Người thắp ngọn đèn đứng gác - Đã nhắm mắt rồi!
Tôi đã định viết về nhà thơ Chính Hữu, nhưng rồi cứ lần nữa
mãi. Đột nhiên chiều nay (28.11.2007) đọc được tin Chính Hữu đã ra
đi vào cõi vĩnh hằng. Một cảm giác tiếc nuối trong lòng. Chính Hữu là
nhà thơ để lại trong tôi kỷ niệm khó quên. Ông viết ít hơn các nhà thơ cùng
thời nhưng lại được người yêu thơ nhớ tên và dành cho ông sự ngưỡng mộ sâu sắc,
nhất là tầng lớp sinh viên, học sinh. Nếu kể tên những thi phẩm nổi tiếng của
Chính Hữu, chắc chắn nhiều người đều thống nhất: Đồng Chí và Ngọn
Đèn Đứng Gác (NĐĐG).
Đồng chí được tác giả viết từ hồi kháng chiến chống
Pháp, bài thơ được phổ nhạc nhưng phải vài chục năm - sau 1975 - ca khúc Đồng
Chí mới được người yêu nhạc rộng rãi - biết đến. Ngọn Đèn Đứng Gác Chính
Hữu viết trong chiến tranh chống không quân của Hoa Kỳ (khoảng năm
1965 - 1967). Tôi có một kỷ niệm khó quên về bài thơ NĐĐG - có thể
nói là một cơ may mà Ngọn đèn đứng gác giành cho, đã cứu tôi thoát hiểm: Cuối năm 1967, cơ quan cho đi học. Tôi thu xếp công việc rồi
lên đường. Dạo đó máy bay Mĩ ném bom, đánh phá vùng Mỏ ác liệt trên suốt chặng
đường dài hơn 30 cây số từ Cửa Ông đến Bãi Cháy - Hồng Gai. Lường trước gay
go, từ Cẩm Phả, khởi hành lúc sáng sớm, để đi vòng qua đường 18b (tránh nhà
máy điện cọc 5 và thị xã Hồng Gai). Thế mà vẫn bị máy bay Mỹ đánh phá cầu
trên đường 18b, phải tránh, trú... mãi 10 giờ đêm mới đến ngã ba Yên Lập (nơi
giao nhau của 2 quốc lộ số 10 và 18) - để đến tập trung ở Quế Võ - Hà Bắc. Trời tháng chín, mới vào đông, đầu tuần trăng - tối như
bưng. Đang lưỡng lự tìm cách đạp nhanh hi vọng vượt qua thị xã Uông Bí để đến
Đông Triều trước 12 giờ khuya. Thấy bên đường còn le lói ánh đèn.
Phần thì mệt, phần khác lúc ra ngã ba Giếng Đáy, loáng thoáng nghe nói nhà
máy điện Uông Bí vừa bị đánh phá thiệt hại rất nặng. Tôi quyết định vào hỏi
thăm. Đến gần, nhận ra đây là chiếc chòi gác. Ngoài cửa treo chiếc đèn Chai,
trùm bên ngoài là một chiếc chụp kín vuông bốn cạnh - giống chiếc đèn của người
gác đường sắt. Ở hai hướng ngược nhau, mặt kính của chụp đèn được sơn hai mầu
Xanh - Đỏ. Mầu xanh - báo hiệu vùng đất yên bình, an toàn. Mầu đỏ cảnh báo bắt
đầu vào vùng nguy hiểm. (nhìn thấy mặt kính đỏ hướng về phía mình). Chưa kịp
lên tiếng, từ trong chòi gác một bóng người đi ra, cất tiếng hỏi: Đồng chí định
đi đâu? Không để cho tôi trả lời, người kia tiếp: Yêu cầu quay lại. Đường này
đã bị máy bay địch đánh phá tắc nghẽn... - Thưa... tôi cần phải đi ngay vì... - Không thể, làm gì còn đường mà đi.
Thấy tôi sững sờ, người kia hạ giọng: Vào đây tôi nói cho
biết. Giọng rất thân tình nhưng toát lên vẻ cương quyết. Thời chiến, lại là lời
của người có trách nhiệm, tôi miễn cưỡng đi vào. Dưới ánh đèn tù mù, xanh
lét, nhìn thấy người đàn ông trung niên, gầy gò, so vai - trông như người
nghiện - trạc trên dưới 40 tuổi. Điều đập vào mắt: Anh bị thọt - tôi nghĩ
ngay và đoán - chắc anh là thương binh thời chống Pháp. Không gian chiếc chòi rộng chừng 3, 4 mét vuông. Chủ kéo
chiếc ghế ngựa từ trong gầm giường cá nhân mời khách ngồi, đoạn lôi tiếp từ gầm
bàn ra chiếc ấm tích, rót đưa cho khách một bát. Khi tôi nhận bát nước nóng hổi,
tỏa mùi vối cay cay, thơm lừng, anh tiếp: Làm hớp nước vối nóng
cho ấm bụng đã. Hớp ngụm, nhưng lòng nóng ran không phải vì nước nóng mà vì
sự lo lắng nên vội vàng giải thích: Thưa đồng chí, ngày kia tôi phải nhập học,
nếu hôm nay không đi, đến chậm sẽ lỡ buổi khai trường... Có còn cách nào khác
để đi không. Hay là đi vòng tránh Uông Bí? - Không. Tôi đã nói rồi. Đến đây ’’Người thương
binh’’ dừng lại, chậm rãi nhồi thuốc vào nõ điếu, bật lửa. Khách không kìm được nôn nóng, bật ra: Vì sao cơ? - Vì không có đường đi - người kia nuốt khói thuốc, chững lại
đoạn tiếp: Đường 18 đi qua thị xã Uông Bí đã bị cày xới biến thành ao hồ. Điều
quan trọng: Cầu vào thị xã đã bị bom đánh xập, sông ở đoạn này rộng, sâu. Còn
đi vòng ư? Lại càng không được vì nếu muốn, phải về Núi Đèo (Thủy nguyên), ra
đường 5 rồi về Hải Dương sang Nam Sách về Phả Lại. Mua đường, xa gấp ba! - Thế không có đường đi vòng gần hơn à? - Có, đi qua đập tràn rồi xuyên qua đường nội bộ ra phía của
Bắc. Nhưng gay nhất, sau khi qua đập tràn, con đường nội bộ của nhà
máy cũng đã bị hủy hoại. Trời tối như thế này, cậu - anh đổi cách xưng hô -
làm sao tìm được lối ra khỏi bãi bom, ngay một mình vượt qua đoạn này cũng
khó huống hồ còn xe đạp và lỉnh kỉnh đồ dùng... mà - anh ngừng lại như lấy
hơi, tôi im lặng nghe chăm chú, anh tiếp: Lạc vào bãi này rất nguy hiểm. Vẫn
còn bom nổ chậm, bom hẹn giờ, bom từ trường, cả bom bi và nếu không ra kịp tước
8 giờ sáng mai thì nguy... - Thế... thế - tôi hoảng hốt không diễn tả tiếp được ý
nghĩ, chỉ ấp úng... đột nhiên anh nổi cơn ho khan, dài. Tôi không chú ý vì
đang mãi suy nghĩ tìm cách vượt bãi bom... Khi dứt cơn ho, anh nhìn thẳng vào
tôi, bảo: Tốt nhất cậu hãy ngủ lại đây. Sáng sớm mai vượt đập tràn. Phải đi
nhanh trong vòng 30 phút trước khi bọn ’’Quạ sắt’’ tới quẳng thần chết xuống.
Chúng đang quyết tâm hủy diệt nhà máy điện. - Nhưng nghỉ ở đâu? Chả lẽ lại chiếm chỗ nằm của anh trong
chòi này? - Yên trí. 15 phút nửa tôi thay ca, cậu về nhà tôi nghỉ tạm,
nhà cũng gần đây thôi. Anh dứt lời lại nổi cơn ho rũ rượi. Tôi nhìn anh lúng
túng suy nghĩ xem có thể giúp được gì... có thể anh lạnh vì chỉ mặc phong
phanh một chiếc áo sơ mi, chiếc vỏ áo bông xanh cũ, bạc mầu vẩn vắt trên
thành giường, tôi tiến đến cầm áo đưa - anh nhận, cùng lúc nhớ ra: Dầu Cao Hổ
nóng sẽ chữa ho khá hữu hiệu, vội lục ba lô đưa cho anh hộp cao còn mới
nguyên mà Mẹ chuẩn bị cho trước lúc lên đường rời Mỏ, bảo: Em biếu anh để chống
rét, xoa vào họng sẽ hết ho. Em còn hộp nữa... ’’Anh Thương Binh’’ nhận, ngước
mắt nhìn tôi đầy vẻ biết ơn. Ngoài cửa vang lên tiếng hỏi: Xe của ai đây, hả đồng chí Dậu?
Tiếng nói dứt xuất hiện một ông già cao gầy, đầu tóc bạc
phơ. Dậu đã ngừng ho đứng dậy, đáp: Của chú này. Cậu ta muốn vượt bãi bom,
tôi không cho đi... bác chú ý: đừng cho bất cứ ai đi qua thị xã vào lúc này
nhé. Tôi đưa cậu ta về nhà nghỉ qua đêm, sáng mai cậu ấy phải đến trường nhập
học. - Đồng chí yên tâm. Tôi sẽ làm theo đúng mệnh lệnh. Ông già giở sổ trực ban, ghi... rồi quay sang tôi, nheo mắt, hỏi: Chú làm gì mà vội
đi thế. May mà thủ trưởng đã kịp giữ lại... nếu không sẽ phải loay hoay trong
khu vực này đến sáng may ra mới ra khỏi. Mà đến sáng thì... thôi, về nghỉ đi,
sáng mai qua bãi bom sẽ rõ tất cả. Anh Dậu không để cho tôi mè nheo, con cà con kê - lôi đi. Chúng tôi đi trong bóng đêm. Hơn nửa giờ sau tới ngôi nhà nằm
ven sườn đồi. Anh thắp đèn. Đặt trong chiếc chụp làm bằng mo cau để ngăn
ánh sáng. Căn nhà tồi tàn, trống huếch trống hoác. Như đoàn được ý khách, Dậu
giải thích: - Nhà mình và hai cháu sơ tán về quê. Tớ ở một mình để dễ
xoay sở. Để tớ làm chút gì ăn cho ấm bụng đã. Dứt lời anh đi xuống bếp, mươi
phút sau bưng lên rá khoai lang luộc vẫn còn âm ấm, tôi cũng mở túi lấy ra
gói xôi lạc, gói muối vừng mẹ chuẩn bị cho đủ ăn đường trong hai ngày. Xôi lạc,
khoai lang luộc chấm muối vừng rồi uống nước vối đặc - thật hợp khẩu vị. Hai
anh em ăn mỗi thứ hết một nửa, anh Dậu gói nắm xôi lại cùng mấy cũ khoai lang
bảo tôi bỏ vào bọc để ngày mai ăn đường. Hai anh em tranh thủ đi ngủ. Cả ngày luồn lách, tránh né... bây giờ mệt, đặt lưng là ngủ
ngay. Đang mơ màng, thấy có người lay động, tôi mở choàng mắt:
Ngoài trời đã mờ sáng! Vùng dậy ra giếng đánh răng rửa mặt, xong trở vào, thấy
anh Dậu đang ngồi chờ bên bàn, hối thúc: Cậu lên đường ngay! Làm sao phải vượt
qua đập tràn rồi cứ chiếu theo cột ống khói - hướng cổng ra - vượt đoạn đường
nội bộ này rồi đạp nhanh, thoát khỏi địa phận thị xã Uông Bí càng nhanh càng
tốt. - Mà này, cậu mang nhiều thế kia sẽ mệt. Tốt nhất: Gói gọn
vào chiếc ba lô đeo lên vai. Khi cần còn phải vác cả xe và... chạy cho nhanh.
Cái gì không cần thiết vứt bỏ kẻo lùng nhùng với những thứ này, máy bay đến
không xử lí kịp sẽ rất nguy hiểm. Nghe lời Dậu, tôi vất lại những cuốn tiểu thuyết, tập thơ,
bếp dầu, can dầu... chỉ mang quần áo, một nắm xôi chống đói còn bỏ lại có dễ
gần chục ký. Thây vây Dậu ái ngại: Cậu thông cảm... tôi không có ý... - Ôi anh! Em hiểu! - Thế thì lên đường đi. Theo quy luật đánh phá mấy hôm nay:
Cứ khoảng từ 7 đến 8 giờ sáng, bọn nó từ ngoài biển lao vào. Giờ này không ai
dám lảng vảng quanh thị xã. Tôi xiết chặt tay người thương binh. Anh Dậu ôm lấy tôi, vỗ
vào lưng như người anh chia tay đứa em. Mấy chục giây sau, anh buông ra thúc
tôi lên đường. Tôi không ý thức được cuộc chia tay với người bạn mới quen
nhau có một đêm, mà sau này tôi còn có dịp kể lại về con người... về Ngọn
Đèn Đứng Gác ở ngả ba Yên Lập này... Nhưng đó là sáu năm sau. Còn bây giờ: Sau khi đã bố trí, nai nịt lại, tôi thấy gọn
nhẹ, đạp thoải mái. Chỉ 10 phút đạp xe, tới đập tràn của nhà máy nhiệt điện
Uông Bí. Đập không bị hư hỏng nặng nên chỉ một loáng đã tới bờ bên kia. Khi dắt
xe lên mép đường. Tôi giật thót người: Trước mắt, không có dấu vết gì của con
đường, hay khung cảnh của một nhà máy điện, mà chỉ còn các hố bom, miệng rộng
chừng vài ba chục mét. Hai bên các đụn đất do bom nổ gom lại, nhô cao che mất
tầm nhìn. Ở cạnh mép các hố bom những mảng tường Bê tông đổ nghiêng ngả, vỡ
toang hoác. Nhớ lời Dậu, tôi vác chiếc Sputnhich lên vai, men theo các hố
bom, chiếu thẳng cột ống khói mà đi - hay nói đúng hơn là chạy. Mép hố bom có
các đụn đất thịt, trơn ướt làm tôi mấy lần ngã dụi nhưng lại nhanh chóng gượng
dậy và lao... lao... Trời sáng dần... Có lẽ khoảng hơn 7 giờ... Một cơn gió thoảng, khiến tôi rùng mình: Mùi khét của cao
su cháy, mùi hôi thối do các thi thể của các chiến sĩ, công nhân của nhà máy
bị bom, hi sinh từ mấy hôm nay, chưa được khai quật - bắt đầu phân hủy, tỏa
lan. Bây giờ mới thấm lời của ông già lúc thay gác cho Dậu - cảnh báo. Đột
nhiên các thứ mùi và sự ghê tởm, sự khiếp sợ biến bay, chỉ còn lòng quyết tâm
đi, chạy thoát vùng đất tử thần này... Tôi ghé vai vác chiếc xe đạp nặng chừng
hơn hai chục kí và chiếc ba lô hơn chục cân - chạy băng băng... ra khỏi vùng
bãi bom, đã có đường, tôi đạp xe như một tay đua xe đạp thực thụ trên chiếc
xe đua của Liên Xô ở đoạn nước rút... Chợt như có gì tông mạnh vào lưng, tôi cùng chiếc xe lao
vào vệ đường ngã dúị. Cùng lúc tiếng nổ vang lên. Ngoảnh lại phía sau - chỉ cách
nơi tôi ngã chừng mấy trăm mét: Nhà máy điện Uông Bí ngập chìm trong khói bom
và tai tôi ù đi vì tiếng nổ liên hồi - như có cả một dàn trống đặt cạnh tai
do nhiều người cùng gõ... Đã có kinh nghiệm, chờ cho lượt bom dứt, tôi nhỏm dậy,
dắt xe và đạp... đạp... cho tới khi cách xa thị xã Uông bí hơn cây số mới yên
lòng. Lúc này lời nói của ông già bên ngọn đèn dầu cảnh báo lại vang lên, rồi
liên tưởng, nhớ lại khoảnh khắc tối qua: Nếu tôi không nhìn thấy ngọn đèn dầu
treo ở chiếc chòi gác của dân quân làng Yên Lập mà vào... nếu tôi không được
anh thương binh Dậu tốt bụng cho ngủ đêm... thì đến giờ sự thể sẽ ra sao? Ôi! ngọn đèn dầu hỏa trong đêm khuya, thời chiến tranh chống
không lực Hoa Kỳ - mới tuyệt diệu làm sao. Nơi nào giàu thì dùng đèn bão. Nới
nghèo - nông thôn - thì đèn tự tạo: Phao dầu làm bằng chai hay lọ mực Cửu
long, bóng đèn làm bàng cái chai ¾ lít, cắt đáy và cắt cổ, chụp bên ngoài để
ngọn lửa khỏi tắt dù mưa gió hay giông bão đèn dầu vẫn soi đường cho con người
trong đêm thâu... Tôi đến trường an toàn, nhập học đúng hạn. Vào cuối học kỳ, một buổi trưa, sang nhà mấy cậu học giỏi hỏi
bài. Thấy có 5 người - 1 nữ, 4 nam - vây quanh chiếc Radio tự lắp, đặt trên
chiếc bàn đóng ghép bằng tre . Họ đang học hát theo hướng dẫn của phát thanh
viên đài TNVN. Tôi ghé vào va cùng học theo: Đó là bài Ngọn Đèn Đứng Gác do
nhạc sĩ Hoàng Hiệp lấy hầu như trọn vẹn bài thơ của Chính Hữu làm lời cho bài
ca khúc của mình. Chúng tôi học say sưa và thuộc ngay. Tổng kết học kỳ nhóm
văn nghệ lấy ngay ca khúc NĐĐG làm tiết mục trình diễn. Hết học kỳ I, đầu năm 1968, vào học kỳ 2, chúng tôi được tập
trung ở thôn Quế Ổ học quân sự 1 tháng. Thầy giáo phụ trách khóa học là Đại
Úy Bắc Việt - Trưởng phòng Quân sự của trường. Theo thông lệ, kết thúc khóa
học, buổi chiều, lớp mở liên hoan (cả lớp góp tiền mua con chó giết thịt và
rượu ngang loại ngon do dân trong làng - nấu). Đêm - tổ chức văn nghệ Cây nhà
lá vườn - ở trong Hội trường của Hợp Tác Xã. Gần 100 sinh viên và mấy trăm
dân làng tập trung dưới ánh đèn Măng sông nghe Sinh viên và thầy giáo biểu diễn.
Đại úy Bắc Việt cao, gầy, cầm cây Guitar vừa đàn vừa hát Giọng ông
cao, vang xa... nghe nói trước đây ông là ca sĩ trong đoàn văn công Tổng Cục
Chính Trị...Tại buổi liên hoan văn nghệ, lần đầu tiên tôi được nghe Đại úy
trình diễn những ca khúc nổi tiếng thời tiền chiến... ông hát Ngọn Đèn Đứng
Gác theo một phong cách đặc biệt: Hát nhưng có đoạn như đọc, giãi bày -
thơ... một cách trình diễn mà chúng tôi cho rằng chỉ có Đại úy - Ca sĩ - Bắc
Việt mới tạo được phong cách này. Chúng tôi đề nghị ông hát NĐĐG tới 4, 5 lần...
ông vui vẻ đáp ứng. Bởi vì những ca khúc của Hoàng Hiệp thường lấy Thơ phổ
thành lời ca. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp sau khi phổ bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn
Tây của Phạm Tiến Duật giờ đến lượt Ngọc Đèn Đứng Gác, dư luận tuổi trẻ đã
tôn vinh Hoàng Hiệp là ’’Vua phổ thơ’’. Trong nhạc của Hoàng Hiệp có Thơ, còn
Thơ của Chính Hữu, của Phạm Tiến Duật đã được Nhạc của Hoàng Hiệp nâng, tôn -
lên, tạo cảm xúc rạt rào làm lay động lòng người!. Đêm đó, dù đã gần 40 năm
trôi qua (2.1968 - 12.2007), nhưng Ngọn Đèn Đứng Gác vẫn đọng lại
trong tôi, có lẽ chẳng bao giờ phai... Phải nói lại hồi kết của câu chuyện NĐĐG này: Trước tết năm 1973 - Hiệp định Paris được ký kết,
tôi kết thúc khóa học, tranh thủ về thăm nhà trước khi đi nhận công tác mới.
Thời kỳ đó phương tiện giao thông chính là chiếc xe đạp vì từ Gia Lương về Cẩm
Phả không có tàu xe. Đạp xe qua thị xã Uông Bí tới ngả ba Yên Lập, tôi quyết
định ghé vào thăm anh Dậu - người anh, người bạn một đêm của tôi - sáu năm trước.
Không còn nhớ ngôi nhà anh ở đâu vì đêm đó trời tối, đành ghé vào khu vườn,
nơi họ đã từng đặt trạm gác. Gặp mấy người hỏi, không ai biết Dậu, rất may gặp
một người cùng trong trung đội dân quân khi xưa. Anh Dũng cho biết: Anh Dậu
đã hy sinh năm 1970, (sau khi tôi đi được ba năm). Vào một đêm, khi anh làm
nhiệm vụ trực, máy bay Mỹ đã phát hiện mục tiêu qua ánh sáng của ngọn đèn dầu
(dù đã được ngụy trang rất kín)… chúng bắn, rốc két nổ ngay bên cạnh chòi
gác. Dậu đã đã hy sinh - Dũng buồn rầu kể lại. - Vậy mồ anh ấy chôn ở đâu? - tôi hỏi. Dũng dẫn tôi tới ngôi mộ nằm ở khu ruộng cách ngả ba Yên Lập
không xa. Nấm mồ trông hoang dại, đất đắp thấp, vài cây Sim lòe tòe. Anh
Dũng chỉ ngò đất, buồn rầu: Đây là ngôi mộ của Dậu. Trong quan tài chỉ có mấy
mảnh thi thể. Quả tên lửa nổ gần đã khiến anh ấy không còn toàn vẹn… Tôi tiến tới, quỳ, phủ phục xuống ngôi mô vái nhiều vái.
Dòng nước mắt trào đẫm trên má. Hình ảnh của đêm xưa lại hiện ra: Ngọn đèn
chai… trạm gác… bát nước vối nóng hổi… củ khoai lang luộc và những lời ân cần
dặn dò tôi trước lúc chia tay. Tôi thầm thì: Anh Dậu ơi! Em đã về đây… Lúc ấy
- đột nhiên trong tôi vang lên tiếng hát của Đại úy Bắc Việt: Trên đường ta đi đánh giặc Dù về Nam hay ta lên Bắc Ở đâu cũng gặp Những ngọn đèn dầu chong mắt suốt đêm thâu… Vâng, giờ thì ngọn đèn - đã tắt, người thắp ngọn đèn và cả
người đứng gác cũng đã nhắm mắt rồi… 28/11/2007 Lê Xuân Quang Theo https://www.vanchuongviet.org/ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét