Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Hương hoa không bao giờ phai nhạt

Hương hoa không bao giờ phai nhạt

Trần Hữu Tá

Ít có nhà văn nào nghiêm khắc với văn của mình như Võ Hồng. Mỗi tác phẩm của ông như một tiếng đàn độc huyền, rung lên rồi cứ ngân vang không dứt trong tâm tưởng người đọc... 
Hầu hết những tác phẩm trong Tuyển tập Võ Hồng(NXB Văn Nghệ TP HCM - quí 4.2003) tôi đã được đọc với rất nhiều cảm tình ở Hà Nội trong những ngày đất nước tạm chia hai và giữa tiếng còi báo động máy bay Mỹ xâm nhập vùng trời thủ đô. 
Phải sau ngày đất nước thống nhất tôi mới có dịp đến Nha Trang gặp ông, nhưng ngay trong thời gian lịch sử khắc nghiệt nói trên, tôi đã yêu văn ông như yêu văn Sơn Nam, Vũ Hạnh, Vũ Bằng, Nguyễn Văn Xuân - những cây bút nổi tiếng trong các thành thị miền Nam. Giờ đây, được đọc lại Võ Hồng tình yêu ấy vẫn không phai nhạt trong tôi.
Ngẫm ra, gia tài văn chương VN hiện đại, khoanh lại trong nửa thế kỷ qua, kể cả miền Bắc, ở vùng giải phóng và các thành thị miền Nam do Mỹ khống chế trước năm 1975, trải qua sự sàng lọc khắc nghiệt nhưng cần thiết của thời gian, không ít thứ đã chìm vào quên lãng. Và những gì còn đọng lại trong lòng người đọc hôm nay đều thật sự có cái duyên riêng. 
Trong vườn hoa văn chương đó, các nghệ sĩ chúng ta đã chung sức tạo nên một hình ảnh muôn màu: có khóm rực rỡ, có cây lộng lẫy, có cành kiêu sa. Riêng Võ Hồng, ông lặng lẽ vun trồng, tưới tắm trong một góc vườn cho một gốc ngọc lan, ở đó có những đóa hoa nhỏ xinh, trắng muốt không phô trương, ít gây ấn tượng mạnh, thường khiêm tốn ẩn vào những nhành lá xinh tươi. Và cứ tối tối hương hoa thanh khiết của nó lại lan tỏa, đem đến cho người đọc sự thanh thản, thư thái rất cần cho cuộc sống đang ầm ầm chuyển động hết công suất của một xã hội văn minh công nghiệp.
Võ Hồng viết khá nhiều tiểu thuyết. Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay, Gió cuốn, Nhánh rong phiêu bạt, Thiên đường trên cao... những tác phẩm đó cũng có sức hấp dẫn đáng kể. Nhưng thành thật mà nói, truyện ngắn mới là lĩnh vực ông sở trường. 
Trong ngôi nhà thể loại xinh xắn này, nhà văn từ tốn và có khi nhỏ nhẹ thầm thì, trò chuyện cùng người đọc. Nội dung của cuộc tâm sự ấy không có những sự việc dữ dội, quyết liệt, rất hiếm những tình tiết quyết liệt lắt léo. Đó thường là những truyện ngắn phi cốt truyện nhưng chứa đựng rất nhiều tâm trạng. Nhân vật chân thành trải lòng mình trên trang giấy, mong nhận được sự cảm thông của những người tri kỷ. 

Một cách tự nhiên, Võ Hồng đã mải mê lãng du trên dòng sông trữ tình của những nghệ sĩ cùng thế hệ nhưng đi trước ông mươi năm trong lĩnh vực văn chương: Xuân Diệu (Phấn thông vàng), Thạch Lam (Gió đầu mùa), Hồ Dzếng (Chân trời cũ), Thanh Tịnh (Quê mẹ)...
Kể cũng lạ, nhân vật người kể chuyện ở đây có khi ở ngôi thứ ba có vẻ khách quan, bình thản nhưng thường là ngôi thứ nhất dung dị sâu sắc. Nhân vật “tôi” ấy có thể là một chủ gia đình nho nhỏ nghèo tiền nhưng rất giàu tình thương mến, cũng có thể là một người đàn ông sống cảnh gà trống nuôi con, có khi lại là một cô gái nhỏ kể về cuộc sống có vẻ đơn giản nhưng đầy ắp những kỷ niệm ấm lòng về người mẹ đã khuất, người cha hiền từ, người anh năng động, người chị dễ thương và đôi lúc cũng dễ ghét.
Ai đã được biết Võ Hồng hẳn đều giật mình, hóa ra tác phẩm nào của ông cũng ít nhiều mang chất tự truyện, cũng chứa đựng mảnh tâm sự riêng, một chút kỷ niệm riêng sâu sắc, ngọt ngào nhưng không ít lúc cay đắng của tác giả. Chuyện về người bác tình nghĩa hết lòng vì con cháu (Người về đầu non), về những người bạn thiếu thời (Hoài cố nhân, Ngày xưa), về một vài thiếu nữ dịu dàng, đằm thắm đã lướt qua đời mình thời thanh niên (Hà Vi, Rồi trái cây sẽ chín). 
Có hẳn một mảng truyện ông viết về cái gia đình nhỏ bé lẽ ra rất hạnh phúc của mình: người vợ hiền hậu, đảm đang một cách lặng lẽ nhưng rồi đột ngột từ trần; những đứa con ngoan, biết yêu thương nhau và kính yêu cha mẹ nhưng rồi cũng lần lượt trưởng thành, rời xa tổ ấm, khẳng định tương lai ở những phương trời xa (Một ngày cho mẹ, Từ giã tuổi thơ...).
Những nhân vật ấy, những câu chuyện ấy cũng có khi được đặt trong thì hiện tại đậm đà không khí thời đại, trong khung cảnh Sài Gòn, Nha Trang có ánh hỏa châu chập chờn, có phi cơ thám thính ầm ì trên trời cao, có những cáo phó trên báo, lạnh lùng hay chua xót loan tin người thân tử trận; nhưng chủ yếu tác giả đắm mình vào quá khứ - những ngày ngột ngạt trước năm 1945 và những ngày vất vả gian khó trong kháng chiến chống Pháp. Thời gian hoài niệm ấy rất thích hợp để nhà văn lắng lòng mình, suy tưởng và bộc bạch về sự va đập, chìm nổi của số phận con người. Hoàn cảnh có thể gieo neo vất vả, thậm chí có thể là bi kịch, nhưng những nhân vật của Võ Hồng thường vượt trên bất hạnh, vì trái tim họ luôn ấm nóng tình người. 

Chính vì thế, khi đọc truyện của Võ Hồng, cái buồn dịu dàng như cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ diệu, tâm trạng của người đọc không bị chùng xuống, yếu đi, mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại, như bình tĩnh, thanh thản hơn. Bởi lẽ nhà văn như muốn gửi tặng người đọc một điều trãi nghiệm: dù trong hoàn cảnh bi đát đến đâu, con người vẫn có thể tìm được một hạnh phúc giản dị nhưng cần vô cùng, miễn là ai cũng luôn có thái độ cảm thông, có sự tôn trọng yêu thương nhau, quan tâm chu đáo, hết lòng vì nhau.
Thông điệp đậm chất nhân văn “người yêu người, sống để yêu nhau” như nói ở trên đã là nguồn cảm hứng tưởng như không vơi cạn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật dài hơn nửa thế kỷ của Võ Hồng. Thông điệp ấy được ông chuyển tải một cách tự nhiên, chân thành, bằng một lối diễn đạt tinh tế, trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ. 
Ít có nhà văn nào nghiêm khắc với văn của mình như Võ Hồng. Vì thế tôi có cảm giác mỗi tác phẩm của ông như một tiếng đàn độc huyền, rung lên rồi cứ ngân vang không dứt trong tâm tưởng người đọc giữa đêm vắng. 
Trước đây không ít độc giả đã rưng rưng xúc động trước những trang văn của cây bút đôn hậu này. Tôi nghĩ, tuyển tập mà bạn đọc hôm nay sắp đọc chắc chắn sẽ góp phần làm tâm hồn mỗi chúng ta phong phú hơn, trong sáng và tốt đẹp hơn.


1 nhận xét:

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...