Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Bài hát Bóng cây Kơnia và những điều ít người biết

Bài hát Bóng cây Kơnia
và những điều ít người biết

Từ năm 1971, những người yêu âm nhạc trong nước đã biết đến và yêu thích bài hát Bóng cây Kơnia, Nhạc của Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ Ngọc Anh, do nghệ sĩ Măng Thị Hội hát. Trong buổi dạ tiệc kỷ niệm lần thứ 82 ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu 11-11- 2006, (ông sinh năm 1924 tại Quảng Nam) tại một nhà hàng cà phê ở Quận 10 thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại được nghe nghệ sĩ Măng Thị Hội hát bài này. Tất cả mọi người đều xúc động! Đó là bài hát không chỉ của một thời mà là tài sản quý giá, vô giá của nền âm nhạc dân tộc!.

Thế nhưng nguyên văn bài thơ Bóng cây Kơnia như thế nào, tác giả Ngọc Anh là ai và quá trình nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác bài Bóng cây Kơnia ra sao thì không phải ai cũng biết rõ.
Trong một thời gian dài đi lục tìm tài liệu, sưu tầm, biên soạn và giới thiệu tác phẩm Thơ hay phổ Nhạc (7 tập khổ lớn 16 x 24 cm. NXB Văn học. Tập 1 ấn hành năm 2005), tôi đã có những lời đáp này. Xin cung cấp cho bạn đọc, nhất là các bạn trẻ.
Trước hết là Tiểu sử Văn học của Nhà thơ Ngọc Anh: Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 1932 tại xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1957, chiến đấu liên tục nhiều năm ở Tây Nguyên. Từ năm 1950 là phóng viên mặt trận của báo Vệ Quốc Quân, rồi báo Quân Đội Nhân Dân Liên Khu 5. Sau năm 1954 là cán bộ nghiên cứu thuộc Ban Văn Sử Địa Trung ương, tiền thân của Viện Văn Học Việt Nam. Trong thời gian này, Ngọc Anh đã có một số công trình nghiên cứu có giá trị về văn học và văn hóa Tây Nguyên, đã tham gia trong việc dịch sang tiếng Việt một số trường ca Tây Nguyên nổi tiếng như Đam San, Xing Nhã... Nhiều bài thơ đặc sắc của Ngọc Anh cũng ra đời trong thời gian này, được phổ biến rộng rãi trong cả nước, đặc biệt được đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên hết sức yêu mến, coi như là “dân ca” của mình. Bóng cây Kơnia là một trong những bài thơ còn sống mãi đó.
Năm 1964, Ngọc Anh trở về chiến đấu ở chiến trường khu 5. Anh đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Kontum vào đầu năm 1965.
Nguyên văn bài thơ Bóng cây Kơnia in lần đầu trong tập thơ Tiếng hát miền Nam, tập thơ từ miền Nam gửi ra, Nhà xuất bản Văn học,1959:   
BÓNG CÂY KƠ NIA (1)
Buổi sáng em lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ nia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh, không ngủ…
Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ nia
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc…
Em hỏi cây Kơ nia:
- Gió mày thổi về đâu?
- Về phương mặt trời mọc,
Mẹ hỏi cây Kơ nia:
- Rễ mày uống nước đâu?
- Uống nước nguồn miền Bắc. 
Con giun sống nhờ đất
Chim phí (2) sống nhờ rừng
Em và mẹ nhớ anh
Uống theo nguồn miền Bắc
Như bóng cây Kơ nia
Như gió cây Kơ nia.
Theo lời nhà văn Nguyên Ngọc, người rất nhiệt tình giúp đỡ khi cung cấp tư liệu và ảnh nhà thơ Ngọc Anh cho Triệu Xuân thì bài thơ Bóng cây Kơnia được sáng tác trong khoảng những năm 1957-1958, khi tác giả đang làm việc tại Ban Văn Sử Địa Trung ương (Tiền thân của Viện Văn học ngày nay).
Tôi xin ghi lại tóm tắt cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sau ngày ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Nhà văn Triệu Xuân: Thưa nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu! Tôi vào làm phóng viên chiến trường tại Khu V (Trung Trung bộ) sau nhạc sĩ 10 năm, vào đến chiến trường là được nghe nghệ sĩ Thanh Đính hát nhạc Phan Huỳnh Điểu, ai cũng mê ca khúc của anh, nhất là bài Bóng cây Kơnia. Trong tác phẩm Thơ hay phổ nhạc, tập 1, tôi đưa vào tám ca khúc của anh. Anh vui lòng cho biết cơn cớ nào khiến anh có được bài hát bất hủ Bóng cây Kơ nia?  
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Tập thơ Tiếng hát miền Nam - thơ từ miền Nam gửi ra, do Nhà xuất bản Văn học in năm 1959 tại Hà Nội - có nhiều bài thơ rất hay, như bài Bóng cây Kơnia mà tôi đọc ngay lần đầu đã vô cùng xúc động. Dưới tựa đề Bóng cây Kơnia (BCKN) có in dòng chữ: Theo điệu Kachoi. Cuối bài thơ ghi: “Của dân tộc Hơrê, Ngọc Anh phỏng dịch 1959”. Sau này, nhờ sự phát hiện của nhà văn Nguyên Ngọc mọi người mới biết chính xác, đó là tác phẩm của nhà thơ trẻ Ngọc Anh. Bản thân tôi nghe, vừa ngạc nhiên vừa vui sướng vì Ngọc Anh cũng là bạn thân đồng hương với tôi. Một người bạn còn rất trẻ mà viết được những bài thơ hay như thế quả là giỏi! Mà trong tập thơ đó không phải chỉ có mỗi bài BCKN, còn đến chín bài khác cũng đứng tên Ngọc Anh dịch. Lý do vì sao Ngọc Anh không đề tên thật, tôi chưa rõ, cũng có thể do tính khiêm tốn và rất hiền lành của bạn tôi, theo tôi nghĩ, anh không muốn khoe khoang tên tuổi mình quá sớm!
Bài thơ đã hút hồn tôi, một trong hàng vạn người con miền Nam tập kết ra Bắc. Tôi ngồi vào đàn và gợi hứng phổ nhạc. Phổ xong, thử hát lên, sao nghe không có nét gì của Tây Nguyên cả, mà lại là một thứ “tây nguyên-xi!” Thật chán! Càng chữa càng chỉ tội nát giấy. Sau đó, tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài hát BCKN do nhạc sĩ Phan Thanh Nam phổ nhạc, nghệ sĩ Tường Vi hát. Tôi đành rút lui vào im lặng, nhưng cảm thấy có điều gì đó cứ hậm hực trong lòng. Nội dung bài thơ cứ lởn vởn trong đầu. Hình ảnh, tình cảm và âm điệu bài thơ như thúc giục tôi phổ nhạc đi, phổ đi! Nhưng vốn sống của Tây Nguyên trong người tôi là một con số không khổng lồ. Sau đó, lại nghe thêm vài ba nhạc sĩ nữa cũng phổ nhạc bài BCKN. Tôi đành chịu thua!
Thế rồi đến năm 1964, tôi được cử đi công tác chiến trường B cho đến giữa năm 1970. Trong sáu năm đó, tôi thực sự được sống giữa rừng núi Tây Nguyên của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi với đồng bào Cơ Tu, Xơ Đăng, Co, Hrê… Mới được thấy và nghe các loại đàn dân tộc, các bài hát dân gian của bà con miền núi. Những hình ảnh, những âm thanh đó cứ thấm dần vào tiềm thức, mỗi ngày một ít, và qua sáu năm, dần dần mình đã có được ít nhiều vốn hiểu biết về đời sống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên: Từ cái vui đến nỗi buồn, từ cái đói đến cái no, từ yêu thương đến lòng căm thù của bà con đều bộc lộ thật rõ ràng, dứt khoát. Và cũng mới thấy họ yêu thương cán bộ, bộ đội, nhường cơm sẻ gạo và tất cả cho chiến trường miền Nam như thế nào. Những tấm lòng hy sinh cao cả, tuyệt vời! 
Sau đó, tôi ra Hà Nội chữa bệnh. Một hôm, tình cờ tôi lại mở tập thơ “Tiếng hát miền Nam”. Đọc lại bài BCKN, bỗng nhiên bao hình ảnh, âm điệu và cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên cứ hiện lên rất rõ nét trong trí óc tôi. Tôi vội vàng cầm ngay cây đàn mandolin và rung lên những nét nhạc đầu. Xúc cảm cứ tuôn trào, tuôn trào… như có sức mạnh huyền bí nào đẩy ngòi bút tôi chạy trên năm dòng kẻ nhạc. Tôi cũng không ngờ nhanh như vậy! Và xem như đến ngày 12-8-1971, tôi hoàn thành bài hát ở giai đoạn phác thảo, và ý muốn cần sửa chữa thêm cho thật hoàn hảo.
Nhà văn Triệu Xuân: Trong sáng tác, người ta gọi tình trạng hưng phấn ấy là khoảnh khắc xuất thần của người nghệ sĩ. Người nào có được trạng thái ấy thì sẽ có tác phẩm hay. Vậy sau đó, anh có phải sửa chữa ca khúc BCKN nhiều không?
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Không! Duyên số sao đó, tôi không được sửa chữa gì! Một buổi chiều, nữ ca sĩ Thanh Trì, giảng viên thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội đến chơi và hỏi tôi có tác phẩm nào mới cho cô để đưa về dạy học trò. Tôi trình bày bài BCKN cho cô nghe và nói đang muốn sửa chữa chút đỉnh. Thanh Trì bảo: “Không, em nghĩ thế là tốt lắm rồi. Anh cứ chép cho em!”. Thanh Trì mang về trường và giới thiệu với các giảng viên khác. Cô giáo Thúy Huyền đưa ngay cho học trò của cô là Măng Thị Hội, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp ra trường. Măng Thị Hội là người dân tộc Ba Na, tập kết ra Bắc. Có lẽ vì thế mà bài hát đã khơi dậy trong tâm hồn cô một tình cảm mãnh liệt, da diết với quê hương Tây Nguyên khi thể hiện bài hát.
Nhà văn Triệu Xuân: Quả thật, tôi nghĩ rằng với BCKN, cho đến nay chưa có ca sĩ nào hát hay hơn Măng Thị Hội!
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Chắc chắn như vậy! Và đó cũng là niềm vui lớn của tôi! Với bài hát BCKN, Măng Thị Hội đã được Hội đồng chấm thi nhà trường cho điểm cao tuyệt đối. Từ đó cho đến nay, tôi đã được nghe nhiều người hát BCKN khá tốt, kể cả những thí sinh trẻ tuổi được giải thưởng của các cuộc thi Tiếng hát truyền hình. Nhưng, tôi có thể khẳng định: chưa có giọng hát nào qua mặt được giọng hát đầy ma lực, cuốn hút của Măng Thị Hội. Có ai đó đặt cho Măng Thị Hội cái tên Măng Kơnia! Kể cũng xứng đáng và độc đáo! Tôi may mắn viết được một số ca khúc được nhiều người yêu thích, BCKN là một trong những bài tôi tâm đắc!.
Nhà văn Triệu Xuân: Chân thành cám ơn anh Phan Huỳnh Điểu!.

Chú thích:
(1). Loại cây to khỏe, gió bão không ngã
(2). Chim nhỏ đẹp, hay lượn trên nương lúa.

25/3/2007
Triệu Xuân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...