ ra tiếc rẻ về cuộc đi dạo quá ngắn. Cậu quay sang nói nhỏ vào tai chị mình:
- Em đã quyết định rồi, năm tới ra trường, em sẽ về đây làm việc. Em nghĩ, ngành năng lượng hạt nhân của em sẽ đắc dụng ở xứ mình.
- Phải, xứ mình...
Phương siết chặt tay em trong tay mình. Cô đang hình dung ra, rồi ít lâu nữa cả gia đình cô sẽ trở về quê hương sinh sống, làm việc... Cô nói thầm:
- Việc xa Sài Gòn của bố mẹ mình thật là lầm lẫn...
Một ngày cuối thế kỷ 20.
Mơ về những ngày của thế kỷ 21...
Thượng Hồng
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...