Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

"Vốn liếng yêu thương cho cuộc đời"
(Cảm nhận ca khúc Bông hồng cài áo - Phạm Thế Mỹ)
Cuộc họp chuẩn bị chương trình kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vừa xong. Mọi người quyết định chọn bài hát "Bông hồng cài áo" để hát tặng các chị, các cô trong ngày kỷ niệm thiêng liêng này. Tôi lập tức lên mạng, mở trang Nhacso.net , gõ vào cửa sổ tìm kiếm từ khóa "Bông hồng cài áo - Phạm Thế Mỹ". Và rồi...
Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không 
-Biết gì ? "Biết là, biết là con thương Mẹ không ?"
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.

Ôi sao ca từ da diết vậy! Tôi đã nghe bài hát này nhiều lần, vậy mà mỗi lần nghe lại lòng bỗng thấy rưng rưng một nỗi niềm khó tả. Tôi nghe nơi sống mũi cay cay. Và tôi đã khóc... Những giọt nước mắt âm thầm, những giọt nước mắt của sự hối tiếc muộn màng.
Năm nay mẹ tôi đã hơn 70 tuổi, cái tuổi mà những cơn bệnh triền miên làm Người không đêm nào yên giấc. Mẹ tôi, người phụ nữ vĩ đại nhất của cuộc đời tôi, "kỳ quan rực rỡ nhất" của đời tôi... nhưng đã bao lần tôi làm cho Mẹ được vui? Từ xưa đến nay, tôi luôn muốn được nói với Mẹ rằng tôi yêu Mẹ tôi nhiều lắm nhưng tôi chưa bao giờ nói được. Hôm qua, cô giáo dạy tiếng Anh có nói về những điều một người cần làm trước khi qua đời. Cám ơn  xin lỗi là những điều người ta cần thực hiện. Mọi người xôn xao. Mỗi ngày tôi nói cảm ơn  xin lỗi không biết bao nhiêu lần. Nhưng hỡi ơi, đã bao giờ tôi nói lời cám ơn với Mẹ, Người mà suốt đời tôi tri ân?!
Tôi đã rong rủi gần mười năm trời. Xa quê, xa mẹ. Những khoảng chi tiêu, học phí, những bon chen trong cuộc sống tuổi trẻ đã bao lần làm nặng gánh đôi vai gầy của mẹ. Tôi mải đi, biết đâu thời gian không chờ đợi. Biết đâu nơi quê nhà mẹ vẫn dõi theo từng bước chân tôi, vẫn trằn trọc từng đêm mong đến ngày tôi quay về bên mẹ. Tôi vẫn vô tâm, vẫn chạy theo bao bộn bề của cuộc sống, bao sự đua tranh... Đến lúc nhận ra thì mái tóc mẹ tôi đã bạc hết tự bao giờ. Tôi sợ một ngày nào đó, "ánh sao" trong bầu trời đêm vụt tắt!  Những hối tiếc cũng vô vọng mà thôi. Có lẽ tôi sẽ khóc thật nhiều, khóc vì mãi mãi tôi sẽ không còn được nghe những lời yêu thương và cả những tiếng la rầy của Mẹ; mãi mãi không còn được nhìn dáng Mẹ còm cõi trong chiều mưa; mãi không được nắm bàn tay gầy của Mẹ; không được cùng mấy chị tranh nhau nhổ những cọng tóc sâu, tóc bạc của Người . Mẹ ơi...
Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã khéo léo sử dụng những hình ảnh so sánh thật ấn tượng để nói về Mẹ (giòng suối dịu hiền, bài hát thần tiên, bóng mát trên cao,... vốn liếng yêu thương cho cuộc đời) .
Phải có một tấm lòng kính yêu mãnh liệt đối với đấng sinh thành ông mới viết nên những ca từ bình dị mà đẹp đẽ đến như thế. Nhưng hỡi ơi, làm sao có thể tìm ra một hình ảnh để sánh với trái tim vĩ đại, bao dung của Người? Có lẽ sự lớn lao ấy chỉ mỗi người con như chúng ta tự cảm nhận được mà thôi.
Tôi thích đoạn cuối của bài hát này:
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.
Hãy vui sướng đi hỡi những đứa con còn có Mẹ! Và, dẫu rằng một ai đã phải gánh chịu nỗi đau to lớn của cuộc đời là mất đi tình mẫu tử thiêng liêng thì cũng xin hãy mỉm cười, mỉm cười tự hào vì trong đời ta từng có Mẹ. Tình yêu của mẹ sẽ mãi làm rực rỡ cuộc đời ta!
Xin cám ơn nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã thay chúng ta viết lên nỗi lòng thẳm sâu của những người con dành cho Mẹ. Ca khúc thực sự đã làm cho bao thế hệ người nghe phải da diết chạnh lòng. Và tôi tin rằng, dù cho cuộc sống có đổi thay đến đâu, ca khúc sẽ mãi được nhiều người ngâm nga bằng tất cả sự trân trọng, bằng trái tim mình.
Nhật Trường


1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...