Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Một chuyến đi ký sự

Một chuyến đi ký sự

(Kể ra, nói cho đúng thì phải viết là “Ký sự một chuyến đi”, 
nhưng viết thế không oai lắm. Mà tôi thì rất thích oai).
 
Sếp giao cho tôi nhiệm vụ áp tải một chuyến hàng từ Sài Gòn đi Quảng Nam (tôi thích gọi Sài Gòn thay cho TP HCM vì nó ngắn gọn hơn, không vì gì khác. Vả chăng người ta vẫn gọi HN là Thăng long hay Đông Đô cũng có sao đâu). Nếu người khác chắc sẽ còn đắn đo vì đi đường vất vả, ăn bờ ngủ bụi lại chẳng có mầu xít gì, nhưng tôi thì hăng hái OK liền. Mấy khi được làm lãnh đạo (!), lại có cơ hội rèn tay nghề nữa, vì tôi đang tập lái xe mà.
Cảm giác được làm lãnh đạo, dù chỉ có mỗi một quần chúng là cậu lái xe, cũng vẫn thật là sung sướng. Thích đi đâu thì đi (!), thích nghỉ ở đâu, nghỉ lúc nào là do mình quyết định, khoái quá. Lại không phải làm chủ, mọi việc chi phí, hao mòn xe cộ hay xăng dầu không cần nghĩ tới, cứ vô tư mà đi, quá khỏe!.
Chuẩn bị xuất phát
Gần trưa hôm đó chúng tôi bắt đầu khởi hành. Mất gần hai giờ chen chúc xe mới tới Hố nai, nghỉ ăn cơm trưa. Ăn xong tôi bảo cậu lái xe để tôi cầm lái, nói một cách long trọng là tôi từ cương vị lãnh đạo đã kiêm luôn cả việc điều hành. Thật sự là tôi cảm thấy không được thoải mái lắm khi cầm lái vì mình không có bằng lái, lại lần đầu tiên đi xa, không có kinh nghiệm đường trường. Quả nhiên đi chưa được chục cây số thì bị vồ. Lỗi rất sơ đẳng: đè vạch liền. Bởi mải lo vượt chiếc xe quá tải phía trước nên tôi đã không để ý rằng cái vạch chia đường đã chuyển từ vạch đứt sang vạch liền tự bao giờ, đến khi vượt xong cũng là lúc nhìn thấy mấy bóng áo vàng ngay trước mặt như từ trên trời rơi xuống. Tiến còi vang lên, cây gậy chỉ thẳng vào mặt tôi rồi chỉ vào bên đường.
Tim như ngừng đập, tay chân như thừa thãi, mặt tái dại, đó là hình ảnh của tôi lúc đó. Cậu lái xe luống cuống dúi vào tay tôi mấy trăm ngàn và đưa tôi cái bằng lái, và tôi líu ríu mở cửa xe bước xuống. Xin xỏ, dúi tiền. Có lẽ cái mặt tôi lúc ấy trông làm sao đó nên các đồng chí CSGT thương tình (mà không chịu lấy tiền) ghi cho lỗi vượt phải để khỏi bị giam bằng. Để lại đăng ký xe với cái giấy hẹn 10 ngày sau về Biên hòa giải quyết - tức nộp phạt. Nghĩ lại thấy vẫn còn may, bởi nếu bị vồ ở miền trung, nguyên việc đi lại nộp phạt đã chết chắc! Và cũng thật hú hồn, chẳng hiểu sao các đồng chí CS xem bằng lái mà không nhận ra là bằng một nơi, người một nẻo, rồi xe 3,5T nhưng bằng lái thì lại là hạng B2… Tóm lại là tội lỗi đầy người, thế mà thoát mới tài.
Lên xe đi tiếp, cậu lái xe bảo tôi để cậu lái nhưng tôi gạt đi, nói cứng: chẳng lẽ lại đen đủi bị vồ lần nữa? Miệng thì nói cứng vậy, lãnh đạo mà, nhưng trong bụng cũng ngán. Thế nên tôi đi rất nắn nót, đúng phần đường, đúng tốc độ, mặc cho các xe khác chạy ào ào. Suốt mấy chục cây số tôi chỉ cho xe lẵng nhẵng bám theo một chiếc xe tải biển số miền Bắc, chắc chạy Bắc Nam nhiều nên chạy rất điềm đạm. Tới lúc nó tạt vào một cây xăng tôi mới vượt lên.
Đang đi chợt cậu lái xe cười nói với tôi: anh đi thế này chắc mấy thằng kia nó chửi anh - Cậu chỉ vào mấy chiếc xe đi ngược chiều - Anh có thấy nó đang đá đèn không? Bây giờ tôi mới để ý thỉnh thoảng có mấy chiếc xe chạy ngược chiều nháy đèn pha cho tôi mà tôi không hiểu chuyện gì. “Nó hỏi anh phía trước có gi không đấy, thế mà từ nãy tới giờ anh chẳng trả lời ai cả”. Cậu lái xe giải thích tiếp: “Anh để ý thằng lái kia, nó không đá đèn thì nó đặt tay lên kính, tức là nó cũng muốn hỏi tình hình đấy”. Chiếc xe chạy vụt qua như một cơn lốc, trước khi tôi kịp nhìn thấy người lái. “Nếu mình không gặp CS  thì mình khua tay thế này, còn nếu thấy CS rồi thì mình ra hiệu thế này”, cậu lái xe vừa nói vừa ra hiệu cho tôi. À ra thế, không đi ra đường thì làm sao mà biết được? Hóa ra lái đường trường không đơn giản chút nào, vừa lo xử lý tình huống trên đường, vừa theo dõi biển báo, vừa để ý canh chừng CS từ thật xa, lại còn vừa giao lưu với đồng nghiệp nữa. Khó ra phết.
Qua khỏi Phan Thiết, trời đã xế chiều. Tôi giao lại tay lái cho cậu lái xe. Tính ra tôi đã cầm lái chừng 4 giờ liên tục, không tệ lắm với một người mới tập lái. Cùng với đó là một chút kinh nghiệm mới vỡ ra khi đi đường dài.
Tháp Chàm ở Bình Thuận
… Xe tới Cà Ná thì trời tối đã lâu. Chúng tôi dừng xe tại quán nhậu mà chủ quán là bạn cậu lái xe. Quán đông, hầu hết là ngư dân vừa trở về sau những chuyến đi biển dài ngày. Bạn bè tay bắt mặt mừng trong tiếng ồn ào như chợ vỡ của dân nhậu, rồi vội vàng ăn uống cho xong bữa, chúng tôi lại lên đường. Tôi không thích lái đêm nhưng cậu lái xe đã uống chút bia nên tôi không cho cầm lái. Một lần nữa lãnh đạo lại kiêm luôn điều hành. “Ban đêm cảnh sát chỉ dừng xe lấy tiền thôi, không sợ phạt như ban ngày đâu”, cậu lái xe nói với tôi.
Đường quốc lộ đoạn đi qua bắc Bình thuận và Ninh thuận này thật vắng vẻ và đơn điệu, nhất là nhìn vào ban đêm. Con đường uốn lượn, lên xuống hết cồn cát này tới cồn cát khác, hai bên đường là những bụi xương rồng lác đác vụt qua dưới ánh đèn pha. Phía xa xa, những dãy núi sừng sững đen sì dưới trời đêm hình như đang vun vút chạy theo chúng tôi. Thi thoảng mới có một chiếc xe khác vượt qua hay từ phía trước đi tới, phá vỡ cảm giác cô quạnh và buồn tẻ.
Đi được khá lâu, chợt cậu lái xe nhỏm dậy. “Cảnh sát”. Cùng lúc đó tôi mới nhìn thấy phía xa chiếc xe cảnh sát đang nháy đèn, đỗ ở mép đường, bên cạnh có mấy bóng áo vàng lố nhố. Tôi vội giảm ga, trong lòng đột nhiên dấy lên một cảm giác vừa sợ hãi, vừa chán nản. Xe đi gần tới nơi, ánh đèn pin nhấp nháy loang loáng. “Dừng lại thôi sếp”, cậu lái xe nói. Tôi cho xe vượt qua xe CS một chút rồi dừng lại. Cậu lái xe hý húi lấy giấy tờ xe, kẹp vào trong đó tờ 100 ngàn. Chúng tôi đổi chỗ cho nhau rồi cậu lái xe mở cửa xe bước xuống. Chừng hơn phút sau cậu mở cửa xe trèo lên. “Bọn nó chửi em làm gì mà lâu thế, mất thì giờ các sếp”. Cậu vừa nói vừa cười “mà hội này lấy tiền nhanh lắm, em đã để ý rồi mà không biết nó lấy tiền ra lúc nào. Đến khi đưa lại giấy cho mình thì không còn thấy tiền kẹp bên trong nữa”. Cậu nói tiếp “từ đây là giáp ranh tỉnh, chắc còn nhiều trạm đấy. Anh để em lái cho”.
Chạy một đoạn dài nữa, đến một đoạn đường vắng vẻ, tối om, tôi chợt thấy ánh đèn quét loang loáng. “Hôm nay là ngày gì mà gặp nhiều CS thế”, cậu lái xe than thở. Tiến đến gần, tôi thấy một chiếc xe CS đỗ bên kia đường, đèn đóm tắt hết. Từ trong xe, viên CS bấm đèn pin ra hiệu cho xe tôi dừng lại. Lại giấy tờ xe, lại tiền kẹp bên trong, cậu lái xe cung cúc tiến lại chiếc xe cảnh sát. Viên cảnh sát vẫn ngồi trên xe, không buồn đưa tay ra ngoài cầm giấy tờ. Ánh đèn pin lóe lên, chỉ vừa đủ để kiểm tra mệnh giá tờ tiền rồi tắt phụt. Xong. Chúng tôi lại tiếp tục đi.
Đêm đã về khuya. Nhà cửa hai bên đường bắt đầu lác đác xuất hiện. Có lẽ chúng tôi đã vào địa phận Cam Ranh, Khánh Hòa. Tôi bảo cậu lái xe đi vừa phải để còn kịp nhìn thấy nhà nghỉ mà ghé vào, vậy mà suốt mấy chục cây số chẳng thấy cái nhà nghỉ nào thích hợp, bởi nó còn phải đủ chỗ cho cái xe tải 3,5T to đùng nữa. Đi mãi, qua cả Diên khánh, cửa ngõ Nha trang vẫn không tìm được chỗ nghỉ vừa ý. Chắc phải ngủ đêm ở cửa cây xăng rồi, tôi ngao ngán nghĩ vậy.
Đến chân đèo Rù rì, khi mọi hy vọng về chỗ nghỉ tắt ngấm thì tôi chợt thấy bên đường một tấm biển “Trạm dừng…” trên một cái cổng mở rộng. Chẳng kịp đọc hết, vả lại trời tối rất khó đọc, chúng tôi cho xe leo dốc tiến vào cái sân rộng bên trong. Sân rộng thênh thang, trong bóng đêm tôi chỉ thấy mấy chiếc xe tải cỡ lớn đỗ lung tung chẳng ra hàng lối gì. Xe dừng lại ở giữa sân, tôi xuống xe, tiến tới căn nhà duy nhất còn sáng đèn ở  một góc sân. Vừa đặt chân lên thềm, bỗng tôi hơi khựng lại vì đến lúc này tôi mới nhìn thấy một cái biển hộp đèn màu đỏ với dòng chữ vàng ngay ngắn BỘ CÔNG AN treo ngay dưới mái hiên. Chỉ khựng lại một thoáng thôi rồi tôi thản nhiên bước tới cái bàn nhỏ phía trong, nơi có một người mặc bộ đồ quân đội đã cũ nhưng không đeo quân hàm quân hiệu gì cả, chắc là bảo vệ hay trực ban gì đó đang ngồi. “Ở đây có cho nghỉ đêm không anh”, tôi hỏi. Người đàn ông lạnh lùng hất hàm chỉ cái biển hộp hỏi tôi “Có nhìn thấy cái gì kia không?”. “Thấy rồi”, tôi đáp rồi lại hỏi lần nữa một cách dửng dưng “Nhưng ở đây các anh có cho nghỉ dịch vụ không?”. Không hiểu sao người đàn ông có vẻ thay đổi thái độ, nhìn tôi một thoáng rồi đáp “Có”. Chúng tôi nhanh chóng thỏa thuận loại phòng, giá cả rồi anh ta dẫn tôi và cậu lái xe đi nhận phòng.
Dãy phòng nghỉ nằm trên sườn núi, cao hơn sân mấy chục bậc thang. Những bậc thang rộng, xây gạch, phía trên là những tán cây cao vút, đen sẫm dưới trời sao khiến dãy nhà phía trên có vẻ huyền bí lạ. Đang đi, chợt nghe một tiếng “ùng” rất to làm tôi giật mình. Người dẫn đường giải thích đó là tiếng xoài rụng trúng phải mái tôn của dãy nhà kho gần đó. “Xoài ở đây to lắm, sáng mai các ông sẽ thấy”. anh ta nói.
Phòng nghỉ của chúng tôi, cũng giống như đa phần các nhà khách bao cấp khác, rất giản dị, giản dị đến sơ sài và rộng rãi đến trống trải, dù có tới 8 chiếc giường đơn kê thành một dãy dài. Đã quá nửa đêm rồi nên chúng tôi chẳng quan tâm đến chuyện tiện nghi lắm, chỉ nhanh chóng làm vệ sinh rồi đi ngủ. Xung quanh thật yên tĩnh. Không thể hình dung được ngay phía dưới kia là đường quốc lộ và cách đây chưa tới chục cây số là thành phố biển Nha Trang ồn ào sôi động. Ở đây chỉ có tiếng lá rụng, tiếng sương rơi và thỉnh thoảng có tiếng quả chín rụng lịch bịch xa xa ngoài vườn đưa chúng tôi chìm dần vào giấc ngủ…
Sáng hôm sau, hơn 8 giờ chúng tôi mới khởi hành. Trời nắng đẹp cùng với giấc ngủ ngon lành hôm trước làm tôi phấn chấn, nhìn thấy cái gì cũng đẹp.
Công bằng mà nói thì Khánh Hòa đẹp thật. Những rặng núi xanh, đồng xanh, biển xanh lung linh ánh vàng trong nắng sớm, như càng rạng rỡ hơn dưới bầu trời xanh thăm thẳm, xanh đến nao lòng. Có lẽ trong con mắt của những người lữ khách như tôi, Khánh Hòa đẹp nhất trong các tỉnh miền Trung. Tôi nói “trong con mắt của những người lữ khách” vì những gì tôi thấy chỉ là từ trên đường quốc lộ. Có thể khi đi sâu vào những nơi nằm sâu bên trong, vùng sâu vùng xa, mọi thứ sẽ khác đi. Ai mà biết được?
Mặc cho tôi thả hồn vào cảnh đẹp hai bên đường và luôn tay chụp ảnh (vì chụp lúc xe đang chạy rất khó, ảnh hỏng rất nhiều, thường chụp 10 kiểu mới được một kiểu), cậu lái xe vẫn rất chú tâm vào chuyên môn. Những động tác khua tay, nháy đèn gần như liên tục để trao đổi thông tin với các đồng nghiệp lái xe tải. Thỉnh thoảng, tôi thấy những chiếc xe bình thường vẫn lao như gió lốc bỗng trở nên ngoan ngoãn lạ thường, đi rất thong thả thành hàng rồng rắn dài cả cây số. Rồi sau khi đi qua một chốt CSGT nào đó hay có “tín hiệu báo yên”, chúng lại ào ào tăng ga.
Biển Đại lãnh nhìn từ chân đèo Cả 
Biển, nhìn từ đèo Cả
Vịnh Vũng Rô dưới đỉnh đèo Cả, 
nơi đã ghi dấu ấn của đoàn tàu không số
Xe đã qua đèo Cả, tiến vào đất Phú Yên.
Tỉnh Phú Yên nằm giữa hai con đèo, theo tôi biết là lớn vào loại nhất của quốc lộ 1A, chỉ sau đèo Hải Vân. Đó là đèo Cù Mông ở phía bắc tỉnh và đèo Cả ở phía nam. Điểm cực đông (xa nhất về phía đông) trên đất liền của Việt Nam nằm ở mũi Đại lãnh, trên khu vực đèo Cả là nơi giáp ranh hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, nhưng tôi không rõ điểm đó thuộc tỉnh nào. Có lẽ vì nằm tách biệt như vậy nên tiếng nói của người Phú Yên cũng khác. Tôi không phân biệt được tiếng Bình Định hay Bình Thuận, nhưng nghe tiếng Phú Yên là tôi biết liền. 
Biển Sông Cầu, Phú Yên
Phú Yên, theo chữ của các cụ là giàu có và yên bình. Giàu thì tôi không rõ lắm, nhưng yên bình thì tôi cảm nhận rất rõ khi đi trên đường, qua những xóm làng, những cánh đồng lúa, vườn dừa bạt ngàn tràn ngập ánh nắng trải dài hai bên. Thi thoảng lắm mới thấy một chốt CSGT, với vài người CS đứng thờ ơ nhìn dòng xe qua lại. “Ban ngày CS ít khi lấy tiền lắm, nếu anh vi phạm là ăn giấy phạt thôi, khó xin lắm”. Cậu lái xe nói. Tuy thế ngày hôm đó chúng tôi vẫn phải dừng lại để các đồng chí “xét giấy” đâu như hai lần ở Bình Định và một lần ở Quảng Ngãi.
Phong cảnh hai bên cứ đều đều nên tôi không chụp ảnh nữa. Chẳng có việc gì làm, tôi bắt đầu nghĩ vẩn vơ.
Có đi trên đường trường mới biết nghề lái xe tải bị rất nhiều sức ép. CSGT rất ít khi hỏi tội xe con, trừ khi chúng đi quá láo. Có lẽ vì ngại đụng chạm, bởi những người có xe con thì thường phải là giời con, hay chí ít cũng phải hơn người thường, rất khó make tiền. Xe khách thì thường chủ xe đã lo sẵn, đi mãi đã thành dây rồi. Chỉ còn đám xe tải, trừ một số xe chạy đường dài thường xuyên, còn lại thì thường đi chuyến nào lo chuyến đó. Mà nói tới xe tải là nói tới quá tải. Rồi săm lốp, đèn còi không phải lúc nào cũng “sì tăng đa”, nên rốt cuộc, đoàn xe tải chạy ngược xuôi dọc đường chính là đàn bò sữa trên đường nhựa dành cho các đồng chí CSGT chia nhau vắt trên từng cây số.
Đã quá trưa. Chúng tôi dừng lại ăn trưa rồi đi tiếp. Xe vượt đèo Cù mông. Đỉnh đèo là ranh giới của hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Rất nhiều xe khách lẫn xe tải dừng lại nghỉ trên đỉnh đèo. Loáng thoáng xen giữa các hàng quán ăn uống giải khát, bơm hơi vá vỏ là những cái quán nhỏ lụp xụp trông rất đáng ngờ chẳng biết bán cái gì, trong đó có những cô bé nghèo vải giàu son phấn đứng ngồi lấp ló. Chắc chắn cái tên đèo Cù Mông không phải bắt nguồn từ mấy cô bé này vì tên đèo đã có từ thời xa xưa lắm rồi, nhưng từ khi nhìn thấy mấy cái quán đó, mỗi lần nghe thấy tên đèo Cù Mông là tôi lại thấy… nhột. 
Đỉnh đèo Cù Mông nhìn về Bình Định
Từ ngã ba Phú Tài, cửa ngõ thành phố Quy Nhơn trở ra Bắc hình như xe cộ bắt đầu đông dần. Làng xóm hai bên đường cũng xuất hiện nhiều hơn. Sang đến Quảng Ngãi thì gần như làng xóm, thị trấn cứ san sát. Vừa ra khỏi khu dân cư này, đã lại thấy tấm biển báo vào khu dân cư kế tiếp. Cảm tưởng như Quảng Ngãi có bao nhiêu dân thì có bấy nhiêu người ra làm nhà bên đường quốc lộ. Người xe nhộn nhịp, đi lại như mắc cửi. Những chiếc xe khách đường dài lao vun vút, bấm còi inh ỏi, lạng lách cứ như làm xiếc giữa đám đông như thể ở chốn không người. Nhìn tận mắt cảnh này, tôi càng khẳng định cảm nhận của tôi từ chiều hôm qua là đúng.
Ở thành phố hay vùng ven đô, nói tới “hung thần xa lộ” là người ta hay nghĩ tới những chiếc xe ben, một loại thùng sắt di động chở đầy đất cát, tung bụi mù mịt, chạy như điên bất chấp luật lệ và tính mạng người đi đường. Nhưng ra đường trường thì những chiếc xe khách đường dài mới đích thực là hung thần xa lộ. Từ những dòng xe cao cấp mang cái tên mỹ miều “hàng không mặt đất” để chỉ chất lượng phục vụ nhưng thực ra là chúng lao như máy bay trên đường bộ, đến những loại xe thương hiệu, xe dù, xe cỏ, tuy đẳng cấp, giá cả và chất lượng phục vụ khác nhau nhưng đa phần giống nhau ở một điểm là chúng chạy với một tốc độ kinh hoàng, chạy như không có ngày mai. Và chạy như thể chúng đang ở trên trời, nghĩa là coi như xung quanh chúng không có ai hết. Bởi thế nên con số hơn ba chục người chết vì TNGT mỗi ngày so với con số hàng chục ngàn hung thần xa lộ tỏa ra trên các ngả đường trong cả nước, đau xót thay, vẫn còn là may mắn. Cảm ơn Thượng đế và xin Thượng đế phù hộ cho tới ngày “người với người sống để yêu nhau”…
Trời đã về chiều. Những địa danh nổi tiếng của Quảng Ngãi như Sa huỳnh, Đức Phổ, sông Trà, núi Ấn lần lượt đi qua. Quảng Ngãi là một tỉnh nhỏ nên chẳng mấy thời gian chúng tôi đã tới Dốc sỏi, giáp Quảng nam. Một bên là Dung Quất, một bên là Chu Lai, những nơi trước đây tôi đã từng làm việc một thời gian. Lúc đó đã xế chiều, mặt trời đang chiếu những tia nắng cuối cùng qua rặng núi trập trùng xa xa phía tây. Nhìn cảnh cũ mang mang dưới nắng chiều, chạnh lòng chợt nhớ tới những ngày xưa…
Xe tới Tam Kỳ thì trời đã tối. Chúng tôi dừng lại ở một quán cơm có món đặc sản có tiếng của Quảng nam, quán cơm gà Tam Kỳ để ăn tối. Từ đây vào đến nơi giao hàng ở Bắc Trà mi còn chừng 60 km nữa. Sáu chục cây số đường rừng nhỏ hẹp, quanh co đèo dốc, lại đi ban đêm nữa, chưa nói ra thì ai cũng đã biết là rất khó khăn rồi.
Nên tôi chẳng cần nói nữa.
Nơi giao hàng, bây giờ đã nằm sâu 
dưới nước trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2
Tháng 4/2010
Theo https://cuadong2010.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...