"Sơn nữ" Bokor
Đến với cao nguyên
Bokor (thuộc tỉnh Kampot, Campuchia) du khách như được thưởng thức một bài thơ
tình lãng mạn, nghe một bản nhạc đồng quê êm dịu hay ngắm nhìn một thiếu nữ
vùng sơn cước mộc mạc song rất đỗi nồng nàn.
Nằm ở độ cao 1.080m đồng thời giáp biển, thời tiết ở Bokor quanh
năm mát mẻ, dễ chịu. Giống Đà Lạt của Việt Nam nhưng nhiều năm dài không có
người sinh sống nên cảnh quan nơi đây vẫn nguyên nét hoang sơ và bí hiểm. Gần
đây, Bokor được xây dựng thành điểm nghỉ dưỡng có đủ dịch vụ, tiện ích cho du
khách nhưng thiên nhiên vẫn được bảo vệ và tôn trọng.
Đường lên Bokor
Đã đến đây, xin đừng tiếc giấc ngủ, hãy thức dậy thật sớm để đón
bình minh. Hãy bước ra khỏi phòng trong không gian mờ sương, hít thật sâu cái
mùi hương trong vắt của núi rừng và để hơi sương quyện lấy, mơn man cơ thể. Chỉ
cần chiếc áo khoác nhẹ, khăn quàng cổ cùng chiếc dù là đã đủ hành trang để đón
những tia nắng đầu tiên của ngày.
Ánh bình minh mở đầu
cho một ngày mới trong trẻo ở Bokor
Từ khu vực phòng nghỉ, chỉ mất vài phút
đi xe đạp, hoặc 10 phút đi bộ đến khu vực chùa Năm Thuyền, hoặc tháp nước – nơi
lý tưởng để ngắm bình minh. Từ dưới chân núi, màu đỏ ối của mặt trời pha sắc
lên những đám mây dày, đa dạng hình thù, xuyên qua làn sương mù bảng lảng tạo
nên một bức tranh khổng lồ ấn tượng. Những đợt gió thổi qua, bức tranh liên tục
biến đổi kỳ thú. Được ánh sáng đánh thức, mọi vật dần hiện ra trước mắt, những
đồi cỏ nhấp nhô xanh thẳm, mặt hồ tĩnh lặng, những tia nắng soi mình trong từng
giọt sương trên tán lá… Hết thảy đều êm dịu, nhẹ nhàng và ngọt ngào đến không
tưởng.
Những ngày tháng Sáu, Bokor đỏng đảnh như một cô gái đang yêu. Vừa
được đánh thức bởi ánh nắng ban mai, cả cao nguyên này lại nhanh chóng chìm
trong màn sương mù dày đặc kèm những hạt mưa bay lất phất. Mới buồn đấy, “nàng”
lại có thể vui ngay. Mây bay đi, ánh nắng chứa chan, trời lại cao xanh vời vợi,
cả núi rừng như hân hoan chào mời du khách rong chơi miền sơn cước.
Ngôi nhà truyền thống của người Khmer
Bokor sở hữu nhiều nét đẹp riêng mà chỉ đặt chân đến đây du khách
mới thực sự cảm nhận được. Vượt qua nhiều thảm thực vật khác nhau, du khách như
chìm vào thế giới của quá khứ khi trước mắt là chập chùng những bãi đá cổ mang
hình hài đền đài thành quách. Dưới chân những tháp đá cổ là dòng nước nhỏ cuốn
theo những hạt cát trắng mịn. Nơi đây còn có nhiều loại thực vật lạ. Đó là loài
thông mang cả hai kiểu lá trên một cây, là những nhành lan cánh trắng nhụy hồng
thẫm mọc ra từ trong khe đá…
Thác hai tầng Popokvil mang lại
cảm giác mạnh mẽ và sảng khoái
Âm vang
của thác nước hai tầng Popokvil kéo du khách ra khỏi không gian trầm lắng của
bãi đá cổ, thay vào đó là cảm giác mạnh mẽ và sảng khoái. Tầng đầu tiên của
thác cao 15m, tầng thứ hai cao 18m. Những tháng mùa hè là thời điểm lý tưởng để
ngắm thác do dòng nước đủ lớn, đủ nhiều để phủ lên khắp các phiến, các tầng nấc
đá, tạo nên những dải lụa nước dữ dội song cũng rất mềm mại. Có lẽ vì thế nên
người ta gọi tên thác là Popokvil, tiếng Khmer nghĩa là những đám mây cuộn.
Dòng nước nơi đây không trong xanh mà mang màu hổ phách được tiết ra từ đá và
lá mục. Một điểm thú vị khác nữa, tuy mọc ra từ đá nhưng dương xỉ ở thác
Popokvil lại to lạ thường, ước chừng gấp khoảng 10 lần loại dương xỉ thông
thường.
Đến
Bokor, du khách cũng đừng quên ghé thăm nhà thờ cổ, ngôi chùa thiêng Năm Thuyền
(Samprov Pram – được xây dựng từ năm 1924) để ghi lại những bức ảnh kỷ niệm qua
bức tường, ô cửa sổ bám đầy rêu đỏ. Cũng từ đó, ta có thể phóng tầm mắt nhìn về
nước Việt, có đảo Phú Quốc thân quen hiện rõ giữa mênh mông trời nước. Gần với
tầm mắt hơn là bãi biển Sihanouk với bờ cát dài, trắng phau. Điểm lạ là đứng
trên chùa hay nhà thờ nhìn xuống dưới và gần xung quanh chỉ thấy vách núi dựng
đứng với bạt ngàn rừng nguyên sinh, không thấy nước đâu, song lại nghe được
tiếng sóng vỗ ì oạp, lúc dịu êm, khi dữ dội.
Ngôi chùa thiêng Năm Thuyền
Cao nguyên Bokor cách Phnom Penh 165km
và cách Hà Tiên (Việt Nam) chỉ hơn 100km. Đường lên Bokor tuy quanh co, uốn lượn
nhưng chất lượng cao nên xe 45 chỗ di chuyển dễ dàng. Dọc đường đi, du khách đừng
quên dừng chân viếng tượng thần Núi và tượng Diay Mao (Bà Đen) để cầu bình an
cho hành trình.
Nguồn: PNO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét