Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Thơ ca là gì

Thơ ca là gì?

1. Khái niệm:
Thơ hay thơ ca hoặc thi ca, là một loại sản phẩm của sáng nghệ thuật ngôn từ theo những cách thức nhất định dựa trên quy luật hài hòa về vần điệu, âm điệu. Thơ có đặc điểm ngắn gọn, súc tích, cô đọng và hàm súc, có thể tạo nên cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc, người nghe.
 “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”  (Từ điển thuật ngữ văn học).
Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người, thuộc phương thức trữ tình, thơ lấy điểm tựa là sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim sĩ trước cuộc đời. Cảm xúc đóng vai trò quyết định, là nguồn cội của mọi sáng tạo nghệ thuật.
Một bài văn cũng có thể là một bài thơ nếu sự chọn lọc các từ trong đó súc tích và gây cảm xúc cho người đọc một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, một bài thơ thường còn mang tính vần giữa câu nọ với câu kia và tổ hợp của các câu gây ra âm hưởng nhạc tính trong bài. Thơ thường dùng như hình thức biểu tả cảm xúc trữ tình, hoặc tình cảm xúc động trước hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, như khi người ta đứng trước phong cảnh ngoạn mục, hoặc đứng trước thảm cảnh. Sự tương tác giữa tình cảm con người và hoàn cảnh tạo nên những cảm nghĩ mà người ta muốn bày tỏ với một phong độ chắt lọc, tinh khiết, không rườm rà, song có mức thông tin cao, đột phát, nhưng cô đọng và khúc chiết
Có thể coi thơ là một hình thức sáng tác văn học đầu tiên của loài người. Chính vì vậy mà có một thời gian rất, dài thuật ngữ thơ được dùng chỉ chung cho văn học. Thơ có lịch sử lâu đời như thế nhưng để tìm một định nghĩa thể hiện hết đặc trưng bản chất của nó cho việc nghiên cứu thơ ngày nay thì thật không dễ.
Cách đây khoảng 1500 năm, trong cuốn Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp đã đề cập đến ba phương diện cơ bản cấu thành nên một bài thơ là tình cảm, ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn) và âm thanh (thanh văn). Kế thừa quan niệm của Lưu Hiệp, đến đời Đường, Bạch Cư Dị đã nêu lên các yếu tố then chốt tạo thành điều kiện tồn tại của thơ: “Cái cảm hóa được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa.
Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa”. Quan niệm này không chỉ dừng lại ở việc nêu lên các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa chúng, giống như gốc rễ, mầm lá, hoa, quả gắn liền với nhau trong một thể thống nhất hoàn chỉnh và sống động. Đây có thể coi là quan niệm về thơ toàn diện và sâu sắc nhất trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa.
Trong tiểu luận “Thơ là gì”, Jacobson viết: “Nhưng tính thơ được biểu hiện ra như thế nào? Theo cái cách từ ngữ được cảm nhận như là từ ngữ chứ không phải như vật thay thế đơn giản của đối tượng được chỉ định, theo cách những từ, những cú pháp, những ngữ nghĩa của chúng, hình thức bên trong và bên ngoài của chúng không phải là các dấu hiệu vô hồn của hiện thực mà còn có trọng lượng riêng, giá trị riêng”. “Chức năng thi ca đem nguyên lý tương đương của trục tuyển lựa chiếu lên trục kết hợp”. Jacobson nhấn mạnh ý nghĩa của đối tượng gọi tên và ý nghĩa ngữ pháp nảy sinh từ những mối quan hệ giữa các thành tố cấu trúc có tính chất khép kín của văn bản. Điều đó cũng có nghĩa là khái niệm ý nghĩa được hiểu một cách hạn hẹp. Bởi trong thực tế, như ta thấy, ý nghĩa của thơ nhiều khi đã vượt ra ngoài giới hạn của văn bản.
Lý giải về bản chất của thơ, các tác giả nhóm Xuân thu nhã tập cho rằng: “Thơ là một cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu”. Còn nhà thơ Tố Hữu thì quan niệm: “Thơ là cái nhụy của cuộc sống”. Dưới cái nhìn cấu trúc, nhà nghiên cứu Phan Ngọc định nghĩa: “Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và suy nghĩ do chính hình thức ngôn ngữ này”. Định nghĩa này của giáo sư Phan Ngọc đã kế thừa được những khám phá quan trọng về thơ của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các trường phái khác nhau của Tây Âu trong mấy chục năm qua. Đặc biệt, đã gợi ra một trường nghiên cứu thơ hết sức rộng rãi: thơ không chỉ là hiện tượng ngôn ngữ học thuần túy mà chủ yếu là hiện tượng giao tiếp nghệ thuật, một phát ngôn trong ý nghĩa đầy đủ của từ này.
2. Đặc trưng của thơ ca:
Cũng như văn học, thơ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Nhưng hình tượng trong thơ không phải được xây dựng nên từ óc quan sát, chiều sâu nhận thức, tư duy lôgic của lý trí mà nó gắn với cảm xúc, với tâm hồn. Thơ sinh ra từ tình cảm: “Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim” (Đuybray).
Một tác phẩm thơ đích thực có giá trị phải đạt đến đỉnh cao cả nội dung lẫn hỉnh thức: cả lời (ngôn từ, hình thức nghệ thuật), cả tư tưởng, cảm xúc phải đạt đến độ chín muồi, đẹp đẽ nhất, mãnh liệt nhất (chín đỏ). Xuân Diệu cho rằng: “Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc”
Như vậy, một tác phẩm thơ hay yêu cầu:
+ Lời thơ phải đẹp (giàu hình ảnh, tinh túy, hàm súc, có âm thanh nhịp điệu rõ rệt…)
+ Lời thơ phải chứa đựng cảm xúc mãnh liệt, cao đẹp, những suy ngẫm sâu sắc về con người cuộc đời.
+ Những lời đẹp đẽ ấy chính là sự thăng hoa cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ trước cuộc đời. Ngược lại, cảm xúc mãnh liệt, suy ngẫm sâu sắc phải được thể hiện qua lời đẹp. “Tài gia tình chi phát” (tài do tình mà ra). Chỉ khi cái đẹp của ngôn từ của hình thức nghệ thuật chứa đựng, thể hiện cảm xúc, suy ngẫm mãnh liệt sâu sắc của nhà thơ trước cuộc sống thì mới có thơ đích thực - thơ hay.
3. Tình cảm trong thơ:
Phải chăng, từ bao giờ người ta luôn bằng lòng với việc quan niệm: thi sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp và chỉ đi tìm cái đẹp? Thơ luôn bắt nguồn từ một men say, một tia chớp lóe sáng, một mạch nước ngầm âm ỉ từ bao giờ? Vì thế thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng từng tự nhận xét “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi mất trí. Tôi phát điên”. Với ai kia, thơ tôn sùng nghệ thuật trong sự thăng hoa của cảm xúc. Với ai kia, thơ là sự say đắm trong một thế giới vô thức - thế giới của thi sĩ.
Sinh ra từ tâm hồn và trái tim con người, thơ đã trở thành tri âm của nhân loại từ bao thế kỷ qua. Thơ là một phần của thế giới nội tâm, của đời sống tâm linh con người. Yêu thơ và coi thơ như người bạn tri kỷ của mình, người ta đã tìm cho thơ nhiều cách lý giải, định nghĩa. Ai đó đã từng coi thơ là “rượu của quỷ sa tăng”, “thơ là địa hạt huyền bí và thần thánh”. Cũng có người cho rằng “thơ là lửa”, “thơ là sự sung mãn của tình cảm mãnh liệt” (Ban zắc)
Nói đến Thơ, người đọc không quên thơ là cảm xúc, là tâm hồn. Trong thơ, “tình là gốc” (Bạch Cư Dị), thơ phải sinh ra từ sự thôi thúc mạnh mẽ của tâm hồn. Đồng thời, cảm xúc trong thơ ở dạng tính chất chọn lọc. Ngôn ngữ thơ hàm súc và đa nghĩa. “Thơ là rượu của thế gian” (Huy Trực). Thơ thăng hoa và xuất thần từ đống tài liệu thực tế, như một thanh kim loại sáng bóng được gạn ra từ hàng tấn quặng ủ trong lòng đất bao nhiêu tháng năm…
Cây không thể thiếu gốc, thơ ca cũng không thể thiếu được cốt tủy của riêng mình. Người cho thơ cái gốc cũng như kẻ đang ươm mầm hạt giống của sự sống, cần phải có tâm hồn dạt dào, trù phú để thơ đâm chồi, bám rễ. Thơ ca là sản phẩm của cảm xúc con người, chính vì thế mà tâm hồn người viết có trong, có sáng, có phong phú dạt dào thì mới tạo nên được những bài thơ hay. Tâm hồn con người ta không đơn thuần chỉ là những cảm xúc yêu, ghét, giận hờn, nó còn là cảm quan, cách đánh giá và cái nhìn của mỗi người vào cuộc sống này.
Đặc biệt hơn nữa đối với người nghệ sĩ, đó còn là nơi khởi sự, xuất phát của mỗi tác phẩm mà mình viết ra, là nền tảng để tạo nên cái gốc vững chắc cho một tác phẩm nghệ thuật của mình. Khởi sự từ tâm hồn cũng đồng thời là nơi soi chiếu và phản ánh tâm hồn nghệ sĩ đến với người đọc, thơ ca đòi hỏi một nền tảng vững chắc bắt rễ từ cảm xúc chân thực, khách quan nhất của người làm thơ.
Người làm thơ không phải chỉ để cho mình đọc mà là để tìm sự đồng cảm giữa những người tri âm tri ngộ. Vì thế mà những vần thơ có nổi bật, có bay cao, bay xa mới dễ dàng tìm được tri kỷ. Và người làm thơ phải gửi vào đó tầm nhìn cao rộng, để bài thơ vượt qua bước chuyển thời gian, năm tháng để trường tồn và bất tử.
Người làm thơ càng có tầm nhìn bao quát hướng ra sự sống và biết thu hẹp, soi chiếu, chắt lọc điểm nhìn của mình vào những sự kiện nổi bật giữa bộn bề cuộc sống thì tác phẩm nghệ thuật của họ càng có giá trị. Giữa cuộc sống bộn bề, có rất nhiều sự việc diễn ra muôn hình vạn trạng.
Người tầm thường sẽ nhìn tất cả những gì có thể và cố gắng ghi nhớ tất cả. Nhưng thơ ca không cần những thứ hỗn độn, xô bồ như thế. Tầm nhìn để đưa thơ vượt lên phải có sự dịch chuyển, điều chỉnh linh hoạt, biết mở ra khi cần thiết và biết thu hẹp lại để quay cận cảnh, để soi chiếu từng kiếp người. Có như vậy, vần thơ mới trở nên sâu sắc, ý nghĩa và có sức lay động tâm hồn người đọc.
Như Sê - khốp đã nói: “Nhà văn chân chính là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Mỗi tác phẩm thơ, đằng sau ngôn từ, hình ảnh, nội dung đều phải song song tồn tại giá trị hiện thực và nhân đạo thì mới có sức sống lâu dài giữa cuộc sống. Thứ thơ hay bằng lời lẽ nhưng vô cảm, lạnh lẽo chứng tỏ người làm thơ không đặt mình vào trong cuộc sống, để cảm nhận được tất cả cay đắng, ngọt bùi, niềm vui và nước mắt. “Thơ phát sinh từ trong lòng người” (Lê Quý Đôn).
Quy luật của thế giới nội tâm chiếu ứng với những vòng sáng cảm xúc chân thực, điển hình và mãnh liệt dội lên trên câu chữ. Người xưa nói thơ ưa đạm không ưa nồng, nhưng là cái đạm sau khi đã nồng, thơ ưa phát không ưa xảo, nhưng là cái phác sau khi xảo. Bởi vậy, tình sâu là sức đẩy bồn chứa bên trong để tạo hồn cốt cho ngôn từ và cái thần của người làm thơ.
Dòng chảy cuộc đời ngàn năm xưa vẫn thế, chỉ có những rung động sâu xa mới trả lại cho chữ vẻ đẹp mới mẻ, độc đáo như lần đầu. Cái tâm là điểm sáng trung tâm khơi nguồn cho ý thức trong thơ. Phải chú trọng đến quy cách nhưng làm thơ gốc phải là tình cảm (Cao Bá Quát). Sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ chân tâm thực ý thì nhà thơ mới có thể nối liền những tư tưởng cảm xúc của mình trong một từ “thơ” muôn đời. TÂM SÁNG - TÌNH SÂU chính là mạch ngầm gắn kết một trái tim với triệu tâm hồn. Sức đồng cảm quảng đại và mãnh liệt của thơ cũng là ở chỗ đó .
4. Thơ trong mối quan hệ với hiện thực:
Đặc trưng của thơ là gì? Cũng như văn học, thơ ca phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Nhưng hình tượng trong thơ không phải được xây nên từ óc quan sát, chiều sâu nhận thức, tư duy lôgic của lý trí, mà nó gắn với cảm xúc, với tâm hồn.
Thơ sinh ra từ tình cảm. “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim” (Đuybrlay). Đến với thơ, tâm hồn ta phải được chan hòa trong thế giới cảm xúc. Thơ là cơn gió. Tâm hồn ta là mặt nước phẳng lặng và bình yên. Cơn gió thơ có đủ mạnh để làm mặt nước tâm hồn ta xao động, đó mới thực sự là thơ.
Nhưng thơ đâu phải chỉ có thế. Hơn 2000 năm trước, Trang Tử đã có một triết lý rất hay về biển cả: “Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều đi ra từ đó nhưng nó không vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước nhưng nó không đầy”. Văn học cũng như những nguồn nước, đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Hàng ngày, tiếng sóng thủy triều vẫn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường đến với trang thơ. Những sự chuyên chở ấy có bao giờ ngừng nghỉ, cũng như mảnh đất hiện thực có bao giờ vơi đi, khi người nghệ sĩ đến đó để chở nắng gió cuộc đời tưới mát muôn cây. Thơ ca phải gắn mình vào nguồn mạch cuộc sống và nhịp nối giữa thơ với cuộc đời chính là tâm hồn, trí tuệ nhà thơ.
Người, làm thơ, bình thơ xưa và nay đã bộc lộ rất nhiều quan niệm về thơ. Có người cho thơ là “thần hứng” (Platông), là “ngọn lửa thần”, là “cơn điên loạn thần thánh”, “thơ là sự tuôn trào bộc phá những tình cảm mãnh liệt”. Thơ ca không phải thuộc về một cõi huyền nhiệm, mông lung, diệu vợi; thơ ca lại càng không phải là “một thứ nghề chơi”, là trò đùa cảm hứng. Thơ gần gũi và thân thiết biết bao, thơ gắn với cuộc đời ta đang sống, thơ phản ánh cuộc đời theo quy luật văn chương.
Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông bất tận của tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung bao giờ cũng đi ra từ cuộc đời, cũng lớn lên từ hiện thực và rồi từ đó cánh diều nghệ thuật sẽ nhờ gió đời mà cất cánh bay cao. Sẽ “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” (Chế Lan Viên); “sẽ chẳng có thơ khi người làm thơ không tìm được sợi dây giao cảm đối với cuộc đời, không tìm đến những cánh đồng phì nhiêu để từ đấy hạt giống thơ ca được ươm trồng, nảy nở.”
Lục Du đời Tống người đã viết hàng trăm câu thơ, lúc sắp mất đã tâm sự với con, lời tâm sự của một hồn thơ đi trọn cuộc đời mới hiểu cái lẽ “công phu của thơ là ở ngoài thơ”. Sức nặng của những trang thơ chính từ cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia. Nhà thơ phải đến đó để viết lên từ thứ mực được chưng cất từ chính cuộc sống. Gắn với cuộc sống, đấy là đặc trưng thẩm mĩ của văn học, của tác phẩm văn chương mà nhịp nối là nhà văn.
Cuộc sống với những hiện tượng phong phú, phức tạp vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn mạch nuôi dưỡng văn học. Quay lưng lại với cuộc sống, mải mê với chuyện đúc chữ, luyện câu, mọi giá trị văn chương chỉ còn là kỹ xảo.
Cuộc sống mênh mông vô tận sẽ là nơi cung cấp chất liệu cho Thơ. Cuộc sống với hơi thở ấm nóng sẽ tô điểm cho những câu thơ, cho nghệ thuật: “Hãy nhặt lấy chữ đời mà góp nên trang” (Chế Lan Viên). Thơ ca khơi nguồn từ cuộc sống nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc đời, bóng dáng con người. Thơ mang trong mình những buồn vui đau khổ, rạo rực đắm say. Thơ nói riêng và văn chương nói chung sẽ làm nên nhịp cầu nôi trái tim trở về với trái tim, đưa tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu. Thơ ca là cuộc đời nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn bóng hình cuộc sống.
5. Sáng tạo trong thơ ca:
Sáng tạo là kết quả của quá trình dấn thân, nhập cuộc, tích lũy, hun đúc, một tiến trình cọ xát dữ dội. Sáng tạo không có nghĩa là bịa đặt. Sáng tạo nghệ thuật giống như sáng tạo cuộc sống, cần có yếu tố thẩm mỹ, tính chân thực cao, có khả năng tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người đọc.
Bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo, một sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ. Văn chương sẽ ra sao nếu tác phẩm này là bản sao của tác phẩm kia? Nếu mỗi người nghệ sĩ đều bằng lòng với những điều có sẵn? Câu chữ mòn sáo, lời văn đơn điệu, quen nhàm? Ấy là cái chết của nghệ thuật, cái chết của người nghệ sĩ trong mỗi nhà văn. Bởi “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao).
Khi tìm đến yêu cầu sáng tạo đối với nghệ thuật, đã có người băn khoăn tự hỏi: Văn học cùng bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, vậy tại sao không có sự gặp gỡ, trùng lặp? Thật vậy, cuộc đời là lạch ngầm nơi dòng sông văn chương bắt nước. Thế nhưng hiện thực ấy được chảy qua bầu cảm xúc mãnh liệt của mỗi nhà thơ, nhà văn. Mỗi người nghệ sĩ là một tiểu vũ trụ, tác phẩm văn học là sự phản ánh tiểu vũ trụ ấy. Vì vậy, không có những tác phẩm “song sinh” dù tâm hồn anh cùng đồng điệu, tri kỷ với tâm hồn tôi.
Mặt khác, người đọc tìm đến với văn học nói chung, thơ ca nói riêng để đắm mình trong vẻ đẹp của sự sáng tạo. Có ai yêu những áng thơ mòn cũ, quen nhàm; có ai nhớ những vần điệu nhạt nhẽo, sáo rỗng. Không đi theo con đường sáng tạo, nhà thơ sẽ chỉ còn lại một mình giữa sự thờ ơ, quên lãng của người đọc. Như thế, cuộc đời cầm bút của anh trở nên vô nghĩa. Bởi “điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là cái giọng nói riêng của mình”. Yêu cầu về sáng tạo ấy gợi nhắc trong lòng người đọc nỗi nhớ khôn nguôi về những nhà thơ đã dành trọn cuộc đời mình cho văn chương, nghệ thuật.
Chợt nhớ tới chủ nghĩa đề tài một thuở, nhà văn, nhà thơ hát chung khúc hát, không có giọng điệu riêng, ấn tượng riêng. Chính vì vậy, những tác phẩm ấy nhanh chóng ra đi trong cảm nhận của người đọc như một làn gió mỏng manh thoáng qua. Như vậy, mỗi người nghệ sĩ trong quá trình cầm bút cần phải tạo được tiếng nói riêng, âm sắc riêng. Nó đòi hỏi anh phải miệt mài trên con đường sáng tạo, không ngừng nghỉ, không lùi bước. Một âm vang tha thiết, đặc sắc giữa cõi văn chương, ấy là sức sống của anh, là ấn tượng của anh trong lòng người đọc muôn đời.
Văn học là một trong những hình thái nghệ thuật phản ánh đời sống. Nếu các nhà khoa học lấy mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu là nhằm đạt tới chân lý khách quan biểu thị qua những định lý, định luật mang tính khuôn mẫu, là nguyên tắc chung… thì các nhà văn lại phải tìm trong hiện thực cuộc sống bộn bề những vấn đề cá biệt mang tính bản chất và phản ánh vào trong tác phẩm thông qua những hình thức nghệ thuật riêng với quan điểm của riêng mình.
Văn chương không thể được tạo ra theo hình thức sản xuất có tính dây chuyền, không phải là sản xuất hàng loạt. Tác phẩm văn học khi được viết ra bằng ngôn từ nghệ thuật nhất thiết phải thể hiện được cách nhìn về hiện thực riêng, những tìm tòi về nghệ thuật riêng của người nghệ sĩ. Hình ảnh cuộc sống trong tác phẩm là hình ảnh của hiện thực đã đi qua một tâm hồn, một cá thể và dấu ân cá thể in vào trong đó “càng độc đáo càng hay”. Xuân Diệu đã nói: chỉ có những tâm hồn đồng điệu chứ không thể có những con người là phiên bản của nhau. Bởi vậy, sáng tác văn học, một thứ sản xuất “đặc biệt và cá thể” nhất quyết không thể tạo ra những tác phẩm giống nhau như khuôn đúc.
Giọng nói riêng của nhà văn có thể hiểu là một tâm tư tình cảm riêng, một thái độ sống, cách nhìn, cách đánh giá về hiện thực cuộc sống riêng được biểu hiện trong tác phẩm bằng hình thức nghệ thuật phù hợp. Nam Cao từng nói rất thấm thía một điều: “Văn chương không cần đến… sáng tạo những gì chưa có”.
Cuộc sống phong phú muôn màu muôn vẻ luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, chứa nhiều điều bí mật, kỳ diệu cần được khám phá. Bề dày lịch sử văn học thế giới đã được tạo dựng hàng loạt những khám phá riêng ấy. Song điều đó không có nghĩa người nghệ sĩ được phép lùi bước trong sáng tạo. Viên Mai cho rằng: “Làm thơ quý nhất là lật đổ cái án cũ mới hay”. Điều Viên Mai cho rằng “quý nhất” ấy thực chất cần thiết với văn học nói chung, nào phải chỉ riêng thơ ca. Chỉ có điều: với tư cách là loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng phương thức trữ tình, yêu cầu “lật đổ cái án cũ” với thơ ca được đề cao hơn hết thảy.
Người nghệ sĩ phải có một con mắt tinh sắc, một tâm hồn nhạy cảm và một tài năng đã đến độ chín để gửi vào trong tác phẩm giọng nói riêng của mình. Anh có thể học tập, tiếp thu tinh hoa trong tác phẩm của các nhà văn lớp trước nhưng phải trên cơ sở sự sáng tạo. Nói như M. Gorki: “Các anh hãy học tập tất cả những nhà văn có phong cách điêu luyện, nhưng các anh hãy tìm lấy nốt nhạc lời ca cho riêng mình”.
Người nghệ sĩ không được phép lười biếng hay bắt chước mà phải luôn trong tâm thế tìm tòi, sáng tạo. Tất nhiên điều đó không có nghĩa nhà văn được phép tìm tòi theo hướng cực đoan, viết những điều không ai hiểu được.
Để thơ trở thành thơ, để nghệ thuật trở thành nghệ thuật, người làm thơ phải luôn ý thức: sáng tạo cái độc đáo. Không ai đòi hỏi khuôn mẫu cho nghệ thuật, cũng không ai dạy nhà thơ phải phản ánh thế này, xúc động thế kia. Đấy là công việc của nhà làm thơ. “Sáng tác thơ là một việc do cá nhân thi sĩ làm, một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể”. Bởi vì mỗi tâm hồn là một “vương quốc riêng”, mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần riêng của người nghệ sĩ, thật khó tìm thấy sự trùng lặp trong sáng tạo. Bởi vì “tầm thường là cái chết của nghệ thuật”, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của thơ ca. Độc đáo luôn là yêu cầu muôn đời của văn chương nghệ thuật.
6. Để sáng tạo và lưu giữ một bài thơ hay:
Đối với nhà văn: Để sáng tạo nên những vần thơ đích thực, để vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật chân chính, người nghệ sĩ không những phải có tài mà cần phải có tâm, có tình cảm mãnh liệt, sống hết mình với cuộc đời, biết xúc động nhạy cảm trước mọi niềm vui nỗi buồn của con người. Đồng thời, nhà văn cũng phải biết làm lây lan tình cảm, gửi đến bạn đọc những thông điệp sâu sắc qua các phương tiện, hình thức nghệ thuật đẹp đẽ.
Đối với người đọc, để đánh giá một tác phẩm, không chỉ chú ý đến hình thức ngôn từ mà phải khám phá ra chiều sâu tư tưởng, tình cảm mãnh liệt mà tác giả gửi gắm. Đối với lịch sử văn học, để đánh giá giá trị một tác phẩm thơ ca đích thực phải xem xét tác phẩm có sự hài hòa giữa nội dung và hình thức.
Theo https://theki.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...