Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Mười năm ấy, biết bao tình

Mười năm ấy, biết bao tình 

Bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu của một đơn vị hành chính sự nghiệp như các khoa ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), bất kỳ một đơn vị nào muốn thành công cũng đều phải đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho các cán bộ, giảng viên trong khoa, phải làm sao để khi làm việc các cán bộ, giảng viên có sự thoải mái, sự tận tình cống hiến, khi đi xa thấy bịn rịn muốn trở về, khi nghỉ hưu rồi vẫn vấn vương, dõi theo những đồng nghiệp trẻ với sự trìu mến, và mỗi khi nhắc tới nơi mình đã và đang làm việc với sự tin yêu, pha lẫn tự hào. Muốn thế, bên cạnh đội ngũ lãnh đạo là Ban chủ nhiệm khoa, các đoàn thể như chi bộ, liên chi đoàn, chi đoàn cán bộ cùng chung tay tạo nên sự tin yêu ấy, và sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể tới sự đóng góp của công đoàn khoa- một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên thành công trong mọi hoạt động chung của một khoa.
Khoa Tiếng Anh của trường ĐHSPHN được chính thức thành lập vào ngày 1/ 7/ 2004, tới nay đã có tuổi đời 10 năm, đồng hành với các đoàn thể trong khoa, tuổi đánh dấu các hoạt động của công đoàn khoa cũng là số 10. Trong mười năm ấy, công đoàn khoa tiếng Anh đã cùng Ban chủ nhiệm và các đoàn thể khác cùng sẻ chia, gánh vác những nhiệm vụ nhà trường giao và trải qua nhiều gian nan từ buổi đầu thành lập tới nay vẫn luôn là  nơi được mọi cán bộ, giảng viên tin cậy, là nơi tập hợp được sức mạnh quần chúng và luôn là người bạn gần gũi nhất đến với mỗi hoàn cảnh khác nhau của từng cán bộ, giảng viên. Trong thời gian từ 2004-2014 công đoàn khoa đã có nhiều chị kế tiếp nhau tham gia vào Ban chấp hành công đoàn khoa, trong đó phải kể tới các chị Dương Hồng Vân- Nguyễn Tường Vy- Lại Hồng Hà, Phan Phương Thảo, Lê Thanh Hà, Nguyễn Thị Thanh Huyền… bản thân các chị đều nặng gánh với gia đình, người thân, bạn bè, nhưng đều có điểm chung là rất nhiệt tình với công tác công đoàn, gọi là có, khó là giúp.
Thời gian 10 năm tuy chưa dài nhưng những thành công mà công tác công đoàn đạt được ở khoa tiếng Anh là cả một chuỗi dài những cố gắng, những  dấu ấn của ân tình và đó là những nốt nhạc hay nhất được viết lên từ những tâm hồn đẹp đẽ biêt quan tâm với mọi người xung quanh, biết nhân lên cái bản ngã nhân văn trong mỗi công đoàn viên. Mười năm hoạt động ấy ghi dấu biết bao tình thể hiện qua các hoạt động đa dạng, khác nhau.
Quan tâm với người đi trước
Tuy quỹ Khoa chẳng mấy khi được  dồi dào nhưng cứ đều đặn vào mỗi dịp xuân về, dịp tôn vinh các nhà giáo việt Nam 20-11, công đoàn khoa đều có sự thăm hỏi tận tình, chu đáo tới từng giáo viên đã nghỉ hưu của khoa. Những cán bộ công đoàn của Khoa luôn cho rằng những dịp như thế là rất quý vì đó là những giây phút được lắng nghe, học hỏi từ những bậc tiền bối về cách sống, cách làm việc, cách đối nhân, xử thế sao cho tròn, cho đẹp, và đó luôn là những dịp để những bạn trẻ được hình dung rõ nhất về tương lai của mình để nhiệt tình hơn nữa trong giảng dạy, trong trau dồi chuyên môn hay nhân cách. Mỗi dịp chia tay các giáo viên nghỉ hưu là mỗi dịp các thế hệ giảng viên lại cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua với những gì trân trọng nhất để cùng nhau sống tốt, sống đẹp cho hôm nay và mai sau. Ngoài những dịp trên, cứ có thời gian hay có những điều chưa hiểu thấu, các bậc đàn anh chị lại tư vấn, trao đổi cho các đồng nghiệp trẻ, và chúng tôi thấy sợi dây kết nối này thật đáng trân trọng. Ở khoa tiếng Anh, có biêt bao bạn trẻ vẫn mong đợi ngày 20-11 để được trò chuyện cùng các thầy cô đã nghỉ hưu về thăm lại khoa , chứng kiến sự trưởng thành của các đàn em, để cùng  lắng nghe thầy Nguyễn Phú kể những câu chuyện vui thời sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ , để cùng nhau hòa chung một bài ca với giọng ca mượt mà của chị Hồng Vân, hay làm học trò của thầy Khánh Thiện xấp xỉ tuổi “ xưa nay hiếm”- 70 nhưng còn nồng nàn với các vũ điệu rum- ba, van xoay….
 Chia sẻ với bà mẹ trẻ
Đặc thù của Khoa là trên 90% cán bộ, giảng viên là nữ và có tới 80% ở độ tuổi lập gia đình, sinh con nên số lượng các giảng viên trẻ thành hôn, sinh con đầu lòng rồi con thứ hai với tốc độ khá dày đặc, thậm chí có những giai đoạn trong một học kỳ Khoa có tới 11 bà mẹ trẻ nghỉ chế độ thai sản. Bên cạnh sự gánh vác về số lượng giờ giảng ra, các công đoàn viên luôn hỏi han, cập nhật những vướng mắc của các bà mẹ trẻ để kịp thời thăm hỏi, động viên cùng nhau hướng tới việc làm thật tốt vai trò người mẹ. Trong các dịp sinh hoạt theo các ngày lễ lớn, các chương trình hoạt động của công đoàn khoa bao giờ cũng lồng ghép những nội dung hữu ích, thiết thực như vừa thi làm và trang trí “ Đĩa quả gia đình” dịp 8-3-2014 lại vừa có chuyên mục: “Hỏi- đáp về các loại triệu chứng và các phòng chống những bệnh thông thường ở trẻ”. Nhờ có diễn đàn thật giản dị và dân chủ thế mà các công đoàn viên thấy tự tin và bấy lâu vốn ít nói như các chị Phạm Vân Anh, Trần Hương Quỳnh nay đều hăng hái trả lời các câu hỏi để chia sẻ các kinh nghiệm bản thân để cùng nhau làm tốt việc nước- việc nhà, để “ Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”.
 Gửi yêu thương tới thiếu nhi
Với số lượng hiện nay 58 cháu thuộc lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, khoa tiếng Anh là một trong các khoa của trường ĐHSPHN có số lượng các cháu thiếu niên, nhi đồng đông nhất. Chúng tôi thực sự cảm động mỗi khi nhận được tin nhắn hay cuộc gọi của những bà mẹ trẻ gọi hay nhắn tin tới báo với Ban chấp hành công đoàn khoa là đã sinh bé trai hay gái, ngày giờ nào, bé cân nặng bao nhiêu vì chúng tôi sẽ có thêm một bé nữa để chăm, để yêu. …Đã liên tục nhiều năm nay, các ngày 1-6 thực sự trở thành ngày hội của các cháu khi đến với nơi công tác của các bố mẹ. Chúng tôi và các cháu đều nhận ra rằng chỉ có gieo yêu thương mới gặt hái yêu thương nên tất cả các chương trình tổ chức từ trước tới nay đều phải thật  chu đáo, tận tâm và thực sự dành cho các cháu. Với nhiều thành công của những chương trình nối tiếp như: Ngày hội của bé- Bé FOE đua tài- Gala cho bé FOE, cuộc thi” Thiên sứ FOE “ hy vọng sẽ để lại nhiều nét đặc biệt ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của các bé trong học tập, vui chơi và đó chính là một phần gửi gắm của các công đoàn viên vào sự nhen lên và cháy mãi ngọn lửa yêu thương trong mỗi tâm hồn trẻ thơ, một thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến các cháu là cuộc sống thật đáng yêu, các cháu sẽ luôn có những bàn tay và trái tim cô, chú, bố, mẹ, ông, bà dõi theo từng bước để các bé tự tin vào đời mang theo tình yêu, trách nhiệm và tấm lòng nhân ái.
 Kịp thời thăm hỏi, vấn an
Mỗi khi công đoàn viên có sự kiện về bản thân, gia đình như hiếu, hỉ…công đoàn Khoa luôn là người có mặt đầu tiên để cùng nhân đôi niềm vui hay chia bớt nỗi buồn. Ban chấp hành công đoàn khoa luôn thay nhau sắp đặt cho mọi việc sao cho chu đáo, tiết kiệm mà lại ý nghĩa. Trong thời gian 10 năm công đoàn khoa đã tới thăm hỏi 31 trường hợp sinh em bé, hơn 300 lượt thăm hỏi các giáo viên nghỉ hưu cũng như các cán bộ, giảng viên vào các dịp lễ lớn hay khi đau yếu, chúc mừng hơn 15 công đoàn viên lập gia đình, cùng nhà trường và gia đình lo việc hậu sự của hơn 50 đám hiếu của tứ thân phụ mẫu hay người thân của các cán bộ, giảng viên trong và ngoài khoa. Những món quà vật chất đi kèm tuy nhỏ nhưng đó là món quà của sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, và chúng tôi rất tin rằng những trường hợp mà công đoàn khoa tới thăm hỏi đã phần nào làm giảm đi những mất mát đồng thời cũng làm nhân lên niềm vui và sự ấm áp tới các công đoàn viên.
 Nhiệt tình hoạt động văn, thể
Với một đơn vị gần như toàn nữ, lại còn bận rộn với các khóa học trong, ngoài nước, những bổn phận của người mẹ, người vợ, những bài giảng nối tiêp nhau, những chuyến công tác liên tục thì quỹ thời gian để dành cho các hoạt động văn thể thật eo hẹp. Ấy vậy mà đam mê với các hoạt động thể thao, văn nghệ vẫn vẹn nguyên chính vì thế mà có rất nhiều công đoàn viên đã tham gia các phong trào thể thao như chị Tường Vy, anh Tùng Sơn, chị Cù Thu Thủy, anh Triệu Tuấn Anh, hay như chị Tâm Trang đã thừa nhận: ” 13 năm rồi không cầm vợt chơi cầu lông nhưng ngọn lửa đam mê với môn thể thao này vẫn âm thầm cháy và chỉ đợi có dịp là bùng lên”. Thành tích đạt được thật đáng tự hào:Giải nhất , nhì cầu lông đôi nam-2005 và 2006, Giải nhất bóng bàn đôi nam nữ-2007, giải Nhì đôi cầu lông nữ -2008 , giải nhất đơn nữ bóng bàn-2008, giải Ba cầu lông nữ -2012.Với phần văn nghệ thì có lẽ sự đam mê này còn rực cháy  hơn và các công đoàn viên luôn sẵn sàng tham gia các buổi luyện tập để ngoài việc tham gia các phong trào văn nghệ do công đoàn trường phát động, mọi người còn hào hứng “ hát cho nhau nghe” những dịp lễ lớn như 8-3, 19-5, 20-11…Những giọng ca của công đoàn khoa đã góp phần mang lại những thành công với các Giải A văn nghệ-2005, gỉai Nhất- Nhì…ở các cuộc thi hát theo băng hình, hát chào mừng  ngày sinh nhật Bác từ 2008 tới 2011…vv
 Tích cực trau dồi chuyên môn
Nhiệm vụ chính của người giảng viên là giảng dạy và nghiên cứu, nên ngoài các hoạt động trên thì các công đoàn viên luôn có ý thức trau dồi chuyên môn mọi lúc, mọi nơi. Gần như chỉ sau 2-3 năm sau khi tốt nghiệp, các công đoàn viên trẻ đã nhận tiếp tấm bằng thạc sỹ từ các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và trên thế giới. Các giảng viên tích cực tham gia viết các bài báo để in ở các tạp chí trong, ngoài nước, tham gia các hội thảo danh tiếng để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.Tới nay khoa đã có 03 tiến sỹ, 40 thạc sỹ, 5 nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, tổ chức trên 50 hội thảo cấp Bộ môn, 30 hội thảo cấp khoa…các giảng viên trẻ luôn chủ động tìm các nguồn  học bổng, quỹ hỗ trợ để có thể theo học các khóa bồi dưỡng chuyên môn. Bên canh đó, số các đề tài và công trình các cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Một không khí học tập, nghiên cứu hăng say đang lan truyền trong các giảng viên ở khoa, ai cũng khao khát được học hỏi, được khẳng định mình để cống hiến được nhiều hơn nữa, để cháy mãi với đam mê của những con người ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Các công đoàn viên cùng nhau học tập, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm giảng dạy hay, khai thác tư liệu giảng dạy ở các trang mạng hiếm…lúc nào và ở đâu cũng sáng lên tình đồng nghiệp.
 Mười năm chỉ là một quãng thời gian ngắn ngủi trong đời mỗi con người, nhưng với các công đoàn viên khoa tiếng Anh đó là quãng thời gian nhiều gian nan, vất vả đề tạo cho mình một lối sống và làm việc nghiêm túc, hết mình, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy cùng nghiên cứu và cũng trong mười năm ấy chúng tôi đã trao gửi và ghi lại biết bao tình. 
 http://congdoan.hnue.edu.vn/

1 nhận xét:

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...