Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

“Chiếc lá đầu tiên”, bản hòa tấu của thanh âm và màu sắc

“Chiếc lá đầu tiên”, bản hòa tấu của thanh âm và màu sắc
     Mỗi lần đọc lại bài thơ này, tôi vẫn thấy sống mũi cay cay như lần đầu, có lẽ bởi bài thơ đã đưa tôi về lại “ngày xưa” để gặp thoáng xao lòng của một thời trong trẻo đã xa, để nhớ về những tháng năm đi học, nhớ một hình bóng ai kia rồi bâng khuâng thầm hỏi “Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?” Và tôi tin, dẫu nền thơ bây giờ đang chộn rộn với những trào lưu, trường phái mới, dị biệt thì Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm với sự giản dị, tinh tế, đã, đang và sẽ vẫn được độc giả đón nhận, yêu mến vì một lẽ giản đơn: bài thơ đã chạm được vào trái tim người đọc. 
CHIẾC LÁ ĐẦU TIÊN
Hoàng Nhuận Cầm
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Lời hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi
"Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!"
Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm
Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi
Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.
Viết lời bình: Phạm Tâm An
Hoàng Nhuận Cầm là một người nổi tiếng. Ông không chỉ là một nhà biên kịch được đánh giá cao trong nền điện ảnh nước nhà mà còn là một thi sĩ được nhiều người mến mộ. Ai đó từng nhận xét: Thơ đã làm nên diện mạo của ông trước công chúng. Thật vậy, thơ của Hoàng Nhuận Cầm đã chiếm lĩnh nhiều trang trên sổ tay của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, trong số đó phải kể đến bài thơ Chiếc lá đầu tiên. Bài thơ ban đầu có tên là Trường ơi, chào nhé, đó là tiếng lòng của một người lính trẻ vừa rời ghế nhà trường lên đường ra trận với nỗi nhớ về tình yêu đầu tiên, về tuổi thơ, trường lớp và thầy cô, bè bạn...
 Theo tác giả cho biết trong một bài phỏng vấn: “Chiếc lá đầu tiên” có lẽ là một trong những bài thơ của tôi được thai nghén lâu nhất: hơn 10 năm. Tuy nhiên, 2 khổ thơ đầu được viết khá nhanh, đúng ra, không phải là tôi viết mà chỉ là chép lại cảm xúc, cảm xúc dào dạt quá. Còn những câu thơ sau tôi viết thong thả trong nhiều năm. Hai khổ thơ “chép lại cảm xúc” của tác giả cho ta thấy người tạo nguồn thi hứng cho bài thơ chính là “em” của mối tình đầu. Mối tình ấy là thật hay hư mà sao mơ hồ thế? - chính tác giả cũng không thể khẳng định một cách chắc chắn nên phải “mượn” lời tiên tri đầy hồ nghi của chú ve vô tâm để nói về tình yêu đầu tiên – trò chơi cuối cùng trong đời... Tiếng ve mùa hạ thường được dùng để gợi buồn, để nói về sự chia li nhưng do những rung cảm đầu đời đang dào dạt trong tim nên chàng trai thấy giai điệu của tiếng ve trở nên tươi tắn và ngọt ngào đến mức “Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/ Con ve tiên tri vô tâm báo trước/ Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”. Mỗi chúng ta, cho dù có đi hết cuộc đời này cũng sẽ không bao giờ gặp lại những rung cảm hồn nhiên, trong trẻo, nhẹ nhàng của tình yêu thời tuổi dại ấy nữa…
Trái ngược với trạng thái mơ hồ của tình yêu nam nữ, độc giả lại nhìn thấy thật rõ ràng và sâu sắc nỗi nhớ tuổi thơ vừa ra đi trong tư thế đầy cao ngạo khiến cho ai đó bàng hoàng, bâng khuâng, hẫng hụt - một nỗi nhớ ngồn ngộn màu sắc và âm thanh. Không khó hiểu khi thơ Hoàng Nhuận Cầm có “tính nhạc” vì ông chính là con trai của nhạc sĩ Hoàng Giác. Bên cạnh đó, ông có khả năng sử dụng màu sắc rất linh hoạt và tinh tế. Cho nên, bài thơ là một bản hòa tấu của thanh âm và màu sắc, mỗi chữ tựa như một nốt nhạc trên phím đàn. Bạn hãy lắng nghe tiếng ve rộn rã báo hiệu một mùa thi đầy nắng, những “trận cười” lao xao, hồn nhiên của các cô, cậu học trò… Đấy chính là một bản nhạc trong trẻo và du dương mà Hoàng Nhuận Cầm gõ vào bài thơ để dành tặng cho những ai đang đọc nó. Bạn có nhìn thấy hoa sung tím, hoa phượng hồng, hoa mướp vàng, quả đu đủ chín…và đặc biệt là có nhìn thấy mái tóc thầy đốm bạc, thấy chiếc bím tóc màu trắng ngủ quên trên bàn học, thấy hình ảnh cậu học trò cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn lên ghế hay không? Tất cả đó chẳng phải là một bức tranh sống động tuyệt mĩ hay sao…
Tình yêu tuổi học trò thường bắt nguồn từ tình bạn, vì vậy khi nhắc đến tình yêu này dĩ nhiên không thể không gắn với những kỉ niệm dưới mái trường “Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu/ Lời hát đầu xin hát về trường cũ”. Hình ảnh huyền ảo “Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ/ Sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm” đã ám ảnh tâm trí người đọc, để rồi lần lượt từng nỗi nhớ được tác giả gọi tên: “Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em/ Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ/ Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế/ Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi”. Việc tác giả sử dụng lặp đi lặp lại những từ  “muốn”, “nỗi nhớ” đã tạo ấn tượng sâu đậm cho người đọc, gợi cho người đọc hình dung rõ nét hơn về những kỷ niệm thiêng liêng, trong sáng, thân thương của tuổi học trò mà ai cũng từng trải qua.
Bài thơ câu nào cũng hay nhưng tôi thích nhất khổ thơ cuối, dường như nó chứa đựng sự dồn nén cảm xúc của người viết. Hình ảnh người lính trẻ đi qua những tháng năm chiến tranh bom đạn dập vùi, đến một ngày đất nước im tiếng súng, trở về trường xưa trong thực trạng “Em đã yêu anh, anh đã xa rồi/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi” và  tâm trạng “Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên” là một hình ảnh thật khó quên…
Mỗi lần đọc lại bài thơ này, tôi vẫn thấy sống mũi cay cay như lần đầu, có lẽ bởi bài thơ đã đưa tôi về lại “ngày xưa” để gặp thoáng xao lòng của một thời trong trẻo đã xa, để nhớ về những tháng năm đi học, nhớ một hình bóng ai kia rồi bâng khuâng thầm hỏi “Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?”
Và tôi tin, dẫu nền thơ bây giờ đang chộn rộn với những trào lưu, trường phái mới, dị biệt thì Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm với sự giản dị, tinh tế, đã, đang và sẽ vẫn được độc giả đón nhận, yêu mến vì một lẽ giản đơn: bài thơ đã chạm được vào trái tim người đọc.
Phạm Tâm An





1 nhận xét:

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...