Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Áo tiểu thư 3

Áo tiểu thư 3

9. Điều khiến tôi cụt mất ba phần tư cảm hứng là những bài thơ nặng chất Sang Độc do chính tôi sáng tác và còn giữ lại bản thảo mà tôi lén lút gửi cho tuần báo Đời Người đã không được đăng, dù chỉ được đăng bên cạnh những cái quảng cáo thuốc trĩ, thuốc lỡ, thuốc ngứa... Tôi không thể có triển vọng đi xa trong tương lai chăng? Tuy thế, căn nhà của chúng tôi vẫn ồn ào, tấp nập. Đặng Xuân Côn đã mua cái lục huyền cầm Y Pha Nho. Trừ những giờ đi sang Khánh Hội với phu bến tàu, nó không thèm đi đâu, không thèm yêu ai, chỉ ôm cây đàn vật lộn với cuốn bài tập dầy cộm của Carulli. Nó múa bài số 30 làm tôi phục lăn. Bài này mà lên biểu diển ở đại Hội Văn Nghệ Giải Phóng tỉnh Thái Bình, chắc chắn, lãnh tụ văn nghệ sẽ giới thiệu nồng nhiệt là một bản nhạc cách mạng Hung Gia Lợi lật đổ phong kiến thối nát ! Tôi thường ngồi trên cửa sổ, nhìn sang hảng Boy Landry, ôm đàn nghêu ngao một bản nhạc lãng mạng của Văn An : Tôi nhớ một chiều đơn côi chớm thu. Em đến thăm tôi hoàng hôn khi nắng tàn. Gần nhau đẹp mơ bao duyên dáng. Bên em ngát gió tình thương, mơn man đính ước trầm hương... Bản nhạc rất hay đối với tôi dạo ấy, dù dạo ấy chưa hề xuất hiện những bản nhạc ngợi ca tình yêu đầu đường, xó chợ như dạo này. Nếu ông Văn Anh chịu khó gọt đẽo lời ca thì bản nhạc được xếp vào loại trữ tình trên điễm trung bình. Ông này tả chiều tỉ mỉ quá. Chiều, hoàng hôn, chưa đã. Cần nắng tàn mới diễn tả đủ ý nghĩa của buổi chiều đơn côi. Nhưng mặc kệ. Bản nhạc mình hát lên được tâm sự của mình là tuyệt rồi. Chiều vắng, tình thắm nhớ mãi phút giây bên nhau. Tình tôi đây, người ơi ! Chiều xa lòng ta run trong kiếp sống dưới trăng khuya âm thầm bến sầu.... Tôi nghêu ngao đến nỗi con nhà Vũ Khắc Niệm phải lấy bông đút nút hai lỗ tai.

Nhờ có cây lục huyền cầm Y Pha Nho mà danh tài Y Vân thường ghé chơi. Danh tài của tôi chẳng chịu trổ tài tay đờn miệng ca bản ruột : Ngày trở về anh bước lê, trên quãng đường đê đến bên lũy tre...

nhưu chàng đã trình bày ở bén tàu Sài gòn tiếp đón đồng bào di cư. Lại thêm cả danh tài Luyện tạt vô búng bài số 14 cuốn phương pháp Carulli rồi chọe là bản valse của Strauss. Danh tài Đặng Xuân Côn liền búng bài số 30 át giọng. Danh tài Luyện hơi ngượng. Sau này,chàng học điện và đậu kỷ sư. Xã hội Nhà Hát Tây được hân hạnh đóng góp cho xã hội Việt Nam một chuyên viên điện tử. Tiếng tăm những nước mắm Hoài Hương ( Hà huyền Chi hôm nay ), Đỗ Tiến Đức, Trương Chi... thoát khỏi gác ba Nhà hát Tây, quyến rũ ông phó bô Tăng Ấn. Ông Tăng Ấn là dân Bắc Kỳ cũ. Nguyễn Xuân Nhân đã dẫn dắt ông lại. Thấy chúng tôi đói rách, ông Tăng Ấn nổi máu " thố tử hồ bi ", ông anh dũng thực hiện câu "" nhiễu điều phủ lấy giá gương " về nhà thó hai cái sơ mi, một cái quần kaki mang lại... Ông bảo quần áo của khách đặt may rồi... chê lấy. Tưởng bầu thương bí thật tình, tôi dở ra coi. Than ôi, bầu đã xỏ lá kềnh bí ! Áo sơ mi sờn cổ, rộng thùng thình và sặc mùi hôi nách. Quần thì tôi bơi hai chân trong hai ống ! Tôi vội biểu diễn màn lau nhà bằng tặng phẩm " viện trợ " của người đồng hương tôi trước mặt ông ta.

Ông Tăng Ấn sau này trở thành thi sĩ. Khi tôi dời Nhà Hát Tây tới sống bệ rạc trong con ngõ hẽm đường Hai Mươi, đối diện với nhà bà nội " hiện tượng " Khánh Ly và ca sĩ Ngọc Anh, ông ta vẫn bám lấy tôi để thụ huấn nghề thơ Sang Độc. Mỗi tuần, vào thứ năm, ông mầm non phó bô đúng hẹn, đem tiền của cụ via phát tiền mặt, đến thỉnh tôi ra quán cà phê Gió Nam và bắt tôi thưởng thức những pho thơ của ông sáng tác trên cái máy khâu. Tôi bảo ông ta rằng muốn làm văn nghệ thì phải làm cách mạng ! Như ông ta, muốn làm cách mạng thì phải bỏ nhà ra đi. Ông ta cám cảnh mẹ ghẻ con chồng, sụt sùi một lát. Ông ta không dẫn tôi đi uống cà phê nữa. Tôi nghe tin ông đã cuỗm ít tiền, một mình một xe mobylette, bỏ nhà giang hồ tận tỉnh Phan Rang. Tới làng Nấu Văn, ông đói quá, bán xe, đáp tàu hỏa hồi hương. Ông ta bèn lấy bút hiệu Nấu Văn ký tên cho hai, ba thi phẩm chống lại khuynh hướng Sang Độc. Tự đó, đời coi ông là thi sĩ Nấu Văn vậy.

Danh tài Nhà Hát Tây còn nhiều, kể mãi không hết. Mỗi danh tài là một... truyện dài đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố. Tôi tưởng chỉ nên nói về những " quái kiệt " trong "căn nhà " của tôi. Trước tiên là Nguyễn Xuân Nhân. Nó chiêm ngưỡng tôi khiếp quá nên tôi tạm nguôi ngoai nỗi buồn... Sang Độc. Tôi đã truyền cho nó cái nghệ thuật tán gái vì nó tưởng tôi đủ thẩm quyền dạy nó. Nhân lầm lẩn. Nhân mù quáng. Bởi thèm yêu. Chứ, làm gì có nghệ thuật hay kỹ thuật tán gái. Nếu tôi nói thật với Nhân rằng, ngay cả tôi đây, dù đã anh dũng có tí người yêu, vẫn chưa hiểu rõ tình yêu, vẫn chưa dám nói với người yêu, nó sẽ thở dài ngao ngán. Và, như thế, tôi không thể nhờ nó rửa bát, lau sàn nhà, mua chịu hột vịt lộn để ngồi trên cửa sổ, ôm đàn ca hát ngất ngây.

- " Ông " ạ...

Nhân nói. Tôi hỏi:

- Cái gì ?

Nó khoe :

- Tôi mới "chấm" được một em xinh như mộng.

- Mày có nói phét không thế ?

- Em xinh như mộng mà. Tôi gặp may, " ông "ơi !

Nhân kể cho tôi nghe trang đầu tình sử của nó. Chiều qua, nó thẽo một em. Trái với thường lệ, nó mượn chiếc xe đạp của Đặng Xuân Côn, dựa dưới gốc cây. Chờ tan học, nó đạp theo em gái trường Trưng Vương mà nó bảo xinh như mộng. Trên đường về nhà, xe đạp của em gái bị tuột xích. Em cố đạp nên xích nó kẹt ớ cái " ru líp ". Em bèn xuống xe. Nguyễn Xuân Nhân nổi máu hiệp sĩ. Nó cũng xuống xe, vất xe ngã rạp bên lề và nhào tới, xăn tay áo. Cứu nguy cái xích đen thui dầu mở. Làm xong công việc hào hùng đó, Nguyễn Xuân Nhân rút khăn lau tay. Và người đẹp xinh như mộng của nó lên xe đạp vội.

- Em cám ơn mày chứ ?

- Không.

- Em nhìn mày cười chứ ?

- Không.

- Mày có hỏi tên em là gì, học lớp mấy không?

- Không.

- Vậy mày làm gì ?

- Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn tà áo em trắng và chân em đạp xe.

- Mày ngu quá, mày đã làm vuột một cơ hội bằng vàng.

- " Ông " nói sao ?

- Đáng lẽ mày phải chùi tay vào áo của mày, rồi cúi đầu thật thấp, tự giới thiệu : " Thưa cô nương, tôi là Nguyễn Xuân Nhân, một thi sĩ trong thi nhóm Sang Độc, chiều nay tôi đi tìm ý thơ...,

- Nàng cười hô hố thì vỡ nợ.

- Nàng im lặng. Mày phải biết, một trăm con gái vừa lớn là một trăm nàng yêu thơ, ái mộ thi sĩ.

- Nàng im lặng tôi biết nói chi ?

- Mày chỉ vào áo mày, kiêu hãnh nói: " Thưa cô nương, bài thơ do chính tay tôi sáng tác ngay tại chỗ là bài thơ.... trừu tượng mang ý nghĩa dấu vết kỹ niệm. Tôi viết thơ trừu tượng bằng dầu ở cái xích xe của cô nương ". Sau đó, mày lại lững thững đạp xe thẽo em xem nhà em ở số mấy, đường nào.

Nhân thộn mặt ra :

- Tôi ngu quá. Tôi ngu quá. Chiều nay tôi sẽ theo em, " ông " đi yểm trợ tinh thần tôi nhé ?

Tôi lắc đầu :

- Chiều nay tao bận hẹn hò với người yêu của tao. Mày phải tự lực cánh sinh.

Lại một chiều vàng của cậu trai vừa lớn Ngiuễn Xuân Nhân. Buổi chiều vàng ấy xẩy ra như thế nào, tôi không biết. Nhưng chập tối ? Nguyễn Xuân Nhân trở về, mặt tái mét. Nó vẫy tay kêu tôi xuống dưới nhà, rủ tôi tới công viên đối diện hãng Boy Landry than thở :

- " Ông " hại tôi rồi !

Tôi ngạc nhiên :

- Sao ?

- Xuýt tôi bị ăn đòn.

- Nàng là nữ đô vật à ?

- Không.

- Thế ai định đánh mày ?

- Anh nàng ! Tôi theo nàng đúng sách vở " ông " dạy. Vừa tới đầu phố nhà nàng thì có ba thằng, to con lắm, xông ra chận xe tôi.

- Rồi sao ?

- Một thằng túm áo tôi, giận dữ hỏi: " Mày gửi thư tình cho em gái tao, hả ?"

Tôi chối dài vì tôi đâu đã bước sang giai đoạn đó. Nó bắt tôi cho coi thẻ học sinh rồi bắt tôi viết thử chữ để nó so sánh. Cuối cùng, nó hỏi tôi " Mày theo em gái tao, hả?" Tôi lại chối dài. Bọn nó cấm tôi qua phố đó. " Ông " ơi, tôi run quá.

Tôi nói:

- Chúng nó hiểu lầm chứ tao hại mày cái khổ nào !

Và cười :

- Nàng phản ứng ra sao?

Nhân thở dài:

- Trái tim tôi đập loạn, tôi không nhìn thấy nàng.

Tôi an ủi Nhân;

- Tình yêu đầy chông gai, mày ạ ! Yêu khó lắm không dễ như mày tưởng. Ăn thua ở nàng cả. Nàng không tố cáo mày sửa xích xe giùm nàng tức là nàng đã... cảm mày rồi. Đêm nay, nàng sẽ thức trắng đêm thương hại mày.

Đôi mắt đang ủ ê, bỗng sáng rực, Nhân chộp lấy tay tôi:

- Thật hả, "ông"?

Tôi quả quyết:

- Thật. Nhưng mày cần học làm thơ. Mày lên rửa giúp tao chậu bát đĩa dơ đi, đêm nay tao dạy mày sáng tác thơ Sang Độc.

Nhân dặn tôi:

- "Ông" giữ kín vụ này nhé!

Tôi đã vỡ lòng yêu cho Nhân. Bây giờ, đến lượt dạy "quái kiệt" Quỳnh tập đánh vần yêu. Thằng này chỉ yêu cầu tôi viết giùm một bức thư tình mẫu. Người ta đã xuất bản những cuốn sách dạy viết thư xin việc làm, thư mua bán, thư cám ơn chủ tăng lương, thư ngoại giao và cả thư tình của các vĩ nhân. Nhưng chưa hề có thấy một cuốn sách dạy viết thư tình. Đó là sự thiếu sót lớn lao cho tình yêu ở đất nước này. Nghĩ thế, không cần bắt bí Quỳnh, sai khiến nó mang ly đến tận chợ Bến Thành mua đậu đỏ bánh lọc về cho tôi thưởng thức, tôi đã viết một bức thư tình mẫu duy nhất trong cuộc đời tôi. Bức thư như vầy:

Sàigòn ngày... tháng... năm 19...

Em...

Em đừng lăn kềnh ra chết sau khi đọc xong bức thư này. Nếu em lăn kềnh ra chết, loài vật sẽ chết theo, cây cối sẽ chết theo, trời đất sẽ sụp đổ và anh, anh cũng sẽ chết theo. Bởi vì, em yêu dấu, em mà lăn kềnh ra chết, cuộc đời sẽ chỉ còn hoàng hôn buồn tẻ. Thơ anh sẽ chẳng biết ca ngợi ai. Em chưa biết anh là thi sĩ trong nhóm Sang Độc à ? Thơ là gì? Đó là tinh hoa của văn chương dùng để ca ngợi tình yêu của loài người, của anh và của em. Loài người, cần phải yêu nhau. Nên Chúa mới dạy : Các con hãy yêu nhau. Nên Victor Hugo mới nói: L'homme sans d'amour comme la terre sans soleil. Nên mới có bài hát : Yêu nhau đi chiều hôm tới rồi. Nên Xuân Diệu mới giục giã. Mau đi chứ, vội vàng lên với chứ. Em, em ơi, tình non sắp già rồi. Vân, vân, vân và vân vân.

Em có đôi mắt tuyệt đẹp để anh ca: Đôi mắt huyền ơi, hay chăng tôi yêu mê say nồng nàn. Em có đôi môi mộng chín để anh ngâm: Môi em là một rừng nho, Với tay anh hái hôn cho đã đời. Như thế, em không lăn kềnh ra chết được, Em cũng đừng dại dột xé nát bức thư này sau khi đọc xong. Bởi vì, thư tình là thông điệp của tình ái mà thượng đế bắt anh soạn thảo. Xé nát thư tình, em sẽ bị xuông địa ngục, sẽ ra tòa án Diêm Vương rồi nằm trên bàn chông, rồi leo cầu vòng, xẩy chân ngã là chó ngao sẽ ăn thịt em. Vậy đọc xong bức thư này, em phải ướp nước hoa và tưởng tượng anh, một thi sĩ trong bút nhóm Sang Độc, một kẽ thèm yêu nhưng nhút nhát, anh, một người bộ hành phiêu lãng, đường trần gian xuôi ngược để vui chơi và để yêu em.

Em đừng hỏi tại sao anh yêu em. Tình yêu khó giải nghiã vô cùng. Anh không tài nào diễn tả tình yêu bằng thơ Sang Độc của anh được. Em chỉ hiểu có một lãng tử tài hoa dám nhịn khát, dám cuộc bộ cả đời vì tình yêu. Một kẽ yêu nặng nề và đắm đuối dường ấy mà em thờ ơ, lãnh đạm thì em không mơ mộng tí ti nào. Nếu em rung động, em biết yêu và muốn được yêu, chiều mai, anh sẽ ngồi ở Bùng Binh chợ Bến Thành, hút thuốc lá Ruby Queen, ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần đợi em. Em phải đến đây nhé !

Xin Thượng Đế ban phước lành cho em.

ANH

Tôi giữ lại bản thảo bức thư tình độc nhất vô vị này, chép cho Quỳnh một bản. Đọc xong, nó hả hê. Và công việc của nó là chiêm ngưỡng :

- " Ông " viết hay hơn... Lê Văn Trương !

Tôi cười :

- Đừng bơm tao căng quá, mày.

Tôi khuyên nhủ môn đệ :

- Thư này dùng đến muôn đời. Chỉ cần điền ngày, tháng, năm và tên người mà mày muốn yêu. Mày phải coi như bùa yêu ấy. Để đứa nào chép là mày hốc sực.

- Tôi giữ kín. Nhưng có cần ngồi ở Bùng Binh không?

- Tùy mày. Nếu thích Vườn Lài, mày hẹn em ở Vườn Lài.

- Chắc ăn chứ ?

- Chắc.

Quỳnh đã được bơm cả kí lô hơi hy vọng vào tim phổi. Hy vọng bốc thành mây án ngữ trước tầm mắt nó. Cứ nhìn thấy mây hy vọng là người ta có quyền tin rằng mình đang yêu và sẽ được yêu. Quỳnh hí hửng giấu biến lá thư tình mẫu.

Tôi nghĩ là nó phải khai thác lá thư tình mẫu này kỹ lưỡng. Ít nhất cũng cả hai mươi tư người con gái lần lượt nằm sau tiếng em ở dòng thứ nhì của lá thư. Quỳnh áp dụng ra sao, tôi không biết. Nhưng Nguyễn Xuân Nhân gạ gẫm tôi viết giùm lá tình mẫu. Tôi chỉ có hai môn đệ tình ái. Tryuền vỏ công cho đứa này thì phải truyền võ công cho đứa kia. Và tôi bèn sao y bản thảo, tặng Nhân lá thư tình mẫu. Tôi dặn nó như đã dặn Quỳnh.

Hai hôm sau, trong khi tôi đang ôm đàn nghêu ngao bản Tình thắm của ông nhạc sĩ Văn An, diển tả cái sự nhớ một chiều đơn côi chớm thu, em đến thăm anh hoàng hôn nắng tàn thì bà hàng quýt đập cửa lộp bộp ( chú ý : Tường và cửa đều làm bằng giấy dầu ) bước vô, giậm chân đành đạch. Tôi tưởng bà đòi nợ, nói ngay :

- Mới trả sáng nay rồi !

Bà hàng quýt có cô con gái nhan sắc dưới điểm trung bình, hét toáng :

- Không phải chuyện nợ. Chuyện này cơ !

Bà vất vào mặt tôi bức thư :

- Cậu nào trên này dụ dỗ con gái tôi? Có hai mẹ con di cư, cậu ấy định quyến rũ con tôi thì tôi biết sống với ai.

Và bà hàng quýt khóc. Tôi cầm bức thư đọc lướt. Đó là "tác phẩm " của tôi, dưới ký tên Thạch Sanh là thi sĩ Sang Độc Lê Như Quỳnh hay Nguyễn Xuân Nhân ? Rất may, chàng không ký tên cúng cơm của chàng. Tôi đứng lên, trịnh trọng :

- Thưa bà hàng quýt, bà đã đọc tờ giấy này chưa ?

Bà hàng quýt đáp :

- Tôi đâu biết chữ. Lục ở cạp quần con nhỏ, tôi thấy nó giấu kỹ cái của khỉ đó. Hạch hỏi nó, nó bảo của cậu gì trên này rủ nó tối nay ra Bùng Binh chợ Bến Thành.

Tôi cười :

- Trên này không có ai Thạch Sanh. Thạch Sanh đang bị Lý Thông nhốt dưới hang. Thưa bà hàng quýt, con gái bà nói dối bà đó. Đây là một tờ giấy nói về ngày rằm tháng bảy sang năm, mặt trời vỡ tan, quái vật xuất hiện ăn thịt mọi người. Ai không muốn bị quái vật ăn thịt phải chép giấy này thành mười bản gửi cho người khác, phải nói dối là thư hẹn hò và phải giấu ỡ cạp quần.

Bà hàng quýt có máu dị đoan, tin liền Bà cám ơn tôi rồi xin lỗi rối rít. Lại hứa bán chịu quýt lu bù. Chờ Quỳng về, tôi hỏi nó:

- Mày gửi thư tình cho con gái bà hàng quýt, hả? Mày thuê ai đánh máy thế ?

Quỳnh chối phắt :

- Tôi điên hay sao mà tán quỷ dạ xoa ?

Tôi bắt nọn :

- May mà mày ký bút hiệu Thạch Sanh đó. Mẹ nó lên đây đòi xé xáx mày.

Quỳnh thở phào :

- Hú vía !

Tôi nói :

- Đừng hòng giấu tao. Tại sao mày tán con gái bà hàng quýt ?

Nó thú tội :

- Tôi thí nghiệm mà, " ông ".

- Kết quả ra sao ?

- Tự nhiên nó tặng tôi ba trái quýt đường. Nó nhìn tôi say đắm. Thư tình của ông mầu nhiệm thật. Tôi gửi luôn em bán mực nướng, nó cũng " ca đô " tôi hai chú mực Bắc Hải ! Hề hề, mửng này tôi sẽ gửi cho vài em bán thuốc lá, vài em bán kẹo, vài em bán nước mía là quà vặt tối ngày. Tôi tin chắc các em Trưng Vương sẽ yêu tôi. Tôi sẽ hách như ông.

Nghe Qùynh bày tõ niềm hân hoan, tôi sung sướng khôn tả. Tôi bèn tin tưởng ở khuynh hướng Sang Độc của tôi. Thơ văn Sang Độc đã chinh phục được quýt và mực nướng. Trong tương lai, nó sẽ chinh phục được lòng lợn. Và đó là văn nghệ dấn thân, văn nghệ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp công nông, văn nghệ vị nhân sinh. Con đường văn nghệ của tôi rực rỡ vô cùng. Có vẽ văn nghệ hiện thực xã hội nữa đấy nhé ! Tôi vững tin ở sứ mạng văn nghệ phục vụ các em bán quýt, bán mực nướng. Tôi cứ đi lên, đi xa...

10

Bây giờ, căn nhà nghệ sĩ đón nhận thêm một gã tình si tên là Đỗ trọng Thuỷ, quý tử của ông Đỗ Trọng Quỳnh tức ký giã danh tiếng Hiền Nhân, người giữ mục Tiếng Vang của nhật báo Tia Sáng, nhật báo uy tín nhất Hà Nội do ông Ngô Vân làm chủ nhiệm. Đỗ Trọng Thủy cũng khăn gối quả mướp noi gương phiêu lưu của con dế mèn. Chàng vô Sài gòn một mình, bỏ gia đình thân yêu ở lại và bỏ luôn, cả tương lai sang Nga Xô Viết du học vì ông bô chàng rất được nhà nước Hà Nội trọng dụng, đôn lên hàng chủ nhiệm và gửi qua Nga, qua Tiệp, qua Hung " thăm dân xã hội chũ nghĩa cho biết sự tình ". Đỗ Trọng Thũy bỏ tương lai, bỏ ông bô đầu hàng Cộng Sản chỉ vì cô học trò trường Trưng Vương không chịu để hoa môi nở giữa mùa ô trọc. Cô sợ phai cả màu trinh lẩn ý trinh nên cô di cư vào Nam. Và Đỗ trọng Thũy bỏ nhà ra đi không phải vì tinh thần chống cộng nặng như cối đá của một triệu đồng bào miền Bắc. Mà chỉ vì cô học trò Trưng Vương tên là Hòa. Đỗ Trọng Thũy là một.... thần đồng yêu đương. Mười bốn tuổi nó đã biết leo cổng trường Chu văn An, tìm đến cổng trường Trưng Vương đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư. Ba lần bị đuổi khỏi Chu Văn An và một lần khỏi Nguyễn Trải, ông Hiền Nhân đành để mặc đứa con lêu lỏng với tình yêu. Nếu em Hoà đã biết nó yêu mình và em mượn thơ Nguyễn Bính :

Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em.

Thì nó vẫn leo đồi, lội suối, băng rừng. Nó dám đi xa từ Hà Nội vô Sàigòn để yêu em Hòa cơ mà. Tôi phục nó vô cùng. Đỗ Trọng Thũy tới đây, thơ Sang Độc của tôi bổng sáng giá. Nó ôm đàn khẩy từng tưng và ngâm thơ của tôi sau khi đã dài cổ gửi tâm sự của mình vào thơ Lưu Trọng Lư :

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương vấn nợ thi nhân.

Vũ Khắc Niệm thấy chúng tôi yêu ghê quá đâm ra sốt ruột. Chiều chiều, nó thường quần áo chỉnh tề xuống phố. Nó bảo đi tới nhà người yêu. Thực sự, cu cậu tới nhà người quen xem ông anh Vũ văn Tâm ở Nha Trang đã gửi mandat vào chưa. Vũ Khắc Niệm giống hệt thi sĩ Tế Hanh : Anh là kẻ si mê nhưng nhúc nhát. Đụng độ người yêu của tôi nó cũng đỏ bừng đôi tai. à, tôi cần nhắc nhở người yêu xóm Vẹc của tôi. Nàng bắt tôi làm thơ thương nhớ quê hương và hận sầu dòng sông Bến Hải. Nàng bắt tôi viết tùy bút, truyện ngắn tương tư Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Tôi hì hục thương nhớ quê hương. Văn nghệ Việt Nam hậu chiến phong phú nhờ tình lưu luyến quê hương. Hồi chưa có Hội Nghị Genève, thơ, văn, nhạc dậy mùi ly hương và hẹn về xây dựng lại quê hương đổ nát cùng nối chút duyên xưa với người em gái bé nhỏ. Riêng giòng sông Bến Hải thì không những là nạn Nhân của những pho thơ, biển nhạc. Quý vị nhạc sĩ, thi sĩ đòi lấp sông Bến Hải thật ồn ào, tưởng chừng dòng sông bị lấp đến nơi rồi. Tiếp theo đó, quê hương miền Nam thanh bình, dựng một mùa hoa ! Rồi anh ơi, về đi, về đáp theo tiếng gọi chiêu hồi. Cuối cùng, nền văn nghệ Sang Độc hôm nay rạng rỡ nhờ nhạc ngợi ca ái tình đầu đường, xó chợ sau thời gian ca ngợi đời lính chiến phiêu bạt.

Tôi là một nhà văn nghệ có công đóng góp khá nhiều thơ văn thương nhớ quê hương cho người yêu. Đây là áng thơ vĩ đại :

Thái bình ơi !
Sau cơn khói lửa tơi bời
Gia đình tan nát bao người ra đi
Ai buồn giây phút chia ly
Quê hương gắng đôi người đi dẽ về
Ta về ăn bánh đa kê
Chiều chiều chạy nhãy bờ đê thả diều
Mắt em viền vải tây điều
Anh về giải phóng tình yêu tuyệt vời
Hạ hơi hơi, hạ hời hời
Bún riêu bún ốc một đời tương tư.

Nàng khen nhặng xì ngầu. Rất tiếc, bấy giờ chưa xuất hiện thi tài cỡ lớn để nàng so sánh. Giá thi bá Trần Đồng Vọng đã nổi danh với huynh hướng Lông Quặm " đít - dzê rô " ! Chiều hôm qua, hai chúng tôi hẹn hò nhau ở cổng trường. Nàng có hai giờ đầu "pẹc ma năng ". Cơm trưa xong, tôi vội băng mình đi trong nắng, vào vườn Bờ Rô, kiếm cái ghế đá nằm chờ.

Buổi chiều ở vườn Bờ Rô thật yên tĩnh. Tôi có thể nghe được những tiếng gào thét của loài ve sầu đòi quyền sống quá mùa hạ. Ve sầu là nhạc sĩ phản chiến, toàn hát điệu buồn. Quý vị ấy sinh ra đời thật vất vả. Leo lên ccây cành thì phải trả một giá rất đắt cho mộng làm người. Và chỉ được sống hết mùa hạ. Ve sầu ở vườn Bờ Rô không muốn chết tập thể khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc. quý vị ấy thèm sống lâu. Bởi vậy, bất cứ lúc nào, vườn Bờ Rô cũng có tiếng kêu của ve sầu. Ấy là những anh chị ve sầu phản kháng luật của Thượng Đế, đòi sống muôn, thuở, đòi gieo nhạc buồn đủ bồn mùa Xuân, hạ, thu, đông. Và lý do đáng khâm phục nhất, chắc chắn là đòi sống để... yêu ! Ve sầu đã anh dũng chịu đựng sự đàn áp của Thượng Đế chỉ vì thèm sống để yêu. Tôi cũng noi gương ve sầu, giữa trưa mùa nắng, nằm trên ghế gỗ công viên, làm công việc phục vụ tình yêu. Đáng lẽ tôi phải trở thành thi sĩ khều mặt trời tức là những thi sĩ ngợi ca đại lộ, cột đèn, cửa sổ, xe tăng, mũ sắtn, đạn đồng để có những bài thơ vô trật tự, dòng đầu hai chữ, dòng nhì bảy chữ, dòng ba mười chín chữ, dòng tư một chữ y hệt hàm răng giễu cợt nha sĩ. Nhưng tôi lại trở thành thi sĩ ngả nặng khuynh hướng Sang Độc. Tôi đã nghiêng sang về khuynh hướng Khều Mặt Trời, nhưng thất bại.

Viết hàng ngàn danh từ trenhư vô thức, tâm thức, hình nhi thượng, hình nhi hạ, bản thể, bản ngã, thùy triều, cảm mạo, thương hàn, dịch hạch, phi lý... ra từng mẫu giấy nhỏ, bỏ vào cái lọ. Hễ thi hứng dào dạt, mở nút lọ xóc lia lịa. Mỗi mẫu giấy văng ra là một câu thơ. Hoặc năm bảy mẫu giấy văng ra một lượt cũng là một câu thơ. Tôi không thể thàng công. Đành đeo đuổi khuynh hướng Sang Độc vậy.

Tôi cứ nằm trên ghế gỗ công viên. Mắt mở ccang để khỏi bị ma quỷ quyến rũ. Thời giờ chờ đợi sao mà lâu thế ! Thuở chờ đợi, thời gian, ôi rét mướt. Cáu quá, tôi ngồi nhỏm dậy, lôi sổ tay, rút bút Bic, sáng tác một bài thơ Sang Độc :

Trưa nay anh đến vườn Bờ Rô
Ghế gỗ anh nằm giống cá rô
Trên thớt đang chờ dao đánh vẫy
Nhớ em như nhớ nước trong hồ

Em ạ, ve sầu nó cứ kêu
Ve ve không rõ chỉ eo eo
Nó cười chề giễu anh ngu xuẫn
Nó bảo anh rằng chưa biết yêu

Anh bèn chửi nó; Bố nhà anh
Tôi đã di cư mỗi một mình
Bố mẹ tôi coi như đã tịch
Vì em đấy nhé, mắt em xanh

Ve vội vàng khuyên anh một lời
Yêu là khốn khổ đấy ông ơi
Tôi đây gặp kiến vay cơm gạo
Nó mắng tôi đau đớn quá trời

Anh nói yêu là viễn du
Mặc dù ăn chịu quýt lu bù
Quýt làm ngọt lịm tình yêu đó
Bụng đói nhưng hồn no mộng mơ

Ve phục anh ngay tặng món quà
Chàng và nàng hắng giọng song ca
Cứ như Ngọc Cẩm và Hữu Thiết
Ghế gỗ anh nằm bỗng nở hoa.

( Làm trên ghế gỗ vườn Bờ Rô, cảm hứng dào dạt đến nỗi muỗi đốt ngứa đã đời mà không thèm gãi. Buổi trưa nắng hiền, gió ngoan ).

TRƯƠNG CHI
( Đoàn trưởng thi nhóm Sang độc )

Hai ca sĩ uyên ương ve sầu hát tặng bài gì, tôi tưởng không cần viết tên. Có thể là Sang Ngang 1, Sang ngang 2, hoặc Tương tư 1, Tương Tư 2, Tương Tư 3 hoặc Thất Tình nhất, Thất Tình Nhị, Thất Tình tam; Thất tình tứ, Thất tình ngũ, Thất tình lục... Cũng có thể là Không, Đừng, Vâng, vân vân. Tôi đọc lại bài thơ bảy lần. Mỗi lần tìm thấy một sự hay ho, nghĩa lý. Nhưng tôi hơi giả dối ở cái câu Làm trên ghế gỗ... Sống ở Nhà Hát Tây khan hiếm nước tắm gội, tôi đã bị vài mụn ghẻ ruồi; vừa làm thơ vừa gãi soàn soạt mà tôi dám nói láo là cảm hứng dào dạt đến nổi muỗi đốt ngứa đã đời mà không thèm gãi thì rất phiền cho văn học sử sau này. Văn học sử căn cứ vào câu trên, đi tìm không gian, thời gian và tâm sự của thi sĩ sẽ viết vung là " thi sĩ Trương Chi yêu si mê đến cái độ nhớ người yêu quên cả muỗi hút máu mình, quên cả đưa ngón tay chấm nước miếng quệt vào chỗ muỗi đốt và quên luôn cả gãi, Trương Chi đích thị là nhà thơ yêu nặng nhất thời đại chúng ta " ! Hầu hết các thi sĩ đều thích nói phét. Sáng tác bài thơ dưới ngọn đèn dầu tù mù trên căn gác đứng lên là đụng đầu vào trần mà cứ bảo sáng tác ở gác nghênh phong hay dưới mái trăng non !

Tôi thủ bài thơ Sang Độc " sáng tác tại chỗ " vô túi, hiên ngang cuốc bộ tới cổng trường. Tôi lại tìm gốc cây quen thuộc. Đời thi sĩ vốn đói rách. Thơ lúc nào cũng sẳn mà thuốc lá Ruby Queen thì luôn luôn thiếu. Có vài điếu đốt cho bài thơ mới nhất. Bây giờ, huýt sáo gió bản Tình nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn đợi người yêu. Huýt chán chê lại lẩm bẩm hát, tới câu : Pháo nao nhuộm đường thấu chăng tình anh thì nàng xuất hiện. Không phải nàng. Chị Phượng. Nàng đã dặn chị Phượng tôi thường " ăn cơm tháng " ở gốc cây nào. Chị Phượng thộp được tôi ngay...

Tôi hơi hơi thất vọng. Y hệt ông nhóc chơi " năm mười " bị " xí ". Tôi dời gốc cây. Mỉm cười rất lãng tử chiều tà bụng đói.

- Em đây.

Và ngớ ngẩn hỏi:

-Ngọc đâu ?

Chị Phượng đáp :

- Con Ngọc bị cúm !

Tôi thẩn thờ. Nếu vào ban đêm, tôi đã nhìn lên trời, hát câu nhạc Mỹ phổ thông :

The moon is high

The sky is bleu

I am here

Where are you

Trời xanh

Trăng cao

Mình anh nơi đây

Còn nàng nơi nao.

Nhưng lúc này trời nắng chang chang. Tôi đành hỏi:

- Nàng uống thuốc gì ?

- Aspérine.

- Tại sao nàng không nhai vài chục củ tỏi ?

- Trương Chi nói nhảm !

- Tỏi chữa bệnh cúm thần sầu vô cùng. Hồi em ở quê nhà, hễ mùa đông là y rằng gà bị cúm, mào đang đỏ bỗng tái ngoét. Giã tỏi nhét vô cái diều của nó, nó khỏi liền, gáy te te, kêu cục tác inh ỏi...

- Trương Chi cứ thích khôi hài.

Tôi vò đầu :

- Nàng cúm hôm kia có phải đỡ tủi cho em không ?

Tôi phân trần :

- Ăn cơm xong chưa kịp xỉa răng, em đã vội chạy tới vườn Bờ Rô xí ghế. Em chống trả giặc ngủ mãnh liệt, làm bài thơ bất hủ để chờ tặng Ngọc thì Ngọc lại cúm. Nàng cúm hoài, có lẽ, em sẽ... đi xa !

Cái đòn của tôi là đòn " đi xa ". Hễ tôi dọa " đi xa " thì chị Phượng liền ngăn cản tôi chí tình.

- Trương Chi !

- Dạ.

- Đừng đi xa. Mai mốt con Ngọc hết cúm, sẽ lên thăm cậu.

- Nhưng tối nay...

- Sao ?

- Chúng nó cười em thối mũi. Em bảo chúng nó là em và Ngọc sẽ ra bờ sông thủ thỉ chuyện yêu. Nàng cho em ăn thịt thỏ

- Nó cúm.

- Vâng, nàng cúm. Em biết đi đâu bây giờ ?

- Cậu đi xi nê nhé !

- Thi sĩ đói rách như em, tiền mua giấy chép thơ còn không có, tiền đâu vung phí?

- Chị đã nghĩ chuyện đó.

Chị Phượng mở bóp lôi ra một cái phong bì :

- Chị đền cậu đó, Trương Chi.

Tôi giả vờ " phẩn " :

- Em đi sớm về trể vì ái tình cao thượng chứ đâu phải để mong chị... đền !

Chị Phượng nhăn nhó :

- Thôi mà, Trương Chi ,chị coi cậu như em ruột chị nên mới dám đối xữ thân mật. Người nhà rồi, Trương Chi.

Câu nói thơm tho quá. Tôi bèn chìa tay về lẹ, nhét vội vào túi cho đỡ xấu hổ, Rồi hỏi :

- Thưa chị, Ngọc có gửi thư từ cho em không?

Chị lắc đầu :

- Nó cúm nặng.

Tôi chán chường :

- Chắc bút mực cũng cúm.

Và giễu :

- Đôi khi ái tình phải cúm, phải thưởng thức tỏi, chị nhỉ ?

Chị Phượng cười. Nếu sau này tôi trở thành Nguyễn Bính hay Trần Quang Dũng thì hỉnh ảnh của chị, nhất định, bàng bạc trong thơ của tôi. Chúng tôi chia tay nhau. Chờ chị Phượng " tít tắp dặm đường ", tôi mới nhẩy bổ tới gốc cây, móc túi lôi cái phong bì ra coi. Có một ngàn. Một ngàn là giàu rồi. Tôi anh dũng bước. Đến một ngã tư, gọi "chiếc xe nhân dân" tục kêu là xích lô máy trong lực lượng công nông thế giới chở tôi lên Sài gòn rồi tới rạp ci nê Vĩnh lợi coi phim Ấn độ, có khúc phim màu Chà Và nhảy múa.

Rời rạp ci nê Vĩnh Lợi, trời đã bãng lãng bóng hoàng hôn. Tôi lang thang trên vỉa hè Ghé sạp báo coi cọp tuần báo Đời Người. Mắt tôi bỗng sáng lên khi thấy một bài thơ của mình nằm chình ình ở nữa trang báo. Nhưng sáng một tí là vội tối ngay. Bởi vì bài thơ gói ghém nhiều tâm sự, bài thơ đắc ý nhất, bài thơ có nhiều triển vọng đi xa trong tương lai của tôi vẩn nằm bên cạnh cái quảnh cáo thuốc trĩ ! Tệ hại quá xá là ông xếp typo vác cái tít " Ai đau khổ vì bệnh trĩ " đặt trên đầu bài thơ trữ tình của tôi, còn cái tít bài thơ Tình Sầu thì lại trịnh trọng nằm trên cái quảng cáo mười hai thứ trĩ. Thi ca và bịnh trĩ liên hệ mật thiết ghê ! Tôi có cảm tưởng tuần báo Đời Người muốn mời tôi cộng tác mục vui cười. Hoặc họ muốn ví thơ của tôi với bệnh trĩ. Hoặc dùng thơ của tôi để chữa bệnh trĩ. Vậy thì tôi dấn thân nặng. thi ca đã phục vụ... bệnh trĩ. Hay, ít ra, đọc bài thơ mang cái tựa đề Ai đau khổ vì bệnh trĩ, những người đang đau khổ vì bệnh trĩ có thể nở một nụ cười trên khuôn mặt nhăn nhó.

Tôi vội mua hai số Đời Người, rồi cút lẹ. Vào cầu tiêu công cộng, tôi xé bài thơ của tôi, xé luôn cả cái tít Ai đau khổ vì bệnh trĩ. Thế là bài thơ... vô đề. Tôi trở về Nhà Hát Tây sau khi đã ăn hai đĩa cơm sườn nướng ở hẻm Casino. Căn nhà êm ấm của tôi đủ mặt những thằng con trai vừa lớn đang đau khổ vì tình yêu. Quỳnh, Nhân, Thủy ngồi thộn mặt. Nhân danh trưởng thi nhóm Sang Độc và người có trách nhiệm đưa bọn này vào tình sử, tôi yêu cầu từng đưá báo cáo thành quả của một buổi chiều đi tán gái. Đây là báo cáo của Quỳnh kèm theo sự chất vấn :

- Hỏng rồi !

- Tại sao ?

- Tôi tham lam quá, " lăng xê lét " cho hai em một lượt. Không ngờ hai em là bạn tri kỹ của nhau. Hai em khoe thư tình...

- Rồi sao ?

- Rồi hai em trả lại... tình tôi một lượt. Hai em cười rũ rượi, khuyên tôi nên viết thêm bức thư tình thứ hai.

- Mày trả lời thế nào ?

- Tôi nói : Thưa nhị vị cô nương, tại hạ sẽ cố gắng !

- Lỗi tại mày thiếu chung thủy. Ái tình không phải là... đá bóng tròn mà cần cầu thủ phòng hờ.

- " Ông " khuyên tôi làm gì ?

- Tìm em khác không về chung lối với hai em cười mày, tiếp tục " lăng xê lét ".

Đây là báo cáo của Nhân :

- Nàng " cắn câu " rồi, " ông "ạ ! Tôi mạn phép " ông " gửi tặng nàng mấy bài thơ của " ông ". Nàng trả lời cảm động lắm. Anh nàng bảo tôi nên lấy bút hiệu Xuân tóc đỏ. Thế là nghĩa lý gì ?

- Thi sĩ Xuân tóc đỏ là nhà thơ đánh dấu thời đại xe điện chạy vung vít ở Hà Nội. Cũng như nhà văn hào Mark Twain đánh dấu thời đại tầu thủy chạy trên sông Mississi ppi.

- Vậy là anh nàng mê thơ tôi ?

- Thơ mày à ? Ừ, thơ mày...

- " Ông " khuyên tôi làm gì ?

- Mày tiếp tục xin tiền ông bô mua chuối cho tao ăn khi tao đói rách.

Cuối cùng, báo cáo thê thảm của Thủy :

- Chiều nay, em Hòa đối xử thật tàn tệ với tôi. Nàng quay lại, nhổ nước miếng ba lần!

- Mày phản ứng ra sao ?

- Tôi lặng lẽ rút lui. Số tôi đen quá, đi ngược chiều. Cảnh sát thổi tu hít. Tôi bị lôi về bót, năn nỉ khô cổ mới được tha. Có lẽ tôi phải liều một phen.

- Mày định tự tử ?

- Không, tôi liều nắm lấy tay nàng. Một lần. Rồi thôi. Tôi sẽ đi kiếm một em bán thuốc lá, cưới em làm vợ.

Tôi an ủi ba môn đệ bằng cách móc túi lôi ra những tờ giấy một trăm và hai bài thơ xé như cóc gặm:

- Báo Thẫm Mỹ của văn hào Thanh Nam đăng thơ tao đây này. Bài thơ Vô Đề. Thanh Nam trả tao một ngàn nhuận bút, mời tao đi nhậu nhẹt. Chúng mày tưởng tao không gặp trục trặc kỹ thuật ái tình ư? Chiều nay, em của tao giả vờ cúm. Tao cóc cần. Em cứ việc cúm. Em cúm đã có thơ Sang Độc. Bị ái tình hành hạ thơ mới hay. Chúng ta sẽ trở thành những thi sĩ lừng danh, cứ gọi là gạt ra không hết các em đẹp như tài tử xi nê ái mộ.

Vỗ vai Thủy, tôi nói :

- Đừng dại dột lấy em bán thuốc lá nào đó, mày nhé !

Tôi dẫn cả bọn đi ăn thịt bò khô. Chúng nó quên ngay nỗi buồn. Và chiêm ngưỡng tôi, chiêm ngưỡng thi sĩ có bài thơ bất hũ tựa đề Ai đau khổ vì bệnh trĩ.

11

Vũ Khắc Niệm đã bỏ căn nhà nghệ sĩ. Nó bảo ở đây bừa bãi, học hành không được, tối ngày chỉ nghe chuyện thi ca tình yêu Sang Độc chán mớ đời. Thực tình nó bỏ đi vì nó... Vô duyên, chẳng em nào mê, lại lười tán gái và thiếu hẳn cái năng khiếu thi ca Sang Độc. Đặng Xuân Côn cũng đã bỏ đi. Nó viện lý do không thể chung sống với bọn ve sầu đàng điếm. Cu cậu đã học đòi yêu, đã nhảy lên xe ô tô buýt xanh thẽo một em và nhảy xuống vội vàng té trầy đầu gối, rách quần, chàng cảm thấy yêu vất vả, khổ cực quá, chàng bèn về Khánh Hội, đêm đêm ngủ dưới tàu. Nhà nghệ sĩ chỉ còn Quỳnh, Nhân, Thủy và tôi. Kinh tế bị đe dọa. Có lẽ tôi đành lãnh bánh mì lên, chấm đường mà ăn. Và làm thơ Sang Độc. May ghê, đúng lúc cơm áo sửa soạn dìu tôi về đời sống thật của một dân tứ cố vô thân thì bạn vàng Bùi Chu của tôi, Lý thông xuất hiện. Nó đang theo học khóa huấn luyện cán bộ thông tin mở tại Khám Lớn. Nó tìm tôi cầu cứu. Chả là con ông cụ ba hoa chích chòe về văn nghệ với các em đồng khóa lại dại dột xung phong nhận chức trưởng ban báo chí, mỗi tuần " xuất bản " một tờ bích báo. Lý Thông đi tìm bạn bè Hà Nội ngày xưa. Nó gặp tôi hỏi:

- Dạo này mày làm nghề gì ?

Tôi kiêu hãnh đáp:

- Nghệ sĩ lang bang.

- Bỏ học à ?

- Tiền đâu mà học? Tao viết văn làm thơ kiếm ăn lai rai ?

Lý Thông sướng quá :

- Mày biết viết văn, làm thơ ?

Tôi nói :

- Bộ mày quên hồi ở căn gác số 13 đường Ngô Thời Nhiệm, Hà Nội mày đã hì hục chép thơ tao vì nghĩ là thơ Xuân Diệu ?

Nó cười :

- Ừ nhỉ !

Và đề nghị :

- Tao đang cần ít thơ, tùy bút, truyện ngắn chống Cộng và thương nhớ đất Bắc, hận thù Bến Hải, mày giúp tao một tay được không ?

Tôi hgỏi :

- Nhuận bút ?

Nó nhún vai :

- Tao trả hậu hỉnh. Mỗi bài thơ hai chịch, mỗi cái tùy bút năm chịch. Với điều kiện...

- Gì ?

- Ký tên tao.

- Đồng ý.

Tôi tính nhẩm mười bài thơ là hai trăm, mười cái tùy bút là năm trăm. Một tháng có bảy trăm thì sống phong lưu quá.

- Bao giờ đưa tiền ?

- Có bài là có tiền. Đưa bài nào tao phát tiền bài ấy. Mà mày làm thử một bài chống cộng tao coi có đúng lập trường không đã.

Tôi bảo Lý Thông đi chơi, nửa tiếng sau trở lại. Nó cho tôi gói Ruby Queen. Tôi nghĩ tới Ngọc, tới tình yêu, ngồi làm thơ chống Cộng. Tôi chống Cộng vì tình yêu. Đây là bài thơ chống Cộng " ê săng chi ông ":

Việt Cộng kia hỡi mày có hay
Liên Xô Trung Quốc là nơi mày
Cớ sao mày hại nòi Bách Việt
Có ngày sẽ bị chém đầu bay

Ta ở miền Nam sướng thấy mồ
Xích lô, thổ mộ rồi ô tô
Lại còn thủ tướng Ngô Đình Diệm
Dân chủ cờ vàng chói tự do

Mày theo lão Mác với thằng Mao
Đấu tố lu bù khổ biết bao
Liềm búa mày vung đầu rụng xuống
Mai này mày sẽ biết tay tao

Ông về giải phóng lại quê hương
Năm cửa ô xưa rộn phố phường
Em gái đừng theo quân Việt Cộng
Chờ anh sẽ nối lại tình thương

Bến Hải sông kia chớ có sầu
Chớ buồn ủ rủ giống cây cau
Anh đang đào đất san bằng đó
Đứa nào nói phét chết không đầu.

Bài thơ chống Cộng của thi nhóm Sang Độc đầy những lửa hờn và lửa hờn. hai câu đầu " ảnh hưởng " Hàn thuyên rất nặng. Ngạc ngư kia hỡi mày có hay. Biển đông vùng vẫy là nơi mày. Hàn Thuyên, người sử dụng chữ Nôm đầu tiên ở nước ta, đã mở đầu bài văn tế đuổi cá sấu ra biển đông anh dũng thế đó. Cộng sản nào khác cá sấu. Hai đưá cùng hung ác và khóc lóc giả vờ điệu nghệ. Tôi bằng lòng bài thơ chống Cộng " kiễu mẫu " hy vọng có giá trị hai chục đồng bạc. Nửa giờ sau Lý thông trở lại. Tôi đưa " sáng tác " của tôi cho nó duyệt. Lý Thông khen nhặng vì ngầu. Vậy là tôi không lo sợ bà Cả Đọi hỏi thăm sức khỏe.

Tôi viết tùy bút, truyện ngắn hận thù dòng sông Bến Hải nặng nề. Ký tên Lý Thông. Chẳng ai ngờ khuynh hướng Sang Độc còn tiếp tay cho nền chống Cộng, tố Cộng ở xứ này.

Trong trại huấn luyện cán bộ thông tin có câu lạc bộ. Lý Thông dẫn tôi vô, giới thiệu với chủ thầu và tôi được cấp cuốn sổ... ăn chịu. Cuối tháng Lý Thông lãnh lương sẽ thanh toán. Nhờ đó, dạ dày tôi đỡ lép kẹp. Hoan hô khóa huấn luyện cán bộ thông tin. Tôi muốn khóa huấn luyện dài muôn năm để tôi được coi Cộng Sản là kẻ thù truyền kiếp, làm thơ, viết văn chống cộng đến hơi thở cuối cùng. Để được tự do với khuynh hướng Sang Độc, khuynh hướng văn nghệ không nằm trong nền văn nghệ chỉ huy, dù đã làm rung động các em bán quýt, bán thuốc lá, bán thịt bò khô... Lý Thông có vẽ hãnh diện về những bài thơ ký tên nó. Giám đốc khóa huấn luyện khen ngợi tài ba của nó. Tổng trưởng Trần Chánh Thành đòi dịch thơ chống Cộng của Lý thông sang ba mươi bảy thứ tiếng Ma rốc. Nó tán được khối nữ cán bộ. Giám đốc nhờ nó viết diễn văn và kiến nghị. Nó lại nhờ tôi. Và tôi bèn tăng giá cả.

Lý thông đã giúp tôi sống đời nghệ sĩ, một cuộc đời đói rách, bệ rạc, chuyên mua chịu và ăn ghi sổ. Thỉnh thoảng còn quỵt nợ nữa. Tôi không cần tiền của Đặng Xuân Côn hay tiền lãnh " mandat " của anh Vũ Khắc Niệm. Chúng nó tếch rồi. Bây giờ, tôi đích thực là lãnh tụ khuynh hướng Sang Độc với ba môn đệ xuýt xoa tài năng của tôi suốt ngày. Căn nhà nghệ sĩ, lúc này, nghệ ssĩ nhất thế giới. Màn giăng không thèm cuốn lên hay tháo ra. Cứ để đó, tôi chui vào ngủ, sáng chui ra. Cái màn màu trắng đã ngã màu cháo lòng. Chỗ nào rách, tôi lấy giấy dán lên. Thành ra cái màn đã là một bức tranh lập thể. Muỗi không thể lọt vô nhưng gián đói bò lên gặm cơm. Lại càng đẹp ! Những cái chăn mới ngoạn mục. Chải đầu xong, lau tay và lượt nhớp" bi ăng tin" vào đó. Giày dơ cũng dùng chăn mà lau. Những mái tóc đáng kể là ngọan mục. Vì chống đối nước và xà phòng, hễ gặp vài giọt nước mưa, đầu ngứa tưng bừng. Bốn nghệ sĩ ngồi gãi y hệt bồn con bú dù. Nghệ sĩ nào khác bú dù : Thế mà những cô, cậu vừa lớn cứ mơ đời nghệ sĩ ! Thi sĩ Thạch Sanh Lê Như Quỳnh bỏ cái " dịch vụ " quét nhà. Chàng bảo nhà đầy rác, đầy tàn thuốc lá mới... nghệ sĩ ! Quả là nghệ sĩ. Bởi vì, thơ văn Sang Độc không thể sáng tác nổi nếu ta ở những nơi nhà cao, cửa rộng.

Căn nhà, mỗi khi có dịp hồi tưởng, tôi đã giật mình, kinh hãi. Nhưng người yêu của tôi, em Ngọc yêu dấu, đã không kinh hãi, đã không nghĩ rằng đó là trại hủi. Hoặc nàng muốn làm Mộng Cầm và tưởng tôi là Hàn mặc tử ? Nàng đã báo tin chiều nay trốn học lên thăm tôi. Một cô học trò dám trốn học vì người yêu thì tình yêu không... Sang Độc tí ti ông lão nào. Tin người yêu " kinh lý " trại hủi khiến tôi lo sốt vó. Hộp kem đánh răng Colgate đã hết từ lâu. Những hàm răng nghệ sĩ phản kháng... thuốc đánh răng. Chắc chắn, chúng nó nặng khuynh hướng Sang Độc ! Ngồi cạnh người yêu, nói những lời yêu không thể để cho mùi hôi ở miệng có những chiếc răng vàng khè... " na tuya ren " được. Thi sĩ Lý Thông lại không chịu chi tiền mặt. Nó chỉ trả giá thơ bằng phở, hủ tiếu, cà phê, thuốc lá và cơm đĩa. Nó gài tôi vào cái thế tầm trả nợ dâu, hay nợ áo cơm phải trả đến... thơ chống Cộng. May quá Đặng Xuân Côn để lại cây lục huyền cầm. Nền cầm đồ bình dân hồi ấy rất phát đạt. Trong ví của tôi đã có ít nhất ba cái biên lai của " rô căng tơ. Một cái đồng hồ Movado, một cái bút máy Parker 51 và một cái áo len Hồng kông. Đó là những Kinh Kha ra đi không thèm trở về. Tiền đâu mà chuộc ? Tiệm cầm đồ bình dân của tôi có một em khá xinh. Tôi đã thẩy bốn bài thơ Sang Độc diễn tả đôi tay ngà ngọc em những lúc dở quần " xa teng " của chị em lao động ngắm nghía và đánh giá trị. Có lẽ em thấy thơ Sang Độc không hấp dẫn bằng quần " xa teng " nên em không xúc động. Thơ văn Sang Độc, do đó, chỉ phục vụ các em bán quýt, bán thuốc lá lẻ chứ không thể phục vụ giai cấp bốc lột bần cố nông. Hoặc tôi thiếu cái may mắn của đồ đệ Thạch Sanh ?

Tôi gọi Thạch Sanh, bàn chuyện đón tiếp người yêu của tôi :

- Chiều nay, em Ngọc lên đây. Mày phải giúp tao tổ chức cuộc đón tiếp nàng để rút tỉa kinh nghiệm cho chính mày.

Thạch Sanh hỏi :

- " Ông " tính nhờ tôi việc gì ?

- Mày chịu khó vác cây đàn đi cầm cho tao ?

- Rồi lấy đàn đâu ông khẩy ?

- Tao khẩy đàn mồm ! Nhạc sĩ Canh Thân mê Cô hàng cà phê đến nỗi phải than thở Anh còn có mỗi cây đàn, Anh đem bán nốt để theo cô hàng cà phê thì sao. tao rất tiếc...

- Tiếc gì ?

- Tiếc là hồi còn ở nhà tao không ăn vòi ông bà bô gắn cho tao vài chiếc răng vàng.

- Để làm chi ?

- Để tao bẻ ra đem bán. Tao cần cắt tóc, gội đầu và đánh răng. Thuốc đánh răng hết mẹ nó rồi. Miệng hôi mà hôn em là tình yêu phượng hoàng biến thành tình yêu cú mèo ?

- " Ông " biết hôn à ?

- Ừ.

- Hôn ra sao ?

- Tao uống hương tình trên môi em.

Câu này tôi " thuổng " của anh chàng Stewwart Granger trong phim Scaramouche nói với người yêu. Thực tình, tôi chưa hề được cầm tay Ngọc. Nhưng một trăm anh học đói yêu thì y rằng một trăm anh nói phét. Môn đệ Thạch Sanh phục sư phụ Trương Chi sát đất.

- " Ông " dạy tôi hôn với nhé !

- Mày phải... hôn thử một em ấm ớ trước khi hôn người yêu.

- Yên chí, đã có em... bán quýt !

Và Quỳnh hăng hái ôm cây lục huyền cầm đến " Bờ rô căng tơ ". Nó trở về với cái biên lai và hai trăm bạc. Cây đàn mua bốn trăm rưởi, cầm được trần xì hai trăm. Tôi đã sử dụng hai trăm đó như một chị nhà quê mang quan tiền đi chợ :

Một quan tiền tốt mang đi
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra
Thoạt tiên mua ba đồng gà
Đồng rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu...
Và tôi tiêu như vậy
Hai con bò thả chơi rôi
Cúp tóc hai chịch, " phích xông " mười tì
Còn bớp bảy biết mua gì
Hộp kem Colgatte vất đi khoản còm
Năm tì ăn trái chôm chôm
Xi rô đá nhận mất hơn năm đồng
Ruby hương dịu thơm nồng
Mua liền hai gói cõi lòng hơi đau
Một đồng mua mấy miếng cau
Chà răng cho thật trắng phau tuyệt vời
Viễn Đông nước mía cam tươi
Hai ly đã xén mất mười đồng nhôm
Cây đàn cầm có hai trăm
Vì tình nên phải Bình Dân Cầm Đồ
Vậy là toi cả hai bò.

Một nhà nghệ sĩ vừa viễn mơ vừa dấn thân như tôi, một lãnh tụ của thi nhóm Sang Độc ( thơ là nghề chính, văn thì lai rai ba sợi thôi ) được diển tả như cậu bé " học giỏi " trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu : Một cậu bé đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc, tay chân dơ bẩn. Có người hỏi " Học trò sao mà dơ bẩn thế ? Cậu bé đáp lại rằng : " Học giỏi thì hơn, ở sạch ích gì ! " Nếu có người nào hỏi tôi : " Nghệ sĩ sao mà dơ thế? Tôi sẽ đáp rằng : " Thơ Sang Độc hay là đủ rồi, ở sạch làm quái gì nhỉ ! "Tôi hãnh diện về những " pho " nặng khuynh hướng Sang độc. Chưa hề thấy một trường thơ ; một thi phái nào có thể dùng thơ của mình để mua chịu quýt, câu thuốc lẽ và ăn phở, uống cà phê biên sổ. Như thi sĩ Đỗ Trọng Thủy, trong thi nhóm Sang Độc, còn dùng thơ của mình để phá hoại kinh tế Ba tàu, chấn hưng kinh tế dân tộc. Chàng đã gây cảm tình với mấy cô sẩm bán bia " bốc " dọc đường Nguyễn Trải. Chàng cũng uống chịu. Uống độ vài trăm bạc, chàng bèn " vỗ cánh bay đi " sang quán bia khác cách quán bia quen thuộc cả mấy trăm thước. Tiếp tục gây cảm tình, uống chịu rồi quỵt. Gọi là phá hoại kinh tế Ba tàu hạ tầng cơ sở. Khuynh hướng Sang Độc thừa khả năng ăn quỵt nhưng vẫn thiếu khả năng sửa sang hình thức cha đẻ của nó. Bởi vậy, cây lục huyền cầm đành lên tiếng tơ não nuột Biệt ly nhớ nhung từ đây mà nằm trong tủ hiệu cầm đồ bình dân.

Nhờ có cây đàn, nhờ có nền cầm đồ bình dân nên tôi có một "hình thức" không

Sang Độc. Hình thức không Sang Độc phủ ngoài nội dung Sang Độc. Rất đông nghệ sĩ Việt Nam đã là khách hàng quen thuộc của các tiệm cầm đồ bình dân. Văn hoá xứ ta chưa khá, vì thế. Vì Phủ quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa hôm nay và Văn Hoá Vụ ngày xưa không phải là nơi nghệ sĩ có thể đem đồng hồ bút máy, đàn sáo, kèn trống và quần " xa teng " của vợ cầm cố để lấy tiền chi vặt mà phục vụ văn hóa dân tộc. Tôi ước ao, thuở nào đó, người lãnh đạo văn hóa dân tộc tôi xuất thân từ ngành cầm đồ bình dân thì cái áo thung ngã màu cháo lòng của nghệ sĩ sáng tác cũng mang một giá trị thiêng liêng như tác phẫm của họ. Bây giờ, tôi nói về tôi, về thi sĩ Trương Chi, trưởng thi nhóm Sang Độc, xuýt giải nghệ... nghệ sĩ đi làm cu ly đồn điền cao su nếu không được bạn vàng Lý Thông đặt mua thơ văn chống Cộng. Tôi đã đánh răng lu bù. Đánh răng giả nợ những hôm thiếu thuốc đanh răng. Trong cái " hóa đơn " tiêu tiền của tôi, tôi quên tính gói kẹo chewing- gum. Tôi định bụng, trước giờ gặp gỡ người yêu, sẽ nhóp nhép nhai kẹo cho miệng nó tăng thêm mùi thơm! Thuở ấy, kỹ nghệ hớt tóc

( tương tự kỹ nghệ lạnh là sửa máy lạnh, tủ lạnh ) chưa sáng chế bộ môn ép, sấy. Và mái tóc " à la mode " nhất của đàn ông vẫn là mái tóc cánh phượng bóng nhẫy " brillantine " Tôi có mái tóc y hệt mái tóc Rudolf Valentino, tài tử phim câm quốc tế. Mái tóc của tôi, cứ một tuần lễ, phải bón cả hộp " brillantine" nhãn hiệu The evening in Shanghai, thứ " brillantine " nghệ sĩ nhất, nghĩa là rẻ tiền nhất. Hãy tưởng tượng một mái tóc mà loài chấy không thể sinh sống và gặp mưa, hất đầu một cái, nước văng đi hết. Đó là mái tóc váy lĩnh. Mái tóc của tôi đó. Đỏm dáng ra phết, chứ bộ. Nghệ sĩ mà em. Bằng mái tóc ấy, hàm răng trắng ởn và bằng bộ quần áo đã giặt tốn nữa cục xà phòng, đến hì hục đốt than bàn ủi, ủi lượt là, tôi sửa soạn chờ đợi người em gái văn nghệ di cư từ xóm "Vẹc". Em sẽ đi qua đống rác vĩ đại bên kia cầu Eyriaud des Vergnes và tới thăm anh ở Nhà Hát Tây.

Em sắp đến. Em thơ của thi sĩ Trương Chi sắp đến như em thơ của thi sĩHuy Cận đã đến. Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong. Hôm xưa em đến mắt như lòng. Lạy trời, mắt em đừng viền vải tây điều, em nhé !

12

Nàng đã đến và như lần trước, nàng không thèm bước vào căn nhà nghệ sĩ của tôi, chỉ luống cuống mở cặp sách lôi ra một phong thư dày cộm đưa cho tôi rồi về ngay. Trên đường về nhớ đầy. Tôi tưởng tượng vậy. Nàng ác quá. Con gái phần đông đều ác. Họ bắt con trai leo lên mộng tưởng và bất thình lình chặt gốc. Và những thằng con trai giàu mộng tưởng đã ngã đau. Thế là mất cây đàn. Đàn ơi, tan nát tim ta nhiều rồi... Nàng đâu cần biết, để chuẩn bị đón nàng, cây đàn của tôi đã nằm trong tủ hiệu cầm đồ bình dân. Chương trình học tập của quý môn đệ Quỳnh, Nhân, Thủy Cũng đành... tạm gác. Tôi nghĩ, có lẽ chỉ muốn đi qua đời tôi chớ không muốn đi vào đời tôi. Hoặc nàng muốn đóng vai trò của Châu long khích lệ Lưu Bình sáng tác văn nghệ. Để ngày kia, Lưu Bình lãnh giải truyện ngắn Tiếng Chuông, Lưu Bình mới lăn kềnh xuống đất, vỡ lẽ Châu Long là vợ của bạn Dương Lễ ? Tôi nổi giận. Đang cơn tức giận, thi sĩ Thạch Sanh " vén" cửa bước vào cười toe toét :

- Nàng gớm căn nhà nghệ sĩ hả, " ông " ?

Tôi nghiến răng ken két :

- Chúng mày hại tao ?

Môn đệ Thạch Sanh ngơ ngác :

- Tôi đã làm gì ?

Môn đệ Nguyễn Xuân Nhân, bút hiệu Vạn Lịch cũng lù đù dẫn xác vô. Tôi cần nói về " sự tích " bút hiệu của môn đệ của tôi. Thằng này, thuở ấu thơ, bà nội nó hay đọc truyện "Đồng tiền Vạn Lịch " :

Đồng tiền Vạn Lịch
Anh thích bốn chữ vàng
Công anh dan díu với nàng đã lâu
Bây giờ nàng lấy chồng đâu
Nàng cho anh gửi trăm cau nghìn vàng
Trăm cau để trả ơn nàng
Còn nghìn vàng đốt giải oan lời thề

Nó mê anh thuyền chài thất tình và cao thượng này. Lớn lên, đi tìm tình yêu, xuýt bị ăn đòn, Nguyễn Xuân Nhân bèn học làm thơ và lấy bút hiệu Vạn Lịch. Còn Lê Như Quỳnh thì tưởng mình có tài khẩy đàn như Thạch Sanh :

Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa dưới hang lên lầu
Đàn kêu tích tịch tình tang
Sao mày phản bạn hở thằng Lý Thông

Nó ký tên Thạch Sanh, bút hiệu dưới những bài thơ Sang Độc của tôi. Đỗ Trọng Thủy xí bút hiệu Đỗ Quyên, ý giả chàng đã ví chàng giống con cuốc kêu rỉ rả lời yêu đến tóe máu cổ mà em Hòa vẫn cứ quay nhìn chàng, nhổ nước miếng khinh bỉ. Cuộc đời văn nghệ Sang Độc của tôi có khá đông môn đệ. Các môn đệ đã lần lượt phản bội tôi chẳng khác gì Lý Thông phản bội Thạch Sanh. Thầy tướng bảo cung nô bộc của tôi quá xấu. Thí dụ anh thi sĩ thời danh mang cái bút hiệu của một ngôi chùa: Thi sĩ Phổ đà. Lúc này anh Phổ Đà nhận mình là một vì sao. Anh đã đi ngâm thơ khắp nước. Nghe nói, anh sắp sang nước Lèo phát huy nền thi ca vừa ngâm vừa nhìn thiên hạ ăn thịt bò bảy món. Mười năm trước, tôi sống khốn khổ trên căn gác xép ở ngoại ô Hòa Hưng, anh thường đội mưa tắm nắng tới nhờ tôi nhuận sắc những bài thơ siêu Sang Độc của anh. Anh đã quên chuyện đó. Khi người ta nổi danh, người ta thường giả vờ quên dĩ vãng, quên cái cốt khỉ của mình. Thấy tôi làm nghề bán thuốc lá lẽ, thi sĩ Phổ Đà vác mặt lên. Ra cái điều ta là thi sĩ siêu Sang Độc. Đời đã có thi sĩ Nguyễn Cao Kỳ, thi sĩ Phổ Đà, tưởng không nên có thi sĩ Trương Chi. Do đó, những pho thơ Sang Độc của tôi đành đem bán ký cho Ba tàu đem về gói mắm, muối, tiêu, hành, tỏi... Tôi không dám xuất bản nên không được coi là thi sĩ !

Thi sĩ Vạn Lịch đổ dầu vào lửa :

- " Ông " làm ăn ra sao mà vừa đến, nàng đã phú lĩnh ?

Tôi gắt :

- Tại chúng mày !

Thi sĩ Đỗ Quyên xồng xộc vô, chưa hiểu ất giáp chi cả, khen nhặng :

- Nàng đẹp thật " Ông "tài ghê. Em Hòa của tôi chỉ đẹp bằng một phần ba nàng thôi mà tôi tán mãi vẩn không nổi.

Thạch Sanh kê Đỗ quyên :

- Im mồm mày đi, " ông " ấy đang cáu sườn.

Đỗ Quyên hỏi :

- Sao vậy ông ?

Tôi đáp :

- Nàng biết chúng mày nấp quanh quẩn đây để thực tập nên nàng giận, nàng về...

Vạn Lịch thở dài :

- Uổng quá !

Vạn Lịch,Thạch Sanh, Lý Thông đều là những thi sĩ thuộc loại... tiểu học ái tình. Nghĩa là, chúng nó mới đủ khả năng nói chuyện với các em bán quýt, bán hột vịt lộn, các em sẩm Chợ Lớn bán bia " bốc ". Chứ chưa có " thớ " nói chuyện với các em nữ sinh trung học. Bởi vậy, nhận dịp em Ngọc lên Nhà Hát Tây thăm tôi, tôi đã tổ chức buổi thực tập nói chuyện với người yêu cấp trung học ái tình. Tôi ra lệnh cho mỗi đứa nấp bên tường giấy nghe ngóng. Mỗi đứa được phép dùng kim gút chọc thủng hai cái lỗ để nhòm vào mà quan sát. Rất tiếc cho chúng nó và cho cả tôi, tình yêu gặp trục trặc kỹ thuật, sư phụ và môn đệ đành... cãi nhau.

- Chúng mày ngu hơn chó. Thằng Thủy biết nàng đẹp hẳn mày đã nhìn nàng như thằng ăn mày nhìn đĩa cơm sườn nướng. Tao nghe rõ thằng Quỳnh hát câu Ta ước mơ từ nay thôi đói, em đến chơi cam vài ba gói và cho nhiều kẹo. Thằng Nhân thì ong ỏng câu Tình tôi đây người ơi... Nàng sợ quá phải về vội. Chúng mày hại tao.

Tôi giơ hai tay lên cao :

- Than ôi, tắm rửa, đánh răng, chải đầu, thay quần áo bằng vô ích.

Tôi vớ hộp kem Colgate định đập nát. Lại nín.Môn đệ bấm nhau, chuồn ra ngoài. Tôi cởi phăng bộ mồi, hiện nguyên hình lốt thi sĩ Trương Chi với áo thung, quần xà lỏn, nằm dài trên ghế bố, đọc thư tình trên giấy nháp. Nàng đã viết cho tôi bảy bức thư... rưỡi.

Những giòng chữ của nàng, giống những cơn mưa tưới xuống cơn đại hạn tức giận của tôi. Tôi bỗng yêu nàng, yêu quên đói rách, yêu có thể vùng dậy sáng tác mười bài thơ chống Cộng trị giá hai trăm bạc, trả bằng cơm đĩa, phở, cà phê ! Bởi vì nàng bảo, hôm qua không có giờ " pẹc ma năng " và nhằm hôm thi lục cá nguyệt. Nàng dặn tôi chiều nay tời trường đón nàng.

Buổi chiều tôi lại đến cổng trường. Vẫn khờ khạo, vụng dại và lo lắng như lần đầu đứng trước cổng một ngôi trường con gái. Ba môn đệ tình yêu của tôi đã tới trước tôi. Mỗi đứa chiếm một gốc cây. Và những gốc cây quanh trường con gái là điểm tựa tình yêu của những cậu trai vừa lớn. Tôi yêu những gốc cây quanh trường con gái. Hy sinh cho tình yêu thơ mộng phải là bờ cỏ quanh gốc cây. Cỏ không mọc nổi. Cỏ chết đi vì những bước chân chờ đợi. Quỳnh đã giết chết bao nhiêu cỏ. Nhân đã chết bao nhiêu cỏ. Thủy đã chết bao nhiêu cỏ. Bao nhiêu cậu trai vừa lớn thuở tôi vừa lớn đã giết chết bao nhiê cỏ.

Cây cỏ ngày xưa cũng là cây cỏ mơ mộng. Những ngọn cỏ ngậm đầy thương yêu. Những thân cây khắc đầy tên những người yêu nhau. Cỏ cây ngày xưa là cỏ cây tình sử. Thơ mộng thôi thúc con người hướng thượng. Thơ mộng dìu con người vào thiên thai. Và thiên thai ấy không cho phép con người nghĩ nhảm, làm bậy. Hàng cây bên đường xưa đã ủ rũ. Bờ cỏ bên đường xưa đã héo hắt. Cây chờ phu lục lộ đốn ngã. cỏ chờ phu lục lộ lát gạch đè lên. Thành phố hết cây cỏ. Quanh những ngôi trường con gái sẽ hết cây cỏ. Lấy gì cho cậu trai vừa lớn làm điểm tựa tình yêu ? Lấy gì cho cậu trai vừa lớn đúng núp che giấu sự vụng về, khờ khạo? Lấy gì cho cậu trai vừa lớn khắc tên người yêu ? Lấy gì cho cậu trai vừa lớn tâm sự ? Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ. Cây cỏ quanh những ngôi trường con gái, bây giờ, buồn tênh. Ngày nào đó tuổi trẻ phải hú hồn Thơ Mộng trở về. Bởi vì, mất Thơ Mộng tuổi trẻ đâm ra tàn bạo, chai lì. Tâm hồn cằn cỗi, không thoát lên, bay cao bắt với Cái Đẹp lơ lửng trên trời.

Nhân đứng núp dưới gốc kia. Nó đang mơ mộng. Mộng rướn chân cao, ngước mắt, ngơ ngẩn trông vời một tà áo, một màu áo. Và, chỉ cần một nụ cười tặng nó, dù là nụ cười làm duyên qua đường, Nhân đã có thể ăn thêm được ba bát cơm, học thuộc lòng bài vạn vật dài lê thê và thức khuya hơn một chút, tập làm thơ ký tên Vạn Lịch. Quỳnh đứng núp dưới gốc cây kia. Nó đang mơ mộng. Mơ mộng tìm thấy tà áo vừa ý nó để thẩy bức thư tình... " tiền chế " ! Nó mơ mộng cô nữ sinh Trưng Vương sẽ đón nhận thư tình một cách hồn nhiên, giản dị như cô con gái bà hàng quýt, Còn Thủy, Thủy chỉ mơ mộng, buổi chiều nào đó trong suốt những buổi chiều của đời nó, em Hòa không quay lại, nhìn nó, bĩu môi và nhổ bọt xua đuổi. Quỳnh, Nhân, Thủy đều mơ mộng có một người yêu như tôi. Có một người yêu để chơi ú tim tình ái, để viết và đọc thư tình trên giấy nháp, để hẹn hò, để... ăn thịt thỏ tình yêu và để kiểm soát xem gia tài mình còn món gì mà tiệm cầm đồ bình dân không từ chối cấp phát biên lai. Những cậu trai bằng tuổi tôi đứng đông đầy dưới những gốc cây. Họ đang mơ mộng. Họ đang chờ đón những giọt kỹ niệm nhỏ xuống quãng đời tươi sáng. Đứng làm gì thế, hỡi người bạn trẻ ? Vô tích sự đâu,nếu một mai có lần ta nhìn lại đời ta.

Cổng trường đã mở. Đàn bướm nữ sinh ùa ra. Tôi liệng vội điếu thuốc Ruby Queen hút dở, hồi hộp trông chờ. Luôn luôn hồi hộp. Những cậu trai " đồng chí " Của tôi đã lần lượt rời gốc cây. Họ mở những cuộc hành quân thẽo. Đêm nay vô số kẽ thức khuya hay cảm sốt. Những tấm gương sẽ muốn nứt vỡ vì họ soi kỹ quá. Đẹp giai lắm rồi, cậu ạ ! Mái tóc bồng bềnh rất.... nghệ sĩ ! Đôi mắt ngập khói hương mơ mộng. Và đôi tay không thừa. Nếu cảm thấy nó thừa, chiều mai nhớ đưa về đàng sau, cấu véo mông mình thật đau cho tăng phần can đảm, cậu nhé ! Những kẻ đã yêu nhau bao giờ cũng... thong thả. Em Ngọc thong thả - không chầm chậm chứ - dắt xe ra sau cùng. Tôi cũng thong thã gốc cây sau cùng. nàng dắt xe về lối yêu quen thuộc. Tôi lẽo đẽo theo, cách cả chục thước. Yêu nhau mà vẫn ngượng ngùng như chưa hề yêu. Đó là tình yêu thơ mộng. Đến ngã tư tạm biệt, nàng dừng lại chờ tôi. Tôi bước nhanh hơn. Hai trái tim đập nhanh. Môn đệ của tôi mà trông thấy cảnh này, chắc chắn, chúng nó sẽ bỏ rơi tôi. Nàng giả vờ mở cặp sách trao cho tôi một phong thư. Rồi nói nhỏ :" Mai nhé " ! Mai nhé ! Mai nhé !

Nàng lên xe đạp vội. Tôi đúng ngẩn ngơ. Mai nhé ! Mai anh cầm nốt bộ đồ mồi cho tiệm cầm đồ bình dân, sửa soạn " nghi lễ " đón em. Em lên thăm anh một phút, thẩy phong thư dầy cộm rồi chuồn lẹ và hẹn : " Chiều nhé " ! Chiều anh cuốc bộ đến trường, đứng chờ em tê cả chân, gặp em, em lại hẹn : " Mai nhé "! Em hành hạ anh làm gì ? hay em muốn huấn luyện cho anh trở thành một cu ly đồn điền cao su? Tôi chưa được nói câu "Anh yêu em" với Ngọc và nghe Ngọc trả lời "Em yêu anh". Chúng tôi chỉ mới viết những lời yêu. Và nhìn thấy mình yêu nhau ở mắt. Tôi vẩn ước ao được cầm tay Ngọc, được hôn lên tóc nàng, hôn lên má nàng, hôn lên môi nàng. Cảm giác sau lần hôn người yêu hẳn là tuyệt vời. Nó ngon như tháng giêng. Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Nghĩ tới ba môn đệ, tôi lững thững trở về. Vừa đi vừa hát bản Phố buồn của Phạm Duy. Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen. Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm... Tôi kiếm hàng bánh mì, mua một khúc dài, ghé vào công viên ghế đá ngồi gặm. Gần tám giờ tối tôi mới đáp theo tiếng gọi chiêu hồi, tung cánh chim tìm về tổ Nhà hát Tây. Ba môn đệ đã tề tựu. Thạch sanh hỏi :
- Vui không " ông "?
Tôi cười :
- Hẹn hò là phải vui. Tao và em chở nhau ra bờ sông, vừa mút cà rem cây vừa bàn chuyện tương lai hai đứa.
Vạn Lịch hỏi:
- " Ông " có than van chuyện cầm cây cho " Bờ rô căng tơ "không ?
Tôi đáp :
- Không. Tao kể chuyện tình Roméo và Juliette.
Thạch Sanh hỏi :
- Nàng ăn cà rem cây chắc môi nàng ngọt, " ông " uống được mất lít hương tình ?
- Vừa gặp môi nàng là tao muốn ói ! Mày biết sao không? Nàng mút cà rem sầu riêng ! Mà tao kỵ sầu riêng.
Tôi xoa tay :
- Có lẽ tao sắp xa chúng mày rồi !
Đỗ Quyên ngạc nhiên :
- Bố nàng bắt nàng phải lấy một thằng răng vồ, mũi hếch làm chồng. Nàng quyết định bỏ nhà trốn theo tao. Hai đứa tao sẽ lên rừng kiếm cũi. tao làm Tặc Giăng, nàng làm Nữ Chúa Rừng Xanh.
Ba Môn đệ cười ngây ngất. Vạn Lịch nói :
- "Ông " khôi hài ghê !
Tôi lãng chuyện để khỏi diễn tiếp cái trò nói phét :
- Tình hình hôm nay ra sao ?
Vạn Lịch báo cáo:
- Tôi thành công tám mươi phần trăm. Tên em là Trinh, hai má lũm đồng tiền.
Tôi hỏi :
- Đồng tiền Vạn Lịch ?
Vạn Lịch liếm môi :
- Đồng trinh... Bảo Đại ! Nàng vui vẻ nhận thư tôi, hẹn chiều mai đi chơi với tôi. Tôi mạn phép " ông " tặng nàng tập thơ Sang Độc 1 của ông và ký tên thi sĩ Vạn Lịch.
Thạch Sanh báo cáo :
- Tôi ăn chắc rồi. Em tên là Tâm ở Bàn cờ. Tôi " lăng xê "cho nàng cái " lét " nàng chụp liền. Trong cái "lét " tôi cũng mạn phép ông chép năm bài thơ của ông ký tên bút hiệu Thạch Sanh tặng nàng làm lễ ra mắt.
Tôi hỏi :
- Nàng có hẹn hò gì không?
- Nàng bảo mai tôi phải mờ nàng đi ăn kem. Có lẽ, tôi vác vài chục cuốn sách đem bán cho... vỉa hè.
Đỗ Quyên báo cáo :
- Em Hòa hôm nay nghỉ học. Ông giúp tôi một kế mọn được chăng ?
Tôi gật gù :
- Rồi, tao hiến kế mọn đây. Mày quen thân với Marcel Hiền, Quế cao chớ ?
- Quen thân.
- Chiều mai mày rủ hai thằng vai u thịt bắp ấy đi đón em Hòa với mày. Mày chỉ em cho hai đứa. Còn mày, mày núp một chỗ. Để hai thằng theo nàng chọc phá nàng, chèn ép xe nàng. Mày xuất hiện can thiệp. Marcel Hiền và Quế cao sẽ gây sự. Mày xăn tay áo cho em Hòa biết tay mày là khúc củi mục. Rồi mày đấm Marcel Hiền, đá Quế cao. Hai đứa chịu khó ăn đòn của mày. Chúng nó sợ mày quá, chuồn nhanh. Mày sửa lại áo, đến trước em Hòa, hơi cúi đầu: " Thưa cô nương, xin cô nương hãy ban cho kẽ hèn này một bãi nước bọt " ! Tao tin chắc em Hòa sẽ cảm động mà rằng : " Cám ơn tráng sĩ Lục vạn tiên, không có tráng sĩ, Nguyệt Nga này đã bị nguy khốn bởi bọn cướp Phong Lai. Nhà thiếp ở... ngã Ba Ông Tạ, không có chó dữ nhưng có ông bố nghiêm khắc, nếu tráng sĩ muốn, xin mời theo thiếp ". Thế là ăn chắc nhé !
Đỗ Quyên hớn hở :
- Hay quá, hay quá " Hảo kế, hảo kế " ! Tôi sẽ thi hành.
Buổi tổng kết tình hình mỗi đêm chấm dứt. Tôi cười thầm và chửi thầm : Bố hai anh Thạch Sanh, Vạn Lịch, hai anh nói phét như... sư phụ hai anh. Chỉ riêng Đỗ Quyên là thành thật. Tôi hạ lệnh tắt đèn ngủ. Đêm ấy, tôi không chiêm bao thấy người yêu mà chỉ thấy cái tương lai đói rách.
một đoạn coi như đoạn kết
Cuộc đời không cho phép tôi nằm mãi ở Nhà Hát Tây làm văn nghệ dấn thân chống Cộng để ăn cơm đĩa ghi sổ mà viễn mơ Sang Độc. Tôi rất ghét cuộc đời. Nó cắm chông dưới cằm và dưới mũi tôi. Gọi là râu và ria. Râu ria cứng ngắc, lởm chởm. Râu ria báo hiệu cho một sự ra đi. Ra đi gấp kẻo sửa soạn bắt chước Vũ Hoàng Chương mà than thở : Ba mươi năm trên vai mà trống không bình sinh. Lý Thông đã tốt nghiệp... Đại học Cán Bộ Chống Cộng. Chàng cóc cần tôi nữa. Chàng đã lên đường với cái ống loa làm sáng tỏ quốc sách chống Cộng. Bà chủ câu lạc bộ bỗng hết... quen tôi. Và con gái của bà, dù mắt toét, răng vồ, nước da mốc thếch như trăn gió, vẩn không dể bị sang độc bởi thi văn Sang Độc mà cho tôi ghi sổ ăn chịu.Cụ Phan Thanh Giản xưa " giã vợ đi làm quan ", tôi nay " giã người yêu đi kiếm cơm áo " Nhân có thằng bạn rủ lên rừng lập đảng chống chí sĩ Ngô đình Diệm, tôi đang bị bà Cả Đọi đe dạo, bèn cảm khái ngâm vang hai câu thơ : Ai trước biên thùy riêng một cỏi. Mình nay sông núi nặng hai vai và bèn nhận lời. Tôi ra đi, hát nhái lời nhạc bản Hải Quân Việt Nam của Văn Cao: Ra đi không mang va ly, mồm hút thuốc lá Mic mốc, chân đi xăng đan cao su diện áo sờn vai... Tôi đi làm cách mạng...trời ạ ! Tôi đi âm thầm, bí mật y hệt một hiệp sĩ. Đám môn đệ của tôi sẽ đinh ninh là tôi và em Ngọc đã trốn lên rừng tập đóng ci nê ma với chúa mọi. Còn em Ngọc, thấy tôi tuyệt tích, chắc em sẽ khóc sưng mắt, khóc xuýt mù nếu chị Phượng không chợt nhớ ra phương thuốc bất hủ là mua cho em một đồng bạc kẹo kéo.
Đôi mắt kẻm nhẻm kèm nhèm.
Ăn đồng kẹo kéo sáng như đèn ô tô.
Tôi lẩm nhẩm đọc bài Thôi nàng ở lại của Nguyễn Bính rồi đáp xích lô máy ra bến xe đò cao nguyên. Ở trên rừng, tôi vẫn theo dõi báo chí. Tôi ngạc nhiên khi thấy những bài thơ tình Sang Độc và Hoài Hương, đòi lấp dòng sông Bến Hải của tôi xuất hiện thường xuyên trên những phụ trang văn nghệ của các nhật báo, ký bút hiệu Mộng Trinh, Thu Tâm và Cung thị Ngọc. Rồi một hôm, cùng bài thơ đòi lấp dòng sông Bến Hải đang trên ba tờ báo, ký ba bút hiệu Mộng Trinh, Thu Tâm và Cung thị Ngọc. Hai môn đệ Thạch Sanh và Vạn Lịch đã hại đời tư của tôi. Ba nữ sĩ Mộng Trinh, Thu Tâm và Cung thị Ngọc bị ba tờ báo mà các nàng cộng tác nặng lời trách móc. Tôi hết hy vọng hát câu: Chờ anh em nhé, giết xong Diệm anh về... Hẳn em Ngọc đã nghi ngờ tôi phản bội em, phát thơ Sang Độc vung vít và yêu đương vung vít, và Mộng Trinh thì chán ghét Vạn Lịch, Thu Tâm ghê tởm Thạch Sanh. Chúng nó còn các em bán quýt, bán thuốc lá lẽ, bán hột vịt lộn để tìm nỗi an ủi. Chứ tôi, trên rừng hiu quạnh chỉ có các nàng mọi ! Tôi giận Thạch Sanh, Vạn Lịch. Giận chán chê, tôi mới vỡ lẽ và khám phá một điều tối quan trọng: Trái tình đắng hơn trái bồ hòn. Tôi hiểu em Ngọc không yêu tôi. Em khôn quá xá. Em khích lệ tôi viết đoản thiên tiểu thuyết, tùy bút, thơ Sang Độc để tặng em, để em làm của riêng và em cười khúc khích. Các em khôn quá xá. Con gái là chúa khôn. Hèn chi em cứ hẹn và luôn luôn thất hẹn.
Mùa hè năm sau, tôi thất thểu ở rừng về, gặp em Ngọc đi với chị Phượng trên hè phố. Tôi không dũng một tí nào, dù tôi đã là chiến sĩ cách mạng! Dũng được Nhất Linh mô tả thật đẹp. Tóc lộng gió, chàng ngạo ngễ bước trong đám nhân gian ngớ ngẩn. Và túi chàng còn tí tiền còm, còn vợ chống ông giáo Thảo chờ đợi chàng tới ăn cơm, hút thuốc lá và tạo cơ hội để chàng gặp Loan. Tôi ấy à, tóc dài muốn chui vào lỗ tai, quần áo lôi thôi, bụng lép kẹp và ví cũng lép kẹp. Tôi đi giữa hoàng hôn.Vâng, tôi đi giữa hoàng hôn. Em Ngọc nhìn thấy tôi, nhận ra tôi, em bĩu môi kéo tay chị rẽ sang một con phố khác. Tôi đứng lặng, trông theo. Tôi là Trương Chì đây, nàng hết nghe tiếng hát cũa tôi rồi.Pauvre*Trương Chi ! Bạn hãy dời khỏi dinh quan thừa tướng, hãy quên Mỵ Nương đi và xuống thuyền mục, chèo lẹ, quăng lưới rách mà bắt tôm cá. Bạn chớ dại dột nhảy tòm xuống sông tự tử. Cuộc đời phải thế mới là cuộc đời, rất cuộc đời, bạn ạ !
Tôi đi kiếm ba môn đệ. Thạch Sanh là người tôi gặp trước tiên. Nó vồn vã lôi tôi vào một quán kem, hỏi thăm và trách móc :
- " Ông" tuyệt tích với mục đích gì ?" Ông " ra đi không lời từ biệt. Chứ " ông " về có tính ở lại không ?
- Tao đi làm cách mạng.
- Eo ơi " ông " làm cách mạng à ? Tại sao " ông " không rủ tôi đi với. à, ông có mang theo em Ngọc không?
Tôi lắc đầu :
- Làm cách mạng là phục vụ quê hương, tổ quốc.Cần phải cho de người yêu. Ngay vợ mình mà mình cũng đành cho phép đi lấy chồng khác để rảnh rang yêu lý tưởng cách mạng nữa là. Cách mạng ghê lắm, quyến rũ lắm...
Tôi làm bộ thở dài :
- Em Ngọc đã khăn gói quả mướp theo tao lên chiến khu, nửa đường tao đuổi em về Sài gòn. Tao quên em rồi. Còn mày ?
Thạch Sanh kể lể :
- Em Tâm viết thư chửi tôi ăn cắp thơ của người khác làm thơ mình. Em Trinh của thằng Nhân cũng chửi nó. Thằng Nhân chán đời vùi đầu học hành. Nó vừa đậu tú tài nhất. Tôi cũng đậu rồi. Nhờ em xỉ vả, tôi tự ái và đâm ra biết làm thơ. Tôi tán được nhiều em khác.
Tôi hỏi:
- Còn em bán quýt ?
Thạch Sanh cười :
- Nàng đi định cư ở Cái Sắn rồi.
Nó nhả khói thuốc :
- Mình đã lớn, " ông " ạ ! Chỗ tôi đứng chờ các em ở cổng trường bây giờ là chổ tụi lỏi vừa lớn.
Bỗng nó than thở:
- Chỉ tội nghiệp thằng Thủy !
Tôi ngạc nhiên :
- Sao ?
Thạch Sanh ngó tôi :
- " Ông " hại nó. Theo kế của ông, nó thi hành. Kết quả gặp phú lích. Hiệp sĩ Thủy bị em Hoà thưa luôn. Thế là Lục Vân Tiên và Phong Lai cùng bị nằm bót một đêm.
Tôi phá ra cười. Cười sặc khói thuốc. Tạm biệt Thạch Sanh. Và xét rằng không nên kiếm Vạn Lịch, Đỗ Quyên làm gì. Thi nhóm Sang Độc đã giải tán. Tình yêu như cơm nếp nát. Cách mạng như cơm nguội chang nước dưa khú. Tôi cần lên đồn điền Hớn Quản. Nhưng trước khi đi, vào một buổi chiều, tôi thong thả tới ngôi trường cũ, ngôi trường con gái, ngôi trường nằm bên đường Le Grand de la Liraye đã đổi thành đường Phan Thanh Giản. Không chờ đôi một tà áo nào cả mà đóng vai trò quan sát viên. Tôi thấy buổi chiều vàng của tôi. Dưới những gốc cây quanh trường, không còn tôi, không còn Nhân, còn Quỳnh, còn Thủy nữa mà chỉ còn những hình ảnh của tuổi vừa lớn của chúng tôi. Những người đang đứng dưới những gốc cây trước và gần ngôi trường con gái đều là những người tuổi vừa lớn, vừa biết đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư. Họ đứng đó. Khói thuốc vàng ngón tay. Hồn thả trông mộng, mộng lẩn vào thơ. Không có thực tại ở thời gian và không gian này. Đừng cấm họ mơ mộng. Họ sẽ trở về thực tại khi hành lý đầu đời đã no tròn kỹ niệm. Họ ngớ ngẩn, khù khờ, lố bịch chẳng ra cái thể thống gì cả. Bởi vì, họ vừa lớn; Họ đem sự ngớ ngẩn, lố bịch vào tình yêu, tình yêu rất thơ và rất buồn cười. Tôi thương họ, tôi yêu thương tuổi trẻ biết mộng mơ. Thiếu mộng mơ tuổi trẻ sẽ tàn nhẫn lắm. Gốc cây kia, tôi đã đứng. Chẳng có gì làm cho tôi phải xấu hổ. Niềm vui nhẹ nhàng và nỗi buồn man mác. Tình yêu học trò là tình yêu phù du, là những cơn mưa bóng mây; là một kỹ niệm buồn cười đáng ghi nhớ.
Cơn mưa đã tạnh. Trời lại xanh như trời đã xanh. Tôi vào đời với gói hành lý bọc kín bằng một tà áo tiểu thư. Tà áo mãi mãi thơm như tuổi trẻ và tình yêu.
18/10/1971
Duyên Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...