Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Câu đối, nét tài hoa người Việt

Câu đối, nét tài hoa người Việt 
Câu đối có nhiều loại như câu tức cảnh, câu đối sách (lấy chữ, lấy nghĩa trong sách mà đối), câu đối chơi chữ: dùng từ lóng và chiết tự (bẻ chữ). Câu đối là một thể văn có hai vế đối nhau (vừa đối ý, vừa đối thanh). Câu đối phải thật cô đọng mới hay, với loại ra để thử trí, thử tài phải thật hiểm hóc cho khó đối. Về văn thể câu đối có câu tiểu đối (còn gọi là đối vặt mỗi vế có 2, 3 đến 6 từ), câu đối thơ (mỗi vế có 7 từ như hai câu thực, hai câu luận, trong thơ thất ngôn bát cú), câu đối phú mỗi vế có 8 từ trở lên, có khi đến 50, 60 từ. Câu có 2 vế (mỗi vế 4 từ) gọi là câu bát tự, mỗi vế có 5,6 từ trở lên gọi là câu song quan. Mỗi vế có hai đoạn gọi là câu cách cú. Mỗi vế có ba đoạn gọi là câu hạc tất, vế có 3 đoạn trở lên gọi là câu phức hợp.
Câu đối là thể văn khó nên các sĩ tử phải luyện tập hàng ngày ngay khi mới bước vào cửa thày và sử sụng đến nhuần nhuyễn trong thực tế.
Câu đối khó như vậy, những cách đối đáp lại có trong sinh hoạt hàng ngày nên nhiều người mới chỉ học Tam tự kinh (sách dạy vỡ lòng cho sĩ tử thời xưa) đã làm được câu đối. Người xưa kể lại vào thời Hậu Lê quan Thượng Thư Đàm Thận Huy khi nghỉ hưu về dạy học ở xã Ông Mặc huyện Đông Ngàn. Một hôm giảng sách vừa xong thì trời sập mưa học trò phải lưu lại, ông đã ra thêm vế đối cho học trò tập. Vế đối như sau:
"Vũ vô cương tỏa năng lưu khách"
(Mưa không then khóa hay giữ khách)
Vế đối thật hợp với cảnh trời mưa, học trò phải lưu lại. Các học trò thi nhau dâng lên thầy vế đáp của mình, trong đó có 3 vế được ông lưu tâm. Vế thứ nhất: "Sắc bất ba đào di lịch nhân" (nhan sắc không phải là phong ba nhưng dễ đắm người); Vế thứ hai: "Nguyệt hữu hoan cung bất xạ nhân" (trăng có vòng cung chẳng bắn người); Vế thứ ba: "phẩm bất uy quyền dị sử nhân" (cứt không uy quyền dễ dọa người).
Ông nghĩ: văn là người, thể hiện trình độ và nhân cách con người, và như dự đoán của ông sau này người có vế đối thứ nhất là Giản Thanh thi đậu tới trạng nguyên, nhưng tính tình phóng đãng, người có vế đối thứ hai là Chiêu Huấn đỗ tới Bảng nhãn và có lòng nhân, còn người thứ ba sau này là nhà hào phú, chỉ làm đến Hiến phó, nhưng tính tình bỉ ổi.
Vào thời Nguyễn ở làng Vân Bòng phủ Yên Khánh có một cậu bé chăm ngoan, nổi tiếng thần đồng là Vũ Duy Thanh, quê ông là làng ven sông lại thường lụt lội. Một hôm có viên quan coi việc đắp đê và bắt nhiều người phải phu dịch, đến lượt Vũ Duy Thanh, cậu bẩm quan mình là học trò xin quan miễn thứ. Quan không nghe và bảo: nếu là học trò thì phải đối được vế đối quan ra, bằng không phải lao lực như mọi người và còn phải phạt. Vế đối quan ra như sau: "Thị ấp đê Bòng chấn hồng thủy muôn dân được cậy". Vế đối quan ra có 11 chữ lại có thị, có bòng, có hồng, có cậy. Vũ Duy Thanh đã trình quan vế đáp: "Chanh treo bảng nhãn, quyết đồ đầu thiên hạ mới cam".
Câu đối quan ra có bốn thứ quả, ở đây cũng có bốn thứ: Chanh, nhãn, đỗ, cam. Lại nói được chí khí quyết chiếm khôi nguyên. Quan nghĩ thầm cậu bé này rồi sẽ thành danh và tha cho cậu.
Cùng thời Nguyễn có cậu học trò nhà nghèo cha mất sớm, mẹ vất vả lần hồi chợ hôm, chợ sớm nuôi con, ông học rất thông minh nhưng đi thi chỉ đỗ cử nhân cuối bảng. Việc đã rồi, cực chẳng đã ông phải tự nhủ, tự an, tự khích lệ mình bằng câu đối:
"Điên chí, đảo chí quán quần anh nhất thủ
Tri hỹ, tận hỹ cận thiên tử chi quang"
(Đảo xuống, lộn lên tên họ anh hùng núp dưới
Cùng thì đừng, chót ánh sáng thiên tử liền bên)
Vị cử nhân cuối bảng ấy là Phạm Thận Duật (1825-1885) người làng Yên Mô thượng, Ninh Bình nhà quyết chí vươn lên đã làm tới chức thượng thư bộ hình rồi thượng thư bộ hộ, lại phò tá vua Hàm Nghi chống Pháp danh để ngàn thu.
Nước ta thời phong kiến ranh giới vua tôi quan quân cách biệt nhưng vì say văn chương ứng đối mà trong đời thường nhiều vị rất hòa đồng. Vua Lê Thánh Tông, một hôm đi dạo cảnh chùa, theo vua có các quan và một số vị phu nhân. Đến chùa thấy cảnh sư tụng kinh và khiến người bên cạnh vua, vua liền xướng lên vế đối cho các quan ứng đáp:
"Đường thượng tụng kinh sư sử sứ"
(Trên chùa tụng kinh sư sai sứ)
Trong khi các quan suy nghĩ thì trạng nguyên Lương Thế Vinh đi lảo đảo như muốn đổ. Thấy vậy các quan xôn xao, nhà vua liền cho vời phu nhân của ông đến dìu đỡ. Chờ được vậy, ông liền tâu: Thưa bệ hạ thần chỉ làm ra vẻ để đổi lại vế đối của hoàng thượng, xin hoàng thượng gia ân, rồi ông đọc luôn vế đáp:
"Đình tiền túy tửu phục phù phu"
(Trước sân say rượu vờ dìu chồng)
Vua khen hay và thưởng cho.
Vua Tự Đức, một ông vua hay chữ. Hôm vua cùng các vương hầu tới dự cuộc vui thái giám cưới vợ (Thái giám là hoạn quan, không thể sinh con song được lấy vợ). Vua tặng ông này tấm biển có ghi vế đối rất sắc sảo "Vi sương tư địch" và bảo các vương hầu đối cho vui. Tuy Lý Vương đã đối như sau "Dĩ phát tư phùng". Câu đối hiểm hóc ở chỗ phải dịch từ chữ Hán sang Việt và từ câu tiếng Việt nói lái sao cho có ý nghĩa. Câu đối dịch từ Hán sang Việt như sau: Vế một: "Làm sương cho sáo" (nói lái: Làm sao cho sướng); vế hai "Lấy tóc mà may" (nói lái: Lấy tay mà ....). Ngẫm ra cho cách nói lái của câu đối này cả vua tôi cùng cười đến chảy nước mắt.
Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến lúc cáo quan về quê dạy học, ông sống hòa đồng với mọi người, nhiều người đến xin câu đối được ông cho. Nhiều câu đối của ông hiểu xuôi, hiểu ngược cũng được. Thanh đối thanh, ý đối ý rất hàm súc, hóm hỉnh như câu mừng ông bảng Long, ông này đỗ Phó Bảng võ, lại chỉ có một mắt:
"Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Triều đình cử mục anh hùng chỉ có một người thôi"
Câu ông cho để dán cổng nhà bà Hậu Cẩm. Bà này trước đã lấy ông nhiêu Sinh, ông Sinh chết bà lại lấy ông tây Cẩm, về quê bà bỏ tiền mua hậu làng để khi chết được làng giỗ nên gọi là bà Hậu Cẩm. Câu đối như sau:
"Mở ra toác toạc toàng toang, cửa càn khôn chia làm hai mảnh
Khép lại khít khìn khịt, máy âm dương đưa đẩy một then"
Đọc lên đúng là hai cánh cổng nhưng hiểu bóng hiểu gió thì lại khác.
Trong việc bang giao với nước ngoài, các sứ đoàn phải làm sao giữ được quốc thể và nêu cao danh dự nước nhà. Ngày nước ta bị nhà Nguyên đô hộ, ty, sở của chúng đóng tới phủ huyện, chúng buộc những người đi qua phải bỏ mũ cúi đầu. Một hôm cậu học trò Tạ Đại Lang đi qua, gặp trời mưa không thể bỏ mũ đã bị gọi vào hạch sách đủ điều, cậu đã biện bạch vì trời mưa nhưng quan không chịu, khi hỏi quê cậu nói người làng Thạch Lỗi. Hai chữ Thạch Lỗi gợi cho quan một vế đối hiểm hóc theo lối chiết tự. Quan chắc mẩm, cậu sẽ bị đánh gục, quan liền ra vế đối và bắt Đại Lang đối lại: "Lỗi ngươi tớ chất lên ba thạch". Vì chữ lỗi do ba chữ thạch ghép lại mà thành nhưng lại chỉ rõ lỗi ngươi to lắm, không thể tha được. Sau giây lát suy nghĩ Tạ Đại Lang đọc vế đáp của mình như sau: "Ty chúng min coi đáng nửa đồng". Quan giật mình về sự nhanh nhạy của câu đáp, bởi chữ ty theo lối chiết tự là chữ đồng cắt đôi, nhưng quan căm vì thái độ ngạo mạn, khinh khi dám nói ty sở Nguyên triều là tu chúng và mày, tao, min, tớ với quan. Lại nhìn ty sở bằng nửa con mắt "đáng nửa đồng tiền". Nhưng câu đối rất hay. Vế ra theo lối chiết tự, lại thanh đối thanh, ý đối ý không chê vào đâu được, quan nói "ngươi" thì cậu bảo "chúng"; quan xưng "tớ" thì cậu xưng "min", quan cho lỗi "chất ba thạch" (ba tầng đá) thì cậu bảo "đáng nửa đồng"; quan bảo đối thì cậu đáp, vậy thôi, nên quan phải cho qua.
Năm Mậu Ngọ (1318) vua Trần Minh Tông cử trạng nguyên Mạc Đình Chi dẫn đầu sứ bộ hộ nước ta sang Yên Kinh mừng vua Nguyên Võ Tông lên ngôi. Khi tới cửa ải Nam Quan, tổng đốc Lưỡng Quảng muốn thử tài trạng Việt bèn ra câu đối, và bảo chỉ đối được mới cho mở cửa. Vế đối như sau: "Đáo quan trì, quan quan bế, nguyên quá khách quá quan". Vì câu quá hiểm hóc ngài bèn đáp: "Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh đối". Trả lời vậy vì ngài biết rõ vế ra rất khó, đến người ra cũng không đối được nên thách thức ngài đối trước. Song câu "xuất đối dị ..." của trạng cũng là một vế đáp hoàn chỉnh, sắc sảo và hiểm hóc nên tổng đốc Lưỡng Quảng đành mở cửa thành mời trạng và đoàn sứ bộ lên đường.
Khi đến Yên Kinh trong dịp đi chơi với quan Tầu, lừa của ngài đụng phải ngựa của quan Tầu, vị này hỏi bằng một vế đối: "xúc ngã kỵ mã, Đông di chi nhân dã, Tây di chi nhân dã?" (Đụng ngựa ta cỡi, là rợ phương Đông hay rợ phương Tây). Ngài đáp: "Áp dư thừa lư, Nam phương chi cường dư, Bắc phương chi cường dư?" (Lấn lừa ta cỡi, xem phương Nam mạnh hay phương Bắc mạnh?). Hỏi thì trả lời, sự trả miếng này làm quan Tầu tím mặt nhưng phải cười xòa.
Đời thường là thế, nhưng ở cửa đền, cửa miếu, câu đối phải thật nghiêm. Nước ta phần lớn cư dân theo tục thờ thần nên đình, phủ, miếu làng nào cũng có. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều câu đối trước hết là câu đối ca ngợi thần linh, tỏ rõ lòng thành kính của mọi người, có câu đối nêu rõ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sách nước Nam, kinh đô của ta ngang hàng với nước Tầu, kinh đô bên Tàu. Điều này xưa phương Bắc cho là tối kỵ là phạm thượng, như câu đối của Vũ Phạm Khải (1807-1872) ở đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Trường Yên Ninh Bình như sau:
"Cồ Việt quốc đương Tống Khai bảo
Hoa Lư đô thị Hán Trường An"
Giờ đây Nho học đã lùi xa nhưng lối ví von, đối đáp thường ngày vẫn rất thịnh hành. Trên trang báo xuân và nơi thờ tự câu đối nở bừng, đó là nét văn hóa đặc sắc Việt Nam với sự kế truyền rực rỡ.
 Đỗ Trọng Am
Theo http://www.vanhocnghethuatninhbinh.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...