Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Ngày xuân đọc lại "Xứ Trầm hương" của Quách Tấn

Ngày xuân đọc lại
"Xứ Trầm hương" (1) của Quách Tấn

Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, nhưng người thi sĩ của MỘT TẤM LÒNG, của MÙA CỔ ĐIỂN lại có hơn nửa đời người gắn bó với Nha Trang, Khánh Hòa, vùng đất mà ông “kính yêu như bà Nghĩa mẫu” (2), vùng đất mà ông đã trải tấm tình “thiết tha, thành thực” (3) trong rất nhiều sáng tác của mình. Và không chỉ trong thơ. Cái tên XỨ TRẦM HƯƠNG thi vị hóa từ nguồn lợi lâm sản nổi tiếng bao đời nay của Khánh Hòa còn là nhan đề một tập văn xuôi đặc sắc của ông, xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn năm 1969, đến nay đã gần 40 năm vẫn được đông đảo bạn đọc xa gần mến mộ.

Tuy nơi LỜI THƯA đầu sách, tác giả đã dè dặt minh xác rằng mình không có tham vọng viết một quyển địa phương chí, mà chỉ làm công việc “ghi chép lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa” (4), nhưng suốt cả gần 500 trang giấy, ngòi bút tài hoa, lịch lãm của ông đã đóng trọn vai người hướng đạo nhiệt thành đưa ta đi thăm thú, tìm hiểu hầu khắp mọi mặt của địa phương, từ địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa đến phong tục, vật sản, các thắng cảnh cổ tích, các nhân vật hữu danh v.v... Như vậy, theo cách hiểu thông thường, vẫn có thể coi XỨ TRẦM HƯƠNG là một quyển địa phương chí về đất nước, con người Khánh Hòa, nhưng ở đây còn với cái nhìn và bút pháp thể hiện của một nhà thơ giàu xúc cảm và tâm huyết.
Giá trị của XỨ TRẦM HƯƠNG có lẽ không phải là ở những tài liệu về dân số, về độ cao của núi non, chiều dài của sông suối, sản lượng khai thác các nguồn lợi kinh tế trong tỉnh... mặc dù tất cả những điều này đều được tác giả ghi chép công phu, cặn kẽ.
Với ý đồ giữ gìn tư liệu truyền thống, ghi chép sự tích cha ông, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của quê hương, con người nghiên cứu của Quách Tấn dường như đã chọn cho mình một cách tiếp cận từ giác độ văn hóa dân gian. Ông tìm về những gì có thể chúng ta đã lãng quên, mất mát, những dấu tích, những vang bóng một thời. Mỗi trang sách như mở ra một đoạn đường, một mảnh đất, một khoảng trời quê hương tươi đẹp, nơi hiện thực và huyền thoại đan dệt vào nhau tưởng chừng, nói như một nhà văn, “chỗ nào ta cũng thấy phảng phất hình ảnh của người xưa, văng vẳng tiếng nói của người xưa”.
Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để được cùng thi sĩ lên tận thượng nguồn nghiêng mình trước vẻ đẹp trầm hùng, dữ dội của những thác Hòm, thác Võng, thác Dằng Xay, thác Nhét... rồi trở về xuôi theo dòng sông Nha Trang chảy thanh thản giữa đồng bằng xanh mát mà cái tên sông nhắc nhớ ta “xưa kia hai bên bờ ngút ngàn lau lách mọc đầy” (5).
Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để được cùng thi sĩ dạo khắp dãy quần sơn hiểm trở của Khánh Hòa, từ trên chon von đỉnh đèo Đại Lãnh nghe câu hát của khách đa tình buổi trước: “Bước chân lên đèo Cả/ Trông sang Vạn Giã/ Ngó lại Tu Bông...” (6) đến vẻ thâm nghiêm, huyền bí của dãy hòn Bà (tương truyền là nơi Hành cung của nữ thần Thiên Y A Na) quanh năm chìm ngập trong biển mây trắng xóa (7). 
Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để được cùng thi sĩ “đến Trường Bơi ăn cá, lên nượng mà ca rình xem voi, xuống hồ Đá Xẻ thưởng thức chà khé” (8), để được tận hưởng cái thú uống nước dừa mà theo tác giả “cũng giống như uống trà uống rượu, phải biết cách uống mới thưởng thức trọn vẹn chân vị chân hương” (9), để biết mở lòng ra đón cái “gió Khánh Hòa mùa nào cũng có hương trầm ẩn hiện. Người thức khuya thường hay bắt gặp lúc trời trong” (10), và cũng để đừng trở thành kẻ bàng quang, bất kính trước những đình đền am miếu, những cổ tự danh lam, với thời gian đang ngày càng thâm u, hoang phế.
Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để biết rằng ngay giữa lòng thành phố Nha Trang tòa ngang dãy dọc hiện giờ, xưa kia đã từng có một rừng mai Phước Hải, “mùa xuân hoa nở ánh cả vùng” (11), và bên cạnh rừng mai, còn có rừng dương liễu mơ màng buông lục để từ đấy Nha Trang còn nổi danh là một miền “thùy dương cát trắng” (12).
Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để hiểu thêm về cuộc đất đại địa của Nha Trang, nơi sông biển bốn bề bao bọc, và đây đó “bốn hòn núi tượng hình bốn con thú tự họp lại để giữ gìn anh khí” (13) cho cuộc sống con người.
Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để giữ mãi trong tâm tưởng một đêm giao thừa ở Tháp Bà, vào cái thời khắc đất trời giao cảm ấy “núi non trông biếc thêm, sông biển trông trong thêm. Và những chòm cây muồng hòe ở hai bên đường, những khóm lau khóm dứa ở nơi bãi vắng, đầy đặc cả đom đóm”, tựa hồ “bao nhiêu sao trên trời đều sa xuống đọng nơi cây cối” (14).
Giữa bao nhiêu biến thiên, thay đổi của cuộc đời, Quách Tấn giữ lại cho ta hình ảnh một Nha Trang “đồng hóa cùng lá cây và dính liền với làng quê đồng ruộng, những cao ốc biệt thự phố xá chỉ còn là những vết trắng, vệt xám, vệt đỏ thấp thoáng trong sắc xanh của cây của núi của trời” (15), một Nha Trang của “lá me, lá chành ruột lác đác bay. Chiều chiều chim én lượn từng bầy đớp chuồn chuồn trong sương mỏng” (16), Nha Trang của “những áo xiêm... lần lượt biến thành năm sắc mây bay chờn vờn trên ngàn cây cổ thụ” (17), Nha Trang của “mùi hương rừng bay theo gió, có đó rồi không” (18).
Một dải non sông gấm vóc từ đèo Cả đến Cam Ranh, tưởng chừng nơi đâu cũng gặp những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, những di tích lịch sử, những dấu vết của một nền văn hóa xa xăm, những câu ca, điệu hò, chuyện kể dân gian đượm màu huyền hoặc, những ngóc ngách của con người, làng xóm, tập tục, sinh hoạt... tất cả, dưới ngòi bút tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ đều hiện lên sinh động, tươi rói như một bức tranh khảm nhiều màu sắc.
Cổ nhân từng phân biệt hai hình thức văn chương: văn chương trước thuật và văn chương cảm hứng. Văn chương trước thuật vốn là sở trường của nhà học giả, còn văn chương cảm hứng là của văn gia, thi sĩ. Lại thấy người ta thường nói, hễ làm thơ hay thì viết văn không hay. Điều này chắc là không đúng, lại càng không đúng với trường hợp Quách Tấn. Từ NƯỚC NON BÌNH ĐỊNH đến XỨ TRẦM HƯƠNG, hai tác phẩm có tính chất biên khảo này của một người lúc sinh thời từng được coi là “cây cổ thụ hiếm hoi còn lại trong cánh rừng đại ngàn thơ Việt” (19) đã chứng tỏ ông chẳng những có tài về thơ mà còn có tài về văn nữa.
Chú thích: 

(1) Quách Tấn, XỨ TRẦM HƯƠNG, Hội VHNT Khánh Hòa tái bản, 2002.
(2) Từ (2) đến (18) đều trích dẫn ở XỨ TRẦM HƯƠNG, sách đã dẫn ở mục (1).
(19) Thế Vũ, CON RÙA VÀNG CỦA THƠ VIỆT HIỆN ĐẠI, tạp chí Văn hóa và đời sống, tháng 9/1992, trang 58.

6/1/2007
Nguyễn Man Nhiên
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...