Gánh hàng hoa 1
Chương 1
HY VỌNG
Cũng như mọi lần, Nguyễn Minh đi qua vườn Bách-Thảo để về Trại
Hàng Hoa. Nhưng chiều hôm nay tuy vẫn phong cảnh ấy mà Minh ngắm thấy xanh tốt,
rực rỡ bội phần. Hoa Xoan-Tây chàng trông thấy đỏ thắm hơn; hoa Hoàng-Lan chàng
ngửi thấy thơm ngát hơn; những hoa Sen trắng, hồng nhấp nhô trên mặt nước,
chàng tưởng tượng ra trăm nghìn nụ cười hàm tiếu thiên-nhiên.
Là vì lòng chàng phấn khởi sung sướng, chứa chan hy-vọng. Kỳ thi thử trong lớp
để chọn học trò đi dự thi bằng Thành-Chung, kết quả các bài của chàng được mười
phần mỹ mãn: chàng chiếm hạng đầu trong các anh em bạn học.Chỉ còn hai tháng nữa Minh sẽ tốt nghiệp ở trường sư-phạm, sẽ được bổ nhiệm
giáo học để có thể kiếm cơm nuôi thân và nuôi vợ. Cái đời lam lũ khó nhọc của vợ
mỗi lúc nghĩ đến Minh lại lấy làm áy náy và xấu hổ. Không phải chàng cho rằng
cái nghề bán hoa của vợ là hèn hạ vì nghề ấy vẫn là nghề của ông bà, cha mẹ
chàng khi xưa. Nhưng chính vì nhờ vào công việc của một người đàn bà mới có thể
có tiền ăn học, chàng lấy đó làm một sự kiện đáng thẹn thùng, đáng bị khinh bỉ.
Vì thế ngày thi sắp tới đã đưa lại cho chàng những hy-vọng trong trẻo về một
tương-lai tốt đẹp.Mắt Minh bỗng vơ vẩn để tới mấy con khỉ nhốt trong chuồng. Tuy ngày nào cũng bốn
buổi chàng được trông thấy những trò đùa nhảy nhót của bầy thú nhanh nhẹn ấy,
song đi chơi lang thang một mình, tư tưởng cũng lang thang không chú ý hẳn đến
một sự việc gì. Chàng ngẫu nhiên đứng lại tựa lan can, tò mò nhìn.Bên cạnh chàng, một thằng bé vào khoảng 10 tuổi dắt một con bé chừng 7 tuổi
cũng đứng xem. Thỉnh thoảng nó lại lấy tay vẫy mấy con khỉ con, vừa cười vừa gọi:
‘bú dù, bú dù’ như để những con vật làm trò cho em nó xem. Cái cảnh tượng tầm
thường ấy Minh cho là rất cảm động, vì nó mhắc tâm trí Minh ôn lại thời kỳ thơ ấu
của chàng.Mười năm về trước, khi chàng còn là một thằng bé chín, mười tuổi thì chiều nào
chàng cũng tung tăng chạy nghịch với bầy bạn nhỏ ở khắp các nơi trong vườn.
Trong bọn ấy, bạn thân nhất của Minh là một đứa con gái sáu, bảy tuổi tên là
Liên, con một người láng giềng cùng theo nghề trồng và bán hoa như hầu hết các
người trong làng Hữu-Tiệp mà tục gọi là Trại Hàng Hoa.Hai đứa bé láng giềng hình như trời đã phú cho những tính nết giống nhau để sau
này cùng nhau chung hưởng hạnh-phúc. Trong đám trẻ tinh nghịch, lếu láo thô tục,
Minh và Liên hiền lành dịu dàng khác hẳn. Nhiều khi Minh thấy chúng nó có tính
ác nghiệt, bắt nạt lẫn nhau, đánh đấm lẫn nhau, hoặc lấy gạch đá ném những con
thú nhốt trong chuồng thì Minh lấy làm khó chịu.Sự công-bằng ngay thẳng bao giờ cũng sẵn có ở trong óc trẻ, nhất là khi sinh
trưởng ở chốn bình dân, chúng lại nhờ được di-sản thông-minh của cha mẹ. Sự yêu
công-bằng ấy đã có lần khiến Minh vốn dĩ nhu mì mà đột nhiên trở nên can đảm.
Minh quả quyết can thiệp để ngăn bạn bè không cho phạm những điều áp chế, ức hiếp,
tàn nhẫn. Nhưng cũng vì thế mà bao phen Minh bị bọn kia túm lại đánh cho túi bụi.
Đứng trước sự đau đớn của bạn, Liên chỉ bưng mặt khóc và kêu gào cầu cứu.Rồi khi lớn lên, Minh được đi học vì kẻ trồng hoa nhờ trời cũng khá, không những
kiếm đủ ăn tiêu rộng rãi mà lại có tiền nuôi được cả con đi học.Một ngày học, một biết rộng. Minh lấy làm sung sướng được đọc tới tên, được
trông thấy hình vẽ các hoa, các cây trồng ở vườn. Minh chỉ phàn nàn một điều là
Liên vì phận gái cha mẹ không cho hưởng cái thú vui cắp sách đi học như mình.
Nhưng Minh vẫn đinh ninh rằng thế nào cũng sẽ đem những gì học được giảng lại
cho Liên nghe.Nhà Minh và nhà Liên, đôi bên chơi thân với nhau lắm. Theo phong-tục thôn quê,
khi Minh 12 tuổi, cha mẹ Minh đem trầu cau sang dạm Liên cho Minh làm vợ. Mọi đứa
trẻ khác khi đôi bên cha mẹ đã nhận lời nhau thì chúng thường bẽn lẽn không dám
đi lại vui chơi nói chuyện với nhau nữa. Nhưng Minh với Liên thì không thế,
chúng vẫn thân thiết, thương yêu nhau như hai anh em vậy; vì thực ra, chúng
cũng chẳng bao giờ nghĩ tới cái ý nghĩa vợ chồng.Khi học tới năm thứ hai trường sư-phạm thì cha mẹ Minh trong một thời kỳ có bệnh
dịch hạch cùng theo nhau mà chết. Liên mồ côi cha từ khi lên 3 nên càng được mẹ
thương nhiều hơn. Vì thế, nay thấy Minh lâm vào hoàn cảnh bơ vơ đơn độc, tứ cố
vô thân, cả Liên và bà cụ đều ngậm ngùi thương xót, không quản ngại ngùng sang
trông coi nhà đất hộ.Một hôm, Liên bàn với mẹ phạt quách cái dậu găng ngăn đôi hai nhà để tiện việc
trồng trọt vườn tược cho cả hai bên. Thế là từ đó, hai nhà thành một, và Minh
coi mẹ Liên như mẹ mình. Cứ mỗi lần hồi tưởng lại ngày hôm ấy, Minh vẫn còn cảm
động, thấy lòng mình nao nao...Cách đây mấy tháng, bà cụ bỗng ốm nặng. Biết rằng bệnh tình trầm trọng khó lòng
qua khỏi, bà gọi cả hai người Liên và Minh đến bên giường mà bảo rằng:− Cả hai con mẹ coi như con đẻ cả nên mẹ cùng thương như nhau. Vậy mẹ muốn
trông thấy hai con nên vợ nên chồng trước khi mẹ nhắm mắt.Minh và Liên chiều ý bà cụ xin tuân theo ngay. Bà lại bàn rằng nhà đôi bên cùng
nghèo, đừng bày ra lễ hỏi, lễ cưới chi cho rườm rà, chỉ cần nộp cái lệ tiền
cheo như làng đã định và vào sở giá-thú là đủ.Cái đám cưới mới giản dị và cảm động làm sao! Bên giường người bệnh, hai vợ chồng
cùng quỳ và cùng khóc. Vì thấy con gái đã thành gia-thất, và lại lấy được một
người chữ nghĩa giỏi dang sau này thế nào cũng làm nên, bà cụ sung sướng quá đến
lịm đi. Đêm hôm ấy bà qua đời.Thế là trong gia đình chỉ còn hai vợ chồng trẻ. Chồng 20, vợ 18. Tuy ít tuổi,
Liên tỏ ra một người nội trợ đảm đang, cần mẫn hiếm có.Minh định thôi học ở nhà làm vườn giúp vợ để Liên chỉ việc gánh hoa đi bán.
Nhưng Liên gạt đi, bảo với chồng rằng đã học được đến năm thứ tư thì cố mà học
nốt cho được cái bằng Thành-Chung.Từ đó, mỗi sáng Liên quảy gánh hoa đi, ba giờ trưa lại về cặm cụi làm vườn cho
đến tối mịt. Sau vì hàng bán chạy, và có Minh thuyết-phục mãi, Liên mới chiều ý
chồng mướn một ông lão làm vườn đến giúp việc.Mải ngồi tưởng nhớ lại quãng đời qua, Minh không biết rằng trời đã nhá nhem gần
tối. Quay nhìn chung quanh mình, trong vườn Bách-Thảo không còn ai. Minh tung
tăng qua cổng trường canh-nông rồi rẽ xuống con đường nhỏ lát gạch về nhà, vừa
đi vừa cất tiếng hát nghêu ngao.Liên đứng chờ sẵn tại cổng. Nghe tiếng chồng hát, nàng chạy vội ra đón, tay đỡ
sách, miệng mỉm cười gắt yêu:− Sao hôm nay mình về muộn thế?Minh cũng cười:− Vì chiều nay anh mải ngắm mấy con bú dù.− Về ngắm em làm vườn cũng thế.Minh cười:− Em đẹp hơn bú dù chứ lị!− Thế à? Em đẹp hơn bú dù kia à? Còn anh, chắc hôm nay có điều gì vui mừng lắm
thì phải.Minh nghe vợ nói vậy liền đem những niềm hy-vọng về tương-lai ra kể cho nghe rồi
quả quyết nói.− Chỉ mấy tháng nữa là ta có thể đỡ phải làm lụng vất vả.Chàng cầm tay vợ ngắm nghía, thở dài.− Đấy em coi. Em mới có 18 tuổi đầu mà hai bàn tay đã chai rồi! Anh lấy làm hổ
thẹn lắm! Làm đàn ông mà không bằng một người đàn bà!Liên nghe nói cảm động, nhưng giả lã:− Anh lôi thôi lắm! Có đi vào ăn cơm với em không thì bảo!Trên chiếc giường lát tre giải chiếc chiếu cũ rách, một cái mâm gỗ đã tróc sơn
đựng lỏng chỏng đĩa rau muống luộc, bát nước rau và một đĩa đậu phụ kho tương.
Đó là bữa cơm thường nhật của đôi vợ chồng trẻ. Thức ăn chỉ có thế. Nhưng Liên
chịu kham khổ đã quen, còn Minh thì vì những món ấy chính tay vợ làm ra nên
chàng gắp ăn ra dáng ngon lành để vui lòng vợ. Liên cũng thừa hiểu ý chồng.
Nhưng nàng còn biết làm sao hơn? Ở cảnh nghèo không ăn uống tần tiện như thế
thì lấy tiền đâu mà chi dụng việc này việc khác. Riêng học-phí của Minh không
đã chiếm gần nửa số lợi-tức cuả gia-đình hàng tháng rồi còn gì. Liên nhìn chồng
nói:− Ngày mai Chủ-Nhật, khi bán hoa về em mua một lạng thịt bò tái về cho mình ăn
nhé.− Hết bao nhiêu tiền?− Chả mấy, độ năm, sáu xu thôi.Dưới ánh đèn dầu, hai người nhìn nhau cười. Hạnh-phúc của đôi vợ chồng trẻ êm đềm
lặng lẽ biết bao! Cơm nước xong, Minh lấy sách ra xem, còn Liên đứng tựa ghế ngắm
chồng không nói. Minh gấp sách quay lại cười, hỏi:− Mình không học à?− Có chứ. Nhưng em học như thế thì bao giờ mới thành thạo được?− Nếu mình chịu khó học chăm thì chỉ độ hai năm thôi.Hai vợ chồng yêu nhau thắm thiết. Nhiều khi không có chuyện gì nói, hỏi nhau những
câu vơ vẩn không đâu; nào chuyện bán hoa, nào chuyện xảy ra hàng ngày v... v...
Có khi không biết nói chuyện gì, hai người chỉ ngắm nhau mà cười. Trong các
gia-đình niên thiếu, sự yên lặng thường là biểu hiệu cho sự lạc thú nồng nàn
tuyệt đích.Nhưng bao giờ thì rồi Liên cũng nghĩ tới bổn phận. Nàng biết chồng sắp đến kỳ
thi phải học nhiều nên không muốn làm mất thì giờ quý báu của chàng.− Mình ngồi học. Em xin phép đi ngủ sớm để mai còn dậy đi bán hoa.− Mới 7 giờ, còn sớm. Mình hãy ngồi đây nói chuyện với anh một lát nữa đi nào,
đi đâu mà vội. Mà Liên ạ, em có biết ở đời cảnh nào khổ sở nhất không?Liên cười:− Mình nói lẩn thẩn lắm. Em cho rằng chẳng có cảnh nào là khổ sở hết, vì sự
sung sướng ở tự trong lòng chúng ta chứ không phải ở ngoài vào.Minh cũng cười, bảo vợ.− Đấy em coi! Học rộng mà làm gì! Em có đọc nhiều sách đâu mà cũng biết chỗ tìm
điều mà người ta gọi nôm na là hạnh-phúc. Liên, em ơi! học-vấn ngoài cái mục-đích
kiếm ăn còn có một mục-đích cao hơn là đi tìm hạnh-phúc. Học để biết sung sướng.
Nay em đã biết sự sung sướng, biết hạnh-phúc chỉ ở trong lòng ta mà ra thì em
đã tìm thấy chân-lý hạnh-phúc rồi đó.Liên vui vẻ bảo chồng:− Mình học nhiều, biết rộng. Chứ em thì hễ thấy mình sung sướng là em cũng sung
sướng rồi.Minh đứng dậy hôn vợ tỏ lòng cảm ơn. Chàng buồn rầu nói.− Liên, em! Chiều hôm nay anh sung sướng. Anh nghĩ tới hạnh-phúc, tới tương-lai
của đôi ta; tới cái tương-lai tốt đẹp hơn ngày nay. Bỗng một vật khiến anh buồn
rầu lo nghĩ. Đi quanh cái hồ vuông, anh nhác trông thấy con bồ nông một mình lủi
thủi, đặt bước nặng nhọc bên cái cù lao. Đột nhiên, anh nghĩ tới những cảnh
cô-độc ở đời. Anh tự hỏi: nếu trong hai chúng ta mà một kẻ từ trần trước hay bị
một đời tàn tật thì người kia sẽ ra sao?Liên xua tay mắng yêu:− Mình chỉ nói gở! Em thì không bao giờ nghĩ tới những điều ghê gớm như anh. Em
chỉ biết có một điều là chúng mình yêu nhau. Bây giờ thì anh học đi. Trước khi
đi ngủ, em sửa soạn thúng, mẹt, cùng quang gánh để mai đi bán hoa sớm. Anh phải
biết, ngày hôm nay em bán được hai đồng bạc vừa cây vừa hoa đấy.Sáng hôm sau cũng như mọi sáng, khi Minh thức giấc thì liên đã đi bán hoa. Biết
rằng tối hôm trước Minh học khuya nên Liên đã rón rén dậy xếp quang gánh đi bán
hàng, không dám làm kinh động để chồng được ngủ yên.Minh khoác áo ra hiên. mặt trời mới mọc chiếu ánh sáng rực rỡ xuyên qua những
cành cao vút và mềm mại của hai cây hoàng-lan bên bờ giậu. Ngắm những tia vàng
chói lọi rung động lách qua khe các lá gió lay, như tưng bừng nhảy múa ở ngoài
sân. Minh thấy trí tuệ sáng suốt, tâm-hồn khoáng-đạt. Hình như cũng có một vầng
thái-dương chiếu sáng ở trong lòng mình. Minh lấy mũ đội rồi ra vườn. Nhữn hoa
huệ sắc trắng mát, hoa kim-liên sắc vàng đậm và hoa hồng quế sắc đỏ thắm như
đàn bướm lung-linh trước mặt chàng khiến chàng nhớ tới hồi còn nhỏ vẫn cùng
Liên đùa nghịch, cầm vợt đuổi bắt các loài côn-trùng có cánh. Chàng mỉm cười vì
dưới cây trúc đào mềm mại lá nhọn kia, trí tưởng tượng của chàng vừa hình dung
ra một cô gái bé nhỏ xinh xắn, trắng trẻo đứng vịn cành ngắt hoa.Minh mải mơ mộng đến nỗi ông lão làm vườn tới đứng bên cạnh chàng hồi nào mà vẫn
không lưu ý tới. Mãi đến lúc nghe tiếng lưỡi cuốc đụng phải viên đá, chàng mới
giật mình quay lại hỏi:− Kìa ông Hoạt! Sao ông không ở coi thửa vườn bên Ngọc-Hà?Ông lão dừng tay, trả lời:− Bên ấy tôi đã làm xong. Chỉ ngày kia là gieo hạt được rồi. Tôi bảo thằng cháu
nó coi giúp để sang đây rẫy nốt cỏ không thì vài hôm nữa nó mọc um lên mất.− Thôi được. Ông cứ sang bên ấy làm cho xong đi. Để cuốc đấy, tôi rẫy cỏ cho.Ông lão ngại ngùng, tỏ ý không bằng lòng:− Cậu học đi chứ. Hôm qua mợ ấy bảo với tôi đừng để cậu phải bận tâm đến các việc
trồng trọt vì cậu sắp thi.Nghe ông Hoạt nói, Minh sung sướng vì chàng thấy người vợ yêu nghĩ đến chàng một
cách chu đáo và âu-yếm. Chàng mỉm cười bảo ông lão:− Được, không sao. Ông cứ để đấy cho tôi. Hôm nay chủ-nhật được nghỉ học. Tôi
muốn làm việc hoạt-động tay chân một tí cho khỏe người.Ông Hoạt còn do dự thì Minh đã lại đỡ lấy cuốc nói:− Ông sang ngay bên Ngọc-Hà nhé. Vườn ở nhà cứ để mặc tôi.Ông lão lẳng lặng theo lời Minh tuy có dáng không vui. Còn Minh thì xắn quần,
vén tay áo cuốc xới cỏ, tỏ ra là một người thạo nghề và chăm chỉ từ thuở nhỏ sống
trong một gia-đình trồng hoa.Nhưng bấy lâu nay, chàng miệt mài cặm cụi với đèn sách, với bài vở để sửa soạn
thi cử nên sức cũng có phần kém đi. Vì thế mới làm việc được hơn một giờ đồng hồ,
Minh đã thấy tay chân rời rạc, thở hổn hển. Chàng đương chống cuốc đứng tựa gốc
cây hoàng-lan nghỉ mệt bỗng nghe có tiếng người cười ở cổng đi vào. Minh nhìn
ra thì là Văn, bạn học rất thân của chàng ở trên phố đến chơi. Văn vui vẻ hỏi:− Chị không có nhà ư?− Chào anh! Nhà tôi vẫn đi bán hoa như thường lệ kia mà.Câu hỏi của Văn khiến Minh ngẫm nghĩ không ít. Bao nhiêu ý tưởng như luồng điện
vụt chạy thoáng qua trong trí Minh. Suốt ba, bốn tháng nay, không mấy ngày là Văn
không đến chơi; và không lần nào là Văn không bắt đầu hỏi ngay tới tin tức
Liên. Minh vẫn biết một người đàn bà đẹp thì bao giờ cũng có nhiều kẻ lưu ý tới.
Bông hoa ở trong vườn, ai nỡ cấm khách qua đường ngắm ngía?Song đối với Minh thì Văn nào có phải là khách qua đường. Hai người là bạn học
từ nhỏ, thân thiết nhất trong lớp, coi nhau gần như anh em ruột thịt. Cái nhan
sắc của vợ Minh đã làm cho Văn ngưỡng mộ, điều đó Minh thừa hiểu. Nhưng chẳng lẻ
Văn lại đem lòng yêu trộm, thương thầm vợ một người bạn thân?
Thấy bạn có tính quân-tử và vợ có nết thẳng thắn, tự nhiên đối với Văn cũng như đối với những người khác, Minh không hề để những ý tưởng ngờ vực lọt vào trong ý nghĩ. Song chàng cho rằng nếu Văn mà thực lòng yêu Liên thì chàng chỉ thương hại cho bạn đã mắc vào vòng ái-tình tuyệt vọng. Vả lại, Minh vẫn biết rằng khi mình yêu một cách vô lý; khi mình yêu một kẻ mà mình không thể yêu được thì mình chỉ thờ trong lý tưởng, trong tâm hồn cái hình ảnh dịu dàng của người mình yêu mà thôi. Sự việc đó luôn luôn xảy ra trong trường tình, trong sự giao-thiệp, nhưng đã mấy khi trở nên điều thương luân bại lý. Cấm đoán người ta yêu một cách cao thượng thanh-khiết tuyệt đích là làm một việc trái với nhân đạo, là ghen tuông một cách vô ý thức.
Minh nghĩ thầm: “Vợ ta quẩy gánh hoa đi rong các phố thì thiếu gì người yêu trộm,
thương thầm như thế. Hơn nữa làm gì chẳng gặp bọn công-tử bột trêu ghẹo cợt nhả!
Phải, cái đó là thường. Vợ ta tính tình còn ngây thơ, thường vẫn thuật lại cho
ta nghe những câu bông đùa của kẻ qua đường nhưng có bao giờ ta tỏ ý ghen tuông
đâu? Ta tin ở vợ ta, ta tin ở người bạn gái thân yêu của ta ngay từ khi còn
bé”.
− Làm gì mà anh ngây người ra thế?Nghe câu hỏi của bạn, Minh giật mình, nói chữa:− Xin lỗi anh, tôi vì mệt quá...Văn cười:− Trời ơi! Mới mó tới cái cuốc mà đã than mệt! Đưa đây tôi giúp một tay cho!Dứt lời, Văn đỡ lấy cán cuốc. Nhưng chỉ được độ vài phút thì chàng ta đã vứt cuốc
xuống đất, đứng thở hồng hộc mỉm cười bảo bạn.− Ồ! Coi vậy chứ không phải vậy! Còn nặng nhọc hơn tập thể-thao nhiều anh ạ!Minh lắc đầu, đáp lại:− Tại anh sinh trưởng nơi giàu có...Văn vội gạt ngay:− Kìa, sao bỗng dưng bạn tôi lại giở khoa ‘triết-học ba xu’ làm gì vậy? Anh
tính giàu có mà làm gì? Người giàu có vị tất đã sung sướng! Như anh thì còn thiếu
một thứ gì? Có trí-thức, có bụng tốt, lại có người bạn trăm năm hết sức khả ái.Minh mỉm cười, vì chính chàng vẫn thường cho là thế. Song chàng vẫn vờ đáp lại:− Tôi cảm ơn anh đã khéo an ủi một người bạn nghèo. Nhưng giá như tôi giàu hơn
lên một chút nữa thì có lẽ cũng dễ chịu và đỡ vất vả hơn.Văn chép miệng bảo bạn:− Giá tôi đổi được địa-vị cho anh!Nghe câu nói có vẻ thành-thực của bạn, Minh vừa buồn cười vừa thương hại. Văn
thì như bị xúc động bởi cảnh vật trước mắt, nói luôn:− Còn gì sung sướng bằng có một nếp nhà tranh không rộng rãi nhưng mát mẻ;
trong nếp nhà tranh có một người vợ dịu dàng xinh đẹp đáng yêu, đáng kính. Trời
ơi! Thật là một cái tổ uyên ương đầy hoa mộng, đầy ánh sáng. Chiều chiều, vợ chồng
ra kề vai nhau ngồi chơi ngoài vườn ngắm cảnh, nhìn trăm hoa đua nở và nghe
chim muông ca hát trên cành. Trời ơi! Còn hạnh-phúc nào hơn hạnh-phúc của anh?Minh thong thả cất tiếng trả lời:− Bạn tôi trong óc chứa đầy những áng văn lãng-mạm nên trông thấy sự việc gì
cũng tốt đẹp. Nhưng mà cái vườn trăm hoa đua nở kia có khi đối với kẻ nghèo chỉ
có một nguồn lợi để sinh sống thôi, chứ vị tất đã là một cảnh nên thơ như bạn
tưởng! Nhưng mà thôi, mời bạn vào trong nhà chơi kẻo đứng mãi đây bạn đến cảm nắng
mất!Đôi bạn toan vào nhà thì ở cổng vườn Liên đứng sừng sững cất tiếng cười khanh
khách. Văn vui vẻ chào:− Ô kìa! Chị đã về!− Hai anh đang nói chuyện gì mà thơ mộng thế?Minh đưa mắt nhìn vợ, âu yếm trách:− Mình tệ quá nhé! Ai lại đứng núp để nghe trộm chuyện của người ta như thế!Liên cười xòa:− Thôi, xin lỗi.Văn cũng cười, hỏi:− Này, nhưng quà tôi đâu, chị?− Đây, quà đây.Liên lật cái vỉ lấy ở trong ra một miếng thịt bò tái mà nói rằng:− Mời anh ở chơi xơi cơm xoàng xĩnh với chúng tôi nhé.Minh sợ cơm không có gì ăn, nhìn vợ để thần hỏi ý kiến thì Văn đã mau mắn nhận
lời.− Xin vâng. Anh chị cho ăn, tôi đâu dám từ chối.Liên biết chồng có dáng băn khoăn về sự tiếp khách không được lịch-sự nên nói
luôn:− Nhưng thưa anh, xin nói trước để anh biết cho rằng nhà vợ chồng tôi nghèo,
cơm nước thật đạm bạc, chẳng có gì đâu. Xin anh đừng cười nhé.Văn làm mặt giận:− Chị cứ kiểu cách làm gì vậy? Chỗ anh chị với tôi khác nào anh em ruột thịt
trong nhà, thế nào mà chả xong!Minh ngẫm nghĩ một giây rồi khẽ bảo vợ.− Thế mình sang bên bác Tư trả lại mấy quả trứng.Văn vội gạt đi:− Thôi, đừng bày vẽ nữa!Minh nói:− Cũng là cách giúp đỡ cho bác Tư, vì bác ấy mù.Văn tỏ ý thương hại, buồn rầu nói:− Khốn nạn! Ở cái làng tốt đẹp đầy những màu hoa rực rỡ như thế kia mà chẳng
may bị mù thì đáng giận biết bao! Khổ sở biết bao!Liên cười, vừa nói vừa lim-dim cặp mi:− Không trông thấy, nhưng mũi còn ngửi thấy được mùi thơm. Ở đời có thứ hoa có
sắc thì cũng có thứ hoa có hương. Anh thử nhắm mắt lại xem đấy có phải nghe nức
mũi những mùi hoa hoàng-lan pha lẫn với mùi hoa mộc, hoa sói, hoa ngâu không?
Mà khi không dùng đến mắt, mũi ta không chừng lại thính hơn có khi! Đấy, anh ngẫm
mà xem, có phải các hương thơm càng thơm hơn không?− Trời ơi! Chị tôi giảng khoa triết-học!Minh thì hớn hở tươi cười bảo vợ:− Anh nghe mình nói mà muốn mù quá đi thôi!Liên cau mày, gắt:− Chỉ dại dột! Nhưng chết chửa, gần 12 giờ rồi! Em đi làm cơm thôi!Minh hỏi:− Sao hôm nay mình về sớm thế?− Hôm nay may mắn quá. Em bán xong hoa cúng cho các nhà thờ có điện thì gặp
ngay một chàng công tử mua hết cho cả mấy chậu cây cùng những bó hoa huệ.Văn có ý tức giận:− Lại phường công-tử bột!− Chà! Thưa anh, những hạng người ấy ngày nào mà tôi không gặp! Cứ thấy gái là
họ híp mắt lại rồi buông những lời cợt nhả. Nhưng thôi, xin phép anh tôi đi làm
cơm chứ đói lắm rồi đây!Dứt lời, Liên chạy vội xuống bếp. Minh nhìn theo, lắc đầu bảo bạn.− Anh coi, nhà tôi vẫn còn trẻ con lắm!Hai người vui cười, cùng nhau đi vào trong nhà. Nửa giờ sau, Liên bưng mâm lên.
Trong mâm có đĩa thịt bò tái; một đĩa trứng tráng; một bát rau muống xào và một
chén tương lỏng. Minh mỉm cười bảo bạn:− Đó, anh coi. Cơm thết khách nhà tôi đấy! Có sang không?Văn đỡ lời, chữa thẹn cho bạn:− Cơm ngon ở sự tinh-khiết chứ không phải ở số lượng thức ăn. Vả lại, đói với
vui là hai thứ gia-vị cần thiết phải có cho cả tiệc yến lẫn cơm rau.Liên cười:− Mời anh cầm đũa cho.Minh đưa mắt nhìn vợ khẽ hỏi:− Còn ông Hoạt?Liên khẽ đáp:− Để ông ấy ăn sau. Có anh Văn để ông ấy ngồi ăn không tiện.Hai vợ chồng tuy nói chuyện thầm với nhau nhưng Văn thoáng nghe cũng hiểu, liền
hỏi Văn:− À này! Còn ông Hoạt thì sao?− Ông ấy ăn sau.− Thôi, để ông ấy ăn cả đây cho tiện. Chỗ anh em nhà, cần gì phải khách sáo chứ!Rồi Văn đứng dậy gọi ông Hoạt. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng có vẻ rất thân mật.
Cơm nước xong, Liên trông ra hiên bảo với chồng.− Trời ơi! Thế mà gần một giờ rồi!Văn ngơ ngác nhìn quanh rồi rút đồng hồ trong túi ra nhìn, cười hỏi Liên:− Mới 12 rưỡi. Chị xem giờ ở đâu vậy?Minh cười rũ, trả lời:− Đồng hồ của chúng tôi to và cao lắm. Anh nhìn sao thấy được!Văn không hiểu, vẫn nhớn nhác nhìn vợ chồng bạn thì Liên lại nói luôn:− Đồng hồ của chúng tôi thì chả kẻ trộm kẻ cắp nào lấy được.Văn ngẫm nghĩ hỏi:− Nghĩa là gì thế?Minh liền trỏ lên mặt trời bảo bạn:− Kia kìa! Đồng hồ của chúng tôi kia kìa!Bấy giờ Văn mới vỡ lẽ ra. Cả ba người cùng cười. Văn lại hỏi:− Nhưng các ngài xem giờ ra sao?Minh đáp:− Trông mái gianh.− Vậy khi không có mặt trời?Minh cười:− Thì không xem giờ. Nhưng buổi sáng đã có súng 10 giờ.− Còn đêm...− Đêm nghe gà gáy. Hễ gà gáy nửa đêm thì đi ngủ.Văn kinh-ngạc, lo lắng và thuơng hại bạn:− Chết chửa! Thi gần đến nơi rồi mà không có đồng hồ thì học hành ra làm sao?
Anh tạm cầm cái đồng hồ của tôi vậy. Thi xong anh trả lại tôi cũng được.Minh từ chối:− Xưa nay không có đồng hồ thì đã sao?− Nhưng lần này thì anh cứ cầm cho tôi vui lòng. Ở nhà tôi đã có đồng hồ treo.
Vả lại tôi vẫn thường đến đây học với anh thì đàng nào cũng tiện cho tôi lắm.Văn vừa nói vừa ấn cái đồng hồ vào tay Minh. Nể bạn, Minh đỡ lấy đưa cho vợ bảo
treo lên chiếc đinh đóng ở cột. Chàng quay lại bảo Văn:− Bây giờ thì chúng ta đi học.Liên nói tiếp:− Còn em thì xin đi làm vườn.Hạnh-phúc êm đềm như đang làm rung động ba trái tim trẻ. Trong bầu không khí
yên lặng một buổi trưa mùa hè, tiếng gà gáy trong xóm xa xa...Chương 2HẠNH PHÚCỞ cổng vào trường Bảo-hộ, Liên đứng chờ tin-tức kỳ thi vấn
đáp của chồng. Nàng vẫn đoán chắc thế nào Minh cũng đậu nhưng lòng nàng vẫn
không tránh khỏi thấp-thỏm, băn-khoăn lo-lắng. Tâm trí luôn luôn bị những sự
nghi ngờ không đâu vây kín. Và không biết bao nhiêu lần, nàng tự nhắc thầm một
câu vỏ-vẹn hai tiếng nhưng vô cùng ghê sợ: “Biết đâu?”Phải, biết đâu! Ở đời luôn có những sự bất ngờ xảy ra. Đã có lúc Liên toan trở
về nhà. Rồi phân vân, nàng ở lại. Vừa do dự, vừa lúng túng, hết đứng núp cổng
nhìn vào trong sân trường lại ngồi lánh ra vệ cỏ bên đường chờ đợi. Nàng chỉ sợ
ngộ nhỡ chồng nhìn ra bắt gặp thì nàng sẽ bị chàng mắng. Vì ngay từ khi bắt đầu
vào thi Minh đã dặn nàng đừng đến cổng trường mong ngóng hỏi han tin-tức để làm
chàng sốt ruột.Đó cũng chẳng qua là một cái cớ mà thôi. Kỳ thực là vì Minh bẽn lẽn, nhút nhát
như đa số thiếu-niên hàng ngày. Họ không muốn bạn bè học chung biết họ đã có vợ
rồi. Chỉ vì tiêm nhiễm những tư-tưởng phóng đãng của thời-đại, đối với chủ
nghĩa gia-đình họ cố làm ra vẻ lãnh-đạm khinh xuất. Vì thế, tuy rất yêu quý vợ,
nhưng hễ gặp ngoài đường thì Minh lại không dám vồ vập, hỏi han bao giờ. Ở
ngoài đường còn thế, huống hồ là ở nơi công cộng, đông đủ các anh em bạn học.Liên thì hiểu theo một ý khác. Nàng cho rằng chồng nàng là thư-sinh, một bậc
trí-thức mà nàng lại là một kẻ hạ-tiện vai mang đầu đội. Nếu ở trước công chúng
nàng nhận là vợ Minh tức là làm giảm mất giá-trị của chàng đi. Ý nghĩ ấy đã có
trong đầu từ lâu chứ chẳng phải vì lời dặn cặn kẽ của Minh gợi ra trong tâm trí
nàng. Tuy vậy, nàng cũng không cho rằng như thế là bị chồng hất hủi vì nàng vẫn
tin ở tấm lòng yêu mến của Minh.Những ý tưởng ấy chỉ thoáng qua trong trí của Liên thôi vì bao nhiêu tinh-thần
nàng để cả vào sự chờ đợi kết quả kỳ thi của chồng. Bước chân sột soạt trên sỏi,
chỉ cần một tiếng dộng cũng đủ làm cho nàng giật mình hoảng hốt.Tiếng cười ha hả ở trong trường đưa ra làm cho nàng đứng phắt dậy như bị một động
cơ sai khiến. Hai người qua cổng trường đến bắt ay một người thứ ba đứng đợi ở
gần chỗ Liên rồi vui cười cùng nói:− Chúng tôi đỗ cả rồi.Liên mặt tái xanh, thấy lạnh cả người, cuống quít hỏi một câu ngớ ngẩn:− Thưa hai ông, thế nhà tôi có đỗ không?Tiếng trả lời là một tràng cười khanh khách. Một người trong đám hỏi nàng.− Chồng cô là ai? Ai biết được chồng cô là ai!Người đứng bên ý chừng đã kịp nhìn kỹ lại dung nhan đẹp đẽ của Liên mỉm cười vỗ
vào ngực đáp:− Đỗ rồi! Chồng cô đỗ rồi!Vì bối rối không kịp nghĩ ngợi, Liên tưởng thật.− Thế à! Nhà tôi đỗ rồi à?Trong lúc quá sung sướng, hai chàng chỉ biết đùa bỡn pha trò, nhưng chợt nghĩ
ra rằng chồng người kia là bạn học của mình thì bỗng đâm ra hối hận. Hai người
liền đổi thái-độ, ân cần trịnh trọng hỏi Liên:− Xin lỗi chị, chúng tôi cợt nhả như thế thật là bất nhã. Vậy anh ấy tên là gì
thế chị?Liên ngần ngại không dám nói sợ làm mất thể diện chồng. Nhưng lòng trông ngóng
vượt qua được tất cả các sự rụt rè.− Anh Minh, Nguyễn Minh.Liên lo lắng đợi câu trả lời, nhưng nào họ có trả lời ngay cho! Một người có vẻ
kinh-ngạc hỏi lại:− Anh Nguyễn Minh à?Liên cất giọng run run:− Vâng, tên anh ấy là Nguyễn Minh. Sao... thế... ông...?− Vậy chị là chị Nguyễn Minh phải không ạ?− Vâng, tôi không dám. Thưa ông...− Thôi, thế thì chị về mà chuẩn-bị ăn mừng đi. Anh Minh đỗ rồi, mà còn đỗ đầu nữa
là đàng khác!Liên thở dài như trút hết được bao nhiêu phiền muộn lo âu trong lòng. Nàng chắp
tay chào nói lời cảm tạ khách sáo rồi cắm đầu chạy.Trưa hôm ấy, sau khi lang-thang một hồi, tán gẫu với các bạn trúng tuyển, Minh
lững thững trở về nhà. Chàng định bụng trêu vợ, cố làm ra vẻ buồn rầu để nàng lầm
tưởng rằng chàng thi trượt. Song vừa tới cổng, chàng đã gặp Liên tươi cười hớn
hở đứng chờ. Minh thở dài không nói gì. Liên cũng đoán ra phần nào ý định của
chồng nên nàng cũng giả vờ hỏi:− Mình làm sao thế?Minh cố làm ra vẻ chán nản trả lời:− Chả sao cả, mình ạ.Liên pha trò:− Nhưng sao trông mặt mình cứ như đồ tể đánh chết trâu vậy!Minh không nhịn được nữa, mới phì cười:− Thế nào là mặt đồ tể đánh chết trâu?Chợt trông thấy bên hàng rào có cái lồng nhốt một con gà mái liền hỏi:− Mình mua gà để nuôi đấy à?Liên đáp gọn:− Không, để ăn.− Mình hoang phí thế kia?Liên bèn làm mặt giận:− Mình đã thấy em hoang phí bao giờ chưa? Chẳng lẽ hôm nay mình thi đỗ lại
không đáng ăn mừng một con gà ư?Minh vờ hoảng hốt hỏi:− Sao em biết anh đỗ? Anh đỗ thật à?− Rõ hỏi ngớ ngẩn chưa!− Ừ, nhưng mà sao mình lại dám đoán rằng anh đỡ kia chứ? Nếu như anh bảo rằng
anh thi trượt thì mình nghĩ sao?− Thì em không tin.− Sao em lại không tin?− Vì đã có thần nhân báo mộng cho em biết rồi. Thần nhân bảo không những anh thi
đậu, mà còn đậu thủ-khoa nữa kìa!Minh không nhịn nổi, phá lên cười:− Vâng, thì chịu thua ‘thần’ rồi! Nhưng này, hỏi thật nhé, làm sao em biết hay
vậy?Nghĩ tới lời dặn dò của chồng trước khi đi thi Liên chợt nơm nớp lo sợ, đứng im
không dám trả lời. Minh cười, nhắc lại câu hỏi:− Sao em biết tin? Anh hỏi sao không chịu nói gì cả?Liên nũng nịu:− Nhưng em sợ anh mắng.Minh cười, giọng âu yếm:− Cứ nói đi. Không lẽ anh là hạng người đi mắng vợ lo lắng cho anh à?Liên vẫn do dự, ngẫm nghĩ rồi vừa cười vừa chạy vào trong nhà nói thật mau:− Em đến trường xem bảng.Liên nói vậy cho xong chuyện để khỏi phải thuật lại lúc nàng bị mấy người bạn học
của chồng bỡn cợt ra sao trước khi cho biết sự thật. Minh nghe xong cả cười
nói:− Có thế thôi mà phải giấu với diếm!− Tại mình dặn em đừng đến đợi tin-tức nên...Liên bỏ dở câu nói vì chợt nhớ ra mình chưa làm cơm. Nàng đổi đề-tài nói với chồng:− Quên nữa! Ông Hoạt bận việc nhà nên xin nghỉ hôm nay thành ra chưa có ai thổi
cơm. Thôi, mình chịu khó ăn tạm bữa cơm xoàng sáng nay nhé, để đến chiều em làm
tiệc ăn mừng thết mình, chịu không?Minh sung sướng, cười nói:− Thì ra mình mua gà là để làm tiệc thết anh đấy hả?Hai vợ chồng cùng đi với nhau lại nhìn lồng gà. Liên cúi xuống bắt gà ra cầm
hai chân dốc ngược xuống trước mặt chồng như để phô trương một vật quý giá. Chị
gà mái hình như nghĩ đến cái chết gần kề nên kêu lên những tiếng hết sức bi ai,
giọng khàn khàn chẳng khác một người bệnh trong cơn hấp hối. Minh ngắm gà buộc
miệng khen:− Con gà đẹp quá mình nhỉ?Liên cười hài lòng:− Em mua có hai hào tám thôi đấy.− Ồ, rẻ nhỉ!− Mình cũng biết là rẻ à?Minh nhìn con vật vỗ cánh giẫy giụa thì đem lòng thương hại. Chàng lắc đầu,
chép miệng:− Tội nghiệp! Thế mà chiều nay phải chết rồi! Anh có ngờ đâu con vật đáng
thương này phải trả giá cho niềm vui sướng của chúng mình bằng chính mạng sống
của nó!Liên nhìn chồng ái ngại. Bằng một giọng thật tình, Minh nói:− Hay để nuôi hay hơn mình ạ!− Nhưng còn bữa tiệc mừng?− Cần gì phải mừng! Có em vui bên anh thì còn gì phải mừng hơn nữa chứ!Liên tỏ vẻ không bằng lòng:− Không! Bữa tiệc ấy em đã nghĩ đến từ lâu, thế nào cũng phải có mới được!Minh suy nghĩ một hồi rồi đề-nghị:− Hay là chúng ta đi cao-lâu ăn một bữa đi?Liên giẫy nẩy:− Trời ơi! Ăn cao lâu thì tốn tiền quá mình ạ!− Không tốn bao nhiêu đâu, nếu mình chọn hiệu nào nhỏ thôi.Liên nghe nói mừng rỡ:− Thế mình đi ăn ngay bây giờ có được không?− Có gì mà không được!− Nhưng ăn ở đâu đây mình?− Ở phố Hàng Buồm.− Ở mãi tận phố Hàng Buồm kia à? Thế thì mình phải đi ngay thôi!Minh ngắm vợ, giọng hơi ngại ngùng:
− Em nên thay bộ quần áo khác thì hơn. Bộ này dây đất dây cát trông lôi thôi lắm.Liên cúi xuống nhìn, quả thấy lấm láp và nhem nhuốc. Nàng hơi ngượng nói với chồng:− Chết chửa! Nếu mình không bảo thì em quên mất! Em vừa làm vườn xong dính toàn
bùn lầy của trời mưa hôm qua.
Liên vào nhà thay quần áo. Minh đứng bên hàng giậu ngắm vườn. Những luống đất
vàng mới xới trông rất gọn gàng vuông vắn lấm tấm chen chúc những cây cúc xanh
non mới gieo. Trong lòng Minh tràn ngập niềm vui. Chàng thấy mọi vật đều trong
sáng, hoa cỏ đẹp đẽ tươi tốt, thơm ngào ngạt hơn nọi ngày. Ngẫu nhiên, Minh nhớ
tới lời nói của Liên mấy tháng trước đây: “Sự sung sướng ở tự trong đáy lòng ta
chứ không phải từ ngoài vào”.
Lúc đó, chàng cho là một lời nói ngây thơ khả ái. Nhưng giờ đây, chàng nhận thấy
vợ mình thật sâu sắc, không thua gì một triết-gia lỗi-lạc. Quan-niệm của nàng rất
bình thường không cầu kỳ, nhưng không phải ai cũng nhận-thức và giác-ngộ được.− Mình ngắm gì thế?Minh quay lại. Liên mặc áo nâu non, quần lĩnh thâm. Thấy chồng nhìn thì ra chiều
bẽn lẽn cúi xuống lấy tay vuốt nhẹ tà áo. Minh hỏi:− Sao mình không đi đôi dép anh mua cho độ nọ?Liên lẳng lặng ngoan ngoãn vào buồng lấy đôi dép quai da bóng láng rồi đi rửa
chân. Lát sau nàng trở ra ‘trình-diện’ chồng cười nói, giọng nửa đùa nửa thật:− Thôi nhé, đừng làm tội em thêm nữa nghe mình!Minh vội vàng cắt nghĩa cho vợ hiểu:− Nào anh có muốn làm phiền em đâu. Chẳng qua là mình ra ngoài thì cũng nên ăn
mặc cho chỉnh tề một chút.Liên buột miệng hỏi:− Thế mọi hôm em đi bán hoa thì sao?− Mọi hôm khác!Trả lời xong Minh mới thấy mình thật quá vội vàng, nói năng một cách thiếu suy
nghĩ. Chàng đứng thộn thừ ra, tự nói với mình:− Ừ nhỉ! Sao mọi hôm lại khác với hôm nay? Hay là vì mình sợ đi cạnh một người
ăn mặc đơn sơ giản-dị khiến cho thiên-hạ cười chăng? Hoặc là bởi vì mình vừa
thi đậu sắp sửa nên ông này ông nọ nên thành ra đã bắt đầu ‘phú quý sinh lễ
nghĩa’ rồi!− Mình nghĩ điều gì vậy?Câu hỏi bất ngờ của Liên làm Minh trở nên lúng túng.− Không, anh có nghĩ gì đâu.− Hay là mình sợ ngượng?Minh vờ như không hiểu, hỏi lại:− Em bảo vì sao anh lại ngượng? Mà ngượng cái gì?− Vì anh đi với em ngoài đường. Điều ấy em đã nghĩ tới rồi anh ạ. Anh cứ đi trước
cách em một quãng, để em theo sau là được.Minh nhìn vợ mủi lòng, ứa nước mắt:− Em thật quá lẩn thẩn rồi! Anh mong muốn từ nay trở đi em đừng bao giờ nghĩ
như thế nữa nghe chưa! Thôi, mình đi!Dọc đường, hai vợ chồng được nghe không biết bao nhiêu lời chúc tụng của dân
làng. Liên sung sướng, vô cùng hãnh-diện bên cạnh chồng. Đi nửa giờ đồng hồ hai
vợ chồng mới đến được vườn Bách-Thảo vì cứ vài bước lại gặp người quen giữ lại
hỏi chuyện. Nào là chuyện thi cử, nào là chuyện xin việc làm... Lại có người
đùa, đòi Minh làm một chầu khao bạn bè.Rốt cuộc, phải một giờ sau hai người mới tới được một tiệm cao lâu nhỏ của người
Tàu ở phố Hàng Buồm. Minh đưa Liên vào cái buồng nhỏ duy nhất dành cho thượng-khách
của nhà hàng.− Anh chỉ biết có mỗi một hiệu này thôi vì có một lần anh Văn rủ anh đến đây
ăn.Liên nghe nói lộ vẻ luyến tiếc, giọng thật thà:− À quên nhỉ! Giá mà mình mời anh Văn đi chung thì vui quá.Minh cười:− Nhà anh Văn giàu có sang trọng thì thế nào mà chả có tiệc linh-đình cho anh ấy.− Anh Văn cũng đỗ chứ?− Dĩ-nhiên. Anh ấy học giỏi kém gì anh!− Thích nhỉ!Câu khen ngợi của Liên vô tình làm cho Minh khó chịu vì thấy vợ quá lưu ý đến bạn.
Tuy chàng không ghen, nhưng không khỏi nghĩ ngợi bâng quơ.− Mình sao vậy?Minh mỉm cười gượng gạo.− Không, anh có sao đâu!Vừa lúc ấy, người chạy bàn, một người đàn ông đứng tuổi đến hỏi:− Thưa, ông bà dùng gì?Cả Minh và Liên nhìn nhau chẳng biết ăn món gì, mà cũng chẳng biết có những món
gì để gọi. Người chạy bàn cười, nói với hai người.− Hai ông bà cứ từ từ suy nghĩ đi. Một phút nữa tôi sẽ trở lại.Đoạn ông ta chạy sang bàn khác phục-vụ cho hai vợ chồng được tự-nhiên, có chút
thì giờ để quyết-định. Liên hỏi Minh:− Mình ăn gì đây anh?Minh cau mày ngồi nặn óc.− Anh chỉ biết có mỗi một món mì bò, hào hai một bát.− Thế thì chỉ mới có 24 xu thôi. Anh muốn ăn thêm gì cứ ăn, nhưng không được
quá một đồng đấy nhé!Minh cười:− Thế nhỡ anh muốn ăn bóng?Liên tưởng chồng nói thật, ngớ ngẩn hỏi:− Thứ đó thì mất bao nhiêu tiền?− Cũng chẳng bao nhiêu, chỉ độ hai đồng thôi.Liên nhớn nhác nhìn Minh khiến chàng phải phì cười. Khi ấy, người chạy bàn đã
trở lại. Ông ta hỏi:− Ông bà đã nghĩ ra chưa? Định gọi gì đây?Minh lại nhìn Liên. Nàng đành cố bạo dạn hỏi:− Có những món gì, bác?Người chạy bàn chống hai tay ngửa mặt nhìn lên trần nói:− Cánh gà rán này... Cá sông cả con này... Các loại cháo dùng buổi sáng này...Liên bỗng ngắt lời:− Cánh gà rán thì bao nhiêu? Bán ra làm sao?− Bảy hào nửa đĩa.Liên nhìn chồng rồi lại đánh liều, hỏi tiếp:− Bác ạ, chúng tôi chỉ muốn dùng đại-khái những món nào rẻ tiền thôi.Người chạy bàn vui vẻ đáp:− Vậy thì có thịt bò xào cải làn, thịt bò áp chảo, mỗi thứ chỉ có hai hào thôi.Liên mừng quýnh vì nàng không ngờ ở cao lâu lại có những món ăn rẻ tiền như vậy.
Nàng luống cuống, gật lia gật lịa.− Vâng, thế thì tốt lắm.Người chạy bàn lại hỏi:− Có lấy cơm không?− Có chứ!− Vậy thì ông bà nên lấy hai hào cơm và một hào canh đi. Vừa rẻ mà ăn cũng ngon
và no.Dĩ-nhiên là Minh và Liên đồng ý. Liên cẩn thận ‘đi chợ’:− Như thế vị chi tất cả là bảy hào phải không bác?Người chạy bàn gật đầu. Ông ta lại hỏi:− Có uống rượu không?Minh xua tay đáp:− Thôi, khỏi cần. Cám ơn bác.Liên xoay sang nói với chồng:− Còn những ba hào nữa kia mà! Sao mình không uống tí rượu cho vui?Minh nhìn vợ cười đáp:− Anh không biết uống rượu.− Nhưng hôm nay là ngày vui đáng mừng. Em muốn mình uống một tí. Có rượu mới ra
tiệc chứ phải không mình!Hai người bàn luận một hồi. Sau cùng Minh đành chiều ý vợ, đồng ý gọi thêm một
hào rượu. Miễn rượu là được rồi, không cần biết phải là loại nào.Bữa cơm tuy bình dân nhưng đôi vợ chồng xem như một bữa tiệc linh đình vậy. Hơn
nữa cả hai người đều đói nên càng ăn càng thấy ngon miệng. Lại thêm chút hơi
men chuếnh choáng vào nên mặt cả hai nóng bừng lên, nhưng trong lòng họ vui vẻ
không biết nói sao cho hết lời.Bữa ‘tiệc’ kéo dài hơn một tiếng. Khi trả tiền xong, Minh lấy 5 xu lẻ tặng cho
người chạy bàn. Liên ngạc-nhiên hỏi:− Ủa, có lệ phải đãi người chạy bàn nữa sao?Minh lắc đầu, mỉm cười:− Không. Nhưng vì anh thấy bác ta tử tế, tận tình chỉ cách cho mình gọi các món
ăn vừa rẻ, vừa ngon, lại vừa no. Hơn nữa, hôm anh đi ăn với anh Văn thấy anh ấy
vẫn cho vậy.Trên đường trở về nhà thì ‘hai anh chị’ quên cả giữ gìn ý tứ. Liên đi sát bên
chồng hỏi chuyện luyên-thuyên, hết nói lại cười. Chính ở niềm vui đã làm cho
con người quên hết những muộn phiền, những điều e lệ thẹn thùng.Chương 3SAU NGÀY VUIĐêm đã khuya. Bên ngọn đèn hoa-kỳ lờ mờ lung lay, Liên ngồi
chờ Minh. Chốc chốc nàng lại cầm cái đồng hồ bỏ túi của Văn cho mượn để lại gần
ánh đèn xem giờ. Nàng lo lắng sốt ruột vì đây là lần đầu tiên chồng nàng đi
chơi khuya như thế. Đã gần 12 giờ rồi mà vẫn chưa thấy về.Tiếng gà gáy nửa đêm vang trong xóm càng làm cho tư tưởng của Liên thêm rối loạn.
Nàng lẩm bẩm: “Quái! Hay là xảy ra chuyện gì chăng? Chứ ăn bữa tiệc thì làm gì
mà lại kéo dài đến năm, sáu tiếng đồng hồ bao giờ”!Rồi nàng sinh lòng nghi hoặc: “Tuổi thanh-niên là tuổi chơi bời. Họ dễ ham mê tửu
sắc lắm. Mình quê mùa dốt nát thế này thì giữ sao được họ! Đến đi với mình
ngoài đường họ còn thấy ngượng nữa là”!Liên bỗng đem lòng oán trách Văn đã ‘rủ rê’ chồng nàng. Biết đâu Văn lại không
thác ra câu chuyện đặt tiệc mừng để lôi Minh đi hát xướng. Chỉ nghĩ đến hai tiếng
‘cô đầu’ là Liên đã rùng mình ghê sợ rồi! Nàng thường nghe nói không biết bao
nhiêu gia-đình đã tan nát chỉ vì cô đầu, và biết bao nhiêu người sinh ra nghiện
ngập bê tha chỉ vì cô đầu.Liên chưa trông thấy nhà cô đầu bao giờ, song nàng tưởng tượng ra một cảnh lộng
lẫy nguy nga đầy vàng bạc gấm vóc với những trang thiếu-nữ diễm-lệ lẳng lơ, do
trời sinh ra với mục-đích cướp đoạt trái tim của những người thật thà hiền hậu
như chồng nàng.Đưa mắt nhìn qua mấy gian nhà trống trải trơ trọi một cái giường tre buông màn
nâu cũ và cái bàn mục nát, Liên càng tin tưởng sự phỏng-đoán của nàng là đúng.
Đan ở một nơi tồi tàn chật hẹp như thế này với một người vợ quê mùa cục mịch bỗng
nhiên được làm quen với những bậc ‘tiên-nga’ ở chốn lầu son gác tía thì thử hỏi
có mấy ai không mê muội, không trở nên bội bạc với gia-đình vợ con.Trong các xóm gần xa, gà vẫn thi nhau gáy. Mọi khi tới giờ này thì bao giờ Liên
cũng thúc giục chồng đi ngủ để hôm sau thức dậy sớm cho kịp giờ học. Từng giờ
phút trôi qua, vạn vật vẫn chìm đắm trong bầu không khí yên lặng. Bỗng nhiên một
con cú từ đâu bay đến đậu trên nóc nhà, hú lên từng tràng. Tiếng cú kêu làm người
nghe tưởng như là một nhạc điệu huyền-bí của lũ yêu tinh đang nhảy múa. Liên
rùng mình ghê sợ, tưởng tượng đến ma quỷ, những oan hồn từ đâu hiện về.Quá kinh hãi, nàng mở cửa chạy ra sân nhặt một viên đá ném liều lên cây
hoàng-lan rồi vỗ tay xua đuổi. Có tiếng sột soạt trong đám lá rậm, kế đến tiếp
đập cánh nặng nề. Liên thở dài, thấy đỡ băn khoăn. Luồng gió mát ban đêm hình
như đã dập tắt ngọn lửa lòng đang cháy trong nàng. Đang định bước vào nhà thì bỗng
đâu một vệt sáng chiếu lên cây hoàng-lan và tiếng gót gày nghe cồm cộp ở ngoài
cổng. Rồi có tiếng người gọi cầnb kíp.− Chị Minh! Chị Minh!Liên nhận rõ ra tiếng Văn nên vội vàng ra mở cổng. Một cảnh tượng bi đát khiến
nàng giật mình lùi lại rú lên:− Trời ơi!Văn cùng một người nữa đang xốc hai cánh tay khiêng một người thứ ba mà Liên chắc
chắn là chồng nàng.− Chị cầm lấy cái đèn bấm này chiếu đường hộ để chúng tôi khiêng anh ấy vào giường.Liên run lên cầm cập, cầm lấy cái đèn bấm soi vào chỗ ba người. Minh, chồng
nàng gục đầu xuống ngực, rã rượi như người sắp chết. Liên hoảng hốt, mếu máo hỏi:− Sao thế các anh? Nhà tôi làm sao thế?− Hãy đưa anh ấy vào trong đã.Khi đặt Minh lên giường đâu vào đấy, Văn mới từ từ kể cho Liên tất cả những diễn
biến vừa xảy ra.− Xin chị tha lỗi cho. Chỉ tại tôi ép anh uống quá chén! Khi ăn cơm anh ấy chỉ
uống có một cốc rượu vang. Tôi nghĩ cũng chẳng thấm gì nên cơm xong lại cố mời
thêm một cốc Sâm-Banh nữa.Liên gãi đầu bứt tóc:− Khốn nạn! Tôi đã nói với các anh rằng nhà tôi không biết uống rượu mà!Văn thu hết can đảm, cố phân trần:− Thì tưởng uống vài cốc có ăn nhằm gì đâu! Mấy khi được gặp anh em hội họp
đông đủ như vậy nên ai cũng vui, quá chén một chút. Lúc tan tiệc tôi thấy mặt
anh Minh đỏ gay nên định giữ anh ở lại ngủ đợi đến mai sớm hẵng về. Nhưng anh ấy
không chịu nghe, nói rằng sợ chị ở nhà mong đợi vì lúc ban trưa có hẹn với chị
là về nhà.Liên cảm động, nước mắt tuôn ướt hai má.− Khốn nạn!Văn thở dài nói tiếp:− Nói thế nào anh Minh cũng không nghe nên chúng tôi phải gọi xe cho anh ấy về.
Rồi bỗng đâu nghe ‘sầm’ một tiếng ngoài vệ đường chúng tôi vội chạy ra thì thấy
anh nằm sóng sượt, mặt đập vào cái càng xe. Chúng tôi xúm nhau nâng anh dậy, thấy
hai mi mắt anh sưng húp lên nên lập tức lấy nước nóng thấm vào khăn đắp lên chỗ
đau trên mắt và đưa anh về đây vì anh nhất định bắt chúng tôi phải đưa về.Liên nghe chuyện sợ hãi đến run cả người, thở không ra hơi:− Rõ khổ! Thảo nào mà ban nãy có con cú cứ hú lên mãi. Thì ra nó báo tin buồn
cho tôi mà tôi nào có biết!Minh đã hơi tỉnh, nghe thấy vợ nói phải phì cười lên mà nói với hai người bạn:− Các anh xem, nhà tôi mê tín dị đoan đến thế là cùng!Văn cũng cười, bảo bạn:− Thôi ngủ đi! Thế nào? Cón thấy nhức mắt nữa không?− Vẫn còn đau và nóng ran!− Được, để tôi chữa cho! Bảo đảm sẽ khỏi ngay tức thì.Văn bảo Liên lấy ấm để đun nước, nhưng nhà không có ấm mà chỉ có cái siêu đất
dùng nấu nước vối mà thôi. Hai người cặm cụi xuống bếp nhóm lửa. Còn người bạn
kia thì cáo từ xin về trước.Thấy đêm hôm khuya khoắt, Văn muốn tránh mọi sự hiềm nghị, nói với Liên rằng:− Chị cứ lên nhà với anh Minh đi. Để một mình tôi ở đây cũng được rồi.Liên cười đáp:− Anh biết chất bếp ra sao chứ?− Được, chị cứ để mặc tôi.− Nhưng còn củi đóm anh đâu biết tôi chất chỡ nào đâu!Dứt lời, Liên cầm đèn bấm của Văn soi vào một góc bếp nói:− Đây, củi đây.− Hay lắm! Thôi, bây giờ mời chị lên nhà trông nom cho anh.Liên theo lời, lên nhà ngồi bên giường cạnh chồng. Minh khẽ hỏi:− Sao mình không đun nước lại làm phiền anh Văn như thế?Liên ghé sát lại gần đáp:− Anh Văn bảo em lên đây với mình. Thế nào? Mình có đỡ đau không?− Cũng hơi đỡ. Nhưng vẫn còn nhức lắm.Liên lo lắng hỏi:− Không biết có việc gì không, mình nhỉ?Minh yên lặng không trả lời. Hình như chính chàng cũng nghĩ đến sự trầm trọng của
bệnh tình. Không thấy Minh đáp, Liên càng không yên tâm nhưng cũng cố gượng vui
an ủi chồng:− Chả can gì, mình ạ. Lát nữa đắp nước nóng vào sẽ bớt ngay. Mai em đi mời ông
lang xem cho. Chắc chỉ cần uống vài chén thuốc là khỏi.Lúc đó Văn từ dưói bếp đi lên, hỏi mượn cái đèn hoa-kỳ để nhóm bếp. Thì ra
trong lúc luống cuống, Liên chưa thắp cây đèn lớn. Khi ánh sáng cây đèn búp
măng chiếu dõi khắp ba gian nhà, Liên lại hỏi chồng:− Mình có chói mắt không?Minh thều thào trả lời:− Không mình ạ! Anh có trông thấy gì đâu!Liên kinh hoàng la lên:− Tròi ơi!... Chết chửa!... Thế kia à?Nàng chạy vội xuống bếp mếu máo nói với văn:− Anh Văn ơi! Nguy mất! Bệnh nhà tôi nặng lắm!Văn đang nhóm bếp, nghe vậy liền trấn an:− Chị cứ yên tâm, chẳng sao đâu.− Nhưng mà nhà tôi không trông thấy gì hết anh ạ.Văn cười:− Chị rõ lẩn thẩn! Anh ấy vừa say rượu, vừa bị thương ở mi mắt, lại thêm hơi
men bốc lên thì còn trông thấy được gì nữa! Tôi đã xem kỹ rồi, vết thương không
chạm đến con ngươi.Liên nghe nói vui mừng thấp thỏm:− Thật thế hả anh?− Lại chả thật với không thật! Chị lên nhà đi, cho anh đỡ sốt ruột.Liên đứng thừ người ra, thở dài nói:− Khốn nạn! Rượu vào làm chi để khổ anh thế này!Văn vội xua tay:− Cái đó là lỗi tại tôi, vì tôi cứ ép anh ấy uống. Nếu có xảy ra việc gì thì
tôi còn ân hận, khổ sở bằng trăm chị kia!Nghe Văn nói thế Liên bỗng lại lo sợ trở lại:− Nhưng liệu có việc gì không anh?− Không có gì đâu! Chị cứ lên nhà đi, và cứ tin lời tôi nói.Mấy lời trấn tĩnh của Văn vẫn không làm yên lòng đuợc Liên. Thấy hai mắt chồng
đỏ rực và sưng húp bằng hai ngón chân cái, nàng khinh hoảng ra ghế ngồi bưng mặt
khóc rưng rức. Nghe tiếng nức nở, Minh bèn hỏi vợ:− Sao mình lại khóc như thế? Làm phiền lòng anh lắm đấy nhé!Liên lau nước mắt, không trả lời, ngồi suy ngẫm. Bỗng nàng lại khóc, rên rỉ nói
với chồng:− Hay là vì cái điềm gở hôm nọ chăng?Minh cố làm bộ vui vẻ, cười bảo vợ:− Mình chỉ tin nhảm, hết điềm nọ đến điềm kia!Liên như không để ý tới lời nói của chàng. Nàng nói tiếp:− Hôm nọ mình còn nhớ không? Anh Văn phàn nàn ở làng đầy hoa này mà mù thì thật
đáng tiếc. Thế mà không biết sao em lại ngu si đần độn, khốn nạn đến độ phát
ngôn bừa bãi rằng mù cũng không khổ mà vẫn có thể sung sướng được, vì tuy không
trông thấy sắc đẹp của hoa nhưng vẫn ngửi thấy hương thơm.Minh lại cười:− Vì thế nên hôm nay anh bị mù phải không em?Liên hờn giận, trách chồng:− Ô hay! Mình cứ nói gở mãi thế!Minh cảm thấy vui vui, chàng quyết định trêu vợ thêm:− Nói gở nhưng biết đâu thành sự thật đó!− Không thể thành được! Mình đừng nói thế nữa! Em nghe sợ hãi lắm!Cả hai chợt im lặng. Mỗi người có một ý nghĩ riêng tư. Liên vì lúc đó tâm trí
nhiễm đầy những sự buồn rầu và đau đớn nên lại nhớ đến cái chết của mẹ nàng.
Dán mắt vào giường, nàng tưởng tượng như trông thấy cái xác gầy còm của bà cụ.
Nàng vội đưa hai bàn tay lên che mặt như cố xua đuổi cái cảnh rùng mình sởn gáy
ấy đi. Còn Minh thì nghĩ đến tương-lai của chàng. Mới buổi trưa hôm nay còn đẹp
đẽ, êm đềm phẳng lặng. Chàng mơ tưởng sẽ cùng vợ sống một cuộc đời bình dị hiền
hòa, không bon chen đua đòi nhưng cũng không đến nỗi phải thiếu thốn mà bị lệ-thuộc
vào vật-chất. Tương-lai ấy sẽ thành một ảo mộng chăng? “Không thể nào như vậy
được!”, chàng thầm nhủ.− Mình ơi!− Gì đấy mình?− Anh đã đỡ đau, anh trông thấy mình rồi!Liên vui mừng:− Thế à? Vậy mình không...Biết Liên định nói gì, Minh lập tức ngắt lời:− Không! Anh không mù đâu! Em đừng sợ!Thực ra Minh cố giương mắt nhìn chung quanh. Sự cố gắng ấy làm cho chàng đau đớn
vô cùng. Để trắc-nhiệm lời nói của Minh, Liên hỏi:− Thế bây giờ em đang làm gì?Minh dùng hết sức bình-sinh mở mắt, nghiêng đầu chăm chú nhìn vợ.− Thì mình đang ngồi ghế, lấy vạt áo lau nước mắt chứ làm gì nữa.Liên reo lên, hớn hở chạy xuống bếp khoe với Văn:− Anh Văn ơi! Nhà tôi trông thấy được rồi! Nhà tôi trông thấy được rồi! Vậy là
anh ấy không bị mù đâu!
Văn quay lại, nhíu mày đáp:− Ai bảo chị rằng anh ấy mù? Chỉ nói dại dột thôi! Nội ngày mai là anh ấy bình
phục lại như thường.− Thật không anh? Anh đừng nói dối cho tôi vui nhé! Kìa! Nước đã sôi rồi kìa!
Văn loay hoay, luống cuống chẳng biết làm thế nào mà đem được siêu nước trên bếp
xuống. Chàng chỉ quen dùng ấm đồng có quai mà thôi. Liên cười:
− Được rồi, anh để đấy cho tôi.
Nàng lấy rơm lót đôi tay ấm bắc ra đặt trên rế rồi đem lên nhà. Suốt đêm, cả
Văn lẫn Liên vì bận săn sóc Minh nên không ai chớp mắt được. Mãi đến lúc gà
trong xóm bắt đầu thi nhau gáy, hai người mới biết trời sắp rạng đông. Còn Minh
thì mệt quá nên thiếp đi lúc nào không hay. Liên định gọi nhưng Văn giơ tay ra
hiệu ngăn cản để cho Minh được yên giấc...
Nửa tiếng sau, ánh sáng mặt trời đã chiếu qua khe cửa. Văn thong thả đứng dậy
thật khẽ, cáo từ vợ bạn ra về. Chàng không quên hẹn sẽ trở lại trong chốc lát với
ít thang thuốc cho Minh. Liên đưa Văn ra đến cổng nói vài câu cảm tạ, nhưng
cũng không quên hỏi lại với thái-độ lo lắng:
− Anh nghĩ liệu nhà tôi có việc gì không?
− Không việc gì cả. Chị cứ tin ở tôi.
Luôn hai hôm, Minh không ra ngoài vì hai mí mắt chàng tuy bớt sưng nhưng hễ tia
ánh mặt trời lọt vào đồng-tử thì lại làm cho nước mắt chàng ràn rụa chảy ra, và
đau nhức, buốt lên tận óc. Minh có cảm-giác như bị những ngọn thương hay những
mũi tên bịt sắt xiên đâm vào mắt xuyên qua tận gáy. Bởi vậy, dù vẫn khỏe mạnh
mà thành ra vẫn phải nằm liệt giường! Đã thế, cửa phòng còn phải đóng kín mít
như một người mắc bệnh trầm trọng vậy! Liên phải tạm thời nghỉ việc đi bán hoa.
Lúc nào nàng cũng chầu chực bên chồng để trông nom săn sóc. Ông lang Ba mà nàng
mời đến chữa cho Minh cam đoan với nàng rằng chỉ năm hôm là bệnh Minh khỏi hẳn,
song những lời ủy-lạo trấn tĩnh của người thầy thuốc cũng chẳng thể làm giảm bớt
được lòng bối rối và nỗi lo sợ của Liên.
Còn Văn thì không những chàng chẳng tin gì lời thầy lang mà còn lấy làm ái ngại
khi thấy ông ta đắp lên mắt bạn mình những miếng tiết lá dòng dành vò ra để
đông lại. Chàng chỉ chờ cho thầy bước ra ngoài ngưỡng cửa là ném những miếng
thuốc ‘mách qué’ ấy xuống gầm giường rồi lấy thuốc tây và bông goòng ra rửa cho
thật sạch. Chỉ vì chuyện ‘thuốc tây’ với ‘thuốc ta’ mà Liên và Văn bao lần giận
nhau. Văn tức tối gắt gỏng vì cho rằng Liên chẳng hiểu gì đến phương-pháp vệ-sinh,
để cho thầy thuốc đắp những thứ lá ‘quỷ quái’ lên mắt Minh. Khi chàng giảng
nghĩa về vi-trùng cho Liên nghe thì nàng chỉ cười vì nàng không tin là trong những
chiếc lá dòng dành mà lại có vi-trùng được. Và nàng cũng không tin là lẽ nào những
con vi-trùng lại nhỏ đến độ cặp mắt tinh tường của nàng không trông thấy được.
Vả lại, nàng nghe ông lang ba gièm pha thuốc Tây khiến nàng ghê sợ. Mỗi lần đến
thăm bệnh-nhân, ông ta dặn nàng cặn kẽ là chớ dùng thuốc tây vì lý-do thuốc tây
‘nóng lắm’, chỉ hợp cho cho người tây có máu hàn và ở xứ lạnh chứ không thể
dùng để chữa cho người An-Nam có máu nhiệt và ở xứ nóng được. Liên tuy không hiểu
thế nào là hàn với nhiệt, song vẫn phục, cho rằng lời thầy nói là đúng lắm.
Sang ngày thứ ba thì bệnh bắt đầu thuyên giảm, rồi hai hôm sau hình như Minh đã
khỏi hẳn dù rằng trông ra ánh-sáng vẫn còn thấy hơi chói. Văn và Liên vui mừng
khôn xiết kể. Nhưng vui mừng nhất phải là ông lang Ba. Ông đạt cao cái mục kỉnh
gọng đồng lên tận trán, đưa tay vuốt bộ râu bạc lưa thưa cất giọng tự-đắc bảo
Liên:
− Đấy, chị xem! Tôi nói năm hôm là khỏi là y như rằng năm hôm khỏi. Nếu không
nghe lời tôi mà đi dùng thuốc tây thì mù rồi còn đâu!
Văn nghe thầy lang nói chỉ mỉm cười vì chàng tin rằng Minh khỏi không phải là
nhờ ở thuốc của thầy lang. Và sáng hôm nay, Minh giục vợ hãy tiếp tục công việc
sinh nhai gánh hoa đi bán. Ngồi một mình trong phòng, chàng lấy làm bứt rứt khó
chịu. Chàng cố gượng, lấy sách ra đọc. Nhưng chỉ được vài giòng, chàng đã thấy
hoa cả mắt, cảm tưởng như những hàng chữ đen nhảy múa lộn xộn trên trang giấy
trắng.
Gấp sách lại, Minh lấy kính râm ra đeo. Đây là cái kính Văn mua biếu chàng hôm
trước. Chàng thong thả ra vườn dạo chơi cho khuây khoả. Dưới cặp kính râm màu
tro, mọi vật như nhuộm màu sắc xám, như bị bao trùm bởi một làn sương mù ảm đạm.
Những hoa leo đỏ tươi trông tựa như mớ hoa giả khô héo làm bằng giấy màu tím.
Màu trắng mát của hoa huệ rung rinh trên cuống cao và mềm bỗng trở nên hung
hung, cứng ngắt, ủ rũ dưới ánh nắng vàng úa của mặt trời buổi sáng sớm. Sắc thắm
của hoa hồng quế trông chẳng khác gì rặng hoa đen mọc lè sè trên mặt đất màu
chì xám. Rồi Minh thấy nhà cửa, vườn cây, cho đến trời đất đều quay tít thật
mau. Chàng kêu rú lên một tiếng, loạng choạng suýt ngã nếu không nhờ vớ trúng
được thân cây hoàng-lan. Minh ôm ghì lấy thân cây, cúi xuống thở hồng hộc, rời
rạc cả tay chân.
Ông Hoạt hoảng hốt, vứt cuốc chạy lại đỡ chàng rồi nhặt kính rơi dưới đất đeo
vào mắt cho chàng, rồi đưa chàng vào giường nằm nghỉ. Nhìn lên đình màn, Minh
chợt thấy hiện ra một cái vòng đen, càng lúc càng lớn dần. Rồi một cái vòng từ
từ biến thành hai...
Quá sợ hãi, Minh ngồi nhỏm dậy đưa tay lên dụi mắt vì chàng tưởng như có dử bám
chằng lấy con ngươi khiến chàng không trông được rõ. Nhưng mắt chàng vẫn ráo hoảnh
mà cái khoảng đen tròn ở trước mắt vẫn sừng sững như đến ám ảnh chàng... Lúc
thì rộng loang ra; lúc thu nhỏ lại; lúc quay tít; lúc im phăng phắc. Minh cuống
lên, nhắm nghiền mắt lại cố tìm cách thoát khỏi cái vòng hắc ám đang bao phủ
quanh chàng, như muốn nhốt chàng vào ngục tối.
Lạ thay, cái vòng đen chợt như biến đi đâu mất khiến mắt Minh như dịu lại, và
chàng cảm thấy dễ chịu hơn. Nghĩ đến vợ và bạn đã tận tâm tận lực chăm sóc mình
mấy hôm liên tiếp, Minh mơ mơ màng màng, tưởng như cả hai người thân yêu đó
đang đứng gần ngắm chàng mỉm cười.
Minh mở choàng hai mắt ra thì hìng ảnh hai người lại biến thành hai cái khoảng
tròn đen sừng sững nguyên chỗ cũ. Chàng kinh hãi vô cùng, chẳng khác nào như
người bị ma ám. Nhìn kỹ, Minh thấy như có một cặp mắt đỏ ngầu và một cái mồm thật
rộng hiện ra trong cái vòng đen ấy. Chàng lại kêu rú lên, vội vàng nhắm mắt lại.
− Mình ơi! Em đã về.
Nghe tiếng vợ, Minh thấy an toàn, đỡ sợ, đỡ khổ. Chàng thong thả mở mắt đăm đăm
nhìn, hỏi:
− Mình đứng ở đâu?
Liên bật cười:
− Mình khéo giả vờ lắm! Em đứng ngay trước mắt mà còn hỏi ỡm ờ.
− Không mà, anh đâu có ỡm ờ đâu! Anh không trông thấy mình thật! Có lẽ tại mình
đứng trong cái vòng đen của anh.
Liên cho là chồng nói bông đùa. Nàng cười lên khanh khách:
− Cái vòng đen ấy mình vẽ tự bao giờ vậy?
Minh không trả lời vợ, chàng nghiêng đầu liếc mắt nhìn ra nhìn ra trước mặt rồi
tươi cười nói:
− Anh nhìn thấy mình rồi!
Liên vẫn ngắm chồng cười ngặt nghẽo.
− Mình biến thành loài gà đấy à?
Minh ngơ ngác không hiểu, Liên lại nói tiếp:
− Trông mình nghiêng đầu y hẹt con gà mái nhìn hạt thóc rơi.
Thấy chồng vãn yên lặng, nét mặt nghiêm-nghị, Liên bỗng im bặt vì linh-cảm có
chuyện gì không ổn. Với vẻ lo lắng, nàng khẽ hỏi:
− Mình làm sao vậy?
− Lạ lắm mình ạ! Mắt anh thì không đau đớn một tí nào nữa mà anh nhìn cứ thấy
có cái gì vương vướng.
− Đó là tại mình mới khỏi. Vài hôm nữa thì sẽ trở lại bình thường thôi. Không
việc gì đâu mình ạ!
Nghe vợ nói cũng có lý, Minh đỡ lo. Chàng dịu dàng bảo vợ.
− Mình cho anh mượn cái gương một tí đi.
Liên ra tường lấy cá gương hình chữ nhật đưa cho chồng. Tay Minh quờ quạng chẳng
khác thầy bói khiến Liên vừa lo sợ, vừa buồn cười. Minh soi gương, nói với vợ:
− Anh không trông thấy hình anh ở trong gương mình ạ!
− Tại tối quá đấy thôi.
Liên bèn mở rộng cánh cửa. Ánh sáng ở ngoài như chảy ùa vào trong gian buồng tối.
− Mình ạ. Anh vẫn không nhìn thấy hình anh. Ngay cả cái gương đang cầm trên tay
anh cũng chẳng thấy nó nữa!
Liên thầm than khổ. Nàng cố tìm lời để trấn an chồng mà mãi vẫn chưa nghĩ ra được
câu gì. Minh lại nói tiếp:
− Thế mà mình đứng cạnh anh thì anh nhìn thấy rõ lắm. Có lẽ vì mình không ở
trong cái vòng đen. Bây giờ anh chỉ còn nhìn thấu có một cái thôi mình ạ.
− Một cái gì hả mình?
− Một cái vòng đen. Có lúc anh thấy những hai cái.
Liên nghe chồng nói càng lúc càng kinh hãi trong khi Minh vẫn hí hoáy cầm gương
lệch sang một bên.
− À, anh trông thấy hình anh rồi!
Nghe chồng reo, Liên mừng rỡ, nhưng khó nín đuợc cười.
− Mình làm như bắt được vàng không bằng!
Ngẫm nghĩ một lúc, Minh hỏi bâng quơ:
− Mình nghĩ liệu có sao không?
Liên thương hại, cố an ủi chồng:
− Có việc gì đâu! Mình đừng nghĩ lẩn thẩn nữa.
− Sao mình biết là không việc gì?
− Như thế có gì là lạ đâu. Ai mới khỏi đau mắt cũng vậy.
Trong tích tắc, Liên chợt nghĩ được một cách. Nàng cố bịa ra một chuyện nhằm mục-đích
để cho Minh yên lòng.
− Ngày xưa khi em còn bé có một lần cũng bị đau mắt suốt hai tháng. Lúc mới khỏi
em cũng gặp những triệu-chứng như anh.
Minh mừng rỡ:
− Thật hả mình?
− Lại chả thật với không thật!
− Thế thoạt tiên em có thấy ánh sáng nhảy múa không?
Chẳng chút ngần ngừ, Liên đáp ngay:
− Phải đấy, em cũng thấy ánh sáng quay tít như chong chóng vậy.
− Rồi thì mình thấy cái vòng đen tròn phải không?
Liên đáp ngay bằng một giọng quả quyết:
− Chính thế.
− Có lúc một cái, rồi có lúc lại biến thành thì hai cái; và mọi vật như đều biến
thành hai cả. Chẳng hạn như có lúc anh trông mình hóa hai người, mà anh sợ
không dám nói cho mình biết. Phải thế không?
Liên tươi cười:
− Chứ còn gì nữa mình. Nhưng rồi chỉ dăm ba hôm là em khỏi hẳn.
− Thế thì may quá.
− Bây giờ thì mình đi ăn cơm vì em đói lắm. Kìa, hay quá! Ông Hoạt dọn cơm lên
rồi!
Liên, Minh cùng ông Hoạt ngồi vào bàn cùng nhau dùng bữa. Trong khi ăn, thấy
Minh cứ phải nghiêng đầu mới gắp được thức ăn Liên lấy làm ái ngại bảo chồng:
− Để em gắp giúp mình cho.
Minh cười bảo vợ:
− Anh lại nhớ tới khi còn bé, ngồi ăn cơm với mẹ cũng thường được mẹ gắp thức
ăn cho anh như thế.
Cả ba người cùng cười rộ lên thật vui vẻ. Cơm nước xong, Liên thúc giục Minh đi
nghỉ. Bầu không khí yên lặng buổi trưa nơi thôn dã có ai ngờ đâu đang bao bọc
những sự rạo rực của tâm hồn.
Chương 4
HƯƠNG VÀ SẮC
Mặt trời sắp lặn. Trong vườn, ánh nắng vàng chỉ còn phảng phất
trên những cành cao chót vót của hai cây hoàng-lan. Gió chiều hây hẩy lay động
lá cánh. Những tiếng kêu loạt soạt, màu sắc xanh vàng chen nhau, xô đuổi nhau
trong những vạt nắng thừa.
Cảnh chiều tà gợi trong tâm trí Liên đầy những tư tưởng chán nản. Nàng uể oải đặt
bình tưới xuống đất, đảo mắt ngắm quanh vườn một lượt. Những luống hoa san-hô đầy
rẫy những màu sắc rực rỡ chẳng thể giúp nàng khuây khỏa đi nỗi đau khổ một chút
nào mà trái lại chỉ tô đậm thêm sự mâu-thuẫn của một tâm-hồn ủ dột với ngoại vật
tốt tươi.
Liên thở dài, lẩm bẩm:
− “Sao ở đời lại có những chuyện vô lý đến như thế xảy ra?!”.
Có tiếng gọi “Mình ơi!” ở trong nhà đưa ra. Liên quay lại, Minh đang sờ soạn lần
từng bước, định xuống sân.
Nàng vội vàng chạy lại, hoảng hốt kêu lên:
− Ấy, khéo ngã! Mình đứng yên đấy để em dắt.
Liên lại đỡ Minh, đưa chàng ra vườn lại ngồi trên chiếc ghế nàng đặt sẵn như
thường lệ bên cạnh giàn hoa móng rồng bắt khum tựa hình cái máy củng, chung
quanh có cột chống tre. Hai tuần nay, Minh đã mù hẳn. Khi nhìn ra ánh sáng,
chàng chỉ thấy một sắc trắng đục như trông qua cửa kính sơn men mờ vậy.
Ngày mắt Minh hết sưng hẳn, tưởng rằng sẽ khỏi, nhưng nào ngờ đó là ngày bệnh
lòa bắt đầu và cứ thế gia tăng. Dần dần, Minh thấy mọi vật quanh mình mỗi ngày
một kém hẳn. Phải hết sức chú ý, phải phải định hết tinh-thần mói trông thấy được
lờ mờ, và như có vật gì bị vướng trong đồng-tử.
Rồi mười hôm sau, khi Minh thấy cái vết đen tròn thì cặp mắt chàng chỉ còn là
đôi mắt giả! Thoạt trông thì giống như mắt người thường, nhưng thực tế không
còn trông thấy được bất cứ một vật gì. Liên và Văn phải nhìn kỹ lắm mới nhìn thấy
được trong mắt Minh con ngươi dần dần vẩn đục và đồng tử có sắc trắng xanh.
Minh mắc bệnh thong manh! Hôm đầu, Minh còn khóc lóc thảm thiết than thân. Về
sau, sợ làm phiền lòng vợ nên nhiều khi chàng phải cố gượng cơn sầu, nén lòng
mà khuất phục số mệnh. Chàng thầm nghĩ đó là cách chàng biết ơn phần nào đối với
vợ và bạn. Chàng làm sao có thể quên được suốt gần một tháng trời ròng rã hai
người đã khổ công, gắng hết sức kéo chàng ra khỏi vòng tối tăm, nhưng gặp số phận
mình không may, đến lúc phải chịu nạn thì còn biết làm sao hơn. Nếu chàng có buồn
bã mà than thân trách phận cho nhiều cũng không làm sao đôi mắt sáng trở lại mà
chỉ làm cho người bạn tốt nhất của chàng ân hận và người vợ yêu quý thêm khổ sở
chứ chẳng ích lợi gì.
Những sự việc xảy ra trong chuỗi ngày vừa qua lại lởn vởn trong óc cả hai vợ chồng
Liên và Minh chiều hôm nay. Người nào cũng im lặng nghĩ ngợi mà chẳng ai buồn
khơi chuyện. Một làn gió thổi qua... Tiếng lá xào xạc chợt đem Minh trở về với
thực tại.
− Liên đang đứng đâu đấy hả Liên?
Mỗi khi nghe chồng gọi đến tên tục của mình như thế là Liên hiểu rằng tâm-hồn
chàng đang bị xúc động mạnh. Nàng vội vàng cúi xuống âu yếm cầm tay chàng, dịu
dàng đáp:
− Liên vẫn đứng bên cạnh Minh đây.
− Ánh nắng còn trên ngọn cây hoàng-lan không?
Liên ngước mặt nhìn lên:
− Chỉ còn một tí ở tận trên đỉnh thôi mình ạ.
− Thế thì có lẽ hơn sáu giờ chiều rồi phải không?
− Vâng, mình đoán thật đúng lắm.
Minh thở dài bảo vợ:
− Nếu có mắt mà trông thì vẫn đúng hơn là đoán.
Liên cố tìm lời để an ủi chồng. Những lời an ủi dịu dàng đuợc Liên dượt đi dượt
lại nhiều lần những lúc ngồi một mình. Nàng nhẩm đi nhẩm lại trong trí để khi
nói với chồng nghe sao cho thật âu yếm thân mật. Nàng hiểu rõ không gì cần thiết
hơn cho người đang khổ tâm tuyệt vọng bằng những lời trìu mến, thành thực nói
lên từ miệng, từ đáy lòng của người thân yêu.
− Thì mình không trông được đã có em trông giúp. Em trông thì cũng như mình
trông chứ gì. Mắt em cũng là mắt của mình vậy. Mình có nhớ một lần mình giảng
nghĩa cho em bài ngụ ngôn người què với người mù không? Người mù cõng người què
và người què dẫn đường cho người mù.
Minh cười chua chát:
− Nhưng em có què đâu?
− Em không què nhưng em quê mùa dốt nát thì nào có khác gì người què? Vả anh
cũng vậy. Anh có mù đâu? Anh không nhớ lời ông Lang Mộc mà hôm kia em mời đến
chữa cho anh sao?
Minh tắc lưỡi:
− Tin gì được những lời thầy Lang!
Thực ra hai hôm trước thấy Minh chán nản, đau đớn chỉ nói đến toàn những điều
không hay: nào là muốn tự tử, nào là muốn tuyệt thực mà chết cho hết một đời khốn
nạn... Vì thế Liên và Văn lập mưu, mượn lời ông Lang Mộc nói quả quyết với Minh
rằng thế nào mắt chàng cũng sẽ được chữa khỏi vì bệnh tình không trầm trọng gì
cho lắm.
Không thấy Liên trả lời, Minh đinh ninh rằng vợ cũng đồng ý với mình. Chàng lẩm
bẩm một mình ra chiều tức tối:
− Hừ! Lang băm!
Liên cố tìm cách phá tan sự nghi hoặc của chồng, sự nghi bao giờ cũng đầy rẫy
trong tâm hồn những người thống khổ.
− Không đâu mình ạ! Ông lang Mộc vẫn có tiếng xưa nay. Ông ta chữa cho 100 người
thì ít nhất là 99 người khỏi.
Minh cười gằn:
− Thế nhỡ ông ấy vừa chữa khỏi cho người thứ 99 mà anh lại là người thứ 100 thì
sao?
Thấy chồng cười, Liên cũng cười theo:
− Mình cứ nói bông đùa làm gì thế! Người ta đã quả quyết là chữa được thì cứ
nên tin người ta. Hôm nọ anh Văn chả bảo mình rằng phải dốc lòng tin nơi thầy
thuốc thì mới chóng khỏi là gì!
Minh cau mày, mím môi:
− Anh Văn! Anh Văn là cái thớ gì! Chỉ tử tế cái mồm! Đã gần cả tuần nay rồi có
thèm bén mảng đến đâu!
Liên ôn tồn bảo chồng:
− Mình chả nên thế! Tại sao lại ngờ vực một người bạn tốt như vậy? Anh ấy chẳng
bảo mình là phải đi Nam-Định có chuyện cần là gì! Sớm lắm cũng phải tối nay anh
ấy mới trở về Hà-Nội được.
Minh vẫn nhớ, vẫn hiểu rằng bạn mình tạm vắng mặt tại Hà-Nội vì công chuyện. Chẳng
qua trong lòng chàng bứt rứt khó chịu, chỉ chờ dịp là ‘giận cá chém thớt’ để
cho nỗi niềm phẫn uất trào bớt ra ngoài đấy thôi. Chàng còn giận lây đến cả mấy
ông lang, cho rằng chính vì mấy ông ấy làm cho chàng bị mù. Nghe Liên phân bày
như bênh vực họ, Minh càng cáu tiết. Chàng cất tiếng run run hỏi vợ:
− Có phải mình bênh anh Văn đó không?
Liên vừa giận, vừa thương hại. Nàng đứng lặng thinh không đáp. Minh như điên
như cuồng, chàng thét lên:
− Kìa, tôi hỏi sao lại không trả lời?
− Chết chửa! Mình quẫn trí mất rồi! Vì lẽ gì mà mình lại bảo em bênh vực anh
Văn?
− Vì lẽ gì à? Vì lẽ gì à! Mình hãy tự hỏi mình xem.
Thốt nghe tiếng nấc, rồi đến tiếng khóc nức nở của vợ, Minh đứng dậy loay hoay
quờ quạng, cuống qua cuống quít, lúng túng nói chẳng ra đâu vào đâu:
− Xin lỗi mình... Anh xin lỗi em... Trời ơi! Anh điên mất rồi! Em tha thứ cho
anh... Anh khổ sở quá nên chẳng khác gì người mất trí, nói bậy nói bạ làm cho
mình buồn...
Liên nghe nói cảm động, lau nước mắt tươi ngay nét mặt nói:
− Rõ mình lẩn thẩn lắm. Mình có lỗi gì đâu? Lúc đau yếu ai chả thế.
Một khi biết hối hận là đã hiểu thấu lẽ phải. Tâm-hồn dù có nhiễu loạn ở cực điểm
cũng sẽ trở lại yên tĩnh. Minh ngồi tựa lưng vào ghế, ngước mắt như nhìn trời
tuy rằng chẳng trông thấy gì. Chàng nở một nụ cười trên môi, vui vẻ hỏi vợ:
− Mình có tin rằng có Phật trời không? Và mình có tin đó là một đấng tạo-hóa tối
cao, tối đại và tối thiện không?
Liên chưa kịp trả lời thì Minh đã nói tiếp:
− Anh thì anh tin rằng có. Vì nếu không có Phật trời thì bể khổ của nhân loại
còn bao la đến đâu! Anh chỉ cần đem anh ra làm cái ví dụ nhỏ bé cũng đủ hiểu
cái lẽ chí công, chí thiện của đấng Thích-Ca Mâu Ni. Ngài biết trước rằng sẽ có
một ngày anh phải chịu cùng cực với cái bệnh ghê gớm để trở thành tật nguyền
nên ngài đã ban cho anh một người vợ hiền và một người bạn hiền để an ủi, chia
sẻ nỗi thống khổ đó. Và sự thống khổ này nếu anh phải mang thì anh cũng nên vui
vẻ đón nhận lấy nó vì chính nó đã tạo cho anh một niềm hạnh-phúc hiếm có là được
sự thương yêu, nâng đỡ thành thực của một người vợ và một người bạn.
Minh nói rất trơn tru hoạt bát. Hình như chính sự cảm xúc sâu sắc đó tự nó tạo
nên lời, trong khi chưa chắc người nói lên những lời đó đã biết mình nói những
gì. Nói được một hồi Minh bỗng im bặt. Cổ họng chàng như tắc nghẹn. Kế đó, nước
mắt chàng tuôn xuống như mưa, ràn rụa cả hai bên má. Liên cố nén xúc động, ân cần
hỏi han:
− Sao mình lại khóc?
Minh ngập ngừng đáp:
− Chính anh cũng chẳng hiểu tại sao. Có lẽ vì anh sung sướng quá.
Liên đưa khăn cho Minh lau nước mắt, toan dắt chàng vào trong nhà thì chàng xua
tay gạt đi nói:
− Em để cho anh ngồi đây hóng gió thêm tí nữa đã.
− Nhưng chắc mình đã đói rồi đó. Để em đi dọn cơm nhé?
− Còn chờ ông Hoạt ở Ngọc-Hà về đã chứ.
− Nếu mình đói bụng thì cứ ăn trước có sao đâu.
− Chưa mình ạ. Anh chưa đói.
− Vậy xin phép mình em đi đằng này vài phút nhé.
− Mình cứ đi tự-nhiên thôi, anh không sao đâu.
Minh một mình ngồi lại. Chàng tìm đủ mọi cách để tự an ủi mình. Chàng mỉm cười
nói thầm: “Bị mù vị tất đã khổ! Chẳng qua là tại ta cứ nghĩ là ta khổ thành ra
ta mới khổ đó thôi. Có khi mù bị không chừng lại là sướng kia đấy, vì chẳng còn
bao giờ phải nhìn thấy những gì chướng tai gai mắt nữa. Trong ngũ giác-quan có
lẽ thị-giác là ít cần thiết nhất cho sự sung sướng cuả tâm hồn. Hơn nữa từ bé
ta đã được trông thấy quá nhiều cảnh đẹp rồi. Bây giờ chỉ cần ôn lại thôi cũng
đủ.
Những danh-lam thắng cảnh như hiện ra rõ ràng trong trí tưởng tượng của Minh.
Nào là hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, vườn Bách-Thảo, chùa Trấn-Quốc, sông Nhị-Hà... Các
cảnh vật như lao xao chen chúc, xô đẩy lãn nhau trong trí não của chàng.
Minh bỗng cau mày, đăm đăm nghĩ ngợi vì chàng cảm thấy hình như thiếu một điều
gì quan-trọng. Phải, đó là màu sắc. Chàng cố nhớ lại màu sắc của từng nơi mà nặn
óc mãi vẫn không xong. Phong cảnh chỉ lờ mờ hiện ra trong đám sương mù ảm đạm
mà không có gì rõ rệt. Chàng lại lẩm bẩm: “Thì ra phải trông thấy ở trước mắt mới
có thể biết màu xanh là thế nào, màu đỏ ra làm sao...”.
Nhưng nghĩ như thế làm cho Minh thêm buồn rầu. Chàng thở dài tự hỏi:
− “Có lẽ nào mình lại mù thật?”.
Câu hỏi ấy là cái mãnh lực nhắc cho Minh nhớ tới lời trấn an của thầy lang và lời
khuyên giải của Văn. Lúc bấy giờ, chàng cho rằng lời Văn rất có lý vì trước kia
chàng nào có để ý nghiên-cứu hay tham-khảo về bệnh đau mắt mà biết được. Văn
thì trái lại, chàng ta từng ra thư-viện tìm sách đọc, tra cứu rất cẩn thận và tỉ
mỉ nên có lẽ nào chàng lại nói mò cho qua chuyện được. Minh cố ôn lại những câu
Văn đọc cho chàng nghe mấy hôm trước. Căn cứ vào lời trong quyển sách thuốc Văn
chép lại thì bệnh thong manh của Minh có thể chữa khỏi được.
Niềm hy-vọng làm nở một nụ cười trên môi Minh. Chàng nghĩ đến con đường
tương-lai, lại nghĩ đến hạnh-phúc êm đềm vẫn còn nguyên vẹn, chưa mất.
Minh chợt thoáng như ngửi thấy hương thơm đâu đó làm nức cả mũi. Chàng mơ màng
như đang sống trong cơn mộng. Chàng chớp mắt liên tiếp, đăm đăm nghĩ ngợi.
Không, rõ ràng đây là thật chứ không phải là mơ. Mùi thơm vẫn ở gần bên mũi
chàng, đồng thời chàng có thể phân-biệt được từng mùi thơm khác nhau của từng
loài hoa như hoàng-lan, móng rồng, mộc, sói và ngâu. Chàng chợt nhớ tới lời nói
của Liên mấy tháng trước: “Khi mắt ta không trông thấy thì mũi ta lại càng
thính. Trong lúc lòng đang phân vân, Minh đưa tay quờ quạng ở trước mặt thì đụng
phải tay Liên. Chàng giật mình hỏi:
− Cái gì thế?
Tiếng cười ròn rã của Liên vang lên.
− Em tặng mình bó hoa.
Minh cười:
− Mình làm anh cứ tưởng như là đang nằm chiêm bao. Này, có phải trong bó hoa của
em có hoa móng rồng, hoa hoàng-lan, hoa ngâu, hoa mộc và hoa sói không?
− Ồ, mình tài quá nhỉ! Đúng cả đấy mình ạ.
Liên đặt bó hoa vào tận tay chồng. Minh đưa lên mũi thật lâu rồi bảo vợ:
− Thế thì mình tốt bụng hơn ông Chu-Mạnh-Trinh nhiều.
Liên ngơ-ngác không hiểu. Nàng hỏi:
− Ông Chu-Mạnh-Trinh là ai thế mình?
− Là một ông quan án.
Liên lại thắc mắc:
− Nhưn sao mình lại ví em với một ông quan án?
− Vì ông ấy cũng tặng hoa cho một người mù. Chỉ khác một điều họ là quan-gia tặng
hoa cho nhau còn chúng mình là dân thứ tự trồng hoa mà tặng nhau.
Liên bật cười:
− Nhà dân tặng hoa thì làm sao bằng nhà quan được! Mình ví thế thật buồn cười lắm.
Nhưng mà bông hoa thì ở đâu cũng vẫ là bông hoa.
− Thì mình hãy để anh nói hết câu đã nào! Anh có ví chức-vị của em với quan án
Chu-Mạnh-Trinh đâu? Chuyện là thế này. Ngày xưa ở tỉnh Hà-Nam, lúc về già thì cụ
Tam-Nguyên Yên-Đổ Nguyễn-Khuyến bị mù. Bấy giờ ông Chu-Mạnh-Trinh là quan
án-sát tại đó cho người đem biếu cụ Nguyễn đôi chậu hoa trà... 1 (Xin đọc phần phụ chú)
Liên nghe thấy chợt thấy lòng bất nhẫn nên ngắt lời:
− Cụ mù mà biếu cụ hoa trà thì cụ còn thưởng-thức cách nào!
− Chính vì lẽ đó anh mới bảo mình tốt bụng hơn ông Chu-Mạnh-Trinh ở chỗ đó, vì
mình tặng cho anh toàn những thứ hoa có hương.
Liên tỏ ý căm tức bảo chồng:
− Sao ở đời lại có những người tai ác đến thế mình nhỉ?
Minh chỉ cười nói:
− Họ đùa nhau đấy thôi em ạ. Vì họ hà hai thi-hào hay chữ vào bậc nhất của một
thời.
− Cho dẫu có đùa, nhưng ai lại đùa thế bao giờ! Ai lại nhẫn tâm đùa với người
tàn tật như thế bao giờ!
Nghe Liên nói, Minh vui mừng vì thấy vợ mình lành, tốt bụng. Nhưng chàng không
khỏi cảm-khái khi nghe đến hai chữ ‘tàn tật’. Chàng ưá nước mắt nói:
− Vậy anh cũng đáng thương phải không em?
Liên biết mình lỡ lời vội nói chữa:
− Chỉ dại dột! Em nói là nói người tàn tật kia chứ. Chứ còn mình thì sao lại gọi
là tàn tật được? Mình chỉ bị đau mắt thôi, ít bữa rồi lại khỏi.
Minh mỉm cười nói:
− Anh muốn tin lời em lắm.
− Anh phải tin chứ, vì em không nói bậy bao giờ.
− Dễ thường em là bậc tiên tri đấy!
Liên nũng nịu:
− Hẳn chứ lị!
Câu nói của Liên khiến cả hai vợ chồng phải cười rộ, quên hết cả đau đớn, phiền
muộn lo âu. Trời đã nhá nhem tối, nhưng hai người vẫn không buồn để ý tới. Liên
âu yếm dựa vào vai Minh, hồi lâu không ai nói với ai cả. Nhưng không nói mà như
họ nói với nhau rất nhiều, dù là những điều hy-vọng thật mong manh. Mãi đến khi
trông thấy ánh đèn của ông Hoạt đặt bên mâm cơm ngoài hiên, Liên mới nhớ ra rằng
chưa ai ăn cơm chiều...
1. | PHẦN PHỤ CHÚ: (do Dương-Hồng-Kỳ sưu-tầm và tham-khảo)Điển-tích ‘tặng hoa người mù’ mà tác-giả truyện ‘Gánh Hàng Hoa’ lồng vào cốt truyện có thể gây ra sự hiểu lầm cho độc-giả rằng đó là một trò đùa ‘xỏ lá’ của Chu-Mạnh-Trinh. Theo nhiều tài-liệu lịch-sử quý giá cho thấy và nhiều bình-luận gia đáng tin cậy thì người tặng hoa cho cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ Nguyễn-Khuyến thời đó có lẽ không phải là Chu-Mạnh-Trinh mà chính là Hoàng-Cao-Khải mới đúng.
Cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ đã tỏ ra bất mãn về việc ‘tặng hoa’ này nên có làm một
bài thơ trách kẻ tặng hoa không hương cho mình. Và cứ như lời lẽ trong bài
thơ, người tặng hoa phải là một ông ‘tai to mặt lớn’, có thế lực vô cùng. Đó
là hai câu Thực của bài thơ làm theo thể Đường-Luật Thất-Ngôn Bát-Cú: |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét