Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Bóng văn sĩ trên ga buồn, đồng vắng

Bóng văn sĩ trên ga buồn, đồng vắng

Lâu nay, nói đến hình tượng, người ta nghĩ đến hình tượng nhân vật được kiến tạo trong tác phẩm. Hình tượng người kể chuyện, thậm chí là hình tượng tác giả, là khái niệm có lẽ mới xuất hiện khoảng hơn mươi năm nay trong giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu một số lý thuyết có liên quan và khảo sát hệ thống truyện ngắn của Thanh Tịnh, tôi mạo muội thử nêu vài nhận xét của mình về vấn đề này.
Dù đời văn không dữ dội như Vũ Trọng Phụng, không “lực lưỡng” như Nguyễn Công Hoan, cũng không giằng xé khôn nguôi như Nam Cao... nhưng Thanh Tịnh vẫn tạc bóng hình mình một cách rõ nét trong văn xuôi trước 1945.
Nhiều người xếp Thanh Tịnh “cùng chiếu” với Thạch Lam, Hồ Dzếnh do có cùng phong cách văn xuôi trong sáng, tinh tế, giàu chất thơ, sâu lắng và thiên về cảm giác. Nhưng tôi nghĩ Thanh Tịnh vẫn có nét khu biệt với hai người “cùng chiếu”. Và chính sự khu biệt này đã hình thành nên hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn Thanh Tịnh.
“Con ong” hút nhụy buồn
Đọc truyện ngắn của Thanh Tịnh trước 1945, ấn tượng sâu sắc đọng lại nơi người cảm thụ là nỗi buồn. Cảnh vật xứ Huế nói chung và làng Mỹ Lý nói riêng là cái lòng đỏ trứng làm nên không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Thanh Tịnh. Đó là một miền quê bằng lặng, thanh bình nhưng luôn nao niết buồn. Cái buồn như một thứ tơ nhện mênh mông giăng mắc thế giới văn chương của ông. Hình như bao nhiêu nỗi muộn phiền của đời sống, có tên và không tên, đều được chiếc ăng-ten tâm hồn Thanh Tịnh thu nhận bằng hết và hình tượng hóa chúng thành những thiên truyện mang phong cách thanh lặng nhiều dư vị.
Trước hết, Thanh Tịnh là “nhiếp ảnh gia” của những cảnh đời dở dang, ngang trái. Hình như tình yêu trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn của Thanh Tịnh không có đoàn viên, vui vầy, viên tựu. Phần lớn tác phẩm của ông mở đầu hoặc kết thúc trong sự tan vỡ, hụt hẫng nuối tiếc, xa xót khôn nguôi theo cái cách không thể khác. Bên con đường sắt tưởng không có gì mà lại buồn đến ngơ ngẩn. Để nuôi em ăn học và trả những món nợ cũ mà cha mẹ (đều đã qua đời) để lại, Duyên mở một cái quán cơm gần bên ga tạm ở làng Mỹ Lý. Các cô gái trong làng ghen tị với Duyên vì Duyên vừa kiếm được tiền, vừa được tiếp xúc với nhiều người. Rồi Duyên phải lòng Trưu là thầy xếp ga. Đùng một cái, người ta làm cái ga lớn ở Kỳ Lâm. Quán cơm của Duyên vì thế mà buồn tẻ. Đã vậy Trưu bị chuyển vào Nha Trang. Mà Duyên không thể dọn về làng vì cô không thể chịu nổi “những vẻ mặt khinh khỉnh, những lời nói mỉa mai” của người làng. Một đêm mưa gió dầm dề, Trưu trở về gõ cửa báo tin bị đổi từ Nha Trang ra Vinh, đoạn ứa nước mắt nói câu: “Ngày gặp gỡ trăm năm xin chờ hôm khác”. Mắt Duyên đẫm lệ. Từ đó, mỗi lần có tiếng tàu đêm, Duyên lại thấy tim ngừng đập và tưởng có tiếng gọi cửa. Nhưng sự thực thì con tàu lạnh lùng vùn vụt chạy qua cánh đồng hoang vắng. Cũng từ đó, đời Duyên chìm hút trong cái quán tranh trông như “cái chấm đen bên lưng đồi sỏi trắng”. Câu chuyện của Sương và Xuân trong Tình thư cũng đầy nấc nghẹn. Sương là một thôn nữ tính nết dịu dàng và ăn nói có duyên. Một hôm cô nhận được cái phong bì màu vàng, trong có tờ giấy gấp tư. Là của Xuân, một thầy giáo làng. Trong thư, Xuân nói không đêm nào Xuân không mộng thấy Sương, sẽ “mượn người đến tận nhà thầy mẹ” để hỏi Sương. Sương không biết chữ, đành nhờ đứa học trò nhỏ trong làng đọc hộ, nghe xong, “mặt mày nở ra dần” và “miệng cười chúm chím”. Rồi Sương nhờ đứa học trò nhỏ viết thư hồi âm, gọi thầy Xuân bằng “anh”. Thư đi thư lại vài bận, hai người có đôi lần gặp gỡ đứng đắn. Nhưng rồi Sương bỗng rơi vào trạng thái “bơ phờ lạnh lẽo”, “dáng mặt âu sầu”, “nói năng “rời rạc”: Xuân trở ra Hà Nội vì song thân ngoài ấy gọi Xuân về để sắp xếp cuộc hôn nhân với con gái một cụ tuần. Kể xong câu chuyện cho cậu học trò ngày nào viết hộ thư tình cho mình, Sương “bưng mặt khóc”. Cũng như Duyên trong Bên con đường sắt, nỗi buồn của Sương cũng “cộng hưởng” với tiếng còi xe lửa đêm ra bắc “rúc lên lanh lảnh ngoài quãng đồng xa mơ hồ vắng lặng”. Không hiểu sao, những mối tình trong truyện Thanh Tịnh cứ chết yểu theo một nguyên cớ nào đó (Thuyên và Lê trong Tình vay, Hương và Mẫn trong Quê bạn, Xuân và Sương Hoa trong Rosée... cũng vậy).
Với tôi, ám ảnh nhất có lẽ truyện Tình trong câu hát. Hai mảnh đời tình cờ gặp nhau ở một chỗ nào đó trên dòng đời, những tưởng sẽ neo được vào nhau nhưng phận số lại có cái lý của nó. Một số người xem đây là một câu chuyện tình thơ mộng, tôi thì không nghĩ vậy. Đạt là một người đàn ông làm nghề lái đò góa vợ, nhưng trong lòng vẫn nguyên vẹn hình bóng của người vợ xấu số (qua đời khi sinh con ở nhà thương). Ngày xưa, Liên - vợ Đạt - vốn cũng làm nghề chèo đò; hai người đến với nhau qua “câu hát vẳng trên sông”. Một hôm, trên dòng sông, Đạt nhìn thấy một người con gái trên một chiến thuyền, cô này có “cách rẽ nước” giống hệt vợ Đạt. Đạt “kéo dây lèo cho buồm thật căng” để đuổi theo nhưng không kịp do “mũi lún vì đầy khoai”, chiếc thuyền phía trước chạy như bay, “thấp thoáng trong bóng chiều sương trông như bóng nhạn”. Đạt đành mượn câu hát để cất tiếng hỏi thăm, giọng “như than vãn, như kể lể”. Người con gái trên chiếc thuyền kia đáp lại, giọng hò “trong trẻo và hơi dài, câu dứt gọn và đưa xinh như sương tỏa”, giống giọng của Liên vợ Đạt ngày nào. Hai con thuyền ra đến phá, qua làng Thế Chí, đến làng Kế Môn, rồi trước mặt họ là ngã ba sông. Thuyền kia quay mũi về phía Kim Long, Đạt lưỡng lự cho thuyền xuôi về Đại Lược. Từ thuyền trước, một câu hò chia biệt vẳng lên không: “Tình về Đại Lược/ Duyên ngược Kim Long/ Đến đây là chỗ rẽ của lòng/ Gặp nhau còn biết trên sông bến nào”.
Đạt thấy nghẹn ngào trước cảnh biệt ly, tưởng đến người vợ cũ, đến người bạn mới gặp trên sông nước hiu vắng, trong chiều vàng mênh mông. Nói Tình trong câu hát thơ mộng là nói đến khung cảnh tự sự chứ kỳ thực chính tính chất trữ tình ngang trái lại tô đậm sự bẽ bàng của đời Đạt. Hạnh phúc của đời một người đàn ông góa vợ, rày đây mai đó trên sông, trên phá như Đạt trong những ngày tới sẽ chỉ dừng lại ở ngã ba, sẽ là một sự không bao giờ với tới được. Truyện kết thúc buồn với “giọng hát thoang thoảng đưa ra như tiếng thở” của Đạt. Thơ mộng để làm gì? Hạnh phúc đích thực phải là một cái gì có thể nắm bắt được. Tương truyền, Lưu Thần, Nguyễn Triệu vào đời Hán bên Trung Hoa nhập thiên thai, được tiên nữ kết ngãi chồng vợ rồi cũng đòi về trần gian. Cảnh tiên không níu giữ được hai người. Bên ta, Từ Thức cũng lên tiên rồi cũng nằng nặc đòi về hạ giới. Té ra, trần thế khổ ải này mới là nơi đáng sống. Với ý nghĩa đó, Tình trong câu hát là mối tình buồn vời vợi mà chỉ có một tấm lòng như Thanh Tịnh mới thấy và viết ra bằng những câu văn mang vẻ đẹp thảm thiết của sông dài đêm vắng.
Cùng chủ đề với Tình trong câu hát là Bến Nứa. Trong thiên truyện này, nhân vật người lái đò là một phụ nữ tên Phương. Phương từng có chồng, chồng Phương yêu vợ thương con. Nhưng số phận đã mượn bàn tay trận thương hàn cướp đi của Phương người chồng, để lại đứa con hai tuổi. Cứ xẩm tối, thằng bé lại dỗi mẹ đòi “thầy”, người thiếu phụ bèn mượn một người khách trên thuyền nào đó làm “thầy” để dối con. Một tối nọ, ở bến Nứa, có người khách gọi thuyền. Đó là Thảo, làm ở sở hỏa xa, về làng thăm thầy mẹ. Lần này, Phương nhờ Thảo làm “thầy”. Thảo cầm bàn tay thằng bé, mỉm cười. Tự dưng, người thiếu phụ thấy “lòng thổn thức”. Dưới ánh trăng, “Phương cũng không hiểu tại sao tối hôm nay, lòng Phương lại rạo rực tê mê như đống tro tàn men hơi lửa”. Bất ngờ, thằng bé đặt tay mẹ lên tay Thảo. Thảo như “bị thôi miên”. Hai người nhìn nhau. Ngày tháng trôi qua, thằng bé con Phương đã lớn, không còn hỏi “thầy” như trước. Mỗi lần chèo thuyền qua bến Nứa, Phương lại cất tiếng gọi. Nhưng, thay vì người khách đêm nọ thì đáp lời nàng chỉ có tiếng chuông chùa Đồng Tâm ngân dài trên mặt nước. Ai thấu cho cõi lòng xao xuyến, khao khát gắn bó của người thiếu phụ?
Có một thời, người ta cứ xếp nhà văn này vào cái “ngăn kéo” hiện thực, nhà văn kia vào cái “ngăn kéo” lãng mạn. Trong khi đó, với nhiều lý do, văn học Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ trước đến năm 1945, có những hiện tượng không thuần nhất, nhất là văn học lãng mạn. Nguyễn Công Hoan là nhà hiện thực nhưng tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn này là hiện thực hay lãng mạn? Khái Hưng và Nhất Linh là hai nhà văn được xem là lãng mạn nhưng truyện ngắn Anh phải sống của hai nhà văn này quyết không thể là lãng mạn. Do ra đời muộn và trong hoàn cảnh một nước thuộc địa nên văn học lãng mạn Việt Nam không thể hoàn toàn thoát ly, mơ mộng. Trong văn học lãng mạn, người ta vẫn có thể nhìn thấy những thân phận bi thảm của người lao động được miêu tả một cách sống động, hiện thực.
Am cu-ly xe của Thanh Tịnh là một tác phẩm hiện thực. Truyện được kể qua nhân vật bà bán quán: Ở ga Văn Xá có hai ông cháu làm nghề kéo xe, thằng cháu nội lên mười chạy dẫn đường cho người ông bị mù kéo một chiếc xe tay thảm khổ, ruột bánh nhồi rơm và trần xe thủng nhiều chỗ. Lúc đầu, nhờ người đời thương tình, hai ông cháu cũng đủ sống. Sau, người ta không nỡ ngồi trên cái xe đó vì lòng nhân đạo. Một đêm tháng Chạp tối đen, gió lạnh buốt, hai ông cháu chờ mỏi mòn mà không thấy tiếng bước chân nào ra khỏi ga. Thằng cháu nói ông “chạy đi”. Hai ông cháu chạy trên con đường lầy lội. Nhưng kinh nghiệm sống đã khiến ông già mù hiểu ra sự thật: Để ông vui lòng, đứa cháu đã bê một tảng đá nặng đặt lên đệm. Tại sao người ông biết mà vẫn kéo xe chạy? Bằng lời nửa trực tiếp, người trần thuật cho biết: Do đói rách mà người ông “hy vọng vào những chuyện không bao giờ có được”! Cuối cùng, người ông già yếu gục xuống vì đói rét, buồn đau trong tiếng la thắt ruột của đứa cháu nội.
Truyện Ngậm ngãi tìm trầm cũng khủng khiếp theo một phương diện nhân sinh khác. Vì sinh kế của gia đình mà bác Diệm phải lên rừng ngậm ngải tìm trầm, bị bùa thiêng biến thành hổ. Nhưng bi kịch không chỉ có vậy: Con hổ ấy khôn nguôi tình thương yêu đối với vợ con. Khổ nỗi cái lốt vật của người chồng khiến người ta sợ hãi và xua đuổi. Người chồng hổ ấy quay lại rừng sâu núi thẳm với “tiếng rú lạnh và buồn”. Dù có pha yếu tố huyễn tưởng nhưng thiên truyện này vẫn giàu tính hiện thực, đó là tình cảnh tan đàn, ly biệt của những gia đình nghèo trong cuộc đời cũ.
Vết chân chim trên gương mặt của tuổi ba mươi
Thương cảm cho những khao khát không thành, Thanh Tịnh là nhà văn của quá khứ. Bàn về vai trò của cảm xúc thẩm mỹ, các nhà mỹ học nói nhiều về cái gọi là bán kính thẩm mỹ. Chế Lan Viên từng nói rất thú vị: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu). Nguyễn Duy nói không hình ảnh bằng nhưng rất thấm thía: “Có gì lạ quá đi thôi/ Khi gần thì mất, xa xôi lại còn” (Thơ tặng người xa xứ). Mới thấy, có những khung cảnh, sự vật, sự việc, con người... khi chúng ở bên ta, ngày nào cũng gặp, ra đụng vào chạm, ta thấy chúng quá đỗi bình thường, thậm chí tầm thường. Ấy vậy mà, khi ta cất bước ra đi, tức cái bán kính tiếp xúc giãn ra, thậm chí xa cách, những đối tượng, khách thể ấy sẽ là một phần hồn trong ta. Bởi lẽ, một cách tự nhiên, cái gì gần quá sinh nhàm, khó mà làm cho lò xo cảm xúc nói chung và cảm xúc thẩm mỹ nói riêng bật nảy. Trở lại với mỹ học, vậy là có một định đề được nhiều người tán đồng: Văn chương viết về quá khứ nhiều hơn và hay hơn so với hai chiều còn lại của thời gian. Chất thơ của hình tượng cũng hình thành từ đây, nó vang hưởng, vướng vít với những tháng ngày cũ trong sự bồi hồi, xao xuyến một cách lạ lùng. Cũng là món rau muống chấm mắm tỏi của những ngày xa kia, bây giờ ngoảnh lại, có người thấy ớn lạnh; nhưng không ít người lại thấy nó đóng lớp váng của chất thơ. Nhưng, thử nghĩ xem, ai là người cảm thấy, nhìn thấy chất thơ và đó là người thế nào? Điều chắc chắn, đó phải là người có tấm lòng, ít nhất cũng là một tấm tình với một vệt đời nào đó. Về hiện thực này của tâm hồn, có lẽ không ai nói hay bằng Hồ Dzếnh: “Muôn trùng sở dĩ rạo rực được lòng người vì muôn trùng là nỗi thương nhớ mênh mông của những tấm lòng rất bạn” (Trong bóng rừng).
Thanh Tịnh cũng vậy, ký vãng buồn thương là một vùng thẩm mỹ trong truyện ngắn của ông. Thạch Lam và Hồ Dzếnh cũng thường viết về quá khứ, thậm chí Chân trời cũ của Hồ Dzếnh gần như chỉ là một cái nhìn đầy buồn thương về quá khứ. Nhưng, so với Thạch Lam, quá khứ ở Thạnh Tịnh đậm đặc hơn, nhân vật của Thanh Tịnh gần như chỉ sống với quá khứ. Văn xuôi của Hồ Dzếnh phần lớn mang tính tự truyện, ở đó, “tôi” đứng ra đảm nhiệm vai trò người trần thuật - kể chuyện về những ngày tháng cũ của những người thân. Trong khi đó, ở truyện ngắn Thanh Tịnh, nhân vật của ông ôm riết lấy quá khứ, gậm nhấm trong quay quắt, họ không thể nào bắt vào hiện tại được chứ chưa nói tới việc đi tới tương lai. Đời của Đạt (Tình trong sương khói) chỉ từ ngã ba sông ngược về quá khứ. Ở Quê mẹ, Thảo về làm dâu làng Mỹ Lý, chồng cô là Vận làm hương thư, công việc vất vả nhưng lương bổng chẳng là bao. Năm đó, Thảo xin về làng để giỗ ông. Bà mẹ chồng cho cô con dâu buồng chuối mật và một hào để đi đò, anh chồng chạy qua hàng xóm vay cho vợ thêm được bốn hào nữa. Vậy là Thảo về làng. Làng cô cách làng Mỹ Lý có mười lăm cây số mà mỗi năm cô chỉ về thăm nhà được hai, ba lần (?!). Về làng, Thảo vừa thấy bùi ngùi, vừa vui sướng. Cô sống lại với bao nhiêu ngày và chuyện cũ. Thảo gọi mấy đứa em đến gần rồi cho mỗi đứa năm xu, “trong nhà ai cũng khen cô rộng rãi và biết thương em” nên cô vui sướng lắm. Rồi cô cao hứng phân phát hết số tiền cô có được. Những giờ phút giỗ chạp vui vẻ rồi cũng qua, trước khi về lại nhà chồng, Thảo “đứng bên mẹ và mấy em khóc nức nở”. Ngày mai, ở nhà chồng, Thảo lại làm việc từ sớm đến chiều, tối tăm cả mày mặt, lòng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ. Thanh Tịnh kết thúc truyện bằng hai câu: “Rồi chiều chiều gặp những lúc nhàn rỗi, cô lại ra đứng cửa sau vơ vẩn nhìn về làng Quận Lão. Nhưng làng Quận Lão ẩn sau đám tre xanh đã kéo một gạch đen dài trên ven đồi xa thẳm”. Dư hưởng mà truyện để lại nơi độc giả là gì? Đó là: Đời Thảo mai này chỉ là những chuỗi ngày buồn lặng, ngày nào cũng giống ngày nào, bị đóng trăn trong những lo âu, thương yêu nhưng bất lực, rồi chìm mờ sau đám tre ngút ngàn kia.
Cũng vậy, đối với Sương trong Tình thư, Duyên trong Bên con đường sắt, gia tài duy nhất của họ chỉ là một vài ngày tháng ngắn ngủi đẹp khi được sống với mối tình thánh thiện mới chớm nở. Gần như tất cả họ bị mắc kẹt với quá khứ dù tình yêu của họ kết thúc trong bi kịch, dù không ai hoài cổ (trừ nhân vật  người chú  trong truyện ngắn Chú tôi). Tại sao lại như vậy? Bởi vì, dù tình yêu và bao nhiêu mộng tưởng chết lịm trong đau đớn, nhưng phần đẹp đẽ của quá khứ kia lại khiến con người ta luyến tiếc. Bởi vì, hầu hết họ không thể đi tiếp đến tương lai, hay tương lai là cả một trời sương mờ mịt, hoặc đi đến tương lai nhưng bao nhiêu mơ mộng, ước ao, diễm lệ, trìu mến, thiết tha đã gửi hết trong quá khứ, không bao giờ tìm lại, lấy lại được nữa. Khổ nỗi, tuy không bao giờ tìm lại, lấy lại được nữa nhưng gần như không có nhân vật nào của Thanh Tịnh có thể lột, gột, bóc, xé... được lớp giấy bồi ký ức. Ở góc độ ý nghĩa này, Một đêm xuân cũng là một truyện ngắn ám ảnh. Đi tu là giác ngộ lẽ vô thường, nhờ vậy, người tu hành sở đắc được cái hằng thường thanh thản, an nhiên. Nhưng đó là lý thuyết. Trên thực tế, làm được điều này một cách thực sự là khó lắm, mấy ai chấp nhận ngày tháng là lưu thủy hành vân? Nhân vật sư cụ trong truyện ngắn Một đêm xuân cũng vậy. Sư cụ tu hành ở cái am nằm cheo leo giữa một trái núi bốn mùa mây phủ nơi đất thẳm trời xa. “Lắng hết tinh thần” vào kinh kệ, vậy mà sau “đôi mắt lim dim”, “tâm tư đuổi theo một giấc mơ huyền bí”. Giữa lúc ấy, mấy câu nói không đâu của chú tiểu như một cú thúc cơ hội, khiến lòng người tu hành “tự nhiên thắm đượm một nỗi buồn man mác”, càng cố quên thì những kỷ niệm xa “lại nảy nở dồi dào và rõ ràng hơn nữa”. Sư bèn với tay lấy tràng hạt, nhắm mắt, rồi sư đánh mõ khua chuông “để che lấp”. Nhưng “những vụn đời xa cách” vẫn ào ạt trở về trong lòng sư. Không thể tin nổi, sư cụ “tự nhiên trông Đức Thích Già như một pho tượng lạ”, “cảm thấy mình như một người lạc bước”! May mà “những ý ấy chỉ thoáng qua trong nháy mắt”. Dù vậy, ngòi bút thần diệu của Thanh Tịnh đã “chụp ảnh” được khoảnh khắc ấy: Lưỡi gươm trí huệ nào đoạn hẳn được chút lòng trần?
Thanh Tịnh sinh năm 1911, ông viết Quê mẹ  vào năm 1941, Chị và em vào năm 1942, Ngậm ngải tìm trầm  năm 1943, vậy mà văn ông khiến người đọc hình dung tác giả phải là người từng trải, đi qua bao nhiêu cảnh ngộ khác thường, lên thác xuống ghềnh, gương mặt đầy vết chân chim.
Cuộc đời buồn của người con dâu đâu chỉ có Thảo (Quê mẹ). Mỗi nhà mỗi cảnh, tình cảnh của Hoa trong Con so về nhà mẹ cũng lấy ở độc giả nhiều nước mắt. Nhà Hoa nghèo, Hoa lấy chồng cũng nghèo. Cái số nghèo giam hãm Hoa trong cái ngục thất do cô buộc phải tự tạo ra: Trước mặt chồng, cô không dám nói cảnh nghèo của gia đình mình vì sợ nhà bên chồng khinh; nhưng trước mặt mẹ đẻ, cô cũng tránh nói cảnh túng bấn bên nhà chồng vì sợ mẹ buồn. Thanh Tịnh dựng cảnh thật tài tình khi mở đầu thiên truyện bằng mấy câu đẹp đến nao lòng: “Trời đã về chiều. Gió thổi trên đồng lúa chín, dạt dào nhẹ và khô. Bên kia đồng, tiếng hò đạp nước còn văng vẳng ran lên giữa bóng chiều tàn sắp tắt. Tiếng hò rời rạc và buồn buồn nghe như đàn ve xám thả giọng ngân rền cuối hạ”. Giữa khung cảnh ấy, Hoa xuất hiện: cô đi mót lúa về, bụng có mang gần đến ngày sinh nở, thỉnh thoảng dừng lại đặt bó lúa xuống đất để thở. Nghèo quá nên phải cố. Đêm, Hoa bàn với chồng chuyện sẽ về nhà mẹ đẻ để sinh con. Người ta chỉ sinh con so ở nhà mẹ, còn Hoa, cô sinh ba đứa đều ở nhà mẹ, đến lần sinh này cũng vậy. Trời sáng, Hoa gói mấy bộ quần áo rách, anh chồng sắp vào thúng cho vợ hai trái bí ngô và một ít khoai, sắn, cá mắm. Vợ đi trước, chồng gánh đồ đi sau. Vợ xuống thuyền, nhìn chồng quyến luyến; chồng đi theo thuyền, dừng lại, rồi chạy theo gọi “Mình ơi!”. Rồi thuyền rẽ vào dòng sông con, bóng chồng bị bụi tre che khuất. Trên thuyền, Hoa nhớ chồng, thương con, đưa vạt áo nâu lên chậm nước mắt. Có người đọc nào không thấy lòng mình se thắt?
Có một hình tượng người kể chuyện trong văn xuôi Thanh Tịnh
Rõ ràng nỗi buồn thương, đau khổ của những mảnh đời bất hạnh, hiu hẩm là vùng đề tài quen thuộc và ưa thích của Thanh Tịnh. Đọc truyện ngắn Thanh Tịnh trước 1945, tôi nhìn thấy hình tượng một người đàn ông tay cầm quyển sổ, tai luôn căng ra để lắng nghe và tìm đến, chân thành chia sẻ và ghi chép bằng hết những nỗi niềm, những tiếng than van, kêu rên với tấm lòng của một nhà nhân đạo. Cách ghi chép của người đàn ông này - dù ở ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba - luôn nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, chứa chan thương cảm, với giọng điệu nhỏ nhẻ, thấm sâu, đằm lắng. Văn Thạch Lam cũng hồn hậu nhưng có khi triết lý, nhất là những tác phẩm viết về đề tài người trí thức như Trở về, Đói, Sợi tóc, Cuốn sách bỏ quên...Thanh Tịnh thì khác. Nguyên nhân của những nỗi bất hạnh hoặc do một nhân vật nào đó kể ra với giọng điệu thủ thỉ, nỗi niềm của nhân vật thường được người trần thuật ngoại cảnh hóa rất tài tình, tự nhiên. Thanh Tịnh là người không ráo riết lý luận; ở ông chỉ có sự cảm thương, thấu hiểu.
Thế là, bao nhiêu cảnh đời không vui đã tìm đến và neo lại trên trang văn Thanh Tịnh: “cô quạnh”, “tiêu tán”, “tan nát”, “bỏ phế”, “đom đóm lập lòe”, “sương mờ”, “mưa gió dầm dề”, “gió chết”, “u ám”, “chiều tàn buồn bã”, “cô quạnh”... Trong khung cảnh ấy, nhân vật của ông “buồn uất”, “bàng hoàng”, “ngao ngán”, “hoảng hốt”, “mê cuồng”, “nghẹn ngào”, “não ruột”, “bưng mặt khóc”, “thổn thức”, “khóc không ra tiếng”, “khóc nức nở”, “khóc rưng rức”, “tấm tức khóc”, “đẫm lệ”, “nhòa cả lệ”, “lạc bước”, “biệt ly”... Theo tôi, hai truyện ngắn Tôi đi học, Chị và em là hai đốm sáng êm ả một cách lạ lùng trong cái thế giới nghệ thuật đầy buồn thương của Thanh Tịnh. Thêm một chữ “nhưng” nữa: Buồn thương là vậy nhưng gần như không có nhân vật nào của ông phẫn uất, căm hận hay hằn học cuộc đời. Điều này giải thích lý do: Dù không có tiếng trống thúc sưu thuế hay một biến cố kinh thiên động địa nào mà truyện ngắn Thanh Tịnh vẫn lay ám, hấp dẫn người đọc trong cái phẩm tính trong trẻo của chúng.
Bên cạnh hình tượng người lắng nghe, chia sẻ, người kể chuyện trong truyện ngắn Thanh Tịnh - theo cách tôi hình dung, còn là hình tượng của một con người xứ Huế từng trải và tha thiết với đồng đất xứ này. Có thể nói hồn văn Thanh Tịnh trước sau đi về với ruộng đồng, cảnh trí và con người nơi đây. Thanh Tịnh, với cuốn sổ trên tay, cứ đi mãi trên cái làng Mỹ Lý và những làng mạc khác của Huế. Huế trong truyện ngắn của Thanh Tịnh là Huế thôn ổ; gần như vắng bóng kinh kỳ, phố thị, nếu có thì chỉ là cái địa danh được nhắc đến chứ không phải là không gian nghệ thuật đích thực trong một số truyện ngắn không có giá trị cao như Tình vay, Hội ghét đàn bà, Hội chợ Huế, Đùa... Hình như, lạc bước ra khỏi không gian thôn ổ với Thanh Tịnh là một mất mát lớn. Tình cảm thẩm mỹ này thể hiện rõ nhất qua các truyện ngắn Làng, Một làng chết, Tình quê hương. Có lẽ nội dung này phải được trình bày thành một bài viết độc lập chứ vài lời không thể nói hết.
Trên đây là hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn Thanh Tịnh trước 1945 theo sự tìm hiểu bước đầu của người viết. Hình tượng này là kết quả sự nhất quán giữa điểm nhìn, cách trần thuật, giọng điệu và cảm hứng, trong một tổng thể phong cách rất Thanh Tịnh. Ông già mù trong Am cu-ly xe được lập am thờ, trở nên “linh hiển”. Truyện ngắn Thanh Tịnh cũng vậy, chúng là ga đỗ cho những con tàu số phận chạy trong đêm vắng, xuyên qua những cánh đồng hoang lạnh trên cuộc hành trình mang tên cuộc đời. Ở đó, có một người đàn ông xứ Huế đang chờ để trò chuyện, an ủi tên là Thanh Tịnh. 
23/4/2021
Đặng Ngọc Hùng
Theo https://hvhnt.binhthuan.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...