Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Còn thương nhớ nhau về thắp sao trời

Còn thương nhớ nhau về thắp sao trời
Tôi có thói quen sau khi nghe xong một ca khúc thường ngâm nga nhiều lần một câu hoặc một đoạn mà mình cảm thấy tâm đắc nhất trong lời bài hát. Cũng có khi nghe xong một ca khúc nào đó tôi chẳng nhớ nổi một câu gì. Vì vậy, theo quan niệm riêng của mình tôi cho rằng một ca khúc để lại trong lòng người nghe nỗi dư cảm kéo dài, dù chỉ bằng một câu hát thôi, cũng xứng đáng là một tác phẩm hay.
 Và với tôi, “Không còn mùa thu” của Việt Anh là một ca khúc như thế.
      “Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm
       Không còn mùa thu, mơ trên môi mềm” 
    Phải thật tinh tế lắm người ta mới có thể dừng lại và lắng nghe được tiếng thời gian trở mình. Mùa thu dần lùi xa, điểm nhẹ một chút buồn vào thiên nhiên, hoa cỏ. Mảnh trăng mềm mại cuối trời như nhòa nhạt, rụng rơi, không gian bàng bạc khẽ nhuốm lên môi người một nét mơ hồ, mờ ảo. Trong thời khắc ấy, bỗng đâu xuất hiện một hình ảnh gợi thi vị không kém: Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu…
      Nhân loại nhiều thế kỉ nay vẫn gọi mùa thu là mùa diễm tình, thế nên trong phút giây giao mùa, con người ta vẫn cố níu kéo mùa thu, níu kéo chút lãng mạn cuối cùng còn sót lại. “Anh làm mùa thu cho em mơ màngAnh làm lời ru quấn quýt bên nàng Em đi, tiếc gì thu vàng, tiếc gì xuân sang” 
    “Anh” dịu dàng và lãng mạn như thu nên “em” cứ thả mình mộng mị, phiêu lưu cùng giấc mơ tình yêu say đắm. “Anh” như lời ru vang vọng và quấn chặt lấy “em” không rời, từ đó khát vọng được thăng hoa. Tình cảm của “anh” dành cho “em” mới hay chân thành và tha thiết biết mấy! Nhưng mấy ai có thể nói trước được rằng tình yêu của mình và người ấy sẽ luôn vững bền, trường cửu. Vì vậy mà câu hát “em đi, tiếc gì thu vàng, tiếc gì xuân sang” bỗng chốc mang đến cho người nghe chút ngậm ngùi, xa xót. 
    Khi nghe Trịnh, tôi đã từng bắt gặp, ngâm nga và vô cùng ấn tượng với những câu như: “Từng người tình rồi cũng bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, hay “Nghìn năm sỏi đá cũng cần có nhau”.v.v.. Còn ở “Không còn mùa thu” của Việt Anh, tôi lại cứ ám ảnh mãi câu hát: “Còn thương nhớ nhau về thắp sao trời”.
     Ý tứ thật bay bổng. “Sao trời” vốn là hình ảnh cũ mòn, biểu trưng cho sự chứng giám, lung linh của tình yêu đôi lứa, thế mà qua lời nhạc Việt Anh như được khoác lên một đôi cánh mới, gợi nhiều liên tưởng. Trên bầu trời cao rộng, được đính lên hàng triệu vì sao, ngôi sao nào là của “em”, là của “anh”, là của “chúng ta”? Hay phải miệt mài thắp sáng từng ngôi sao một mới có thể nuôi hi vọng về lúc nào đó ta sẽ tìm được vì sao đích thực cho mình. Hay có thể hiểu, mỗi vì sao là một nỗi niềm thương nhớ của “anh” dành cho “em”, tình yêu ấy rộng rãi, bao la và sáng tỏa như những ánh sao trời trong đêm kia gộp lại… “Còn thương  nhớ nhau từng đêm bão tố Tóc ướt trăng thề, lời yêu chưa nói trên môi vụng về”
      Lời hát thật da diết, khắc khoải. Nỗi đau, sự nhớ niềm thương ấy, trộm nghĩ  lấy gì mới có thể đếm đong được một cách trọn vẹn? 
     Đoạn cuối bài hát như một dự cảm, đã nối kết thời gian- không gian- tâm trạng con người theo tuyến cảm xúc quá khứ- tương lai- thực tại. Sau chuyến hành trình dài đầy xúc cảm thi vị, mới hay mùa thu đã không còn nữa, tình yêu cũng vụt bay xa, con người mệt nhoài cùng với sự gặm nhắm nỗi lòng cô kiệt của mình:
       “Đường ta đã qua, chìm khuất chân trời
        Đường ta sẽ qua, nào ai biết tới
       Chiều buông rã rời, ru lòng thôi mơ, ru buồn lên thơ…” 
      Rồi sẽ đến lúc nào đó con người biết mình nên làm gì và cần phải làm gì. Chẳng nỗi đau, sự mất mát nào là vô nghĩa. Vì thế, mục đích cuối cùng của những điều đó chính là giúp cho con người thực sự nhận ra đâu là ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời mình…
Tịnh Anh



1 nhận xét:

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...