Chúng ta cùng nhau đọc lại một trong hai bài thơ nổi tiếng
kia:
TƠ TRỜI VỚI TƠ LÒNG
Còn nhớ hôm xưa độ tháng này
Cánh đồng xao xác lá đùa cây
Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm
Một đoạn tơ trời lững thững bay
Tơ trời theo gió vướng mình ta
Mỗi khắc bên nàng nhẹ bỏ qua
Nghiêng nón nàng cười, đôi má thắm
Ta nhìn vơ vẩn áng mây xa
Tìm dấu hôm xưa giữa cánh đồng
Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông
Tơ trời lơ lửng vươn mình uốn
Để nối duyên mình với... cõi không.
(Phong Hóa)
Nếu trên Thi đàn, Thanh Tịnh đã gặt hái được thành công, thì
trong Văn chương ông cũng là nhà văn được dư luận đánh giá cao, có vị trí trong
lòng người đọc. Ngoài viết Khảo luận, Văn hóa, Thanh Tịnh có tập thơ Hận Chiến
Trường, 5 tập truyện sáng tác hồi 1936 - 1941 và 2 tập thơ, 1 tập truyện xuất bản
hồi 1954 - 1980. Trong các sáng tác của Thanh Tịnh, đáng chú ý tập Quê Mẹ. Tôi
còn nhớ một đoạn văn trích trong đó, tin rằng lớp học sinh tiểu học thời ấy -
bây giờ đã lên ông, lên bà, lên Cụ - khó ai quên: ’’Buổi mai hôm ấy, một buổi
mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ âu yếm dắt tay tôi đi trên đường... tới trường...’’. Các
bạn có đồng ý không: Hầu như đưa con lần đầu tiên đến trường là các Mẹ. Dù
là bé trai hay bé gái, chúng đều muốn được Mẹ dắt tay đưa tới nơi mà chúng e ngại
vì lạ lẫm. Dường như lúc này, Mẹ là điểm tựa vững chắc của bé.
Tôi cũng có cảm giác như vậy: Mẹ tôi là người đàn bà thôn quê
nhưng rất đẹp, cái đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt cổ: Mặt trái soan, tóc
xanh, mắt đen huyền, ’’Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au’’ (1) - nghĩa là đầy đủ tố
chất của người đàn bà đẹp. Sau này, lớn lên, được đọc một bài khảo cứu về nhân
chủng học (tôi không còn nhớ tên tác giả) - viết rằng: Đặc trưng của người Việt
cổ có một điểm rất dẽ nhận: Ngón chân cái toãi ra, người ta gọi đó là ’’Bàn
chân Giao Chỉ’’. Mẹ tôi có bàn chân như thế. Đến độ: Nếu có tiền mua giày, Người
cũng không thể đi được, gần cả cuộc đời đi chân đất. Về già, chúng tôi sắm cho
Người đôi dép... thửa riêng. Mẹ không biết chữ, chỉ được bố dậy một chữ ký,
thay vì phải điểm chỉ.
Buổi sáng, hôm mẹ đưa tôi tới lớp nhờ thầy dậy dỗ - đúng là
’’đầy sương thu và gió lạnh’’, vì đó là cuối thu, vào đông. Đến giờ - đã gần 60
năm trôi qua - tôi vẫn nhớ rõ buổi mai hôm ấy... Thanh Tịnh đã ghi lại hộ lũ trẻ
ở thôn quê giờ phút thiêng liêng - lần đầu đến lớp học - bằng đoạn văn ‘’xuất
thần’’, kia.
Hình ảnh về Mẹ làm tôi nhớ rõ nhất: Người nhuộm răng đen, mỗi
khi cười hàm răng đen nhánh như chùm những hạt (quả) na - đúng như Lưu Trọng Lư
viết về hình ảnh mẹ mình trong bài thơ Nắng Mới - nổi tiếng một thời:
NẮNG MỚI
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao sác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập trùng sống lại những ngày không
Tôi nhớ Mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới gieo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi
Hình ảnh Mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong buổi trưa hè trước dậu thưa’’.
Phong trào cách mạng mùa thu năm 1945 dâng cao. Cũng như nhiều
thanh niên đương thời, Thanh Tịnh tham gia cướp chính quyền ở Huế. Toàn quốc
kháng chiến (1946), ông bỏ lại tất cả - Huế thương, gia đình, vợ con - lên đường
vào chiến khu kháng chiến chống Pháp.
Hòa bình lập lại, từ chiến khu, không kịp trở về thăm nhà,
ông ra Bắc tập kết với suy nghĩ hai năm sau sẽ về (cũng không muộn), vì Hiệp định
Genève quy định: Hai năm sau (1956) cả nước sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do. Ai
ngờ, cuộc ra đi đó kéo dài 20 năm. 20 năm ông vẫn chung thủy đợi chờ ngày tái
ngô cùng gia đình. Ông sống đạm bạc, thủy chung (không lấy ai), trong khi nhiều
người cùng hoàn cảnh tập kết như ông đã phải ’’đi bước nữa’’...
Đất nước thống nhất, ông vội trở về Huế tìm vợ con, nhưng cuộc
trở về không như ý muốn: Bà nhà và các con bị dòng thác chiến tranh cuộn trôi,
phiêu bạt đến nơi nào ông không hề biết... Trong khi nhiều người vui mừng vì gặp
lại người thân thì Thanh Tịnh thất vọng, lủi thủi trở về sống trong căn hộ nhỏ
bé của lãnh đạo tạp chí Văn Nghệ Quân Đội phân phối cho. Lại chiếc giường cá
nhân, lại cơm niêu nước lọ, mòn mỏi đợi chờ... chờ... đợi... cho đến ngày 17
tháng 7 năm 1988, ông đã không thể chờ được nữa - ra đi vĩnh viễn trong tâm trạng
- "Mối tình mang (theo) xuống tuyền đài chưa tan". Khi nhắm mắt xuôi tay vẫn
không gặp được vợ con. Mấy năm sau, người con trai biết được tin về cha minh trở
về tìm... nhưng đã quá muộn. Anh chỉ còn cách duy nhất: Mang xương cốt cha về
an táng ở Huế thân yêu - mảnh đất suốt đời Thanh Tịnh Mòn Mỏi... Thương nhớ -
nhớ thương!
Chúng ta hãy quay trở lại thời gian kết thúc cuộc
kháng chiến chống Pháp (1954).
Trở về Hà Nội, Thanh Tịnh công bố một tập thơ, một tập truyện ngắn.
Có thể không gian để ông ’’vùng vẫy’’ trong thơ Tiền chiến là không gian dàn trải,
mênh mông và đầy mộng mơ... còn không gian trong cuộc kháng chiến chống Pháp là
cụ thể, có giới hạn, đầy cam go. Vì thế Thanh Tịnh không thể thích nghi với môi
trường, kết quả do ’’lệch pha’’, người đọc nhận ra chất lượng nghệ thuật của hai tác phẩm này không sánh được với các sáng tác trước đó của ông...
Mãi tới năm 1957 - sau 11 năm xa nhà, xa vợ con, hai miền đất
nước vẫn bị chia cắt - ông viết bài thơ diễn tả nỗi lòng của người con xa Huế.
Tâm hồn xao động, nỗi nhớ Huế vẫn da diết, triền miên. Thanh Tịnh trút tình cảm
của mình vào thi phẩm:
NHỚ HUẾ QUÊ TÔI
Sông núi vươn dài tiếp núi sông
Cò bay thẳng cánh nối đồng không
Có người bảo Huế, xa, xa lắm!
Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng
Giọng hò mái đẩy - đặc trưng của Huế - cứ man mác, vang lên
trong tâm tưởng ông. Giống như Thi sĩ Nguyễn Bính có cùng tâm trạng: Từ miền
Nam ra Bắc tập kết, trong nỗi niềm ’’Ngày Bắc - Đêm Nam’’ - ghi lại cảm xúc ở
bài Đêm sao sáng, có những câu làm người đọc xúc động: ’’Sao trời có bữa còn
quên mọc. Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em’’.
Thanh Tịnh không chỉ nhớ Huế về ban đêm mà không lúc nào
nguôi:
Mười một năm trời mang Huế theo
Đèo cao nắng tắt bóng cheo leo
Giọng hò mái đẩy, vờn mây núi
Man mác sông Hương lướt đỉnh đèo
Ấn tượng sâu đậm về Huế: Hình ảnh quê hương Huế đẹp và Thơ,
‘’Đèo cao nắng tắt bóng cheo leo’’, sông Hương núi Ngự Bình, mà còn có những
người bạn chiến đấu đã nằm lại vĩnh viễn bên ven rừng, trảng cỏ, đồng không
mông quạnh. Thậm chí chẳng còn dấu tích của nấm mồ ghi lại chiến công thầm lặng
của người chiến sĩ hy sinh vì nền độc lập của tổ quốc:
Có bao người Huế không về nữa
Gửi đá ven rừng chép chiến công
Có mồ liệt sĩ nâng lòng đất
Buồm phá tam giang gió thổi lồng
Huế chỉ còn đọng lại trong lòng tác giả với nỗi trầm mặc trước:
Cổ thành, đền đài, lăng tẩm nguy nga tráng lệ, với sông Hương xao động mặt nước, với núi Ngự bình như vẫn còn đang ì ầm chuyển động trong lòng:
Lặng lẽ trăm năm bóng cổ thành
Bao lần máu đỏ nhuộm đồng xanh
Cờ sao ngày ấy trùm cung cấm
Sông nước xôn xao núi chuyển mình.
Bài Nhớ Huế quê tôi có thể xem là dấu tích cuối cùng, là ngôi
sao sáng chói lên rồi vụt tắt trong sự nghiệp thi ca của nhà thơ Tiền chiến tài
danh. Bài thơ được người đọc đánh giá cao, nằm trong nhóm 100 thi phẩm hay nhất
Việt Nam của thế kỷ 20. Sau sự kiện ‘’một bài’’, Thanh Tịnh gác bút… thơ. Nhưng
không bị cuộc sống cô độc ảnh hưởng, ông tìm cho mình một lối sáng tác khác:
Sáng tác độc tấu - loại hình văn học có tác dụng, phục vụ hữu hiệu công tác
tuyên truyền, giáo dục…
Trước khi nói đến Tấu - Hài, cần nhắc lại: Trong kháng chiến
chống Pháp, Thanh Tịnh ngoài sáng tác văn thơ, ông còn viết Ca dao, Tấu nói.
Trong nhiều Ca dao kháng chiến của ông, chắt lọc được hai câu độc đáo, đi vào
lòng dân đến độ tên tuổi người sáng tạo ra nó bị mờ đi, biến thành ca dao của
văn chương dân gian truyền miệng:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong.
(Có thể sau này, các nhà tuyên huấn đã phát triển ý của hai
câu thơ kia thành ’’Của dân - Do dân - Vì dân’’, chăng)? Câu ca dao do chính
ông viết nhưng rất nhiều người vô tình ’’Phủ định’’, cho rằng, đây là của dòng
văn học dân gian. Mãi gần đây, giới nghiên cứu mới khẳng định đó là hai câu của một
bài ca dao của Thanh Tịnh. Nhờ vậy, ’’Đứa con tinh thần’’ mới được về với cha
nó: Thi sĩ Thanh Tịnh.
Về loại hình văn học mới mà Thanh Tịnh sáng tác là Tấu - Hài.
Ông phát triển từ Tấu nói, viết hồi kháng chiến chống Pháp. Bộ đội là những
chàng lính trẻ. Đời lính không chi có đánh đấm, chết chóc, bị thương mà rất cần
có cho họ không gian thư giãn lành mạnh sau những trận đánh ác liệt. Vấn đề đặt
ra cho cấp chỉ huy: Phải có gì giải trí cho họ. Tất nhiên đó là Văn nghệ (ca
hát, hò vè, diễn kịch, báo tường). Thế nhưng người lính chiếm đa số là nông
dân, văn hóa thấp. Vả lại thời gian biểu diễn cần phải nhanh, gọn nhưng các
sáng tác - biểu diễn phải đạt được yếu tố giáo dục, tuyên truyền… Thế
là những đợt vận động trong giới văn nghệ sĩ sáng tác phục vụ thiết thực cho
người lính được phát động. Thanh Tịnh chọn cho mình hình thức sáng tác: Tấu -
Hài.
Không có loại hình văn nghệ nào đơn giản, dễ biểu diễn nhưng
lại hiệu quả bằng Tấu - Hài, bởi nền tảng của nó là kích thích đối tượng bật ra
tiếng cười nhằm động viên, biểu dương cái tốt, phê phán thói hư tật xấu để người
xem tự liên hệ phấn đấu tốt lên, tiến bộ hơn. Tấu - Hài gây cười, tác dụng giáo dục rất cao. Chính trong hoàn cảnh đó, các bài Tấu - Hài của những nhà văn - kể
cả nghiệp dư - đáp ứng kịp thời được yêu cầu của người lính. Sức thu hút, thuyết
phục của độc tấu trở thành loại hình văn nghệ dân gian phát triển, không ngừng
nâng lên. Nó thịnh hành không chỉ trong van nghệ quân đội, mà lan truyền ra
toàn bộ sinh hoạt văn hóa của cả xã hội. Đến nỗi khi vào cuộc kháng chiến chống
Mỹ, lúc cuộc chiến ác liệt nhất, ngoài loại hình ’’Tiếng hát át tiếng bom’’, hoạt
cảnh, kịch ngắn - độc tấu là tiết mục ‘’chủ soái’’ trong mọi cuộc trình diễn
Văn nghệ. Bất cứ nơi nào có biểu diễn văn nghệ là ở đấy có Tấu - Hài. Đa số các
tác giả viết kịch bản và nghệ sĩ biểu diễn đều không chuyên, tự biên theo mô
típ sáng tạo của Thanh Tịnh.
Tôi nhớ: Năm 1967 vào học Đại học Xây Dựng Hà Nội. (lúc đó
trường sơ tán về Quế Võ - Bắc Ninh ngày nay, sau 1970, chuyển về Hương Canh -
Vĩnh Yên). Cứ chủ nhật, ngày lễ, nghỉ học - lại đạp xe về Hà Nội thưởng thức
các chương trình biểu diễn văn nghệ của các đoàn văn công hoặc hội diễn văn hóa
quần chúng. Ở tất cả các buổi sinh hoạt đó đều có những bài độc tấu. Người độc
tấu xuất sắc nhất của Hà Nội bấy giờ là Hữu Tòng. Bao giờ anh biểu
diễn, vé vào cửa của những rạp tổ chức cũng hết bay. Hữu Tòng được thính giả đài Tiếng nói Việt Nam trên toàn miền Bắc yêu mến, khán giả thủ đô đặc biệt mến
mộ. Chất hài trong kịch bản của tác giả chỉ vừa vừa, tàm tạm, nhưng đến tay Hữu
Tòng, anh khai thác, cường điệu, đẩy sự hài hước lên tới điểm đỉnh, tối đa và
khán giả cũng cười hết cỡ... "thợ"... cười!. Khi xã hội đã chuyển sang ’’gu’’
thưởng thức mới - Video, những phim bộ của Hồng Kông, Đài loan lấn lướt, biểu
diễn tạp kỹ thu hẹp, Tấu - Hài hết đất dụng võ, vai Hài chỉ còn loáng thoáng,
lác đác trong Cải lương, Chèo, Tuồng cổ. Hữu Tòng cũng giải nghệ.
Một lần - Hơn 20 năm sau (1991) - tình cờ đi lang thang ở quảng
trường nhà hát Lớn định sà vào quán bia Cổ tân. Đây là quán bia được mệnh danh
là "quán nghệ sĩ", là bởi: Nó nằm cạnh nhà hát Lớn - nơi ở phía sau là "Đại"
bản doanh của đoàn kịch nói Trung ương. Hàng ngày các nghệ sĩ "còm" ở đoàn kịch,
ở những nơi khác đều đến đây tụ tập uống bia (bán kèm thức nhắm...). Chợt
nhìn thấy bên kia đường - phía đối diện - Hữu Tòng đứng cạnh hàng rào Viện Bảo
Tàng Lịch Sử - đang lấy... ráy tai cho một khách hàng, có mấy người chờ lượt,
nói cười vui vẻ. Anh vẫn giữ phong độ như khi xưa trên sân khấu, trên làn sóng
điện chọc cho hàng nghìn khán giả cười, còn bây giờ vừa làm, vừa mua vui cho
khách hàng cắt tóc!
Tôi tiến lại... hai bên nhận ra nhau...
Hữu Tòng đã già, kinh tế gia đình chắc eo hẹp, anh trở về nghể
gia truyền: ’’Đè đầu cưỡi cổ thiên hạ để lấy tiền’’. Anh và cậu con trai
không đủ khả năng mở một cửa hiệu cắt tóc trên mặt phố mà dùng hai chiếc gương,
hai hộp gỗ treo lên hàng rào song sắt của Viện Bảo Tàng, cắt tóc cho dân vãng
lai, kiếm sống. Điều này mới thật đặc biệt: Hữu Tòng lấy ráy tai thuộc loại ’’siêu
đẳng’’, cộng với chất hài hước đã có sẵn trong máu - thu hút, khách cứ xếp hàng
nhờ anh cắt tóc, nghe anh ’’Phán’’ về thiên hạ chạy đua ‘’tự cởi trói - tự cứu’’
và "Những việc cần làm ngay"!... Chỗ khác có thể chỉ cắt tóc, nhưng đến với Hữu
Tòng, nhất định ai cũng phải tự nguyện lấy ráy tai. Dĩ nhiên khách bỏ số tiền gấp
rưỡi nhưng vẫn vui, thoải mái vì được tiếp xúc với người nghệ sĩ tài danh trên
đường phố và… được ‘’rửa tai’’ sạch những con ‘’ráy’’ mà không cần mua ‘’thuốc
tím’’. Điều quan trọng: Tay nghề Hữu Tòng cao, khách yên tâm, không
sợ bị que ngoáy chọc thủng màng nhĩ - dẫn tới... điếc!.
Sau này và cho đến tận bây giờ, Tấu Hài về cơ bản vẫn trên nền
tảng của tấu nói: Nhà văn - Người nghệ sĩ - chớp lấy một khoảnh khắc, một câu
chuyện, một mảng đời... ghi lại những thuộc tính rất cơ bản, đẩy lên, cường điệu
lên để phê phán thói hư tật xấu của người đời. Những đối tượng bị ’’Châm’’, nổi
cáu (do người nghe Tấu "quá"... buồn cười), nhờ vậy, thói hư tật xấu đó sẽ
được khắc phục nhanh. Đôi khi cả một tầng lớp trong xã hội - nhận ra thiếu sót
mà khắc phục, sửa chữa... góp phần khiến con người và xã hội tốt hơn.
Viết xong kịch bản độc Tấu, nhà văn mới chỉ thực hiện, đạt được
non nửa yêu cầu, già nửa kia phải do nghệ sĩ biểu diễn Hài kịch gánh vác, hoàn
chỉnh. Những nghệ sĩ như Hữu Tòng là người làm vai trò hoàn thiện kịch bản từ
trang sách truyền cảm ý tưởng của tác giả đến Thính - Khán giả. Nghệ sĩ độc tấu
Hài càng tài năng, hiệu quả giáo dục càng cao... Có thể nói người phát minh,
khai sinh ra bộ môn Tấu - Hài là Thi Sĩ - nhà Văn Thanh Tịnh.
Thơ, văn của Thanh Tịnh đã ghi dấu ấn trong lòng độc giả gần
70 năm trước. Tấu - Hài của ông cũng lại được lớp khán thính giả hôm nay đón nhận
nồng nhiệt. Vì là món ăn tinh thần ’’ngon’’, hợp khẩu vị thời đại, Tấu - Hài tiếp
tục phát triển, nâng lên. Lớp khán giả ngày hôm nay trẻ, năng động, trí tuệ hơn
nên đòi hỏi kịch bản Tấu - Hài phải bám sát thời sự và quan trọng: Nghệ sĩ biểu
diễn phải "chọc‘’ cười nhiều hơn, nhưng lại phải làm cho khán thính giả thoải
mái, nhẹ nhàng, đúng chức năng giải trí, cười ‘’mà… học’’! Bởi vậy, người viết
kịch bản, người biểu diễn phải giỏi, tay nghề biểu diễn phải cao - mới đáp ứng
được đòi hỏi của xã hội trong thời đại kinh tế thị trường - bùng phát.
Lớp nghệ sĩ biểu diễn kế tiếp thế hệ Hữu Tòng, Trịnh Mai, Trần
Tiến - ra đời: Xuân Hinh, Minh Vượng, Quang Tèo, Xuân Bắc… (miền Bắc), Văn
Chung, Bảo Chung, Bảo Quốc, Hồng Vân… (miền Nam), Vân Sơn, Chí Tài, Hồng Đào…
(Hải Ngoại) và ngay cả bậy giờ đã có rất nhiều nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn trẻ
xuất hiện. Tấu Hài không chỉ biểu diễn trên sân khấu bề thế mà đã phát triển rộng
khắp đến tận từng quán Cà phê (2). Mỗi khi xem các nghệ sĩ tung hoành trên
chương trình ''Hài'', với các tiết mục ''liên Khúc'', các đoạn ''kịch ngắn''',
các màn biểu diễn ''cường điệu''... do các nhà văn cùng các nghệ sĩ biểu diễn -
tạo ra, làm chúng ta cười thoải mái, sảng khoái sau những bức xúc của cuộc đời...
rồi suy ngẫm về thế thái nhân tình... Chúng ta hãy đừng quên ''cha đẻ'', của
chương trình Tấu - Hài!
Thiết nghĩ: Sự tiếp nhận nhiệt thành của xã hội, sự thích thú
của khán thính giả qua tiếng cười, tràng vỗ tay tán đồng - chính là phần thưởng
vô giá của cuộc sống giành cho Tấu - Hài và người khai sinh ra nó!
Người xứng đáng nhận phần thưởng cao quý này, trước tiên phải
là: Cố Thi sĩ - Nhà Văn Thanh Tịnh!.
Chú thích:
(1) Đường về quê mẹ - thơ Đoàn Văn Cừ.
(2) Tấu Hài - sức sống mạnh mẽ (Thanhnien Online
23.10.2007),
31/10/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét