Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

Bóng mây chiều 1

Bóng mây chiều 1

Giải thưởng Tự Lực Văn Ðoàn năm 1935

Phần Thứ Nhất

I.- Chị bảo em bài tính này với. Gớm! Khó quá, thầy giáo chưa giảng cho em.

Cô Chi đang ngồi trầm ngâm khâu áo, nghe em hỏi bỗng ngảnh sang phía em ngồi.

- Đâu? Đưa chị xem!

"Một người mẹ chết đi, để lại cho hai con một cái gia tài...".

Một người mẹ chết đi! Câu ấy nhắc lại cái cảnh thương tâm vô hạn trong đời nàng.

Một buổi chiều về cuối thu năm trước - ngày cha nàng còn tòng sự ở Bắc Ninh - trên giường bệnh mẹ Chi hấp hối. Bà mắc bệnh đã hơn hai tháng nhưng vẫn cố gượng vì không muốn để phiền não cho chồng con. Mãi đến khi tự biết mình khó qua được nạn, bà mới bảo người nhà đánh giây thép gọi nàng. Lúc Chi về tới nhà thì mẹ nàng đã gần đuối sức, nhưng thấy con gái yêu, bà lại tươi ngay nét mặt rồi cầm tay nàng mà căn dặn:

- Trời bắt mẹ con ta phân ly lúc này thực là nghịch cảnh... nhưng mẹ biết làm thế nào... Vậy con có thương mẹ thì phải thay mẹ mà trông nom em nó sao cho được nên người... Mẹ...

Nói đến đây bà thương tâm quá nên òa ra khóc, không nói được hết câu. Một lúc sau hồn bà lìa khỏi xác.

- Chị nghĩ gì thế? Bao nhiêu hở chị?

Chi đang lẩn mẩn nghĩ đến cảnh đau lòng nghe em nhắc bỗng giật mình cúi xuống vờ đọc lại bài tính rồi bảo em cách làm. Làm xong, Quý gấp sách lại hớn hở nói:

- Phần của người con trưởng lại bằng hai người con thứ, vô lý quá! Phải đều chứ lỵ...

Chi mỉm cười:

- Sao em lại bảo là vô lý?

- Vì nếu me có để cho chúng mình cái gia tài ấy thì chắc chị để cả cho em, chị nhỉ!

Câu nói ngây thơ của Quý khiến Chi cảm động đến rớm rớm nước mặt. Nhưng, muốn giấu em, nàng nói lảng:

- Thôi em học đi không thầy lại đánh cho. Mà mới hôm qua phải nhịn cơm mà em vẫn chứng nào tật ấy.

Quý vâng lời vừa mở sách ra học vừa phàn nàn:

- Chúng mình khổ quá chị nhỉ. Động một tý là thầy đánh, trước còn me, me yêu em lắm cơ. Sáng nào em cũng được ăn bánh tây sữa mà bây giờ thì phải nhịn đói đi học, thầy ác quá!

Chi thở dài:

- Độ ấy me đi dạy học được nhiều tiền mà lại. Bây giờ me mất thầy nghèo rồi, lấy tiền đâu mà ăn hoang?

- Nghèo ngay! Thầy ăn một tháng trăm ba chả nhẽ lại không cho em mỗi ngày được hai xu ăn quà hay sao? Hai nhân với 30 là... 2 lần 3 là 6... là sáu hào. Có sáu hào thì vằn vẽo gì mà bảo không có. Chẳng qua chỉ tại thầy ghét em đấy thôi. Em còn nhớ năm ngoái me mua cho em đôi giầy tây mà thầy lườm mãi.

Nghe em nói liến thoắng người thiếu nữ chỉ thở dài. Khuôn mặt xinh xắn lộ ra vẻ lo buồn vô hạn.

Bỗng ở ngoài có tiéng giầy lẹp kẹp. Quý lắng tai nghe rồi hốt hoảng:

- Chết, thầy đã về!

Nói xong, cậu cất tiếng học bài, Chi cũng bỏ chiếc áo đang khâu mà vội vàng xuống bếp để giúp thằng ở sắp cơm, vẻ mặt lo sợ như thấy ma hiện hình.

Mười lăm phút sau, cả nhà ngồi quây quần xung quanh chiếc bàn tròn trong buồng khách, ăn bữa cơm chiều. Trên mặt tủ chè, cây đèn búp măng lập lòe chiếu sáng vì cổ đèn đã hở. Ai nấy đều lặng thinh như những người xa lạ.

Khói cơm nghi ngút, mùi sào nấu thơm tho. Cũng đồ ăn ấy, cũng cha con ấy, mà xưa kia - ngày mẹ còn - cứ đến bữa cơm là Quý hớn hở như con chim há mỏ đón mồi. Thế mà nay, ngồi co ro trên chiếc ghế, cậu chẳng tươi cười, chẳng nói những câu: "Chị chan canh cho em... me cho con xin miếng cá!". Cậu ủ rũ ngẩn ngơ như con chim non mất mẹ.

- Thằng Quý không ăn đi? Ngồi đực cái mặt ra đấy à?

Nghe dì nói, cậu vội vàng cầm bát đũa, ấp úng mời:

- Thầy xơi cơm, dì xơi cơm... chị...

Ông Bình vẫn giữ thái độ nghiêm trang bí mật. Ông ăn rất thong thả, chốc chốc lại buông bát ngồi im, cặp mắt đăm đăm như theo đuổi một ý tưởng gì thâm thúy.

Mà vẻ mặt ông thâm trầm thế nào thì bà lặng lẽ như thế. Bà ngồi cũng thanh cảnh, cầm đũa cũng thanh cảnh, nhai cũng nhỏ nhẻ như sợ gẫy răng. Khổ nhất là cặp mắt lim dim của bà lúc nào cũng đưa sang bên chỗ Quý ngồi:

- Quý! Tao đã bảo chỉ được gắp một ngọn rau thôi, mà phải chấm cho khéo, không được buông đánh tõm một cái như chuột ngã xuống ao như thế, nghe không!

Nói đoạn, bà đưa mắt nhìn trộm cô Chi như có ý thù hằn. Quý đang gắp miếng rau nghe dì nói thì rụt đũa lại, thậm thịu:

- Thưa dì, bàn cao quá con làm thế nào mà chấm sẽ được. Trước me con vẫn gắp cho con kia (câu sau cậu nói rất sẽ).

- Thôi em ăn đi, dì bảo phải nghe!

Chi vừa nói vừa gắp miếng rau vào bát em. Ông Bình cau mặt:

- Lại con này nữa. Kiểu cách lắm!

Chi vẫn dịu dàng:

- Thưa thầy bàn cao quá.

Mà bàn cao thật. Quý phải nhấp nhỏm vươn tay ra mới gắp được đồ ăn. Khổ chưa! Có đĩa thịt gà ngon nhất thì lại ở góc mâm bên dì! Thèm quá! Nhưng xa thế kia thì gắp làm sao được! Dì lại mắng cho thì chết. Nghĩ thế, cậu nhắc lên đặt xuống bát cơm đến ba bốn lần mà không dám chòi đũa, chỉ đành nhìn trộm cho đỡ thèm.

Nhưng đĩa thịt gà trắng bông kia cứ dần dần thôi miên cậu. - Quên sợ, cậu nhè nhẹ đưa đũa sang rồi đưa mắt trông dì, trời ơi! Cái tia mắt của dì mới dữ dội làm sao! Nhanh như cắt, cậu Quý vội co tay lại như đứa ăn cắp bị người ta trông thấy. Miếng thịt gà rơi vào bát canh, vài giọt nước bắn ra ngoài. Sợ hãi cậu cúi gằm mặt xuống.

Chi vội vàng gắp miếng thịt vào bát em rồi sẽ bảo:

- Lần sau em gắp cho khéo, không dì lại quở cho!

Đoạn, nàng buông bát đũa xuống bàn rồi đứng dậy đi vào trong nhà để không ai biết là nàng khóc.

Sau bữa cơm, Quý theo lệ thường phải cất nồi cơm và lau bàn ghế, rồi lại vào buồng học ngay. Còn Chi, dọn dẹp mâm bát xong cũng lên ngồi cạnh em mà khâu áo. Nhưng Chi buồn, buồn lắm. Trái tim nàng tê tái vì em.

Cảnh chua xót vừa qua đã nhắc nàng nhớ tới cuộc đời rực rỡ năm xưa: trong hồi khổ cực mà nghĩ đến sự sung sướng đã qua, ai là không ngao ngán...

Hồi đó, thầy mẹ nàng ở một căn nhà kiểu mới. Trước nhà có trồng bốn cây đào, trên ban công, bốn chậu hoa hồng cứ mỗi năm hễ xuân sang lại trổ bông phơi phới. Bề ngoài đã đẹp mà bên trong lại lộng lẫy hơn, đồ đạc tuy không sa hoa lắm nhưng cũng sang trọng và ngăn nắp; buồng ăn riêng, buồng ngủ riêng như nhà một người Âu vậy.

Chủ nhật nào cũng thế, hễ ở trong trường ra là Chi lại lên ngày Bờ Hồ mua một bó hoa nhỏ xíu độ năm sáu xu rồi nâng niu mang về Bắc để thay cho bó hoa cũ đã tàn.

...Nàng đang đứng ngắm nghía, vuốt ve bó hoa xinh đẹp ở buồng khách thì cậu Quý đã chạy ra reo lên: "Chị đã về!" rồi nhảy chồm lên ôm cổ. Bà tham cũng cất tiếng êm ái gọi: "Chi, vào đây con!". Chi lại hớn hở chạy vào buồng ăn chìa má cho mẹ hôn.

Ngày ấy, Chi là một đóa ngọc lan rất được người nâng niu chiều chuộng. Sự sống của nàng thực đầy đủ tốt tươi.

Nào ngờ đâu cảnh nhà đang vui vẻ, bà tham bỗng chết đi. Cái không khí ấm êm trong gia đình cũng tiêu tán theo bà. Một tháng sau, tự nhiên ông Bình bắt con thôi học, Chi khóc lóc kêu van thế nào ông cũng không nghe. Kịp đến khi ông phải đổi về Hưng Yên thì những đồ sa hoa ông đem bán hết đi; trong nhà chỉ còn lại những đồ cần thiết.

Thấy cha bỗng nhiên sinh ra lạ lùng như thế, Chi cho là ông chán đời; có biết đâu sự chia lìa đau đớn đã làm cho ông nghĩ quẩn: "Người ta đang quen sống sung sướng mà trong gia đình bỗng xảy ra tai biến thì cuộc đời nó cay đắng biết là bao nhiêu! Chi bằng ta tập khổ cho quen để mai sau dù có gặp gia biến, ta còn có gan trống trọi."

Vì thế nên chị em Chi mới phải trăm chiều cực khổ. Hạnh phúc gia đình nàng đã mất mà cuộc đời mai hậu cũng bồng bềnh vô định như một cánh hoa trôi.

Chi tìm đâu cho thấy những giây phút cảm động bên mẹ hiền. Còn đâu những khi chiều tà bảng lảng, Chi đứng tựa cửa sổ, lặng nhìn mấy cây dương liễu ở dưới sân mà tưởng nhớ gia đình...

Đời tinh thần của Chi đã thảm đạm tiêu điều, sự sống của Chi mới lại càng tang thương lắm nữa. Trở mẹ cũng không có tiền may áo vải thâm, ốm đau cũng không tiền thang thuốc. Tấm thân trước kia được người nâng niu chiều chuộng mà nay sao bị vùi dập như một cánh hoa thừa? Này, thử nhìn xem quanh mình cô có cái gì ưng ý cô không? Cha ghét, dì khinh, chỗ ở thì bề bộn những thạp gạo, sanh nồi, quần áo. Mà chiếc hòm da bụi bám đầy kia phải chăng là chỗ áo quan đựng những mảnh di hài của cuộc đời tốt đẹp?

II

Thầy Mãn tử hết đường hiếu nghĩa,
Xét nhà huyên quạnh quẽ đã lâu;
Thờ cha sớm viếng, khuya hầu,
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn;
Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo,
Hai em thì kép áo mền bông;
Chẳng thương số phận long đong,
Hoa lan nở để lạnh lùng một thân.
Khi cha rạo theo chân xe đẩy,
Rét căm căm bỗng xẩy rời tay;
Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay
Nghiến răng rắp cắt đứt dây xướng tùy...

Cậu Quý đọc được đến đây thì không biết vì động lòng hay sao mà bà tham bỗng đứng dậy rồi lẳng lặng đi lên gác. Cậu cũng tủi thân, nước mắt nước mũi chảy ra ràn rụa.

Nghiến răng rắp cắt đứt dây xướng tùy ỳ ỳ...

Giọng cậu lè nhè nghe mới thảm làm sao! Nói là cậu học bài thì không đúng, vì miệng tuy ề à đấy nhưng tâm trí thì để cả vào những viên sỏi ly ty nó đang nghiến vào đầu gối. Khốn nạn! Chỉ vì chập tối cậu đánh vỡ có cái bát hoa mà phải đánh một trận nên thân, lại phải quỳ, phải nhịn cơm.

Cậu mỏi mệt quá nhưng không dám kêu, chỉ đưa cặp mắt lờ đờ nhìn cha rồi lại nhìn đồng hồ trên mặt tủ: còn lâu! mới có hơn tám giờ! Thất vọng, cậu khẽ thở dại một cách thiểu não.

Sa nước mắt chân quỳ miệng gửi,

Lạy cha xin xét lại nguồn cơn...

Tiếng Quý học lè nhè vẳng đưa vào nhà trong, lọt vào tai Chi như những lời ai oán. Nàng ngồi đó đã lâu không nhúc nhích. Nàng thương em, nàng giận cha, nàng tủi phận. Em nàng khổ bao nhiêu thì nàng sầu não bấy nhiêu.

Trong khi ấy ông Tham Bình vẫn ngồi trầm tư mặc tưởng, hai mắt đăm đăm nhìn xuống trang sách như người làm phép thôi miên. Ông cứ ngồi như thế trong hai giờ đồng hồ. Hai giờ ấy đối với chị em Chi thực dài bằng hai thế kỷ. Chị mong cho cha đi ngủ, em cũng tâm tâm niệm niệm khấn thầm. Nhưng ông Bình vẫn thờ ơ lãnh đạm như không nghe tiếng rền rĩ của đứa con thơ.

Chuông đồng hồ thong thả buông 10 tiếng. Ông ngước mắt lên nhìn giờ rồi đứng dậy lặng thinh đi lên gác, chẳng thèm bảo tha tội cho con.

Nhưng, khi nghe chừng ông đã lên đến bậc thang thứ nhất, Chi thấy nhẹ hẳn người. Nàng cầm cây đèn ra nhà ngoài thì Quý cũng lấy tay phủi lần cát đỏ bám vào quần. Nàng đặt cây đèn xuống bàn rồi vạch áo em ra xem thì thấy trên lưng đầy những vết lằn thâm tím.

- Em có đau không?

Động lòng vì câu hỏi của chị, Quý thổn thức nấc lên hình như bao sự đau đớn ứ trong tâm can bây giờ mới tràn ra cổ.

Có tiếng ông tham khạc ở trên gác. Chi giật mình bịt lấy mồm em không cho khóc:

- Nín đi em! Nín đi không thầy lại nghe tiếng. Giọng nàng ngọt ngào như mẹ dỗ con. Khi Quý đã nín, nàng mới sực nhớ là em chưa ăn cơm nên âu yếm bế cậu vào trong buồng, miệng nói sẽ:

- Chị lấy cơm cho em nhé!

Thì, như tỏ lòng uất ức vì sự tàn tệ của cha, cậu lại thổn thức nấc lên mấy cái. Hai hàng nước mắt đồng thời tràn ra hai má.

Bao nhiêu cảm tình đối với người đã thương yêu cậu lúc ấy đều như ẩn trong những tiếng thổn thức nghẹn ngào. Mà cái tình của Chi đối với em thực cũng thiêng liêng gần như tình mẫu tử. Nàng chỉ nghĩ đến em, chỉ mong sao cho em được sung sướng mà thôi.

Thấy em đã nín, nàng để cậu ngồi một mình rồi vội vàng xuống bếp lấy cơm trong lòng vui vẻ như người mẹ nghèo đi chợ về với dăm ba chiếc bánh. Nhưng khốn nạn! lúc nàng mở nắp vung nồi ra để sới cơm thì chẳng còn một hột.

Chi cực thân quá mà không dám khóc, sợ em biết. Nàng gượng cười nói với em:

- Cơm nguội lắm! Em hãy ngồi đấy để chị đi thổi cơm cho em ăn.

Rồi nàng bưng nồi xuống bếp lấy rá lên đong gạo, nhưng dờ đến hòm thì nàng thấy ai đã khóa chặt từ bao giờ. Lần này Chi không thể nén được nỗi thương tâm: hai dòng lệ bỗng từ từ chảy xuống hai gò má.

- Cái gì thế chị?

Chi vội vã lau nước mắt, ngoảnh lại bảo em:

- Không? Chị tìm bát để đong gạo... Em, em cứ nằm xuống ngủ đi cho đỡ mệt; lúc nào cơm chín chị sẽ gọi.

Quý ngáp dài:

- Ăn cơm "mấy" gì được?

- Cá kho em ạ!

- Chả! Dì lại... Gói đường chị mua cho em hôm nọ, chị cho em ăn cũng được.

- ừ, em cứ ngủ đi, sau chị gọi.

Ngoan ngoãn, Quý chui vào trong chăn. Chi cũng vờ xuống bếp, ra đứng nấp ở bên ngoài.

Một lúc sau nghe tiếng em ngáy, nàng rón rén đi vào chong đèn ngồi bên cậu Quý. Cơn mỏi mệt vừa qua đã làm cho cậu ngủ thiếp đi, thỉnh thoảng cậu lại thổn thức thở dài.

Bấy giờ, Chi mới được tự do với nỗi cực lòng. Nàng ngồi bó gối bên em mà khóc...

Khóc chán lại nín, nín rồi lại khóc. Nàng gọi mẹ không biết là bao nhiêu lần: "Me ơi! Me có biết là chúng con cực khổ thế này không me!"

Đêm càng khuya sự đau khổ càng thấm thía. Nàng tức giận quá chỉ muốn ngồi suốt sáng để tỏ lòng phẫn uất. Nhưng nàng nhọc quá không sao gượng được; vừa ngả lưng xuống chiếu, nàng đã ngủ quên đi lúc nào không biết...

Lúc bừng mắt ra trông thì trời đã tảng sáng.

Chi vội vàng trở dậy mở cửa ra sân. Gió lạnh ùa vào buồng đưa theo mấy hạt mưa giá ngắt. Chi khép cửa lại tự nhủ thầm:

- Trời rét mướt thế này mà nhịn đói thì chịu làm sao được. Hay ta cho nó mấy xu...

Nghĩ tới tiền, Chi lại thở dài ngao ngán vì đã 5, 6 hôm nay nàng không có một đồng trinh nào trong túi; mà đi vay thì...

Cái ý nghĩ ấy vừa đến trong óc đã làm cho Chi hổ thẹn. Nhưng nàng nghĩ đến em hơn nên chỉ do dự một lúc, nàng đã vội vàng xuống dưới nhà lay thằng bếp:

- Anh Ba... Anh có tiền cho tôi vay.

Dở ngủ dở thức, bếp Ba càu nhàu:

- Khổ! Cô lại hỏi vay tôi thì còn trời đất nào nữa.

Câu nói thật thà của anh ta đối với Chi có ngụ bao sự mỉa mai chua chát: "ừ! Cô là con một ông tham mà sao lại phải đi vay một thằng nghèo xác!" (1)

ở trên đời này con nhà quý phái mà phải như thế thì còn chút danh dự nào không? Nàng uất ức quá, muốn chạy ngay lên gác để nói cho cha rõ, nhưng nghĩ tới thái độ lạnh lùng khinh bỉ của ông, nàng lại nghẹn ngào nuốt lệ. Đang phân vân, nàng bỗng sực nghĩ đến Lan, một người bạn nàng mới quen biết. Không suy nghĩ gì nữa, nàng vội sửa khăn áo để lên phố vay tiền.

Nàng không muốn cho em phải nhịn đói... Nhưng khốn nạn! nàng vừa về tới nơi thì Quý đã đi học rồi.

Ông Bình đang mặc áo thấy con về, cau mặt hỏi:

- Con này đi chơi đâu sớm thế? Chỉ hư thân! Chi uất ức quá đứng lặng giờ lâu mới nói được:

- Con lên phố để vay mấy xu cho thằng Quý nó ăn quà vì hôm qua nó phải nhịn cơm.

Rồi Chi gục đầu vào tường mà khóc.

Một sự chẳng ngờ! Ông Bình tuy bắt con nhịn cơm nhưng ông chắc thế nào lúc ông đã đi ngủ, hai chị em nó cũng lấy cơm cho nhau ăn, nào ngờ đâu!

Ông ngạc nhiên, muốn hỏi cho ra manh mối. Nhưng chợt nhớ đến cảnh cơ hàn của mình thuở trước, ông lại lạnh lùng:

- Mày không có tiền à?

Rồi ông mở ví lấy một đồng bạc giấy ấn vào tay con, miệng nói sẵng:

- Đấy cho!

--------------------------------

(1)

Bỏ 1 giòng.

III

Hình như qua một cơn tức giận thì con người ta lại trở nên hiền từ và đem lòng thương kẻ bị hành hạ, khác nào mặt bể sau cơn giông tố, mặt nước lại êm đềm phẳng lặng, gió lại đìu hiu.

Chiều hôm ấy vừa ở dinh Tuần phủ về, ông tham Bình đã gọi con gái ra, dịu dàng bảo:

- Mày cầm tiền nhà sang đưa cho cụ chủ hộ tao. Hôm nay tao không ăn cơm ở nhà, chị em mày cứ ăn trước đi.

Chi đón chục bạc cha đưa, trong lòng sung sướng. Là vì: đã lâu nay nàng mới được cha sai một cách thân yêu như thế. Người con đã bao lâu bị cha hất hủi mà bỗng được thương yêu, lẽ nào lại không cảm động.

Cảm động hơn nữa là nếu nàng sang bên ấy thì sẽ gặp một người... một người mà đã luôn mấy đêm nay nàng thường nghe tiếng hát, tiếng hát bi ai như cảm động, như xót thương nàng...

Tuy trong lúc buồn thương nàng không chú ý đến, nhưng lòng nàng lắm khi cũng như được thấm nhuần điệu hát du dương như được ai chia sẻ nỗi lòng đau khổ. Mà người đó nào phải là ai còn lạ lùng bỡ ngỡ. Chàng đã bao lần viết thư cho Chi để van xin nàng một chút tình yêu.

Cả một quãng đời trẻ trung tinh nghịch của một nữ sinh hiện ra trong trí nhớ. Hồi đó nàng còn học ở trường nữ sư phạm. Nàng là một nữ sinh đẹp nhất nhì trong trường nên có biết bao chàng thanh niên mơ ước mà Tú là người trung thành nhất trong bọn. Chàng theo đuổi Chi đến một năm trời, Chi vẫn lãnh đạm, song chàng vẫn cố công đeo đẳng mối tình tha thiết, không bao giờ chán, không bao giờ thất vọng.

Có một buổi chiều chủ nhật, Tú quen lệ thường ra đón Chi ở ga rồi theo về trường học. Chi đã nhiều phen bực mình vì anh chàng si ngốc nên vẫn muốn tìm cách trêu ghẹo, nhưng lại sợ Tú cho là mình để ý nên lại thôi. Lần này, nàng mới quả quyết làm theo ý định. Nàng mở sách, xé một tờ giấy trắng, vừa đi vừa vẽ nguệch ngoạc một cậu học sinh quỳ xuống đất, tai bị thày giáo beo dưới chua mấy lời chú thích: "Hừ! Khỏe theo gái, không thuộc bài".

Nhắc lại câu ấy, Chi bỗng bật cười. Cô nữ sinh hồi đó tinh khôn và nghịch ngợm lắm. Cô cho rằng họ chỉ là phường công tử bột, chỉ gạ gẫm láo, rồi hễ được thỏa tình rồi là bỏ rơi lúc nào không biết.

Trái lại, tuy bị "người yêu" tẩy ra mặt, Tú vẫn không chịu buông tha, vẫn cứ cố công theo đuổi khiến Chi lắm lúc phải động lòng. Nàng lại nhớ một câu trong bức thư Tú gửi cho nàng: "Anh vẫn biết rằng em ghét anh lắm nhưng đã chót yêu em mất rồi thì biết làm thế nào? Chiều nào anh không được đi theo em, nhìn dáng em đi thì suốt đêm anh không ngủ được".

Nàng mới chỉ quen biết Tú có thế thôi.

Rồi me nàng mất, nàng không được đi học nữa và bẵng đi từ ngày ấy đến nay, Chi mới lại nghĩ đến chuyện xưa. Nàng có cái cảm tưởng rằng Tú yêu nàng thật. Tự nhiên nàng thấy trong lòng hồi hộp hết sức. Nàng băn khoăn mãi không dám sang trả tiền nhà vì nàng sẽ phải gặp Tú... Gặp Tú nàng sẽ ngượng đến thế nào? Nhưng chợt nghe thấy tiếng Tú hát, Chi như bị quyến rũ, nàng hồi hộp đi sang nhà Tú.

Nhà ngoài không có ai, nàng lê mạnh gót giày. Tú chạy ra, nhưng chàng bỗng đờ ra, chỉ khẽ gọi được một tiếng:

- Em!

Chi gần ứa nước mắt vì cảm động:

- Anh.

Rồi nghĩ đến chuyện xưa, nàng làm ra vẻ lãnh đạm nói luôn:

- Anh, ông có nhà không?.. Thầy tôi cho tôi sang trả tiền nhà.

Tú cuống quít:

- Không. Thầy tôi đi vắng. Chỉ có...

Chàng vội ra khép cửa rồi không nén được nỗi lòng chàng vội nắm lấy tay Chi.

- Trời! Em! Em độc ác với anh lắm. Em đáng thương lắm.

Chi cảm động đến rợn người:

- Chết! sao anh làm thế... Em không bằng lòng...

- Em không bằng lòng mặc... Anh biết, em không ghét anh đâu... Em không bằng lòng thì tiện đây Chi giết anh đi... giết bằng sự hắt hủi, anh sẽ chết để giữ trọn lời thề.

- Lời thề?

- Phải, lời thề. Anh đã thế nếu không chiếm được trái tim em thì anh sẽ tự tử...

- Anh điên mất rồi.

- Phải anh điên, điên vì yêu, điên vì đau đớn. Em Chi! Nếu em còn lãnh đạm với anh ngày nào, giây phút nào, thì anh còn khổ sở. Cảnh đời em đang sống thực làm anh như xé ruột gan. Anh muốn cứu vớt em ra khỏi cảnh đời tối tăm em đang sống. Thực câu nói xưa bao giờ vẫn đúng... Thực mấy đời bánh đúc có xương...

Chi ứa nước mắt khóc. Nàng nghẹn lời thổn thức:

- Thôi anh đừng nói nữa, em khổ lắm rồi mà. Em xin cảm tạ lòng anh. Nhưng anh có nhớ rằng trước kia em đã hắt hủi anh nhiều lắm không?

- Có! Nhưng càng hay chứ sao, em càng hiểu rõ lòng anh, anh yêu em là vì ái tình chân chính.

- Em chưa đủ tin.

Tú cười gượng.

- Em chưa đủ tin? Em đa nghi quá. Thời gian đã trả lời cho anh rồi đó.

- Thời buổi này học giỏi phải có bằng chứng thực, ái tình cũng cần phải có bằng cấp chứ.

- Em vào đây... anh có đủ bằng cấp để khai cái mỏ vàng của lòng em.

- Đây nhé... cái hình em vẽ bằng than treo ở tường kia anh van mãi cô Bích mới cho để treo đấy. Bức tranh khôi hài em vẽ chế riễu anh vẫn còn đây.

Một phút yên lặng.

- Em... Nếu em còn nghi lời anh thời anh thề sẽ...

Chi ứa nước mắt ngả vào lòng Tú.

- Thôi em hiểu rồi...

Nàng ứa nước mắt nói theo:

- Nhưng em không thể... Anh làm thế nào mà cứu được em?

- Giản dị lắm, chúng ta sẽ lập gia đình.

- Không được, vì còn thằng em đó. Nếu em đi thì ở nhà dì em sẽ giết nó mất. Mà nhà anh thì gần, trong gia đình sẽ phải mãi mãi diễn ra cái cảnh dì ghẻ con chồng khốn nạn.

- Anh sẽ mang em đi Hà Nội, em mang Quý đi theo?

- Không được, chắc thầy em giữ tiếng không cho thế. Vả lại nếu chúng ta lập gia đình, em vẫn phải ở nhà anh, anh còn đi học kia mà...

Tú ngẩn người, chẳng biết tính sao nữa.

Chi nói tiếp:

- Ngày ấy còn xa lắm, em còn phải khổ. Em xin nói với anh rằng ái tình của em có thể hy sinh được, chứ em không thể hy sinh tình chị em để thỏa mãn ái tình. Lời me em dặn, em phải tuân theo chứ đâu dám sai lời me em được.

Tú ngẫm nghĩ rồi nắm chặt tay Chi:

- Được rồi, em cứ tin ở anh. Anh sẽ hết sức vì em để cậu em yêu quý của chúng ta thoát ly cảnh đời đang sống. Em Chi, chúng ta đã yêu nhau, chúng ta sẽ thắng.

Chi không tìm lời từ tạ, chỉ gục đầu vào vai Tú nức nở khóc.

IV

Tết có ý nghĩa gì không? Tác giả không dám lạm bàn đến vì ở đời cảnh ngộ đã khác nhau thì lời bàn của một người cũng chỉ là điều tâm sự riêng mà thôi. Ta sướng nhưng người khổ, người nào có cảm tưởng như ta?

Nhưng ta thử tưởng tượng xem tâm sự của một người phải xa nhà, xa vợ, xa con trong một năm trời đằng đẵng mà đến hôm ba mươi Tết được trở lại quê nhà...

....Người ấy đi trên con đường đất về làng trong lúc chiều tà bảng lảng... trông thấy cây đa cổ thụ, cái cổng gạch rêu phong và người đàn bà tay bế con thơ, người ấy dừng chân tự hỏi: "Vợ ta đang làm gì? Con ta có ngoan không? mà cảnh quê hương vẫn còn y nguyên như cũ." Rồi người bộ hành tưởng tượng đến sự vui mừng, đến tiếng cười ròn rã của họ hàng, con cái, đến cái phút sướng điên của người vợ đã mỏi mắt ngóng trông.....

Vậy thì ngày ba mươi tết là ngày vui mừng, cảm động nhất trong một năm.

Thế nhưng cũng ngày hôm ấy, cũng cái hơi xuân đầm ấm ấy mà sao cô Chi, cậu Quý lại ngồi nhìn nhau mà nhỏ lụy trong buồng vắng?... Cậu Quý khóc lóc đòi về thì ông đánh cho một trận rồi bắt quỳ một chỗ. Còn Chi, tuy không ân hận vì sự tàn tệ đó, nhưng thấy em khóc lóc nàng cũng động lòng thương hại vì nàng chỉ nghĩ đến em mà thôi.

Ông Bình đi làm trong một năm trời ròng rã mới về quê, chắc cũng có đôi chút cảm tình của người khách nọ, nhưng sao ông chẳng nghĩ đến tình cảnh đáng thương của hai con? Giá được về quê ăn tết thì cậu Quý sung sướng biết chừng nào! Khốn nạn: Hôm bà nội cậu xuống chơi đã dặn thế nào cháu cũng về cho bà khỏi nhớ, mà ông Bình lại không cho.

Chi đã cạn lời an ủi, mà cậu vẫn khóc. Mãi đến lúc nàng rủ lên phố sắm tết và mua cho một bánh pháo cậu mới nín khóc theo đi.

Suốt buổi chiều, hai chị em thơ thẩn trong phố khách và phố chợ. Qua những hiệu to thấy những bánh trái hoa quả bày la liệt, chị em chỉ lảng vảng xem qua vì nhân thân chỉ có mỗi đồng hai bạc, tiền đâu mà mua những thứ ăn đắt đỏ ấy. Chi mua cho em một bánh pháo rồi ra chợ mua nửa cân giò, một con vịt và mấy thứ bánh trái rẻ tiền. Lúc ra về, chị xách, em mang, trông thực rõ cái cảnh con côi mất mẹ. Tối đến, chị em lại cùng nhau lịch kịch xếp dọn cửa nhà, mãi đến khuya mới đi nằm. Quý tỉ tê nói chuyện với chị một lúc lâu rồi ngủ quên đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, lúc 5 giờ Quý đã dậy. Cậu nũng nịu nâng cô Chi miệng thỏ thẻ:

- Sáng rồi chị ạ! Dậy làm tết đi!

Chi mở mắt ra, thấy em nói, trong lòng vui sướng. Nàng ôm lấy cậu mà hôn một cái thực nồng nàn. Rồi hai chị em cùng nhau xuống bếp, bắt đầu làm tiệc nghinh xuân.

Trong khi Chi làm thịt vịt và xào nấu các món ăn thì cậu Quý chồm chỗm ngồi xem bên cạnh, thỉnh thoảng mới đứng dậy lấy hộ gáo nước hoặc những thứ cần dùng.

Hai giờ sau, các món ăn đã xong đâu đấy. Chi mở hòm lấy chiếc khăn trắng ra trải lên bàn xoay rồi bày các món ăn lên mặt.

Thức ăn tuy thanh đạm nhưng vì bày khéo nên trông cũng có vẻ tiệc lắm. ở giữa, bát canh miến nấu với giò thái nhỏ li ti tỏa hơi lên nghi ngút. Xung quanh, bốn đĩa giò, cải hầm, thịt rang, thịt luộc đưa mùi thơm ngát. Ngoài những thứ ấy ra, lại còn một cái bánh chưng và hai trái cam là đồ nước.

Khi đã bày xong, Quý ngồi ngắm tự lấy làm thích trí, cậu ngây thơ bảo chị:

- Trông cũng đủ sướng rồi, không phải ăn nữa!

Chi nhìn em mỉm cười:

- Làm thế nào cho sang hơn một tý nữa, em nhỉ?

Quý lắc đầu, mủm mỉm đáp:

- Cơ nghiệp của mình chỉ có thế, giết ai ra hơn!

Câu nói ngây thơ của cậu làm cho Chi cảm động ứa nước mắt. Phải, ngày hôm nay cơ nghiệp của hai chị em chỉ có mấy đĩa đồ ăn đó và tấm lòng thương yêu mà thôi... Món tiền nhỏ kia đã mang đến cho nàng biết bao cảm giác vui buồn. Cái bàn xinh xinh có trải khăn lại nhắc nàng nhớ đến cảnh gia đình đầm ấm khi xưa, mà cái hơi đầm ấm đó, người quá khứ đã mang đi, nay lại phảng phất trong buồng...

- Thôi, ăn đi chị ạ, không miến nguội mất.

Nhưng vừa cầm đũa toan gắp đồ ăn, Quý lại đặt xuống ngây thơ hỏi:

- Chị không cúng à?

Nghe em nói Chi cũng sực nhớ đến mẹ. Nàng cố cắn môi để ngăn hai hàng nước mắt vì nàng không muốn cho bữa tiệc đầu xuân phải pha giọt lệ sầu.

- ừ phải, để chị cúng me rồi hãy ăn.

Nói đoạn, nàng lặng lẽ đứng dậy đến bên tủ chè lấy thẻ hương của dì ghẻ mua ngày trong năm. Nhưng chỉ còn có hai nén. Quý lau chau nói:

- Còn hai nén thì em cúng me một nén chứ sao!

Rồi cậu bảo chị đưa cho để xuống bếp châm. Một lúc sau, cắm hai nén hương lên cậu bỗng ngẩn ngơ vì thấy Chi ôm mặt khóc.

Cậu giương mắt nhìn chị, thẫn thờ:

- Chị sao thế, chị?

Chi lau nước mắt, kéo em vào lòng nói nựng:

- Em tôi ngoan quá! Đáng thương quá!

Rồi nàng nhách mép cười - cái cười ngụ bao nỗi thương tâm - Cầm hai nén hương đứng dậy định cắm vào bát nhang. Nhưng bỗng nghĩ ra một cách tỏ lòng thành kính có ý nghĩa hơn, nàng lại đem cắm vào lưng ghế mây rồi tháo cái "mê đay ông" có ảnh mẹ và quàng vào chân hương.

Quý ngơ ngác hỏi:

- Sao lại làm thế hở chị?

- Em không biết à? Tây họ thường bỏ một cái ghế trống trong buồng ăn để tỏ lòng nhớ thương người mới mất. Chị cũng bắt chước như thế mà.

Quý tuy chẳng hiểu lời chị nói, song cũng tin là một điều hay nên vui vẻ tán thành:

- Phải đấy chị ạ! Em lễ me nhé!

- Lễ à?

- Vâng, lễ me...

- Thôi đứng vái cũng được.

Thấy em vái trước hai nén hương, nét mặt nghiêm trang kính cẩn, Chi bồi hồi cảm động, ứa hai hàng nước mắt. Rồi như chịu ảnh hưởng của tinh thần tôn giáo, của lòng nhớ thương, nàng cũng đứng vái theo...

Trên lưng ghế, hai tia khói quấn nhau dịu dàng, uốn khúc. Nhìn ảnh mẹ và hai tia khói ấy, Chi bỗng chạnh tưởng đến tình chị em quấn quít nhau bên hình ảnh người mẹ hiền đã khuất.

- Chị không ăn đi?

Nghe lời em, nàng gượng vui cầm đũa nhưng hai nén hương và chiếc ảnh vẫn âm thầm vẽ ra trước mắt nàng một bức tranh thảm đạm. Suốt bữa cơm nàng buồn bã, ít nói, ít cười làm cho Quý cũng phải băn khoăn khó chịu.

Mối buồn sâu xa lặng lẽ ấy mãi đến lúc nàng đứng ngắm em đốt pháo trên sân mới tan đi hết. Bánh pháo mua hôm qua, Quý đã đem tháo bỏ vào trong hộp giấy con để đốt từng quả một, châm xong một quả, cậu tung lên trời, pháo nổ "tạch", cậu cất tiếng cười ròn tan. Mà cứ mỗi lần Quý làm như thế, nàng lại mỉm cười, cặp mắt có vẻ mơ màng suy nghĩ.

Đang lúc cùng em say sưa thưởng thức cái phong vị êm đềm của buổi đầu xuân tốt đẹp, bỗng Chi nghe tiếng chuông kêu, nàng xuống dưới nhà mở cửa ra xem ai gọi, thì người phu trạm đưa cho nàng một bức điện tín, trong chỉ có mấy lời vắn tắt: "Sẽ về mừng em".

Lúc ấy vẻ mơ màng trên mặt Chi lại càng thêm rõ rệt, hai mắt nàng sáng hẳn lên, nước da, cặp môi cũng hồng hào hơn trước.

Chi vui sướng vì Tú sẽ đến thăm nàng. Độc giả còn lạ gì, đã yêu nhau thì một cớ cỏn con cũng đủ làm cho nhau sung sướng.

Chi sung sướng như cô bé ngoan ngoãn được mẹ yêu. Nàng đi đi lại lại trong buồng, cất tiếng hát liên miên. Nàng cảm động quá đến nỗi hát chẳng thành bài, hết ca dao lại đến các điệu mới, chẳng đâu vào đâu.

Rồi, đứng ngắm bóng mình trong gương, Chi mỉm cười nghĩ thầm:

- Chẳng lẽ ta lại ăn mặc thế này mà tiếp anh ấy ru? Thôi đành mang tội bất hiếu vậy, me cho phép con ngày hôm nay me nhé!

Tức thời, nàng cởi áo the ra rồi mở hòm lấy áo nhung quần trắng ra mặc và phấn son nước hoa ra trang điểm. Quý cũng bắt chước chị lấy bộ quần áo len ra thay cho bộ quần áo vải trắng lọ lem.

Trang điểm xong, Chi đã nghiễm nhiên thành một tân nhân vật, nhan sắc lộng lẫy vô cùng. Nàng sung sướng vì sẽ được cùng tình lang hưởng những giây phút nồng nàn.

...Nửa đêm hôm ấy, trong phòng khách, nàng ngồi sánh vai với Tú trên ghế dài, tay ôm một bó hoa rất lớn, bó hoa Tú mới tặng nàng. Bên cạnh, cậu Quý đã ngủ say trong ghế bành.

Hai người ngồi yên lặng như thế đã lâu lắm, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau mà lặng lẽ mỉm cười.

Bỗng Chi nâng bó hoa lên miệng mà hôn, se sẽ nói:

- Đời em mà còn được thấy hoa thơm cũng là nhờ anh mang lại đó. Anh có biết không?

Câu chuyện mỗi lúc một thân, tình càng thêm đậm.

Đêm đã khuya lắm. Quý đã ngủ say rồi...

Tú bế Chi vào lòng run run sẽ nói:

- Lạnh lắm em nhỉ?

- Vâng, lạnh lắm! Nhưng có anh ấp ủ cho em làm cho lòng em thấy âm ấm lạ.

- Em!

- Dạ.

- Em thật lòng yêu anh chứ?

- Không em ghét...

Tú ghì chặt tình nhân vào ngực mình...

V

Nàng có ngờ đâu cái kết quả của cuộc ái ân là một sự thiệt hại thảm thê, một mối hận nghìn thu.

Hai tháng sau...

Một buổi sáng, trước cửa trường Bảo Hộ, Chi đứng chờ Tú, ở trường ra. Trông nét mặt ủ ê của nàng, khách qua đường cũng biết là nàng có điều gì phiền muộn.

Từ hôm hiến thân cho Tú đến nay đã hơn ba tháng. Trong ba tháng đó nàng đã gửi cho bạn hai bức thư thúc dục. Nhưng than ôi! Một lá thư đi lại là một lần mong mỏi... có lẽ con người tệ bạc ấy đã phụ nàng rồi, phụ nàng ngay cái đêm hôm ấy. Chi hối hận lắm. - Chi tự mắng là nông nổi đáng thương... Nhưng muộn rồi! Chỉ bẩy tháng nữa là nàng sẽ có một đứa con.

Không những thân đã mang nhơ, mà còn phải trăm chiều lo lắng. Giá ông Bình là người khoan từ, rộng lượng thì nàng cũng đành thú tội cho xong. Nhưng khốn thay ông lại là người khắc khổ, đời nào ông lại tha thứ cho Chi.

Vì thế, nàng chỉ còn một kế là lên Hà Nội để hỏi Tú xem nếu thực chàng phụ bạc thì sẽ trốn đi đến ở nhờ một người bạn.

Nghĩ đến bước đường gai góc mai sau, nàng thở dài tự nhủ: "Trời! sao cuộc đời ta sống lại khó hiểu thế này. Yêu nhau mà lại để lụy cho nhau? "

Còn đang mơ màng suy tính, trống bỗng đổ hồi. Một lúc sau, học trò lũ lượt đi ra. Chi phải đứng nép vào ga xe điện mà lóng ngóng nhìn vào trong sân. Thấy có con gái đẹp, mấy cậu học sinh bấm nhau thì thầm bàn tán, nhưng Chi vẫn làm ngơ như không nghe tiếng. Mãi một lúc sau, nàng mới trông thấy Tú ra với bộ mặt tươi cười. Nhưng không biết vì cố ý hay vô tình, chàng cắm đầu đi thẳng như không nhìn thấy tình nhân. Chi cũng không dám len vào hỏi chỉ lặng lẽ đi theo.

Đến ngã ba con đường rẽ vào vườn bách thú, nàng mới tiến lên sẽ gọi:

- Anh Tú!

Tú quay lại, thấy Chi, mặt hơi tái nhưng cố làm ra vẻ tự nhiên, bảo người bạn đi bên cạnh bằng tiếng pháp:

- Em tôi đấy, nó ở Hưng Yên mới lên chơi.

Người bạn mỉm một nụ cười chế nhạo rồi đi rẽ về phố Carnot.

Tú thở dài, sẽ bảo Chi:

- Em vào trong này.

Thấy giọng nói chàng có vẻ cảm động, Chi cũng không lo ngại mấy. Nàng đi theo Tú trong lòng hồi hộp. Đến một cái ghế xi măng, Tú kéo Chi ngồi xuống rồi dịu dàng hỏi:

- Em mới lên chơi?

Chi sẽ đáp:

- Vâng... em lên hỏi anh!

Tú ngẫm nghĩ một lúc rồi thở dài:

- Nhưng em có chắc không?

Cảm động, nàng ứa nước mắt nhìn bạn nghẹn ngào:

- Đích rồi, khổ quá! Anh có làm thế nào thu xếp cho xong không em chết mất.

Nói đoạn, nàng gục đầu vào vai Tú mà thổn thức. Bao nhiêu sự lo lắng, sự hổ han, sự nghi ngờ đều như theo dòng lệ mà thoát ra ngoài.

Một lúc, nàng mới thấy trong lòng dìu dịu.

Tú để lặng yên cho nàng khóc. Khi nàng ngẩng lên chàng mới cầm tay, sẽ hỏi:

- Vậy em định thế nào?

Chi nín khóc, dịu lời:

- Em đã nói rõ ý em ở trong thư: chỉ có một cách là anh cho người đến hỏi.

Thốt ra câu ấy, nàng tưởng Tú sẽ vui lòng ưng thuận. Nào ngờ đâu Tú lại không nghĩ như nàng. Một lúc sau chàng mới nói:

- Em nên tha thứ cho anh... để anh phân trần cho em rõ. Bây giờ anh còn đang đi học mà lại vướng vào vợ con thì còn hy vọng gì tiến lên được. Vậy em nên vì tương lai anh.

Chàng nói mau như sợ Chi cướp lời. Nhưng Chi, vì quá đau đớn nên điềm nhiên để chàng nói hết rồi cười nhạt:

- Anh mà cũng nghĩ thế, làm gì anh phải chối quanh, nếu quả thực anh muốn làm hại tôi, và chỉ muốn thỏa lòng trong chốc lát, nếu anh không yêu tôi nữa thì anh cứ nói ra tôi sẽ liệu... chứ làm gì anh phải viện những lẽ vu vơ. Anh nên biết: học trò có vợ hay không, việc ấy có can gì đến sự học. Hay tại mình, mà dở cũng tại mình chứ vợ con thì có làm gì nên tội.

Lời nói đầy vẻ xót xa, đầy sự cương quyết đó làm cho Tú luống cuống không biết trả lời ra sao. Chi thực không ngờ rằng người mà nàng yêu dấu lại là người như thế. Nàng tưởng tượng như giá nàng ở địa vị Tú thì không đời nào lại để cho một người mình yêu phải khổ sở như nàng.

Nhưng trong tâm hồn Chi không những chỉ có tính trầm nghị mà thôi. Nàng tự cao chừng nào thì cũng dịu dàng chừng ấy. Tuy lời nàng nói đầy sự hờn giận, mà nàng có ghét Tú được đâu. Đưa mắt nhìn tình nhân thấy nét mặt chàng rầu rầu thương xót, nàng lại hối hận thở dài:

- Anh nên thương lấy em...

Xem như Tú cũng cảm động vì lời nói van lơn, nhưng không hiểu tại sao chàng vẫn không ưng thuận:

- Nhưng chắc thầy me anh không cho phép. Vì các cụ đã định... thực khổ cho anh quá!

Chi đã nóng ruột, cố giữ vẻ ôn tồn:

- Em xin nói một lần nữa: Nếu anh thực yêu em thì không có điều gì ngăn được ý anh muốn. Anh lại không tự chủ được hay sao? Hay là anh chỉ định lừa dối?

- Thôi anh van... Em mà cũng còn nói thế thì còn trời đất nào.

- Vậy thế sao anh còn từ chối?

Tú năn nỉ:

- Nếu anh nghe em, anh sẽ là đứa con bất hiếu. Không đời nào thày anh lại cho phép.

Chi cười lạt:

- Vì sao? Em không xứng đáng làm dâu các cụ hay sao?

Tú thở dài:

- Không phải thế... Khốn nỗi, hai bên đã ước hẹn với nhau rồi...

Chàng nói dối. Thực ra chàng cũng chưa hề ngỏ ý với cha mẹ bao giờ. Cái việc nó làm cho chàng lưỡng lự, sợ hãi, là đứa con sau này. Nhưng Chi vẫn tin lời Tú là thật nên nghẹn ngào nói:

- Anh đã có nơi ước hẹn... Trời! đã thế anh còn yêu tôi làm gì? Anh lừa dối tôi...

- Anh xin em đừng nói thế... chỉ tại thầy me anh chứ anh nào...

- Thì ta chẳng cưới xin gì nữa, em sẽ vui lòng cùng anh tự do kết hôn.

Ngừng một lát nàng dịu lời, năn nỉ:

- Anh nghĩ xem, cảnh ngộ nó đã xui như thế thì anh cũng nên thương em. Anh đắc tội với các cụ thì em cũng có lỗi với thầy me em. Em nào có được sung sướng gì?

- Khốn nhưng ta làm cách gì mà sống!

Chi vui vẻ đáp:

- Anh em ta sẽ thuê nhà riêng mà ở với nhau. Ngoài số tiền thầy me gửi cho, anh có thể đi dạy học thêm để kiếm tiền. Còn em, em cũng xin đi làm thư ký, dạy học như anh.

Rồi nàng nhìn tình nhân âu yếm nói:

- Đấy anh coi, dẫu việc khó đến đâu cũng có thể giải quyết được, nếu chúng ta yêu nhau.

Tú cũng gượng cười:

- Em nói dễ nghe quá. Đến lúc làm theo mình tưởng tượng mới biết rằng khó khăn. Anh lo lắm. Câu nói mơ hồ làm cho Chi ngơ ngác. Người ta lúc mới yêu nhau thường mơ ước đến cảnh xum vầy đầm ấm, cớ sao Tú lại tìm cách lánh xa, tuy vẫn yêu nàng? Vì cứ trông thấy nét mặt khổ sở tuyệt vọng của chàng lúc đó, Chi cũng biết là chàng vẫn thương hại Chi mà không thể nghe được lời. Nhưng Chi lại nghĩ trái lại, Tú đã phụ bạc mình nhưng còn vờ thương xót. Nàng không thể nén được sự bực mình dồn hỏi:

- Vậy anh định thế nào?

Giọng nói giận dữ làm cho Tú lo sợ luống cuống, chàng lặng yên một lúc rồi cất tiếng run run:

- Em, em có thể đến ở nhờ một người bạn được không?

Rồi chàng lặng im, nhìn người bạn gái để đợi câu giả lời. Một lúc thấy nàng vẫn thản nhiên, nét mặt có vẻ mơ màng suy nghĩ chàng lại ngọt ngào nói tiếp:

- Em nên nghe anh... để rồi anh sẽ liệu chứ bây giờ anh lại phải cáng đáng những công việc ấy thì nguy cho sự học của anh lắm.

Đoạn chàng moi chiếc ví da ở trong túi ra lấy một tập giấy bạc đưa cho nàng:

- Đây em cầm lấy món tiền này để rồi anh sẽ đưa sau.

Đến đây, Chi không thể nào nén được sự tức giận nữa. Nàng ứa nước mắt quay ra nhìn hòn đảo nổi giữa hồ. Rồi, đột nhiên, nàng vùng đứng dậy ngó vào mặt Tú mà cười nhạt:

- Anh là một đứa ích kỷ... Anh làm hại tôi, anh làm nên tội cho tôi mà không muốn chịu sự khó khăn nào. Anh chỉ sướng lấy thân anh...

Nàng thương tâm quá, lấy vạt áo lên lau nước mắt giọng nói càng thêm nghẹn ngào:

- Trời ơi! Ta nhầm. Người ta cắp sách đi học đấy. Lương tâm người ta để đâu? Khốn nạn cho thân tôi. Bây giờ tôi mới biết lòng các ông là giáo dở.

Nàng lại buông vạt áo xuống mà nghiến răng nhìn Tú, hai mắt đỏ ngầu như con thú dữ. Thoáng trông thấy tập giấy bạc rơi trên ghế, nàng cúi nhặt rồi quẳng xuống đất mà cười gằn:

- Thôi được...

Nói xong nàng quay đi. Nhưng vừa đi được ba bốn bước, người con gái khốn khổ không nén được sự đau đớn, òa lên khóc như mưa...

Phần Thứ Hai

I

Sang đến Bắc Ninh, trước khi tìm đến nhà bạn, Chi ngồi trên một cái ghế trong công viên. Một luồng gió mạnh chạy qua quét những lá khô trong vườn lạt sạt.

Tần ngần ngắm những chiếc lá khô, trong óc Chi bỗng nảy ra bao ý nghĩ chua chát. Thân Chi nào khác chiếc lá rơi, một chiếc lá còn xanh đã rụng vì cơn mưa gió tơi bời, mà nay bỏ quăng trong vườn vắng.

Trời đã về chiều.

Nghe tiếng kèn nhà binh thổi ở đằng xa xa, Chi giật mình tỉnh mộng. Nàng mỏi mệt quá nhưng cố gượng đứng dậy đi ra ngoài đường.

Một người cảnh sát cưỡi xe đạp qua trước mặt khiến nàng lo lắng, vì biết đâu ông Bình lại không trình báo lôi thôi, nhờ ty cảnh sát bắt nàng về. Nghĩ vậy, Chi thở dài, rảo bước đi mau.

Đến nhà Tâm ở phố Ninh Xa, quen như mọi khi, nàng điềm nhiên đẩy cửa bước vào, nhưng nàng bỗng kinh ngạc, sượng sùng, vì thoáng trông đồ trần thiết trong buồng khách cũng biết là nhà đã thay chủ. Thấy một bà cụ ở dưới bếp đi lên, nàng gượng hỏi:

- Thưa cụ, cháu hỏi chị Tâm.

Bà ta ngơ ngác:

- Không, ở đây không có ai tên là Tâm.

Sau một tiếng "vâng", Chi lật đật chào bà cụ rồi trở ra, trong lòng chán nản, tuyệt vọng.

Rồi, đứng bơ phờ ở một góc phố, nàng chạnh tưởng đến cuộc đời mai sau, đến cái ngày đứa con nhỏ lọt lòng... Ôi! Mai sau thân nàng chửa biết còn điêu đứng đến đâu!

Bơ vơ trên đời không ai thân thích, tiền bạc cũng không, biết bao người đàn bà khốn nạn phải sống trong cảnh khốn cùng với đứa con thơ. Rồi một hôm con ốm không có tiền mua thuốc, người mẹ đành phải bán thân cho người vì lòng thương con quá nặng...

Cảnh đời trụy lạc ấy thoáng qua trí não khiến Chi rùng mình.

Bùi ngùi, nàng nghĩ đến mẹ, đến em rồi ứa hai hàng lệ...

Đang lúc băn khoăn lo lắng, Chi bỗng thấy một cô bạn học ngày xưa đi lại. Nàng thở dài tự nhỉ: "Chị này chẳng biết có lòng tốt chứa ta không? Thôi, ta cũng đành liều".

Khi người bạn đã đến gần, nàng cất tiếng hỏi trước:

- Kìa chị Yến.

Cô bạn ngơ ngác nhìn.

- Chị quên tôi rồi à?

Yến vẫn ngơ ngác:

- Vâng, tôi chẳng nhớ ra ai.

- Chi đây mà.

Nghe tiếng xưng tên, Yến bỗng reo lên:

- Ô kìa chị "Hoa khôi". Sao bây giờ chị khác hẳn đi thế. Lâu nay mới lại gặp nhau, chị vào chơi nhà tôi nhé!

Hai chữ "Hoa khôi" bỗng nhắc Chi nhớ lại những kỷ niệm ngây thơ ngày còn theo học ở trường con gái B. N. Vì khi đó nàng đẹp nhất trường, nên chị em bạn học vẫn tặng cho cái biệt hiệu ấy.

Yến hỏi:

- Bây giờ chị ở đâu?

- Hưng Yên.

- Chị lên đây chơi à? Thế tối nay chị ngủ nhà tôi nhé?

Chi thẫn thờ đáp:

- Vâng, cả tối mai, tối ngày kia nữa, được không chị?

Thấy Yến ngơ ngác nhìn, nàng nói tiếp:

- Nghĩa là tôi không thể trở về nhà được nữa. Chị có bằng lòng cho tôi ở trọ cho đến khi...

Yến (thẫn thờ) ngắm bạn một lúc rồi bỗng chợt hiểu. Nàng thở dài bảo bạn:

- Được, chị về với tôi. Nhà tôi ở Niềm Thắng.

Hai chị em lặng lẽ đi bên nhau, thỉnh thoảng mới hỏi một câu vơ vẩn. Đến Vọng Cung, Yến đi trước, dắt bạn qua những khúc đường nhỏ hẹp. Một lúc đã tới nhà.

Thấy vườn tược tươi tốt, Chi ngắm nghía quanh quẩn một lúc rồi khen:

- Đẹp nhỉ! Chị ở đây chắc tĩnh mịch, hẳn không có sự gì khó chịu nữa.

Yến cười:

- ở chỗ này tu được.

- Nhưng chị có thể cho tôi...

- Được, chị không lo. Khổ! Chị có thể nói... cho tôi nghe được không?

Chi ngần ngừ một lúc, rồi cất tiếng buồn rầu thuật lại chuyện thương tâm của mình cho bạn nghe. Lúc nói đến sự tàn tệ của Tú, nàng ứa nước mắt khóc.

Yến cũng ngậm ngùi:

- Thực, sinh ra con gái cũng khổ! Sao ở đời lại có hạng đàn ông hèn mạt như thế. Nhưng thôi, sự đã rồi, chị cũng đừng nghĩ gì nữa. Thà coi nó là đứa khốn nạn không đáng để chị bận lòng.

Nói đoạn, Yến vào trong nhà lấy thau và khăn mặt mang ra cạnh bể ở trước sân. Múc nước xong nàng mời Chi rửa mặt.

Thấy bạn ân cần săn sóc đến mình, Chi tự lấy làm hổ thẹn. Vì khi xưa lúc còn đi học, thấy Yến mập mạp to lớn, nàng vẫn cho là người tục tằn thô bỉ nên có ý khinh, ai ngờ người mà nàng đã tặng cho cái tên "du côn" cay độc lại có tấm lòng quý hóa như vậy.

Rửa mặt xong, Yến mời bạn vào trong nhà. Ngắm gian buồng sạch sẽ với bộ ghế tối tân, Chi đoán là còn người đàn ông nữa nên sượng sùng hỏi:

- Yến ở đây với ai thế?

- Anh Tuấn.

Chi sửng sốt!

- Thế à? Anh ấy thường vẫn đến chơi với me tôi. Ra chị là em anh Tuấn mà tôi không biết.

Nói xong Chi mỉm cười, vì nàng lại nhớ đến thói nghịch tinh của mình, khi còn là cô học trò nhí nhảnh.

- Đời học trò thực đáng tức cười, chị nhỉ! Ngày chúng ta còn học với nhau, tôi với chị thường kình địch nhau luôn thế mà...

Yến mỉm cười nói tiếp:

- Nay lại ngồi thân mật với nhau. Nhưng ngày ấy Chi cũng tệ lắm kia. Chi đẹp... Chi học giỏi, được cô giáo yêu. Tóm lại cái gì Chi cũng hơn Yến nên mới khinh.

Chi cười gượng:

- Chắc bây giờ chị hãy còn giận?

- Chi nhầm! Đời nào lại thế. Chi có thấy Yến giận và ghét ai bao giờ không?

Cảm động vì lời nói âu yếm của bạn, Chi bỗng rầu rầu nét mặt. Yến lại thở dài nói tiếp:

- Cuộc đời biến đổi thực chẳng ra sao. Mới cách có ba năm nay chị đã...

Chi cướp lời:

- Đã già, xấu hơn trước nhiều rồi phải không chị?

Thấy bạn lặng im ra chiều ái ngại, nàng lại ngậm ngùi:

- Bây giờ Chi phải bơ vơ trên đời... Chi mới biết bụng Yến... Yến có tha thứ cho Chi không.

- Chị dạy quá lời. Tôi xin thề với chị rằng ở đây không có sự gì phiền cho chị. Hai anh em tôi ở đây trong "túp lều tranh" (nàng gạch ba chữ túp lều tranh bằng nụ cười) như hai người ở ẩn. Thú lắm chị ạ! Anh Tuấn sẽ coi chị như một người em vì từ ngày anh ấy...

Yến nói đến đây bỗng im bặt như không muốn đem chuyện riêng của anh ra nói với bạn. Nhưng Chi vốn thông minh nên hiểu ngay. Nàng mỉm cười trông ra ngoài vườn.

- Vâng, em xin cám ơn. Nhưng thưa chị, nhà này mà gọi là "túp lều tranh" thì cũng khí quá, vì mái ngói, tường gạch cửa lại có chấn song để phòng kẻ trộm.

Yến vui vẻ giảng nghĩa:

- Đấy là cái tên sáo của các anh ấy đặt ra cho có vẻ mơ màng đấy chứ. Cũng như nhà văn sĩ kiết ở gian nhà lụp sụp mà viết thư cho ai tả những nhà lầu, đệm thêu, chăn gấm. Với lại cứ xem cái giá tiền sáu đồng một tháng cũng đủ sợ cái "lều" của chúng tôi rồi.

Nghe những mẩu chuyện khôi hài của bạn, Chi cũng đoán được tính tình của Tuấn. Cái cảm giác nhẹ nhàng mà Yến vừa gieo vào tâm trí, khiến nàng ao ước cuộc đời khoáng đạt. Còn gì sung sướng hơn là cảnh một anh một em sống trong chiếc nhà cô tịch như anh em Tuấn ăn ở với nhau.

Lúc ấy Yến bỗng nghe tiếng thằng nhỏ gọi ở dưới bếp, nên bỏ bạn ngồi một mình, xuống bếp làm cơm. Chi cũng sực nghĩ đến cha nên vội vàng viết bức thư từ biệt. Xong, mỏi mệt quá nàng ngả lưng xuống chiếc ghế xích đu. Một lúc sau nàng thiu thiu ngủ.

Hai giờ sau Yến đánh thức nàng dậy ăn cơm. Bầng mắt ra trông thấy Tuấn ngồi đọc báo ở phòng ngoài, nàng bẽn lẽn đứng dậy, rồi rón rén đi sang, cố lấy giọng nhiên sẽ chào:

- Ông... Anh còn nhớ tôi không?

Tuấn tươi cười đáp:

- Tôi thì không bao giờ quên cô được. Từ ngày bà giáo mất đến nay tôi vẫn...

Chàng bỗng im bặt. Muốn che sự ngượng nghịu chàng quăng tờ báo xuống, lật đật sang buồng ăn.

Trước Chi còn e lệ dụt dè, nhưng tự biết ở địa vị mình mà do dự thì vô lý nên chỉ một lúc sau câu chuyện của chủ, khách đã có vẻ nồng nàn.

Ăn xong mọi người ngồi yên lặng trước những chén chè sen hơi bốc lên nghi ngút, Tuấn bỗng đứng dậy nhìn Chi se sẽ nói:

- Cô không ngại, chúng tôi là người xa lạ mà cô cho anh em chúng tôi biết chuyện riêng, đáp lại lòng tin của cô, tôi thề xin giữ kín. Từ nay cô cứ ở đây với em tôi. Tôi rất vui lòng.

Chi cúi mặt xuống, ấp úng trả lời:

- Cảm ơn anh...

II

Sau mấy hôm đầu, sự buồn bực ở đâu lại lặng lẽ kéo đến lấn áp tâm hồn Chi.

- Ta có thể nhờ một người đối với ta chỉ là bạn xoàng, một người đàn ông chưa vợ được không?

Chi tự hỏi như thế, trong lòng lại băn khoăn khó chịu. Sau nàng nghĩ: "Không thể được, Ta thế này nào còn có thể lấy ai được nữa. Thân ta ô uế mất rồi. Vậy ta chịu ơn mà không trả được ơn thì chả hóa ra vô sỉ lắm sao."

Nhưng lúc Chi ngỏ ý muốn ra đi lập thân ở một nơi xa lạ, chàng bàn:

- Cô ở đây mà tìm kế sinh nhai cũng được chứ sao? Chả hạn, cô có thể buôn thứ hàng gì đó; tôi sẽ vui lòng giúp cô. Bạn bè đối với nhau, cô cũng chả nên câu nệ, giữ gìn cho lắm!

Yến cũng tán thành ý kiến của anh nên cố nghĩ xem có thứ hàng gì buôn có lãi. Nhưng buôn bán nào phải là nghề dễ kiếm ăn, mà biết buôn thứ hàng gì cho hợp ý mình? Mở hiệu ư? Nàng làm gì có vốn.

Tuấn thấy bạn ngần ngừ, thì đoán là nàng không thuận nên lại bàn cách khác:

- Hay thế này. Cô thạo nghề thêu. Chi bằng làm tạm nghề ấy, tôi sẽ điều đình với ông chủ hiệu tôi quen để lĩnh đồ về làm. Nghề thêu xưa nay vẫn là gia tài của thành Bắc.

Yến can anh:

- Làm nghề ấy vất vả mà chẳng kiếm được là bao.

Nhưng Chi rất ưng lời bàn của Tuấn, vì cái lợi được ẩn trong nhà mà làm việc. Đối với nàng không còn gì khổ hơn là phải phơi mặt ra với công chúng.

Tuy vậy nàng cũng chưa quả quyết vì biết đâu Tuấn làm ơn lại không phải vì lợi, vì ái tình.

Nhưng nếu Chi biết là từ ngày nàng ở đó đến nay. Tuấn đã phải chịu nhiều tiếng xấu thì cũng không nỡ nghi oan cho chàng; hết người hàng xóm cười chê lại đến các bạn đồng sự, các cậu học trò nhạo báng. Song Tuấn chỉ lấy nụ cười ra đối phó.

Thế mà Chi vẫn nghi ngờ cho ân nhân. Hễ nói đến chuyện về đàn ông với bạn là thế nào nàng cũng len vào một câu: giả dối hết, họ nhỏ nhen hơn các sự nhỏ nhen trên đời.

Nhưng nửa tháng qua...

Lòng ngay thẳng của chàng đã thắng hẳn được tính đa nghi của người thiếu phụ... Thế là Chi bắt đầu làm việc.

ở nhà đã sẵn có khung, có chỉ, vải và kiểu mẫu Tuấn lĩnh ở trên hiệu mang về cho, nên nàng chẳng phải bỏ một xu nào làm vốn.

Bức thêu đầu, nàng cậm cụi làm trong năm hôm mới xong. Chiều hôm ấy Tuấn ở trường về thấy Chi đứng tần ngần trước khung thêu thì cảm động đến gần ngắm nghía một lúc, chàng khen:

- Đẹp lắm, cô thêu khéo lắm.

Tuấn nói không ngoa. Bức tranh khóm chuối vờn gió bên bờ ao về lúc hoàng hôn của nhà mỹ thuật đã dịu dàng hoạt động thêm cái tài khéo léo của cô thợ thêu lột được hết tinh thần và màu chỉ óng ánh lại càng thêm lộng lẫy.
Thấy Tuấn khen, Chi bẽn lẽn gượng cười:
- Bây giờ anh lại đi giả hộ em nhé!
Tuấn yên lặng rồi nói:
- Thôi, không trả họ nữa. Bức thêu đẹp như thế này mà vào tay người khác thì phí mất, ta phải giữ làm kỷ niệm chơi.
Khi bức thêu thứ hai đã xong, Tuấn đem lên hiệu trả lại chủ và lĩnh được hai đồng công nhưng chàng nói dối Chi được bốn đồng.
Được lĩnh số tiền kiếm ra lần thứ nhất, Chi cảm động nhìn ân nhân không nói.
Từ đó trở đi, nàng mới được an lòng. Thân thể nàng dần dần bình phục nhưng thấy bụng càng ngày càng to, nàng không sao quên được cái đêm khốn nạn, cái đêm mà Tú đã lừa gạt nàng. Nàng lại mong cho chóng đến ngày sinh nở để được tự do đi tìm Tú mà trả thù xưa.
Ngày nào cũng vậy, ngoài buổi giúp Yến làm cơm thì Chi lại cậm cụi ngồi thêu, chứ không bao giờ ra ngõ. Tuy vậy nàng làm việc rất điều độ vì nàng chỉ mong sao cho được no ấm thì thôi, chứ cũng chẳng mong gì suốt đời theo đuổi cái nghề thêu mướn. Mà giá không nhờ Tuấn lĩnh và trả đồ hộ thì nàng cũng không lấy gì làm vui vì nàng sẽ biết là mỗi ngày chỉ kiếm được độ hai hào hoặc kém hơn: Tuấn bao giờ cũng đưa gấp đôi số tiền công của chủ.
Thực là một cách giúp nhau kín đáo, âu yếm của một cặp tình nhân. Nhưng không, đối với Chi, Tuấn chỉ coi như một người bạn, bạn chơn mà Chi cũng chỉ coi chàng là ân nhân đáng kính, đáng phục mà thôi.
Vì vậy "túp lều tranh" thêm một người đàn bà nữa lại trở nên vui vẻ hơn xưa.
Ngoài công việc hàng ngày, cả ba đều ham đọc sách. Chẳng có tờ báo nào hay mà Tuấn không mua, chẳng có một cuốn sách nào được các nhà phê bình ca tụng là Yến không gửi tiền đặt trước. Cả ba đều là văn sĩ cả, nghĩa là cùng mắc một chứng bệnh: bệnh viết văn. Được cái, viết xong, các nhà văn sĩ chỉ xé đi hoặc để những hôm mưa dầm đem ra ngâm chơi, chứ không có can đảm gửi đăng báo.
Năm 1942
Thế Du
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...