Chế Lan Viên, một đời say đắm thơ ca và những bài thơ tình tự
Chế Lan Viên, một đời say đắm thơ ca và những bài thơ tình tự
Phan Ngọc Hoan sinh ra tại xã Cam An, huyện Cam Lộ,
tỉnh Quảng Trị vào ngày 29 tháng 10 năm 1920. Thế nhưng, có thể xem Bình Định
là quê hương thứ hai đầy ắp kỷ niệm sâu sắc của ông. Bởi tuổi trẻ, ông
học hành tại Quy Nhơn (lấy bằng Thành Chung) và đi dạy tư tại đây. Năm 12, 13 tuổi, cậu học trò nhỏ Phan Ngọc Hoan đã bắt đầu tập
tễnh làm thơ. Năm năm sau (chỉ mới 17 tuổi), anh đã xuất bản tập thơ đầu tay
tên gọi Điêu tàn (có lời tựa như tuyên ngôn nghệ thuật) và bút danh
Chế Lan Viên đã trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam từ ấy. Cùng với ba người
khác ở Bình Định là Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, và ông - Chế Lan Viên,
đã hợp thành một bộ tứ nức tiếng về thơ ca của xứ dừa Bình Định, nên người thời
bấy giờ đặt tên là nhóm “Bàn thành tứ hữu”, thuộc nhóm Trường thơ Loạn. Cuộc đời Chế Lan Viên xê dịch khá nhiều nơi. Năm 19 tuổi, học ở Hà Nội, rồi vào Sài Gòn làm báo, sau
đó ra dạy học ở Thanh Hóa. Năm 21 tuổi, viết tập Vàng sao giàu
chất triết luận, huyền bí… về cuộc đời. Năm 25 tuổi (1945), tham gia phong trào Việt Minh tại
Quy Nhơn, rồi ra Huế, hoạt động trong giới văn
chương cùng với Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Lưu Trọng Lư… Viết
bài và làm biên tập cho các báo Cứu quốc, Kháng chiến, Quyết thắng... Có lẽ thời gian này, tiếp xúc với hiện thực đời sống quá sôi nổi nên phong cách
thơ chuyển sang trường phái hiện thực. Năm 29 tuổi (tháng 7/1949), vào Đảng Cộng sản Đông
Dương. Năm 34 tuổi (1954), tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học. Năm 36 tuổi (1956) công tác ở phòng văn nghệ, Ban
tuyên huấn trung ương… đến năm 1958. Cuối năm này, trở lại làm biên tập tuần
báo Văn học (Văn nghệ ngày nay). Năm 1963, là ủy viên
thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, ủy viên ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Là đại
biểu Quốc hội Việt Nam dân chủ Cộng Hòa các khóa IV, V và VI. Sau 1975, Chế Lan Viên sống ở thành phố Hồ Chí
Minh. Ngày 19/6 năm 1989, qua đời, thọ 69 tuổi. Năm 1996, được nhà nước
Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Phan Thị
Vàng Anh, con gái của Chế Lan Viên, nối nghiệp cha, cũng là một nhà văn nổi tiếng. Vài nét về cái tôi nhà thơ, phong cách, giọng điệu
thơ Một đời thơ ông gắn liền với tiếng thơ đầy biến hóa. Trước Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên của thời tuổi trẻ đã
có tập Điêu tàn nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, là một thế giới đúng
nghĩa "trường thơ loạn": "kinh dị, thần bí, bế tắc với xương,
máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm". phế tích, điêu tàn.
Đó là nguồn cảm hứng lớn, là nỗi niềm hoài cổ của Chế Lan Viên về hình bóng của
một vương quốc thời vàng son. Với bút danh Chế Lan Viên, ông đã tự nhận mình là
bông hoa lan trong khu vườn dòng họ vua chúa của dân tộc Chiêm Thành xưa). Sau Cách mạng tháng Tám, thời kỳ dấn thân sống cùng văn
chương và sống với nhân dân, thơ ông đã có những thay đổi rõ rệt. Thời kì
1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính
luận, đậm tính thời sự. Sau 1975, thơ Chế Lan Viên nghiêng về đời sống thế sự, sự
trăn trở của cái "tôi" đa diện. Phong cách thơ: độc đáo, thể hiện sức mạnh trí tuệ được
biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng - triết lí mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa
dạng, phong phú… được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa"
(5). Và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều
ý nghĩa biểu tượng, những tương quan đối lập... Quá trình sáng tác trong đời thơ Chế Lan Viên, có thể phân
chia như sau: Cái tôi trữ tình trong thơ trước Cách mạng Tháng 8 với
giọng điệu buồn đau, sầu não, uất hận, gay gắt, kinh hoàng… (Cái sọ người,
Ngủ trong sao…). Là cái tôi cô độc, là tình trạng bế tắc của cả một thế hệ thi
sĩ lãng mạn. Cái tôi trữ tình trong thơ giai đoạn 1945-1975. Là cái
tôi hòa nhập vào cái ta cộng đồng. Là cái tôi thi sĩ- chiến sĩ. Tập Ánh
sáng và phù sa- có thể xem là một bản tự kiểm đầy nuối tiếc, ân hận như một cái
tôi trăn trở khôn nguôi (Ngoảnh lại mùa đông, Ngoảnh lại mười lăm năm là
cái nhìn xót xa với quá khứ. Tiếng chim, Tiếng hát con tàu là tiếng
hát tâm hồn với giọng điệu hào sảng thiết tha, say sưa, hòa nhập… Giọng điệu
tiêu biểu cho khuynh hướng thơ sử thi một thời Hoa ngày thường Chim báo
bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới và phần nào coi như vĩ thanh
qua Hái theo mùa (1973-1977), Tổ quốc bao giờ đẹp thế này
chăng?, Người đi tìm hình của nước… Cái tôi trữ tình trong thơ những năm cuối đời. Giọng điệu
thâm trầm, suy tưởng… Là nhà thơ với tâm trạng của cái tôi nhân danh chính
mình để đối thoại, độc thoại với chính mình. Là cái tôi đạo đức thế sự… là
đối mặt với bệnh tật, cái chết qua những bài: Các mùa hoa, Từ thế chi ca… Về bút danh: Ngoài bút danh Chế Lan Viên, ông còn dùng bút
danh Thạch Hãn, Chàng Văn. Trong mục Nụ cười xuân trên
báo Văn học, Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là Ngô bói Kiều và Lý
luận Đờ Gôn ký tên Oanh (tức Hoan). Tác phẩm chính: Thơ ca: Điêu tàn (1937), Gửi các anh (1954), Ánh
sáng và phù sa (1960). Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967), Những
bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Ngày vĩ đại (1976), Hoa
trước lăng Người (1976), Dải đất vùng trời (1976), Hái theo
mùa (1977), Hoa trên đá (1984), Tuyển tập thơ Chế Lan Viên (tập
I, 1985; tập II, 1990), tập Ta gửi cho mình (1986), Di cảo thơ
I, II, III (1992, 1993, 1995), Tuyển tập thơ chọn lọc Tiểu luận phê bình: Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (1952), Nói
chuyện thơ văn (1960), Vào nghề (1962), Phê bình văn học (1962), Suy
nghĩ và bình luận (1971), Bay theo đường bay dân tộc đang bay (1976), Nghĩ
cạnh dòng thơ (1981), Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981), Ngoại
vi thơ (1987), Nàng và tôi (1992) Văn: Vàng sao (1942), Thăm Trung Quốc (bút
ký, 1963), Những ngày nổi giận (bút ký, 1966), Bác về quê ta (tạp
văn, 1972), Giờ của đô thành (bút ký, 1977), Nàng tiên trên mặt
đất (1985) Những bài thơ mang đậm sắc màu tình tự của Chế Lan Viên: Chế Lan Viên có nhiều bài thơ được đưa vào giảng dạy các bậc
học như Người đi tìm hình của nước, Tiếng hát con tàu, Gửi Kiều cho
em những năm đánh Mỹ… Nhưng ông cũng có nhiều bài thơ giàu chất tình tự khác.
Như bài Hoa đào nở sớm, Xuân, Thu, Rét đầu mùa nhớ người đi phía biển… Sau đây là những cảm nhận về một vài bài thơ tình tự của Chế
Lan Viên. Bài thơ: Hoa đào nở sớm Hoa đào trước ngõ em qua Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa Đầy vườn lộc biết cây tơ Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu Bỗng dưng một đóa hoa đầu Nghe như đất lạ năm nào gặp em Phải rằng xe xích thời gian Vầng dương bên ấy mọc sang bên này ? Nắng hoe, bướm trở mình bay Cành non nở vội kịp ngày chào hoa. Lòng anh tự độ em qua Hoa bay bướm dạo cùng ta vào đời. Hãy đọc những lời thơ tình tự với mùa đông năm ngoái, với mùa
Xuân năm nay, với cành đào tươi thắm… trong bài thơ Hoa đào nở sớm: Hoa đào trước ngõ em qua Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa Quả là không ngờ được. Như câu thơ cổ: Hoa đào năm ngoái
còn cười gió đông”. Thật bất chợt, thật bất ngờ. Mỗi ngày em đều đi qua
ngõ. Mới hôm qua đây thôi, em vẫn thấy cây đào trơ cành trụi lá. Vậy mà, phút
chốc chỉ một đêm trôi thật khẽ: “Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa”. Nét thi vị
làm lay động lòng người chính là cái sự “ bỗng ướm cành hoa vào
mùa”. Chỉ là “ướm” thôi. Nhẹ nhàng. Rất duyên. Rất mới. Và chính cái
sự “bỗng” đáng yêu đó, mà: Đầy vườn lộc biết cây tơ Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu Năm đi chưa hết, đào đã ướm hoa, khiến cho lòng thi sĩ cảm nhận
cái đẹp hồn nhiên của đất trời, và ngỡ ngàng là bởi: “đã ngờ xuân đâu”. Xuân
chưa đến mà vườn đã đầy lộc. Làm sao không mở căng lồng ngực mà đón gió thơ: Bỗng dưng một đóa hoa đầu. Nghe như đất lạ năm nào gặp em Đóa hoa đào đầu tiên nở trên cành lộc biếc. Màu hồng đào tươi
tắn hay màu hồng nhạt xinh xinh. Không hề nghe tác giả giới thiệu. Nhưng là màu
hồng đậm hay nhạt, không gian như bừng sáng. Cành đào như một cô gái đang điệu
đàng làm duyên. Lại dùng từ “bỗng dưng”. Ừ thì bỗng dưng sao đào nở sớm?. Và
Ừ thì bỗng dưng sao nhớ da nhớ diết về kỷ niệm một thời dấu yêu? Kỷ niệm đã trỗi dậy khi nhân vật trữ tình nhìn thấy đóa hoa
đào đầu mùa ướm trên cành lộc biếc. Nên mới “nghe như”. Cách chuyển đổi cảm
giác từ “thấy” thành “nghe” của nhà thơ quả thật là điêu luyện.. “Nghe như
đất lạ năm nào gặp em”. Thì ra, từ cái chuyện bắt gặp đóa hoa đào nở sớm
là cái cớ để nhớ về câu chuyện: “gặp em đất lạ năm nào”. Cũng là một sự “bất ngờ”
thú vị. Để cho thi sĩ bật ra câu hỏi về cỗ xe thời gian phiêu du chốn chốn. Rằng
có phải: Phải rằng xe xích thời gian Vầng dương bên ấy mọc sang bên này Mặt trời mọc phương Đông và lặn ở Phương Tây. Chuyện đã là thế
từ hằng hà sa số các năm… Làm sao có chuyện: Vầng dương bên ấy mọc
sang bên này? Thế là vầng dương đã có sự hoán ngôi đổi chỗ như thế. Vầng
dương bên ấy là bên nào? Bên này là bên nào? Có ai biết không? Phải chăng, là bởi
cái lòng yêu say yêu đắm, yêu quên cả không gian và thời gian nên mới có sự xê
dịch như thế không? Nắng hanh hoe vàng óng, bướm theo hấp lực của hoa mà trở
mình dậy, trở mình bay. Cành non xanh biếc cố nở vội để kịp chào bình minh lên,
kịp chào đóa hoa hồng đào tươi lắm: Nắng hoe, bướm trở mình bay Cành non nở vội kịp ngày chào hoa. Và tình yêu của anh, tấm lòng của “anh từ độ em qua” như
chấp thêm đôi cánh thiên thần, như hoa bay, bướm lượn tung tăng vào đời. Sức mạnh
của tình yêu quả nhiên vô lượng: Lòng anh tự độ em qua Hoa bay bướm dạo cùng ta vào đời Lời thơ như lời kể chuyện. Cộng hưởng trong kỷ niệm nhớ tình
yêu ấy là không gian thi vị, là cái bỗng dưng - cái bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh
hoa đào nở sớm. Yêu là yêu say yêu đắm. Hình ảnh “hoa đào nở sớm” là cái cớ để
anh nhớ về em, về một mối tình thơ. Bài thơ thật nhẹ nhàng, những hình ảnh sinh
động và những lời thơ như lời hát, nhịp thơ như nhạc điệu ngân nga… Tất cả
toát ra từ tâm hồn yêu đời, yêu người, yêu thơ ca của một nhà thơ tài hoa vào bậc
nhất của trường phái thơ Loạn ngày ấy ở đất Quy Nhơn. Bài thơ Rét đầu mùa nhớ người đi biển Cái rét đầu mùa se se lạnh. Chỉ se se lạnh thôi cũng đã làm
nên một câu chuyện tình yêu bằng thơ. Bài thơ vỏn vẹn chỉ có 4 câu, mỗi câu 8
chữ, nhưng 32 chữ ấy đã viết nên một câu chuyện tình yêu vừa có sắc thái miên
man lạnh, vừa có sắc thái ấm áp lạ lùng: Cái rét đầu mùa anh rét xa em Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa Nửa đắp cho em ở vùng sóng bể Nửa đắp cho mình ở phía không em. Khí hậu đầu mùa, thu đã trở mình chuyển sang đông, chuyển cái
nóng ấm sang giá lạnh. Chỉ đầu mùa đông, nhưng chính sự chuyển động của thời tiết
làm gợi nhớ rằng “anh đang rét xa em”. Sự ngăn cách đã làm cho tim anh cũng
rét, thân anh cũng rét. Sự diễn tả tinh tế tình cảm cách xa nằm chính trong
ngôn ngữ thơ giàu chất lãng mạn. “Anh rét xa em”, mấy ai là nhà thơ có cách diễn tả tâm trạng
như thế? Và trong cái nhớ nhung rét mướt vì xa cách ấy, tấm chăn bỗng trở
thành vật chứng cho sự nhớ nhung, là cầu nối cho anh và em đắp cùng một chiếc.
Và chỉ một chiếc chăn chung mà thôi, dù anh và em đang “ở hai đầu nỗi nhớ”
cách xa. Thật là khéo khi bày tỏ tình cảm nhớ thương da diết thế. Ca dao xưa có bài: Tát nước đầu đình. Chàng trai trong
bài ca ấy đã tỏ tình với cô gái một cách khôn ngoan: Áo anh sứt chỉ đường
tà/ Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu/ Áo anh sứt chỉ đã lâu/ Mai mượn cô ấy về
khâu cho cùng/ Khâu rồi anh sẽ trả công/ Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp
cho… Giúp cho đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp đôi trầm em đeo”. Là
sự trả công là người sẽ chung chăn chung gối, và đến cả đôi: đôi chiếu, đôi
chăn. Nhưng chàng trai trong “Rét đầu mùa nhớ người đi biển” lại
còn khôn khéo hơn, tình cảm hơn khi chỉ cần đôi ta chung chăn một chiếc trong
đêm dài lạnh lẽo, trong đêm dài cách ngăn… nhưng sẽ chia chăn làm “hai
nửa”. Và hình như cái sự “chia làm hai nửa” ấy đã làm cho anh và
em cảm thấy ấm áp hơn, tình cảm hơn, yêu thương, chia sẻ ngọt bùi với nhau hơn: Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa Và hai nửa ấy, một nửa là anh đắp cho em ở vùng sóng bể “mưa
nguồn, gió biển” bất trắc trùng trùng, còn nửa kia, anh đắp cho mình, đang rất
lạnh lùng đơn chiếc “ở phía không em”: Nửa đắp cho em ở vùng sóng
bể Nửa đắp cho mình ở phía không em Cách bày tỏ tình yêu sao thật sâu sắc và ấm nồng, dù trời
đang rét đầu mùa se se lạnh và sẽ… dần chuyển sang giá buốt… “Nửa đắp
cho mình”, nghe đã xót lòng, nhưng tự đắp cho mình “ở phía không em” lại
càng xót lòng hơn. Bài thơ thật ngắn, thể thơ 8 chữ có nhịp điệu như lời tâm sự.
Và lời tâm sự ấy, bằng những ngôn từ giản dị, nhưng có sức nặng lan tỏa,
đã truyền đến trái tim người đọc một thông điệp: “yêu nhau chia ngọt sẻ
bùi” thật đáng trân trọng. Như nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công sơn đã từng hát rằng:
Hãy yêu nhau đi, cho rừng xanh lá… Hãy yêu thương… hãy yêu thương bằng tất cả tấm
lòng…như chàng trai trong “Rét đầu mùa nhớ người đi biển”. Thơ là tiếng nói của cuộc sống dội vào nội tâm của thi nhân.
Mỗi nhà thơ có một phong cách thể hiện khác nhau tùy thuộc vào đời sống của họ
và của thời đại. Điệu hồn của cá nhân nhà thơ thể hiện qua giọng điệu thơ của họ.
Và tất nhiên, có sự tác động của nhịp điệu đời sống. Là nhà thơ mang tâm hồn cực
kỳ nhạy cảm, Chế Lan Viên thích ứng rất nhanh nhạy với các tiến bộ trong nghệ
thuật. Với nhà thơ Chế Lan Viên, cuộc đời thơ của ông phản ánh chân
thật cái tôi của đời sống cá nhân: sáng tạo, đa sắc thái, đa giọng điệu, luôn
tìm tòi nét mới cho thơ. Chế Lan Viên đã sống trọn cuộc đời cho thơ ca với nét
tài hoa vào bậc nhất. Là nhất trụ trong tứ trụ của “Bàn thành tứ hữu” vang vọng
trên văn đàn Việt Nam, có những đóng góp cho Văn học Việt Nam. Và “là bậc
thi hào mà những sáng tạo nghệ thuật chưa có hồi kết” (5). Tài liệu tham khảo: 1/ Nguyễn Đăng Điệp (2002) - Giọng điệu trong thơ trữ
tình - Văn học. 2/ Đoàn Trọng Huy (1993) - "Đôi điều về quan niệm
nghệ thuật của Chế Lan Viên" - Tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật số
111. 3/ Đoàn Trọng Huy (1993) - Khuynh hướng vận động thơ Chế
Lan Viên từ sau 1975, in trong Chế Lan Viên - Về tác gia và tác phẩm - Giáo dục,
2002 4/ Đoàn Trọng Huy (2009) - "Tiếng cười trong thơ Chế Lan
Viên" - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 304 5/ Đoàn Trọng Huy (2014), Chế Lan Viên - độc đáo một tiếng thơ
giàu sắc điệu, Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH - NV tp HCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét