Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Thương nhớ một dòng sông!

Thương nhớ một dòng sông!

Tình cờ đọc được bài thơ của Hoài Thanh, những dòng thơ đã gợi lên những âm vang như có mê lực đưa lòng mình vào nỗi  nhớ một dòng sông. “ Dòng sông của tôi.” Dòng Lại Giang. Một dòng sông chứa đầy những kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay đắng như những sợi dây thiêng liêng đã gắn bó trong tôi suốt một đời.
                  Nước xuôi lạnh một dòng sầu
                  Biết về đâu hỡi mấy mầu thời gian.
                  Ta nghe lòng vỡ cung đàn
                  Hồn âm thanh rợn chiều hoang lá cành.
                  Gió rừng trận thổi đi nhanh
                  Rơi đôi chiếc lá và cành trơ vơ.
                  Sông xanh trầm biếc xa mờ
                  Một hình ảnh cũ ngày thơ ấu còn.
                  Lạnh rồi từ buổi xanh non
                  Búp măng tơ ấy đã tròn gió sương.
                  Con sông nào đã xa nguồn
                  Thì con sông đó sẽ buồn với ta.       
  .

     Năm 1951 tôi chưa đầy tám tuổi, khi những trái bom napal quái ác cuả máy bay Pháp rơi xuống đã biến ngôi làng Trung Lương trở thành biển lửa. Từ bến sông trở về, tôi đã khóc ngất vì tìm không ra Cha Mẹ đang ở đâu? Lúc tìm được người thân, thì một hình ảnh khủng khiếp đã diễn ra . Đứa em trai tôi bị ngạt thở chết, Bà Nội bị một mãnh đạn cắt đứt làm đôi, Ông Nội bị thương nặng.. Trong hoàn cảnh cực kỳ bi thảm, phải sống với màn trời chiếu đất, khốn đốn vì đói khát thiếu thốn cùng cực. Nếu không có dòng sông quê hương thân thiết cưu mang nuôi nấng, cho trôi nổi nương tựa để tìm lại sự sống còn suốt một khoảng dài mà cuộc chiến tranh khắc nghiệt đã giáng xuống cho gia đình chúng tôi. Trong những ngày tháng khốn khổ tột cùng, dòng Lại Giang chính là một ân nhân vĩ đại, là một vị thần hộ mạng, một người bạn lớn chân tình, một bóng mát chở che, một chiếc nôi ấm áp, một nguồn suối ngọt ngào, một người Mẹ dịu hiền đã tắm mát đời tôi, đã tập tành đỡ bước chân tôi, đã cho chúng tôi những ngày tháng an lành trước khi trở lại cuộc sống bình thường.

     Tôi nhớ một nhà văn nào đó đã viết:“Thật hạnh phúc cho những ai có một dòng sông để nhớ”. Thì tôi đã có dòng Lại Giang. Dòng sông ấy mới có đủ tình thâm nghĩa nặng chia xẻ với tôi những điều sâu kín nhất. Tôi hiểu và yêu dòng Lại Giang nhiều lắm. Từ trên nguồn cao chảy ra biển cả, dòng sông có chỗ nào sâu,  khúc nào cạn và nước sông khi nào đục, lúc nào trong, cũng như những tình cảm vui buồn, yêu thương thù hận của dòng sông đã trãi qua lắm sự đổi thay của con người. Vào mùa nước lũ, dòng Lại Giang có lúc dâng lên đục ngầu rất hung hãn dữ dằn, nhưng tôi vẫn to gan dám bợi bộ từ bên này qua bên kia sông mà không một chút sợ hãi bị nước cuốn đi. Phải chăng có một sợi dây thiêng liêng vô hình nào đó đã gắn chặc trái tim tôi với dòng sông thân thuộc. 
     Những câu thơ thật bình dị nhưng lại khơi gợi nhiều quá, dường như nó đã động phải những tầng sâu thẳm nhất trong lòng kẻ tha phương. Những dòng thơ buồn hoang vỡ  đầy chất lãng mạn đã khiến lòng tôi thực sự bồi hồi bâng khuâng nhớ tiếc một dòng sông xưa, sau những năm tháng dài đầy những biến động của lịch sử và đời người.
           Nước xuôi lạnh một dòng sầu
           Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian.
Bước đi của thời gian thật bi đát. Tuổi trẻ và đời người đều bị thời gian xói mòn làm tiêu tan, để cuối cùng trở về với cát bụi. Thời gian trôi đi để những hoang lạc phải rời xa, nỗi buồn lại đến gần và những mất mát xuất hiện như một quy luật bất biến muôn đời. Cũng như “dòng Lại Giang của tôi” đã in đậm một nỗi buồn khi tôi về thăm rồi lại phải ra đi biền biệt. Tôi đã một lần dừng chân trên chiếc cầu đi vào thị trấn nhìn xuống dòng sông xưa không còn đầy đặn mượt mà như thưở truớc. Nước sông khô cạn để nhô lên những cồn cát trơ vơ giữa đôi bờ hắt hiu xa vắng.
            Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
             Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
Dòng sông của tôi hôm nay đã khô cạn và nhuốm màu đục lờ vàng úa vì sự xâu xé tham lam quá đáng của con người. Chữ nghĩa của bài thơ thì quá đẹp quá sang, mà tình yêu dòng sông lại chất ngất, chứa đầy những thao thức trăn trở của một thời son trẻ đã qua,để lại trong lòng người về thăm một nỗi niềm hoang vắng đến choáng ngợp:
           Ta nghe lòng vỡ cung đàn
           Hồn âm thanh rợn chiều hoang lá cành.
Những ngày vào Trung Học, tuổi học trò của tôi vẫn còn gắn liền với dòng sông thân thiết. Hè về tạm biệt bạn bè, tôi thường theo Cha và Cậu trôi nổi trên dòng sông trong những chuyến chuyên chở hàng hóa cây trái từ trên nguồn cao xuống các thị trấn và ngươc lại. Nhớ những buổi sáng còn trôi nổi trên nguồn cao, cách khu người ở thật xa. Ở đó là những khoảng trời thênh thang lộng gió, chỉ thấy mây trời lãng đãng nắng trải trên sông giữa hai bên bờ cây xanh ngát của núi rừng. Tôi và Cậu thường dẫn nhau lên bãi cát trắng, tìm nhặt những cành củi khô bên bìa rừng đầy những bông hoa cỏ lạ và tiếng chim muông ríu rít trên cây như đang đi lạc vào cõi thần tiên.
           Gió từng trận thổi đi nhanh
           Rơi đôi chiếc lá và cành trơ vơ.
   Nhưng cũng có lúc tâm hồn thật trống vắng với nỗi cô đơn. Những đêm nhìn trăng hiu quạnh bên trời hay những chiều tà úa nắng, lặng lẽ nhìn màu tím hoàng hôn rơi nhẹ trên sông mà buồn xa vắng. Phải chăng lúc đó, trong tâm hồn thơ dại của mình đang có một bóng hình đang thấp thoáng.
          Sông xanh trầm biếc xa mờ
          Một hình bóng cũ ngày thơ ấu còn.
Có một đêm khuya, trên mặt sông buồn phẳng lặng, tôi chợt nghe có tiếng lao xao xào xạc từ những lùm tre xanh thẩm phía bên kia, tưởng chừng như hơi thở của dòng sông, hòa trong gió nhẹ đưa những mùi thơm man mác của loài hoa đêm. Thỉnh thoảng tôi lại nghe như có tiếng thì thầm nỉ non của dòng sông, những âm thanh sâu lắng mà thật nồng nàn tình tự. Và tôi đã cảm nhận được thế nào là tình yêu của quê Cha đất Mẹ đang dâng lên tràn ngập hồn tôi.
            Lạnh rôì từ buổi xanh non
            Búp măng tơ ấy đã tròn gió sương
    Từ bao năm nay theo từng bước đi của thời gian, những giấc mơ và những mộng tưởng của một thời tuổi xanh không còn nữa. Nhưng con người luôn muốn níu kéo thời gian để tìm lại niềm hạnh phúc mong manh dễ vỡ vốn không có thực, để cuối cùng chỉ còn lại một nỗi buồn.
            Con sông nào đã xa nguồn
            Thì con sông đó sẽ buồn với ta.
     Viết tới đây tôi lại thấy nhớ da diết hình ảnh của những thằng bạn nhỏ một thời còn được tắm được bơi trên cùng một dòng nước, được học hành vui chơi thỏa thích dưới một mái trường bên dòng sông Lại năm xưa.  Mãi cho tới bây giờ, đã vượt qua hơn 60 năm cuộc đời, trãi qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, lưu lạc xứ người. Chúng tôi may mắn vẫn còn có nhau những người bạn cũ không bao giờ thay đổi. Ai cũng đối tốt với tôi. Những người bạn cùng quê trí thức tài giỏi mà tôi kính phục và thường ca tụng họ là những “ con rồng” của gia đình Lại Giang trong những buổi tiệc họp mặt vui chơi. Nhưng nghĩ cho cùng, tôi cũng không thấy thích thú bằng cái đám bạn nhỏ học trò của thời thơ ấu xa xưa ấy. Những “thằng nhỏ” thật dễ thương, những tâm hồn vô tư lự, luôn chơi với nhau bằng một thứ tình bạn hoàn toàn trong sáng, không một chút so đo hơn thiệt chỉ vì cái “ danh” rất nặng nề, hay cái: “ Le moi”.. thật phiền phức.
    “Là anh em cùng chung cảnh ngộ, từng nối kết nhau bằng những mối thâm tình. Tại sao không thể nhốt những con rồng đó lại để trao nhau những nụ cười thân ái như ngày nào (***) Để tìm lại một “ sân chơi” cho thỏa thích.  
    Tôi vẫn mơ ước có một ngày trở về được tắm lại bến sông xưa để tìm lại “ chiếc bóng thanh xuân” của mình thuở ấy. Và giấc mơ tuổi thiên đường vẫn còn ngân nga trong tâm hồn, khiến H. này mãi mãi “ Thương Nhớ Một Dòng Sông. 
                                                        V. Hùng   
 (***). Lời của một nhà mô phạm đúng nghĩa, cũng là vị Thầy khả kính của  gia đình Lai Giang. GS . PVS.  
 (***) Le moi est haissable ( Pascal)
        

           


1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...