Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Tình yêu bên dòng sông quan họ

Tình yêu bên dòng sông quan họ
Tôi không nhớ được lần đầu tiên nghe bài hát này, đã yêu hát này từ khi nào và đã nghe đi nghe lại bao nhiêu lần rồi. Nhưng có một điều tôi biết rõ, cảm xúc mà bài hát đem lại cho tôi giống như của một mối tình đầu với âm nhạc gõ cửa tâm hồn tôi, luôn luôn tươi mới và miên man.
Cứ lần lữa mãi với ý định diễn giải những cung bậc thanh âm ấy ra giấy, nhưng dường như cái xúc cảm ấy đã vượt ra khỏi khuôn khổ của câu chữ. Cho đến một lần, tôi hát bài này cho vợ tôi nghe. Lúc ấy, tôi tưởng tượng ra mình đang đi lang thang giữa hội Lim Bắc Bộ, trong cái tiết se lạnh của vùng Kinh Bắc, những nụ cười duyên dáng đỏ thắm môi cắn chỉ như những cánh hoa đào e ấp trong sương, những ánh mắt lúng liếng mang nặng sức ám ảnh của các liền chị, những cánh trầu têm hình cánh phượng tươi non màu dân tộc, nồng đượm vị quê hương trên những ngón tay búp măng trắng hồng đang mời liền anh, cái lưu luyến bịn rịn chiều rã bạn, đêm tan hội…và vợ tôi khen tôi hát hay, dù tôi một nửa nốt “son” cũng không biết.
Hôm nay, vào google, gõ từ khóa về Phan Lạc Hoa, không thấy phần tiểu sử, không thấy trang nào nói riêng về người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh này, mà chỉ có nói về những phút trải lòng của vợ anh, nữ nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, và của con gái anh, nhà thơ Phan Huyền Thư.
Đang thất vọng thì may mắn thay, tôi gặp được bài phỏng vấn nhà thơ Đỗ Trung Lai, tác giả bài thơ Đêm sông cầu. Qua nhà thơ, tôi mới rõ về bối cảnh ra đời bài hát Tình yêu bên dòng sông quan họ. Bài thơ Đêm sông Cầu là một món quà mà Đỗ Trung Lai tặng riêng cho mối tình đầu và cũng là mối tình cuối của mình, người vợ yêu thương của anh (tên Thoa) và những tình tiết, những cảm xúc trong bài thơ đều xuất phát từ hoàn cảnh thật của tác giả. Trước Phan Lạc Hoa đã có nhiều nhạc sĩ phổ thơ thành công như Trần Thanh Tùng, Đoàn Bổng và đặc biệt là Văn Thành Nho với Từ phương anh – Từ phương em (mang âm hưởng ca trù, với sự truyền tải thành công của nghệ sĩ nhân dân Lê Dung), nhưng trong khi chờ cho ấm trà ngấm để đãi Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha, Phan Lạc Hoa mở miếng báo gói trà ra (trang 1 tờ Văn nghệ), bắt gặp bài thơ này và đọc liền một mạch, phút xuất thần hay là thơ đã hòa quyện với nhạc mà Phan Lạc Hoa vội vàng cầm cây guitar và phổ liền tù tì bài thơ Đêm sông Cầu thành bài hát Tình yêu bên dòng sông quan họ bên ấm trà nóng thoảng hương vị tình tri giao, tri âm.
Người ta ví cuộc đời giống như một cuốn truyện, không quan trọng ngắn hay dài, quan trọng là nó để lại gì trong ta, trong đời. Nghĩ về Phan Lạc Hoa, tôi không quan tâm nhiều đến những tình tiết đời thường của gia đình anh, tôi chỉ biết anh đã để lại cho tâm hồn tôi những giai điệu thật trong sáng, đẹp một vẻ lung linh và cao khiết, có khả năng làm tôi run lên, dẫn tôi về với cả một không gian văn hóa truyền thông xứ Kinh Bắc, bình dị nhưng rất sang, đằm thắm nhưng ẩn tàng sự đắm đuối say mê …
Cao Văn Đức



1 nhận xét:

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...