Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Thổn thức nghe lòng Huế vỗ về

Thổn thức nghe lòng Huế vỗ về

     “Nơi đây bình yên và dịu dàng như rứa, mà răng nhiều người cứ muốn đi xa, em hè. Em cũng không nên đi, không được đi, trái tim em là của Huế” – nghe những lời này, bỗng thấy lòng ngơ ngẩn. 
     Vào blog một người bạn, thấy bức ảnh với màu xanh chủ đạo của những cây phượng vỹ soi bóng xuống dòng sông Hương che khuất một phần chùa Thiên Mụ trang nghiêm, lòng tôi xốn xang khó tả khi biết, có rất nhiều người con đang ở cách xa Huế nữa vòng trái đất, vẫn luôn luôn dõi theo những bước đi của quê hương, trái tim luôn hướng về nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn họ lớn lên mỗi ngày. Tôi không cắt nghĩa được cảm xúc của chính mình khi nhìn bức ảnh đó. Chỉ biết rằng, ngay lúc ấy, muốn xách xe ra và đi lang thang quanh cố đô một vòng cho thỏa nỗi nhớ. Làm sao mà ở ngay trong lòng Huế, trái tim tôi lại cứ thổn thức đến nỗi, đi bất cứ đâu, nhìn cất cứ thứ gì dẫu xa lạ hay thân quen cũng dâng lên cái cảm giác lạ kì. Như thể, quê hương của tôi là người đàn ông mà tôi đem lòng yêu thương, chỉ muốn vùi đầu vào ngực anh, để được hít hà mùi cơ thể quen thuộc, để được lăng im nghe tiếng trái tim đập thình thịch trong lòng ngực, để lắng nghe tâm hồn nhau, để xoa dịu những cơn đau vẫn còn âm ỉ cháy từ những xưa lơ xưa lắc. 
      Huế mùa này, những chùm bông nắng vẫn đua nhau nở rực rỡ vào mỗi sớm mai và chỉ chịu khép lại khi hoàng hôn buông xuống. Ai đó đến Huế đã từng bảo, đặc trưng của Huế là mưa, nên đến Huế vào mùa hạ là “thất sách” bởi “đặc sản” hạ Huế chỉ toàn nắng là nắng. Nhưng họ quên mất rằng, ngoài những cơn mưa dai dẳng và đậm đặc hơi lạnh của mùa đông, Huế còn có nhiều những cơn mưa trái mùa. Những cơn mưa rụng bất chợt giữa trời, khi trước đó ít giây phút thôi, người ta vẫn còn nhăn mặt, lau mồ hôi vì sự oi nồng của cơn nắng gắt. Những cơn mưa ấy, tôi vẫn thường ví nó như là một bài tình ca của Huế. Bởi không giống như nhiều nơi khác, khi cơn mưa đến, những giọt nước chỉ đơn thuần làm lòng đường ướt đi và rồi khi mưa dứt, mọi thứ lại trở về như cũ. Cơn mưa mùa hạ xứ Huế, rất nhiều lúc, chẳng khác nào những cơn mưa lạnh lẽo của mùa đông. Khi những hạt mưa trở mình rơi giữa lòng cố đô, phố xá đương ồn ào cũng bỗng dưng khựng lại, cây cối nghiêng mình im ắng. Và lòng người, cũng từ đó mà úa màu theo. Những cơn mưa chiều giữa hạ thường kéo theo hơi lạnh, đôi khi khiến ai đó đang lang thang phải co rúm người lại khi ngang qua dòng sông, hơi nước tạt lên bảng lảng cả tâm hồn. Nó dễ khiến ai đó cảm giác trống trải và cô đơn nếu trong trái tim họ vốn mang một vệt sầu. Chính những khoảnh khắc tĩnh lặng bất chợt đó, người ta dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi trong cảm xúc của mình, dễ dàng nhận ra, lòng mình có còn vươn mang ở một nơi nào đó, nơi đã giữ một phần trái tim và tâm hồn họ ở lại mà nhiều lúc ngỡ đã quên đi, ngỡ thời gian đã làm phai mờ tất cả. Mưa làm lòng người ngơ ngẩn nhưng cũng chính nó, là liều thuốc an thần xoa dịu những vết thương. 
     Tôi không có thói quen lang thang khi buồn bởi những khi ấy, sự riêng tư và yên tĩnh mới giúp tôi lặng nghe rõ hơn trái tim mình. Nhưng những lúc thấy lòng mình trống rỗng, việc lê la khắp cố đô quanh những con đường nhỏ nhắn rợp màu cây xanh lại giúp tôi tĩnh tâm hơn hết cả. Ngoại trừ con đường nhà tôi ở, thì Lê Huân, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm và 23 tháng 8 là bốn con đường tôi vẫn đi nhiều nhất. Chúng bao quanh Hoàng Thành cổ kính với hai hàng cây phượng vỹ rợp bóng chụm đầu vào nhau, tỏa bóng râm che gần kín mặt đường. Đi dưới những con đường này giữa lòng trời hạ đỏ, cũng không hề cảm nhận được cái nóng, cái nắng bởi cơn gió nhẹ và những vạt cỏ xanh mát cạnh Hoàng Thành khiến lòng người dẫu đang buồn bực hay khó chịu cũng trở nên dịu đi và “ngoan hiền” trước sự mềm mại ấy. Mỗi chiều đi ngang qua đây, tôi vẫn cho xe chạy thật chậm, thật chậm để được ngắm nhìn những chùm phượng vỹ đỏ lửa trên bầu trời, để ngắm nhìn sắc vàng lung linh trong nắng của những chùm hoa osaka mang dáng vẻ tiểu thư đài các, để ngắm nhìn từng thảm cỏ mềm mại nằm im ắng bên đại nội uy nghi, để lắng lòng lại khi bắt gặp trong gió hương thơm thoang thoảng từ các hồ sen nhỏ, để một mình mỉm cười khe khẽ, thấy lòng ấm ngọt khi nhìn hình ảnh người cha trẻ nắm tay con đi dạo trên vỉa hè. 

    Không ít lần tôi vẫn thường ước, vào một buổi chiều mát mẻ nào đó, tôi sẽ nắm tay một ai đó (có thể là hai đứa cháu xinh xắn đáng yêu của tôi, có thể là bàn tay vững chãi của người đàn ông tôi luôn kính trọng và yêu thương, cũng có thể là những đứa con bé bỏng của tôi sau này…) để đi dạo trên vỉa hè lát gạch đỏ sạch sẽ, bên dưới bóng những cây phượng, osaka, bằng lăng tím, điệp vàng hay xà cừ vẫn miệt mài làm đẹp và tô thắm vẻ bình lặng cho cố đô và nhìn những vòng xe lăn bánh chở những trái tim hồng về nơi họ mong chờ sau mỗi chiều tan sở. Tôi luôn tin rằng, sự cổ kính và tĩnh lặng của xứ Huế luôn đủ bao dung để xoa dịu những được mất, những tham sân si của lòng người trước bộn bề cuộc sống. Nhìn những buổi chiều nhạt nắng, những vạt nắng còn vấn vương trên thảm cỏ mền, nhìn bờ tường cổ kính rêu phong, những tấm thảm rêu in màu của năm tháng, nhìn ráng chiều rực đỏ bầu trời phía tây mỗi khi hoàng hôn buông xuống…tôi vẫn thường tự hỏi, sao Huế tôi hiền lành đến vậy. Huế hiền như người con gái tóc dài ngồi bên dòng Hương, hiền như Thiên Mụ vang vọng tiếng chuông chùa, hiền như đồi Vọng Cảnh trên thượng nguồn sông Hương ru những đôi tình nhân vào tình yêu muôn thuở, hiền như tấm lòng bao la của những người mẹ, như những nốt nhạc của Trịnh vang lên giữa một ngày đông mưa ướt đẫm mảnh tình ai còn in nơi quán nhỏ. Những nơi tôi vẫn thường khắc khoải tìm đến mỗi khi thấy lòng héo hắt, chỉ để lặng im, vùi mình vào lòng Huế, nghe từng nhịp tim mình rung lên theo sự vỗ về, âu yếm của đất mẹ. 
      Tôi thương trái tim của Huế mình. Trái tim luôn lặng lẽ dõi theo bóng những đứa con đã sinh ra, để rồi một ngày mưa không hẹn, nước mắt Huế rơi tầm rã một chiều tiễn bóng những đứa con xa mẹ để bay đến một miền trời xa xăm. Rồi cũng chính vòng tay ngọt ngào ấy, vẫn dang rộng ra đón chào những tâm hồn xa quê quay trở về trong tiếng nấc nghẹn ngào đẫm mùi thương nhớ. Tôi là một đứa con của Huế, cũng như bao trái tim trẻ trung khác, từng mong muốn được lớn lên, được vẫy vùng đôi cánh ra khỏi bầu trời cố đô bé nhỏ, để được nhìn ngắm quê hương qua lăng kính màu hồng nơi viễn xứ nhưng có lẽ, trái tim tôi đã gắn với máu thịt của Huế mất rồi. 
     Bao nhiêu năm sinh ra và lớn lên ở đây, dẫu chỉ quanh quẩn với những con đường quen thuộc, những con phố thấp lè tè, những hồn người nhỏ nhẹ…vậy nhưng cũng đã rất nhiều lần tôi có cảm giác, nỗi nhớ Huế đầy chất ngấy trong trái tim bé bỏng của mình như thể tôi đang ở một nơi nào đó, đau đáu hướng về quê hương. Thế nên, tôi vẫn chưa bao giờ tưởng tượng được, lòng tôi sẽ buồn thương biết mấy nếu một ngày, ở một thành phố đẹp xinh nào khác, tôi hoang hoải sầu, nhớ quay quắt đất mẹ khi những hạt mưa rơi trên xứ người. Cũng là những giọt nước cả thôi, mà đôi khi tôi ngỡ mưa Huế là nước mắt mình, có vị đắng của mất mát, có vị ngọt của hạnh phúc. 
      Những đêm như thế này, nắng đã gom mình về nấp sau lưng đồi, những cọng gió rủ nhau đi lang thang khắp ngõ. Tôi chỉ muốn lắng mình lại để nghe tiếng đêm thì thầm, rất nhỏ, rất nhỏ, như tiếng Khánh Ly rót nhẹ vào tai:
“ Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào
Em đến thăm mây âm thầm mang gió lên
Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng
Nay em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau...”. (*)
  Tôi sẽ nhắm mắt, sẽ gởi vào đất mẹ những khát khao cháy bỏng của con tim mình qua những giấc mơ, sẽ ngã vào lòng Huế để nói với ai đó rằng “Huế em đang ở đây, trái tim em đang ở đây, hãy yêu thương em như lòng anh có thể và hãy để em được một lần yêu anh, yêu đắm say như yêu Huế trong em suốt cuộc đời này”. 
Hồ Tịnh Thủy
Hạ Huế, tháng 7, 2012 

(*) Lời trong bài hát "Mưa hồng" của Trịnh Công Sơn


                 Mưa hồng - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly

1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...