Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Bậc á thánh của siêu hình

Bậc á thánh của siêu hình

 Nguyễn Xuân Hoàng 

Với dòng - sông - Trịnh, đi về biển rộng là một cuộc hành trình trở về với nguồn cội. Dòng sông tìm về biển cả để thấy được sự mệnh mông, hùng vĩ và tuôn trào của biển cả. Tuy nhiên đấy cũng là sự bắt nguồn cho những vết xước trầm tích trong lòng người ở lại - như cọng rễ hoang nay mới đủ sức đâm lên một mầm nhói!
Với Nguyễn Xuân Hoàng, anh hóa thân vào nhạc của Trịnh Công Sơn để rung lên giữa trần ai những âm vực từ bi đạo hạnh. Tiếc rằng con tim anh đã ngừng đập trước lúc gọi tên tất cả những tình khúc hoá lệ - những hình hài bất định của Trịnh Công Sơn. Vậy mới hay thời gian đối với người nghệ sĩ là vô giá, bởi chính bản thân họ là những kiệt tác còn dang dở... 
Nhân kỷ niệm 6 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, Sông Hương xin giới thiệu một phần nhỏ trong cuốn sách viết dở về người nhạc sĩ tài hoa này của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng; và những cảm nhận về vết nối vi diệu giữa hai cuộc đời trên. 
Đừng mong tìm được một điều gì đó cụ thể trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Các ca khúc của ông là những hình hài bất định. Trong một ám hiệu ước lệ nhất định nào đó mà ông sử dụng chứa quá nhiều những ẩn dụ và biểu trưng. Điều đó khiến cho ý nghĩa hiển ngôn càng hiển hiện càng mơ hồ. Không có một điều gì cụ thể ở cuộc đời, dù đó là tình yêu hay cái chết, được Trịnh Công Sơn nói cụ thể qua ca từ của mình. Đã từ lâu ông không thích và hoàn toàn chối bỏ sự cụ thể vì nó không phải là cái phần hiện hữu mà ông thấy cần thiết phải đề cập đến. Khi đã mang những hình thức ước lệ cụ thể thì làm sao những ca từ hay giai điệu có thể bước ra ngoài những qui ước, để làm rõ hơn hình ảnh sự vật hay nguồn cơn của một trạng thái tâm hồn. Hiểu rõ sự bất lực của cái cụ thể, Trịnh Công Sơn chỉ giữ lại phần nào những ước lệ đủ để không quá khó hiểu hoặc hiểu quá sai lệch của người nghe nhạc ông. Nghĩa là ông đã miễn cưỡng tuân thủ cho phải phép cái hệ thống các dấu hiệu để đảm bảo sự không vô nghĩa của ca từ. 
Thử dừng lại ở ca khúc "Hôm nay tôi nghe":
Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi
Về giữa trời về hót giữa đời tôi.
Hôm nay tôi nghe
Tôi cười như đứa bé
Mới lớn lên giữa đời sống kia.
Tôi thấy màu xanh hát trong lời gió
Và thấy bình minh thắp trên ngọn lá
Xao xuyến từng nỗi nhớ
Cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề
Những con tim bạn bè bao la.
Tôi thấy chiều không nói lời lặng lẽ
Và thấy hoàng hôn áo vàng rực rỡ
Đêm bước về thật nhẹ
Sương khoác mềm vai phố. 

Hôm nay tôi nghe
Khó có thể tìm ra những thông điệp cụ thể từ ca khúc này, ý nghĩa thực sự của nó nằm ở đâu? Nó nói về cái gì? Tất cả đều được hiểu thật mơ hồ, nhưng cũng hiển hiện với đầy đủ cái thông điệp: tuổi thơ - tình yêu con người và thiên nhiên - niềm vui cuộc đời, tiềm ẩn đằng sau những ám hiệu (Code). Sẽ làm gãy vụn toàn bộ ý nghĩa của lời hát nếu cố gắng phân tích để tìm một cái gì cụ thể ở đây, bởi ca khúc chỉ có một nhân vật tôi và câu chuyện của mình. Để đi vào thế giới cụ thể, người nghe nhạc buộc lòng phải đi qua cánh cửa của cái tôi nhân vật ấy, và những gì tôi nghe, những gì tôi thấy là toàn bộ thế giới tâm tư tình cảm mà cái tôi kia muốn chuyển đến mọi người. 
TÔI NGHE:
Con chim về gọi
Tôi cười như đứa bé 

TÔI YÊU:
Trái tim không nặng nề 
TÔI THẤY:
Màu xanh hát
Bình minh thắp
Ngày thật lạ
Chiều không nói
Hoàng hôn áo vàng
Đêm bước về
Sương khoác mềm vai phố 

Để hiểu lời bài hát, phải đi qua cái Tôi của Trịnh Công Sơn để nghe, yêu và thấy những gì ông sẽ kể. Một thế giới lung linh, khác thường đã mở ra. Thông thường thì con chim không thể gọi, màu xanh không thể hát, chiều không thể nói, đêm không thể bước về và sương không thể khoác vai phố, nhưng với Trịnh thì tất cả đều có thể. Choáng ngợp vì cái Tôi của ông đứng đó lừng lững, người nghe nhạc còn choáng ngợp hơn khi cái tôi ấy nhỏ lại, chuyển từ chủ động sang thụ động, để mặc thiên nhiên và đời sống ùa vào nói cười lộng lẫy. Ông lúc này ví như một người làm vườn muốn giới thiệu khu vườn xinh đẹp của mình. Lúc đầu ông vỗ tay ra hiệu hãy đi theo tôi, rồi khi những vị khách còn chưa kịp nhận ra điều gì thì ông đã đóng cửa khu vườn, tinh quái biến mất, dù tiếng vỗ tay của ông vẫn hãy còn, và để lại những vị khách cho các tiểu chủ nhân đón tiếp. Ôm đàn, MÀU XANH lúc này là một ca sĩ đang hát, BÌNH MINH khoác chiếc áo của một viên tư tế thắp những ngọn nến lá trong vườn, CHIỀU đến lặng lẽ, ngồi trầm tư như một triết gia, để mặc cho đôi tình nhân SƯƠNG ĐÊM khoác tay nhau về phố. Và Hôm nay tôi nghe không phải chỉ có một mình nhân vật tôi mà là người nghe nhạc ông đang chứng kiến một vũ hội hóa trang, ở đó thiên nhiên mang gương mặt của con người, đẹp hồn nhiên và vô tư như cỏ cây. Nhưng cái message mà Trịnh Công Sơn gửi vào bài hát không phải là niềm vui ngây thơ được vô tư kể lại mà là tình yêu đã không còn làm nặng nề trái tim ông. Rằng chính ông đã hóa thân vào cái hôm nay để được sống một ngày bớt đi những muộn phiền. 1/5 số âm tiết là những động từ mà ông dùng trong bài hát (20/101) xoay quanh một bữa tiệc tình yêu hiu quạnh của đời ông, rất dễ đánh lừa chúng ta về một niềm vui con trẻ, nhưng rốt lại chỉ dư âm của nó là vàng ròng những muộn phiền. 

Cảm nhận âm nhạc Trịnh Công Sơn, chính là đi ngược lại, trở về với điểm xuất phát cội nguồn trong hành trình sáng tạo của ông.
Cái hình thức ước lệ giản dị ẩn chứa những bí mật của cái đẹp không gì khác hơn là một hệ thống các dấu hiệu riêng biệt, bao hàm những ám hiệu và thông điệp từ những ám hiệu đó. Sẽ vụng về vô cùng nếu chúng ta dò thám cái hình thức ẩn chứa những bí mật của cái đẹp trong nhạc Trịnh, bằng cách của một bác sĩ phẫu thuật tìm hiểu sức mạnh của một cơ bắp cụ thể là mổ xẻ nó ra. Nhưng ít ra, đây cũng là một cách tiếp cận để nhận ra cấu trúc đích thực của hình thức bí mật đó. Những ám hiệu (Code) mà Trịnh Công Sơn sử dụng không bao giờ đơn nghĩa. Như biển không phải là biển, con đường không phải là con đường... Chính sự đa nghĩa của các ám hiệu đã tạo ra tất yếu những thông điệp lớn: vừa cụ thể, vừa mơ hồ, với những vùng tối sáng kích thích dữ dội tâm giác con người. Điều này đã chống lại sự nhàm chán, kiểu tư duy của hình học phẳng, hay chủ nghĩa hiện thực minh bạch từng ngự trị khá dài trong nhiều ngành nghệ thuật của chúng ta. Dường như Trịnh Công Sơn lúc nào cũng trăn trở khi bắt đầu cho các ca khúc của mình là làm sao để cái cụ thể, minh bạch phải chứa đựng được cái mờ tối, mơ hồ, và làm sao qua cái mơ hồ mờ tối ấy, vẫn nhận biết được cái cụ thể minh bạch, nhưng để những hình thức đã quy ước không bị phá vỡ và thông điệp được chuyển tải đến người nghe trọn vẹn nhất. Vì sự mơ hồ đa nghĩa mà các ca khúc của ông như một thứ vũ khí hạt nhân, nó làm tiếp những phản ứng kỳ lạ trong tâm hồn người nghe với những vụ nổ ngọt ngào và cay đắng.
Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, có phải chúng ta đã chảy ra, tan biến trong cái khối mơ hồ nóng như lửa, lạnh như tuyết, nó cứng như đá và dễ vỡ như một loài thủy tinh nào đó trong những câu chuyện cổ tích. Như là khi chúng ta đang đọc Những linh hồn chết của N. Gogol, đi qua những con phố Xanh Pêtécbua buồn thảm bất chợt nhìn thấy trên hè phố lát đá một đóa hoa hồng vàng mỏng manh ai vừa bỏ quên đêm qua. Nếu Trịnh Công Sơn kể lại nỗi buồn tình yêu dở dang hay cái chết thê thảm bằng một chủ nghĩa tả chân trong âm nhạc, thì bây giờ không ai còn nhớ đến ông. Trịnh đã cố tình bằng phẩm chất đặc biệt nghệ sĩ của mình chống lại sự ước lệ, xếp đặt một hình thức mới để tạo ra một thế giới với bản chất mới mẻ và bình dị của nó, ông tận dụng triệt để những hàm ngôn, trong bối cảnh nhất định của những ca khúc, bao giờ Trịnh cũng trăn trở làm sao có thể nắm bắt được thế giới rộng lớn này bằng những hình thức cá biệt của riêng mình. Ông đặc biệt yêu thích sự đối lập, tìm thấy trong sự đối lập những va đập lớn ở đó phát tiết ngọn lửa, làm cho những thông điệp mà ông gửi đến mọi người được tiếp nhận mà không cưỡng lại được.
Siêu hình của ông không gì khác hơn là dùng ma thuật đặt những cái cao/ thấp, rộng/ hẹp, dài/ ngắn, hạnh phúc/ bất hạnh, đám đông/ cá nhân, được/ mất, sống/ chết, vui/ buồn... bênh cạnh nhau, sống chung với nhau với một mật độ dày đặc. Mỗi người có một cách hiểu riêng khi tiếp nhận ca khúc của ông. Nhỏ hơn đơn vị ca khúc là ở mỗi ca từ, cũng có những cách hiểu khác nhau. Dường như tính đa nghĩa và phổ quát từ những thông điệp khiến cho âm nhạc của ông trở nên đại chúng, nó được ca hát có thể nói là khắp hang cùng ngõ hẻm. Quả là không có hạnh phúc nào lớn hơn đối với một nghệ sĩ, khi những đứa con tinh thần của mình được công chúng tiếp nhận nồng nhiệt như vậy.
Sáng tạo những mật ca, trăn trở lớn trong cuộc đi tìm những hình thức nghệ thuật như một phương tiện chuyển tải số phận con người, nhưng không bao giờ Trịnh Công Sơn phải thôi xao, ép mình sáng tạo, mà ông làm tất cả sự vĩ đại, kỳ bí ấy một cách tự nhiên như là ông đang hít thở. Các ca khúc của ông là hơi thở của ông được cắt ra, rồi nối lại liền mạch, rất khó phát hiện bản lai của vết nối vi diệu ấy, nếu ai đó chưa đi hết nỗi tuyệt vọng làm người. Từ cụ thể, ước lệ đến ẩn dụ, biểu trưng, từ ám hiệu đến thông điệp, từ ca từ là ngữ đến ngôn với những hiển, những hàm, những ẩn... Trịnh Công Sơn không nhằm đến cái đích của một nhà siêu hình, đơn giản là ông đã viết lại thực tại này theo cái cách của ông. Các ca khúc của ông giống như những thang thuốc dấu giản dị đến mức tầm thường nhưng chữa được nhiều căn bệnh trầm kha. Người ta không thôi ngạc nhiên trước văn tự của ông, sự kết hợp hầu như là siêu hình của nó, làm sao có thể diễn xuôi đoản khúc này: 

Tóc em gầy trong gió

Trong ta giọt máu mù
Khô theo ngày thương nhớ
Vết buồn khắc trên da 

Chỉ thấy một vô thanh của tóc gầy, máu mù, thương nhớ khô, da vết buồn khắc, nhưng đích thị đó là một nỗi thất vọng tình yêu qua diễn đạt siêu hình của Trịnh. Giọt máu biết mù lòa là một ám ảnh độc bản, và ngày thương nhớ “lạc loài” ở đây như một chủ thể con người. 
Không có chủ đích bước vào cái siêu hình, nhưng nỗi tuyệt vọng khiến ông đặt vào văn tự những chiếc bóng mơ hồ có thể cảm nhận bằng lục khiếu nhưng không bao giờ nhìn rõ được hình hài của nó.
Nguồn: tcs-home.org

1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...