Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Là bóng hay là hình 1

Là bóng hay là hình 1

Lời dịch giả

Trong một bức thư gởi cho Mikhail, một người anh, vào tháng 11.1845. Dostoievki đã viết: "Tôi tin là tiếng tăm của tôi đã lên đến tột đỉnh". Lời ấy biểu lộ niềm kiêu hãnh của một nhân tài tự nhìn rõ vóc dáng lớn lao của mình đang vươn cao trên vòm trời văn hóa quê hương: nước Nga, vào lúc mà nền văn học già nua đang kỳ phát khởi lạ lùng của những công trình trường thiên bất hủ, thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20: những công trình đã mô tả kiếp người khắc khoải trong đa mang tâm sự, lao đao trong xã hội trầm luân.

Niềm kiêu hãnh của Dostoievski giá trị như một lời tiên tri, vì dù rằng khi vừa ra đời, tác phẩm "Là Bóng hay là Hình" đã không được giới phê bình niềm nỡ đón mừng, thì càng về sau, tác phẩm này, và nói chung văn nghiệp của Dostoievski, càng được văn giới Nga, Âu Châu, và cả thế giới ân cần ngưỡng mộ.

Được xuất bản vào năm 1846, "Là Bóng hay Là Hình" vẫn là hình ảnh con người trong trong cái nhìn lạ lùng của Dostoiesvski, ném ánh mắt tinh tế vào tận nẻo thâm cùng của tâm hồn con người, những tâm hồn độc đáo, bất thường, bệnh hoạn.

Golyadkin, nhân vật của câu chuyện, và "cái bóng sống thực" của y, cho ta thấy sự hoảng hốt ngỡ ngàng của con người về chính mình: rất gần mà rất xa, thân thiết mà hận thù, thật một mà quả hai, rất hai nhưng chỉ là một. Nhưng mỗi chàng Golyadkin là một mẫu người: Nếu Golyadkin là một tích lũy của những dồn nén ẩn ức, thì Golyadkin hai là sự giải tỏa những ẩn ức dồn nén đó: nếu Golyadkin một là con người trong sạch (theo cái nghĩa gần như sơ khai, nguyên thủy) thì Golyadkin hai là một người tạo ra bởi những giả dối của xã hội văn minh. Và tâm hồn què quặt của Golyadkin là bãi chiến, là sự giằng co giữa hai con người đó.

Nhưng trong cuộc chiến này không bên nào có thể tiêu diệt hoàn toàn đối thủ của mình.

Không phải chỉ Dostoievski là người duy nhất mô tả tâm lý bằng phường cách quái lạ này, trong câu chuyện chập chờn, không hề có một phân định giữa ảo tưởng và thực tế, chập chờn như những giấc ngủ mê sảng của Golyadkin, nhưng nhân vật của ông có một sắc thái riêng, vừa huyền hoặc, vừa triết lý.

Nhân vật William Wilson của Poe chẳng hạn, không thể hòa hợp với cái "bóng sống" của mình như Golyadkin, đến như những nhân vật Jekyll và Hyde của Stevenson thì lại quá cách biệt, xa xôi.

Giới thiệu tác phẩm "là bóng hay là hình" qua Việt ngữ, chúng tôi hy vọng đã mở được một cánh cửa theo một phương vị thích hợp, để từ đó độc giả Việt Nam có thể nhìn được một mẫu hương sắc và tiêu biểu nhất cho một cánh rừng bao la: văn nghiệp Dostoievski.

Chúng tôi cũng tiếc là đã phải dịch tác phẩm này căn cứ trên bản Anh ngữ của Andrew R. Mac Andrew, do đó dầu đã cố gắng dịch sát vẫn khó có thể tránh được một khoảng cách với nguyên tác Nga ngữ, một ngôn ngữ mà người Nga vẫn tự hào là gồm đủ nét hùng vĩ của tiếng Anh, diễm lệ của tiếng Pháp, âm điệu của tiếng Ý và quý phái của tiếng Tây Ban Nha.

Dịch giả




Chương 1

Cũng đã ngót tám giờ sáng lúc Yakov Petrovich Golyadkin, một viên chức nhà nước cấp nhỏ thức giấc sau một giấc ngủ khá lâu. Chàng ngáp dài, duỗi mình rồi cuối cùng mở mắt ra. Chàng nằm bất động trên giường trong vài phút, như chưa biết là mình đã thức hay vẫn còn đang ngủ, và những gì chung quanh là thật hay chỉ là nhũng giấc mơ lộn xộn kéo dài. Tuy nhiên chàng cũng nhận ra ngay là chàng đang trở về với cái cảm giác hàng ngày rõ ràng minh bạch hơn. Chàng nhận ra bức tường xanh rêu dơ bẩn, đầy bồ hóng và bụi bậm trong căn phòng, những ngăn tủ và bàn ghế bằng gỗ đào hoa, chiếc ghế nệm dài phủ vải dầu đỏ có hoa xanh, và cuối cùng bộ đồ chàng đã vội vã cởi ra đêm trước nằm một đống nhàu nát trên ghế. Sau hết cái u ám ảm đạm của một ngày mùa thu qua khung cửa sổ xanh xao hắt vào trong phòng chàng khó chịu đến nỗi Golyadkin không thể không biết là chàng không còn ở trong một nơi huy hoàng đầy sữa và mật nữa, mà đang ở trong một phòng trên lầu tư của tòa nhà khá lớn trên đường Six Shop ở Petersburg.

Nhận ra điều đó, chàng rùng mình nhắm mắt lại, như là tiếc nuối giấc mơ đã mất và đang cố tìm lại nó trong một thoáng. Nhưng một phút sau chàng nhảy ra khỏi giường, như vừa nghĩ ra được điều gì tự nãy giờ những tư tưởng rải rác, chưa kiểm soát được của chàng còn đang tìm kiếm. Đứng dậy rồi, chàng bước đến bên chiếc gương soi nhỏ trên ngăn tủ. Dầu vẻ mặt ngái ngủ với đôi lông mày thưa thớt của chàng phản chiếu trong gương không có gì quyến rũ, chàng vẫn có vẻ hài lòng. Chàng nói thầm:

"Nếu hôm nay không phải là ngày tốt, hoặc có gì không đẹp xảy đến cho mình, chẳng hạn như bỗng nhiên nổi lên một cái nhọt, hay gì gì đó... ồ, mọi sự rồi sẽ tốt đẹp hết mà".

Bằng lòng với ý nghĩ đó, chàng đặt gương soi vào chỗ cũ. Và dầu đang mặc đồ ngủ, chàng cũng chồm ra khỏi cửa sổ, chăm chăm nhìn ra sân trước mặt. Hình như chàng đã tìm ra được điều gì đó, vì trông mặt chàng sáng lên với nét tự mãn.

Rồi Golyadkin nhìn ra đằng sau bức tường ngăn, nơi phòng của Petrushka, tên giúp việc của chàng. Thấy Petrushka không có đấy, chàng nhón gót chạy đến bàn, mở hộc bàn, lục lọi và đem ra một chiếc túi màu xanh đã sờn nhét dưới một mớ giấy tờ đã ngã màu và vài thứ đồ lặt vặt khác. Chàng cẩn thận mở túi nhìn vào. Một mớ tiền xanh, đỏ đủ màu. Golyadkin mỉm cười, đặt chiếc túi mở trên bàn và xoa tay sung sướng. Rồi chàng đổ mớ tiền ra ngoài, và là lần thứ một trăm từ ngày hôm kia, chàng đếm tiền, trang trọng giữ từng tờ giữa ngón trỏ và ngón cái.

"Bảy trăm năm chục roubles tiền giấy" chàng nói, nửa thì thầm "Một món tiền đáng kể" giọng chàng run lên vì sung sướng "Ai cũng muốn được chừng này tiền. Mình chưa gặp người nào cho là món tiền thế này là vô giá trị. Có tiền thế này... mua tiên cũng được... nhưng thằng Petrushka đâu rồi kìa?".

Chàng nhìn qua vách lần nữa. Petrushka vẫn không có đấy, nhưng ấm nước đang thở phì phò giận dữ trên sàn, như muốn nói gì đó với Golyadkin bằng cái ngôn ngữ phức tạp của nó, chẳng hạn: "Ông nhắc tôi ra đi, tôi sôi đây. Tôi sẵn sàng rồi đây".

"Thằng khốn Petrushka trốn đâu rồi?" - Golyadkin nghĩ - "Cái con vật lười biếng đó cũng đủ khiến người ta điên lên được".

Chàng giận dữ bước ra lối ra vào dẫn đến sân. Mở cánh cửa cuối lối đi, chàng thấy gã người làm đứng giữa một đám gia nhân khác. Petrushka đang hùng hồn gì đó, và cả bọn đang lắng tai nghe.

Golyadkin tỏ vẻ không thích đề tài câu chuyện hay việc đang xảy ra. Chàng bực bội ra lệnh cho Petrushka trở vào. Bước vào phòng, chàng nghĩ: "Thằng cục súc đó có thể làm bất cứ việc gì với nửa kopeck, ngay cả bán chủ của nó đi. Dám chắc là nó cũng đã bán mình với giá không đầy một kopeck rồi..."

Chàng hỏi.

- Chuyện gì vậy?

- Họ đang phát đồ cho người làm, thưa ông.

- Mặc vào rồi đến đây.

Petrushka mặc bộ đồ vào, cười ngu ngốc, bước vào trong phòng chủ. Trông nó thật kỳ cục: mặc bộ đồ xanh viền chỉ vàng, rõ ràng là cắt cho người cao hơn nó cả thước, trên tay cầm một cái nón cũng viền chỉ vàng với lông chim, bên sườn lủng lẳng một thanh gươm bao da, nhưng lại đi chân đất giống ở nhà.

Golyadkin quan sát Petrushka, coi bộ vừa ý. Trông thì biết ngay là bộ đồ được mướn để dành cho một dịp nghiêm trọng đặc biệt nào đó. Trong khi đó Petrushka cũng nhìn chủ với vẻ chờ đợi khiến Golyadkin đâm ra bối rối. Chàng hỏi :

- Sao, có xe chưa?

- Xe có đây rồi, thưa ông.

- Trọn ngày?

- Vâng, và khoảng 25 roubles.

- Còn giày? Họ mang tới chưa?

- Thưa rồi.

- Đồ ngốc! Mày không nói: "Thưa ông, họ đã đem đến rồi" được sao? Mang đến đây!

Golyadkin hài lòng thấy đôi giày vừa vặn. Chàng sai Petrushka đem nước nóng để rửa mặt và cạo râu, cùng mang trà lại. Chàng cạo râu rất kỹ, nhắp vài ngụm trà, và mặc đồ. Chàng mặc chiếc quần mới vào, cùng một sơ-mi gắn nút đồng, thêm một áo chẽn có những bông sáng trông rất bắt mắt. Chàng thắt chiếc cà-vạt lụa đủ màu và sau cùng khoác bộ lễ phục mới, chải cẩn thận. Lúc mặc đồ, thỉnh thoảng chàng nhìn xuống đôi giày một cách trìu mến, và nhấc chân lên như chiêm ngưỡng kiểu giày, thì thầm gật gù tự tán thưởng mình.

Sáng nay thật sự chàng không để ý đến điều gì khác, không cảm nhận thấy những cái nhăn mặt cùng nụ cười mỉa mai của Petrushka khi giúp chàng thay y phục.

Khi đã mặc đồ xong và sẵn sàng rồi, Golyadkin bỏ bọc tiền vào túi nhìn Petrushka lúc đó cũng đã mang giày xong. Không còn gì khác, Golyadkin háo hức bước xuống lầu.

Một cỗ xe màu xanh nhạt có tay bọc chạy đến bậc cửa trong tiếng leng keng. Petrushka nháy mắt với gã đánh xe, với những người đi đường rồi đỡ chủ lên xe, và như để khỏi phải phá lên cười một cách ngu ngốc, y la lớn "chạy" và nhảy lên bậc xe. Chiếc xe leng keng ồn ào chạy về hướng đại lộ Nevsky.

Lúc xe chạy ra khỏi cổng, Golyadkin xoa hai tay mạnh vào nhau, bật cười giống như một tên ba trợn đang vui sướng vì vừa chơi khăm được ai. Nhưng cái bộ tịch vui vẻ đó mất ngay. Gương mặt Golyadkin có vẻ khác lạ. Không kể gì thời tiết xấu và ướt át, chàng hạ cửa xe xuống, quan sát người đi đường. Mỗi khi thấy ai nhìn chàng lại làm bộ nghiêm nghị. Khi xe rẽ từ đường Liteinaya đến đại lộ Nevsky, Golyadkin giật mình, có vẻ khó chịu như bị ai dẫm lên chân, và chàng chui vào trong xe coi bộ sợ hãi.

Điều làm chàng khó chịu đó là chàng bắt gặp tia mắt của hai viên chức cùng làm một sở với chàng. Golyadkin thấy họ có vẻ ngạc nhiên khi thấy một đồng sự như vậy, có người còn chỉ vào chàng. Rồi Golyadkin tưởng như người kia gọi mình. Nhưng tiếng gọi loãng mất trên đường, nên chàng làm ngơ không trả lời.

Chàng nghĩ :

"Mấy thằng con nít ngu, đi xe này có gì lạ đâu? Cần xe thì thuê, đâu có gì vô lý? Bọn con nít bẩn thỉu đáng ăn roi. Chúng nó chỉ biết vừa lãnh lương vừa nghĩ đến các trò chơi thôi. Mình có thể cho chúng nó biết như vậy, nhưng có gì đâu mà phải...".

Tư tưởng của chàng bị ngắt ngang. Chàng há hốc mồm, sợ hãi. Một cặp song mã giống Kazan kéo một cỗ xe sáng loảng đang vượt qua chàng ở bên phải.

Người ngồi trong xe tình cờ thấy được Golyadkin khi chàng vô ý thò mặt ra ngoài xe, và có vẻ ngạc nhiên, cố chồm ra ngoài để nhìn vào trong góc tối nơi người hùng của chúng ta đang co ro. Đó là Andrei Filipovich, trưởng phòng của Golyadkin, nơi chàng làm việc với chức phụ tá cho viên thư ký trưởng.

Thấy Andrei Filipovich đã nhận ra mình, bắt gặp cặp mắt tròn xoe của ông ta, và hết chỗ trốn, Golyadkin vô cùng ngượng ngập. "Có nên cúi chào ông ta không? Có nên nhìn ông ta không? Nhận là mình, hay cứ giả vờ như ai khác giống hệt mình, rồi làm mặt lạ?".

Golyadkin tự hỏi với vẻ khổ sở khó tả: "Đúng rồi, không phải mình, thế là xong". Chàng nghĩ như vậy, khi đôi mắt dán vào Andrei Filipovich và lấy tay dở nón chào ông ta.

"Tôi... tôi... thưa ngài, không có gì...". Chàng lắp bắp: "Thật thì... không phải tôi... vâng, như vậy đó".

Tuy nhiên cỗ xe đã vượt qua và đôi mắt của vị trưởng phòng không còn ám ảnh chàng nữa. Nhưng mặt Golyadkin vẫn còn đỏ. Chàng mỉm cười:

"Mình đúng là thằng ngu mới không chào ông ta. Song mình phải có vẻ cứng cỏi hơn, nghiêm nghi hơn. Chỉ cần nói với ông ta: ‘Thưa ngài, tôi cũng được mời cơm tối’, như vậy thôi".

Rồi nhớ lại là mình đã không làm được như vậy, người hùng của chúng ta thấy máu nóng bốc lên. Chàng nhíu cặp lông mày, nhìn vào một góc xe với cái nhìn thách thức đe dọa như thể muốn đốt kẻ thù thành tro bụi. Rồi hứng quá chàng giật cương của người đánh xe, ra lệnh cho y quay trở về đường Liteinava. Chàng thấy cần phải gặp Christian Ivanovich, bác sĩ riêng của mình, cho ông ta biết vài chuyện lý thú, như vậy chắc là thích hơn, dầu chàng chưa quen biết vị bác sĩ này cho lắm. Chàng chỉ mới gặp ông ta một lần, khoảng đầu tuần trước, để hỏi ý kiến ông về việc này nọ - Hơn nữa, người ta thường nói là bác sĩ cũng như linh mục, đối với ông ta mà còn giấu diếm thì thật rõ ngu, vì bổn phận của ông ta là phải biết rõ bệnh nhân.

Golyadkin bảo dừng trước một tòa nhà năm tầng trên đường Liteinaya và khi bước xuống, chàng nghĩ: "Có nên không? Có phải lúc không?"

Nhưng khi chàng bước lên bậc thang, thở hổn hển và cố gắng làm dịu bớt quả tim đập thình thịch, một thói quen mỗi khi vào một thang lầu lạ, chàng quyết định: «Ồ có gì đâu, chuyện này là chuyện của ta, đâu có gì sái quấy. Nếu ta giấu diếm thì thật là ngu. Ta cứ giả vờ như tình cờ đi ngang và ghé vào đây. Bác sĩ sẽ không thấy gì là kỳ cục hết...».

Golyadkin suy luận như vậy và lên đến tầng thứ nhì, đứng trước cửa phòng số 5, trên đó có tấm bảng với hàng chữ :

CHRISTIAN IVANOVICH RUTENSPITZ

Bác sĩ Y Khoa và Giải Phẫu

Người hùng của chúng ta sửa bộ nghiêm nghị nhưng vẫn có một chút thân thiện, trước khi kéo chuông cửa. Trước khi thật sự kéo, chàng tự hỏi: "Mình có nên đến vào hôm khác không, vì dù sao cũng không có gì gấp gáp..." Nhưng khi nghe tiếng chân bước lên thang, chàng vội vã quyết định rằng một khi đã có mặt tại đây thì phải tiến tới. Và chàng quả quyết kéo chuông.

Chương 2

Christian Ivanovich Rutenspitz, bác sĩ y khoa và giải phẫu, là một người tráng kiện với đôi mày rậm xám, bộ râu và tia mắt tinh anh đủ để chữa lành mọi thứ bệnh, cùng cặp ve áo được vén khéo cẩn thận. Sáng hôm đó ông ta đang ngồi thoải mải trên chiếc ghế dựa trong phòng việc, vừa nhâm nhi tách cà-phê do vợ mang đến, phì phà điếu xì-gà, vừa viết toa cho bệnh nhân. Sau khi đã cho toa một ông lão bị bịnh trĩ và đưa con bệnh ra cửa, Christian Ivanovich lại đến ngồi trên ghế dựa đợi bệnh nhân kế tiếp và Golyadkin bước vào.

Rõ là Christian Ivanovich không hề có ý đợi Golyadkin và cũng không hài lòng chút nào lúc trông thấy chàng, vì thoạt đầu ông ta có vẻ bối rối, sau đó lại coi bộ không vui. Và Golyadkin, hầu như luôn luôn luống cuống vấp váp mỗi khi phải bày tỏ chuyện riêng tư của mình, lúc đó không biết phải mở lời làm sao. Chàng bối rối, ấp úng vài tiếng hình như là lời xin lỗi, và không biết làm gì khác, chàng kéo ghế ngồi xuống.

Nhưng chợt nhớ ra là mình chưa được mời ngồi, chàng đứng dậy, hy vọng làm như vậy có thể vớt lại cử chỉ vụng về của mình. Rồi không hay là mình đã vụng về hai lần liên tiếp, chàng lại có thêm một cái vụng về nữa. Cười thật tươi, chàng lí nhí giải thích rồi lại quên mất mình muốn nói gì, chàng đỏ mặt lặng thinh. Chàng lại ngồi xuống, lần này không đứng dậy nữa, mắt nhìn thẳng ra trước một cách lạnh lùng như muốn biến kẻ thù thành tro bụi. Tia mắt đó còn nói lên sự độc lập của chàng, cho hay là chàng không có gì sai lầm cả, cũng như mọi người và dù có gì cũng không bao giờ để ý đến chuyện kẻ khác.

Vị bác sĩ ho khúc khắc, có vẻ đành chấp nhận. Ông nhìn Golyadkin với cặp mắt dò xét của một kẻ tham vấn.

Golyadkin nói, với nụ cười :

- Tôi lại phải phiền đến bác sĩ lần thứ nhì, và tôi lại phải xin bác sĩ lượng thứ...

Chàng lại gặp khó khăn trong việc tìm chữ cho thích họp.

Vị bác sĩ nhả một hơi khói rồi để điếu xì-gà lên bàn.

- Ồ... vâng. Nhưng ông phải tuyệt đối theo cách điều trị đã cho. Sao, tôi đã có nói là một sự thay đổi sẽ rất tốt đối với ông: ông thấy vậy không? Ông cần giải trí. Tôi muốn nói là... chẳng hạn đi thăm viếng bạn bè, có uống rượu cũng không hại gì. Chơi với những người tốt, ông hiểu chứ?

Golyadkin cười. Chàng nghĩ là mình cũng như ai, cũng có địa vị có cách giải trí, nếu chàng muốn đi xem hát dĩ nhiên chàng đi được, chàng cũng dư sức làm như mọi người vậy. Ban ngày đi làm việc, tối ở nhà, rất dễ chịu. Khỏi cần nói chàng cũng thấy mình không thua ai, cũng có nhà có người hầu. Đến đây chàng bắt đầu ho nhưng cố dằn.

Vị bác sĩ tiếp :

- Thật thì... tôi không muốn nói vậy. Tôi không đòi hỏi ông nhiều. Tôi chỉ muốn biết là, nói chung, ông có thích những cuộc họp mặt vui vẻ không, ông sống có dễ chịu không? Nghĩa là ông sắp đặt lối sống trên căn bản vui vẻ hay buồn bực?

- Thưa bác sĩ...

- Tôi muốn nói là ông phải thay đổi hẳn lối sống, nói cách khác, ông phải bỏ cái cá tính của ông đi. - Christian Ivanovich nhấn mạnh tiếng bỏ, và im lặng một lát, vẻ mặt đầy ý nghĩa - Đừng tránh xa cuộc sống vui vẻ, phải đi coi hát, gia nhập các hội, và dầu gì cũng dừng có thải độ thù ghét rượu. Ngồi nhà mãi sẽ rất hại cho ông. Dầu làm gì cũng đừng ở nhà.

- Thưa bác sĩ, vấn đề là...

Golyadkin nhìn vị bác sĩ khẩn khoản, cố tìm chữ thích hợp để diễn tả tư tưởng :

- ... Tôi thích yên tĩnh, và trong nhà tôi không có ai, chỉ có tôi và Petrushka, người giúp việc của tôi. Tôi muốn nói là... là tôi theo lối đi riêng, theo con đường riêng của tôi. Tôi là con người độc lạp, và chừng nào tôi còn trông thấy được, tôi không lệ thuộc ai. Thưa bác sĩ, tôi sẽ đi dạo ngay bây giờ, như bất cứ ai khác.

- Sao? À, tôi hiểu. Nhưng mấy hôm nay thời tiềt xấu lắm, đi dạo cũng không thích gì...

- Đúng vậy, thưa bác sĩ. Ông thấy, dầu tôi là một người ít nói, tôi cũng hân hạnh được nói với ông là dù sao con đường của tôi cũng riêng rẽ. Đời có nhiều ngả... tôi muốn nói rằng... xin bác sĩ tha lỗi...

- Mình đang nói là...

- Tôi muốn xin lỗi bác là tôi không phải là kẻ ăn nói hoạt bát...

Golyadkin cao giọng, vấp váp rồi lại muốn quên điều mình sẽ nói :

- ... Về mặt này tôi không như người khác.

Chàng tiếp với nụ cứời kỳ lạ :

- ... Thật ra tôi không thể nói lâu và tôi cũng không biết nói sao cho hay, nhưng thưa bác sĩ, cần là tôi làm. Bác sĩ tin tôi đi, tôi làm.

- Sao? Ông nói làm là sao?

Một phút im lặng. Christian Ivanovich nghi ngờ nhìn Golyadkin, Golyadkin cũng liếc ông ta với đôi mắt thiếu tin tưởng. Rồi chàng nói tiếp, có vẻ hơi phật lòng vì sự bướng bỉnh của vị bác sĩ :

- Thưa bác sĩ, tôi thích yên tĩnh hơn là hấp tấp vội vã. Trong xã hội thượng lưu, người ta phải biết cách lấy giày đánh cho láng nền nhà - chân Golyadkin đưa nhẹ trên sàn - Đó là điều người ta đòi hỏi nơi ông, nói đúng hơn, họ muốn ông phải khôn ngoan. Nhưng thưa bác sĩ tôi không hề học những cái khôn ngoan lặt vặt đó của họ, không hề xuất sắc về những chuyện đó. Tôi không có thì giờ. Tôi chỉ là con người giản dị, không hợm hĩnh, không nổi bật. Thưa bác sĩ, trên một nghĩa nào đó, tôi phải nhận là tôi dành chịu chào thua.

Golyadkin nói như vậy nhưng không hề tỏ ra có chút buồn tiếc gì về việc "chịu thua" và cũng không ân hận gì về việc "không hề học những cái khôn vặt". Trái lại là khác.

Christian Ivanovich nghe một cách khổ sở, như đang đợi chuyện gì khác hơn. Lúc Golyadkin nói xong bài văn, một sự im lặng nặng nề tiếp theo. Cuối cùng vị bác sĩ nói :

- Tôi nghĩ rằng ông đi có hơi xa đề tài. Thú thật là tôi không kịp theo dõi ông.

- Ồ, tôi không phải là nhà hùng biện. Tôi không biết cách diễn đạt tư tưởng sao cho trôi chảy, như tôi đã có hân hạnh thưa với bác sĩ.

Golyadkin nói với giọng quả quyết.

- Thưa bác sĩ...

Golyadkin lại bắt đầu, giọng nhỏ nhẹ nhưng có vẻ quan trọng, sau mỗi câu lại ngừng một chốc lát - Khi tôi bước vào đây, tôi bắt đầu bằng việc xin lỗi. Giờ tôi xin lặp lại và xin bác sĩ vui lòng một chút. Tôi không có giấu diếm gì với ông cả. Tôi chỉ là người tầm thường, nhưng may thay tôi không hề đề ý điều đó. Thực sự tôi rất tự hào rằng mình không phải là kẻ quan trọng, mà chỉ là một người tầm thường. Tôi cũng tự hào là mình không âm mưu này nọ. Tôi không hề làm điều gì sau lưng kẻ khác. Nếu tôi làm gì, tôi làm công khai. Dù có thể hại được nhiều người - tôi biết rõ là tôi có thể hại ai và với cách nào - tôi cùng không muốn bị hoen ố vì làm như vậy, và theo một ý nghĩa nào đó, tôi có thể xoa tay.

Sau một lúc sôi nổi tuy vẫn chưa đủ mạnh mẽ, Golyadkin lại im lặng như đóng kịch. Rồi chàng tiếp tục :

- Do đó, thưa bác sĩ, tôi theo con đường thẳng của tôi, và tôi chừa những lối đi quanh quẹo đáng khinh cho kẻ khác. Có lẽ tôi cũng không khi dể những kẻ xấu xa hơn ông và chúng ta - tôi muốn nói họ và chúng tôi - tôi không muốn dính gì đến ông. Tôi ghét luồn lọt, a dua và cũng không thích tán gẫu hay vu khống. Tôi chỉ đeo mặt nạ khi phải dự buổi hóa trang, tôi không muốn đeo mỗi ngày khi gặp kẻ khác. Thưa bác sĩ, tôi chỉ muốn hỏi bác sĩ là làm cách nào trả thù một kẻ thù xấu xa nhất, hay đại khái là vậy.

Golyadkin nhìn Christian Ivanovich có vẻ như thách thức.

Dầu đã nói thật rõ ràng và tự tin, đã cân nhắc ảnh hưởng lời nói, Golyadkin cũng có một vẻ gì khó khăn trong cặp mắt khi nhìn vị bác sĩ. Chàng trở nên hoang mang rồi nhìn Christian Ivanovich với sự ngượng ngập, lo lắng lẫn nôn nao.

Nhưng trước cái ngạc nhiên của Golyadkin, bác sĩ chỉ lúng búng vài tiếng, kéo ghế sát bàn, và với thái độ lịch sự nhưng lạnh lẽo, nói rằng ông ta không rảnh, ông ta không hiểu được chàng, và tuy ông ta sẽ rất sung sướng nếu giúp được gì cho Golyadkin, ông cũng không thể dự vào những chuyện chẳng liên quan gì đến mình. Rồi cầm lấy cây bút, ông xé một mảnh giấy và cho Golyadkin hay là ông sẽ viết toa thuốc cho chàng.

- Không, bác sĩ, không cần cái đó, không cần tí nào cả...

Golyadkin bật dậy, chụp tay vị bác sĩ :

- ... Chắc chắn là tôi không cần cái này đâu.

Nhưng khi Golyadkin nói vậy, một sự thay đổi lại đến với chàng. Đôi mắt xám đục của chàng long lên một cách kỳ lạ, bắp thịt trên mặt rung động co giựt. Rồi cả người chàng run lên. Sau cơn xúc động, và sau khi đã ngăn cản được vị bác sĩ, Golyadkin đứng yên như không còn biết mình đã làm gì và đang định làm gì.

Christian Ivanovich ngơ ngác, như bị dính chặt vào ghế và tròn xoe mắt nhìn Golyadkin cũng đang nhìn mình. Gượng đứng dậy, ông ta nắm nhẹ cổ áo chàng, cả hai nhìn nhau trong vài giây. Rồi một việc bất thường lại đến với Golyadkin: môi chàng run rẩy, cằm giựt lên giựt xuống, chàng bỗng bật khóc. Chàng thổn thức, đầu lắc lư, tay phải đấm ngực, tay trái nắm áo vị bác sĩ. Chàng cố nói, cố giải thích điều gì nhưng không thể nói được một tiếng. Lúc đó bác sĩ đã bình tĩnh lại, ông ta cố đặt Golyadkin ngồi xuống và ôn tồn :

- Nào bình tĩnh lại đi. Ngồi xuống.

Golyadkin có vẻ kinh hoàng :

- Bác sĩ... Tôi... tôi có nhiều kẻ thù xấu xa lắm. Bọn chúng đã thề sẽ hại tôi...

- Ồ, xem nào, ông làm sao có kẻ thù được? Đừng nghĩ gì đến kẻ thù nữa. Đừng nghĩ gì hết. Ngồi xuống đi.

Vị bác sĩ đầy Golyadkin dựa vào ghế.

Golyadkin ngồi xuống, nhìn bác sĩ đang bực bội đi lại trong phòng. Im lặng một lúc lâu.

Ròi chàng đứng dậv vội vã :

- Thưa bác sĩ, tôi rất biết ơn ông. Tôi rất vui lòng về những gì bác sĩ đã giúp tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên lòng tử tế của ông.

- Thôi, xin ông thôi.

Christian Ivanovich nói với giọng nghiêm khắc, và đẩy Golyadkin vào ghế lần nữa :

- Nào, nói cho tôi biết ông bị chuyện gì? Điều gì đang làm phiền ông? Những kẻ thù ông vừa nói là ai vậy? Chuyện gì đang xảy ra? Nào, nói cho tôi biết ngay.

- Không, bác sĩ, chúng ta đừng nhắc chuyện đó nữa. Hãy nhắc đến khi nào phải lúc, khi mọi việc đều phơi bày và mặt nạ thiên hạ rơi xuống. Nhưng bây giờ, sau những gì xảy ra giữa chúng ta, ông cũng phải công nhận là... Thôi, cho phép tôi chúc ông một ngày vui vẻ.

Golyadkin quả quyết đứng dậy cầm lấy nón.

- Sao?... À, ông cứ tự nhiên.

Vị bác sĩ ngừng lại một lát rồi tiếp :

- Phần tôi, tôi cũng đã hết sức cố gắng. Tôi cũng xin chúc ông mọi điều tốt đẹp.

- Thưa bác sĩ, tôi hiểu. Tôi hoàn toàn hiểu ông rồi... Dù sao cũng xin ông tha lỗi đã quấy rầy.

- Ồ, tôi không định nói vậy. Nhưng ông cứ tự nhiên. Còn về chuyện thuốc thang thì xin ông cứ tiếp tục dùng như trước...

- Tôi sẽ tiếp tục dùng thuốc của bác sĩ và tôi sẽ mua ở cùng một nhà thuốc. Lúc này bào chế thuốc thật là một công việc làm ăn lớn, phải không bác sĩ?

- Sao? Ông nói thế nghĩa là sao?

- Theo cái nghĩa thông thường nhất, thưa bác sĩ. Nghĩa là đó là cái nghề mà thiên hạ đang xúm quanh.

- Hừ...

- Và các cậu trẻ - chưa được là phụ tá của người bào chế nữa - cũng bày đặt coi thường những người đáng kính.

- Ông nói rõ hơn?

- Tôi biết một người có tiếng, người mà chúng ta ai cũng biết. Chẳng hạn Vladimir Semyonovich.

- À, ra thế!

- Vâng, thưa ông, và tôi cũng biết những người không theo công luận và nhiều khi không sợ sự thật.

- Rồi sao?

- Như vậy đó. Nhưng thôi, việc này không ăn nhập gì đến chuyện chúng ta. Tôi chỉ muốn nói là có nhiều kẻ cũng biết cách nịnh hót ông nữa.

- Biết cách gì?

- Biết cách nịnh hót, thưa bác sĩ. Nhưng đấy chỉ là một lối nói, nghĩa là, có những người biết cách ca tụng người khác thật đúng lúc.

- Ca tụng?

- Vâng, ca tụng. Như một người tôi quen đã làm mấy hôm trước.

- Một người quen của ông? Rồi sao?

Vị bác sĩ hỏi, chăm chú nhìn Golyadkin.

- Vâng, một người quen của tôi ca tụng một người quen khác của tôi như thế nào, một người bạn, một người bạn theo như họ nói, được lên hàng định giá viên. Làm như tình cờ, ông ta nói: "Vladimir Semyonovich, tôi hân hạnh gởi đến ông những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất của tôi, những lời ca tụng thành thật nhất trước sự thăng chức của ông. Và tôi cũng vui thấy rằng mấy mụ thầy bói già như mọi người đều biết, đã hết làm ăn gì được!"

Golyadkin nhăn mặt nhìn Christian Ivanovich tinh quái.

- Vậy, đó là lối ca tụng của họ?

- Đúng thế, và lúc nói hắn ta liếc sang Andrei Filipovich, chú của Vladimir Semyonovich. Nhưng việc Vladimir Semyonovich được thăng chức đối với tôi có quái gì đâu? Hắn chỉ muốn lấy vợ, dù miệng còn chưa rời vú mẹ. Xin lỗi bác sĩ. Tôi nói như vậy với hắn, rồi tôi nói: "Vladimir Semyonovich, tôi đã nói những gì phải nói và bây giờ xin phép ông tôi cáo lui".

- .....

- Vâng, thưa bác sĩ, tôi nói như thế. "Tôi xin cáo biệt!" Nhưng lúc đó tôi muốn bắn một mũi tên chết hai con chim. Sau khi đã nói với cậu bé đó, tôi quay sang Klara Olsufievna - việc này xảy ra hôm kia tại nhà Olsufy Ivanovich - lúc nàng vừa hát xong một bài tình ca thật hay, và tôi nói với nàng: "Chắc chắn là cô hát những bài ca lâm ly đó rất hay, nhưng họ không thật tình nghe cô đâu" tôi muốn ám chỉ với nàng là họ thật sự không nhìn nàng, chỉ liếc sơ...

- Vậy rồi cậu trẻ đó làm gì?

- Anh ta phải rán mà chịu, thưa bác sĩ.

- Ồ...

- Vâng, thưa bác sĩ, rồi tôi lại nói với chính lão già "Olsufy Ivanovich, tôi biết tôi còn chịu ơn ông về sự tử tế của ông đối với tôi lúc tôi còn nhỏ, nhưng bây giờ hãy mở mắt nhìn xem, tôi rất trực tính, rất thành thật".

- À ra thế. Tôi hiểu.

- Vâng, vậy đó, thưa bác sĩ.

- Rồi ông ta nói sao?

- Ồ, làm sao kể lại bây giờ? Ông ta chỉ biết ấp úng rằng ông ta đã quen tôi lâu lắm... rằng ngài Bộ trưởng là người có lòng khoan hồng và như vậy như vậy... Trông ông ta run rẩy vì quá già.

- Vậy hả?

- Vâng, thưa bác sĩ, rồi chúng tôi chấm dứt câu chuyện. Lão già tội nghiệp! Một chân đã bỏ xuống huyệt rồi mà mỗi lúc có tán gẫu lại vểnh tai lên nghe. Chuyện gì cũng có ông ta vào trong đó.

- Ông nói chuyện tán gẫu?

- Vâng, họ xầm xì chuyện gì đó, và lão gấu già cùng thằng cháu cưng cũng xỉa vào. Nhập bọn với các lão già khác và dĩ nhiên bóp méo sự việc. Ông biết họ âm mưu gì không? Không gì khác ngoài việc giết người.

- Giết người?

- Vâng, giết người. Ám sát trên phương diện đạo đức luân lý. Họ loan tin rằng... dĩ nhiên tôi đang nói về bạn tôi.

Vị bác sĩ gật đầu.

- ... Họ nói rằng ông ta hứa cưới vợ trên giấy tờ, trong khi đã có vợ rồi. Bác sĩ thử đoán xem, ông ta phải cưới ai?

- Ai vậy?

- Một con mụ người Đức có tiếng bê bối đang làm chủ hiệu ăn ông ta tới ăn. Họ còn cho là, thay vì trả tiền ăn ông ta lại đưa tay cho con mụ đó...

- Vậy sao?

- Ông tin nổi không? Lấy một con mụ Đức dơ bẩn, thô bỉ, đáng tởm, không biết xấu hổ đó. Karolina Ivanovna, ông biết không?

- Tôi công nhận điều đó, phần tôi...

- Tôi hiểu ông nói gì, chính tôi cũng vậy.

- Làm ơn cho tôi biết hiện giờ ông ở đâu?

- Hiện giờ tôi ờ đâu à?

- Vâng, tôi muốn... tôi nghĩ là ông thường sống ở...

- Đúng, thưa bác sĩ, tôi thường... tôi thường... giống như ông nói. Tôi không chối...

Golyadkin nói, cười mỉm và thấy Christian Ivanovich có vẻ lúng túng trước câu trả lời của mình.

- Không, ông hiểu sai ý tôi rồi, tôi muốn...

- Phần tôi, tôi cũng muốn - Golyadkin nói với tiếng cười - Nhưng tôi thấy đã phiền ông quá nhiều, bây giờ mong ông cho phép tôi chúc ông một ngày tốt đẹp.

- Hừ...

- Vâng, bác sĩ. Bây giờ tôi hiểu bác sĩ rồi, hiểu hoàn toàn.

Golyadkin tự đắc :

- Cho phép tôi được chúc ông một ngày vui vẻ.

Và, đánh hai gót giày vào nhau, Golyadkin bước ra bỏ lại vị bác sĩ đang ngơ ngác cực điểm.

Bước xuống lầu, Golyadkin mỉm cười xoa tay. Đến bậc thang cửa chàng hít một hơi không khí trong lành, cảm thấy thoải mái dễ chịu. Chàng thậm chí còn nghĩ rằng mình là người sung sướng nhất trên đời, và không hay là mình đang đi đến sở. Một cỗ xe chạy trờ đến sát lề nhắc chàng nhớ lại mọi việc. Petrushka mở cửa xe. Golyadkin bỗng thấy bứt rứt vô cớ. Chàng bối rối trong một thoáng. Có gì như đang châm chích chàng. Đặt chân lên bậc xe rồi chàng quay lại nhìn lên cửa sổ nhà Christian Ivanovich. Đúng là vị bác sĩ đang đứng đấy, tay phải sờ râu, nhìn Golyadkin tò mò.

- "Lão bác sĩ đó là lão ngu".

Golyadkin nghĩ thầm lúc chui vào xe.

- "Quá sức là ngu. Có thể là lão chữa bịnh giỏi nhưng điều đó không giúp lão khỏi ngu như khúc gỗ mục".

Khi Golyadkin đã vào xe xong xuôi, Petrushka la lớn "đi" và cỗ xe chạy về đại lộ Nevsky.

Chương 3

Suốt một buổi sáng chỉ để chạy lòng vòng. Khi đã đến đại lộ Nevsky, Golyadkin bảo người đánh xe ngừng trước thương xá Gostiny Dvor. Ra khỏi xe là chàng xăm xăm đi vào thương xá, Petrushka theo sau. Chàng đến một cửa hiệu bán các vật dụng vàng và bạc. Trông chàng rõ là một người bận rộn ghê lắm, hai tay đầy những tiền. Sau khi đã trả giá thật hăng, chàng bằng lòng mua một bộ đồ ăn và một bộ đồ trà với giá 1.500 roubles, và nói với chủ hiệu để lại cho chàng một hộp xì-gà thứ thiệt và một bộ đồ cạo râu bằng bạc với cùng giá. Chàng hỏi giá những món hàng đẹp và tiện dụng khác, và chấm dứt bằng lời hứa chắc chắn sẽ trở lại ngày hôm sau, hay có thể sẽ sai người đến mang đồ đi. Chàng cũng ghi địa chỉ cửa hiệu, và khi được yêu cầu một số tiền đặt cọc nhỏ, chàng lại hứa sẽ mua khi nào cần.

Rồi mặc kệ người chủ ngơ ngác, chàng vội vã bước ra, dọc theo các cửa hiệu đầy ắp những kẻ vô công rỗi nghề. Lúc nào chàng cũng quay lại hỏi ý kiến Petrushka, cũng đang bận đi tìm các cửa hiệu khác. Trên đường đi, chàng ghé chỗ đổi tiền đổi mớ tiền lớn lấy tiền nhỏ, và dầu có chịu lỗ một chút, túi tiền chàng lại đầy ắp lên và chàng thấy sung sướng vô ngần.

Cuối cùng chàng dừng lại ở một cửa hiệu bán đồ phụ nữ, và cũng thế, sau khi đã chọn lựa và bằng lòng giá cả, Golyadkin lại hứa sẽ đến, rồi cũng ghi địa chỉ. Và khi được hỏi tiền cọc chàng lại bảo là lúc cần sẽ đến lấy hàng.

Chàng còn viếng nhiều cửa hiệu nữa, ở mỗi nơi chàng hỏi giá, mặc cả có khi rất lâu, ra vào nhiều bận. Tóm tắt, chàng đã làm một chuyện kỳ quái.

Từ khu Gostiny Dvor chàng đến một nơi bán đồ gỗ có tiếng khác và chọn đồ đạc trang hoàng cho một căn nhà sáu phòng, ngắm nghía một bàn trang điểm phụ nữ kiểu mới nhất, rồi hứa sẽ đặt tiền cọc và mang đi. Rồi lại dừng chỗ khác, hỏi giá, mặc cả, như là những thứ chàng cần không thể nào hết được. Cuối cùng chính Golyadkin cũng chán nản muốn bịnh luôn.

Chàng lại còn thấy bực dọc, đến nỗi không muốn gặp Andrei Filipovich hay vị bác sĩ ngay cả trong lúc này. Điều này chỉ có Trời biết vì sao.

Đồng hồ thành phố chỉ 3 giờ, Golyadkin trở về xe. Kết quả của một buổi sáng đi mua hàng đó chỉ là một đôi găng tay và một lọ nước hoa khoảng 1 rouble rưỡi. Nghĩ là còn sớm để tiến hành công chuyện, chàng bảo ngừng xe gần một hiệu ăn danh tiếng ở đại lộ Nevsky mà chàng chỉ mới được nghe nói, và bước vào ăn lót lòng, nghỉ ngơi một chút trong lúc chờ đợi.

Chàng ăn thật ít như chỉ cần ăn để sống mà thôi, nhưng cũng làm như một người với bữa ăn thịnh soạn trước mặt. Chàng uống Vodka, ngồi xuống ghế dựa, và sau khi ngại ngùng liếc quanh, chàng đặt tờ báo bên cạnh, đọc vài hàng, đứng dậy soi gương kéo cà-vạt, vuốt tóc rồi bước đến cửa sổ xem còn chiếc xe đợi đó không. Rồi lại trở lại ghế ngồi, nhặt tờ báo lên. Rõ là chàng có vẻ bối rối. Nhìn đồng hồ, chàng thấy chỉ mới 3g15. Còn phải đợi lâu. Nghĩ rằng ngồi không thế này cũng kỳ, chàng gọi một tách Chocolat dù thực tình không muốn lắm. Chàng nhắp vài ngụm, thấy thời gian qua đi được một chút, và lúc chàng định trả tiền thì có ai vỗ vào vai.

Golyadkin quay lại và thấy hai viên thư ký cùng làm trong sở mà chàng đã gặp sáng nay trên đường Liteinaya, cả hai còn nhỏ tuổi cũng như địa vị. Golyadkin chưa có thái độ thân thiết hay thù ghét gì với họ. Có quen biết nhưng chỉ trên mặt xã giao chứ chưa đến chỗ thân tình, và có lẽ cũng khó đến đó. Đối với Golyadkin, gặp họ lúc này thật không vui vẻ gì. Chàng hơi nhăn mặt, trong một phút không biết phải làm gì.

Cả hai người kia đồng kêu lên thích thú :

- Ông Golyadkin! Yakov Petrovich Golyadkin, thật là một dịp...

- Ồ, ra là quý ông.

Golyadkin ngắt ngang, hơi bối rối vì sự ngạc nhiên của hai người lúc gặp chàng một nơi thế này và trước thái độ thân thiện của họ, nhưng vẫn làm ra ta đây gương mẫu :

- Thế là tôi bắt gặp hai vị bỏ sở bỏ việc đấy nhé, hà hà!

Rồi để tỏ ra mình là kẻ dễ dãi, mà vẫn không cần phải tự hạ mình trước hai kẻ mà chàng thấy cần phải giữ một khoảng cách nào đó, Golyadkin vòng tay ôm sau lưng một người. Nhưng cái cố gắng thân thiện nay không thành công, cử chỉ của chàng trông hấp tấp và kẻ cả quá. Chàng bèn hỏi :

- Lão Gấu già thế nào? Có đang ngồi trong sở không?

- Ai vậy, thưa ông Golyadkin?

- Gấu già chứ ai, làm như các ông chưa nghe gọi thế bao giờ. - Chàng cười, quay qua lấy tiền thối - Đó dĩ nhiên là Andrei Filipovich - Chàng, có vẻ nghiêm trang hơn qua giọng nói.

Hai viên thư ký nhìn nhau hiểu ý. Một người trả lời :

- Ổng còn ngồi đó và nói thật là ổng có hỏi ông đâu rồi.

- Ông ta còn ngồi đó à? Muốn ngồi cứ để ổng ngồi. Ông nói là ổng có hỏi tôi, phải không?

- Vâng, ông Golyadkin. Nhưng chuyện chi vậy? Trông ông lịch sự thơm tho láng lẫy quá. Có chuyện gì thế?

- Các ông khỏi phải hỏi.

Và Golyadkin nhìn nơi khác, cố cười gượng gạo. Thấy vậy hai viên thơ ký phá lên cười khiến chàng đâm bực. Chàng nói với cái giọng như đành phải nhẫn nhục để cho cả hai biết việc gì đó :

- Dầu các ông biết tôi, cũng chỉ biết mới một khía cạnh. Không ai trách gì việc đó vì chính tôi cũng chịu trách nhiệm một phần.

Chàng mím môi nhìn hai người. Cả hai đang nhìn nhau.

- Vậy, tóm lại là các ông không hiểu tôi, lúc này cũng không phải lúc giảng nghĩa cho các ông nghe. Tôi chỉ nói vắn tắt vài điều, là thưa các ông, có những người ghét sự gian xảo và không hề lừa dối thiên hạ, có những người không muốn đánh bóng sàn nhà bằng đế giày, có những người không nghĩ là mình sung sướng khi mặc bộ quần áo đẹp, sau hết có những người không thích đi lòng vòng một cách vô ích, không thích nịnh nọt để được chút ưu đãi, nhất là không thích chúi mũi vào những nơi mình không hề được mời. Thưa quý ông, tôi đã nói những gì cần nói rồi. Tôi phải đi đây.

Golyadkin ngừng lại vì những gì chàng nói đã đủ giải thích cho hai người kia. Nhưng cả hai bỗng nhiên xúm lại cười lớn. Golyadkin giận đỏ mặt :

- Các ông cứ cười, nhưng chúng ta còn sống và sẽ thấy.

Chàng nói với vẻ đầy uy quyền, lấy nón và bước ra cửa. Nhưng chàng lại đứng lại nói thêm :

- Cho tôi nói điều này nữa. Ở đây chỉ có chúng ta, không ai thấy. Đây là cách của tôi: nếu thất bại, tôi không mất can đảm và dù thành công, tôi cũng nhẫn nhịn không làm hại ai. Tôi không âm mưu gì hết, và rất sung sướng ở điểm đó. Có thể tôi là người kém lịch duyệt, tôi biết. Họ hay nói là con chim bay tìm người thợ săn. Cũng có thật như vậy, nhưng chưa biết ai là chim ai là thợ săn đó thôi.

Golyadkin ngừng lại và với vẻ kẻ cả, chàng nhíu cặp lông mày, mỉm môi cúi chào hai người rồi bước ra, để hai người ở lại, ngơ ngác.

Petrushka nãy giờ phải đợi ngoài lạnh quá lâu đâm ra mệt mỏi, khi thấy chủ, y hỏi giọng cộc lốc :

- Ông muốn đi đâu?

Rồi thấy cặp mắt dữ tợn mà người chủ thường ban cho hắn hai lần một ngày, và bây giờ lúc bước xuống lầu có lẽ sẽ là lần thứ ba, hắn lặp lại câu hỏi :

- Thưa ông, ông muốn đi đâu?

- Đến cầu Izmailovsky.

- Xà ích, đến cầu Izmailovsky. Đi!

Ngồi trong xe, Golyadkin nghĩ thầm :

- Chưa quá 4 giờ chắc họ chưa nhập tiệc, có khi đến 5 giờ. Còn hơi sớm chăng? Nhưng mình đến sớm một chút cũng đâu có sao? Trong nhà cả, cần gì phải hình thức như vậy? Giữa họ và mình toàn người tử tế không chớ có ai khác đâu? Lão Gấu già cũng đã nói không phải là lễ nghi gì, vậy mình cũng có thể...

Nhưng dầu nghĩ vậy, Golyadkin cũng thấy lo lắng hơn. Rõ là chàng đang sửa soạn bộ tịch nói điều gì đó rất phiền phức. Chàng thầm thì, chân tay múa may, nhìn ra cửa xe không ngừng. Không ai thấy Golyadkin như vậy lại có thể nghĩ là chàng chỉ đi dự bữa ăn tối, một chuyện thông thường không long trọng gì cả đối với những người lịch sự.

Đến cầu Izmailovsky, Golyadkin chỉ tay về một ngôi nhà và cỗ xe ồn ào vượt qua cổng chạy vào sân.

Thấy một khuôn mặt đàn bà ở cửa sổ, Golyadkin gởi lên một cái hôn gió. Thật chàng cũng không biết mình đang làm gì vì lúc đó chàng cũng như mất hồn. Bước ra xe, mặt chàng tái ngắt ngơ ngẩn. Chàng bước vào, sửa nón, sửa cà-vạt một cách vô thức, và bước lên lầu mà thấy đầu gối run lên bần bật.

Chàng hỏi người giúp việc khi y ra mở cửa :

- Có ông Olsufv Ivanovich trong nhà không?

- Có, thưa ngài... Ồ, không thưa ngài. Ông chủ không có nhà.

- Sao như vậy được, bạn? Tôi đến dự bữa tối. Bạn phải biết tôi là ai chứ?

- Dĩ nhiên tôi biết, thưa ngài, và tôi được lệnh không để ngài vào.

- Anh... anh lộn rồi, anh bạn. Chính tôi được mời mà.

Golyadkin xoay nón định bước vào.

- Xin ngài, ngài không được vào đâu. Tôì được lệnh như thế.

Mặt Golyadkin trắng bệch. Lúc ấy cánh cửa cuối nhà mở ra và Gerasimovich, người hầu già của Olsufy Ivanovich xuất hiện.

- Gerasimovich, vị này muốn vào, và tôi đang cố nói với ông ta...

- Alexeyevich, mầy là thằng khùng. Trở vào gọi Semenvch đến đây. Thưa ngài, ngài không vào được.

Gerasimovich nói lễ phép nhưng quả quyết :

- Họ gởi lời xin lỗi không thể tiếp ngài.

- Họ nói vậy? Họ không thể tiếp tôi?

Golyadkin ngập ngừng :

- Nhưng tại sao lại không tiếp được?

- Họ không thể, vậy thôi. Khi tôi báo là có ngài đẽn, họ bảo đi xin lỗi ngài là họ không tiếp ngài được.

- Nhưng tại sao vậy chớ? Tại sao...?

- Xin ngài vui lòng...

- Không chấp nhận được! Đi nói với họ là tôi đợi đây. Sao họ làm như vậy được? Tôi đến dự tiệc...

- Xin ngài, đừng làm cho khó khăn thêm ra.

- Thôi được rồi, nếu họ đã bảo ông đi xin lỗi... nhưng này Gerasimovich, chuyện gì vậy?

- Xin ngài...

Gerasimovich đẩy nhẹ Golyadkin qua một bên nhường lối cho hai người lúc đó bước vào.

Đó là Andrei Filipovich và Vladimir Sẹmyonovich cháu ông ta. Cả hai ngạc nhiên nhìn Golyadkin. Andrei Filipovich định nói gì nhưng lúc đó Golyadkin thấy là tõt hơn mình nên rời và chàng quay đi, mặt đỏ như gấc, mắt dán xuống đất cười một cách thảm hại. Lúc xuống lầu chàng nói với Gerasimovich :

- Tôi sẽ đến, sẽ tìm hiểu câu chuyện. Hy vọng sự hiểu lầm này sẽ được làm sáng tỏ sớm.

Chàng nghe tiếng Andrei Filipovich gọi theo: "Ông Golyadkin! Ông Golyadkin" và hỏi lại, giọng quyết liệt :

- Tôi giúp gì được ông, Andrei Filipovich?

- Chuyện gì vậy? Có gì xảy ra thế?

- Không có gì cả. Tôi có mặt ở đây vì việc riêng.

- Ông nói gì?

- Tôi nói việc riêng, và chừng nào tôi còn sống, còn trông thấy được thì tôi không can cứ gì đến việc nhà nước cũng như những cấp trên của tôi cả.

- Ông nói gì vậy, thưa ông? Gì mà có cấp trên vào đó? Có chuyện gì xảy đến cho ông vậy?

- Không, chả có gì hết. Một cô gái thiếu dạy dỗ, vậy thôi...

Andrei Filipovich hoàn toàn không hiểu gì cả :

- Cái gì? Ông nói cái gì?

Golyadkin nãy giờ đứng ở nấc thang dưới mà nói chuyện với Andrei Filipovich, và nhìn Andrei Filipovich như muốn chồm vào ông ta, thấy ông sểp của mình hơi nghiêng người, bước một bước về phía chàng. Rồi ông ta lại bước lui. Chàng tiến tới một bước, rồi một bước nữa. Andrei Filipovieh còn lẹ hon, nhảy ngay vào nhà đóng cửa lại.

Còn Golyadkin một mình. Mọi vật như quay cuồng. Chàng ngơ ngác, đứng lặng như đang cố hiểu chuyện vô nghĩa vừa xảy ra. Rồi chàng cười méo mó, nói nhỏ trong miệng: "À... À..." Lúc đó tiếng nói cười và tiếng chân từ dưới chân cầu thang vọng lên, hình như có nhiều khách đang đến. Đã tỉnh táo lại đôi chút, Golyadkin kéo cổ áo lông gấu lên che bớt mặt lầm lủi đi xuống, vấp té mấy lần. Chàng thấy tê cóng, yếu như bún, hoang mang đến nỗi lúc đã xuống chân cầu thang thay vì đợi xe đến chàng lại đi ra chỗ xe đậu qua một cái sân đầy sình lầy. Đến xe rồi, chàng nghĩ phải chi mình chui được xuống đất hay trốn vào cái hang chuột nào đó thì hay biết chừng nào. Chàng tưởng như người trong nhà đang nhìn chàng từ các cánh cửa sổ, và nếu chàng chỉ quay lại thôi chắc chàng cũng chết mất.

Lúc Petrushka giúp chàng lên xe, chàng quát :

- Mầy cười cái gì? Thằng khùng!

- Thưa, con có cười gì đâu? Có gì mà cười chớ? Thưa ông, bây giờ đi đâu?

- Về nhà, bảo đi về nhà!

Petrushka nhảy lên bậc đề chân, la lớn "chạy về nhà".

Golyadkin thầm nghĩ: "Thằng đó quang quác như con quạ đen!"

Lúc xe đã đi khỏi cầu Izmailovsky một quãng khá xa, Golyadkin bỗng giật mạnh dây cương của người đánh xe, ra lệnh cho ông ta quay xe lại. Người đánh xe quày ngựa lại và vài phút sau chiếc xe lại vào trong sân nhà của Olsufy Ivanovich.

Golyadkin la lên :

- Đồ ngốc, không phải trở lại chỗ này, không phải!

Người đánh xe như đang đợi câu này, lại chạy vòng quanh sân và tiến ra đường cái.

Thay vì về nhà, Golyadkin bảo ngừng xe gần một quán ăn quá cầu Semenovskv một chút. Chàng bước xuống trả tiền xe, cốt tống khứ nó đi cho khỏe cho rồi, và bảo Petrushka về nhà đợi chàng. Rồi chàng bước vào quán, giữ một phòng và gọi bữa ăn chiều. Chàng thấy xuống tinh thần, như có gì đang đục khoét trong đầu. Chàng bách bộ thật lâu trong phòng. Cuối cùng chàng buông mình xuống ghế, tay ôm trán, cố tìm cách giải quyết tình trạng hiện thời của mình.

Chương 4

Ngày sinh nhật của Klara Olsufievna, ái nữ của nghị viên Olsufy Ivanovich Berendeyev, một thời là ân nhân của Golyadkin, được đánh dấu bằng một bữa tối sang trọng huy hoàng lâu lắm chưa từng thấy trong các nhà quyền quý sống gần cầu Izmailovsky. Nói là bữa tiệc có lẽ đúng hơn. Nghi lễ xa hoa của bữa tiệc, và các thứ như sâm-banh Veuve Cliquot, sò huyết, trái cây mua ở hiệu Eliseyev và Milyutin, các thứ thịt mỡ khác, khiến bữa tiệc có một sắc thái như của Babylone 1. Cả giai cấp thượng lưu đều có mặt. Bữa tiệc sang trọng còn có thêm một buổi khiên vũ nói là khiêm nhường, chỉ có tính cách gia đình nhưng rất huy hoàng và văn minh lịch sự. Dĩ nhiên không phải là không bao giờ có những cuộc khiêu vũ như vậy, nhưng rất hiếm. Giống một cuộc vui gia đình hơn, và chỉ có thể có được ở nhà những người như nghị viên Olsufy Ivanovich. Hơn nữa, đã chắc gì nghị viên nào cũng có thể tổ chức được một buổi khiêu vũ như vậy đâu. Chà, nếu tôi mà là thi sĩ - dĩ nhiên phải là cỡ Homer hoặc Pushkin, vì nếu không phải cỡ đó thì bỏ đi - thì thưa quý độc giả thân mến, tôi đã có thể tả lại buổi tối sang trọng huy hoàng đó với ngòi bút phóng túng đầy màu sắc rồi. Tôi có thể khởi đầu bài thơ bằng bữa tiệc. Nhấn mạnh đến giây phút đáng ghi khi ly rượu đầu tiên được nâng lên chúc mừng nữ hoàng của dạ hội. Tôi đã có thể tả lại cái im lặng của các tân khách vào lúc đầu, một sự im lặng chờ đợi đầy tôn kính như cái im lặng của Demosthenes 2 hơn sự im lặng thông thường. Rồi Andrei Filipovich, một vị khách đáng kính với chức vụ, với lối sửa soạn hợp với mái tóc đã bạc, nâng ly rượu được mang từ một vương quốc xa xôi nào đó để dùng vào những dịp như vậy, một loại tiên tửu hơn là rượu thường. Tôi cũng đã có thể tả lại cảnh ông bà thân sinh của nữ hoàng dạ hội và các khách khứa, với đôi mắt đợi chờ, cùng nâng ly với Andrei Filipovich. Rồi Andrei Filipovich, rơi lệ vào ly, chúc nữ hoàng hạnh phúc và uống mừng sức khỏe nàng.

Nhưng chắc chắn là tôi không thể tả nối giờ phút huy hoàng lúc Klara Olsufievna, nữ hoàng của dạ hội, mặt tươi như hoa xuân trong niềm sung sướng, vì quá xúc động đã ngả vào lòng mẹ bật khóc khiến cho chính ngài lão nghị viên đáng kính cũng phải sụt sùi. Olsufy Ivanovich, người đã khiếm dụng một chân sau thời gian phục vụ lâu dài và đã được tưởng thưởng cho lòng nhiệt thành phục vụ đó một lợi tức nhỏ gồm một ngôi nhà, một sở đất đông người ở và cô con gái xinh đẹp, phải nói là ông đã khỏe như một đứa trẻ, và trong tiếng nức nở nghẹn ngào đó ông vẫn cố nói là ngài Bộ trưởng là người khoan hậu nhân từ.

Và tôi cũng không tả được sự theo dõi say sưa của những người có mặt hôm đó khi Andrei Filipovich nói. Chẳng hạn, một viên chức trẻ tuổi sở Đăng Ký (lúc đó trông giống một nghị viên hơn là viên chức đăng ký) đã bật khóc khi nghe Andrei Filipovich.

Và Andrei Filipovich lúc đó cũng không còn giống một viên chức hay một chi sở trưởng của Nhà nước nữa - nhưng như một ai khác hẳn... Tôi không thể nói chính xác được, nhưng chắc chắn không giống một viên chức chính phủ. Ông có vẻ vĩ đại hơn... Ồ, tại sao tôi lại không có được ngòi bút mạnh mẽ, quý phái để có thể nói lên cái toàn chân, toàn mỹ của con người, lúc con người như là một bằng chứng của đạo đức thắng phá hoại, phóng đãng, xấu xa ghen tị nhỉ?

Vậy, tôi sẽ không nói gì về việc đó nữa, nhưng trong cái im lặng của tôi - cái im lặng xác đáng hơn bất kỳ lời biện thuyết nào - tôi sẽ hướng về môt người trẻ tuổi sung sướng vừa được 26 mùa xuân là Vladimir Semyonovich, cháu của Andrei Filipovich khi chàng nâng ly trước đôi mắt rưng lệ của vị thân sinh nữ hoàng, cặp mắt tự hào của Andrei Filipovich và tia nhìn e lệ của chính nữ hoàng, trước mọi con mắt ngưỡng phục của khách khứa và cả một vài ánh mắt ganh tị của vài đồng sự trẻ tuổi khác. Như vậy dù tôi sẽ không nói gì, tôi cũng không thể không lưu ý rằng tất cả mọi thứ thuộc về con người trẻ tuổi này (mà theo một nghĩa nào đó có vẻ là người đã già dặn hơn là một cậu trẻ), tất cả, từ đôi má đỏ hây hây đến tước vị, đều nói lên trong giờ phút vinh quang này thái độ đúng đắn nhất của một người.

Tôi cũng sẽ không tả lại cái lúc Anton Antonovich Setochkin, thư ký trưởng của sở, bạn đồng sự của Andrei Filipovich, có lần cũng là của Olsufy Ivanovich và đồng thời là bạn xưa của mọi người trong gia đình và cũng là cha đỡ đầu của Klara Olsufievna, một người nhỏ con trắng trẻo, khi đến lượt nâng ly chúc mừng đã bất ngờ kêu quang quác như gà rồi ngâm vài câu thơ thật vui nhộn, và với việc làm trái nghi lễ đó, nếu chúng ta có thể cho là thế, ông đã khiến mọi người cười đến chảy nước mắt và Klara Olsufievna, nghe lệnh cha mẹ, đã hôn ông để thưởng cho sự thân ái và vui vẻ đó của ông.

Tôi sẽ chỉ nói một điều là sau khi đã nảy sanh những cảm tình huynh đệ thắm thiết sau một bữa tiệc như vậv, các vị khách đứng dậy rời bàn. Các vị đứng tuổi sau khi đã nói chuyện thân mật, thậm chí có người còn thủ thỉ nữa, đã rủ nhau lặng lẽ qua phòng khác và không để mất thì giờ chia ngay thành từng nhóm rồi kiêu hãnh ngồi chung quanh những dãy bàn bọc nỉ xanh. Các bà còn ở lại trong phòng khách bỗng trở nên thân nhau và nói chuyện thật nhiều. Và sau cùng vị gia chủ đáng kính. Người đã bị một chân khiếm dụng vì lòng trung thành và sự hăng say phục vụ tổ quốc và đã được tưởng thưởng như đã nói phần trên, cũng cầm lấy nạng và bước đi giữa đám khách, với sự giúp đỡ của con gái và của Vladimir Semvonovich. Ông cũng tự dưng thành tử tế và quyết định tổ chức một buổi khiêu vũ khiêm nhường, không ngại tốn kém. Chàng thanh niên nhanh nhẩu, người mà tự nãy giờ trông giống một vị nghị viên hơn là một người trẻ tuổi, được lệnh đi tìm thuê ban nhạc. Chàng vội vã đi liền và trở lại với một ban nhạc không dưới mười một nhạc sĩ. Và đúng tám giờ ba mươi phút, những tiếng nhạc mở đầu của một điệu Quadrille Pháp 3 vang lên, rồi sau đó lẫn với các điệu vũ khác.

Tôi không cần phải nói là ngòi bút của tôi quá vụng, quá chậm chạp, quá ngớ ngẩn để tả lại hình ảnh độc đáo của buổi khiêu vũ do vị chủ nhân tóc bạc tổ chức trong cái ấm áp kỳ lạ đó. Làm sao mà tôi, kẻ thuật lại câu chuyện, không, phải nói là thuật lại những cuộc phiêu lưu của chàng Golyadkin, làm sao mà tôi có thễ nói lên được sự hòa hợp giữa sắc đẹp, tao nhã, lịch sự, vui nhộn, cái thân ái đầy lễ độ và cái lễ độ đầy thân ái, các trò chơi vui của các vị phu nhân trông như các vị tiên (nói theo nghĩa đẹp) với những bờ vai trắng như huệ, má đỏ hây hây, dáng vẻ thanh tao, vui tươi nhí nhảnh, với những đôi chân xoắn xuýt? Làm sao tôi tả được những hiệp sĩ quyền quý, những chàng trẻ tuổi vui tươi, và những vị điềm đạm và sung sưởng, tất cả như ở trong một màn sương, phì phà ống điếu giữa mỗi điệu nhảy trong căn phòng màu xanh nhỏ và biệt lập, tất cả đều mang những tên thật hay và những địa vị cao sang, đều có đầu óc thầm mỹ cũng như sự tự trọng, những người chỉ thưa chuyện với các bà các cô phần lớn bằng tiếng Pháp, và nếu có lúc nào phải dùng tiếng Nga thì cũng nói với giọng hay nhất, cho những lời ca ngợi và những câu có ý nghĩa sâu xa - chỉ trừ trong phòng hút thuốc mới có những câu nói thân mật trong nhà, chẳng hạn "Ê Peter, bạn nhảy thật hết mình trong điệu Polka đó" hoặc "Này, cậu nhỏ Vaska, cứ như là hễ cậu muốn cô ấy là cậu được liền!".

Những điều này, như tôi đã thưa với quý vị độc giả thân mến, thật quá sức đối với ngòi bút của tôi, vậy thì tôi giữ yên lặng. Chúng ta nên trở về với ông Golyadkin, nhân vật chính rất thật trong câu chuyện rất thật của chúng ta.

Lúc đó, nói thật, chàng ở trong một tình trạng hết sức kỳ cục. Chàng cũng có ở đấy. Tôi không nói ở ngay nơi khiêu vũ nhưng cũng gần như vậy. Chàng cũng không có sao hết, và dầu chàng đang bận nghĩ đẽn chuyện riêng, cũng không thể nói là chàng đang ở trên con đường ngay thẳng tuyệt đối được. Chàng đang đứng ở - nói điều này cũng kỳ nữa - ở lối vào phía sau nhà Olsufy Ivanovich. Vậy đó. Chàng đứng đấy, nấp vào một xó có lẽ không phải ấm áp nhất mà là tăm tối nhất, giữa tấm bình phong đã cũ và một tủ chén dĩa lớn, giữa những thứ đồ thừa thãi bỏ phế. Chàng đứng đợi đến giờ hành động, và trong lúc chờ đợi chàng nhìn mọi sự như một kẻ bàng quan.

Thưa quý vị, chàng đang đứng quan sát. Nhưng nếu vào được thì chàng - nếu được chọn - sẽ vào ngay. Vậy sao chàng không bước vào cho rồi? Chỉ việc tiến tới, quá dễ. Bây giờ đứng trong xó tối lạnh lẽo, giữa những rơm rác thừa thãi chàng cố tạo can đảm cho mình bằng cách thì thầm một câu của Tổng trưởng Pháp Villèle "mọi việc sẽ tới với kẻ nào biết chờ đợi". 4

Golyadkin đã tìm được câu đó trong một quyển sách thật ra chẳng ăn nhập gì đến lúc này nhưng chàng lại thấy rất hữu ích và hợp thời cho mình. Đối với một kẻ ngót ba tiếng đồng hồ đứng trong xó tối lạnh lẽo để chờ một kết cuộc như ý thì có gì lại không nảy ra trong đầu? Sau khi đã tìm ra câu của Villèle, chàng cũng nhớ lại quốc lão Martsimaris của Thổ Nhĩ Kỳ, người đẹp Margravine Louise, những nhân vật chàng đã đọc đâu đó. Chàng cũng nhớ ra những người Thiên Chúa Jesuits 5 cũng dùng mọi phương tiện miễn sao đạt mục tiêu. Nhưng khi đã rút can đảm từ lịch sử, Golyadkin lại tự hỏi: "Những thứ đó thì sao?", "Jesuits là những người nào vậy?" Họ chỉ là bọn điên, chàng có thể hơn họ nhiều.

Khi bọn gia nhân rời phòng nhỏ dẫn đến lối vào đằng sau, nơi Golyadkin đang đứng, không cần biết gì Jesuits này nọ, chàng cũng có thể rời phòng đó để đi vào phòng uống trà, rồi vào phòng đánh bài, rồi thẳng đến phòng khách nơi mọi người đang nhảy Polka.

Vâng, chàng có thể đi, đi qua thật nhanh mà không ai kịp thấy, và đến đó chàng có thể biết sẽ làm gì.

Thưa quý vị, đây là chỗ đứng của người hùng của câu chuyện thật của chúng ta, dầu thật khó giải thích trạng thái chàng lúc đó. Đó là chàng thành công trong việc đi đến thang lầu, vào lối sau bởi vì không có gì ở đó cả và ai muốn đi như vậy cũng được. Nhưng rõ ràng là chàng không dám đi xa hơn, nói vậy nghĩa là dầu chàng đếch sợ gì, chàng cũng không muốn vào làm chi, và thấy tốt hơn nên âm thầm. Và thưa quý vị, tại sao chàng không thể chờ thêm khi đã âm thầm chờ đúng hai giờ ba mươi phút?

"Villèle có ăn nhập quái gì đến mình? Tại sao phải để ý đến Villèle? Vào đó có gì đâu? Đồ vô dụng!" Chàng ấn hai ngón tay tê cóng vào đôi má lạnh giá. "Golyadkin, đồ ngu, đồ điên, ngớ ngẩn". Nhưng câu nhận xét này chỉ thoáng qua với chàng.

Rồi chàng lại quyết định tiến tới. Hình như đã đến lúc rồi. Phòng nhỏ đã vắng người - đến lúc rồi. Golyadkin thấy điều đó khi nhìn qua cửa sổ. Nhảy vài bước, chàng đến trước cửa, xoay chốt.

"Đi hay không? Nên vào hay không? Được rồi, cứ vào, sao lại không? Người quyết chí thì làm gì cũng được".

Nhưng dầu đã tự nói vậy, người hùng của chúng ta lại vẫn vội vàng lùi về sau tấm bình phong lần nữa.

Chàng lại nghĩ :

- "Không được, nếu bước vào thì đã sao cơ chứ? Người ta đã vào rồi. Tại sao mình cứ chần chờ khi không thấy có người? Mình có thể vào được rồi kia mà. Bây giờ làm sao vào thật tỉnh? Mình sao có ý hướng gì đâu không. Mình thật không có can đảm. Thiếu can đảm - họ nói vậy. Còn dám bị nói là làm lộn xộn hết mọi sự nữa là khác. Thôi khỏi lo, cứ đứng đây như một kẻ vô sự, không biết gì hết. Phải như ở nhà lúc này cũng được tách trà. Nếu bây giờ có một tách thì tuyệt biết mấy. Mình về trễ chắc Petrushka sẽ cằn nhằn. Có nên trở về không? Ôi, mặc kệ, mình về nhà đây".

Giải quyết xong tình thế nan giải, Golyadkin bật ra trước như lò xo. Chỉ hai bước chàng đã đến phòng nhỏ đó, ném áo ngoài, cất nón, dồn cả vào một góc, kéo thẳng quần áo, vuốt tóc và... và đi lên phòng uống trà, từ đó chàng lủi qua một phòng khác, len lỏi giữa những con bạc vì đang sát phạt nên không kịp nhận ra chàng. Chàng cũng như quên hết mọi chuyện chung quanh và bất thần bước vào phòng khiêu vũ.

Lúc đó mọi người đang đưa nhau trong tiếng nhạc. Các bà theo từng nhóm màu sắc đang tha thướt, và các ông đứng theo vòng tròn hay đi quanh mời các bà ở vũ điệu tiếp. Nhưng Golyadkin không thấy những cái đó, chỉ thấy Klara, với Andrei Filipovich rồi Vladimir Semyonovich và ba bốn cậu trẻ khác, những kẻ tương lai đầy hứa hẹn và chỉ mới nhìn thôi cũng thấy là đã thực hiện được những gì người khác trông mong. Chàng cũng có thấy vài người khác. Ồ, không, chắc không phải, chàng không thấy ai khác. Chàng chỉ bị đẩy bật đi như bởi một lò xo, đưa chàng bất thình lình vào giữa phòng nhảy. Và chàng tiếp tục di động, chạm một vị nghị viên, đạp lên chân ai đó, dẫm phải áo một bà mệnh phụ đáng kính làm rách mất một mảng, xô một người hầu bàn đang bưng khay, xô vài người nữa mà không biết, đúng hơn, biết mà chẳng cần. Chàng tiến tới, không nhìn - nhìn thì được ích lợi gì đâu? - tiến mãi cho đến lúc thấy mình đã ở trước mặt Klara Olsufievna.

Chắc chắn là nếu chui được xuống đất chàng cũng vui lòng, nhưng điều gì làm đã làm rồi, và không thể không làm được. Vậy chàng phải làm gì? "Nếu tôi thất bại tôi cũng không mất can đảm, nếu tôi thành công tôi nhẫn nhịn... Golyadkin không, âm mưu, không lấy giày đánh bóng sàn..."

Và thật, những cái đó đã được chứng minh. Hơn nữa, người đạo Jesuits cũng có trong đó nữa... nhưng làm sao Golyadkin còn nhớ đến họ được. Mọi người đang đi đứng, đang cười nói ồn ầo bỗng trở nên yên lặng và từ từ vây lấy Golyadkin. Nhưng chàng như không nghe, không nhìn thấy gì cả. Cũng không có gì bắt chàng phải nhìn. Chàng cúi mặt, đứng thầm thì những lời giúp chàng thêm can đảm. Rồi chàng nói với mình: "Nào" và trong sự kinh ngạc của chính mình, chàng bắt đầu nói.

Chàng bắt đầu với những lời ca tụng chúc mừng. Phần ca tụng trôi qua êm thắm nhưng khi đến phần chúc tụng, chàng lại luống cuống dầu biết trước là nếu luống cuống thì mọi sự sẽ lộn xộn hết. Vì vậy chàng đỏ mặt, không tự kiểm soát được, ngửng đầu lên nhìn quanh. Và chàng sững sờ. Mọi người đang vây quanh chàng. Nhích xa hơn một chút, họ xầm xì, rồi nhích lại, họ cười.

Golyadkin nhìn Andrei Filipovich với vẻ cầu hòa nhưng Andrei Filipovich nhìn lại với cặp mắt nếu không giết được người hùng của chúng ta ở lần thứ nhất thì ở lần thứ nhì cũng giết được. Sự im lặng kéo dài.

Rồi Golyadkin nói, giọng thật khó nghe :

- Việc này chỉ liên quan đến đời sống riêng, của tôi thôi, Andrei Filipovich. Không can gì đến việc làm của một viên chức nhà nước cả...

- Thưa ông, ông phải tự lấy làm xấu hổ.

Andrei Filipovich thấp giọng, như bị sỉ nhục, và cầm tay Klara quay đi.

- Không có gì phải xấu hổ với tôi cả.

Golyadkin cũng hạ giọng, nhìn quanh một cách thảm hại như cố tìm giữa đám người ngớ ngẩn quanh chàng một lối thoát cho mình.

- Thế nào, thưa quý vị? Việc này có thể xảy đến cho bất cứ ai.

Golyadkin nói nhỏ, lùi sau một chút cố thoát ra vòng người.

Họ để chàng đi, chàng đã bị định mệnh xô đẩy, và chính định mệnh đang đẩy chàng ra, chàng nghĩ vậy. Điều chắc chắn là nếu bây giờ chàng được đứng ở chỗ nấp phía sau lúc nãy thì tốn bao nhiêu chàng cũng chịu. Nhưng vì không thể được, chàng cố trốn vào một góc nào đó, hy vọng được đứng đó yên lặng khiêm tốn, không phiền đến ai, không cần ai chú ý, nhưng lúc chàng nhận thấy cái vẻ lượng thứ của chủ nhà và khách khứa, chàng thấy đất dưới chân như rung chuyển và chỉ muốn ngã.

Chàng tìm cách đến một góc phòng, đứng như một người bàng quan, đặt tay lên hai chiếc ghế (nhờ vậy chàng chiếm hữu luôn) và cố nhìn khách khứa của Olsufy Ivanovich, những kẻ vừa bu quanh chàng một cách vui vẻ. Người gần chàng nhất là một sĩ quan lục quân cao lớn đẹp trai, đứng gần ông ta Golyadkin thấy nhỏ bé như con rệp.

Golyadkin nhìn ông ta khẩn khoản :

- Thưa trung úy, hai ghế này dành cho Klara Olsufievna và công chúa Chevchekhanov. Họ đang khiêu vũ. Tôi giữ ghế cho họ.

Vị sĩ quan không nói gì, quay đi với nụ cười khó chịu.

Thất bại với viên sĩ quan, Golyadkin thử thời vận với một nghị viên quan trọng, có ngôi sao trên cổ áo, nhưng người này đáp lại với cái nhìn lạnh lùng khiến Golyadkin tưởng như bị gáo nước lạnh dội lên đầu. Chàng im luôn.

Chàng thấy tốt hơn là đừng nên nói gì cả, để chứng tỏ là chàng cũng như người khác, không có gì phải thắc mắc, và địa vị của chàng cũng được chấp nhận. Chàng nhìn xuống tay áo mình, và khi ngẩng đầu lên, mắt chàng lại dán vào một người trông rất đáng kính.

- "Vị đó đang đội tóc giả" Golyadkin nghĩ thầm "nếu tóc giả rơi xuống, đầu ông ta cũng trơ trụi như lòng bàn tay mình".

Khám phá ra điều quan trọng đó, Golyadkin nhớ lại là các vị tộc trưởng Ả Rập dưới những cái khăn buộc đầu để chỉ liên hệ gia đình với tiên tri Mohammed cũng có những cái đầu trọc lóc, lấy khăn ra là thấy liền. Rồi chìm đắm trong suy tưởng, Golyadkin đi từ người Ả Rập sang người Thổ, rồi từ người Thổ qua dép Thổ, khiến chàng thấy giày Andrei Filipovich mang trông giống dép hơn là giày.

Cũng có thể nói được rằng Golyadkin đã phần nào hòa mình vào hoàn cảnh.

Chàng lại nghĩ :

"Nếu cái đèn treo lớn trên kia rơi xuống đầu mọi người, mình sẽ xô đến cứu Klara, cứu nàng rồi sẽ nói với nàng: Đừng lo lắng, không sao đâu. Tôi là người cứu cô đây".

Đến đây Golyadkin quay đầu tìm Klara Olsufievna, và bắt gặp cái nhìn nghiêm khắc của Gerasimovich đang bước lại phía chàng. Golyadkin rùng mình nhăn mặt, thấy khó chịu. Chàng nhìn quanh, nghĩ rằng tốt hơn nên lờ đi, làm như không can dự đến chàng. Tuy nhiên trước khi chàng có đủ thì giờ quyết định, Gerasimovich đã đứng trước mặt chàng.

Golyadkin nhe răng cười :

- Nhìn cây đèn kìa, Gerasimovich. Nơi giá đèn đó. Nó gần rớt xuống rồi. Ông nên cho sửa ngay đi.

- Cây đèn? Không, thưa ngài, cây đèn ngay rồi. Nhưng có người đang hỏi ngài.

- Ai hỏi tôi?

- Tôi không nói chắc được, thưa ngài, hình như gia nhân của ai đó. Anh ta đến và hỏi: "Có ông Yakov Petrovich Golyadkin đây không? Làm ơn cho ông ấy biết có việc cần ông ấy". Vậy, thưa ngài...

- Không, Gerasimovich, không ai hỏi tôi hết. Chắc ông lầm đó.

- Không thể được, thưa ngài, vô lý.

- Không, Gerasimovich ạ. Không có gì vô lý khi ông lộn, không có gì vô lý, không thể được hết. Không ai hỏi tôi. Thật sự không ai hỏi tôi được cả.

Golyadkin hít vào một hơi dài, nhìn quanh. Chính thế! Mọi người trong phòng khách đang chú tâm nghe chàng và nghiêm trang nhìn chàng. Các ông gần chàng đang lắng tai nghe, các bà đang xầm xì như cảnh giác. Gia chủ cũng không ở xa đó lắm, và dầu ông ta không cho thấy là mình đang nắm trực tiếp vận mạng của Golyadkin trong tay, người hùng của chúng ta vẫn thấy đã đến giây phút quyết định, đến lúc tạo sóng gió khiến kẻ thù phải ê mặt. Chàng bị kích thích mạnh, nói với Gerasimovich bằng giọng nghiêm trang nhưng run rẩy :

- Không, ông bạn, không ai hỏi tôi hết. Ông lầm rồi. Tôi cũng cho ông hay là sáng nay ông cũng lầm khi bảo với tôi là... tôi muốn nói khi ông đoan chắc với tôi là - Golyadkin cao giọng - là Olsufy Ivanovich, ân nhân lâu đời của tôi, người tôi xem như cha, đã không cho tôi vào dự một buổi lễ nghiêm trang trong gia đình, một cuộc lễ như một niềm vui của bậc cha mẹ.

Có hơi xúc động nhưng thật tự tin, mắt ngấn lệ, Golyadkin nhìn các khuôn mặt chung quanh. Chàng kết luận :

- Ông bạn, tôi nhắc lại là ông đã mắc phải một lỗi lớn, không thể tha thứ được.

Một giây phút trang nghiêm. Golyadkin thấy việc làm của mình đã có hiệu quả. Chàng cúi đầu, chờ Olsufy Ivanovich chạy tới ôm lấy chàng. Đám đông như bị xúc động. Ngay cả lão Gerasimovich đáng ghét cũng lắp bắp như cố nói "... không thể được..."

Nhưng bỗng nhiên giàn nhạc tàn nhẫn chơi một bản Polka. Tất cả đều thay đổi, như một luồng gió thổi tan cái hiệu quả của Golyadkin đi. Chàng run lên. Gerasimovich bước về phía sau. Cả phòng chuyển động như nổi sóng. Vladimir Semyonovich lại bay nhảy trên sàn với Klara, và viên trung úy đẹp trai với công chúa Chevchekhanov. Những người khác, tò mò và khích động nhìn điệu vũ thời trang đang lôi cuốn mọi người. Lúc đó không còn ai nhớ đến chàng Golyadkin nữa.

Rồi mọi người lại bị xúc động. Nhạc ngưng... một việc lạ xảy ra. Klara Olsufievna, quá mệt vì nhảy nhiều, má đỏ bừng, ngực phập phồng buông mình xuống ghế. Tất cả đều đổ xô đến nàng như muốn chứng tỏ sự quan tâm của mình, và ơ kìa, Golyadkin cũng đang ở bên nàng. Mặt chàng xanh tái, khẩn trương. Giống nàng, chàng cũng như bị hụt hơi, kiệt sức, không cử động nổi. Chàng cười lạ lùng, cố vươn tay về phía nàng. Ngạc nhiên quá đỗi, Klara không có thì giờ quyết định rút tay lại. Nàng vô tình đứng dậy theo Golyadkin. Golyadkin xoay người, nghiêng ra trước, một bước, hai bước, rồi nhấc một chân, đập gót vào nhau, dậm xuống sàn, nhưng lại vấp... Chàng cũng muốn được nhảy với Klara.

Nàng la lên. Mọi người đổ xô đến gỡ nàng ra khỏi Golyadkin và chàng thấy mình bỗng cách nàng ít nhất mười bước. Một vòng người bao quanh chàng. Hai bà đứng tuổi hầu như chàng muốn hất văng khi bị xô đẩy lúc nãy đang kêu la om xòm. Lộn xộn không thể tả được, tất cả như náo loạn lên, người ta hỏi han, la hét, phê phán. Ban nhạc đã ngừng chơi. Đứng giữa vòng người. Golyadkin cười lãng xẹt, tự hỏi: "Sao thế nhỉ?..." Chàng thấy điệu Polka là điệu nhảy mới và thật hào hứng để làm vui các bà, không hiểu sao chàng lại... nhưng vì nó là như vậy, chàng đành vui lòng mà chịu. Nhưng hình như không ai cần hỏi xem chàng có vui lòng không. Chàng thấy một bàn tay nắm lấy cánh tay mình, rồi một bàn tay khác đẩy từ sau lưng và chàng được âu yếm dẫn đi nơi khác. Chàng thấy mình đang đi thẳng đến cửa, và cố cười bỏ qua. Rồi chàng được choàng áo vào, chụp nón lên đầu và nhận ra mình đứng ở cầu thang, trong tăm tối lạnh lẽo. Chàng vấp ngã, tưởng như mình rơi vào vực thẳm, định la thất thanh thì đã thấy mình đang đứng ngoài sân. Không khí mát mẻ ngăn tiếng la của chàng lại, và chàng thoảng nghe ban nhạc chơi một điệu khác. Chàng bỗng nhớ lại mọi việc, và sức mạnh tưởng như đã bỏ chàng nay bỗng trở lại. Đang đứng như dính chặt vào đất, chàng vùng chạy, chạy thẳng như thằng điên, chạy tìm chỗ nào mát mẻ, tự do, chạy mãi.

--------------------------------

1

Một vương quốc cổ xưa ở Tây nam Á Châu.

2

Nhà hùng biện Hy Lạp (384-322 trước T.L.)

3

Điệu nhảy gồm bốn cặp.

4

Thật ra là một câu trong tác phẩm Gargantua của Rabelais.

5

Thuộc Thiên Chúa giáo La Mã, thành lập do Ignatius of Loyale.

Chương 5

DDồng hồ trên các ngọn tháp của Petersburg đánh 12 tiếng lúc Golyadkin, như mất hồn, từ cầu Izmailovsky chạy đến đê Fontanka, trốn kẻ thù, trốn những ngược đãi, những cái đá, những tiếng la om xòm của mấy mụ xấu xa, tiếng than van của các bà, trốn cái nhìn khó chịu của Andrei Filipovich. Golyadkin đã bị giết - bị giết theo đúng nghĩa, và nếu chàng còn có thể chạy được cũng là do phép lạ, một phép lạ chính chàng cũng không tin nổi. Đó là một đêm kinh khủng tháng Mười Một, một đêm ướt át, sương mù, mưa, tuyết, thêm với cái lạnh nhức đầu, cúm, nóng nực, mọi thứ sốt - tóm lại, với đủ cái trời cho Petersburg trong tháng Mười Một. Gió rít lên trên những phố vắng, đưa nước sông Fontanka đen ngòm lên bờ, lay động ánh sáng con đường đang yếu ớt chiếu trên bờ đê như cũng muốn rít lên trả lời tiếng gió, làm thành một cuộc hòa nhạc quen thuộc với dân Petersburg. Trời đang mưa và tuyết đang rơi. Mưa bị gió đánh bạt về phía chân trời, trông giống vòi nước của lính cứu hỏa, như trăm ngàn mũi kim châm chích vào mặt chàng Golyadkin khốn khổ.

Trong yên lặng đêm dài, ngoài tiếng lọc cọc xa xa của các cỗ xe, tiếng gió gào, tiếng ánh đèn rít lên hòa điệu, người ta còn có thể nghe tiếng nước buồn bã đánh vào bờ và róc rách chảy từ các mái nhà, các bậc cửa, các máng xối, các bờ dốc xuống lề đường. Không có một linh hồn nào, dù gần hay xa, vì ra ngoài trong thời tiết như vậy thật là chuyện khó có. Và vì vậy, rất cô độc, Golyadkin chạy dọc theo đê Fontanka bằng những bước ngắn và nhanh, cố trở về căn phòng của mình trên lầu tư đường Six Shop càng sớm càng tốt.

Dầu tuyết, mưa gió, sương mù và cái khủng khiểp không tên làm nên một trận bão tháng Mười một ở Petersburg phủ lấy Golyadkin khi chàng đã gần như tan tành bởi định mệnh, không xót thương, không nương tình với chàng chút nào, làm chàng ướt thấu xương, mắt chàng gần như trít lại, thôi xoáy vào chàng từ mọi phía, khiến chàng như mê muội đi, hết khả năng lý luận - dầu những thử thách này đến với chàng như là đã được sắp đặt trước với kẻ thù để cho chàng một ngày, một buổi tối, một đêm nhớ đời, song Golyadkin lại hầu như không hay biết gì đến lần biểu dương cái thù ghét cuối cùng này của số mệnh với chàng, chàng vẫn còn bị khích động bởi những gì xảy ra vào phút trước tại nhà nghị viên Berendeyev.

Nếu có người nào ngoài cuộc thấy bộ điệu hấp tấp mà đau khổ của Golyadkin, cũng có thể thấy ngay là chàng vừa gặp sự gì khủng khiếp lắm, và chàng đang cố gắng chạy trốn chính mình, nấp đâu đó để tự trốn lấy mình. Vâng, chắc chắn là thế. Chúng ta còn có thể đi xa hơn, nói rằng Golyadkin không phải chỉ muốn trốn mình mà thôi, chàng còn muốn tự hủy, tự biến thành cát bụi. Chàng không thấy gì chung quanh, không hiểu gì cả, và như không biết đến cái thời tiết quá tệ đó, không hay là mình đã dầm quá lâu trong mưa, tuyết, gió và đủ thứ khó chịu khác. Một miếng cao su rơi ra từ đế giày phải của chàng vẫn nằm yên trên đống bùn tuyết vì Golyadkin không tài nào nhớ mà nhặt lên. Chàng suy nghĩ miên mang đến nỗi ngừng lại nhiều lần, không cần gì mưa gió, đứng như cây trụ đường, hình dung lại cái xuống dốc vừa rồi của mình, chết lặng, tan biến trong nhũng lúc đó, rồi lại vùng lên như người điên, chạy thẳng không nhìn lại, như chạy trốn điều gì kinh khủng đang đuổi theo... Chàng đang ở trong tình trạng tuyệt vọng hoàn toàn.

Cuối cùng Golyadkin đứng lại, tựa vào rào cản của con đê, như một người bất ngờ bị chảy máu mũi, và nhìn chầm chập vào dòng nước đen ngòm của sông Fontanka. Không biết chàng đứng bao lâu, nhưng có thể nói được là sau khi đã bị ê chề thất vọng, chàng trở thành quay cuồng, tan nát, đau khổ, phần còn lại của lý trí cũng sụp đổ luôn và chàng quên tất cả, quên cầu Izmailovsky, đường Six Shop, quên mình đang ở đâu...

Nhưng nhớ những cái đó làm gì cơ chứ? Tại sao chàng lại phải để ý đến chúng? Chàng đã làm những gì phải làm, quyết định của chàng đã được thi hành, vậy có gì đâu chàng phải lo lắng?

Bỗng... bỗng một cú "sốc" lại đến với chàng. Chàng nhảy hai bước khỏi rào cản một cách vô thức, nhìn quanh sợ hãi, ngơ ngác. Nhưng không có ai cả. Không có gì lạ xảy ra, tuy nhiên... tuy nhiên chàng có cảm tưởng như chỉ mới đây một giây đồng hồ có ai đứng cạnh chàng, cũng tựa vào rào cản giống chàng, và, khó tin quá, đã có nói gì đó với chàng, nói rất mau, bất ngờ và không rõ ràng, nhưng là nói điều gì đó liên hệ đến chàng.

- "Chắc mình chỉ tưởng tượng" Golyadkin nhìn quanh "nhưng mình đứng làm gì đây? À, cái...". Chàng lắc đầu, vừa chán nản vừa sợ sệt nhìn vào cái ướt át tối tăm, cố xuyên thủng khoảng không gian đen như mực đó với đôi mắt cận của mình. Nhưng Golyadkin không thấy gì đáng ngờ cả, mọi thứ đều bình thường, chỉ có tuyết rơi dầy hơn - những bông tuyết lớn và nhiều hơn, nên không thể nhìn xa hơn hai thước được. Đèn đường rít lên, gió rên rỉ như ăn mày đang xin người qua lại một kopeck mua đồ ăn.

- Ồ, rốt cục có chuyện gì đâu? - Golyadkin nói, bắt đầu đi, nhưng vẫn nhìn quanh thận trọng. Rồi một cảm giác mới lại đến với chàng. Như sợ hãi băn khoăn, nhưng cũng không phải vậy. Một sự ớn lạnh chạy dài khắp xương sống. Thật quả là khó chịu đựng nổi.

Chàng tự trấn tĩnh :

- Đừng để ý, chắc không có gì quan trọng lắm đâu, ai lại phải khổ sở như vậy. Có lẽ chuyện đó phải xảy ra, vậy thôi - Chàng tiếp tục mà không hiểu mình nói gì - có lẽ sẽ có một lúc thấy là mọi sự xảy ra đều tốt đẹp, sẽ không có gì đáng phàn nàn và mọi chuyện đã làm sẽ được biện minh.

Lúc chàng nói, và cảm thấy nhẹ bớt nhờ những lời đó, chàng hất những bông tuyết đã rơi đầy trên nón, trên cổ áo, áo khoác, cà-vạt, giày và mọi thứ khác, nhưng cũng không thể hất được cái cảm giác lo lắng lạ lùng đang ngập tràn.

Có tiếng đại bác từ xa vọng về.

- "Thời tiết đáng sợ - người hùng của chúng ta nghĩ - Dám còn có lụt nữa. Xem, nước sông, như dâng cao".

Vừa mới nói xong Golyadkin đã thấy có người bước lại phía mình. Có lẽ cũng chỉ là một bộ hành trễ tràng như chàng. Chuyện rất thường, một việc xảy ra tự nhiên, nhưng sao Golyadkin vẫn thấy không yên tâm, chàng còn thấy sợ nữa. Không phải chàng thật sự sợ kẻ bộ hành bất lương nhưng chàng nghĩ: "Ai biết được, biết đâu hắn không phải chỉ tình cờ đi nơi này, nhiều khi hắn cố khiêu khích mình sao?"

Có thể là Golyadkin không nghĩ với nhiều chữ như vậy, nhưng chàng thấy điều đó trong một giây và cái cảm giác đó thật chẳng còn nhiều thì giờ để suy nghĩ hay cảm thấy, vì người đó chỉ còn cách chàng khoảng hai bước.

Theo thói quen, Golyadkin lập tức làm ra vẻ như đang bận tâm chuyện riêng, không muốn động chạm, như là con đường đủ rộng cho mọi người và chàng không muốn phiền đến ai.

Nhưng thình lình chàng dừng phắt như bị sét đánh. Rồi quay lại thật nhanh nhìn người khách vừa đi qua. Chàng quay lại như bị đẩy từ phía sau, như gió đẩy chong chóng. Người lạ đó đang chìm mất trong bóng tối đầy tuyết, ông ta cũng nhanh và cũng giống Golyadkin, vội vã nhảy từng bước dọc theo đê Fontanka.

- Thế nghĩa là sao? Golyadkin cười gượng gạo, không tin. Một cái lạnh thấu xương sống khiến chàng rùng mình.

Bây giờ người lạ đã đi xa, cũng không còn nghe tiếng chân nữa. Nhưng Golyadkin vẫn còn đứng đấy, nhìn vào chấm đen cho đến khi mất hẳn.

Rồi chàng lại bực tức với chính mình sau đó :

- Ta làm sao vậy? Có phải ta đang mất trí chăng?

Chàng quay lại, tiếp tục đi, bước mỗi lúc một nhanh, cố không nghĩ ngợi gì cả. Muốn chắc ăn, chàng nhắm mắt lại. Bỗng trong tiếng gió chàng nghe tiếng chân. Chàng run lên, mở mắt ra. Một người đang bước về phía chàng. Cách chừng 20 bước. Người đó bước như nhảy, coi bộ vội vã, và khoảng cách giữa hai người đang thâu ngắn nhanh chóng. Rồi Golyadkin đã có thể phân biệt rõ ràng hình dáng của người đó. Chàng nhìn kỹ, bật tiếng la hoảng, kinh ngạc. Chân chàng chỉ muốn quỵ xuống. Chính là người bộ hành đã qua mặt chàng cách đây mười phút, và bây giờ không hiểu sao lại xuất hiện trước mặt chàng. Nhưng không phải Golyadkin ngừng lại la hoảng chỉ vì một trường hợp thông thường như vậy. Chàng quay lại, muốn nói điều gì, gọi lớn bảo người kia chờ. Người lạ đành dừng lại cách chừng mười bước, ngọn đèn đường soi rõ ông ta, và ông ta quay lại phía Golyadkin, đợi với bộ lo lắng bồn chồn.

Người hùng Golyadkin run giọng :

- Xin lỗi... chắc tôi lầm...

Người lạ không nói gì cả, bực dọc quay đi, bước vội vã như muốn lấy lại những giây phút vừa mất với Golyadkin. Phần Golyadkin, chàng bắt đầu run lên, đầu gối khuỵu xuống, và ngồi bệt xuống bờ lề. Chàng có lý do chính đáng để rối loạn như vậy. Chàng có cảm tưởng như đã thấy người đó đâu rồi. Thế cũng chưa có gì. Nhưng chàng nhận ra ông ta, chắc chắn. Chàng đã thấy ông ta, vừa thấy thật sự. Nhưng lúc nào? Hôm qua chăng? Nhưng việc đó không thành vấn đề. Hơn nữa chả có gì đặc biệt ở kẻ đó. Đó là một người đáng kính như những người đáng kính khác, và có lẽ cũng có những giá trị nào đó - tóm lại, là một người như tất cả mọi người. Golyadkin không hề ghét bỏ, thù hằn hay chút gì không ưa ông ta hết, trái lại là khác, nhưng (điểm này mới quan trọng) chàng không muốn gặp ông ta làm gì trên thế giới này, nhất là trong những trường hợp như vừa rồi. Golyadkin biết rất rõ đó là ai. Chàng còn biết họ tên ông ta, nhưng lại nữa, chàng không muốn nói ra, không muốn biết là ông ta đã có cái họ cái tên như vậy.

Tôi không thể thưa với quý vị là Golyadkin đã ở trong trạng thái phân vân đó bao lâu, đã ngồi trên bờ lề bao lâu, nhưng có thể nói rằng sau khi tỉnh táo lại đôi chút, chàng nhảy dựng lên và chạy không dòm lại, chạy như khùng, chạy hụt hơi, vấp chân, hai lần suýt té khiến cho miếng cao su của đế giày còn lại cũng văng mất luôn.

Cuối cùng khi chậm lại một chút để thở, chàng nhìn quanh và thấy là khi chạy dọc theo đê Fontanka chàng đã qua khỏi cầu Anichkov, rồi chạy thêm một quãng xa dọc theo đại lộ Nevsky và bây giờ đang đứng ở ngả tư đường Liteinaya. Golyadkin trở lại đường đó.

Tình trạng chàng lúc đó giống như một kẻ mà đằng trước đất nứt ra, mặt đất rung chuyển dưới chân, mà vực thẳm thì gần kề. Kẻ đó đã trượt chân sắp rơi vào hố thẳm không đáy, nhưng không có can đảm nhảy lùi lại hoặc nhìn chỗ khác. Vực sâu như quyến rũ y, và cuối cùng y nhảy vào như muốn kết thúc nhanh chóng cái chết của mình. Golyadkin cảm thấy rằng, biết rằng, và thật sự chắc chắn rằng thế nào một chuyện phiền phức cũng sẽ xảy đến trên đường về nhà, chẳng hạn gặp người đó lần nữa, nhưng cũng kỳ, chàng như là cũng đang đợi một cuộc gặp gỡ như vậy, coi như không tránh được, và mong kết thúc nhanh. Lúc đó chàng chạy về phía trước như bị đẩy bởi một ngoại lực, toàn thân chàng yếu ớt và tê cóng, chàng không nghĩ gì được dầu ý nghĩ đến với chàng như bám vào một bụi gai.

Một chú chó hoang ghẻ lở, ướt nhẹp, run rẩy lẽo đẽo bên Golyadkin, tai cụp xuống, đuôi quặp vào chân sau, thỉnh thoảng liếc nhìn chàng với vẻ ngại ngùng, dò hỏi. Một ý tưởng xa xôi lãng quên nào - ký ức của một chuyện xảy ra lâu lắm - bỗng đến với chàng và như nện vào đầu chàng, khiến chàng cảm thấy không yên chút nào. Chàng nói thầm mà không hiểu mình nói gì :

- Đồ chó lai dơ bẩn.

Ở ngả tư đường Ý Đại Lợi, Golyadkin lại gặp người đó. Nhưng lần này ông ta không đi về phía chàng, mà lại chạy cùng hướng với chàng, trước hơn vài bước, cả hai vào đường Six Shop. Hơi thở của Golyadkin như bị chận ngang ở cổ họng khi chàng thấy người kia ngừng trước nhà mình. Chuông cửa reo và lập tức then cài bằng sắt rục rịch. Cửa mở, người đó cúi về trước và như chớp biến mất. Golyadkin nhón gót theo sát và cũng lủi vào cửa. Không chú ý đến tên mở cổng đang cằn nhằn, chàng lướt vào sân trong, và thấy người đồng hành bí mật chàng vừa mất dấu cách đây vài giây. Người đó đang bước vào cửa của bậc thang dẫn lên phòng Golyadkin. Golyadkin theo sát hắn ta. Bậc thang tăm tối, ẩm thấp và dơ bẩn. Mọi thứ rơm rác thừa thãi của người trọ chất thành đống trên đất, người lạ nào đến thăm cũng phải mất nửa giờ mò mẫm để khỏi gãy giò, và chửi thầm người quen của mình sao lại chọn một nơi thế này để ở. Nhưng người bạn đồng hành của Golyadkin coi bộ rất quen thuộc với nơi này. Hắn ta không hề gặp khó khăn khi vượt qua chướng ngại. Có khi Golyadkin tưởng như đụng vào người đó và nhiều lúc sát đến nỗi áo hắn chạm vào mũi chàng. Tim chàng như thắt lại. Người lạ kỳ bí ngừng trước phòng của Golyadkin, gõ cửa và Petrushka, giống như chưa đi ngủ, mở cửa liền - một việc có thể khiến Golyadkin ngạc nhiên bất cứ lúc nào khác - và cầm đèn trên tay, Petrushka theo người lạ vào trong.

Người hùng của chúng ta chạy đến như cái máy. Không cần cởi áo choàng, chàng đi thẳng đến hành lang hẹp, ngừng ngay trước cửa phòng. Như linh tính đã đến với chàng. Mọi cái sợ hãi và thấy trước nay đang thành sự thật. Đầu chàng quay cuồng. Người lạ, cũng còn đội nón và mặc áo ngoài, đang ngồi trên giường chàng, nhìn chàng mỉm cười và hơi nheo mắt lại, gật đầu chào thân thiện.

Golyadkin muốn la lên mà không được, muốn phản kháng nhưng cũng không có sức. Tóc chàng dựng đứng, và chàng đành ngồi xuống vì đứng không vững trước sự khủng khiếp này. Chàng có lý do chánh đáng. Bây giờ chàng đã nhận ra người bạn đường trong đêm không ai khác hơn là chính chàng, một Golyadkin khác nhưng cũng chính là chàng - nói cách khác, đó là cái khuôn của chàng, một cái khuôn trên mọi phương diện...

Chương 6

Sáng hôm sau Golyadkin tỉnh giấc lúc 8 giờ. Ngay lập tức những chuyện kỳ cục xảy ra hôm qua và cái đêm man rợ, quái gở với những cuộc phiên lưu khó tin nổi, lại trở về trong trí chàng với từng chi tiết. Mọi cái xấu xa khó tưởng tượng của kẻ thù, nhất là trong keo chót, làm lòng Gotyadkin tê tái. Nhưng cũng có vẻ kỳ quái, khó hiểu và vô lý, không thể tin được là đã xảy ra thật sự. Chàng đã muốn coi đó như một ảo giác mộng mị, một mê muội nhất thời, hoặc một sự què quặt của lý trí, nếu không trải qua cái kinh nghiệm chua cay đã cho chàng biết sự thù ghét của cừu nhân có thể đưa chàng đến đâu khi chàng cố gắng trả thù thái độ khinh thường danh dự và coi rẻ tự ái chàng. Mình mẩy mỏi nhừ, đầu óc hoang mang, lưng đau như dần và lỗ mũi nghẹt cứng, chừng ấy đã chứng thật việc chạy trốn quá lâu trong đêm qua của chàng, thừa nhận mọi việc đã xảy ra trong cuộc phiêu lưu hồi đêm. Tuy vậy, Golyadkin cũng đã biết là có gì bịa đặt ra, và có bàn tay ai đó nhúng vào. Nhưng ai? Golyadkin suy nghĩ và quyết định giữ im lặng trong lúc này, không phản kháng. "Chúng có thể chỉ dọa dẫm thôi" chàng nghĩ "nhưng khi thấy mình không hề có phản ứng, thấy mình cam chịu, chúng sẽ tự chịu thua. Chúng sẽ phải thú nhận trước tiên".

Golyadkin nằm dài trên giường nghĩ ngợi, chân tay chàng mỏi nhừ, và chàng đợi Petrushka xuất hiện như mọi ngày. Chàng chờ cả 15 phút, lắng nghe Petrushka lục đục, vội vàng với cái ấm nước sau vách, nhưng vẫn không dám gọi. Chúng ta còn có thể nói được là Golyadkin sợ phải gặp mặt Petrushka.

Golyadkin nghĩ thầm :

- "Chỉ trời biết thằng cà chớn đó đang nghĩ gì. Nó không nói nhưng nó đã thấy hết".

Rồi cánh cửa khẽ kêu và Petrushka xuất hiện bưng khay nước. Golyadkin liếc nó, tự hỏi liệu Petrushka có nhắc lại những gì nó đã chứng kiến không. Nhưng Petrushka vẫn không hề nói. Nói thật trông nó còn có vẻ lầm lì, rầu rĩ và bực dọc hơn bao giờ, như bất mãn chuyện gì, và không hề nhìn chủ đang vì thế mà nóng nảy. Đặt khay điểm tâm lên bàn xong, Petrushka bước ra, vẫn không hề hé miệng.

Golyadkin uống trà, càu nhàu :

- Nó biết, nó biết hết, thằng vô tích sự.

Nhưng dầu Petrushka còn vào phòng nhiều lần khác để làm này nọ, Golyadkin vẫn không dám hỏi nó những gì chàng đang muốn biết.

Chàng đang lo lắng, và không muốn đến sở chút nào. Chàng có linh tính là ở đấy cũng có gì không ổn. Chàng nghĩ: "Nếu đến đó, mình lại sẽ vướng vào những chuyện không hay. Khôn hơn là nên rán đợi. Để ở đó họ làm gì thì làm, nhưng mình thì mình nên đợi cho hết ngày, để phục hồi và lấy sức, để suy nghĩ chín chắn hơn, chờ cơ hội rồi ung dung trở lại".

Golyadkin vừa nghĩ vừa hút thuốc liên miên, không biết thì giờ đang trôi nhanh. Khi nhìn lên đồng hồ chàng thấy đã 9 giờ 30.

- "Dù sao cũng trễ giờ đi làm rồi". Chàng quyết định "và nhất là mình đang thấy muốn bệnh đây. Chắc rồi, không có gì nghi ngờ nữa, có ai dám nói là tôi, không bệnh không? Mình ngại gì? Cứ để họ đến, rồi để họ gởi bác sĩ đến. Mỏi lưng, ho, nhảy mũi, không thể nào ra khỏi nhà trong thời tiết thế này. Dám bệnh quá mà chết lắm. Số tử lúc này lên cao rồi".

Lý luận như vậy, Golyadkin thành công trong việc làm êm nỗi ngần ngại trong lòng, và nếu bị Andrei Filipovich khiển trách vì tội bỏ bê công việc cũng an ủi được chàng. Nói chung, Golyadkin có thói quen riêng để biện minh cho mình với lối cãi cối cãi chầy như là đã không có cách nào làm khác hơn những gì đã làm, và nhờ vậy lương tâm chàng thấy yên ổn. Đã xoa dịu được lương tâm, chàng lấy điếu nhồi thuốc, phì phà. Nhưng đang hút ung dung như vậy, chàng bỗng nhảy khỏi ghế, đặt ống điếu xuống, rửa mặt, cạo râu, khoác áo vào cùng mọi thứ còn lại, vơ vài giấy tờ vội vàng đi đến sở.

Vào trong sở rồi, Golyadkin bước nhẹ đến phòng của mình, run lên vì lo lắng, ngồi xuống chờ đọi cái không hay xảy ra - một sự chờ đợi dầu mơ hồ và kín đáo nhưng không có gì hào hứng cả. Chàng rón rén ngồi xuống kế bàn thư ký trưởng Anton Antonovich Setochkin. Rồi không nhìn chung quanh, không để bất cứ điều gì làm phân tán sự chăm chú của mình, Golyadkin chúi mũi vào đống giấy tờ trước mặt. Chàng tránh gây động chạm với họ hoặc làm mất thanh danh mình bởi những câu hỏi hớ hênh, những giỡn cợt, những câu bóng gió về cuộc vui đêm qua, chàng còn tự ngăn cấm những giao thiệp bè bạn với các đồng sự, chẳng hạn hỏi thăm sức khỏe người nào. Nhưng chàng cũng thấy làm vậy lâu không được. Nỗi lo có gì dính líu đến mình mà mình chưa hay khiến chàng băn khoăn hơn cả chính việc đó. Và đó là lý do vì sao chàng, dầu đã quyết định không để tâm đến những gì đang xảy ra, và xa cách mọi sự, vẫn cứ liếc ngang, liếc dọc, cố đoán vẻ mặt của các đồng sự xem có chuyện gì vừa xảy đến mà còn giấu chàng không. Chàng tin chắc những điều xảy ra hôm qua thế nào cũng liên hệ với những gì đang xảy ra quanh chàng. Và rốt cuộc lo quá chàng đâm ra mong mọi sự đến phứt cho rồi dù phải ra sao, dù có kết thúc trong thảm họa đi nữa... Nhưng ở đây định mệnh không buông chàng. Trước khi chàng xếp đặt ý tưởng rõ ràng như vậy, mọi nghi ngại của chàng bị đánh tan bất ngờ và kỳ lạ.

Cửa phòng kế bên phát lên tiếng đẩy nhẹ và thận trọng, cho thấy người sắp bước vào chỉ là một nhân viên cấp nhỏ. Một gương mặt quen thuộc với Golyadkin bước vào và rụt rè đi đến bàn người hùng của chúng ta đang ngồi. Golyadkin không ngẩng đầu lên nhưng vừa thoáng thấy người mới vào, chàng đã biết tất cả về hắn, cho tới chi tiết nhỏ nhặt nhất. Chàng thấy xấu hổ và cố chúi đầu vào mớ sổ sách như con đà điểu giấu đầu trong cát nóng trốn người đi săn. Người mới vào cúi chào Andrei Filipovich, và vị trưởng phòng nói với giọng tử tế của cấp trên đối với những cộng sự viên mới :

- Ngồi đây - Andrei Filipovich chỉ vào bàn của Anton Antonovich - ngay đây, kể ông Golyadkin, Chúng tôi sẽ có việc cho ông ngay.

Andrei Filipovich dứt câu với điệu bộ oai quyền, rồi lại cắm cúi vào chồng giấy tờ trước mặt.

Golyadkin ngẩng mặt nhìn lên, và nếu chàng không ngã xỉu chỉ vì đã linh cảm môt việc thế này sẽ xảy ra, và đã đoán được ai sẽ là người... Phản ứng đầu tiên của Golyadkin là quay mình thật nhanh để xem có ai xầm xì giỡn cợt gì chàng, có ai té ngửa vì sợ không. Nhưng trước sự kinh ngạc của chàng, chàng không thấy dấu hiệu nào như vậy. Thái độ các đồng sự làm chàng sửng sốt. Chàng không hiểu nổi và thấy sợ cái êm ả kỳ lạ đó. Sự thật sờ sờ ra đó, thật quái gở, kinh khủng, khó mà lãnh đạm được. Dĩ nhiên những ý nghĩ này chỉ lóe lên trong trí Golyadkin và chàng ngồi đó mà tưởng như ngồi trên lửa Chàng có lý do. Người ngồi trước chàng là sự xấu hổ, sự nhục nhã kinh hoàng, là ác mộng đêm qua của chàng.

Tóm lại, đó chính là Golyadkin, nhưng không phải một Golyadkin đang ngồi trên ghế, há hốc, tay cầm bút tê cóng, không phải một Golyadkin phụ tá của thư ký trưởng trong sở và tự trộn lẫn vào đám đông không muốn bị để ý, cũng không phải một Golyadkin với cái vẻ "đừng làm phiền tôi, tôi sẽ không làm phiền bạn" hoặc "đừng làm phiền tôi bởi tôi không hề làm phiền bạn". Không, đây là một Golyadkin khác, khác hẳn, nhưng đồng thời cũng là một người hoàn toàn giống hệt Golyadkin trên - cũng cao, cũng to con như vậy, cũng áo quần đó với miếng vá đó - tóm lại, không có gì có thể giống hơn cho tới nỗi nếu đứng gần nhau, không ai có thể bảo đâu là Golyadkin thật, ai cũ, ai mới, ai thiệt và ai giả.

Người hùng của chúng ta đang ở trong tình trạng của kẻ bị ai chơi nghịch lấy gương chiếu ánh nắng vào. Chàng nghĩ thầm :

- "Cái gì đây? Mình mơ hay thực? Đây là sự thật hay còn là đêm qua kéo dài? Nhưng sao có thể như vậy được? Ai mướn tên mới này? Chắc mình đang mơ, đang bị ảo tưởng!..".

Chàng tự véo mình, mơ hồ tưởng như đang véo ai... Không, không phải mơ, nhưng là như vậy. Golyadkin toát mồ hôi, có cảm tưởng như điều gì chưa từng xảy ra và chưa từng nghe nói đang xảy ra cho chàng và trong cái bất hạnh tột cùng, đó là một việc xấu hổ, khiếm nhã, và chàng thấy rõ cái bất lợi khi phải là kẻ đầu tiên chịu đựng một kinh nghiệm lố bịch như vậy. Chàng còn bắt đầu tự hỏi mình có đang hiện hữu không, và dầu đã chuần bị, đã muốn những nỗi nghi ngại của mình được dàn xếp cách này hay cách khác, những gì đang xảy ra cũng không gì khác hơn một sự lo lắng đợi chờ. Chàng bị đè nặng, quay cuồng trong lo âu. Có lúc chàng hoàn toàn mất trí nhớ và khả năng suy luận. Những lúc đó chàng đưa viết trên mặt giấy như cái máy. Không tin mình, chàng cố đọc lại những gì mình viết, nhưng cũng không hiểu mình đọc cái gì.

Cuối cùng, chàng Golyadkin kia tự nãy giờ ngồi im bỗng đứng dậy bước ra khỏi phòng bằng cửa dẫn đến phòng khác. Golyadkin nhìn quanh. Tất cả đều im lặng. Chỉ có tiếng ngòi bút đưa trên giấy và tiếng nói chuyện nhỏ gần bàn Andrei Filipovich phía bên kia phòng. Golyadkin liếc Anton Antonovich, và vì vẻ mặt chàng nói lên tâm trạng của chàng, người thư ký trưởng tốt bụng đặt bút xuống ân cần thăm hỏi sức khỏe chàng.

- Nhờ trời, tôi khỏe lắm, Anton Antonovich ạ - Golyadkin ấp úng - Tôi khỏe lắm - Chàng nói thêm, còn chưa tin tưởng người thư ký trưởng.

- Tôi lại thấy coi bộ anh không khỏe. Nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Lúc này đang có bịnh cúm.

- Vâng, Anton Antonovich, tôi biết lúc này mùa cảm cúm. Nhưng tôi không để ý điều đó - Golyadkin thành khẩn nhìn ông già - Tôi không biết nói làm sao với ông, tôi muốn nói là tôi không biết bắt đầu làm sao, Anton Antonovich...

- Chuyện gì thế? Tôi không kịp theo dõi anh... Anh thấy điều gì khó khăn cứ nói tôi rõ.

Anton Antonovich cũng thấy khó diễn tả khi thấy mắt Golyadkin ngấn lệ.

- Tôi nói là... ông thấy không, có người thư ký mới.

- Sao? Tôi chưa hiểu?

- Tôi muốn nói là có người mới vào làm sở này.

- À, đó là người trùng tên với anh. Rồi sao?

Golyadkin la lên :

- Ông nói sao?

- Tôi nói là người đó trùng tên với anh, tên anh ta cũng là Golyadkin. Chắc là anh em của anh?

- Không, Anton Antonovich. Tôi...

- Ồ, tôi chắc thế nào cũng bà con với anh mà. Giống như người cùng nhà.

Golyadkin bàng hoàng. Trong một lúc chàng không biết nói sao. Làm thế nào bây giờ trước cái chuyện đáng ghét bất ngờ này, trước cái trùng hợp kỳ khôi có thể làm sửng sốt một kẻ ít để ý nhất? Làm sao Anton Antonovich có thể nói chỉ là sự tương tự gia đình trong khi Golyadkin thấy như chính chàng trong gương?

Anton Antonovich nói :

- Yakov Petrovich, nếu anh nghe tôi, anh nên đi khám nơi bác sĩ. Tôi không tin anh khỏe khoắn lắm. Nhất là cặp mắt của anh... trông lạ lắm, anh biết không?

- Không, tôi khỏe như thường, bảo đảm với ông như vậy. Anton Antonovich, tôi chỉ muốn hỏi ông vài điều về người thư ký đó.

- Anh muốn hỏi gì?

- Ông không thấy hắn có gì đặc biệt sao? Có thể làm ông không ngờ đươc.

- Chẳng hạn?

- Chẳng hạn việc y giống hệt tôi. Ông đã nói là tương tợ họ hàng. Ông ngẫu nhiên nói vậy. Nhưng Anton Antonovich này, có những cặp sinh đôi giống nhau như đúc, như hai giọt nước, không thể bảo họ là riêng rẽ được. Tôi đang nghĩ đến điều đó.

- Vâng - Anton Antonovich nói sau một lúc suy nghĩ như vừa khám phá ra sự thật - anh đã nói đến một điểm- sự giống nhau như hệt, và anh có lý khi anh nói là khó mà phân biệt được các anh - Ông ta mở mắt lớn hơn - Anh biết không, Yakov Petrovich, đó là cái giống khó tin, lạ lùng. Tôi muốn nói là anh ta y hệt anh. Tôi định hỏi anh về anh ta, Yakov Petrovich ạ. Lúc đầu tôi chưa nhận ra sự giống nhau đó. Thật một chuyện kỳ lạ thực sự. Có phải anh không là người sinh trưởng ở đây không, Yakov Petrovich?

- Không, thưa ông.

- Anh ta cũng vậy. Có lẽ hai anh gốc cùng một nơi. Xin hỏi, mẹ anh sống ở đâu nhiều nhất?

- Anton Antonovich, ông nói là anh ta không phải người vùng này?

- Đúng vậy, không phải. Thật rất lạ - Anton Antonovich thân mật tiếp tục - có nhiều chuyện có thể khiến ta lấy làm lạ dù đã biết nhiều chuyện lạ mà không lưu tâm. Nhưng nếu tôi là anh, tôi sẽ không quá lo việc đó lắm đâu. Những việc như thế vẫn hay có. Bà dì của tôi cũng vậy, trước khi chết bà ta thấy một kẻ giống hệt mình...

- Không, tôi... xin lỗi đã ngắt lời... tôi đang cố tìm hiểu xem vì sao người thư ký đó có tại đây?

- À, anh ta được bổ thay Semyon Ivanovich vừa mất. Có chỗ trống và thế là anh ta có việc. Thật tội nghiệp Semyon Ivanovich, để lại ba đứa con nheo nhóc. Vợ ông ta đến khóc lóc với ngài Bộ trưởng. Nghe đâu bà ta đã có một số vốn nhỏ.

- Không, Anton Antonovich, tôi muốn biết chuyện khác.

- Anh nói sao? À, nhưng sao việc đó làm anh bận tâm dữ vậy? Tôi khuyên anh đừng bối rối như thế. Nói cho cùng đó chỉ là một chuyện nhất thời và dầu sao cũng chẳng phải chuyện của anh. Đó là ý Chúa, phàn nàn mãi sẽ mang tội. Anh có thể thấy sự khôn ngoan của Người trong đó. Tôi thì lúc nào cũng không cho đó là lỗi của anh. Có biết bao chuyện lạ trên thế giới. Tạo Hóa rất rộng lượng, anh sẽ không bị quy trách nhiệm đâu. Ví dụ hai người - anh vừa gọi thế nào nhỉ - à, cặp sinh đôi người Thái đó, lưng dính liền nhau. Vậy thì họ phải có cách sống với nhau, ăn ngủ với nhau. Theo tôi biết họ kiếm được rất nhiều tiền.

- Đợi chút đã, Anton Antonovich...

- Tôi hiểu, tôi hiểu. Nhưng đã sao? Tin tôi đi, đâu có gì phải bấn lên thế? Có gì đâu? Anh ta cũng chỉ là một viên chức nhà nước, một người coi bộ tháo vát. Anh ta nói tên là Golyadkin, không phải người ở đây, và đã từng làm thư ký cho chính phủ. Anh ta đã gặp ngài Bộ trưởng.

- Ngài Bộ trưởng nói gì?

- Không có chi đặc biệt. Tôi biết là anh ta trả lời thỏa đáng mọi câu hỏi, đưa lý do xin việc - không có phương tiện sống, anh ta quyết tìm một chỗ làm và rất quan tâm đến sự "làm việc dưới quyền của ngài, thưa ngài Bộ trưởng". Và anh ta nói chuyện đứng đắn, nói đầy đủ. Tỏ ra là một người khôn khéo. Dĩ nhiên là anh ta đến có giới thiệu. Nếu không làm sao được thu dụng?

- Ai giới thiệu anh ta? Tôi muốn nói là ai đã nhúng tay vào cái việc nhục nhã đó?

- Tôi biết anh ta được giới thiệu rất đàng hoàng. Ngài Bộ trưởng đã cười với Andrei Filipovich về chuyện đó.

- Cười với Andrei Filipovich?

- Vâng, dầu Andrei Filipovich chỉ cười mỉm nói là nếu anh ta chu tất công việc thì không có lý do gì phản đối.

- Rồi sao nữa? Ông làm tôi vững bụng một chút. Tiếp tục đi, Anton Antonovich.

- Tôi lại không hiểu nổi anh... Đâu có gì rắc rối lắm. Việc rất giản dị và như tôi đã nói là chẳng có gì mà anh phải cuống cuồng lên như thế, chẳng có gì mà phải...

- Tôi muốn hỏi ông, Anton Antonovich à, có phải ngài Bộ trưởng không nói gì khác, chẳng hạn không nói gì đến tôi, hả?

- Chắc rồi! À, có... Không có gì cả. Anh khỏi lo. Dĩ nhiên mới thấy ai cũng lấy làm lạ... Lấy ví dụ tôi, tôi ít khi nhận ra điều gì từ đầu. Thật tôi cũng không hiểu sao tôi lại không nhận thấy thế trước khi anh nhắc tôi. Nhưng yên chí là ngài Bộ trưởng không nói gì, không một chữ nữa.

Anton Antonovich đứng dậy.

- Vậy thì, Anton Antonovich, tôi...

- Tôi xin lỗi. Nãy giờ nói chuyện về mấy thứ vẩn vơ đó quên cả phải làm một vài chuyện quan trọng. Tôi phải đi xem đây.

Có tiếng Andrei Filipovich gọi :

- Anton Antonovich, ngài Bộ trưởng đang hỏi ông.

- Đợi chút, tôi tới ngay - Anton Antonovich đáp lớn, vơ một chồng hồ sơ, vội vã bước qua Andrei Filipovich tiến vào văn phòng vị Bộ trưởng.

- "Chuyện gì vậy?".

Golyadkin nghĩ thầm "Họ đang làm trò gì chắc. Mình biết rồi, thì gió thổi như vậy... Cũng không đến nỗi nào. Mọi sự còn có vẻ thuận lợi nữa". Chàng nói thầm, khoan khoái xoa tay và vui sướng quên cả cái cảm giác khó chịu do chiếc ghế gây ra "Vậy việc của ta sẽ là một việc rất thường, sẽ xong cả. Chả có ai xì xầm, mấy tên ba xạo ngồi đó có chuyện riêng phải lo. Thật tốt hết sức! Đối với người tử tế, mình vẫn luôn luôn mến và kính trọng... Nhưng phải nói là mình cũng không tin gì Anton Antonovich lắm. Đầu ông ta bạc rồi, già quá ông ta đâm ra lẩn thẩn. Nhưng cái quan trọng, vẻ vang nhất là ngài Bộ trưởng không nói gì, như vậy chắc là không biết gì. Tốt lắm, mình thích thế. Chỉ có điều tại sao Andrei Filipovich lại phải chêm cái cười như vậy? Ông ta tính gì đây? Đồ hèn! Tại sao cứ mãi xía vô chuyện mình? Tại sao cứ chọt vào chuyện kẻ khác như con mèo đen vậy? Chỉ hại người ta thôi...".

Golyadkin lại nhìn quanh, hy vọng tràn trề dầu vẫn còn một nỗi e dè mơ hồ. Bây giờ chàng còn muốn sấn tới bên các nhân viên khác, nói chuyện khi ra về hoặc lân la với họ trong lúc làm, và bảo họ, hay bóng gió cho họ rằng: các ông thấy chưa, như vậy đó, giống nhau như đúc, một trường hợp khó tin như định mệnh muốn gạt gẫm vậy. Nghĩa là dầu coi mọi sự như một trò đùa vẫn lường xem tầm nguy hiểm thế nào, "bởi vì dưới mặt nước êm ả có thể có ông thần dữ" người hùng kết luận.
Sự thật, Golyadkin không giữ mãi ý định lân la với các nhân viên khác, chàng đổi ý rất lẹ. Chàng cho rằng như vậy là đi quá xa "Đó là tật của mình". Chàng vỗ trán "hễ vui quá thì lại quá đà. Golyadkin, mầy bộp chộp quá. Hãy đợi xem".
Lòng chàng đầy hy vọng, tưởng như được sống lại. Chàng nghĩ "Đừng bận trí. Mình làm như vừa cất được gánh nặng ngàn cân không bằng. Nhưng giải pháp thật giản dị. Như chuyện ngụ ngôn của Krylov. Muốn mở hộp chỉ cần bật nắp, dễ quá, trong chuyện ngụ ngôn đâu có gì rắc rối như vậy. Chuyện ngụ ngôn thật ý nghĩa, Krylov thật khôn ngoan biết chừng nào. Đúng là một nhà thơ ngụ ngôn vĩ đại! Chúc người thư ký đó may mắn. Cứ để hắn làm trong sở này, nếu hắn không xía vào chuyện người và không hại ai thì hắn cũng sẽ được lòng mình".
Thời gian trôi qua, lúc Golyadkin nghĩ đến đó thì đã bốn giờ. Sở đóng cửa. Andrei Filipovich cầm lấy nón và mọi người theo thói quen cũng làm thế. Golyadkin nhàn nhã rời khỏi sở sau cùng, sau khi mỗi người đi mỗi ngả. Trên đường về chàng thấy như đang ở trên Thiên đàng. Chàng quyết định đi vòng thêm một khoảng trên đường đến đại lộ Nevsky. Chàng tự nhủ "Cuộc đời là đây. Một chuỗi biến cố bất ngờ. Và thời tiết dễ chịu, sáng sủa tuy hơi lạnh, chẳng bao lâu sẽ có tuyết mà trượt xe. Khí lạnh thật thích hợp cho dân Nga vì dân Nga rất chịu tuyết lạnh. Mình thích người Nga vì vậy mình cũng thích những bông tuyết đầu tiên rơi xuống đất, vào đúng cái lúc để đi săn thỏ rừng như mấy người thợ săn bảo thế. Thật tuyệt. Không có gì phải bận trí hết".
Đó là cách Golyadkin biểu lộ nỗi vui được sống, dầu vẫn còn điều gì đó khiến chàng không yên, điều gì không hẳn là lo sợ nhưng vẫn làm tim chàng đập mạnh đến nỗi chàng không biết làm sao để bớt được cái đè nặng đó.
"Khôn hơn là nên đợi trước khi mừng. Nhưng có ăn thua gì đâu? Được rồi, thử xem. Bạn trẻ ơi, nghĩ lại đi. Trước hết, đây là người giống hệt bạn, giống hệt như đúc. Rồi sao? Mình có khóc vì anh ta giống mình không? Có được gì đâu? Cần quái gì. Mình cứ vui đường mình. Được rồi, cứ để hắn làm trong sở. Nhưng cũng kỳ, rồi lại sẽ có chuyện như anh em Thái Lan nọ... Nhưng anh em đó có ăn nhập gì? Họ sinh đôi, nhưng còn bao nhiêu người có những cái kỳ cục khác? Chẳng hạn ai cũng biết danh tướng Suvorov thích cục tác như gà. Nhưng ông ta làm thế vì chính trị, vì chỉ huy quân sĩ. Nhưng chỉ huy quân đội sao phải làm vậy? Mình chỉ nên lo việc mình, đừng động đến ai bởi chính nhờ cái ngay thẳng đó mình khinh bỉ kẻ thù. Mình chẳng hề âm mưu này nọ và hãnh diện về việc đó. Mình trong sạch, thẳng thắn, vui vẻ, rộng lượng".
Thình lình dòng tư tưởng của Golyadkin bỗng ngưng ngang. Chàng lại run lên và thậm chí còn nhắm mắt trong một giây, hy vọng điều làm chàng sợ hãi chỉ là một ảo tưởng. Rồi chàng mở mắt, lo lắng liếc bên phải. Không, không phải là ảo tưởng.
Đi bên cạnh Golyadkin bằng những bước ngắn, nhanh nhẹn là người đồng sự mới của chàng. Y mỉm cười nhìn Golyadkin, như đang chờ dịp nói chuyện với chàng. Nhưng cuộc nói chuyện vẫn chưa bắt đầu. Cả hai đi như vậy chừng 50 thước, với một Golyadkin cố giấu mặt trong cổ áo và nón sùm sụp, mà lúc nào cũng khổ sở tưởng như áo và nón của người bên cạnh cũng vừa được lột ra từ mình và đầu Golyadkin.
Cuối cùng, người hùng của chúng ta mở miệng mà không nhìn người nọ :
- Thưa ông, tôi không nghĩ là mình cùng về một đường. Còn có thể nói chắc vậy - Sau một lúc, chàng tiếp - Và sau hết tôi nghĩ là tôi đã nói rõ rồi - Chàng kết luận một cách cương quyết.
Bạn đồng hành của Golyadkin rốt cuộc đành nói :
- Tôi muốn... tôi nghĩ ông rộng lòng tha lỗi... Tôi không biết nói với ai bây giờ... Phần tôi - hy vọng ông bỏ qua cái dai dẳng của tôi - tôi còn có cảm tưởng là sáng nay ông có thiện cảm với tôi. Còn tôi, tôi thấy mến ông đặc biệt...
Đến đây, Golyadkin thầm mong người đi bên mình lọt xuống đất.
- Yakov Petrovich, tôi dám mong ông khoan dung nghe tôi nói...
- Chúng ta... ở đây... không, hãy đến nhà tôi - Golyadkin quyết định - Từ đây chúng ta sẽ qua đại lộ Nevsky. Sẽ thuận tiện hơn rồi đi con đường hẹp đó... Đúng rồi, như vậy tốt hơn.
- Tốt lắm, hãy đi con đường hẹp đó.
Người đồng hành của Golyadkin nói giọng ngại ngùng như muốn tỏ ra là mình không có quyền chọn lựa. Phần Golyadkin, chàng hoàn toàn hoang mang không biết việc gì đang xảy ra. Thật tình chàng vẫn chưa hết kinh ngạc.
Năm 1973
Fyodor Dostoevsky
Dịch giả: Đinh Đắc Phúc
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...