Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Lẩn thẩn với Nguyệt ca

Lẩn thẩn với Nguyệt ca

Nguyệt ca là một tình khúc nằm trong tập nhạc “Tự tình khúc“ của TCS, do Nhân Bản xuất bản năm 1972, gồm có: Tự tình khúc, Đêm thấy ta là thác đổ, Đóa hoa vô thường, Lời thiên thu gọi, Bên bờ hiu quạnh …
Nhạc phẩm Nguyệt ca đã trở thành huyền thoại như Diễm xưa, Biển nhớ …được phổ biến rộng rãi và được đón nhận bởi nhiều tầng lớp thính giả miền Nam thời đó và cho đến bây giờ.
Chị Minh Nguyệt của Nguyệt ca trước 1975 là sinh viên trường đại học Khoa Học Huế, được mệnh danh là “ Người đẹp Đập Đá “ (Từ bến Đông Ba xuôi ngang một chút là bến đò Đập Đá, nổi tiếng là bến tình, một trong năm bến đò của Vỹ Dạ thôn ngày xưa. Đập Đá giờ đây là tên một con đường dẫn về thôn Vỹ Dạ. Bến đò Đập Đá ngày nay là nơi quần cư của dân vạn đò). Ngày đó, chị Minh Nguyệt ở với bà bên kia sông Thọ Lộc, Thọ Lâu, Vỹ Dạ (nay thuộc phường Vỹ Dạ), là một o Huế hàng xóm chừng mười sáu tuổi, với gương mặt xinh xắn, dễ thương, với dáng điệu mảnh mai của các cô gái vùng đất thần kinh. Hình ảnh xinh đẹp, tươi vui này đã gợi ý, đã là cảm hứng cho TCS sáng tác bài Nguyệt ca, mà nhiều người đã tưởng là người yêu của ông.


Nguyệt ca - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly

Nguyệt ca - Trịnh Công Sơn

Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi 
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối 
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui 
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời 
Từ đêm khuya khi nắng sớm hay trong những cơn mưa 
Từ bao la em đã đến xua tan những nghi ngờ 
Từ trăng xưa là nguyệt lòng tôi có đôi khi 
Tựa bông hoa vừa mọc hân hoan giây xuống thế 
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca 
Từ khi em là nguyệt cho tôi bóng mát thật là 
Từ khi trăng là nguyệt vườn xưa lá xanh tươi 
Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới 
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi 
Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời 
Từ bao la em đã đến hay em sẽ ra đi 
Vườn năm xưa còn tiếng nói tôi nghe những đêm về 

Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra 
Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ 
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia 
Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ 
Từ trăng thôi là nguyệt là trăng với bao la 
Từ trăng kia vừa mọc trong tôi không trí nhớ 
Từ trăng thôi là nguyệt hôm nao chợt có lời thưa 
Rằng em thôi là nguyệt tôi như đứa bé dại khờ 
Vườn năm xưa em đã đến nay trăng quá vô vi. 
Giọt sương khuya rụng xuống lá như chân ai lần về 
Từ trăng thôi là nguyệt mỏi mê đá thôi lăn 
Vườn năm xưa vừa mệt cây đam mê hết nhánh 
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên 
Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình

*Nguyệt ca có nghĩa là bài ca về trăng. Muốn lẩn thẩn về bài ca trăng, ta phải sơ lược về mặt trăng trước đã.
Theo thiên văn học, mặt trăng là tinh thể phát sáng lớn nhất nhìn thấy được vào ban đêm. Mặt trăng là vệ tinh duy nhất của trái đất, quay chung quanh trái đất theo một quỹ đạo tròn, trong thời gian là một tháng. Lực hấp dẫn của mặt trăng tác động lên trái đất tạo ra thủy triều, là chu kỳ lên xuống của nước biển. Tùy theo vị trí của mặt trăng quay trong quỹ đạo mà hình dáng của nó thay đổi từ tròn đến khuyết. Dựa vào sự thay đổi chu kỳ của mặt trăng, còn gọi là tuần trăng mà người ta qui định ngày tháng âm lịch.
Rằm, trăng đẹp thật, trăng tròn
Bước qua mười sáu, trăng mòn em ơi
Tại sao trăng trốn mắt người
Để cho cuối tháng tối trời mất trăng – Trần Vấn Lệ
Theo âm lịch, Sóc là ngày mồng một, là ngày khởi đầu của một tháng, là lúc trăng mới (trăng non. Vọng là ngày rằm (ngày mười lăm), là lúc trăng tròn (Vọng có nghĩa là trông xa, ước mong). Ngày rằm đẹp nhất trong năm là rằm tháng tám, là thời điểm mà mặt trăng viên mãn nhất, được gọi là Tết Trông trăng hay Tết Trung thu. Lúc đầu là tết của người lớn thưởng trăng ăn bánh, uống trà, tiên đoán mùa màng …Dần dà trở thành tết của trẻ em với các tục rước đèn, múa lân, bày cỗ …
Mảnh trăng non côi cút
Nghiêng mình sau lưng núi
Chỉ còn dăm bữa nữa thôi
Là đến ngày rằm
Lúc ấy thì mọi điều sẽ khác
 – Phan Hoàng Phương
Theo lý số Trung Hoa, mặt trăng là Thái Âm, là một trong tứ tượng (lưỡng nghi là âm dương, sinh ra tứ tượng là Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm và Thiếu Dương), tinh chủ là Thái Âm Tinh Quân Thiên Vương, là một người đàn bà. Thái Âm tượng trưng cho nữ tính, cho sự nhu thuận, êm ái, cho đặc tính biết tiến thoái (lúc tròn lúc khuyết). Theo những sự tích và huyền thoại, mặt trăng còn có những tên gọi khác là: cung Hàn, cung Quảng Hàn, cung Quế, chị Hằng, Hằng nga, Thường nga …
Dù em là nguyệt hay trăng
Thì em vẫn cứ là Hằng nga tôi
Cao sang em ngự cõi trời
Tôi tên tục tử suốt đời say trăng
 – Trần Bang Thạch
 “ Nguyệt vi thiên văn trung vưu vật (trăng là vật quý trong thiên văn) “ – Trương Trào.
Đối với tao nhân, mặc khách Á Đông thì vầng trăng là đề tài sáng tác thiên cổ. Từ cổ chí kim, hằng hà sa số các áng văn, các vần thơ, các bài hát ca tụng vẻ đẹp của mặt trăng. Mặt trăng vốn là hình ảnh muôn đời của giai nhân, trẻ mãi không già từ thuở xa xưa cho đến bây giờ, hay nói khác đi người đẹp có nhan sắc của mặt trăng theo thi sỹ Đinh Hùng:
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
* Không gian của Nguyệt ca là thôn Vỹ Dạ. “ Thôn Vỹ cũng là nơi ánh trăng đẹp nhất Huế. Trăng sáng vằng vặc suốt đêm thâu. Ánh trăng đó lênh láng xuống lòng những con đường nhỏ … Từ những con ngõ tối huyền hoặc, ánh trăng vỡ oà như mưa làm trắng cả con đường nhỏ. Dưới trăng, những hàng cau liên phòng như cao vút lên đến tận trời xanh, màu lá lấp lánh như hoa nguyệt ru hoài một khúc ca xưa … “ – Hoàng Bình Thi
Lòng cứ vọng một đêm trăng xứ Huế
Vỹ Dạ thôn, em bước nhẹ như sương – Trần Nam
Vỹ Dạ phát xuất từ chữ vi dã (đồng nội lau lách), là một vùng đất trũng thấp, được phù sa bồi đắp ở hạ lưu sông Hương khi xuôi về biển cả, ôm cả hòn ngọc xanh Cồn Hến. Ngày trước khung cảnh ở đây mát mẻ, quang đãng, trữ tình, dù nằm sát thị thành, nhưng vẫn được gọi là thôn, bây giờ đã trở thành phố. Đạp xe về Vỹ Dạ, ngắm nắng hàng cau là một thú của giới sinh viên thời trước. Vỹ Dạ xưa có cái vẻ tươi mát, thướt tha nhưng kín đáo của con nhà trung lưu nền nếp, cây cối xanh tươi hầu như suốt bốn mùa: Ngút mắt từ đầu thôn với những rặng “ ngọc trúc” xanh biếc, những đọt cau xanh mướt nhuộm nắng vàng, sẽ đến lúc mắt ta chạm phải một màu xanh khác ở chân trời: màu xanh của nước biển Thuận An.
Vỹ Dạ thôn, Vỹ Dạ thôn
Biếc che cần trúc không buồn mà say
Non xa trăng đã tràn đầy
Em ơi để mọc lòng gây lên mùa – Bích Khê

Vỹ Dạ được gọi là cõi hữu tình của xứ Huế mộng mơ. Cùng với Kim Long, Vỹ Dạ nổi tiếng có nhiều người đẹp, mà khách đường xa chỉ thấy “ mờ nhân ảnh”, thấp thoáng bóng giai nhân trong vườn như một giấc mơ, để bâng khuâng tự hỏi “ ai biết tình ai có đậm đà !” Dù chưa hay đã từng một lần, nhiều lần ghé thăm Huế, chúng ta ai cũng biết đến tiếng thôn Vỹ Dạ qua bài Đây thôn Vỹ Dạ của thi sỹ Hàn Mặc Tử:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ? 
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. 
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc 
Lá trúc che ngang mặt chữ điền. 
Gió theo lối gió, mây đường mây, 
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay... 
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, 
Có chở trăng về kịp tối nay?
*  Sau đây ta thử tìm hiểu bài Nguyệt ca theo ý riêng, cách riêng của mình, bởi vì mỗi người một cách, không ai giống ai, không biết được sao là đúng, sao là sai! Dù biết rằng muốn hiểu tường tận từng chữ, từng câu lời các ca khúc của TCS là điều khó thể, có những chỗ hiểu được, có những chỗ không hiểu được cứ lẫn lộn vào nhau, ở ngay bên cạnh nhau.
“ Trong ngôn ngữ TCS, chữ không phải là nghĩa (như chữ nghĩa nói theo lối thông thường). Chữ là chữ, nghĩa là nghĩa. Chữ và nghĩa không sánh đôi với nhau, không là bạn đồng hành của nhau, vì thế không thể giải thích chữ để cho ra nghĩa. Nói cách khác, trong chữ TCS, nghĩa cũ (nghĩa thông thường) được nới rộng thêm, hoặc được ghép thêm những nghĩa mới. Nghĩa cũ, nghĩa mới đôi lúc xen lẫn vào nhau. Như vậy, TCS  không chỉ làm mới chữ như nhiều người vẫn nói, ông còn làm mới nghĩa … Ta có thể nói được là ông đã làm mới ngôn ngữ bằng những phát minh tân kỳ. Từ đó, ta hiểu được tại sao đôi lúc không thể giải thích hoặc không thể giải thích theo lối thông thường ngôn ngữ TCS” – Lê Hữu
Câu 1: Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
“ Nguyệt khả dĩ đương đăng, đăng bất khả dĩ đương nguyệt” : Trăng có thể thay đèn, đèn không thể thay trăng “– Trương Trào. Có lẽ khi loài người xuất hiện trên trái đất này, trăng đã vừa là đèn soi sáng, vừa là bạn đồng hành ban đầu, vừa là nguồn cảm hứng …
Một cô gái hồn nhiên, thánh thiện đã xuất hiện như một thiên thần đến từ vầng trăng huyền hoặc, từ vòm ánh sáng rạng rỡ đó mà trăng xa làm một với đèn gần như thắp sáng tâm tình những ai xung quanh.
Trăng lo trời sao không đủ sáng
Mỗi đêm vằng vặc đứng chong đèn – TTSH
Câu 2: Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Một cô gái nhỏ thơ ngây, xinh đẹp mà bản thân cô không biết, chỉ những người xung quanh ngơ ngẩn vì cô. Cho đến lúc cô lớn lên một chút, thì cô bối rối khi biết mình là vầng trăng trong đôi mắt, tâm hồn ai đó.
Bao giờ  trăng biết đợi chờ
Ngón tay sen nở bên bờ Hằng Sa
Bao giờ em hiện là hoa
Ta lên gõ cửa trăng tà mượn kinh – Ngọc Danh
Câu 3: Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Thả diều là trò chơi ưa thích của tuổi thơ Việt Nam. Hình ảnh con diều nương theo gió, bay lên cao, bay đi xa trong không gian rộng bao la, trong bầu trời cao xanh là hình ảnh của khát vọng tự do mênh mông: mênh mông bầu trời, mênh mông lòng người…
Con diều Việt Nam có nguồn gốc đầu tiên ở Huế, mô phỏng theo hiện tượng gió thổi làm tung bay các giấy vàng mã trên các chùa chiền, miếu mạo … Nhưng nó không bay lên cao được vì chưa có bộ khung. Sau này, từ những cánh diều Trung Hoa, do các thương nhân người Minh Hương mang sang cảng Hội An, các nghệ nhân Huế đã nghiên cứu và sáng tạo nên con diều đặc trưng Việt Nam, trở thành trò chơi dân gian, và được nâng lên thành nghệ thuật thả diều. Dân giả thì có diều mặt trăng, mặt trời, cánh cung … Đặc biệt vua Bảo Đại ngày xưa rất thích thú thả diều nên đã có long diều, phụng diều, điệp diều (diều bướm)… Diều bướm sau đó được ưa chuộng vì màu sắc đẹp, cánh mỏng, bay cao.
Đấy là vầng trăng của ban ngày
Là con thuyền của gió
Là nụ cười của trẻ nhỏ
Bao dịu dàng đã ví, cánh diều ơi! – Vương Trọng
Câu 4: Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời
Ánh trăng là ánh sáng do mặt trăng phát ra, ánh sáng này chủ yếu là do ánh sáng mặt trời phản chiếu trên bề mặt của mặt trăng. Quang phổ của ánh trăng rất giống với quang phổ của ánh sáng mặt trời, chỉ là cường độ yếu hơn. Ngày rằm (ngày vọng) là ngày mặt trời mặt trăng đối xứng nhau ở hai cực. Đó là lúc hai tinh thể thấu suốt ánh sáng của nhau, nên người xưa cho rằng đó là lúc đẩy lùi được mọi đen tối, vẩn đục, giúp tâm hồn con người trong sạch, sáng suốt.
TCS đẩy ý tưởng của mình đi xa một chút nữa để tạo thành điều lạ, bất ngờ: Từ khi trăng là nguyệt, lòng tôi lại có ánh sáng mặt trời soi rọi, chứ không phải chỉ là ánh trăng thôi.
Mặt trời làm sáng mặt trăng
Mặt trăng đâu có biết rằng có duyên
Nhiều khi trăng thật dịu hiền
Đứng soi bóng nước mà quên mặt trời – Trần Vấn Lệ
Câu 8: Tựa bông hoa vừa mọc hân hoan giây xuống thế
Hoa quỳnh được người đời tặng cho mỹ danh là Nguyệt Hạ mỹ nhân: Người đẹp dưới trăng. Hoa thường nở vào những đêm trăng sáng. Từng cánh hoa mềm đẫm ánh trăng từ từ khai nhụy, rồi chầm chậm hé nở – Không phải ai cũng có cơ hội để tri ngộ, chỉ dành riêng cho những người biết yêu, biết đợi chờ hoa – Phút giây chứng kiến hoa nở là phút giây hân hoan, nhẹ nhàng, lâng lâng. Hoa nở và tàn chỉ trong vài giờ như một ảo ảnh, như không hề có thật, như một nàng tiên giáng trần trong giây lát, rồi bay lại về trời, để lại bao nhiêu huyền thoại hư hư thực thực trong cõi đời. Có lẽ không màu trắng nào sánh được với màu trắng tinh anh của quỳnh hoa dưới trăng!
Em thắp trời khuya trong đáy mắt
Một vầng trăng mỏng, cứ rưng rưng
Ta biết, hồn em màu nguyệt bạch
Đêm quỳnh, rực rỡ nét tinh khôi
Về ta sương khói thành hư hoặc
Một góc vườn im, lặng lẽ trời … – TTSH
Câu 10: Từ khi em là nguyệt cho tôi bóng mát thật là
Ở chín câu trước, TCS bắt đầu bằng từ khi trăng là nguyệt: trăng là trăng, trăng tên là nguyệt, thì ở câu mười này, ông bắt đầu bằng từ khi em là nguyệt. Từ khi em là nguyệt thì em là trăng, em cho tôi bóng mát thật là – Thật là thế nào? Lạ lùng và mơ hồ. Như ở trong một khoảng tối, khi đêm về, chia cho chút ánh sáng trăng dịu dàng. Vầng trăng huyền diệu trước mặt mà ta có thể đón nhận, như cuộc đời cần hơi ấm yêu thương.
Chỉ là trăng, nhưng tôi thấy thần tiên
Như tuyệt diệu, bởi hồn tôi xanh quá – Xuân Diệu
Câu 11: Từ khi trăng là nguyệt vườn xưa lá xanh tươi
Không chỉ trong câu 11, TCS còn nhắc đến vườn năm xưa trong các câu sau đó là câu 16. câu 25  câu 28.
Đúng ra, TCS không hề nhắc đến Huế rõ ràng, chính thức trong những bài hát của mình, nhưng nó ẩn náu một tính chất Huế sâu lắng, riêng biệt với những điệu đi, dáng đứng của con người… Trong núi, trong sông, trong vườn … Ở những hàng cây, ở mỗi góc phố, ở từng con đường … mà chỉ Huế mới có được!
Hồn Huế thấm trong mỗi cuộc đời
Lẫn vào tia nắng, ánh trăng soi –Nguyễn Thanh Toàn
*  Huế được xem là một thành phố vườn, hay nói khác đi Huế là một vùng cư trú trong khung cảnh thiên nhiên của rừng vườn. Tính tổng quát tất cả các công trình kiến trúc ở Huế, từ nhà cửa cho đến lăng tẩm, cung điện, ngay cả chùa chiền, đâu đâu cũng có vườn.
Vườn Huế khác với sự quy hoạch chu đáo của khuôn viên vườn miền Bắc, và cũng khác với sự chuyên canh bạt ngàn của miệt vườn miền Nam. Vườn Huế được định nghĩa như sau: “Đó là chỗ dừng chân của nắng và gió, là tòa lâu đài của các loài chim, là bóng mát của khách qua đường, là hoa quả của trẻ em lối xóm. Và đặc biệt, đó là nơi trú ngụ của những tâm hồn xứ Huế kín đáo, thanh tao và hồn hậu” – Tôn Thất Bình
Tính cách người Huế là hướng nội, cho nên vườn Huế là một không gian an ủi tâm hồn, gần gũi với con người. Sự hiện hữu của các khu vườn Huế là do tình cảm sâu đậm, do sự chăm lo, săn sóc của con người. Người Huế còn quen gọi vườn là nương (nương ở đây có nghĩa là nhờ cậy, còn có một nghĩa khác là nàng) – Gia nương: nhà vườn; “ Gia nương lút cút mẹ già. Bên tê sông chàng đợi, thiếp theo qua răng đành “ – Trong tâm thức Huế thì con người là kẻ cư ngụ trong cái nhà lớn vũ trụ, không nên quá ham muốn, chế ngự, chiếm đoạt thiên nhiên, mà nên tìm cách hòa mình vào với thiên nhiên, mang thiên nhiên vào lòng mình.
Thương Huế quá bao đêm nhìn trăng biếc
Vườn lá hẹn hò soi nhạt bóng ai quen
Những nẻo đường Nam Giao, Đông Ba, Gia Hội
Đất đá gập ghềnh bên nớ bên ni  – Minh Đức Hoài Trinh
Trong tâm thức của người con xứ Huế như TCS thì nhà vườn là những vần thơ, ý nhạc góp phần tạo thành, dệt nên những khúc hát mà lời nhạc như thơ của tác giả.
Khi trở lại vườn xưa
em là nguyệt
trăng phiêu bồng thơ mắc võng đong đưa
mái hiên gió tóc hong mềm hương dĩ vãng – Hải Phương
Cũng phải nói thêm là vườn Huế chia làm nhiều loại: vườn chùa, vườn nhà, vườn phủ đệ, vườn vua, vườn lăng … 
– Tự viên / vườn chùa: Sự giao hòa tối đa giữa con người và thiên nhiên, nhưng vẫn có một khoảng cách với chúng sinh. Vườn chùa và kiến trúc chùa Huế là các kiệt tác mẫu mực giữa tâm và cảnh. Hơn một trăm ngôi chùa ở Huế là hơn một trăm vườn chùa tuyệt vời, mỗi nơi là một không gian  khác biệt như: vườn trúc chùa Từ Am, thế giới phong lan chùa Huyền Không Sơn Thượng, chùa Từ Đàm với những cây bồ đề vạm vỡ che gần hết hiên , chùa Từ Hiếu mùa xuân trổ đầy hoa súng, Tổ đình Tây Thiên rực rỡ hoa mai …
Bốn mùa xuân hạ thu đông
Đã vào cửa Phật thì không mùa nào
Lâng lâng gió đón trăng chào
Phật tâm đâu cấm dạt dào lòng thơ – Huy Cận
– Gia viên / vườn nhà: Bước ra khỏi cửa nhà là vào vườn, thể hiện một tiểu vũ trụ của con người xứ Huế. Mỗi nhà vườn gồm hai phần chính: nhà rường và mảnh vườn vườn bao bọc. Nhà rường làm bằng gỗ (khác với nhà rọi làm bằng tre) gồm một gian hai chái (nhà vuông với 4 cột cái) hay ba gian hai chái (8 cột chính); Mái nhà rường tùy theo giàu nghèo, được lợp từ tranh, ngói vảy cá, ngói liệt đến ngói âm dương .
Trong khi xây dựng nhà cửa, người Huế thường theo những nguyên tắc phong thủy. Các loài cây trái, hoa lá trồng trong vườn Huế thường nghiêng về giá trị tinh thần hơn là kinh tế, gồm đủ loại, lại không theo một quy tắc hay kiểu mẫu nào hết, nên vườn nhà Huế còn được gọi là vườn rừng hay vườn tạp – Sự dung hòa hỗn tạp đó chính là triết lý sâu xa của vườn Huế: Mỗi loại cây cỏ, hoa lá đều có quyền dự phần một cách bình đẳng trong thiên nhiên này.
Thơm lừng lá của vườn đêm
Xôn xao con mắt trăng mềm ngó nghiêng
Phẩy tay rơi một nụ phiền
Tôi khinh khoái ngũ giữa miền tôi thôi – TTSH
– Phủ đệ viên / vườn phủ đệ: Phủ đệ là chỗ ở của các ông hoàng, bà chúa cùng gia đình và người thân ở bên ngoài hoàng cung, ở trong lòng phố, thị xã, ngoại ô kinh thành …Theo luật lệ nhà Nguyễn, qua tuổi 18, 20, các hoàng tử, công chúa phải xuất cung, rời Tử Cấm Thành ra nhà riêng của mình. Phủ là tên gọi tắt của vương phủ, dinh cơ của các ông hoàng; Còn Đệ là nơi cư ngụ của các công chúa. Vì vậy, phủ đệ là hình ảnh thu nhỏ của lối xây dựng và cách sống hoàng cung.
Trăng đêm hè thành Nội
Ngát hương cau, hương bưởi vườn ai – Sddd

Qua mười ba đời nhà Nguyễn, có hàng trăm phủ đệ ở khắp Huế. Riêng vua Minh Mạng đã có tới 142 người con, để lập thành 142 phủ đệ rồi. Bên cạnh phủ đệ còn là dinh thự của các quan lại trong triều, các bậc ngoại thích … Cho nên vườn phủ đệ phân bố khắp kinh thành, nội thành, nhiều nhất là ven sông Hương, hay trải dài ra tận các làng quê ngoại ô. Có bốn vùng ngoại ô nổi tiếng là: Gia Hội, Kim Long, Nguyệt Biều và Vỹ Dạ. Những vườn phủ đệ nổi tiếng hiện giờ là: Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn An Hiên, nhà vườn Vĩnh Quốc Công, nhà vườn Lạc Tịnh Viên …
Lá mườn mượt mỏng trong vườn lặng
Thơm quá hồn xưa bát ngát đầy
Không biết trăng xanh hay vàng nữa
Đêm bằn bặt lạnh vắng vòng tay – TTSH
– Ngự viên/ vườn thượng uyển / vườn cung đình / vườn nhà vua:
Được coi là khung cảnh thượng giới ở trần gian, là nơi tập trung kỳ hoa dị thảo của cả trong lẫn ngoài nước lúc trước. Nổi tiếng nhất là vườn Cơ Hạ dưới thời vua Thiệu Trị, ở phía đông hoàng thành. Vua có tập thơ “ Thần kinh nhị thập cảnh “ trong đó có ca ngợi nhiều vườn thượng uyển của Tử Cấm thành như Thiệu Phương, và vườn Ngự Viên qua bài thơ “ Ngự Viên đắc nguyệt: Ngự Viên ngắm trăng” :
Thâm nghiêm cung cấm giữa canh khuya
Trong vắt ao thu trăng nước hòa
Liền dải lâu đài in lóng lánh 
Sáng ngời hoa thụ rực nguy nga
– Lăng viên/ vườn lăng: Mỗi lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn là một kiểu vườn Huế, với những đặc tính riêng biệt, đạt đến trình độ mỹ thuật cao như lăng Gia Long gợi một ấn tượng hùng tráng, lăng Minh Mạng đầy vẻ trang nghiêm, lăng Tự Đức thì thơ mộng …
Vua ngự giá về nơi lăng tẩm 
Đại Nội chôn mộng ước vương hầu 
… Trăng cũng chết trên lầu Vọng Nguyệt
Băng hà bao triều đại thăng trầm – Diệp Minh Tuyền
Câu 12: Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới
Cho câu kinh bước tới: Trong kinh A Di Đà có câu:
“ Phục thứ Xá Lợi Phất! Bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu, tạp sắc chi điểu: Bạch–hạc, Khổng–tước, Anh–võ, Xá–lợi, Ca–lăng–tần–già, Cộng–mạng chi điểu, thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm, kỳ âm diễn xướng: ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp, kỳ độ chúng sanh, văn thị âm dĩ giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Xá Lợi Phất! Nhữ vật vị thử điểu, thật thị tội báo sở sanh. Sở dĩ giả hà? Bỉ Phật quốc độ, vô tam ác đạo.   
Xá Lợi Phất! Kỳ Phật quốc độ, thường vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thật, thị chư chúng điểu, giai thị A Di Đà Phật, dục linh pháp âm tuyên lưu, biến hoá sở tác.” 
“ Lại còn nữa, Xá Lợi Phất, nơi cõi nước đó thường có nhiều giống chim kỳ diệu, đủ các màu sắc: Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng. Các loài chim đó ngày đêm sáu thời hót ca thanh âm hòa nhã. Trong thanh âm đó diễn nói các pháp: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, các pháp như thế. Chúng sanh trong cõi đó nghe thanh âm ấy, tất cả đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.  
Xá Lợi Phất, chớ nghĩ rằng những giống chim nầy thật do tội báo mà sanh ra. Vì sao vậy? Vì cõi nước Phật đó không có ba đường ác.
Xá Lợi Phất, trong cõi nước Phật đó thường không có tên ác đạo, huống gì có ác đạo thật. Các giống chim ấy là do Phật A Di Đà muốn tuyên lưu tiếng pháp mà biến ra như vậy.” 
Luống cải tàn đông
cũng ngậm trăng mà xôn xao kết nụ
tôi cũng nghe mình đầy ứ một vườn trăng
trăng chảy ngọt ngào
trăng chảy mênh mông
đôi chim sẻ bên hàng hiên chợt thức – Trần Bang Thạch
Huế có lẽ là thành phố có nhiều chim chóc nhất Việt Nam – “ Vườn Huế nhiều cây cho chim về làm tổ. Mùa xuân cơ man là chim từ dãy núi Chằm kéo nhau về phố, chúng đi thành từng bầy, lãng du trên những ngọn cây xanh thắp đầy nắng mới. Ngồi ở bất kỳ góc phố nào cũng thấy chim từng đôi chuyền cành, lẫn giữa mắt lá … Tiếng hót của mỗi loài chim mang những giai điệu riêng, trở thành một giàn đại hợp xướng âm vọng khắp đất trời. Phố Huế tràn ngập cây xanh chợt một ngày mới mở lời trong tiếng chim hồn nhiên … Dưới ánh lê minh của một ngày mới, tiếng chim rộn rã vang lên từ sương mù, khiến cho bầu không gian lay động và có cảm giác như thời gian đã ngưng đọng lại hoàn toàn, chỉ còn lại trong cõi vô thường này tiếng chim bình yên cho tôi những giấc mơ trẻ thơ”  – Nguyễn Xuân Hoàng.
Qua đoạn văn trên, ta hiểu không phải ngẫu nhiên mà TCS hay đưa loài chim vào trong các ca khúc của mình. Hình ảnh loài chim như là tín hiệu về cõi đời, sự huyễn hóa phù du của thời gian, sự bấp bênh của kiếp người. 
“Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới là một lồi chơi chữ tài tình của TCS. Loài chim ăn hạt trái làm ta nhớ đến lần hạt câu kinh” – Vũ Hoàng Thư
Từ đó người là trăng
Rụng xuống trang huyền hoặc
Từ đó thơ là hạc
Ngàn đời lẻ loi bay – Ngọc Danh

Câu 14: Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời
Huế là thành phố có diện tích nhỏ, nhưng mật độ các ngôi chùa cổ, các tịnh thất, các thánh thất, các nhà thờ tổ, các đình làng … lại dày đặc. Đạo Phật hiện diện trầm lặng, êm đềm quanh con người. Tiếng kinh mõ, tiếng tụng niệm, cây lá vườn chùa, sự tĩnh mịch của đất đá, sự bao dung của trời cao nhẹ thổi niềm an vui, niềm hy vọng. Nhất là tiếng Đại hồng chung của chùa Thiên Mụ thong thả ngân nga mỗi buổi sáng tinh sương, như gởi một thông điệp cho những ai bình tâm lắng nghe, điều hòa tâm tưởng trong từng sát na hiện hữu, trút bỏ mọi ảo vọng ở đời, mà nhìn lại thân phận nhỏ nhoi của mình. Ảnh hưởng của đạo Phật đối với người dân Huế là điều tất nhiên.
Lặng lẽ chiên đàn nhả khói hương
Trăng tà đôi giọt rụng lan can
Chùa xa riêng cảm đêm thu quạnh
Vần kệ ngân đưa giấc mộng tàn – Quách Tấn
Câu 16, 17: Vườn năm xưa còn tiếng nói tôi nghe những đêm về. Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra. Cũng như câu 9: Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca  câu 13: Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi 
Tất cả tựu trung ở chữ “ Nghe”. Từ nghe ra đến nghe đêm về, qua nghe đời gõ nhịp ca hay nghe đời vỗ về tác giả.
Người Huế sống trong một thành phố vườn, hòa mình với thiên nhiên, đem vũ trụ vào lòng mình, nên họ cảm nhận sự vật và hiện tượng bằng trực giác hơn là lý tính. Cảnh trí Huế đã mở ra và đem lại cho con người một trạng thái an bình, tĩnh tâm, sâu lắng. Con người sống trong khung cảnh đó luôn có tâm thức nhạy cảm với môi trường thiên nhiên, luôn chiêm nghiệm mỗi khi nghe mưa rơi, thấy lá đổ, ngửi mùi hoa nở trong vườn …
“ Ở một nơi như Huế, thiên nhiên đã cứu rỗi con người. Thanh thoát với núi, nước, trời, mây … Tư tưởng con người có nhiều cơ hội để vươn cánh ra khỏi không gian toan tính mỗi ngày. Nhu cầu nói tự giảm, thêm một phần cho mơ mộng, tư duy … Từ đó, trầm tư trở nên một phần trong tính cách Huế. Có nghĩa im lặng là chiều sâu và lắng nghe là tư tưởng. Con người ở đây dễ dàng bắt gặp những “giao thoa”, mà chỉ với im lặng thành khẩn mới đích thực được hòa mình và rung cảm …” – Trần Hạ Tháp
Nín lặng– tôi không dám thốt lời
một miền trăng ngộp thở – người ơi
cầm mùa thu rắc lên bờ cỏ
chạm nhẹ linh hồn ai mới phơi – TTSH
Câu 18: Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ
“ Có thể ý tưởng về quá trình đối nghịch đã nằm trong vô thức TCS từ trẻ. Đối nghịch là nét nhạc riêng của TCS. Anh nói một điều, rồi anh nói điều trái lại, như nét hỏng nằm giữa toàn bích. Bài hát này của anh đối nghịch với bài hát kia, lời một đối nghịch với lời hai, câu sau nghịch với câu trước, thậm chí hai hình ảnh nghịch nhau trong cùng một câu, trong vòng đôi ba chữ”  – Cao Huy Thuần
Trong câu 18 này, TCS cho hai ý tưởng đối nghịch nhau, khó dung nạp nhau, mâu thuẫn nhưng lại không thể phân ly: buồn và vui, quên và nhớ. Đây là sự phá bỏ biên giới giữa các điều thường xem là khác biệt, cái đối lập nhị nguyên có và không. Đây là hình thức tuy là hai mà chỉ một, buồn và vui là một, quên và nhớ cũng là một – “ Có một chút của cái này và một chút của cái kia. Có một chút của cái này trong một chút của cái kia. Có một chút xuôi trong ngược. Trong nhớ đã có quên, trong quên vẫn cứ nhớ” – Hoàng Tá Thích
Vô tình hay hữu tình
mùa đi mất
đã là lời hẹn
sao ngẩn ngơ trăng – TTSH
Câu 20: Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ
Nhạc phẩm Nguyệt ca được TCS viết theo nhịp 2/4, âm giai Mi trưởng, là một ca khúc nhẹ nhàng, trữ tình, toàn bài chỉ nhắc đến một chữ tình duy nhất là ở câu 20 này, thì chỉ là… tình cờ!
“Đặc điểm của tình yêu TCS. Trước hết, gặp nhau là tình cờ, yêu nhau là tình cờ… Kỳ lạ, cho nên lòng dặn lòng rằng đừng bao giờ làm mất tính cách kỳ lạ của nó, nghĩa là cứ để nó nguyên vẹn là tình cờ … Tình yêu đã tình cờ mà đến thì cứ để nó tình cờ mà đi…Và tình yêu là như vậy. Tình yêu đến, rồi tình yêu đi, không có tình yêu nào ở lại” – Cao Huy Thuần

Tôi đã gặp em tự bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vùng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia? – Nguyên Sa
Người đến rồi người đi, những người đã cho và đã nợ TCS một chữ tình. Tình đến rồi tình đi, điều đó lập lại rất nhiều lần trong đời TCS. Những cuộc tình chỉ một lần, dù chỉ mỗi một lần. Những mối tình dù chỉ một chiều, một ngày, một tháng … Và chỉ là thế thôi! Tình không thành, tình không trọn vẹn, tình nhẹ nhàng như gió gợn mặt hồ lăn tăn, rồi đâu lại vào đó – Mà chỉ là thế thôi! Đó là những chuyện tình chưa thốt lời mà đã chia lìa, chưa thệ ước mà đã đắng cay, chưa rộn ràng mà đã phũ phàng … Đó là thứ tình chưa đến mà đã xa, chưa gặp mà đã qua, chưa vui mà đã sầu …Đó là những tình yêu bàng bạc, đặc trưng trong những tác phẩm của TCS
 “ Có lẽ vì vậy mà anh chẳng bao giờ gắn bó với một cuộc tình nào lâu dài. Anh viết về tình yêu dễ dàng như trò chuyện. Tưởng như trong đời, Trịnh Công Sơn chỉ yêu để mà viết nhạc. Một cảm xúc của tình yêu đã đủ gợi cho anh viết lên những lời nhạc trữ tình …” – Hoàng Tá Thích  
Trăng xém tròn, và tôi xém yêu em
Ai biết được, màu trăng không vĩnh cửu – TTSH
“ Tình yêu trong nhạc TCS là chiếc bóng lung linh, thấp thoáng, chập chờn, thoắt ẩn thoắt hiện. Những mối tình “ không hẹn mà đến, không chờ mà đi”, nghĩa là chẳng có hẹn hò, thề thốt chi cả, cũng chẳng có ràng buộc gì nhau. Tất cả chỉ  “tình cờ”… Tình yêu tựa như những cánh bèo, như cành lá khô trôi theo dòng nước, có chạm vào nhau, rồi cũng lại dạt ra, mỗi người một dòng chảy, một định mệnh. Những kẻ yêu nhau trong nhạc TCS dẫu có vươn những cánh tay thật là dài về phía nhau nhưng vẫn không sao chạm tay vào nhau được.” – Lê Hữu
Hoa phai
một đóa vô thường
Em phai
từ đó nỗi buồn riêng tôi
Mùa phai
nắng nhạt môi cười
Mưa phai
gió gọi mây trời bão lên
Trăng phai
đêm hẹn thề / quên
Lá phai
thu cũng vàng hiên phố người – Vọng Âm
Câu 21: Từ trăng thôi là nguyệt là trăng với bao la
Ánh trăng kia đã chiếu xuống trần gian từ bao đời, bao kiếp, đã chứng kiến bao nhiêu biến đổi của cuộc đời, biết bao nhiêu thịnh suy, hưng phế của cõi nhân gian – Kiếp người nhỏ nhoi, ngắn ngủi sao so với mặt trăng chiếu ngời, sáng soi trong vạn đại.
 Có những điều tưởng như là ảo tưởng
Mà thật ra hiện hữu tự bao niên
Sao không hiểu mình chỉ là phụ thể
Một sinh linh như vũ trụ quanh mình
Có những thương, yêu, hờn, ghen, giận, ghét
Đầy đủ đời chất chứa trong tâm
Chỉ là nổi ở bên trên
Hay chìm trong đáy lặng
Có muốn bỏ đi, không có thể
Thật tâm giữ lại, cũng đâu xong
Thì tại sao không sống thật với lòng
Cùng ánh trăng vàng hằng đêm thân cận
– Vương Trần
Hình ảnh trọn vẹn của mặt trăng là hình ảnh trăng tròn của những đêm rằm – Hầu hết các sự kiện quan trọng trong cuộc đời đức Phật Thích Ca đều diễn ra trong những đêm trăng tròn. Ngài đản sanh đêm rằm tháng tư; Xuất gia và Nhập diệt đêm trăng tròn tháng hai; Thành đạo đêm rằm tháng chạp – Hình tướng nguyên thủy tròn đầy của mặt trăng trong Phật giáo chính là biểu tượng cho sự “ thành tựu thể tánh “ (Phật tâm viên tròn thể tánh), qua quá trình vận hành đi lên để hoàn thiện hình ảnh của mình của mặt trăng, minh chứng bằng quá trình chiến đấu nội tại để giác ngộ một cách viên mãn của đức Phật Thích Ca.
Dù ba mươi hay là những đêm rằm
Ta vẫn sáng một vầng trăng tâm thức – toanphongntt
Trái đất chỉ có một mặt trăng soi sáng chung cho vạn vật, thể hiện đức từ bi bình đẳng cho vạn hữu theo kinh điển, không phân biệt bất cứ ai, không phân biệt bất cứ chỗ nào.  Đâu đâu, ai ai cũng có thể thấy được mặt trăng là thể hiện của chân lý, khi đức Phật dùng ngón tay chỉ mặt trăng, để giải khai cho chúng sinh sự nhầm lẫn giữa cứu cánh và phương tiện. Ánh  trăng không của riêng ai, là của mọi người, là biểu tượng của trí huệ vô hạn của Phật A Di Đà: “A Di Đà Phật có thể ví với ánh sáng trăng. Sáng trăng ở khắp nơi, nhưng nó chỉ đối với ai nhìn ngắm” – Kanei Okamoto.
Hoang vu, hoang vu! Chẳng còn một vật
Chỉ diệu huyền vằng vặc ánh trăng xanh – Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
Câu 22: Từ trăng kia vừa mọc trong tôi không trí nhớ
– Trong tôi không trí nhớ: Một cái tôi mê muội, không sáng suốt, không thấy được lẽ thật của sự vật; Là bản năng hình thành từ khi loài người còn là những động vật ăn lông, ở lỗ, sống từng bầy đàn trong rừng sâu; Là phần tâm lý bí ẩn mà nhà khoa học gọi là vô thức – 
Nhà Phật diễn đạt chính xác sự tối tăm này trong đời sống tinh thần con người lúc chưa là người là: hầm sâu của vô minh, hình thành từ vô thủy, gọi chung là “ vô thủy vô minh”.
Lênh đênh
quên cả bến bờ
Ngờ đâu nguyệt đọng
bên bờ kinh thơ – Phổ Đồng
Đêm là biểu tượng của vô minh, còn trăng là nguồn tuệ quang hóa giải 
– Trăng kia vừa mọc: Trăng vừa bắt đầu mọc còn biến lặng trong bóng tối, cũng là lúc con người còn đang chìm đắm trong tăm tối, u mê. Bản chất vận hành nhờ năng lực riêng của chính mặt trăng tượng trưng cho năng lực của nhân sinh tự chính mình phát huy trong vòng luân hồi xoay chuyển để hoàn thiện thánh quả: “Thành tựu thể tánh” hay “ Thành tựu giác ngộ”.
Phải là nguyệt giữa đêm rằm?
Nguyên tiêu lãng đãng lá nằm ngẩn ngơ?
Kể từ hồng thủy ban sơ
Kể  từ sơ thủy về tờ vẽ trang – Bùi Giáng
“ Nếu ánh sáng của mặt trăng là sự hợp nhất của những gì huyền diệu tự nhiên, xua tan sự u tịch của đêm trường, lan rộng bao trùm khắp muôn loại; thì ánh sáng hào quang diệu vợi của đức Phật lại tỏa soi khắp bản thể vô biên, làm tan biến mọi tối tăm của bao cực đoan quan kiến nơi tâm hồn nhân loại.
Ánh sáng của trăng tròn không rực rỡ chợt chóe bừng lên như một tia chớp, và cũng không chói lọi gay gắt như ánh sáng mặt trời giữa trưa, nhưng nó có thể soi tỏ cả càn khôn vũ trụ. Sự giác ngộ hay thành đạo của đức Phật không bộc phát một cách bất ngờ như tia chớp cắt ngang một vầng mây ám, mà là một quá trình xua tan tất cả những ngăn ngại mê mờ, để cuối cùng là sự tự soi sáng và chiếu tỏ muôn phương; và thế là màn vô minh biến mất, tựa “ khi ánh sáng xuất hiện thì bóng tối tự tan dần” – Thích Tâm Tôn

Trăng tháng ba
là tiền thân em
treo giữa đỉnh trời xưa cũ
… đi ngược lại thời gian
tìm lại căn phần mình
giữa cuộc thiên tai
… Trăng tháng mười
rơi trên mùa lá mục
… như một trở về
 của thuở nguyên sơ
giữa vô thường
những tảng đá nở hoa huyền thoại
đợi mùa lá xanh
gọi một mùa trăng
 … Phạm An Nhiên
Câu 24: Rằng em thôi là nguyệt tôi như đứa bé dại khờ
Trái đất chỉ có một mặt trăng giống như đời người chỉ có một lần tuổi thơ – Tuổi thơ mà ta đã đánh mất như một điều tất nhiên, khi tuổi đời ngày càng chồng chất theo dòng thời gian miệt mài xuôi chảy. Cái hồn nhiên, tinh khôi quý giá; Cái thiện căn chất phác, dại khờ đã không bao giờ trở lại, chỉ còn trong ta là những điều phức tạp, muộn phiền của cõi nhân sinh.
 Ôm trăng đánh giấc ngủ vùi 
Mộng non thế kỷ bùi ngùi trang kinh
Giật mình trăng vỡ lung linh
Thấy ta tiền kiếp mộng mình bay xa – Phổ Đồng
Câu 25  câu 26: Vườn năm xưa em đã đến nay trăng quá vô vi. Giọt sương khuya rụng xuống lá như chân ai lần về.
Chữ vi trong vô vi của đạo Phật là hành, là làm, tạo tác. Vô vi ở đây là làm tất cả những gì thuận với pháp tánh, chân như, theo đó không có chút ý tưởng chấp ngã, chấp nhân, chấp pháp …
Vô vi (Asamskrista) và Hữu vi (Samskrista) là các pháp (dharma), gắn liền với thuyết vô thường. Hữu vi pháp là lưu tồn, là không có tĩnh lặng và được gọi là bất thường trụ, có nghĩa là các sự vật do nhân duyên, do tạo tác sanh ra. Vô vi pháp được gọi là thường trụ, với việc chấm dứt sinh và diệt, là bắt đầu sự tĩnh lặng vĩnh viễn: mục đích cuối cùng của mọi sự tồn tại – Niết bàn là tối thượng của vô vi pháp, còn gọi là vô vi giới. Niết bàn là tịch tịnh, vô vi an lạc, ngoài mọi vọng tình, tà kiến chấp trước.
Lòng gió chuyển kinh qua thiên vạn tải 
Hư không tràn thanh khí ngập chân không
Mây xa xưa vẫn thanh thản trập trùng
Trăng Viên giác vẫn là trăng muôn thuở – Thích Tâm Châu
– Trăng quá vô vi!? Vô vi vì ánh trăng lung linh, huyền ảo, tượng trưng cho cõi bao la, cho trí huệ của nhà Phật!? – TCS thường dùng (tác giả Lê Hữu cho là “ đôi lúc có hơi lạm dụng “) những chữ như vô vi, vô tận, vô thường, hư vô … Đó là những triết lý  về số kiếp, về định mệnh, về lẽ vô thường của nhà Phật mà ông đã giải thích như sau “ Tôi vốn ưa thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình “.
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?– Bùi Giáng
“ Có người gọi TCS là thi sĩ. Tôi không cho là như vậy. Ông có làm thơ, và trong những câu nhạc của ông ta nhặt được những ý thơ và cả những câu thơ thật là đẹp nữa, nhưng ông mãi mãi là nhạc sĩ, không phải là thi sĩ. Nếu ông chỉ làm thơ, tôi không chắc ông sẽ được bao nhiêu người biết tên. Không có ông, ta còn nhiều thi sĩ khác…Thế nhưng nhạc của ông thì đúng là nhạc TCS. Dường như chỉ khi ông viết lời nhạc, cái thi hứng mới trào ra, những lời ấy như hóa thành thơ, và nhạc lẫn thơ bay lên. Người nghe đôi lúc khó phân biệt những câu dưới đây là nhạc hay thơ, là thơ hay nhạc, vì nhạc thơ, thơ nhạc quyện lẫn vào nhau: Vườn năm xưa em đã đến nay trăng quá vô vi. Giọt sương khuya rụng xuống lá như chân ai lần về.” – Lê Hữu
Giọt sương khuya rụng xuống lá là tiếng rất nhẹ như tiếng của bàn chân đi về đâu đó. Có thể là bước chân của người yêu; Có thể là hồn của chính mình đi về trong chốn vu vơ.
Rưng rưng ngấn lá sương khuya rụng
đọng cả màu trăng dưới nhánh lòng
Thôi nhé. Vầng non thành ký ức
hun hút về đâu, ai nhớ thương ? – TTSH

Câu 27: Từ trăng thôi là nguyệt mỏi mê đá thôi lăn
“ Trong thần thoại Hy Lạp, có câu chuyện về nhân vật Sisyphus (con trai của Aiolos và nữ hoàng Korinth), dám bắt thần chết trói lại để cho con người khỏi phải chết, và Sisyphus đã bị trừng phạt khổ sai chung thân vì tội này: suốt đời phải lăn một tảng đá lên đỉnh núi, lăn lên gần đến đỉnh, tảng đá lại rớt xuống, Sisyphus lại phải lăn lên, cứ “lăn lên, rớt xuống, lăn lên” như vậy trong nỗi hoài công nhọc nhằn. Câu chuyện khổ sai lăn đá này, nói theo cách của triết học hiện sinh là “phi lý” … Nhưng có “lăn đời” cho dẫu là “phi lý”, “hoài công” từ đó mới có “vết thương” của sự trải nghiệm. Có lẽ với nhạc Trịnh, đời người “lăn đá” nhiều nhất là trong tình yêu: “ Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài” (Biết đâu nguồn cội). Nhưng không phải là lăn bằng mọi giá, cũng có khi đá không lăn nữa vì không còn gặp được một tâm hồn đồng điệu: “Từ trăng thôi là nguyệt, mỏi mê đá thôi lăn”– Nguyễn Hoàn
Trong tiểu luận triết học “ Huyền thoại Sisyphe” (Le mythe de Sisyphe –1942) của mình, Albert Camus nhắc đến hai cách trốn thoát khỏi sự tha hóa và tồn tại phi lý của đời người là tự vẫn thể xác và tự vẫn triết lý (suicide philosophique – quyến rũ bởi một hy vọng hão huyền). Theo ông, chúng ta phải từ chối hai lối giải quyết này, mà chọn con đường khác là sự bất chấp, tìm lối thoát trong tinh thần và hành động chống thế giới phi lý, bất công như là Sisyphe vậy.
Từ lúc em chưa là mùa màng
Từ lúc rừng chưa biết tuổi
Từ khi trăng lặn theo non
Đá ngộ thiền tông phù vân tải tải – Hải Phương
Câu 28: Vườn năm xưa vừa mệt cây đam mê hết nhánh 
TCS phần nào chịu ảnh hưởng của tác giả Pháp Jean Paul Sartre trong cuốn L’Être et le Néant (Thực thể và  Hư vô), ra đời năm 1943. Cuốn sách này, gồm có năm phần chính, dựa vào một số nhận xét, khái niệm cơ bản, Sartre phân tích, định nghĩa lại rất nhiều khái niệm của triết học, của đời sống hàng ngày: Thực thể; Hư vô; Khách quan; Chủ quan; Thời gian; Tình yêu; Ngôn ngữ, Tự do … Trong đó có câu:
“ L’homme est une passion inutile, Con người là một đam mê hão. Đam mê hão ở đây là đam mê trở thành L’Être–en–soi et pour–soi, Thực–thể–tự–tại–và–vì–mình, trở thành Thượng đế hay đam mê là chính mình. Vì điều đó không thể thực hiện được, đam mê ấy dồn con người vào kiếp sống không trung thực. Dịch từ inutile bằng hão chính xác hơn dịch bằng vô ích. Vô ích chỉ nói lên sự bất lực, lại có nghĩa vô dụng, không khơi tính hão huyền, tự lừa dối mình.” – Phan Huy Đường
Hư ảo nào như hư ảo trăng
Trời đưa ta tới chỗ em nằm
Em như huyễn hoặc, đời như mộng
Ta ngả lưng làm một giấc trăng – Nguyên Sa
Câu 29: Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên 
“Từ khi Trăng là Nguyệt, trăng đã có tên đặt, như sự vật có danh tướng. Danh tướng nẩy sinh phân biệt, có cái này và cái không–phải–cái–này đối lại. Đó là thế giới nhị nguyên, đau khổ phát sinh từ biện biệt. Từ đó có tim bối rối, có cánh diều vui và có mặt trời, hân hoan đời gõ nhịp, đầy đủ hỉ nộ ái ố. 
Cho đến khi, Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra, ta không còn chấp nhất danh xưng, ta đã giác ngộ. Ta nhìn thấy Trăng như là Trăng, không phải cái Trăng nhị nguyên thuở trước. Thấy sự vật như là cái–đang–là. Bây giờ CÓ là KHÔNG như lời kinh Bát Nhã : Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ. Bây giờ tôi trở về cái tôi uyên nguyên : Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia… Từ trăng thôi là nguyệt là trăng với bao la…  Mọi buồn vui là chuỗi duyên khởi không có lúc bắt đầu cũng như khúc cuối: Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ. Từ khi Trăng thôi là Nguyệt, trăng là trăng vô tướng, trăng là trăng ban đầu, trăng uyên nguyên, tôi không còn trí nhớ về những chồng chất của vô thường, những thèm khát ảo vọng của những điều không thật, về thế giới giả tưởng này. Không trí nhớ ở đây là tâm vô niệm, vô trú, không còn bị ràng buộc vì những thế sự không đâu, không còn vật vã vì cái trí nhớ huyễn hoặc xây dựng trên ảo giác. Từ đó tôi như đứa bé dại khờ. Trẻ thơ là một ẩn dụ của cái bắt đầu, vô nhiễm. Trăng bây giờ thành vô vi là vì vậy.
Khi tôi không bị định nghĩa bằng danh xưng, bó rọ vào một ước lệ nào đó, tôi bao la, tôi trở thành tất cả, Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên." – Vũ Hoàng Thư
Mình ta phố chợ lêu bêu 
Nửa đêm ngóng nguyệt tôi kêu tên mình
Mình / ta / tôi lại vô tình
Ngàn năm tơ tưởng bóng hình tôi / ta – Vương Trần
*  Nhạc phẩm Nguyệt ca có ba mươi câu, chia làm ba đoạn, mỗi đoạn mười câu, bao gồm hai ý chính: “Từ khi trăng là nguyệt đồng thời với từ khi em là nguyệt” thì Tôi gặp Em với những niềm vui, hân hoan, vỗ về … và “Từ trăng thôi là nguyệt cùng lúc với từ em thôi là nguyệt” thì việc gặp nhau coi như chỉ là tình cờ … để cuối cùng “Tôi xin đứng đó một mình” – Nội dung Nguyệt ca nói lên tương quan giữa Tôi và Em. Tôi là chủ thể, là tự ngã, là một người nam. Em là một người tình, một hình ảnh, một bóng dáng, một người nữ. Mọi sự việc ngoại tại lẫn nội tại biến hóa, thay đổi theo tâm thức của Tôi đối với Em.
từ em. thiên địa hồng hoang 
rừng nguyên sinh lại mỡ màng. tươi xanh 
từ em. sương đẫm phước lành 
từ em. ma quỷ chợt rành kệ kinh 
từ em. thiên hạ thái bình 
ta. gươm đao cũ hiện hình mõ chuông 
thiền sư cởi áo lên đường 
cây treo chuỗi hạt vô thường. chín ươm 
từ em. trăng lại hoàn hồn 
rằm mơn mởn. những mùa thương dẫy đầy
– TTSH
 “ Trăng trong ‘Nguyệt ca’ gắn liền với Tôi. Nó tạo thành Cõi thế của Tôi. Nó tạo thành Tôi. Trăng là nguyệt, là em, và qua đó, trăng dính liền với Tôi, là điều kiện tồn tại của hiện sinh Tôi, trở thành bản thân Tôi. Sự chuyển biến trăng – nguyệt – em thay đổi thân thế và cảm quan của Tôi… Trong NC, cái Tôi có vẻ phiền trược, dính líu, vướng víu với đời. NC là một thế giới đầy cảm tính, trong đó, Tôi và Em cọ xát nhau. Đó là thế giới của là và thôi là, hiện hữu và phi hiện hữu. Tôi khoái lối sử dụng chữ nghĩa ở đây: trăng – nguyệt – em. Một đánh tráo giữa danh và thực, giữa cái biểu tượng và cái cụ thể. Trăng là nguyệt hay trăng là em? Em là nguyệt hay em là trăng? Nguyệt là em hay nguyệt là trăng? Cái nào thiệt cái nào không thiệt? ...Thực ra thì, ta cảm ngay trăng – nguyệt – em tuy ba mà là một. Ngôn, mà phá ngôn. Lời, mà phá lời.”– Trần Hữu Thục
Từ tâm. Neo mảnh trăng riêng
Từ em. Nhan sắc về thiền giấc mơ – Lê Đình Trọng
Sự chuyển biến giữa trăng – nguyệt – em gắn liền với Tôi – Trăng trong Nguyệt ca hiện hữu như một vật thể, được người nhìn trăng là Tôi mượn để bày tỏ tình cảm, quan niệm của mình, chứ không phải hiện hữu là chính nó.
Cái nhìn của Tôi đối với trăng mỗi lúc một khác nhau, tùy theo vui buồn của Tôi nên: Có khi ánh trăng sáng soi, huyền diệu; Có khi ánh trăng phủ kín một lớp sương mù mơ hồ. Trăng ở đây là hình, là bóng, là ẩn dụ. Tôi là người thật, lòng Tôi là thật, tâm Tôi là thật. Cái nhìn của Tôi chụp phủ lên trăng những sự vật mà nó bị chụp phủ, chứ không phải là sự vật thật. Trăng ở đây không thật là trăng. Trăng không được nhìn đúng là trăng!
 Trăng nào mới thật là trăng đây? Đó là ánh trăng vô sự của người vô sự, ánh trăng Lăng Già chiếu thuyền Bát Nhã. Đó là khi trăng không còn là trăng và hiện hữu không còn là hiện hữu, là tự tánh không của vạn pháp: “ KHÔNG có KHÔNG không, KHÔNG sanh KHÔNG diệt, KHÔNG thành KHÔNG hoại”.
như Nga
như Nguyệt
như Hằng
như tay
ngón chỉ trăng
rằng: ảo hư
người về
đọc lại kinh thư
một hôm mới hiểu
mình chưa là mình– Vương Trần
“ Bao giờ cái nhìn của bạn cũng bị giới hạn bởi những gì bạn đang có và đang là” – Carl Jung. Những “cái đang có và đang là “ bao gồm: điều kiện vật lý, tâm lý, sinh lý, kiến thức, tập quán, thành kiến trí tuệ và văn hóa của thời đại đang sống, góp phần tạo thành những giới hạn đó.
Cái nhìn của TCS là tâm nhìn sự vật qua mắt, có nghĩa là mắt nhìn với sự có mặt của ý thức. Vì thế, trước cuộc đời, trước vấn đề khổ đau và hạnh phúc, ông đã suy tư về thân phận ngắn ngủi của con người, đã phát sinh cái nhìn giới hạn trong sự sống chết, có ý hướng đến những gì cứu rỗi, những ước mơ không hiện thực, chịu ảnh hưởng của các triết thuyết, chủ thuyết, với những hệ lụy của chúng.  
“ Chủ nghĩa Hiện Sinh với Heidegger, Sartre, A. Camus… ở phương Tây đã đến với lớp trẻ chúng tôi trong những năm của thập niên 60 như một làn gió chướng thổi qua cái thành phố Huế, nhỏ bé, đóng khung, còn rất cổ kính trong cách nghĩ, cách làm ấy…
Những danh từ như hiện sinh buồn chán, xao xuyến, hư vô, thời gian, hữu hạn và vô hạn, buồn nôn, thân phận con người, sự vô nghĩa của cuộc đời, nỗi hoài công phi lý của Sisyphus, ý niệm về siêu hình, bản thể học đã như những tiếng gõ bí ẩn vào cánh cửa tâm hồn của lớp thanh niên trẻ chúng tôi thời ấy như những mời gọi phiêu lưu vào những vùng đất lạ của tri thức. Bây giờ nhìn lại thì thấy mình dại khờ, bởi chính những tư tưởng mới này chẳng có chi là mới so với triết lý Phật giáo cả – thế nhưng lúc ấy chúng có một sức thu hút quyến rũ kỳ lạ trong cái khung cảnh đều đều êm đềm của xứ Huế, thành trì của thủ cựu và khuôn sáo, là những hàng rào ước lệ mà lớp trẻ thường hay muốn vượt qua.”– Thái Kim Lan
Từ vỡ lành trăng lồng bóng nước
Từ em là nguyệt lộng đời sông
Từ tôi là một dòng tâm nguyệt
Sông có trăng cười sông xóa trăng – Nguyễn Tất Nhiên
Qua 29 câu trong bài Nguyệt ca ta vừa tìm hiểu, TCS đã bằng cảm nhận của mình với thiên nhiên, lắng nghe cuộc đời chung quanh mình và nhìn – Nói đến nhìn là nói đến nội dung và tác dụng của cái thấy. Cái nhìn khơi dậy, cho thấy những buồn và vui, những yêu thương và giận ghét, những khổ đau và hạnh phúc… trong cuộc sống. Để rồi tác dụng của cái thấy này đã tác động đến người nhìn là TCS cho ông cuối cùng quyết định trong câu 30 rằng : “Tôi xin đứng đó một mình!”
Trăng muôn đời là nguyệt
Người muôn thuở như mây
 – EG
Câu 30: Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình
– Một mình: “ Trịnh Công Sơn viết tình ca cho người, có thể là cho người yêu, nhưng ông không ngưng ở điểm tới của tình yêu, mà đi tới, đi tiếp. Và bay mãi, một mình, như cánh vạc trong đêm” – Quỳnh Giao
tặng em
cả mùa trăng dại dột
đá nát vàng phai
ta làm cánh cò
bay cả một mùa trăng 
đau cả một mùa trăng
ngày lặng lẽ ôm vầng trăng đi mất
từng mảnh đêm phiêu lạc
em cho ta những gì ? – TTSH
– Đứng đó một mình: Một người bạn thân của TCS là ông Bửu Ý đã ghi lại: “Ai nấy có cảm tưởng anh có rất nhiều người yêu… Thế nhưng, nếu chứng kiến những lúc tiệc tàn, thời khắc cuối ngày ta mới thấy Trịnh Công Sơn là một khối cô đơn. Đây là một tâm trạng hoàn toàn ngược lại: một tâm trạng “ bị tước đoạt ” trong tình yêu, hay là ý thức mất mát, ý thức một cái gì của mình lọt vào tay người. Một mặt, anh mường tượng người yêu có một đời sống riêng và đời sống riêng này không có anh trong đó. Mặt khác anh mang trong vô thức một mất mát mà anh biết những gì có trong hiện tại vẫn khó lòng khỏa lấp cái mất mát ban đầu… Cái tình yêu thời thanh xuân của anh, mối tình đã gặp phải nhiều cản ngăn, trắc trở, anh khó lòng nguôi quên… làm anh không sống trọn vẹn ở hiện tại ...”
Ai trao gởi lời thề trên xác lá
Để vầng trăng tìm mãi dấu chân xưa – Đinh Hùng
Một người bạn thân khác, một phụ nữ Huế, bà Thái Kim Lan phần nào giải thích: “Tình yêu của người con gái Huế phù du như đám mây trời, như cơn mưa mùa hạ. Hình như là một thông lệ cho những người yêu nhau ở Huế: yêu ai thì rất mực yêu ai, nhưng khi tính cuộc trăm năm với người nào thì cha mẹ hay tiếng nói của mẹ cha đã nằm sẵn trong tiềm thức của mỗi người quyết định, và thường khi quyết định một cách thực tế là không lựa chọn người mình yêu, dù "nỗi lòng anh đầy" nhưng "lời ca anh nhỏ" bé đơn sơ quá cho nên ước mơ "ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu" đã phôi pha.”
Ông Nguyễn Đắc Xuân còn nói rõ ràng thêm: “Thành phố Huế xưa nay vốn rất nhỏ. Người đẹp của núi Ngự sông Hương phần lớn tập trung ở hai ngôi trường Đồng Khánh– Quốc Học, từ sau năm 1957 có thêm Đại học Huế. Thế hệ nào cũng có những giai nhân của riêng mình. Giai nhân có ít mà người mê thì nhiều… Thời ấy, ít có cô gái Huế nào đẹp mà chịu lấy những chàng trai ngang trang ngang lứa. Các cô gái đẹp thường được cha mẹ gả cho những người đã có danh vọng, có sự nghiệp chắc chắn. Rất hiếm thấy các anh chàng lông bông học hành chưa tới mà có người yêu đẹp xuất thân trong các gia đình gia giáo. Tuy nhiên trong thế hệ tôi, chính vì các hố ngăn cách ấy đã nẩy sinh ra biết bao mối tình thầm lặng, yêu một chiều và khi nó xảy ra với những người về sau xuất chúng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chúng trở thành những chuyện tình bất tử.”
Còn không một bậc quay về
Vườn xưa nhìn ánh trăng thề vàng gieo– Bùi Giáng
– Tôi xin đứng đó một mình thì: “ Trái tim tôi nó có nguyên lý riêng của nó … Nhiều lúc nghe người ta bàn tán về tôi, tôi buồn ghê lắm, nhưng cái buồn đó chỉ thoáng qua, tôi lại ngẩng cao đầu, bất chấp dư luận, tôi chọn con đường cô độc để bước đi” – TCS
Là một nhạc sỹ tài hoa, đa tình, “ trái tim lúc nào cũng cháy bỏng tình yêu cho dù là đơn phương hay song phương, cho dù là đa phương hay vô định. Tình yêu đã đầy ắp trái tim thì phải cho … – Phạm Thị Hoài”. Ông đã yêu nhiều người, nhiều người đã yêu ông, hâm mộ ông, mà ông luôn như một lãng tử cô độc, cứ xin đứng đó một mình, cũng tạo ra rất nhiều thắc mắc, rất nhiều câu hỏi, rất nhiều nghi vấn.
mùa như đi lạc – mùa chưa tới
một góc vườn khuya – tôi ngồi đợi
giữa lòng – chợt rơi vài chiếc lá
trăng lên xanh xao màu rất lạ
mùa đã đi xa – mùa lạnh căm – TTSH
Có nhiều người hỏi ắt có nhiều người trả lời; Có nhiều thắc mắc tất có nhiều giải thích; Có nhiều nghi vấn thì có nhiều giải đáp … Chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây của tác giả Lê Hữu:
“TCS, sao đến giờ này ông vẫn còn độc thân?" đã có người hỏi ông như vậy. Câu hỏi này chỉ có một mình ông trả lời được, nhưng ông lại chẳng bao giờ trả lời rõ ràng cả.  Hình như là tôi không có năng khiếu về việc xây dựng một tổ ấm riêng cho mình," ông chỉ nói vậy, " và đến bây giờ tôi vẫn có thể khẳng định là thói quen sống một mình không gây khó khăn gì cho tôi cả ". Có phải vì ông không thích bị ràng buộc mà chỉ muốn được " là lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do", hay vì ông quá nặng tình với mối tình đầu chưa nguôi, hay vì ông vẫn quý những tình bạn hơn là tình yêu, hay vì ông có trái tim quá lớn để có một tình riêng, hay vì..., tất cả đều không phải là những lời giải thích. Ông không lấy vợ là vì ông... không muốn lấy vợ, hoặc vì một lý do nào đó...chỉ mình ông biết " Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta..." (Ngẫu Nhiên), ông đã chẳng nói vậy sao? Ông chẳng hề nói cho ai biết, hoặc có nói cũng không chắc đã nói thật.”
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
 – Bùi Giáng
Sự thật! Không một ai thật sự biết sự thật ra sao, như thế nào! Bởi vì nó thay đổi, biến hóa tùy theo từng cảm nhận, từng ý nghĩ, từng suy đoán, từng chủ quan …của từng người ở trong mỗi từng thời điểm khác nhau – Tốt nhất là ta nhận lấy sự thật như nó đã hiện ra dưới mắt của mình; Không thuyết phục, không bắt buộc những người chung quanh cùng chấp nhận sự thật đó với mình; Cũng không thắc mắc, băn khoăn về sự thật dưới mắt những người khác.

 TCS là một trong những nhạc sỹ sáng tác tình ca hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam. Ông đã để lại cho đời, cho người hàng trăm tình khúc. Ta ghi nhận những suy tư, ý tưởng của ông khi nói về âm nhạc và tình yêu như sau:
“Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc “ và “ Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời.”; Bởi vì :” Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi.” Cho nên: ”Số phận của một bài hát có thể trở thành số phận của một con người có được hoặc mất đi của một hạnh phúc.”

Số phận của Nguyệt ca và những tình khúc khác của TCS cũng đã là như vậy!
Xuân Phương

Nguyệt ca - Trịnh Vĩnh Trinh 

Album Tình Khúc Trịnh Công Sơn 

 Nguyệt Ca - Khánh Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...