Vài nét tiểu sử:
Bùi Chí Vinh, sinh 1954. Tác phẩm đã in: Thơ tình Bùi Chí Vinh (1992), ngoài ra là nhiều tiểu thuyết viết cho thiếu nhi.
Xanh vỏ đỏ lòng
Bây giờ thì Bùi Chí Vinh còn viết tiểu thuyết, viết kịch bản phim. Có điều, với nhiều tầng lớp độc giả, trước tiên anh vẫn là một nhà thơ, một nhà thơ độc đáo khiến người này yêu mến hết lòng, người khác thẳng tay cự tuyệt...
Mặc dù trong đời sống hàng ngày, không thiếu gì những chàng trai nhờ dẻo mồm tán, khéo nói đùa mà lắm người mê và... lấy được vợ, song, theo "những quy định không được ghi vào văn bản" thì thơ tình ở ta vẫn là khu vực xa lạ với mọi thứ đùa cợt. ở đây người ta có thể mơ màng, tha thiết, có thể đắng cay bồn chồn, rồi hờn dỗi đớn đau, rên xiết chán chường đủ thứ, song bao giờ cũng phải nghiêm chỉnh, ít ra là... giả vờ nghiêm chỉnh. Mọi sự bông lơn bị kiêng dè. Số phận thơ tình Bùi Chí Vinh gần đây là một ví dụ: trong vòng ba năm sau khi được in, nó đã lãnh đủ những sự "săn sóc" cần thiết. Song, nếu có dịp đọc lại, người ta có thể có ý nghĩ khác: trong một cố gắng liên tục, hình như người viết những bài thơ này đã có công làm cho một thứ thơ vốn đạo mạo trở nên xô bồ, tự nhiên, mà cũng là mềm mại, dễ gần hơn. ở dạng tự phát, qua những thể nghiệm nhiều khi ngất ngư, ngang trái, hoặc lỗ đỗ, lểnh loảng, cuối cùng tác giả cũng đã hình thành nên một giọng thơ lấy đùa cợt làm ngón nghề, coi bông lơn là luật lệ. Cái hướng được mở ra, quả thật đầy vẻ thách thức!
Tôi đùa cợt, vậy tôi tồn tại
Tự thân nó, sự nghiêm chỉnh không có lỗi. Sở dĩ giờ đây nó gây khó chịu, vì đã bị lạm dụng quá đáng, và chỉ trở đi trở lại với một bộ mặt nhàm chán. Mượn cách nói của nghề y, có thể bảo đang có tình trạng nhờn thuốc - ở đây là nhờn thơ - của bạn đọc. Cầm bài thơ lên, đọc qua đầu đề, hoặc vài ba câu đầu, người ta dễ dàng đoán ra điều sẽ viết ở các câu sau. Sự vận hành của ý thơ, rút cuộc, đã có thể quy lại thành chương trình, tức nằm gọn trong những sơ đồ có sẵn, mà cái trục là một lối tiếp cận "chân thành" "nghiêm chỉnh" "rưng rưng cảm động" "không lời nào nói hết" của người làm thơ. Một thứ ước lệ. Một thứ sáo mới, không gì khác!
Không phải là Bùi Chí Vinh không có khả năng viết những câu thơ cảm động kiểu ấy. Để diễn tả cái trống trải và sự "bất tương thông" trong tình yêu, bài Ngã tư thị trấn có những câu khá hàm súc "Chỉ riêng ta đứng đó - Thay một nhánh cây gầy - Cái bóng cây vừa đổ - xuống em mà chưa hay". Đây là hai câu khác, khá tiêu tao, trong Hoa muội: "Khi em bước vào mùa thu thiếu phụ - Là lá vàng đã rơi ngập vườn tôi". Gì thì gì, chứ thứ hàng tầm tầm, làm theo quy phạm cũ, chắc là làm được! Song, ở chỗ người khác dừng lại, nhà thơ này muốn đi xa hơn một chút. Với một tư duy thoải mái - đúng hơn là một tâm thế "tự bộc lộ" thoải mái - cộng với sự hỗ trợ của hoàn cảnh xã hội và những truyền thống của một xứ sở dễ dàng, cởi mở... anh không chỉ muốn làm ra những bài thơ không giống ai, mà còn muốn như là tạo ra một sắc thái thẩm mỹ độc đáo không bị ràng buộc trong các nền nếp cũ. "Trên đường đi tìm thơ hay, trước tiên là thơ phải khác" - có thể là khi bắt đầu cầm bút, Bùi Chí Vinh không có bài bản gì đàng hoàng; song biết đâu, trong cõi tiềm thức, người làm thơ này chả ủ sẵn một lời nguyền như vậy?! Những chuyện bỡn cợt hàng ngày mà một chàng trai như anh vẫn nói cùng các cô gái, được đưa vào thơ, chỉ qua vài nét sửa sang đạm bạc. Các lớp từ thông tục xâm nhập vào cái thế giới vốn chỉ diễn tả bằng ngôn ngữ trữ tình, tạo nên một sự trớ trêu ngộ nghĩnh. ở bài thơ này, anh bảo một cô gái đưa ngón tay út anh coi và âu yếm dặn "đừng đưa lộn ngón nghe em - Lỡ ai đeo nhẫn, anh tìm sao ra"? ở bài thơ kia, anh kể với một cô gái đang vào cuộc yêu với anh rằng không ai khác, chính ông già của cô mới là kẻ đáng sợ hơn cả. Rồi thơ tán về chiếc ghế mây cô gái vừa ngồi; thơ khoe một lần chở người yêu bằng xe đạp; thơ làm nũng với một cô đào vì cô đã tặng anh đôi dép quốc doanh đi phồng cả ngón chân... Bài thơ nào cũng được viết bằng cái giọng tưng tửng đùa cợt, như giọng các đôi trai gái vẫn dấm dẳn trêu chọc nhau, lời lẽ nhiều khi vòng vo luẩn quẩn mà người nghe đủ mát lòng mát dạ. Bất cứ ai đã từng yêu, bằng những tình yêu hồn nhiên, hẳn dễ nhận ra tấm tình "xanh vỏ đỏ lòng" của Bùi Chí Vinh. Song đến khi đứng ở phương diện của sự sáng tạo mà xem xét thơ, thì nhiều đồng nghiệp lại bắt đầu nhăn mũi, xua tay, chê thơ anh là thô tục, là nhảm nhí. Những người này thường bắt bẻ tác giả theo cái nghĩa sờ sờ thấy trên mặt giấy của từng câu thơ, mà quên rằng, trong thi pháp đùa cợt, quy ước đầu tiên ai cũng biết là tất cả như được làm méo. Như được cấu tạo lại theo những tỷ lệ riêng. Hoặc như được đặt vào một gam màu duy nhất, chứ không còn là thứ ánh sáng thông thường mà mọi người quen thấy. Bảo những câu thơ đùa bỡn về Gái Huế, Gái Nam, Gái Bắc của Bùi Chí Vinh là bậy, là hỏng, thì có khác chi người thấy hai em bé cách nhau 3-4 tuổi chơi trò mẹ con với nhau, liền lắc đầu chê là chúng phá bỏ hết tôn ti trật tự! Rộng hơn mà xét - trong những trường hợp các bài như Cao và thấp, Đọc truyện Liêu Trai nửa đêm, Em là ai và em ở đâu v.v... - hành động thi ca của Bùi Chí Vinh phải được xem như một trò chơi với cái nghĩa mà các nhà tâm lý học vẫn nói "chơi là tuyệt đối vô thưởng vô phạt. Nó là một ốc đảo hạnh phúc trong cái sa mạc cuộc sống, gọi là nghiêm túc", "Chơi là cách tốt nhất, giúp ta xem xét lại những quan niệm và ý kiến đã thành nếp".
Quý trọng nhau bằng cách... nhại nhau Bản chất của con người hiện đại là xu thế dấn thân. Ai đó đã từng bảo "Mỗi người, dọc theo đời mình, chỉ vật vã và khốn khổ với chuyện đưa mình vào thế giới". Có vẻ như Bùi Chí Vinh cũng không ra khỏi thông lệ đó! Trước khi tính chuyện qua mặt các vị tiền bối, thật ra người làm thơ này đã hết lòng bái phục họ, vùng vẫy thoải mái trong cái thế giới mà họ tạo ra "Xuống phi trường Paris - Mua giùm anh chiếc nón - Để ngày đưa tháng đón - Chia nhau đội trên đầu - Ta đội tình vùng dại... Để bài thơ yêu em - Trú mưa mà không dột - Để lúc ghé Paris - Mắt em chưa hề ướt". Hình như mấy câu thơ đầy chất ngẫu hứng, ý tứ khi gọi nhau, khi dồn dập đuổi bắt nhau trong bài Em và Paris ấy đã giúp người ta hình dung ra sự thanh thoát lui tới của Bùi Chí Vinh trong mạch thơ đương thời. Đã đành nay là lúc học đòi và mô phỏng đều không đủ nữa, cách tốt nhất để tỏ lòng kính trọng các bậc tiền bối là làm nốt những việc họ chưa kịp làm, và nói chung là làm hơn họ. Có điều trong khi nhà thơ trẻ phiêu lưu trên con đường riêng, những mảnh vụn văn hóa từng găm vào da thịt anh vẫn luôn luôn có mặt. Chúng cũng quyết liệt đòi được xuất hiện, như ao ước đổi khác mà anh nung nấu.
Được nhắc nhở nhiều nhất trong thơ tình Bùi Chí Vinh phải kể là Kinh Thánh. Tiếp đó, không gian văn hóa của anh mở rộng, để ôm trùm cho hết, từ nàng Mona Lisa đến điệu Lambada hiện đại, từ Đơn Hùng Tín, Trình Giảo Kim đến Hoa muội cùng không khí Mùa thu lá bay của Quỳnh Dao, từ ca dao, Cung oán ngâm, thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Nguyễn Bính đến nhạc Trịnh Công Sơn, thơ Nguyên Sa và Cung Trầm Tưởng. Sở dĩ chúng, các dữ kiện văn hóa đó, có mặt, vì chúng đã trở thành dữ kiện của đời sống. Trung thành với khuynh hướng kế thừa và tổng hợp lại trong văn học, nhà thơ thường xuyên nhắc tới chúng, nhưng nhắc theo cách riêng của mình. Và trong một số trường hợp là nhại theo chúng, dù nhại hết sức thân ái. Từ một tâm thế mà ai người quen lễ nghĩa, cung kính dễ bảo là láo lếu, phạm thượng, song thực tế là thấm nhuần tinh thần dân chủ, ngẩng cao đầu đối thoại với các đỉnh cao trong nghề, Bùi Chí Vinh đã cấu tứ nên hàng loạt bài thơ độc đáo. Nhắc đến con đường, là nhớ Lỗ Tấn. Kể chuyện giang hồ, không thể bỏ qua thần tượng lang thang du đãng A. Rimbaud. Chạm vào một cái gì êm đềm như Đà Lạt, lập tức cảm thấy "tội nghiệp cho chàng Hàn Mặc Tử" và bên tai nghe vẳng lên câu thơ bâng quơ mà không hiểu sao, nhớ mãi: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Đây nữa, không có phấn thông vàng, để gửi hương cho gió, làm sao lại không nhắc đến hoàng tử Xuân Diệu, nhại Xuân Diệu chơi khi vẩn vơ đứng ngó trời?! Cũng như chỉ cần nhắc đến tiếng ru thôi là phải liên tưởng đến Nắng chia nửa bãi... của Huy Cận (Nào ai biết trăm con chim mộng - Vây kín đầu giường anh hát rong). Đến như sự nhại Thâm Tâm mới thật sảng khoái... Có lẽ vì quá yêu mến nhà thơ này, nên Bùi Chí Vinh đã nhại ông một cách thật chu đáo, từ nhại tên bài (Phản Tống biệt hành) đến nhại câu (ừ thôi về biển, ta về biển) rồi nhại cả đoạn (Đưa người ta cứ đưa sang sông - không sợ tiếng sóng ở trong lòng - Thâm Tâm lên núi mà tống biệt - ta về biển mặn hóa dòng sông). Đọc Bùi Chí Vinh trong những trường hợp này, dễ nhớ đến loại nhân vật hề nhại trong xiếc: thấy người này leo dây, anh ta cũng leo, thấy người kia nhào lộn, anh cũng nhào lộn; mọi việc được anh làm một cách vụng về, khờ khạo, khiến người xem nhiều phen như thót cả tim. Song rút cục, mọi chuyện cũng trót lọt. Và sau khi thở phào nhẹ nhõm, ta mới chợt nghĩ: hình như lý do tồn tại của anh ta là thế! Chắc chẳng ai nỡ bảo rằng việc trình diễn theo kiểu nhại, với các tiết mục tưởng như vụng dại này, là dễ dàng cả.
Theo dõi sự phát triển của các nền văn học, người ta thấy rằng trong nhiều trường hợp, cùng với sự phát triển của các thể nhại, đời sống sáng tác bắt đầu bước sang những giai đoạn mới.
Tiếng gọi đàn tha thiết Nguyễn Du từng bảo: Nghề chơi cũng lắm công phu. Dịch ra ngôn ngữ hiện đại, thì câu Kiều đó có nghĩa mọi việc trên đời đều cần được làm một cách kỹ lưỡng, thuần thục, với tất cả kiến thức và kinh nghiệm mà mỗi cá nhân có thể huy động. Trong sự nghiêm túc của nó, rồi ra đùa cợt cũng phải được nâng lên thành một thứ văn hóa tạm gọi là văn hóa đùa, như văn hóa ăn, văn hóa viết, văn hóa tranh luận mà người ta vẫn nói. Và bởi lẽ sự đùa ấy trong thơ đang mới mẻ, nên lại khó hơn mọi việc khác. Chắc chẳng phải là quá, khi người ta vẫn bảo rằng đôi khi phải dùng đến công phu dời non lấp biển thì mới đủ sức biến mấy câu pha trò tầm thường thành một tác phẩm thơ ca thực thụ.
Có vẻ như đến mức ấy, thì Bùi Chí Vinh chưa kịp nghĩ tới hoặc chưa muốn nghĩ tới. Anh còn đang bị quyến theo cái say sưa của một người được đi vào khu vực thênh thang, và quá lạ lẫm nữa - mà chưa có dịp lắng lại với công việc. Nhiều bài thơ in trong Thơ tình và rải rác đăng ở các bài báo một hai năm gần đây, có được cái tứ khá hay, song còn ở dạng nửa thành phẩm, thừa ngẫu hứng tự nhiên, song lại vẫn thiếu một cái gì như là sự dụng công, sự điên cuồng tìm tòi, hoặc niềm khao khát hoàn thiện. Không nên và không thể đòi hỏi thơ Bùi Chí Vinh phải giống mọi người. Nhưng sẽ là có lý, khi muốn tác giả vượt lên chính mình. Làm thế nào bây giờ? Hình như trong việc này, nhà thơ đơn độc đang cần đến sự hỗ trợ của các đồng nghiệp. Nhạc Trần Tiến, tranh Nguyễn Quân, thơ Nguyễn Duy, những tìm tòi bột phát của nhiều người khác, khi được khi mất, đều đã là những đồng minh tự nhiên, nhưng chưa đủ. Nếu như từ những thể nghiệm mà Bùi Chí Vinh gợi ra, có thêm nhiều nhà thơ khác cùng vào cuộc phiêu lưu, tận dụng một số kinh nghiệm thành bại của anh, rượt đuổi anh, thách thức anh... thì một ngòi bút vốn năng động như Bùi Chí Vinh sẽ có thêm sức để vượt lên chăng? Dù vẫn do một hai người khởi xướng, song cuối cùng thế nào cũng cần có những đợt sóng, tức có sự tham gia của nhiều người, thì rồi các nỗ lực văn hóa mới có cơ trở nên những thành tựu chắc chắn.
Bùi Chí Vinh, sinh 1954. Tác phẩm đã in: Thơ tình Bùi Chí Vinh (1992), ngoài ra là nhiều tiểu thuyết viết cho thiếu nhi.
Xanh vỏ đỏ lòng
Bây giờ thì Bùi Chí Vinh còn viết tiểu thuyết, viết kịch bản phim. Có điều, với nhiều tầng lớp độc giả, trước tiên anh vẫn là một nhà thơ, một nhà thơ độc đáo khiến người này yêu mến hết lòng, người khác thẳng tay cự tuyệt...
Mặc dù trong đời sống hàng ngày, không thiếu gì những chàng trai nhờ dẻo mồm tán, khéo nói đùa mà lắm người mê và... lấy được vợ, song, theo "những quy định không được ghi vào văn bản" thì thơ tình ở ta vẫn là khu vực xa lạ với mọi thứ đùa cợt. ở đây người ta có thể mơ màng, tha thiết, có thể đắng cay bồn chồn, rồi hờn dỗi đớn đau, rên xiết chán chường đủ thứ, song bao giờ cũng phải nghiêm chỉnh, ít ra là... giả vờ nghiêm chỉnh. Mọi sự bông lơn bị kiêng dè. Số phận thơ tình Bùi Chí Vinh gần đây là một ví dụ: trong vòng ba năm sau khi được in, nó đã lãnh đủ những sự "săn sóc" cần thiết. Song, nếu có dịp đọc lại, người ta có thể có ý nghĩ khác: trong một cố gắng liên tục, hình như người viết những bài thơ này đã có công làm cho một thứ thơ vốn đạo mạo trở nên xô bồ, tự nhiên, mà cũng là mềm mại, dễ gần hơn. ở dạng tự phát, qua những thể nghiệm nhiều khi ngất ngư, ngang trái, hoặc lỗ đỗ, lểnh loảng, cuối cùng tác giả cũng đã hình thành nên một giọng thơ lấy đùa cợt làm ngón nghề, coi bông lơn là luật lệ. Cái hướng được mở ra, quả thật đầy vẻ thách thức!
Tôi đùa cợt, vậy tôi tồn tại
Tự thân nó, sự nghiêm chỉnh không có lỗi. Sở dĩ giờ đây nó gây khó chịu, vì đã bị lạm dụng quá đáng, và chỉ trở đi trở lại với một bộ mặt nhàm chán. Mượn cách nói của nghề y, có thể bảo đang có tình trạng nhờn thuốc - ở đây là nhờn thơ - của bạn đọc. Cầm bài thơ lên, đọc qua đầu đề, hoặc vài ba câu đầu, người ta dễ dàng đoán ra điều sẽ viết ở các câu sau. Sự vận hành của ý thơ, rút cuộc, đã có thể quy lại thành chương trình, tức nằm gọn trong những sơ đồ có sẵn, mà cái trục là một lối tiếp cận "chân thành" "nghiêm chỉnh" "rưng rưng cảm động" "không lời nào nói hết" của người làm thơ. Một thứ ước lệ. Một thứ sáo mới, không gì khác!
Không phải là Bùi Chí Vinh không có khả năng viết những câu thơ cảm động kiểu ấy. Để diễn tả cái trống trải và sự "bất tương thông" trong tình yêu, bài Ngã tư thị trấn có những câu khá hàm súc "Chỉ riêng ta đứng đó - Thay một nhánh cây gầy - Cái bóng cây vừa đổ - xuống em mà chưa hay". Đây là hai câu khác, khá tiêu tao, trong Hoa muội: "Khi em bước vào mùa thu thiếu phụ - Là lá vàng đã rơi ngập vườn tôi". Gì thì gì, chứ thứ hàng tầm tầm, làm theo quy phạm cũ, chắc là làm được! Song, ở chỗ người khác dừng lại, nhà thơ này muốn đi xa hơn một chút. Với một tư duy thoải mái - đúng hơn là một tâm thế "tự bộc lộ" thoải mái - cộng với sự hỗ trợ của hoàn cảnh xã hội và những truyền thống của một xứ sở dễ dàng, cởi mở... anh không chỉ muốn làm ra những bài thơ không giống ai, mà còn muốn như là tạo ra một sắc thái thẩm mỹ độc đáo không bị ràng buộc trong các nền nếp cũ. "Trên đường đi tìm thơ hay, trước tiên là thơ phải khác" - có thể là khi bắt đầu cầm bút, Bùi Chí Vinh không có bài bản gì đàng hoàng; song biết đâu, trong cõi tiềm thức, người làm thơ này chả ủ sẵn một lời nguyền như vậy?! Những chuyện bỡn cợt hàng ngày mà một chàng trai như anh vẫn nói cùng các cô gái, được đưa vào thơ, chỉ qua vài nét sửa sang đạm bạc. Các lớp từ thông tục xâm nhập vào cái thế giới vốn chỉ diễn tả bằng ngôn ngữ trữ tình, tạo nên một sự trớ trêu ngộ nghĩnh. ở bài thơ này, anh bảo một cô gái đưa ngón tay út anh coi và âu yếm dặn "đừng đưa lộn ngón nghe em - Lỡ ai đeo nhẫn, anh tìm sao ra"? ở bài thơ kia, anh kể với một cô gái đang vào cuộc yêu với anh rằng không ai khác, chính ông già của cô mới là kẻ đáng sợ hơn cả. Rồi thơ tán về chiếc ghế mây cô gái vừa ngồi; thơ khoe một lần chở người yêu bằng xe đạp; thơ làm nũng với một cô đào vì cô đã tặng anh đôi dép quốc doanh đi phồng cả ngón chân... Bài thơ nào cũng được viết bằng cái giọng tưng tửng đùa cợt, như giọng các đôi trai gái vẫn dấm dẳn trêu chọc nhau, lời lẽ nhiều khi vòng vo luẩn quẩn mà người nghe đủ mát lòng mát dạ. Bất cứ ai đã từng yêu, bằng những tình yêu hồn nhiên, hẳn dễ nhận ra tấm tình "xanh vỏ đỏ lòng" của Bùi Chí Vinh. Song đến khi đứng ở phương diện của sự sáng tạo mà xem xét thơ, thì nhiều đồng nghiệp lại bắt đầu nhăn mũi, xua tay, chê thơ anh là thô tục, là nhảm nhí. Những người này thường bắt bẻ tác giả theo cái nghĩa sờ sờ thấy trên mặt giấy của từng câu thơ, mà quên rằng, trong thi pháp đùa cợt, quy ước đầu tiên ai cũng biết là tất cả như được làm méo. Như được cấu tạo lại theo những tỷ lệ riêng. Hoặc như được đặt vào một gam màu duy nhất, chứ không còn là thứ ánh sáng thông thường mà mọi người quen thấy. Bảo những câu thơ đùa bỡn về Gái Huế, Gái Nam, Gái Bắc của Bùi Chí Vinh là bậy, là hỏng, thì có khác chi người thấy hai em bé cách nhau 3-4 tuổi chơi trò mẹ con với nhau, liền lắc đầu chê là chúng phá bỏ hết tôn ti trật tự! Rộng hơn mà xét - trong những trường hợp các bài như Cao và thấp, Đọc truyện Liêu Trai nửa đêm, Em là ai và em ở đâu v.v... - hành động thi ca của Bùi Chí Vinh phải được xem như một trò chơi với cái nghĩa mà các nhà tâm lý học vẫn nói "chơi là tuyệt đối vô thưởng vô phạt. Nó là một ốc đảo hạnh phúc trong cái sa mạc cuộc sống, gọi là nghiêm túc", "Chơi là cách tốt nhất, giúp ta xem xét lại những quan niệm và ý kiến đã thành nếp".
Quý trọng nhau bằng cách... nhại nhau Bản chất của con người hiện đại là xu thế dấn thân. Ai đó đã từng bảo "Mỗi người, dọc theo đời mình, chỉ vật vã và khốn khổ với chuyện đưa mình vào thế giới". Có vẻ như Bùi Chí Vinh cũng không ra khỏi thông lệ đó! Trước khi tính chuyện qua mặt các vị tiền bối, thật ra người làm thơ này đã hết lòng bái phục họ, vùng vẫy thoải mái trong cái thế giới mà họ tạo ra "Xuống phi trường Paris - Mua giùm anh chiếc nón - Để ngày đưa tháng đón - Chia nhau đội trên đầu - Ta đội tình vùng dại... Để bài thơ yêu em - Trú mưa mà không dột - Để lúc ghé Paris - Mắt em chưa hề ướt". Hình như mấy câu thơ đầy chất ngẫu hứng, ý tứ khi gọi nhau, khi dồn dập đuổi bắt nhau trong bài Em và Paris ấy đã giúp người ta hình dung ra sự thanh thoát lui tới của Bùi Chí Vinh trong mạch thơ đương thời. Đã đành nay là lúc học đòi và mô phỏng đều không đủ nữa, cách tốt nhất để tỏ lòng kính trọng các bậc tiền bối là làm nốt những việc họ chưa kịp làm, và nói chung là làm hơn họ. Có điều trong khi nhà thơ trẻ phiêu lưu trên con đường riêng, những mảnh vụn văn hóa từng găm vào da thịt anh vẫn luôn luôn có mặt. Chúng cũng quyết liệt đòi được xuất hiện, như ao ước đổi khác mà anh nung nấu.
Được nhắc nhở nhiều nhất trong thơ tình Bùi Chí Vinh phải kể là Kinh Thánh. Tiếp đó, không gian văn hóa của anh mở rộng, để ôm trùm cho hết, từ nàng Mona Lisa đến điệu Lambada hiện đại, từ Đơn Hùng Tín, Trình Giảo Kim đến Hoa muội cùng không khí Mùa thu lá bay của Quỳnh Dao, từ ca dao, Cung oán ngâm, thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Nguyễn Bính đến nhạc Trịnh Công Sơn, thơ Nguyên Sa và Cung Trầm Tưởng. Sở dĩ chúng, các dữ kiện văn hóa đó, có mặt, vì chúng đã trở thành dữ kiện của đời sống. Trung thành với khuynh hướng kế thừa và tổng hợp lại trong văn học, nhà thơ thường xuyên nhắc tới chúng, nhưng nhắc theo cách riêng của mình. Và trong một số trường hợp là nhại theo chúng, dù nhại hết sức thân ái. Từ một tâm thế mà ai người quen lễ nghĩa, cung kính dễ bảo là láo lếu, phạm thượng, song thực tế là thấm nhuần tinh thần dân chủ, ngẩng cao đầu đối thoại với các đỉnh cao trong nghề, Bùi Chí Vinh đã cấu tứ nên hàng loạt bài thơ độc đáo. Nhắc đến con đường, là nhớ Lỗ Tấn. Kể chuyện giang hồ, không thể bỏ qua thần tượng lang thang du đãng A. Rimbaud. Chạm vào một cái gì êm đềm như Đà Lạt, lập tức cảm thấy "tội nghiệp cho chàng Hàn Mặc Tử" và bên tai nghe vẳng lên câu thơ bâng quơ mà không hiểu sao, nhớ mãi: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Đây nữa, không có phấn thông vàng, để gửi hương cho gió, làm sao lại không nhắc đến hoàng tử Xuân Diệu, nhại Xuân Diệu chơi khi vẩn vơ đứng ngó trời?! Cũng như chỉ cần nhắc đến tiếng ru thôi là phải liên tưởng đến Nắng chia nửa bãi... của Huy Cận (Nào ai biết trăm con chim mộng - Vây kín đầu giường anh hát rong). Đến như sự nhại Thâm Tâm mới thật sảng khoái... Có lẽ vì quá yêu mến nhà thơ này, nên Bùi Chí Vinh đã nhại ông một cách thật chu đáo, từ nhại tên bài (Phản Tống biệt hành) đến nhại câu (ừ thôi về biển, ta về biển) rồi nhại cả đoạn (Đưa người ta cứ đưa sang sông - không sợ tiếng sóng ở trong lòng - Thâm Tâm lên núi mà tống biệt - ta về biển mặn hóa dòng sông). Đọc Bùi Chí Vinh trong những trường hợp này, dễ nhớ đến loại nhân vật hề nhại trong xiếc: thấy người này leo dây, anh ta cũng leo, thấy người kia nhào lộn, anh cũng nhào lộn; mọi việc được anh làm một cách vụng về, khờ khạo, khiến người xem nhiều phen như thót cả tim. Song rút cục, mọi chuyện cũng trót lọt. Và sau khi thở phào nhẹ nhõm, ta mới chợt nghĩ: hình như lý do tồn tại của anh ta là thế! Chắc chẳng ai nỡ bảo rằng việc trình diễn theo kiểu nhại, với các tiết mục tưởng như vụng dại này, là dễ dàng cả.
Theo dõi sự phát triển của các nền văn học, người ta thấy rằng trong nhiều trường hợp, cùng với sự phát triển của các thể nhại, đời sống sáng tác bắt đầu bước sang những giai đoạn mới.
Tiếng gọi đàn tha thiết Nguyễn Du từng bảo: Nghề chơi cũng lắm công phu. Dịch ra ngôn ngữ hiện đại, thì câu Kiều đó có nghĩa mọi việc trên đời đều cần được làm một cách kỹ lưỡng, thuần thục, với tất cả kiến thức và kinh nghiệm mà mỗi cá nhân có thể huy động. Trong sự nghiêm túc của nó, rồi ra đùa cợt cũng phải được nâng lên thành một thứ văn hóa tạm gọi là văn hóa đùa, như văn hóa ăn, văn hóa viết, văn hóa tranh luận mà người ta vẫn nói. Và bởi lẽ sự đùa ấy trong thơ đang mới mẻ, nên lại khó hơn mọi việc khác. Chắc chẳng phải là quá, khi người ta vẫn bảo rằng đôi khi phải dùng đến công phu dời non lấp biển thì mới đủ sức biến mấy câu pha trò tầm thường thành một tác phẩm thơ ca thực thụ.
Có vẻ như đến mức ấy, thì Bùi Chí Vinh chưa kịp nghĩ tới hoặc chưa muốn nghĩ tới. Anh còn đang bị quyến theo cái say sưa của một người được đi vào khu vực thênh thang, và quá lạ lẫm nữa - mà chưa có dịp lắng lại với công việc. Nhiều bài thơ in trong Thơ tình và rải rác đăng ở các bài báo một hai năm gần đây, có được cái tứ khá hay, song còn ở dạng nửa thành phẩm, thừa ngẫu hứng tự nhiên, song lại vẫn thiếu một cái gì như là sự dụng công, sự điên cuồng tìm tòi, hoặc niềm khao khát hoàn thiện. Không nên và không thể đòi hỏi thơ Bùi Chí Vinh phải giống mọi người. Nhưng sẽ là có lý, khi muốn tác giả vượt lên chính mình. Làm thế nào bây giờ? Hình như trong việc này, nhà thơ đơn độc đang cần đến sự hỗ trợ của các đồng nghiệp. Nhạc Trần Tiến, tranh Nguyễn Quân, thơ Nguyễn Duy, những tìm tòi bột phát của nhiều người khác, khi được khi mất, đều đã là những đồng minh tự nhiên, nhưng chưa đủ. Nếu như từ những thể nghiệm mà Bùi Chí Vinh gợi ra, có thêm nhiều nhà thơ khác cùng vào cuộc phiêu lưu, tận dụng một số kinh nghiệm thành bại của anh, rượt đuổi anh, thách thức anh... thì một ngòi bút vốn năng động như Bùi Chí Vinh sẽ có thêm sức để vượt lên chăng? Dù vẫn do một hai người khởi xướng, song cuối cùng thế nào cũng cần có những đợt sóng, tức có sự tham gia của nhiều người, thì rồi các nỗ lực văn hóa mới có cơ trở nên những thành tựu chắc chắn.
Vương Trí Nhàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét