Bầy sư tử lãng mạn 2
7. Như tất cả công an chìm làm công tác tình báo truy lùng, săn đuổi bọn chống phá cách mạng do CIA gài lại Sài Gòn, anh mặc áo sơ mi trắng, quần màu xám tro may tại Sài Gòn. Anh là người Sài gòn, còn trẻ, khoảng 19, 20 tuổi. Không ai nghĩ anh từ rú về. Người ta đoán chắc anh đã hoạt động trong vùng địch và nhiệm vụ của anh khá quan trọng. Vì anh đeo khẩu K54 sau lưng, loại súng ngắn dành riêng cho cấp chỉ huy. Cái nón cối trên đầu, túi xà cột da đen máng vai, đôi giép râu dưới chân, người công an K3 lái chiếc Honda 90 đến phường 2, quận 4 bên Khánh Hội.
Người trưởng đồn công an phường 2 đứng dậy, dơ tay chào. Anh
rút tấm thẻ hành sự đưa cho người trưởng đồn.
- Đồng chí cần chúng tôi giúp việc gì? Người trưởng đồn hỏi.
- Người các đồng chí bắt sáng sớm nay còn ở đây không? Anh hỏi.
- Thưa đồng chí còn.
- Hoàn tất hồ sơ của hắn chưa?
- Dạ, rồi ạ!
- Báo cáo lên quận chưa?
- Thưa chưa.
- Lên Sở chưa?
- Chưa. Thưa đồng chí, khai thác thêm, chúng tôi sẽ dẫn nó
lên quận với hồ sơ và quận sẽ báo cáo lên Sở.
- Anh công an K3 thở phào nhẹ nhõm:
- Tôi muốn xem hồ sơ.
Người trưởng đồn tưởng thộp được tên gián điệp, mừng ra mặt.
Y ngỡ mình sắp được biểu dương. Y trịnh trọng lấy từ ngăn keo bàn ra một tập hồ
sơ đựng trong tấm bìa đỏ. Người công an K3 xem xong, mỉm cười:
- Dẫn hắn ra đây!
Trưởng đồn sai thuộc hạ. Can phạm vừa ở phòng nhốt dưới nhà
đi lên, người công an K3 đã vụt đứng dậy, bắt tay vồn vã và hỏi:
- Đau không?
- Sắp ốm đòn.
Người trưởng đồn công an ngơ ngác. Cả công an phường ngơ
ngác. Người công an K3 nói:
- Người của ta. Các đồng chí bắt lầm. “Can phạm” muốn thử tài
các đồng chí. Sở sợ các đồng chí mạnh tay nên chỉ thị tôi đến lãnh ra gấp.
Trưởng đồn tỏ vẻ lo sợ. Người công an K3 trấn an:
- Nội vụ kể như không có. Tôi đốt hồ sơ nhé!
Người công an K3 châm lửa đốt hồ sơ. Anh bình tĩnh ngồi nhìn
ngọn lửa thiêu hết lý lịch của can phạm rồi mới bắt tay người trưởng đồn:
- Sẽ gặp lại đồng chí. Có dịp lên Sở, ghé văn phòng tôi nhé!
Người trưởng đồn công an phường 2 niềm nở:
- Vâng, mong gặp lại đồng chí.
Trưởng đồn tiễn hai đồng chí của mình ra tận đường. Y líu ríu
quên xin lỗi sự bắt lầm, đánh lầm đồng chí. Honda 90 rồ máy. Nó phóng ra đường
Trịnh Minh Thế rồi hướng về phía Cầu Quay. Đến chợ trời Hàm Nghi, xe rẽ vô con
hẻm nhỏ. Lát sau, hai người tuổi trẻ đã có thể chuyện trò.
- Thẻ hành sự của mày đâu?
- Bị móc túi mất chiều qua.
- Bỏ mẹ. Đồ dỏm để mất phiền lắm. Lọt vào tay công an, nó điều
tra là vở ổ.
- Tại sao mày biết tao bị vồ?
- Thằng Tài loan báo. Nó thấy công an phường vồ mày ở quán bà
Tư. Mày cứ ngồi ì một nơi, đúng giờ giấc, nó nghi là đúng. Bây giờ mày phải né
miệt Khánh Hội. Mỗi lần “cứu bồ” là mỗi lần tim tao muốn phóng ra khỏi lồng ngực.
- Mày bình tĩnh ghê.
- Không bình tĩnh nó nghi là… lúa! Tui công an ngày càng cáo.
Mai mốt nó thay thế hết Bắc kỳ thì gián điệp màn ảnh cũng thua luôn. Mày nghỉ
ngơi xoa bóp đi, tao dzọt đây.
Chiếc Honda 90 đã lăn bánh trên đường phố Sài gòn. Người lái
xe là cậu Nguyễn Khánh Long. Bỏ túi xà cột, bỏ súng, bỏ giép râu, bỏ nón cối, cậu
trẻ măng, khác lạ đến nỗi nếu gã trưởng đồn công an phường 2 quận 4 gặp cậu đi
bộ cũng sẽ khó lòng nhận ra cậu. Mười bảy tuổi, học sinh trường Nguyễn Trãi, nhờ
to xác và cao, lại mang dáng dấp nông dân nên cậu già dặn hơn tuổi của cậu và mọi
người đều tưởng cậu phải cỡ hai mươi. Gia đình Nguyễn Khánh Long ở Phú Xuân,
Nhà Bè. Cha mẹ cậu làm ruộng. Từ lớp 6, cậu thi vào trường Nguyễn Trãi, đạp xe
từ Phú Xuân lên Khánh Hội mỗi ngày. Anh cả của Nguyễn Khánh Long đi kháng chiến
khi cậu chưa ra đời. Lớn lên, nghe cha kể Thanh niên tiền phong đánh thực dân
Pháp bằng gậy tầm vông ở Sài Gòn, cậu thích lắm. Cậu hình tưởng anh trai cậu,
18 tuổi, tham dự các trận Cầu Quay chống liên quân Anh Pháp Ấn, trận Rạch Đỉa,
Bình Xuyên… A,một thời hào hùng của tuổi trẻ đi làm lịch sử. Cậu rất tiếc mình
không trưởng thành trong tiếng súng Nam bộ. Cậu ao ước có ngày gặp gỡ anh Hai.
Và, như cha mẹ cậu, như họ hàng cậu, như những người miền Nam chân thật còn nhấp
nhổm hào quang kháng chiến, cậu vọng tưởng xa xôi, cậu mong Mỹ sớm cút, Ngụy sớm
nhào.
Mỹ đã cút năm 1972. Ngụy đã nhào năm 1975. 30 tháng 4 là ngày
vui ở gia đình Nguyễn Khánh Long. Cậu chờ anh Hai cậu về. Tháng 5. Tháng 6.
Tháng 7, một người anh họ của cậu về. Người này tập kết ra Bắc năm 1954 cùng
anh Hai của Nguyễn Khánh Long. Anh ta xâm nhập miền Nam năm 1966 và hoạt động ở
cục R. Anh ta là cán bộ cấp cao của ngành công an tình báo.
- Anh Hai tôi không về được.
Nguyễn Khánh Long kể chuyện với một người tù ở phòng 3 khu C1
đề lao Gia Định.
- Tại sao? Người tù hỏi.
- Anh họ tôi bảo anh tôi không có đường về, không bao giờ có
đường về nữa. Anh tôi đã ly khai hàng ngũ tập kết, chống lại đảng và nhà nước từ
năm 1958. Hiện nay, anh tôi đang chiến đấu ở miền thượng du Bắc bộ và được đồng
bào sơn cước nuôi dưỡng. Anh tôi đã muốn về từ năm 1958, bây giờ, anh tôi còn
muốn về. Anh tôi phải chiến đấu để về. Anh tôi bị lừa gạt niềm tin. Anh tôi trở
thành kẻ thù của đảng và nhân dân! Anh họ tôi nói thế.
- Rồi sao nữa?
- Rồi tôi cũng bị lừa gạt niềm tin. Cả nhà tôi bị lừa gạt niềm
tin. Cả nước bị lừa gạt niềm tin.
- Và đó là lý do em chiến đấu?
- Vâng. Tôi chiến đấu để có đường cho anh tôi vê, cho nhiều
người về.
- Em khai với công an như thế?
- Vâng. Có sợ gì mà không khai sự thật. Mình người đàng hoàng
mà, anh!
- Công an tỏ thái độ gì khi nghe em khai?
- Nó đánh tôi thừa sống thiếu chết ở quận Nhà Bè. Nó đưa tôi
lên Sở Công An thành phố, tống tôi vào cachot, còng tay treo tôi hai ngày đêm.
Rồi nó bịt mắt dẫn tôi tới đề lao Gia Định. Tôi nằm cachot 11 tháng liền.
- Làm cách nào em có K54 và giấy giả?
- Tôi đã toan tính trước nên tôi lợi dụng lúc anh họ tôi ngủ,
tôi cuỗm cả súng lẫn túi đựng giấy tờ của y. Y là kẻ thù của anh tôi, của tôi,
chưa giết y là phúc cho y rồi. Cuỗm xong, tôi chuồn luôn, không về nhà nữa. Tôi
sang Sài Gòn sống với bạn. Chúng tôi tổ chức Phục Quốc. Nhóm tôi có thằng khắc
con dấu tài tình, có thằng mạo chữ ký thật giỏi, có thằng làm nghề in. Chúng
tôi in thẻ hành sự của công an tình báo, thẻ đảng viên, giấy công tác và thẻ phục
quốc. Chúng tôi còn định in bạc giả nữa.
- Tổ chức của em đã hoạt động những gì?
- In truyền đơn tố cáo sự lừa bịp của cọng sản, rải khắp Sài
Gòn.
- Gì nữa?
- Chúng tôi mặc quần ao công an, xông vào trụ sở phường khóm,
đốt hết hồ sơ, tài liệu của chúng nó. Chúng tôi rình bộ đội, công an đi lẻ phố
vắng, cướp súng và đánh chúng ngã gục. Nếu cướp được nhiều súng đạn, chúng tôi
sẽ tấn công Sở Công An.
Người tù vấn cho Nguyễn Khánh Long một điếu thuốc rê Vĩnh Hảo.
Dựa lưng vào tường, Long nhả khói thuốc nhớ những thằng bạn sống chết của mình
chẳng biết trôi giạt đến nhà tù nào. Thằng thứ nhất có cái tên nghe đã… huy
hoàng: Nguyễn Chiến Thắng. Biệt tài của thằng này là nghiên cứu chữ ký trên giấy
tờ thật rồi ký trên giấy tờ giả y như thật. Nó đã ký hàng trăm chữ ký của Cao
Minh Chiếm giúp các sĩ quan trốn học tập có giấy tờ học tập ba ngày của lính để
tạm dung chờ vượt biên. Bực nỗi bố di tản bỏ lại gia đình, công an tịch thu nhà
nó làm trụ sở, đổi cho mẹ con nó căn nhà nhỏ xíu trong hẻm, nó hận thù cọng sản
và theo Nguyễn Khánh Long. Theo rồi nó mê say. Nó trách bố nó đánh giặc dở, bị
đuổi chạy văng cả vợ con. Nó chán ngán cảnh sống tạm bợ không ngày mai. Lý tưởng
đánh cộng sản hợp với nó. Và nó nhập cuộc. Nó luôn luôn đi đầu mỗi vụ cướp súng
đạn. Nó khoái chơi tiêu trụ sở công an đồn trú nhà nó. Nguyễn Chiến Thắng bị
công an quận 3 đánh gãy hai răng, vẫn ngậm miệng chịu đòn. Thằng thứ hai là Lê
văn Chí. Miệng nó loe ra như miệng loa nên có hỗn danh là Chí loa. Bố nó có cái
nhà in nhỏ ở quận 2. Nhà in đã bị kiểm kê, chờ tịch thu hoặc vào công ty quốc
doanh. Anh nó đi cải tạo rồi. Chưa có tin tức về. Bố nó bảo anh nó muôn năm ở
trại tập trung thôi vì anh nó là sĩ quan chiến tranh chính trị. Chí loa có một
tương lai đầy hứa hẹn. Đậu tú tài xong, nó sẽ du học bên Mỹ về ngành ấn loát. Tốt
nghiệp, nó sẽ về nước khuếch trương nghề in tồi tàn, sẽ xuất bản sách báo. Nó
ôm mộng làm báo. Giai phẩm cuối năm của lớp do Chí loa viết, trình bày, sắp chữ
và in một mình. Cuộc đời thay đổi cái rụp, mộng của Chí loa tan tành. Nó cay lắm,
cay đủ thứ. Được Nguyễn Khánh Long “kết nạp”, nó nhận lời ngay. Nó muốn tạo dựng
cuộc đời khác, nơi đó, ước mơ của nó không dang dở. Chí loa bí mật in thẻ, in
truyền đơn. Khi nó bị bắt, công an tịch thu luôn nhà in của bố nó và bắt cả bố
nó nữa. Thằng thứ ba là Phạm Tài, rất mả về nghề khắc dấu. Nó và Nguyễn Chiến
Thắng là cặp bài trùng. Dấu đúng mà chữ ký không đúng là vất đi. Tài bị đuổi khỏi
trường. Bố nó làm chức lớn trong ngành cảnh sát đặc biệt, bị bắt ngay đêm 30-4.
Tự nhiên người ta dồn Tài vào con đường chống đối. Và nó đã chống đối. Nó bị bắt
cùng với Nguyễn Chiến Thắng.
Bốn đứa: Nguyễn Khánh Long, Nguyễn Chiến Thắng, Lê văn Chí,
Phạm Tài là bốn cái đầu của một tổ chức Phục Quốc. Bốn cái đầu chui vào tù hết,
mỗi cái một nhà lao. Tới nay, hơn một năm rồi, bốn đứa chưa hề trông thấy mặt
nhau. Nguyễn Khánh Long dập điếu thuốc. Cậu nhìn người tù lớn tuổi:
- Anh nghĩ gì về chúng tôi?
Người tù cười:
- Nghĩ gì? Với các em, tôi lạc hậu rồi. Một người lạc hậu thì
không có quyền nghĩ gì cả.
- Nếu anh bằng tuổi tôi?
- Tôi sẽ theo em.
- Anh nói thật chứ?
- Thật.
- Anh muốn nghe chuyện tôi nữa không?
- Muốn quá.
- Tôi không biết kể, anh hỏi tôi trả lời nhé!
- Ừ.
- Anh hỏi đi!
- Tại sao em bị công an Nhà Bè đánh? Em bỏ nhà đi hoạt động rồi
mà.
- Thằng anh họ tôi lấy tôi từ quận Tân Bình về. Hình ảnh, lý
lịch tôi nó gởi cùng khắp các quận, phường. Nó đánh tôi kỹ nhất. Nó đánh tôi một
trận đoạn tình nghĩa.
- Tại sao bị bắt ở Tân Bình?
- Tôi đi cứu một thằng trong nhóm. Nó khai tùm lum, tôi bị
dính liền. Kế đó, ba đứa thân thiết của tôi dính. Rồi cả lũ. Anh thấy chưa,
chúng tôi hăng saynhưng khù khờ dễ sợ.
- Khi em bỏ nhà ra đi, em có nghĩ rằng em chiến đấu cô đơn
không?
- Còn ai dám chiến đấu nữa mà mình không cô đơn. Nhưng vào tù
thì hết cô đơn.
- Tại sao?
- Vì gặp nhiều người giống mình. Anh thừa biết, tội phản động
rặt bọn nhóc chúng tôi. Người lớn toàn tội cũ kỹ, tội vượt biên, tội trốn cải tạo,
tội tư sản mại bản…
- Nếu họ thả em ra, em làm gì?
- Đó là vấn đề.
- Vấn đề?
- Phải. Nó quản lý tôi chặt chẽ, tôi hết cục cựa. Nó tống tôi
vào thanh niên xung phong, tôi phải theo nó. Tôi sẽ buồn lắm. Vì thế, tôi rất sợ
nó thả tôi. Tôi mong nó sớm cho tôi đi lao cải thật xa. Tôi không thể về bây giờ.
Về bây giờ quê chết. Tôi thà ở tù suốt đời hoặc là về vinh quang. Họ hàng tôi đầy
dẫy cách mạng, giải phóng, tôi không về để chúng nó chế nhạo tôi. Tôi muốn về để
dẹp chúng nó.
Người tù vấn cho Nguyễn Khánh Long điếu thuốc rê thứ hai. Anh
ta quẹt diêm cho Long mồi thuốc. Rồi anh pha nước chanh mời Nguyễn Khánh Long uống.
- Lần đầu tiên tôi biết một người tù không muốn về. Tôi rất xấu
hổ vì tuổi trẻ ngày qua của tôi rỗng tuếch. Em đã nhìn rõ, rất nhiều thằng tù nằm
thở dài suốt tháng, suốt năm. Ngày thăm nuôi, gọi tên nó có quà, mắt nó sáng rực,
nó chạy nhảy loăng quăng. Quà vào, nó lục tung khoe khoang, ngồi ăn ngấu ăn
nghiến, khinh bỉ người không ai thăm nuôi. Những thằng ấy thèm được tha lắm. Và
ra ngoài chúng sẽ nói phét đã từng làm anh hùng trong tù và chửi người này hèn,
người kia ăng ten. Em nhận xét đúng, tội của chúng nó đâu được phép phán xét
ai. Tôi thành thật quý trọng em. Tôi nghĩ, với tâm hồn em, em sẽ về vinh quang.
Nhưng mà cuộc chiến đấu còn dài lắm, còn gay go lắm. Nếu bốn mươi năm nữa mới
có vinh quang, liệu em dám chờ để về không?
Nguyễn Khánh Long dốc cạn ca nước chanh, đáp ngọt:
- Tôi chống gậy trở về.
- Nhỡ ngày mai có vinh quang, trở về em làm gì?
- Đi học.
- Không ra ứng cử dân biểu, nghị sĩ à?
- Thứ đó không phải mục đích của tôi.
Những người tuổi trẻ của thế hệ biết đau niềm đau bị lừa gạt
niềm tin đều không ham quyền bính. Họ hiểu lúc nào họ cần tiêu pha nhiệt tình của
họ và tiêu pha cho mục đích gì. Sự liều lĩnh, gan dạ của Nguyễn Khánh Long khác
hẳn sự liều lĩnh của những tay giang hồ đâm thuê chém mướn. Đó là cung cách
hành hiệp của hiệp sĩ, không phải dễ tìm thấy, dễ nhận ra. Thời đại nào cũng đầy
dẫy đạo tặc và hiếm hoi hiệp sĩ. Giá trị tột đỉnh của người hiệp sĩ là hành hiệp
trong cô đơn, là tuốt gươm dưới nắng, dưới trăng, rồi đi vào hiu quạnh. Đạo tặc
thì ồn ào và chỉ rình tung ám khí trong bóng tối để ra ánh sáng vênh vang. Rất
dễ phân biệt hành động của hiệp sĩ và đạo tặc, của người công chính và bọn giả
hình. Nguyễn Khánh Long, Nguyễn Chiến Thắng, Lê văn Chí, Phạm Tài là những hiệp
sĩ. Họ đã tuốt gươm, đã mua cho sự cần thiết của người khác trong gian nan, khốn
khổ. Khi ấy, quần hào đã tan rã, cao thủ đã phong kiếm quy ẩn và đám ma giáo chạy
trốn tới một nơi chốn mà kẻ thù không thể tìm kiếm, huênh hoang thách thức!
Người tù lớn tuổi vỗ vai Nguyễn Khánh Long, thân mật:
- Lịch sử này của các em, đất nước này của các em, hãy làm lại
bằng tâm hồn ngọc của các em.
Nguyễn Khánh Long mỉm cười, luôn luôn mỉm cười:
- Anh nói cao xa quá, chúng tôi đâu có nghĩ ghê gớm thế,
chúng tôi bình thường thôi.
Người tù lớn tuổi nói:
- Những người tưởng mình bình thường đều đã làm nên những việc
phi thường. Bọn tưởng mình phi thường thì chỉ làm nên những việc tầm thường.
Nguyễn Khánh Long im lặng. Cậu thả hồn theo khói thuốc rê.
Khói thuốc dẫn cậu bay ra miền thượng du Bắc bộ. Nơi ấy, anh cậu đang tìm một lối
về, một lối về đầy ắp ước mơ của đầu đời chiến đấu. Khói thuốc dẫn cậu trở lại
một xóm quê Nhà Bè. Nơi ấy, cha mẹ cậu đang đợi hai đứa con cùng về. Rồi cậu sống
với hiện tại, hiện tại của đề lao Gia Định, của cái vẻ bệ rạc trong cảnh đời xã
hội chủ nghĩa âm u bao trùm khắp quê hương. Tuần lễ trước, công an chấp pháp gọi
cậu ra làm việc. Nó dọ dẫm sự diễn biến của tâm hồn cậu. Nó tuyệt vọng vì tâm hồn
cậu càng ngày càng khởi sắc. Người hiệp sĩ không bao giờ phải ăn năn sám hối.
Người hiệp sĩ chỉ buồn vì chưa diệt hết đạo tặc cho đời sống mà đã bị trói tay.
Nguyễn Khánh Long nhớ lời dọa dẫm của công an chấp pháp: “Anh thì cứ nằm đây,
20 năm nữa hãy tính chuyện về”. Cậu lẩm nhẩm: Ừ, 20 năm, có sao đâu.
Và, cậu cười…
8
Bản tự khai ngắn nhất của Lương Việt Cương.
Sơ yếu lý lịch
Họ và tên: Lương Việt Cương
Sinh năm: 1945
Sinh quán: miền Bắc Việt Nam
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: miền Nam Việt Nam
Nghề nghiệp: Dạy học
Bị bắt ngày: 6-11-1975
Can tội: Yêu tự do, dân chủ.
Từ năm 10 tuổi trở lại, tôi còn bé không biết gì cả. Từ 10 tuổi
đến 18 tuổi, tôi vẫn chưa biết gì cả. Từ 18 tuổi trở lên tôi biết nhiều thứ và
chống nhiều thứ. Tôi chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm; tôi chống bọn tướng
lãnh quân phiệt; tôi chống chế độ độc tài Nguyễn văn Thiệu; tôi chống bất công,
tham nhũng, áp bức, bóc lột và mọi cơ cấu bịp bợm của chính sách Mỹ và lũ tay
sai. Tôi chống chiến tranh, bọn thụ hưởng chiến tranh và bọn làm giàu nhờ chiến
tranh. Bây giờ, tôi chống Cộng sản vì yêu tự do, dân chủ và vì tất cả những gì
mà tôi chống trước đây.
Đề lao Gia Định, 10-1-1976
Lương Việt Cương
Người công an chấp pháp cầm bản tự khai của Lương Việt Cương
nhét vào trong tờ bìa đỏ sau khi đọc xong. Ông ta nhìn tên phản động đối diện
mình như muốn ăn tươi nuốt sống. Tên phản động tỉnh bơ vấn thuốc rê đốt, hít,
nhả khói khét lẹt căn phòng làm việc nhỏ bé ở khu A. Hắn có khuôn mặt hao hao
Nguyễn Khánh. Đương đầu với cán bộ chấp pháp, hắn vừa kiêu ngạo, vừa xấc xược.
Thái độ của hắn lộ rõ rệt vẻ khiêu khích. Thái độ ấy bắt nguồn từ lòng khinh bỉ
kẻ chiến thắng của dân Sài gòn. Trước ngày sang trang lịch sử phản phúc, người
Mỹ đã đánh bóng cộng sản quá kỹ và dọa dân miền Nam quá nhiều. Rốt cuộc, nhìn
rõ Cộng sản, người ta thấy nó chẳng đáng gì. Và người ta khinh bỉ nó. Người ta
khinh bỉ nó ngoài đời. Người ta còn khinh bỉ nó ở trong tù, khi nằm xó tối
cachot, tay chân bị nó siết còng.
Vung trái đấm đập bàn cho hả giận, người công an chấp pháp
rít qua kẽ răng:
- Anh ngồi làm việc cho nghiêm túc!
Tên phản động liệng điếu thuốc, dùng chân dí mạnh rồi ngẩng mặt
nhìn thẳng vào quyền uy của chế độ:
- Tôi đã báo cáo anh rồi, mông tôi đầy mụn ghẻ mủ, tôi không
thể ngồi ngay ngắn được.
- Ngồi ngay ngắn. Anh nhớ rằng anh đang làm việc với người đại
diện của đảng, nhà nước và nhân dân.
- Đồng ý. Nếu đảng của anh hẹp hòi với cả những mụn ghẻ mủ
thì tôi ngồi ngay ngắn. Sự đau đớn ở hai cái mông tôi đánh giá lương tri của chủ
nghĩa.
- Tôi cấm anh nói cái giọng điệu đó, giọng điệu của bọn phản
động cộng lưu manh.
- Vậy tôi không làm việc với anh.
- Anh tưởng anh ngoan cố nổi mãi à?
- Không ngoan cố gì cả, tôi muốn làm việc với người có học,
anh vô học, anh thù hằn cả mụn ghẻ! Anh cứ yên tâm, chế độ của anh cho can phạm
cái quyền khiếu nại. Điều này không có nghĩa là chế độ dân chủ đâu mà để kiểm
soát xem anh có hối lộ can phạm không, có thi hành sai chính sách không. Tôi sẽ
không khiếu nại mà chỉ hỏi cấp lãnh đạo của anh để biết mụn ghẻ mủ có phải là
tù nhân tư tưởng, tù nhân chủ nghĩa, tù nhân giai cấp.
Người công an chấp pháp bỏ ra khỏi phòng. Ông ta khép cửa sổ,
cửa ra vào kín mít. Một mình Lương Việt Cương ngồi trên ghế gỗ bên trong. Tên
phản động trán cao, mắt ốc nhồi thừa hiểu, bên ngoài, mấy thằng công an quản
giáo đang canh chừng mình. Đã có chủ ý, tên phản động không thèm đứng dậy,
không thèm thay đổi tư thế ngồi liền liền như có mặt công an chấp pháp. Hắn ngồi
ngay ngắn, ngồi nghiêm túc. Thoạt đầu, hai mông hắn đau buốt. Dần dần bớt đau
vì những mụn ghẻ mủ đã vỡ. Mủ thấm ướt quần và dính lớp nhớp lên mặt ghế, lên bộ
mặt của chủ nghĩa Cộng sản. Tên phản động Lương Việt Cương đã chế ngự được nỗi
đau tầm thường. Hắn cảm giác thoải mái và vấn thuốc hút lia lịa. Lần đầu tiên,
từ ngày bị bắt, chấp pháp gọi hắn ra làm việc. Người ta nhốt hắn ở cachot số lẻ
sở Công An thành phố đúng hai tháng. Hắn bị còng chân bằng còng số 8 nhãn hiệu
USA. Nhờ bạn tù cachot “phổ biến” cách tự mở khóa, hắn đã dùng que diêm xin cai
ngục mồi thuốc lá để nậy chốt an toàn và có những đêm ngủ chân không. Bạn tù
cachot, đêm khuya, tỉ tê với hắn rằng, đã tới sở Công An là không lo bị tra tấn.
“Nó chỉ tra tấn đầu óc mình thôi”. Ngày 6 tháng 1 năm 1976, hắn rời quán trọ sở
Công An sang khách sạn Đề Lao Gia Định. Hắn chớm ghẻ ở cachot sở Công An, qua
đây ba ngày thì ghẻ mủ bộc phát nhanh chóng. Khắp mông, khắp đùi toàn những mụn
vàng đầu đen. Hôm nay, hắn ra khỏi cachot khu A đi làm việc.
Ở đề lao Gia Định, không một tù nhân nào bị tra tấn bằng đòn
công an, cảnh sát cổ điển cả. Nhưng có những thứ còng siết vào cánh tay tính từng
giây. Đến giây thứ 50 thì chết. Thường, tới giây thứ 20, can phạm đã gật đầu hứa
khai hết sự thật. Đòn tra tấn này dành cho những can phạm lý lịch mơ hồ. Khách
hàng của đòn này đa số là nhân viên tình báo không hề ký tên thật trong sổ
lương của Tổng Nha Cảnh Sát, của Trung Ương Tình Báo và tàn quân bắt được trong
rừng. Những kiểu còng treo người hàng tháng, ở đề lao Gia Định không hiếm. So với
khám Chí Hòa, đề lao Gia Định “lý tưởng” gấp bội. Công an chấp pháp không đánh
đập can phạm lúc hỏi cung. Can phạm có quyền khước từ khai báo và có quyền xin
làm việc với chấp pháp khác. Đã không ai dám khước từ hoặc bướng bỉnh với chấp
pháp, trừ những cô cậu sinh viên, học sinh của Sài Gòn can tội phản động và trở
thành khách hàng “đắt giá” của khách sạn Đề Lao số 4 đường Phan Đăng Lưu, Gia Định.
Tên phản động Lương Việt Cương không sợ bị tra tấn. Hắn đã nếm đòn của mật vụ
Dương văn Hiếu, của cảnh sát Mai Hữu Xuân, của cảnh sát đặc biệt các triều đại
Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn văn Thiệu. Hắn đã rắc cơ man là kỷ niệm trong các nhà tù
việt nam qua các chế độ. Bây giờ, hắn ngồi đây, ngồi làm tan những mụn ghẻ mủ
nhớp nhúa trên khuôn mặt của chủ nghĩa ưu việt nhất loài người!
Người công an chấp pháp đã trở lại. Cửa sổ mở tung. Ông ta
nhìn tên phản động ngồi nghiêm túc, mỉm cười tự mãn:
- Vậy là chúng ta làm việc được rồi.
Tên phản động lắc đầu:
- Không, tôi không thích làm việc với anh.
- Tại sao?
- Vì anh không đủ tư cách làm việc với tôi.
- Anh biết chấp pháp là gì không?
- Biết. Chấp pháp là “thần tượng” của tù nhân, tha hay nhốt
là do chấp pháp. Ở tù lâu hay về sớm là do chấp pháp. Nhưng chấp pháp của ăn trộm,
ăn cắp, lường gạt thôi. Đã không có chấp pháp của tôi. Tôi hả, người có thể tha
tôi, có đủ tư cách tha tôi chỉ là sự giải thoát dân tộc toàn diện sắp bùng nổ.
- Khi ấy anh ở đâu?
- Ở nhà tôi với vợ tôi, với bạn bè tôi hoặc tôi ở dưới mộ.
- Được, anh thích xuống mộ thì anh sẽ xuống mộ. Anh tạm về biệt
giam suy nghĩ thêm.
Lương Việt Cương từ từ đứng dậy. Hắn nghe rõ một thứ âm thanh
như âm thanh băng keo scotch lột ra khỏi thùng carton. Hắn nhìn người công an
chấp pháp, chỉ tay vào mặt ghế:
- Đó, cái đó cũng là một dấu ấn của thời đại mà con người thù
hằn cả mụn ghẻ.
Lương Việt Cương theo tên công an quản giáo về cachot. Hắn được
hưởng chế độ còng rất hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tên phản động nằm dài, hai
chân luồn vào hai khoen còng có móc luồn ra ngoài tường cachot. Hai gót chân hắn
chạm sát tường bên trong. Người ta khóa phía ngoài. Với kiểu còng cộng sản, tên
phản động đành nằm trên bục xi măng suốt ngày đêm, không trở mình cũng không ngồi
dậy được. Hai bữa cơm, người ta mở còng cho hắn ăn uống, đi ỉa, đi đái vào cái
thùng đạn đại liên Mỹ khoảng mười lăm phút mỗi lần. Không có ống nước dẫn vào
cachot loại nhốt thứ bất trị nên không có tắm rửa. Không có luôn thuốc ghẻ lở.
Không có gì cả. Lương Việt Cương bị đầy đọa, bị hình phạt của thù hận của chủ
nghĩa biến thành một con chó ghẻ lở nhầy nhụa máu mủ tanh tưởi trên bục xi măng
nhà tù cách mạng, nơi mà không ai dám đòi “cải thiện chế độ lao tù”, không ai
dám ví nó với chuồng cọp Côn Sơn. Nơi ấy, bút mực của bọn nhà báo Mỹ diễn tả
như một lớp học phục hồi phẩm cách làm người. Nơi ấy, thiên kiến và sự khờ khạo
của thế giới đã giết chết lương tri của họ. Nhưng, nơi ấy, một người Việt Nam
vì chiến đấu cho quyền sống con người, cho tự do, dân chủ đang can đảm chịu đựng
âm thầm và kiêu hãnh. Cái gì sẽ nở rộ từ máu mủ khô quánh đũng quần người tù
nhân tư tưởng việt nam? Chưa ai biết. Chắc chắn, sự can đảm chịu đựng trong cô
đơn của anh ta đã định nghĩa con người và phẩm cách của nó.
Hai tuần lễ sau, người ta mở còng cho Lương Việt Cương, dẫn hắn
đi tắm gội, liệng cho hắn cục xà phòng và bộ quần áo tù màu cháo lòng. Người ta
đưa thuốc ghẻ cho hắn bôi, cho hắn uống. Rồi người ta làm việc với hắn bằng
cung cách mới. Công an chấp pháp già dặn hơn, nhã nhặn hơn, nồng nhiệt hơn.
- Anh bớt ghẻ chưa?
Người chấp pháp ân cần hỏi. Ông ta đặt gói thuốc Phù Đổng và
hộp diêm Thống Nhất trên bàn, khẽ đẩy sát phía Lương Việt Cương.
- Anh hút thuốc đi. Tôi đã nhờ quản giáo pha cà phê mời anh.
Ông ta cầm lại gói thuốc, tự tay bóc, chiêu đãi tên phản động:
- Mời anh. Xin lỗi nhé, tôi không biết hút thuốc! Tôi nghĩ đến
anh nên mua thuốc biếu anh.
Tên quản giáo bưng hai ly cà phê vào.
- Uống đi cho tỉnh táo, anh Cương.
Lương Việt Cương nhìn người chấp pháp mới, mỉm cười:
- Cám ơn anh.
Rồi hắn thản nhiên nhấm nháp cà phê “cho tỉnh táo” và nhả
khói thuốc thơm Phù Đổng.
- Lát nữa, anh chuyển sang biệt giam khu C1. Anh ghẻ lở, nên ở
biệt giam cho mau khỏi. Tôi đã ra lệnh rồi, mai quản giáo dẫn anh đi cắt tóc, cạo
râu. Anh được hưởng tiêu chuẩn bồi dưỡng. Anh sẽ được viết thư, nhận thư và được
thăm nuôi. Anh có gì cần hỏi không?
- Không.
- Vậy uống cạn cà phê đi, rồi về chuyển phòng nghỉ ngơi.
Người ta tặng Lương Việt Cương gói thuốc, hộp diêm, chuyển
cachot và không còng chân tay hắn nữa. Cachot C1 rộng rãi, thoáng mát. Người ta
đang lắp ống nước. Hiện thời, mỗi ngày, người ta đưa vòi nước qua ô cửa cachot
hai lần để tù biệt giam tắm giặt, xối cầu tiêu. Khi Lương Việt Cương hết ghẻ lở,
hắn đi làm việc liên miên, làm việc phờ phạc. Hoạt động của Cương, Cương khai hết,
không thiếu sót một chi tiết nào. Bạn bè của Cương đã bị bắt trọn ổ, cần gì phải
dấu diếm. Mà cũng khó dấu diếm. Và nữa, chiến đấu cho tự do, dân chủ là việc
làm quang minh chính đại, không cần dấu diếm. Vấn đề đặt ra cho Lương Việt
Cương như đặt ra cho tuổi trẻ Sài Gòn lại không phải là sự khai báo thành thật
mà ở sự thành thật nhận lỗi và hứa ăn năn sám hối tội lỗi. Với Cộng sản, có lẽ,
họ nghĩ rằng, những phong trào, những tổ chức chống đối họ không mấy quan trọng,
không thể lay chuyển nổi chế độ của họ. Nhưng họ kiêu ngạo, họ muốn tận diệt
lòng tự phụ của tuổi trẻ, họ muốn tuổi trẻ ăn năn sám hối và nhận từ họ sự
khoan dung, độ lượng. Đã nhận sự tha thứ của kẻ thù thì hết tự phụ, thì chỉ còn
là gục mặt cam đành mãn kiếp và hứng đủ sự khinh bỉ của kẻ thù. Do đó, sư tử
lãng mạn chọn lựa con đường như họ đã chọn lựa. Biết chiến đấu là biết ngẩng mặt.
- Anh nhất định không nhận tội?
Người chấp pháp thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy… đều
hỏi câu ấy.
- Không, tôi không có tội gì cả. – Lương Việt Cương trả lời.
- Ai đã làm gì anh mà anh chống đối?
- Ai đã làm gì chủ tịch hồ chí minh?
- Thực dân, phát xít, đế quốc đã dày xéo quê hương chúng ta.
- Với chúng tôi, bây giờ là Cộng sản.
- Câm cái miệng phản động hôi hám của anh lại.
- Vậy anh đừng nên hỏi tôi nữa.
Người ta không hỏi gì Lương Việt Cương nữa. Cộng sản không dại
gì ban phát cho kẻ thù tư tưởng một cái chết dễ dàng, êm ái. Họ để kẻ thù của họ
sống mà đếm nỗi chết từng ngày. Họ bắt kẻ thù của họ thèm chết, khao khát nỗi
chết. Lương Việt Cương bị nhốt vào phòng đặc biệt. Người ta buộc giây điện vào
hai ngón tay cái của hắn, đẩy hắn úp mặt sát tường. Người ta bảo hắn kiễng hai
chân lên. Người ta cột giây điện vô thanh sắt trần phòng. Lương Việt Cương đứng
kiễng chân, hai tay dơ cao. Nếu hắn để gót châm chạm đất cho đỡ nhức nhối mười
đầu ngón chân thì hai ngón tay cái của hắn đau buốt, chịu không thấu. Nếu hắn
rướn người thêm một chút cho hai ngón tay đỡ nhức nhối thì mười đầu ngón chân của
hắn đau buốt. Hắn đành bất động, tìm quên hình phạt thể xác bằng thiền đứng và
ước mơ. Không ai chịu nổi hình phạt này quá một tuần lễ. Lương Việt Cương đã chịu
nổi mười hai ngày đêm. Đừng hòng người Cộng sản ưu việt và đầy nhân cách cởi
giây cho anh ăn uống, ỉa đái. Một tù nhân khác cho anh ăn, uống. Miệng anh nốc
nước, chân anh vẫn kiễng. Răng anh nhai cơm hẩm, tay anh vẫn dơ cao. Anh đái, ỉa,
ngủ, chiêm bao, sợ hãi, đau đớn trong hình phạt. Hãy nghĩ anh ỉa đái lên hình
phạt. Và nếu hình phạt của thù hận oái oăm này là biểu tượng ưu việt của chủ
nghĩa Cộng sản, của chế độ xã hội chủ nghĩa thì anh đã ỉa đái lên nó. Anh ngờ vực
hình phạt và sự chịu đựng hình phạt của con người? Cứ tự do ngờ vực như cái thế
giới tự do của anh. Sắp đến lượt Cộng sản nước anh treo anh như nó đã treo
Lương Việt Cương. Anh cứ ngoảnh mặt đi. Có ngày anh sẽ tru tréo phân trần: Tôi
chẳng có tội gì, tôi chỉ tranh đấu cho nhân quyền. Thưa anh, đòi hỏi quyền làm
người, ở thế giới Cộng sản, là tội lỗi phải trừng phạt bằng cách buộc giây điện
vào hai đầu ngón tay, kiễng lên với mười đầu ngón chân và treo cao tay lên!
Người ta nghỉ chơi hình phạt này và cho Lương Việt Cương nghỉ
ngơi tĩnh dưỡng ít lâu. Rồi có trò chơi khác cho Lương Việt Cương. Khi các thứ
trò chơi của chủ nghĩa không làm Cương nhận tội, ăn năn sám hối tội lỗi, người
ta xếp Lương Việt Cương vào thành phần “không thể cải tạo”, người ta giả vờ
quên Cương. Hai năm sau, người ta gọi Lương Việt Cương ra làm việc. Người ta hỏi
Cương có muốn trở về xum họp gia đình không, Cương đáp không, không, không.
- Tại sao?
- Như tổ quốc tôi, thân thể tôi đầy sẹo Cộng sản.
Đó là lần làm việc cuối cùng của Lương Việt Cương, đại biểu của
tuổi trẻ việt nam có mặt trong mọi dấy động của đất nước. Những người viết lịch
sử sau này sẽ quên tên Lương Việt Cương, thày giáo dạy toán lý hóa. Điều đó chẳng
sao và cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Bởi vì sử gia của chúng ta đã chạy trốn hết.
Và họ đang viết những trang sử ca ngợi sự nghiệp giải thoát dân tộc của các ông
trùm công an, các ông cò đã đóng góp nhiều vào các cuộc đàn áp tuổi trẻ việt
nam. Hình như Lương Việt Cương chẳng thích ai biết về mình. 9
- Tại sao em chống đối quản giáo?
- Yêu cầu anh tôn trọng nội quy của trại!
- Thằng nhãi ranh hỗn láo, tao đáng tuổi bố mày mà mày dám gọi
tao là anh, hả?
- Tôi yêu cầu anh tôn trọng nội quy.
- Nội quy của can phạm, không áp dụng cho cán bộ.
- Anh cần tôi đọc không?
- Được, tao thua mày.
- Tù gọi cán bộ bằng anh xưng tôi. Cán gọi tù bằng anh xưng
tôi. Tù gọi tù bằng anh xưng tôi, bất kể già trẻ, lớn bé. Nội quy dán ở cửa
phòng, anh cần nghiên cứu. Cách mạng dạy sao, tôi học vậy. Tôi gọi cụ Diên 80
tuổi là anh Diên, cụ ấy không phản đối. Hay cụ ấy là tù yên phận, còn anh là
cán bộ anh hách xì xằng? Muốn gọi tôi là mày, xưng tao thì bảo cách mạng sửa lại
nội quy đi!
- À, gớm nhỉ?
- Chả gớm gì hết, đây chỉ triệt để thi hành nội quy.
- Tại sao chống quản giáo?
- Chống bao giờ?
- Ăn nói lễ độ.
- Anh trống không thì tôi cũng trống không!
- Tại sao… anh chống quản giáo?
- Tôi không chống, tôi không ăn cơm vì cơm đầy thóc.
- Anh còn nói gì?
- Tôi nói cách mạng nuôi tù tệ hơn nuôi gà.
- Anh sách động cả phòng không ăn cơm. Tuyệt thực, hả? Định
làm loạn hả?
- Tại sao anh đánh giá tôi cao tít trời xanh vậy? Nhãi ranh
mà sách động được người lớn à? Cách mạng sáng suốt, anh thì tối mò.
- Mày dám…
- Ê, yêu cầu áp dụng nội quy.
Cai ngục muốn bợp tai thằng nhãi ranh này quá. Mặt mũi thằng
nhãi câng câng, dễ ghét. Giá nó can tội móc túi thì nó đã ăn đòn rồi. Đàng này
nó lại là can phạm chính trị! Bợp nó, nó tru tréo lên phiền lắm. Rồi nó tố cáo
với chấp pháp là đàn áp nó, càng rắc rối. Cai ngục Bàng đành chịu lép vế. “Thằng
nhãi khốn nạn, mày nghiên cứu nội quy kỹ hơn cả bố mày”!
- Tôi cho anh hai tờ giấy, về phòng làm kiểm điểm.
Thằng nhãi nhún vai rất đểu:
- Không ăn cơm đầy thóc thì thôi, kiểm điểm cái gì?
- Không ăn là tuyệt thực.
- Tôi không tuyệt thực.
- Anh đã không ăn cơm.
- Tôi chỉ… nghỉ ăn thôi. Chiều nay, cơm còn thóc, tôi nghỉ ăn
nữa.
- Anh phải làm tự kiểm.
- Tôi không làm.
- Không làm là chống đối đảng và nhà nước.
- Ngon vậy à? Anh xác nhận tôi chống đảng à?
Cai ngục nghiến răng, đập bàn cái rầm :
- Thôi, cút về phòng!
Thằng nhãi cười :
- Về thì về. Khi không gọi lên rồi đuổi về. Bộ thế là… giáo dục
can phạm, hả?
Cai ngục đưa nó về phòng, mở cửa đẩy nó vào. Hắn xô cửa thật
mạnh để trút nỗi tức giận. Cai ngục đi khỏi, thằng nhãi bi bô :
- Nó thua cháu rồi, các bác các chú ạ! Cháu sẽ chơi nó lên chấp
pháp.
Cả phòng khen thằng nhãi :
- Mày bảnh lắm, Năm. Các bác không dám nhúc nhích…
Năm. Thằng nhãi tên là Năm. Trong lý lịch của nó ở nhà tù, nó
khai: Trần văn Năm, 15 tuổi, bị bắt ngày 10-6-1976, can tội phản động!
Hôm nó mới vào phòng 5C1, nó đeo cái bị cói, ngơ ngác nhìn mọi
người.
Trưởng phòng hỏi nó:
- Em can tội gì?
Thằng Năm phưỡn ngực đáp:
- Chính trị!
Cả phòng cười vang. Năm đỏ mặt. Nó bị chạm tự ái. Nó ngẩng mặt
ra dáng nhà chính trị:
- Nhóc con không thể làm phản động được à? Người lớn việc lớn,
người bé việc bé.
Khẩu khí của nó khiến mọi người hết dám chế nhạo nó. Cả phòng
giúp nó treo bị, lo chỗ nằm cho nó. Người ta biết ngay “thân thế và sự nghiệp
phản động” của Trần văn Năm sau đó. Nó kể rất chân thành và giản dị. Trần văn
Năm không biết bố mẹ nó là ai. Nó lớn lên ở cô nhi viện, vậy má nó là các bà
Phước. Má nó dạy nó học, thương yêu nó và vẽ cho nó một tương lai khi nó rời cô
nhi viện. 30-4-75, cách mạng vào Sài Gòn. Người ta giải phóng các viện cô nhi,
đuổi các bà Phước, các ni cô và trẻ em ra đường phố. Năm biến thành đứa trẻ lêu
bêu. Nó lang thang vỉa hè. Người ta lùa trẻ con vỉa hè đi lao động ở các trại tập
trung cải tạo, Năm lẩn trốn. Thế là nó hết nơi nương tựa. Tự nhiên, đời sống
đang êm đềm và đang mơ ước bị cuốn xoáy, dạt trôi. Thằng bé mồ côi ngỡ ngàng
trong thác lũ cách mạng. Lý lịch của nó trở nên mờ ám. Chế độ mới khu trừ nó.
Nó vừa tự mưu sinh vừa né tránh. Chẳng bao giờ nó có thể gặp lại các ma sơ. Năm
thèm trở về cô nhi viện. Nơi chốn ấy vô cùng ấm áp. Nhưng nơi chốn ấy đã được
cách mạng giải phóng. Năm hết đường về. Ngày kia, một thằng bé đánh giầy lẩn trốn
như Năm bảo Năm rằng, mày muốn về cô nhi viện, muốn gặp lại các má nó thì phải
“chơi” cách mạng. “Tao cũng muốn có một vỉa hè tự do của tao ngày xưa”, thằng
đánh giày nói. “Chắc muốn vậy, tao nên nhận lời mấy ảnh”. Thằng đánh giày dẫn
Năm đi tìm mấy anh Phục Quốc. Mấy anh giao công tác rải truyền đơn cho thằng
đánh giày và Năm. Đi với thằng “giang hồ vỉa hè”, Năm dạn và học thêm nhiều bài
học sáng giá. “Muốn về cô nhi viện phải đánh tan Cộng sản”. Năm chỉ còn một lối
đi. Đời sống hiện tại truy lùng nó, nó tìm kiếm đời sống khác. Rồi Năm bị bắt,
trong giỏ của nó đầy truyền đơn đả đảo Cộng sản. Thoạt đầu, nó nằm ở nhà tù quận
2. Mấy anh Phục Quốc cưu mang nó, phả vào tâm hồn nó ý chí chiến đấu và lòng
tin tưởng. Năm chẳng có gì để sợ hãi. Nó tiến tới vùng vằng, kiêu ngạo. Ít ra,
nó đã biết yêu nước và làm lợi ích cho nhiều người.
- Năm! – Một người tù gọi nó.
- Dạ. – Năm thưa.
- Cháu định làm to chuyện thật à?
- Con bà Phước là hết sợ ai, chú ạ! Chiều nay các chú đừng ăn
là cháu nổ.
- Đồng ý.
Buổi chiều, cơm vẫn đầy thóc như buổi sáng. Nhãi ranh phản động
Năm lãnh đạo cả phòng chê ăn. Nó đặt miệng vào chấn song cửa, hét lớn :
- Báo cáo cán bộ, tôi cần gặp cán bộ chấp pháp Dần!
Nó báo cáo ba lần. Chấp pháp Dần ngồi ở văn phòng đầu dãy nhà
khu C1, đi tới.
- Ai báo cáo?
Năm dơ tay :
- Thưa chú, tôi.
- Có việc gì?
- Cơm đầy thóc tôi không nuốt nổi.
- Đã báo cáo quản giáo chưa?
- Thưa chú, buổi sáng đã báo cáo. Quản giáo Bàng gọi tôi ra
làm việc, chửi tôi hỗn láo, bắt tôi làm kiểm điểm.
- Đưa cơm xem nào!
Năm đưa ca cơm của nó qua chấn song cửa. Chấp pháp Dần bốc
nhúm cơm xem xét.
- Đưa ca cơm khác.
Chấp pháp Dần kiểm soát năm ca cơm rồi bảo can phạm đổ hết
cơm vào thùng nhựa lớn. Ông cho gọi quản giáo Bàng, trưởng khu C1.
- Đồng chí cho người ta ăn thế này sao?
Quản giáo Bàng nói :
- Trách nhiệm của quản lý cấp dưỡng không phải của tôi.
- Đồng chí chưa báo cáo ban cấp dưỡng.
- Tôi chưa nắm vấn đề.
- Can phạm Năm đã báo cáo đồng chí buổi sáng rồi mà.
Quản giáo Bàng ngậm miệng. Hắn nhìn nhãi ranh phản động bằng
cặp mắt thù hận.
- Tôi yêu cầu đồng chí can thiệp với cấp dưỡng đổi thực phẩm
thay thế khẩn trương.
Thực phẩm thay thế : Một thùng nước sôi và mỗi can phạm một
gói mì ăn tạm. Hôm sau, cơm hết thóc. Cán bộ cấp dưỡng đến từng phòng hỏi xem
cơm còn thóc không. Quản giáo Bàng bị thuyên chuyển. Cai ngục gian ác sang bên
Chí Hòa. Chấp pháp Dần biểu diễn quyền uy và đóng kịch nhân đạo của đảng. Nhãi
ranh phản động tuyên bố một câu hay ho : “Mình dùng việt Cộng đánh việt Cộng
các chú, các bác ạ”! Phòng giam yêu mến Năm lắm nhưng sợ sự bạo mồm bạo miệng của
Năm nhiều. Giám thị trại ghét Năm cay đắng. Chấp pháp Dần bênh nó. Năm lợi dụng
chấp pháp để coi thường cai ngục. Chấp pháp Dần muốn tha Năm. Ông ta đã nghiên
cứu hồ sơ của Năm. Khổ nỗi, tha Năm, chẳng biết Năm sẽ về đâu. Nó tứ cố vô
thân. Đưa nó đi cải tạo với bọn trẻ vỉa hè là hợp nhưng Năm lại thuộc thành phần
can phạm chính trị. Hội đồng chấp pháp họp phiên chót đưa ra một quyết định rất
phù hợp đường lối của đảng : Lý lịch Trần văn Năm mù mờ, can phạm do Thiên chúa
giáo đào tạo, y theo tổ chức Phục Quốc phá hoại đảng ta, đợi khi đủ 18 tuổi,
cho đi cải tạo với các can phạm chính trị khác! Chấp pháp Dần không dám có ý kiến
nữa.
Nhãi ranh phản động Trần văn Năm không hề biết đảng Cộng sản
việt nam đánh giá nó là người của Vatican! Và đảng Cộng sản việt nam thì quên
khuấy giáo điều của sư tổ Lénine : “Kéo dài thời gian cải tạo là hun đúc lòng
căm thù của tù nhân”. Năm càng lớn càng thù hận Cộng sản. Một hôm, người tù
chính trị lớn tuổi ngồi tâm sự với Năm chuyện Phục Quốc.
- Em biết chị Nguyễn thị Lan không?
- Cháu không biết.
- Có nghe nói về chị ấy không?
- Dạ, không ạ!
- Chị ấy là học sinh trường Lê văn Duyệt, hoạt động Phục Quốc
rất hăng.
- Chị ấy bao nhiêu tuổi?
- Mười tám.
- Hơn cháu ba tuổi.
- Cộng sản bắt chị ấy, bịt mắt chị ấy đem ra bãi bắn xử tử.
- Nó giết chị Lan?
- Ừ. Trước khi chết, chị Lan hô to khẩu hiệu “Việt Nam muôn
năm”!
Trần văn Năm run rẩy toàn thân. Nó nắm chặt hai bàn tay lại,
rên rỉ :
- Ước gì cháu được là chị Lan…
Người tù vỗ vai Năm :
- Em phải sống để trả thù cho chị Lan chứ?
Năm gật đầu lia lịa :
- Vâng ạ, vâng ạ…
Người tù đã bịa chuyện người nữ phục quốc lên đoạn đầu đài.
Ông ta không dè phản ứng của Năm mãnh liệt thế. Từ đó, người tù coi Năm như
con, dạy dỗ Năm, chỉ dẫn Năm những điều cần thiết trên bước đường tù đày. Rồi,
như mọi tù nhân khác, Năm bị chuyển phòng dài dài. Nó ở đủ bốn khu đề lao Gia Định.
Nó đã gặp Đặng Hữu Trí, Lê văn Nam, Nguyễn Bảo Châu, Ngô Tỵ, Đặng Cơ Bản… Nó phục
Đặng Hữu Trí sát đất. Đặng Hữu Trí kể nó nghe chuyện Đinh Vượng, Hoàng Sơn Trường…
Năm thấy nó chưa đi đến đâu cả. Nó cần ghê gớm hơn thì mới trả thù cho chị phục
quốc Nguyễn thị Lan được. Nó, Trần văn Năm, thằng bé mồ côi bị tống ra vỉa hè,
bị truy lùng đến nỗi chạy lạc đường vào lịch sử. Nó vô tình làm lịch sử rồi nhiệt
tình làm lịch sử. Không hiểu nên đặt nó là biểu tượng của cái gì. Nhưng ở khúc
quanh của lịch sử dân tộc, một thằng bé vỉa hè đòi đi làm lại đất nước thì cũng
đáng để cho những nhà ái quốc lưu vong, những con chuột ghẻ còn cố giành nhau gặm
nhấm cái bức dư đồ đã rách bươm xấu hổ. Và nếu mắt thế giới đã sáng thêm một
chút, họ sẽ tự hỏi lương tâm họ : Đến nỗi ấy cơ à, một thằng bé mồ côi vất vưởng
cũng phải chống đối Cộng sản đòi quyền sống cơ à? Bây giờ thì Năm là một biểu
tượng tuyệt diệu : Biểu tượng của kẻ khố rách áo ôm chống chủ nghĩa vô sản, chủ
nghĩa của kẻ khố rách áo ôm! Nghĩ cũng hay, thằng bé xuất viện mồ côi đi làm lịch
sử ngay trên những vỉa hè oan nghiệt, đắng cay của quê hương nó. Còn những ông
đại đức, những ông linh mục thì lại di tản, vượt biên lập chùa, lập nhà thờ để
cầu nguyện vẩn vơ, để phô trương thanh thế, để lấy vợ đẻ con và để buôn bán.
Trần văn Năm gần gũi Chúa Giêxu. Biết đâu chừng nó sẽ trở
thành một Đấng Cứu Thế mới của dân tộc nó và của nhân loại. Hiện thời nó đang ước
ao. Người công an chấp pháp tên Dần không hiểu nổi nó. Có lẽ, đảng Cộng sản đã
hiểu nó. Mỗi năm, người ta đối xử với nó một khác. Mỗi năm, người ta nhìn nó một
khác. Nhà tù là cơ hội sáng giá đối với Trần văn Năm. Dần dần, nó thấm thía đời
sống. Nó biết kính trọng và biết khinh bỉ. Nó biết yêu thương và biết hận thù.
Ba năm lưu lạc đề lao Gia Định, Năm đổi lốt niên thiếu. Nó cơ hồ con cua lột.
Cái vỏ nhũn mềm đã rắn chắc và đôi càng của nó nguy hiểm. Một thằng nhóc mồ
côi, thông minh, ngoan ngoãn, được một làn gió lạ thổi vào tâm hồn, được bao
nhiêu tù nhân người lớn chỉ dẫn, gặp bao nhiêu sư tử lãng mạn, tất nhiên, nó đã
là sư tử ra ràng đúng dáng dấp sư tử.
Một buổi sáng tháng 11 năm 1978, chấp pháp của sở công an
thành phố gọi Trần văn Năm làm việc.
- Anh có biết anh can tội gì không?
- Biết chứ.
- Tội gì?
- Phục quốc.
- Anh mà cũng đòi phục quốc? Cái mặt anh cũng phục quốc à?
- Cái mặt tôi không phục quốc, mặt nào xứng đáng phục quốc?
Dĩ vãng tôi thơm tho, hiện tại tôi thơm tho, tôi sẽ làm được tương lai thơm tho
cho mọi người.
Chấp pháp sững sờ. “Nó không còn là thằng bé mồ côi rắc truyền
đơn nhảm nhí nữa”. Người ta muốn gặp nó năm 18 tuổi xem thái độ của nó ra sao để
tha nó về. Về rồi, nó sẽ vào thanh niên xung phong hay đi bộ đội. Bướng bỉnh nữa
thì đi nông trường, công trường. Thế này là hỏng. Tư tưởng nó đã diễn biến
không đúng ý muốn chính sách cải tạo.
- Anh muốn ở tù mãi mãi à? Ba năm chưa thấm à?
- Tôi còn muốn chết cho phục quốc nữa.
- Anh sẽ được chết.
- Tôi sợ gì chết.
- Anh sắp chết.
- Tôi mong.
- Nhưng chết từ từ, chết dần chết mòn.
- Sống mòn như các ông không hấp dẫn bằng chết mòn đâu!
Người ta kết thúc vụ Trần văn Năm. Hồ sơ của nó khép lại và
thay bìa xanh bằng bìa đỏ. Chấp pháp của sở ghi hàng chữ lớn trên bìa : “Cải tạo
thêm 12 năm”. Mỗi mốc của tù nhân là 3 năm. Trần văn Năm sẽ còn phải đi qua 4 mốc
trên đường tù gian nan. Nếu nó thoát nỗi chết mòn sau khi qua 4 mốc thử thách,
nó sẽ trở về năm 30 tuổi. Và lịch sử phải thay đổi với những người như Trần văn
Năm.
10
Người chấp pháp lắc đầu:
- Em chưa tiến bộ chút nào!
Trí ghẻ đưa tay ra sau lưng gãi xoàn xoạt:
- Tôi thấy chú cũng chưa tiến bộ chút nào! Ba lần rồi, chú gọi
tôi làm việc chỉ hỏi mỗi một câu.
Người chấp pháp cười:
- Tại em không chịu thành khẩn. Cứ thành khẩn khai báo đi, sẽ
về sớm sum họp gia đình.
Trí ghẻ bỉu môi;
- Gia đình! Gia đình! Gia đình tôi tan nát rồi, chú ạ! Tôi
không còn chốn thèm về nên không cần về.
Trí ghẻ nói đúng. Nó không còn gia đình nữa. Cuộc đời nó sẽ
là một cuốn tiểu thuyết đầy tình tiết lâm ly hằn rõ dấu tích của thời đại, nếu
nó kể cho một nhà văn. Hơn cả David Copperfield của Dickens, Rémy của Malot về
hẩm hỉu ấu thời và, dĩ nhiên, Tom Sawyer, Huckle Berryfinn của Twain không được
quyền ví với nó. Trí ghẻ, tù danh của Vũ Đình Trí, sinh năm 1958. Nó vừa biết
nói thì bố nó đã bỏ mẹ nó đi giang hồ tuyệt tích. Hai tuổi, mẹ nó gửi bà con
nuôi nó rồi đi luôn. Sáu tuổi, mẹ nó về dẫn nó đến giới thiệu với một người đàn
ông và bảo người này là bố nó. Vậy thì Vũ Đình Trí đã có bố,một ông bố ít nói
mà tốt. Nó được cắp sách tới trường. Tám tuổi, Trí đã thấy người ta đảo chính,
chỉnh lý, xuống đường, tự thiêu, đàn áp răm rắp. Muời tuổi, nó thấy Việt cộng
đánh Sàigòn, người chết, nhà cháy. Riêng những biến cố lịch sử tang tóc ấy đã
khiến nó ăn đứt các "nhân vật tuổi thơ" trên thế giới. Qua vụ Mậu
Thân, bố nó bị động viên vì bố nó lỡ tự học và đậu bằng tú tài. Cứ để làm anh
thư kýquèn ở Thư Viện Quốc Gia lại khỏi phảiđi lích. Thư viện thiếu nhân viên
rành việc, mãn khoá Thủ Đức,bố nó được biệt phái về nhiệm sở cũ.
Trí không có em nên bố nó thương nó lắm. Trí được bố dắt vào
thư viện chơi. Cậu bé mê không khí thư viện. Ngoài giờ học, Trí đóng đô ở thư
viện, đọc sách báo say sưa như một độcc giả lớn tuổi. Nó lén bố, đọc cả những
cuốn sách mà nó chẳng hiểu gì. Riết rồi nó bị "tẩu hoả nhập ma",mở miệng
toàn danh từ hóc búa. Nó lây bệnh nghĩa, lầm lỳ như những trang sách. Ngày
30-4-1975, Vũ Đình Trí 17 tuổi. Nó đi xem giải phóng. Nó sợ hãi cờ giải phóng.
Và nó cảm giác cái gì thật xót xa khó diễn tà khi nhìn người ta xé lá cờ quen
thuộc mà nó gọi là quốc kỳ.
Nửa tháng sau giải phóng, một người đàn ông đội nón cối, mang
giép râu, đeo súng lục đến nhà nó, xưng là cha đẻ của nó. Bố nó không chối cãié
Mẹ nó không chối cãi. Mẹ nó khóc sưng mắt. Vậy là Vũ Đình Trí có bố Việt cộng.
Nó nhất định không tin. Bố nó, mãi mãi, chỉ là ông thư ký thư viện.
Tháng 7-1975, ông bố thư viện của nó đi học tập cải tạo.
Tháng 8, ông bố Việt cộng "tiếp thu" nhà nó. Tháng 9, mẹ nó tự tử.
Tháng 10, nó bỏ nhà đi hoang, tham gia tổ chức "đánh phá phi trường Tân
Sơn Nhất" bị bắt và kết tội "đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất".
Bị nhốt ở quận 3 hai tuần, bị đánh đập sưng vù mặt mũi,bị ghẻ lở. Chuyển sang đề
lao Gia Định tháng12-1975, ghẻ lở đầy mình. Có tù danh Trí ghẻ. Đã làm bản tự
khai. Hôm nay là lần thứ ba làm việc với công an chấp pháp.
- Em nghĩ lại coi, Trí.
- Nghĩ gì?
- Ba em là người chiến sĩ cách mạng. Gia đình em vẻ vang quá.
- Ba tôi là ngụy. Gia đình tôi tan nát vì cách mạng. Tôi
không thích làm con Việt cộng!
- Nhưng em vẫn là con em cách mạng.
- Không, tôi ngụy.
- Em ngụy bao giờ nào ?
- Tôi ngụy từ sơ sinh. Trên ngụy địa, tôi là ngụy dân. Ngụy
dân hèn mạt vẫn hơn Việt cộng.
- Chắc em giận vì má em chết. Có lẽ, đó là lỗi của ba em,
không phải lỗi cách mạng.
- Việt cộng không là cách mạng. Tôi biết đọc sách, đừng tưởng
tôi nhóc con ngu đần.
- Theo em, thế nào là cách mạng?
- Giản dị lắm, theo tôi và theo dân chúng Sàigòn, Việt cộng
cút về Bắc kỳ hết là cách mạng.
- Em gàn dở quá.
- Vậy đừng gọi tôi làm việc nữa.
- Cách mạng muốn giúp em trở về đời sống bình thường. Do đó cần
làm việc với em. Em bị bọn phản động đầu độc nặng nề.
- Tôi tình nguyện đi theo phản động.
- Em chống cả ba em à?
- Ba nào?
- Ba ruột thịt của em.
- Sinh tôi ra,vất tôi sống lây lất là một tội ác, là kẻ thù của
tôi, là Việt cộng. Chưa đủ sao, còn bắt bố tôi bỏ tù, bắt mẹ tôi chết. Tôi khước
từ ruột thịt với Việt cộng.
- Ba em vì Đảng, vì Cách Mạng, vì Nhân Dân đành tâm bỏ em.
-Bỏ tôi cho ngụy nó nuôi dưỡng tôi, thương yêu tôi hả?
- Ba em sắp đến đây gặp em.
-Tôi không thèm gặp ông ta.
- Em dã man, không tình phụ tử gì à?
- Phụ vô lương thì tử vô tình!
Người chấp pháp xoay qua chuyện khác:
- Em định đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất?
Trí ghẻ luôn tay gãi gáy:
-Phải.
Người chấp pháp cười thành tiếng:
- Làm sao em đánh nổi phi trường Tân Sơn Nhất?
Trí ghẻ nhún vai:
- Nếu không bị bắt, tôi đã đánh rồi.
- Mà thắng nổi không?
- Cứ đánh đã, thắng bại tính sau
- Bây giờ thả em ra, em còn nghĩ chuyện đánh phá phi trường
Tân Sơn Nhất không ?
- Tiếp tục đánh phá.
- Đánh phá cách nào?
- Cứ thả ra coi.
- Thả thì sẽ thả nhưng em đánh phá với ai?
Trí ghẻ khựng lại. Nó suy nghĩ vài giây rồi nói:
- Tôi đã khai hết. Họ cũng bị bắt một lượt với tôi. Chú có đầy
đủ tên tuổi họ mà.
Người chấp pháp gật gù:
- Ừ nhỉ! Em không được thả ra, một mình em ra ngoài, em đánh
phá phi trường Tân Sơn Nhất với ai?
Trí ghẻ cười:
- Tôi đi kiếm người đánh. Thiếu gì. Dân Sàigòn đông lắm. Chừng
hết Việt cộng mới hết người đánh.
Người chấp pháp ngọt ngào:
- Tôi cho em đi biệt giam em sẽ hết bị lũ phản động trong
phòng tập thể rỉ tai nhồi nhét tư tưởng xấu xa. Em phải nhớ em mang giòng máu
cách mạng. Máu cách mạng không thể xen lẫn máu phản động hôi hám.
Trí ghẻ về cachot. Nó vừa gãi ghẻ vừa hát nhảm, Những khi nó
chán nằm ngủ. Rồi người ta lại gọi nó làm việc. Đây là lần thứ tư. Trí gặp ông
bố Việt cộng ngồi ở phòng chấp pháp. Nó tỉnh bơ nói với chấp pháp:
- Làm việc thì tôi làm, gặp ai khác thì tôi về biệt giam. Tôi
con mồ côi, mẹ chết, bố đi tù rồi. Tôi chẳng còn liên hệ gia đình gì với ai cả.
Người chấp pháp dụ dỗ:
- Mình làm việc, Trí ạ!
Trí ghẻ nói:
- Tôi định khai báo thêm nhưng chỉ khai báo với riêng chú
thôi.
Ông bố Việt cộng buồn bã:
- Ba mang quần áo, thuốc ghẻ, thuốc bổ và quà cho con.
Trí ghẻ nín thinh.
- Ba mong con thành khẩn nhận tội để về sống với ba, ba sẽ
săn sóc con. Rồi con sẽ đi Liên Xô học.
Trí ghẻ vẫn nín thinh. Một lát, nó hỏi người chấp pháp:
- Ông này làm việc với tôi hả chú?
Người chấp pháp vỗ vai nó:
- Cháu đừng giận ba cháu nữa
Trí ghẻ hất tay người chấp pháp khỏi vai mình:
- Tôi đã nói với chú, tôi không hề có bố Việt cộng. Bố tôi là
sĩ quan ngụy, đi tù rồi. Mười lăm năm tôi sống bằng cơm nước ngụy, thuốc thang
ngụy, tình nghĩa ngụy. Ngụy đi tù, tôi đi tù theo. Tôi không cần sự thương hại
của Việt cộng.
Ông bố Việt cộng nổi giận:
- Mày dám nói thế sao?
Trí ghẻ tỉnh bơ:
- Tù thì gì mà không dám!
Người chấp pháp yêu cầu ông bố Việt cộng bình tỉnh. Rồi ông mời
ông bố Việt cộng ra khỏi phòng. Bắt đầu màn giáo dục luận lý cộng sản.
- Con chim có tình, con chó có tình, em nghĩ kỹ đi.
- Con chim mớm mồi cho con nó, dẫn con nó đi kiếm mồi, chỉ dẫn
con nó cách kiếm mồi. Con chó cho con nó bú, bao vệ con nó tới khi khôn lớn. Nó
có tinh, dĩ nhiên.
- Ba em vì nhiệm vụ cách mạng.
- Ba tôi là ngụy.
- Là cách mạng!
- Là quốc gia.
- Là ngụy!
- Đúng là ngụy, tôi đã nhận mà!
- Em bị mất trí chăng?
- Tôi tỉnh như sáo sậu,
- Thôi em về, hôm khác làm việc. Mangbị quà của ba em về biệt
giam luôn.
- Tôi không nhận quà cáp của Việt cộng.
- Của ba em, của tình thương yêu đấy.
- Không phải! Của Việt cộng, của mua chuộc.
Trí ghẻ về tay không. Người quản giáo xách bị quà theo sau
nó. Cửa cachot mở ra. Người quản giáo đẩy bị quà vào trước. Ổ khoá bóp lại. Trí
ghẻ đập cửa,báo cáo ầm ỷ.
Cửa cachot vừa hé mở,nó tung cái bị đổ tung toé phía ngoài.
- Tôi không thích thọ ơn Việt cộng!
Nó làm việc lần thứ năm, thứ sáu, thứ bẩy... Thái độ của nó
trước sau như một. Đến nỗi chấp pháp tưởng Trí ghẻ nửa điên nửa khùng. Nhưng
người ta vẫn không tin mấy thằng nhãi ranh dám âm mưu đánh phá phi trường Tân
Sơn Nhất. Người ta nghĩ rằng chúng nó có lãnh đạo hẳn hoi. Người ta muốn khai
thác Trí ghẻ. Hễ Trí ghẻ thành thật khai báo là xong hết. Đồng bọn của nó, trước
sau, thú nhận làm theo sự chỉ đạo của Trí ghẻ. Vậy tạm coi là Trí ghẻ là kẻ chủ
xướng vụ đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất. Nó nổi tiếng ở đề lao Gia Định. Trí
ghẻ là một triết tai chống lại thuyết..."Lá rụng về cội!" Các nhà
nghiên cứu Mác-xít sẽ phải nghiên cứu nó. Và thế giới tự do cũng sẽ phải nghiên
cứu trường hợp của nó. Những ông cò kháng chiến chắc chắn sẽ chán nó lắm. Vì nó
mới đích thực anh hùng. Còn họ chỉ là những anh hùng tự phong xuôi giòng chiến
đấu trên sông Potomac, trên sông Mississipi, trên sông Seine, trên sông Danube
và chỉ biết nghĩ đến phương thức đàn áp tuổi trẻ Việt Nam mai này. Lịch sử nào
cũng có những người nuôi chí chiến đấu trong ngục tù và, luôn thể, những người
nuôi chí trong các hộp đêm hải ngoại. Những người nằm tù thì đói khổ nhưng
không hề lên tiếng xin ăn. Những người bên ngoài thì phè phỡn nhưng không quên
lạc quyên, xổ số chíến đấu! Sự khác biệt bên ngoài và bên trong ở đó. Và đau đớn
hơn một chút, bên ngoài tự do, bên ngoài chưa dám ở lại nhìn rõ mặt kẻ thù,
chưa biết nỗi ê chề của những người trong tù mà cứ lên tiếng đánh giá, phán
xét, mỉa mai,thị phi, bêu nhục. Không, đó chẳng phải là sự đau đớn. Mà là sự khốn
nạn không thể tha thứ. Những người ấy không thể ví với mụn ghẻ của Trí ghẻ. Khốn
nạn hơn, hạng người ở lại, cam đành cộng tác với kẻ thù, nhận ân huệ của kẻ
thù, hoan hỉ nhận thêm ân huệ chót của kẻ thù là khúm núm cầm miếng giấy xuất cảnh
ra đi chính thức rồi cũng vỗ ngực mình căm thù cộng sản và bày đặt thị phi những
người khắc khoải trong tù ngục quê nhà. Hạng người này tanh tưởi hơn mùi ghẻ mủ
của Trí ghẻ! Có lẽ, phải dùng một pho Xú Thư ghi rõ tên tuổi, hành động của bọn
gián đêm để phân biệt rõ ràng người công chính với bọn giả hình trên bước đường
tạm dung buồn bã.
Lịch sử, nhất là ở khúc rẻ ghê gớm của nó, thường làm con người
lớn lên, khôn ra. Và lịch sử sau 30-4-75 đã làm tuổi trẻ Việt Nam lớn lên, khôn
ra. Tuổi trẻ Việt Nam sáng mắt nhìn suốt kính đen của lãnh tụ phù thủy đạo diễn
để biết đạo diễn mù mà tự mình quyết định lấy thân phận mình, thân phận dân tộc
mình. Buồn thay, bên ngoài quê hương quằn quại dưới gót thù, một số những người
tuổi trẻ xa xứ từ lâu; những người tuổi trẻ không hề trực diện chiến tranh Việt
Nam 20 năm; những người tuổi trẻ không hề nếm mùi dùi cui,phi tiễn, lựu đạn cay
của bọn bảo vệ chế độ đàn áp tuổi trẻ xuống đường đòi hỏi tự do dân chủ, công bình,
quyền sống... lại suy tôn, ủng hộ bọn đã đàn áp thế hệ mình nghiệt ngã. Số người
tuổi trẻ ấy rất nhiệt tình nhưng họ chưa thể nhìn suốt kính đen của phù thủy để
biết mặt phù thủy là mắt cò, mắt cớm! Trí ghẻ còn nhỏ bé, nó đã nhìn suốt kính
đen của cộng sản.
Lần cuối cùng, Trí ghẻ làm việc với người chấp pháp từ Hà Nội
vào. Ông ta ngụy trang công an. Thực ra, ông ta là người nghiên cứu tâm lý tuổi
trẻ Sàigòn. Trung ương Đảng Cộng Sản và Viện Kiểm Sát nhân dân cử ông vô gặp
Trí ghẻ.
- Em không muốn về, tại sao vậy?
- Vì tôi không có chỗ về.
- Chỗ nào em mong muốn về?
-Nó ra sao?
- Nó không còn cộng sản!
- Này em, em đừng nuôi ảo tưởng. Với cộng sản, một là em đầu
hàng, hai là em nằm mãi trong tù, không ai đánh thắng nổi cộng sản đâu. Mỹ còn
phải thua nữa là em.
- Vậy thì tôi cần cố gắng hơn.
- Em đánh cộng sản bằng cái gì?
- Tôi sẽ cho chú biết khi tôi đánh.
- Bao giờ?
- Bao giờ tôi rời đây.
- Không bao giờ cả đâu.
- Có chứ. Đã 30-4-75, sẽ 30-4 sắp tới.
- Ai bảo em thế?
- Trái tim tôi bảo tôi thế. Tôi đánh Cộng sản vì tôi thích.
Ngoài ra không vì cái gì cả.
- Những đứa bằng tuổi em đều giống em à?
- Cái đó chú hỏi từng đứa. Tôi chỉ biết tôi thôi.
- Tại sao em chọn phi trường Tân Sơn Nhất là mục tiêu khởi sự?
- Vì lão Việt cộng nhận tôi là con làm việc ở đó!
- Em có nghĩ em sẽ chết trong tù không?
- Sức mấy mà chết. Tôi đi chiến đấu sớm hơn ông hồ chí minh
nhiều năm, tôi sẽ về sớm hơn ông ấy.
Cộng sản chịu thua Vũ Đình Trí, tù danh Trí ghẻ. Từ đấy, Trí
ghẻ không còn cơ hội nào làm việc với chấp pháp nữa. Nó nằm cachot 14 tháng. Lần
cuối, vì Trí ghẻ dám ví mình như hồ chí minh nên nó bị còng cả chân lẫn tay 2
tháng. Sau đó, Trí ghẻ ra phòng tập thể. Nó không tin rằng nó sẽ chết rũ trong
tù. Trí ghẻ nuôi mộng đánh thắng Cộng sản. Cộng sản bảo nó nuôi ảo tưởng vì
không ai đánh thắng nổi Cộng sản. Trí ghẻ đã khiêm tốn hứa hẹn: Vậy thì tôi cần
cố gắng nhiều hơn.
Trí ghẻ giữ đúng lời hứa.
11
- Du đãng có thể phục quốc không nhỉ?
Đó là câu hỏi của Dzũng quan tài. Tên thật của nó: Phan Tiến
Dzũng. Trong tù nó nói Phan Tiến Dzũng ngon hơn Văn Tiến Dũng. Anh có ở phòng 6
khu C đề lao Gia Định năm 1976 không ? Nếu đã ở đó, anh phải biết Dzũng quan
tài. Hoạ sĩ Choé, sau phiên họp phòng cuối tuần, đã mượn bút làm biên bản của
thư ký tù, và tặng Dzũng quan tài bức hí hoạ chân dung nó. Dzũng nhỏ con, trông
rất thư sinh, nhưng phong cách của nó là tay du đãng xịn , đại ca của nhiều thằng
du đãng khác. Ngực nó không hề có xâm quan tài có hình cây nến cháy với giòng
chữ : "Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ". Nó xác định tên giang hồ của
nó vì nó không sợ quan tài.
- Du đãng có thể phục quốc không nhỉ?
Quý dao khó chịu:
- Mày hỏi hoài câu này. Thằng nào mà chẳng phục quốc được. Du
đãng phục quốc mới sôi nổi. Việt cộng nó chơi võ, các bố phục quốc lớn bé
chỉ chơi văn. Văn chống võ là kềnh. Truyền đơn thì nhằm nhò con mẹ gì! Phải
dùng cái thuật của nhà Mộ Dung.
Dzũng quan tài búng mẩu thuốc văng xa:
- Đúng, lấy AK của nó bắn vô đầu nó. Cám ơn cách mạng, du
đãng lại có trò chơi mới hay hơn trò chơi của Trần Đại, James Dean Hùng. Nhưng
mà trò chơi nguy hiểm đấy. Nghìn lần bù chưa chắc có một lần chín.
Mày nghĩ sao?
Qúy dao nhổi toẹt bãi nước miếng:
- Bọn tướng lãnh bỏ lính cút hết; bọn thủ tướng, bộ trưởng,
nghị sĩ, dân biểu, bỏ dân cút hết; bọn lãnh tụ đảng phái bỏ đảng viên cút hết,
du đãng rất nên gánh trách nhiệm đánh cộng sảng cứu nước . Lúc này thằng nào
đám phất cờ lạm lại lịch sử thằng ấy mới ngon.
Dzũng quan tài chép miệng:
- Mình vẫn chỉ là du đãng!
Quý dao đưa ngón tay quẹt mép:
- Quan trọng con mẹ gì! Nữa mày có ứng cử tổng thống không mà
lo sửa chữa tiểu sử? Biết chọn đường đi thì du đãng là anh hùng hơn cả anh
hùng. Đâm thuê chém mướn cho dân tộc cũng là sự nghiệp phi thường. Giết ba cái
thằng cường hào ác bá, ăn trộm ăn cướp của dân chúng, in lậu sách của các nhà
văn mới được gọi là những trang hảo hán của thời đại thôi. Giết cộng sản, đập
nó tan nát sẽ được phong làm Đấng Cứu Thế.
Dzũng quan tài khen bạn:
- Về quân sự, mày lúc nào cũng số một. Vậy mình chơi, chơi thật
bạo.
Qúy dao vuốt tóc:
- Dĩ nhiên. Mình chơi cả văn lẫn võ. Văn với
đồng bào. Võ với cộng sản. Dân Sàigòn lao đao hết rồi. Sau vụ đổi tiền,
xóm tao nghèo mạt. Nó hốt tiền của dân, mình đòi lại giùm họ. Đấy, văn chương
cho đồng bào để lấy điểm và để lẩn trốn dễ dàng. Tao đã nghiên cứu ngân hàng của
nó. Ngon hơn ăn hủ tíu Thanh Xuân. Vẫn dùng cái thuật Mộ Dung Cô Tô thôi.
Dzũng quan tài quẹt que diêm châm điếu thuốc mới:
- Chiều nay gom anh em của mình lại.
Qúy dao gật đầu:
- Sống với cộng sản là chờ đi tập trung cải tạo là kể như chết
rồi… Chơi bạo chết bạo sướng nhiều. Đồng ý, chiều nay…
Buổi chiều tháng 12 năm 1975, một nhóm thanh niên tụ tập ở
căn nhà gần cổng xe lửa số 6, đường Nguyễn Hùynh Đức. Họ đàn sáo, ca hát như thể
họ tập dượt để liên hoan chào mừng hai ngày lễ lớn sắp tới. Nhạc cách mạng vang
vang lối xóm. Công an khu vực ngang qua, bằng lòng lắm. Phần mở đầu của bản trường
ca không đến nổi dở. Dzũng quan tài vỗ tay ba tiếng:
- Qúy dao muốn nói chuyện với chúng mày. Tao cần nói trước ,
sẽ không có ân oán giang hồ gì giữa anh em nếu thằng nào bỏ cuộc chơi. Tao làm
khá mà nói dở. Qúy dao nói giùm những điều tao muốn nói.
Qúy dao nhả khói thuốc:
- Chuyện bình thường thôi. Trước kia mình làm du đãng, bây giờ
mình làm anh hùng. Trước kia mình chống cảnh sát, bây giờ mình chống cộng sản .
Từ thảo khấu bước lên hàng hảo hán, con đường ngắn xỉn à. Nếu chúng mày đã đọc
Thủy Hử, tất chúng mày đều rõ. Vậy đó, chỉ cần dựng lá cờ khởi nghĩa, bọn thảo
khấu chống luôn triều đình, vì hạnh phúc của toàn dân, đâu thèm chống ba thằng
quan lại địa phương nữa. Bọn cộng sản cũng giống nhu bọn Thủy Hử, cũng biết dựng
lá cờ khỏi nghĩa. Cứ đọc tiểu sử của anh hùng cộng sản đi. Hồ Chí Minh là bồi tầu
thủy. Tôn Đức Thắng là bồi tầu thủy, khác chi thằng Thiên Thời ăn trộm gà, thằng
Trương Thanh bán bánh bao nhân thịt người . Những thằng tài ba lỗi lạc, tư cách
đàng hoàng cỡ Trương Xung, Võ Tòng…thì bị cái triều đình thối nát dồn chúng nó
lên Lương Sơn Bạc hoặc bị bọn Lương Sơn Bạc bầy mưu bẩn giết hết vợ con người
ta, vu vạ triều đình để người ta phải …vô Đảng! Cộng sản rập khuôn Lương Sơn Bạc
Cái hay của chúng nó là biết dựng cờ khởi nghĩa. Hễ biết dựng cờ khởi nghĩa thì
thằng ăn cướp thành vị anh hùng. Ba cái thằng quốc gia đếch biết dựng cờ khởi
nghĩa. Chúng nó chỉ biết vẽ cờ, may cờ, kéo cờ, chào cờ thôi. Do đó,chúng nó
chuồn sang Mỹ hết rồi. Cái thế dân tộc hôm nay rơi xuống vai bọn trẻ. Khắp
Sàigòn, Phục Quốc nổi lên chống chế độ cộng sản . Mấy em nữ sinh chân yếu tay mềm
còn dám đương đầu với cộng sản, du đãng đành uống rượu chửi thề sao? Chiều nay
tụ tập ở đây để trả lời câu hỏi ấy.
Hạnh búa nói:
- Tao trả lời ngay đây. Tao đã là Phục Quốc nhưng rắc truyền
đơn mà không chết cộng sản, tao thèm chơi búa.
Tâm xích nói:
- Tao khoái siết cổ cộng sản.
Tất cả đồng ý chơi cuộc chơi mới. Qúy dao vê nát cái đầu lọc
điếu thuốc đã hút hết:
- Du đãng bị xếp vào tội hình sự, hèn mọn lắm. Vậy nếu dính bẫy
nhớ khai tôi chống phá cộng sản, sẽ được xếp vào hàng ngũ tù nhân chính trị. Điều
thứ hai: từ nay không chơi dao bút, xích khoá nữa mà chơi bằng đầu và súng.
Súng giết cộng sản ít, đầu tiêu diệt luôn cộng sản. Nhưng rất cần súng để hậu
thuẫn đầu. Chúng ta cũng cần tiền,không phải để uống rưọu, chơi gái mà để làm
sáng tỏ cuộc chơi. Nên, sẽ cướp các ngân hàng nhỏ. Mỗi thằng mày đều có một lô
đàn em, hướng dẫn chúng nó trò chơi mới. Chúng ta cần súng. Có tiền tha hồ mua
súng của bộ đội vì bộ đội ham radio, đồng hồ… Nếu phải giết người cướp súng thì
giết công an, đừng giết bộ đội tốt dỉn khù khờ. Tao sẽ thảo một bức Chiến Thư,
in đàng hoàng rồi rắc vung vít thành phố. Thế là du đãng dựng cờ khởi nghĩa vì
dân tộc, tổ quốc, tự do, dân chủ mà đánh cộng sản. Có thằng nào phản đối không
? Nếu không thì về sửa Honda cho ngon lành. Châm ngôn của chúng ta: "Xe trục
trặc trong cuộc chơi là mình chết".
Sau này, lịch sử sẽ ghi rõ về buổi chiều tháng 12 năm 1975,
buổi chiều du đãng lãnh trách nhiệm đánh cộng sản thay thế bọn tướng tá đào ngũ
trước 30-4-75; thay thế bọn dân biểu, nghị sĩ bỏ nước, bỏ đàn em chạy trốn ra
ngoại quốc. Và thay thế luôn cả người Mỹ đã đầu hàng tủi nhục.
Chiến Thư của du đãng:
"Hãy nhìn Sàigòn hiện tại, bọn cộng sản xâm lược! Chúng
mày bảo Mỹ nó muốn đưa dân tộc ta trở về thời kỳ đồ đá. Chúng mày bảo Mỹ nó tạo
dựng phồn vinh giả tạo ở Miền Nam. Chúng mày bảo Mỹ nó đầu độc Miền Nam bằng tư
tưởng thực dân mới. Chúng mày bảo Ngụy tay sai gian ác, tiếp tay Mỹ lập ra những
nhà tù để giam nhốt các nhà ái quốc, để tra tấn các nhà ái quốc bằng những dụng
cụ phi nhân bản. Nói tóm lại, chúng mày đẩy Mỹ Ngụy xuống hầm phân, xã hội Mỹ
Ngụy là địa ngục, xã hội chúng mày là thiên đàng. Chúng mày nói nhiều quá vì
chúng mày là vẹt. Đủ nghe rồi, bây giờ nghe chúng tao nói.
Từ chúng mày vào Sàigòn thì chỉ có nước mắt và nước mắt.
Chúng mày, từ biển máu, sáng tạo ra đại dương nước mắt và Sàigòn đã ngụp lặn giữa
đại dương nước mắt sóng gió chủ nghĩa cộng sản. Trong biển máu, con người chết
ngon lành bằng viên đạn, bằng lưỡi mã tấu. Giữa đại dương nước mắt, con người
chết sặc sụa, chết sợ hãi, chết kinh hoàng, chết tính từng giây. Chúng mày phi
nhân bất nghĩa trong bóng tối để đại nghĩa ngoài ánh sáng. Chúng mày cướp nhà
cướp của thì nói là tiếp thu, tiếp quản. Chúng mày bắt bỏ tù thì nói đưa đi học
tập. Chúng mày bòn rút thì nói thay thế. Chúng mày độc tài, áp bức,x xiềng xích
thỉ nói dân chủ cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc. Từng ấy tội là tạm đủ, nói
rông dài sẽ biến thành bầy vẹt chủ nghĩa.
Chúng tao, vốn là những thằng tuổi trẻ bất mãn cuộc đời vì
chúng tao thiếu lý tưởng để làm đẹp cuộc đời nên đành đi hoang và bị cuộc đời
ngộ nhận gọi chúng tao là du đãng. Bọn thống trị Sàigòn cũ chẳng ưa gì chúng
tao. Chúng nó truy nã chúng tao ráo riết. Tuy nhiên, chúng tao thấy chúng mày tố
cáo tội ác Mỹ Ngụy mà chính chúng mày ác độc gấp mười lần Mỹ Ngụy nên chúng tao
bốc máu nghĩa hiệp, quyết vì lương dân mà dựng cờ thế thiên diệt bạo.. Ấy là
chúng tao cho chúng mày biết Miền Nam hào kiệt cơ man như lá rụng,chưa phải lúc
nên chưa vùng dậy thôi, chúng tao chỉ là thứ tốt dỉnh trong rừng hào kiệt Miền
Nam..
Báo cho chúng mày, bọn cộng sản xâm lược hay, đấng trượng phu
không ưa đánh lén, chúng tao công khai gửi chiến thư. Để đồng bào trong nước ,
ngoài nước hiểu rõ tấm lòng của du đãng. Để thế giới hiểu rõ rằng, người Mỹ đầu
hàng ở Việt Nam không có nghĩa là cuộc chiến đấu tiêu diệt cộng sản ở Việt Nam
đã chấm dứt. Sau hết, để chúng mày chuẩn bị giao tranh.
Ngày cuối tháng 12 năm 1975
Nhóm du đãng Bảo Quốc"
Với Dzũng quan tài và Qúy dao không cái gì là không thể làm
được. Chiến thư đã sắp chữ, đã ấn loát tại một nhà in nhỏ quốc doanh miệt Phú
Nhuận. Chủ nhà in bị trói lại. Công nhân răm rắp tuân lệnh khẩu súng của Hạnh
búa. Ngay cửa nhà in, các hiệp sĩ Bảo Quốc canh gác. Chiến thư chở đi sau khi
hoàn tất. Ngay buổi tối, Sàigòn, Gia Định, Chợ Lớn đầy chiến thư. Những ngày kế
tiếp, truyền đơn ném ngay tại Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy doạ cho nổ cái nhà
này khiến Nhà Triển Lãm vắng vẻ. Rồi truyền đơn kết án xử tử bọn Tin Sáng, bọn
nằm vùng.. Truyền đơn hẹn ngày giờ đánh phá Sở Công An.. Dân Sàigòn say mê đọc
những loại truyền đơn có lửa của nhóm du đãng Bảo Quốc. Hôm trước , một ngân
hàng nhỏ ở Tân Định bị cướp, hôm qua đã có truyền đơn loan báo số tiền cướp được
trả về cho dân chúng. Công an bị ám sát mỗi đêm. Cửa hàng quốc doanh bị ăn lựu
đạn. Xe hàng Thống Nhất từ Hà Nội vào bị đốt cháy. Mật vụ ngoài Bắc vô phối hợp
với mật vụ cục R ở đường Yên Đổ và Sở Công An thành phố ráo riết.
Chiến dịch càn quét những người có tiền án, tiền sự về trộm
cướp, du đãng bắt đầu.. Tướng cướp Điền Khắc Quang dính mẻ lưới đầu, bị đưa ra
Thanh Hoá. Du đãng về hưu, du đãng hết thời, thanh niên vô gia cư, vô nghề nghiệp
bị bắt hết. Đại Cathay đã chết lâu, ba đàn em cự phách Tì,Cái, Thế gẫy cánh. Những
Hùng phốc, Hùng sư tử, Mậu già..bị quét sạch.. Tất cả bị đưa đi Bù Gia Mập, bị
chết dần, chết mòn. Nhưng du đãng Bảo Quốc còn nguyên vẹn vì họ chưa ai có tiền
sự, tiền án, vì họ không thuộc hạng du đãng đầu trộm đuôi cướp, tống tiền, hãm
hiếp. Chiến dịch cứ diễn tiến, du đãng Bảo Quốc không ngừng chơi.Nhiều truyền
đơn của nhiều tổ chức sinh viên, học sinh Phục Quốc tiếp tay Bảo Quốc, ký tên Bảo
Quốc mặc dù họ chưa hề quen nhau, gặp nhau. Phục Quốc mong Bảo Quốc rảnh tay
chơi bạo hơn nữa. Một sự gắn bó rất âm thầm, rất đẹp. Trong nguy hiểm và vì đại
nghĩa thật sự, người ta không phá nhau, không bôi bẩn nhau. Sàigòn phấn khởi, đặt
niềm tin vào du đãng. Là đúng. Khi các vị anh hùng, các nhà ái quốc đã rủ nhau
cút hết khỏi Việt Nam, kẻ nào dám ở lại chống cộng sản , kẻ ấy là hào kiệt, là
vĩ nhân, là cứu tinh của dân tộc, dẫu kẻ ấy là du đãng đê tiện.
Chiến dịch càn quét du đãng thành phố chuyển sang giai đoạn
càn quét sinh viên, học sinh không chịu đi học. Không đi học là không chấp nhận
mái trường xã hội chủ nghĩa, là chống chế độ. Đến cao điểm của chiến dịch, Qúy
dao bàn với Dzũng quan tài tạm ngưng.
- Tạì sao?
- Đó là binh pháp. Lùi ba bước tiến chín bước . Tiến trong
lúc địch quyết tử là thua.
- Rồi làm gi?
- Hoạt động tích cực cho Cờ Đỏ,văn nghệ phường, thông tin văn
hoá phường. Cái súng nghỉ thì cái đầu làm việc. Nó biết nằm vùg, mình tha gì nằm
vùng. Áp dụng đúng thuật Mộ Dung Cô Tô. Mộ Dung Bác hơn hai chục năm nằm vùng ở
Thiếu Lâm mưu đồ phục quốc. Tiêu Viễn Sơn hơn hai chục năm nằm vùng chùa Thiếu
Lâm mưu đồ phục hận. Nằm đi, nằm chán thì vụt dậy.
- Tùy mày vì mày là cái đầu của anh em.
- Trước hết, mình tự dẹp cái Nhóm Du Đãn Bảo Quốc đi.
- Tại sao?
- Để nó tưởng mình tiêu rồi.
- Sau đó?
- Mình trưng bảng hiệu mới.
Qúy dao soạn Tuyên Ngôn khác cho Nhóm Tuổi Trẻ Chống Cộng Sản.
Hai tháng ẩn mình, du đãng Bảo Quốc chơi lại. Đã được "học tập", nếu
bị bắt sẽ chịu đòn mà chối dài Bảo Quốc. Phường khóm không tin nhóm của Dzũng
quan tài là du đãng. Chúng nó biết cách chơi. Từ trước ngày cộng sản vào
Sàigòn, ở nơi chúng cư ngụ, chúng hiền lành, ngoan ngoãn và thường bị du đãng
khu vực bắt nạt. Du đãng xịn là du đãng hoạt động trên đất người. Hoạt động
trên đất mình là du đãng hạng bét, du đãng cướp giật.
Cuộc chơi sang giai đoạn thứ hai chỉ có mặt Dzũng quan tài ,
Qúy dao, Hạnh búa và Tâm xích. Bốn thằng trên hai chiếc Honda 90 xoáy thêm nòng
máy. Bốn khẩu AK và đạn trong bốn cái hộp đàn guitare. Ai cũng có thể nghĩ bốn
thằng à nhạc sĩ trình diễn. Chúng chạy theo chiếc xe chở tiền phát lương cho
công nhân Vicasa ở khu kỹ nghệ Biên Hoà. Qúy dao đã nghiên cứu tình hình kỹ lưỡng.
Chúng nó sẽ chơi ở nghĩa trang quân đội. Cách chơi ra sao, bốn đứa đã bàn nhau.
Một điều quan trọng Qúy dao chưa hề biết là chiều hôm trước đã xẩy ra vụ bắn
nhau giữa công anh tuần cảnh xa lộ với mấy tay hảo hán xa lộ. Hảo hán phóng
Honda thoát hiểm. Sở Công An chỉ thị ngăn chặn tất cả Honda 90, kiểm soát giấy tờ,
kiểm soát xe, kiểm soát người, kiểm soát hành lý. Gần đến ngã tư Thủ Đức, thấy
công an làm hàng rào khám xét dân đi Honda, Qúy dao ra hiệu quay về Sàigòng, bỏ
rơi cuộc chơi. Công an nhìn thấy, nghi ngờ, rượt theo.
Đến cầu sông Sàigòn, Hạnh búa bảo Tâm xích chạy chậm lại. Nó
nhảy xuống, hô các bạn thẩy đồ chơi đi. Hạnh búa lượm nhanh và vất xuống sông.
Nhiều người chứng kiến nhưng công an trên chiếc jeep còn chạy cách đầu cầu quá
xa. không thể nhìn rõ sự việc ở giữa cầu.. Hạnh búa may mắn.Những người chứng
kiến hành động của nó đều là ngụy dân Các bạn nó bị chặn tại ngã tư Hàng Xanh với
những họng súng AK nhắm sẵn. Tâm xích không thèm đếm xỉa những họng súng. Nó rú
ga lao đi. Tâm xích bị hạ. Chiếc Honda xoay tròn nhiều vòng trên thân thể đẫm
máu của nó.Qúy dao và Dzũng quan tài bị bắt tại trận. Người ta tình nghi hai đứa
là tàn quân và đồng bọn có đứa tẩu thoát nên giao chúng nó cho Quân Báo cục R ở
đường Tô Hiến Thành Sàigòn khai thác. Qúy dao nhận mình là thủ lãnh Nhóm Tuổi
Trẻ Chống Cộng Sản gồm bốn đứa. Dzũng quan tài không chịu khai. Hạnh búa thương
bạn không chịu nổi đòn tra tấn nên tự ý nạp mạng. Khai thác chán chê và gom đủ
ba đứa, Quân Báo cục R quy định tội của chúng nó là phản động, chống phá cách mạng
và thẩy sang đề lao Gia Định. Vì Dzũng quan tài bị đánh gẫy răng, què chân nên
nó được ở phòng tập thể. Hạnh búa bị đưa về Đại Lợi. Qúy dao nằm cachot khu B đề
lao Gia Định.
Các bạn của chúng nó vẫn hoạt động bí mật bên ngoài . Nhưng
không còn đánh lớn. Bởi thiếu cái đầu Qúy dao .
12
- Tớ phải nói thật với cậu là tớ mất công đi tìm Phục Quốc
hai ba tuần liền rồi mà chẳng thấy Phục Quốc đâu. Tớ đâm nghi. Người ta bảo tớ
rằng có nhiều Phục Quốc giả do sở Công An tung ra làm mồi để câu những anh nào
thích chống đối.
- Vậy cậu tính sao?
- Tớ muốn thành lập một tổ chức riêng. Như thế, mình vừa giữ
được bí mật vừa thực hiện nguyên vẹn đường lối của mình.
- Đường lối của cậu thế nào?
- Giản dị lắm, tớ chống cộng sản đến cùng.
- Tớ tin cậu nhưng những thằng khác nghi ngờ cậu. Mẹ cậu nằm
vùng cỡ lớn, đảng viên, phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Sông Bé, cậu đi
chống cộng sản, ai dám tin.
- Cậu tin tớ là đủ. Cậu đừng nói gì về tớ.
- Bây giờ người ta nghi ngờ hết. Anh nào cũng chống cộng, đến
30-4 mới lộ mặt nằm vùng.
- Tớ con em cách mạng mà chống cộng mới hay.
- Hay mà khó tin.
- Khó tin mà có thật. Không chống cộng, tớ chẳng biết làm gì.
Trường mình đã tan nát. Ông hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Tế bị bắt, ông giám thị Đặng
Lê Kim bị bắt luôn, con gái ông Kim phản động nặng, bị nhốt cả rồi. Chẳng lẽ tớ
về Sông Bé làm công an hay đi thanh niên xung phong? Cậu muốn tớ trở thành công
an không?
- Không, dĩ nhiên. Cậu chống cộng sản là chống má cậu, chấp
nhận à?
- Chống ông nội tớ, tớ vẫn chống, nếu ông ấy cộng sản.
- Tại sao cậu ghét cộng sản vậy?
- Đời sống đổi thay cái rụp làm tớ choáng váng. Họ hàng tớ, bạn
bè tớ ở Sông Bé khinh bỉ gia đình tớ ra mặt. Người ta mỉa tớ là con em cách mạng,
là đảng viên tương lai, tớ rất xấu hổ. Tớ chống cộng sản, trước hết, để chứng
minh tớ là quốc gia thuần túy. Sau hết, cộng sản làm đồng bào mình khổ quá. Tớ
thù hận cộng sản vì nó gian ác mà nó cứ nói nó nhân đạo. Má tớ vênh vang lắm, tớ
chỉ còn nhìn ra má tớ là một con mẹ đảng viên đắc thời. Tớ đã nói hết lòng tớ.
Chơi với nhau, học với nhau mấy năm rồi, cậu phải hiểu tớ. Tớ không về Sông Bé,
không trọ nhà chú tớ bên Thị Nghè nữa, tớ lang thang.
- Thì về đây mà sống tạm nương náu cửa Phật!
- Nay mai, cậu sẽ bị đuổi khỏi chùa. Nó sắp quốc doanh chùa.
Nó cấm tu hành. Muốn tu thành thượng tọa, cậu phải chống cộng sản.
- Tớ không dám giết người.
- Chống nó bằng tư tưởng. Phật giáo là kẻ thù tư tưởng của cộng
sản. Nó bắt vô số thầy chùa, cậu chưa hay à? Nó cho nổ tượng Phật ở biển hồ
Pleiku rồi. Tha hồ mà tự thiêu, nó đứng nhìn thầy chùa tự thiêu, cười khanh
khách.
- Cậu muốn tớ làm gì?
- Chống cộng sản.
- Cậu dám chống cộng sản mà tớ không dám sao? Chống thì chống,
tu hay tù đồng nghĩa. Sống hay chết cũng đồng nghĩa.
Chú tiểu chùa An Lạc cảm khái nói một câu đầy khẩu khí của
tráng sĩ chùa Tiêu Sơn. Hai thời đại khác nhau, hai hoàn cảnh càng khác nhau
xa. Tiêu Sơn tráng sĩ chống nhà Tây Sơn để phục hồi quyền bính cho Lê Chiêu Thống,
biểu tượng của một dĩ vãng ươn hèn, mục rã, tôi đòi. An Lạc tráng sĩ chống cộng
sản, ít ra, vì những điều mà người bạn của tráng sĩ, cậu Hoàng Sơn Trường, đã
tâm sự với tráng sĩ. An Lạc tráng sĩ, tên khai sinh là Nguyễn Kiến Thiết, pháp
danh Thích Thanh Bần, cùng học trường Trường Sơn, cùng chung lớp 12 với Hoàng
Sơn Trường.
- Cám ơn cậu đã đứng với tớ.
Hoàng Sơn Trường nói. Chú tiểu Thanh Bần mỉm cười, khuôn mặt
chú, tự nhiên, đỏ au. Lòng chú đã dấy lên nỗi khát khao mới.
- Đừng cám ơn. Bây giờ, tớ làm gì?
- Kết nạp người trong gia đình phật tử. Càng đông càng tốt.
Người trước việc sau. Mục đích cậu đã rõ, đường lối sẽ phổ biến từ từ. Trụ sở
là chùa An Lạc.
- Được rồi.
- Châm ngôn của tớ lấy từ câu nói của Nguyễn Thái Học :
“Không thành công tất thành nhân”. Tớ thù ghét cộng sản, tớ thù ghét cả cuộc sống
ươn hèn. Tớ không có tham vọng gì cả.
- Tớ tham vọng gì?
- Chúng ta không có tham vọng. Tớ chống cộng để có đời sống
bình yên với những kỷ niệm đẹp.
- Còn tớ, để tự do tu hành.
- Chúng ta hoàn toàn đồng ý nhé!
- Ừ.
Thật nhanh và thật đẹp, hai người tuổi trẻ đã kết hợp. Và một
tổ chức chống cộng sản thành hình. Không một ly nước trà, không một điếu thuốc
lá. Họ thảo luận với nhau ở dưới gốc cây đại sân chùa. Thường thường, để ngồi gần
nhau, ở Việt Nam, mưu đồ đại sự đã thiên nan vạn nan. Ngồi gần nhau để tính
chuyện kết hợp càng thiên nan vạn nan. Và nếu kết hợp để chiến đấu chống cộng sản
thì đã luôn luôn là không tưởng. Dù ăn mặc trịnh trọng. Dù phòng họp điều hòa
không khí. Dù rượu champagne mở bốp bốp. Dù thuốc lá thơm ngộp khói. Trong
khung cảnh bình yên, cộng sản còn mút mít rừng già. Những phiên họp của không
tưởng vẫn sẽ diễn tiến, ở nơi nào đó, ngoài Việt Nam. Và chẳng bao giờ diễn tiến
tại Sài Gòn. Bởi vì Sài Gòn không còn cơ hội cho champagne nổ phù phiếm. Bài học
kết hợp chiến đấu của học sinh Hoàng Sơn Trường và chú tiểu Thích Thanh Bần dạy
những kẻ đầu cơ đại sự một điều khôn ngoan : Khi người ta chiến đấu cho mọi người,
không vì tham vọng cá nhân, thì người ta dễ gần gũi, cảm thông, chia sẻ và đoàn
kết.
Chùa An Lac ở quận 2, nằm sau đường Phạm Ngũ Lão. Qua mấy chế
độ, An Lạc, tên ngôi chùa, đã đủ nói lên sự trầm tĩnh của kinh kệ, của chuông
mõ, của nến nhang. Nó không sôi nổi quá đà như Xá Lợi, ồn ào quá khích như Ấn
Quang, phô trương qua lố như Việt Nam Quốc Tự. Nó bình thường, không cần gào
thét, không cần tuyên bố, không cần thuyết pháp công kích chuyện đời, không đòi
hòa bình, không chống chiến tranh. Nhưng An Lạc đã đi vào lịch sử tranh đấu của
dân tộc bằng tâm hồn đơn giản và sự thành tâm của chú tiểu Thích Thanh Bần. Tiếng
chuông chùa An Lạc, với chú tiểu Thanh Bần, không còn là tiếng chuông mời gọi
người về trầm tư mặc tưởng nữa. Mà là tiếng chuông dục ươn hèn thức tỉnh, thúc
can đảm phóng lên vì nỗi thống khổ của đồng bào, của chúng sinh lầm than dưới
gót phỉ quyền. Tiếng chuông chùa An Lạc gợi tưởng tiếng chuông chùa thời Lý của
những thầy tăng mở nước vinh quang.
Chú tiểu Thanh Bần bắt tay vào việc. Thanh niên phật tử say
sưa nghe chú thuyết nạn cộng sản. Chú là biểu tượng sáng chói của người tu hành
sống đạo giữa đời và biết sống đạo giữa đời. “Tu hay tù đồng nghĩa. Sống hay chết
cũng đồng nghĩa”. Câu nói thú vị của chú với Hoàng Sơn Trường làm nhớ nhà sư trẻ
Hư Trúc dưới chân núi Thiếu Thất khi nhập cuộc chơi với Đoàn Dự, Kiều Phong.
Chú hấp dẫn thanh niên. Chú lôi cuốn thanh niên vào mục đích cao cả. Đâu cần gồng
mình chứng minh mình là lãnh tụ mà chú tiểu Thanh Bần đã là lãnh tụ cần thiết của
thanh niên phật tử chùa An Lạc.
Một đêm, ở chùa An Lạc, Hoàng Sơn Trường nằm gác chân lên
chân Thích Thanh Bần chuyện trò thầm thì.
- Tớ thấy mình phải võ trang bằng tư tưởng.
- Tư tưởng của mình là chống cộng sản.
- Không, chống cộng là mục đích, là lý tưởng thôi. Cha anh
chúng ta đã chống cộng ba mươi năm, rốt cuộc thua cộng sản, cậu biết tại sao
chưa?
- Chưa.
- À, tại vì họ thiếu tư tưởng hoặc tư tưởng của họ lạc hậu cả
rồi. cộng sản nó thắng minh nhờ nó có tư tưởng mác xít, nó có học thuyết hẳn
hoi.
- Nó có chủ nghĩa.
- Đúng. Cậu ở chùa được thày dạy thêm, được đọc nhiều sách, vậy
tớ hỏi cậu vài câu. Nếu tớ sai thì mộng ước của tớ tiêu tan. Nếu tớ đúng thì tớ
ôm ấp hoài bão.
- Hỏi đi.
- Đức Phật xưa có đọc sách nào không?
- Không.
- Khổng Tử, Lão Tử có đọc sách nào không?
- Không.
- Chúa Giêsu có đọc sách nào không?
- Không.
- Vậy mà họ đều lập thuyết, đều bất hủ.
- Ừ, tại vì thời đại tạo ra họ.
- Thế thì tớ có quyền lập thuyết, cậu ạ! Cậu thấy không, dân
tộc mình khốn khổ, khốn nạn từ nửa thế kỷ nay vì những học thuyết ngoại lai. Tư
bản đã đến. Vô sản đã đến. Cả hai học thuyết này đều bất lực trong sự tìm kiếm
hạnh phúc cho dân tộc ta nói riêng, cho loài người nói chung. Cậu có thấy thằng
tư bản nào học hành đến nơi đến chốn không? Cậu có thấy thằng vô sản nào đích
thị là khố rách áo ôm không? Tinh hoa của tư bản và vô sản toàn là tiểu tư sản
cả. Tiểu tư sản thông minh, tài hoa, lãng mạn mà cam đành làm tay sai cho tư bản
và vô sản và bị chúng nó khinh bỉ, thù ghét.
- Cậu muốn lập thuyết tiểu tư sản.
- Chứ sao.
- Cậu muốn bắt chước Marx, Engels kêu gào: Tiểu tư sản các nước
trên thế giới hãy vùng lên!
- Thuyết của tớ chưa chắc đã hay ho gì nhưng không có học
thuyết là không có tư tưởng. Mà đánh cộng sản để thắng nó phải võ trang tư tưởng.
Tuổi của tớ và kiến thức chưa cho phép tớ lập thuyết vĩ đại. Tớ kể sơ sơ cậu
nghe: Dân mình rất chán vào hợp tác xã, vào công ty quốc doanh. Bản chất của
dân mình – tớ chỉ nói dân mình thôi – là khoái tư hữu. Nông dân thèm quyền tư hữu
nhất. Ai cũng thích có cái ao cá riêng của mình, thửa ruộng riêng của mình. Vân
vân… Công nhân phải bám nhà máy ở thành phố nên đành làm chủ tập thể nhà máy! Bởi
vậy, cộng sản nó không ưa nông dân. Đến lượt cán bộ trung cấp của cộng sản
khoái tư hữu. Đứa nào cũng muốn cái radio riêng, cái xe Honda riêng, cái nhà
riêng… Vậy thì cộng sản sao nổi! Vậy thì muôn năm tiểu tư sản. Thằng nghèo mạt
biết thân phận nó không thể giàu bự nổi nên nó thù hận tư bản, bây giờ mình nói
thật với nó rằng giàu bự không nổi nhưng giàu vừa vừa thì dư sức, thằng nghèo
nó sẽ thù cả thằng vô sản là đứa cứ bắt nó nghèo mạt suốt đời. Đấy, sơ sơ thuyết
của tớ. Mình võ trang tư tưởng tiểu tư sản, chắc chắn, sẽ có hậu thuẫn rộng lớn
và sẽ tiêu diệt gọn cộng sản.
- Cậu mơ mộng quá.
- Sống là ước mơ.
- Vậy lập thuyết đi.
- Từ từ sẽ lập. Tớ và cậu sẽ là Marx-Engels và chùa An Lạc sẽ
là nơi học thuyết tiểu tư sản ra đời. Chúng ta sẽ tuyên ngôn. Người Việt Nam
đánh cộng sản bằng học thuyết của người Việt Nam, tạo hạnh phúc cho dân tộc Việt
Nam bằng học thuyết của người Việt Nam. Không, nhất định không có hạnh phúc
vĩnh cửu cho dân tộc bằng tam dân chủ nghĩa của Tàu, tư bản chủ nghĩa của Mỹ, cộng
sản chủ nghĩa của Đức, của Nga… Sớm mai, cậu nhớ rung giùm tớ hồi chuông cáo
phó các thứ chủ nghĩa ngoại lai trên quê hương mình.
- Và thêm hồi chuông báo sinh chủ nghĩa mới, văn minh mới cứu
rỗi dân tộc, cứu rỗi nhân loại ra đời.
- Ra đời ở chùa An Lạc.
- Đồng ý.
- Ra đời đúng quá độ tan rã của tư bản và cộng sản.
- Đồng ý.
- Ra đời từ đêm nay.
- Cậu làm tớ mê mẩn, Trường ơi! Này, nhà lập thuyết, tớ không
biết hút thuốc lá nhưng bỗng tớ thèm hút. Cho tớ một điếu. Ở chùa suốt đời, dẫu
đắc đạo, cũng chỉ tìm ra một thứ hạnh phúc cho riêng mình mà chữ nghĩa gọi là
giải thoát. Giải thoát bằng tư tưởng Đức Phật. Chưa chắc kinh kệ đã đúng ý Đức
Phật. Nếu đúng, vẫn là của Đức Phật, không phải của chính mình. Tôn giáo và
nghi lễ giúp vui của nó đã trở nên vô tích sự trong đòi hỏi tích cực của giải
thoát dân tộc. Tớ sẽ bỏ chùa. Nhân loại bên ngoài đi xa rồi mà ở bên trong, nhà
chùa và nhà thờ, vẫn lải nhải giáo điều vu vạ là của Phật, của Chúa từ ngót
3000 năm, từ ngót 2000 năm. Tớ sẽ rung thêm hồi chuông báo tử cuộc đời tu hành
viển vông của tớ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét