Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Đỗ Bích Thúy và khát vọng trong "Cánh chim kiêu hãnh"

Đỗ Bích Thúy và khát vọng
trong "Cánh chim kiêu hãnh"

Đỗ Bích Thúy làm nên tên tuổi của mình trong văn đàn Việt Nam nhờ những tác phẩm thấm đẫm phong vị đại ngàn. Đến với tiểu thuyết “Cánh chim kiêu hãnh”, độc giả đắm chìm trong từng trang viết về mảnh đất điệp trùng núi cao. Đó là thân phận những con người miền núi dẫu bị o ép đến cùng cực nhưng vẫn luôn đoàn kết, tin tưởng ở cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975, hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đến nay chị đã cho ra đời hơn 20 cuốn sách gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn. Đặc biệt có những tiểu thuyết được chuyển thể thành những bộ phim “ăn khách” của điện ảnh Việt như: “Chuyện của Pao”, “Lặng im dưới vực sâu”, “Chúa đất”...
Có thể thấy lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người miền núi là nguồn cảm hứng, cảm xúc mãnh liệt trong suối nguồn sáng tác của Đỗ Bích Thúy. Chính vùng thẩm mỹ này góp phần tạo nên thế giới hình tượng nghệ thuật phong phú, đa dạng trong các tác phẩm, góp phần quan trọng tạo nên tư tưởng nghệ thuật và phong cách Đỗ Bích Thúy.
“Cánh chim kiêu hãnh” là cuốn tiểu thuyết nói về những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền núi, giai đoạn những năm 40 của thế kỷ trước. Nhân vật chính, xuyên suốt chiều dài câu chuyện là Mai - một cô gái dân tộc Tày, xuất thân bần hàn, bị gán nợ vào nhà Lý trưởng làm người hầu. Mai được Chúng, chồng của cô sau này đổi ra bằng một đàn gia súc. Cuộc đời của cô thay đổi từ đó. Hai vợ chồng đi theo cách mạng, rồi cả hai đều hy sinh, để lại đứa con trai nhỏ, mang theo ước mơ trở thành một con chim đại bàng có sải cánh dài liệng dũng mãnh trên bầu trời cao rộng.
Mai là hiện thân của đa số người dân miền núi, chịu mấy tầng áp bức, cuộc sống vô cùng tăm tối, cơ cực, vùng dậy đánh đuổi thực dân, phong kiến. Mai cũng là hiện thân cho mẫu phụ nữ vùng cao vốn đã xuất hiện trở đi trở lại trong các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy: Suốt đời sống vì người khác, sống cho người khác, nhận phần thua thiệt về mình với vẻ đẹp thuần khiết và tâm hồn nhân hậu. Theo dõi mạch truyện ta cảm nhận được sự tài tình trong cách xử lý, phân tích tâm lý nhân vật một cách đặc sắc của tác giả.
Tác phẩm đậm đặc các tầng văn hóa Tày - Mông, xen kẽ là những trang viết thú vị về tập tục vùng cao, về phiên chợ. Ở đó, có những người đàn ông uống say nằm lăn ra đất, những người đàn bà nhẫn nại chờ chồng... Tiểu thuyết làm nao lòng người đọc với nhiều đoạn văn trữ tình mô tả những đêm trăng, sương sớm đầy quyến rũ nơi miền sơn cước.
“Cánh chim kiêu hãnh” đã dành được sự mến mộ từ nhiều văn nghệ sĩ Nhà văn Bình Nguyên Trang từng nói: “Khi mới cầm “Cánh chim kiêu hãnh” và biết đó là một tiểu thuyết lịch sử, tôi đã có chút ngần ngại. Bởi nhiều người viết dòng tác phẩm này thường quá câu nệ vào lịch sử mà quên đi chức năng văn học. Nhưng khi đọc sách của Thúy, tôi đã vượt qua được định kiến cũ”. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét: “Đỗ Bích Thúy, từ khi xuất hiện tới nay, luôn đẫm cái tình ở văn và chính điều này đã neo giữ bạn đọc thủy chung với các sáng tác của Thúy”.
Như con tằm ăn lá dâu nhả tơ, làm kén với những trang văn tinh tế, Đỗ Bích Thúy đã chỉn chu thêu thùa qua từng câu chữ đầy hấp dẫn nơi miền sơn cước. Tất thảy đã tạo nên một lối viết đặc trưng, một thương hiệu riêng có của nữ văn sĩ tài năng.
7-3-2020
Giang Lam
Theo https://baotuyenquang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...