Rồi mới vào bậc trung học đệ nhất cấp khoảng năm sáu tám, sáu chín, lúc ấy
ông nội tôi còn tại thế, mỗi lần đi học về, tôi thường lân la với ông để chuyện
trò, có những điều không biết tôi thường hỏi ông tôi. Nội tôi có thói quen là đọc
sách và uống trà. Sách ông đọc thường bằng chữ Nho, thỉnh thoảng ông vẫn đọc
sách quốc ngữ dịch từ tiếng Hán như Tam quốc chí, Thuyết Đường, Đông Chu liệt
quốc… nghe ông nói việc uống trà từ rất sớm lúc ấy chắc vào lúc ngoài bốn mươi,
tôi còn nhớ những động thái của ông lúc pha trà cũng như lúc uống trà. Thế mới
biết thú uống trà cũng công phu quá đổi: ‘nghề chơi cũng lắm công phu’.
Đầu tiên ông đun nước sôi, không hiểu sao ông nói chỉ ấm đất
nước mới ngon pha trà mới tuyệt, lẽ ra phải dùng nước giếng buổi sáng múc từ dưới
giếng của nhà cũ của mình hình như là mạch nước đó tốt, tôi thì chả hiểu tốt xấu
thế nào nhưng rõ ràng là mỗi lần về quê những lần nghỉ học là khoái uống ngụm
nước giếng quê nhà múc từ giếng, nó ngọt ngào làm sao, cái vị ngọt ấy tôi chẳng
thể nào quên, nhưng điều kiện ở thành phố không có đành chịu, nước thủy cục thì
chẳng thể nào bằng, lúc nước sôi bùng ông vẫn còn để trên bếp bớt lửa cứ dùng từ
từ, ông tráng ấm, tráng chén, xong đâu đó ông thận trọng mở lon trà, lon trà
làm bằng cạc tông của Đài Loan màu đỏ, ngoài có viết chữ thảo của Tàu, có ấm
trà và chén trà khói nghi ngút, họa sĩ Đài loan vẽ rất đẹp, bên trong còn tráng
lớp ny lông. Trà ông thường uống là trà Kim Phát do người Tàu định cư ở Quảng
Ngãi sản xuất nước có màu xanh thơm lạ thường lúc bấy giờ nó là danh trà ở xứ
tôi, thỉnh thoảng ai đó biếu ông bịch trà Đài Loan, ông quý lắm ông cẩn trọng
thêm bịch ny –lông dày buột dây cao su đeo tay kỷ lưỡng lắm, ông nói làm như vậy
trà sẽ ít bị bay hơi, mùi trà thơm lâu, rồi ông khum tay dốc trà vào lòng tay mình
liều lượng tương đối nhất định, ông bỏ vào bình. Ông tráng ấm, tráng ấm cũng rất
điệu nghệ, lắc đều nước quay đều đến thành miệng ấm mà chẳng ra ngoài, rồi ông
dốc bỏ nước ấy, sau đó ông chế tiếp nước sôi vào ấm nước đặt trên bếp rề sô nhỏ
màu ô liu quân đội,ba kiềng táo khi không nấu nữa thì xếp vào thân gọn gàng lắm,
ông rất ngăn nắp vị trí nào ra vị trí nấy. Cái bình trà cũng ngộ lắm, nhỏ chút
xíu màu gan gà nghe ông nói đó là ấm thời nhà Minh bên Tàu. Đặc biệt bên dưới
in chữ Tàu trong ô vuông, chữ sắc sảo lắm và lại nữa khi ông úp xuống nó cùng nằm
trên mặt phẳng thẳng tắp ba tiếp điểm vòi bình, miệng bình và quai bình.
Bộ bình của ông chẳng hiểu sao có ba chén nhỏ và một chén tống, (có
lẽ bể một chén chăng?) nước đầu tiên ông rót cả vào chén tống, rồi ông tiếp tục
đỗ nước sôi vào bình lần hai, đợi ra trà lần nầy ông rót cả vào chén nhỏ, ông
rót tuần tự hết vòng tới vòng, trước khi uống ông đặt vào thành mắt mình cho
hơi trà xông vào mắt ông, ông nói rằng như vậy sẽ làm mắt sáng hơn, chẳng biết
điều nầy đúng hay sai thế nào nhưng sau nầy thỉnh thoảng khi uống trà buổi sáng
tôi cũng thường làm như vậy, tôi cũng thấy mắt mình dễ chịu.Chuyện uống trà buổi
sáng của ông có khi đến 7, 8 giờ sáng mới xong.
Khi đâu đấy xong xuôi ông thận trọng lau chùi bình tách và đặt
lại đúng vị trí cũ, và không quên phủ lên nó miếng nỉ màu cổ trầu.
Mùa xuân năm ấy, sau khi bàn thờ, nhà cửa được trang trí mới
để đón xuân, dù đời sống của cha mẹ tôi là công chức chính phủ tương đối nhưng
cái tết cũng bình thường thôi, ba tôi có thói quen là chơi nhành mai, lỡ năm
nào mai đắt đỏ quá ba tôi sai anh tôi về quê chặt mai ở vườn nhà ra chơi, năm
nào nhành mai ra nhiều cánh mai sáu cánh là ông và ba tôi vui lắm vì ông quan
niệm rằng mai sáu cánh là hên lắm. trên nhành mai bao giờ cũng có nhiều thiệp
chúc xuân và vài chữ phúc, lộc, thọ vàng mua ở phố về gắn lên.
Giao thừa năm ấy, tôi cũng đã lớn. Sau thời khắc giao thừa
thiêng liêng, khi cái radio nhà tôi bắt đầu lời vang vang chúc tết của Tổng Thống,
ba tôi chăm chú nghe, chỗ nào đắc ý thì gục đầu trông có vẻ nghiêm nghị lắm, mẹ
tôi thì cứ bảo: ‘mình° lúc nào cũng thời sự’còn ông tôi thì thỉnh thoảng vuốt
chòm râu ‘mỹ nhiệm công’°° của ông rồi từ tốn:
- Đàn ông, ngoài công việc của chính phủ cũng phải hiểu thời
sự,con à, mẹ tôi chỉ nghe chứ không trả lời.
Lúc bấy giờ chiến tranh đã ác liệt, thường đêm đêm những tiếng
pháo cứ ầm ì vào khu vực ngoại thành, thỉnh thoảng cũng vào trong thành mỗi lần
như thế là xôn xao cả phố. Thị xã Quảng Ngãi là thị xã nhỏ nên mỗi lần như vậy
tôi cũng biết được, chẳng những biết mà thậm chí tôi hiếu kỳ rủ bạn bè trương lứa
cùng xem.
Nhang đèn nghi ngút trên bàn thờ, ông tôi pha ấm trà, tết mà,
ấm trà Đài Loan chính hiệu, sau khi rót vào ba chén nhỏ xong ông mời ba mẹ tôi
uống trà giao thừa, còn chúng tôi thì náo nức các dĩa bánh trên bàn thờ, khi
nào hạ là sẽ được ăn thỏa thích. Lúc làm bánh thuẫn tôi chỉ được hưởng những
cái bánh thầy tu (không nở) mà đã thấy ngon lành.
- Trà ngon lắm con à, ông tôi nói vậy, ba mẹ tôi cùng ông ngồi
uống.
- Năm nay đình chiến từ giao thừa đến hết ngày mùng một, nên
quân đội có ít người về ăn tết, ba tôi nói với ông tôi như vậy, hình như còn muốn
nói thêm điều gì… trầm ngâm một lúc lâu ông lại tiếp:
- Ngày Tết là ngày thiêng liêng đó là truyền thống ngàn đời của
dân ta, thế mà chiến tranh, chiến tranh khốc liệt quá các con à, không biết năm
nay sẽ ra sao? Ông tôi nói rất ôn tồn, rồi ông phe phẩy cái quạt lông ông tự kết
bằng lông chim cán gỗ khéo lắm, ông tiếp:
- Người dân bao giờ cũng muốn thanh bình, an cư lạc nghiệp đó
là nguyện vọng ngàn đời duy nhất của dân, chiến tranh chỉ làm khổ nhân dân,
nhân dân bao giờ cũng vậy thích thanh bình làm ăn tự do không biết những người
cầm quyền có hiểu điều đó hay không, hay là họ cố tình không hiểu? và rồi ba
tôi và ông tôi mãi miết chuyện trò còn bọn tôi khi hạ đèn là chén sạch các dĩa
bánh, trước khi đi ngủ lại ba tôi còn căn dặn:
- Ngày mai là Tết các con không được dậy trễ, không được
khóc, phải cẩn thận không cho đổ vỡ đồ đạc, mặc quần áo mới để mừng tuổi ông bà
tổ tiên, ông nội, ba mẹ và được… lì xì.
Chúng tôi dạ rân và đi ngủ lại, trong đầu tôi còn nghe văng vẳng
ông tôi nói với ba tôi:
- ‘Trà tam, tửu tứ, chu du nhị’, có lẽ bấy giờ mẹ tôi cùng
chúng tôi đi ngủ lại chăng không còn đủ ba người nên ông nói vậy?
Tết nào cũng vậy đó là truyền thống của gia đình cha mẹ tôi,
Sau nầy tôi có gia đình tôi cũng sẽ giữ thói quen đẹp và đáng trân trọng như vậy
với các con tôi.
Sau lần chứng kiến uống trà đêm giao thừa của ông và ba tôi,
tôi không có dịp nào nữa nên lần ấy cứ len lén vào tôi mỗi khi tết đến xuân về,
nhất là những khi có ai đó nhắc đến việc uống trà.
Chiến tranh kết thúc, thời thế khó chúng tôi vào Nam lập nghiệp,
thời gian trôi đi lạnh lùng như thác đổ, mới đó đã mấy mươi năm, ông tôi thì mất
ở những năm bảy ba của thế kỷ trước, mỗi lần giỗ ông bao giờ mẹ tôi cũng pha ấm
trà đắt tiền, mẹ tôi bảo:
- ‘Lúc sinh tiền ông nội thích uống trà ngon, ông cẩn thận
trong cách pha chế và uống trà’ tri ân cha như thế cũng quý lắm rồi.
Còn riêng tôi thì cứ băn khoăn hồi ấy tại sao không hỏi ông
hoặc ba tôi ‘trà tam, tửu tứ, chu du nhị là gì? mặc dù tôi vẫn tiếp tục sống với
cha mẹ tôi và đã có quá nhiều kỷ niệm vui buồn trong đời với ba tôi nhưng có lẽ
tôi không đặt vấn đề đó nữa, có lẽ vì cơm áo, mà thú thật với các bạn đọc ngày ấy
khó lắm, tưởng rằng chữ nghĩa không còn nghĩa lý gì khi mọi chuyện bị chi phối
bởi cái bao tử, đời sống duy nhất lúc bấy giờ chỉ là lao động, sản xuất. Tủ
sách đồ sộ của ba tôi tích cóp từ thời ông còn rất trẻ, tháng lương nào ông
cũng sắm năm bảy đầu sách, khi giải phóng Quảng Ngãi ông ‘được’ chính quyền
quân quản cho hồi hương, ông cẩn thận bỏ từng cuốn sách vào những vỏ bao phân
hóa học cột kỹ lưỡng cái gia tài chữ nghĩa ấy, riêng chuyện chuyên chở gia tài
sách ấy về quê cũng mất cả ngày vì lúc đó vận tải bằng… xe cộ, ông thì quý sách
như thế nhưng lệnh của chính quyền thì tất cả các sách là tàn dư đồi trụy của
thực dân, đế quốc phải bị tịch thu, cha tôi sợ quá nên làm củi nấu bếp, trong
ánh lửa bập bùng của những trang sách, con chữ tôi thấy cha tôi mắt nhòa lệ,
ông nói chỉ chính ông nghe rất khẽ khàng: ‘chữ nghĩa là tài sản quý của đời
tôi, nhưng thời thế đành phải đốt, chẳng biết sau nầy thế hệ con tôi có còn...’
hình như ông nghẹn ngào không nói hết câu.
Và như ông còn tiếc rẻ nên lựa một số sách thuần túy văn học
cẩn thận bỏ vào những vỏ bao phân hóa học nhiều lớp và cùng chúng tôi chôn chặt
dưới lớp đất trong vườn, mấy năm sau khi tình hình tương đối lắng dịu chúng tôi
lại đào lên, than ôi, mối mọt đã tàn phá hơn 3/4.
Thời gian lại trôi qua, ba tôi sau khi học tập về quê cha đất
tổ, ba tôi bịnh bọn chúng tôi thì thất thời, thuốc thang lúc nầy quá đắt đỏ,
mua từng bửa, từng ngày, ông cũng mất cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước,
lòng tôi cứ ân hận hoài chuyện cha tôi mất vì lúc ấy quá nghèo, không đủ tiền
chạy chữa. Mỗi lần nghĩ đến chuyện nầy lòng tôi lại nhỏ lệ rưng rưng.
Rồi sau nầy tôi cũng tìm hiểu thế nào về chuyện: - trà tam tửu
tứ chu du nhị, khốn thay những lời giải thích của nhiều người tôi chưa thấy
thuyết phục nên nửa tin nửa ngờ.
Mãi khi tôi gặp thầy Thiện Nhơn, người mà tôi rất kính phục về
sự uyên bác kiến thức, đặc biệt là thầy kể các chuyện Tàu như Tam quốc, Thủy hử,
Đông Châu liệt quốc… những nhân vật thầy nhớ rõ lắm, khi tôi hỏi thầy về vấn đề
nầy: - “tại sao người xưa lại bảo: trà tam, tửu tứ, chu du nhị” thầy suy nghĩ lục
lạo lại trí nhớ của mình, rồi ôn tồn trả lời:
- Thầy có đọc vấn đề nầy ở đâu đó nhưng bây giờ thì không nhớ
chính xác tài liệu nào, đại loại như thế nầy: người xưa cẩn thận lắm, nên thường
bàn những việc đại sự của đất nước, dân tộc, chuyện còn mất… phải kín kẻ, ba người
tâm phúc nhau thôi bởi vì ba ít lộ ra ngoài, uống trà ba người để đàm đạo việc
đời phải trái, thắng thua, đạo đức, luân lý, chính trị, xã hội, đời sống… nên phải
tỉnh táo để thấy được cái thâm sâu của người xưa vì trà là chất làm sảng khoái
thần kinh, và ba cũng là cụm đoàn kết ước lệ tối thiểu, tức yếu tố cần và đủ của
cổ nhân, nên ca dao có câu ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành
hòn núi cao’, khác với rượu, rượu là uống để vui vầy cùng bạn bè, người thân
nên không khí ồn ào đông vui là chính nên tửu tứ là vậy chắc các con trong đời
cũng từng thấy được điều nầy, có ai bàn việc tối quan trọng bằng rượu đâu nào.
Còn chu du nhị ư? Ngày xưa, đâu có phải ai cũng du lịch được, người đi chơi là
giới trung thượng lưu nên đi chơi tức là đi thưởng lãm những danh lam thắng cảnh
non nước hữu tình rồi cảm tác, rồi chuyện trò nên nếu một thì có cảnh buồn vui
thì ai chia xẻ, tâm tình lúc thưởng ngoạn, cảm tác… vì vậy đi chơi với hai là
thú vị nhất, nên ‘ chu du nhị là như vậy’
Nghe thầy giải thích như vậy tôi lấy làm vui vì có tính lý luận
thuyết phục nên tôi tin là như vậy, nhưng trong tài liệu nào thì đến nay tôi vẫn
chưa có duyên để đọc được, dù sao cũng nói lên điều nầy để những ai đọc rồi giới
thiệu cho nhau cùng hiểu thêm.
Sau nầy các anh chị em tôi ai cũng có gia đình riêng lẽ nên
chẳng thể có được cái hương vị quá khứ ấy.Từ mấy chục năm nay, sống ở đất Sài
Gòn hoa lệ nầy nhưng tôi chưa bao giờ tận hưởng cái không khí ấm áp đó, có lẽ
phong tục mỗi vùng miền khác nhau hay là lý do gì nữa hoặc vì không ai đàm đạo.
Những năm gần đây, cứ mỗi lần tết đến xuân về tôi lại nhớ ấm
trà đêm giao thừa xa lắc năm xưa, khi còn ông nội tôi vui vầy với cha mẹ và anh
chị em tôi, sao mà nghe ấm áp lạ thường.
Cuộc đời nầy làm gì có được những chuyện đã mất đi, nếu còn
chăng là kỷ niệm của đời người, mà kỷ niệm đẹp thì giữ vào góc riêng hồn mình để
tận hưởng ký ức ngọt ngào, việc ấy tự do chẳng ai cấm cản, may thay.
° Mình: tiếng gọi thân mật của vợ chồng với nhau.
°° Mỹ nhiệm công: người có bộ râu đẹp.
Ngã Du Tử
Theo https://vnthuquan.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét