Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Vết Chân tròn trên cát

Vết Chân tròn trên cát
Và có lẽ cũng chính vì điều ấy, mà “vết chân tròn” của anh thương binh trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến, không chỉ in hằn trên cát trắng – mà bao nhiêu năm qua, nó vẫn cứ mãi in đậm trong trái tim tôi – như một trong những ca khúc hay nhất viết về người lính
Từ sự đằng đẵng của mấy mươi năm trường kỳ gian khổ, từ mưa bom bão đạn của chiến tranh tàn khốc, người lính ấy đã trở về…
Sự trở về ấy thật kỳ diệu so với bao nhiêu những cuộc chia lìa vĩnh viễn, những người mẹ“ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, những người lính “rải rác biên cương mồ viễn xứ”  “hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Có điều anh đã trở về với một hình hài không còn được vẹn nguyên. Vâng, một phần cơ thể anh đã gửi lại nơi chiến trường. Để bây giờ, trong những bước đi khó khăn nặng nhọc trên đường trở về, anh đã để lại sau lưng mình những vết chân thật kỳ lạ, không phải bước chân của một con người – mà là của cây nạng gỗ…
Vết chân tròn vẫn đi về
Trên con đường mòn cát trắng quê tôi
Sự trở về của anh đã là một điều kỳ diệu cho chính những người thân. Nhưng bước chân tròn của anh trên vùng cát trắng, vượt lên số phận để dù khập khiễng trên đường đời, anh lại cứ là một người lính – tâm hồn vẫn trong sáng vẹn nguyên, vẫn chan chứa tình yêu với con người và cuộc đời – lại là một điều kỳ diệu hơn cả.
Anh thương binh vẫn đến trường làng,
Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương
Và cứ thế, bài hát cất lên trong bài hát. Giai điệu của ca khúc tuyệt vời “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến đã cất lên như thế. Ban đầu là tự sự dìu dặt có gì đó như nghẹn ngào; nhưng ngay sau đó, âm thanh như vút cao trong trẻo, dịu dàng và tràn đầy những xúc cảm của sự sẻ chia, tươi tắn lạc quan…
Nghe bài hát ở trường đoạn này, tâm hồn ta cũng bay bổng, cũng vút cao theo tiếng hát của người lính thời bình – người thương binh không đầu hàng số phận.
Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời
Bài hát có đồng lúa miên man câu hò
Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm
Cho hôm nay những gót chân son,
Vui quanh dấu chân tròn
Ca từ trong ca khúc của Trần Tiến thật trau chuốt mà giản dị vô cùng, rất thực mà cũng giàu ý nghĩa tượng trưng. Những gót chân son của bầy trẻ ríu rít quanh dấu chân tròn của người thương binh; hay nhờ dấu chân tròn của anh mà những dấu chân son mới tồn tại đầy bình yên và hạnh phúc. 
Đúng như vậy, nhạc sĩ đã tiếp tục kể cho chúng ta nghe câu chuyện về người lính, câu chuyện của một anh thương binh – đúng hơn là kể về những kỷ niệm của anh, những tình cảm, xúc cảm của anh…
Bài hát có trận đánh không quên bên đồi
Bài hát có người lính biên cương thương mẹ
Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn
Chỉ để lại một bài ca trên cát trắng bao la…
Cứ thế, vết chân chòn của người lính thương binh cứ nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc không thể quên về sự hy sinh – âm thầm lặng lẽ thôi mà sao lấp lánh sáng ngời đến vậy ?
Vết chân tròn vẫn đi về
Trên con đường mòn cát trắng quê tôi
Như bài ca anh hát trong thầm lặng
Như bài ca không lời
Cứ hát mãi trong tôi, hát mãi trong tôi
Ôi, bài ca không lời,
Hát mãi trong tôi
Hát mãi trong tôi…
Đã có rất nhiều ca sĩ hát bài hát này, nhưng tôi đặc biệt yêu thích tiếng hát da diết của ca sĩ Đình Văn, đặc biệt những chỗ vút cao, tiếng hát của anh cũng đầy hào sảng và mạnh mẽ. Bài hát có giai điệu buồn nhưng không hề bi lụy. Thật vậy bất cứ sự mất mát nào cũng đã để lại những nỗi buồn và sự tiếc nuối; nhưng những sự hy sinh có ý nghĩa thì sẽ làm cho nỗi buồn ấy nếu có – cũng là nỗi bi tráng với một vẻ đẹp hào hùng mạnh mẽ mà thôi.
Và có lẽ cũng chính vì điều ấy, mà “vết chân tròn” của anh thương binh trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến, không chỉ in hằn trên cát trắng – mà bao nhiêu năm qua, nó vẫn cứ mãi in đậm trong trái tim tôi – như một trong những ca khúc hay nhất viết về người lính
Hoài Tâm



1 nhận xét:

  Hoa cải bùa mê – Tản văn của Võ Văn Thọ 20 Tháng Hai, 2023 Giêng hai hoa cải đã vươn ngồng nở rộ, khắp các mảnh vườn triền sông và cả ...