Tôi vẫn nghe những tay “phượt” chuyên nghiệp ở Hà Nội nói về
Y Tý với đầy sự trầm trồ thích thú - một vùng đất hoang dã, trôi bồng bềnh giữa
sương giữa mây, vùng đất ấy hầu như tách biệt hẳn với thế giới con người. Trong
những giấc mơ tôi vẫn ước một lần được đặt chân đến cho thỏa.
Cuối cùng điều ước ấy cũng thành hiện thực khi đầu xuân năm
con Ngựa này tôi cùng nhóm những người mê khám phá: đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đạo
diễn Nguyễn Mạnh Hà, họa sĩ Nguyễn Tường Long, kiến trúc sư Lê Quang Ngọc… trực
chỉ Y Tý lên đường.
Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội vào sớm tinh mơ, khi mùa xuân vừa
chạm ngõ, và cái lạnh cuối đông vẫn còn rơi rớt lại đến tím da. Lộ trình đi từ
Hà Nội qua Trung Hà, Sơn Tây vào đất Phú Thọ, đi bên dòng sông Thao với những
cánh đồng còn trơ lại những gốc rạ, thỉnh thoảng bắt gặp những đồi cọ, đồi chè,
thấp thoáng vài mái nhà sàn nằm hiu quạnh trên đồi.
Đi ngược sông Hồng nơi sông Thao nao nức đổ về như trong thơ
Tố Hữu, mùa xuân, nước đờ đẫn muốn trong nhưng chưa thể trong đành phải như nhà
văn Nguyễn Tuân từng nói “màu nước nhàu nhàu canh hến” tuy vậy thỉnh thoảng tôi
bắt gặp những ánh hồng của nắng lả lơi trên mặt nước làm cho má… sông ửng hồng.
Ngang qua thành phố Yên Bái, nơi nhà cách mạng Nguyễn Thái Học
yên nghỉ cùng câu nói bất hủ trước khi lên máy chém.: “Không thành công cũng
thành nhân” cứ day day trong tôi.
Từ Yên Bái mở ra muôn nẻo đường rừng núi xứ Lào Cai với những
khúc liên tục quanh dồn dập… quanh co uốn lượn, nhào lộn như một nghệ sĩ xiếc.
Khi đèn ở thành phố Lào Cai đã lên, cầu Cốc Lếu những ánh đèn tết còn níu lại rực
rỡ trong tiết xuân. Bên kia cầu Cốc Lếu là những cao ốc của Trung quốc cũng rực
ánh đèn.
Trời tối hẳn, chúng tôi nghỉ lại ở Bát Xát cái lạnh khi đêm
xuống đẫm hơn, buồn hơn. Thị trấn biên cương hiu hiu, vài ánh đèn lèo tèo của
quán xá ảm đạm trong sương. Nơi đây đúng 35 năm trước hàng sư đoàn của Trung Quốc
đã ào sang chém giết hàng ngàn người dân Bát Xát hiền lành vô tội theo lời kêu
gọi rừng rú của Đặng Tiểu Bình “Dạy cho Việt Nam một bài học”.
Sáng hôm sau, đúng ngày 17.2, chúng tôi ra nghĩa trang Bát
Xát thắp nhang tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc.
Ông chú già của tôi đứng lặng trước một ngôi mộ trong phảng phất khói nhang,
nói “đúng là Việt Nam đã học được một bài học, đó là không có tình láng giềng
nào được xây đắp bằng xương máu và lòng hận thù”.
Thị trấn Bát Xát cách Y Tý khoảng 80km, cung đường đi dọc
theo con sông Cốc Lếu là những dãy chuối, bờ bãi, nương ngô. Bên kia sông là địa
phận Trung Quốc lừng lững con đường cao tốc dài hơn 500km băng băng xuyên núi,
xuyên sông, với tốc độ ô tô chạy hơn 100km/h, như để khẳng định chủ quyền và
nói lên cái bề thế uy nghi của một Trung Quốc cường quốc kinh tế thứ hai. Bên
này, Việt Nam chúng tôi đang bò vòng vo núi với tốc độ rề rề 30km/giờ mà như đạo
diễn Lưu Trọng Ninh nói, “thôi thì người Việt Nam mình tự an ủi là cung đường
hoang sơ và lãng mạn vậy”.
Đường đến Y Tý chênh vênh trên những ngọn núi, toàn là cua
cùi chỏ, chỉ sơ sẩy tay lái một chút có thể lao xuống vực, xe phải leo dốc liên
tục với độ cao khoảng 2.000 mét so với mặt nước biển, càng lên cao áp suất càng
tăng tai ù ù o…o. Có lúc gió thổi ùa cả đám sương với hơi lạnh ngắt, có lúc nắng
lóe lên chưa kịp sưởi ấm ngọn cỏ lau lập tức tan trong sương đặc quánh.
Dọc đường, tôi liên tục hút mắt mình vào những mảng màu của
những bức tranh khác nhau rất đẹp. Xe xuyên qua màn sương lúc ẩn, lúc hiện thoắt
mây, thoắt sương, thoắt bóng người, bóng hoa đào, hoa mận đó rồi lại mất hút.
Tôi thích nhìn chiều trên những sườn núi dựng đứng hùng vĩ, nhìn những ánh mắt
bé trai, bé gái người Dao, người Hà Nhì đi như vô định hay một anh chàng áo quần
màu chàm cưỡi trên chiếc xe Win, kéo 2 cây luồng rẽ… sương.
Càng lên chót vót cao cái lạnh càng sắc đậm hơn, rít rịt hơn
như muốn vót, muốn róc mỏng dẹt cái dáng gầy của những lão tiều phu địu
trên lưng những bó củi, đôi dép sờn và bàn chân xẻ những rãnh chân chim…Tự dưng
tôi chợt nhớ đến chuyến đi Hà Giang cùng một người bạn trai của tôi cũng một
ngày xuân cách đây 5 năm.
Cái cảm giác đi xuyên rừng xuyên núi im lặng bên nhau, không ồn
ào phố thị, trên cao nguyên đá Đồng Văn tôi đã đứng cả vài tiếng đồng hồ nghe
những đứa trẻ luyên thuyên bằng tiếng H'Mông, chẳng hiểu gì nhưng tôi vẫn thấy
bình yên đến lạ. Chuyến đi đã xa, mùa đông năm ấy đã xa, ký ức đã xa và người
đàn ông ấy giờ cũng đã xa …
Thấp thoáng vài bản làng mỏng manh như những sợi chỉ tay ngoằn ngoèo vắt qua những đồi núi, những hàng rào thưa bằng tre trúc mà như đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói “hàng rào nghệ sĩ”, còn đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà thì nói “các chàng trai người dân tộc, nhìn hàng rào để chọn các cô gái làm vợ”… bất ngờ Y Tý hiện lên, khoảng 50 ngôi nhà hình nấm tròn, hình vuông trình đất màu cam khi đậm khi nhạt bởi thời gian, bởi mưa, nắng và những vết nứt như những xương lá, xương cỏ mà gió chạm trổ lên giống như một tuyệt tác nghệ thuật chỉ có trong mơ.
Những đứa trẻ má hồng với những vệt đất quệt như những bức tranh bị lem dang dở, thấy xe hơi thì mắt tròn xoe ngơ ngác. Tôi không hiểu con người ta có thể sống thế nào chênh vênh trên những sườn núi quanh năm mù sương với cái lạnh khắc nghiệt. Và tương lai những đứa trẻ của họ sẽ ra sao hay sẽ chỉ lầm lũi như những chú lợn mọi lớn lên hoang dã… Nhưng hình như ở đây không ai quan tâm hỏi những câu hỏi ấy.
Và đáp lại những câu hỏi ấy chắc chắn chỉ là những nụ cười hồn nhiên và không kém phần hoang dã. Những ngóc ngách trong bản như những con đường sương, đường đào phai, đào huyết đỏ, đào… mây quấn quýt bên những bóng tường đất, những bờ rào đá.., hút hồn bất cứ du khách đường xa nào nhưng với người Y Tý nó cũng như cái áo, cái váy mà họ cần mặc che thân mà thôi.
Bỗng thấp thoáng trên một “tà váy” ấy một chàng trai Hà Nhì trao bó hoa rừng đỏ trót cho cô gái Hà Nhì váy xòe với những đường thêu sặc sỡ trong tiếng cười cô gái…Tôi cảm nhận tiếng cười ấy nhảy tưng tưng hết các bậc thang của thửa ruộng bậc thang rồi mới chịu vút bay lên triền núi và mất hút trên đỉnh núi.
Buổi trưa, chúng tôi vào một ngôi nhà trình đất đầu bản, được biết trước ở đây chưa có dịch vụ du lịch gì nên chúng tôi đi chợ từ Bát Xát mua đồ ăn để nhờ nấu. Hầu hết người Hà Nhì sống ở Y Tý này không biết nói tiếng Kinh, vì vậy chúng tôi nhìn những người Hà Nhì cười, những người Hà Nhì nhìn chúng tôi cười.
Vậy là, người chưa bao giờ vào bếp như đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng xắn tay áo lên ngồi thái thịt và gọt xu hào. Còn chui vào trong bếp làm bằng đất trình, khói nghi ngút, nước mắt nước mũi chảy thòng lòng trổ tài xào nấu là họa sĩ Nguyễn Tường Long và kiến trúc sư Lê Quang Ngọc…
Sau 30 phút trổ tài thì chúng tôi cũng có một bữa cơm “thịnh soạn” với cải mèo luộc, su hào xào cà chua và món thịt xốt được bày ra trong góc nhà của người Hà Nhì. Vừa ăn vừa sụt sùi vì khói… nhưng có lẽ đó là bữa ăn ngon nhất trong đời mà tôi được thưởng thức trong một không gian với những gam màu liên tục tương phản cùng muôn cung bậc âm thanh hoang dã miền sơn cước tạo nên muôn cung bậc cảm xúc mà không dễ gì có được trong không gian đơn điệu đời thường phố thị.
Chia tay Y Tý khép lại chuyến đi bồng bềnh những cung đường mây, những cung đàn gió, những bậc thang đợi mùa gieo hạt, những ánh mắt người già mà trong veo thuở hoang sơ và điều tôi nhớ nhất là ánh nhìn cô bé tuổi ngưỡng yêu nghe chàng trai thổi kèn lá chân trần bên vách núi, mang theo ước mơ của tôi về lần trở lại sau, có một bàn tay ấm, một vòng tay ấm, một hơi thở ấm trong cái lạnh heo hút này…
Xuyến Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét