Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Chốn bồng lai tiên cảnh Tà Xùa

Chốn bồng lai tiên cảnh Tà Xùa
Vùng núi non trùng trùng, điệp điệp Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La với biển mây bao la đáng được xem là chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian. Nơi đây trở thành điểm hẹn của những phượt thủ, nhiếp ảnh gia có chung niềm đam mê săn mây núi vùng đất trời Tây Bắc.
Những đứa trẻ tung tăng tới trường trên cung đường giữa chốn bồng lai 
Để đến được xã vùng cao Tà Xùa, từ Hà Nội, chúng tôi phải theo cung đường hơn 200km theo quốc lộ 32 qua Sơn Tây - Hà Trung - Thu Cúc, rồi bắt đầu rẽ vào quốc lộ 37 với những đoạn đèo dốc hiểm trở.
Đặc biệt đoạn 15 km từ trung tâm huyện Bắc Yên lên xã Tà Xùa, mọi người phải chinh phục con đường đèo liên tục với những khúc cua tay áo.
Đường lên xã Tà Xùa hiện nay khá nhỏ, thỉnh thoảng có một số đoạn còn bị sạt lở sau cơn mưa lớn. Vào những hôm có sương mù thì cung đường chinh phục độ cao lên Tà Xùa này sẽ thực sự thử thách tay lái của mỗi phượt thủ.
Cung đường với độ dốc lớn mà 
các tay lái cần chinh phục để lên Tà Xùa 
Đến được Tà Xùa là du khách đã hiện diện ở độ cao 1.500 - 1.700 m so với mực nước biển.
Vào những ngày mây vờn, sương giăng, đứng trên những đỉnh núi cao ở Tà Xùa, du khách sẽ cảm nhận thấy đất và trời đang xích lại gần nhau nhất.
Còn những ngày nắng, Tà Xùa hiện ra như một bức tranh phong cảnh hùng vĩ, với gam màu xanh thẳm đặc trưng của núi rừng, cộng với mây trắng lững lờ trên nền trời xanh trong.
Khi nắng lên, Tà Xùa đẹp lộng lẫy 
với những áng mây trắng ôm ấp lấy núi non 
Ở Tà Xùa có những địa danh nổi tiếng trong giới phượt thủ và nhiếp ảnh gia mỗi khi đến săn mây, ngắm cảnh sắc. Đó là Đỉnh Gió (cách ngã ba Tà Xùa khoảng 2km theo hướng đi xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, Sơn La) và đoạn núi nhô ra lòng thung lũng với cái tên Sống Lưng Khủng Long (cách ngã ba Tà Xùa khoảng 12km theo hướng đi xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La).
Khí hậu ở Tà Xùa quanh năm mát mẻ, rất phù hợp cho những chuyến đi khám phá, săn ảnh. Ở độ cao trên 1.500 m, vào mùa hè nhiệt độ ban ngày cũng không bao giờ vượt quá 28 độ C, vào ban đêm, lúc sáng sớm nhiệt độ xuống thấp chỉ còn 17-18 độ C. Còn vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp hơn so với vùng đồng bằng từ 5-7 độ, thậm chí có những đợt rét kéo dài với nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và xuất hiện băng giá, sương muối.
Cô gái từ Sài Gòn phượt ra Tà Xùa để được “phiêu” cùng mây trời 
Tại những điểm vọng cảnh, săn ảnh lý tưởng, du khách có thể đón một ánh bình minh ấn tượng nhất trong đời. Đó là khi vầng mặt trời ửng hồng như quầng lửa từ từ nhô lên khỏi biển mây trắng bồng bềnh, bao la.
Những thung lũng ở Tà Xùa được bao bọc kín xung quanh bởi các dãy núi cao. Mây bay về thung lũng quện lại với nhau và kín gió nên nó cũng bồng bềnh, lững lờ mãi ở đây mà không tan.
Chúng tôi đã vài lần đến Tà Xùa để săn – ngắm mây. Mây ở Tà Xùa khác với Y Tý, Sa Pa, Sìn Hồ, Tam Đảo… bởi nó rất lâu tan. Mọi người có thể chụp ảnh và ngắm nghía thoải mái từ sáng sớm cho đến 11-12 giờ trưa.
Những hôm có mưa phùn với nền nhiệt độ chêch lệch lớn giữa ngày và đêm, độ ẩm cao sẽ là thời điểm Tà Xùa nhiều mây nhất. Ngay từ lúc 6-7 giờ sáng, đứng ở trên những cao điểm, chỉ trong phút chốc cả thung lũng sẽ trở thành biển mây khổng lồ, đẹp khó tả.
Đoàn người dần dần “mờ nhân ảnh” giữa biển mây bao la 
Sống ở nơi núi cao hẻo lánh, mây vờn khắp lối là đại gia đình đồng bào Mông. Theo thống kê của chính quyền địa phương, ở xã Tà Xùa có đến hơn 90% dân số là đồng bào Mông.
Cả nghìn năm nay đặc trưng của người Mông ở vùng núi Tây Bắc nước ta đó là họ thường chọn những vùng núi cao, ít người lui tới để định cư.
Người Mông ở Tà Xùa thường dựng những căn nhà bằng cột gỗ, tường đắp đất bên vách núi hiểm trở. Những ngôi nhà thường rất thấp, có diện tích từ 20 – 30m2, mái lợp tấm prô-xi măng. Mặt ngôi nhà của họ trông ra biển mây để ngày ngày đón khí trời trong lành.
Miền sơn cước Thu Cúc thanh bình 
Miền sơn cước Thu Cúc thanh bình 
Hai thiếu nữ Mông lộng lẫy trong bộ trang phục truyền thống 
Ngoài canh tác ở những thửa rộng bậc thang, hiện nay ở Tà Xùa còn có khoảng 500 gốc chè cổ thụ. Đây là những gốc chè tự nhiên có tuổi đời hàng trăm năm.
Con gái Mông thường đi hái chè về sao để bán. Chè được hái ở những ngọn núi cao, sau khi được sao pha ra uống có màu sánh vàng, không chát, không đắng, uống vào nhấp miệng có vị thanh, ngọt đậm đà. Một đặc điểm rất độc đáo mà dân bản địa cho chúng tôi biết là kỹ năng sao chè truyền thống của người Mông chỉ truyền cho con gái trong nhà.
Nhóm phụ nữ Mông dạo bước đến chợ phiên 
Tuy cuộc sống vật chất của đồng bào Mông ở Tà Xùa hiện nay vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng họ luôn lạc quan, vui vẻ và vẫn giữ nguyên được nét văn hóa truyền thống.
Những thiếu nữ Mông vẫn ngày ngày khoe sắc váy lộng lẫy nhất trên mỏm núi cao hay trong khu chợ phiên bản địa. Ở Tà Xùa còn có một mỏm núi đá vôi, với lối mòn đi qua bãi cỏ vắt vẻo theo sườn núi ra đó, được gọi là “điểm hẹn tình yêu”. Đây là nơi hẹn hò của những chàng trai, cô gái Mông đến tuổi cặp kê.
Phụ nữ và trẻ em Mông giữa chốn núi rừng hoang sơ 
Ba chị em gái Mông vui tươi với những bó hoa rừng trên tay 
 
 Các cô gái Mông ở chợ trung tâm thị trấn Bắc Yên
Cả nhà thường cùng nhau lên nương để phát hoang trồng trọt ở những sườn núi cheo leo, một bên là biển mây huyền ảo. Các em bé hồn nhiên cuốc bộ theo con đường heo hút đi giữa chân mây để đến các điểm trường học lấy con chữ…
Theo http://vtimes.com.au/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...