Mưa dầm dề trên những mái phố rêu phong Thành Nội Huế đã quá tuần lễ. Và chiều
nay, gió đông vừa kéo về mang theo hơi lạnh se sắt trên từng ngón tay. Bà Kim
Oanh ngồi một mình trên chiếc ghế tựa đặt trước hiên nhà, lặng lẽ nhìn ra mặt
đường Nhật Lệ sũng nước. Tôi ái ngại hỏi, giọng vừa đủ để bà nghe:
- Trời lạnh thế sao mẹ không vào nhà, hay đang chờ ai?
Nghe vậy, bà quay sang nhìn tôi vừa cười vừa nói:
- Chờ bà Mộng Điệp con ạ! Đầu giờ chiều, thằng Bình (NSƯT Ngọc
Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế - con trai bà Kim Oanh) đã cho
xe về đón bà ấy dưới quê lên để tối nay tham gia duyệt vở diễn Phụng Nghi
Đình nên mẹ cứ ngồi trông ngắn, trông dài.
Nhìn bà, tôi không dám nói gì thêm bởi biết bà đang nóng lòng đợi bạn. Đó là
người bạn diễn duy nhất của bà còn lại năm nay đã 87 tuổi, đang sống nương tựa
vào gia đình đứa cháu ruột ở tận thôn Trừng Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang,
cách Huế đến vài chục cây số. Khác với bà Kim Oanh đông đúc con cháu, bà Mộng
Điệp hiện chỉ côi cút một mình không chồng con, nhà cửa. Cách đây hơn 50 năm
về trước, cùng mấy chục kép đào của gánh hát tuồng Việt Hưng từ Huế ra miền Bắc
biểu diễn, đôi bạn gái Kim Oanh - Mộng Điệp đang ở độ xuân thì nhan sắc,
nhưng Mộng Điệp lúc đó đã có hai đứa con nên phải gửi lại quê nhà. Mùa đông
năm 1946, cuộc chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nổ ra ác liệt tại Hà
Nội, gánh hát Việt Hưng chia thành hai nhóm văn nghệ xung kích phục vụ bộ đội
Việt Minh. Sau 2 năm trời sát cánh cùng chiến hào với các chiến sĩ Vệ Quốc
quân, gánh hát Việt Hưng mới chính thức giải tán. Từ bấy đến nay, bà Mộng Điệp
chưa một lần biết tin tức gì về hai đứa con yêu quý của mình!
Tôi biết hoàn cảnh đó của NSƯT Mộng Điệp trong một lần tình cờ sang làm việc
với Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế (NHNTCKH). Dạo đó, NHNTCKH có chủ trương
dàn dựng lại một số vở kinh điển như: “Phụng Nghi Đình”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”…
công diễn phục vụ khán giả yêu thích và du khách khi đến thăm Cố đô Huế. Để
thực hiện tốt nhiệm vụ này, Ban giám đốc thống nhất mời những nghệ sỹ đã từng
thể hiện thành công các vai chính của những vở diễn trên, dạy lại kinh nghiệm
cho diễn viên hiện nay. Và Ngọc Bình đã về quê đón bà Mộng Điệp lên ở lại nhà
mình cả mấy tháng trời. Từ ngày chồng bà Mộng Điệp - nghệ sĩ Ngọc Oanh mất,
đây không phải lần đầu anh đón bà về ở lại nhà mình nghỉ dưỡng. Bởi đối với
Ngọc Bình, bà Mộng Điệp vừa là người thầy, vừa là người mẹ thứ hai. Có lẽ từ
sâu thẳm, tình cảm ấy còn có phần dành cho người mẹ đẻ của anh, bởi hai bà là
bạn thân của nhau, suốt một đời đồng cam cộng khổ góp phần dựng xây nên
NHNTCKH như hiện nay.
Sau ngày gánh hát Việt Hưng giải tán, gia đình đôi vợ chồng trẻ Ngọc Yến -
Kim Oanh sống làm nghề buôn bán ở thành phố Vinh. Vốn liếng lớn nhất của họ
lúc đó chỉ là đức tính cần cù, chịu khó nơi người con trai vùng Sịa bên phá
Tam Giang cùng lời ăn tiếng nói dịu dàng của cô gái làng Kim Luông và các món
ăn đặc trưng xứ Huế. Nhờ vào thế mạnh ấy, nên gần chục năm nay quán ăn của họ
lúc nào cũng đông đúc khách tới lui, đặc biệt là những người đồng hương cùng
cảnh ngộ. Đời sống kinh tế của gia đình dần khấm khá hẳn lên. Một ngày đẹp trời,
ông Ngọc Yến đem chuyện bàn với vợ:
- Phải tìm cách thành lập lại gánh hát thôi mình ạ, tôi nhớ nghề không thể chịu
nổi!
- Vậy thì ông làm ngay đi, còn chần chừ gì nữa!
Bà Kim Oanh trả lời ông ngay không chút suy nghĩ, bởi tự thâm tâm bà cũng chẳng
khác gì ông, lâu nay nhớ nghề lắm lắm! Dù làm nghề hát xướng hết sức lao tâm
khổ tứ và chẳng kiếm được tiền bạc là bao. Nhưng theo bà, nó là một phần của
“quốc hồn quốc túy” quê hương.
Có thêm người vợ đồng tình ủng hộ, ông Ngọc Yến bỏ hẳn việc chạy chợ buôn
bán, cơm đùm gạo bới lên đường tìm bạn diễn đang lưu lạc khắp nơi. Và người đầu
tiên ông tìm đến là bà Mộng Điệp đang sống ở vùng núi Tam Lệ, tỉnh Nghệ An.
Dù không có của ăn của để như vợ chồng ông, nhưng bà Mộng Điệp và chồng mình
lúc đó cũng đã có ngôi nhà và mảnh vườn xinh xắn. Không quen với việc nhà
nông, bà Điệp làm nghề bán hàng xén, chồng thì chăm bón cây cối trong vườn và
nuôi thêm đàn gà, con heo nên cũng có đời sống gia đình khá sung túc. Khi
nghe ông Ngọc Yến trình bày xong ý định muốn lập lại gánh hát, vợ chồng bà Mộng
Điệp như mở cờ trong bụng. Vậy là họ đồng tình bán tống bán tháo tất cả cơ
nghiệp đang có, theo ông Yến lên Tp. Vinh không chút do dự. Cứ thế, ông Ngọc
Yến lần lượt đi khắp nơi tìm gặp, bàn bạc rồi đưa về nhà mình đầy đủ những
thành viên của gánh hát Việt Hưng ngày nào.
Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và Hội đồng hương Trị - Thiên tại
Nghệ An, gánh hát nhanh chóng được thành lập mang tên Đoàn Ca Kịch Trị -
Thiên. Từ những ngày đầu, Đoàn vừa xây dựng chương trình vừa tổ chức biểu diễn
phục vụ khán giả tại địa phương, và ngay lập tức đón nhận được sự mến mộ của
công chúng. Đêm đêm, dưới ánh đèn măng-sông, không loa phóng thanh, nhưng giọng
hát của các nghệ sĩ vẫn cứ vang ngân ấm áp, lắng đọng giữa trái tim hàng vạn
con người. Đó là những đêm diễn không thể nào quên của bà Oanh, bà Điệp và những
nghệ sĩ Huế trên đất Bắc. Bởi đó không chỉ đánh dấu sự sống lại của một nghề
yêu mến tưởng đã chia tay vĩnh viễn, mà còn là sự đổi thay toàn diện đời sống
vật chất và tinh thần người nghệ sĩ! Từ đây, họ là những chiến sĩ trên mặt trận
tư tưởng văn hóa của cách mạng. Tiếng hát của họ sẽ là ngọn lửa thiêu cháy
quân thù! Và, ngọn lửa ấy sẽ thắp sáng niềm tin đến ngày toàn thắng của dân tộc
trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập, bên cạnh những tiết mục đơn lẻ, Đoàn đã
xây dựng thành công hai vở ca kịch nổi tiếng: “Phụng Nghi Đình” và “Thoại
Khanh Châu Tuấn” do đạo diễn kiêm trưởng đoàn Ngọc Yến dàn dựng. Chính nhờ
vào hai vở diễn này, uy tính của Ca Kịch Huế nhanh chóng được khẳng định trước
công chúng và giới chuyên môn. Khán giả của Đoàn ngày mỗi thêm đông đúc không
chỉ ở tỉnh Nghệ An mà còn vươn ra nhiều địa phương khác như Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Thanh Hóa… Đặc biệt, vào cuối năm 1957, Đoàn đã vinh dự biểu diễn phục
vụ Bác Hồ xem vở ca kịch “Đêm trăng Bến Hải”, nhân dịp Người về thăm quê ở
Nam Đàn. Sau buổi biểu diễn hôm ấy Bác đã hỏi thăm với giọng đầy cảm xúc:
Cháu là Kim Oanh? - Bác hỏi với giọng ân cần.
Dạ thưa Bác, đúng ạ!
Vậy cháu đã có gia đình chưa?
Thưa Bác, chồng cháu là đạo diễn Ngọc Yến. - Vừa nói, bà Oanh vừa đưa tay chỉ
về phía chồng cho Bác xem. - Chúng cháu đã có 3 đứa con.
Thấy thế, Bác cười rất vui, rồi nói:
- Hai cháu thật đẹp đôi và hạnh phúc. Từ nay phải gắng học tập, rèn luyện hơn
nữa để phục vụ cho nghệ thuật nghe!
Quay sang phía bà Mộng Điệp, Người hỏi:
- Còn cháu là Mộng Điệp?
Bà Điệp lễ phép trả lời:
- Dạ!
- Vậy, con cái cháu bây giờ ở đâu?
- Thưa Bác, hai đứa con của cháu bây giờ đang ở Huế - Bà Điệp trả lời trong
tiếng nghẹn ngào.
Nghe xong, Người không nói gì mà chỉ nhìn bà Kim Oanh rất lâu rồi rơm rớm nước
mắt.
Sau lần gặp ấy chỉ mấy hôm, vừa ra đến Hà Nội, Bác Hồ đã gửi vào tặng Đoàn Ca
kịch Trị - Thiên 100 đồng tiền lương của Người để mua sắm thêm cơ sở vật chất
ở buổi ban đầu đang còn thiếu thốn, khó khăn. Nhận được phần quà như đón nhận
được lời khen và sự chia sẻ từ tấm lòng của Bác, Đoàn tổ chức ngay cuộc họp mặt
đông đủ và thống nhất mua một micrô vào loại “xịn” nhất để phục vụ biểu diễn.
Bởi theo mọi người, món quà của Bác sẽ chắp cánh nghệ thuật của họ âm vang
hơn, lan xa hơn…
Đầu năm 1960, theo đề nghị của lãnh đạo Khu ủy Vĩnh Linh, Đoàn Ca Kịch Trị -
Thiên được vào biểu diễn phục vụ vùng giới tuyến. Vậy là họ đang xích lại gần
hơn về phía quê hương và trực tiếp đối mặt chiến đấu với quân thù. Ngay sáng
hôm sau, không kể ngày đêm, Đoàn Ca Kịch Trị - Thiên ai nấy cùng nhau vai trần,
chân đất gồng gánh lên đường hướng thẳng về đất lửa Vĩnh Linh…
Suốt gần một năm trời, những nghệ sĩ Ca Kịch Trị - Thiên sống và hoạt động
nghệ thuật phía bên này sông Bến Hải. Chung sức đồng lòng với quân và dân
Vĩnh Linh, họ cùng đào hào đắp lũy, xây dựng công sự chiến đấu với kẻ thù Mỹ
ngụy. Bất cứ lúc nào, hễ phát hiện thấy bên kia sông có bóng dáng của binh
lính và sĩ quan địch là tiếng hát của các nghệ sĩ Ca Kịch Trị - Thiên bắt đầu
vang lên! Những âm điệu lời ca lúc ngọt ngào, da diết kêu gọi những kẻ trót lầm
đường lạc lối trở về với nhân dân; lúc uất ức, căm thù vạch trần tội ác, âm
mưu thâm độc của bè lũ cướp nước và bán nước. Với chiến công thầm lặng ấy, họ
đã góp phần làm cho hàng ngũ địch ngày càng tan rã. Không những thế, Đoàn Ca
Kịch Trị - Thiên đã có hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công hỏa tuyến và đồng bào vùng giới tuyến. Đó là những ngày tháng mà sức sáng tạo của
họ có dịp bùng nổ sau một thời gian dài phải “im hơi lặng tiếng”. Hàng loạt
các tác phẩm lớn ra đời như: “Người vợ miền Nam”, “Con gà chân chì”, “Viên đạn
súng kíp”, “Đêm trăng Bến Hải”, “Sông Hương từ ấy”, “Lê Thị Hồng Gấm”, “Tuổi
20”… gắn liền với nhiều tên tuổi nghệ sĩ như: NSƯT Ngọc Yến, NSƯT Mộng Điệp,
Kim Oanh, Hồng Tuyết, NSƯT Thu Song, NSƯT Sĩ Cừ, NSƯT Châu Dinh, Liên Minh,
Trọng Quyết, NSƯT Châu Thành, NSƯT Mạnh Cẩm, Đình Hạp, Kim Vàng, Kim Phú…
Cuối năm 1960, Đoàn Ca Kịch Trị - Thiên được Bộ Văn hóa - Thông tin điều động
trở ra Hà Nội tiếp tục học tập nâng cao nghiệp vụ và nhận nhiệm vụ mới. Trong
điều kiện gặp nhiều khó khăn về mọi mặt lại phải liên tục di chuyển sơ tán đến
nhiều nơi ở khác nhau để tránh sự oanh tạc của không quân Mỹ, Đoàn vẫn xây dựng
được nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng, đáp ứng kịp thời các nhiệm
vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó. Cùng với phong trào “Tiếng hát át
tiếng bom” khắp nơi trên miền Bắc XHCN; ngoài việc tổ chức biểu diễn lưu động
phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khắp nơi ở các tỉnh từ Thái Nguyên,
Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Đoàn đã nhận nhiệm vụ đặc
biệt là biểu diễn phục vụ tại các điểm chốt bảo vệ Thủ đô của những đơn vị bộ
đội phòng không, không quân và lên đường vào Quân khu Trị - Thiên, Quân khu
Quảng Đà chốt lại ở một số điểm trên dãy Trường Sơn, mang lời ca tiếng hát phục
vụ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…
Đấy là cả một chặng đường dài chống Mỹ nhiều gian khổ, ác liệt nhưng cũng đầy
hào hùng trong cuộc đời bà Kim Oanh nên mỗi khi có dịp, bà thường kể lại cho
con cháu nghe với giọng tự hào. Và nhờ vào “tài liệu sống” ấy, cách đây hai
năm con trai bà - NSƯT Ngọc Bình đã dàn dựng thành công vở ca kịch “Hoa của đất”
tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 tại Tp. Vinh và
được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt. Ở tác phẩm “Hoa của đất”, ngoài tài
năng bẩm sinh và cách làm việc của một đạo diễn được đào tạo chuyên nghiệp,
Ngọc Bình còn thừa hưởng được vốn sống của một người trong cuộc đó là mẹ anh,
nên trong từng lớp diễn, tính chân thật của đời sống chiến trường khi đưa lên
sân khấu nghệ thuật vẫn được rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ chấp thuận.
Tôi còn nhớ khi công diễn vở này tại Huế, bà Kim Oanh đã rơm rớm nước mắt vì
xúc động. Có lẽ khi đó, bà đang nhớ về thời tuổi trẻ hào hùng đã qua với những
ký ức ngọt ngào?
Trời tối nhá nhem. Mưa hầu như thưa hạt, nhưng gió lạnh vẫn se sắt trên từng
thớ da thịt. Bà Oanh mắt vẫn đăm đắm nhìn ra cửa cho đến khi chiếc xe con trờ
tới, đỗ xịch trước cổng nhà. Từ trên xe, bà Điệp đã vẫy tay lia lịa chào bà
Oanh qua gương kính loang loáng nước mưa. Tôi dìu bà Oanh bước thấp bước cao
ra đường. Hai bà ôm chầm lấy nhau khi Ngọc Bình vừa đỡ bà Điệp trên xe bước
xuống. Sau vài lời hỏi thăm nhau về tình hình sức khỏe, gia đình… căn phòng
nhỏ của bà Oanh đã vang lên mấy giai điệu ca Huế trong vở diễn “Phụng Nghi
Đình” cho đến bữa cơm chiều.
Hội trường của Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế không còn một ghế trống nhiều
người phải đứng chen chúc nhau ở hai cửa ra vào. Ngoài các cán bộ lãnh đạo cấp
tỉnh và ngành VHTT, số còn lại là những nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế đã về hưu
và sinh viên, học sinh từ các trường Văn hóa - Nghệ thuật. Cả mấy trăm con
người hầu như nín thở khi tấm phông màu đỏ trên sân khấu từ từ được kéo ra, lộ
rõ biểu trưng chủ đề của vở diễn “Phụng Nghi Đình” là một trái đào tiên chín
mọng cùng với lớp diễn viên trong trang phục cổ đại của đất nước Trung Hoa. Vở
“Phụng Nghi Đình” do tác giả Nguyễn Lượng chuyển thể từ một câu chuyện trong
tác phẩm văn học “Tam Quốc Chí”, được đạo diễn Ngọc Yến dàn dựng cho Đoàn Ca
Kịch Trị - Thiên ra mắt biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1957 tại Nghệ An và
sau một năm đoạt HCV Hội diễn nghệ thuật toàn quốc. Hồi đó, tất cả nhân vật
trong vở diễn này đều do các nữ diễn viên vào vai đảm trách. Chính sự độc đáo
ấy đã tạo nên nét mới lạ không chỉ tại Hội diễn mà cả với người xem cả nước
trong một thời gian dài. Những tên tuổi nghệ sĩ như: Kim Oanh, Mộng Điệp, Năm
Túy, Kim Thoa, Hồng Tuyết… đã gắn tên tuổi mình cùng vở diễn này.
Sau 50 năm, đêm nay vở diễn “Phụng Nghi Đình” cùng với sự độc đáo ấy lại một
lần nữa tái hiện trên sân khấu nhưng với một lớp nữ diễn viên khác, đó là:
NSƯT Thu Hằng (Điêu Thuyền), NSƯT Kiều Oanh (Tư Đồ), NSƯT Tiểu Hoa (Đổng
Trác), Thanh Loan (Lã Bố)… Câu chuyện xưa lại được kể theo trình tự của nhà
biên kịch cách đây nửa thế kỷ, nhưng hầu như những lớp lang của nghệ thuật
sân khấu đã không còn như ngày trước? Không khác sao được. Sau 50 năm, những
nghệ sĩ thời nay đã được đào tạo một cách bài bản về nghề nghiệp, trang thiết
bị kỹ thuật hiện đại hỗ trợ đắc lực trong việc chuyển tải nghệ thuật đến người
xem… đã góp phần tạo nên một “Phụng Nghi Đình” hoành tráng, mới mẻ hơn nhưng vẫn
vẹn nguyên giá trị truyền thống vốn dĩ của nó. Thành công đó không thể không
nhắc đến công lao của tập thể Nhà hát, nhất là lớp diễn viên cùng lứa với
NSƯT Ngọc Bình như: NSƯT Lan Phương, NSƯT Khánh Vân và lớp “đàn em” được anh
chỉ bảo, dìu dắt nay đã trưởng thành như NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Đình Dũng, NSƯT
Thu Hằng, NSƯT Tiểu Hoa… đang lấp lánh trên ánh đèn sân khấu nghệ thuật Ca kịch
Huế.
Đêm nay, căn nhà của NSƯT Ngọc Bình ánh điện sáng rất khuya. Sau buổi biểu diễn,
người ta đến chúc mừng anh và gia đình. Ngoài sự thành công của vở diễn -
công lao lớn nhất thuộc về anh bằng sự nối nghiệp xứng đáng từ người cha là đạo
diễn NSƯT Ngọc Yến, và vừa rồi Tiểu Hoa - vợ anh được phong tặng NSƯT. Đó là
niềm vui không chỉ riêng anh và gia đình mà còn của nhiều người hoạt động ở
lĩnh vực ca Huế. Bởi ai cũng hiểu rằng, thành công của một gia đình có đến 3
NSƯT đồng thời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của một gánh hát năm nào. Đó
là công sức của cả một tập thể kết đoàn, tận tâm với nghề nghiệp và biết giữ
gìn giá trị nghệ thuật truyền thống của quê hương mình trong thời gian tròn nửa
thế kỷ. Khác với cảnh tượng trong nhà rộn rã tiếng cười vui cùng chén rượu chúc mừng,
ngoài sân bà Oanh và bà Điệp ngồi bên nhau lặng lẽ nhìn về phía bầu trời xa
xăm. Hầu như ở đó đang vọng về âm thanh của cả một chặng đường dài mà hai bà
đã đi qua trong cuộc đời mình…
Huế, tháng 5/2007 Nguyễn Thanh Tú Nguồn: TCSH số
220 - 6/2007 Theo http://tapchisonghuong.com.vn/ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét