Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Đọc "Sóng" của Xuân Quỳnh

Đọc "Sóng" của Xuân Quỳnh

Dữ dội và dịu êm
ỒN ÀO VÀ LẶNG LẼ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Ðể ngàn năm còn vỗ
Thơ Xuân Quỳnh có nét rất riêng, trong số các nhà thơ nữ của Việt Nam, đó là: chân thật và đam mê mãnh liệt. Trong thơ chị cháy lên cái sắc màu của một thế giới lung linh, thế giới tình yêu. Thơ Xuân Quỳnh, thơ tình Xuân Quỳnh là niềm khao khát hạnh phúc. Thơ Xuân Quỳnh rất tình, rất đời và rất đàn bà bởi niềm khát khao ấy. Nói đến khát khao hạnh phúc trong thơ Xuân Quỳnh có nghĩa là nói đến "Sóng".
Tình yêu - vốn là đề tài muôn thuở. Xuân Diệu - nhà thơ của tình yêu - có bài thơ nổi tiếng "Biển". Còn Xuân Quỳnh, chị mượn hình tượng "sóng" để diễn tả những cảm xúc, trạng thái của người phụ nữ khi yêu. "Biển" của Xuân Diệu mạnh mẽ, dữ dội và nồng nàn, bộc lộ một tình yêu rất nam tính. Còn "Sóng" của Xuân Quỳnh thì đậm tính chất nữ tính, nhẹ nhàng, chân thành mà vẫn nồng nàn, thiết tha.
Dữ dội và dịu êm
ỒN ÀO VÀ LẶNG LẼ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Bao trùm bài thơ, lan tỏa khắp bài thơ là hình tượng "sóng". Âm hưởng bài thơ là âm hưởng của con sóng dạt dào, nhịp nhàng. Nhịp của con sóng vỗ bờ triền miên, vô hồi hay nhịp của tiếng lòng thi sĩ- nhân vật chủ thể- đang yêu và khao khát yêu. Mỗi trạng thái của tâm hồn người phụ nữ đang yêu có thể tìm thấy sự tương đồng ở một khía cạnh nào đó của con sóng. Con sóng ấy khao khát, hay chờ sự "xoay vần" của con Tạo nữa. Trái tim ấy kiên quyết "tìm ra tận bể", tìm đến độ sâu xa nhất trong tình yêu, để tìm hiểu, để khám phá và để yêu.
Khát vọng tình yêu là chuyện của muôn đời, muôn người, nhưng mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ, như có nhà thơ viết:
Nếu phải chia cho người yêu một nửa
Thì em ơi nhận lấy khoảng đời đầu
Ðã yêu là kháo khát, là bồi hồi:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Nhận ra trạng thái khác của mình, người phụ nữ kiên quyết tìm hiểu, "tìm ra tận biển", tận bến bờ sâu thẳm của tình yêu. Thế nhưng "tình yêu có những lý lẽ mà lý trí không sao giải thích nổi". Tình yêu đầy bí ẩn, và chính vì nó bí ẩn nên nó lại càng đẹp và lại càng là nỗi khát khao của con người:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Nữ thi sĩ người Bungaria Blaga Ðimitrôva - đã nói "Ta đi tìm mình cho ta và cũng là tìm ta cho chính ta nữa". Xuân Quỳnh cho rằng: "Yêu là đi tìm một nửa của mình, cũng chính là đi tìm mình". Như thế tình yêu làm cho con người ta hoàn thiện hơn, đẹp hơn. Tình yêu cũng làm cho con người ta băn khoăn về sự bắt đầu, sự khởi nguồn của nó. Thế nhưng: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?" (Xuân Diệu). Và có người thốt lên: "Có gì lạ quá đi thôi!", còn Xuân Quỳnh, chị bộc bạch một cách hồn nhiên, rất con gái, nhẹ nhàng, bối rối lẫn chút đắm say, ngọt ngào pha lẫn hơi nũng nịu:
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Nhà thơ, cũng như bao người con gái khác, đều không sao trả lời được. Em yêu anh tự bao giờ, em cũng chẳng biết nữa. Có lẽ là từ nỗi nhớ về anh da diết. Bởi đã yêu là nhớ:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Vẫn là hình tượng "sóng". Sóng nhớ bờ, ngày đêm không thôi dào dạt. Cũng như em:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Ca dao xưa cũng viết về nỗi nhớ khi yêu:
Ðèn thương nhớ ai
Mà đèn chẳng tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ chẳng yên
Nhà thơ Chế Lan Viên miêu tả nỗi nhớ cũng rất hay:
Anh không ngủ. Hẳn vì em đang nhớ
Một trời sao rực cháy giữa đôi ta
Anh thức giấc. Cho lòng em lặng gió
Cho sao trời yên rụng một đêm hoa
Hai câu thơ được tách riêng thành một khổ thơ như nỗi lòng, tâm trạng của thi sĩ bấy giờ. Tâm trạng ấy lan sang người đọc. Thiết tha, sâu lắng và mãnh liệt.
Yêu không chỉ là nhớ. Yêu là sự thủy chung, son sắt, dẫu xa cách ngàn trùng. "Khoảng cách trong tình yêu cũng như gió với lửa, dập tắt ngọn lửa nhỏ nhưng thổi bùng ngọn lửa lớn" (ngạn ngữ). Tình yêu của nhà thơ mãnh liệt và sâu đậm. Nỗi nhớ trong thơ chị gắn với khái niệm thời gian vô tận và không gian vô cùng. Với thời gian, nó không có ngày đêm. Với không gian, nó chẳng có nhiều phương hướng; chỉ có một phương thôi - đó là anh. Hai người yêu nhau luôn hướng về nhau. Họ là mặt trời soi rọi cho nhau vào những buổi sớm và là mặt trăng sưởi ấm những đêm khuya.
Nhưng tình yêu sẽ chỉ là lãng mạn, tình yêu không thực sự là tình yêu theo đúng nghĩa nếu nó xa rời thực tế - cuộc đời. Mà cuộc đời vốn nhiều nỗi trái ngang. Bên cạnh hạnh phúc, tình yêu cũng là đau khổ. Nhưng không phải vì thế mà tình yêu kém đi nét đẹp và sự lung linh của nó. Trái lại tình yêu càng trở nên huyền diệu hơn khi nó vượt qua mọi giông bão của cuộc đời. Ðó là khát vọng mà con người luôn hướng tới.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Khát khao được hướng tới tình yêu đích thực, hướng tới sự vĩnh cửu của tình yêu trở nên mãnh liệt. Và ở khổ thơ cuối cùng, biểu tượng "sóng" đã trở thành nơi cất giữ niềm khát khao mạnh mẽ.
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Ðể ngàn năm còn vỗ
Thơ Xuân Quỳnh là tiếng hát của trái tim đắm đuối trong sóng nhạc tình yêu. Ðọc thơ tình của chị, người ta khát khao yêu, khát khao hạnh phúc. Người đàn bà ấy dù đã trải qua nhiều nỗi truân chuyên, thế nhưng giông bão bao nhiêu thì chị lại càng sống hết mình bấy nhiêu. Chị sống cho tình yêu, hơi thở của chị là hơi thở của tình yêu, "một tình yêu dù đã đi qua mọi va chạm, mọi đau đớn của cuộc đời mà vẫn khát khao, vẫn chờ đợi tình yêu bằng cả sự trinh bạch của tâm hồn. Cái mà không một sự tàn phá, va đập nào của thời gian và cuộc đời chạm tới được".

Tháng 1/2002
Hà Thị Hải
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam
Theo http://vuhuu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...