Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Một đêm trăng 2

Một đêm trăng 2

Ông chánh hỏi thêm:
- Thế nào, nói đi! Đứa chém xã Cờ là đứa nào, mày có nhận được mặt không? Nó chém rồi chạy về lối nào? Mày ngồi dậy cho tao hỏi.
- Bẩm ông chánh (lời mẹ đứa bé) cháu hãy còn sợ lắm ông cho chảu nằm.
- Ừ, thế mày làm sao, nói cho tao biết.
- Quái, sao ông ấy hỏi mình những câu đến lạ!
Thằng Tân nghĩ bụng thế, thưa rằng:
- Con không thấy gì cả.
- Sao lại không thấy?? Lúc ấy mày có ở đấy kia mà!...
Thằng Tân chực trả lời thì u nó dỗ:.
- Con cứ thực thà kể lại cho ông chánh nghe, ông chánh có lòng thương con không việc gì đâu mà sợ.
Nhìn mặt ông chánh thì chả có vẻ thương xót tí nào hết. Nhưng đứa bẻ cũng đem chuyện gặp ông xã lúc còn sống cho đến lúc nó bị ngã, thấy con châu chấu bò vào cổ mình thuật lại, rồi bàn thêm rằng:
- Con châu chấu ấy là con châu chấu ma.
Người ta còn hỏi nó nhiều câu lôi thôi nữa. Sau thấy nó không thể nói rõ được "hung thủ" là ai, nên người ta phải để nó nằm yên vậy.
Ông chánh ra khỏi được một lúc thì thầy nó về. Rồi cả quan huyện cũng đến. Nó lại phải trả lời một giao nữa, nhưng không làm thế nào nói cho người ta tin rằng ông xã chết vì con châu chấu ma. Có một lần, chờ lúc vắng người, u nó phải đe: "Mày mà nói đến con châu chấu ấy nữa thì phải đòn đấy".
Ðứa bé suy nghĩ lung lắm.
Cái sợ con châu chấu tre dần dần bớt đi thì nó cũng dần dần thôi ngờ đó là con vật ma. Nó muốn trở dậy nhưng u nó không cho: Nằm đo bực dọc một hồi, rồi quay ra ngủ.
Trong mấy ngày sau, nó cứ thấy thầy u nó chạy ngược chạy xuôi, khi thì tính toán rồn tiền khi thì bàn bạc mua tre lá, khi phải làm cơm rượu cho ông chánh sơi; hôm thì phải cung đốn các cậu lệ nhà quan huyện. Nó thấy vậy, biết là tại mình mà cha mẹ lo lắng, nên nó không được vui. Bà lý Bằng cứ thở dài suốt ngày, còn ông lý thì cấm nó không được ra khỏi ngõ.
Đến khi cái lệ cấm ấy không thi hành nữa, thằng cu Tân cũng không hay ra ngoài chơi, bởi vì trong làng ai trông thấy nó cũng hỏi han đến câu chuyện ông xã Cờ bị giết là chuyện nó không muốn nhắc lại bao giờ. Người ta ngậm ngùi thương hại cho số phận ông xã Cờ nhiều lắm. Ông là người hiền lành tử tế, không hề to tiếng với ai cả; thế mà sao bỗng không lại bị giết thảm hại thế?
- Tại sao ông xã bị giết hở cu? đứa nào giết, sao mày không bảo?
Người ta không đời nào quên câu hỏi khó chịu ấy. Nó đã phân giải đến mấy trăm lần rằng: nó không biết, nó không biết một ly một tí gì! Nhưng, người ta không tin. Người ta lại coi nó bằng con mắt e dè, khinh bỉ, hình như thằng bé "ranh con" ấy thế mà ghê gớm lắm, chứ không vừa đâu.
Rồi lại còn người nhà ông xã Cờ nữa! Mỗi lần bà xã trông thấy nó là mỗi lần bà khóc lóc, làm như nó là một cái dấu tích của sự oan khổ : bà khóc lóc bắt nó nghe những nỗi lòng của bà đau đớn và bầy cho nó xem cái tình cảnh mẹ góa con côi trong nhà bà. Bà mà biết đứa nào giết chết chông bà là "bà xẻ nhỏ nó ra, bà băm vằm nó ra, rồi bà tung đầu gió". Tội nghiệp cho đứa bé, nó trông thấy hai con ngươi đe dọa sau lần nước mắt của bà xã, với cái mặt căm tức chõ mãi vào nó mà không còn hồn vía nào! Nó đợi bà xã đọc xong bản án và buông nó ra, rồi ba chân bốn cẳng chạy mất. Từ đó nó sợ người đàn bà khăn trắng, áo trắng ấy như sợ một con yêu tinh.
Cái "án mạng ly kỳ" xảy ra đã hơn một tháng trời mà vẫn không ai "khám phá" được sự "bí mật". (những tiếng này thằng cu Tân bấy giờ mới nghe thấy lần đầu).
Trong làng, hai ba người bị bắt "giam cứu" rồi lại được tha. Rồi hết ngày nọ đến ngày kia, thời giờ đã làm cho trí nhớ của mọi người với nỗi xót thương cua bà xã Cờ dần dần phai nhạt.
Một buổi chiều kia, thằng cu Tân đi ra đình chơi (vì nó đã dám đi chơi rồi), gặp bạn nó là thằng cu Tý. Hai đứa ngồi nói chuyện với nhau ở gốc cây gạo, thằng Tân mới nhắc đến chuyện ông xã để nói đến chuyện con châu chấu tre.
Thằng Tý dẩu môi nói :
- Tao đã bảo châu chấu như thế là châu chấu ma, có sai đâu !
Thằng Tân đáp :
- Ừ, mà trông nó ghê thực. Lúc ấy nó bò vào cổ tao mà tao sợ quá, tao chắc thế nào nó cũng cắn chết tao. Nhưng không phải ma đâu vì tao không chết.
- Không là ma lại thế. Thế ông xã không chết à?
Thằng Tân cãi :
- Ông xã chết tại người ta chém, tao không biết ai chém; con châu chấu biết chém đâu...
- Mà không biết nó bò đi dâu nhỉ?
- Tao bắt được.
- Thật không?
- Thật. Nhưng tao vứt nó vào bếp ngay. Nhưng nó là ma thì không chết đâu, nó biến đi. Nhưng tao không sợ.
Thằng Tân ruỗi cẳng ra gãi và hỏi nữa.
- Nhưng mày bắt được lúc nào?
- Lúc người ta khiêng ông xã về nhà. Trước lúc ấy tao vẫn ngồi ở bờ ruộng dưới gốc cây đa văn chỉ coi trâu. Con trâu của nhà thằng Sứt, không có ai coi, đến ăn lúa ruộng nhà ông xã. Tao nghe tiếng ông xã trong bụi tre chửi con trâu ấy, rồi như đi tìm cái gì ném đuổi nó đi.
Cu Tân vội hỏi :
- Thế mày có ném ra cái gì không ?
- Không. Ông ấy chửi một cái nữa rồi thôi không nói gì. Mà con trâu cũng không đi. Thế rồi, một lúc lâu, tao thấy tiếng mày kêu to lên, rồi có tiếng nhiều người chạy đến, vì người nhà ông Thức ở cạnh đấy cũng nghe thấy mày kêu. Tao bỏ trâu chạy vào xem thì thấy mày nằm bên ông xã. Lúc ấy thì ông xã chết rồi.
Thằng Tân yên lặng, ra dáng nghĩ ngợi. Nó nhìn trào mặt bạn nó như nhìn một người lạ, rồi lại trông đi.
Thằng Tý nói tiếp :
- Tao sợ quá mày ạ ; tao tưởng mày chết thực, nhưng người ta bảo không hề gì, lúc khiêng mày với ông xã đi, tao đứng xem thi còn thấy con châu chấu ma đang bò trên cái lưỡi liềm ; tao mới lấy cả cái liềm lên ; thế rồi thì là...
Nó mới nói đến đó thì thằng Tân vùng đứng dậy chạy băng đi, hớt hơ hớt hải về nhà, vào buồng, xuống bếp, luôn miệng hỏi :
- Thầy đâu hử? Thầy tôi đâu?
Lúc nó thấy thầy nó ở sau vườn lên, nó chạy ngay lại cầm lấy tay mà bảo.
- Thầy ạ, con biết tại sao ông xã chết hôm nọ cơ!
Thầy nó cau mày hơi gắt:
- Thôi đi chơi đừng nói láo!
- Kìa, thực đấy mà! thực đấy mà!
Nó nói câu đó bằng một thứ giọng rất thực thà vẻ mặt rất nghiêm trọng, khiến ông lý Bằng phải chú ý rồi hỏi:
- Ừ thế ai giết ông ấy?
- Cái lưỡi liềm! Vâng, cái lưỡi câu liêm! Ông xã muốn đuổi con trâu nhà thằng Sứt đi, mới lấy cán câu liêm mà lao... Bất đồ vô ý, để cho lưỡi quặp vào trong, ở ngay sau đầu... nên lúc ném đi... phải rồi... chắc hẳn thế...
Cái tia sáng nẩy ra trong óc đứa trẻ đã cho nó tìm được ra sự thực. Song người lớn còn đạo mạo suy xét đến những lẽ sâu xa hơn; bởi thế thầy thằng Tân không thèm nghe lời nó.
MA XUỐNG THANG GÁC
Tối hôm ấy sáng trăng.
Chúng tôi tất cả có tám người, họp nhau ở nhà anh Đình, một cái nhà gạch hai tầng ở gần vùng quê, chung quanh toàn ruộng vườn mênh mông và những ao chuôm đang lấp dở. Nhà này ngoảnh mặt ra con đường đá nhỏ; Bên kia đường là một rặng dâu cằn cỗi; Sau vườn dâu, có một nhà lá lụp xụp, vắng vẻ như không bao giờ có người.
Chỗ nào cũng như bỏ hoang, cả đến cái nhà chúng tôi đang họp cũng thế. Anh Đình thì chỉ ở trên gác. Tầng dưới không có ai thuê. Nếu chúng tôi không mkê lại cái phản gãy chân với đem mấy cái bàn ghế của anh Đình xuống thì dưới nhà không có chỗ nào ngồi. Một cái đèn vách treo trên tường, lại phải thêm hai cây nến nữa mới đủ sáng. Lúc ấy đã mười giờ rưỡi. Cửa ngoài và cửa sổ hai bên đều khép, chỉ để ngỏ cái cửa sổ trông vào sân sau.
Các bạn tôi thì nằm ngổn ngang trên cái phản kê sát bức vách trong. Tôi ngồi vẽ ở một đầu bàn. Phi Nga ở đầu bàn bên kia thì mải đánh phấn thoa son trước cái gương để cạnh một cây nến. Tôi nói:
- Đã khuya rồi mà còn làm đỏm mãi.
Phi Nga chỉ mỉm cười rồi cứ lặng yên ngắm vuốt. Bỗng dưng anh Duyệt đến sau lưng ôm choàng ngay lấy "cô ả" bế đến ngồi một nơi, nói một cách văn vẻ:
- Em ơi, Phi Nga yêu quý ơi! Đêm nay trăng thanh gió mát, trời đất chứa chan một bầu không khí ái ân; Em có thấu cho lòng anh chăng? Có thấu chăng lòng khao khát bấy nay... Em có thương đến...
Các anh kia đang chống tay ngồi dậy xem, thì Phi Nga vùng dậy chạy đến bám lấy tôi giọng nói làm ra bộ năn nỉ:
- Khổ quá. Anh để cho đứa thô tục kia phạm đến em như thế hay sao? Em chỉ yêu anh thôi...
Rồi ngoảnh lại bảo Duyệt:
- Tôi không yêu anh. Tôi chỉ yêu người tình họa sĩ của tôi thôi... Anh tầm thường lắm.
Cả bọn phá lên cười. Tôi vuốt ve Phi Nga. Duyệt thì nắm tay chống sườn, đứng trợn mắt mắm miệng một cách khôi hài trước mặt chúng tôi.
Cửa bỗng mở toang làm mọi người trông ra: Anh Đình với bóng trăng cùng chạy vào một lượt. Đình mang ở đâu về một gói bánh tây, bánh dày, bánh tẻ với giò chả; Anh ta đem phân phát mỗi người mấy cái rồi ngồi cùng ăn.
Tôi vừa nhai bánh dày vừa nói:
- Này thôi, chúng ta đừng nô đùa nữa. Ăn rồi đi ngủ sớm đi, để tối mai mà thức. Còn cô này nữa (chỉ Phi Nga), bỏ quần áo ra, rửa mặt đi. Ngày mai tập lại một lần sau cùng; Tối mai khai diễn rồi đấy.
Vì tối hôm sau là tối diễn vở kịch của chúng tôi thực. Vở kịch ấy tôi vừa soạn ra vừa làm người xếp đặt chỉ bảo. Phi Nga đây, tức là một anh bạn cũ, người nhỏ nhắn, nên đóng một vai thiếu nữ. Hai anh Trường và Đức cũng đóng vai con gái, nhưng bỏ cả lốt ra rồi. Chúng tôi mượn được nhà anh Đình tập diễn đã tám chín ngày. Hôm đó tập khuya hơn cả.
Chả anh nào buồn ngủ vội. Cái vui vẻ của sự đồng lòng làm cho các bạn tôi thức tỉnh cùng nhau bàn đến lối dàn cảnh, và đã trông thấy trước cái kết quả hôm sau.
Anh Tú là người đóng vai Phi Nga tuyệt khéo, tiếng nói mềm mại dẻo dang, mà lúc ăn mặc đàn bà vào thì trông đáng yêu lắm. Nhưng anh ta phải cái tính trẻ con, là sau khi tập diễn, thường để nguyên quần áo vai kịch mà đi diễu ở ngoài đường. Có bận anh ta cả gan lên các phố đông, gặp chàng công tử nào cũng liếc. Tôi đã phải nhiều lần bảo khẽ:
- Này! Đừng có đú đởn mãi, không lại được nếm mùi cơm nhà pha.
Phi Nga bĩu môi:
- Mắt thánh cũng không biết được là tôi giả gái.
Tối hôm ấy, anh Tú trong bộ quần áo Phi Nga nhất định đòi ra với tôi. Tôi giảng giải thế nào cũng không nghe, đã toan làm mặt giận, nhưng đối với anh ta trong lúc ăn mặc một cách óng ả yêu kiều thế kia thì không nỡ. Sau tôi nghĩ được một kế. Tôi biết chỗ yếu của anh Tú, liền bấm sẽ anh Đình kể câu chuyện quái gở ở nhà này cho Tú nghe. Chuyện này chỉ có Đình là người ở đây, với tôi biết.
Đình uống nước rồi nói:
- Này anh Tú ạ, nhà này có ma đấy! Nếu anh muốn ra thì ra một mình. Rồi tìm chỗ nào mà ngủ chứ đừng về đây, về thì thế nào cũng bị ma nó nhát.
Anh Tú sợ ma lắm, nhưng lại rất thích chuyện ma, thấy thế liền ngồi lại hỏi:
- Có thực không?
- Có đời nào anh thấy tôi nói dối?
Các anh khác cũng hỏi Đình:
- Nhà này thực có ma ư? Thế sao anh ở được?
Anh Đình đáp:
- Để tôi kể các anh nghe.
"Nhà này là của ông chú họ tôi làm để cho thuê được hơn mười năm nay. Khi người ở thuê sau cùng dọn đi thì chú tôi định chữa lại cái cầu thang ngoài cửa với cái buồng trong dưới này; Bởi thế không cho ai đến ở vội. Hồi ấy đang lấp một cái đầm bên cạnh và định còn làm thêm mấy gian nhà nữa để cho thuê.
Bỗng một hôm, có một tên ăn trộm phải án nhiều lần bị người ta tóm được gần đây, không biết lừa thế nào mà vùng khỏi tay mấy người đội xếp. Bọn cảnh sát chia ra các ngã đuổi, thì nó chạy về con đường này rồi túng thế phải chạy vào đây trốn. Nó lên ngay trên gác, vì cửa thang gác trông ra đường vẫn mở và chừng như nó biết là vẫn bỏ không. Nhưng bọn cảnh sát trông hút thấy. Họ liền ào cả đến đập cửa thình thình. Sau họ phải nậy những tấm ván bưng ở cầu thang ra mới có lối lên gác. Nhà ngoài không có ai. Buồng trong cửa đóng chặt. Họ hết sức phá được cánh cửa thì thấy tên ăn trộm đã thắt cổ bằng cái dây thừng buộc lên xà nhà.
Từ hôm đó trở đi, những người thợ nề ngủ đêm ở đây thường bị hồn thằng ăn trộm hiện lên nhát. Họ thấy một người quần áo nâu suốt đêm đi đi lại lại trên sàn gác, rồi lại đến đứng trên đầu họ hàng giờ. Họ nói với chú tôi; Chú tôi đến ngủ cũng thấy y như vậy. Sau phải bỏ dở các việc sửa chữa và để không gian nhà trong ít lâu.
Hồi ấy tôi ở trọ một nhà trên phố, vừa tốn kém vừa ăn ở không được yên tĩnh. Tôi nghe thấy hết chuyện mới xin với chú tôi cho tôi dọn xuống đây thì ông ưng liền. Nhiều người cho tôi là điên cuồng, nhưng tôi không nghe ai hết. Tôi không tin những điều tôi vẫn cho là huyền hoặc ấy; Mà dẫu có ma quỷ thật chăng nữa thì nó đã làm gì được mình?
Tôi nghĩ thế nên cứ đem giường, bàn, hòm xiểng đến đây cùng ở với thằng Ngô là một đứa đầy tớ dở hơi, nhưng được cái chẳng sợ gì cả. Bây giờ nó về quê rồi mà tôi vẫn phải cố chờ nó ra vì không mượn được ai thay nó.
Tối hôm đầu ở nhà này kể cũng không phải là một tối êm đềm lắm... Tôi khêu to ngọn đèn nằm đọc sách trong gian nhà trong trên gác (là nơi kín đáo sạch sẽ nhất), kéo chăn lên tận cổ, vì hồi ấy về mùa đông. Quyển sách tôi đọc là một thứ sách khoa học lý luận. Phải nói thế để cho các anh biết rằng tôi có ý tìm những cảm giác có thể phản lại cái lòng hồi hộp phảng phất của tôi lúc bấy giờ... Thì ra chính vì cái chủ ý kia đã làm chứng rằng tôi không hẳn được bạo như tôi tưởng.
Nhưng tôi quyết rằng không đời nào sợ ma.
Tôi lại có cái lòng mong ước của phần nhiều người trong bọn mình, là muốn gặp con ma nữa kia... Tuy vậy, không hiểu sao, tâm hồn mình lúc ấy không được vững vàng, như e ngại một điều gì không lành... Nhìn đồng hồ thấy đã mười hai giờ rưỡi.
Ngoài cửa sổ đưa vào một hơi gió đen tối; Trang sách của tôi loạt xoạt bay như một tàu lá; Ngọn đèn trên đầu cứ nhảy bập bồng.
Mắt tôi vẫn nhìn những hàng chữ in. Nét mặt hết sức bình tĩnh như không; Nhưng trống ngực đập mạnh làm tôi khó thở... Tôi sẽ liếc mắt sang bên trái: Không có gì..."
Câu chuyện đang đến chỗ quan trọng thì bỗng anh Đàm là một người lỗ mãng nhất ngăn lại hỏi anh Đình:
- Nhưng này! Anh nói thực đấy chứ?
Đình hơi có ý bực:
- Ồ thế anh tưởng tôi bịa hay sao?
- Hừ!... Thế nhưng mà...
Chúng tôi mắng Đàm:
- Chậc! Anh không tin mặc anh, nhưng cứ ngồi yên đấy!
Mọi người im phăng phắc chờ anh Đàm nói tiếp, Phi Nga nóng nảy đòi ra lúc trước bấy giờ cũng ngồi đến tái xanh người đi. Anh chàng đã kéo hai chân lên ngồi xếp vòng trên giường và nắm lấy tay tôi thực chặt.
Đàm lại kể tiếp:
"... Tôi liếc mắt sang bên trái không thấy gì hết. Lại liếc sang bên phải: Cũng không. Tôi định đọc nốt trang nữa, hết mục rồi thôi; Nhưng chữ sách không còn ý nghĩa gì nữa. Bấy giờ tôi mới thấy rợn. Tôi không đưa mắt như trước, quay hẳn đầu sang phía cửa, rồi ngước đầu nhìn thẳng lên cái bàn nhỏ kê sát đấy: Con ma đang đứng ở đầu giường.
Phải. Con ma. Con ma đàn ông, hình vóc gầy gò y như người kẻ trộm mà họ kể chuyện với tôi bữa trước. Nó đứng yên một lúc lâu lắm, chỉ có cái đầu là ngoảnh nhìn hai bên, mà nhìn một cách rất thờ ơ, rất chậm chạp. Nó hiện lên ngay trước lối cửa vào, cách đầu giường tôi độ hai bước. Ngọn đèn dầu chỉ để tôi trông thấy rõ cái mặt trơ trơ của nó với cái áo nâu cộc. Nửa mình dưới thì mờ tối như trong bức ảnh bán thân.
Lạ một điều là rợn với sợ của tôi lúc ấy đi đâu mất cả. Tôi thấy mình thản nhiên lắm. Nói đùa mà chơi, giá phải ma thiếu nữ, hay là hồ tinh như trong Liêu Trai nữa, tôi sẽ sẵn lòng ngồi lên nói chuyện cho đỡ buồn. Nhưng trông cái vẻ mặt lạnh lẽo khô khan của bác này thì hết muốn. Quyển sách tôi vẫn cầm ở tay, gió thổi giở quá mất bốn năm tờ. Tôi rủa lên một tiếng Tây:
- Sapristi! (Tiếng rủa thân mật)
Ngoảnh lại con ma đã tan mất.
Hết đêm ấy tôi ngủ chập chờn lắm; Vì trên gác, từ nhà trong ra nhà ngoài cứ thấy lịch kịch những tiếng khuân bàn kéo ghế luôn. Một lần tôi định quát lên một câu rất to "Có để cho người ta ngủ không!" nhưng bỗng khanh khách có tiếng cười giòn lẫn với tiếng rên. Tôi nín hơi nghe xem. Thì ra là thằng nhỏ nó cười trong mộng.
Sáng hôm sau tôi nói chuyện đó với thằng Ngô và đi xem xét mọi nơi: Chẳng thấy cái gì lạ hết. Những thanh với những phiến gỗ cắt dở chỗ nào vẫn nguyên chỗ ấy; Cửa trên nhà với cửa dưới đóng rất cẩn thận, còn cửa sổ tuy đang chữa cánh, nhưng có chấn song.
Tôi còn thấy con ma hiện lên đêm hôm sau. Rồi lại đêm hôm sau nữa. Rồi mãi thế đến hơn hai tuần lễ. Rồi một đêm kia thấy im. Cai nhà tôi ở đây chỉ khác mọi nhà thường là duy có một mình tôi dám ở. Cũng có đêm trời âm u mưa gió, "người khách" ở chung với tôi tính khí không được ôn hòa. Nhưng tôi không để ý gì. Mà hễ tôi không ngủ được vì thấy hắn đứng ám tôi, hay vì tiếng "dọn nhà" suốt đêm thì tôi chỉ nói một câu:
- Làm vừa vừa chứ, người ta mai phải dậy sớm làm việc kia mà!
- Hay quá lắm, bắt chước hôm đầu: "Sapristi!" một tiếng rất lớn thế là hết.
Ở với nhau đã năm rưỡi nay rồi mà không có điều tiếng gì cả. Lâu dần thành ra tôi hiểu được tính hắn, mà như hắn cũng hiểu được tính tôi. Chúng tôi cùng thích yên lặng như nhau. không muốn ai đến quấy rối.
Các anh đến đây tập diễn kịch, bởi chỉ ở dưới này, lại là bạn tôi, nên con ma không "nói" gì cả. Nhưng thử người khác đến thử xem."
Sau câu chuyện, anh Đàm là người nói lên trước hết:
- Khéo đấy, anh bịa đặt ra khéo đấy. Nhưng chỉ có anh với bọn non gan này là tin thôi. Đời thưở nào lại...
Tôi lườm Đàm:
- Anh, ở đời anh chỉ có hai việc, là phá hoại với hoài nghi thôi.
Đàm nhún vai cười:
- Với khôi hài nữa chứ!
Cả anh Đình cũng bật lên cười với chúng tôi.
Rồi Đình nghiêm sắc mặt dặn dò chúng tôi đừng ai lên gác làm gì, chỉ để một mình anh ta ngủ trên ấy thôi; Cũng đừng nên sợ hãi gì và nhất là đừng tìm cách trêu ghẹo "hắn".
Đoạn anh Đình chào chúng tôi mà lên gác.
Bấy giờ đã quá nửa đêm. Cái bóng trăng xuyên thẳng vào giữa nhà ban nãy, lúc ấy đã thu ngắn lại và soi chếch vào một bên tường.
Đình trước khi đi qua cửa ngách lên cầu thang, toan đóng cửa ngoài lại, nhưng tôi bảo cứ để yên cho mát.
Đình lên gác rồi, chúng tôi thì thào bảo nhau:
- Thằng cha bạo khiếp!
Rồi tắt đèn, tắt nến bảo nhau đi ngủ.
Tôi đang cố im lặng để chờ giấc, thì anh Trường là một người bạn đóng vai con Nhài, bỗng nói:
- Anh Lịch ạ, tôi không ngủ được.
- Thì thức!
- Ừ, nhưng tôi không muốn nằm đây mà nghe các anh ngáy đâu.
Tôi nói:
- Thì bịt tai lại. Hay là... đi nói chuyện với ma.
Anh Đàm nằm trên bàn phì lên cười:
- Con bé Nhài này gớm thực, bây giờ lại đâm ra mê cả ma nữa!
Đàm vốn là người vui vẻ nhanh nhẩu và lỗ mãng. Anh đóng vai thằng Quýt trong vở kịch của chúng tôi.
Trường nghe thấy tiếng anh ta, mắng át một câu rồi lại ghé vào tai tôi nói:
- Này, anh ạ, tôi... muốn lên gác.
- Hử? Lên gác?
- Phải. Tôi muốn lên gác nằm với anh Đình... không nhân dịp này để xem thực hư còn chờ lúc nào. Tôi muốn thấy ma lắm... Mà tôi không tin hẳn câu chuyện anh Đình nói.
- Thế nhưng mà...
- Không! Anh đừng can tôi.
Nói rồi vùng đứng xuống đất. Tôi chưa kịp giữ thì Trường đã chạy ra giữa nhà. Tôi gọi lại. Trường đáp:
- Anh cứ để mặc tôi.
Bây giờ tiếng cười nói được thể nhao nhao lên, người hỏi câu này, người chế câu kia, vì các bạn tôi ai cũng còn để tâm đêm câu chuyện ma, chưa ai ngủ được. Anh Tú thì cứ thở dài, nằm co ở một bên tôi, chép miệng hỏi:
- Khiếp! Lại còn cái gì thế nữa?
- Dạ thưa cô
- lời Đàm nói
- con Nhài nó phải lòng ma đấy ạ!
- Khiếp anh Đàm nói những câu tợn quá!
Một anh nằm trên ghế nói:
- Bây giờ là mấy giờ rồi còn pha trò?
Mấy người bạn hỏi tôi sao để anh Trường lên. Tôi chưa trả lời thì có người cho là con ma quyến rũ. Đàm nói:
- không phải là ma rủ. Anh ấy muốn làm mặt bạo đi xem ma đấy chứ gì? Nhưng làm quái gì có ma? Các anh cứ để yên, tôi sẽ giả làm ma trêu cho một mẻ mới được.
Nói rồi chống tay ngồi dậy, đứng xuống đất, đi chân không lần đến bên ghế lấy một cái áo đen mặc vào mình.
Một anh can:
- Này anh Đàm! Anh Đình đã bảo đừng làm rầy rà ra, lại còn không nghe...
Lúc anh Trường đã lên khỏi cầu thang, tôi nghe tiếng quẹt diêm ở gian nhà ngoài trên gác nên bảo mọi người đừng nói nữa. Anh Đàm đứng gài nút áo. Một người bạn ngồi dậy rồi tất cả dậy theo.
- Này anh Đàm! Đã bảo thôi mà...
- Thôi anh Đàm, đừng nghịch nữa!
- Anh Đàm bướng quá! Chỉ hay phá rối thôi. không khéo ma nó bóp lè lưỡi ra mới biết hối.
Câu sau cùng là của anh Duyệt. Đàm trả lời:
- Bẩm quan lớn, vâng ạ. Con sẽ biết hối khi nào ma của ngài đến bóp lè lưỡi con.
Nhưng không ai muốn cười vì câu pha trò không gặp lúc.
Chúng tôi can mãi cũng không được, sau phải để Đàm lên. Vả lại, xin thú thực, trừ có anh Tú, ai cũng muốn biết câu chuyện ma là có thực hay không. Anh Tú bó gối ngồi bên tôi phàn nàn. Còn thì không ai nói câu nào cả.
Ngoài bậu cửa, chỉ còn một nét ánh sáng trăng mỏng mảnh. Trên dải đường trắng xóa chạy ngang trước nhà, không có một bóng người nào qua lại. Chúng tôi yên lặng nhìn nhau. Trông cái lũ người ngây ra trên tấm phản trong đám tối kia có một vẻ đến kỳ khôi. Chúng tôi đều có một thứ cảm giác ghê rợn và lo ngại.
Tôi vừa nóng ruột vừa lo sợ cho cả hai người bạn tôi.
Anh Tú ra dáng không nhịn được bực tức, lẩm bẩm nói:
- Đùa gì lại đùa tinh quái thế? Anh Đình đã bảo con ma ấy mà trêu vào nó thì nó không để yên cho đâu.
Tôi quàng tay bá vai Tú để yên ủi vuốt ve vìi tôi yêu Tú như một cô em gái nhỏ.
Mọi người nín im thin thít. Bỗng Tú kéo tay tôi bảo khẽ:
- Này nghe!
Quả nhiên trên đầu chúng tôi có những bước chân bắt đầu đi. Bước chân đi ngày một thêm nặng: Bịch, bịch, bịch!
Rồi im.
Rồi lại bước liền: Bịch, bịch, bịch!
- Tiếng chân anh Đàm hẳn? Nhưng sao bước lạ lùng thế?
Im một lát. Rồi lại bước nữa; Lần này bước mạnh và nhanh.
Rồi bỗng dưng như thấy đá đổ ở lưng chừng núi xuống một lượt: Đó là những bước chân chạy nhanh và mạnh một cách dữ dội ở trên cầu thang.
Tôi vội gọi các bạn đến bên cái cửa ngách cho anh Trường khỏi sợ, vì chấc chỉ là anh Trường bị Đàm nhát.
Tiếng chân chạy đến giữa cầu thang thì ngừng.
Rồi lại rầm rầm chạy xuống.
Rồi, từ cái cửa ngách tối đen, một bóng người chạy ra níu lấy tôi mà gọi không ra tiếng. Ánh trăng không đủ sáng đến chổ đó. Trong lúc bối rối, tôi chưa rõ ai. Người kia bám chặt hết sức lấy tôi, vừa cố nói vừa rên:
-... M... m... a! M... ma! Tôi... thấy ma!
Rồi nín lặng.
- Làm sao không phải tiếng Trường?
- Ai?
- Thế Đàm đâu?
- Sao? Sao?
- Thắp đèn lên!
Bằng ấy tiếng nói lên cùng một lúc.
Một người bạn thắp đem lại một cây nến, soi vào tận mặt người ấy, thì ra anh Đàm.
Đàm mặt cắt không ra máu, mắt mở, con ngươi như lồi ra ngoài. Anh thấy chúng tôi và ngọn nến mới định được trí. Nhưng cái tay víu tôi vẫn còn run lẩy bẩy, mà chực nói thì chỉ nghe thấy tiếng răng va nhau.
Tôi đỡ vững lấy bạn rồi gọi:
- Anh Đàm! Anh Đàm! Anh Đàm!
Đàm lắc đầu "Hử!" một tiếng. Mắt mở, nhưng không có tinh thần.
- Anh Đàm! Tỉnh chưa?
- Rồi!
- Thế nào thế!
- Thế này!...
Anh ta đứng hẳn lên, nhìn lại đằng sau rồi bảo:
- Nó sắp xuống đấy!
- Ai?
- Con ma!
- Con ma? Có ma thực ư? Sao thế? Trường đâu?
Đàm thưa:
- Để yên tôi nói... Trường còn ở nhà trong... nằm với Đình... không biết có biết không... Tôi... ở ngoài này... định đi... vào nhà trong... để...
- Thở đi rồi hãy nói!
Đàm thở mạnh một cái rồi lắc đầu:
- Tôi định vào nhà trong... định gãi chân kéo tay Trường... Nhưng bỗng trông ra cửa sổ phía ngoài đường... thì... thấy "nó". Nó! Con ma ấy! Nó đi lại gần đây. Tôi lùi nó tiến. Tôi đứng, nó đứng. Rồi nó cứ lừ lừ như quả núi áp lại gần tôi. Tôi hoảng lên chạy thì nó đuổi. Suýt nữa nó vớ được tôi. Tôi liền chạy xuống thì nó cũng làm mặt chạy theo... Nó sắp xuống đấy.
Đàm ngừng một lát, trông tôi rồi lại nói, mặt anh ta có một vẻ đặc biệt.
- Phải. Thế nào nó cũng xuống... Cứ nghe xem.
Bấy giờ chúng tôi đứng ngay trước cửa ngách lên gác. Theo lời anh Đình thuật, chổ này là chỗ mấy người cảnh sát bẩy ván ra để xông lên. Anh Đình đem sửa lại để làm lối lên cho tiện.
Ngọn nến ở tay anh Thành cử động chập chờn soi vào sáu bảy cái mặt kinh dị.
Chúng tôi vừa nhìn cái cửa ngách tối om vừa lắng tai nghe.
- Đây này... Nghe xem.
Đó là tiếng Đàm mách.
Từ đầu thang gác, hình như những bước chân không đang xuống. Xuống một cách rất thong thả

- rất chậm chạp mới đúng; Mà càng xuống càng chậm thêm.
Thang gác này đã cũ, nên dưới mỗi bước chân, bực thang lại kêu cọt kẹt... Đi tới giữa chừng thì con ma ngừng bước. Tôi có cảm giác như nó đang nghĩ ngợi gì thì phải.
Đợi đến chừng một phút rất lâu, không thấy động, chúng tôi đã tưởng con ma trở lên.
Ngọn nến cứ nhỏ giọt xuống tay anh Thành mà anh ta vẫn không biết. Lúc ấy anh Thành lựa đứng ở một bên cửa để tránh luồng gió cho lửa nến cháy thẳng khỏi bập bùng. Anh Đàm thì đứng bên kia. Anh ta nghe tiếng chân ở cầu thang như nghe giờ chịu tội. Nhưng có chúng tôi đó nên cũng đỡ lo.
Cầu thang lại bắt đầu kèn kẹt kêu: Bước chân nhận lên bục ván cứ dần dần gần xuống. Tôi nghe rành rẽ lắm: Một bực... hai bực... ba... bốn... năm.
Còn gần một chục bực nữa thì xuống tới nơi.
Bước chân chậm đi, nhưng không ngừng nữa.
Một... hai... ba... bốn... năm.
Một luồng gió lạnh đưa ra. Sau bức ván mỏng ngăn chúng tôi với cuối cầu thang, tôi đoán thấy hình tượng một người đang nghe ngóng. Chúng tôi thấy máu trong mạch như chảy chậm lại, cùng nhau đứng lặng như hình nhân. Rồi không đầy mười giây đồng hồ từ trong cái khung đen chữ nhật cao hơn đầu dần dần hiện ra một người, không: Một thân hình người; Không: Một cái thây người biết cử động! Đầu tóc lơ thơ, khuôn mặt hốc hác, nước da xanh nhợt; Ánh nến chiếu rõ ràng vào trán nó, lên cái sống mũi dài của nó, lên lưỡng quyền nó; Lên hai má hóp vào sâu và tối như thủng; Hai mắt nó mở nhưng đục lờ lờ, nhìn thẳng vào chúng tôi.
Tôi đứng bên trái anh Thành, anh Thành đứng ngay cạnh nó. Tôi nghe tiếng nó phì phò thở rất chậm chạp, thờ như người mệt mỏi. Ngực nó như một cái lồng xương phủ chiếc áo nâu nhạt, theo hơi thở mà sẽ nhô lên và lép xuống.
Tôi cứ muốn đưa tay ra sờ vào người con ma, nhưng chưa dám, vì giữa nó và tôi có anh Thành.
Tôi định men đến gần, thì bỗng có ai bấm vào tay tôi. Đưa mắt lại xem ai thì tôi thấy là anh Tú. Tôi không biết Tú vớ được cái tay thước ở đâu và từ lúc nào để nhét vào tay tôi. Mặt anh chàng tái mét; Nhưng có lẽ cái sợ quá chừng thường dẫn đến cái táo tợn.
Tôi hiểu ý anh Tú, nên nắm chặt lấy cái tay thước gỗ. Nhìn vào con ma thì vẫn thấy mặt nó điềm nhiên. Từ lúc nó hiện ra chưa đầy nửa phút.
Anh Tú cứ lấy tay bấm tôi ra ý thúc giục.
Tôi liền định trí lại, chọn một chỗ tốt trên đầu con ma để rồi đánh lên một cái hết sức bình sinh.
Con ma lúc ấy thở mạnh quá, ngọn nến tạt mãi về một bên. Tôi mắm môi vào, lựa trước lối đi của cái tay thước thì ngọn nến bỗng vụt tắt... Tôi liền nhắm mắt nện một cái rất dữ lên cái trán tôi nhắm sẵn. Mọi người xôn xao cả lên.
Tức thì một cái bóng đen đâm đầu chạy đến giữa nhà rồi nằm gục xuống. Tôi nhìn vào nó không rời mắt, vì tôi quyết đó là bóng con ma. Bỗng thấy nó ngồi lên, vừa quằn quại rên vừa chắt lưỡi.
- Hừ... tôi... chết... rồi... Tôi... chết... mất!
Thế rồi im.
Tiếng anh Tú hỏi tôi:
- Đèn bấm của anh đâu?
- Để trong ngăn kéo.
Duyệt lại hỏi:
- Nến đâu thế?
Thành đáp:
- Đây.
- Sao không thắp lên?
- Tôi còn tìm bao diêm không biết rơi đâu mất.
Đến lúc có lửa sáng, chúng tôi đổ xô lại, thì cái bóng đen kia lại là anh Đàm.
Chúng tôi không kịp ngạc nhiên, vội vực Đàm lên phản. Rồi người thì thắp đèn thêm cho sáng, người thì xé áo buộc vết thương. Đàm nằm yên, không biết gì hết.
Cũng may mà vết thương không đến nỗi nguy đến tính mệnh, vì không trúng giữa đỉnh đầu. Không ngờ con ma ăn trộm kia lợi dụng chính tôi để hại người đã trêu ghẹo nó.
Anh Duyệt toan đi gọi Trường với Đình thì vừa lúc hai anh nghe tiếng ồn ào cũng vừa xuống tới nơi.
Trông cái vẻ kinh ngạc của hai anh, chúng tôi mới hiểu rằng Đàm lên gác mà Trường và Đình vẫn không biết gì. Đình lắc đầu:
- Thì tôi đã bảo mà, trêu vào nó làm gì?
Việc diễn kịch của chúng tôi, vì vết thương của anh Đàm, phải đình lại gần nửa tháng.
(Lời ghi cuối truyện: Truyện này thuật theo lời Nguyễn Quân Hiệp, một người bạn của tác giả)
Thế Lữ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...