Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Ảo vọng tuổi trẻ 2

Ảo vọng tuổi trẻ 2

8. Ngày nào Hạo cũng mong tin tức ông Hiển. Bọn anh muốn hoạt động lắm rồi. Cứ sống ở rừng mãi cũng chán. Chán nhất là kỷ luật gò bó của đảng. Bọn Hạo luyện tập đã nhiều. Bây giờ, các anh có thể sử dụng được vài thứ súng, biết lái thành thạo các loại xe Scooter và xe hơi du lịch. Anh Luyến dạy bọn Hảo những miếng vỏ thoát thân. Ngoài ra, bọn Hạo còn được huấn luyện về kỹ thuật in truyền đơn, bích chương bằng "li-tô" cũng như nghệ thuật dán nó trên tường trước mắt kẻ thù. Nói chung, các anh đã trở thành những người cán bộ nòng cốt của đảng. Những đố kỵ nhỏ nhen, dần dần tiêu tan trong đám bạn trẻ.

Họ đã hiểu nhau và thương yêu nhau. Trong thời gian chờ quyết định của ông Hiển tung anh em đi hoạt động khắp mọi nơi, bọn Hạo chỉ nằm đọc những cuốn sách, những bài thơ của ông Trần viết hồi ông trốn sang Liễu Châu.

Cho đến một hôm, ông Hiển gởi thư lên bọn Hạo. Gọi là thư, song chính đó là lệnh. Anh Luyến bảo Hạo đọc để anh em cùng nghe. Hạo nâng bức thư của người lãnh tụ già. Tay anh run rẩy. Giọng Hạo cảm động khác thường:

Các chú thân yêu, Tôi vẫn theo rõi sự học tập của các chú. Mừng lắm. Anh em ở Sài Gòn nhắc nhở các chú luôn. Tất cả đều đồng ý rằng chỉ có các chú mới tạo lại hoàn cảnh mới cho đảng, cho dân tộc. Các chú chính là những người làm ra phép lạ. Bởi vậy, anh em và tôi gửi gấm vào các chú thật nhiều tin tưởng.

Tình hình hiện nay chưa có gì thay đổi. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải ra tay, phải liều, phải cần sự liều lĩnh của các chú, các chú có đồng ý thế không? Tôi đã thu xếp kỹ lưỡng. Các chú có thể bỏ Ban Mê Thuột được rồi.

Chú Thái và chú Hạo về Sài Gòn gấp. Đến số nhà 578/37 Bis đường Hòa Hưng. Sẽ có người dẫn hai chú tới gặp tôi. Chú Sơn, chú Huấn, chú Bách đi Nha Trang. Gặp anh Bính ở quán Mê Ly bờ biển. Chú Định về An Giang. Gặp anh Đảng giáo sư trường Quang Trung. Chú Khải, chú Tịnh, chú Mạo, chú Nhân lên Đà Lạt. Gặp anh Tường ở dốc Bò. Các chú biết anh Tường rồi chứ gì?

Chỉ có thế. Gặp các anh ấy, các chú sẽ biết rõ nhiệm vụ của mình. Cần nhất phải rời gấp khỏi Ban Mê Thuột. Chính quyền nó sắp "hỏi" anh em đấy. Anh Tâm ở An Ninh Quân Đội trên đó cho tôi biết tin này.
Chúc các chú gặp nhiều may mắn. Chào tin tưởng.
H.
Hạo đọc xong bức thư của ông Hiển, trao anh Luyến. Anh Luyến hỏi:
- Các chú nhớ chưa?
Mọi người đáp rồi cả. Anh Luyến châm lửa đốt bức thư. Khoảnh khắc, mệnh lệnh của người lãnh tụ già đã tiêu ra tro. Anh Luyến nói:
- Ngày mai các chú bắt tay vào công tác mới rồi. Phải thận trọng từng tý. Từ những bức thư nhỏ mọn.
Nếu dính dáng đến chuyện anh em, chứ có gửi qua bưu điện. Mình liều nhưng sự liều sẽ đem đến kết quả mong muốn chứ không phải liều đến chỗ chết và gây phiền lụy cho anh em.
Bọn Hạo im lặng nghe những lời chỉ bảo cuối cùng của anh Luyến trước khi các anh rời nơi này sau tám tháng huấn luyện. Chờ anh Luyến dứt chuyện, bọn Hạo dọn dẹp hành lý. Trong lòng mỗi người đều mang một tâm sự.
Hạo nghĩ nhiều tới Phượng Thư. Tưởng tượng lúc ngồi bên người yêu dấu kể chuyện rừng đồi Ban Mê Thuột cho người yêu nghe, Hạo đã sung sướng lịm người rồi. Hạo tự khen mình đã không viết một lá thư nào cho Phượng Thư. Nỗi nhớ mong dồn nén, chắc gặp nha, thể nào Phượng Thư cũng khóc.
Thái cũng nghĩ như Hạo. Nhưng mỗi lần Tường Vi đến trong trí tưởng tượng của anh thì đồng thời cái cổng sắt nặng nề, con chó dữ, cái chuông cũng xuất hiện. Khiến Thái nôn nao một cảm giác vừa thoải mái vừa khó chịu.
Định có vẻ buồn vì không được hoạt động cùng nhóm với Hạo và Thái. Anh lại gần Hạo, vỗ vai bạn:
- Cậu có biết chúng mình sắp làm gì không?
Hạo đùa:
- Làm đảo chính.
Định trách bạn:
- Tếu mãi, tớ sợ mình sẽ ngỡ ngàng Hạo ạ!
Hạo véo bạn một cái thật đau:
- Quên lời ông Hiển dặn rồi à? Phải liều.
Anh nhìn bạn cười hóm hỉnh:
- Hay cậu... nhớ cô Vang?
Định cũng cười:
- Giá tớ được hoạt động với các cậu thì thú vị nhỉ?
- Sao cậu không đề nghị?

- Đề nghị cái nỗi gì? Ông Hiển gửi lệnh anh em chỉ có việc tuân theo răm rắp. Ông ấy có ở đây đâu mà đề nghị.

Hạo dục bạn:

- Thu xếp hành lý đi, rồi tính chuyện sau. Chiều nay tụi mình xuống tỉnh mua vé. Tớ sẽ khao cậu một chầu... Ra Đê chịu không?

Định không thể lây nỗi sung sướng của Hạo được. Anh bỏ mặc bạn thu xếp hành lý. Định nghĩ tới miền Tây có nhiều cá lóc mà anh sắp đặt chân tới.

Định cũng nghe nhóm của anh Đăng đang hoạt động ở An Giang. Nhóm này đứng sau chiêu bài giáo dục để che mắt chính quyền. Họ vận động các vị thân hào, nhân sĩ mở các trường trung học. Trước đây, học sinh sau khi đậu bằng tiểu học phải ra tỉnh lỵ theo ban trung học. Nhiều gia đình không đủ phương tiện cho con em tiếp tục học vấn. Các em phải phá ngang, làm những việc lặt vặt giúp cha mẹ.

Đảng đánh trúng tâm lý đó, cử anh Đăng xuống đây mở trường. Quận lỵ Chợ Mới tự nhiên có một ngôi trường trung học. Giáo sư toàn người Bắc, dạy rất hay. Học phí lại hạ. Do đó, học trò đang học ở thị xã Long Xuyên ùn ùn kéo nhau về quê ghi tên xin học.

Anh Đăng khéo léo giao thiệp với chính quyền quận. Không một ai hiểu dụng ý của ban giáo sư. Nhờ ngôi trường này, anh em có thể tự túc về kinh tế. Còn thừa, đóng góp vào quỹ đảng. Nhưng mục đích chính thì Định chỉ biết phong phanh. Hình như đảng của anh muốn kết gia với đám tàn quân của ba Cụt.

Ông Hiển tung nhóm anh Đăng về Chợ Mới, sát nách với Hòa Hảo tiến hành công tác táo bạo này. Có người đã sống hẳn trong đám loạn quân, làm cố vấn cho chúng và gây khó dễ cho chính quyền ông Diệm.

Định có cảm tưởng xuống An Giang lần này, ang sẽ nhập mật khu sống chung với đàn em của anh Ba.

Anh mỉm cười. Để xem sao. NHìn bạn bè thu dọn hành lý, Định thấy nao nao. Những ngày qua, Định ghét Sơn thế nào thì bây giờ anh thương Sơn bằng ấy. Các anh sắp xa nhau. Công tác mà Đảng giao phó cho các anh sẽ quan trọng vô cùng. Định chớp mắt thật mau.

9

Buổi tối có một cuộc họp mặt đúng như Sơn đã nói với Định. Trước ngày rời Ban Mê Thuột, anh Luyến muốn đám bạn trẻ hãy phê bình lẫn nhau và tự phê bình để rút kinh nghiệm học tập. Là những đảng viên cốt cán, bọn Hạo sẽ phải tổ chức những khóa huấn luyện cho những đảng viên trẻ tuổi mới. Họ sẽ thay thế anh Luyến, anh Đặng, hoặc ông Hiển làm đảo lộn nếp sống tầm thường của đám thanh niên đang ngơ ngác giữa ngã sáu cuộc đời.

Đảng chỉ còn tin tưởng ở thế hệ hai mươi nhăm. Đánh đúng tâm lý của những người trưởng thành trong chiến tranh, khinh bỉ quá khứ, chán chường hiện tại và nghi ngờ tương lai.

Chán chường hiện tại vì, dưới những con mắt ngái ngủ của thời đại, họ chỉ nhìn thấy những hình ảnh méo mó, nham nhở. Họ đâm ra ngờ vực tương lai rồi tự nhận mình là lớp người bị hắt hủi, xua đuổi. Họ chưa từng tham dự mà tưởng như mình đã tham dự nhiều rồi. Họ còn rất trẻ mà tưởng như mình đã quá già nua. Họ chưa bị phản bội mà tưởng như mình vừa mới bị phản bội. Và họ phẫn uất.

Kẻ có ý thức thì vùi đầu vào việc học hành. Kẻ vô ý thức thì lao đầu xuống hố sâu của sa đọa, tội lỗi.

Rồi ảnh hưởng của văn nghệ hiện sinh biến họ thành lớp người ngơ ngác. Họ coi mọi sự trên đời này đều "phi lý" và đáng "buồn nôn".

Đảng muốn kết nạp đám người này, muốn tiêm chất "hữu lý" vào tâm hồn họ để họ nhận ra rằng đời cần phải chiến đấu hơn là ngồi lảm nhảm chuyện "buồn nôn". Đảng thừa hiểu, họ sớm chán nản vì họ muốn làm nên một chuyện gì nhưng không có chuyện gì để có thể làm được. Vậy chỉ có cách hiến cho họ một cơ hội để phục vụ tổ quốc.

Nhưng ai sẽ là người trao cơ hội tận tay họ? Ai sẽ phả vào tâm hồn họ ngọn lửa chiến đấu? Dĩ nhiên, những người đó phải là bọn Hạo.

Các anh sẽ tìm đủ mọi cách, vận dụng mọi khả năng kết hợp cho họ vào đảng. Lớp người mới này, một khi khám phá ra lý tưởng để phụng sự, chắc chắn họ sẽ là những chiến sĩ trung kiên nhất của Cách Mạng.

Sứ mệnh của bọn Hạo nặng nề như thế nên các anh được huấn luyện kỹ càng.

Anh Luyến tối nay có vẻ bớt khắc khổ. Anh móc trong túi ra một hộp thuốc ba số 9. Lại ba số 9. Hạo và Thái bỗng gặp lại hình ảnh thân mật của ông Hiển hôm ở suối vắng.

- Tối nay tôi khao các chú một chầu thuốc lá Anh!

Anh Luyến mỉm cười. Anh xoáy mạnh nắp hộp thuốc, mở tung ra, mời bọn Hạo:

- Nào, ta đốt dần đi trước khi vào chuyện.

Bọn Hạo rất thú vị câu nói khôi hài đầy tính chất đấu tranh của anh Luyến. Họ thay phiên nhau hút thuốc. Anh Luyến châm lửa cho từng người. Riêng Hạo và Thái, hai anh dùng bật lửa của ông Hiển tặng.

Ánh lửa lóe lên, Hạo và Thái hình dung ngay ra người lãnh tụ già. Có cái gì vừa ấm áp, vừa rạo rực, vừa mơn man, vừa ngứa ngáy bò vào tâm tưởng hai anh.

Khói thuốc lan tỏa khắp căn phòng họp. Anh Luyến bảo anh em ngồi xícg gần nhau. Và cuộc kiểm thảo bắt đầu.

- Các chú đừng nể nang gì tôi cả, hãy phê bình quyết liệt đi. Chúng ta phê bình nhau để càng thương yêu nhau hơn, chứ không để oán ghét nhau. Các chú nhớ giùm điều đó nhé. Nào, chúng ta bắt đầu. Trước hết là tôi...

Anh Luyến ngừng lại để rít thêm một hơi thuốc. Đoạn anh nói, sau khi đã nhả khói:

- Tôi có một khuyết điểm rất lớn là ít khi chịu bỏ thì giờ tìm hiểu nếp sống tâm cảm của các chú. Các chú có đồng ý thế không?

Hạo phát biểu trước:

- Em không đồng ý.

Anh Luyến hỏi:

- Tại sao?

- Em cho rằng đó không phải là mộ khuyết điểm vì chúng ta làm gì có thì giờ mà bỏ. Anh em có đồng ý thế không?

Anh Luyến nhếch mép cười:

- Chú Hạo bênh tôi đấy nhé!

Hạo gạt tàn thuốc vào cái lon sữa bò, cãi:

- Không, không khi nào em bênh anh cả, nếu anh có lỗi thật. Đằng này...

Anh Luyến cướp lời Hạo:

- Đằng này sao?

Hạo chậm rãi trả lời:

- Đằng này anh hơi khiêm tốn.

Cả bọn cười cởi mở. Rồi họ lần lượt tự phê bình và phê bình người khác. Cuộc họp không lấy gì làm sôi nổi lắm. Vì ai cũng can đảm nhận những sự nhầm lẫn của mình. Nhưng có điều khiến mọi người ngạc nhiên là Sơn đã tự phê bình mình thật gay gắt. Anh nêu rõ những lý do khiến Hạo, Thái và Định có vẻ "gờm" anh.

Hạo ngồi nghe Sơn nói. Bất giác, anh thấy Sơn chẳng có gì khác anh cả. Sơn cũng mang cái ngông cuồng, cái tàn nhẫn, cái thành tâm tha thiết như anh. Hạo hy vọng rằng trên bước đường công tác sắp tới, anh sẽ làm nổi một việc gì đáng để Sơn khen ngợi.

Mục phê bình và tự phê bình chấm dứt. Anh Luyến trao tiền lộ phí cho bọn Hạo. Mỗi người được lãnh một ngàn rưởi. Vừa tiêu pha vừa trả tiền ăn trong một tháng. Sau đó tự túc. Cơ quan kinh tài chưa hoạt động nổi dưới nanh vuốt của kẻ thù nên tự túc là vấn đề cần thiết đối với đảng viên. Cách mạnh đòi hỏi tranh đấu. Mà tranh đấu đòi hỏi hy sinh và gian khổ. Thỉnh thoảng, anh Luyến thường hay nhắc nhở những lời dặn dò của ông Hiển với đám bạn trẻ của anh. Theo ông Hiển, cuộc cách mạng mà bọn Hạo đang theo đuổi là một cuộc cách mạng hoàn toàn dân tộc. Muốn thế, người làm cách mạng phải dấn thân vào cuộc vận động trường kỳ gian khổ. Trong sự gian khổ đó, người đảng viên cần gạt bỏ mọi quyền lợi riêng tư, cần gạt bỏ vật chất, nguyện hiến mình cho lý tưởng mà không đòi hỏi ở đảng một điều gì.

Bọn Hạo chưa quen sống tự túc. Nhưng các anh tin rằng, khi tung các anh ra hoạt động, các anh sẽ biết dùng trí thông minh và tài năng cá nhân của mình để vừa mưu sinh vừa tranh đấu. Đảng cũng tin thế.

Trong hoàn cảnh hiện tại, hoàn cảnh mà văn minh cơ khí dọa nạt tất cả mọi sự chống đối, chỉ những người thiết tha yêu nước, thương nòi, mới dám nghĩ, tính chuyện trứng chọi đá. Bọn Hạo đúng là những quả trứng. Những quả trứng mỏng mảnh thách thức với bom nguyên tử của đế quốc, tư bản và cộng sản.

Người ngoại cuộc có thể coi các anh như những thằng điên. Song các anh biết chắc chắn các anh không điên khi các anh nương hồn mình về quá khứ oanh liệt của tổ tiên.

Anh Luyến hít hơi thuốc cuối cùng. Đoạn anh hỏi:

- Các chú còn gì thắc mắc không?

Đám bạn trẻ nhìn nhau. Họ muốn kiểm soát lại xem còn thắc mắc gì.

- Tôi chắc các chú không còn dịp nào về đây nữa, cho tới khi công việc của chúng ta đã thành công.

Vậy các chú nên coi đây là cuộc chia tay vĩnh viễn với núi rừng Ban Mê Thuột.

Hạo nhắc lại:

- Chia tay vĩnh viễn với núi rừng?

Anh Luyến đáp:

- Phải cần chia tay vĩnh viễn vì bọn "cớm" của ông Diệm sắp đánh hơi thấy chỗ dấu "hàng hoá" của anh em mình rồi.

Thái hỏi:

- Thế còn anh?

Anh Luyến vặn mình đánh rắc một cái:

- Tôi hả? Các chú đừng lo. Con "chó biển" này dễ gì mắc lưới hèn mọn của chúng nó.

Con "chó biển" là một biệt hiệu của anh Luyến. Tên đó nổi tiếng từ thời đảng tranh, khoảng những năm 1944-1946. Nó càng nổi tiếng từ thời gian kháng chiến chống Pháp. Con "chó biển" Luyến đã vùng vẫy miền duyên hải Nam Định và đã gây bao sóng gió cho địch thủ. Con "chó biển" là tuổi trẻ của anh Luyến, là biểu tượng tranh đấu của nhóm bạn trẻ của anh.

Mỗi người trong bọn Hạo đều muốn làm một con chó biển. Tuy nó rất mơ hồ. Chưa ai gặp nó. Và bây giờ, con chó biển ấy cũng chưa "sủa" được tiếng nào để gợu nhớ cái dĩ vãng hiển hách của nó. Nhưng bọn Hạo cứ tin rằng con chó biển đang đứng trước mặt họ, theo thời cuộc, tạm thu móng vuốt chờ đợi ngày chồm thẳng tới phía kẻ thù mà cào cấu.

Anh Luyến nhận thấy câu nói của mình chủ quan quá, không có lợi cho đám bạn trẻ của anh. Anh chữa lại:

- Tôi phải phê bình thật gay gắt. Lần này chú Hạo hết binh tôi rồi.

Hạo hỏi:

- Anh định phê bình việc gì?

Anh Luyến đáp:

- Một lời nói nặng chủ quan.

- Thí du.....

- Thí dụ tôi, quá tự tin mà khinh thường bọn "cớm" của ông Diệm. Chúng ta không được quyền khinh thường một điều gì dù nhỏ mọn đến đâu. Chung quang chúng ta toàn là kẻ thù. Vậy chúng ta nên cẩn thận trong lời nói, việc làm của mình. Các chú đồng ý chứ?

Đám bạn trẻ cùng nhìn anh Luyến rất lâu. Những tia nhìn đó biểu lộ sự đồng ý. Cuộc họp sau đó biến thành cuộc nói chuyện tay đôi, tay ba rất thân mật, cởi mở.

10

Nửa tháng sau khi ở Ban Mê Thuột về, Hạo tổ chức được một nhóm bạn trẻ gồm những người bạn cũ của anh. Đúng như anh Luyến nói, thanh niên rất ham tranh đấu. Sở dĩ họ tiêu cực vì không có ai hiến dâng cơ hội cho họ. Trong tâm hồn mỗi người trẻ tuổi đều ôm ấp một giấc mơ được làm dậy sóng gió giữa cuộc đời. Họ chẳng cần tính toán. Thích là hoạt động. Và không hề nghĩ tới sự phản bội nấp sau giấc mơ.

Để chinh phục đám bạn mình, Hạo đã nói những lời ông Hiển, ông Bình nói với anh. Kết quả, ai cũng muốn làm nên một việc gì có ích cho quốc gia dân tộc.

Nhóm của Hạo hoạt động rất tích cực. Ban ngày, Hạo mắc nửa buổi kèm học, còn nửa buổi anh ngồi viết chủ trương đường lối của đảng, đánh máy và phát để mọi người ý thức nổi vai trò và nhiệm vụ mình.

Buổi tối, Hạo tìm gặp từng người nói chuyện. Có khi các anh kéo nhau vào rạp chiếu bóng thường trực, tìm hàng ghế vắng vẻ, ngồi hội họp. Như thế vừa tránh được mật vụ, vừa có dịp thảo luận tự do hơn.

Hạo đề nghị xin ông Hiển cấp cho nhóm anh chiếc máy quay rô nê ô nhỏ, ông Hiển từ chối. Nói rằng phương tiện tài chánh của đảng rất eo hẹp. Ông khuyên Hạo luôn luôn nhớ tới hai tiếng tự túc.

Thái hăng hái không kém Hạo. Anh cũng đã tổ chức được một nhóm hơn hai chục người. Họ gồm toàn những thanh niên bất mãn với thời thế. Sự bất mãn có nhiều lý do. Học hành thi cử mãi không đậu đạt: bất mãn. Thất nghiệp tháng này qua tháng nọ: bất mãn. Một đôi lần tới các công sở gặp những chuyện chướng tai gai mắt: bất mãn. Bị cảnh sát nhốt một đêm vì quên đem theo thẻ căn cước: bất mãn... Sự bất mãn nhỏ mọn đó được nuôi lớn dần. Để biến thành sự bất mãn chính trị. Trong tâm hồn họ sẵn sàng đâm chồi đối lập. Nhưng họ không biết làm gì hơn là tụ tập nhau lại chửi rủa xã hội và chính quyền. Thái biết rõ cái yếu điểm đó. Vì anh đã từng giống họ. Thái khôn ngoan kéo họ về phía mình và tặng họ nhiều cơ hội để họ trả thù sự bất mãn ngấm ngầm ấy.

Thoạt đầu, ông Bình định đưa Thái sang vùng Khánh Hội. Sau ông Hiển đổi ý kiến. Ông đưa Thái về xóm Bầu Sen bên Chợ Lớn. Ông Bình xoay ngay cho Thái một chân thư ký sở tư. Anh chỉ làm việc có nửa buổi. Nhờ đi làm nên không ai dòm ngó đến đời tư của anh.

Thái cũng nằm trong tình trạng của Hạo. Anh rất thiếu phương tiện hoạt động. Hỏi ông Hiển, ông bảo tự túc. Khẩu Walther Thái mang từ rừng đồi Ban Mê Thuột về vẫn nằm im dưới đáy va-ly. Anh chưa quyết định phải làm gì để có tiền gây rộng cơ sở. Tách khỏi Hạo, Thái thấy mình lạc lõng quá. Nhưng rồi nhớ lại những lời khuyến khích của ông Bình, ông Hiển, anh lại ngượng. Các lãnh tụ có khi nào hạ anh dưới Hạo đâu, Thái đứng ngang hàng với Hạo hiện tại. Anh song song với Hạo đang bước vào lịch sử. Vậy anh phải tỏ cho lãnh tụ biết rằng anh không hề kém ai: Anh dám liều và có thể liều gấp bội kẻ khác.

Ý nghĩ liều ám ảnh Thái nhiều đêm. Anh chưa quên lời nói thiết tha của ông Hiển đêm đầu ông đặt chân lên đất Ban Mê Thuột:

- Thời đại đã thay đổi hẳn, mọi hoạt động không thể rập đúng nhịp cũ. Tôi là lớp người cũ. Tôi hiểu tôi sẽ thua kém các chú. Tôi không còn nhiều lửa để bốc mạnh. Các chú thì đang căng đầy nhựa sống, đảng cần nhắc các chú liều lĩnh hơn. Sự liều lĩnh của tuổi trẻ thường tạo nên lịch sử. Tôi tin tưởng các chú như tin tưởng vào tương lai của dân tộc ta.

Đêm ấy, các anh đã uống từng lời nói của ông Hiển. Uống say sưa như người đi giữa sa mạc gặp giếng nước. Không lẽ, Thái nỡ phụ lòng tin tưởng của lãnh tụ. Anh đã thầm hứa rằng sẽ làm nên một chuyện gì. Song với điều kiện Thái hoạt động bên Hạo. Bao giờ Thái cũng phục Hạo. Hạo quả quyết hơn anh và biết dằn tình cảm trong những trường hợp đặc biệt. Bây giờ Hạo hoạt động riêng. Mỗi con mãnh hổ chiếm một khoảng đất để thi thố tài năng. Nhất định Thái phải tỏ cho lãnh tụ biết anh là con mãnh hổ xứng đáng với danh từ. Thái quên hẳn Hạo, quên hẳn cái mặc cảm kém Hạo. Anh cương quyết nêu cao thành tích.

Thái nghĩ đến chuyện vét tiền của "chó biển" Luyến ở Hải Phòng trong khung cảnh "chợ chiều" cuối năm 1954. Tại sao Thái không dám bắt chước anh Luyến nhỉ? Mắt Thái sáng rực. Anh lục khẩu Walther kiểm soát lại đạn dược.

11

Huấn rút thuốc châm lửa đốt. Từ một gốc cây cách Huấn chừng chục bước, Sơn bò tới. Anh giật điếu thuốc đang ngậm trên môi Huấn, nghiến răng trách bạn:

- Cậu muốn anh em chết hết cả hay sao?

Huấn thú tội:

- Tớ thèm quá.

- Cậu thèm thuốc lá, công an biên giới chúng nó cũng thèm bắn vỡ đầu chúng mình. Cậu đốt thuốc lộ mẹ mục tiêu rồi còn gì nữa. Nhịn đi, qua chặng này hãy hút. Cậu quên rằng chúng mình đương bị vây à?

Sửa soạn chiến đấu và đưa diêm thuốc đây!

Không đợi Huấn nói thêm, Sơn luồn tay vào túi quần Huấn, tước bao thuốc và hộp quẹt của Huấn. Anh dặn bạn:

- Đừng cao hứng bắn bậy đấy!

Rồi Sơn bò về vị trí của mình. Bách níu vai anh, hỏi:

- Liệu đủ đạn không cậu? Sơn vỗ vai bạn:

- Yên chí, đủ xực tụi chúng nó.

Sốt ruột, Bách cằn nhằn:

- Đợi lâu quá, chơi nhau đi chứ. Tớ không thích ngủ ở khu rừng này.

Sơn đẩy khẽ bạn:

- Bò về chỗ của cậu đi.

Bách tuân lệnh Sơn không hỏi lôi thôi nữa. Anh bò về chỗ mình. Các anh có bảy người. Hôm nhận được thư ông Hiển, Hạo, Thái và Định xuôi miền Nam. Còn các anh, kẻ đi Nha Trang, người đi Đà Lạt.

Nhưng vài hôm sau, ông Hiển ra lệnh mới. Các anh phải lên hết Kontum gặp anh Mạnh. Và nửa tháng sau, các anh đã vượt biên giới sang Lào buôn thuốc phiện lậu để gây quỹ đảng.

Chuyến đi này là một thử thách đầu tiên. Ai cũng mong ước. Sang tới đất Lào, các anh nhận hàng và về ngay. Len lỏi qua nhiều lối rừng, các anh đã qua mặt một vài trạm canh ở biên giới. Tới trạm cuối cùng, các anh mắc kẹt. Công an đông gấp hai bọn các anh. Vì thế, các anh phải rút sâu vào khu rừng già, chờ đêm khuya mới kiếm cách vượt khỏi chốn hiểm nghèo.

Sơn nhìn lên bầu trời đen kịt. Sương xuống rất nhiều. Đôi vai anh thấm ướt. Bạn bè anh đang mở căng mắt nhìn về hướng trạm canh. Tất cả đều nóng lòng. Qua chặng này tức là vụ làm ăn trót lọt. Các anh sẽ có nhiều phương tiện hoạt động hữu hiệu hơn.

Sơn rút khẩu colt 12 của Hạo tước đoạt của gã sĩ quan Pháp. Anh kiểm soát lại đạn, đoạn bò đến phía Khải. Hai người ngồi bên nhau một lúc lâu. Mãi Khải mới hỏi:

- Bao giờ mình vù hả cậu?

- Đợi tụi chó chết buồng ngủ đã.

- Nhỡ tụi nó không buồn ngủ thì sao?

- Thì chúng mình cho nó uống "thuốc ngủ"...

Khải đặt khẩu tiểu liên trên mặt cỏ. Anh rút khăn lau sương thấm ướt mặt rồi nhìn Sơn. Trong đêm tối, đôi mắt Khải rực sáng như đôi mắt thú rừng. Anh nói:

- "Thuốc ngủ" hiếm lắm đấy cậu ạ!

- Hiếm thì cho chúng nó uống dè.

- Tụi mình có ba tiểu liên và hai Colt 12. Không biết súng ống của chúng nó ra sao?

Sơn chủ quan:

- Một thằng bọn mình hạ năm thằng chúng nó ngon ơ! Nhưng ông Hiển bảo bất đắc dĩ hãy nổ súng.

Lúc này tớ mới tiếc.

- Cậu tiếc gì?

- Tớ tiếc thiếu "công tử" Định.

- Cậu ấy có "trò" gì?

- À, hắn phóng dao tuyệt lắm.

Nhớ tới ba người bạn xuôi miền Nam, Khải hỏi:

- Không biết các cậu ấy làm nên trò trống gì chưa?

Sơn đáp:

- Ông Hiển giỏi lắm. Ông ấy tin tưởng hai cậu Hạo và Thái nhất. Tớ chắc họ sẽ không phụ lòng ông Hiển.

- Còn cậu Định?

- Định nhiều tình cảm quá. Rồi đi chung với đám quân của Ba Cụt, cậu ấy sẽ chai đá dần.

Hai người đang thầm thì trò chuyện bỗng nghe thấy tiếng sột soạt. Khải chụp vội khẩu tiểu liên. Sơn rút Colt 12 lăm lăm trong tay. Một bóng người phía trước mặt họ đang bò trên lớp lá khô tiến gần lại. Sơn dắt súng vào cạp quần, lên tiếng:

- Có chuyện gì thế Thịnh?

Thịnh đã tới chỗ hai người. Anh nói:

- Tụi nó sắp ngủ rồi. Hai thằng gác phiên đầu. Phải hạ hai thằng này bằng dao mới êm chuyện, cậu nghĩ thế nào hở Sơn?

Suy nghĩ một lát, Sơn gật đầu:

- Đồng ý, không còn cách nào khác cả.

Sơn huýt sáo. Ba phút sau các anh đã tập trung tại một chỗ. Sơn phân chia công tác cho anh em. Mạo hỏi:

- Tớ vẫn chở "nhựa" hở?

- Ừ.

- Ngộ có chuyện gì?

- Thì cậu chôn đi và nhớ đánh dấu để dịp khác mình tới lấy về.

Họ không nói năng gì nữa. Khoảnh khắc, những chiếc bóng đen đã lủi mất trong khu rừng già. Sơn và Khải lãnh nhiệm vụ hạ hai tên công an gác phiên đầu. Hai anh bám sát nhau. Gần tới địa điểm, hai anh hết sức thận trọng. Bước chân rất nhẹ và hầu như các anh nín thở. Họ nấp ở mỗi gốc cây, nghe ngóng vài phút rồi mới lại rời chỗ. Đồn biên giới hiện ra rõ ràng. Chỗ này đã sâu vào nội địa nên không có lính trấn thủ. Chỉ có công an nằm chờ thộp cổ bọn buôn thuốc phiện lậu.

Sơn và Khải thấy bóng hai tên công an. Chúng nó đương ngồi bên hau hút thuốc lá. Ánh lửa từ đầu điếu thuốc lòe đỏ mỗi khi chúng hít trông thật kỳ lạ. Rừng già về khuya im lặng đến hãi hùng. Thỉnh thoảng có tiếng "à uôm" của chúa sơn lâm hay tiếng sói tru từ xa vọng lại. Ớn người.

Sơn nghĩ giá chỉ có hai thằng chó chết kia thì hai điếu thuốc lá là hai cái đích để các anh hạ nó một cách ngon lành. Hai anh chờ đợi cơ hội thuận tiện. Nhưng hít xong hai điếu thuốc lá rồi mà hai thằng chó chết chẳng chịu dời nhau. Chúng nó ngồi tán dóc đủ mọi thứ chuyện. Sơn nóng ruột quá. Lúc này các bạn anh cũng đang hồi hộp trông chờ. Chợt Sơn kéo tay Khải. Hiểu ý, Khải ghé sát tai vào miệng Sơn:

- Cậu rút dao đào cho tớ một cục đất bằng nắm tay đi Khải.

- Để làm gì?

- Để tớ dụ khị.

Khải nghe lời Sơn, hì hục đào hai ba cục đất. Sơn ném mạnh một cục ngay phía mình. Tiếng đất rơi trên lá khô lạo xạo. Hai tên công an chưa có thái độ gì. Sơn ném tiếp cục nữa. Chúng vẫn im lặng. Kiên nhẫn, Sơn ném thêm cục nữa. Lần này hai tên công an cùng đứng dậy. Một thằng dục bạn:

- Mày chạy ra coi xem có chuyện gì?

Thằng kia rút đèn bấm quét ngang ánh sáng vào khu rừng tối. Sơn nhếch mép cười. Anh kéo mạnh Khải:

- Dịp may ngàn năm một thuở đấy bồ ơi! Để thằng chó chết tìm tòi, chúng mình hỏi thăm tên bạn yêu dấu của nó.

Hai người băng khỏi chỗ nấp, lủi dần, lủi dần. Cách tên công an chừng chục thước, hai anh lại nấp sau một gốc cây. Giá gốc cây gần tên công an thì khỏi phải tính toán. Bất giác, Sơn càng tiếc không có Định để Định biểu diễn một đường dao. Một đường dao của Định là đủ rồi. Sôn kéo cổ Khải, thầm thì:

- Cậu ném con dao trước mặt nó đi, cách độ ba bốn thước thôi.

Khải chưa kịp liệng con dao thì tên công an ngồi chờ lên tiếng:

- Thấy gì không mày?

Tên bạn nó trả lời:

- Đếch có cái gì cả.

Và nó trở lại. Khải liệng con dao "bộp" một cái. Tên công an nhảy lại gần xem sự tình. Nhanh như cắt, Sơn phóng mình chụp lấy nó. Khải cũng phóng mình theo. Anh phang báng tiểu liên vào đầu nó. Tên công an chỉ kịp kêu "ối" một tiếng. Khải lượm con dao của anh, bồi thêm nó một nhát thấu phổi. Anh rút dao, chùi vội máu vào áo nó rồi dắt liền vô bao.

Tên công an đi sục sạo nghe tiếng "ối", hỏi bạn:

- Gì thế mày?

- Mày đi đâu rồi hở Vọng?

Giọng nó oang oang đượm nhiều nỗi sợ hãi, vang vọng giữa khu rừng khuya. Rờn rợn. Hai anh lủi gần tới nó. Nhưng chưa kịp ra tay thì nó hoảng quá, rút súng bắn lia lịa. Bắt buộc, Sơn phải rút khẩu Colt 12 hạ nó liền. Hai anh chạy về phía bạn mình chờ đợi. Tới nơi, Sơn ra lệnh:

- Sửa soạn chiến đấu đi các cậu. Thằng khốn kiếp đánh thức cả đồn rồi.

Quả như lời Sơn nói, cả đồn đều giật mìn vì những phát đạn nổ chát chúa. Họ vùng dậy vớ lấy vũ khí.

Có người không kịp mặc quần dài. Những chiếc đèn bấm thay phiên nhau quét ánh sáng. Những băng đạn lắp vào súng nghe lạnh người. Họ tung ra bổ vây lấy kẻ thù. Hai con chó bẹc giê cũng đã được thả ra. Nó lao vào rừng, sủa inh ỏi.

Khải bối rối:

- Có chó nguy quá Sơn ạ!

Sơn nói:

- Người còn chả lo nữa là chó.

Rồi Sơn dặn anh em:

- Nhớ đừng phí đạn nhé! Khi nào tụi nó chiếu đèn, hãy ngắm kỹ cái đích ấy mà khạc đạn.

Các anh đã sẵn sàng nghênh địch. Mỗi người kiếm một gốc cây cách nhau hàng chục thước. Họng súng của các anh đang chờ khạc lửa. Không lâu, hai con chó bẹc giê lăngxăng chạy tới. Nóng mắt, hạo rút Colt 12. Đợi nó tới gần, Hạo bắn một phát. Con chó trúng đạn nằm lăn trên mặt lá khô, dẫy dụa.

Lập tức công an đáp lễ ngay. Họ quạt tiểu liên cả phút đồng hồ liền. Rưngcầy xáo động. Muông thú chạy tán loạn. Chim chóc dời tổ vừa bay vừa kêu trên đầu các anh. Những băng đạn bắn vu vơ không làm các anh hoảng hốt. Họ càng bắn, các anh càng nín. Con chó sống sót không dám tiến lên nữa. Nó nép bên chủ sủa inh ỏi.

Bọn công an chưa biết các anh nấp chỗ nào và có bao nhiêu người, bao nhiêu súng ống. Không phải là lần đầu họ gặp bọn buôn lậu có súng. Làm nghề này đụng chạm với các tay tổ như cơm bữa. Và thường thường họ thắng. Bọn buôn lậu bất đắc dĩ mới phải dùng tới biện pháp chống đối. Họ biết rằng họ ít kinh nghiệm chiến đấu, lại thiếu tay súng, nên phần thất bại cầm chắc.

Hiểu như thế, bọn công an biên giới rất khinh thường "súng ống" của bọn buôn lậu. Họ chủ quan khinh địch. Nhưng lần này họ không dám khinh thường. Hai xác chết máu đang tuôn trào nóng hổi là một bằng chứng cụ thể để họ kết luận rằng, bọn khốn kiếp này nếu chẳng phải là Việt Cộng thì cũng là bọn thổ phỉ biên giới.

Họ dè dặt đi sâu vào khoảng rừng có tiếng đạn nổ. Ngót hai tiểu đội làm thành cái vòng vây muốn đánh đai lấy các anh. Các anh bất động. Thình lình, một người công an quét đèn bấm ngang phía Khải núp.

Quét đi quét lại mấy lần. Rồi hắn nhắm thẳng gốc cây anh đang nằm chờ, rọi thẳng tới.

Khải nâng khẩu tiểu liên. Anh ngắm trên cái đèn bấm một chút. Và khạc đạn. Người công an ngã rạp xuống. Cây đèn bấm văng xa, tắt ngóm. Anh mỉm cười khoái chí. Bọn công an nằm hết cả lượt. Họ bắn như mưa. Những thân cây cổ thụ đã bảo vệ giùm tính mạng các anh.

Khải đang hăng máu trả đũa liền. Sơn cáu quá, bất chấp cả đạn bay, phóng mình tới chỗ Khải, trách bạn:

- Cậu quên lời tớ dặn rồi à?

- Tớ vừa hạ một thằng. Nín mãi chịu không nổi.

- Cậu bắn bừa, hết mẹ nó đạn thì chết cả lũ. Mình bị vây rồi.

Khải hỏi dồn:

- Bị vây rồi à? Lúc nãy cậu cũng bảo bị vây, giờ cậu cũng bảo bị vây!

- Lúc nãy mình có cảm tưởng, giờ thì thực sự rồi. Không khôn ngoan hơn chúng nó, chỉ có cách bỏ xác ở rừng già. Nhân danh anh Mạnh, tớ yêu cầu cậu tuân lệnh tớ.

Khải không cãi. Sơn bò về chỗ nấp của mình. Bọn công an thấy các anh không bắn, đoán rằng các anh ít súng. Họ nã đạn tới tấp vào khu vực các anh. Thịnh bò tới chỗ Sơn đề nghị:

- Tớ xung phong tặng chúng nó vài quả lựu đạn nhé!

Sơn ngăn bạn:

- Đừng.

- Đừng sao được. Đây là cơ hộu duy nhất để tớ làm lé mắt ông Hiển. Tớ đi đây.

Nói dứt. Thịnh bò khỏi chỗ Sơn. Khoảnh khắc, anh đã biến mất. Thịnh cẩn thận, nghe tiếng súng nổ anh nằm im. Súng vừa ngừng anh nhoài người bò lẹ. Đến một gốc cây. Thịnh nhìn rõ hai gã công an nằm sát bên nhau. Hai gã cũng có tiểu liên. Mắt Thịnh sáng rực. Anh đợi. Khi hai gã ngồi dậy lắp đạn, Thịnh rút kíp lưu đạn. Muốn chắc ăn, Thịnh cấm trong tay một lát rồi mới liệng. Trái lựu đạn được tính đúng giây phút, rơi xuống đất là nổ liền. Hai gã công an tan xác.

Huấn phóng tới chỗ Sơn, hỏi bạn:

- Lựu đạn của bọn cớm hả?

- Không, của Thịnh đấy.

Huấn tặc lưỡi:

- Con nhà Thịnh muốn lọt vào mắt ông Hiển chắc?

Sơn chưa trả lời Huấn thì Thịnh đã bò về. Gặp hai bạn, Thịnh đưa hai tay lên mũi hít:

- Lựu đạn thơm quá. Hai ông cớm về chầu Phật tổ rồi.

Huấn thấy tâm hồn anh sôi bỏng lạ thường. Anh muốn làm một việc phi thường giống Thịnh. Bọn công an bắn rát hơn. Họ dồn hết nỗi phẫn uất vào đám người buôn lậu. Sơn ấn mạnh vai Thịnh và Huấn ra hiệu nằm xuống. Anh hỏi bạn:

- Các cậu nghĩ thế nào?

Thịnh nói:

- Nghĩ chó gì, coi có thắng nó mới mong về. Đánh mạnh đi, nghĩ gì nữa!

Sơn nhét đạn thêm vào khẩu Colt 12:

- Cậu không chịu lượng sức mình.

Thịnh cãi:

- Bảy chiến sĩ cách mạng mà thua hai tiểu đội công an?

Sơn thở dài:

- Cậu luôn luôn quên lời ông Hiển. Chúng mình còn nhiều công tác khác quan trọng hơn là tính chuyện ăn thua với bọn cớm. Cậu nghĩ thế nào hở Huấn?

Huấn chưa kịp trả lời bạn thì những họng súng nghi ngờ của bọn công an xối xả khạc đạn vào những chỗ nấp của các anh. Những chiếc đèn bám cũng đua nhau quét ánh sáng tìm tòi kẻ địch. Sơn lo lắng.

Anh biết các anh khó tiêu diệt hết đối thủ. Trời dần sáng, vô phúc gặp quân đội tảo thanh phiến cộng qua đây thì vào tù cả lũ. Đợi đạn của địch ngưng nhả, Sơn hỏi lại Huấn:

- Cậu nghĩ thế nào?

Huấn suy nghĩ giây lát rồi đáp:

- Tớ có một cách thoát thân.

Sơn ngồi dậy:

- Nói ngay đi xem nào.

- Tớ ở lại, các cậu về.

Thịnh nói:

- Cậu định mạo hiểm một mình hở? Cho tớ theo với nhé!

Huấn chìa tay bắt tay Thịnh:

- Thế còn gì bằng.

Sơn dục:

- Cậu cho biết qua kế hoạch được chứ?

Huấn gật đầu:

- Được, nhưng cho tớ đặt điều kiện với cậu.

Sơn hỏi:

- Điều kiện gì?

Huấn nhéch mép cười:

- Cho tớ hút mọt điếu thuốc lá.

Sơn chiều bạn:

- Đồng ý, nhưng phải để tớ che lửa.

Huấn rút thuốc lá che lửa hút. Sơn lột chiếc mũ đỏ của anh che trước mặt Huấn. Huấn hút gần nửa điếu. Sơn giật mình nói:

- Dập thuốc đi cậu!

Huấn bối rối:

- Gì thế, gì thế? - Cậu hút thuốc "Oakland" nguy quá. Mùi thuốc nàt thơm lắm. Chỉ lát nữa là bọn cớm đánh hơi. Chuồn sang gốc cây khác đi.

Ba người bò rạp sang một gốc cây khác. Bọn công an quyết diệt kẻ thù. Họ lại thả chó đi sục sạo anh em. Sơn dục Huấn:

- Kế hoạch thế nào?

Huấn chậm rãi nói:

- Tớ và Thịnh bỏ rơi các cậu, chúng tớ băng ngang trở lại biên giới. Cách đây độ năm trăm thước, chúng tớ xối xả bắn và rút lui ầm ỹ. Bọn cớm phải rượt. Các cậu rảnh tay rút lui.

Sơn hỏi:

- Rồi số phận các cậu sẽ ra sao?

Huấn đáp:

- Số phận của chúng tớ nằm trong số phận của đảng. Ra sao cũng chẳng cần. Điều cần thiết là các cậu phải thoát và chở hàng về tận nhà.

Huấn vỗ vai Thịnh:

- Cậu đồng ý không?

Thịnh rút con dao đi rừng cắm phập vào thân cây:

- Đồng ý!

Tiếng chó sủa và tiếng đạn nổ xé không gian. Phút quyết định đã tới. Huấn bảo Sơn:

- Cậu cấp cho chúng tớ hai khẩu tiểu liên.

Sơn nói:

- Được, các cậu cần gì nữa không?

- Nếu có thể, cậu cho tớ mượn khẩu colt 12 của cậu nữa.

- Cũng được. Cậu có dặn dò gì không?

- Gặp ông Hiển cậu nhắn giùm, nếu chúng tớ bị chết...

Huấn ngừng lời. Biết ý bạn, Thịnh nói tiếp:

- Nếu bị chết, nhớ đặt tên hai chúng tớ ở hai đại lộ to nhất Sài Gòn nhé!

Sơn tháo súng mình trao Huấn. Anh bò tới chỗ Khải lấy thêm khẩu tiểu liên nữa. Xong, Sơn chìa tay bắt tay hai bạn:

- Chúc các cậu thành công.

- Yên chí, không dễ gì bỏ xác ở xó rừng này đâu.

Và mặc đạn của công an vèo vèo bay tới, hai anh lủi mất hút trong đêm rừng mù mịt.

Cách các bạn một quãng xa, hai anh dừng lại. Tiếng súng bây giờ ròn rã hơn. Bọn Sơn còn dè dặt.

Huấn biết chắc vòng vây của bọn công an đang siết chặt. Họ nhất định bắt sống các bạn anh. Lòng thù hận dâng lên khóe mắt Huấn. Anh nắm chắc tay súng hướng về phía có những ánh đèn bấm đang quét sáng khu rừng trước mặt anh. Và Huấn nhả đạn tới tấp. Anh hối Thịnh:

- Bắn đi cậu. Bắn cho bọn Sơn biết chúng mình đã ở xa các cậu ấy.

Thịnh tiếp tay bạn khạc đạn. Hai anh đã làm hoang mang bọn công an. Họ hướng hết họng súng về phía tiếng đạn nổ. Huấn nhếch mép cười thỏa mãn. Anh bảo bạn:

- Bọn chó chết vào tròng rồi. Nào, chúng mình cưỡi cọp. Đợi tớ rít một hơi thuốc lá đã. Bây giờ cậu Sơn không ngăn tớ nữa.

Huấn lại móc túi lấy thuốc lá châm hút. Que diêm vừa xòe thì loạt đạn vèo vèo bay tới. Huấn cúi rạp, cố hít một hơi thuốc thật dài cho hết cơn ghiền rồi dụi thuốc đi. Anh vùng dậy, hô lớn:

- Anh em rút hết sang biên giới!

Sợ tiếng nói của mình không được lớn lắm, Huấn bảo Thịnh chụm tay vào miệng làm loa hô lớn hơn.

Thịnh làm liền. Anh bịa thêm lời:

- Anh em rút hết sang biên giới! Đừng kháng cự nữa. Sơn đừng bỏ "hàng hóa" lại nhé! Rút lui ngay!

Tiếng của Thịnh vang tới lọt vào tai bọn công an, đồng thời lọt luôn vào tai các bạn anh. Mắt Sơn sáng rực. Các anh sắp thoát khỏi vòng vây. Bọn công an không bỏ mồi, họ truy kích đến cùng để trả thù cho đồng bọn của họ.

Hai anh chạy xa thêm. Dừng lại bắn vu vơ. Bọn công an tưởng các anh tẩu thoát, huy động hết lực lượng rượt đuổi. Con chó bẹc-giê dẫn đường. Nghe tiếng chó sủa săn mồi khá xa, Sơn ra lệnh cho anh em lần lượt băng rừng vượt chốn hiểm nghèo.

Huấn và Thịnh đến gần con suối nhỏ. Hai anh cảm thấy khát ghê gớm. Gục mặt xuống dòng suối, hai anh uống ừng ực. Nước lạnh làm hai anh tỉnh táo lạ thường. Thịnh hỏi Huấn:

- Liệu bọn Sơn chuồn chưa?

Huấn đáp:

- Cậu Sơn nhiều thủ đoạn lắm. Tớ chắc cậu ấy đương cho anh em rút rồi.

Im lặng một lúc, đột nhiên Thịnh nói:

- Còn hai đứa mình bao giờ rút đây?

Huấn lắp băng đạn khác, trả lời bạn:

- Chúng mình đang cưỡi cọp mà.

- Liệu có xuống khỏi lưng cọp không hở cậu?

Huấn quả quyết:

- Xuống chứ!

Thịnh thắc mắc:

- Nhỡ ngã thì sao?

Huấn đập mạnh vào lưng bạn:

- Thì chúng mình nằm trên hai đại lộ lớn nhất Sài Gòn. Thí dụ đại lộ Bornard hay Catinat chẳng hạn...

Kết cuộc của sự cưỡi cọp là thế. Làm cách mạng thì mong mỏi gì hơn là đi vào lịch sử. Trước hay sau cũng phải ngã. Tớ nói thực, tớ không muốn hưởng sự thành công. Nếu tớ còn sống và cuộc vận động lịch sử của chúng mình thành công, nhất định tớ về vườn câu cá.

Thịnh cười:

- Cậu lại muốn học đòi sự nói phét của Hồ Chí Minh rồi.

Huấn cãi:

- Tại sao tớ lại phải học đòi Hồ Chí Minh nhỉ? Nếu học thì tớ học cái kinh nghiệm... câu cá của ông ta thôi. Giá Hồ Chí Minh về câu cá thật, có lẽ ông ta không bị ngyền rủa như giờ đâu. Cậu còn sống cậu sẽ biết, tớ sẽ về câu cá mà.

Thịnh chưa kịp nói thêm thì loạt súng tiểu liên của đối thủ lại ròn rã phóng tới. Những chiếc đèn bấm quét ánh sáng gần quá rồi. Thịnh nói:

- Chúng nó quyết túm cổ bọn mình cậu ạ!

- Ừ, để xem chúng nó túm bằng giá nào?

Hai anh dời nhau. Mỗi người tìm một vị trí để ăn thua với bọn công an. Lúc này, hai anh không chịu nín nữa, kẻ thù đã tiến tới gần. Huấn nhả đạn tiếp đón. Một giọng nói trổi lên:

- Buông súng hàng đi. Chúng mày hết đường chạy rồi.

Thịnh đưa súng lia một tràng về phía có tiếng nói. Bọn công an sôi máu bắn trả đũa gấp bội. Họ đoán được chỗ nấp của hai anh và khép kín vòng vây lại. Bắn vu vơ một lúc, bọn công an thấy hai anh im lặng, cũng lặng im. Một con chó bẹc-giê không làm nên chuyện. Nhưng Huấn rất cáu tiết. Anh đào một cục đất, ném bộp trên lá khô. Con chó khốn nạn nhào tới. Anh rút khẩu colt vẩy đạn. Con chó kêu ăng ẳng dẫy dụa trên vũng máu.

Bọn công an tiến lên áp đảo hai anh. Thịnh cáu tiết vùng lên ôm súng bắn lia lịa vào đối thủ. Anh dời chỗ n6áp, say sưa khạc đạn. Bỗng Thịnh buống súng té nhào. Anh vừa bị trúng một phát đạn. Thịnh gọi bạn. Huấn chạy vội tới chỗ anh.

- Cậu bị rồi à?

- Ừ, ở gần nách. Chắc chưa trúng phổi, máu ra nhiều quá cậu ạ!

- Để tớ cõng cậu rút sâu vào rừng đã, rồi tính sau.

Giọng Thịnh mệt mỏi:

- Liệu cõng nổi không?

- Nổi mà.

- Haỵ..

- Hay gì?

- Hay cậu chuồn đi, để chúng nó túm tớ.

Huấn an ủi bạn:

- Đừng thất vọng cậu, tớ phải chiến đấu đến phút cuối cùng, chúng mình sẽ thoát.

Rồi không đợi Thịnh nói thêm, Huấn dìu Thịnh cố lết sang bên kia gòing suối. Mất chó, bọn công an không dám liều lĩnh. Họ cố tình vây hai anh, đợi tới sáng sẽ bắt sống. Họ cũng không bắn rát như ban đầu. Vì thế Huấn mới đưa được Thịnh sang bên kia giòng suối.

Chọn một gốc cây, Huấn đặt Thịnh nằm. Anh đưa tay sờ vết thương của bạn. Máu vẫn chảy rỉ rỉ. Huấn rút khăn mùi xoa thấm máu. Thịnh kêu khát nước. Huấn để Thịnh nằm một mình. Anh xuống suối, cởi áo nhúng nước đem lên vắt vào miệng bạn. Xong, Huấn lau mặt cho bạn tỉnh táo.

Thịnh bị ra nhiều máu quá, người dần dần mệt đi. Giọng nói của anh yếu đuối rõ rệt. Huấn không biết phải làm gì. Anh nhảy ra bờ suối, chĩa súng sang kẻ thù quạt đạn. Rồi anh lại phóng về, đưa tay vuốt ve trán bạn. Thịnh thở dồn dập. Anh hỏi Huấn:

- Chúng nó còn theo bọn mình không?

Huấn nói dối bạn:

- Chúng nó rút lui hết rồi.

Thịnh muốn nhấc đầu lên. Huấn đặt đầu anh lên đùi mình.

- Chúng nó rút rồi à? Mình sẽ thoát à?

- Ừ, mình sẽ thoát.

Huấn sờ ngực bạn. Anh thấy tim đập rời rạc. Huấn nghiến răng ken két. Tự nhiên, Thịnh tỉnh táo. Anh bảo bạn:

- Mình thoát chắc thú lắm.

- Ừ.

- Lãnh tụ chắc phục mình sát đất.

- Ừ.

- Ông Hiển phải xếp bọn mình ngang với các cậu Hạo, Thái, Sơn?

- Ừ.

- Tớ thích nhìn rõ cách mạng thàng công cậu ạ!

- Tớ cũng vậy.

- Tớ không thích chết dang dở.

- Tớ cũng vậy.

- Tớ không thích họ lấy tên mình đặt tên phố!

- Tớ cũng vậy.

- Khi cách mạng thành công chúng mình về Sài Gòn, các em quàng hoa vào cổ mình, sung sướng quá cậu nhỉ?

- Ừ.

- Cậu nhất định về nhà câu cá ư?

- Ừ.

Tớ phải làm Bộ Trưởng cậu ạ! Tớ thích đi xe cắm cờ sau một đoàn mô tô hộ tống. Như thế có đáng ghét không?

- Không.

Có tiếng chân lạo xạo. Huấn biết bọn công an đang chực rình vồ các anh. Huấn nhấc đầu Thịnh khỏi đùi mình. Anh vơ lấy khẩu tiểu liên. Lại sờ tay vào vết thương của bạn. Máu còn chảy. Thịnh bắt đầu rên, đau đớn. Nhưng vẫn hỏi bạn:

- Cách mạng phải thành công, phải không Huấn?

Tiếng rên của Thịnh khiến tâm hồn Huấn se lại. Tiếng chân người nghe rõ hơn. Thịnh run rẩy nói:

- Cách mạng... Thành công sướng quá... Cậu nhỉ?

Huấn cúi xuống sát tai bạn nói tiếng "ừ" thật ngọt. Thịnh nghiêng mạnh đầu sang một bên. Và không bao giờ nói nữa. Huấn sờ ngực bạn. Tim Thịnh đã ngừng đập.

Lòng căm thù sục sôi. Huấn rọi tia mắt về phía có tiếng động. Một bóng người đang lầm lũi bò. Huấn đứng thẳng dậy, chúc mũi súng và bóp cò. Người công an lăn đi hai ba vòng. Huấn chồm tới lấy chân đẩy ngửa mặt hắn lên. Anh bắn nát mặt kẻ thù để rửa hận cho bạn.

Sau đó, Huấn lồng lộn sang bên kia giòng suối, bắn như điên cuồng. Anh không ẩn núp, vừa chạy vừa khạc đạn. Tới lúc gần hết đạn, anh bị một tràng tiểu liên của đối thủ quét nát ngực. Anh gục xuống chết ngay tại chỗ.

12

Định hỏi người lính hầu cận:

- Có chắc hôm nay không?

Người lính lễ phép đáp:

- Thưa thiếu tá chắc. Nhân viên kế toán ở toà hành chánh cho tin thì phải đúng. Chúng em hối lộ thằng cha ngót hài ngàn mà thiếu tá. Nếu sai, dễ gì nó sống nổi.

Định vén tay áo xem đồng hồ. Anh nói:

- Ba giờ rưỡi rồi.

Người lính hiểu Định sốt ruột. Hắn kiếm cách làm yên lòng anh:

- Bắc về mùa này hay bị kẹt lắm thiếu tá ạ!

Định vỗ vai hắn:

- Công xa kẹt sao được.

Người lính cụt hứng. Định kéo hắn ngồi xuống. Bọn anh đã chờ đợi từ trưa. Ngót hai chục người do Định chỉ huy chia ra ba tốp. Định và ba người ở khúc giữa gần bến đò Lăng Gù. Hai tốp kia canh chừng hai đầu, cách Định chừng năm trăm thước. Con đường Long Xuyên - Châu Đốc quãng này vắng vẻ nhất.

Định và người lính ngồi ngay bên vệ đường như người khách bộ hành nghỉ chân. Nhưng sau lưng anh, nấp trong bụi rậm, hai khẩu tiểu liên nạp đạn sẵn sàng đang chỉa thẳng vào mục tiêu.

Định rút thuốc. Người lính vội móc hộp quẹt mồi lửa giùm anh. Định hút một hơi thuốc dài, lắng tai nghe ngóng. Bỗng, anh khẽ lắc đầu. Người lính áp tai xuống đường một lúc rồi nói:

- Xe vận tải thiếu tá ạ!

Định ngạc nhiên:

- Sao chú biết?

Người lính nhe bộ răng vàng, cười:

- Em quen những vụ này quá mà.

- Chú không nhầm chứ?

- Chưa bao giờ nhầm cả thiếu tá ơi.

Định tròn đôi mắt. Anh chưa kịp hết sức ngạc nhiên thì chiếc xe vận tải tư nhận đã lù lù tiến tới. Người lính được thể khoe tài:

- Thiếu tá thấy chưa?

Định quẳng bao thuốc lá thơm. Người lính bắt lấy. Anh nói:

- Thưởng chú một điếu "con mèo" đấy.

Người lính cám ơn rối rít. Để hắn thưởng thức chất khói cho hả hê, Định mới hỏi:

- Thường trên xe có mấy người?

- Thưa thiếu tá hai.

- Những ai?

- Tài xế và phát ngân viên.

- Chắc chắn hở?

- Dạ, bồ nhà cho tin thì phải chắc chớ!

Định thắc mắc:

- Bồ nhà nào?

Người lính giải thích:

- Thằng nhân viên kế toán ở quận hành chánh đó thiếu tá.

- Nó là bồ mình à?

- Dạ, trước nó theo anh Hai. Sau xin lìa bưng về tỉnh mần việc. Anh Hai thương nó còn mẹ già, để nó về. Nó về mần ăn lương thiện nhưng không quên anh Hai. Nó chẳng dám phản bội đâu thiếu tá ơi. Nó nói trúng phong phóc. Rồi thiếu tá coi!

- Các chú có úp vụ nào như vụ nầy chưa?

- Dạ chưa. Anh Hai không nghĩ ra. Chúng em chỉ úp xe đò thôi. Thiếu tá hay thiệt tình. Vụ này ăn gấp mười các vụ xe đò.

Định nhếch mép cười. Tên lích của bọn "phiến loạn" đã hết lời khen anh. Anh rút thêm điếu thuốc đốt tiếp. Chợt Định liệng điếu thuốc đập mạnh vào vai tên lính hầu cận. Hắn lại áp tai xuống đường. Lần này, mắt hắn sáng lên. Hắn nháy mắt, nói đủ nghe:

- Xe nhỏ thiếu tạ ạ! Có lẽ nó đấy.

Hai người đứng dậy tiến ra giữa đường. Chiếc xe đang xả ga chạy nhanh bỗng nhả vơi ga. Người tài xế sang số xe. Xe chậm dần. Định quay lại nhìn. Xe mang biển số VVN734. Đích thực là xe chở lương của tòa hành chánh Châu Đốc. Định dục người lính:

- Ra tay đi!

Người lính giơ tay vẫy. Xe bóp còi inh ỏi. Mặc kệ. Hai người vẫn đứng nghênh ngang giữa đường.

Chiếc xe bắt buộc phải chạy thật chậm. Và dừng lại. Họ chỉ đợi có thế. Mỗi người sang một bên hông xe, rút súng lục nhanh như chớp. Định ra lệnh cho người tài xế ép xe vô lề. Xong, anh mở cửa xe dùng súng nện vào ót người tài xế. Người lính làm theo Định, hạ người phát ngân trong khoảng khắc.

Định huýt sáo. Hai người từ trong bụi rậm băng ra đường. Đã được dặn trước, họ lôi hai cái xác bị đánh ngất dấu vào bụi rậm. Định ra lệnh:

- Không được giết họ.

Sợ bọn thuộc hạ quen giết người, Định dọa thêm:

- Ai giết họ sẽ bị xử tử.

Ngay lúc đó, tiếng động cơ nổ gần. Định dục người lính hầu cận.

- Leo lên xe ngay!

Tên lính hoảng hốt:

- Thiếu tá có biết lái xe không?

Định không trả lời. Anh leo lên xe. Người tài xế hoảng sợ chưa kịp tắt máy nên Định chỉ việc đạp "ămbay- a" sang số từ từ. Chiếc xe sau đang tiến tới là xe nhà binh. tên lính hầu cận quay lại nhìn. Mặt hắn tái mét. Hắn lắp bắp nói:

- Xẹ.. nhà binh... thiếu tá... ạ!

Định lơ là như không nghe rõ hắn nói gì. Người lính nói to hơn:

- Xẹ.. chở... đông... lính quá... thiếu tá... ạ!

Chiếc xe sau bóp còi. Định ép sát bên lề cho nó vượt. Khi nó bỏ rơi xe anh một quãng xa, Định sang số "de", lùi xe về chỗ cũ. Nét mặt Định rất bình tĩnh khiến người lính há hốc mồm kinh ngạc. Hắn càng tin Định là tay tổ trong nghề cướp cạn.

Định thắng xe, tắt máy, rút chìa khóa "công tắc" vất vào bụi rậm. rồi anh mới vỗ vai người lính, chậm rãi nói:

- Bận sau chú đừng la lối om sòm nữa nghe!

Người lính cúi đầu, vân vê mép áo.

- Em xin lỗi thiếu tá.

Định an ủi hắn:

- Lỗi lầm gì, chú lo vác "hàng" xuống xuồng đi.

Tên lính dạ dài. Hắn còn cố dặn anh:

- Thiếu tá đừng nói vụ em la lối với anh Hai nghe.

Định gật đầu. Trong nháy mắt, hai người đã rời chiếc xe, lẹ chân băng vào bụi rậm. Đi một quãng họ tới bờ sông. Nơi đó, một chiếc xuồng máy đang neo chờ họ. Người lính ném bao bạc xuống xuồng. Hắn cởi giây neo, giật máy. Định ngồi trên bao bạc. Chiếc xuồng chạy sang bờ bên kia và men theo bờ cù lao Hòa hảo xuôi về mạn Châu Đốc.

Anh không cần lo cho đồng bọn. Họ đã có phương tiện để thoát thân. Xuồng trôi cách bến đò Lăng Gù khá xa, Định ngả người nằm ôn dĩ vãng.

Định xuống Chợ Mới hôm trước, hôm sau bắt tay vào việc ngay. Anh dạy học ở bên Mỹ Lương. Ở đây buồn lắm. Nắng như thiêu như đốt, bụi bốc mù trời. Mưa ngày này qua ngày khác, đường xá lầy lội. Con gái đi xe đạp không thắng, không chuông. Con trai ngờ nghệch, dốt nát. Đàn ông lầm lì, khó hiểu. Ông già búi tóc hay để lòa xòa dễ sợ. Nhưng tâm hồn mọi người đều chất phác, thành thực, dễ thương.

Bấy giờ, đúng đầu niên học, trường Mỹ Lương thiếu một giáo sư Anh Văn. Trên tấm bích chương, nhà trường đã quảng cáo với học sinh rằng sẽ có giáo sư Đoàn Thu, cử nhân Anh Văn từ Sài Gòn về đây dạy.

Song, giáo sư Đoàn Thu nào đó không về. Và Định, tự nhiên, phải nhận mình là giáo sư Đoàn Thu.

Một giáo sư bằng lòng về xứ khỉ ho cò gáy này dạy học mỗi giờ nhận tiền thù lao bốn mươi đồng bạc là một chuyện không thể tưởng tượng nổi. Thế mà đồng bào Mỹ Lương đã dám tưởng tượng. Nơi đây, người ta thấm nhuần đạo lý từ lâu. Lại không hay tiếp xúc với dân thành thị nên người ta dễ tin. Bởi vậy, chỉ cần một nhóm người biết lợi dụng những tâm hồn thành thực này, họ sẽ có một lực lượng đáng kể làm hậu thuẫn cho họ Ở bất cứ một lãnh vực nào.

Định, tuy thật sự không có bằng cử nhân, nhưng anh tận tâm dạy dỗ học sinh. Và học đến đâu họ hiểu đến đó, nên học sinh rất mến anh. Tình thầy trò đang quyến luyến thì tháng sau, Định nhận được lệnh mới của ông Hiển. Lãnh tụ của anh muốn anh nhập vô sào huyệt của đám loạn quân, làm cố vấn cho họ và biến họ thành một đạo quân tiên phong của cách mạng.

Trước khi rời Mỹ Lương, Định sang Chợ Mới thảo luận cùng anh Đăng, anh Đăng bảo Định:

- Sống với bọn giặc cỏ rất khó mà cũng rất dễ.

Định hỏi:

- Khó ra sao?

Anh Đăng trả lời:

- Nếu chú không có gì hơn họ.

Định hỏi luôn:

- Còn dễ?

Anh Đăng mỉm cười:

- Nếu chú biết chơi trội hơn họ.

Định nói rất tự tin:

- Tưởng gì chứ chơi trội hơn bọn họ, em thừa tài.

Anh Đăng biết chắc thế nào Định cũng trả lời như vậy. Anh hỏi thêm như khích Định:

- Chú sẽ chơi môn gì?

- Đủ mọi môn.

- Nếu chú muốn thành công, tôi khuyên chú nên chơi một món thôi.

Định ngạc nhiên hỏi:

- Môn gì đó anh?

Anh Đăng buông hai tiếng gỏn lọn:

- Cướp cạn!

Rồi anh không nói gì nữa. Mấy hôm sau có người dẫn Định vào sào huyệt của Huỳnh Văn Xiển. Hồi chưa bị Ngô Đình Diệm tảo thanh, Xiển là một trong những cánh tay mặt của Ba Cụt. Nay chủ tướng bị phản bội đến nỗi phải bỏ xác ở một nơi tầm thường hèn hạ. Xiển thương chủ, nhất định không chịu ra hàng. Ông kéo một số tàn quân, lập sào huyệt, gây căm thù và quyết một sống một còn với anh em Ngô Đình Diệm.

Quân lính của Xiển là thứ quân ô hợp. Họ mang trong tâm hồn hai hình ảnh:

hình ảnh của hiệp sĩ và hình ảnh của giặc cỏ. Họ không có tâm hồn chiến sĩ cách mạng như họ thường nghĩ là những người làm cách mạng. Thành thử, khi hình ảnh của tên giặc cỏ, che mờ hình ảnh của trang hiệp sĩ trong tâm hồn họ thì họ tàn nhẫn hết chỗ nói. Ngược lại, khi hình ảnh trang hiệp sĩ che mờ hình ảnh tên giặc cỏ tron tâm hồn họ, thì họ cũng thương nước thương nòi. Được cái, ho rất quí mến và trung thành với chủ tướng đến hơi thở cuối cùng. Phản bội, hai tiếng đó không bao giờ ám ảnh họ. Chủ tướng bảo họ lao vào chỗ chết, họ lao ngay, chẳng cần hỏi sự hy sinh đó sẽ đem lại kết quả gì.

Huỳnh Văn Xiển hãnh diện vì có đám thuộc hạ này. Năm nay ông ta chừng ba mươi sáu tuổi. Chưa lấy vợ. Thoạt trông bộ tóc đạo sĩ kiểu Ba Cụt và đôi mắt diều hâu sắc như nước, người ta tưởng ông hung bạo lắm. Thực ra, Huỳnh Văn Xiển không đến nổi nào. Bắt được đúng kẻ thù, ông ta không cắn cổ uống máu, mổ bung moi tim nhậu rượu, cũng không dùng dao phóng giữa ngực rồi ngắm kẻ thù dẫy dụa mà ngồi cười ngất như một vài đàm em của Ba Cụt. Ông ta chỉ dùng súng bắn nát ngực kẻ thù rồi sai thủ hạ quẳng giữa rừng.

Huỳnh Văn Xiển chưa học hết lớp ba. Nên ông thường tỏ vẻ khao khát học và rất quý trọng người có học. Đối với đám thuộc hạ, ông coi như anh em. Tuy ông tự xưng là đại tá nhưng ông không bắt họ gọi ông là đại tá. Ông cho phép họ gọi ông là "anh Hai". Hai tiếng này nghe nó thân mật và nặng tình huynh đệ.

Buổi đầu tiên gặp Định, Huỳnh Văn Xiển đã quý mến anh ngay. Ông ta cho rằng là người của ông Hiển lại làm giáo sư tất anh phải học giỏi. Định không biết mối giây liên lạc giữa Huỳnh Văn Xiển và lãnh tụ của anh ra sao. Song, cứ nghe Xiển nhắc tới tên ông Hiển bằng một giọng cung kính thì anh cũng đoán được Xiển đã phục người lãnh tụ già này sát đất. Có thể, chỉ qua một sự trung gian mà Huỳnh Văn Xiển đã bị Ông Hiển chinh phục.

Xiển phong luôn cho Định chức thiếu tá! Anh từ chối cách nào cũng không được. Đành nhận. Hôm ra mắt đám thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển, anh đã phải dở chút tài mọn. Y như một giang hồ mã thượng biểu diễn vài đường võ gia truyền để được giới lục lâm kết nạp vào đồng đảng. Ngón phóng dao tuyệt tác của anh làm lé mắt đám thuộc hạ của Xiển. Họ hoan hô anh ầm ỹ và bắt anh dạy họ sử dụng dao.
Hôm bàn chuyện "quốc sự" với anh, Huỳnh Văn Xiển tỏ ý rất lo lắng tầm hoạt động của ông ta càng ngày càng bị khép lại. Những nơi ông ta thu thuế, góp lúa nuôi quân đều bị lính của ông Diệm đặt chân tới. Để cứu vãn tình thế, Huỳnh Văn Xiển chỉ còn cách xua quân đánh cướp những chuyến xe đò hay tàu chở hàng trên sông Cửu Long. Nhưng những vụ cướp cạn này cũng dần dần gặp trở ngại. Huỳnh Văn Xiển đang phân vân thì vớ được Định tới giúp một tay. Ông ta mừng ra mặt.
Xiển tưởng đảng của ông Hiển hợp với ông ta. Ông ta không mảy may nghĩ rằng, ông Hiển ngấp nghé cái lực lượng quân sự, tuy chẳng đáng kể song cũng có ích cho ông sau này. Xiển là một tướng cướp không thủ đoạn, nên bao nhiêu tâm sự, ông ta trút hết với Định. Anh nắm được những kẽ hở của Định để chinh phục ông ta.
Định thổi một niềm tin tưởng mới vào tâm hồn Huỳnh Văn Xiển. Anh nói đến nghệ thuật đánh du kích khiến Xiển khoái chí vô tả. Theo Định, với số quân của Xiển, nếu áp dụng chiến thuật du kích, muốn tiêu diệt, ông Diệm phải huy động cả thủy, lục, không quân đánh hàng mấy năm liền. Yếu tố chính của chiến tranh du kích là chiến tranh tâm lý. Định đề nghị Huỳnh Văn Xiển đừng xua quân lôt đồng bào nữa. Cũng đừng chận đánh xe đò hay tầu đò. Như thế không hợp chính nghĩa. Mà không có chính nghĩa thì dễ bị kẻ thù làm cho cô lập. Và, bấy giờ chỉ còn nước tan rã.
Anh đem kinh nghiệm phá rừng, trồng tỉa của các anh ở Ban Mê Thuột và khuyên Xiển bắt đám thuộc hạ trồng ngô khoai trong những ngày nhàn rỗi để có lương thực dự trữ, đề phòng một cuộc bao vây lâu dài. Huỳnh Văn Xiển đồng ý. Tuy nhiên, ông ta vẫn phân vân chưa chịu dứt khoát chuyện cướp xe đò.
Hiểu ý Xiển, anh hứa với ông ta rằng sẽ có những vụ cướp lớn hơn thay thế vào những vụ cướp xe đò vừa kết quả ít, vừa bị dân chúng thù ghét, vừa dễ nguy hiểm.
Huỳnh Văn Xiển không tin chuyện này mấy. Ông ta muốn biết sự thật. Định phải ra tay. Chuyến cướp xe chở bạc của Tòa hành chánh Châu Đốc là chuyến làm ăn đầu tiên của Định. Nó sẽ làm thay đổi hết nếp sinh hoạt của đám thuộc hạ Huỳnh Văn Xiển. Nó sẽ làm lé mắt mọi người và bếin tất cả thành những chiến sĩ tiên phong của cuộc vận động cách mạng chống Diệm, chống Mao-Hồ, chống thực dân quốc tế.
Điều đó là điều của lãnh tụ anh mong ước.
Chiếc xuồng máy vẫn chảy miết về miệt Châu Đốc. Định ngồi dậy rút thuốc lá châm hút. Anh nghĩ tới Thái, Hạo, Sơn, Huấn, Thịnh... Sơn thường chê anh nhiều tình cảm. Sự chùn tay không dám hạ người tiều phu trong khu rừng vắng mấy tháng về trước là một bằng chứng. Đến phút chia tay. Sơn vẫn còn chê anh.
Định nhớ như in vào dạ những lời đối thoại giữa anh và Sơn:
- Tớ phải vô mật khu của loạn quân Ba Cụt.
- Tớ nói Định đừng buồn nhé!
- Buồn gì?
- Cậu chưa đủ bản lĩnh sống chung với bọn ấy đâu.
Hôm ấy Định đuối lý. Anh đã nín thinh. Tự nghĩ, mình khó mà sống chung với đám loạn quân. Và, con dao vấy máu của anh chỉ dùng để giết cá lóc miền Tây. Nhưng Định đã sống nổi với Huỳnh Văn Xiển, đã chinh phục được đám thuộc hạ của ông ta, đã một lần dẫn thuộc hạ rời sáo huyệt đi cướp cạn. Con dao của anh không phải để giết cá lóc mà dùng để trở nên một bậc thầy.
Chính Định cũng không ngờ anh nhiều bản lĩnh thế. Bất giác, Định lại suýt soa cảm phục ông Hiển.
Chỉ có ông Hiển mới đưa một người tầm thường đặt vào chỗ phi thường. Không được lãnh tụ khuyến khích, có khi nào Định nghĩ tới chuyện vùng vẫy biên thùy với Huỳnh Văn Xiển.
Người lính hần cận chận hỏi anh:
- Bao giờ làm nhiệm vụ khác, thiếu tá cho em theo với nhé!
Định gật đầu. Người lính nói:
- Hôm nay anh Hai mừng quá trời!
Và hắn khen anh:
- Thiếu tá tài số dzách!
Định mỉm cười nhìn sang bên kia sông. Giòng nước Cửu Long êm êm không gợn sóng. Người lính cao hứng cất giọng hát một bài hành khúc đã quá cũ kỹ. Định thổi sáo theo. Xuồng qua Châu Đốc, xuôi miệt Tân Châu và rẽ vào con rạch nhỏ về sào huyệt.
13
Buổi sáng ở khu nhà ông Bôi thật vắng vẻ. Thái ngồi một mình. Anh rút thuốc hút liên miên. Từ ngày lìa rừng về đô thị hoạt động, Thái đâm nghiền thuốc lá. Phải suy nghĩ một chuyện gì là hút thuốc. Nằm ngửa trên ghế bố, anh nhả những vòng khói tròn. Rồi nhìn những vòng khói lên cao dần, lan tỏa, Thái thường khám phá được những kế hoạch mới làm điêu đứng cảnh sát, công an của ông Diệm.
Tuân theo đúng chỉ thị của Đảng, Thái đã kết nạp được một số anh em. Mỗi người trong nhóm Thái lại kết nạp thêm bạn bè, anh em thân tín. Thành ra nhóm anh gồm toàn những phần tử nhiệt thành, không cần đề phòng sự phản bội. Vụ tống tiền tại hiệu vàng Vạn Lịch đã khiến ông Hiển hết lời ca ngợi. Thái ghi tận vào tâm khảm câu so sánh của ông Hiển:
"Chú chơi không thua gì Ký Con". Nghe xong câu đó, Thái đờ đẫn cả người. Anh sung sướng muốn hét lên. Ít ngày sau, anh cơi thêm vài vụ tương tự để gây sự hào hứng cho các bạn mới. Thái cũng xúc tiến công việc in truyền đơn, làm báo quay rô-nê- Ô rồi bí mật nhét dưới ngăn bàn các trường trung học ở thủ đô. Mụch đích của đảng là gây một niềm tin tưởng mới trong đám người trẻ tuổi nhiều bất mãn, sẵn tinh thần cách mạng, ham những công việc nguy hiểm, thường là học sinh. Bởi vậy, nhóm của Thái đã làm thức dậy trong lòng họ những nỗi bất bình với chế độ hiện tại.
Anh đã nhóm chút lửa căm phẫn vào tâm hồn họ.
Và Thái đã thành công. Những truyền đơn, những bài báo chống đối chính phủ của anh là những đề tài được anh em học sinh thì thầm bàn tán. Tư tưởng cách mạng thấm dần vô đầu óc họ, Thái chỉ chờ đợi thế, anh tung người của anh vào các trường ghi tên theo học. Những người Thái chọn phải tỏ ra xuất sắc vài môn học. Đang học đệ nhị, anh bắt học đệ tam; đang học đệ tam, anh bắt học đệ tứ. Do đó, người của anh học lớp nào thường là cái đinh nổi nhất của lớp ấy. Khi người học trò giỏi dang và khiêm tốn thì bạn học tìm đến kết thân và ngưỡng mộ. Người học trò này nói gì là bạn bè nghe ngay, tin ngay. Dĩ nhiên, câu chuyện dần dần tới những tấm truyền đơn, những bào báo chống đối ông Diệm của đàng "Cách Mạng Dân Tộc".
Nhóm của Thái đã kéo dần lớp trẻ tới cạm bẫy. Không cần chơi như Hạo, không chơi như các hội kín ngày xưa. Thái kết nạp đảng viên hết sức khoa học. Chẳng bao lâu, tại mỗi trường trung học công, tư Sài Gòn đều có một chi bộ hoạt động dưới quyền điều khiển trực tiếp của nhóm Thái. Nhiều anh em say sưa lý tưởng đến độ đòi gặp mặt Thái. Có anh gặp Thái, biết sơ vài việc Thái làm, bèn tình nguyện thôi học, bỏ gia đình, sống trong bóng tối với Thái và làm bất cứ công tác nào Thái giao phó.
Ông Hiển bảo các anh là những cái đầu tàu kéo những đoàn toa của thế hệ. Bây giờ thái mới thấy đúng.
Anh thấy trách nhiệm của anh nặng nề vô cùng. Chiếc đầu tàu mà đi trật đường rầy thì cả đoàn tàu sẽ bò ra đường sắt mà đổ nát đau thương. Thái rất sợ đổ vỡ. Nên luôn luôn ông tìm gặp ông Hiển. Tiếc rằng ông Hiển ít khi gặp mặt anh. Ông chỉ ra chỉ thị bằng mồm, nhờ ông Bôi nhắc lại.
Ba hôm trước, ông Hiển tìm đến Thái. Ông nhắc lại chuyện trung ương đang thiếu phương tiện tài chính và kêu gọi các đảng viên mới nên đi làm cán bộ chính phủ một thời gian như ông đã nói với Hạo ở tiệm cà phê khách trú. Thái thấy ông Hiển nhận xét đúng. Dưới mắt Thái, ông Hiển đã trở thành thần tượng. Vị thần tượng của anh nhận xét có bao giờ sai. Thái chấp nhận lời yêu cầu của người lãnh tụ già.
Anh hỏi ý kiến anh em.
Trên năm chục người bằng lòng bỏ học hành để đi làm cán bộ, đi làm những hạt nhân cấy vào lòng đảng "Cần Lao" của Ngô Đình Nhu. Ông Hiển hẹn Thái hôm nay tới nhà ông Bôi cùng với Hạo, ông sẽ đưa hai anh tới một nơi bí mật làm lễ tuyên thệ.
Căn nhà ở tron một cái hẻm sâu, chung quanh toàn khách trú. Ông Hiển đậu xe tuốt ngoài đường. Ông dẫn hai anh lội bộ vô. Thoạt mới bước vào căn nhà, hai anh đều thấy một vẻ gì vừa âm u, rùng rợn, vừ trang nghiêm, đáng sợ. Chủ nhà cũng thuộc loại ông Bôi. Ông ta lăng xăng chào hỏi nhưng ông Hiển xua tay bảo im lặng. Một lát ông hỏi:
- Sửa soạn hết rồi chứ?
Ông chủ nhà kính cẩn đáp:
- Dạ xong rồi ạ!
- Ông bật đèn dùm đi.
Ông chủ nhà ngập ngừng:
- Da....., da..... hôm nay điện bị cúp.
- Thì thắp nến vậy.
Ông chủ nhà bỏ vào. Một lá ông Hiển và hai anh theo ông ta vào phía trong. Ông chủ nhà kéo tấm màn.
Ahi anh nhận ra ngay một bàn thờ tổ quốc bài vị rất sơ sài, dưới ánh sáng leo lét của hai cây nến, chân dung ông Trần, đảng trưởng đảng "Cách Mạng Dân Tộc"... mập mờ hiện ra dưới đảng kỳ. Đỉnh hương nhỏ lan tỏa khói hương. Khói quyện lấy đảng kỳ, lấy chân dung đảng trưởnng không chịu bốc lên vì căn nhà bí quá.
Cảnh trí chỉ có thế mà khiến hai anh hồi hộp vô cùng. Hai anh cùng tưởng chừng đôi mắt sâu thăm thẳm và sáng rực của đảng trưởng, người anh cả của cách mạng, đang toát ra những tia nhìn tha thiết chào đón hai đứa em út.
Ông Hiển nói:
- Chúng ta bắt đầu làm lễ. Trong hoàn cảnh này, lễ tuyên thệ sẽ thật giản dị và lặng lẽ. Nếu ở chiến khu của ta, anh cam đoan với hai chú rằng trong cuộc đời chỉ có một lần đáng sống thì đó là lần tuyên thệ dưới đảng kỳ.
Dứt lời, ông quay bảo chủ nhà:
- Ch tôi chén rượu nhỏ nhé!
Hai người dùng kim gài đầu chích vào ngón tay trỏ thật mạnh để máu chảy nhỏ giọt vào chén rượu. Hai anh cứ để máu chảy ra thật nhiều rồi in vào nền cờ. Như thế nghĩa là hai người đảng viên mới đã tình nguyện dâng máu mình cho lý tưởng, đã tình nguyện đem máu mình tô thắm màu cờ của đảng.
Ông Hiển nói:
- Ngày cách mạng của mình thành công, đảng kỳ sẽ dùng làm quốc kỳ bay phấp phới dưới trời Việt Nam. Hai chú có quyền tự hào rằng mình đã đổ máu cho sự phấp phới ấy.
Đặt ly rượu máu sát chân dung của đảng trưởng, ông Hiển nói:
- Nhân danh Đảnh, nhân danh Tổ QUốc, tôi chứng kiến buổi lễ tuyên thệ hôm nay của hai chú. Nào, bắt đầu từng chú một.
Ông Hiển móc túi đưa cho mỗi anh một tờ giấy đánh máy. Ông bảo:
- Điền tên tuổi các chú vào những chỗ trống.
Hai anh đỡ lấy, làm theo lời dặn của ông Hiển. Xong xuôi đâu đấy, ông Hiển dục Hạo quỳ trước bàn thờ tổ quốc và đọc những hàng chữ đánh máy sẵn ở tờ giấy mà ông vừa trao. Hạo tuyên thệ. Anh ngước nhìn đảng kỳ, nhìn chân dung đảng trưởng rồi mới đọc:
- Bắt đầu từ giây phút này, tôi, Nguyễn Văn Hạo tức Nguyễn Hạo 22 tuổi đã trở thành đảng viên của đảng "Cách Mạng Dân Tộc". Tôi nguyện sẽ trung thành tuyệt đối với lý tưởng của đảng, nguyện phụng sự đảng tới hơi thở cuối cùng. Tôi nguyện sẽ hy sinh xương máu của mình để hoàn thành cuộc cách mạng do đảng vận động, nguyện sẽ đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi cá nhân. Tôi nguyện sẽ tuân theo mọi mệnh lệnh mà đảng giao phó. Không sợ khó, không sợ khổ, bằng lòng xông pha vào những nơi nguy hiểm mà không đòi hỏi đảng phải đền đáp công ơn. Tôi tuyệt đối giữ bí mật cho lãnh tụ, cho cơ sở của đảng và phát huy chủ nghĩa của đảng. Dẫu bị bắt, bị tra tấn, tôi chỉ còn biết chết, nhất định không hé răng khai báo.
Nếu tôi phản bội đảng, phản bội lãnh tụ hay nửa đường bỏ rơi đảng không có lý do, tôi sẽ chịu tội phản đảng:
bị xử tử.
Hạo đọc xong, ông Hiển dục anh:
- Chú hớp nửa chén rượu máu đi.
Hạo nâng chén rượu thề, ực một hơi quá nửa. Rồi anh đứng lên, nghiêng mình trước đảng trưởng. Sau đó anh nhường chỗ để Thái tuyên thệ.
Thái cũng đọc những lời như trên. Chỉ khác tên tuổi và tên đảng. Buổi lễ tuyên thệ chấm dứt, ông Hiển nói:
- Nhân danh Đảng, nhân danh Tổ Quốc, tôi chấp nhận lời thề của hai chú và phong tuổi đảng cho hai chú.
Ông Hiển nhấn mạnh:
- Hai chú đã lên một tuổi đảng.
Và khuyến khích:
- Ráng làm cho tuổi đảng chồng chất trên đời mình.
Ông Hiển thổi tắt hai ngọn nến. Căn phòng tối mờ. Ba người kéo nhau ra nhà ngoài ngồi thảo luận chuyện gài cán bộ vào đảng "Cần Lao". Ông Hiển hỏi Thái trước:
- Chú cho biết tinh thần của anh em?
Thái đáp:
- Anh em rất sốt sắng.
- Họ chấp nhận điều kiện của đảng chứ?
Thái nhìn người lãnh tụ già, mắt anh ngời kiêu hãnh:
- Thưa anh, dĩ nhiên họ chấp nhận. Nhiều người muốn dâng hết cho đảng.
Ông Hiển nhếch mép cười:
- Bọn tuổi trẻ của thời đại đáng phục thật.
Thái tiếp lời ông:
- Vâng, họ đáng kính phục lắm. Có anh em con nhà khá giả, tương lai đầy rẫy, học hành đỗ đạt cao mà cũng dám hy sinh hạnh phúc của cá nhân mình cho lý tưởng chung của dân tộc. Thưa anh, nếu em nói không sai thì bất cứ thời đại nào chúng ta cũng thừa những con người dám làm những công việc vượt trên sức tưởng tượng của người khác.
Ông Hiển gật đầu:
- Chú nói rất đúng.
Quay sang Hạo, ông hỏi:
- Hạo nghĩ thế nào hở chú?
Hạo nói:
- Thưa anh, em đồng ý với Thái ạ!
Ông Hiển trở lại vấn đề:
- Chú Thái xúc tiến công việc tới đâu rồi?
Thái rút ở túi sau ra một bó giấy, trả lời ông Hiển:
- Mới có giấy khai sinh và ảnh của anh em.
Ông Hiển đỡ lấy bó giấy:
- Tốt lắm, chỉ cần thế thôi. Điều kiện nhận cán bộ của chính phủ Diệm hơi dễ dàng. Lúc đầu họ chỉ cần ba thứ:
Giấy khai sinh, ảnh và đơn xin việc. Sau này sẽ bổ túc hồ sơ sau.
Thái hỏi:
- Thưa anh, đơn xin việc để anh làm?
Ông Hiển đáp:
- Ừ, để tôi lo liệu, anh em chỉ việc ký tên thôi.
Chợt ông nói:
- Chú đã ghi số thể căn cước của anh em chưa nhỉ?
Thưa anh rồi ạ! Đằng sau mỗi tấm ảnh.
Ông Hiển có vẻ bằng lòng lắm:
- Bao nhiêu người cả thảy đây?
- Thưa anh chẵn năm chục.
- Chú không ép buộc người nào chứ?
- Dạ không.
- Đảng không ép buộc ai khi người ấy chưa tuyên thệ, chưa hiểu hết chủ trương của đảng.
- Thưa anh, những người của em đều tình nguyện cả.
Thế thì tốt lắm, anh rất cám ơn chú. Còn chú Hạo?
Hạo cũng lôi ra một bó giấy. Anh nói:
- Em có bốn chục người thôi. Nếu anh cần thêm em sẽ lo liệu sau.
Ông Hiển lắc đầu:
- Đủ lắm rồi. Mình có ngót 100 cái nhân vào lòng đất "Cần Lao". Nhân này nhất định sẽ không là...
nhân vị.
Ông Hiển khoái chí một câu đùa có ý nghĩa, ông tiếp:
- Không là nhân vị mà sẽ là... nhân của "Cách mạng dân tộc".
Hạo hỏi:
- Thưa anh, bao giờ họ khởi sự đi làm?
- Nội trong tuần này.
Em hỏi để còn tính toán những vụ "làm ăn" khác.
Ông Hiển đề nghị:
- Bây giờ hai chú sống chung và hoạt động chung cho công tác kết quả hữu hiệu hơn.
Hai anh chỉ đợi ông Hiển đề nghị thế. Người nọ nhìn người kia, khẽ chớp mắt tỏ ý hài lòng.
14
Mấy tháng sau, bọn Sơn đã có mặt ở Chợ Mới. Anh Đăng cho người liên lạc với Huỳnh Văn Xiển. Lúc này sự liên lạc đã bắt đầu khó khăn. Chiến dịch tảo thanh quân phiến loạn, dồn đám tàn quân của Ba Cụt vào ngõ bí. Các đồn bót mọc lên rất nhiều khiến sự đi lại phải dè dặt chứ không tự do như trước nữa.
Tuy thế, bọn Sơn vẫn vào được mật khu của Huỳnh Văn Xiển. Hôm ấy, Huỳnh Văn Xiển xua quân đánh lén một cái đồn mới thiết lập nên bọn Sơn không gặp Xiển. Chỉ gặp Định. Đó là điều mong ước của Sơn. Thật ra Sơn cũng chưa muốn tiếp xúc ngay với Xiển. Vì anh chưa hiểu hắn ta ưa "ăn" món "thuốc" gì. Bốn người bạn trẻ, sau mấy tháng trời xa cách lại có dịp gặp nhau, ai nấy đều vui mừng khôn tả. Nhất là Định, Định đang cô đơn. Anh níu lấy Sơn hỏi thăm chuyện trên rừng:
- Các cậu chơi "hách" lắm phải không?
Sơn đùa bạn:
- Đâu hách bằng cậu được.
Định tròn mắt:
- Sao cậu biết tớ hách hơn?
Sơn nhún vai:
- Ông Hiển chứ còn ai cho biết nữa.
Định sung sướng lịm người. Thì ra, Đảng luôn luôn có những con mắt theo dõi công tác của từng đảng viên. Định không thể ngờ, tiếng tăm của anh lại vượt lên cả cao nguyên heo hút. Anh nắm tay Sơn, hỏi bạn:
- Ông Hiển cho cậu biết những gì?
Sơn chưa trả lời Định vì ông Hiển chưa cho anh biết những việc Định đã làm. Anh chỉ phong phanh nghe tin rằng Định cướp cạn nổi tiếng đến nỗi đám thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển lé hết mắt. Nhưng muốn làm bạn đỡ cụt hứng, Sơn phiệu:
- Ông Hiển bảo cậu chơi không thua gì bọn găng tơ bên Mỹ, cở Al Capone!
Định móc túi lấy hộp thuốc "com mèo" tặng bạn. Sơn hỏi:
- Sang thế?
Định cười:
- Sang chó gì, thuốc này ở biên giới rẻ mạt. Vả lại tớ đâu có mất tiền mua. Ở đây tha hồ hút thuốc "tư bản" chứ không phải hút thuốc đen như ở Ban Mê Thuột đâu.
Nãy giờ, Bách và Khải ngồi im nghe đôi đồng chí "tri kỷ" đấu, hai anh không hỏi han Định điều gì cả.
Định chợt nhớ ra, anh hỏi Bách:
- Tại sao bốn cậu Mạo, Huấn, Thịnh, Nhân không xuống đây cả thảy cho vui.
Sơn đưa mắt ra hiệu cho Bách và Khải. Bức thư ông Hiển viết cho các anh, tuy đã bị đốt đi, nhưng các anh còn ghi nhớ lời ông Hiển dặn dò. Đó là mệnh lệnh của lãnh tụ. Bất cứ đảng viên nào cũng phải tuân theo và thi hành cho đúng. Dù rất tin cẩn bạn, các anh vẫn không có quyền làm trái lời lãnh tụ. Bách đành kiếm cớ nói dối Định:
- Các cậu ấy chưa xong công tác.
Định hỏi:
- Công tác gì đấy?
Sơn trả lời thay Bách:
- Công tác gay go lắm. Ông Hiển chưa cho cậu biết à?
Định thành thực nói:
- Chưa, công tác gay go ra sao?
Sơn được dịp kể những chuyến băng rừng, vượt biên giới hiểm nghèo cho Định nghe. Định xuýt xoa có vẻ thèm thuồng lắm. Anh quên nhắc tới MẠo, Huấn, Thịnh và Nhân mà chỉ xoắn lấy chuyện buôn thuốc phiện lậu:
- Các cậu xực công an thế nào?
Chúng tớ xực bằng súng tiểu liên.
- Bọn nó chết nhiều không?
- Chết như rạ.
- Còn bên ta?
- Bên ta luôn luôn vô sự.
- Tuyệt quá nhỉ?
- Ừ, tuyệt lắm.
Sơn thuật lại những phút hồi hộp cần thanh toán bằng dao và tỏ ý tiếc không có Định tham dự. Khiến Định càng xuýt xoa:
- Giá có tớ, các cậu đỡ lo mục này nhỉ?
Sơn đáp:
- Nhất định rồi, giá có cậu, bọn nó thưởng thức cái chết êm hơn.
- Thế các cậu xực chúng nó bằng cách nào?
- Cũng bằng dao nhưng vất vả lắm. Chẳng tin cậu hỏi hai cậu Khải và Bách mà xem.
Khải tiếp lời Sơn:
- Vất vả thật. Giá có cậu...
Khải muốn nói , giá có cậu thì không gây ra tiếng nổ và Huấn và Thịnh đã không chết. Nhưng anh kìm được câu nói. Định hỏi:
- Giá có tớ thì sao?
- Thì chúng tớ đỡ vất vả. À, nghe nói cậu nhiều tài "cướp cạn" lắm phải không?
Định vỗ vai Khải:
- Sơ sơ thôi. Mới làm ăn chừng chục cú. Cú nào cũng trôi lọt cả.
- Thế là hách hơn chúng tớ rồi. Cậu kể sơ qua những vụ làm ăn cho chúng tớ rút kinh nghiệm đi.
Định cười:
- Lại xỏ nhau rồi.
Khải bào chữa:
- Đâu có, tớ nói thật mà.
- Được rồi, để đến tối. Tớ đã lo cho cậu và cậu Bách hai chiếc ghế bố tuyệt lắm. Hai cậu nên nghỉ ngơi đi. Tớ có việc cần thanh toán với cậu Sơn.
Khải thấy Định nói rất hợp lý. Anh thèm ngủ hơn thèm hút thuốc, nói chuyện. Nên Khải đồng ý ngay.
Anh kéo Bách theo Định. Chỉ chỗ và sai lính hầu cận săn sóc bạn, Định dẫn Sơn ra một khoảng xa. Cũng gần một giòng suối nhỏ, tâm sự.
Định kể chuyện chinh phục đám thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển bằng tài ném dao cho Sơn nghe. Định thú thật rằng, bị anh Đăng hích mạnh, tự ái của tuổi trẻ bốc lên, Định "sáng tạo" những vụ "cướp cạn" rất khoa học khiến Huỳnh Văn Xiển hết lời ca ngợi, từ chức thiếu tá, Xiển đã phong cho Định chức trung tá.
Định nói:
- Qùa miền Tây đấy Sơn ạ!
Sơn vỗ nhẹ vai bạn:
- Không chừng nay mai Huỳnh Văn Xiển dám phong cho cậu chức đại tá đấy.
- Chứ sao! Rồi ngày kia, nếu Xiển chết, tớ sẽ được đám thuộc hạc của hắn tôn làm "anh Hai". Và, lúc ấy, làm loạn thiên hạ chính là tớ.
- Thế mà tớ tưởng cậu không đủ "thớ" sống với bọn này.
Phải rồi, cậu đã bảo tớ chỉ đủ khả năng giết... cá lóc.
Sơn đùa bạn:
- Nhớ dai thế.
Lúc ấy những kỷ niệm của tháng ngày sống ở rừng đồi Ban Mê Thuột dần dần hiện ra rõ rệt. Bất giác anh lại thấy yêu Sơn vô vàn. Công tác cách mạng làm con người ta chai đá, nhiều khi quên hết tình cảm.
Đã có hồi Định ghét Sơn cay đắng. Bây giờ thì hết. Và bây giờ nếu có một đảng viên "công tử" nào mới nhập đảng, lại được Định "dẫn dắt", chắc hắn ta cũng sẽ ghét Định cay đắng.
Định nắm tay Sơn:
- Nhớ dai chứ. Hồi ấy, giá cậu biểu diễn cho tớ xem đường dao thấu phổi thì có lẽ tớ không chinh phục nổi Huỳnh Văn Xiển.
Định dẫn Sơn tới một căn nhà nhỏ ở chân núi. Đó là căn nhà riêng của anh, luôn luôn có một tên thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển đứng gác. Khi anh đến gần, tên thuộc hạ đang luyện ngón ném dao. Định bấm Sơn đứng im xem hắn trổ tài. Tên thuộc hạ có năm lưỡi dao. Hắn chôn một khúc cây lớn trước mặt, cách hắn chừng sáu thước, và lấy phấn vẽ hình ông Nguyễn Ngọc Thơ để làm mục tiêu phóng dao.
Tên thuộc hạ này cũng có đôi mắt hài hước. Hắn vẽ đôi mắt ông Thơ chiếc to chiếc bé. Ở ngực, hắn vẽ trái tim thật lớn rồi tô trắng xóa, ý nói tim ông Thơ là thứ tim đặc sịt chẳng có tình nghĩa chi ráo trọi. Trái tim đặc sịt ấy chưa được thưởng thức lưỡi dao nào. Vì hắn ta ném còn kém quá. Nhưng chunh quanh trái tim đã nát bấy. Định ghé sát tai Sơn nói nhỏ:
- Tớ cuộc với cậu nào?
- Cuộc cái gì?
- Bây giờ nếu thằng này phóng trúng mũi dao vào trái tim, thế nào nó cũng nhảy cỡn hét lên.
- Tớ không tin.
- Vậy cuộc đi?
- Chầu gì?
- Chầu gì cũng được.
- Nhớ đấy nhé! Khi tớ thắng cuộc và gặp hoàn cảnh thuận tiện hơn, tớ bắt khai cái gì cậu đừng có chối nghe.
- Đồng ý.
Hai anh lại đứng im xem hai tên thuộc hạ phóng dao. Muốn khỏi làm hắn cụt hứng, Định kéo Sơn núp sau một lùm cây. Tên thuộc hạ phóng đủ năm lưỡi song không lưỡi nào chịu trúng tim ông Thơ. Hắn kiên nhẫn bước tới khúc cây rút hết năm lưỡi dao ra. Và trở về chỗ cũ, bắt đầu từ lưỡi dao thứ nhất. Đến lưỡi dao thứ ba, quả nhiên tên thuộc hạ hét lên sung sướng. Hắn nhào nhanh đến khúc cây chiêm ngưỡng "tác phẩm" bất hủ của mình. Ngó trước ngó sau, hắn không thấy một ai để khoe. Hắn gật gù, lẩm bẩm tự khen mình hết lời.
Định hích khuỷu tay vào cạnh sườnn Sơn. Sơn nhìn anh, nháy mắt ra điều thua cuộc. Hai anh thoát khỏi lùm cây. Định lên tiếng:
- Giỏi quá ta!
Tên thủ hạ của Huỳnh Văn Xiển ngoảnh đầu lại. Mắt hắn sáng hẳn lên. Hắn chưa kịp nói gì thì Định đã nói trước:
- Chú cướp nghề của anh rồi.
Hắn líu ríu, cảm động khôn tả:
- Thưa..., thưa trung tá, mấy tháng trời mới trúng tim thằng phản bội.
Định vỗ vai hắn:
- Chịu khó tập nữa đi, tha hồ nổi tiếng.
Hắn lễ phép nói:
- Dạ, đàn em đâu dám qua mặt trung tá.
Hai anh bỏ tên thuộc hạ ngẩn ngơ với lưỡi dao trúng tim ông Thơ, đẩy cửa bước vô nhà. Sơn còn ngạc nhiên chưa hiểu tại sao tên thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển căm thù ông Nguyễn Ngọc Thơ thế, nên anh không ngó vội căn nhà của Định bài trí ra sao. Anh hỏi Định:
- Này, sao nó không vẽ hình ông Diệm?
- Nó thù ít.
- Tớ tưởng ông Diệm mới là kẻ thù chính chứ. Ông ấy đuổi chúng nó như đuổi gà con.
- Cậu ngây thơ thế?
- Ngây thơ gì?
- Chúng nó vẫn tin rằng ông Thơ dụ Ba Cụt r a hàng rồi tóm cổ dâng cho ông Diệm làm quà ra mắt cho sự nghiệp chính trị của ông ta sau này. Bởi vậy dù ông Diệm bác đơn xin ân xá của Ba Cụt, dù Ba Cụt chết chém bởi chính quyền ông Diệm, chúng nó vẫn không thù ông Diệm bằng thù ông Thơ.
- Chúng nó yêu Ba Cụt lắm à?
- Yêu hơn cả bố mẹ. Dưới mắt chúng nó, Ba Cụt là thứ thần tượng. Phải công nhận Ba Cụt là viên tướng tài, tuy học vấn ít. Bù vào đó ông ta coi thuộc hạ của mình như em út, ông ta thương yêu họ, ăn nằm với họ, chia xẻ vui buồn với họ. Và xông pha trong lửa đạn, ông ta hoàn toàn đi tiên phong, nêu cao ý chí đấu tranh cho họ. Vì thế họ vừa yêu mến, vừa kính phục ông ta.
- Lạ quá nhỉ?
- Chuyện miền Tây mà. Cậu phải sống lâu ở đây mới hiểu rõ tâm hồn của đám giặc cỏ này. Cũng anh hùng ra phết. Họ phục ai là ca ngợi liền. Đã phục, không bao giờ phản bội.
- Họ có phục cậu không?
- Dĩ nhiên là có. Nếu không, cái thớ tớ làm gì được mang lon... trung tá cố vấn. Tớ dặn cậu một điều để chinh phục tình cảm họ.
- Điều gì?
- Những người hiện chung sống với chúng mình đây đều có lần chiến đấu dưới lá cờ Ba Cụt. Họ ví Ba Cụt như Quang Trung. Ví thế là láo. Nhưng họ dốt, học ít lắm. Chính Huỳnh Văn Xiển cũng chưa qua lớp ba. Họ không biết Quang Trung ra sao cả. Vậy khi cậu nghe họ ca ngợi Ba Cụt và ví ông ta với Quang Trung, ráng mà nghe cho say sưa rồi lựa lời bốc thơm thêm vào, đừng tranh luận, đừng phản đối gì hết.
- Nếu phản đối?
- Thì tớ không bảo đảm tính mệnh cho cậu đâu.
Sơn cười:
- Cậu dọa tớ đấy hở?
- Không dọa đâu, bọn họ coi Ba Cụt như ông thánh, ông thánh rất thiêng. Họ có bổn phận đối phó với bất cứ ai xúc phạm tới ông thánh của họ. Tớ báo trước để cậu đề phòng kẻo có ngày chúng nó trục hết bọn mình ra khỏi đây thì Đảng khỏi nhờ.
- Yên chí mà, tớ sẽ nhớ điều cậu dặn.
Định vỗ mạnh vào lưng Sơn:
- Bây giờ cậu ngắm xem nhà tớ có đủ tiện nghi không?
Sơn quan sát môt lúc rồi chê:
- Thiếu điện.
- Cấn quái gì điện. Giặc cỏ xài điện phí của trời.
- Thiếu... đá cục.
Sơn có vẻ khoái chí lời chê của anh. Tưởng Định bí, nhưng Định cười ha hả:
- Đá cục, đâu có thiếu. Trong cái bình thủy của tớ lúc nào cũng đầy nhóc.
Định gọi tên lính hầu cận vào. Anh hỏi Sơn:
- Uống gì, Whisky soda hay Chianti?
Sơn đùa bạn:
- Của "cướp cạn" hở?
- Không, của tụi buôn lậu như các cậu cống hiến.
- Cậu mà cũng đòi chơi cái trò đòi tiền mãi lộ à?
- Tớ không.
- Thế ai?
- Thuộc hạ của Huỳnh Văn Xiển.
- Cậu khuyến khích chúng nó à?
Huỳnh Văn Xiển là một thứ tướng cướp thật thà. Ông ta không có lập trường chính trị nên không có thủ đoạn vặt. Bởi vậy Huỳnh Văn Xiển kể hết sự thất bại và hết lời ca ngợi Định. Anh đã khéo léo ăn nói khiến Huỳnh Văn Xiển bớt buồn. Nhân đó, Định giới thiệu ba đồng chí của anh.
Huỳnh Văn Xiển niềm nở chào hỏi Sơn, Bách và Khải. Ông ta bắt thuộc hạ của mình dọn dẹp cho mỗi anh một căn nhà riêng. Bắt đầu từ hôm ấy, các anh là những vị cố vấn quan trọng của loạn quân Huỳnh Văn Xiển.
Gia Định, ngày 29-6-1964
Duyên Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...