Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Có một dòng sông đã qua đời

Có một dòng sông đã qua đời
Mỗi chúng ta luôn chứa chất trong lòng nhiều hoài niệm. Cuộc sống theo sau mỗi ngày xô bồ, xáo trộn nên dễ khiến những hoài niệm ấy dần bị nén chặt, lắm khi chìm sâu vào cõi vô thức của con người. Những hoài niệm là gạn lọc buồn vui còn sót lại của thời gian, là những ảnh hình kí ức chỉ có thể cất giữ được bằng sự lắng sâu, êm ả của tâm hồn…
Khó mà có thể đánh thức những sự lắng sâu, yên ả đó nếu như cuộc sống của chúng ta thiếu đi những giai điệu và lời ca. “Có một dòng sông đã qua đời” của Trịnh Công Sơn là ca khúc mà mỗi khi nghe lại tôi đều thấy lòng mình gợn lên những miên man xúc cảm khó có thể diễn tả hết bằng lời… 
 “Mười năm xưa đứng bên bờ giậu
 Đường xanh hoa muối bay rì rào   
Có người lòng như khăn mới thêu…”
Cái thuở ban đầu sao thật trong trẻo. Nhất là trong tình yêu, cái thuở ban đầu ấy càng đẹp và khắc sâu không dễ lạt phai trong tâm trí chúng ta. Hình ảnh mà Trịnh Công Sơn chọn để diễn tả cái sự trong trẻo ban đầu ấy mới thật là ấn tượng: “(…) lòng như khăn mới thêu”. Những cô gái chớm lớn và vừa mới biết yêu, trong mắt họ dường như vạn vật đều nên thơ, lãng mạn. Chỉ đơn giản là con đường hoa muối bay khua động lao xao thôi cũng khiến bàn chân, trái tim họ reo hoan, nẩy những mầm vui tươi thắm.Tâm hồn trong trắng của họ bỗng một ngày được dệt lên những hoa văn, hình thù mới mẻ… Và bao sự thú vị hồn nhiên, mới mẻ ấy chỉ có thể có được ở những phút ban đầu!
Quy luật cuộc đời vốn khắc nghiệt, đâu ai đoán định được trước chuyện gì rồi sẽ xảy đến với mình, lẽ dĩ nhiên là trong tình yêu cũng sẽ chẳng thể nào tránh khỏi chuyện hợp- tan. Dần theo thời gian con người rồi cũng bị bào mòn. Về niềm tin… Về những yêu thương…Về tuổi tác… Cho đến một ngày:   
“Mười năm sau áo bay đường chiều   
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều   
Có người lòng như nắng qua đèo…”
Mười năm thoảng qua tưởng chừng như rất ngắn, nhưng nhìn lại mới thấy rõ sự tàn nhẫn của thời gian. Đường xanh xưa đã héo chiều, và những xúc cảm tinh khôi, những rộng mở ban đầu dường như cũng khẽ khàng khép lại, bao nhiêu chuyển dịch, bao thứ đổi thay, bao sự cũng đã dần trở nên “xa lạ nhiều”. Đó là về cái vật chất hiện hữu trước mắt, còn riêng cõi tâm can, cõi hồn người thì thật xót xa. Có lẽ nguồn suối mát tình yêu đã cạn khô nên tâm hồn người con gái ấy cũng trở nên nhờ nhợt như “nắng qua đèo”… Thời gian lại tiếp nối thời gian: 
“Mười năm chân bước trên đường dài   
Gặp nhau không nói không nụ cười   
Chút tình dường như hiu hắt bay   
Mười năm khi phố khi vùng đồi   
Nhìn nhau ôi cũng như mọi người   
Có một dòng sông đã qua đời…”
Mỗi mốc mười năm đi qua là mỗi lần vết son thời gian quất roi vào tâm cảm con người, vào nỗi đau mối tình đầu dang dở của cô gái trong bài hát. Người con gái ấy dường như vẫn còn ấp ủ sâu nặng những tình cảm thánh thiện của thuở thiếu thời, nên cô hoàn toàn ngơ ngác trước thái độ lạnh nhạt của người yêu cũ “gặp nhau không nói không nụ cười”. Để rồi “chút tình” còn lại trong cô dành cho anh cũng “dường như hiu hắt bay”, và hệ quả cuối cùng không thể tránh khỏi: “Nhìn nhau ôi cũng như mọi người/ Có một dòng sông đã qua đời…”
Ca từ trong mỗi bài hát của Trịnh thường hiện lên sóng sánh rất đẹp, cái đẹp thăng hoa từ cái tình, từ bao nỗi niềm xúc cảm khôn nguôi. Đâu đó tôi nhớ ông đã từng viết: “Từng người tình rồi cũng bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”… Sự ra đi, theo ông, trong cuộc đời là điều tất yếu ai cũng sẽ phải trải qua. Nhưng cách người ta ra đi để làm sao còn nuôi giữ trong tim người ở lại những tình cảm trân quý, nuối tiếc, yêu thương, đợi chờ mới là vấn đề cần phải bận tâm, suy nghĩ. Và theo tôi, sự ra đi nào trong cuộc đời này cũng ẩn chứa trong nó một ý nghĩa riêng mang…
Tôi cũng bắt đầu nghĩ về cách chọn lựa và chấp nhận. Nếu một ngày người ta yêu rời bỏ ta đi để kiếm tìm một cuộc sống, một hạnh phúc mới thì ta sẽ phải làm gì, sẽ như thế nào? Có rất nhiều người đã lựa chọn những sự níu kéo rồi oán hờn, thù hận, và mãi mãi là chẳng thể nào tha thứ cho nhau. Vậy mà, trước bao thác lũ, sần chai, xù xì của cuộc đời, trước thói tình đen bạc, cô gái trong lời ca của Trịnh đã chọn cách yêu và tha thứ bao dung, yêu thương chan chứa. Có lẽ, với cô, tình yêu đã qua ấy chỉ có thể là một hoài niệm. Một hoài niệm mà đã từ lâu cô cất giữ nó, nâng niu nó, nuôi dưỡng nó không bằng một thứ độc tố của buồn đau, thảm não, hận thù. Mà đó là một hoài niệm được dung dưỡng bằng tình yêu trong trẻo ban đầu, một tình yêu chân chính, đích thực, một tình yêu của một con người- thực- sự- biết- yêu.
Khi đoạn cuối bài hát chầm chậm cất lên, người nghe có cảm giác như có gì man mác trong lòng, thoáng chút ngậm ngùi. Nhưng tôi tin và rồi sẽ mãi tin, rằng sự ngậm ngùi đó là một sự ngậm ngùi hoàn toàn thanh thản… 
“Tóc người dòng sông xưa ấy đã phai   
Đã lênh đênh biển khơi   
Có lần bàn chân qua phố thấy người   
Sóng lao xao…
Bờ tôi…
Thành Vương



1 nhận xét:

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...