Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Ði dọc thế kỷ thơ xuân

Ði dọc thế kỷ thơ xuân

Chơi xuân
Quân bất kiên Nam, Xuân tự cổ đa danh sĩ...
Ðã chơi xuân đừng quản nghĩ chi chi:
Khi ngâm nga xáo lộn cổ, kim đi,
Tùa tám cõi nêm về trong một túi.
Thơ rằng:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi,
Mặt mũi anh hùng há chịu ri!
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi,
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế.
Phùng xuân hội, may ra ừ cũng dễ,
Nắm địa cầu vừa một tý con con!
Ðạp toang hai cánh càn khôn,
Ðem xuân về lại trong non nước nhà!
Hai vai gánh vác sơn hà,
Ðã chơi, chơi nốt, ớ chà chà xuân!
PHAN BỘI CHÂU
Bài thơ này Phan Bội Châu làm trước lúc xuất dương tìm đường cứu nước (1905). Hoài bão sôi sục, khí xuân tràn trề, việc lớn quyết đưa vai gánh vác. Trong mắt Cụ Phan, trang nam nhi hưởng xuân, vui xuân, chơi xuân của đất trời là để tìm cách đưa mùa xuân về cho nước non quê nhà. "Ðạp toang hai cánh càn khôn", ý chí ấy của Cụ Phan, của bao thế hệ đi trước đã trở thành sức mạnh giành lại giang sơn đất nước từ tay ngoại bang. Cũng với ý chí ấy, lớp người sau tiếp bước tiền nhân xây Tổ quốc giàu mạnh, sánh vai các nước trên hoàn cầu.
Nguyên tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền.
(1948 - HỒ CHÍ MINH)
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(XUÂN THỦY DỊCH)
Một đêm trăng thật bát ngát, tràn đầy. Ba chữ xuân nối nhau trong câu thơ thứ hai đã diễn tả được sự khoáng đạt của không gian hữu tình. Nhưng không vì thế mà cảnh trở nên rợp ngợp, cô đơn. Bởi lẽ, điều quan trọng nhất nằm ở chỗ, tất cả được cảm nhận bằng một mùa xuân rộng mở trong tâm hồn người nghệ sĩ.
Hai câu thơ sau gợi lên âm vọng của những câu thơ cổ điển:
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn,
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu.
Song tuyệt nhiên trong bài thơ không hề có dấu vết của nỗi buồn xưa thổi đến. Ngược lại, thiên nhiên trong thơ Người tràn đầy niềm vui. Con thuyền đầy trăng đang lướt NHẸ, TÂM HỒN NGƯỜI PHƠI PHỚI, DẠT DÀO NIỀM LẠC QUAN HY VỌNG. Ý THƠ THẬT hài hòa, hình ảnh thơ đậm chất lãng mạn.
Nguyên đán
Xuân của đất trời nay mới đến,
Trong tôi, xuân đã đến lâu rồi.
Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi,
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.
XUÂN DIỆU
Là nhà thơ của tình yêu và mùa xuân, Xuân Diệu có những câu thơ thật cường tráng và mãnh liệt: "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần".
Nhưng cũng có khi, mùa xuân trong thơ ông tỏa hương một cách dịu dàng và tha thiết. Nguyên đán là nụ hàm tiếu duyên dáng, mà không kém vẻ nồng nàn. Nếu như Xuân của đất trời "đến hẹn lại lên", đúng mùa đúng vụ thì xuân lòng đã mở từ lâu. Từ lúc yêu nhau là "nhân", hoa nở mãi là "quả" và thơm ngát là sự giàu có của một điệu xuân tình. Ai đó đã nói rất đúng rằng, hai chữ Xuân Diệu chính là sự diệu kỳ của mùa xuân. Và sự diệu kỳ, phong phú sắc hương kia đã phổ vào thơ, tạo thành những giai điệu mê say.
Mùa xuân chín
Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Ðôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sự nhớ làng:
- "Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"
HÀN MẶC TỬ
Nếu như Nguyễn Bính có Mùa xuân xanh, Xuân Diệu có Xuân hồng thì Hàn Mặc Tử thổn thức với Mùa xuân chín. "Chín" là một trạng thái sung mãn, tròn đầy. Theo "bóng xuân sang" tất cả từ "ửng" chuyển dần thành "chín": chín ở cảnh, chín ở tình, chín ở nỗi đam mê... nhưng "chín tình" mới là điều quan trọng nhất. Trong thơ Hàn Mặc Tử, cảnh thường mang động thái của người, chúng cũng lơi tình, vương vít, sột soạt, hổn hển, thầm thì... Trong nỗi mê say, rạo rực đến ngất ngây ấy, âm nhạc dâng đầy cả tình xuân. Nhưng "chín" đâu có bền. Nó cũng là khởi đầu của quá trình vượt ngưỡng. Thì tương lai của "chín" là sự lụi tàn. Bước chuyển này đã được đánh dấu bằng hai từ sực nhớ có ý nghĩa  như một ranh giới ngăn cách hai khoảng không gian. Thôi, nhưng mê say, rạo rực xuân tình kia chỉ còn là hoài niệm, mọt dư âm ngắn ngủi trong đời. Bài thơ khép lại bằng một nỗi buồn vắng và trong trẻo đến kỳ lạ. Cái lõi của nỗi buồn ấy có gì khác hơn là một tiếc nuối, bâng khuâng:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Mùa xuân xanh
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giỏi ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Ðồng nàng và lúa ở đồng anh
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
1937 - NGUYỄN BÍNH
Mùa xuân xanh trước hết là một ý niệm về mầu. Ðúng thế, Nguyễn Bính đã tạo ra không gian xanh ở các tầng khác nhau: trên cao, lá cành, đồng lúa... Nhưng nếu chỉ thế thì có gì để nhớ. Cấu trúc ở hai câu 3-4 là một cách "vơ vào" rất khéo: thoáng chốc, anh với nàng đã ở cạnh nhau! Thì ra, mầu xanh là nền cảnh để giao tình. Cái sợi dây triển khai cảm xúc toàn bài đã hé lộ: mùa xuân - mùa xuân xanh - thắt lưng xanh. Nếu như cỏ đợi thanh minh để sống lại đời cỏ thì như một lẽ hiển nhiên, nỗi mong đợi của "tôi" là được tự tình. Cái điểm chốt của bài thơ nằm ở chi tiết thắt lưng xanh. Nó vừa gợi sự duyên dáng nó vừa nói đến một nguồn sống không bao giờ cạn. Có lẽ, cái triết lý ẩn sau câu chữ của Nguyễn Bính là sự sống bao giờ cũng cao hơn cái chết. Hay nói khác đi, cái chết (nấm mồ) hàm chứa khả năng tái sinh khi xuân đến. Mùa xanh, vì thế, cũng là mầu của tình yêu và hy vọng.
Xuân ý
Ðêm mưa nhẹ, gió vừa mơn,
Cây chen ánh nguyệt trái vờn bóng xanh.
Khuya nay mùa động đầu cành,
Ðồng trăng lục nhạt, vàng thanh lối gần.
Trăng êm cho gió thanh tân,
Hương rừng tỉnh dậy ái ân xuống đồng.
Ðêm say không khí say nồng,
Nghìn cây nở ngọn, muôn lòng hé phơi...
Khuya nay trong những mạch đời,
Máu thanh xuân dậy thức người héo hon.
Ngón tay tưởng búp xuân tròn
Có người ra dạo vườn non thẫn thờ.
HUY CẬN
Khi cho rằng, Huy Cận là một tiếng thơ "ảo não", Hoài Thanh đã chạm đến một thực tế: Huy Cận là kẻ buồn nhất thời thơ mới. Nhưng thi thoảng, ta vẫn gặp đây đó vài ngọn gió yêu đời, vài khoảng nắng hắt vào không gian thâm u lửa thiêng. Huy Cận không nghiêng về tả, ông thiên về gợi. Với "cái nghiêng tai kỳ diệu", ông tìm đến Xuân ý, tức tìm đến những chuyển động tinh tế nằm sâu trong hồn cảnh. Ðó là sự chuyển động lặng thầm mà mãnh liệt nghìn cây mở ngọn, muôn lòng hé phơi... Xuân đang tuôn nhựa, trẻ trung, thanh khiết và khao khát. Mà sự nồng say, lên sắc tỏa hương ấy đâu chỉ có ở thiên nhiên, nó ngắm sâu vào mạch đời bằng thứ âm nhạc bên trong - âm nhạc của sự sống: Khuya nay trong những mạch đời - Máu thanh xuân dậy thức người héo hon.
Không mềm mại, đậm chất dân gian như thơ Nguyễn Bính, lục bát Huy Cận đẹp vẻ đẹp hàm súc, kín đáo. Nó, có khi, cũng tựa như "búp xuân tròn" thanh tân, khiến bao thế hệ độc giả như "thẫn thờ" trước tâm tình Huy Cận.
Nguyễn Đăng Diệp
Nguồn: Tạp chí Tia sáng
Theo http://vuhuu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...