Huỳnh Kim Bửu và Tiếng hạc bay trên dòng sông Côn
Giữa khu vườn thơ văn bề bộn, hoa và
lá đua chen, hai quyển sách của Huỳnh Kim Bửu xuất hiện với một phong cách đặc thù,
một giọng nói riêng đã vẽ lên một tâm cảnh rất khác.
Thoạt nhìn, tôi chú ý ngay đến tựa của
hai tập sách: “Nơi con Sông côn chảy qua”[1] và “Trong như tiếng hạc bay qua”[2] - cả hai đều có một chữ qua - Có
thể đó chỉ là một tình cờ, có lẽ không phải là dụng công của tác giả, nhưng
tôi thấy thật thú vị vì hai chữ qua đó đều nói về quá khứ,
về một thời đã mất...
Thật thế, nhẩn nha đọc khi còn ở Milano (Ý ) những trang viết
của Huỳnh Kim Bửu đã đưa tôi về hồi ức, lội ngược thời gian…
...Gần bốn mươi năm sống ở nước ngoài, khi bước vào những trang
sách của ông tôi như bất ngờ trở lại quê mình. Tôi như vừa nhìn thấy một bụi
chuối sau vườn, chợt bắt gặp một ánh trăng soi trên đỉnh tháp hay có khi nghe
tiếng gà gáy sáng… rồi có lúc lại tưởng như mình đang dạo bước giữa không
gian thoang thoảng hương sen, thần trí mơ hồ, không biết từ đâu vừa vẳng lên
một tiếng chuông chùa.
Chuông dội lại trong lòng, không lớn lắm, nhưng ngấm sâu và đánh
thức những kỉ niệm tuổi thơ. Như ngọn đèn mờ bỗng dưng loé sáng. Những áp lực
của cuộc sống trời Tây dường như không còn nữa. Những bon chen, phù phiếm bay
đi đâu hết. Trong tôi chỉ còn nghe một thứ rung cảm kỳ bí. Tình quê.
Lật tiếp những trang sách, tôi thấy nhiều những đoạn văn hay,
những chi tiết thật thú vị bất ngờ về cuộc sống của một thời quá vãng
ngay trên chính quê hương mìmh mà tôi còn chưa biết... Những cô gái mài vỏ ốc
cẩn xà cừ, bôi một thứ phẩm xanh để ngừa nước ăn da nên ra đường phải giấu
hai tay trong nếp áo. Hay ông lão kỳ lạ, câu cá chỉ vì phải ăn để sống, chứ
bữa nào dùng không hết thì ông lại đem ra bến để trả cá về với sông. Huỳnh
Kim Bửu cảm nhận thời tiết qua
phẩm vật mùa màng, dựa vào cây trái và hoa lá để minh chứng là
Bình Định quê ông cũng có đầy đủ bốn mùa chứ không phải chỉ hai mùa mưa nắng.
Mùa Xuân: chuối, bưởi cam; hoa mai, hồng, vạn thọ. Mùa Hè: xoài, mít;
hoa phượng, sen đầm; MùaThu: mận, nhãn lồng; hoa cúc. Rồi Mùa Đông: lại quay
về với chuối; còn các thứ hoa thì vàng úa, tàn tạ, chỉ còn hoa giấy phất phơ
trong cảnh gió mưa...
Nhẩn nhơ dạo chơi theo từng trang sách tôi không khỏi có cảm
giác như đang ngồi bên chiếc võng nghe ông đong đưa kể chuyện, rồi khi buông
xuống, chợt thẫn thờ vì cảnh và người trong chuyện đã vời vợi xa, không còn
nữa. Lòng vời vợi buồn vì những chuyện đổi thay hình như không theo lẽ tự
nhiên, kiểu làn sóng sau thay làn sóng trước... mà cảnh cũ mất đi vì những áp
đặt của con người. Thời buổi “toàn cầu”, lòng tham cũng theo đó được toàn cầu
hóa, ai nấy sục sôi chạy đua làm giàu bằng mọi giá, kỹ thuật được vận dụng
tối đa, tài nguyên được khai thác tận lực…Cảnh quan tươi đẹp của đất nước,
của các vùng quê thanh bình ngày càng bị xé nát, thay vào đó là sự hỗn độn,
khô cứng đến vô hồn, cuộc sống trở nên vật vờ và giả tạo.
Giọng kể của ông đều đều, như không quan tâm đến việc đổi mới
câu chữ. Ông viết như trải lòng, tâm tình với người đọc trong một đối thoại
thầm lặng mà không kém phần sôi nổi.
Giọng điệu ấy thật khác với rừng rừng chữ nghĩa, chạy theo bút
pháp này, trường phái kia, từng làm tôi hoa mắt trước nhiều quyển sách “lạ”,
tin theo những lời giới thiệu có cánh, những bài phê bình ngoại giao, phe
nhóm rồi mua về, đọc đi đọc lại mà không biết tác giả muốn nói gì. Ở đây,
trong hai quyển sách của Huỳnh Kim Bửu, tôi gặp lại những áng văn bình dị, không
cầu kỳ hay xun xoe chữ nghĩa… nhưng những câu chữ như có mang chút ánh sáng
lấp lánh, soi chiếu những miền ký ức, gợi nhớ những kỷ niệm tưởng đã quên lâu
và chìm khuất sau lớp bụi dày của thời gian.
Rõ ràng cách tân gì thì cách tân, văn học không thể chỉ chạy
theo bút pháp mới lạ, nhưng nghèo ý tưởng, duy lý đến khô cứng, rời bỏ cảm
xúc, thiếu đi nỗi lòng của con người khi nhìn thế sự đổi thay.
Thực ra trước đây tôi cũng đã từng đọc những bài viết riêng lẻ
của ông, thế nhưng giờ đọc lại một mạch trong toàn tập, cái nhìn tổng thể
càng tô đậm trong tôi một cảm giác man mác buồn, man mác nhớ về một thời quá
vãng, không chỉ là tâm lý hoài cổ, mà còn là nỗi băn khoăn về những giá trị
của một thời cần phải được lưu giữ nay đã không còn. Đọc tạp văn mà cảm giác
như mình đang đọc cổ thi, đang thả bước lang thang, dạo quanh khu thành quách
hoang phế của những trường thành Bình Định, nơi đã từng là vùng đất thiêng
của hai vương triều[3].
Ngôn ngữ của HKB giản dị, trong sáng, dùng nhiều từ địa phương
mộc mạc, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, pha trộn với nhiều từ ngữ và hình ảnh
cổ điển của Đường thi khiến văn ông vừa gần gũi dễ đọc vừa có chút chiêm
nghiệm, chất triết lý nhân sinh nhẹ nhàng khiến ta phải suy nghĩ. Điều này
cũng không lạ, nếu biết ông đã qua tuổi thất thập. Những vầng dương,
nhật nguyệt, bóng hạc, tà dương, hưng phế... trở đi trở lại nhiều
lần... tạo không khí hoài cổ của người có tuổi thường ngoái lại đằng sau hơn
là nhìn về phía trước.
Hãy nhìn qua mắt ông: “Không còn những ngọn khói lam chiều
toả lên từ những mái tranh, không còn những ngả ba sông mênh mông bát ngát
với những đò chiều tấp nập vì dòng sông mỗi ngày mỗi cạn..” (Kỷ niệm
chiều). Hay cảm theo ông giữa lúc hai màu vàng đen của bầu trời sắp hoà
nhập, trộn lẫn vào nhau khi chiều muộn:
“Chiều sẫm tối, có chàng trai trẻ bách bộ trên
đường phố, hồn trí bâng khuâng với cảnh trời chiều, bỗng nghe một làn hương
sực nức từ đâu đưa lại: mùi dạ hương sớm toả...”(Chiều)
Câu chữ giản dị
nhưng không kém phần bóng bẩy. Bằng những con chữ đơn giản nhưng ông diễn tả
được những điều tinh tế có sức lay động lòng người.
Trong hai quyển sách có không ít những đoạn làm người đọc lâng
lâng: “Người đứng trên cầu Phụ Ngọc nhìn ra xung quanh thấy mặt trời
đang lặn trên ngã ba sông; những hôm có ráng chiều màu nước sông Côn nhuộm
màu ráng đỏ, rồi cái màu ráng đỏ cùng sông mà trôi đi biền biệt...”
“Mỗi sáng sớm, chủ nhà thức dậy, đun ấm nước
rồi ra trước hiên lai, hái vài hoa hồng tường vi nở trong đêm. Cho trà búp
Đài Loan, cho hoa vào bình, rót nước sôi vào hãm giây lát là có được một bình
trà ngon hảo hạng. Bưng kỷ trà toả hương đặt trên chõng, ngồi ngó ra sân còn
đặc sương mai, uống trà với tâm thế người chào đón buổi bình minh.”(Chõng
tre)
Thế nhưng những trang văn của ông không chỉ có cái nhìn hoài cổ.
Có lúc ông cũng dí dỏm, đang nói về chuyện “nhập tâm mắm” rồi bỗng ví von,
khen con gái có cái “duyên mặn mà.” Cái vị mặn của mắm tương hoà
với nét đẹp mặn mà của cô gái quê chân chất, hiền hoà, sống rất thực,
trọn đời hy sinh vì chồng con, gắn đời mình vào cuộc hôn nhân bền bĩ, thách
đố thời gian. Ông quan sát tinh tế đến từng chân tơ kẽ tóc về những điều
thường hằng hiện ra trước mắt mà với ta không lưu giữ chút gì trong trí nhớ.
Hãy nghe ông tả cô gái bán bánh mì trên đường Tăng Bạt Hổ, Qui Nhơn: “Tay
cô con gái thon búp măng, đeo nhẫn, cầm con dao Thái Lan thái chả, thái thịt
thái rau, rồi cũng bàn tay ấy rạch ổ bánh mì, kẹp thịt chả, kẹp dưa leo, cọng
hành ngò xanh, lát ớt cay màu đỏ tươi, xịt nước tương vào ổ bánh, rồi đặt ổ
bánh vào tờ giấy, cuộn lại, trao bằng hai tay hai mắt cho người khách đang
vui vẻ đợi. Tất cả các động tác của cô bán hàng đều rất thành thạo, rất lịch
sự, nhịp nhàng, khiến tôi nghĩ đến điều: cô ta đang làm theo một điệu nhạc
rất du dương trong lòng mình”.(Ổ bánh mì nóng giòn).
Chao ôi! Phải có một tấm lòng yêu thương cuộc sống và con người
biết bao mới khiến ông có thể trải lên giấy những trang văn đẹp đẽ và thiết
tha đến thế về con người, về những công việc hết sức bình thường .
Trên những trang sách của HKB người ta còn bắt gặp mùi và vị quê
hương. Kinh nghiệm khứu giác
thật mạnh khiến người đọc có cảm giác như đang cùng ông cắn chiếc
bánh, rồi hồi ức và tình cảm được gợi lại giúp ta “đi tìm thời gian đánh mất”
như Marcel Proust “nhìn thấy” bầu trời
thơ ấu của mình. Ta gặp đủ thứ, từ vị thiền trà trong sương sớm, vị mắm cua
đồng đếnmùi bùn đất, mùi mồ hôi của
những bác nông phu, mùi hăng hăng rơm rạ đến mùi khói đốt đồng, mùi
gió biển quanh năm tanh tanh mặn mặn.
Người lưu giữ và qua từng ấy thời gian
có thể dễ dàng truyền lại một cách tươi nguyên những mùi vị đó chắc hẳn phải
là người có cảm xúc dạt dào và mang trong lòngmột tình yêu quê hương
nồng thắm.
Có lẽ vì thế mà sau khi đọc Nơi con sông Côn chảy qua, một bạn
văn của tôi đã không đắn đo gọi HKB là một Sơn Nam của Bình Định?
Cũng như bạn, đọc HKB, tôi có cảm giác
là tình yêu quê hương Bình Định của ông, vác trên vai 70 năm qua, như một
phần xương thịt của chính mình. Những vùng đất, những con người, tập tục,
những màu sắc và mùi vị của những đồ vật sắp sửa biến đi... ông câm lặng
nhìn, câm lặng nghe rồi đêm đêm, câm lặng chong đèn viết lên tiếng kêu luyến
tiếc cho chính mình nghe. Tiếng kêu ấy bây giờ vọng lại, từ trang giấy chuyển
tải đến chúng ta, đi tìm người đồng cảm.
Tôi tin có rất nhiều người đồng cảm với ông dù họ ở đâu trên thế
giới này, miễn họ là người Việt. Và tôi hẳn nhiên là một trong số ấy.
Người ta nói và đã nói rất nhiều về
một thời vang bóng, nhắc đến những cuộc phế hưng qua thời gian, qua bao năm
chiến tranh và giờ đây đau buồn nhìn thấy nền văn hoá đang tụt dốc. Thế nhưng
đọc tản văn của HKB, tôi vẫn cảm thấy có cái gì khác, sâu thẳm hơn, tê tái
hơn, ngậm ngùi hơn những gì tôi đã thường nghe, thường đọc. Có lẽ sự mộc mạc,
ngôn ngữ không chút gì cầu kỳ, bí hiểm và đượm mối nhân tình ấy đã làm
mới cảm xúc trong lòng chăng?
Theo dòng sông Côn, những trang viết
lặng lẽ của HKB đưa người đọc trở về chốn yên bình của một thời. “Mấy
mươi năm rồi, tôi còn nhớ như in hình bóng lão Thận ngồi câu quẹt ở gần bến
sông… Bữa nào cá nhiều, ăn không hết, chiều xẩm ông đem ra bến sông thả xuống
gọi là “phóng sanh”, để rồi sáng hôm sau lại ra bến sông câu lại từng con một
trong cảnh chim trời cá nước. Tôi nhớ ông như nhớ một con người kỳ lạ, có
lòng từ tâm, còn chuyện đi câu chẳng qua là vì miếng ăn của ông bị thiếu…”
(Những con sông quê ơi!)
Một bạn văn khác của tôi, khi đọc hai tập tản văn, bút ký nhận
định HKB là một nhà văn chuyên về Bình Định học... Rất đúng, vì
qua những trang văn ông đã lưu giữ cái hồn cốt tinh túy của tập tục, đời
sống, con người và thiên nhiên của vùng đất quê mình. Nhưng tôi thấy một danh
xưng như thế vô hình chung đã “khoanh vùng” văn hóa và không nói lên được
tính khái quát về những trang viết của ông. Đúng là ông viết về Bình Định
nhưng những hình ảnh mà ông vẽ lên, ghi lại... người đọc không khó khăn nhìn
thấy rải rác trên khắp mọi miền đất nước.
Vì vậy, tôi thích gọi HKB là nhà văn Việt Nam, không chỉ viết
riêng cho Bình Định; dù cả đời mình HKB ít có dịp đi xa, “nhích” đến những
vùng đất lạ. Cả đời mình hầu như ông chỉ quanh quẩn “Nơi con sông Côn
chảy qua”, hoàn cảnh cá nhân buộc ông phải thuỷ chung sống chết với vùng
đất ấy; mà vùng đất ấy cũng chính là đất thiêng, đất của nghĩa khí Tây Sơn
“áo vải cờ đào”… Ông yêu người dân “thàng hậu” quê ông tha
thiết, tình yêu đó tan chảy vào máu thịt đến độ khả kiến mà bất kỳ ai, là con
dân “Xứ Nẫu” hay không, đọc ông viết về những gì đã qua hơn nửa thế kỷ cũng
đều dễ dàng nhận thấy phong cách và lòng yêu đó.
Đề tài trong hai tập sách của HKB thật đa dạng và phong phú. Tôi
không biết là để chắt chiu nhặt nhạnh từng hình ảnh, từng chi tiết và kỷ niệm
để tập hợp lại rồi “bắt nó nằm lại” trên những trang giấy… ông đã làm việc
cần mẫn bao nhiêu năm nhưng tôi tin chắc là ông đã chẳng hoài công. Ông đã
níu giữ được một thời. Bằng những rung động chân thành, cảm nhận sâu sắc và chắt
lọc chi tiết, gọt dũa qua ngôn ngữ nghệ thuật theo cách của mình, ông đã để
lại những trang văn gợi cảm, có sức lan toả và tạo những dư ba trong tâm hồn
người đọc.
Xã hội hôm nay có quá nhiều sản phẩm, kể cả văn chương, để người
tiêu dùng ăn ngấu nghiến, ăn vô tội vạ và rồi nhanh chóng vứt bỏ như xóa “1
file” trong bộ nhớ. Những kẻ háo danh chỉ muốn làm điều lập dị, cố gây đình
đám... để mau nổi tiếng, mấy ai bỏ thời gian để viết những điều chẳng mấy
“thời thượng” này. Vì thế tôi nghĩ sự xuất hiện của những quyển sách quý,
giúp ta lưu giữ những kỷ niệm và giá trị truyền thống, rất đáng nghiêng mình
kính trọng.
Vì không ai hình dung được một xã hội sắp đến sẽ quái gỡ ra sao
nếu chỉ toàn những người làm kinh tế lừa đảo, chộp giật, mánh mung hay những
người cầm bút viết lên những trang văn vô cảm, nhạt nhẽo, không hề quan tâm
đến người đọc. Hay chỉ quan tâm đến những tin lộ hoàng, khoe thân xác... để
kích động lòng tham muốn thấp hèn. Khơi dậy bản năng xấu nhất. Để đánh thức
phần CON, bóp chết phần người...
Nếu văn chương là tiếng nói của cảm xúc, là bày tỏ thái độ trước
những vấn đề trong cuộc sống, là sự giải bày nội tâm để tìm kiếm những đồng
cảm tri âm của người đọc... thì tôi nghĩ là HKB đã thành công
trong cuộc tìm kiếm đó.
[3] Thế
kỷ X là thành Đồ Bàn, kinh đô Chiêm Thành, sau đổi tên là thành Hoàng
Đế, đế kinh của vua Thái Đức, Nguyễn Nhạc, triều Tây Sơn.
|
Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014
Huỳnh Kim Bửu và Tiếng hạc bay trên dòng sông Côn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cái còn lại hóa cái không
Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Trả lờiXóahàng không eva airline
mua vé máy bay đi mỹ giá rẻ
vé máy bay korean air
book vé máy bay đi mỹ
giá vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Tri Thuc Du Lich