Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Tiếng ve - Tiếng quạ - Tiếng cú

Tiếng ve - Tiếng quạ - Tiếng cú
Trong những vườn thơm trên vùng cao nguyên Vân Hòa người ta thường trồng xen những cây mít. Ngoài việc cho trái, nó cùng với những cây thấp nhỏ hơn như bồ lời, bạc lá đứng che tàn cho thơm không bị háp nắng. Đó cũng là nơi sinh sống của những con ve, còn gọi là ve ve.
Con ve tội nghiệp, bị thi hào La Fontaine vu cho cái tội lười biếng, cả mùa hè lo ca hát, đến mùa đông rét mướt phải hạ mình xuống tận nhà kiến vay lương thực.Đến mùa hè ve kêu ran khắp nơi, cùng với hoa phượng nở đỏ, đem lại niềm vui cho tuổi học trò, như một bài hát in trong Giáo dục tạp chí: “Con ve ve kêu/ Mùa hè trở lại/ Ven đường cái/ Hoa xoan tây nở đầy...”.
Người phương Tây sớm yêu khoa học, thực dụng hơn người phương Đông, không chủ trương cầu nhàn, sống nhẫn, thời ông Pétain nêu khẩu hiệu “Cần lao - Gia đình - Tổ quốc” mà cần lao là số một, cho nên không ít người theo lời ông La Fontaine mà kết án con ve.
Dân Nam ta lại ưa sự du dương nên trước khi con ve được giải oan đã không hề nặng lời với nó, xem chuyện vay mượn của ve là chuyện thường tình. Tiếng ve buổi sớm, buổi trưa rộn ràng vui vẻ đã đành, tiếng ve buổi chiều kéo dài buồn nản người ta cũng thông cảm, bảo rằng đó là “tiếng ve hoài cổ”.
Mà thật, một lần đi trong di tích Lam Kinh (khi còn hoang vắng) nhìn đôi rồng đá rạn nứt, những khối đá chân tảng trơ gan lặng lẽ, nắng màu vàng thật nhẹ, hơi lành lạnh... tôi đã cảm nhận chính xác tiếng ve hoài cổ nơi ấy.
Đọc truyện phương Tây thường gặp những bầy quạ sống trên nóc lâu đài xưa, như góp cho đậm đà thêm cái vẻ cổ kính trầm mặc của phong cảnh. Hình như người ta có chút cảm tình với giống quạ, hoặc ít ra là không thù ghét nó.
Dân Nam ta thật sự không ưa gì lũ quạ, xếp chúng ngang hàng với kên kên, cả đời ăn thịt súc vật chết quăng ngoài đồng. Chẳng ai để ý đến công lao “điểu táng” của chúng. Chuyện cũ bảo rằng khi trăm loài chim muông đến xin trời vẽ áo, quạ tham ăn đến chậm, hết cả màu sắc, chỉ còn mực xạ, trời trút hết lên đầu nó, thành ra bộ lông đen.
Trong một bài vè quạ bị tố cáo là tham ăn và ỷ mạnh hiếp yếu: “Cha sáo mẹ sáo/ Trồng một đám dưa/ Đi sớm về trưa/ Quà quạ ních hết...”. Dân thôn quê rất ghét quạ vì nó chuyên bắt trộm gà con và ăn vụng mít chín. Nghe tiếng kêu “quà quạ... quà quạ...” là người ta nổi xung, thấy bóng dáng chúng là người ta xua đuổi: “Quạ đùng... quạ đùng...”.
Chỗ nương thân chính của quạ là bên... Tàu. Nó mách với Công Giã Tràng: “Công Giã Tràng/ Công Giã Tràng/ Cọp bắt dê/ Núi Nam san/ Ngươi ăn thịt/ Ta ăn gan/ Kíp theo chóng/ Chớ phàn nàn...”. Vậy là hai bên cùng có lợi.
Một lần nữa khi gặp cơn quốc biến, quạ kêu: “Công Giã Tràng/ Công Giã Tràng/ Người nước Tề/ Đem binh sang/ Kíp ngăn ngừa/ Kẻo nguy nan...”. Công Giã Tràng nhờ quạ lập được chiến công. Bên ta có lẽ chịu ảnh hưởng sách Tàu, Quách Tấn tiên sinh có bài thơ Đường luật Đêm thu nghe quạ kêu... liên tưởng đến điển tích Ô y hạng.
Thân phận con cú còn tệ hơn con quạ. Nó giúp người dân quê việc bắt chuột, nhưng chẳng được bao nhiêu. Nghe tiếng cú kêu, đáng lẽ biết đó là dự báo điềm xấu cần chuẩn bị, đề phòng thì thiên hạ coi nó là hiện thân của sự xui xẻo, chết chóc. Ai có đôi mắt nhìn soi mói gọi là mắt cú vọ.
Cú bị con người ghét sợ. Có khi nghe cú kêu, người ta phải van vái tai qua nạn khỏi rồi sắm chè xôi hoa quả cúng tạ. Thêm phần tốn kém. Có lẽ chỉ có một câu tục ngữ tỏ ra thông cảm “Cú kêu độc miệng cú...” thêm phần vĩ thanh “...chè xôi ai ăn”.
Tiếng cú kêu ở đây, dân ngầm hiểu là những lời thành thực, thẳng thắn, nêu lên điều sai nào đó. Nhiều khi người nói chịu thiệt thòi, bị oán trách, bị tẩy chay và có thể bị trù dập. Nhưng rồi lẽ phải được chấp nhận, điều sai được sửa, kẻ khác hưởng lợi. Khác nào khi cú kêu bị người ta coi là độc miệng, họ chửi rủa, xua đuổi rồi khi có chè xôi dâng cúng thì ai ăn? Các bác ăn cả, cú đâu có phần.
Trong ẩn ý tế nhị, tinh thần vị tha của cú được chấp nhận. Đó là điểm son của tiếng cú.
Ông Võ Phiến có bài viết nhan đề là “Cái tiếng mình nói”. Ngôn ngữ của con người tất nhiên là nhiều, quá nhiều hơn so với muôn loài. Nhưng dù là con người hay thượng cầm hạ thú, tiếng nói, tiếng kêu phát ra... phản ứng của tha nhân, ngoại cảnh biết bao thuận nghịch, thương cũng có mà ghét cũng có. Đó là thương ghét việc đời vậy.
TRẦN HUIỀN ÂN
Theo http://tuoitre.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...