Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Kho vàng của lãnh chúa

Kho vàng của lãnh chúa

 I. Núi Thần đứng sừng sững, ngạo nghễ.
Từ xa nhìn lên, ngọn núi che khuất cả một vùng trời.
Buổi sớm mai ở trong rừng.
Sương mù chưa tan. Rừng núi bao la. Cây cối rậm rạp, những tiếng động rì rào của gió, xen lẫn vượn hú, hổ gầm, chim hót, suối chảy... tạo thành thứ âm thanh kỳ lạ, làm cho không khí của khu rừng càng thêm hoang vu thần bí!
Một Thị trấn nhỏ v ới vài trăm nóc nhà, nằm trên con đường giao thông xuyên tỉnh. Cách cửa rừng chừng hơn cây số. Ở giữa phố, có một căn nhà sàn to nhất, nửa bên phải dùng làm nhà trọ. Nửa kia làm tửu lầu. Cuối phố có Chợ, năm ngày một phiên phục vụ việc giao lưu mua bán của dân cư trong vùng.
Hôm nay chợ họp, người đi lại ra vào khách điếm, tửu lầu nhộn nhịp.
Khung cảnh của phố nhỏ thật thanh bình!
Ðang đầu mùa xuân. Cây cối nở hoa trong những vườn cây của mỗi nhà. Dưới những sàn nhà, trâu vẫn còn trong chuồng chưa được thả, chúng nằm nhai cỏ như đang ngẫm nghĩ... Ðàn gà dẫn con nhởn nhơ bới rác xung quanh. Mấy con chó thỉnh thoảng sủa ông ổng! Khói từ những ống thông hơi của mọi nhà bay lên tỏa lan...
Một ngôi nhà sàn cao ráo, khang trang nằm ở cuối phố. Chủ nhân tên là Hy, trạc ngũ tuần. Người vợ khoảng trên 40. Ðứa con gái chừng 13 - 14 tuổi.
Bên bếp lửa bập bùng, hai bố mẹ cùng con gái quây quần sưởi ấm. Nồi sắn luộc đã chín, người mẹ rỡ sắn ra chiếc bàn tre, đặt một bát mật mía, một bát muối vừng. Bà chọn vài củ sắn ngon, để trước mặt con gái. Lấy mấy củ khác to hơn đưa cho ông chồng, bảo: Mình ăn đi. Quay sang con gái đang uể oải, giục: Ăn đi con!
Người bố rít hết hơi thuốc, ngẩng mặt, thả khói... đặt cây điếu cầy sang bên, sảng khoái, bảo vợ: Nào thì ăn! dứt lời ông cầm củ sắn, bóc vỏ, chấm mật, ăn ngon lành. Nhai được mấy miếng, ngoảnh sang, thấy con gái - khác với mọi sáng - hôm nay chưa ăn ngay, chỉ cầm củ sắn nhìn trân trân vào khuôn cửa sổ, hướng ra con đường dẫn vào cửa rừng, nơi đi tới chân núi Thần...
Ông bố nuốt hết miếng sắn đang nhai dở, nhìn con, hỏi: Sao không ăn hả con?
Ðang mê mải suy nghĩ, thấy bố hỏi, Duyên -  tên cô gái - giật mình: Bố ơi! Ma là gì? có Ma không?
Thấy con gái tự dưng hỏi như vậy, cả hai vợ chồng ngạc nhiên nhìn nhau. Người Bố nhìn bé Duyên im lặng, ngẫm nghĩ... Duyên nhìn bố chờ đợi... Bố mỉm cười, lát sau mới lên tiếng: Làm gì có Ma! sao con lại hỏi vậy?
- Anh Tư bảo con, ở trong núi kia nhiều ma lắm!
- Ồi! anh Tư hù dọa con đấy! Ðừng tin. Ðể bố bảo chú Sinh đét cho anh ấy mấy roi, cho chừa cái thói huyên thuyên dọa trẻ! Ăn đi con! Ăn xong cả nhà còn vào rừng lấy củi, hái nấm, nhà ta sắp hết củi rồi.
Thấy bố trả lời, Duyên như chưa dứt khỏi dòng suy nghĩ, vẫn không chịu ăn, tiếp tục hỏi: Nhưng lạ lắm Bố ạ. Hôm trước con với anh Tư đi hái nấm. Chúng con thấy một con Thỏ chạy khập khiễng về hướng núi Thần, vội đuổi theo. Ðuổi mãi mà không bắt được nó. Cuối cùng gặp một bụi cây lớn nằm chắn đường, con Thỏ chui vào, mất tăm. Chúng con cố tìm xung quanh... sau đó chui vào, xuyên qua bụi cây kia... Khoảng nửa canh giờ chui, rúc, chúng con mới ra khỏi được bụi cây. Chợt nhìn thấy con đường mòn dẫn đến chân núi Thần. Chúng con tiếp tục đi. Bỗng phía sau có tiếng ồn ào... Bọn con sợ, vội nấp vào một bụi cây rậm ven đường.
Một toán ba người với ba con ngựa đi vào phía chân núi.
Trên lưng con ngựa mầu đen, có một người to cao như Bố ấy, ôm trong lòng một đứa con gái trạc tuổi con. Hai đứa con chờ cho họ đi qua, lặng lẽ luồn theo sau xem họ đi đâu. Vì sợ họ phát hiện, chúng con phải đi ở khoảng cách hơi xa. Ðến một ngã tư đường thứ hai, họ dừng lại trao đổi với nhau rồi ngoặt đi vào chân núi.
Ðiều kỳ lạ, khi chúng con đi theo phía họ rẽ, đến gần chân núi, nhìn mãi, chỉ có một lối đi đến chân núi rồi đường cụt. Vách núi dựng đứng, nhưng người và ngựa thì đã như biến đi. Xung quanh vắng lặng, im lìm, chỉ thỉnh thoảng từ xa vọng lại tiếng Sói tru, tiếng Hổ gầm. Bố bảo không phải họ là Ma, thì là gì?
- Thực có chuyện thế ư? - Ông Bố quay sang hỏi bà Mẹ, bà mẹ cũng ngạc nhiên không kém. Ngẫm nghĩ một chút, ông Hy đưa mắt ra hiệu cho vợ đoạn nhìn con gái nói:
- Có thể là họ rẽ vào một lối khác mà các con không thấy, vì ở chân núi Thần có rất nhiều đương. Nhưng sao các con thấy chuyện này mà không nói cho Bố với chú Sinh biết ngay - Ông Hy nhìn xoáy vào mắt con gái. Duyên dường như biết lỗi ấp úng định tìm cách thanh minh, ông Hy vội chuyển giọng để con gái khỏi lúng túng: Thôi! từ nay các con không được đi la cà vào chân núi nữa. Ma thì nhất định không có, nhưng đề phòng có kẻ xấu... Chuyện này để Bố bàn với chú Sinh đã. Con ăn đi để cả nhà còn  lên đường kẻo muộn.
Nghe Bố giải thích, trấn an. Duyên hết phân vân, cầm củ sắn nhai ngon lành...         
Kế bên hàng rào nhà ông Hy, là nhà ông Sinh, hàng xóm nhiều năm của ông Hy.
Cũng như ông Hy, ông Sinh theo cha mẹ lên tỉnh miền núi này lập nghiệp cách đây đã rất nhiều năm. Ông Sinh kém ông Hy ba tuổi. Hai người chơi với nhau từ bé, lớn lên học võ cùng một Thầy, cùng là hai tay giỏi võ có hạng, nổi tiếng cả một vùng...
Hai ông thường đi săn chung, coi thú rừng như thú nhà. Các ông không chỉ săn con thịt về nuôi sống gia đình, mà còn hết sức chăm sóc bảo vệ đàn thú để chúng kịp sinh sôi. Thỉnh thoảng một đàn sói từ đâu tạt về khu rừng này kiếm ăn, các ông đã ra sức tiêu diệt. Với tài thiện sạ, lũ Sói đã phải nhanh chóng chạy trốn và không dám lai vãng đến nữa.     
Ông Sinh còn người cha già ngoài 60 tuổi. Một bà vợ và hai đứa con. Thằng Tư 16 tuổi. Con Hoa kém anh 5 tuổi.
Căn phòng chính của nhà chú Sinh bài trí cũng na ná như nhà Bác Hy. Vợ chồng ông Sinh, với hai đứa trẻ cũng đang ăn sáng. Ông cụ Bố Sinh còn nằm trên ổ. Ông Sinh ngoài bốn mươi. Bà vợ trẻ hơn độ dăm tuổi. Hôm nay Hai gia đình rủ nhau đi rừng lấy một số thứ về phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Bé Hoa cũng đòi đi nhưng Bố mẹ không cho bắt ở lại nhà với ông nội.     
Bà Sinh thu dọn bàn ăn, thay quần áo, chuẩn bị đồ nghề cho chồng, con. Ông Sinh ra lan can, đứng gọi to: Bác Hy ơi! đi được chưa?
- Xong rồi! Có tiếng ông Hy đáp lại. Cùng lúc đó Ông bà Hy cùng Duyên từ thang nhà sàn đi xuống. Bên này ông Sinh cùng vợ, con trai cũng xuống theo. Hai gia đình gặp nhau, hòa thành một đoàn, đi vào phía cửa rừng...           
 2. Hai Gia đình vừa đi khỏi, từ đầu Thị Trấn xuất hiện một đoàn 8 người, 10 con ngựa. Họ tiến đến trước cửa khách điếm, dừng lại. Mấy người phục vụ tiến ra mời chào. Người dẫn đầu đoàn khách thương trạc 50 tuổi. Ăn vận theo kiểu lái buôn. Dáng người cao lớn, tướng mạo quắc thước. Theo sau là hai người đàn ông to con, mập, râu ria xồm xoàm, dữ tướng. Ba người giao ngựa cho đám tùy tùng, đi hẳn vào gian trong. tìm một chiếc bàn to ngồi xuống. Ðám nhân viên chạy lại săn đón. Tiếng vâng dạ dồn dập... sau đó ít phút mọi thứ khách cần đã được bưng tới. 
Còn lại 5 người, Một người cũng trạc 50 nói với đám đàn em mấy câu, tất cả xúm lại tháo đồ trên lưng ngựa, khênh vào trong tửu điếm, số khác buộc ngựa vào cọc, gọi phu ngựa của khách điếm cho ngựa ăn, uống. Ðợi cho đàn ngựa được ăn, mấy người mới đi vào quán, chọn ngay chỗ gần cửa ra vào, cả bọn ngồi quây quần xung quanh bàn...
Ðám người phục vụ tiến đến...
Chỉ một thoáng, rượu, đồ nhắm được bưng ra...
Lữ khách vui vẻ ăn nhậu!
Ðầu mùa Xuân.
Khu rừng như bừng tỉnh sau mùa đông lạnh lẽo. Cây cỏ, hoa lá chim chóc vui mừng, ồn ào, khoe sắc!
Ðường rừng gập ghềnh... càng vào sâu càng hoang vu. Cây to cao vút. Dưới những tán lá bụi dây leo rậm rì. Lũ Vượn hú vang xa, những con Sóc, con Nhím thỉnh thoảng lại xuất hiện quanh đây.  Sương mù lớp này tan đi, lớp khác lại lan đến.
Trên cành cây, những giò Phong Lan nhiều loại thi nhau nở rộ...
Ông Sinh đi trước. kế đến là bà vợ, hai đứa trẻ, tiếp thao là bà Hy. Ông Hy đi sau cùng. Vừa di họ vừa truyện trò. Duyên thỉnh thoảng lại chụm đầu hỏi Tư, cả hai có vẻ bí mật... Ðến một ngã tư, trước mặt là một bãi rộng, quang đãng, Ông Sinh dừng lại, đoàn người dừng theo. Ông Hy tiến lên, bảo mọi người: Các Bà với hai đứa trẻ ở đây, nhặt củi khô xếp lại. Hái thêm ít nấm, mộc nhĩ. Nhớ không nên ham đi xa. Chờ chúng tôi đi kiếm xem có được con lợn, con cheo về cúng tổ tiên nhân dịp tết rằm tháng ba. Dù có hay không, đúng giờ ngọ (giữa trưa) chúng ta cũng đi về! Hai đứa chúng bay - ông quay sang bảo Tư và Duyên - không được la đà kẻo lạc nghe không!
- Vâng! Hai anh em đều lên tiếng.
Thấy hai đứa đồng thanh trả lời, ông Hy như vẫn chưa yên tâm, nhắc lại: Nhớ! không được đi đến chân núi Thần!
- Vâng! Vâng!
 Ðoạn quay sang bảo bà Hy: Các bà chú ý canh chừng bọn nó nhé!
Ông Hy quay sang bảo ông Sinh: Chú đi hướng này (ông Hy chỉ) còn tôi hướng này. Hai người, nai nịt gọn ghẽ, mang hai cây cung, hai con dao rừng, như cây đoản kiếm. Thoáng cái đã mất hút vào rừng cậy rậm rạp...
Hai bà mẹ nhắc nhở các con phải nghe lời Bố, rồi cắt đặt: Các con chỉ được đi lại xung quanh khoảng trống này chờ mẹ mang củi về, xếp gọn thành từng đống. Vào các bụi kia lấy giây Gắm (1), chờ Bố về, khỏe tay bó củi cho chắc, gánh cho dễ đi.
- Thế còn Nấm và Mộc nhĩ, chúng con có cần đi lấy không? Thằng Tư hỏi mẹ.
- Ðược! nếu đi lấy giây, gặp thì cứ hái, nhưng không được tạ sự để đi xa, nghe không? Hai đứa nhìn nhau cười rồi đồng thanh: Chúng con nhớ!
Hai bà Mẹ tỏ ra yên tâm, đi vào các bụi cây xung quanh thu dọn củi.
 3. Trong phòng ăn ở khách điếm.
Không khí ngày càng náo nhiệt. Dường như rượu đã ngấm, đoàn người vừa ăn uống, vừa truyện trò, cười nói, ồn ào. Bỗng người đàn ông ngồi trong bàn ba người dơ tay vẫy, một người - áng chừng là chỉ huy tốp phu - tiến đến bàn của nhóm ba người (Ông chủ và hai tên hộ pháp).
Người đàn ông trung niên, ăn mặc sang trọng ngừng uống, ghé sát tai người chỉ huy tốp phu nói, ra hiệu cho người ngồi bên... Người kia cúi xuống gầm bàn, cầm một chiếc giỏ mây, đưa cho ông ta. Ông ta cầm đưa cho lão già chỉ huy tốp phu, nói: Thời gian qua anh em đã có nhiều cố gắng. Hôm nay gọi là có chút quà tặng anh em... khi nào xong việc sẽ có hậu đãi! Anh đưa hũ rượu này về cùng anh em uống cho vui. Muốn thức nhắm gì cứ gọi...
Người kia gật đầu lia lịa, đoạn quay trở về bàn của mình, nói lại lời của ông chủ. Ðám phu thấy có rượu vui mừng ra mặt. Kẻ rót rượu, người gọi món nhắm, không khí râm ran… Cuộc rượu kéo dài hơn một canh giờ, tới khi một ''Hộ pháp'' ngồi ở bàn ông chủ đi ra, nói nhỏ vào tai lão chỉ huy tốp phu, lão gật đầu, quơ tay vào chiếc giỏ, rút ra một chai nước trong vắt đặt lên bàn, dõng dạc tuyên bố: Chúng ta cùng uống nước dã rượu, nửa canh giơ nữa, mang đồ hàng ra cột vào lưng ngựa, chất lên xe, tiếp tục lên đường!
Tất cả làm theo...
Khi mọi việc chuẩn bị xong... đoàn người rời khách điếm, hướng về phía cửa rừng đi tới...
 4. Theo lời bố mẹ dặn, hai anh em thơ thẩn xung quanh các bụi cây. Trên thân những cây to cao có những tổ Ong. Những con ong đang cần cù làm mật.
Dưới bụi cây, con trăn to cỡ bắp chân đang trườn mình từ bụi này sang bụi cây khác. Một khóm tre luồng to, cỡ vài trăm cây, cây nào cũng cao cỡ vài chục thước... Những gốc cây bị đốn chặt đã lâu nên mục ruỗng. Tại đó mọc lên những cụm nấm, những chùm mộc nhĩ, có cái to như bàn tay xòe...
Mấy con Nhím lông toàn gai khệnh khạng xuất hiện.
Một cặp Tê Tê đang lặc lè tha chiếc lưng vẩy cứng chui vào hang đào dưới đất... Thỉnh thoảng Tư lại phải kéo Duyên tránh xa những cái bẫy thú... Ðến gần bụi cây có gai, Duyên nhìn thấy một con Thỏ chân bị kẹp bẫy, đang cố vùng vẫy nhưng không thể thoát. Con vật tội nghiệp thấy Duyên tới, càng vùng vẫy mạnh, nó tưởng Duyên đến bắt.
Duyên đi đến chỗ con Thỏ, từ từ ngồi xuống.
Con Thỏ dường như thấy không thể thoát, đành đứng nguyên. Duyên đưa tay vuốt đầu, lưng con vật. Nó ngước mắt nhìn... hai tai cụp cụp... dường như nó cảm thấy yên tâm. Duyên đưa tay phải nâng chiếc kẹp. Con Thỏ rút chân, nhưng bị kẹp, sượt da, chảy máu. Duyên móc túi, lấy ra lọ thuốc, lấy thuốc, sát vào vết đau... Con Thỏ cụp tai chưa đi. Duyên đẩy vào đít Thỏ, nói dịu dàng: Ði đi! từ nay đừng ngờ ngệch, tham ăn nhé! về với Mẹ nhé!
Con Thỏ chậm chạp khập khiễng đi vào vạt cỏ bên đường...
- Sao em lại thả nó ra - Bố biết sẽ trách phạt đó! - Tư nói   
- Không sợ đâu. Tội nghiệp nó! em sẽ xin với Bố. Vừa lúc ở phía xa, trước mặt vang lên tiếng kêu hoảng hốt tuyệt vọng của một con Hoẵng. Duyên rướn người đưa tay lên vành tai cố lắng nghe, tiếng kêu tắt lịm. Duyên xoay người định đi theo Tư, nhưng chợt tiếng kêu của con Hoẵng lại rú lên. Lần này Duyên gọi: Anh Tư! theo em. Nói rồi Duyên lao tới phía tiếng kêu của con Hoẵng. Tư đã đi được một đoạn, thấy Duyên gọi, vội bỏ gùi Nấm xuống vệ đường, đuổi theo Duyên. Duyên cứ theo hướng tiếng kêu của con Hoẵng vạch cây mà chạy. Tư đuổi theo, lát sau đuổi kịp, Tư giữ Duyên lại, hỏi: Cái gì? đi đâu?
- Anh không nghe thấy tiếng Hoẵng kêu ư? chắc nó bị trúng bẫy. Ðến - định nói đến cứu, nhưng chợt nhớ ra chuyện thả con Thỏ mà Tư không nghe nên Duyên ngập ngừng nói thác: Ðến bắt mang về!
- Hứ! lại nói dối. Em đến cứu, thả nó chứ gì? Ðịnh qua mặt anh à?
- Anh nghe thấy nó kêu hốt hoảng, tuyệt vọng mà không động lòng ư? Chúng mình cứ đến xem. Nếu nó bị nhẹ thì tha cho nó. Còn nó bị nặng, không chữa được thì ta mang về giết thịt, không hơn là dể cho bọn thú dữ ăn à? Thấy Duyên lý luận như vậy, Tư gật đầu, cả hai lại vạch cây lao về phía tiếng kêu gần đâu đây...
Song, tiếng kêu lúc này tự nhiên ngừng bặt...
Hai anh em không xác định được phương hướng, phải đứng lại nghe ngóng... chợt tiếng kêu lại vọng lên nhưng yếu dần... hai anh em lại chạy theo...
 5. Nơi ông Hy đến là một vạt rừng nằm sát một dòng suối lớn. Những vạt rừng Khộp, mọc đan xen rừng tre, nứa non. Ðang giữa mùa xuân, măng mọc khắp nơi (có rừng nứa, tre - Hổ không dám tơi bởi vậy lũ lợn rừng, hoẵng, cheo cheo thường ra ăn măng non). Ông có kinh nghiệm săn bắn nên tìm một chỗ kín đáo dương súng ngồi rình, chờ đợi - nơi đây lũ lợn rừng hay đến ăn măng.
Bỗng một đàn voi xuất hiện.
Ðàn voi này chắc là một gia đình. Con đầu đàn cỡ 25 tuổi, cùng hai voi cái và hai voi con. Bọn chúng từ trên bờ, lội qua suối. Tới giữa dòng, bầy voi ngả ra, trầm mình, dòng suối trong vắt. Lũ voi vô tư thỏa thích đùa rỡn. Lát sau đứng dậy đi lên, mất hút vào khoảnh rừng khộp, ở phía bờ bên kia...
Chỗ săn của Ông Sinh thì khác.
Ông tiến về phía vạt rừng thưa, có những bụi cỏ non xanh mơn mởn. Theo kinh nghiệm của những nhà săn bắn thiện nghệ, chỗ này sát cạnh dòng suối, không khí trong lành, cỏ non từng trảng... Lũ cheo cheo (cùng họ với hoẵng, nhưng hiền và nhỏ hơn) thường tới đây kiếm ăn, có động chúng tót ngay vào rừng già mất hút. Ông Sinh cũng tìm một chỗ thuận lợi ngồi chờ...
Mặt trời đã lên cao...
Bỗng có tiếng động lạ, Ông Sinh rạp mình xuống khi thấy ba con Cheo - Con bố, con mẹ và cheo con độ năm tháng tuổi. Cả gia đình nhà Cheo ra đây kiếm ăn. Ông rê nòng súng ngắm cheo con... khi sắp bóp cò, bỗng một cặp gà Lôi từ bụi cây gần đó bay vù ra kêu quang quác. Cả nhà cheo thấy động đột ngột, vội tung vó chạy mất. Hai con gà Lôi khác từ trên không đáp xuống, ông Sinh vội chuyển nòng súng bóp cò, lũ gà trúng đạn, xã cánh. Biết có chờ cũng vô ích, ông tiến đến lượm gà, trói vào chiếc cành cây, cùng với mấy con thỏ khác, gánh lên vai đi về.
 6. Ðoàn người ngựa tiến đến ngã tư - nơi hai bà mẹ của Tư, Duyên vừa mới xếp gọn hai đống củi, lại tiếp tục đi gom số củi khác - Người chỉ huy ra lệnh dừng. Ông ta vẫn ngồi trên lưng ngựa, móc ở trong chiếc túi đeo ở lưng ngựa, lấy ra một tấm bản đồ. Dở ra xem chăm chú... đoạn ngẩng đầu, phóng cặp mắt về các hướng quan sát rồi lấy tay chỉ chỗ rẽ quặt. Ðoàn người ngựa đi theo.
Con đường này tiến vào phía chân núi Thần.
Tư, Duyên đi một đoạn nữa, thấy con Hoẵng không còn kêu đành dừng lại. Tư bảo Duyên: Chắc nó thoát khỏi bẫy rồi. Ta về thôi. Duyên nghe ngóng một chút nữa rồi gật đầu. Cả hai quay lại, cứ theo đường cũ mà trở về chỗ xếp củi. Nhưng càng đi đường càng hiểm trở... Tư đứng lại nghe ngóng định hướng theo đúng lời bố dặn mỗi khi đi rừng bị lạc. Vô ích! Hai đứa đã lạc vào khu rừng hoang tán cây che khuất bầu trời xanh. Bụi rậm, giây leo chằng chịt... Mặt trời đã đứng bóng, hai anh em vãn luẩn quẩn không sao ra thoát khỏi khu rừng rậm...
Ðoàn người ngựa đã đến chân núi.
Tất cả dừng lại. Người chỉ huy cùng một gã râu rậm tiến vào sát vách đá cây cối mọc đầy, hoang vu. Thoáng cái, cả hai đã mất hút. Gã râu rậm khác cùng năm người phu còn lại cởi bỏ đồ đạc trên lưng ngựa xuống, sửa soạn đòn khiêng, giây thừng, choàng vào các thùng hàng. Không khí làm việc khẩn trương.
Tư, Duyên vẫn còn đang lúng túng xác định hướng.
Tư đưa mắt nhìn về các hướng, chợt nhận ra ở phía tây có một khoảng cây thưa. Cây lại không to, cao như ở chỗ đang đứng. Cậu ta vội chạy về phía đó - Duyên đi theo - Tới nơi, Tư thoăn thoắt trèo lên cây. Tuy gọi ''không cao'', là so sánh với những cây ở trong khu rừng gìa này, nhưng ở đồng bằng, ít có cây nào cao bằng. Vốn sinh ra , lớn lên với rừng, Tư leo trèo như vượn. Duyên ngẩng cổ nhìn lên chờ đợi...
Ở bên dưới, vì bị lá cây che khuất nên khó xác định hướng. Khi leo lên cao, vạch lá cây, Tư nhìn thấy ngọn Núi Thần sừng sững ở phía trước rất gần. Không dấu được vui mừng, Tư thét lên:
- Thoát rồi Duyên ơi!
Dưới gốc, Duyên cũng reo: Hoan hô anh Tư! Xuống nhanh lên chúng ta còn về kẻo Bố Mẹ mong.
Tư tụt xuống. Cả hai xăng xái đi như chạy. Qua một đoạn rừng già, quả nhiên hai anh em thoát ra ngoài sự bao vây của tán lá, cây cổ thụ. Khoảng trời trong xanh với ánh sáng chói chang của mặt trời bao trùm. Cả hai đang vui, bỗng chợt đâu đó vang lên những tiếng lịch kịch... tiếng nói thì thào... Vốn có kinh nhiệm của Bố truyền cho, cả hai vội nép mình vào một bụi cây gần đó ẩn, đoạn lặng lẽ quan sát.
Qua kẽ lá hai anh em nhìn thấy nhóm người đang khênh vác từng túi, từng hòm đi vào sát vách núi. Một tảng đá chắn trước mặt, đoàn người đi vòng ra phía sau, rồi mất hút...
Hai anh em rời chỗ ẩn, men theo, xuyên qua những bụi cây để tránh bị lộ, tiến đến vách núi, bên cạnh tảng đá mà nhóm người vừa đi vòng. Nhòm qua khe của hai tảng đá đang nép người. Hai anh em nhìn thấy nhóm người đang đi vào một cửa hang hẹp. Phía bên ngoài có một người râu rậm đang đứng canh. Khi đoàn người mang hết đồ đạc vào hang, người đàn ông râu rậm xoay người dơ tay lên vách núi ấn vào vật gì đó... đoạn vào theo, khi gã lọt hẳn người vào trong, cũng là lúc cửa hang đóng lại, bên ngoài chỉ còn nhìn thấy đó là vách đá .
Hai anh em rời chỗ nấp tiến đến cửa hang, nhưng không còn nhận ra dấu vết mà mấy phút trước còn là cửa hang. Trước mặt hai đứa, vách đá được giây leo cùng những lùm cây rậm rạp che kín.
Chỗ ngã tư nơi tập kết để hai gia đình ra về, nhốn nháo hẳn lên.
Hai bà mẹ đang đi lại bốn phía gọi lớn. Các bà lúc trước còn bình tĩnh, thời gian trôi đi về sau hai bà hốt hoảng rồi khóc ròng. Mặt trời đứng bóng, Hai ông chồng, từ hai phía xuất hiện. Nghe bà vợ kể lại sự việc, ông Hy chợt hiểu ra, trấn an hai bà: Được rồi, tôi biết chúng đang ở đâu - quay sang ông bảo bạn - Chúng ta vào Núi Thần! còn hai Bà hãy thu dọn rồi về nhà trước, chờ chúng tôi. Yên tâm đi, chúng tôi sẽ đưa các con về. Ðừng đi lại tìm kiếm nữa, kẻo lại lạc luôn hai bà đó. Dứt lời hai ông bỏ lại hai cành cây trên buộc những con gà, con thỏ  vừa săn được đoạn lao về phía chân núi Thần.
 7. Ði lại chỗ cửa hang một lúc, vẫn không tìm ra dấu vết chốt mở, Duyên nhìn lên vách núi phía trên ngẫm nghĩ rồi nói: Nhất định ở phía trên kia phải có lỗ thông hơi. Ta leo lên thử tìm xem. Tư đang chăm chú xem sét một khe nứt, nghi là khe cánh cửa, thấy Duyên nói vậy, ngẩng lên nhìn theo tay chỉ của Duyên. Nhận thấy lời Duyên có lý, Tư rời chỗ đi vòng ra phía sườn dốc thoai thoải để đi lên. Duyên cũng đi theo. Tư quay lại bảo: Em ở đây chờ anh. Nếu có lối vào anh sẽ gọi. Không có, ta tìm cách khác. Em cùng leo lên, nếu không có sẽ mất công, vả lại đường lên rất nguy hiểm. Duyên dừng lại, gật đầu, dặn với: Nhưng leo lên, anh phải cẩn thận đấy!
- Ðược rồi! yên tâm anh tự biết lo liệu. Nhưng Duyên này, đề phòng bọn họ từ trong hang đi ra bắt gặp, em phải núp cho kín chờ anh.
Duyên gật đầu, đi vào phía giữa hai tảng đá lớn đứng nhìn. Tư leo lên cao dần... cao dần...
Tư từng bước trèo lên...
Ðường lên mỗi lúc một khó, suýt mấy lần bị ngã xuống, Tư kiên trì cứ trèo...
Duyên ở dưới đang hồi hộp theo rõi từng bước của Tư. Thấy Tư bám vào một cành cây bị gẫy, ngã lăn xuống. Duyên hốt hoảng kêu rú lên... Cùng lúc đó, cửa hang đột ngột mở, lão râu rậm từ trong đi ra, khỏi cửa hang lão nghe thấy tiếng kêu của Duyên... Lão vội vàng xoay người, vớ tay vào xoay chiếc vòng gắn trên vách đá. Từ trên sườn núi, - chỗ này xế nghiêng với cửa hang, nhìn rõ những động tác của gã râu rậm - Tư sau khi bám được cành cây khác quay sang nhìn thấy lão rậm râu đang thao tác đóng cửa hang...
Hai cánh cửa khép vào. Chỗ đó lại trở thành vách núi. Gã râu rậm đi vòng ra phía sau tảng đá, rón rén đi tới sau lưng Duyên. Trong khi Duyên vẫn đang chăm chú nhìn Tư, gã râu rậm vươn tay chộp lấy Duyên, bịt mồm, tay kia điểm vào huyệt đạo trên người... Duyên cứng người, không kêu lên tiếng. Gã ta bế xốc Duyên, đi như chạy đến cửa hang, lại thao tác mở cửa. Cánh cửa lại mở ra, gã cắp Duyên chạy nhanh vào trong hang, cửa nhanh chóng đóng lại.
Từ trên sườn núi, Tư nhìn thấy tất cả, nhưng sự việc xảy ra quá nhanh, Tư không kịp lên tiếng, vội tụt xuống, nhưng sợ lão rậm râu lại đột ngột đi ra, Tư thận trọng nép mình vào lùm cây, ngồi thừ suy nghĩ, tìm  cách cứu Duyên.
Hai ông Hy, Sinh cắt rừng, vượt cây tiến dần tới chân núi thần. Lát sau xuất hiện gần chỗ Tư đang núp. Tư ló đầu ra khỏi lùm cây, đưa tay vẫy gọi. Hai ông Bố nhìn thấy con, lao vội tới. Mặt mày xây xát, phờ phạc, quần áo rách bươm, Tư  kể lại tình hình diễn biến sự việc cho Bố và Bác nghe. Ông Hy nóng lòng hỏi dồn: Cửa hang ở chỗ nào?
- Kia! chỗ hai tảng đá kẹp giữa cây to ấy.
- Còn chốt đóng mở đâu?
- Dưới gốc cây. Nhưng Bố và Bác phải đề phòng kẻo lão rậm râu lại đi ra...
- Ðược rồi, con yên tâm. Chúng ta đi.
Hai ông thận trọng đi trước, Tư theo sau. Ba người tiến đến cửa hang. Theo tường thuật của Tư, Ông Hy thao tác làm theo... quả nhiên cửa hang mở ra, Ba người tiến vào. Qua khỏi khúc ngoặt, lòng hang mở rộng, ánh sáng mấy khe hở từ trên trần hang tỏa xuống tuy không thật sáng, nhưng đủ nhìn: Nền hang bằng phẳng. Trên nền vương vãi nhiều đầu lâu, xương người. Trong một góc hang, năm người phu vận tải bị trói, mồm nhét giẻ, người nào người ấy mặt cắt không còn hột máu. Cạnh nơi họ bị trói, phía bên trái, có một một cửa hang, chấn song sắt,  to bằng nửa cổ tay. Ánh sáng ở bên ngoài qua đó hắt vào.
Chiếc cửa cánh sắt khóa im ỉm.
Hai ông Hy, Sinh tò mò ghé mắt nhìn vào, Chợt cả hai lùi lại, rú lên: Trong hang, tuy hơi tối, nhưng họ đều nhìn rõ, những con chó xói, đôi mắt xanh rợn, mồm há hốc. Những cái lưỡi đỏ lòm hướng lên phía cửa, chầu hẫu như đang chờ đợi những thây người ném xuống. Hai người chợt hiểu ra... quay lại, tiến đến, dùng dao cắt đứt giây trói cho họ, mọi người cám ơn rối rít. Ông Hy hỏi: Tại sao các vị lại bị trói ở đây? có nhìn thấy chúng bắt con gái tôi vào đây không? Chúng đi lối nào?
Người có tuổi kia chưa trả lời ngay, móc túi đưa cho đàn em mỗi người một viên thuốc to bằng đầu ngón tay, đen như viên thuốc tễ. Mọi người uống ngay, xong, ông ta quay lại nói: Chúng tôi là gia nhân của tên chủ kho vàng. Nó lừa chúng tôi, bỏ thuốc độc vào rượu, Ðịnh lát nữa trở ra giết để bịt đầu mối, giữ bí mật cho kho tàng của nó. May mà được các đại huynh đến kịp cứu giúp, ơn này thật to lớn.
- Chúng tôi nhìn thấy bọn nó bắt cô nhà đưa vào trong kia - Người khác, ít tuổi hơn tiếp, đưa tay chỉ một lối rẽ, nằm ở chỗ ngã ba:
- Chính là hướng này.
 Ông Hy định đi ngay, người phu kia ngăn lại, nói: Thưa đại Huynh, ông đã có ơn cứu mạng. Chẳng dấu gì ông, xin ông nán lại ít lâu nghe tôi nói, trước khi chúng ta cùng đi cứu cô nhà. Tin rằng chúng không giết cô nhà đâu. Chắc chúng sẽ dùng cô nhà làm người phụ cho Thần Giữ Của. Muốn cứu được họ, cần phải hiểu rõ bí mật của cái hang này.
Hai người sốt ruốt cứu con, nhưng thấy họ nói vậy, cũng trở lại bình tĩnh, giục: Ðược, xin huynh đài nói nhanh!
- Tôi tên là Tu, là người phụ trách xây dựng kho tàng này. Bốn chú em đây là Hà, Vi, Dân, Dũng (ông ta chỉ từng người) - họ đều là thợ, cùng tôi tham gia xây dựng từ những ngày đầu.
Ðây là một kho tàng của tên lãnh chúa Châu Mường Văn. Trong đó cất dấu một kho của báu gồm Vàng nén, Ngọc thạch, Kim cương và rất nhiều thứ quý khác mà nó và tổ tiên đã vơ vét được hàng trăm năm qua... Hôm nay là ngày chúng tôi vận chuyển số báu vật cuối cùng vào kho cất, trước khi chúng đóng cửa hang và giao cho Thần Giữ Của coi giữ. Trước khi thực hiện ý định, cách đây hơn ba tháng, nó đã cưới một người con gái mới 15 tuổi, nói dối lấy về làm vợ lẽ. Cô gái này là con của một thương gia ở cách đây một ngày đường ngựa. Gia đình kia tham của, gả con gái cho nó, nhưng thực ra nó đưa về nuôi đủ 100 ngày, cho cô bé ăn toàn thức ăn đặc biệt chế từ mật ong và hương hoa. Tắm rửa bằng nước lá thơm...
Ngày cuối cùng trước khi đánh thuốc mê đưa đến đây, nó cho cô bé ngậm xâm và đưa đến đây chôn cùng kho báu để làm Thần giữ của. Theo truyền thuyết, nếu dùng người con gái trinh tiết sống với kho của đủ 100 ngày, người con gái đó sẽ rất linh thiêng, dữ tợn, ai dám động đến kho của sẽ bị cộ gái - trở thanh Thần giữ của kia vật chết.
Cô gái này đã được đưa vào đây hai tuần trước rồi. Còn chúng tôi, nó động viên, hứa hẹn, nếu xong việc sẽ trọng thưởng... chúng tôi chủ quan không đề phòng... Ai dè, cách đây mấy canh giờ, ở trong tửu điếm, tên râu rậm - tay chân thân tín nhất của lãnh chúa - đưa cho tôi một bầu rượu quý nói rằng, tên lãnh chúa thưởng cho sự trung thành và cố gắng làm việc của mọi người trong thời gian qua, bảo tôi đưa ra cùng anh em thưởng thức. Mọi người không biết, vui mừng cám ơn hắn, khui ra uống.
Quả thực là thứ rượu ngon, quý. Chúng tôi uống và nhắm với thức ăn tuyệt hảo của nhà hàng... sau đó lên đường. Khi chúng tôi vận chuyển hết số hàng vào đây, ai nấy tự dưng thấy mệt mỏi, rồi ngã lăn ra ngất đi. Tỉnh lại, đã thấy tất cả bị trói, mồm nhét giẻ...Thì ra trong rượu chúng đã bỏ một thứ dược liệu. Lúc ở ngoài hang, chúng tôi vẫn khỏe như thường, Khi mang những thùng hàng vào, chúng đã bí mật đốt hương trầm, có pha một thứ dược liệu khác, ngửi hít phải, hai loại dược liệu hòa trộn, tạo thành chất độc, gây phản ứng khiến chúng tôi bị ngất. Chúng bận phải đưa vật quý vào dấu ngay nên trói chúng tôi lại, chờ khi xong việc trở ra sẽ vất chúng tôi xuống chiếc hầm kia cho rắn trăn gió và chó sói ăn thịt. May mà Hai đại huynh đến kịp thời cứu mạng, nếu không thì chúng đã làm mồi cho lũ dã thú rồi. Ðể trả cái ơn tái tạo đó, chúng tôi xin tình nguyện theo ông đi cứu cô nhà. Xin ông cẩn thận, Trong này đầy rẫy cơ quan giết người, tôi đã biết khá nhiều, bởi vậy chúng định thủ tiêu tôi để giữ bí mật.
- Ða tạ đại Huynh! Ðược đại huynh nhắc nhở chỉ bảo, thật là may cho đệ.
- Không dám. Xin đại huynh chờ một chút - ông ta quay sang bảo các Bạn - Một chú ở lại, Chú Hà - ông chỉ một người  thợ - đã biết cơ quan đóng mở cửa hang, hãy phá hủy ngay cơ cấu điều khiển, núp kín quan sát mọi động tĩnh chờ chúng tôi ra. Còn lại chúng ta chuẩn bị vũ khí theo Ðại ca đây tiến vào Hang. Xin mọi người theo sát tôi, làm theo tôi không được sai lệnh, hết sức cẩn thận kẻo bị bẫy nguy hiểm. Dứt lời ông ta đi trước. Từng đoạn ông ra lệnh lúc thì: Ðốt thêm đuốc... Ði men vào vách bên phải... Ðến một chỗ ngoặt ông ta đưa ngọn đuốc vào sát vách động, đọc những dòng chữ trên tường... đoạn khác lại cúi rạp xuống nền động đưa tay sờ xoạng rồi nhẩy tới từng điểm như trẻ con nhẩy cò chơi Ô ăn quan... từng người nhất nhất làm theo...
 8. Ðoàn người tiến đến một chỗ đường đi bằng phẳng, ánh sáng từ đâu đó, trên nóc hang chiếu xuống nhìn rõ mọi vật trong hang, đây là nơi rẽ ngoặt vào một ngách hang khác. Người dẫn đường quay lại bảo Bố và chú Sinh: Ðây là lối đi vào kho tàng. Bắt đầu từ đây chúng bố trí cơ quan dầy đặc để tiêu diệt những ai thâm nhập vào kho, nếu không được chúng cho phép, chỉ dẫn. Muốn vào được, chúng ta phải phá hoặc vô hiệu hóa các cơ quan kia - ông già đưa tay chỉ vào lối hang rẽ ngoặt sang phải - Mọi người đứng ở giữa lòng hang chính nhìn vào. Không ai nhận thấy điều gì nghi ngại. Ông Sinh quay sang hỏi lão già: Tôi không thấy có gì khác thường, tại sao lại phải đề phòng? Lão già không trả lời, nhìn mọi người nói lớn: Tất cả dừng lại chỉ có hai Ðại Huynh và chú Thu theo tôi, còn lại khi nào có hiệu lệnh, hai chú Dũng, Tụ cùng cậu em đây sẽ vào. Dứt lời, ông ta nói như ra lệnh: Tất cả nằm gục đầu sát đất, dù thấy điều gì lạ cũng không được ngẩng đầu. Mọi người làm theo. Tư nằm sát vách, hơi chênh chếch, tuy gục đầu nhưng vẫn nhìn thấy mọi hành động của bốn người. Người đàn ông tên là chú Thu đi đâu đó, mang về một người nộm, kết bằng vỏ cây, trông giống như người nộm đứng coi chim trên cánh đồng. 
Lão già dẫn đường, nằm sát xuống nền động, ba người làm theo. Bốn người bò trườn đi, sát bụng xuống nền. Bốn người tiến vào được một đoạn, chú Thu lật người, nằm ngửa, từ từ nâng người nộm được buộc vào cây gậy, khẽ đu đưa. Bỗng  nhiều tiếng rít gió... tiếng tên bay... tiếng lụp bụp... Từ trong vách núi, chỗ ngoặt vuông góc lộ ra những lỗ hổng, từ trong lỗ hổng bay ra những mũi tên... người nộm hấng hàng chục mũi tên, đến nỗi, chú Thu không giữ nổi cho người nộm đứng vững, khiến nó đổ xập. Người dẫn đường lại hô: Tiếp tục!
Người Nộm lại đứng dậy, đung đưa, lại một loạt tên khác từ trong các lỗ hổng khác bắn ra... Ðến lần thứ ba thì tên không còn bắn ra nữa, Chú Thu đứng dậy, đưa tay vẫy gọi, mọi người bật dậy tiến vào. Tư làm theo. Lại tới một khúc ngoặt khác. Lần này lòng hang hẹp hơn đoạn trước, nhưng hai bên đều có những cây đèn treo trên tường, tỏa ánh sáng trưng.
Ngay lối rẽ ngoặt, có hai bức tượng cao bằng người thật đứng án ngữ. Mặt mũi tượng trông dữ tợn. Trên hai tay mỗi tượng cầm thanh gươm, sáng loáng. ở phía sau hai bức tượng này là hai hàng mỗi bên còn 5 tượng khác, đứng cách nhau độ hai mét một bức. Trên tay chúng cầm các loại vũ khí khác nhau như: Côn, Chùy, Ðao, Thương. Tư thế của tượng như đang sắp sửa tấn công.
Người dẫn đường lại ra lệnh cho tất cả lui lại, ông ta lấy những thanh gỗ, sắt do đám đàn em mang theo, lắp ráp thành một chiếc giá đỡ, trông như chiếc niễng kê phản, nhưng cao gần ngang đầu người. Khi lắp ráp đã xong, ông đẩy vào. Từ trên cao, hai bên hai thanh gươm bổ xuống, gặp thanh sắt to gần bằng ngón chân cái, hai thanh gươm tóe lửa, vì cự ly giữa thanh gươm và chiếc giá đỡ chỉ còn độ nửa thước nên sức chém nhẹ. Từ bả vai của tượng có một cơ cấu chuyển đông, hai bức tượng cứ thi nhau bổ gươm xuống... nếu người đi vào, không chú ý, chắc chắn sẽ bị lưỡi gươm chém mất mạng.
Trong khi hai bức tượng cứ thi hau bổ gươm xuống chiếc giá, Bác Tu bình tĩnh rút từ trong chiếc túi đeo bên hông ra một chiếc đột, một chiếc búa, Bác quan sát, rồi đưa chiếc đột đặt vào một điểm, đoạn dùng búa đóng mạnh, thanh chốt đó bật ra, hai cánh tay và thanh gươm rời khỏi thân tượng, rớt xuống đất.
Chú Thu cũng thao tác y hệt...
Hai bức tương trước đây mấy phút còn hung hãn là vậy, bây giờ trở nên vô dụng. Cơ cấu chuyển động ở nách vẫn làm việc phát ra tiếng đông lạch cạch nghe vui tai.
Tiếp theo, hàng tượng phía sau cũng bị Bác Tu và chú Thu vô hiệu hóa bằng phương pháp trên...
Mọi người thận trọng tiến vào.
 9. Hai bên thành tường hang rải rác những bộ xương người với các tư thế khác nhau: Bộ nằm ngửa, bộ nghiêng, bộ quỳ. Bên cạnh là những vũ khí đã bị han rỉ... dường như ở đây đã từng sẩy ra những trận huyết chiến... Qua khỏi đoạn đường hẹp, đoàn người tiến vào một khu vực hang có mặt bằng rộng, cũng là nơi cục đường. Nhìn xung quanh, bốn phía, có bố trí các cửa, như là có các phòng. Mọi người còn đang bàng hoàng, bỗng có tiếng động, như tiếng bánh xe trượt trên đường ray, mọi người nhìn về phía đối diện trước mặt: Hai tấm cánh cửa lớn, trước đây mấy phút còn được nguy trang trông giống như thành tường, bây giờ đang lăn trượt ra hai bên - như chiếc màn nhung ở các rạp hát - Phía trước lộ ra một căn phòng rộng, đèn nến sáng trưng: ở chính giữa phía trên cao, có một người con gái xinh đẹp đứng. Cô gái vận một bộ áo liền quần may bằng thứ the hồng mỏng dính bó sát lấy người. Hai chân đứng trên hai chiếc chum lớn bằng sành. Hai tay chắp vào hông, đầu ngửng nhìn về phía trước, hai mắt mở trừng trừng, sáng rực. Tư thế trông thật hiên ngang.
Miệng cô gái ngậm, môi được gắn xi rất khéo, tinh mắt mới nhận ra. Xung quanh cô gái để la liệt những chum, lọ, thùng...
Ngay trước mặt cô gái, phía dưới đặt một chiếc ghế chắc đóng bằng gỗ vàng tâm, sắc ghế màu vàng, dưới ánh sáng của những ngọn đèn dầu, mầu vàng của gỗ càng rực rỡ hơn. Ngồi trên ghế, là một người đàn ông trạc 50 tuổi, đó chính là lãnh chúa Mường Văn, chủ nhân kho tàng. Dáng lão phương phi, quắc thước, chăm chú nhìn đoàn người. Sắc mặt thay đổi từ tái xám đến đỏ gay. Hai phía tả, hữu có hai gã tuổi trung niên, râu rậm, râu quai nón đứng khoanh tay trước ngực. Trông chúng lừng lững như hai hộ pháp.
Hai bên im lặng nhìn nhau. Thứ im lặng thật rợn người.
Chợt lời lão chủ vang lên, nghe chói cả màng nhĩ: Các ngươi to gan thật! Dám đột nhập vào kho tàng của ta. Thằng Tu - Lão nhìn bác ta gằn giọng - Mi thật tài, để cho mi sống đến giờ thật là sai lầm, nhưng không sao, chúng bay sẽ được chết chung với nhau...
- Câm mồm! Thả con ta ra mau! Hôm nay gặp bọn ta, mi đừng hòng thoát thân để mà hưởng cái kho của cải đày tội ác này. Hãy xuống đây, động thủ đi!
- Tất cả đứng nguyên một chỗ! Tìm những viên gạch màu xanh mà đặt chân, tránh không đụng chân tới viên gạch mầu đỏ - Bác Tu hô lớn dặn mọi người. Bác chưa dứt lời, hai tên râu rậm đã từ trên bục lao xuống. Chú Thu và chú Sinh cùng hai người thợ còn lại nhất tề đều xông vào ứng chiến. Bác Tu lao lên phía tên chủ kho tàng đang ngồi, dáng thoăn thoắt. Ông Hy theo sau. Tên chủ kho rời khỏi ghế định lùi vào phía sau đám thùng chum, nhưng Bác Tu và ông Hy đã tiếp cận...
Hai cụm người  quây tròn lấy nhau...
Cuộc chiến ngày một khốc liệt. Hai tên hộ vệ cho chủ kho vàng võ nghệ tuy cao cường hơn đối thủ, nhưng không thể địch nổi những người thợ, vốn dĩ là dân giang hồ, võ nghệ không thua kém, đầy tinh thần phục thù việc bị lừa suýt mất mạng...                                       
Tên lãnh chúa thế thua đã rõ. Chỉ riêng ông Hy - tay võ thượng thặng nổi danh cả một vùng - y ta đã không chống được, bây giờ lại phải đấu cả thêm với bác Tu. Thấy rõ khả năng, liệu thế thoát thân, Y ta chém một đường gươm theo hình vòng cung, thế kiếm mạnh như gió cuốn. Hai người vội nhẩy sang bên để tránh, thừa dịp, tên chủ kho tàng chạy lại góc tường - nơi có một chiếc cửa chỉ khép hờ - Y định luồn vào trong phòng.
Bác Tu vội hét lên: Coi chừng nó tẩu thoát. Ông Hy nhanh như mũi tên - đứng hơi chếch chỗ cửa - vội lao tới chặn, đồng thời vung dao. Tên chủ vội vàng định thoát vào trong, không kịp đề phòng, mới chỉ lọt được nửa người phần trên, bị lưỡi gươm của ông Hy đâm trúng hông. Y vẫn cố nhấn người làm một động tác... trước khi ngã ngửa vật ra ngoài. (vì nửa người tên chủ ở phía trong cửa, ông Hy và Bác Tu không nhìn thấy y làm gì).
Bác Tu bồi thêm cho một nhát nữa vào đầu, Y rướn người định kêu nhưng tiếng kêu chưa thoát ra cửa miệng chỉ nghe thấy như tiếng rú... đã tắt ngấm.
Y ngáp ngáp như con cá nằm trên thớt rồi ngoặt cổ tắt thở.
Hai tên đồ đệ đang chiến đấu với bốn người chợt nghe thấy chủ kêu... phân tâm... động tác chống trả bị lúng túng, chỉ chờ có thế, hai chú Thu, Sinh đều nhanh chóng đưa những đường gươm chính xác kết liễu đời hai tên đồ đệ theo đóm ăn tàn, cùng hung, cực ác.
Cùng lúc đó, theo lời chỉ dẫn của bác Tu từ trước, người đàn em đã cởi chiếc dây cột giữ người, đỡ cô gái xuống...
Chú Thu, chú Sinh cùng những người còn lại tiến vào những căn phòng bố trí ở xung quanh. Ông Hy tìm thấy con gái ở trong căn phòng mà tên chủ kho vừa định trườn vào. Duyên đã mê man. Cô cũng đã được bọn chúng cho ăn mặc y hệt cô gái kia... chúng chuẩn bị đưa Duyên vào một vị trí thứ hai, làm thần giữ của, mọi người đến kịp thời, nên chúng chưa kịp đặt Duyên lên vị trí cạnh cô gái kia. Duyên chỉ bị ngất đi do bị chúng cho uống thuốc mê, không như cô gái đã bị đặt ở vị trí Thần Giữ của hơn 10 ngày, người còn nóng nhưng hơi thở thoi thóp...
Cả hai cô gái đều được tháo xi gắn ở môi ra. Mọi người lôi từ trong mồm các cô mấy củ nhân Xâm to cỡ ngón chân cái. Những củ sâm này giúp cho các cô sống được 100 ngày. Trong quá trình chết dần, uất khí của con người tích tụ cho tới khi chết - theo gia phả của chúng sau này tìm được đã ghi - ''Sẽ tạo ra sức mạnh thần bí , sức mạnh của con ma thần''... cộng với những cơ quan giết người được bí mật bố trí xung quanh, độc Dược rải quét ở mọi chỗ hòng sát hại những ai đột nhập được vào kho tàng dù không chết bởi thứ này, cũng sẽ chết bởi thư kia.
Trong khi mọi người đang xúm vào cứu chữa cho hai cô gái...
Bác Tu vẫn loanh quanh ở nơi tên chủ kho nằm chết, dường như hành động của tên chủ kho đã gây cho ông sự chú ý. Ông đi lại, ghé sát mặt vào bốn bức tường của căn phòng như tìm kiếm cái gì...
Bỗng có người kêu lên thất thanh và chỉ vào chiếc lỗ to bằng miệng chén ở trên trần hang. Mọi người nhìn lên: Từ đây một làn khí mỏng, như làn khói nhẹ đang đùn ra. Một mùi thơm ngào ngạt như mùi chuối chín nẫu bốc lên, ngày một đậm đặc...
Mọi người bắt đầu thấy ngột ngạt khó thở, lảo đảo ngồi xuống.
Bác Tu vốn là tay thợ cả tham gia xây dựng kho tàng từ đầu. Bác biết tên chủ kho đã lợi dụng lúc mọi người sơ ý mở van chứa khí độc. Chắc chắn chiếc van đó nằm ở gần đâu đây. Nhưng thời gian quá khẩn cấp, nếu đi tìm sợ không kịp...
Một ý nghĩ vụt tới: ''Chắc chắn từ đây có lối đi bí mật thoát ra ngoài, vì sau khi xả khí độc, tên chủ kho phải thoát thân ngay''.
- ''Nhưng nút điều khiển mở cửa ở đâu''? Bác Tu có kinh nghiệm, lại học được cách bế khí của con nhà võ nên chưa bị mệt mỏi, bác vội nói lớn: Tất cả ngồi xuống điều hòa khí huyết. uống hết viên thuốc tôi đã đưa. Ai còn sức, vào các phòng dò tìm chốt mở cửa đường hầm thông thoát. Nói xong bác lại tiếp tục dò tìm.
Chú Sinh, ông Hy võ nghệ cao, có lực nên chưa bị làn khí độc làm ảnh hưởng, cả hai nghe lời bác Tu vội đi vào hai phòng khác. Mọi người làm theo lời Bác Tu.
Làn khí độc mỗi lúc một đậm đặc...
Chú Sinh không chịu được cũng từ trong căn phòng lảo đảo đi ra, ngồi phệt xuống nền hang.
Trong căn phòng nhỏ hẹp. Bác Tu vẫn kiên trì đưa tay sờ nắn từng hốc tường, từng viên gạch... Bỗng tay bác vừa chạm vào viên gạch đồng mầu với tường đá, đặt khéo léo vào góc tường, một tiếng động lớn... mảng tường vuông chuyển động, thụt xuống nền hang, một lỗ thủng lớn lộ ra: Luồng khí từ bên ngoài tràn vào hất bác ta ngã ngửa ra sau, đầu đập xuống nền hang đau nhức. Bất chấp đau đớn, bác Tu hét lên: Ðường hầm thoát thân đây rồi! Tất cả dìu nhau ra ngay... nhanh lên! 
Ông Hy từ một buồng khác lao ra, hai tay ông cắp hai cô gái đi vào trước. Chú Sinh dắt Tự theo sau.
Những người khác nghe thấy tiếng bác Tu, dù đang mệt mỏi cũng cố lết vào. Chỉ trong vài phút, tốp người đã thoát vào đường hầm. Bác Tu trước khi quay người đi, còn kịp gạt tay chốt ở phía trong để ngăn không cho khí độc tràn theo...
Ðoàn người khó nhọc trèo lên cửa hang...
Khi đoàn người đã đi qua được chỗ ngoặt, thoát xa cánh cửa đường bí mật thông với kho tàng, đường hầm chạy thoai thoải đi lên phía trên. Làn khí trong lành từ ngoài trời theo vào đã làm cho mọi người tỉnh táo, ai nấy đều lấy lại sức, đi nhanh hơn.
Khi ông Hy từ bậc thang cuối cùng trườn ra ngoài, đặt Duyên và cô gái kia xuống một gốc cây lớn, làm động tác cứu chữa, cũng là lúc mọi người đã ra hết, bác Tu nhắc nhở: Tất cả ngồi tránh xa miệng hang, đề phòng bất trắc.
Mọi người vừa nghe theo, di chuyển tỏa ra xung quanh...
Một tiếng nổ ầm vang...
Tiếp theo là sườn núi  rung chuyển như sắp sụp xuống. Một làn hơi ép từ trong hang dồn ra, hất bay đi những tảng đá xếp ở cửa hang để ngụy trang. Mọi người đang đứng thấy chao đảo, sau đó chiếc hang sập xuống, cửa bị lấp kín.
Mọi người kinh hoàng nhìn nhau. Bác Tu giải thích: Khí độc (…) được xả ra, tích tụ, không có lối thoát, làm cho áp lực ngày một gia tăng, tràn ra khe cửa ở lối vào, gặp những ngọn lửa đèn dầu treo trên tường, bốc cháy phát nổ. sức mạnh của nó bằng hàng trăm tấn thuốc nổ nên đã làm toàn bộ chiếc hàng Thần đổ xụp. May mà chúng ta thoát được ra trước... không thì...
Mọi người mặt mũi tái xanh tái xám.
Tư đã hoàn toàn tỉnh hẳn đi đến bên Duyên. Hai cô gái đã được mấy chú tìm lại cho số quần áo cũ vất ở trong góc phòng, lúc cấp cứu mặc cho nên khi tỉnh lại thân thể không bị lõa lồ. Tư đến cạnh Duyên khẽ lay gọi... Duyên mở mắt ngơ ngác rồi ôm chầm lây Tư khóc, miệng la: Anh Tư! em ở đâu thế này.
Bác Hy khẽ vỗ vào vai con gái an ủi: Ðừng sợ! Bố đây, con đã thoát nạn rồi. Duyên như người vừa ngủ mê tỉnh lại.
Tiếp theo tiếng nổ lớn, là những tiếng động ầm ì từ trong lòng núi phát ra. Kho tàng đã vĩnh viễn bị chôn vùi...
Bác Tu, chú Thu và những người thợ đi đến trước mặt hai ông Hy, Sinh nói lời cảm tạ, định chia tay để trở về quê quán. Ông Hy không nghe, lấy cớ ai cũng đã mệt, xin trở về nhà ông dưới chân núi kia nghỉ ngơi vài bữa cho lại sức rồi hẵng về.
Mọi người thấy ông Hy chân thành, nói đúng, vui vẻ nghe theo.
Ra chỗ hang dấu ngựa. Tất cả ngựa, xe, đồ dùng cho cuộc lữ hành vẫn nguyên ven. Họ đưa hai cô gái lên chiếc xe trước dành cho tên chủ kho tàng. Xe trang thiết bị tiên nghi đủ cho ba người... Mấy người đàn em của bác Tu tìm được trên xe còn nguyên cả thùng tiền vàng và nhiều đồ đạc quý gia, khênh ra... Bác Tu ngần ngừ, suy nghĩ, tiến tới trước mặt ông Hy, thi lễ, nói: Ða tạ thịnh tình của đại huynh. Nhưng có điều này tiểu đệ cần nói trước: Nhờ có hai huynh giúp đỡ, tính mạng của bọn tiểu đệ mới vẹn toàn... mới tiêu diệt được bọn ác nhân... bởi vậy toàn bộ tài sản của tên chủ kho tàng xin trao lại để đại huynh định đoạt.
Ông Hy nhìn ông Sinh.
Suy nghĩ một chút, ông Hy hiểu ra, đáp lễ, nói: Xin đại huynh đừng hiểu lầm hảo ý của bọn đệ. Mời các huynh đài ghé thăm tệ xá chỉ thuần túy để cám ơn các huynh đã giúp đệ cứu các cháu. Thực tình nếu không có đại huynh... các cháu không thể nào thoát nạn. Cho nên tài sản còn lại của bọn ác nhân... xin đại huynh gìn giữ bọn đệ không dám tham gia. Còn kho tàng này, chúng ta nên báo quan để chính quyền định đoạt.
- Không được! Không thể được - bác Tu phản đối kịch liệt - Nếu thế, để cho công bằng, tài sản này phải chia đôi, đại huynh sử dụng hay dùng để trợ cấp cho dân nghèo cũng tuy lòng. Nếu không, bọn đệ không dám nhận.
Ông Sinh cũng tham gia... ông Hy đành chấp thuận...
Thấy ông Hy khiêm nhường, ý kiến lại hợp tình lý... bác Tu và đàn em vui mừng nghe theo, về thăm ân nhân. Người phu được phân công ỡ lại lúc trước đã chờ sẵn. Cửa hang đã bị đóng lại như trước. Người phu kia kể lại: Khi nghe thấy tiếng động ầm ì, lúc đó tôi đứng sát cửa, linh tính báo cho biết có sự chẳng lành, tôi vội nhảy tót ra ngoài... lát sau, có một luồng hơi cực mạnh từ trong tống ra, tôi bị hất văng ra xa, ngất đi. Tỉnh lại, cửa hang tự đông đóng kín, mặc dầu cơ cấu đóng mở ở bên trong đã được tôi chèn kỹ theo lời dặn của Bác Tu.
- Chắc một hệ thống đặc biệt khác đã được gài sẵn vào cơ cấu phá hủy tổng thể. Khi hang bị nổ tung, cơ cấu này hoạt động, đã đóng bịt cửa hang lại - Bác Tu giải thích.
Mọi người lên đường.
Trước khi bước đi, Tư đưa mắt ngoái nhìn cửa hang lần cuối - hang đã không còn một tý dấu vết - để ghi nhớ lại giây phút kinh hoàng mới vừa sẩy ra cách đây không lâu.
Ðoàn người đi khỏi chân Núi thần...
Chiều buông chầm chậm.
Mặt trời dần khuất sau dải rừng cây...
Bóng tối ập đến.  

(Tên các diễn viên, những người thực hiện phim, trôi dần lên phía trên, tiếp theo là tên Hãng phim thực hiện, Năm sản xuất... cuối cùng ở giữa màn ảnh là chữ: HẾT PHIM)
Phỏng theo truyện cổ tích Việt Nam - Thần giữ của.

Viết xong 27/4/1997- Sửa lại 28/10/1999

Lê Xuân Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...