Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Có hẹn với Trường Sa

Có hẹn với Trường Sa

Quá nhiều xúc cảm đan xen suốt hải trình kéo dài 20 ngày đến với Trường Sa. Tôi đã thật may mắn khi được trải nghiệm hành trình đến đó, để tận thấy một Trường Sa phóng khoáng mà thiêng liêng, can trường nơi đầu sóng mà cũng diễm lệ đến khôn cùng. Đi, để thấy lá cờ Tổ quốc hiện hữu giữa nắng gió và bão dông, để nghe những người lính hát vang trong kiên cường, và để trái tim đập những nhịp tự hào mang tên Đất Nước. Nơi tôi đến là Trường Sa, với những câu chuyện được ghi lại ngay trên tàu 561...
Nghi thức chào trước khi 
tàu rời cảng. Ảnh: QUANG LIÊM
1. Tạm biệt đất liền:
Những ngày cùng với bao tân binh lênh đênh theo hải trình, tôi tin thứ gần gũi nhất với lính hải quân không phải những con sóng, mà là gió. Ràn rạt những cơn gió thổi qua khoảng ký ức, mà sau này, có lẽ sẽ là phần đời đẹp nhất của tuổi trẻ bao người lính may mắn ở lại nơi đó: Trường Sa.
Hát với lính
Trước ngày lên đường, tôi vào Vùng 4 Hải quân, hòa cùng những gương mặt tân binh đầy háo hức. Đêm văn nghệ. Gió từ hải cảng thổi lên, như gọi reo cùng tiếng vỗ tay không dứt. Lính hát. Phía dưới, đồng đội hòa ca, ngời ngời hồn nhiên trong từng ánh mắt. Rất nhiều trong số họ chưa một lần đi biển, nhưng hình như chẳng mấy ai bận lòng, dù trước mắt sẽ là một hải trình dài. Họ ở đây, với nhau, và với gió.
Tiếng reo chợt vang lên, nhiều cậu lính còn nghịch ngợm đưa tay huýt thật to khi đoàn văn nghệ của câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương có mặt trên sân khấu. Nghệ sĩ ưu tú Hồ Liên - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ cùng những cô gái trong đoàn nhanh chóng thu hút sự chú ý từ các chiến sĩ trẻ: “Ngày mai, các em sẽ theo tàu lên đường ra đảo. Có em đã có người yêu, có em chưa, nhưng chắc chắn hành trình ngày mai, sẽ không chỉ có những cô gái đang đứng đây dõi theo các em, mà còn có hàng ngàn, hàng vạn cô gái trên khắp đất nước này cùng hướng về các em, bằng tất cả niềm yêu quý. Các chiến sĩ của chúng ta đã đã sẵn sàng lên đường vì Trường Sa thân yêu chưa?”. Không cần ai bắt nhịp, bên dưới đồng thanh hô to: “Sẵn sàng!”. Giây phút ấy, tiếng hô vang át hẳn gió cầu cảng. Tim tôi bất chợt cũng rộn ràng.
Ba tiếng còi tàu, của khởi đầu, của hạnh ngộ, và cũng là của chia xa. Chung chiêng nỗi nhớ theo suốt ngày đầu của hải trình, đọng lại trong tôi là hàng dài những người lính đứng nghiêm nơi cầu cảng lẫn trên boong tàu và những bàn tay vẫy. Nhớ cả một người mẹ trẻ dắt đứa con trai đến muộn, dáo dác tìm chồng, mắt đã chực khóc giữa đám đông tiễn biệt. Nhớ cả cậu lính trẻ bắt tay quàng vai người bạn tiễn, hẹn năm sau trở về. Một đồng nghiệp kể, cũng trong chuyến đi như thế, anh biết chuyện một người lính bước lên tàu thì nhận được tin người thân qua đời. Không như ở đất liền, tàu hú còi chào cảng thì không quay đầu, quân nhân lên tàu không quay bước. Chỉ có thể kìm chặt tiếng nấc, chờ hồi còi cuối cùng dứt hẳn, tàu xa khuất mới dám khóc một mình. Vậy đấy, những cuộc chia tay “chói ngời sắc đỏ” nơi cầu cảng là biết bao xúc cảm lạ lùng.
Nhiều lính trẻ ùa lên sân khấu, tay sẵn cành hoa. Lời hát như reo cùng con gió. Đến khi các cô gái của chương trình văn nghệ bước xuống dưới giao lưu, một “làn sóng tay” tràn lên, nắm lấy những cánh tay chìa ra từ đoàn văn nghệ. Rất nhiều đôi mắt rạng rỡ trên bao khuôn mặt đã sạm đi bởi nắng gió thao trường, nhưng vẫn đầy sức trẻ...
Tôi may mắn có mặt trong khoảnh khắc hội ngộ khá đặc biệt của nghệ sĩ ưu tú Hồ Liên. Binh nhất Trần Văn Hiệu (SN 1998, quê Hải Hậu, Nam Định) khẽ len lên đầu hàng, nơi nghệ sĩ Hồ Liên đang đứng chuyện trò cùng các cậu lính trẻ. Chỉ mất vài giây, chị nhận ra ngay Hiệu là “anh nuôi” mà chị đã từng gặp ở đảo Sinh Tồn Đông trong chuyến đi Trường Sa vào tháng 7 vừa rồi. Hiệu bẽn lẽn nhắc lại kỷ niệm cũ ở đảo, khi cùng chị chế biến món “heo bọc thép” cho cả đoàn. “Heo bọc thép” là cách gọi vui của món thịt hộp, “đặc sản” của lính Trường Sa. Cậu lính trẻ chìa tay, xin... bắt tay chị, và nhận lại một cái ôm. Hiệu nheo mắt cười, cái cười vẫn còn nét thiếu niên dù làn da đã kịp hằn lên nhiều nắng gió...
Chương trình văn nghệ kết thúc sớm trong ít nhiều luyến tiếc, để những tân binh nghỉ ngơi cho hành trình ngày mai. Gặp họ, tôi biết, đêm nay sẽ là đêm thao thức với nhiều tân binh, trước chuyến đi có lẽ là đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mình.
Ba tiếng còi tàu
Quân cảng Cam Ranh, trời nắng nhẹ. Cái nắng của những ngày tháng Chạp mang hơi xuân trải trên lối về cảng. Phía cầu tàu, tàu 561 và hai con tàu KN490, 491 đã chờ sẵn. Tân binh cùng các sĩ quan thay quân ở Trường Sa đi theo đội ngũ, đều tăm tắp những gót giày. Ba lô con cóc to bè những đồ dùng, chiếc mũ hải quân được cài ngay ngắn trên cùng. Sau khi điểm danh, các chiến sĩ lần lượt bước lên tàu. Tôi đã dự nhiều cuộc giao quân ở đất liền, nhưng lần này, lòng lại dấy lên những xúc cảm khó có thể gọi tên khi bắt gặp nụ cười của những tân binh giữa hàng tay vẫy chào. Cũng sẽ là những ngày tháng rèn chắc tay súng vì Tổ quốc, nhưng nơi họ đến là phía nghìn trùng sóng Trường Sa. Có chàng lính trẻ sau khi điểm danh vội tranh thủ chạy đến chia tay người bạn, người đồng đội ở lại đất liền. Có chiến sĩ bước lên tàu mà ánh nhìn vẫn còn chùng chình nơi cô gái sinh viên có nụ cười duyên vừa vẫy tay tiễn... Đang cố ghi lại nhiều nhất những khoảnh khắc ở cầu tàu, tôi chợt nghe vang lên một câu tiếng Quảng. Phút gặp nhau ngắn ngủi, chỉ mới kịp biết tên em là Đinh Nguyễn Thanh Minh, 22 tuổi, quê ở phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn). Thanh Minh là tân binh ở đảo Song Tử Tây. Không cùng tuyến đi, tôi chỉ kịp gửi vài lời động viên, chúc chàng lính trẻ luôn mạnh khỏe và bình an, đón tết thật vui cùng đồng đội những ngày tháng tới...
Có rất nhiều “cuộc chia ly màu đỏ” diễn ra trong buổi chiều hôm ấy. Thượng úy Tạ Văn Sớm, sĩ quan thông tin thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bịn rịn ôm lấy con trai ở cầu cảng. Vợ anh, chị Tạ Thị Nhung là giáo viên Trường Tiểu học Đô Vinh 1, TP. Phan Rang (Ninh Thuận). Chị và con trai vượt quãng đường xa đưa tiễn anh. Những người lính đã lục tục lên tàu, riêng anh cứ mãi nấn ná như níu lấy từng phút giây bên cạnh vợ con. Không ai nỡ đưa ra một bàn tay vẫy. Cậu con trai cứ quấn lấy chân bố, còn nụ cười của chị hình như hơi lệch nghiêng. Rồi giờ phút chia xa cũng đến, tôi đứng trên boong tàu, thấy chị dắt tay cậu con trai. Chiếc bóng đổ dài cứ nhỏ dần, theo ba hồi còi tàu dài giã biệt. Có lẽ chị đã khóc. Tôi biết, trong lòng anh, cũng là cả một trời thương nhớ mang theo sau ba tiếng còi tàu.
Trùng trùng những người lính, trên boong tàu và phía dưới cầu cảng. Họ đưa tay chào. Tàu nhổ neo, nhưng còn một sợi neo khác cứ chùng chình níu lấy phút tạm biệt. Một sợi neo bằng những thương nhớ vô hình.
Những chiếc tàu ở cầu cảng đồng loạt rúc ba hồi còi dài. Tạm biệt đất liền, chúng tôi đi.
2. Tết gần hơn nỗi nhớ: 
Tết ở Trường Sa đến từ những con tàu. Bao khắc khoải từ phía biển nguôi đi bằng yêu thương gom góp từ đất liền ra với đảo...
Lá dong được chuyển từ đất liền 
ra để các đảo nấu bánh chưng.
Mùa trái gió. Những cơn lắc lư liên hồi trên con tàu 561 là thử thách đầu tiên đối với chúng tôi trong lần đầu ra đảo. Trên tàu, là hàng tấn lương thực, hàng quà và cả những anh lính trẻ đi theo đợt thay thu quân trước thềm năm mới. Con tàu đạp sóng, đi về phía mặt trời.
Đảo chìm đón tết
Hai ngày sau khi rời cảng, màu xanh ngọc bích hiện lên dưới ánh bình minh. Nhiều tiếng reo trên boong, khi ánh nhìn bắt gặp một chấm bé xíu ngay trên màu xanh ngọc ấy: đảo chìm.
Đảo chìm Đá Lớn C là nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến trong chuyến hải hành. Như một kỳ tích giữa biển, đảo chìm hiện lên, hiên ngang cùng sóng gió. Những lênh đênh trước đó với cảm giác nhỏ bé và cô đơn giữa muôn trùng biển chợt dịu hẳn đi. Sáng sớm, triều rút, chúng tôi xuống xuồng trung chuyển vào đảo. Một thử thách cho đội lái xuồng. Sóng lớn, phải khéo léo nương theo từng ngọn sóng để xuồng không vấp vào bãi cạn. Từ tàu, thuyền trưởng theo dõi và dùng bộ đàm hướng dẫn xuồng nhờ tín hiệu cờ của lính đảo chìm. Cảm giác lắc lư vẫn còn, nhưng niềm háo hức cứ thế kéo chúng tôi đi theo những người lính trẻ đang chộn rộn.
Rau xanh được trồng ở đảo chìm là nguồn 
thực phẩm quan trọng trong những ngày Tết. Ảnh: T.C
Phan Thanh Thiện - chiến sĩ trẻ quê ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa cùng đồng đội khiêng một chậu quất từ xuồng trung chuyển lên bờ. Chậu quất ấy đã vượt hơn một nghìn cây số từ Văn Giang (Hưng Yên), góp thêm chút hương xuân ra với đảo. Vài giò lan từ Đà Lạt, bưởi Diễn từ Bắc Giang, mứt tết, bánh kẹo... theo tàu ra với những người lính.
“Tết năm ngoái, lần đầu ra đảo, mình đã tưởng tượng rằng sẽ buồn lắm. Nhưng ra đến đảo mới biết, tết cũng có bánh chưng, có kẹo mứt, có anh em quây quần. Đợt này thay quân, mình vào bờ, sẽ nhớ lắm cái tết ở đảo!” - Thiện cười, nụ cười rất tươi trên khuôn mặt đã sạm đi vì nắng gió.
Lính đảo chìm dành tối đa diện tích để trồng rau xanh. Những cơn gió mùa thổi ràn rạt qua đảo mang đầy hơi muối, “sát thủ” diệt rau. Mọi phương án che chắn cho rau đều được sử dụng. Những ngọn rau xanh ấy lớn lên từ sự chắt chiu từng thau đất, từng giọt nước ngọt và cả kỳ công chăm bón của lính, dành cho tết. Tôi đang mê mải ngắm màu xanh diệu kỳ ấy, bất chợt có tiếng gà gáy ran. Đảo có gà. Có cả vịt và một con heo. Tiếng gà gáy góp thêm một thanh âm thân thuộc, để những người lính vơi đi niềm mong quê xứ. Lính đảo nói, đó là hơi thở đất liền. Đi qua những ô cửa sổ, thi thoảng lại bắt gặp một chậu cây. Nhỏ lắm, nhưng màu xanh ấy như sáng lên giữa màu xanh thôi miên của biển, giữa nắng gió, và cả bão dông Trường Sa...
Sóng theo từng đợt gió vỗ ầm ào vào chân đảo. Thứ âm thanh dữ dội như gió bão ở đất liền, đã thành quen với lính. Mùa của dông và bão. Hôm ở Tốc Tan, lần đầu tiên chúng tôi gặp mưa. Trời đang trong, bỗng tối sầm lại, rất nhanh. Gió lớn, rồi những hạt mưa rào rào đổ xuống. Còn dông là còn nước ngọt, những người lính nhìn sự dữ dội kia bằng niềm mong. Dông qua nhanh, cũng như lúc nó kéo đến rồi rầm rập đổ xuống đảo. Lính hứng từng giọt mưa bằng mọi vật dụng, để dành lại đó. Chút ngọt ngào đến từ giữa bão dông, để nuôi lấy những ngày tháng khác...
Những người lính ở đảo chìm Đá Lớn C 
trang trí hội trường chuẩn bị đón Tết. Ảnh: T.C
Đất liền với Trường Sa
“Chúng tôi biết ơn tình cảm của đồng bào, của bao tấm lòng vẫn đang hướng về lực lượng hải quân nói chung, về Trường Sa nói riêng. Đó cũng chính là điểm tựa cho Trường Sa, góp phần giữ vững từng tấc chủ quyền đất nước”. (Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 Hải quân).
Đồng hành với tôi trong suốt chuyến đi qua nhiều đảo thuộc tuyến giữa Trường Sa, nhà báo Võ Công Danh Việt - thành viên câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương mang theo rất nhiều suất quà từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Trước giờ xuất phát, thành viên câu lạc bộ đã cẩn thận chia quà, gói ghém cẩn thận để sẵn sàng vượt sóng, đến với 33 điểm đóng quân ở 21 đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa.
“Biển đảo luôn được nhắc đến bằng tất cả sự tự hào, thiêng liêng của hàng triệu người dân Việt. Chúng tôi hiểu được những gian khổ của từng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, hiểu được giá trị của những hy sinh mà mọi người đã và đang trải qua vì một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Những món quà được gửi đi, không chỉ là ân tình đất liền hướng về Trường Sa, mà còn là đặc sản của từng vùng miền để cán bộ chiến sĩ và người dân Trường Sa đón một cái tết ấm áp, vẹn tròn, đầy tình quê xứ” - nhà báo Danh Việt nói.
Trong số những món quà được gửi ra đảo, có một tặng vật khá đặc biệt: lá cờ Tổ quốc có chữ ký của ban huấn luyện và thành viên đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam sau khi vô địch SEA Games 30. Kỹ sư Trần Thành - Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tâm sự, lá cờ cùng lời chúc tết được đội tuyển thông qua CLB gửi tặng tới các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa.
“Đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam vừa giành được chiến thắng lịch sử, chức vô địch SEA Games 30 và trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sức trẻ đầy nhiệt huyết, cống hiến và ý chí vươn lên chinh phục đỉnh cao. Lá cờ chúng tôi mang theo đến từng điểm đóng quân sẽ là món quà tinh thần khích lệ, động viên những người lính nơi đầu sóng, lan tỏa tinh thần chiến thắng đến với vùng chủ quyền biển đảo thiêng liêng giữa biển Đông” - kỹ sư Trần Thành chia sẻ.
Lá cờ đỏ thắm ấy đã lần lượt tung bay trên nóc tàu 561, đi qua các đảo, đến với từng cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm, đảo nổi. Sau những lênh đênh hải trình, màu cờ đỏ thắm ấy đến với đảo xa, tiếp thêm một niềm tin để những người lính, những đồng bào đang sinh sống, làm việc và chiến đấu thêm vững vàng ở miền phên dậu.
Trường Sa, giờ đã vơi đi nhiều khốn khó. Chính những quan tâm, hướng về biển đảo suốt nhiều năm qua đã lặng lẽ vun đầy cho an yên ở nơi này. Và chưa dừng lại. Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 Hải quân nói, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã luôn là niềm cổ vũ, là tình cảm và sự quan tâm sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ và người dân ở Trường Sa.
“Chúng tôi biết ơn tình cảm của đồng bào, của bao tấm lòng vẫn đang hướng về lực lượng hải quân nói chung, về Trường Sa nói riêng. Đó cũng chính là điểm tựa cho Trường Sa, góp phần giữ vững từng tấc chủ quyền đất nước” - Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng nói.
Vượt gió, vượt nắng, vượt cả những cơn sóng lừng quăng quật, rồi cuối cùng con tàu cũng đến được với đảo xa. Một nhịp cầu bắc bằng chuyến hải hành, để những thương yêu luôn trọn, để “cả nước vì Trường Sa” như lời gọi. Và, những người lính của chúng ta đã đón nhận, trân trọng những tình cảm thiêng liêng ấy để vững tay súng giữa trùng khơi sóng gió. “Trường Sa vì cả nước”, những lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay, căng tràn những tự hào.
Tết này, những nỗi nhớ cũng gần hơn, từ phía biển!.
3. Trùng dương trong mắt lính:
Đâu chỉ có những tháng ngày với sóng và gió, đâu chỉ có những gian khó và hy sinh, người lính vẫn hát giữa trùng khơi, tay súng chưa bao giờ lơi đi khi đứng giữa bao la giữ từng tấc chủ quyền Tổ quốc.
Một góc đảo Phan Vinh. Ảnh: T.C
Người ở lại Phan Vinh
Trước chuyến đi, nhiều lời nhắc từ chỉ huy Vùng 4 Hải quân lẫn anh em thủy thủ, rằng đi biển mùa này sẽ là thử thách. Mà thật, ba ngày đầu, toàn tàu say sóng, trừ anh em thủy thủ tàu vốn đã dày dạn kinh nghiệm. Mọi thứ lắc lư, mọi giờ lắc lư, phần đông anh em bỏ bữa, tổ phục vụ phải nấu nồi cháo lớn để sẵn trong bếp, động viên anh em cố ăn chút để có cái mà… nôn. Chúng tôi đánh vật với nhưng cơn say sóng, không dám nhìn vào điểm nào cố định. Trên tàu sóng đã dữ, xuống dưới xuồng chuyển tải vào đảo Phan Vinh, cứ như đang nằm trên chiếc lá tre mà trôi. Sóng đập vào mạn xuồng tung nước tràn lên, ướt như chuột lột. Sóng trùng trùng nối sóng như lũ thủy quái trở mình chực chờ dưới nước…
“Hai con gái, cháu lớn học lớp 3, cháu nhỏ mới 4 tuổi, cả hai tôi đều không thể có mặt lúc con chào đời. Tổ quốc cần chúng tôi, người lính phải luôn sẵn sàng vì Tổ quốc. Năm này hay tin tôi vẫn còn ở lại với đảo, vợ tôi chia sẻ rằng cũng có một chút buồn, song cô ấy và các con tự hào vì có một người chồng, người cha đang cống hiến ở nơi tuyến đầu. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc của mình, vơi bớt những nhớ thương cứ dằng dặc trở lại sau những ngày phép ngắn ngủi”. (Thiếu tá Trần Duy Thảo - Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1 ở đảo Phan Vinh).
Nghe tôi kể về chuyện say sóng, Thiếu tá Trần Duy Thảo - Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1 ở đảo Phan Vinh cười, bảo đợt này sóng chỉ mới cấp 5, chưa… ăn thua. “Ở bờ, nghe tin báo bão thì người người, nhà nhà chạy bão. Ở nơi này, chỉ một phương án là luôn phải vững vàng đương đầu. Không phải là một thói quen, mà đối với chúng tôi, đó là một lời thề của người lính, sẽ luôn bám trụ với biển đảo, với tiền tiêu Tổ quốc” - Thiếu tá Trần Duy Thảo nói.
Anh là người mà trước đó ít phút, tôi bắt gặp ánh nhìn tư lự về phía đồng đội, những chiến sĩ tất tả dọn hành trang, chuẩn bị lên tàu thu quân sau một năm làm nhiệm vụ. Ánh nhìn kỳ lạ ấy níu tôi tìm anh, tranh thủ thời gian ngắn ngủi trên đảo để trò chuyện. Như điều tôi dự cảm, anh tình nguyện ở lại. Từ khi được phân công ra đảo, sống cùng đồng đội, niềm tự hào và ý thức thiêng liêng trong anh cứ lặng lẽ lớn dần. Hết thời gian công tác, anh xung phong xin được tiếp tục gắn bó cùng đảo. Đồng đội của anh sau một năm ở đảo sẽ được về đất liền, riêng anh đã là năm thứ 5 ở lại với Phan Vinh.
Tân binh Trường Sa. Ảnh: T.C
“Hai con gái, cháu lớn học lớp 3, cháu nhỏ mới 4 tuổi, cả hai tôi đều không thể có mặt lúc con chào đời. Tổ quốc cần chúng tôi, người lính phải luôn sẵn sàng vì Tổ quốc. Năm này hay tin tôi vẫn còn ở lại với đảo, vợ tôi chia sẻ rằng cũng có chút buồn, song cô ấy và các con tự hào vì có một người chồng, người cha đang cống hiến ở nơi tuyến đầu. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc của mình, vơi bớt những nhớ thương cứ dằng dặc trở lại sau những ngày phép ngắn ngủi” - Thiếu tá Trần Duy Thảo bộc bạch.
Tôi nhìn theo hướng anh chỉ: cầu tàu Phan Vinh. Nơi đó, anh đã đón và tiễn 5 lượt cán bộ chiến sĩ đến và đi. Anh nói, nếu phải rời xa nơi này, đó sẽ là nơi anh nhớ nhất. Anh kể tôi nghe câu chuyện về mùa thay quân năm ngoái, anh đã đứng đó, vẫy tay chào đồng đội. Một chiến sĩ ở đảo nuôi một con chó nhỏ. Đến khi chào tạm biệt, chú chó nhỏ nhảy xuống nước, bơi đến bên xuồng, anh chiến sĩ cũng với tay xoa đầu người bạn đặc biệt. Tàu nổ máy, chú chó bơi ra theo ra cửa luồng mới quay vào bờ. Một tiếng tru thống thiết ở nơi cầu tàu, như lời tiễn đưa của chú chó nhỏ với người chiến sĩ. “Nơi này, thứ gì cũng neo lại tình cảm đặc biệt trong mình như vậy, sao mà không nhớ, không yêu”, anh nói với tôi, mà hình như cũng đang độc thoại với chính mình, dưới màu xanh rợp mát của cây tra già trên đảo.
Gác lại những niềm riêng
Làn da rám nắng, nghiêm trang trong bộ quân phục lễ nghi đón đoàn công tác, rồi lại tất bật với việc đón tiếp, chuyển hàng, quà… Nhưng đó không phải là điều đặc biệt nhất ở những người lính mà tôi đã gặp. Chính những câu chuyện nhỏ của họ, những lời tâm sự mộc mạc mà chân tình của họ lại làm dấy lên những xúc cảm lặng lẽ, khó có thể gọi tên.
Chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: T.C
Hôm tôi đặt chân lên đảo chìm Đá Lớn C, bắt gặp một chiến sĩ có gương mặt rất thư sinh ẩn trong làn da rám nắng. Đó là Nguyễn Cảnh Đông quê ở Nghệ An, chỉ mới vừa 19 tuổi. Nắng gió đã kịp “chạm khắc” một làn da đen cháy cho Đông, nhưng nụ cười vẫn rất hồn nhiên. Đông kể về cái nắng rát cháy ở đảo chìm, về chuyện tiết kiệm nước ngọt để vừa nuôi người, vừa nuôi… rau một cách nhát gừng, kiểu “hỏi gì đáp nấy”.
Tôi hơi ngạc nhiên, khi những chiến sĩ khác ở đảo Đá Lớn C tíu ta tíu tít với đoàn công tác, Đông lại có chút gì đó lặng lẽ. Tôi kéo Đông ra góc đảo, hỏi thăm về chuyện ăn ở, chuyện gia đình. “Bố em mất rồi! Bố mất trước ngày em đi lính. Anh biết không, lúc trước em học hành cũng làng nhàng, có nhiều điều làm bố buồn. Ông nói, niềm mong mỏi nhất của ông là cho em vào quân đội. Rồi em trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Lo tang cho cha xong, em lên đường đi lính, may mắn được làm lính hải quân, may mắn nữa là được ra Trường Sa. Em nhớ bố. Bố còn sống, chắc hẳn bố sẽ vui lắm, khi biết con trai mình là người lính ra giữ đảo, giữ biển cho đất nước”. Tôi lặng đi sau những câu nói của Đông...
Những người lính nơi đầu sóng. Bao câu chuyện riêng chung, bao nỗi lòng làm sao có thể sẻ chia hết cùng người trong cuộc. Dưới chân là sóng dội. Sóng dội bốn phương tám hướng, cuộn trào bao thao thiết, sóng biển khơi, hay sóng trong lòng. Đông có quyền tự hào, cũng như chúng tôi luôn tự hào về Đông, về đồng đội của Đông đang ngày ngày gác lại những niềm riêng kia mà kiên gan cùng Trường Sa. Rồi sẽ là những an yên ngay trên đỉnh sóng. Sẽ là những bình minh đẹp đến nao lòng ở đây, hay những buổi chiều lặng ngắm mặt trời khuất dần sau mênh mông sóng nước.
Đi cùng tàu với tôi ra Trường Sa, là rất nhiều những gương mặt tân binh. Họ, chắc cũng sẽ như Đông, mỗi người cất giữ một khoảng trời riêng, một câu chuyện riêng mình. Bao nắng gió, bão bùng rồi sẽ tôi rèn cho người lính, để niềm tin không tắt, để Tổ quốc luôn hiện hữu ở đây, vững vàng như cách mà bao thế hệ người lính hải quân đã sống và chiến đấu…
Trong mắt lính, có một trùng dương mang dáng hình Đất Nước!
4. Sinh Tồn, trong hình hài Tổ quốc:
Với từng chút cây trái mọc lên từ nền san hô, từng gương mặt và cái cười con trẻ, khi đặt chân đến Sinh Tồn. Đảo nhỏ, có dáng hình gương mặt mẹ…
Hoàng hôn ở Sinh Tồn. Ảnh: T.C
Thẳm xanh trong lòng biển
Nếu phải gọi tên một điều gì thân thuộc và bình an nhất ở đảo Sinh Tồn, ắt hẳn đó phải là những tán cây. Màu xanh trên những khối bê tông xám lạnh ở đảo chìm, hay cả những ngăn ngắt rợp trời nơi đảo nổi, cũng đều hiện hữu như một lẽ hiếu sinh của đất trời dành lại cho người ở biển. Bởi, sẽ cô độc biết bao nếu nhìn đâu cũng thấy người, mà lại vắng thiếu đi một bóng cây, hay ít ra là một khoảng xanh nho nhỏ vỗ về cái nắng quắt quay vốn chỉ có ở Trường Sa. Có màu xanh, là có dáng hình quê xứ.
Hôm tàu đến Sinh Tồn, màu xanh ấy quả đúng là màu của sự hồi sinh. Cả đoàn người vốn mệt nhoài sau nhiều ngày lênh đênh trên biển lập tức xôn xao khi bắt gặp một khoảng xanh non mởn mở ra giữa thẫm xanh mênh mông biển. Những cây tra, cây phong ba, cây bàng vuông rợp mát đảo nhỏ. Có cả một cây chanh thuộc vào hàng “cổ thụ”, mà lính đảo khoe rằng  luôn đơm trái, đỡ biết bao nhiêu những thiếu thốn “chất chua” ở đảo.
Y sĩ Phùng Văn Hoàn, người đã có 2 năm ăn tết Sinh Tồn kể nhiều về những cây xanh ở đảo, nghe anh kể mà có cảm giác như ký thác cả một niềm biết ơn. Cây che gió, chắn những mưa nắng bão dông, giữ nước, và hơn hết là cả một khoảng trời để bao người an trú. Bây giờ, ở đảo có đủ từ phong lan, hoa giấy, đến hoa súng, hoa sứ, cúc, mười giờ, được người dân và chiến sĩ chăm sóc, nâng niu. Màu sự sống.
Ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn, điểm đến 
của nhiều ngư dân mỗi khi có dịp ghé đảo.
Tôi đứng dưới tán những cây tra, nhìn dáng thế cũng đủ đoán định được bao sóng gió tả tơi tạc thành cái bóng mát đầy vững chãi ấy. Mà đâu chỉ cây trái, ở đảo, con người cũng đầy khao khát chứng tỏ sức bền của mình, với biển. Gặp những đứa trẻ ở đảo, còn bé lắm, đi cùng ba mẹ chúng, nhưng cái cách lũ trẻ chuyện trò với nhau dưới tán cây tra, cây bàng, hay nụ cười giòn vang sau giờ tan học, thấy nhịp sống nơi này có xa lạ gì đâu với những hơi thở của đất liền. Chỉ vắng thiếu những ồn ào chợ búa bán mua, thiếu sắc màu những khu vui chơi thành thị, hay xa hơn, là thiếu vắng những cuộc viễn du đâu đó mà cha mẹ có thể đưa con cái đi để chúng “mở mắt” với cuộc đời.
Hôm đoàn ra đảo, ngoài quà tết cho cán bộ chiến sĩ và bà con, còn có mấy chiếc xe đạp mini, nhiều đồ chơi và bánh kẹo. Lũ trẻ đón nhận, hân hoan với món đồ mới, ríu rít như bầy chim non suốt cả buổi sớm mai. Tôi còn gặp được một “công dân” mới toanh của Sinh Tồn: bé Trương Nguyễn Tố Trinh, chỉ mới vừa 6 tháng tuổi, là con gái của chị Nguyễn Thị Thu Thủy.
Những đứa trẻ ở Sinh Tồn. Ảnh: T.C
Anh Doãn Thế Hiển, một hộ gia đình ở đảo nói, vốn là dân biển, nên cuộc sống nơi này cũng chẳng khác mấy so với đất liền. Nhà nào cũng tự túc được một vườn rau xanh, đánh cá ăn, dư thì mang cho bộ đội. Đổi lại, bộ đội cũng cho khi thì đồ hộp, khi thì ít thịt. Nhìn những đứa trẻ đang mải mê chơi ngay bên cạnh tấm lưới đánh cá của người cha, nghĩ tới những sóng gió đã tưới tắm cuộc đời chúng từ lúc chào đời, hẳn sẽ thổi vào chúng một sức sống bền bỉ như chính những cây tra, cây phong ba, bàng vuông nơi đảo. Biển làm bạn, họ nương nhờ người bạn đặc biệt đó, mà sống, mà chăm bẵm cho những đứa con trong sự chở che của đảo. Sự chở che, có bóng hình Tổ quốc…
Vọng tiếng chuông chùa
Đừng nhìn Trường Sa bằng một ánh mắt buồn. Đi qua khắp các đảo nổi đảo chìm, khốn khó thật đấy, nhưng tôi chưa hề nghe thấy một lời thở than. Như cái cách mà rau trái ở nơi này đã xanh mướt đấy thôi, Trường Sa chắt chiu từng hạt đất gửi từ đất liền, từng chút nước ngọt, ân cần và tận tụy.
Tôi đồng hành với sư thầy Thích Tâm Thanh cho đến tận Sinh Tồn, nơi thầy sẽ tiếp tục hành trì trong ngôi chùa nhỏ. Đã quen với sóng gió Trường Sa từ khi còn ở Nam Yết, sư thầy nói, những ngôi chùa hiện diện ở Trường Sa giúp ngư dân lẫn những người dân ở đảo có thêm niềm tin trong những chuyến đi của cuộc đời mình. Tiếng chuông chùa vẫn đều đặn vang lên trong tịnh lạc, là thanh âm của từ bi, che chở cho biết bao phận số giữa trắc trở ba đào.
“Bà con, mỗi lần tránh trú bão hay có việc gì cần ghé, thường hay đến chùa thắp nén nhang. Chuyện họ kể, vui có buồn có, tôi nghe, nguyện cầu cho họ an lạc, bởi phía sau họ là gia đình, phía trước họ là cương thổ của Tổ quốc”, lời sư thầy cứ rầm rì trong nhang khói. Vốn chẳng xa lạ gì với tiếng chuông chùa nơi đất liền, nhưng ở nơi này, tiếng chuông vang trong gió như dội vào lòng biển những bồi hồi, như kiên nhẫn gieo từng hạt từ tâm, an lạc. Một nỗi tha thiết chực trào, khi chạm vào ngay ánh nhìn một ban thờ, ghi phương danh 64 anh linh liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Nơi này, không chỉ là chốn nương náu cho bao phận người đang sống…
Tết sắp về rồi. Hôm tàu đến, những phụ nữ ở Sinh Tồn mặc áo dài đứng thành hàng cùng những người lính chào đón đoàn nơi cầu cảng. Quà tết đã đến sớm, cho các chiến sĩ và cả những hộ dân. Trung tá Nguyễn Văn Quang - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn nói, thấy tàu là thấy tết. Sẽ có một nồi bánh chưng hẳn hoi dành cho tất cả chiến sĩ và cư dân, cả một đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” lúc giao thừa. Đầm ấm, thân tình, như hồn cốt bao đời của một cái tết cổ truyền.
Trung tá Nguyễn Văn Quang nói, năm 2019 đảo tăng gia được đến hơn 10 tấn rau xanh, chiết hơn 900 cây, trồng mới 500 cây xanh trên đảo. Một kỳ tích. Làm lính Trường Sa, giữa gian khổ chất chồng, ngoại bang chực chờ với bao hung hiểm thủ đoạn, chưa kể những cuồng nộ của đất trời mùa bão, lòng người phải vững mới mong trụ được giữa bốn bề gian khó. Hiện diện ở đó, họ còn là điểm tựa của ngàn vạn ngư dân. Cơn bão số 6 vừa qua, 79 tàu cá với 727 ngư dân được đưa vào Sinh Tồn tránh trú an toàn. Hàng trăm ngư dân được cấp phát thuốc. Ngư dân Võ Hữu Thủy trên tàu cá Qna-90956TS của Quảng Nam còn được phòng khám ở đảo mổ cấp cứu viêm ruột thừa cấp…
Hằn khắc trong tôi là sự rắn rỏi, cương nghị trên từng gương mặt, nhưng cũng chính những gương mặt đó, lại có thể bất ngờ là một chàng lính nghêu ngao hát dưới cột mốc chủ quyền đêm văn nghệ, hay là cái tên thi sĩ trên những tờ báo tường. Mọi gian khó được xếp lại, để vui vầy với nơi họ đang sống, thật an lành…
Tôi về lại tàu, nhớ tiếng chuông khoan thai hòa vọng với gió, nước và trời Trường Sa mà dậy lên một niềm thao thiết. Sinh Tồn, không thể mờ đi sự hiện hữu trong hải trình cắm cọc giữ gìn cương thổ. Xin chẳng để lòng riêng, nguyện cầu cho bình an, hoan hỉ những mặt người, cho bớt đi những ba đào nơi đầu sóng.
5. Neo lại với sóng:
Có một Trường Sa không ngủ. Đứng đó, những đôi mắt canh biển, canh trời. Họ gửi nghĩ suy vào mênh mông biển, chỉ có một điều họ không cần kể, cũng sẽ đọc được trong những đêm thao thức của Trường Sa: đảo là nhà, biển cả là quê hương…
Mỗi năm, Trường Sa có ít nhất 
131 ngày bão. Ảnh: VÕ VIỆT
1. Sóng cấp 8. Chúng tôi đang ở đảo Núi Le B, Thượng tá Nguyễn Đức Độ - Trưởng đoàn công tác ra lệnh cho xuồng qua điểm A, ở lại, vì khó có thể vượt qua những cơn sóng cuồng nộ đập vào mép xanh - ranh giới giữa biển và đảo, sóng bao giờ cũng dữ dội, khó lường. Cơ may đây rồi, vì chỉ có 6 phóng viên trong tổng số hơn 50 người được theo xuồng ra đảo, do điều kiện sóng gió và thời tiết. Trước đó, cả đoàn chưa ai được ngủ lại một đêm trên đảo chìm…
Đàn chó ở đảo Núi Le A không sủa. Chúng lao hẳn xuống nước, quẩn quanh xuồng như tìm kiếm một hơi ấm lạ. Những người lính đem ra một chiếc cầu ghế gỗ. Tôi không bước lên cầu mà nhảy hẳn xuống nước, vì thấy anh em đứng giữ cái cầu nhỏ ấy cực quá, sóng cứ thi thoảng tạt vào cầu cảng, phủ nước từ đỉnh đầu xuống. Bước chân tôi đặt lên đảo, lại một lần ngực như nghẹn, khi bắt gặp hoàng hôn phủ xuống mặt biển phía trước mặt. Nhiều hơn các điểm đảo chìm khác một khối nhà, bởi có nơi đóng quân của phân đội làng chài, và vẫn cái nắm tay thân thuộc nóng ấm của những người lính đảo. Không thể hình dung những kỳ công của người lính công binh, bao tấm lưng trần đã phơi mình giữa nắng và sóng để tạc khắc nên hòn đảo nhỏ này. Một cộc mốc, có khi là một chấm nhỏ xíu trên hải đồ thôi, nhưng neo giữ cả cương thổ quốc gia. Đã qua bao lần dậy sóng, chắc chỉ có họ mới nhớ hết, mới đếm hết giữa biển cả mênh mông này. Tôi đã nhiều lần chạm tay vào cột mốc biên giới nơi rừng sâu, nhưng ở đó, dẫu sao vẫn là đất liền. Còn nơi này, chỉ có những vòng tay rắn rỏi của người lính, và bê tông xám lạnh.
Lính trẻ Trường Sa. Ảnh: T.C
Đại úy Nguyễn Hữu Quang - Chính trị viên đảo nói, neo người, nên anh em quý nhau như ruột thịt. Người bước đi từ những cánh đồng, người rời khỏi đụn cát bên lề chân sóng, từ Bắc tới Nam, lớp nối lớp, cùng ở, cùng chia nhau từng ngụm nước ngọt mùa nắng rát, cùng nhau chống chọi cả một mùa bão dông. Một năm, Trường Sa có ít nhất 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Đi biển, có khi vài ba tháng đã là dài. Còn họ ở đây, với nhau, và với sóng gió. Từng chậu rau, gia súc, gia cầm, đâu chỉ để ăn, mà còn để nhớ về gia đình, về những người thân, về cả làng mạc mù khơi cuối chân trời. Và còn để nương náu chính mình, trong mênh mông niềm nhớ…
Tuổi trẻ, là khao khát. Tôi tin, họ ở đây, cũng có một khao khát, nhưng không cho riêng mình: vẹn toàn Tổ quốc, chủ quyền cương thổ, giữa bao bất trắc khôn lường vẫn luôn có một trái tim ngời khí phách xả thân, vì Đất Nước.
Lại vọng nghe ba tiếng còi tàu tiễn biệt. Không nỡ chào, chẳng nỡ xa, cũng không nỡ đưa một bàn tay vẫy... Tôi đã tận thấy được một Trường Sa phóng khoáng, một Trường Sa thiêng liêng, và cả một Trường Sa của những diễm lệ khôn cùng.
2. Đêm xuống nhanh. Biển từ màu thẫm xanh, chợt mất hút vào bóng tối. Chỉ còn vài ánh đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng cho toàn đảo. Chỉ huy trưởng cho anh em lên phòng sinh hoạt chung. Mọi người cùng hát. Giữa mênh mông, mới thấy, thứ cần hơn tất cả, là tình người. Tôi nghe họ hát, nghĩ về những đoàn tàu ra đảo nối thêm lo lắng, ân cần của đất liền, và cả những ưu tư. Hình như, khi quá đủ đầy, người ta khó cảm thông hơn. Chỉ những lúc phải nhồi dập với bao thiếu thốn và cô đơn, mới biết, sức mạnh và cả những niềm vui đến từ từng chút quan tâm, từng chút sẻ chia của người lính. Một chương trình văn nghệ, vài câu hỏi vui, sau những rộn rã ngắn ngủi, đảo lại chìm vào im lặng. Tôi tự hỏi, có biết bao nỗi niềm như sóng trắng bạc đầu dội vào thềm đảo kia, bao câu chuyện họ đã kể với nhau trong đêm sâu giữa biển…
Chạng vạng ở đảo chìm Núi Le. Ảnh: T.C
Những ngọn đèn trong đêm như lọt thỏm giữa mịt mùng. Nhưng lại là thứ ánh sáng nhẫn nại và tràn tình thương tựa ngọn đèn của mẹ. Dưới ngọn đèn đó, có ánh nhìn quyết liệt dõi theo từng tấc biển, mà cũng có cái nhìn đằm sâu thương nhớ, đầy thân thiện của bao người lính. Mắt đảo, ngọn đèn không thể tắt để bao con tàu lạc hướng giữa phong ba tìm tới. Ngư dân đi biển, những con thuyền như lá, níu lấy ánh đèn thao thức ấy mà tìm được chốn neo trú qua ba đào.
Bữa tôi vào đảo Tiên Nữ, hòn đảo nhỏ có cái tên gọi rất mơ màng, nghe kể chuyện về bao bận tàu nương nhờ ánh đèn ở ngọn hải đăng. Có lẽ, phải là người trong cuộc mới hiểu được niềm vui đó, khi giữa mênh mông, mạng người mong manh như cỏ. Quá nhiều điểm nhìn để thấy những thầm lặng hy sinh, nhưng tôi tin, chỉ ở đây, Trường Sa, người lính chịu đựng gian khó trong lặng im, vì bình yên cương thổ, vì những nụ cười chưa xóa được hết ám ảnh sinh tử trong từng ngư dân được cứu, là thứ hy sinh thầm lặng nhất mà cao cả nhất. Dấy lên trong tôi, là cảm xúc đơn côi trong thiêng liêng, cùng họ. Sau lưng là Tổ quốc, trước mắt là xa xăm. Không thể xóa đi cảm giác nhỏ bé và cô đơn giữa muôn trùng đại dương, nhưng may thay, nhờ những ngọn đèn, nhờ người lính, nỗi cô đơn không là cô độc…
3. Chúng tôi bước xuống xuồng, thèm biết bao thời gian dài ra để có thể ở lại cùng những người lính đảo. Sóng mịt mùng phía chân trời, họ vẫy tay, ở lại với “người bạn” của mình, là sóng và gió. Cứ dậy lên trong lòng một niềm riêng, rằng họ, cũng có mẹ cha, những người yêu, những lo toan và cả niềm mơ ước. Mạnh mẽ, rắn rỏi đấy, nhưng đâu thể cố quên được những ưu tư trong đáy mắt khi nhìn về đất liền.
Tôi nhớ, lúc ghé Len Đao, gặp một chàng lính trẻ ra đảo từ tháng 7 năm ngoái, mặt hơi thẹn khi nói mình chưa có người yêu, rồi cười. Nụ cười lính đảo, hình như bật ra từ những gian khổ vốn đã được đón nhận như vui đùa, hồn nhiên như sóng. Ở đó, đâu có chỗ cho những tị hiềm bất lương hay hơn thua ganh ghét, đâu có chỗ cho nhỏ nhen vốn ươm sẵn, chờ chực trong sâu thẳm mỗi người. Chỉ có tuổi trẻ, Tổ quốc gọi, và họ đã lên đường…
Lại một hoàng hôn trong lòng biển. Tôi quay lại lần nữa, nhìn về hướng Phan Vinh, hòn đảo cuối cùng chúng tôi ngang qua khi quay lại đất liền. Những đảo nổi, đảo chìm rồi cũng xa thẳm giữa trùng khơi, ngưng đọng lại hình ảnh những người đàn ông đụng đầu nhau, chịu đựng những gian khó phía tiền tiêu, ôm súng giữ biên cương mà lòng giấu bao niềm lặng nhớ.
Tuổi trẻ, là khao khát. Tôi tin, họ ở đây, cũng có một khao khát, nhưng không cho riêng mình: vẹn toàn Tổ quốc, chủ quyền cương thổ, giữa bao bất trắc khôn lường vẫn luôn có một trái tim ngời khí phách xả thân, vì Đất Nước.
Lại vọng nghe ba tiếng còi tàu tiễn biệt. Không nỡ chào, chẳng nỡ xa, cũng không nỡ đưa một bàn tay vẫy. Trăng mười sáu, và một bầu trời đầy sao đu đưa theo những lắc lư của con tàu. Tôi đã tận thấy được một Trường Sa phóng khoáng, một Trường Sa thiêng liêng, và cả một Trường Sa của những diễm lệ khôn cùng.
Tạm biệt Trường Sa, nơi ngọn đèn của mẹ vẫn thao thức đêm dài, nơi những người lính còn ở lại, như vầng trăng trên sóng…
13/1/2020
Thành Công
Theo http://baoquangnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...