Những năm ba mươi của thế kỷ 20, nhiều nhà Văn, nhà Thơ nổi
tiếng của văn đàn Việt Nam hăng hái tham gia Phong trào Thơ Mới. Thế
Lữ là một trong số những Thi sĩ xuất sắc đó. Ông tên thực - Nguyễn Thứ Lễ. Thế Lữ là đọc lái, đảo của
hai từ Thứ Lễ mà thành. Trong tác phẩm: Nhà Báo Lê Ta - truyện Trinh thám
của ông và bút danh Lê Ta ở một số sáng tác khác - cũng ghép bời hai chư Lê +
Ta. Chữ Hán - Ta nghĩa là Ngã (bản Ngã). Lê Ngã... Lễ! Có thể xem
ông là một trong số mấy nhà văn đi tiên phong trên văn đàn Việt Nam ở thể loại
truyện Trinh thám, hồi những năm ba mươi thế kỷ 20. Nhà Báo Lê Ta vẫn
còn đọng lại trong tâm trí lớp độc giả yêu truyện trinh thám của những cây
bút thuần Việt, hồi hơn nửa thế kỉ trước... Thế Lữ còn nổi tiếng ở lĩnh vực kịch nghệ. Ngay từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, Ông là một
trong vài người - du nhập nghệ thuật Kịch nói - loại hình nghệ thuật sinh động,
gần gũi với cuộc sống đời thường, thịnh hành ở châu Âu - đem thể nghiệm, phổ
biến vào Việt Nam, khi sân khấu biểu diễn của ta lúc đó chỉ thịnh hành:
Chèo (Ngoài Bắc). Tuồng cổ (Miền Trung). Cải lương (Trong Nam). Ngoài những hoạt động Văn - Thơ, ông còn nỗ lực tổ chức quản
lý nghệ thuật biểu diễn. Ban kịch Thế Lữ - do ông sáng lập, lãnh đạo
- hoạt động trên kịch trường Việt Nam từ những năm ba mươi của thế kỷ trước -
đã thu hút nhiều nghệ sĩ danh tiếng tham gia. Kịch nói đi vào đời sống văn
hóa được dư luận ở các đô thị hoan nghênh, tiếp nối phục vụ đắc lực
cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Có thể xem đoàn kịch Thế Lữ với các vở diễn
được ông viết, chuyển thể, dàn dựng - là hiện vật quý giá của ‘’Bảo tàng’’ Kịch
nói Việt Nam đương đại. Còn điều đáng nói nữa: Ông là một trong Thất Tinh (1) - Bảy ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam (sau đó kết nạp thêm Xuân Diệu
trở thành Bát Tú). Ông cùng ba anh em nhà họ Nguyễn Tường: Nguyễn Tường
Tam (Nhất Linh). Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo). Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam)
với Khái Hưng, Tú Mỡ, Trần Tiêu - dựng lên tổ chức Văn bút nối tiếng, uy tín
- của nền văn học Việt Nam ở thập kỷ ba mươi, thế kỷ 20: Tự Lực Văn
Đoàn (TLVĐ: 1932 - 1939). Cho đến đầu năm 1930, thi đàn Việt Nam chỉ thịnh hành thơ
Đường, thơ Lục Bát, và các thể thơ có quy tắc... Khi Thơ Mới xuất hiện, những
người bảo thủ phản đối kịch liệt. Thế Lữ cùng các bạn trong nhóm Thơ Mới -
kiên quyết bảo vệ, phát triển. Ông ít viết phê bình, tranh luận về Thơ mới,
nhưng ‘’tả xung hữu đột’’, chứng minh sự đúng đắn Thơ Mới của mình và của các
bạn bằng những sáng tác cụ thể. Qua đó, tấn công, phê phán phái
‘’thủ cựu’’ đang khư khư giữ lấy thể thơ cũ gò bó, sáo mòn. Cuối cùng Thơ Mới
được đông đảo người làm thơ, yêu thơ đương thời tán thưởng. Có thể nói không
ngoa: Nhờ Thế Lữ (và các bạn ông trong nhóm Thơ Mới), nền Thi Ca Việt
Nam chuyển mình, ngay từ lúc phôi thai, theo thời gian phát triển mạnh… Đến
hôm nay thơ Việt Nam - cả Thơ Mới và thơ Có quy tắc - cùng nhau đổi mới, phát
triển đạt được thành tựu rực rỡ - như tòa lâu đài huy hoàng, tráng lệ! Giới
văn, nghệ sĩ đương thời ghi công, ‘’phong’’ cho Thế Lữ danh hiệu: ''Nguyên
Soái Tao Đàn''. Tác phẩm nổi tiếng của ông rất nhiều, với nhiều thể loại
khác nhau. Nhà Phê bình Hoài Thanh đã dành 6 trang (không kể phần tuyển thơ)
để biểu dương Thế Lữ trong Thi Nhân Việt Nam (TNVN). Có thể nói ông là một
trong ba người (Huy Cận, Xuân Diệu) được Hoài Thanh ưu ái, tốn nhiều mực, viết
nhiều trang nhất trong cuốn biên khảo giá trị này. Nhà phê bình có uy tín
không hề dè dặt, mà mạnh dạn dành cho Thi sĩ Thế Lữ lời nhận xét: ‘’Thế Lữ
đã làm giáo sư dạy khoa tình ái cho cả một thời đại’’ (2). Người đọc Việt Nam
đặc biệt yêu thích bài Nhớ Rừng, xem như bài thơ kinh điển - của dòng
thơ Mới (…). Nhớ Rừng là bản anh hùng ca ca ngợi những chiến
sĩ cách mạng đang bị kẻ thù giam cầm trong tù ngục. Nhớ Rừng được đăng tải trên hệ thống truyền thông của
TLVĐ (báo Ngày nay, báo Phong hóa, Nhà xuất bản Đời nay…), lập tức được dư luận
người đọc đón nhận nồng nhiệt. Đến nỗi, ai đã đọc qua một lần đều bị thi phẩm
thu hút say mê. Đọc tiếp, người ta ghi nhớ ngay nội dung, tâm đắc với thơ như
một tuyên ngôn của tác giả… rồi thuộc lòng nhiều câu, thậm chí cả bài (dài 48
câu). Bài thơ được viết ở thể Thơ tự do - câu tám chữ. Thơ - Mới toàn diện:
Từ cấu trúc, ý tưởng, phong cách đến ngôn từ sử dụng so với những bài thơ cổ,
cũ trước đó. Nổi bật nhất là nhạc điệu, chất trữ tình bay bổng, chất
‘’anh hùng ca’’ của thi phẩm - khi tác giả viết về chủ đề này... Nhớ Rừng là ''Lời con Hổ trong vườn Bách thú'' -
như đề tựa. Bài thơ chia làm 5 đoạn. Nghĩa đen là lời con Hổ nhớ về cuộc
đời mình trong quá khứ, suy nghĩ trước hiện tại… Nhưng người đọc liên tưởng
ra nghĩa bóng: Tâm sự của con Người - với những trăn trở về tương
lai… Hổ là con vật vĩ đại của núi rừng lúc chưa bị bắt. Khi bị nhốt trong cũi sắt ở vườn bách thú - Chúa Sơn Lâm chỉ
còn là ‘’Gia súc’’. Tác giả khoác cho Hổ chất nhân văn, hồi tưởng về quá khứ…
liên hệ với hiện tại… Khiến người đọc đương thời - trông ‘’Hổ’’ nghĩ đến
‘’Ta’’... Hổ - nghĩ về quá khứ: Sao ta lại đến nông nỗi này? Những con
người mà trước đây không lâu, chỉ nghe thấy tiếng ta đã phải ngả mũ, tránh
xa. Giờ đây, khi ta trong cũi sắt, ‘’chúng’’ ngạo mạn, ngơ ngơ ngáo ngáo,
giương mắt bé nhìn… Cái kết cục: Không còn Rừng xanh, Sơn lâm - đã đưa
ta đến nông nỗi này ư? Từ chỗ mọi vật, thiên nhiên hùng vĩ phải kính nể,
giờ chỉ còn làm đồ chơi cho ‘’Người’’. Tệ hại nhất: ‘’Chúng’’ lại xếp
ta cùng hàng với lũ Gấu… dở hơi chỉ suốt ngày đi đi, lại lại xung quanh song
sắt nhìn, ngó, chán - lại há mồm hậc… hậc rồi quay ra vật nhau... Lại nữa: Ngay sát nách ta, chuồng bên - Cặp Báo luôn tỏ ra
lười nhác, tư lự, ngáp… ‘’ruồi’’. Dường như chúng đang tiếc nuối về những
ngày rộng cẳng chạy nhảy, leo trèo, đuổi bọn Hươu, Hoẳng, Cheo cheo… Hiện tại đau buồn không thể xóa nhòa được ký ức hào hùng của
ta. Nó chỉ gợi lại cho ta tình thương, nỗi nhớ khi còn được tung hoành nơi rừng
xanh: Nơi ta từng vùng vẫy ngày xưa, nơi ta sẽ không trở lại được bao
giờ. Ta nằm đây như đang nghe thấy tiếng rì rào róc rách của suối trong, của
gió nhe. Tiếng ầm ì, âm vang của núi ngàn, tiếng gào thét của rừng cây trong
bão tố… Thế rồi mưa hết, bão tan, ta hát ca hòa cùng vạn vật. Ta lượn
tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng, giũ lông, nhìn bóng tối bằng đôi mắt sáng
quắc, đỏ rực khiến vạn vật run sợ, im hơi, lặng tiếng.... Ta nhớ đến những
đêm trăng vằng vặc. Bên bờ suối, nhìn vầng trăng in xuống giữa dòng - như
mâm vàng rực rỡ. Ta ngồi ngắm say mê, thò tay ‘’vốc trăng’’, bắt
cá… Từng ‘’dọc ngang nào biết trên đầu có ai’’. Bây giờ,
trong cũi sắt nhỏ bé, bức bối, chỉ còn làm cảnh, để cho… ‘’người’’ - giễu
oai linh rừng thẳm’! Ta chợt nhận ra… đau buồn, kêu thống thiết: Than ôi! Thời
oanh liệt nay còn đâu! Chúa Sơn Lâm bị ‘’bứng’’ khỏi rừng xanh, nhốt trong chiếc
cũi sắt ở vườn Bách thú trở thành ‘’Hổ - gia súc’’, sắp bị các tay ‘’Thợ giết
mổ’’ chuyên nghiệp, lành nghề: Lột da, lọc thịt, róc xương cho vào… Nồi
nấu, ninh mấy ngày đêm… tạo ra món ‘’Tửu phẩm’’ quý giá: Cao Hổ Cốt. Thân,
xương thịt Ta - chỉ dành cho những kẻ lắm tiền nhiều của, hiến, biếu cho những
loại có cổ, có cánh. Chưa hết: ‘’Chúng’’ còn giành giật, tranh nhau tấm Da của
Ta. Thậm chí đánh nhau để có được mảnh thi thể Chúa Sơn Lâm, hòng sau đó
dùng hù dọa kẻ yếu bóng vía trong thiên hạ: ‘’Hổ chết để Da’’ -
mà! Ngao ngán, thất vọng, luyến tiếc - trước lúc vĩnh biệt cuộc
đời, Hổ cất tiếng gầm thê thảm, bi ai: ''Hỡi Rừng xanh kiêu hãnh của ta ơi
!'' (3) Bài thơ ra đời, tồn tại - đã hơn hai phần ba thế kỷ. Lớp lớp người đọc qua mấy thế hệ vẫn yêu thích Nhớ rừng -
đồng cảm cùng tác giả. Với công trạng, với những tác phẩm để đời: "Nguyên
soái tao đàn’’ Thế Lữ, quả thật - Danh bất hư truyền... NHỚ RỪNG (Lời con hổ trong vườn bách thú) Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm Nay sa cơ bị nhọc nhằn tù hãm Để làm trò lạ mắt thứ đồ chơi Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi Với cặp báo chuồng bên vô tư lự. Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi Với khi hát khúc trường ca dữ dội Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc Trong hang tối mắt thần khi đã quắc Là khiến cho mọi vật đều im hơi Ta biết ta chúa tể cả muôn loài Giữa chốn thảo hoa không tên không tuổi. Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội Tiếng chim ca - giấc ngủ ta tưng bừng Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt Để ta chiếm riêng phần vùng bí mật Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu! Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu Ghét những cảnh không đời nào thay đổi Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng... Giải nước đen giả suối chẳng thông dòng Len dưới lách những mô gò thấp kém Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu Của chốn ngàn năm cao cả âm u Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ Là nơi giống Hùm thiêng ta ngự trị Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa Nơi ta không còn được thấy bao giờ! Có biết chăng trong những ngày ngao ngán, Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn Để hồn ta phảng phất được gần ngươi. Hỡi rừng xanh kiêu hãnh của ta ơi! (3) Thế Lữ (Mấy vần thơ)Chú thích: (1). Thất Tinh - Bảy
ngôi sao sáng trên bầu trời văn chương, gồm: 3 anh em: Nhất Linh (Nguyễn
Tường Tam), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) và Thế
Lữ, Tú Mỡ cùng hai anh em Khái Hưng, Trần Tiêu (em Khái Hưng). Bát Tú - Tám nhà văn ưu tú (8 vì sao sáng): Ngoài bảy người trên - Thêm Xuân Diệu. (2) Thi Nhân Việt Nam - trang 68 - nxb Văn học tái bản
năm 2003 (3) Câu này lấy trong Bản in của Tuyển tập Văn - Thơ Việt
Nam 1930 - 1945, xuất bản vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20. Còn bản in
trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh xuất bản năm 1942 - câu này như sau: Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!.
1/8/2007 Lê
Xuân Quang Theo https://www.vanchuongviet.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét