Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Những buồn vui của kiếp hoa dại

Những buồn vui của kiếp hoa dại
Vài nét tiểu sử:
Lưu Quang Vũ (1948-1988), nhà thơ, tác giả các tập thơ Hương cây (in chung với Bếp lửa - 1967), Bầy ong trong đêm sâu (in sau khi tác giả qua đời - 1993), và nhiều kịch bản nổi tiếng, trong đó có Hồn Trương Ba, da hàng thịt (1984).
Sống mãi tuổi 40
Năm ấy (1979) nhà hát Tuổi trẻ mới được thành lập đang cần có một vở diễn vừa bám sát đề tài giáo dục thanh niên, lại vừa hấp dẫn. Đã có một kịch bản gửi tới, viết về nhân vật lịch sử Lý Tự Trọng. Chỉ có điều kịch bản chưa được hay lắm, nếu không gia công sang sửa e chưa dùng ngay được. Nhờ ai bây giờ? Đạo diễn Phạm Thị Thành nhớ tới một cây bút lúc đó công tác ở tạp chí Sân khấu, ngoài sáng tác thơ văn thường chỉ viết phê bình và trình bày báo, nhưng đã tỏ ra là một cây bút tài hoa, nhạy cảm lắm. Con mắt tinh đời của Phạm Thị Thành quả không nhầm. Vở diễn đứng được. Và người góp phần hoàn chỉnh Sống mãi tuổi 17, cũng trở thành cây bút đứng được trong nghề mới, sống hẳn với việc sáng tác kịch bản, tung hoành trong giới sân khấu một thời; tuy vĩnh viễn chia tay với đời ở tuổi 40, nhưng người ấy đã làm được một khối lượng công việc lớn lao, người ta tính rằng từ thuở Nguyễn Đình Nghị làm "chèo văn minh" đến giờ, nay mới lại thấy một người trong sân khấu để lại dấu ấn đậm đà như thế!
Nhà viết kịch ấy là Lưu Quang Vũ.
Tưởng như Lưu Quang Vũ đã đến với sân khấu một cách ngẫu nhiên, song không hẳn như vậy. Từ lâu gia đình Vũ và bản thân cuộc đời Vũ đã chuẩn bị cho bước đi quyết định ấy, trên đủ mọi phương diện.
Con nhà nòi. Tài năng đa dạng

Cũng như Cao Xuân Hạo và Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Huệ Chi và Phan Hồng Giang, Đỗ Hồng Quân và Nguyễn Đình Chính... Lưu Quang Vũ là một thứ con nhà nòi trong nghệ thuật. Ông Lưu Quang Thuận, thân sinh ra Vũ, cũng là một nhà thơ, một kịch tác gia có quan hệ rộng trong cả giới. Hoàn cảnh con nhà nòi đó khiến Vũ từ nhỏ đã có may mắn sống giữa những người làm nghề sáng tạo. Nhiều nhà văn, nhà thơ hoặc các họa sĩ, nhạc sĩ quen biết, nếu không phải hàng xóm với gia đình Vũ từ hồi ở Hạ Hòa - Phú Thọ, hoặc 96 phố Huế (Hà Nội) thì cũng là bạn bè hoặc cùng cơ quan với bố mẹ cậu, từng có lần đến thăm gia đình cậu. Trong số những câu chuyện mà Vũ sớm được nghe bên mâm cơm mỗi ngày có đủ chuyện liên quan đến văn nghệ, từ một cuộc triển lãm mới mở cửa, một tập thơ vừa ra đời đã làm xôn xao dư luận trong giới, cho đến những câu chuyện hậu trường, một diễn viên phải bỏ nghề, hoặc một mối tình mãi mãi chìm trong bóng tối. Đối với Vũ, như vậy nghệ thuật là một thứ không khí quen hít thở. Cậu sống trong đó tự nhiên thoải mái, không bao giờ bị mặc cảm xa lạ của một kẻ đứng ngoài hành hạ. Trong khi nhìn nghệ thuật không quá xa vời, Vũ vẫn giữ được ở đó một tình yêu và cả những say mê, để rồi khi cần sẵn sàng lui tới trong đó như một nghề kiếm sống thích hợp.
Cũng do là một thứ con nhà nòi, Lưu Quang Vũ sớm được tiếp xúc và từng bắt tay làm thử nhiều công việc khác nhau trong nghệ thuật. Ngoài sáng tác thơ, kịch, lúc nhỏ, Vũ còn cắp giá vẽ theo học các họa sĩ Phạm Viết Song, Nguyễn Đức Nùng. Sở dĩ sau này đi bộ đội, Vũ có thể có lúc vừa viết chèo vừa làm diễn viên chèo trong đội văn nghệ trung đoàn, rồi khi thất cơ lỡ vận, có thể đi vẽ từng tấm phông quảng cáo để kiếm sống qua ngày, thì cũng là vì tất cả những việc ấy anh đã từng làm qua lúc còn niên thiếu. Có thể nói phần nào trong Lưu Quang Vũ đã hội đủ những đặc điểm của người nghệ sĩ Việt Nam, ít nhất là ở phương diện tự đào tạo: nhiều người trong họ gì cũng biết, mầy mò làm dần mà biết; một sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong những trường chuyên môn gần như không có, chỉ vừa học vừa làm, học đến đâu làm đến đấy.
Từ mây xanh đến đất đen, và "sự trở về của đứa con hư hỏng"
1964-1968 là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của hàng loạt nhà văn, nhà thơ mới vào nghề, mà về sau, sẽ được mệnh danh là thế hệ chống Mỹ. Trong số những cây bút đến nay còn được gọi là trẻ đó, Lưu Quang Vũ trẻ nhất, song cũng sớm được ưu ái nhất. Ngay từ lúc một số bài thơ của anh như Lá bưởi lá chanh, Đêm hành quân, Qua sông Thương... mới được đăng báo, nhà phê bình hàng đầu trong văn đàn lúc ấy là Hoài Thanh đã có bài viết khen ngợi. Tiếp đó, sau khi xuất hiện tập thơ Hương cây (in chung với Bếp lửa) đi đâu cũng thấy nói đến thơ Lưu Quang Vũ. Người ta sẵn sàng làm mọi việc để tỏ lòng ưu ái với một tài năng trẻ.
Trước một khoảng không quá tự do được mở ra trước mặt một người vừa bước vào tuổi 20 như Lưu Quang Vũ khó lòng tránh khỏi những bước loạng choạng. Sự ngây thơ đẩy Vũ tới chỗ tưởng mình muốn làm gì cũng được, không ai có quyền động tới mình. Và thế là, tiếp theo nụ cười vui mừng, giờ đến lúc thái độ nghiêm nét mặt đe nẹt ngự trị... Và cái việc gây ra đớn đau kinh sợ với một người sáng tác đã xảy ra, đó là không được in bất cứ cái gì viết ra nữa. Trong cuộc đời Lưu Quang Vũ, tiếp theo thời gian bay lên mây xanh hôm qua là những ngày rơi xuống đất đen: không có việc làm, không có tiền tiêu, không người tin yêu trò chuyện. Giận dữ hờn tủi đã nảy nở lên thành những hoài nghi khinh bạc lấp đầy tâm hồn anh. Đã có những bạn bè tưởng rằng Lưu Quang Vũ cứ triền miên mãi trong cái bãi lầy ấy để rồi về sau, lại càng mừng cho anh, thậm chí bái phục Lưu Quang Vũ, khi thấy anh vượt qua khủng hoảng, trở nên thăng bằng hơn trong suy nghĩ, cứng cáp và có nghị lực hơn trong cách sống. Việc trở lại làm ở tạp chí Sân khấu, những công việc chung quanh tập chân dung các diễn viên và đạo diễn như Song Kim, Thế Lữ, Trúc Quỳnh, Trần Tiến... sau hết là việc góp sức sang sửa hoàn chỉnh Sống mãi tuổi 17 đã đánh dấu một sự tái sinh của Lưu Quang Vũ, mở đầu một quãng đời huy hoàng ở anh, nó cũng làm nên hình ảnh chính về Lưu Quang Vũ trong lòng dư luận cả nước. Phép thần kỳ nào đã xảy ra? Đấy là cả một câu chuyện dài dòng. Nếu được nói ngay thì chỉ xin tiết lộ một bí mật nhỏ là trong mỗi quãng đời trên, Lưu Quang Vũ đều tìm được ít ra một người đàn bà tài năng làm bạn đồng hành. Trong nhà thơ, nhà viết kịch này đồng thời có một người đàn ông duyên dáng, hấp dẫn, biết tìm ở phụ nữ lời an ủi trong những ngày cơ cực, lại cũng biết tựa vào đấy để lấy thêm nghị lực sống và viết. Giá như ở một nước Tây Âu nào đó, người ta đã có thể viết một cuốn sách đại khái như là Những người đàn bà trong đời Lưu Quang Vũ. Nhưng thôi, hãy trở lại với con người nhà nghệ sĩ này những ngày mà anh biết sống hòa hợp với sự nổi tiếng, tức cũng là khôn ngoan chín chắn hơn trong quan hệ với dư luận và biết khai thác mình một cách hiệu quả nhất.
Cây bút hành nghề vững chãi
Trong các loại hình nghệ thuật, sân khấu vốn là khu vực mang tính tổng hợp rõ nét. Với Lưu Quang Vũ, sự tổng hợp này được nhuần thấm và biểu hiện ra ở nhiều vẻ. Anh viết được đủ loại: kịch nói, chèo, cải lương, các loại kịch dân ca. Anh đặc biệt nhạy cảm khi làm việc với đạo diễn, diễn viên cũng như những người làm các công việc phụ trợ cho sân khấu. Đề tài sáng tác của anh lại trải ra rất rộng. Người xem tìm đến kịch của anh không chỉ để nghe cười, nghe giễu, để xì ra một chút những phẫn nộ nho nhỏ tích tụ hàng ngày, mà còn để ao ước, mơ mộng, để sống lại những kỷ niệm xa xưa hoặc phiêu bạt sang những miền đất lạ không kém phần thi vị. Là đứa con của thành thị, Lưu Quang Vũ cảm nghe rất rõ cái chất ngổn ngang dang dở của đời sống, lại càng hiểu rằng đến lượt nó, sân khấu cũng phải như vậy; trước tiên trên sàn diễn phải có tích có trò, có cái cho người ta xem, sau đó mới tính đến những điều cao xa khác. Nguồn gốc của sự phổ biến rộng rãi các kịch bản của Lưu Quang Vũ có lẽ bắt đầu là ở chỗ ấy?
Ngay từ hồi mãi làm thơ, Vũ đã nổi tiếng là một cây bút dễ dàng trong sự sáng tạo, ngồi đâu cũng viết được, nhiều khi như con gà đẻ bờ đẻ bụi, không sao nhớ nổi; đến nay nhiều bài thơ hay của Vũ vẫn đang thất lạc, người ta chỉ truyền cho nhau trong sổ tay mà không hề đăng báo, chính Vũ cũng không giữ được nguyên bản. Lúc chuyển qua viết kịch, Vũ vẫn giữ được sức sáng tạo dồi dào và một chút nhẹ nhõm trong cái nhìn đối với công việc như vậy. Từ chỗ mon men đứng ở bên rìa, Lưu Quang Vũ đã vào ngay giữa sàn diễn, trong mấy năm cuối đời, anh như người có phép lạ, có mặt ở khắp mọi nơi, đến đâu cũng thu hút hồn vía của đám người mê sân khấu tạo nên một thứ như là hiện tượng Lưu Quang Vũ, hội chứng Lưu Quang Vũ để rồi với những bạn bè quen biết từ thuở hàn vi, Vũ vẫn dành riêng cái "nháy mắt" thân tình và lời tâm sự tha thiết:
- Không, làm sân khấu là tôi làm chơi thôi. Thơ mới là chốn tâm huyết của tôi! Sự nghiệp của tôi phải tính ở đấy!
Tác phẩm để đời. Dấu hiệu của một cuộc sống đã hoàn thành.
Nói cho đúng, cái "nháy mắt" của Lưu Quang Vũ không hẳn là một sự cao ngạo hay chuyện đãi bôi. Chưa bàn xem thơ của Vũ ra sao, song có điều chắc là một số kịch bản của anh đã là một thứ hàng chợ, vừa miệng nhiều người, mà chẳng để lại được mấy dư vị. Những dấu hiệu chân tài đã hiện ra thấp thoáng, song lại tản mát, nhạt nhòa. Chỉ trừ có một trường hợp. ấy là kịch bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Có thể nói đây là tác phẩm đạt đến đỉnh điểm trong sự sáng tạo của một nghệ sĩ, và Vũ đã đặt vào đó tất cả: sự sống và cái chết, chuyện trước mắt và chuyện muôn đời, thiên đình và hạ giới, ông già và trẻ con, tình yêu và thù hận, lời thúc giục người ta hãy sống thật hăm hở, quyết liệt và nụ cười độ lượng hàm rõ cái ngụ ý rằng rút cục mọi chuyện vẫn thế, bảo cuộc sống luôn luôn thay đổi cũng đúng mà bảo nó mãi mãi như cũ cũng đúng. Là một tác phẩm viết cho sân khấu, nhưng Hồn Trương Ba, da hàng thịt lại có ý vị của thơ và bàng bạc một triết lý giàu chất nhân bản.
Với Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã trở nên già dặn hơn bao giờ hết. Và chính với tác phẩm để đời ấy, cuộc đời sáng tạo của anh có thể đã hoàn thành, ở cuộc đời ấy, có không ít chuyện tầm phào để người đương thời đồn thổi, song cũng có đủ gắng gỏi, kiên tâm, tự gạn lọc và tự vượt lên so với chính mình, ấy cũng là những điều để cho người ta nhớ mãi.
Xuân Quỳnh - Những buồn vui của kiếp hoa dại
Vài nét tiểu sử:
Xuân Quỳnh (1942-1988), tác phẩm chính: Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1973), Tự hát (1984), Hoa cỏ may (in sau khi tác giả qua đời - 1989).
Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu - Thơ tình cho bạn trẻ
Khi nghe ca sĩ Thúy Mị hát bài Đợi, có lẽ bạn nghe đài cũng như bạn đọc nói chung nhiều người không để ý rằng trong việc phổ thơ Vũ Quần Phương, nhạc sĩ Huy Thục đã làm một việc đảo lộn nho nhỏ. Nguyên văn câu thơ đầu tiên trong bài của Vũ Quần Phương Anh đứng trên cầu đợi em. Bài thơ nói cái cảnh người đàn ông đợi người đàn bà. Còn bản nhạc Đợi của Huy Thục thì diễn tả một tình thế ngược lại: Người phụ nữ tới trước và đợi người yêu của mình. Cả bài ca là tiếng lòng tha thiết của chị khi chủ động làm công việc chờ đợi đó.
Người viết bài này chưa có dịp gặp Huy Thục để hỏi nhạc sĩ tại sao đổi vậy. Nhưng khách quan mà xét, thì việc đảo lộn ấy là rất hợp quy luật.
Không hẹn mà nên, trong ca dao dân ca, trong chèo, trong truyện cổ tích, khi cần diễn tả tình yêu, các tác giả vô danh và khuyết danh Việt Nam có thói quen để cho phụ nữ đóng vai trò chủ động. Họ thường yêu sâu sắc hơn nam giới. Họ không ngại mang tiếng là yêu trước và sau đó lại chung thủy đến cùng, kể cả vì thế mà bị lừa lọc phản bội, rồi thân tàn ma dại và suốt đời mang tiếng là khờ khạo, nhẹ dạ. Xúy Vân trong vở chèo cùng tên đã đứng cao hơn Trần Phương, như Kiều có chút gì đó hết mình hơn, người hơn, mà lại trong sạch hơn, bên cạnh Kim Trọng. Sang thời hiện đại, một Tố Tâm "bít khăn tua đen", "đầu ngôi rẽ giữa", "tóc vuốt sáp", cũng là nhiều lần cao đẹp hơn trong tình yêu, so với nhân vật xưng tôi trong thiên truyện của Hoàng Ngọc Phách: Tố Tâm vừa say đắm hơn, vừa rộng lượng hơn bên người học trò Đạm Thủy một mực tuân thủ lễ giáo, lúc nào cũng ra vẻ long trọng, song thực ra lại nhút nhát. Chẳng trách mà ngày nào Hồ Xuân Hương đã tai quái ném ra cái hình ảnh Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng. Đằng sau cái tư thế cụ thể tức cười, câu thơ phác ra một điều khái quát, nó là một sự thật càng sống càng thấy đúng: đó là vẻ cao quý của một người phụ nữ Việt Nam, cao quý ngay trong sự chủ động Đợi mà Huy Thục hôm nay chạm tới.
Không biết có nên gọi là truyền thống không, nhưng đấy thật là nét lạ của phụ nữ Việt Nam và hôm nay nó cũng đang được các thế hệ phụ nữ ta chứng minh. Một trong những trường hợp đó là nhà
Thơ Xuân Quỳnh. Niềm khao khát khôn nguôi
Cũng như các diễn viên ca, múa và những chị em làm nghệ thuật khác, một phụ nữ làm thơ viết truyện ở nước ta dễ chuốc lấy nhiều thành kiến không đâu. Ngoài việc có hai đời chồng, ở Xuân Quỳnh lại còn kèm thêm những vụ tai tiếng trong tình yêu mà trong giới gần như không ai không biết. Nên chi có thể nhiều người bỡ ngỡ không tin khi nghe nói Xuân Quỳnh là một con người hết sức tha thiết với hạnh phúc gia đình. Nhưng sự thật là vậy. Lớn lên trong cảnh mồ côi mẹ (Em đánh chắt chơi chuyền từ nhỏ - Hái rau dền rau rệu nấu canh - Tập vá may tết tóc một mình - Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ), suốt đời người con gái này khao khát một nơi nương tựa, tức một gia đình hạnh phúc. Không bao giờ chị yêu một cách đùa cợt. Yêu ai là tính chuyện sống hẳn với người đó. Với bàn tay thô vụng, bàn tay "mó tới đâu là đổ vỡ", bàn tay "khi nói chuyện với ai,... thấy tay thừa không biết giấu vào đâu", chị chăm chỉ lo mọi việc nhà và không thể làm gì, kể cả đọc sách làm thơ, nếu chưa lo được cho chồng con bữa ăn ngon, bộ quần áo sạch. Vốn có nhiều kinh nghiệm về quyền lực của nhan sắc nhưng nhân nói về thơ, có lần chị vẫn cả quyết: "Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình. Cái để cho người ta làm quen với nhau là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh". Cùng với tuổi tác, mỗi ngày Xuân Quỳnh mỗi thấy cái đức hạnh ấy là lẽ sống của mình. Tiếp nối những bài thơ khao khát tình yêu lúc trẻ, những bài thơ chị làm mấy năm cuối đời thường đầm ấm một tình yêu gia đình, yêu chồng yêu con, nhiều bài thơ thiết tha như lời tự nhủ rằng có lẽ trong hoàn cảnh nước mình, được như thế này đã có thể gọi là hạnh phúc. Tuy mỗi thời cái hạnh phúc ấy có một khuôn mặt riêng, song bao giờ chị cũng run rẩy khi được biết mình đang có nó, đang được sống với nó. Và càng mong manh dễ vỡ, với chị, nó lại càng đáng quý.
Lầm lẫn nhưng không man trá
Có một mô-típ thơ thường hay trở đi trở lại trong thơ Xuân Quỳnh là cỏ dại, hoa dại, với tất cả những cay đắng thua thiệt mà loài hoa này phải chịu.
Anh đừng hỏi tên hoa làm chi nữa
Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi
Không phải hoa được ở cùng người
Được chăm sóc trong mảnh vườn sạch cỏ
Được khoe đến muôn màu sắc lạ
Và được đời chiêm ngưỡng mùi hương
Không phải hoa được cắm trên bàn
Trong ngày hội của những niềm vui mới
Những hoa này lại nở cho triền núi
Lại nở cho vẻ đẹp của rừng chung
Nên ít ai để ý sắc từng bông
Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ
Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ

Có thể chỉ là trong tiềm thức, nhưng hình như nhà thơ thầm cảm thấy hoa dại, cỏ dại là ứng với mình. Tại sao? Không phải cứ khao khát là người ta đã có được hạnh phúc. Cũng như phần lớn chúng ta, trên đường truy tìm hạnh phúc, không biết bao lần trong cuộc đời, con người thông minh và cực kỳ nhạy cảm này đã lầm lẫn, đã là nạn nhân của những ảo tưởng về mình và về người. Cái khỏe của Xuân Quỳnh là đã vượt qua được những đau khổ để tiếp tục sống. Nhưng dầu sao, tận đáy lòng chị vẫn thấy có chút gì xót xa tội nghiệp cho mình: giá có ai bảo mình, giá mình biết sống hơn... Trong hình ảnh hoa dại, nhà thơ không chỉ tìm thấy niềm an ủi, ở đó còn bao hàm cả lời thú nhận về sự bất lực của bản thân, cả nỗi hờn tủi, oán trách.
Có một điều cũng phải nói ngay là mặc dù qua nhiều lầm lẫn, nhưng Xuân Quỳnh thường có cách ứng xử khác hẳn những kẻ tầm thường: chị không man trá. Khi nhận ra lầm lẫn, chị sẵn sàng làm lại tất cả. Chị ghê sợ những gì giả tạo. ở đây không chỉ có sự thành thực mà còn có một chút gì như sự sòng phẳng, mà trước khi cần cho mọi người, đã là cần cho chính chị. Trong khi làm khổ Xuân Quỳnh không biết bao nhiêu mà kể, sự thành thực này tựu trung chỉ cứu chị, giúp ích chị trong một việc: làm thơ. Càng đau khổ, càng muốn tìm đến thơ để tự giải thoát. Tự trong thâm tâm chị hiểu rằng nếu cuộc sống là cái gì quan trọng nhất với mình thì thơ lại là cách duy nhất để mang lại cho cuộc sống đó một hình thức bất tử.
Bị tình yêu hành hạ
Sinh thời, khi trò chuyện với bạn bè, Xuân Quỳnh thích nhắc lại một câu nói của Tolstoi, đại ý cho rằng người ta sẽ có sức mạnh vô cùng vô tận nếu có tình yêu; tình yêu làm nên tất cả. Nếu có một thứ tôn giáo tình yêu thì chị chính là một trong những tín đồ ngoan đạo nhất. Tình yêu quả thật đã giải phóng ở chị những sức lực không ngờ trong cuộc sống, làm việc và gây dựng gia đình. Và chị tưởng rằng với tình yêu, mình có thể làm được tất cả, biến kẻ xấu thành người tốt, gã đàn ông ích kỷ thành người chồng hết lòng với vợ con; thậm chí tình yêu vượt luôn được cả những cách xa về thời gian tuổi tác để đưa bất kỳ lứa đôi nào trở thành những cặp vợ chồng mẫu mực.
Chỉ cần có một chút kinh nghiệm thôi, người ta sẽ nhận ra ngay rằng niềm tin ấy của Xuân Quỳnh là ảo tưởng. Là yếu tố thiết yếu để tạo nên hạnh phúc nhưng tự nó, tình yêu chưa phải là hạnh phúc. Vả chăng, nói gì thì nói, sức mạnh của tình yêu cũng chỉ có giới hạn, nhất là khi nó chưa phải là sự hòa hợp của hai tâm hồn mà mới là tình yêu một phía của người đàn bà với người đàn ông. Giá có dịp đứng ngoài mà nhìn, Xuân Quỳnh sẽ công bằng mà nhận rằng trong khi chỉ mang lại một ít niềm vui thì ảo tưởng kia đã là nguồn gốc gây nên mọi bất hạnh nơi chị. Đồng thời với việc bòn rút tâm lực, nó còn làm biến dạng cả chính chị nữa. Con người rất sợ những gì dối trá giả tạo có lúc đã phải đóng vai hạnh phúc. Chót kiêu căng quá tin vào sức mạnh của chính mình, chị không còn dám chia sẻ về nỗi đau khổ với bất cứ ai. Cái giá phải trả quả thật quá lớn!
Nhưng nếu được cãi lại, thì Xuân Quỳnh không ngần ngại mà nói rằng "Với tôi, niềm tin ấy chính là số phận". Khi đã thành lời nguyền, dù nặng nề biết bao nhiêu, chị vẫn tự nguyện mang nó. Và như sau này ta thấy, chị đã mang nó cho tới lúc chết. Hình ảnh cả đời Xuân Quỳnh rút lại là hình ảnh một con người sống bằng tình yêu, làm thơ nhờ tình yêu, sung sướng vô cùng trong tình yêu và cũng bị tình yêu hành hạ đến cùng cực.
- Tôi có một tình yêu rất sâu
Rất dữ dội nhưng không bao giờ yêu được hết
ở các cô, các cô âm thầm chịu đựng
Cho đến ngày tình yêu ấy tắt đi
Còn ở tôi, tôi mang nó nặng nề
Muốn nguôi quên, nó lại ngày càng lớn
Luôn xáo động tôi không sao ngủ được
Không làm sao có thể ngồi nguyên....
Ôi con trai thật là kỳ lạ
Tôi yêu tất cả mọi người mà chẳng yêu được
riêng ai
Không sĩ diện đâu, nếu tôi yêu được một người
Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm
Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng
Những câu thơ ấy là lời thú nhận của Xuân Quỳnh nhưng cũng là lời thú nhận của bao thế hệ phụ nữ từ Xúy Vân, Kiều, Tố Tâm đến cô gái trong bài hát Đợi, cô gái trong bài hát Sợi nhớ sợi thương ("Nghiêng sườn đông mà che cho anh -... Mà em nghiêng hết về phương anh"). Chỉ những người phụ nữ say đắm, tự tin, những người hồn nhiên nhận lấy sự ràng buộc của số phận mới có cách cư xử cao thượng như vậy. Trong khi thông cảm với những đau đớn đến xé ruột xé lòng họ từng phải gánh chịu, đồng thời chúng ta cũng hiểu rằng trước tiên họ đáng kính trọng.

Vương Trí Nhàn
Theo http://vuongdangbi.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Úy tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...